Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 28 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một – Phần hai »»
Lúc ấy, Đại Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như trước đây Phật có nói thí dụ về trái am-la [rất khó phân biệt trái sống và trái chín] để ví với bốn hạng người. Hạng thứ nhất [giữ giới] hạnh tinh tế mà trong tâm không chân chánh, ngay thật; hạng thứ hai trong tâm tinh tế mà giới hạnh không chân chánh, ngay thật; hạng thứ ba trong tâm tinh tế, giới hạnh cũng chân chánh, ngay thật; hạng thứ tư trong tâm không tinh tế, giới hạnh cũng không chân chánh, ngay thật.
“[Bạch Thế Tôn!] Đối với hạng người thứ nhất và thứ hai đó làm sao có thể rõ biết [phân biệt] được?
“Theo lời Phật dạy đó, nếu chỉ y theo hai nhân duyên nói trên thì thật không thể biết được [tướng trạng của tâm Như Lai]!”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Ví như trái am-la, hai hạng người ấy thật khó rõ biết [phân biệt] được! Vì khó rõ biết [phân biệt] nên trong kinh ta có dạy là phải sống chung với họ. Nếu sống chung mà vẫn không biết, nên ở lâu ngày với họ. Nếu ở lâu ngày với họ mà vẫn không biết, nên dùng trí tuệ. Nếu dùng trí tuệ mà vẫn không biết, nên quán sát thật sâu xa. Nhờ sự quán sát sẽ rõ biết phân biệt được giữa người trì giới với người phá giới.
“Thiện nam tử! Chỉ khi nào thực hiện đủ bốn việc: sống chung, ở lâu, dùng trí tuệ, dùng sự quán sát, thì sau đó mới phân biệt được người trì giới, người phá giới.
“Thiện nam tử! Giới có hai loại, nên người trì giới cũng có hai hạng. Một là giới cứu cánh, hai là giới không cứu cánh. Có người vì nhân duyên [nào đó] nên thọ trì giới cấm, người có trí nên quán sát xem người ấy trì giới là vì lợi dưỡng hay vì cứu cánh.
“Thiện nam tử! Giới của Như Lai không có nhân duyên, nên gọi là giới cứu cánh. Vì nghĩa này nên Bồ Tát tuy bị các chúng sanh xấu ác làm tổn hại vẫn không sanh tâm giận dữ, ngu si. Vì thế Như Lai được tôn xưng là thành tựu rốt ráo việc trì giới, là bậc trì giới cứu cánh.
“Thiện nam tử! Ngày trước, có một lúc ta cùng với Xá-lợi-phất và năm trăm người đệ tử cùng ở tại thành Chiêm-bà, nước Ma-già-đà. Bấy giờ có người thợ săn đuổi theo một con chim bồ câu. Chim ấy hoảng sợ bay đến núp dưới cái bóng của Xá-lợi-phất nhưng vẫn còn run rẩy như cây chuối [bị gió lay]. Khi nó đến núp vào dưới bóng Như Lai thì thân tâm đều an ổn, không còn sợ hãi. Vì thế, phải biết rằng Như Lai Thế Tôn là bậc trì giới rốt ráo, cho đến cái bóng của ngài cũng có được năng lực dường ấy!
“Thiện nam tử! Người giữ theo những giới không cứu cánh, cho đến các quả vị Thanh văn, Duyên giác cũng không thể chứng đắc, huống chi là quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?
“Lại nữa, có hai hạng người [trì giới], một là vì lợi dưỡng, hai là vì Chánh pháp. Nếu người vì lợi dưỡng mà thọ trì giới cấm, nên biết rằng người ấy không thấy được tánh Phật và Như Lai, tuy có nghe nói về tánh Phật và danh hiệu của Như Lai nhưng không gọi là nghe thấy. Nếu người trì giới vì Chánh pháp, nên biết rằng người ấy có thể thấy được tánh Phật và Như Lai. Đó gọi là dùng mắt thấy, cũng gọi là nghe biết mà thấy.
“Lại có hai hạng người [trì giới], một hạng có gốc rễ sâu vững khó chuyển, một hạng là gốc cạn dễ lay động. Như người có thể tu tập các pháp tam-muội Không, Vô tướng, Vô nguyện, đó gọi là gốc sâu khó chuyển. Như người không tu tập ba pháp tam-muội ấy, tuy có thực hành tu tập cũng là vì [hướng đến] hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu, đó gọi là gốc cạn dễ lay động.
“Lại có hai hạng người [trì giới], một là vì tự thân, hai là vì chúng sanh. Hạng người [trì giới] vì chúng sanh thì có thể thấy được tánh Phật và Như Lai.
“Người trì giới lại có hai hạng. Một là hạng người do tâm tánh có thể tự mình [phát nguyện] trì giới, hai là hạng người cần sự dạy bảo của người khác [mới trì giới].
“Nếu người sau khi thọ giới rồi, trải qua vô số kiếp không hề có chút sơ suất. Dù sanh ra trong đất nước xấu ác, gặp bạn bè xấu ác, thời thế xấu ác, phải sống chung với bọn gian tà, hung ác, tà kiến, gặp phải lúc [thế gian] không có pháp thọ giới, nhưng vẫn tu trì như trước, không hề hủy phạm. Đó gọi là [người trì giới] do tâm tánh có thể tự mình trì giới.
“Nếu người nhờ gặp được chư Tăng làm thầy, bạch bốn Yết-ma rồi mới được giới. Tuy được giới rồi, còn phải nương cậy nơi hòa thượng, các bậc sư trưởng, các vị đồng học và bạn tốt răn dạy khuyến dụ, mới có thể tu sửa dần dần các oai nghi như đi đứng, nghe pháp, thuyết pháp... Đó gọi là [người trì giới] cần sự dạy bảo của người khác.
“Thiện nam tử! Nếu là [người trì giới] do tâm tánh có thể tự mình trì giới thì [có thể] dùng mắt thấy tánh Phật và Như Lai, cũng gọi là nghe biết mà thấy.
“Giới lại có hai loại, một là giới Thanh văn, hai là giới Bồ Tát.
“[Nếu trì giới] từ lúc mới phát tâm [cầu đạo] cho đến lúc được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đó gọi là giới Bồ Tát.
“[Nếu trì giới] từ lúc quán tướng xương trắng cho đến khi chứng đắc quả A-la-hán, đó gọi là giới Thanh văn.
“Nếu ai thọ trì giới Thanh văn, nên biết rằng người ấy không thể thấy được tánh Phật và Như Lai. Nếu ai thọ trì giới Bồ Tát, nên biết rằng người ấy [sẽ] đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, có thể thấy được tánh Phật, Như Lai, Niết-bàn.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà thọ trì giới cấm?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Đó là vì tâm không hối tiếc. Vì sao không hối tiếc? Vì được hưởng niềm vui. Vì sao được hưởng niềm vui? Vì tu tập hạnh xa lìa. Vì sao phải xa lìa? Vì để được an ổn. Vì sao được an ổn? Vì tu thiền định. Vì sao tu thiền định? Vì có tri kiến chân thật. Vì sao là tri kiến chân thật? Vì thấy được những sự tai hại của sanh tử. Vì sao thấy được những tai hại của sanh tử? Vì tâm không tham lam vướng mắc. Vì sao tâm không tham lam vướng mắc? Vì được giải thoát. Vì sao được giải thoát? Vì đạt được Vô thượng Đại Niết-bàn. Vì sao đạt được Vô thượng Đại Niết-bàn? Vì được các pháp thường, lạc, ngã, tịnh. Vì sao được thường, lạc, ngã, tịnh? Vì đạt được [cảnh giới] không sanh không diệt. Vì sao được không sanh không diệt? Vì thấy được tánh Phật.
“Cho nên, Bồ Tát do nơi tâm tánh tự mình có thể trì giới thanh tịnh cứu cánh.
“Thiện nam tử! Vị tỳ-kheo trì giới, tuy không phát nguyện cầu được tâm không hối tiếc, nhưng tự nhiên đạt được tâm không hối tiếc. Vì sao vậy? Vì tánh pháp vốn là như vậy.
“Tuy chẳng mong cầu được hưởng niềm vui, được lìa xa, được an ổn, được thiền định, được chân thật tri kiến, được thấy tai hại của sanh tử, được tâm không tham lam vướng mắc, được giải thoát, Niết-bàn, thường, lạc, ngã, tịnh, không sanh không diệt, được thấy tánh Phật, nhưng tự nhiên cũng đạt được đầy đủ. Vì sao vậy? Vì tánh pháp vốn là như vậy.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu do nhân trì giới mà được kết quả là tâm không hối tiếc, do nhân giải thoát mà được quả Niết-bàn, như vậy thì giới ắt là không có nhân, Niết-bàn là không có quả. Nếu giới là không có nhân tất phải gọi là thường; Niết-bàn có nhân tất phải là vô thường. Nếu là như vậy, Niết-bàn ắt trước vốn là không mà sau thành có. Nếu vốn là trước không sau có tức là vô thường, giống như việc thắp ngọn đèn lên. Nếu Niết-bàn là như vậy, sao có thể gọi là ngã, lạc, tịnh?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Lành thay, lành thay! Ông đã từng ở nơi vô số chư Phật trồng các căn lành nên mới có thể thưa hỏi Như Lai về nghĩa sâu xa như vậy!
“Thiện nam tử! Có phải ông không quên ý nghĩ xưa kia nên mới hỏi ta như vậy? Ta nhớ thuở xưa, cách nay đã vô số kiếp, ở thành Ba-la-nại có Phật ra đời, hiệu là Thiện Đức. Bấy giờ, đức Phật ấy giảng thuyết kinh Đại Niết-bàn này trong suốt ba trăm ngàn năm. Khi ấy, ta và ông đều ở trong pháp hội đó. Ta có đem việc này thưa hỏi đức Phật ấy. Đức Như Lai khi ấy vì chúng sanh mà nhập Tam-muội Chánh thọ, chưa giải đáp nghĩa này. Lành thay, Đại sĩ! Ông có thể nhớ tưởng việc xưa như vậy. Hãy nghe cho kỹ, hãy nghe cho kỹ! Ta sẽ vì ông mà nói!
“Việc trì giới cũng có nhân, đó là do được nghe Chánh pháp. Việc nghe Chánh pháp cũng có nhân, đó là do gần gũi bạn lành. Gần gũi bạn lành cũng có nhân, đó là do có lòng tin. Việc khởi lòng tin cũng có nhân, lại chia làm hai loại: một là nghe Chánh pháp, hai là suy xét ý nghĩa.
“Thiện nam tử! Lòng tin ấy nhân ở việc được nghe Chánh pháp, việc nghe Chánh pháp lại nhân ở lòng tin. Như vậy, hai pháp ấy vừa là nhân, vừa là nhân của nhân; vừa là quả, vừa là quả của quả.
“Thiện nam tử! Ví như những người phái Ni-kiền làm cái giá đỡ bình; bình và giá ấy làm nhân quả cho nhau, không tách lìa nhau.
“Thiện nam tử! Như vô minh là duyên của hành, hành là duyên của vô minh. Vô minh và hành vừa là nhân, vừa là nhân của nhân; vừa là quả, vừa là quả của quả... Cho đến sanh là duyên của già chết, già chết lại là duyên của sanh. Sanh và già chết vừa là nhân, vừa là nhân của nhân; vừa là quả, vừa là quả của quả.
“Thiện nam tử! Sanh có thể sanh ra các pháp, nhưng không thể tự sanh. Vì không thể tự sanh nên là do sanh mà sanh ra sanh. Việc sanh ra sanh cũng không thể tự sanh, lại phải nhờ vào cái sanh mà sanh. Cho nên hai pháp sanh và sanh ra sanh cũng vừa là nhân, vừa là nhân của nhân; vừa là quả, vừa là quả của quả.
“Thiện nam tử! Đối với việc có lòng tin và nghe Chánh pháp cũng [quan hệ với nhau] giống như vậy.
“Thiện nam tử! Là quả mà không phải nhân, đó là Đại Niết-bàn. Vì sao gọi là quả? Vì là quả cao cả, vì là quả của hàng sa-môn, vì là quả của hàng bà-la-môn, vì là dứt hẳn sanh tử, vì là phá trừ phiền não. Vì những điều ấy nên gọi là quả, vì là chỗ chống nghịch với các phiền não. Vì thế, Niết-bàn gọi là quả; phiền não thì gọi là lỗi lầm chồng chất lỗi lầm.
“Thiện nam tử! Niết-bàn không do nhân, nhưng tự thể của Niết-bàn là quả. Vì sao vậy? Vì không sanh diệt, vì không có chỗ tạo tác, vì chẳng phải hữu vi, vì là vô vi, vì là thường trụ không biến đổi, vì không có xứ sở, vì không có khởi đầu, không có kết thúc.
“Thiện nam tử! Nếu Niết-bàn là do nhân ắt không thể gọi là Niết-bàn. Nói bàn là nghĩa nhân; nói bát niết là nghĩa không. Vì không do nơi nhân nên gọi là Niết-bàn.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch: “Như Phật dạy Niết-bàn không do nơi nhân, nghĩa này thật không hợp lý! Nếu nói là không ắt phải hợp với sáu nghĩa:
“Một là vì xét đến rốt ráo là không nên gọi là không. Như tất cả các pháp đều không có bản ngã, không có gì là [vật] của ta.
“Hai là vì có lúc [nào đó] không nên gọi là không. Như người đời nói rằng: Sông hồ không có nước [lúc khô hạn], không có mặt trời mặt trăng [lúc đêm tối].
“Ba là vì quá ít nên gọi là không. Như người đời đối với thức ăn ít mặn gọi là không mặn; nước uống ít ngọt gọi là không ngọt.
“Bốn là vì không nhận lãnh nên gọi là không. Như giai cấp chiên-đà-la không thể thọ nhận pháp bà-la-môn nên gọi là không có bà-la-môn.
“Năm là vì thọ nhận pháp xấu ác nên gọi là không. Như người đời nói: Kẻ thọ nhận pháp xấu ác chẳng đáng gọi là sa-môn, bà-la-môn; vì vậy nên [trong những người xấu ác] gọi là không có sa-môn, bà-la-môn.
“Sáu là vì không có cái ngược lại, nên gọi là không. Ví như đen gọi là không trắng, tối gọi là không sáng.
“Bạch Thế Tôn! Niết-bàn cũng vậy, cũng có lúc không có nhân nên gọi là Niết-bàn.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nay ông có nói ra sáu nghĩa như vậy, vì sao không lấy nghĩa [thứ nhất] ‘rốt ráo là không’ để ví với Niết-bàn, lại dùng nghĩa [thứ hai là] ‘có lúc không’?
“Thiện nam tử! Bản thể của Niết-bàn [xét đến] rốt ráo không do nơi nhân, cũng như không có ‘cái ta’ và ‘vật của ta’.
“Thiện nam tử! Pháp thế gian và Niết-bàn không hề đối đãi nhau, nên không thể lấy sáu việc trên mà so sánh.
“Thiện nam tử! Tất cả các pháp đều không có ngã; nhưng Niết-bàn là chân thật có ngã. Vì nghĩa ấy nên Niết-bàn không do nơi nhân, mà bản thể là quả. Là nhân mà chẳng phải quả, đó gọi là tánh Phật, vì chẳng phải do nhân sanh ra. Là nhân mà chẳng phải quả, là vì không phải quả sa-môn nên gọi là không phải quả.
“Vì sao gọi là nhân? Vì [Niết-bàn] là nhân thành tựu.
“Thiện nam tử! Nhân có hai loại, một là nhân sanh ra, hai là nhân thành tựu.
“Thường sanh ra các pháp, đó gọi là nhân sanh ra. Ngọn đèn làm sáng rõ mọi vật [khiến người nhìn thấy được], nên gọi là nhân thành tựu.
“Các phiền não trói buộc gọi là nhân sanh ra; cha mẹ của chúng sanh [sanh ra họ] gọi là nhân thành tựu.
“Như hạt giống ngũ cốc gọi là nhân sanh ra; [các điều kiện] đất, nước, phân bón [làm cho lớn lên]... gọi là nhân thành tựu.
“Lại có các nhân sanh ra như [do tu tập] sáu pháp Ba-la-mật [mà đạt được] A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lại có nhân thành tựu như [nhờ thấy] tánh Phật [mà đạt được] A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lại có nhân thành tựu như [nhờ tu tập] sáu pháp ba-la-mật [nên thấy được] tánh Phật.
“Lại có nhân sanh ra, như [do tu tập] pháp Tam-muội Thủ lăng nghiêm [mà đạt được] A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lại có nhân thành tựu, như [nhờ tu tập] Tám Chánh đạo [mà đạt được] A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lại có các nhân sanh ra như [do] đức tin [mà đạt được] sáu pháp ba-la-mật.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Thế Tôn! Như Phật có nói việc thấy Như Lai và tánh Phật, nghĩa ấy thế nào?
“Bạch Thế Tôn! Thân Như Lai không có tướng mạo, không dài không ngắn, không trắng không đen, không có xứ sở phương hướng, không ở trong Ba cõi, chẳng phải tướng hữu vi, chẳng phải do nhãn thức nhận biết được. Vậy làm sao thấy được thân ấy? Tánh Phật cũng giống như vậy, [làm sao thấy được?]
Phật dạy: “Thiện nam tử! Có hai loại thân Phật, một là thường, hai là vô thường.
“Thân Phật vô thường, là vì muốn độ thoát tất cả chúng sanh nên Như Lai dùng phương tiện mà thị hiện. Đó gọi là [dùng] mắt thấy [được].
“Thân Phật thường tồn, là thân giải thoát của Như Lai Thế Tôn. Đó gọi là dùng mắt thấy, cũng gọi là nghe biết mà thấy.
“Tánh Phật cũng có hai loại, một là có thể thấy, hai là không thể thấy.
“Tánh Phật có thể thấy, đó là [ở nơi các vị] Bồ Tát Thập trụ, chư Phật Thế Tôn.
“Tánh Phật không thể thấy, đó là [ở nơi] tất cả chúng sanh.
“Mắt thấy, là nói Bồ Tát Thập trụ, chư Phật Như Lai dùng mắt thấy được tánh Phật chúng sanh sẵn có.
“Nghe biết mà thấy, là nói tất cả chúng sanh cho đến hàng Bồ Tát Cửu trụ, [nhờ] nghe nói [mà biết là] có tánh Phật.
“Thân Như Lai lại có hai loại, một là có hình sắc, hai là không có hình sắc.
“[Thân] hình sắc, [đó là nói] sự giải thoát của Như Lai.
“[Thân] không hình sắc, là vì Như Lai đã dứt trừ vĩnh viễn gốc rễ của tướng trạng hình sắc.
“Tánh Phật lại cũng có hai loại, một là hình sắc, hai là không hình sắc.
“Tánh Phật có hình sắc, đó là [đối với bậc thành tựu quả] A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Tánh Phật không hình sắc, đó là [đối với] phàm phu cho đến hàng Bồ Tát Thập trụ. Bồ Tát Thập trụ [tuy] thấy tánh Phật [nhưng] không được rõ ràng nên gọi là không hình sắc.
“Thiện nam tử! Tánh Phật lại có hai loại, một là có hình sắc, hai là không hình sắc.
“Tánh Phật có hình sắc là nói [ở nơi chư] Phật, Bồ Tát.
“Tánh Phật không hình sắc, là [nơi] tất cả chúng sanh.
“[Thấy được tánh Phật] có hình sắc gọi là [dùng] mắt thấy. [Thấy được tánh Phật] không hình sắc gọi là nghe [biết mà] thấy.
“Tánh Phật chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài. Tuy chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, nhưng không hư hoại mất. Vì thế nên nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật dạy rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, cũng như trong sữa tươi có kem sữa; [lại có dạy rằng] tánh Phật của lực sĩ Kim cang hay của chư Phật đều trong sạch như đề-hồ, vì sao Như Lai còn dạy rằng tánh Phật chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta không nói rằng trong sữa tươi có kem sữa. [Chỉ vì] kem sữa từ sữa tươi sanh ra nên nói là có kem sữa thôi.”
Bồ Tát Sư Tử Hống thưa: “Bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp được sanh ra đều phải có thời điểm [và điều kiện] thích hợp.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Lúc đang là sữa tươi thì không có kem sữa, cũng không có bơ, không có đề-hồ... Tất cả chúng sanh đều gọi đó là sữa, nên ta nói rằng trong sữa không có kem sữa. Nếu sữa ấy có kem sữa, sao không gọi nó bằng hai tên, cũng như người làm hai nghề [thợ vàng và thợ bạc] được gọi là thợ vàng bạc? Cũng vậy, đang khi là kem sữa thì không có sữa, không có bơ, cũng không có đề hồ. Chúng sanh đều bảo rằng đó là kem sữa, chẳng phải sữa, chẳng phải bơ, chẳng phải đề-hồ...
“Thiện nam tử! Nhân có hai loại, một là nhân chính, hai là nhân tùy thuộc.
“Nhân chính, là như sữa [làm nhân] sanh ra kem sữa.
“Nhân tùy thuộc, là như các thứ men ủ, hơi ấm...
“[Chỉ] vì kem sữa từ sữa sanh ra nên mới nói rằng trong sữa có tánh chất của kem sữa, [chứ thật ra trong sữa không hề có tánh kem sữa].”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu trong sữa không có tánh kem sữa, thì trong cái sừng cũng không có, vì sao từ nơi sừng không sanh ra được kem sữa?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Sừng cũng có thể [góp phần] sanh ra kem sữa. Vì sao vậy? Vì ta có nói có các duyên tùy thuộc như men ủ, hơi ấm... Sừng có hơi ấm nên cũng có thể [góp phần] sanh ra kem sữa.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu sừng có thể sanh ra kem sữa, sao những người làm kem sữa chỉ dùng sữa tươi mà không dùng chất sừng?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì thế ta mới nói rằng có nhân chính và nhân tùy thuộc.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Nếu trước đó trong sữa không có kem sữa, về sau mới có, vậy trước đây trong sữa cũng không có cây am-ma-la, vì sao không thể sanh ra cây am-ma-la? Vì cả hai thứ ấy đều không có như nhau.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Sữa cũng có thể [góp phần trong việc] sanh ra cây am-ma-la. [Chẳng hạn như] nếu dùng sữa tươi mà tưới thì trong một đêm cây ấy sẽ cao thêm năm thước. Vì nghĩa ấy nên ta nói có hai loại nhân.
“Thiện nam tử! Nếu tất cả các pháp đều chỉ do một nhân sanh ra thì mới có thể cật vấn rằng vì sao trong sữa không thể sanh ra cây am-ma-la.
“Thiện nam tử! Cũng như Bốn đại là nhân duyên cho tất cả hình sắc, nhưng mỗi một hình sắc đều khác biệt nhau, vật này chẳng giống vật kia. Vì nghĩa ấy nên từ sữa không thể sanh ra cây am-ma-la.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật nói có hai loại nhân, nhân chính và nhân tùy thuộc, vậy tánh Phật của chúng sanh thuộc loại nhân nào?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Tánh Phật của chúng sanh cũng có hai loại nhân, một là nhân chính, hai là nhân tùy thuộc. Nhân chính là [bản thân các] chúng sanh; nhân tùy thuộc là sáu pháp Ba-la-mật.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Nay con biết chắc rằng trong sữa tươi có tánh kem sữa. Vì sao vậy? Vì con thấy người đời khi muốn làm kem sữa thì chỉ dùng sữa tươi chứ không bao giờ dùng nước. Vì vậy nên biết rằng trong sữa tươi có tánh kem sữa.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Câu hỏi của ông đó thật không hợp lý. Vì sao vậy? Ví như có người muốn nhìn thấy khuôn mặt mình bèn cầm lấy con dao [sáng bóng để soi mặt vào].”
Bồ Tát Sư Tử Hống thưa: “Bạch Thế Tôn! Chính vì nghĩa ấy nên nói trong sữa có tánh kem sữa. Nếu trong con dao không có khuôn mặt, vì sao lại chọn lấy con dao?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu trong con dao đúng là có khuôn mặt, vì sao có sự thay đổi không thật: Khi cầm dao đứng thì thấy mặt quá dài, cầm dao ngang thì thấy mặt quá rộng? Nếu đó là mặt mình, vì sao lại thấy nó dài? Nếu là mặt người khác, sao có thể nói đó là mặt mình? Nếu nhân nơi mặt mình mà thấy mặt người khác, sao chẳng thấy trong [con dao] ấy những mặt lừa, mặt ngựa?”
Bồ Tát Sư Tử Hống thưa: “Bạch Thế Tôn! Do tia nhìn của mắt thấu đến nơi đó nên thấy được hình dáng khuôn mặt.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nhưng tia nhìn của mắt thật không thấu đến nơi đó. Vì sao vậy? Vì cùng lúc nhìn thấy cả vật gần lẫn vật xa [nhưng] không nhìn thấy những vật nằm ở khoảng giữa.
“Thiện nam tử! Nếu do tia nhìn của mắt thấu đến đó mà thấy được, thì tất cả chúng sanh đều nhìn thấy lửa, sao [tia nhìn ấy] chẳng bị thiêu cháy? [Nếu tia nhìn của mắt có thể thấu đến vật nhìn thấy, thì] người từ xa trông thấy một vật màu trắng, lẽ ra không phải sanh nghi: Là con hạc chăng, là lá phướn chăng, là con người chăng, là cây cối chăng...? Nếu do tia nhìn của mắt thấu đến [vật mà nhìn thấy], thì làm sao thấy được những vật bên trong [bình] thủy tinh, hoặc những con cá, tảng đá nằm dưới vực sâu? Còn nếu tia nhìn của mắt không thấu đến mà vẫn thấy được, vì sao thấy được vật trong [bình] thủy tinh mà không thấy được những hình sắc bên kia vách tường? Cho nên nói rằng tia nhìn của mắt thấu đến đó mà thấy được khuôn mặt dài thì thật không hợp lý.
“Thiện nam tử! Như ông nói trong sữa tươi có kem sữa, sao người bán sữa chỉ lấy tiền sữa mà thôi, không tính thêm giá trị của kem sữa? Cũng như người bán con ngựa cái chỉ tính tiền ngựa cái mà thôi, không tính thêm giá trị ngựa con?
“Thiện nam tử! Người đời vì không có con cái nên cưới vợ. Nếu khi người vợ đã mang thai thì không thể gọi là cô con gái. Nếu nói rằng vì trong cô gái ấy đã sẵn có con nên mới cưới làm vợ thì không hợp lý. Vì sao vậy? Nếu nói là sẵn có con thì cũng có thể nói là sẵn có cháu. Nếu sẵn có cháu, thì [con với cháu ấy] là anh em với nhau rồi! Vì sao vậy? Vì cùng một mẹ sanh ra. Cho nên ta nói rằng: Cô gái kia không sẵn có tánh con.
“Nếu trong sữa sẵn có tánh kem sữa, sao cùng lúc không thấy được cả năm món [làm từ sữa]? Nếu trong hạt cây sẵn có cây ni-câu-đà năm trượng, sao cùng lúc không thấy những hình dạng khác nhau như mầm non, thân cây, cành lá, hoa quả?
“Thiện nam tử! Khi là sữa thì có màu sắc khác, vị nếm cũng khác, [dùng đến có] kết quả khác, cho đến khi là đề-hồ cũng vậy, sao có thể nói rằng trong sữa có sẵn tánh kem sữa?
“Thiện nam tử! Ví như có người sáng ngày sẽ dùng món bơ sữa mà lúc này đã cho là có mùi hôi. Như nói rằng trong sữa nhất định có tánh kem sữa, ý nghĩa cũng giống như vậy!
“Thiện nam tử! Như người có đủ bút, giấy, mực, bèn hợp lại viết thành chữ. Nhưng trong giấy ấy vốn không có chữ. Vì trước đó vốn là không nên phải dựa vào các duyên mới thành. Nếu trước vốn là sẵn có thì cần chi đến các duyên? Ví như màu xanh da trời và màu vàng pha với nhau thành màu xanh lá cây. Nên biết rằng hai màu ấy vốn không sẵn có tánh của màu xanh lá cây. Nếu trước vốn sẵn có màu xanh lá cây, cần chi phải pha trộn mới thành?
“Thiện nam tử! Cũng giống như chúng sanh nhờ vào thức ăn mà có mạng sống, nhưng trong thức ăn thật không có mạng sống. Nếu trong thức ăn sẵn có mạng sống, thì khi chưa ăn lẽ ra thức ăn đã là mạng sống rồi!
“Thiện nam tử! Tất cả các pháp vốn không có tánh [nhất định]. Vì nghĩa ấy nên ta nói kệ rằng:
Vốn là có mà nay thành không,
Vốn là không mà nay thành có,
Nếu nói trong Ba đời có pháp,
Thật không thể có nghĩa như thế!
“Thiện nam tử! Tất cả các pháp đều do nhân duyên mà sanh, do nhân duyên mà diệt.
“Thiện nam tử! Nếu trong chúng sanh sẵn có tánh Phật [theo nghĩa như ông nói], thì lẽ ra đều có thân Phật như ta đây.
“Tánh Phật của chúng sanh không bị phá hoại, không bị dẫn dắt, trói buộc, [nhưng chúng sanh còn phiền não thì không tự thấy được.] Cũng như trong chúng sanh sẵn có hư không, tất cả chúng sanh đều có hư không, không có sự ngăn ngại, nhưng tất cả đều không tự thấy có hư không ấy. Nếu như chúng sanh không có hư không, ắt là không có những sự tới lui, đi đứng, nằm ngồi, không có sự sanh trưởng. Vì nghĩa ấy, trong kinh này ta có dạy rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có phạm vi hư không của mình. Phạm vi hư không đó gọi là hư không.’
“Tánh Phật của chúng sanh cũng vậy. Hàng Bồ Tát Thập trụ có đôi chút khả năng thấy được tánh Phật [một phần rất nhỏ] như hạt châu kim cang.
“Thiện nam tử! Tánh Phật của chúng sanh hay cảnh giới chư Phật không nằm trong phạm vi hiểu biết của hàng Thanh văn, Duyên giác. Tất cả chúng sanh vì không thấy tánh Phật nên thường bị phiền não trói buộc, trôi lăn trong sanh tử. Nhờ thấy được tánh Phật nên mọi phiền não không thể trói buộc, thoát khỏi sanh tử, đạt được Đại Niết-bàn.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Tất cả chúng sanh đều có tánh của tánh Phật, cũng như trong sữa có tánh của kem sữa. Nếu trong sữa không có tánh của kem sữa, vì sao Phật nói là có hai thứ nhân: nhân chính và nhân tùy thuộc? Nhân tùy thuộc là những điều kiện như men ủ, hơi ấm... Hư không vốn không có tánh, nên không có nhân tùy thuộc.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu như trong sữa nhất định có tánh của kem sữa thì cần chi đến nhân tùy thuộc?”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch: “Thế Tôn! Vì có tánh nên cần có nhân tùy thuộc. Vì sao vậy? Vì muốn thấy được rõ ràng [tánh ấy]. Nhân tùy thuộc chính là nhân thành tựu.
“Bạch Thế tôn! Ví như trong chỗ tối sẵn có đồ vật. Vì muốn thấy rõ đồ vật ấy nên dùng đèn soi vào. Nếu trước vốn không có đồ vật thì đèn soi vào cái gì? Cũng như trong đất sét đã sẵn có cái bình, nên cần có người nặn, có nước, có dụng cụ, khuôn nặn... làm nhân thành tựu. Lại như hạt ni-câu-đà cần có đất, nước, phân... làm nhân thành tựu [để mọc thành cây]. Đối với sữa tươi cũng vậy, cần có các điều kiện men ủ, hơi ấm... làm nhân thành tựu [mới thành kem sữa]. Vì vậy, tuy sẵn có tánh mà cần phải dựa vào các nhân thành tựu thì mới thấy rõ được vật. Vì nghĩa ấy nên biết chắc chắn rằng trong sữa đã sẵn có tánh của kem sữa.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu như trong sữa chắc chắn đã có tánh của kem sữa, thì đó chính là nhân thành tựu. Nếu đã là nhân thành tựu thì cần gì phải thành tựu nữa?
“Thiện nam tử! Nếu nhân thành tựu ấy tánh của nó là thành tựu, thì lẽ ra nó phải thường tự thành tựu. Nếu nó chẳng tự thành tựu, làm sao thành tựu cho vật khác được? Nếu nói rằng nhân thành tựu ấy có hai loại tánh: một là tự thành tựu, hai là làm cho sự vật khác thành tựu, thì nghĩa ấy không hợp lý. Vì sao vậy? Vì nhân thành tựu chỉ có một pháp, làm sao có hai? Nếu là có hai, lẽ ra sữa cũng phải có hai. Nếu nói trong sữa không có hai tướng, vì sao chỉ riêng nhân thành tựu kia lại là có hai?”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch rằng: “Thế Tôn! Như người đời nói: ‘Bọn chúng tôi có tám người’, [thì trong chúng tôi ấy là có cả mình và người khác]. Nhân thành tựu cũng vậy, chúng tự thành tựu và làm cho sự vật khác thành tựu.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu nhân thành tựu là như thế, ắt không phải là nhân thành tựu. Vì sao vậy? Việc đếm số là có thể đếm được hình sắc của mình với người khác, nên nói là tám [người]. Nhưng tánh của hình sắc ấy tự nó không có tướng thành tựu. Vì không có tướng thành tựu nên cần phải có tánh của trí óc mới đếm được mình và người khác. Vậy thì cái nhân thành tựu đó không thể tự thành tựu, cũng không thể làm cho vật khác thành tựu.
“Thiện nam tử! Nếu tất cả chúng sanh sẵn có tánh Phật, vì sao phải tu tập vô lượng công đức? Nếu nói tu tập là nhân thành tựu, thì cũng như cái lý lẽ ‘kem sữa’ kia đã bị bác bỏ. Nếu nói trong nhân nhất định có sẵn quả, thì giới, định và trí tuệ ắt không có tăng trưởng. Ta thấy người đời vốn không sẵn có giới cấm, thiền định, trí tuệ, nhờ theo thầy mà thọ nhận, rồi sau đó mới dần dần phát triển. Nếu nói sự truyền dạy của thầy là nhân thành tựu, thì đang lúc thầy dạy người học chưa có giới, định, trí tuệ. Nếu là thành tựu thì lẽ ra phải thành tựu lúc chưa có, sao phải đợi đến khi biết được giới, định, tuệ rồi mới khiến cho dần dần tăng trưởng?”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu nhân thành tựu là không có, làm sao thành tên gọi [phân biệt] có sữa tươi, có kem sữa?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Có ba cách giải đáp những lời vấn nạn ở thế gian.
“Một là đáp bằng cách giải thích tuần tự các việc liên quan, gọi là chuyển đáp, như trước đây ta giảng: ‘Sao gọi là giới? Vì chẳng sanh lòng hối tiếc...’ cho đến ‘...vì đạt được Đại Niết-bàn.’
“Hai là đáp bằng cách lặng thinh, gọi là mặc nhiên đáp. Như khi có vị Phạm chí đến hỏi ta rằng: ‘Có phải ngã là thường chăng?’ Ta đáp lại bằng cách lặng thinh.
“Ba là đáp bằng cách đặt nghi vấn ngược lại để làm rõ vấn đề, gọi là nghi đáp. Như trong kinh này có nói: ‘Nếu nhân thành tựu là hai pháp, đáng lẽ cũng có hai tướng sữa? v.v...’
“Thiện nam tử! Nay ta sẽ dùng cách chuyển đáp. Như người đời nói có sữa, có kem sữa, là vì họ chắc chắn sẽ có kem sữa, cho nên mới nói rằng: có sữa, có kem sữa. Tánh Phật cũng thế; có chúng sanh, có tánh Phật, vì [chắc chắn] rồi sẽ thấy được tánh Phật.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như lời Phật dạy đó, nghĩa lý không thích hợp. Quá khứ đã dứt rồi, tương lai còn chưa đến, làm sao gọi là có? Nếu nói rằng sẽ có mà gọi là có, thật không hợp nghĩa. Như người thế gian thấy kẻ không con cái thì nói là không con. Tất cả chúng sanh [hiện nay thấy là] không có tánh Phật, vì sao lại nói rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Quá khứ cũng nói là có. Ví như trồng cây quít, khi mầm sanh ra thì hạt giống hoại mất. Mầm ấy có vị nhạt, cho đến khi sanh trái cũng vẫn là vị nhạt. Nhưng lúc trái chín thì có vị chua.
“Thiện nam tử! Vị chua đó, từ khi còn là hạt giống, mầm non, cho tới lúc sanh trái, vốn không sẵn có. Đến lúc quả chín thì hình sắc tướng mạo mới sanh ra vị chua. Vị chua ấy vốn trước là không mà nay thành có. Tuy trước là không mà nay thành có nhưng không phải là không nhân nơi nguồn gốc ban đầu. Như vậy, cái hạt giống nguồn gốc ban đầu đó tuy là quá khứ nhưng cũng gọi là có. Vì nghĩa ấy nên quá khứ cũng nói là có.
“Vì sao nói rằng tương lai là có? Ví như người gieo mè, có kẻ đến hỏi rằng: ‘Vì sao gieo trồng thứ này?’ Người ấy đáp: ‘Vì nó có dầu.’ Thật ra [lúc ấy] chưa có dầu, phải đến khi mè chín, gặt lấy hạt, mang về hấp nóng, giã ép... rồi mới có dầu. Nhưng phải biết rằng người ấy không hề nói dối. Vì nghĩa ấy nên [nói rằng] tương lai là có.
“Vì sao lại nói rằng quá khứ là có? Thiện nam tử! Ví như có người lén lút mắng chưởi vua. Trải qua nhiều năm, vua mới nghe được việc ấy. Vua nghe rồi liền hỏi: ‘Vì sao ngươi mắng chưởi ta?’ Người ấy đáp: ‘Đại vương! Tôi không có mắng chưởi. Vì sao vậy? Người mắng chưởi đã mất rồi.’ Vua nói: ‘Người mắng chưởi [là ngươi] với [người bị mắng chửi là] ta, cả hai đều đang tồn tại, sao nói là đã mất?’ Vì duyên cớ ấy, người [mắng chửi vua] phải mất mạng.
“Thiện nam tử! Cả hai việc [là người mắng chửi và sự mắng chửi] quả thật là không [vì đã qua rồi], nhưng hậu quả của chúng không mất. Vì thế nói rằng quá khứ là có.
“Vì sao lại gọi rằng tương lai là có? Như có người đến chỗ thợ lò gốm, hỏi rằng: ‘Có bình chăng?’ Người ấy đáp: ‘Có.’ Nhưng người thợ lò gốm ấy thật ra chưa có bình. Vì sẵn có đất sét nên nói rằng có bình. Nên biết rằng người thợ ấy không hề nói dối.
“Trong sữa có kem sữa, chúng sanh có tánh Phật, cũng là như vậy. Muốn thấy tánh Phật, cần phải có sự quán sát hình sắc, thời điểm, điều kiện thích hợp... Cho nên ta nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật’, thật chẳng phải nói dối.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Nếu tất cả chúng sanh không sẵn có tánh Phật [cũng như trong sữa không sẵn có tánh kem sữa], vậy làm sao có thể đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?”
Phật dạy: “Nhờ có nhân chính nên chúng sanh đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nhân chính đó là gì? Chính là tánh Phật.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nếu trong hạt ni-câu-đà không có sẵn [tánh của] cây ni-câu-đà, tại sao người ta chỉ gọi hạt ấy là hạt ni-câu-đà mà không gọi là hạt khư-đà-la?
“Bạch Thế Tôn! Cũng như họ Cồ-đàm không thể gọi là họ A-trì-da, họ A-trì-da cũng không được gọi là họ Cồ-đàm. Hạt ni-câu-đà cũng vậy, không được gọi là hạt khư-đà-la-ni, hạt khư-đà-la-ni chẳng được gọi là hạt ni-câu-đà. Cũng như Thế Tôn không thể lìa bỏ dòng họ Cồ-đàm. Tánh Phật của chúng sanh cũng là như vậy. Vì nghĩa ấy nên biết rằng chúng sanh đều sẵn có tánh Phật.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu nói rằng trong hạt đã sẵn có cây ni-câu-đà, nghĩa ấy không đúng. Nếu đã sẵn có, vì sao không thấy?
“Thiện nam tử! Những vật ở thế gian do tám nhân duyên mà không nhìn thấy. Thế nào là tám nhân duyên? Một là vì quá xa nên không nhìn thấy, như dấu chim bay trên không; hai là gần quá nên không thấy, như lông mi vào trong mắt; ba là vì hư hoại nên không thấy, như người bị hỏng mắt; bốn là vì loạn tưởng nên không thấy, như người tâm trí không tập trung; năm là vì quá nhỏ nên không thấy, như hạt bụi cực nhỏ; sáu là vì bị che chướng nên không thấy, như mây che [không thấy] các vì sao; bảy là vì nhiều quá nên không thấy, như cỏ dại [khuất] trong đám lúa; tám là vì tương tự nên không thấy, như cây đậu mọc trong đám đậu.
“Cây ni-câu-đà không thuộc về tám nhân duyên không thấy kể trên; vậy nếu cây ấy là có, vì sao lại không thấy? Nếu nói rằng vì quá nhỏ hay vì bị che chướng thì không hợp lý. Vì sao vậy? Vì tướng của cây ấy to lớn! Nếu nói rằng tánh của nó là nhỏ, thì làm sao lớn lên? Nếu nói vì bị che chướng thì lẽ ra phải mãi mãi không thấy! Trước kia vốn không có tướng to lớn, nay mới thấy tướng to lớn, nên biết rằng sự to lớn ấy vốn không có tánh [nhất định]! Trước vốn không có tánh thấy mà nay thấy được, vậy nên biết rằng sự thấy ấy cũng không có tánh [nhất định]! Về hạt [cây ni-câu-đà] cũng vậy, vốn trước không có cây mà ngày nay nhìn thấy thì có gì là không hợp lý?”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch rằng: “Như Phật dạy có hai loại nhân, một là nhân chính, hai là nhân thành tựu. Hạt ni-câu-đà dùng các điều kiện đất, nước, phân... làm nhân thành tựu nên từ chỗ rất nhỏ [không nhìn thấy được] mà sau trở nên to lớn.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu đã sẵn có thì cần gì đến nhân thành tựu? Nếu vốn không có tánh thì thành tựu là thành tựu cái gì? Nếu trong hạt ni-câu-đà vốn không có tướng to lớn, nhờ nhân thành tựu mới sanh ra tướng to lớn, vì sao chẳng sanh ra cây khư-đà-la [to lớn], vì cả hai loại cây này trước đó đều không có?
“Thiện nam tử! Nếu là quá nhỏ không thấy, thì cái lớn phải thấy được. Ví như một hạt bụi nhỏ không nhìn thấy, nhưng nhiều hạt bụi hợp lại thì có thể thấy được [cả đám] bụi. Như cái lớn trong hạt giống kia lẽ ra phải thấy được. Vì sao vậy? Trong đó đã có đủ mầm cây, thân cây, hoa, quả. Trong mỗi quả lại có rất nhiều hạt, trong mỗi hạt lại có rất nhiều cây! Vì vậy nên gọi là lớn. Đã lớn như vậy nên lẽ ra phải nhìn thấy được!
“Thiện nam tử! Nếu trong hạt ni-câu-đà sẵn có tánh của cây ni-câu-đà mới sanh ra cây ấy, vậy khi nhìn thấy hạt ấy bị lửa đốt cháy thì tánh cháy ấy lẽ ra cũng sẵn có rồi! Nếu tánh cháy đã sẵn có thì cây không thể sanh ra! Nếu tất cả các pháp vốn sẵn có [tánh] sanh diệt, vì sao phải trước sanh, sau diệt, không cùng một lúc? Vì nghĩa ấy nên biết rằng không có tánh [nhất định].”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Thế Tôn! Nếu hạt ni-câu-đà vốn không sẵn có tánh cây nhưng sanh ra cây, vì sao hạt ấy chẳng sanh ra dầu, vì dầu với cây trước đó cũng đều là không có?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong hạt ấy cũng có khả năng sanh ra dầu. Tuy vốn không sẵn có tánh, nhưng là do nhân duyên mà có.”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “[Vậy dầu sinh ra ấy] vì sao chẳng gọi là dầu mè?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì [hạt ấy] không phải là mè.
“Thiện nam tử! Như duyên của lửa thì sanh ra lửa, duyên của nước thì sanh ra nước. Tuy đều là nương theo duyên, nhưng cái này có không thể thay cho cái kia. Hạt ni-câu-đà với dầu mè cũng vậy, tuy đều nương theo duyên nhưng không sanh ra nhau. Tánh của hạt ni-câu-đà trị được chứng lạnh, tánh của dầu mè trị được chứng phong.
“Thiện nam tử! Ví như cây mía, do nhân duyên mà sanh ra các thứ đường phèn, đường đen. Tuy cùng một duyên nhưng sắc tướng khác nhau, đường phèn trị nóng, đường đen trị lạnh.”
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như sữa không sẵn có tánh kem sữa, mè không sẵn có tánh dầu, hạt ni-câu-đà không sẵn có tánh cây ni-câu-đà, đất sét không sẵn có tánh bình, thì tất cả chúng sanh cũng không sẵn có tánh Phật được! [Vì thế,] như trước đây Phật dạy: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật nên có thể đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Nghĩa ấy không hợp lý.
“Vì sao vậy? Vì con người với chư thiên đều không có tánh [nhất định]. Vì không có tánh [nhất định] nên con người có thể sanh làm chư thiên, chư thiên có thể tái sanh làm người. Đó là do nghiệp và nhân duyên, chẳng phải do tánh [nhất định]. [Như vậy thì] Bồ Tát Ma-ha-tát [cũng] do nghiệp và nhân duyên nên đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Nếu tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, vì nhân duyên gì mà hạng nhất-xiển-đề dứt mất căn lành, đọa vào địa ngục? Nếu tâm Bồ-đề là tánh Phật, lẽ ra những kẻ nhất-xiển-đề không thể dứt mất [căn lành]. Nếu có thể dứt mất [căn lành], làm sao có thể nói rằng tánh Phật là thường? [Nhưng] nếu không phải thường thì không gọi là tánh Phật! Nếu các chúng sanh đều có tánh Phật, vì sao [có người] gọi là mới phát tâm? Sao [có những người] gọi là [ở địa vị] thối chuyển hoặc không thối chuyển? Nếu là [ở địa vị] thối chuyển, nên biết rằng người đó không có tánh Phật!
“Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Ma-ha-tát một lòng hướng đến [thành tựu] A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, khởi lòng đại từ đại bi, thấy được những sự lỗi lầm tai hại của phiền não [trong sự] sanh, già, chết; quán xét Đại Niết-bàn không có những lỗi lầm tai hại của phiền não [trong sự] sanh, già, chết; tin sâu nơi Tam bảo, tin có nghiệp, quả báo [nên] thọ trì giới cấm. Những pháp như vậy gọi là tánh Phật. [Vì] nếu lìa những pháp ấy mà có tánh Phật thì cần chi đến những pháp ấy làm nhân duyên?
“Bạch Thế Tôn! Như sữa không nhờ duyên cũng có thể thành kem sữa; nhưng bơ thì khác, phải có đầy đủ nhân duyên như là: người làm, nước, bình, cây khuấy, dây. Chúng sanh cũng vậy, nếu có tánh Phật thì lẽ ra không cần nhân duyên cũng đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề! Nếu chắc chắn là có tánh Phật, vì sao người tu hành khi thấy các nỗi khổ trong Ba nẻo ác [hoặc] sanh, già, bệnh, chết... liền sanh lòng thối chuyển? [Nếu có tánh Phật, lẽ ra] cũng không cần tu sáu pháp Ba-la-mật mới đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề! Như sữa không nhờ duyên cũng có thể thành kem sữa, nhưng [người tu hành] nhất định phải nhờ tu tập sáu pháp Ba-la-mật mới thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề! Vì nghĩa ấy nên biết rằng chúng sanh đều không có tánh Phật!
“Như trước đây Phật có dạy: ‘Tăng bảo là thường.’ Nếu là thường ắt không phải vô thường. Không phải vô thường thì làm sao [chư tăng có thể] đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề? Còn nếu Tăng bảo là thường, vì sao lại nói rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật?
“Bạch Thế Tôn! Nếu như chúng sanh từ trước đến nay không có tâm Bồ-đề cũng không có tâm [hướng đến] A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, mà về sau mới có, thì tánh Phật của chúng sanh lẽ ra cũng giống như vậy, trước vốn không có, rồi về sau mới có. Vì nghĩa ấy, tất cả chúng sanh lẽ ra [hiện nay] đều không có tánh Phật!”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Ông từ lâu đã hiểu rõ nghĩa lý về tánh Phật, nhưng vì chúng sanh nên thưa hỏi như vậy. [Này thiện nam tử!] Tất cả chúng sanh quả thật có tánh Phật.
“Ông có nói rằng: ‘Nếu các chúng sanh đều có tánh Phật, lẽ ra không có kẻ mới phát tâm.’ Thiện nam tử! Tâm [mà ông nói đó] chẳng phải tánh Phật. Vì sao vậy? Vì [tâm ấy] là vô thường, còn tánh Phật là thường.
“Ông lại có hỏi: ‘[Nếu có tánh Phật,] tại sao lại có những kẻ sanh tâm thối chuyển?’
“Thật ra không có sự thối tâm. Nếu tâm có thối chuyển thì [người tu hành] không bao giờ có thể đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Chỉ vì chậm đạt đến nên gọi là thối chuyển.
“Tâm Bồ-đề ấy thật chẳng phải tánh Phật. Tại sao vậy? Hạng nhất-xiển-đề vì dứt mất thiện căn nên đọa vào địa ngục. Nếu tâm Bồ-đề là tánh Phật thì hạng nhất-xiển-đề không thể gọi là nhất-xiển-đề, và tâm Bồ-đề cũng không thể gọi là vô thường. Vì thế nên biết chắc rằng tâm Bồ-đề thật không phải tánh Phật.
“Thiện nam tử! Ông có hỏi: ‘Nếu chúng sanh có tánh Phật, lẽ ra không cần nhờ đến các duyên [để thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề], cũng như sữa [không nhờ đến duyên vẫn] thành kem sữa! Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Nếu [ông đã] nói nhờ năm duyên [là người làm, nước, bình, cây khuấy, dây] mà thành món bơ, thì nên biết rằng tánh Phật cũng giống như vậy.
“Ví như trong các thứ quặng mỏ có vàng, có bạc, có đồng, có sắt... thảy đều do nơi Bốn đại [tạo thành], mà mỗi chất có một tên riêng, một thực thể riêng, khi sản xuất ra cũng không giống nhau. Phải nhờ đến các duyên như phước đức của chúng sanh, lò nung, sức người... mới làm ra được [các thứ kim loại trên]. Vì thế nên biết rằng trước đó vốn không sẵn có [những] tánh vàng, [bạc, đồng, sắt...]
“Tánh Phật của chúng sanh không thể gọi là Phật; nhờ có các công đức, nhân duyên [tu tập] hòa hợp nên thấy được tánh Phật, sau đó mới thành Phật.
“Ông lại có hỏi: ‘Chúng sanh đều có tánh Phật, tại sao không thấy được tánh Phật?’ Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Vì các nhân duyên chưa hòa hợp.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên ta có nói hai loại nhân: nhân chính và nhân tùy thuộc. Nhân chính ở đây là tánh Phật. Nhân tùy thuộc là sự phát tâm Bồ-đề. Nhờ hai nhân duyên ấy mới đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng như từ nơi quặng mỏ lấy ra được chất vàng...
“Thiện nam tử! Ông có hỏi rằng: ‘Nếu Tăng bảo là thường thì tất cả chúng sanh không có tánh Phật.’
“Thiện nam tử! Tăng, gọi là hòa hợp. Hòa hợp có hai loại. Một là hòa hợp theo người thế gian, hai là hòa hợp theo đệ nhất nghĩa. Hòa hợp theo thế gian gọi là Thanh văn Tăng, hòa hợp theo đệ nhất nghĩa gọi là Bồ Tát Tăng.
“Tăng hòa hợp theo thế gian là vô thường, tánh Phật là thường. Tánh Phật là thường, tăng hòa hợp theo đệ nhất nghĩa cũng là thường.
“Lại nữa, khi có Tăng bảo thì gọi là hòa hợp Chánh pháp. Hòa hợp Chánh pháp là nói Mười hai bộ kinh. Mười hai bộ kinh là thường, cho nên ta nói Pháp bảo, Tăng bảo là thường.
“Thiện nam tử! Tăng gọi là hòa hợp. Hòa hợp tức là Mười hai nhân duyên. Trong Mười hai nhân duyên cũng có tánh Phật. Mười hai nhân duyên là thường, tánh Phật cũng là thường. Vì thế ta nói: ‘Tăng có tánh Phật.’
“Lại nữa, Tăng bảo đó là sự hòa hợp của chư Phật. Vì thế ta nói: ‘Tăng có tánh Phật.’
“Thiện nam tử! Ông hỏi rằng: ‘Nếu [tất cả] chúng sanh đều có tánh Phật, vì sao lại có người thối chuyển, có người không thối chuyển?’ Hãy nghe cho kỹ, hãy nghe cho kỹ! Ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng giải.
“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát nếu có mười ba pháp sau đây ắt sẽ thối chuyển. Là những pháp nào? Một là không có đức tin; hai là tâm không khởi làm; ba là sanh tâm nghi ngờ; bốn là tham tiếc thân mạng, tài vật; năm là đối với Niết-bàn sanh lòng khiếp sợ: ‘Sao [Niết-bàn này] lại khiến cho chúng sanh diệt mất mãi mãi?’; sáu là không có lòng kham nhẫn; bảy là tâm không điều phục, nhu nhuyễn; tám là trong lòng sầu não; chín là trong lòng không vui; mười là buông thả biếng nhác; mười một là tự khinh thân mình; mười hai là tự thấy phiền não không thể dứt trừ; mười ba là không ưa thích các pháp tiến lên quả vị Bồ-đề.
“Thiện nam tử! Đó là mười ba pháp khiến cho Bồ Tát thối chuyển đối với Bồ-đề.
“Lại có sáu pháp phá hoại tâm Bồ-đề. Là những pháp nào? Một là tham tiếc ôm giữ giáo pháp; hai là sanh tâm bất thiện đối với chúng sanh; ba là gần gũi bạn xấu; bốn là không chuyên cần tinh tấn; năm là tự cao, kiêu mạn; sáu là theo đuổi sự nghiệp thế tục. Sáu pháp ấy có thể phá hoại tâm Bồ-đề.
“Thiện nam tử! Như có người được nghe lời này: ‘Chư Phật Thế Tôn là bậc thầy của hai cõi trời người; là bậc cao quý nhất trong chúng sanh, không ai sánh bằng, vượt hơn hẳn các hàng Thanh văn, Phật Bích-chi. Ngài có mắt pháp sáng tỏ, nhìn thấu các pháp không ngăn ngại; có thể cứu độ chúng sanh qua khỏi biển khổ não.’
“Nghe rồi, người ấy liền phát đại thệ nguyện rằng: ‘Nếu thế gian này có người như vậy, tôi nguyện sẽ được như người ấy.’ Vì nhân duyên ấy liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Hoặc có người được người khác khuyên dạy liền phát tâm Bồ-đề. Lại nghe nói rằng: ‘Bồ Tát trải qua vô số kiếp tu hành khổ hạnh, sau đó mới đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề!’ Nghe vậy liền suy nghĩ rằng: ‘Nay ta không chịu nổi sự khổ hạnh như vậy, làm sao có thể đạt được [A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề]? Vì vậy nên có người thối chuyển.
“Thiện nam tử! Lại có năm pháp làm cho tâm Bồ-đề thối chuyển. Đó là những pháp nào? Một là ưa thích việc xuất gia theo ngoại đạo; hai là không tu tập tâm đại từ; ba là thích tìm những lỗi lầm của người giảng pháp; bốn là thường ưa thích ở trong chốn sanh tử; năm là không vui thích trong việc thọ trì, đọc tụng, sao chép, giảng nói Mười hai bộ kinh. Đó là năm pháp làm cho tâm Bồ-đề thối chuyển.
“Lại có hai pháp làm cho tâm Bồ-đề thối chuyển. Là hai pháp gì? Một là tham đắm năm dục, hai là không biết cung kính tôn trọng Tam bảo. Vì các nhân duyên ấy, tâm Bồ-đề phải thối chuyển.
“Sao gọi là tâm không thối chuyển? Như có người được nghe lời này: ‘Phật có thể cứu độ chúng sanh thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết. Ngài không theo thầy học hỏi mà tự tu tập và đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ [Nghe vậy rồi, người ấy liền phát nguyện rằng:] ‘Nếu đạo Bồ-đề là có thể đạt được thì tôi sẽ tu tập cho đến khi đạt đạo ấy.’ Vì nhân duyên như vậy, người ấy phát tâm Bồ-đề, thành tựu bao nhiêu công đức, dù nhiều hay ít đều hồi hướng tất cả về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Người ấy phát thệ nguyện rằng: ‘Nguyện cho tôi thường được gần gũi chư Phật và đệ tử Phật, thường được nghe giáo pháp sâu xa, được năm giác quan đầy đủ [để tu tập]. Dù gặp khổ nạn cũng không bỏ mất tâm này!’
“Người ấy lại phát nguyện rằng: ‘Nguyện cho chư Phật và đệ tử của Phật thường đối với tôi sanh lòng hoan hỷ. Nguyện cho tôi có đủ năm căn lành! Nếu các chúng sanh nào đâm chém cắt xẻo thân tôi, chặt đứt tay chân, đầu, mắt... của tôi, đối với những người ấy tôi vẫn sanh tâm đại từ. Tôi cũng thật lòng hân hoan vui sướng vì những người ấy là nhân duyên giúp tôi tăng trưởng [tâm] Bồ-đề. Nếu không có họ, tôi sẽ do duyên gì để thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?’
“Người ấy lại phát nguyện rằng: ‘Nguyện cho tôi không phải sanh làm người khiếm khuyết nam căn, ái nam ái nữ hoặc làm thân nữ nhân! Nguyện cho tôi không chịu sự phụ thuộc vào người khác, không gặp chủ nhân xấu ác, không phụ thuộc vua chúa hung bạo, không sanh vào những cõi nước xấu ác! Nguyện cho tôi dù được thân tướng tốt đẹp, dòng họ chân chánh, giàu sang phú quý cũng không sanh tâm kiêu mạn. Nguyện cho tôi thường được nghe biết Mười hai bộ kinh, thọ trì đọc tụng, sao chép giảng giải. Nếu tôi vì chúng sanh mà giảng thuyết diễn giải [kinh điển ấy], nguyện cho người nghe pháp sẽ cung kính tin nhận không nghi ngờ và đối với tôi thường không sanh tâm xấu ác! Tôi thà nghe ít mà hiểu nghĩa nhiều, quyết không nghe nhiều mà không rõ nghĩa! Nguyện làm bậc thầy [điều phục] tâm chứ không để tâm làm thầy [sai sử] mình! Nguyện cho ba nghiệp thân, khẩu, ý của tôi có thể mang đến an vui cho tất cả chúng sanh, không liên quan đến những sự xấu ác. Nguyện cho giới hạnh của thân và trí tuệ của tâm tôi đều vững chãi như núi lớn, không thể lay chuyển.
“Vì muốn thọ trì Chánh pháp vô thượng nên tôi chẳng sanh lòng tham tiếc keo lận đối với thân mạng, tài sản; đối với những vật bất tịnh chẳng lấy đó làm phước nghiệp; tự sống theo Chánh mạng, tâm không gian tà, siểm khúc; đã chịu ơn ai thì thường luôn nhớ đến, dù chịu ơn nhỏ cũng cố sức báo đáp lớn lao.
“Nguyện cho tôi thông thạo mọi nghề nghiệp của thế gian, hiểu rõ mọi cách nói theo phương ngôn, tục ngữ của chúng sanh. Nguyện đọc tụng, sao chép Mười hai bộ kinh chẳng sanh lòng biếng nhác, trễ nãi. Nếu chúng sanh không ưa thích nghe giảng kinh thuyết pháp, tôi sẽ dùng phương tiện dẫn dụ, tiếp nhận, khiến cho họ ưa thích nghe.
“Nguyện tôi thường nói ra những lời mềm mỏng, nhu hòa; không nói những điều xấu ác. Nguyện khi tập thể bất hòa, tôi có thể làm cho trở nên hòa hợp. Nguyện khi có những kẻ lo rầu sợ sệt, tôi sẽ khiến cho họ lìa khỏi sự lo sợ ấy. Nguyện khi đói kém mất mùa, tôi sẽ khiến cho [mọi người] được no đủ, dư dả. Nguyện khi có tật bệnh trong đời, tôi sẽ làm vị Đại y vương tự có đủ thuốc men và tài vật cần dùng, nhờ đó mà giúp cho mọi kẻ tật bệnh đều được khỏe mạnh. Nguyện khi có tai kiếp đao binh, tôi sẽ là người có thế lực lớn, dứt trừ hết sạch mọi sự tàn hại của nạn binh lửa.
“Nguyện tôi có thể dứt trừ mọi nỗi khiếp sợ của chúng sanh như bị giết, bị giam cầm, bị đánh đập, gặp nạn lũ lụt, hỏa hoạn, bị vua chúa, giặc cướp [bức hại], bị nghèo cùng, hủy phạm cấm giới, chịu tiếng xấu, rơi vào đường dữ... Tất cả những nỗi sợ ấy, [tôi nguyện giúp cho chúng sanh] thảy đều trừ hết.
“Nguyện đối với cha mẹ, sư trưởng, tôi sẽ hết lòng cung kính sâu xa; đối với những kẻ oán ghét thì sanh tâm đại từ. Nguyện thường tu sáu chánh niệm, pháp môn Tam-muội Không, Mười hai nhân duyên, các phép quán sanh, diệt, hơi thở ra vào, tu tập Thiên hạnh, Phạm hạnh và Thánh hạnh, Tam-muội Kim cang và phép định Thủ lăng nghiêm. Nếu ở nơi không có Tam bảo, nguyện cho tôi tự mình có được tâm tịch tĩnh!
“Cho dù gặp lúc thân tâm chịu đựng những nỗi khổ não to lớn, tôi nguyện cũng không để mất tâm cầu Vô thượng Bồ-đề, không cho rằng những tâm cầu Thanh văn, Phật Bích-chi đã là đầy đủ. Nguyện khi ở những nơi không có Tam bảo, tôi thường xuất gia theo pháp ngoại đạo, vì phá tà kiến của họ chứ không vì học theo đạo ấy. Nguyện tôi đạt được sự tự tại đối với các pháp, được tâm tự tại; đối với các pháp hữu vi đều thấy rõ mọi sự lỗi lầm tai hại.
“Nguyện cho tôi sợ sệt những quả vị của Nhị thừa như kẻ tham tiếc thân mạng lo sợ phải chết! Nguyện vì chúng sanh mà vui thích ở trong Ba nẻo dữ chẳng khác nào chúng sanh ưa thích cõi trời Đao-lợi. Nguyện vì mỗi một chúng sanh mà trong vô lượng kiếp chịu khổ ở địa ngục, không sanh lòng hối tiếc. Nguyện khi thấy người khác được lợi không sanh lòng ganh tỵ, thường vui sướng theo như chính mình được hưởng niềm vui ấy.
“Nguyện khi được gặp Tam bảo, tôi sẽ cúng dường mọi thứ y phục, thức ăn uống, giường nằm, chỗ ở, thuốc men, đèn đuốc, hương hoa, âm nhạc, phướn lọng bảy báu. Nguyện khi được thọ nhận giới cấm của Phật, tôi sẽ kiên cố hộ trì, chẳng hề phát sanh tư tưởng hủy phạm. Nếu nghe rằng việc tu hành khổ hạnh của Bồ Tát là rất khó khăn, nguyện sanh tâm vui vẻ, không có sự hối tiếc ân hận. Nguyện tôi tự biết những việc đã qua trong các đời trước, không hề tạo tác những nghiệp tham lam, sân hận, si mê; không vì [mong cầu] quả báo mà tích lũy huân tập nhân duyên; đối với sự vui trong hiện tại [nguyện] không sanh tâm tham trước.’
“Thiện nam tử! Nếu ai có thể phát nguyện như vậy, đó gọi là Bồ Tát, [vị ấy] sẽ không bao giờ thối chuyển tâm Bồ-đề. Đó cũng gọi là bậc thí chủ, có thể nhìn thấy Như Lai, rõ biết tánh Phật, có thể điều phục chúng sanh, độ thoát sanh tử; có thể khéo léo hộ trì Chánh pháp vô thượng, có thể đạt được đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên tâm không thối chuyển không gọi là tánh Phật.”
Thiện nam tử! Ông không thể vì việc có kẻ thối chuyển tâm Bồ-đề mà nói rằng chúng sanh không có tánh Phật.
“Ví như có hai người kia đều nghe rằng ở phương xa có một ngọn núi bằng bảy báu, trên núi có suối nước trong, mùi vị ngon ngọt. Nếu ai đến được ngọn núi ấy thì mãi mãi không còn nghèo túng; uống được nước [suối nơi ấy] thì tuổi thọ tăng đến muôn năm. Chỉ có điều là đường xa hiểm trở, rất nhiều sự nguy nan.
“Bấy giờ, hai người ấy đều muốn đi đến đó. Một người thì chuẩn bị đầy đủ mọi thứ hành trang, còn người kia thì chỉ đi hai tay không, chẳng mang theo gì cả.
“Hai người cùng lên đường, bỗng gặp một người [đi ngược chiều] mang rất nhiều trân bảo quý giá, đầy đủ bảy món báu. Hai người liền đến trước người ấy hỏi rằng: ‘Này ông, ở nơi ấy quả thật có núi thất bảo chăng?’
“Người đó đáp rằng: ‘Thật có không sai. Chính tôi đã lấy được của báu và uống nước suối ở đó. Chỉ có điều là đường sá nguy hiểm, rất nhiều giặc cướp, hầm hố, gai góc, thiếu nước [uống] và cỏ [cho ngựa ăn]. Muôn ngàn người ra đi nhưng rất ít người đến được!’
“Nghe lời ấy rồi, một người liền sanh tâm hối tiếc nói rằng: ‘Đường sá xa xôi, gian nan chẳng ít; người đi vô số, kẻ đến chẳng bao nhiêu! Vậy ta làm sao có thể đến đó? Sản nghiệp của ta ngày nay, tuy không nhiều nhưng cũng đủ chi tiêu. Nếu dấn thân lên đường ấy, e là mất mạng! Thân mạng đã không giữ được, lấy gì trường thọ?’
“Còn người kia lại nói: ‘Có người đã đến được thì ta cũng [có thể] đến được. Nếu ta đạt kết quả, ắt sẽ được như ý nguyện: lấy được trân bảo, uống nước suối ngọt. Bằng như không đạt được cũng quyết dốc lòng đến chết mới thôi!’
“Bấy giờ, trong hai người ấy, một người hối tiếc mà quay trở về, còn một người quyết lòng tiến tới. Người này đi đến núi ấy, lấy được nhiều trân bảo, uống được nước suối như ý nguyện, mang về quê hương rất nhiều của cải, phụng dưỡng cha mẹ và giúp đỡ khắp họ hàng thân tộc.
“Khi ấy, người đã hối tiếc quay về thấy được việc ấy lại sanh ra hăng hái, nói rằng: ‘Người ấy đã đi tới đích rồi về, lẽ nào tôi chịu ở yên đây?’ Ông ta liền chuẩn bị mọi thứ, [lại] lên đường ra đi.
“Núi thất bảo đó là ví như Đại Niết-bàn; nước suối ngon ngọt đó là ví như tánh Phật. Hai người ra đi đó ví như hai vị Bồ Tát mới phát tâm. Đường gian nan nguy hiểm đó là ví như vòng luân hồi sanh tử. Người mà cả hai gặp khi mới lên đường là ví như đức Phật Thế Tôn. Những kẻ giặc cướp trên đường là ví như bốn thứ ma. Hầm hố, gai góc là ví như các phiền não. Không đủ nước [uống] và cỏ [cho ngựa ăn] là ví như việc không tu tập đạo Bồ-đề. Một người thối chí trở về là ví như Bồ Tát thối chuyển tâm Bồ-đề. Người [quyết tâm] đi thẳng tới đích là ví như vị Bồ Tát không thối chuyển.
“Thiện nam tử! Tánh Phật của chúng sanh là thường trụ, không biến đổi. Như con đường nguy hiểm kia, không thể nói rằng vì có người hối tiếc quay lại mà làm cho đường ấy trở nên vô thường. Tánh Phật cũng thế.
“Thiện nam tử! Trong đạo Bồ-đề thật ra không có kẻ thối chuyển. Thiện nam tử! Như kẻ hối tiếc quay lại kia nhìn thấy người bạn trước của mình trở về mang nhiều của báu, được thế lực tự tại, phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ thân quyến, hưởng nhiều an vui. Thấy như vậy rồi liền sanh ra hăng hái, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ hành trang, lại theo đường cũ mà đi, chẳng tiếc thân mạng, chịu đựng mọi sự gian nguy hoạn nạn, cuối cùng cũng đến được ngọn núi bảy báu kia. Bồ Tát thối chuyển cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh chắc chắn rồi sẽ thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy nên trong kinh ta dạy rằng: ‘Tất cả chúng sanh, thậm chí là những kẻ phạm năm tội nghịch, bốn trọng cấm và hạng nhất-xiển-đề, thảy đều có tánh Phật.’”
Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ Tát lại có [những vị] thối chuyển hoặc không thối chuyển?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát tu tập những nghiệp nhân duyên [dẫn đến có được] Ba mươi hai tướng tốt của Như Lai thì được gọi là không thối chuyển, được gọi là Đại Bồ Tát, là bậc không động chuyển, là bậc thương xót tất cả chúng sanh, là vượt hơn tất cả Thanh văn, Duyên giác; gọi là bậc [đạt đến địa vị] Bất thối chuyển.
“Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát giữ giới không lay chuyển, tâm bố thí không thay đổi, trụ yên nơi lời nói chân thật, vững vàng như núi Tu-di; nhờ nghiệp duyên ấy được tướng lòng bàn chân bằng phẳng như đáy hộp.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát đối với cha mẹ, hòa thượng, sư trưởng... cho đến đối với loài súc vật, dùng của cải kiếm được một cách chân chính mà cúng dường, [bố thí], nuôi dưỡng, cung cấp; nhờ nghiệp duyên ấy được tướng lòng bàn chân có hình bánh xe ngàn nan hoa.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát không giết hại, không trộm cướp, đối với cha mẹ, sư trưởng... thường sanh lòng hoan hỷ; nhờ nghiệp duyên ấy được ba tướng: Một là ngón tay thon dài, hai là gót chân thon dài, ba là thân hình nở nang, ngay thẳng. Ba tướng ấy cùng một nghiệp duyên.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát tu Bốn pháp thâu nhiếp, nhiếp phục được chúng sanh; nhờ nghiệp duyên ấy được tướng kẽ ngón tay, ngón chân đều có màng da mỏng, như chân ngỗng chúa trắng.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát khi cha mẹ, sư trưởng... lâm bệnh khổ, tự tay lau rửa, giặt giũ, nắm giữ, nâng đỡ, xoa bóp chăm sóc; nhờ nghiệp duyên ấy, được tướng tay chân mềm mại.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát giữ giới, nghe pháp, thường bố thí giúp người không chán nản; nhờ nghiệp duyên ấy được tướng mu bàn chân đầy đặn cong lên, lông trên người mọc thẳng đứng.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát chuyên tâm nghe pháp, diễn thuyết chánh giáo; nhờ nghiệp duyên ấy được tướng chân thon dài như chân nai chúa.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát đối với chúng sanh không sanh tâm gây hại, ăn uống biết đủ, thường ưa thích việc bố thí, chăm sóc bệnh, cung cấp thuốc men...; nhờ nghiệp duyên ấy, thân thể được cao lớn như cây ni-câu-đà; khi đứng thẳng tay buông xuống dài quá gối; trên đỉnh đầu có khối thịt mềm là tướng không ai nhìn thấy được.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát thấy kẻ sợ sệt liền cứu giúp, bảo vệ; thấy kẻ thiếu thốn liền giúp cho y phục; nhờ nghiệp duyên ấy được tướng nam căn ẩn kín.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát gần gũi hàng trí giả, lìa xa kẻ ngu si, khéo ưa thích sự hỏi đáp, quét dọn đường sá; nhờ nghiệp duyên ấy được tướng da mỏng và mịn, lông trên mình uốn về bên phải.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát thường đem y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men, hương hoa, đèn đuốc... mà bố thí cho người khác; nhờ nghiệp duyên ấy được tướng thân màu vàng ròng và tướng thân thường tỏa hào quang.
“Nếu Bồ Tát trong khi thực hành bố thí, sở hữu những vật quý báu đều thí xả không tiếc, không phân biệt [người nhận cúng dường, bố thí đó] là phước điền hay chẳng phải phước điền; nhờ nghiệp duyên ấy được tướng bảy chỗ đầy đặn; đó là hai lòng bàn chân, hai lòng bàn tay, hai vai và đầu.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát trong khi bố thí lòng không nghi ngờ [về kết quả việc làm]; nhờ nghiệp duyên ấy, được giọng nói êm dịu, thanh tao.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát làm ra tiền bạc của cải một cách chân chính, rồi dùng tiền bạc của cải ấy mà bố thí; nhờ nghiệp duyên ấy, được các tướng hai nách đầy đặn; thân thể oai nghiêm như dáng sư tử; cùi chỏ tay tròn đầy và nhỏ.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát lìa xa những lời nói đâm thọc, lời nói độc ác và lòng sân hận; nhờ nghiệp duyên ấy được các tướng hàm răng bốn mươi chiếc, răng trắng sạch, đều và khít.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát tu tập tâm đại từ đại bi đối với chúng sanh; nhờ nghiệp duyên ấy được tướng có hai răng cửa [ở mỗi hàm].
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát thường phát nguyện rằng: ‘Nếu có ai đến xin điều gì, ta đều tùy ý muốn của họ mà giúp cho’; nhờ nghiệp duyên ấy, được tướng hai gò má đầy đặn như sư tử chúa.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát tùy theo chỗ cần món ăn thức uống của chúng sanh đều cung cấp đầy đủ; nhờ nghiệp duyên ấy được tướng nước bọt thơm ngon, dù ăn bất cứ món gì cũng tự cảm thấy ngon như cao lương mỹ vị.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát tự tu hành Mười điều thiện và giáo hóa người khác cùng tu hành như vậy; nhờ nghiệp duyên ấy được tướng lưỡi rộng dài.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát không chê bai những chỗ khiếm khuyết của người khác, không phỉ báng Chánh pháp; nhờ nghiệp duyên ấy được giọng nói của Phạm thiên.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát thấy những kẻ oán ghét mình đều sanh tâm vui vẻ; nhờ nghiệp duyên ấy được tướng tròng mắt màu xanh trong.
“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát không che giấu đức độ của người khác, lại ngợi khen điều thiện của họ; nhờ nghiệp duyên ấy được tướng lông trắng ở khoảng giữa hai chân mày.
“Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát tu tập nghiệp nhân duyên Ba mươi hai tướng ấy, ắt được tâm Bồ-đề không thối chuyển.
“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh không thể nghĩ bàn; cảnh giới của chư Phật, nghiệp quả và tánh Phật cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì bốn pháp ấy đều là thường; vì là thường nên không thể nghĩ bàn.
“Tất cả chúng sanh vì [thường bị] phiền não ngăn che nên gọi là thường. Vì dứt trừ những phiền não thường có đó nên gọi là vô thường. Nếu nói tất cả chúng sanh là thường, vì sao phải tu tập Tám Thánh đạo? Vì để dứt trừ mọi sự khổ não. Nếu mọi khổ não đều đã dứt, ắt gọi là vô thường; niềm vui được hưởng [lúc ấy] ắt phải gọi là thường. Vì thế ta nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh vì phiền não ngăn che nên không thấy tánh Phật. Vì không thấy tánh Phật nên không đạt được Niết-bàn.’”
Then Bodhisattva LIon’s Roar said to the Buddha: "O World-Honoured One! You employed just now the simile of the amra fruit and compared it to the four beings, whose: 1) actions are minute, but their mind is not right, 2) their mind is minute, but their action is not right, 3) their mind is minute and their action is also minute, 4) their mind is not minute and their action is also not right. How might we know of the first two? You, the Buddha, say that you are grounded on these two. This is hard to know."
The Buddha said: " Well said, well said! I compare the two kinds of man to the amra. This is indeed difficult to know. As it is difficult to know, I say in the sutra: "Live together. Should a person not be able to come to know by living together, give time and live long. If not gained by living long, work out Wisdom. If Wisdom cannot cleave a way to knowing, meditate deeply. Through meditation a person can see well what is pure in sila [moral behaviour] and what violates sila."
"O good man! By these four items of: living together, living long, Wisdom, and medi-tation, one can come to know of true and the not-true sila. O good man! There are two kinds of sila and two kinds of person who uphold sila. One is absolute and the other non-absolute. If a person only upholds sila through causal relations, the wise should ask themselves whether this person’s upholding of sila is for the sake of profit or the absolute upholding of sila. O good man! The sila of the Tathagata has nothing to do with causal relations. That is why we say "absolute sila". On account of this, even when attacked by any evil one, the Bodhisattva does not get molested by anger. For this reason, we can say that the Tathagata’s unchanging sila is absolute sila.
"O good man! I once lived in Magadha, in the great castle of Campa, together with Sariputra and his disciples. There was then a hunter who was after a dove. Frightened, this dove came to hide under the robe of Sariputra and shook like a plantain tree. It then came within the shadow-length of me, and his body and mind found peace, with fear all gone. Know, therefore, that the Tathagata is one who eternally upholds sila, so that his shadow possesses this power.
"O good man! Non-absolute sila cannot even gain one the stage of a sravaka or pratyek- abuddha. And how can such ever hope to attain unsurpassed Enlightenment?
"Again, there are two kinds. One is for profit and the other for Wonderful Dharma. One upholds sila for profit. Know that with this sila one cannot see the Tathagata and the Buddha-Nature. One may hear the names of the Buddha-Nature and the Tathagata, but this cannot be called seeing through hearing. If one upholds sila for Wonderful Dharma, know that one, through this, will see the Buddha-Nature and the Tathagata. This is seeing with the eye and also seeing by hearing.
"Again, there are two kinds. One is deep-rooted, which is hard to uproot; and the other shallow-rooted, which is easy to move. If one practises the samadhis of birthlessness, deathlessness, and desirelessness, it is hard to uproot. One may practise these three samadhis, but if it is for the sake of the 25 existences, this is what is shallow-rooted and easy to move.
"Again, there are two kinds. One person performs [sila] for his own sake, and the other for the sake of other beings. If performed for other beings, one will see the Buddha-Nature and the Tathagata.
"There are two kinds amongst those who uphold sila. One is the person who by nature thoroughly upholds [sila] and the other is the person who acts under the injunctions given by others. When one receives sila, one, for innumerable ages, does not lose it. One may be born in an evil country, or one may encounter an evil friend, an evil time, evil age, or evil teaching, or one may sit together with those abiding in evil views on life. There may be, at that time, no law [dharma] of receiving sila. Yet, the person practises the Way just as before and does not transgress. This is the case of how one upholds [sila]. Or one may be given sila to observe by a teacher-priest or by jnapti-caturtha [ritual of receiving sila]. Even when one has received this sila, one always decides upon consulting the words of the teacher, good comrades and friends. One is perfect in the way of listening and in delivering sermons. Such is the case called acting under guidance of others.
"O good man! One who by nature thoroughly upholds sila sees, with his own eyes, the Buddha-Nature and the Tathgata. Also, this is seeing through hearing. There are two kinds. One is the sravaka’s sila and the other that of the Bodhisattva. One such attains the first aspiration and up to unsurpassed Enlightenment. This is the sila of the Bodhisattva. If one meditates on white bones, one attains arhatship. This is the case of the sravaka sila. One who upholds sravaka sila does not, one should know, see the Buddha-Nature and the Tathagata. Any person who upholds the sila of the Bodhisattvas, we may know, attains unsurpassed Enlightenment and sees well the Buddha-Nature, the Tathagata, and Nirvana."
Bodhisattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! Why do we uphold the pro-hibitive sila?" The Buddha said: "O good man! “This is so the mind does not repent. Why does one not repent? Because one gains bliss. How does one gain bliss? This comes from segregation. Why do we need to seek segregation? To gain peace. How does one gain peace? Through meditation. Why do we meditate? To gain true knowing and seeing. In what way do we have true knowing and seeing? By seeing the many wrongs and worries of birth and death. This is for our mind not to cling greedily. Why do we need to have our mind not cling greedily? Because we gain Emancipation. How “[i.e. in what sense; by what means]” do we gain Emancipation? By gaining unsurpassed Great Nirvana. How do we gain unsurpassed Great Nirvana? By gaining the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. Why do we say that we gain the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure? Because of gaining birthlessness and deathlessness. How do we gain birthlessness and deathlessness? By seeing the Buddha-Nature. Thus, the Bodhisattva, by nature, upholds the absolute purity of sila [morality].”
"O good man! The bhiksu who upholds sila may not take a vow to gain the unregretting mind, but the unregretting mind will come about of itself. Why? Because the law nature [Dharma nature] spontaneously effects things to be [thus]. Though he may not particularly seek to arrive at segregation, peace, samadhi, knowing and seeing, seeing the wrongs of birth and death, the mind which does not greedily settle upon [things], arriving at emancipation, Nirvana, the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure, birthlessness and deathlessness, and the Buddha- Nature, yet all of these will spontaneously come about. Why? Because of the all-naturalness of the law nature."
Bodhisattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! If one gains the unregretting fruition of upholding sila and the fruition of Nirvana by Emancipation, sila has no cause to tell of and Nirvana no fruition to tell of. If sila has not cause to tell of, this is the Eternal, and if Nirvana has some cause to tell of, it must be non-eternal. If so, Nirvana is what originally was not, but is now, and if it is what originally was not, but is now, it must be non-eternal. This is like the light of a lamp. If Nirvana were anything like that, how could we say that it is the Self, Bliss, and the Pure?"
The Buddha said: "Well said, well said, O good man! You have already sown good seeds in the past at the places of innumerable Buddhas and you now are able to put questions of deep meaning to the Tathagata. O good man! You do not make away with the original thought that you had, and you thus ask. I call to mind that in days gone by, innumerable kalpas ago, there appeared a Buddha at Varanasi who was called "Well-Gained". At the time, this Buddha delivered a sermon on the Great Nirvana Sutra in the course of 3 billion years. I, along with you, was among those congregated there. I then asked the Buddha this question. Then, the Tathagata, for the sake of beings, was in right samadhi and did not reply. O great one! You retain this old story of olden days well in mind. Listen carefully, listen carefully! I shall now tell you.
"This sila also has a cause. Because it arises out of listening to Wonderful Dharma. The fact that one listens to Wonderful Dharma is also a cause. This arises from making friends with a good friend. One’s associating with a good friend is the cause. This arises out of faith. Having faith is also a cause.
"There are two kinds of cause. One is listening to a sermon, and the other is thinking over its meaning.
"O good man! Faith arises out of listening to Dharma, and this listening is grounded in faith. These two are cause and cause of cause. Also, they are result and result of result. O good man! The Nirgranthas protest and put forward the case of a pot and say that each serves as the cause and effect and each cannot part from the other. The case stands thus.
"Ignorance" [“avidya”] has causal relations with [i.e. ignorance causes] "volitional im-pulses" [“samskara”], and volitional impulses with ignorance. Now, this case of ignorance and volitional impulses is cause, and cause of cause, and also effect, and effect of effect. And birth is causally related to age-and-death, and age-and-death to birth. And birth and age-and-death are cause and cause of cause, and are effect and also the effect of effect. The case is thus.
"O good man! Birth indeed calls forth things. There can be no birth by itself. It cannot come about by itself. Birth comes about dependent on birth. Birth-birth cannot so come about by itself. It is dependent upon a birth. Thus, the two births too are cause, and also cause of cause; and the effect is effect of effect.
"O good man! The case of faith and listening to Dharma is thus. O good man! This is effect and is not cause; it is Great Nirvana.
"Why do we say effect? Because this is the best fruit, the fruition of a sramana, that of a Brahmin, because it uproots birth-and-death. Because the person excises defilement. Because of this, we say result. It gets reproached by all kinds of defilement. Hence, we say that Nirvana is the result. We call defilement the wrong of the wrong.
"O good man! Nirvana has no cause. It is the result. Why so? Because there is no birth-and-death. Because there is no action performed and because it is uncreated. It is a Non-Create. It is Eternal and Unchanging. It has no place where it exists [i.e. it is not limited to a particular place, it cannnot be pinned down to a specific location]. There is no beginning and no end.
"O good man! If Nirvana has any cause that can be named, this is not Nirvana. "Van" ["Vana" of "Nir-vana"] means cause; the Nirvana of causal relations means "not". As there is no cause that can be named, we say Nirvana."
Bodhisattva Lion’s Roar said: "The Buddha says that Nirvana has no cause that can be named. But this is not so. If it is said that there is none, this answers to [corresponds to] the six significations. Firstly, we have the "ultimate not-is". This is as in the case in which all things have no ultimate entity called "self" and no ultimate thing belonging to it. Second, it is non-existing when it can exist. Hence, "none". This is as when people say: "There is no water in the river or pond; or there are no sun and moon." Third, as the amount is small - hence, " none" . The people of the world say, when there is little salt, "saltless" ; when sweetness is insignificant, we say " not sweet" . Fourth, when one receives nothing, one says " none" . The candala cannot uphold the teaching of the Brahmin. So we say: "There is no Brahmin [here]." Fifth, when one accepts an evil thing, we say "none". People say: "A person who accepts an evil thing is no sramana or Brahmin, because people do not call such a sramana or Brahmin." Sixth, because it cannot be compared. For example, if there is no white, we say black; when there is no brightness, we say ignorant.
"O World-Honoured One! The case with Nirvana is thus. If said when there is no cause when there is. That is why we say Nirvana."
The Buddha said: "O good man! You now speak of the six significations. You do not take up the case of ultimate nothingness and compare it with Nirvana. But you take up the case of nothingness in relation to reality.
"O good man! The body of Nirvana has utterly no cause that can be named. It is as in the case where there is no self and nothing that could be named as belonging to one.
"O good man! What obtains in the world and in Nirvana cannot bear comparison at all. So the six items cannot serve as comparison.
"O good man! “All things do not have the "Self". But this Nirvana truly has the Self”. For this reason, we say that Nirvana has no cause and yet the body is the result. This is the cause, and not the result. We call this the Buddha-Nature. As it is no result come about from a cause, it is the cause, but not the result. It is no result of a sramana. So, we say "non-result".
"Why do we say "cause"? Because it is the revealed cause.
"O good man! There are two kinds of cause. One is the cause of birth and the second the revealed cause.
"Also, there is a cause of birth, which is the six paramitas and unsurpassed Enlighten-ment.
"Also, there are the revealed causes, which are the six paramitas and the Buddha-Nature.
"Also, there are the causes of birth, which are the Suramgama Samadhi and unsurpassed Enlightenment.
"Also, there is the revealed cause, which is the Noble Eightfold Path and unsurpassed Enlightenment.
"Also, there are the causes of birth, which are faith and the six paramitas."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! What do we mean when we say that we see the Tathagata and the Buddha-Nature about which you, the Buddha, speak? O World- Honoured One! The Tathagata has no carnal visage. He is not tall, not short, not white, not black; there is no direction to tell of. He is not the three worlds. He is not a created existence. He is not one that can be seen with the eye. How can one see [him]? The situation is the same with the Buddha-Nature."
The Buddha siad: "O good man! There are two kinds of Buddha-body. One is Eternal, and the other is impermanent. The latter is one manifested through expediency for saving beings. This is to see with the eye. The Eternal refers to the emancipated body of the Tathagata- World-Honoured One! It is called one seen by the eye. It is also one seen by hearing. The Buddha-Nature, too, has two kinds, namely: 1) visible, 2) invisible. The visible is the case of the Bodhisattvas of the stage of the ten abodes and the All-Buddha-World-Honoured One; unable to be seen refers to the case of beings. Seeing with the eye refers to beings' Buddha- Nature seen by the Bodhisattvas of the stage of the ten abodes and the All-Buddha-Tathagata. Seeing by hearing refers to all beings, who hear that the Bodhisattva of the ninth abode has the Buddha-Nature.
"The body of the Tathagata also has two kinds. One is the carnal and the other the noncarnal. The carnal is so called when the Tathagata gets emancipated. The non-carnal concerns the Tathagata who is segregated eternally from all kinds of carnal existence.
"The Buddha-Nature also has two kinds: 1) rupa [form], 2) non-rupa. Rupa concerns unsurpassed Enlightenment, and non-rupa refers to all beings and the Bodhisattvas of the ten abodes. The Bodhisattvas of the ten abodes cannot see the Buddha-Nature very clearly. It is because of this that we class [this] as non-rupa.
"O good man! The Buddha-Nature further has two kinds, which are: 1) rupa, and 2) non-rupa. Rupa concerns the Buddha and the Bodhisattvas and non-rupa all beings. Rupa refers to seeing with the eye, and non-rupa to seeing through hearing. The Buddha-Nature does not exist in and out; nor is it within or without. And yet it does not get lost or destroyed. That is why we say that all beings have the Buddha-Nature."
Bodhisattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! The Buddha says that all beings possess the Buddha-Nature. There is butter in milk. It is as in the case of the vajra-guardsman [one of the gods, who holds a diamond in his hand and protects the Buddhist teaching]. The Buddha-Nature of all Buddhas is pure sarpirmanda [ghee, or the most delicious, efficacious medicine]. Why does the Tathagata say that the Buddha-Nature exists neither inside nor out?"
The Buddha said: " O good man! I too do not say that butter exists in milk. What I say is that butter comes out of milk. And so we say that there is butter."
"O World-Honoured One! In all births, there is a season."
"O good man! In the milk stage, there is no butter. So there is no fresh butter, no clarified butter, and no sarpirmanda. All beings too call this milk. Hence, I say that there is no butter in milk. If there were, why do we not have two names and speak, for example, as we do of " two able smiths of gold and iron" ? At the butter stage, there is no milk and it is not fresh butter, not clarified butter, and not sarpirmanda. Beings too say that it is butter and not milk, not fresh butter, not clarified butter, and not sarpirmanda. The same with sarpirmanda too.
"O good man! Of causes, there are two kinds. One is the right cause, and the other the condition. We say right cause. We may compare this to milk which calls forth butter; and through the condition, we may call forth the quality of the sourish content and warmth. As it comes from milk, we say there is the quality of butter in milk."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! If there is no nature of butter in milk, this will lead to our saying that it cannot be in the horn. Why is it that it does not come out of the horn?"
"O good man! The horn also calls forth butter. Why? I also say that there are two kinds of condition. One has the content of “ro” [vinegar, or the soursih content, or what may lead to the calling forth of a thing like curds], and the other that of “nan” [warmth]. As the nature of the horn is warmth, I say: "It indeed calls forth butter."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! If the horn can indeed call forth [butter], why is it that one who seeks butter takes the milk and not the horn?"
The Buddha said: "O good man! That is why I speak about the right cause and condi-tion."
Lion’s Roar said: "If there is originally no nature of butter in milk, and now there is, and if if there is originally no amra in milk, why is it that it does not shoot forth a bud? This is because both did not have these from the very beginning."
"O good man! Even here, the milk calls forth amra. If one sprinkles milk on amra, it grows five feet in a night. That is why I say that there are two causes [i.e. the cause and "by-cause", or condition]. O good man! If all things come about from one cause, how can you criticise and ask why amra does not come about in milk? O good man! The four great elements and all concrete things can be the elements of causal relations. Yet, each is different from the other and cannot be the same. For this reason, there does not come about amra in milk."
"O World-Honoured One! You the Buddha say that there are two kinds of cause, which are: 1) right cause and 2) condition. What cause does the Buddha-Nature of beings serve?"
"O good man! The Buddha-Nature of beings also has two causes. One is the right cause and the other the condition. The right cause corresponds to all beings; the condition is the six paramitas."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! I now definitely know that milk contains in itself the nature of butter. Why? I see people of the world who seek butter take only milk and never water. From this we know that there is the nature of butter in milk."
"O good man! What you say is not right. Why not? All beings who seek to see their face and features take only the sword."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! For this reason, there is the nature of butter in milk. If there were no face and nothing of one’s form in the sword, why should one take up the sword [to look into]?"
The Buddha said: "O good man! If there definitely is the face and bodily form, why is it that there is the upside-down [image]? Vertically one sees the length, and crosswise one sees the width. If this is one’s own face, how could it be long? If this face is that of some other person, how can one say that this is one’s own? If it is the case that one sees by [means of] one’s own face the face of someone else, why does one not see the face and form of a donkey?"
"O World-Honoured One! The light of the eye reaches him, so that we see that the face is long."
"O good man! And yet this light of the eye does not reach him. Why not? Because one sees the near and far at the same time. What stands in between is not seen. O good man! If the light reaches him and one can see, why is it that all beings do not get burnt by seeing fire? Do not gain doubt as when one sees a white thing far off and wonders whether it is a crane, a banner, a man, or a tree? How can it be that one sees a thing in the crystal and the fish and stones in deep water only if light comes in? If one sees without the light coming in, why is it that one sees a thing in the crystal and that one cannot see what is beyond the wall? Because of this, we cannot say that the light of the eye reaches the object and that we can see. O good man! You say that there is butter in milk. But why is it that a vendor takes only the price of the milk and not that of butter? Why is it that one who sells a horse from the pasture sells it at the price of the horse from the pasture, but not at the price of the horse itself? O good man! There is a man with no son. So he takes in a woman. The woman gets impregnated [gets pregnant]. We cannot say that this is a woman because she gets impregnated. One may say: "Take this woman, because she has the quality of bearing a child." But this does not work out well. Why not? If there is the quality of having a child, there must come about a grandson. If there is to be a quality, this will mean that all are brothers. Why? Because all are born of the same person. That is why I say that a woman does not have any quality of a child. If there is the quality of butter in milk, why is it that one does not have the five tastes? If the seed of a tree has the quality of the 50-foot length of nyagrodha, why is it that one does not have the different forms and colours all at once from the time of the bud, stem, branch, leaf, flower and fruit? O good man! The colour of milk differs by the difference of time. So is it with the taste and fruit. The same with sarpirmanda. How can we say that milk has the quality of butter in it? O good man! For example, a man who must take butter on the morrow may have a sense of its smell today. The case where we say that milk definitely possesses the quality of butter also amounts to the same.
"O good man! For example, it is as when we arrive at a letter, the conjoint result of pen, paper and ink. And yet, in this paper there is nothing that represents the letter itself. Originally, there is nothing of the letter [there]. Through causal relations, the letter first comes about. If there were anything of a letter, why did we need to depend upon so many causal relations? For example, it is like the colour green, which is the mixing together of blue and yellow. Know that these two did not originally have the quality of green. If there was that [quality] originally, why do we need to mix the two together and [thus] gain the colour?
"O good man! It is just as beings gain life from food. But in this food, there is nothing of life, truth to tell. If there were originally life, there would have to be a thing called life when not yet partaken of.
"O good man! There is no self of its own in all things. For this reason, I speak thus in a
gatha:
"What originally was not is now;
What originally was is now not.
There cannot be anything such as " is"
That obtains in the Three Times."
"O good man! All existences come about through causal relations and die out through causal relations. O good man! If it is true that all beings have the Buddha-Nature within, it will be as in my own case, where I have the Buddha-Body now. The Buddha-Nature of all beings is unbreakable, indestructible, cannot be drawn, cannot be grabbed hold of, cannot be tied or bound up. It is like space, which is also in all beings. All beings possess it. As there is nothing that hinders, one does not see this void. If beings did not have this void, there could not be any going, coming, walking, standing, sitting or reclining; and there could be no being born and growing up. That is why I say in this sutra that beings have the void. The world of void corresponds to voidness. The same with the Buddha-Nature of beings, too. The Bodhisattva of the ten abodes can see this somewhat. It is as in the case of the vajra-aksa.
"O good man! The Buddha-Nature of beings is what all Buddhas can see; it is not what sravakas and pratyekabuddhas can know. All beings do not see the Buddha-Nature. That is why they are all bound up by defilement and repeat birth and death. When one sees the Buddha-Nature, no bonds of defilement can tie one up. Emancipation comes and one attains Great Nirvana."
Bodhisattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! All beings possess the Buddha- Nature as in the case of the nature of butter which is in milk. If not, how could the Buddha say that there are two causes, i.e. 1) right cause and 2) condition? The condition has qualities: 1) sourness and 2) warmth. Space has no nature. Hence, no cause and no condition."
The Buddha said: " O good man! If there is any nature of butter in milk, what condition and cause can there be?"
Bodhisattva Lion’s Roar said: "Because there is a nature. Because of this, there can be a condition and cause. Why? Because one desires to see clearly. The condtion or cause is none but the revealed cause. O World-Honoured One! In the dark, there already exist many things. When one desires to see, one makes use of a lamp. If nothing existed from the beginning, what would the light shine upon? In mud [i.e. clay] there is the pot. Because of this, a man with a water wheel, rope, or staff makes this the revealed cause. Or the seed of nyagrodha makes the earth, water and dung the revealed cause. The same with the sourish content or the warmth of milk. It can become a revealed cause. So, there can be a quality that precedes. By the help of the revealed cause, one can indeed see later. Because of this, one definitely knows of butter that exists beforehand in milk."
"O good man! If milk definitely contains the nature of butter, this is the revealed cause. If this is a revealed cause, why does one need to have a thing revealed? O good man! If the nature of the revealed cause is revealed, it must always have [such] revealing. If there is no revealing of one’s own self, how can one hope to reveal others? There are two kinds of revealed cause, which are: 1) to reveal for oneself and 2) to reveal others. If this is what is said, this is not so. Why not? The revealed cause can only be one. How can there be two? If it is two, we must know that milk too must have two. If there cannot be two in milk, how can there be two in the revealed cause?"
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! The people of the world may say: I was together with eight persons. The same is the case with the revealed cause. It reveals itself and reveals others."
The Buddha said: " O good man! If the revealed cause must be that, it is not a revealed cause. Why not? One who conts his own self can also count the self of others. That is why one can say eight. And in this nature of matter, there is no phase of revealing. As there is no phase of revealing, only by the help of Wisdom can one count one’s own self and that of others. Because of this, the revealed cause cannot reveal itself, and it does not reveal others.
"O good man! If all beings have the Buddha-Nature, why does one need to practise innumerable virtues? If one says that to practise the Way is the revealed cause, this negates the claim that it is the same as butter. If one says that in the cause there is definitely the fruit, there can be no increase in sila [morality], samadhi [meditative absorption] and Wisdom. I see that worldly people originally do not possess sila, samadhi and Wisdom. These increase as one follows the words of the teacher and receives these, and by degrees these increase. One says that what the teacher teaches is the revealed cause, but at the time the teacher is teaching, the one who receives does not as yet have sila, samadhi and Wisdom. If this were [supposed] to be the revealing, this indicates that there was no revealing. How can one practise sila, samadhi and Wisdom and make these increase?"
Bodhisattva Lion’s Roar said: "If there is no revealed cause, how can one say that there is milk or butter?"
"O good man! There are three ways to answer the blames [criticisms] of the world, which are: 1) reverberating answer, as is resorted to as in the following: " Why do we uphold sila? Because of the fact that one does not regret or one cares for Great Nirvana"; 2) silent answer, as when a Brahmacarin came to me and asked: "Is the self eternal?", when I maintained my silence; 3) doubting answer, as in: " If there are two revealed causes, why cannot there be two milks?"
"O good man! I now resort to the reverberating answer: " Because the people of the world say that there are milk and butter and that one decidedly gains these. Because of this, we can say that there are milk and butter. It is the same with the Buddha-Nature, which one can actually see."
Lion’s Roar said: "What the Buddha says does not work out well. The past is already gone and the future has not yet come. How can we say that these exist? If this means what is to come about, this does not accord with reason. This is as when the people of the world say "sonless", when they see a person without a son. How can we say that all beings have the Buddha-Nature when they do not have it?"
The Buddha said: " O good man! The past is an existence. For example, we plant a mandarin orange. It shoots out a bud and the seed dies. The bud is sweet; the fruit, too, is sweet. When ripe, it becomes sour. O good man! This taste of sourness does not exist in the seed or in the bud; nor is it in the raw fruit. When ripe in accordance with the quality it originally possesses, there come about the form, colour, the external appearances and the sour taste. And this sourness is what originally was not, but what now is. Even though not existing but now existing, this is not to say that there was not originally the quality as such. Thus, though the fruit derives from the past, we nevertheless can say that it is what exists. Because of this, we say that the past is what "is".
"How can we call the future "is"? For example, a person sows sesame. People ask: "Why are you sowing this?" The person answers: "We [want to] have oil." Although the oil does not exist, we gain it when the sesame ripens, when we harvest the seeds, roast or pass them through steam, and pound or press them and we gain the oil. Know that we are not telling any lies. For this reason, we can say that there is a future " is" .
"How, again, can we say that the past has an "is" ? O good man! A person speaks ill of the King in the former's quarters. Years later, the King comes to hear of this. On hearing of this, he asks: "Why did you speak ill of me?" "O great King! I did not speak ill of you. The person who spoke ill of you is now dead." The King says: "Both the person who spoke ill of me and my own body exist. How can you say he is dead?" On account of this, the man loses his life.
"O good man! These two actually do not exist, and yet the karmic result remains and is not dead. This is the past "is". How do we speak about the future "is"? For example, a person goes to a potter's and asks: "Have you a pot?" The answer comes back: "We have a pot." And yet, actually there is no pot. As the potter has the mud, he says that he has it. The case is analogous to this. Know that the person is not telling lies. There is butter in milk. It is the same with the Buddha-Nature of beings. If one wishes to see the Buddha-Nature, one must think of time, form and colour. For this reason, I say that all beings possess Buddha-Nature. There is nothing in this that is false."
Lion's Roar said: " If beings do not have the Buddha-Nature, how can they attain un-surpassed Enlightenment? Because of the right cause. Through this, beings attain unsurpassed Enlightenment. What is the right cause. It is none other than the Buddha-Nature, O World- Honoured One! Even when the seed of nyagrodha contains within it the nyagrodha tree, we call it the nyagrodha seed. And why is it that we do not call it a khadira seed? O World-Honoured One! The family name of Gautama cannot be made to pass for Atreya, and Atreya cannot be made to stand for Gautama. So do things obtain with the nyagrodha seed. It cannot be made to stand for a khadira seed or the khadira seed to stand for the nyagrodha seed. And as you cannot make away with the family name of Gautama, the Buddha-Nature of beings cannot be made away with. Know, because of this, that beings possess the Buddha-Nature."
The Buddha said: " O good man! If you say that there is the nyagrodha in the seed, I have to say that this is not so. If there were, why do we not see it? O good man! If is as with things of the world which cannot be seen because of causal relations. What are [such] causal relations? They are, for instance, like the case where distance is too great, so that one cannot see. Or like the trace of a bird’s flight across the sky. Or as when the distance is too short, as in that of a blink of the eye. Or as in the case of breaking up, as a result of which one cannot see. Or because of the rotting of the root. Or it is like the dispersion of thought, as when one’s mind is not set all-exclusively upon a single point. Or it is as when something is too tiny, as with a mote. Or it is as when an obstacle exists, as when clouds obscure the sight of the stars by coming in between. Or when there are too many, so that it is not possible to see, as in the case of hemp amid the rice plants. Or because of similarity, as a result of which one cannot see, as in the case of a bean amidst beans. But the nyagrodha is not anything like these eight causal relations. If such, why is it that we cannot see such? You may say that we do not see because of small obstacles. But this is not so. Why not? Because the external characteristics are rough and coarse. If you say that the nature is minute, how can it truly grow? If one says one cannot because of an obstacle, we would not ever be able to see. If it is said that there was originally no such coarseness, but one now sees this coarseness, know that this coarseness has no nature of its own. Originally, there was no nature, and one now sees. Know that the nature of this seeing originally has no nature of its own. It is the same with the seed. There was no tree itself. Now, we see it. What harm is there?"
Lion’s Roar said: "There are two causes of which the Buddha speaks. One is the right cause and the other the revealed cause. Because the nyagrodha seed is grounded on the revealed cause of earth, water and dung, this enables what is minute to gain coarseness [bulk, size]."
The Buddha said: "O good man! If there is the ground to start from, why do we need to seek the revealed cause? If there is no nature to talk of, what is there to reveal? If there is not originally any element of coarseness, and because of the revealed cause there comes about coarseness, why is it that khadira does not come about? The fact is that both do not originally exist. O good man! If minuteness cannot be seen, one can see well that which is coarse. For example, one may not be able to see a single mote, and yet when many motes foregather, one can. Of such seeds, one can see what is coarse. Why? Because in this there is already the bud, stem, flower, and fruit. In each fruit, there are already innumerable seeds. Each seed contains within it innumerable trees. Hence, we say coarse. As there is this coarseness, one can indeed see it. O good man! If this nyagrodha seed has the nature of nyagrodha and if it calls forth a tree, we see that the seed is being burnt in fire. Thus the nature of being burnt will also be an "is". If it is an " is" , there cannot be any coming about of the tree. If all things are originally of the nature of birth and death, why is it that birth precedes and death follows, and that everything does not happen at the same time? For this reason, know that there is no nature."
Bodhisattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! If the nyagrodha seed originally has no nature of the tree and yet calls forth the tree, why is it that this seed does not give out oil? This derives from the fact that neither of these has such a nature."
"O good man! Even such a seed does indeed give out oil. Though there is no nature, it is "is" because of causal relations."
Lion’s Roar said: "Why do we not call it sesame oil?"
"O good man! Because it is not sesame oil. O good man! The causal relation of fire calls forth fire; that of water calls forth water. Both follow the causal relations, but to exist [at one and the same time] as one is not possible. It is the same with nyagrodha and sesame seeds. Both follow causal relations, but do not exist at once as one. The nature of the nyagrodha seed easily cures a cold and sesame cures a fever. O good man! Through the difference in causal relations, sugar cane calls forth rock candy and kokumitsu [a certain sugar product - possibly molasses]. Both depend on one causal relation, but their colour and external appearance differ. Rock candy cures fever and kokumitsu a cold."
Bodhisattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! If there is not any nature of butter in milk, nor the nature of oil in hemp, and no nature of a tree in the nyagrodha seed, no nature of a pot in mud, no Buddha-Nature in all beings, all this contradicts what the Buddha said above [to the effect] that all beings possess the Buddha-Nature and will therefore attain unsurpassed Bodhi [Enlightenment]. Why? Because there is no nature of a human or deva [god]. This means to say that without any nature, a human becomes a deva and a deva a human. It is because karma so contrives it that it comes about thus, but not by any nature. The Bodhisattva- mahasattva attains unsurpassed Bodhi only through the causal relations of karma. If it is said that all beings have the Buddha-Nature, why does the icchantika segregate [himself from] the root of goodness and fall into hell? If the Bodhi Mind is the Buddha-Nature, the icchantika cannot be cut off [from it]. If he is cut off, how can we say that the Buddha-Nature is eternal? If it is not eternal, we cannot call it the Buddha-Nature. If all beings possess the Buddha-Nature, why do we speak of such as the "first aspiration to Bodhi"? And why do we speak of “vaivarti” ["drawing back"] and “avaivarti” ["non-retarding"]. If vaivarti, the person could not have the Buddha-Nature. O World-Honoured One! The Bodhisattva-mahasattva looks single-mindedly towards unsurpassed Bodhi, sees Great Loving-Kindness and Great Compassion, and the ills of birth, old age, death and defilement, and Great Nirvana; and he meditates on the non-existence of birth, age, death and defilement, and believes in the Three Jewels, and the results of karma, and upholds sila. Such is the Buddha-Nature. If there could be any Buddha-Nature, how could one use this law and make it a causal relation? O World-Honoured One! Milk can surely become butter without the help of causal relations. But fresh butter [“navanita”] cannot proceed thus. It needs to depend on causal relations, such as a man’s skill, a water pot, and a churning rope. The situation is the same with beings. If they have the Buddha-Nature, they can do without causal relations and attain unsurpassed Bodhi. If it is definitely an "is", why does the Way-seeker see the suffering of the three unfortunate realms, and birth, age, illness and death, and gain the retarding mind [i.e. slip back, not make progress]? Also, without practising the six paramitas, one attains unsurpassed Bodhi. This is as when one wishes to gain butter without depending on the causal relations of milk. But it is not the case that one attains unsurpassed Bodhi without depending on the six paramitas. For this reason, we must know that all beings do not possess the Buddha-Nature. This is as above, where the Buddha said that the Jewel of the Sangha is eternal. If it is eternal, this means that it is not non-eternal. If it is not non-eternal, how can one attain unsurpassed Bodhi? If the Sangha is eternal, how can one say that all beings possess the Buddha-Nature? O World-Honoured One! If all beings do not originally possess Bodhichitta [Enlightenment Mind] and do not have the aspiration to unsurpassed Bodhi and later gain it, then the Buddha-Nature and beings are what originally was not but now are. Because of this, it must be the case that all beings do not possess the Buddha-Nature."
The Buddha said: "Well said, well said, O good man! You have long known the meaning of the Buddha-Nature. For the sake of beings, you pose such questions and say: "All beings truly possess the Buddha-Nature." You say that if all beings possess the Buddha-Nature, there cannot be any first aspiration. O good man! The mind is not the Buddha-Nature. Why not? The mind is non-eternal, and the Buddha-Nature is Eternal. Why do you say that there is retrogression [or regression]? Truth to tell, there is no retrogressing. If there were any retrogressing, there could not be any attainment of unsurpassed Bodhi. As it comes late, we call this retrogressive. This Bodhi Mind is not the Buddha-Nature. Why not? Because the icchantika lacks the root of good and falls into hell. If the Bodhi Mind is the Buddha-Nature, the icchantika cannot be called an icchantika. Also, the Bodhi Mind cannot be called non-eternal. For this reason, we can definitely know that the Bodhi Mind is not the Buddha-Nature.
"O good man! You say that if beings possess the Buddha-Nature, there is no need for causal relations, since the case is analogous to that of milk to butter. But this is not so. Why not? This is like saying that five causal relations call forth fresh butter. Know that the same is the case with the Buddha-Nature. For example, in several stones we find gold, silver, copper, and iron. All are of the four great elements. Each has one name and one thing. And the place where it comes from is not the same. Birth [i.e. the open appearance of these metals] always depends on the sum total of various causal relations and beings’ virtue, metallurgy, and human skill. The matter stands thus. Because of this, we have to know that originally there is no nature of gold. The Buddha-Nature of beings is no Buddha. By the conjoint workings of all virtues and causal relations, one sees the Buddha-Nature and one becomes the Buddha. It is not correct to say: "All you beings have the Buddha-Nature. Why do you not see it?" Why not? Because all the causal relations are not yet in conjunction. O good man! For this reason, I said that of the two causes of right cause and condition, the right cause is the Buddha-Nature, and that the condition is the mind that aspires to Bodhi; that by two causes one attains unsurpassed Bodhi, as in the case of a stone from which gold comes forth.
"O good man! You priests always say that all beings do not possess the Buddha-Nature. O good man! "Sangha" means "harmony". Of harmony there are two kinds. One is of the worldly type and the other of “Paramartha-satya” [Ultimate Truth]. Worldly harmony is the sravaka Sangha, and “Paramartha-satya” harmony is the Bodhisattva Sangha. The worldly
Sangha is non-eternal, but the Buddha-Nature is Eternal. As the Buddha-Nature is Eternal, so is the Sangha of “Paramartha-satya”.
"Also, next, there is a Sangha which is the harmony of law [harmony of Dharma]. The harmony of law refers to the 12 types of sutra. The 12 types of sutra are Eternal. That is why I say that the Sangha is Eternal.
"O good man! Sangha means harmony. The harmony is the 12 types of sutra. In the 12 links of interdependence, there is the Buddha-Nature. If the 12 links of interdependence are Eternal, the Buddha-Nature too is Eternal. That is why I say that there is the Buddha-Nature in the Sangha.
"Also, next, the Sangha is the harmony of all Buddhas. That is why I say that there is the Buddha-Nature in the Sangha.
"O good man! You say that if all beings possess the Buddha-Nature, how can there be any retrogression and non-retrogression? Listen carefully, listen carefully! I shall now explain [matters] to you in minute detail.
"O good man! If a Bodhisattva-mahasattva has 13 things, there is retrogression. What are these 13? They are: 1) the mind does not believe, 2) the mind will no do, 3) the doubting mind, 4) being niggardly in bodily actions and with wealth, 5) entertaining great fear towards Nirvana, doubting whether one could eternally part from worldly existence, 6) having no mental forbearance [patience, endurance], 7) the mind will not adjust and soften itself, 8) apprehension and worry, 9) lack of bliss, 10) indolence, 11) belittling one’s own self, 12) deeming that there is no means to excise defilement, and 13) not desiring Enlightenment. O good man! These 13 are the things that cause the Bodhisattva to retrogress from Enlightenment.
"Further, there are six things which destroy the Bodhi Mind. What are they? They are: 1) parsimony, 2) entertaining an evil mind towards all beings, 3) making friends with evil people, 4) non-effort, 5) arrogance, and 6) carrying on worldly business. These six things destroy the Bodhi Mind.
"O good man! A man hears that the All-Buddha-World-Honoured One is the teacher of humans and gods, that he is the best, incomparable, and superior to sravakas and pratyek- abuddhas, that his Dharma-Eye is clear, that he is unhindered, that he passes all beings over the great sea of suffering. Having heard this, the man takes a great vow: " If there is any such person, I too shall be like him." Through this causal relation, he aspires to unsurpassed Enlightenment. Or taught by some others, a person may aspire to unsurpassed Enlightenment. Or a person might hear that the Bodhisattva underwent stringent penances for asamkhyas of kalpas and later attained unsurpassed Enlightenment. Having heard this, he thinks: " I cannot endure such penance, so how will I be able to gain it?" Thus, he retrogresses.
"O good man! There are also five things that distance one from the Bodhi Mind. What are the five? They are: 1) desiring to get ordained under a tirthika [non-Buddhist], 2) not practising the Great Mind of Loving-Kindness, 3) especially seeking to find fault with a priest, 4) always seeking to live in between birth and death, 5) not holding a good feeling towards upholding, reciting, copying and expounding the 12 types of sutra. These are the five things that pull one away from the Bodhi Mind.
"Also, there are two things that pull one away from the Bodhi Mind. What are the two? They are: 1) to be greedy for the five desires, 2) not respecting and honouring the Three Treasures.
"All such various causal relations carry one away from the Bodhi Mind [i.e. are causes of retrogression]
"What is the unretrogressive mind? Again, a man hears that the Buddha truly passes beings over the sea of birth, old age, illness and death. He does not ask of a teacher to be taught and gains unsurpassed Bodhi by spontaneously practising the Way. " If Bodhi is something we can indeed gain, I shall assuredly practise the Way and unfailingly attain it." Thinking thus, he aspires to Bodhi and transfers all [the merit] that he has amassed, be it great or small, to unsurpassed Bodhi. He takes this vow: "I pray that I shall draw near to all Buddhas and Buddhist disciples, listen to sermons, so that the five sense-organs are all perfect, and this mind will not get lost even if I encounter hardships. Also, I pray, O all Buddhas and disciples, that I shall always have a gladdened mind and be perfect in the five good deeds. If all beings slash my body, hands and feet, head and eyes, and other parts, I shall gain a heart of Great LovingKindness towards all and feel happy. All such persons will serve me in the augmentation of my own Bodhi. If not, how can I accomplish unsurpassed Bodhi? Also I vow: Let me not gain a body that has no genital organs, that has dual sex organs, or the form of a female; [I pray] that I shall not be tied up by officials, that I shall not encounter a bad king, that I shall not be the subject of a bad king, that I shall not gain birth in an evil state. If I gain a beautiful body, my caste will be right. I may be blessed with wealth, but I shall not acquire an arrogant mind. I shall always listen to the 12 types of sutras, uphold, recite, copy and expound [them]. If I am able to address beings, [I pray that] those who listen to me will respect me and entertain no doubt, that they will not bear any ill-will towards me, or that they hear little, but gain more understanding, that they will not desire to hear much but not be clear as to the meaning. I pray that I shall become the teacher of the mind, but not make the mind the teacher, that all my bodily, oral and mental actions will not befriend evil, that I shall be able to bestow peace and bliss upon all beings, that I shall not be moved like a mountain in the bodily precepts and in the wiseness of the mind, that I shall not be parsimonious with body, life or wealth, that I shall not do impure things and regard such as being meritorious, that I shall carry on a right way of living, live by myself, that I shall not do evil or flatter in mind, that when receiving any favour I shall pray in my mind to repay in a manifold way, even when only favoured a little, that I shall be well versed in all worldly acts and skills, that I shall be able to know all dialectical idioms [terms], that I shall recite and copy the 12 types of sutra, that I shall not be indolent and lazy in my mind, that if all beings do not desire to listen, I shall bring forth means so that they will be pleased to give ear to me, that my words will always be soft, that my mouth will not speak evil things, that I shall truly make those who entertain evil thoughts towards each other melt into harmony. If there should be anyone who has fear, he shall be freed from it; when there is a famine, there will be harvest and satisfaction; when epidemics prevail, I shall be a great doctor and there will be medicine and treasure, so that those who suffer from illnesses will all gain ease and health. In the days of long wars, the sufferings from smouldering fires will be done away with. I shall cut away all such fears as [regards] death, imprisonment, beatings, water and fire, kings, robbers, poverty, violating the moral precepts, evil names and ways of life. I shall gain deep respect for fathers and mothers, teachers and elders, and gain a heart of Great LovingKindness in the midst of enmity. I shall always practise the six thinkings, the three samadhis of the All-Void, thoughtlessness and desirelessness, the 12 links of interdependent origination, meditation upon birth and death, exhalation and inhalation of the breath, heavenly and pure actions, holy actions, the vajra-samadhi, the Suramgama Samadhi, and I shall gain a mind of quietude [even] where there are no Three Treasures. When I have to suffer from great sorrow, let me not lose the mind of unsurpassed Bodhi, let me not feel self-satisfied with the mind of the sravaka or pratyekabuddha. I shall renounce the world amidst the ways of the tirthikas and where there are no Three Treasures, so that I shall be able to crush the twisted views of life, and I shall not fall there into their ways of life. I shall gain unmolestedness in all things, be free in my mind, and be able clearly to see through all the wrongs of the created world. I shall fear the ways and fruitions of the two vehicles as I would fear losing my own fleshly body and life. For the sake of beings, I shall find pleasure in sitting amidst the three unfortunate realms like those who greatly like to look up to life in Trayastrimsa Heaven. For the sake of each person, I shall, for innumerable kalpas, suffers the pains of hell, and I shall feel no regret. I shall not burn in jealousy when I see others gaining profit. I shall always be as happy as when I myself gain bliss. Facing the Three Treasures, I shall offer clothing, food and drink, bedding, accommodation, medical attendance and cures, lights, flowers and incense, music, banners and parasols, and the seven treasures. If I receive injunctions from the Buddha, I shall zealously guard them and never break or transgress them. If I come to hear of the hardships of practice of the Bodhisattva, I shall feel pleased and have no regrets. I shall be empowered to read into my own past lives, and I shall not be a servant of greed, anger and ignorance. For the sake of results that are to come, I shall be no slave to causal relations. I shall not be addicted to the greed of pleasure that one has."
"O good man! If any person has such prayers, this is where we say that the Bodhisattva definitely will not draw back from the Bodhi Mind. He is also called a "danapati" [one who gives]. He will truly see the Tathagata, is one who is clear as to the Buddha-Nature, and one who well adjusts beings and enables them to pass over the sea of birth and death. He protects unsurpassed Wonderful Dharma well and is perfect in the six paramitas. O good man! For this reason, the unretrogressive mind is not called the Buddha-Nature.
"O good man! Do not say that beings do not have the Buddha-Nature just because of the retrogressive mind. For example, two persons hear: "In another land, there is a mountain made of the seven treasures. In the mountain, there is a clear spring, whose water tastes sweet. Should any person reach this spring, he will make away with poverty, anyone who drinks its water will gain a long life. But the way to it is long and steep. Then, both men desire to go there.
One of the men goes equipped with various travelling outfits, whereas the other goes unprepared, not even keeping to the rules of food. They are walking together, when along the way they meet a man who has plenty of treasures, perfect in the seven rarities. The two go up to this person and ask: ?Is there any mountain of the seven treasures in that land” The man replies: "There truly is such a land, and it is not false. I have already gained the treasures. I have tasted the water. The only thing to worry one is that the way is steep, and there are robbers, gravel, and thorns; watery [succulent] plants are lacking. Thousands and millions go [set out], but few reach the end." On hearing this, one of the men feels regret and says: "The way is long and there is more than one trouble. Innumerable is the number of those who go and few gain the end. And how can I expect to reach this place? At present, I have what I need to have. If I stick to this, I will not lose my life. If life is at stake, where can I look for longevity?" The other man also says: "People indeed go; I too shall go. If I truly gain that place, I shall have rarities and taste the sweet water. If I cannot, let my life end there." Now, the one regrets having started out and draws back, whereas the other goes on, gaining the mountain and rarities, and tastes the water that he desired to taste. Carrying all that he has gained, he comes back to where he lives, serves his parents and his ancestors."
"Then, the one who regretted having started out on the journey and who turned back, sees this and goes down with a fever. "He went and is now back. How can I remain here?" And equipping himself, he starts out on the journey again.
"The seven treasures can be compared to Great Nirvana, the sweet water to the Buddha- Nature, the two persons to two Bodhisattvas who first aspire to Bodhi, the steep path to birth and death, the man whom they meet on the way to the Buddha-World-Honoured One, the robbers to the four Maras, the gravel and thorns to defilements, the lack of watery plants to the non-practising of the Way of Bodhi, the one who turns back to the retrogressing Bodhisattva, and the one who goes on alone to the non-retrogressing Bodhisattva.
"O good man! The Buddha-Nature of beings is Eternal and Unchanging. And we say, referring to the steep path: " When the person regrets and turns back, this makes the way non-eternal." But this cannot be so said. The same is the case with the Buddha-Nature. O good man! On the Path of Bodhi, there is not one who turns back. O good man! The one who regretted having started out now sees him who went before and who has gained the treasures, has come back unmolested, who makes offerings to his parents, gives to his relatives, thus enjoying much peace. Seeing this, a fire again burns in his mind, he adorns his body, starts out on the way again, spares no effort, endures all manner of hardships, and goes to the mountain of the seven treasures. So do things obtain with the retrogressing Bodhisattva.
"O good man! All beings definitely will attain unsurpassed Bodhi. Because of this, I say in the sutra: "All beings, down to those who have committed the five deadly sins, those who have sinned by performing the four grave offences, and the icchantikas all have the Buddha-Nature."
Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! Why are there the retrogressing and the non-retrogressing Bodhisattvas?"
"O good man! If any Bodhisattva comes to know of the causal relations of the 32 signs of perfection of the Tathagata, we say non-retrogressive. He is the Bodhisattva-mahasattva, the non-upside-down, and one who pities all beings. He is one superior to sravakas and pratyekabud- dhas and one called " avaivartaniya" . O good man! The Bodhisattva-mahasattva is immovable in his upholding of the precepts, in his mind of giving, and is like Mount Sumeru in abiding in the true word. Because of this, he gains the "flat sole" [one of the 80 minor marks of excellence].
"The Bodhisattva-mahasattva fittingly offers things to his parents, the honoured ones, elders, and animals. Because of this, he gains on his sole the mark of excellence of a thousand spokes [one of the 80 minor marks of excellence]. The Bodhisattva-mahasattva takes joy in non-harming and non-stealing and is pleased regarding his parents, honoured ones and teachers. Because of this, he is accomplished in the three bodily marks, which are: 1) long fingers, 2) long heels, and 3) a square and upright body. All these three forms arise out of the same karma.
"The Bodhisattva-mahasattva practises the four ways of guiding in [i.e. to guide beings in by: 1) giving, 2) friendliness, 3) good actions, 4) transforming himself and co-existing with them as the beings themselves, and takes in beings. Due to this, he gains the toe-membrane [one of the 80 minor marks of excellence] like that of a great royal swan.
"The Bodhisattva-mahasattva, when his parents, teachers and elders are ill, himself washes and wipes, holds and rubs their limbs. Because of this, his hands and feet are soft.
"The Bodhisattva-mahasattva upholds the precepts, listens to the sermons, and knows no end of giving. Due to this, his joints and ankles are fully fleshed and the hair on his skin flows in one direction.
"The Bodhisattva-mahasattva single-mindedly gives ear to Dharma and expounds the right teaching. Because of this, he gains the ankles of a deer-king.
"The Bodhisattva-mahasattva acquires no harming mind, is satisfied with his food and drink, and with giving, and attends to illness, and dispenses medicine. Because of this, his body is rounded and perfect and is like the nyagrodha tree. When his hand is stretched dwon, his fingers reach his knee, and his head has the usnisa [Buddhic protuberance], the characteristic of which is that the top of it cannot be seen.
"The Bodhisattva-mahasattva, when he sees a person in fear, extends help [to that person], and when he sees a person without any footgear, gives him clothing. Due to this, he gains a characteristic of his in which his genital organ lies hidden.
"The Bodhisattva-mahasattva readily befriends wise men, segregating himself from the ignorant; he takes pleasure in exchanging views and sweeps the path along which he walks. On this account, his skin is delicately soft and his bodily hair turns to the right-hand side.
"The Bodhisattva-mahasattva always gives men clothing, food and drink, medicine, incense and flowers, and lights. Because of this, his body shines brightly in a golden colour and light.
"The Bodhisattva-mahasattva gives, does not grudge at [hang on to] whatever is rare, and easily parts with such; he makes no distinction whatever between a field of weal or a non- field-of-weal [i.e. the recipient of dana - charity - is likened to a field, by cultivating which one’s blessings and virtues increase]. Because of this, he is full and right-set [firm] in the seven places of his body.
"The Bodhisattva-mahasattva seeks wealth lawfully and gives this away [to others]. Because of this, the boneless parts [of his body] are full, the upper part is like that of a lion, and his elbows are well-balanced and delicate.
"The Bodhisattva-mahasattva segregates himself from double-tongue [two-facedness], from ill-speaking and an angry mind. On account of this, his 40 teeth are white and pure, well-balanced and delicate.
"The Bodhisattva-mahasattva practises Great Loving-Kindness towards beings. Due to this, he gains the two-fanged face.
"The Bodhisattva-mahasattva takes this vow: "Any may come and ask, and I shall give as they desire to have." Because of this, he gains the lion’s cheeks.
"The Bodhisattva-mahasattva gives whatever kind of food beings desire to have. Because of this, he gains the taste that is the mid-upper.
"The Bodhisattva-mahasattva exerts himself in the 10 good deeds and thereby teaches others. Because of this, he gains a large and long tongue [i.e. a symbolic expression referring to his great prowess in oratory].
"The Bodhisattva-mahasattva does not speak ill of the shortcomings of others and does not slander Wonderful Dharma. Because of this, he acquires the Buddha-Voice.
"The Bodhisattva-mahasattva sees all enmities and gains a pleasant [i.e. happy] mind. Because of this, he gains the blue tone of his eyes.
"The Bodhisattva-mahasattva does not conceal the virtues of others, but praises the good which they have. Due to this, he gains a face with a white [tuft of] hair on his brow.
"O good man! When the Bodhisattva-mahasattva practises such 32 kinds of causal relations, he gains a mind that will not retrogress from the mind that seeks Bodhi.
"O good man! All beings are beyond knowing; also inconceivable are the worlds of Buddhas, and the workings of karma, and the Buddha-Nature. Why? Because these four things are all Eternal. Being Eternal, they cannot be conceived of. With all beings, defilement overspreads [them]. And we say Eternal. The defilements of disruption and permanence go. Hence, non-eternal. If it is the case that all beings are the Eternal, why do we need to practise the Eightfold Path, so as to extirpate all sorrows? When disruption comes to all sorrows, we say non-eternal. Whatever we have of bliss, we call it Eternal. For this reason, I say: " All beings are overspread by defilement and cannot see the Buddha-Nature. Not seeing the Buddha-Nature, no Nirvana comes about."
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.69.109 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập