Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Yếu tố của thành công là cho dù đi từ thất bại này sang thất bại khác vẫn không đánh mất sự nhiệt tình. (Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.)Winston Churchill
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 20 - Phẩm HẠNH THANH TỊNH - Phẩm thứ tám – Phần sáu »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 20 - Phẩm HẠNH THANH TỊNH - Phẩm thứ tám – Phần sáu

(Lượt xem: 11.426)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 20 - Phẩm HẠNH THANH TỊNH - Phẩm thứ tám – Phần sáu

Bấy giờ, đức Thế Tôn đang ở chỗ hai cây sa-la mọc sóng đôi, thấy được việc vua A-xà-thế té nhào xuống đất bất tỉnh liền bảo đại chúng rằng: “Nay ta vì vua A-xà-thế mà sẽ trụ thế đến vô lượng kiếp, không nhập Niết-bàn.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Lai nên vì vô lượng chúng sanh mà không nhập Niết-bàn, sao lại chỉ riêng vì vua A-xà-thế?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong đại chúng này không một ai cho rằng ta nhất định sẽ nhập Niết-bàn; chỉ có vua A-xà-thế tin chắc rằng ta sẽ vĩnh viễn tịch diệt, nên mới té nhào xuống đất bất tỉnh.

“Thiện nam tử! Như lời ta nói: ‘Vì vua A-xà-thế mà không nhập Niết-bàn,’ ý nghĩa sâu kín như thế ông chưa thể hiểu nổi. Vì sao vậy? Ta nói ‘vì’, đó là vì hết thảy những kẻ phàm phu, [nghĩa là] vua A-xà-thế cùng với tất cả những ai phạm vào năm tội nghịch.

“Lại nữa, nói ‘vì’ tức là vì hết thảy chúng sanh hữu vi. Ta không bao giờ vì những chúng sanh vô vi mà trụ thế. Vì sao vậy? Vô vi chẳng phải là chúng sanh.

“Nói A-xà-thế là chỉ chung [tất cả] những người có đủ các loại phiền não. Lại nữa, nói ‘vì’ tức là vì những chúng sanh chưa thấy được tánh Phật. Nếu ai thấy được tánh Phật, ta không bao giờ vì họ mà ở lâu nơi thế gian. Vì sao vậy? Thấy được tánh Phật thì không còn là chúng sanh.

“Nói A-xà-thế cũng là nói hết thảy những ai chưa phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Lại nữa, nói ‘vì’ tức là vì hai chúng đệ tử của A-nan và Ca-diếp. Nói A-xà-thế đó cũng tức là chỉ chung hoàng hậu, cung phi mỹ nữ trong hậu cung vua A-xà-thế cùng với hết thảy phụ nữ trong thành Vương Xá.

“Lại nữa, nói ‘vì’ đó tức là tánh Phật; nói A-xà đó tức là không sanh; nói thế đó tức là oán thù. Vì không sanh tánh Phật nên oán thù là phiền não sanh ra; vì oán thù phiền não sanh ra nên không thấy tánh Phật. Nhờ không sanh phiền não nên chắc chắn thấy được tánh Phật; nhờ thấy được tánh Phật nên được trụ yên nơi Đại Niết-bàn. Đó gọi là không sanh. Vì thế nên ta nói là ‘vì A-xà-thế’.

“Thiện nam tử! Nói A-xà đó gọi là không sanh; nói không sanh gọi là Niết-bàn. Nói thế gọi là pháp thế gian. Nói ‘vì’ đó, gọi là không ô nhiễm. Vì tám pháp của thế gian không làm ô nhiễm được nên trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp không nhập Niết-bàn. Vì thế nên ta nói là ‘vì vua A-xà-thế mà trong vô lượng ức kiếp không nhập Niết-bàn’.

“Thiện nam tử! Lời nói sâu kín của Như Lai không thể nghĩ bàn. Phật, Pháp, Tăng cũng không thể nghĩ bàn. Bồ Tát ma-ha-tát cũng không thể nghĩ bàn. Kinh Đại Niết-bàn cũng không thể nghĩ bàn!”

Bấy giờ, bậc Đạo sư Đại bi Thế Tôn liền vì vua A-xà-thế mà nhập tam-muội Nguyệt Ái. Khi nhập tam-muội ấy rồi liền phóng ra hào quang chói sáng. Hào quang ấy trong sạch mát mẻ, chiếu đến chỗ thân vua, [khiến cho] những ghẻ độc liền được khỏi, hơi nóng tích tụ đều dứt sạch.

Vua tự biết ghẻ độc đã khỏi, thân thể sạch sẽ, mát mẻ, liền bảo Kỳ-bà: “Ta từng nghe nói rằng, khi kiếp số sắp tận sẽ ba mặt trăng cùng hiện ra. Trong lúc ấy, hoạn khổ của tất cả chúng sanh đều dứt hết. Nhưng nay thời kỳ ấy chưa đến, vậy hào quang này từ đâu chiếu ra mà khi chạm vào thân ta lại khiến cho nỗi khổ vì ghẻ độc lập tức dứt trừ, thân thể được an vui?”

Kỳ-bà tâu: “Đại vương! Đây chẳng phải lúc kiếp tận, ba mặt trăng cùng chiếu. Cũng chẳng phải ánh lửa, mặt trời, tinh tú, cỏ thuốc, hạt châu quý hay hào quang chư thiên.”

Vua lại hỏi: “Nếu hào quang này chẳng phải do ba mặt trăng cùng chiếu, cũng chẳng phải do ánh sáng của hạt châu quý... vậy là hào quang của ai?”

Kỳ-bà thưa: “Đại vương nên biết, đó là hào quang do đức Thiên Trung Thiên chiếu ra. Hào quang ấy không có nguồn gốc, không có giới hạn, không nóng, không lạnh, không phải thường, không phải diệt, không phải sắc, không phải vô sắc, không phải tướng, không phải vô tướng, không xanh, không vàng, không đỏ, không trắng... Vì muốn độ chúng sanh nên khiến cho chúng sanh có thể nhìn thấy được, có hình tướng để mô tả, có nguồn gốc, có giới hạn, có nóng, có lạnh, có xanh, vàng, đỏ, trắng... Đại vương! Hào quang ấy tuy là như vậy, nhưng thật không thể mô tả, không thể nhìn thấy, cho đến không có xanh, vàng, đỏ, trắng...”

Vua hỏi: “Kỳ-bà! Vì nhân duyên gì mà đức Thiên Trung Thiên phóng ra hào quang ấy?”

Kỳ-bà tâu: “Đại vương! Điềm lành hôm nay là vì đại vương đó. Trước đây đại vương có nói rằng thế gian không có vị lương y nào liệu trị được [bệnh khổ trong] thân tâm của ngài, nên [đức Phật] phóng hào quang này trước để trị lành thân thể, sau đó mới liệu trị trong tâm cho ngài.”

Vua lại hỏi: “Kỳ-bà! Như Lai Thế Tôn cũng biết được ý nghĩ ấy [của ta] sao?”

Kỳ-bà đáp: “Ví như một người có bảy đứa con. Trong bảy đứa con ấy, có một đứa mắc bệnh. Lòng cha mẹ không phải là không bình đẳng, nhưng đối với đứa con có bệnh ắt phải có phần đặt nặng hơn.

“Đại vương! Như Lai cũng thế, đối với chúng sanh ngài không phải là không bình đẳng. Nhưng đối với người có tội ắt phải thương tưởng đến nhiều hơn. Đối với những kẻ phóng túng buông thả, Phật sẽ đem lòng từ mà nhớ tưởng đến. Đối với người không phóng túng buông thả, lòng Phật ắt buông xả không lo. Những ai là không phóng túng buông thả? Đó là nói hàng Bồ Tát trụ ở sáu địa vị.

“Đại vương! Chư Phật Thế Tôn đối với chúng sanh không phân biệt chủng tộc, tuổi tác già, trẻ hoặc trung niên; nghèo khó hay giàu sang, cũng không phân biệt thời tiết, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, người khéo léo, kẻ hạ tiện, tôi trai, tớ gái... chỉ quán xét lòng lành của chúng sanh. Nếu ai có lòng lành, Phật đều đem lòng từ mà hộ niệm.

“Đại vương nên biết, điềm lành này là ánh hào quang Như Lai phóng ra trong khi nhập tam-muội Nguyệt ái.”

Vua hỏi: “Sao gọi là phép tam-muội Nguyệt ái?”

Kỳ-bà đáp: “Ví như ánh sáng mặt trăng có thể khiến cho tất cả hoa ưu-bát-la đều nở ra tươi sáng. Phép tam-muội Nguyệt ái cũng giống như vậy, có thể khiến cho căn lành của chúng sanh khai mở. Vì thế nên gọi là phép tam-muội Nguyệt ái.

“Đại vương! Ví như ánh sáng mặt trăng có thể khiến cho tất cả những người đi đường sanh lòng vui thích. Phép tam-muội Nguyệt ái cũng giống như vậy, có thể khiến cho những người tu tập tâm đạo Niết-bàn sanh lòng hoan hỷ. Vì thế nên gọi là phép tam-muội Nguyệt ái.

“Đại vương! Ví như mặt trăng từ đầu tháng cho đến đêm rằm, hình dáng và độ sáng cứ tăng dần. Phép tam-muội Nguyệt ái cũng giống như vậy, khiến cho căn lành của người mới phát tâm cứ dần dần tăng trưởng, cho đến được đầy đủ Đại Bát Niết-bàn. Vì thế nên gọi là phép tam-muội Nguyệt ái.

“Đại vương! Ví như mặt trăng từ sau đêm rằm cho đến cuối tháng, hình dáng và độ sáng cứ giảm dần. Phép tam-muội Nguyệt ái cũng giống như vậy, hào quang chiếu đến nơi nào thì khiến cho các phiền não dần dần diệt mất. Vì thế nên gọi là phép tam-muội Nguyệt ái.

“Đại vương! Ví như lúc thời tiết nóng nực, hết thảy chúng sanh thường nhớ đến ánh sáng mặt trăng. Khi ánh trăng chiếu sáng thì sự nóng nực liền dứt mất. Phép tam-muội Nguyệt ái cũng giống như vậy, có thể giúp cho chúng sanh trừ dứt sự khổ não nóng nảy do lòng tham dục.

“Đại vương! Ví như mặt trăng tròn là vua của các tinh tú, là món cam lộ mà tất cả chúng sanh ưa thích. Phép tam-muội Nguyệt ái cũng giống như vậy, là vua trong các điều lành, là món cam lộ mà tất cả chúng sanh ưa thích. Vì thế nên gọi là phép tam-muội Nguyệt ái.”

Vua A-xà-thế nói: “Trẫm nghe rằng Như Lai không cùng đi đứng, nằm ngồi, nói năng, trò chuyện với những kẻ xấu ác, cũng như biển lớn không giữ lại xác chết, như chim uyên ương không đậu nơi nhà xí, như Thích-đề-hoàn-nhân không ở chung với loài quỷ, như chim cưu-sí-la không đậu trên cây khô. Như Lai cũng thế, [không gần gũi những kẻ xấu ác]. Nay ta làm sao có thể đến gặp ngài? Ví như có được gặp rồi, thì thân ta đây há chẳng phải sắp đọa vào địa ngục đó sao? Ta thấy rằng đức Như Lai thà gần gũi với voi say, sư tử, cọp, sói, lửa dữ bừng bừng, chứ không bao giờ gần gũi những kẻ tội ác nặng nề. Nay ta nghĩ thế, còn lòng dạ nào đến đó gặp đức Như Lai?”

Kỳ-bà thưa: “Đại vương! Như người khát nước phải mau tìm đến suối nước trong, người đói cầu được thức ăn, người sợ hãi cầu cứu giúp, người bệnh cầu gặp lương y, người nóng nực cầu chỗ mát mẻ, người rét lạnh cầu được lửa ấm. Nay vua cầu Phật cũng nên cầu như vậy.

“Đại vương! Như Lai còn vì kẻ nhất-xiển-đề mà diễn giảng pháp yếu, huống chi đại vương chẳng phải nhất-xiển-đề, sao lại không mong được đức từ bi cứu độ?”

Vua nói: “Kỳ-bà! Ta từng nghe rằng, kẻ nhất-xiển-đề không có lòng tin, không chịu nghe, không chịu quan sát, không hiểu nghĩa lý. Vì sao Như Lai lại vì họ mà thuyết pháp?”

Kỳ-bà đáp: “Đại vương! Ví như có người mắc bệnh nặng, đêm nằm mộng thấy mình đi lên cung điện một cột, ăn những kem sữa, dầu, mỡ và dùng những chất ấy thoa lên thân mình, nằm lên tro, ăn tro, trèo lên cây khô; hoặc cùng đi chơi, cùng ngồi, nằm với loài khỉ; hoặc chìm xuống nước, ngập dưới bùn lầy; hoặc té từ trên lầu cao, núi cao; hoặc thấy rừng cây, voi, ngựa, bò, dê; hoặc thấy mặc áo xanh, vàng, đỏ, đen, cười đùa, ca múa; hoặc thấy các loài chim ó, chồn cáo, thấy răng rụng, tóc rụng, hình thể lõa lồ gối đầu trên mình chó, nằm trong phẩn dơ, lại cùng với những người đã chết đi, đứng, nằm, ngồi, nắm tay nhau ăn uống; hoặc thấy phải đi qua đường đầy rắn độc; hoặc thấy cùng với người đàn bà xõa tóc ôm ấp nhau, dùng lá cây đa-la làm quần áo; hoặc thấy cưỡi chiếc xe lừa hư hỏng mà đi về hướng nam...

“Người ấy nằm mộng như vậy rồi, sanh lòng sầu não. Vì sầu não nên thân bệnh càng tăng. Vì bệnh nặng thêm nên thân thuộc trong nhà bèn cho người đi mời lương y. Người được sai đi mời lương y có hình thể lùn thấp, các căn chẳng đủ, đầu tóc rối bời bám đầy bụi đất, mặc áo cũ rách, đi xe hư xấu, đến nơi nói với lương y rằng: ‘Ông mau mau lên xe!’

“Lúc ấy, lương y liền tự suy xét rằng: ‘Nay người đi mời ta tướng mạo không tốt đẹp, nên biết rằng bệnh nhân rất khó trị.’ Rồi lại xét rằng: ‘Cho dù người đi mời ta không được xinh đẹp, cũng nên xem qua ngày để biết có thể trị bệnh được hay chăng.’ Nếu rơi vào các ngày mồng bốn, mồng sáu, mồng tám, mười hai, mười bốn thì biết bệnh cũng khó trị. Rồi [lương y ấy] lại xét rằng: ‘Cho dù ngày chẳng được tốt, cũng nên xem thiên văn để biết có thể trị bệnh được chăng.’ Nếu xem rồi thấy rơi vào sao Hỏa, sao Khuê, sao Mão, sao Diêm-la vương, sao Thấp, sao Mãn, những sao như vậy thì bệnh cũng khó trị. Rồi [lương y ấy] lại xét rằng: ‘Cho dù xem sao chẳng được tốt, cũng nên xem qua thời tiết.’ Nếu rơi vào mùa thu, mùa đông, khi mặt trời lặn, lúc nửa đêm, khi trăng lặn, nên biết những lúc ấy bệnh cũng khó trị.

“Rồi [lương y ấy] lại nghĩ rằng: ‘Cho dù các tướng như thế đều chẳng tốt, nhưng có khi là đúng, cũng có khi là không đúng, ta nên đến xem qua người bệnh. Nếu có phước đức thì có thể trị được. Nếu không có phước đức thì điềm tốt cũng có ích gì?’ Nghĩ như vậy rồi liền cùng đi với người nhà bệnh nhân. Trên đường đi lại suy nghĩ rằng: ‘Nếu người bệnh kia có tướng trường thọ thì có thể trị được. Nếu là tướng đoản thọ, ắt không thể trị được.’ Ngay khi ấy trên đường đi bỗng thấy hai đứa trẻ đánh nhau, nắm đầu giật tóc, dùng gạch, đá, dao, gậy mà ném nhau, đánh nhau; lại thấy người cầm lửa, tự nhiên lửa tắt; hoặc thấy người đốn cây, hoặc thấy người kéo lê tấm da thú đi dọc theo đường, hoặc thấy vật rơi trên đường, hoặc thấy người cầm bồn chậu trống không, hoặc thấy thầy sa-môn đi một mình, không có người cùng đi; hoặc thấy cọp, sói, quạ, ó, chồn, cáo... Thấy những việc [xấu] ấy rồi, lại suy nghĩ rằng: ‘Từ người đi mời cho đến mọi hình tướng mà ta thấy trên đường, thảy đều là chẳng lành. Vậy nên biết chắc là khó trị được bệnh.’

“Rồi [lương y ấy] lại nghĩ rằng: ‘Nếu ta không đến thì chẳng phải lương y, nhưng dù có đến cũng không thể trị được.’ Rồi lại nghĩ rằng: ‘Tuy các tướng như vậy đều là chẳng lành, nhưng hãy tạm bỏ qua, cứ đến chỗ người bệnh trước đã.’ Nghĩ như vậy rồi, liền nghe thấy bên đường vang lên những tiếng như: mất mát, chết chôn, rơi nát, hư gãy, lột da, rớt té, đốt cháy, chẳng đến, không thể liệu trị, không thể cứu giúp... Lại nghe từ hướng nam có những tiếng kêu của quạ, ó, chim xá-lợi, hoặc tiếng chó sủa, chuột kêu, tiếng chồn, thỏ, heo... Nghe những tiếng ấy rồi, ông lại nghĩ: ‘Nên biết rằng bệnh ấy rất khó chữa trị.’

“Bấy giờ, lương y liền vào nhà, thấy bệnh nhân ấy khi lạnh khi nóng từng chặp, đau nhức từng lóng xương, mắt đỏ rơi lệ, tai nghe tiếng ngoài xa, yết hầu thắt lại và đau, lưỡi hư rách, nhan sắc đen sậm, không tự nhấc đầu lên nổi, thân thể khô héo không có mồ hôi, đại tiện, tiểu tiện đều ngăn bít chẳng thông. Thân thể sưng phù, có sắc hồng, đỏ khác thường. Giọng nói chẳng đều, khi to khi nhỏ. Khắp người nổi lên những mảng màu lẫn lộn xanh, vàng rất lạ. Bụng trướng đầy lên, lời nói không rõ nghĩa.

“Thấy như vậy rồi, lương y mới hỏi để đoán bệnh: ‘Người bệnh này từ trước đến nay ý chí thế nào?’ Đáp rằng: ‘Thưa thầy, người này từ trước vốn kính tin Tam bảo và chư thiên, nhưng nay thay đổi, lòng kính tín không còn nữa. Từ trước vốn thường vui vẻ bố thí, nhưng nay lại keo kiệt, bủn xỉn. Từ trước vốn ăn ít, nhưng nay lại ăn quá nhiều. Từ trước vốn hiền hòa, nhưng nay lại xấu ác. Từ trước vốn thương yêu, hiếu thuận, cung kính cha mẹ, nhưng nay đối với cha mẹ không có lòng cung kính.’

“Lương y nghe vậy rồi, liền đến trước người bệnh để ngửi xem có những mùi như mùi hương ưu-bát-la, mùi hương trầm thủy lẫn tạp, mùi hương tất-lăng-ca, mùi hương đa-già-la, mùi hương đa-ma-la-bạt, mùi hương uất-kim, mùi hương chiên-đàn, mùi hôi thịt nướng, mùi hôi rượu bồ đào, mùi hôi gân cốt bị đốt, mùi cá tanh, mùi phẩn thối... hay không. Khi đã biết được mùi của người bệnh rồi, liền đến sờ vào thân người bệnh để xem là mềm mại như lụa, như bông gòn, như hoa kiếp-bối-ta; hoặc cứng như đá, hoặc lạnh như băng, hoặc nóng như lửa, hoặc nhám như cát...

“Lúc ấy, lương y thấy biết hết mọi tướng trạng như vậy rồi, biết chắc là người bệnh sẽ chết, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng ông cũng không nói chắc rằng: ‘Người này sẽ chết.’ Ông chỉ nói với người nuôi bệnh rằng: ‘Nay tôi có việc gấp phải đi, ngày mai sẽ trở lại. Bệnh nhân có muốn gì xin cứ chiều ý, đừng ngăn cản.’ Rồi ông trở về nhà.

“Hôm sau, người nhà bệnh nhân đến đón, lương y nói rằng: ‘Công việc của tôi chưa xong, thuốc cũng chưa chế được.’ Người có trí nên biết rằng như vậy là bệnh nhân chắc chắn phải chết, không còn nghi ngờ gì nữa.

“Đại vương! Thế Tôn cũng như vậy. Đối với những kẻ nhất-xiển-đề, biết rõ căn tánh nhưng cũng vì họ mà thuyết pháp. Vì sao vậy? Nếu ngài không vì họ mà thuyết pháp thì hết thảy người thế gian đều sẽ nói rằng: ‘Như Lai không có lòng đại từ bi. Bởi có lòng từ bi nên mới được xưng là Bậc biết hết tất cả. Nếu không có lòng từ bi, sao được gọi là Bậc biết hết tất cả?’ Vì thế nên Như Lai vì những kẻ nhất-xiển-đề mà thuyết pháp.

“Đại vương! Như Lai Thế Tôn thấy những người bệnh thường ban cho món thuốc Chánh pháp. Nếu người bệnh không chịu uống, đó chẳng phải lỗi của Như Lai!

“Đại vương! Những kẻ nhất-xiển-đề phân ra hai hạng. Một là được căn lành trong hiện tại, hai là được căn lành vào đời sau. Như Lai khéo rõ biết những kẻ nhất-xiển-đề, nên có thể vì những người được căn lành trong hiện tại mà thuyết pháp. Đối với những người sẽ được căn lành vào đời sau ngài cũng thuyết pháp. Tuy hiện thời không ích lợi gì nhưng có thể gieo nhân cho đời sau. Vì thế nên Như Lai vì những người nhất-xiển-đề mà thuyết giảng những điều pháp yếu.

“Những kẻ nhất-xiển-đề lại còn phân ra hai hạng. Một là những người căn tánh lanh lợi, hai là những người căn tánh trung bình. Những người căn tánh lanh lợi, trong đời hiện tại có thể được căn lành. Những người căn tánh trung bình, đến đời sau ắt sẽ được căn lành. Chư Phật Thế Tôn không thuyết pháp một cách vô ích.

“Đại vương! Ví như có người sạch sẽ bị rơi xuống hố xí. Bậc tri thức hiền thiện thấy vậy thương xót liền lập tức đến nắm tóc người ấy kéo ra khỏi hố xí. Chư Phật Như Lai cũng giống như vậy, thấy chúng sanh đọa vào ba đường ác liền dùng phương tiện mà cứu giúp, khiến cho được ra khỏi. Cho nên đức Như Lai vì những kẻ nhất-xiển-đề mà thuyết pháp.”

Vua bảo Kỳ-bà: “Nếu quả đúng Như Lai là như vậy, ngày mai ta sẽ chọn ngày tốt giờ lành rồi mới đến gặp ngài.”

Kỳ-bà tâu rằng: “Đại vương! Trong giáo pháp của Như Lai không có sự lựa chọn ngày tốt giờ lành. Đại vương! Như người mang bệnh nặng còn chẳng xem ngày giờ, thời tiết lành dữ, chỉ cầu được lương y. Nay vua cũng mang bệnh nặng, cầu vị lương y là Phật, không nên lựa chọn ngày tốt giờ lành.

“Đại vương! Như lửa từ cây chiên-đàn và cây y-lan cũng đều có tính chất thiêu đốt, chẳng khác gì nhau. Ngày lành ngày dữ cũng là như vậy. Nếu tìm đến chỗ Phật thì dù là ngày nào cũng được dứt trừ tội lỗi. Xin đại vương ngay hôm nay hãy mau đến đó.”

Lúc ấy, vua liền cho gọi một viên quan tên là Cát Tường, bảo rằng: “Ông nên biết là nay ta muốn đi đến chỗ đức Phật Thế Tôn. Hãy mau chóng sắp đặt đầy đủ những phẩm vật cúng dường.”

Viên quan tâu rằng: “Đại vương! Lành thay, lành thay! Những phẩm vật cúng dường thảy đều đã có đủ.”

Vua A-xà-thế và phu nhân ngự giá ra đi, có mười hai ngàn cỗ xe theo hầu nghiêm trang, lại có đến năm mươi ngàn thớt voi lớn đẹp đi theo. Trên mỗi thớt voi đều có ba người ngồi, cầm những thứ phướn, lọng, hương, hoa, kỹ nhạc... Các phẩm vật cúng dường đầy đủ, không thiếu món gì. Quân cưỡi ngựa theo hầu có đến một trăm tám mươi ngàn. Nhân dân nước Ma-già-đà nhanh chóng tụ tập đi theo vua có đến năm trăm tám mươi ngàn người.

Lúc ấy, hết thảy đại chúng ở thành Câu-thi-na trong khoảng mười hai do-diên đều được trông thấy vua A-xà-thế từ xa cùng với quyến thuộc trên đường nhanh chóng đi về hướng Phật.

Bấy giờ, đức Phật bảo đại chúng rằng: “Nhân duyên gần gũi của hết thảy chúng sanh muốn cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề không gì hơn bạn tốt. Vì sao vậy? Vua A-xà-thế nếu chẳng nghe lời Kỳ-bà thì ngày mồng bảy tháng tới đây chắc chắn sẽ phải chết, đọa vào địa ngục A-tỳ. Vì thế, nhân duyên gần gũi không có gì hơn bạn tốt!”

Vua A-xà-thế trên đường đi lại nghe rằng: Vua Tỳ-lưu-ly ở Xá-bà-đề đi thuyền ra biển gặp nạn lửa mà chết; tỳ-kheo Cồ-ca-ly đang còn sống bị chìm sâu xuống đất đến tận địa ngục A-tỳ; Tu-na-sát-đa làm đủ mọi việc ác, nhờ đến chỗ Phật mà trừ diệt hết mọi tội lỗi.

“Nghe những việc ấy rồi, vua bảo Kỳ-bà: ‘Nay tuy ta nghe hai việc khác nhau ấy, nhưng chưa biết chắc là có đúng thật hay không. Kỳ-bà hãy đến đây, ta muốn cùng với khanh ngồi chung một thớt voi. Ví như ta có phải rơi xuống địa ngục A-tỳ, khanh hãy nắm giữ ta lại, đừng để ta rơi xuống. Vì sao vậy? Trước đây ta có nghe rằng người đắc đạo thì không phải vào địa ngục.’

Bấy giờ, đức Phật bảo đại chúng rằng: “Vua A-xà-thế vẫn còn tâm nghi. Nay ta sẽ vì vua ấy mà khiến cho sanh tâm quyết định.”

Lúc ấy, trong chúng hội có một vị Bồ Tát tên là Trì Nhất Thiết bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như trước đây Phật có dạy, hết thảy các pháp đều không có tướng nhất định, ấy là: sắc không có tướng nhất định, cho đến Niết-bàn cũng không có tướng nhất định. Tại sao hôm nay Như Lai nói là sẽ vì vua A-xà-thế mà làm cho sanh tâm quyết định?”

Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ta định làm cho vua A-xà-thế sanh tâm quyết định. Vì sao vậy? Nếu tâm nghi của vua có thể bị phá hoại thì nên biết rằng các pháp không có tướng cố định. Vì vậy nên ta vì vua A-xà-thế mà làm cho [ông ấy] sanh tâm quyết định. Nên biết rằng tâm ấy là không cố định.

“Thiện nam tử! Nếu tâm của vua ấy là cố định thì tội nghịch của vua làm sao có thể phá trừ? Bởi không có tướng cố định, nên tội của vua mới có thể phá trừ được. Vì vậy nên ta mới vì vua A-xà-thế mà làm cho sanh tâm quyết định.”

Bấy giờ, vua A-xà-thế đi đến chỗ hai cây sa-la mọc sóng đôi, đến tận chỗ Phật rồi chiêm ngưỡng Như Lai với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, như một tòa núi bằng vàng ròng đẹp đẽ mầu nhiệm.

Lúc ấy, đức Thế Tôn phát ra tiếng nói có tám loại âm thanh gọi rằng: “Đại vương!”

Vua A-xà-thế ngay khi đó liền quay nhìn hai bên, nghĩ rằng: “Trong đại chúng đây, có ai là đại vương? Ta đã là người đã phạm tội, lại không có phước đức, Như Lai hẳn không gọi ta là đại vương!”

Lúc ấy, Như Lai lại gọi một lần nữa: “Đại vương A-xà-thế!”

Vua nghe như vậy rồi hết sức vui sướng, liền nói rằng: “Hôm nay Như Lai đoái tưởng đến con mà trò chuyện, khiến con biết chắc rằng Như Lai đối với chúng sanh thật có lòng đại bi thương xót bình đẳng như nhau.”

Vua liền bạch Phật: “Thế Tôn! Nay tâm nghi của con đã dứt hẳn. Con biết chắc rằng Như Lai thật là bậc đại sư cao trổi hơn hết của tất cả chúng sanh.”

Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp nói với Bồ Tát Trì Nhất Thiết: “Như Lai đã khiến cho vua A-xà-thế có tâm quyết định.”

Bấy giờ, vua A-xà-thế bạch Phật: “Thế Tôn! Ví như con được đứng ngồi, ăn uống cùng với đấng Phạm vương, Thích-đề-hoàn-nhân, cũng không lấy làm vui sướng, nhưng được gặp đức Như Lai, được Như Lai gọi đến một tiếng, thật hết sức hân hoan vui sướng.”

Vua A-xà-thế khi đó liền đem những phướn, lọng, hoa, hương, kỹ nhạc... mang theo dâng lên cúng dường, lễ bái dưới chân Phật và đi nhiễu quanh ba vòng cung kính về bên phải. Lễ kính xong liền ngồi sang một bên.

Lúc ấy, Phật dạy vua A-xà-thế: “Đại vương! Nay ta vì ông mà nói ra chỗ cốt yếu của Chánh pháp. Ông hãy hết lòng lắng nghe cho kỹ, lắng nghe cho kỹ!

“Người phàm phu thường nên chú tâm quán xét thân mình có hai mươi việc:

1. Trong thân này vốn là trống không, không có các phiền não.

2. Trong thân này không có cội gốc của những căn lành.

3. Thân này đang ở trong sanh tử, chưa được điều thuận.

4. Thân này như rơi xuống hố sâu, không có nơi nào mà không đáng sợ.

5. Thân này biết dùng phương tiện gì để thấy được tánh Phật?

6. Thân này làm thế nào tu định để thấy được tánh Phật?

7. Thân này ở trong sanh tử thường chịu khổ, không có thường, ngã, tịnh.

8. Tám nạn là khó tu, nhưng thân này rất khó tránh xa [tám nạn ấy].

9. Thân này thường bị những kẻ oán thù truy đuổi.

10. Trong thân này không có pháp nào có thể ngăn được các pháp hiện hữu.

11. Thân này đối với ba đường ác còn chưa được giải thoát.

12. Thân này có đủ mọi thứ tà kiến xấu ác.

13. Thân này cũng chưa được tạo lập để có thể vượt qua năm nghịch.

14. Thân này ở trong vòng sanh tử không bờ bến chưa vượt qua được.

15. Thân này nếu không tạo các nghiệp thì không phải chịu quả báo.

16. Thân này tự làm tự chịu, không có việc mình làm mà người khác phải nhận chịu quả báo.

17. Thân này nếu chẳng gieo nhân an vui thì không bao giờ được quả an vui.

18. Thân này nếu có tạo nghiệp thì nghiệp quả ấy không bao giờ mất.

19. Thân này do vô minh mà sanh ra, cũng do vô minh mà diệt đi.

20. Thân này trước đây, hiện nay và mai sau thường phóng túng buông thả.

“Đại vương! Người phàm phu thường nên thực hành hai mươi phép quán như vậy đối với thân này. Quán xét như vậy rồi thì không còn ưa thích sanh tử. Không còn ưa thích sanh tử, ắt sẽ được hai phép chỉ và quán. Bấy giờ sẽ lần lượt quán các tướng sanh, trụ và diệt của tâm. Lần lượt quán các tướng sanh, trụ và diệt của tâm rồi lại quán các tướng của định, tuệ, tinh tấn, giới cũng giống như vậy. Quán các tướng sanh, trụ, diệt rồi thì rõ biết các tướng của tâm cho đến các tướng của giới. Bấy giờ sẽ không bao giờ làm các việc ác, không còn sợ chết, không sợ ba đường ác. Nếu không chú tâm quán sát hai mươi việc như vậy, trong lòng sẽ phóng túng buông thả, không điều ác nào không làm.”

Vua A-xà-thế thưa: “Theo như con hiểu nghĩa Phật vừa nói, từ trước đến nay con chưa từng quán sát hai mươi việc như vậy nên mới làm mọi việc ác. Vì làm mọi việc ác nên phải sợ chết, sợ ba đường ác.

“Thế Tôn! Tự con chuốc lấy tai ương, đã làm việc ác lớn lao như thế này: Cha con không có tội, con ngỗ nghịch giết hại. Nay đối với hai mươi việc ấy, dù có quán xét hay không thì cũng nhất định sẽ đọa vào địa ngục A-tỳ.”

Phật dạy: “Đại vương! Tánh và tướng của hết thảy các pháp đều là vô thường, không có sự nhất định. Vì sao vua lại nói rằng nhất định sẽ đọa vào địa ngục A-tỳ?”

Vua A-xà-thế bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu hết thảy các pháp đều không có tướng nhất định thì tội giết hại của con hẳn cũng là không nhất định. Nếu tội giết hại là nhất định thì hết thảy các pháp ắt chẳng phải là không nhất định.”

Phật dạy: “Đại vương! Lành thay, lành thay! Chư Phật Thế Tôn dạy rằng hết thảy các pháp đều không có tướng nhất định. Vua lại có thể biết rằng việc giết hại cũng là không nhất định. Vậy nên biết rằng việc giết hại không có tướng nhất định.

“Đại vương! Như lời vua vừa nói, vua cha không có tội nhưng ngài đã ngỗ nghịch giết hại. Vậy cha đó là gì? Chẳng qua là cái tên gọi giả tạo, chúng sanh đối với năm ấm mà hư vọng cho đó là cha. Trong mười hai nhập, mười tám giới, cái gì là cha? Nếu sắc là cha, thì bốn ấm kia lẽ ra không phải. Nếu bốn ấm kia là cha, thì sắc lẽ ra không phải. Nếu sắc và không phải sắc hợp lại là cha thì không có lý. Vì sao vậy? Vì tánh của sắc và không phải sắc không hợp lại.

“Đại vương! Chúng sanh phàm phu đối với sắc ấm lại hư vọng cho đó là cha! Cái sắc ấm như vậy cũng không thể bị giết hại. Vì sao vậy? Vì có mười loại sắc. Trong mười loại ấy, chỉ có một loại có thể nhìn thấy, có thể cầm nắm, có thể cân đong, có thể đo lường, có thể lôi kéo, buộc trói. Tuy có thể nhìn thấy... cho đến có thể buộc trói, nhưng tánh vốn chẳng trụ. Vì chẳng trụ nên không thể thấy, không thể cầm nắm, cân lường, lôi kéo, buộc trói. Tướng của sắc là như vậy, làm sao có thể giết hại? Nếu sắc là ‘cha’, là có thể giết, có thể hại, nhận chịu tội báo, thì chín thứ khác lẽ ra không phải. Vì chín thứ kia không phải, nên theo lẽ là không có tội.

“Đại vương! Có ba loại sắc: quá khứ, vị lai và hiện tại. [Sắc của] quá khứ và hiện tại không thể giết hại. Vì sao vậy? Quá khứ đã qua rồi, còn hiện tại trong từng khoảnh khắc luôn nối nhau diệt mất. Vì ngăn cản cái sắc tương lai [hiện hữu] nên gọi là giết. Một cái sắc như vậy, hoặc có thể giết hại, hoặc không thể giết hại. Không giết thì sắc ắt là không nhất định. Nếu cái sắc ấy là không nhất định, thì việc giết [hại nó] cũng không nhất định. Việc giết hại là không nhất định thì tội báo cũng không nhất định. Vì sao lại nói rằng nhất định phải vào địa ngục?

“Đại vương! Hết thảy những tội nghiệp chúng sanh gây ra có hai loại: một là nhẹ, hai là nặng. Nếu do nơi tâm ý và miệng gây ra thì gọi là nhẹ; nếu do nơi thân, miệng và tâm ý cùng gây ra thì gọi là nặng.

“Đại vương! Trong tâm ý suy nghĩ, miệng nói ra, nhưng thân không làm thì chịu tội báo nhẹ. Ngày trước, miệng của đại vương không ra lệnh giết, chỉ bảo chặt chân. Ví như đại vương có ra lệnh cho quan thị thần chém đứng vua cha, nhưng khi ngồi xuống mới chém thì cũng không có tội. Huống chi vua không ra lệnh, sao lại có tội?

“Nếu vua có tội thì chư Phật Thế Tôn lẽ ra cũng phải có tội. Vì sao vậy? Tiên vương Tần-bà-sa-la trước đây thường đối trước chư Phật gieo trồng các căn lành, nên ngày nay mới được ở ngôi vua. Nếu chư Phật không nhận sự cúng dường thì ông ấy đã không được làm vua. Nếu không được làm vua thì đại vương không thể vì muốn trị nước mà giết hại ông ấy. Nếu nay vua giết cha mà có tội, thì chư Phật Thế Tôn theo lẽ cũng phải có tội! Nếu chư Phật Thế Tôn không có tội, vì sao chỉ riêng một mình vua có tội?

“Đại vương! [Trong một tiền kiếp] xưa kia, Tần-bà-sa-la vốn có lòng ác, một hôm đi săn hươu ở núi Tỳ-phú-la, đi đã khắp vùng rừng núi mà không săn được con nào, chỉ gặp một vị tiên đã đạt được năm phép thần thông. Khi gặp vị tiên ấy rồi, Tần-bà-sa-la sanh lòng giận tức, độc ác, nghĩ rằng: ‘Ta đi săn khắp nơi mà chẳng được con mồi nào, chính là do người này đã đuổi thú đi hết.’ Liền ra lệnh cho kẻ tả hữu giết chết vị tiên. Người ấy lúc lâm chung sanh lòng giận tức độc ác, mất hết phép thần thông, phát lời thề rằng: ‘Ta thật không có tội mà ông dùng tâm ý và miệng ngang ngược giết hại ta. Trong tương lai ta cũng sẽ làm như ông, cũng sẽ dùng tâm ý và miệng mà giết hại ông.’

“Bấy giờ, vua Tần-bà-sa-la nghe như vậy rồi sanh lòng hối hận, liền cúng dường xác người đã chết. Tiên vương làm như vậy còn được chịu tội nhẹ, không đọa địa ngục, huống chi đại vương nay chẳng như thế, lại đáng đọa địa ngục chịu quả báo sao? Tiên vương tự làm, trở lại tự chịu, vì sao lại khiến cho đại vương phải chịu tội giết hại?

“Theo như lời vua nói là vua cha không có tội. Đại vương! Sao lại nói rằng không? Phàm người có tội, tức có tội báo; người không tạo nghiệp ác, ắt không có tội báo. Tiên vương cha của ngài nếu không có tội, vì sao có quả báo? Tần-bà-sa-la ngay trong đời này có cả quả báo thiện và quả báo ác. Cho nên tiên vương cũng là không nhất định. Vì tiên vương không nhất định nên việc giết hại cũng không nhất định. Việc giết hại đã là không nhất định, vì sao lại nói rằng nhất định vào địa ngục?

“Đại vương! Chúng sanh điên cuồng mê hoặc có bốn loại: một là điên cuồng vì tham lam, hai là điên cuồng vì thuốc độc, ba là điên cuồng vì chú thuật, bốn là điên cuồng vì nghiệp duyên từ trước.

“Đại vương! Trong các đệ tử của ta cũng có bốn loại điên cuồng ấy. Tuy họ làm nhiều việc ác, nhưng ta không bao giờ nói rằng những người này phạm giới. Những việc làm của họ không đưa họ đến ba đường ác. Nếu họ dứt điên cuồng, được sáng suốt trở lại, cũng không nói rằng họ đã phạm tội. Đại vương vì tham quyền trị nước nên ngỗ nghịch giết hại vua cha. Đó là điên cuồng vì tham lam mà làm như vậy, sao lại có tội?

“Đại vương! Ví như người say rượu, ngỗ nghịch giết hại mẹ mình. Đến khi tỉnh rượu rồi, sanh lòng hối hận. Nên biết rằng nghiệp như vậy cũng không có quả báo. Vua ngày nay là trong cơn say bởi lòng tham, chẳng phải tự bản tâm muốn làm. Nếu chẳng phải bản tâm làm, sao lại có tội?

“Đại vương! Ví như người làm ảo thuật, đứng ở ngã tư đường tạo ra các hình ảo hóa như nam, nữ, voi, ngựa, xâu chuỗi, y phục... Kẻ ngu si cho đó là thật, người có trí biết là chẳng phải thật. Việc giết hại cũng như thế. Người phàm phu cho là thật, chư Phật Thế Tôn biết rằng đó chẳng phải thật.

“Đại vương! Ví như trong khe núi có tiếng vang. Kẻ ngu si cho đó là tiếng thật, người có trí biết rằng đó chẳng phải tiếng thật. Việc giết hại cũng vậy, kẻ phàm phu cho là thật, chư Phật Thế Tôn biết rằng đó chẳng phải thật.

“Đại vương! Như người có thù oán nên giả vờ đến thân cận. Kẻ ngu si cho đó thật là thân, người có trí thấu rõ mới biết rằng đó là dối trá. Việc giết hại cũng vậy, kẻ phàm phu cho là thật, chư Phật Thế Tôn biết rằng đó chẳng phải thật.

“Đại vương! Ví như người cầm gương soi tự thấy được hình tượng khuôn mặt mình. Kẻ ngu si cho đó là khuôn mặt thật, người có trí thấu rõ, biết đó chẳng phải thật. Việc giết hại cũng vậy, kẻ phàm phu cho là thật, chư Phật Thế Tôn biết rằng đó chẳng phải thật.

“Đại vương! Ví như khi nắng nóng có hơi nóng bốc lên lung linh. Kẻ ngu si cho đó là nước, người có trí thấu rõ, biết rằng đó chẳng phải nước. Việc giết hại cũng vậy, kẻ phàm phu cho là thật, chư Phật Thế Tôn biết rằng đó chẳng phải thật.

“Đại vương! Ví như thành quách của loài càn-thát-bà tạo ra, kẻ ngu si cho đó là thật, người có trí thấu rõ, biết rằng đó chẳng phải thật. Việc giết hại cũng vậy, kẻ phàm phu cho là thật, chư Phật Thế Tôn biết rằng đó chẳng phải thật.

“Đại vương! Như người nằm mộng thấy được thọ hưởng năm món dục lạc. Kẻ ngu si cho đó là thật, người có trí thấu rõ, biết rằng đó chẳng phải thật. Việc giết hại cũng vậy, kẻ phàm phu cho là thật, chư Phật Thế Tôn biết rằng đó chẳng phải thật.

“Đại vương! Về pháp giết hại, nghiệp giết hại, người giết hại, quả báo giết hại cùng với sự giải thoát ta đều rõ biết, ắt là không có tội. Đại vương tuy biết việc giết hại nhưng làm sao lại có tội?

“Đại vương! Ví như người chủ tiệm rượu, nếu như không uống rượu ắt không thể say. Như người tuy biết về lửa nhưng không [vì thế mà] bị đốt cháy. Đại vương cũng như thế, tuy có biết việc giết hại nhưng làm sao lại có tội?

“Đại vương! Có những chúng sanh khi mặt trời mọc thì làm đủ mọi tội lỗi, khi trăng mọc lại đi ăn trộm. Nếu mặt trời, mặt trăng không mọc thì họ không tạo tội. Tuy là nhân nơi mặt trời, mặt trăng mà họ tạo tội, nhưng mặt trời, mặt trăng thật không có tội. Việc giết hại cũng như thế, tuy nhân nơi nhà vua mà có, nhưng vua thật không có tội.

“Đại vương! Như ở trong cung, vua thường sai làm thịt dê, nhưng trong lòng không hề sợ sệt, vì sao riêng đối với chuyện giết vua cha lại sanh lòng sợ sệt? Tuy giữa con người và súc vật có chỗ cao quý và hèn kém khác nhau, nhưng chỗ tham sống sợ chết thì hai bên đều không khác. Vì sao đối với dê lại xem nhẹ không sợ, còn đối với vua cha lại nặng lòng lo âu, buồn khổ?

“Đại vương! Người thế gian làm tôi tớ cho luyến ái nên không được tự do tùy ý. Do luyến ái sai khiến nên làm chuyện giết hại. Nếu như có quả báo, đó chính là tội của luyến ái. Đại vương không được tự do tùy ý, há có lỗi gì sao?

“Đại vương! Ví như Niết-bàn, chẳng phải có, chẳng phải không, nhưng cũng là có. Việc giết hại cũng vậy, tuy chẳng phải có, chẳng phải không, nhưng cũng là có. Với người biết hổ thẹn ắt là chẳng phải có, với người không biết hổ thẹn ắt là chẳng phải không. Với người chịu quả báo thì gọi là có. Với người chấp không ắt là chẳng phải có. Với người chấp có, ắt là chẳng phải không. Người có chấp có cũng gọi là có. Vì sao vậy? Người có chấp có thì có quả báo, người không chấp có thì không có quả báo. Với người chấp thường ắt là chẳng phải có, với người chấp vô thường ắt là chẳng phải không. Với người thường giữ thường kiến thì chẳng phải không. Vì sao vậy? Vì người thường giữ thường kiến thì có nghiệp quả ác. Cho nên với người thường giữ thường kiến thì chẳng phải không. Vì những nghĩa ấy, tuy chẳng phải có, chẳng phải không, nhưng cũng là có.

“Đại vương! Nói chúng sanh đó là những hơi thở ra vào, dứt mất hơi thở ra vào thì gọi là giết hại. Chư Phật vì tùy theo người thế gian nên cũng nói là có sự giết hại.

“Đại vương! Sắc là vô thường, nhân duyên của sắc cũng là vô thường. Do nơi nhân vô thường mà sanh ra thì sắc làm sao là thường được? Cho đến thức cũng là vô thường, nhân duyên của thức cũng là vô thường. Do nơi nhân vô thường mà sanh ra thì thức làm sao là thường được? Vì là vô thường cho nên khổ, vì khổ cho nên là không, vì là không cho nên vô ngã. Nếu là vô thường, khổ, không, vô ngã, làm sao có chỗ [gọi là] giết hại?

“Người giết mất vô thường thì được Niết-bàn thường tồn; giết mất khổ thì được vui; giết mất pháp không thì được pháp thật; giết mất vô ngã thì được chân ngã. Nếu đại vương giết mất vô thường, khổ, không, vô ngã, ắt cũng sánh bằng như ta. Ta cũng giết mất vô thường, khổ, không, vô ngã nhưng không vào địa ngục, sao đại vương lại phải vào?”

Lúc ấy, vua A-xà-thế theo lời Phật dạy mà quán xét từ sắc cho đến thức. Sau khi quán xét rồi, liền bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay con mới biết rằng sắc là vô thường, cho đến thức cũng là vô thường. Trước đây nếu con biết được như vậy, ắt đã không tạo tội.

“Bạch Thế Tôn! Trước đây con có nghe rằng, chư Phật Thế Tôn thường vì chúng sanh mà làm bậc cha mẹ. Tuy nghe như vậy nhưng con chưa biết có đúng thật hay không. Nay con đã biết chắc đúng là như vậy!

“Thế Tôn! Con cũng từng nghe rằng, núi chúa Tu-di do bốn món báu hợp thành, ấy là: vàng, bạc, lưu ly và pha lê. Nếu có các loài chim tụ tập về đó thì cũng sẽ có cùng màu sắc như bốn món báu. Tuy nghe như vậy nhưng con chưa biết là có đúng hay không. Nay con đến chỗ Phật cũng như núi chúa Tu-di, liền có cùng một màu sắc với Phật. Vì cùng màu sắc nên biết được rằng các pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã.

“Thế Tôn! Con thấy trong thế gian, hạt y-lan sanh ra cây y-lan, không thấy có hạt y-lan nào sanh ra cây chiên-đàn. Nay con mới thấy được hạt y-lan sanh ra cây chiên-đàn. Hạt y-lan tức là thân con đây, mà cây chiên-đàn tức là tâm con, [trước đây] không có cội rễ của lòng tin. Nói không có cội rễ là vì [trước đây] con không biết cung kính Như Lai, không tin Chánh pháp, Chư tăng. Như vậy gọi là không có cội rễ [của lòng tin].

“Bạch Thế Tôn ! Nếu con không gặp Như Lai Thế Tôn thì trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp ắt phải đọa vào địa ngục lớn, chịu vô số sự khổ não. Nay con được gặp Phật, nhờ công đức của việc gặp Phật mà phá tan được hết thảy những phiền não do tâm xấu ác của chúng sanh gây ra.”

Phật dạy: “Đại vương! Lành thay, lành thay! Nay ta biết rằng vua có thể phá tan được tâm xấu ác của chúng sanh.”

Vua A-xà-thế thưa: “Bạch Thế Tôn! Nếu con thật có thể phá tan được các tâm xấu ác của chúng sanh, thì dù con có thường ở tại địa ngục A-tỳ trong vô lượng kiếp, vì chúng sanh mà chịu khổ não lớn cũng không cho đó là khổ.”

Lúc ấy, trong nước Ma-già-đà có vô số nhân dân đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì có vô số nhân dân phát tâm lớn lao như thế, nên tội nặng của vua A-xà-thế liền trở nên nhẹ. Vua và phu nhân cùng với những thể nữ ở hậu cung thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Lúc ấy, vua A-xà-thế bảo Kỳ-bà: “Nay ta chưa chết mà đã được thân cõi trời, buông bỏ mạng sống ngắn ngủi mà được đời sống lâu dài, buông bỏ cái thân vô thường mà được cái thân thường còn. Ta giúp cho chúng sanh phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đó là được thân cõi trời. Mạng sống lâu dài và cái thân thường còn tức là được làm đệ tử của hết thảy chư Phật.”

Vua nói như vậy rồi, liền đem các món cờ quý, phướn, lọng, hương, hoa, vòng chuỗi, kỹ nhạc tốt đẹp mà dâng lên cúng dường Phật, rồi đọc kệ tán thán rằng:

Lời chân thật, mầu nhiệm,
Khéo léo ở nghĩa câu,
Tạng vô cùng sâu kín,
Vì đại chúng nói rõ.
Biết bao lời rộng nghĩa,
Vì đại chúng lược bày.
Đầy đủ lời như thế,
Khéo chữa trị chúng sanh.
Nếu có chúng sanh nào,
Được nghe lời như thế,
Hoặc tin, hoặc không tin,
Cũng biết chắc lời Phật.
Phật dùng lời êm ái,
Vì chúng nên nặng lời.
Nặng lời hay êm ái,
Cũng đều nói nghĩa thật.
Vì thế nay con xin,
Quy y đức Thế Tôn.
Lời Phật đồng một vị,
Như nước trong biển lớn,
Gọi là nghĩa chân thật,
Nên không lời vô nghĩa.
Nay Như Lai giảng thuyết
Vô lượng, đủ mọi pháp,
Dù nam nữ, già trẻ,
Nghe rồi hiểu nghĩa thật,
Không nhân cũng không quả,
Không sanh và không diệt,
Đó là đại Niết-bàn,
Nghe rồi trừ phiền não.
Như Lai vì tất cả,
Thường làm bậc cha mẹ.
Nên biết các chúng sanh,
Đều là con Như Lai.
Thế Tôn đại từ bi,
Vì chúng mà khổ hạnh.
Như người vướng quỉ mỵ,
Làm nhiều việc cuồng loạn;
Nay con được gặp Phật,
Ba nghiệp đều được lành.
Nguyện đem công đức này,
Hướng về đạo vô thượng.
Nay con xin cúng dường,
Phật, Pháp và Chúng tăng,
Nguyện nhờ công đức ấy,
Tam bảo thường tại thế.
Hết thảy mọi công đức,
Mà nay con sẽ được,
Nguyện dùng để phá tan,
Bốn ma của chúng sanh.
Con gặp phải bạn ác,
Nên tạo tội ba đời.
Nay sám hối trước Phật,
Nguyện từ nay không phạm.
Nguyện hết thảy chúng sanh,
Đều phát tâm Bồ-đề;
Thường chú tâm nghĩ nhớ,
Chư Phật khắp mười phương.
Lại nguyện cho chúng sanh
Dứt hẳn mọi phiền não,
Thấy rõ được tánh Phật,
Như Bồ Tát Diệu Đức.

Lúc ấy, Phật khen ngợi vua A-xà-thế rằng: “Lành thay, lành thay! Nếu người nào có thể phát tâm Bồ-đề, nên biết rằng người ấy là sự trang nghiêm cho đại chúng của chư Phật.

“Thuở xưa đại vương đã từng đối trước Phật Tỳ-bà-thi lần đầu phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Trong quãng thời gian từ đó cho đến khi ta ra đời hôm nay, đại vương chưa từng phải đọa vào địa ngục chịu khổ. Đại vương nên biết, chỉ có tâm Bồ-đề mới có được quả báo vô lượng như vậy. Từ nay trở đi đại vương thường nên tinh tấn tu tâm Bồ-đề. Vì sao vậy? Nhờ nhân duyên ấy sẽ tiêu diệt được vô số những điều xấu ác.”

Lúc ấy, vua A-xà-thế và nhân dân cả nước Ma-già-đà cùng đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đi quanh Phật ba vòng cung kính, rồi vua từ biệt trở về cung.

Về hạnh Chư thiên thì như trong kinh Tạp hoa đã giảng nói.

PHẨM HẠNH ANH NHI
Phẩm thứ chín


“Thiện nam tử! Vì sao gọi là hạnh Anh nhi?

“Thiện nam tử! Không thể khởi dậy, không thể trụ yên, không thể đến, không thể đi, không thể nói năng, đó gọi là trẻ thơ.

“Như Lai cũng như thế. Nói không thể khởi dậy, đó là Như Lai chẳng bao giờ khởi dậy các tướng của pháp. Nói không thể trụ yên, đó là Như Lai không vướng mắc hết thảy các pháp. Nói không thể đến, đó là Như Lai tuy thân có đi nhưng không hề có sự dao động. Nói không thể đi, đó là Như Lai đã đến [và trụ yên] nơi Đại Bát Niết-bàn. Nói không thể nói năng, đó là Như Lai tuy vì hết thảy chúng sanh mà diễn thuyết các pháp nhưng thật không có chỗ thuyết giảng.

“Vì sao vậy? Nếu có chỗ thuyết giảng thì gọi là pháp hữu vi. Như Lai Thế Tôn chẳng phải hữu vi, nên không có chỗ thuyết giảng. Lại nữa, không nói năng đó cũng như đứa trẻ thơ chưa rõ biết ngôn ngữ, tuy có nói nhưng thật cũng không nói. Như Lai cũng như thế. Chưa rõ biết ngôn ngữ, tức là lời sâu kín của chư Phật, tuy có chỗ nói ra nhưng chúng sanh không hiểu được nên gọi là không nói.

“Lại nữa, trẻ thơ gọi tên vật không chuẩn nhất, chưa biết đúng tên. Tuy gọi tên vật không chuẩn nhất, chưa biết đúng tên, nhưng vẫn nhờ đó mà hiểu biết được vật. Như Lai cũng như thế. Hết thảy chúng sanh ở các địa phương, chủng tộc khác nhau, lời nói khác nhau. Như Lai phương tiện, tùy theo mỗi chúng sanh mà thuyết giảng khác nhau, nhưng cũng khiến cho hết thảy chúng sanh đều nhờ sự thuyết giảng đó mà hiểu được.

“Lại nữa, trẻ thơ có thể nói được những âm chính. Như Lai cũng thế, nói ra những âm chính, như âm bà, âm hòa. Nói hòa tức là hữu vi, nói bà tức là vô vi. Đó gọi là như trẻ thơ. Nói hòa gọi là vô thường, nói bà gọi là hữu thường. Như Lai nói thường, chúng sanh nghe rồi liền vì pháp thường mà trừ bỏ vô thường. Đó gọi là hạnh Anh nhi.

“Lại nữa, trẻ thơ không biết phân biệt khổ, vui, ngày, đêm, cha, mẹ... Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, vì chúng sanh mà không biết khổ vui, không nghĩ đến đêm ngày. Lòng bình đẳng đối với chúng sanh nên không có các tướng như cha, mẹ, kẻ thân, người sơ...

“Lại nữa, trẻ thơ không thể làm ra mọi việc lớn nhỏ. Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy; không tạo nghiệp sanh tử, gọi là không làm ra việc lớn. Việc lớn đó, tức là năm tội nghịch. Bồ Tát ma-ha-tát không bao giờ làm năm tội nghịch nặng nề. Việc nhỏ đó, tức là tâm Nhị thừa. Bồ Tát không bao giờ suy mất tâm Bồ-đề mà hướng theo các thừa Thanh văn, Phật Bích-chi.

“Lại nữa, hạnh Anh nhi đó, ví như đứa trẻ thơ kia đang khi kêu khóc, cha mẹ liền lấy chiếc lá cây dương màu vàng đưa cho mà nói rằng: ‘Đừng khóc, đừng khóc! Ta cho con vàng đây.’ Đứa trẻ nhìn thấy tưởng là vàng thật, liền thôi khóc. Nhưng lá cây dương thật chẳng phải vàng. Cho đến trẻ thơ nhìn thấy con bò gỗ, ngựa gỗ, búp bê [có hình] con trai, con gái... cũng đều tưởng đó là bò, ngựa, con trai, con gái... liền nín khóc. Thật không phải là con trai, con gái... mà sanh ra những ý tưởng cho đó là con trai, con gái... Như vậy nên gọi là trẻ thơ.

“Như Lai cũng vậy. Nếu có chúng sanh muốn làm những việc ác, Như Lai bèn vì họ mà nói rằng cõi trời Ba mươi ba là thường, lạc, ngã, tịnh, đoan chánh, được tùy ý phóng túng, cư trú trong cung điện xinh đẹp, hưởng thụ năm món dục lạc, chỗ tiếp xúc của sáu căn không gì là không vui thích. Chúng sanh nghe rằng có những sự vui thích như vậy, trong lòng ham muốn liền thôi không làm việc ác, siêng làm các nghiệp lành để được sanh lên cõi trời Ba mươi ba. Nhưng thật ra thì ở đó cũng là nằm trong vòng sanh tử, không có thường, lạc, ngã, tịnh; vì cứu độ chúng sanh nên Phật dùng phương tiện mà nói là có thường, lạc, ngã, tịnh.

“Lại nữa, nói trẻ thơ đó là nếu có chúng sanh chán sợ sanh tử, Như Lai liền vì họ mà giảng thuyết về Hai thừa. Nhưng thật ra không có lẽ chân thật trong Hai thừa. Tuy thế, nhờ vào Hai thừa mà chúng sanh rõ biết được những tội lỗi trong sanh tử, thấy được sự vui Niết-bàn. Nhờ thấy biết như vậy nên có thể tự phân biệt sự dứt mất, không dứt mất; chân thật, không chân thật; có tu tập, không tu tập; có chứng đắc, không chứng đắc.

“Thiện nam tử! Như đứa trẻ thơ kia, đối với vật không phải là vàng lại tưởng là vàng. Như Lai cũng như vậy, đối với sự bất tịnh mà thuyết dạy là thanh tịnh, nhưng vì Như Lai đã rõ biết nghĩa chân thật rốt ráo nên [thuyết dạy như vậy mà] không phải là hư dối.

“Như đứa trẻ thơ kia, tuy không phải là bò, ngựa... lại tưởng là bò, ngựa... Nếu có chúng sanh nào ở nơi không phải đạo mà tưởng là đạo chân thật, Như Lai cũng thuyết dạy rằng chỗ không phải đạo đó là đạo. Nhưng ở nơi không phải đạo thì thật không có đạo! Chỉ vì [thuyết dạy như thế] có thể làm sanh ra nhân duyên rất nhỏ của đạo, nên không phải đạo mà nói đó là đạo.

“Như đứa trẻ thơ kia, ở nơi những búp bê con trai, con gái mà tưởng là con trai, con gái. Như Lai cũng như vậy, tuy rõ biết không phải chúng sanh mà nói chỗ lầm tưởng là chúng sanh; nhưng thật không có tướng chúng sanh. Nếu Phật Như Lai nói rằng không có chúng sanh, hết thảy chúng sanh ắt phải rơi vào tà kiến. Vì thế nên Như Lai nói là có chúng sanh. Người nào ở trong chỗ chúng sanh mà cho rằng đó là chúng sanh thì không thể phá trừ được tướng chúng sanh. Nếu ở trong chỗ chúng sanh mà phá trừ được tướng chúng sanh thì có thể được Đại Bát Niết-bàn. Vì được Đại Bát Niết-bàn như vậy nên thôi không còn kêu khóc [như trẻ thơ]. Đó gọi là hạnh Anh nhi.

“Thiện nam tử! Nếu có kẻ nam, người nữ thọ trì, đọc tụng, sao chép, giảng thuyết năm hạnh này, nên biết rằng người ấy nhất định sẽ đạt được năm hạnh như vậy.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Theo con hiểu nghĩa Phật vừa thuyết dạy thì con đây chắc chắn cũng sẽ được năm hạnh này.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Không riêng gì ông được năm hạnh này, mà hôm nay trong chúng hội đây còn có chín trăm ba mươi ngàn người cũng đạt được năm hạnh giống như ông.”

Chapter Twenty-Five: On Pure Actions

Then, the World-Honoured One saw, from where he was between the twin sal trees, Ajatasatru swoon and fall to the ground, and he said to those present: "I shall, for the sake of Ajatasatru, live, and I shall not enter Nirvana for innumerable kalpas." Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! The Tathagata will not enter Nirvana, for the sake of innumerable people. Why is it that you especially will not for the sake of Ajatasatru?" The Buddha said: " O good man! There is not one person amongst those here who will say: " I shall definitely enter Nirvana." Ajatasatru will say that he will assuredly suffer eternal death. So he swoons and throws himself upon the ground. O good man! I say that I shall not enter Nirvana for the sake of Ajatasatru. Such undisclosed teaching will be hard for you to understand. Why? I say " for the sake of" . This refers to all beings. " Ajatasatru" refers to all those who have committed the five deadly sins. Also, " for the sake of" refers to all those beings of created existence. I do not exist in the world for the non-create. Why? Now, "non-create" is no beings. Ajatasatru is one with inner defilement Also, " for the sake of" refers to the beings who see the Buddha-Nature. If the Buddha-Nature is seen, I shall not stay long in the world. Why not? One who sees the Buddha-Nature is no being. "Ajatasatru" refers to all those who have not yet aspired to unsurpassed Enlightenment. Also, " for the sake of" refers to the two, Ananda and Kasyapa; " Ajatasatru" refers to Ajatasatru's royal consort and also to all the females of the castle of Rajagriha. Also, " for the sake of" is none but the Buddha-Nature.

"Aja” means "not born"; “se” means "vengeance". When the Buddha-Nature is born, there comes about the vengeance of defilement. When there is the vengeance of defilement, one does not see the Buddha-Nature. When no defilement is born, one sees the Buddha-Nature. When one sees the Buddha-Nature, one can abide peacefully in Great Nirvana. This is " not born". That is why we say "for the sake of Ajatasatru". O good man! "Aja" means "not born"; "not born" refers to Nirvana. "Se" refers to "worldly dharma"; "for" refers to "not spoiled". Not spoiled by the world's eight things, I do not enter Nirvana for innumerable, boundless asamkhyas of kalpas. Thus I say that I do not enter Nirvana for the sake of Ajatasatru. O good man! The undisclosed word of the Tathagata is inconceivable. Also, the Buddha-Dharma and Sangha cannot be conceived. The Buddha-Nature, too, is inconceivable, and the Great Nirvana Sutra is inconceivable."

Then, the World-Honoured One, the All-Compassionate One and Guide, entered into moonlight samadhi for the sake of Ajatasatru. On his having entered this samadhi, a great light issued forth. The light was pure and cool, and it went to the king and shone upon his body. The boils on his body healed up, and the choking pains died out. Relieved of the pain of the boils and feeling pure and cool in body, the king said to Jivaka: "Once, I heard people say that when the kalpa is about to end, three moons appear at the same time. At that time, the sufferings of beings are all done away with. That time has not yet come. Where does this light come from? It shines on me and touches me; it cures all my boils, and my body feels at peace." Jivaka answered: "It is not that the kalpa is ending and the three mons are appearing and shining. This is also not the light of Mars, the sun, or the constellations, or a medicinal herb, a mani [jewel], or the light of heaven."

The king further asked: "If this is not the light of the three moons, or of the mani, then what light is it?" "O great King! This is the light of the god of gods. This light has no root; it is boundless. It is not hot, not cold, not eternal; it does not die; it is not matter, not non-matter; it has no outer expression; nor is it non-phenomenal; it is not blue, not yellow, not red, and not white. It is seen only where there is a desire to save. It has its characteristics and can be explained. It has a root, boundary, heat, cold, blue, yellow, red, and white. O great King! Though this light has such aspects of phenomena, it is not possible to explain it. It cannot be seen; nor is there the blue, yellow, red, or white."

The king said: "O Jivaka! Why does the god of gods send forth this light?" Jivaka answered: "Now, this auspicious scene is for you, great King. O King! You said just now that there was no good doctor in the world who could cure your body and mind. For this reason, this light has first been sent forth. It first cures your body, and then your mind."

The king said: "O Jivaka! Does not the Tathagata-World-Honoured One think of us?" Jivaka replied: "As an example: a person has seven sons. One of the seven is ill. It is not that the mind of the father and mother is not all-equal, but their mind inclines towards the one who is sick. O great King! It is the same with the Tathagata. He is not partial, and yet his mind is heavy at [the sight of] one who is sinful. Compassion works upon him who is indolent, and his mind is released from him who is not indolent. Who is non-indolent? This refers to the Bodhisattva of the sixth stage. O great King! The All-Buddha-World-Honoured one does not see any differences of caste, youth, age, middle age, wealth and poverty, time, sun, moon, constellations, the lowly, the page and the maid, the skill of works done, but sees, amongst beings, him who has a good mind. If one has a good mind, his compassion acts. O great King! Please know that this auspicious scene indicates the fact that the Tathagata is now in the moonlight samadhi. Hence this light."

The king asked: "What is the moonlight samadhi?" Jivaka answered: "This is like the moonlight, which well makes all utpala blossoms brightly open their petals. So too does the moonlight samadhi. It thoroughly opens the petals of the good mind of beings. So we call it the "moonlight samadhi". For example, the moonlight truly gladdens the heart of all who travel. So does the moonlight samadhi. It truly awakens joy in the minds of those who travel nirvana- wards. Hence we say "moonlight samadhi". O great King! The light of the moon increases daily in form and brightness, from the first of the month up to the fifteenth. The case is the same with the moonlight samadhi. The root of the first bud of all good deeds grows by degrees, and ends in the perfection of Great Nirvana. It is also for this reason that we say "moonlight samadhi". O great King! For example, the form and brightness of the moonlight from the sixteenth to the thirtieth day gradually lessen in size. It is the same with the moonlight samadhi. Wherever it shines, it decreases, by degrees, all defilements. Thus we say "moonlight samadhi". O great King! At a time of great heat, all beings always think of the moonlight. As the moonlight appears, the choking heat all goes. It is the same with the moonlight samadhi. It thoroughly dispels the fever of greed and worry. O great King! For example, the full moon is the king of all stars and is called "amrta" [ambrosia of immortality]. All beings love it. It is the same with the moonlight samadhi. It is the king of all good deeds and is the amrta, and is loved by all. For this reason, we say "moonlight samadhi."

The king said to Jivaka: "I hear that the Tathagata will not abide, sit, stand up, talk or discuss with evil persons, just as the great sea will not retain corpses within itself. He is like a mandarin duck, which will not live in a privy, like Sakrodevendra, who does not live with devils, and like the kokila, which does not live in a dead tree. The same is the case with the Tathagata. How can I go and see him? If I am made to see him, I might sink into the ground. What I see is that the Tathagata may well approach an intoxicated elephant, a lion, a tiger, a wolf, a great fire, or a blazing flame, but not an evil person. It is for this reason that I think thus. With what mind can I go and see him?" Jivaka answered: "O great King! One who is thirsty hastens to a spring; one hungry seeks food; one afraid calls for help; a sick person calls for a doctor; one who feels hot seeks coolness; one feeling cold looks for clothing. O great King! It is the same with your now seeking the Buddha. O great King! The Tathagata even delivers sermons to the icchantikas and others. And you, O great King, are no icchantika. So how could you not expect the help of the Compassionate One?"

The king said: "O Jivaka! I once heard that the icchantika is a person who does not believe, hear, see, or grasp the meaning. How can the Tathagata speak of Dharma to such a person as that?"

Jivaka replied: "O great King! As an illustration: there is a man who contracts a serious illness. At night the person goes up to a one-pillared palace, partakes of butter, rubs it on his body, lies on ashes, eats ashes, climbs up a dead tree, plays with monkeys, and sits and reclines with them, and sinks into water or mud. He jumps from a high building, a high mountain, trees, elephants, horses, cows, and sheep. He wears blue, yellow, red, or dark-coloured clothes, laughs, sings and dances. He looks at crows, eagles, foxes, and raccoon dogs. His teeth and hair fall out; he is naked, sleeps with dogs as his pillow amidst dung and dust. Furthermore, he walks, lives, and stands amongst the dead, holds hands with them and eats. He sees in dreams that poisonous serpents cover the path and that he must pass these. Or he embraces a hair-covered woman, and wears cothing made of tala leaves. He dreams that he is riding on a broken cart drawn by a donkey or is playing in front of it. Having dreamt thus, his mind is worried. Due to this worry, his illness increases. As the illness increases, all the people and his relatives send for a doctor. The errand-boy dispatched for the doctor is of small stature and is lacking in carnal organs. His head is dusty, and he wears tattered clothes, and he means to carry the doctor on a broken-down cart. He says to the doctor: "Quick! Get in the cart!"

"Then, the good doctor thinks to himself: "Now, this messenger looks ill and unpleasant. I know that the sick person is difficult to cure." He also thinks: "The messenger does not look very auspicious. I shall now look into the fortunes of the day and see if I can cure [the patient] or not. The fourth, sixth, eighth, twelfth and fourteenth are bad days, when illnesses do not heal up." He further thinks: "This is a bad day. I shall now look into the stars and see if I can cure [the patient] or not. If it is the time of such stars as Mars, Revati, Krttika, Apabharani, Shissho , and Mansho , illness is hard to cure." He also thinks: "As the stars are not in an auspicious constellation, I shall now look at the time. If it is autumn, winter, eventide, midnight, moonless time, then illnesses are hard to cure." Also he thinks: "Even though all such aspects indicate ill omens, things may be definite or indefinite. I shall now see the sick person himself. If fortune is favourable, there will be a cure; if not, nothing will help."

Thinking thus, he goes along with the messenger. On the way, he again thinks: "If the sick person is destined to live long, his illness will be cured. If not, there can be no cure." And in front of the cart, he sees two children quarrelling and fighting, catching hold of each other's head, tugging at their hair, throwing tiles and stones, and brandishing and striking with swords and staffs. He sees people bearing fire, which spontaneously dies out, or people felling trees, or catching hold of skin and going along, tugging at it, or things left out on the path, or people holding empty things, or a sramana walking alone, without a companion, or a tiger, wolf, crow, eagle or fox. Seeing this, he thinks: "I see the messenger that is sent, all that is happening on the road, and I see that they all indicate bad omens. I know that this illness will be hard to cure." Also he thinks: "Though the omens are bad, let things go as they must. I shall go and see this illness." Thus thinking, he hears this said on the way: "Things such as forgetting, death, collapsing, breaking, skinning, falling, burning, and non-coming cannot be cured." Also, to the south he hears the cries of such birds and beasts as crow, eagle, sarika, dog, rat, fox, pig, and hare. Hearing all of these, he thinks: "I know that it will be hard to cure this sick person."

"Then he arrives at the place of the sick person and sees the sick man. Cold and heat press down upon him time and again; his joints are painful, his eyes red, and the ringing in his ears can be heard from without. His throat is gripped by convulsions and pains, and the surface of his tongue is cracked. The person is of a truly dark colour, and his head is not in order. His body is dried up; no perspiration comes out. The calls of nature have all stopped; his body is uncommonly swollen and is scarlet and red, different from what obtained in ordinary days. There is no balance in his voice, which is at times coarse and at times weak. Spots can be seen all over his body, strangely blue and yellow in colour. His belly is swollen, and his speech is not clear. The doctor, on seeing this, asks the attendant of the patient: " How does the patient feel?" The answer comes back: "O great Doctor! This man previously respected the Three Treasures and all devas. Now, this person has changed and has ceased to respect [them].

Hitherto, he gladly gave, but now he is miserly. In the past, he ate sparingly, but now he eats a lot. Previously he harmonzed with good, but now he is evil. Hitherto he was filial and respected his father and mother, but now he has no mind to respect them."

"The doctor, having heard all this, steps forward and smells. What he smells is utpala, the mixed smell of agaru, prkka, tagaraka, tamala-pattra, kunkumam, sandalwood, the smell of roasting meat, the smell of wine, the smell of roasting spines and bones, the smell of fish, and the smell of dung. Having smelled these good and bad smells, he steps forward and touches the [patient’s] body, which is as delicate and soft as silk or cotton or the karpasa [cotton-tree] flower. Or it is as hard as stone, or cold as ice, or hot as fire, as astringent as sand. Having seen all this, the good doctor sees that the man will surely die. Of this he has no doubt. But he does not say that the person will surely die. He says to the sick man’s attendant: "I am busy now. I shall come back tomorrow. Let the man eat whatever he desires to eat, and do not say no." And he returns home. The next day the messenger comes, to whom the doctor again says: "My business is not yet concluded; besides, the medicine has not yet been made up." The wise should know that such a sick person will assuredly die.

"O great King! It is the same with the World-Honoured One, too. He well knows what the icchantika is, and yet he speak to him of Dharma. Why? If he did not speak of Dharma, common mortals would all say: " The Tathagata has no compassion. If he has, we say " all-knowing" ; if he does not, how can we say that he is the all-knowing one?" Thus would they say. For this reason, the Tathagata delivers sermons to the icchantikas. O great King! The Tathagata sees all sick persons and always dispenses the medicine of Dharma. The Tathagata is not to blame if the sick do not take the medicine. O great King! There are two kinds of icchantika. One gains the wholesome root [“kusala-mula”] in the present, and the other the wholesome root in the life to come [i.e. next life]. The Tathagata well knows which of the icchantika will gain the wholesome root in this life. So he speaks of Dharma. Even to the one whose wholesome root actualizes in the life to come, he speaks of Dharma. The result may not come about now, but he makes it the cause in the life to come. For this reason does the Tathagata speak of Dharma to the icchantika. Of the icchantika, there are two kinds. One is sharp, and the other is of middle grade. The one of sharp grade gains the wholesome root in this life; the one of middle grade will gain it in the life to come. The All-Buddha-World-Honoured One does not speak for nothing. O great King! For example, a person who is clean does not fall into the privy [cesspit]; a good teacher of the Way sees and pities him, and goes forward, catches hold of his hair and pulls him out. So do things obtain with the All-Buddha-Tathagata. He sees all beings falling into the pit of the three unfortunate realms. He effects expedients and saves them. It is for this reason that the Tathagata does indeed speak of Dharma even to the icchantikas."

The king said to Jivaka: "If things obtain thus with the Tathagata, I shall tomorrow check the fortunes of the day and the stars to see if they are good, and then I shall go." Jivaka said to the king: " There is no finding out of the best day and stars in the teaching of the Tathagata. It is as with a person suffering from serious illness: he does not select the good or bad day and time, but seeks out a doctor. Now, your illness, King, is serious and you seek a good doctor, who is the Buddha. Please do not speak about whether it is a good or bad day. O great King! This is as in the case of sandalwood and eranda fire, both of which burn in the same way, without any difference. It is the same with the best day and that of ill-omens. At the place of the Buddha, one gains the same expiation of one’s sins. Please, O great King, hasten there today!"

Then the great king gave orders to a minister called " Auspicious" , saying: " O you minister! Today I mean to go to the Buddha-World-Honoured One. Make haste and get things ready for the offerings!" The minister said: "O great King! Well said, well said! We have everything ready for the offerings." King Ajatasatru had with him his royal consort. The palanquins on thich they rode were 12,000 in number; their great and powerful elephants were 50,000. On each elephant were three attendants, who held banners and parasols in their hands. There was no lack of flowers, incense, or musical instruments. All was complete. There were 180,000 horses leading and bringing up the rear. And the people of Magadha who followed the king numbered 580,000. At this time, the people of Kusinagara filled an area 12 yojanas in size. All saw King Ajatasatru and his kindred coming from afar, asking the way.

Then, the Buddha spoke to the congregation. "All of you! The most closely related to unsurpassed Bodhi is the good friend of the Way. Why? If Ajatasatru had not followed the words of Jivaka, he would have died on the 7th of next month and would have fallen into hell. For this reason, there is no one better than the most closely related and good friend of the Way." A voice came from in front of King Ajatasatru, which said: " King Vidudabha of Sravasti rode on a ship, went to sea, met with a fire and died. The bhiksu, Kokalika, was swallowed up alive by the earth and fell into Avichi Hell. Sunaksatra, after committing many an evil deed, came to the Buddha, and all his sins were expunged." On hearing this, he said to Jivaka: "I have heard these two things said. But I cannot be too sure. O Jivaka! Come with me! I mean to ride together with you on one elephant. If I am to fall into Avichi Hell, grab hold of me so that I do not fall down there. Why? I once heard that the person who has gained the Truth will not fall into hell."

Then the Buddha said to the people around: "King Ajatasatru yet has doubts. I shall now fix my mind."

At that time, there was a Bodhisattva called "All-Upholding" there. He said to the Buddha: "O World-Honoured One! As you the Buddha have previously stated: all things have no fixed state. Matter has no fixed form, and Nirvana has no fixed form, either. How is it that you, Tathagata, say that for Ajatasatru’s sake you will gain a fixed mind?" The Buddha said: "Well said, well said, O good man! I now gain a fixed mind for the sake of Ajatasatru. Why? If the king’s doubts become annihilated, know that there can be no fixed forms for all things. Because of this, I shall, for Ajatasatru’s sake, gain a fixed mind. Know that this mind is not one that is fixed. O good man! If the mind of the king is fixed, how could one destroy the king’s deadly sins? As there is no fixed state, we can indeed crush out sin. Hence, for Ajatasatru’s sake, I gain a fixed mind."

Then the great king went to the forest of sal trees, went to where the Buddha was, looked up and saw the 32 signs of perfection and the 80 minor marks of excellence, all of which stood out like an all-wonderful golden mount. Then the Buddha issued the eight kinds of voice and said: "O great King!" Then Ajatasatru looked to right and left and said: "Who is the great king amongst all of those who are here? I am sinful and have no virtue worth mentioning. So the Tathagata could not be addressing me thus." Then the Tathagata again called out: "O great King Ajatasatru!" On hearing this, the king was greatly pleased and said: "The Tathagata uses loving words to me. I now know that the Tathagata truly has great pity for all us beings; he makes no distinction." And he said to the Buddha: "O World-Honoured One! I have now eternally made away with doubt. I definitely know now that the Tathagata is truly the unsurpassed great teacher." Then, Bodhisattva Kasyapa said to All-Upholding: "The Tathagata has gained a fixed mind for the sake of King Ajatasatru."

King Ajatasatru said further to the Buddha: "O great King! Even if I now sat and stood and took meals with Brahma and Sakrodevendra, I would not feel happy. You, Tathagata, just drop me a word and command me, and I greatly rejoice." And he brought the banners, parasols, flowers, incense, and musical instruments to the Buddha and offered them to him. Then he stepped forward, touched the Buddha’s feet, and walked around the Buddha three times. Worshipping him in this way, he stepped back and took his seat to one side.

Then the Buddha said to Ajatasatru: " O great King! I shall now talk to you about the pith of Wonderful Dharma. Listen to me carefully with all your mind! The common mortal should always meditate on 20 things: 1) this body is empty and there is nothing there that is undefiled [i.e. “anasrava”], 2) it has no wholesome root in it, 3) there is no adjustment in birth and death, 4) one falls into a deep pit and there is no place where one may have no fear, 5) by what means can one see the Buddha-Nature? 6) how can one practise meditation and see the Buddha-Nature? 7) birth and death are always the cause of suffering and there are [there] no Eternal, Bliss, Self, and the Pure, 8) it is not possible to segregate oneself from the eight inopportune situations, 9) one is always pursued by enmity, 10) there is not one dharma that can shake off all things that exist, 11) one is not emancipated from the three unfortunate realms, 12) various twisted views accompany one, 13) no boat is on hand to pass one across the waters of the five deadly sins, 14) birth and death go on endlessly and no limit to this is gained, 15) when no karma is performed, there is no result to follow, 16) no fruition comes about to others for what one has oneself done, 17) without the cause of bliss, there cannot be the result of bliss, 18) once the seed of karma is sown, the result will not be lost, 19) ignorance calls forth life and by it one dies, 20) what one has over the three times of past, present and future is indolence. O great King! Common mortals should always meditate on these 20 things. Having meditated thus, one will come not to desire birth and death any more. If no desire exists for birth and death, one will gain samatha-vipasyana [tranquillity and insight]. Then, in an orderly way, one will meditate on what obtains regarding birth, life, and extinction. So does it go with dhyana, wisdom, effort and shila. Having meditated on birth, life and extinction, one comes to know what obtains with the mind down to the moral precepts. Refraining from evil to the end, there can be no fear of death and the three unfortunate realms. Any person whose mind is not set upon these 20 things has a mind that is indolent, and there will be no end of evil that is not yet done."

Ajatasatru said: "I did not hitherto grasp the meanings of these 20 things which the Buddha has expounded to me. I therefore committed many evil deeds. As I have committed many evil deeds, I have a fear of death and of the three unfortunate realms. O World-Honoured One! I am myself to blame; I myself have invited this suffering [upon myself] and am responsible for all these grave sins. Though my father, the King, was utterly blameless, I committed deadly acts against him. Whether or not I may have meditated on all of these things, I am sure that Avichi Hell awaits me."

The Buddha said to the great king: " All things that exist, and their charactersitics, are not eternal; there is nothing that is fixed. O King! How can you say that you will definitely go to Avichi Hell?" King Ajatasatru said to the Buddha: "O World-Honoured One! If all things do not have a fixed state, then the sins that I have committed cannot be fixed, either. If killing is definite, there cannot be any saying that all things are not fixed."

The Buddha said: " O great King! Well said, well said! The All-Buddha-World-honoured One says: "All things have no definite aspects." You, King, well know that killing, too, is not definite. For this reason, know that in killing, too, there is nothing that is definite. You say that your father was innocent and you killed him. Who is your father? Only a provisional man made up of the five skandhas, towards which you carelessly entertain the notion of " father" . Which of the 12 spheres and 18 realms is your father? If matter [“rupa”] is father, the other four skandhas must be false. There cannot be anything such as rupa or non-rupa that can combine together and make father. Why not? Because there cannot be anything, by nature, that can be called rupa or non-rupa. O great King! Common mortals and all beings carelessly entertain the notion of father in the rupa-skandha. Such a rupa-skandha also cannot be harmed. Why not? There are ten kinds of rupa. Of these ten, only one is seen, held, prized, weighed, tugged and bound. Although we can see and bind, there is no nature that sustains [this rupa]. [As it is] non-abiding, we cannot see, hold, prize, weigh, tug or bind. This is what rupa is. How can we kill it? If this rupa is your father and is liable to get harmed, and if we are to reap the karmic fruit, the other nine must be false. If the remaining nine are false, there can be no talk of sin. O great King! There are three kinds of rupa. These are of the past, present and future. We cannot harm that of the past and that of the present. Why not? The past has passed; as to the present, all things die out moment after moment. As to what arises in time the future, things can be checked, so as not to arise. This is killing. Thus a single rupa can either be killed or not be killed. As there are the two cases of being killed and not being killed, we can say that nothing is ever definite. If rupa is not fixed, killing too is indefinite. Since killing is not definite, the karmic consequence is also not definite. How can you say that you will fall into hell?

"O great King! There are two kinds of karmic results to what beings do. One is light and the other is grave. What concerns mind and mouth is light; what is done by body, mouth and mind is grave. What is thought about in mind and spoken by mouth, but what is not done, is light in karma. O great King! You, in days gone by, did not say "Kill!"; you only said, "Cut off the legs!" If you had told your attendants to behead your father while he was standing, and if he were beheaded while sitting, you would not have purchased sin. Contrary to this, you did not command thus. How can you have sinned? If it is the case that you sinned, then the All-Buddha-World-Honoured One, too, must have sinned. Why so? Your father, King Bimbisara, had previously sown all the seeds of good. As a result he was then able to ascend the throne. Had the Buddha-World-Honoured One not accepted the offerings made, he could not have become king. If he had not become king, you could not have plotted against the state and caused harm. If it is the case that you have killed your father and have committed a crime, all we Buddhas must have sins to answer for. If the All-Buddha-World-Honoured One has no sin, how could it be that you alone must have sinned?

"O great King! Bimbisara once gained an evil state of mind and went out hunting on Vipula Hill. He roamed about the wilderness, but found no game. He saw a rishi who was endowed with the five divine powers. Seeing him, anger and a twisted thought arose in him; he thought that the reason he had no game came from the fact that this rishi must have caused the game animals to run away. He told his attendants to kill this rishi. The rishi, as he was about to breathe his last, gained an evil state of mind. He lost his divine powers and took an oath: "I am truly innocent. But you, by means of your mouth, ruthlessly perform an act of killing. I shall, in the life to come, cause - like you - death to you through my mouth." Then the king, on hearing this, repented. He cremated the dead body with offerings. So did it go with the former king. The karmic consequence was light, and he did not fall into hell. In contrast to this, you did nothing of the sort, so how could you suffer in hell? The former king did the thing himself and he had to pay for it. How could you say, King, that you did the killing and that you have to suffer? You say that your father was innocent. How could you say that he was innocent? Now, a person who has sinned has to suffer from what he has done. A person who has not sinned does not suffer from karmic results. If your late father, the King, had committed no sin, how could there be any karmic result? Bimbisara acquired good and bad karmic results in his lifetime. Because of this, nothing was definite with the late king. Being indefinite, killing, too, was indefinite. The killing being indefinite, how can you say that you will have to fall into hell?

"O great King! Regarding the defilement of madness in beings, there are four kinds. These are: 1) madness from greed, 2) madness from medicine, 3) madness by charms, 4) madness from original karma. O great King! There are these four kinds of madness amongst my disciples. They do many evil things, and yet I do not call it violating sila [the moral precepts]. What is done by such persons does not lead to the three unfortunate realms. Even when regaining a sane state of mind, we do not speak of their having violated [sila]. You, King, were in a greedy state of mind and committed this offence. This is what the madness of greed did. How can we call this sin? O great King! A person takes drink, becomes intoxicated and kills his own mother. Once the intoxication has passed, he repents. Know that this action also does not call forth karmic results. O King! The intoxication of greed is not the action of a sane mind. If not of the sane mind, how can one acquire sin? Now, a juggler at a crossroads displays various forms of men, women, elephants, horses, garlands, clothings, etc. The ignorant call these real, whereas the wise know that all of these are not true. The same with killing. The common mortal calls it true, but the All-Buddha-World-Honoured One knows that it is not true. O King! The ignorant call an echo true, but the wise know that it is not. O great King! A mind of vengeance comes about, but presents [a face of] seeming friendliness. The ignorant call this true, but the wise see through it and recognise it as false. It is the same with killing. The common mortal says that it is true, whereas the All-Buddha-World-Honoured One knows that it is not true. O great King! One takes up a mirror and looks into it. The ignorant say that it is a true face [in the mirror], but the wise see through it and say that this is not something true. It is the same with killing. The common mortal says that it is true, whereas the All-Buddha-World-Honoured One knows that it is not so. The ignorant see a mirage in the hot season and call it water, but the wise see through it and know that it is not water. The same is the case with killing. The common mortal calls it true, whereas the All-Buddha-World-Honoured One knows that it is not true. O great King! The common mortal calls a gandharvan castle true, whereas the wise see through it and know that it is not true. It is the same with killing. The common mortal calls it true, but the All-Buddha-World-Honoured one knows that it is not true. O great King! In a dream, one enjoys the bliss of the five desires. The ignorant call these true, but the wise see through it and know them and know that they are not true. The case is the same with killing. The common mortal says that it is true, but the All-Buddha-World-Honoured One knows that it is not true. O great King! I know all about killing, the act of killing, the killer, the karmic results of killing, and emancipation. That is to say that there is no sin. O King! You may know of killing, but how can there be any sin? O great King! For example, one may know how to serve wine, but if one does not drink it, one will not get intoxicated. Also, the knowledge of fire is not burning. It is the same with you, King. And the knowing of killing does not mean any sin. O great King! The beings, at sunrise, commit various sins, and at the rise of the moon commit robbery, but they do not perform any sinful acts when there are no sun and moon out. The sun and moon enable them to commit crime. But the sun and moon do not actually commit any sinful deeds. It is the same with killing. You, King, were the vehicle, but you have no sin.

"O great King! You always give orders in your royal palace to kill sheep. And you have no fear in your mind. How is it that you entertain fear only when you kill your father? We say "respectable" and "disrespectable" as between man and animal. But both equally love life and fear death. In this there is no difference. Why is it that your mind is light when you have killed sheep and that you fear greatly when you have killed your father? O great King! Man is a servant of craving, and is not free. Driven by craving, a person commits the act of killing. There can be karmic results. But "craving" [“trishna”] is to answer [is responsible]. You, King, feel molested [oppressed]. But who is to blame? O great King! For example, Nirvana is no "is" and is not a "not-is". Yet it is an "is". The same applies to killing. Though not "is" and not "not-is", it is yet an "is". It is "not-is" with the person who repents; it is "not-not-is" with the person who feels no repentance. One who harvests the karmic consequences calls this "is"; one who sees "void" regards it as "not-is". For one who holds the world-view of "is", it is "not-not-is", and for one who bases himself on the "is-is" theory, it is an "is". Why? Because a person of this world-view reaps karmic results. A person who upholds the world-view that there is no " is" reaps no karmic results. For a person who holds the world-view of the eternal oneness of "is" existence, it is "not-is". For a person who holds the "non-eternal-oneness theory", it is "not-not-is". For a person of the "eternal-eternal theory", it cannot be "not-is". Why not? Because a person of this eternal-eternal theory harvests an evil karma. Hence, for a person of this eternal-eternal theory, it cannot be "not-is". For this reason, "not-is" and "not-not-is" are " is" . O great King! Now, beings speak of an " exhaling-inhaling breath" . When we cut off the exhaling and inhaling breath, there is death. All Buddhas follow the way of life of the lay and say that there is " killing" .

"O great King! Matter [“rupa”] is non-eternal; the causal relations of matter are also not eternal. How could matter, which arises out of an impermanent cause, be eternal? This applies down to consciousness, which is non-eternal, and the causal relations of consciousness are also non-eternal. How could the consciousness that arises out of impermanent causation be eternal?

“Due to impermanence, there arises suffering; due to suffering, what there is is void; due to the void, what there is is non-Self. If there are impermanence, suffering, void, and non-Self, what does one kill? If Impermanence is killed, what there is is eternal Nirvana. If Suffering is killed, one must gain Bliss; if the Void is killed, one must gain the Real. If the non-Self is killed, one must gain the True Self. O great King! If Impermanence, Suffering, the Void, and non-Self are killed, you must be equal to me." I, too, killed Impermanence, Suffering, the Void, and non-Self, and I am not in hell. How could you fall into hell?"

Then, King Ajatasatru meditated, as told to by the Buddha, on matter down to con-sciousness. Having thus meditated, he said to the Buddha: "O World-Honoured One! I have come to know for the first time that matter is non-eternal and down to the fact that conscious-ness is non-eternal. If I had so meditated, I could not have sinned. In days gone by, I heard a person say that the All-Buddha-World-Honoured One always becomes the parent to all beings. Though I heard so, I could not be quite sure. Now I definitely know. O World-Honoured One! I also heard that the king mountain, Mount Sumeru, is made of the four treasures: gold, silver, vaidurya, and sphatika; and also that all birds change their colour, according to the colour of the place they go to. Though I heard so, I was not quite sure. As I now come to Mount Sumeru, I am now of the same colour. To say that I am the same in colour means to say that all things are non-eternal, suffering, void, and non-Self. O World-Honoured One! I observe that in the world the eranda [recinus communis] comes from the eranda seed, but not that sandalwood comes from eranda. I now see for the first time that sandalwood comes from the eranda seed. The eranda seed is none but I. The sandalwood is the faith that has no root in my mind. I say " rootless" . That is to say that I first did not know how to respect the Tathagata, that I did not believe in the Dharma and Sangha. This is what I call "rootless". O World-Honoured One! If I had not met with you, the Tathagata-World-Honoured One, I would have had to live for innumerable asamkhyas of kalpas in a great hell, suffering there infinite pain. I am now fortunate to have met with you, the Tathagata. By virtue of having seen this Buddha, I can now crush all defilements and the evil state of mind." The Buddha said: "O great King! Well said, well said! I now know that you will surely destroy the evil state of mind of beings." "O World-Honoured One! If I could well destroy the evil state of mind of beings, I could well fall into Avichi Hell and suffer great pain there for innumerable kalpas, and I should not feel it as pain."

And the innumerable people of the state of Magadha aspired to unsurpassed Bodhi [En-lightenment]. And when all such people had aspired to the great mind, all the grave sins of King Ajatasatru became light. And the king, the royal consort, the ladies of the harem, and the attendant females aspired to unsurpassed Bodhi.

Then King Ajatasatru spoke to Jivaka: " O Jivaka! I am not yet dead, and yet I have a heavenly body. Casting away a short life, I have gained a long one, and I cause all beings to aspire to unsurpassed Bodhi. That is to say that this is the heavenly body, long life, and the eternal body, and this is a disciple of all Buddhas."

Saying thus, he offered the Buddha various gem-studded hanging-ensigns, flags and parasols, incense, flowers, garlands, and wonderful music, and spoke in praise of the Buddha in a gatha:

"The true words are delicately set
In sentences all skilfully woven.
The undisclosed store of deep meaning
Is opened for the sake of all beings.
The implications are great and extensive,
But told in simple ways, for beings' sake.
Perfect in all such words
He thoroughly cures beings.
Any being blessed with hearing these words Will definitely come to know,
Whether he believes or not,
That all this is the sermon of the Buddha.
All Buddhas always with soft words For beings' sake explain what is coarse.
The words softly spoken or coarsely spoken
All turn up to [end up in] “Paramartha-satya” [Ultimate Truth].
That is why I now take refuge in the World-Honoured One.
Just as the water of the great ocean Is one that the Tathagata uses.
This is the foremost meaning. Because of this,
There are no words which are meaningless.
The various and innumerable things That the Tathagata speaks are now Heard by beings, male and female, big and small,
Who all-equally arrive at “Paramartha-satya”.
Causelessness, fruitlessness, birthlessness, and deathlessness Are all called Great Nirvana.
And those who hear destroy all karmic results.
The Tathagata becomes the compassionate father and mother to all beings.
Know that all beings are all sons of the Tathagata.
The World-Honoured One, being compassionate,
Practised penance for beings’ sake. It seems
That man is much caught by demons or lost to madness.
I now see the Buddha and am blessed
With the good of the three actions [i.e. of body, mouth and mind].
I pray that I shall turn this merit over to the unsurpassed Way.
I now make offerings to the Buddha, Dharma, and Sangha,
And I pray that the Three Treasures will always exist in the world.
The various merits that I gain will thoroughly crush the four Maras of all beings.
I made friends with evil ones.
And there was no end of sins that pass in the Three Times.
I now repent before the Buddha. And I pray
That I shall commit no more sins in the days to come.
I pray that all beings will aspire to Bodhi
And always think of all the Buddhas of the ten directions.
And I pray that all beings Will eternally destroy the defilements And that, like Manjushri, they will Clearly see the Buddha-Nature."

Then the World-Honoured One praised King Ajatasatru: "Well said, well said! If one aspires to Bodhi, know that this adorns all Buddhas and the masses. O great King! You, once

in the past, at the site of Buddha Vipasyin, aspired to Bodhi, and ever since then, up to the time when I appeared in the world, you have never once suffered the pains of hell. O great King! Know that Bodhichitta [the resolve to gain Enlightenment] generates innumerable karmic effects. O great King! From now onwards, always cultivate Bodhichitta. Why? Through this, you can thoroughly make away with an innumerable number of sins."

Then King Ajatasatru and all the people of the state of Magadha stood up from their seats, walked around the Buddha three times, drew back, and returned to the palace.

Now, what refers to the Chapter on Heavenly Actions is as stated in the Gandavyuha Sutra.

Chapter Twenty-Six: On the Action of the Child

"O good man! Why do we speak of a "child’s action.” ‘O good man! A child cannot stand up, stay, come and go, or speak. This is the state of a child. It is the same with the Tathagata. We say "unable to stand up". The Tathagata does not raise any aspect of a thing. We say "unable to stay. The Tathagata does not adhere to anything. We say "unable to come. In the bodily action of the Tathagata, there is no shaking. We say " unable to go" . The Tathagata already enters Great Nirvana. We say "unable to talk". He talks, but he does not speak. Why not? If spoken, that would be something of the category of the created. The Tathagata is an Uncreate. So he speaks not. Also, we say "no word". For what a child says cannot be well understood. Though there are words, they are almost no words. The case is the same with the Tathagata. The words’ not being clear is the secret word of all Buddhas. Though uttered, beings do not understand. That is why we say "worldless".

"And also, with a child the name and the thing are not one. Though the child does not know the right word, it is not the case that it cannot know things. It is the same with the Tathagata. All beings differ from one another. What they say is the same. The Tathagata enacts expedients and speaks. And through this, he makes people understand. Also, a child speaks of a big letter. The same is the case with the Tathagata. He talks of a big word. This is "vaba". "Va" corresponds to "created", and "ba" to the "non-created". This is the child. "Va" is "non-eternal", and "ba" is "eternal". Beings hear this and take it as eternal. This is the action of the child.

"Also, the child does not know suffering or bliss, day or night, father or mother. It is the same with the Bodhisattva-mahasattva. For the sake of beings, he does not see suffering or bliss. There is no difference between day and night. His mind is equal towards all beings. Hence, there is no distinction of father or mother, friendly or not friendly.

"Also, a child cannot make big or small things. It is the same with the Bodhisattva- mahasattva. Also, he does not create birth or death. This is non-making. " Big things" refers to the five deadly sins. "Small thing" refers to the two-vehicle mind. The Bodhisattva does not, right to the end, retrogress from Bodhichitta and create sravaka and pratyekabuddha vehicles.

"Also, we say "child’s action". When a child cries and weeps, the parents take up the yellow leaf of bitter willow and say to the child: "Don’t cry, don’t cry! I shall now give you some gold!" The child sees this, thinks it is true gold, and stops crying. But this yellow leaf is in actual fact not gold. The child sees wooden cows, horses, men and women, and thinks they are men, women, etc., and stops crying. But, truth to tell, these are not men or women. As it thinks thus about men and women, we say " child" . It is the same with the Tathagata. If beings are about to commit evil deeds, the Tathagata speaks about the Eternal, Bliss, Self, and the Pure, rectitude, and the freedom one enjoys in Trayastrimsa Heaven, the pleasures of the five desires which one has there in beautiful palaces, about all that obtains there, which is none but the blisses of the six sense-organs. The beings, on hearing about all the pleasure that obtains there, stop doing evil from a greedy mind, to taste the bliss and do the good that will be worth Trayastrimsa Heaven for them. Actually, there [in Trayastrimsa Heaven] there are birth and death, impermanence, non-bliss, non-Self, non-purity. To lead beings, he puts into effect an expedient and speaks of the " Eternal, Bliss, Self, and the Pure" .

"Also, we say "child". If beings abhor birth and death, the Tathagata speaks of the two vehicles. But, in truth, there are not two vehicles. By " two vehicles" , one sees the evils of birth and death and comes to see the bliss of Nirvana. Seeing thus, there are segregation and non-segregation, the true and the not-true, practice and non-practice, and gain and non-gain.

"O good man! Just as a child thinks of gold in regard to what is not gold, so do things stand with the Tathagata. In regard to the impure, he talks of the pure. As the Tathagata is “Paramartha-satya” itself, there is nothing false here as in the case of the child that thinks what is not a cow or horse is a cow or horse. If beings conceive of the true Way in what is not the Way, the Tathagata will also speak about this non-Way and make it into the "Way". In the non-Way, there is, truth to tell, no Way. Only as there is the smallest bit of causal relations, he talks of the non-Way and says that it is the Way. This is as with the child who thinks that the wooden man and woman are [a real] man and woman. It is the same with the Tathagata. Knowing what is no being, he speaks of a being. But truth to tell, there can be no thought of a being. If the Buddha-Tathagata says that there is no being, all beings may gain the wrong view. For this reason, the Tathagata says that beings exist. The person who entertains the thought of a being in a being cannot destroy the thought of a being. Any being who destroys the thought of a being gains Great Nirvana. When one thus gains Nirvana, one ceases crying. This is a child’s action. O good man! If any man or woman upholds these five actions, reads, writes and copies and expounds [them], such a person will unfailingly gain the five actions."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! I now see what the Buddha says. This means that I shall unfailingly gain the five actions." The Buddha said: "O good man! It is not that you alone will gain the five actions. All of those congregated here, who are 930,000 in number, will also all-equally gain the five actions."

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 54.81.157.133 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (401 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - ... ...