Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 31- Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một – Phần năm »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 31- Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một – Phần năm

Donate

(Lượt xem: 11.895)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 31- Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một – Phần năm

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như trong kinh có nói: ‘Trí tỳ-bà-xá-na có thể phá trừ phiền não’, vì sao còn phải tu tập xa-ma-tha?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ông nói rằng: ‘Trí tỳ-bà-xá-na phá trừ phiền não.’ Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Lúc có trí tuệ ắt không có phiền não; lúc có phiền não ắt không có trí tuệ. Làm sao ông có thể nói rằng trí tỳ-bà-xá-na có thể phá trừ phiền não?

“Thiện nam tử! Ví như đang khi sáng thì không có bóng tối; đang khi tối thì không có ánh sáng. Nếu nói rằng ánh sáng có thể phá trừ bóng tối thì thật là vô lý!

“Thiện nam tử! Ai là người có trí tuệ, ai là người có phiền não mà nói rằng ‘trí tuệ có thể phá trừ phiền não’? Nếu thật [cả hai] đều không, ắt không có chỗ phá trừ!

“Thiện nam tử! Nếu ông nói trí tuệ có thể phá trừ phiền não, đó là đến được [giải thoát] mà phá trừ hay không đến được [giải thoát] mà phá trừ? Nếu không đến được [giải thoát] mà phá trừ [phiền não] thì phàm phu chúng sanh lẽ ra cũng đều phá trừ được! Nếu đến được [giải thoát] mà phá trừ [phiền não] thì lẽ ra ngay khi khởi niệm [tu tập] đầu tiên đã phá trừ được! Nếu niệm khởi ban đầu không phá trừ được [phiền não] thì niệm tưởng tiếp theo sau cũng không thể phá trừ. Nếu vừa đến được [giải thoát] liền phá trừ [phiền não] ngay thì [như vậy] là không đến. Vì sao ông lại nói rằng trí tuệ có thể phá trừ [phiền não]? Còn nếu nói rằng dù đến hay không đạt đến [giải thoát] cũng đều phá trừ được [phiền não] thì thật là vô lý!

“Lại nữa, [nói rằng] trí tỳ-bà-xá-na phá trừ phiền não là đơn độc có thể phá trừ hay hợp sức [với các pháp khác] mà phá trừ? Nếu đơn độc có thể phá trừ, vì sao Bồ Tát phải tu tập Tám chánh đạo? Nếu nhờ có sự hợp sức mà phá trừ thì biết rằng đơn độc không đủ sức phá trừ. Nhưng nếu đơn độc không đủ sức phá trừ thì dù hợp sức cũng không thể [phá trừ phiền não]. Ví như một người mù không thấy được hình sắc, dù có [hợp sức] với những người mù khác cũng không thể thấy được. Trí tỳ-bà-xá-na cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Ví như đất có tính chất cứng chắc, lửa có tính chất nóng ấm, nước có tính chất ẩm ướt, gió có tính chất chuyển động. Từ [tính chất] cứng chắc của đất cho tới [tính chất] chuyển động của gió, thảy đều không phải do nhân duyên tạo tác, đó là tánh tự nhiên như vậy. Các phiền não cũng giống như bốn đại [đất, lửa, nước, gió] kia, tính chất tự nhiên của chúng là dứt trừ. Nếu [tính chất của] chúng là dứt trừ, vì sao ông lại nói rằng trí tuệ có thể dứt trừ phiền não? Vì nghĩa ấy, trí tỳ-bà-xá-na chắc chắn là không thể phá được các phiền não.

“Thiện nam tử! Như tính chất của muối là mặn, có thể làm cho vật khác mặn. Tính chất của mật [ong] là ngọt, có thể làm cho vật khác ngọt. Tính chất của nước là ẩm ướt, có thể làm cho vật khác ẩm ướt. [Nếu nói rằng] tính chất của trí tuệ là diệt mất, có thể làm cho các pháp diệt mất thì nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Nếu pháp là không diệt mất, làm sao trí tuệ có thể cưỡng ép làm cho diệt mất được?

“Còn như nói rằng [tính chất của] muối là mặn nên làm cho vật khác mặn, [tính chất] diệt mất của trí tuệ cũng vậy, khiến cho các pháp khác phải tiêu diệt, nghĩa ấy cũng không đúng. Vì sao vậy? Vì tánh của trí tuệ là nối nhau diệt mất trong từng niệm. Nếu là diệt mất trong từng niệm, làm sao nói rằng có thể diệt trừ các pháp khác? Vì nghĩa ấy nên tánh của trí tuệ không phá trừ phiền não.

“Thiện nam tử! Tất cả pháp đều có hai cách diệt mất, một là bản tánh [của chúng] tự diệt mất, hai là [xét đến chỗ] rốt ráo thấy là diệt mất. Nếu tánh của pháp là tự diệt, sao nói rằng trí tuệ có thể diệt được [các pháp]?

“Nếu nói rằng trí tuệ có thể diệt được phiền não, như lửa thiêu đốt vật, nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Như lửa thiêu đốt vật ắt còn lại tro tàn. Nếu trí tuệ là thế, lẽ ra [diệt phiền não rồi] cũng còn lại tàn tích! Như dùng rìu chặt cây có thể thấy được vết chặt. Nếu trí tuệ là như thế thì đâu là chỗ thấy được?

“Nếu [nói rằng] trí tuệ có thể khiến phiền não phải lìa xa, thì lẽ ra phiền não ấy phải xuất hiện ở một nơi khác! Cũng như các thầy ngoại đạo khi lìa khỏi sáu thành lớn liền xuất hiện ở thành Câu-thi-na. Nếu phiền não không xuất hiện ở nơi khác thì biết là trí tuệ không thể khiến chúng lìa xa!

“Thiện nam tử! Nếu tánh của tất cả các pháp là không thì ai có thể khiến cho [các pháp] sanh ra được? Ai có thể khiến cho [các pháp] diệt mất được? Sanh diệt biến đổi, thật không có người tạo tác.

“Thiện nam tử! Nếu tu tập định ắt sẽ đạt được sự thấy biết chân chánh như vậy. Vì nghĩa ấy, trong kinh ta có dạy rằng: ‘Nếu tỳ-kheo tu tập định ắt có thể thấy được tướng sanh diệt của năm ấm.’

“Thiện nam tử! Nếu không tu tập định thì những việc thế gian còn không thể rõ biết, huống chi đến những việc vượt ngoài thế gian? Nếu người không có định thì dù ở nơi bằng phẳng cũng bị ngả nghiêng, tâm duyên theo pháp khác, miệng nói ra lời khác, tai nghe lời khác, trong lòng hiểu nghĩa khác; [trong ý] muốn viết chữ khác mà tay lại viết ra câu văn khác; [trong ý] muốn đi con đường khác mà chân lại bước theo lối khác... Nếu người có tu tập định ắt sẽ được lợi ích lớn, cho đến [thành tựu] A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát có đầy đủ hai pháp ắt được lợi ích lớn. [Hai pháp ấy là gì?] Một là định, hai là trí [tuệ].

“Thiện nam tử! Như người cắt cỏ, một tay gom cỏ lại, tay kia cầm liềm cắt. Bồ Tát ma-ha-tát tu hai pháp [định và tuệ] cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Như người nhổ cây cứng chắc, trước phải dùng tay lay động, sau mới dễ nhổ lên. Bồ Tát tu định và tuệ cũng giống như vậy, trước dùng định lay động, sau mới dùng trí tuệ nhổ bật lên.

“Thiện nam tử! Như người giặt áo dơ, trước dùng nước tro, sau dùng nước trong, áo liền được sạch sẽ. Bồ Tát [dùng] định và tuệ cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Như trước có đọc tụng rồi sau mới hiểu nghĩa. Bồ Tát [dùng] định và tuệ cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Ví như một người dũng mãnh, trước phải tự trang bị áo giáp, binh khí, sau đó ra trận mới thắng được quân giặc. Bồ Tát [dùng] định và tuệ cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Ví như người thợ dùng kềm sắt, ống bể [thổi lửa], vật chứa vàng... rồi mới tùy ý uốn nắn, nung chảy. Bồ Tát [dùng] định và tuệ cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Ví như tấm gương [trước phải làm cho] sáng rõ [rồi sau mới] soi được khuôn mặt. Bồ Tát [dùng] định và tuệ cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Như trước phải san lấp đất đai cho bằng phẳng, rồi sau mới gieo trồng; trước phải theo thầy thọ học, rồi sau mới suy xét nghĩa lý. Bồ Tát [dùng] định và tuệ cũng giống như vậy.

“Vì những nghĩa ấy, Bồ Tát ma-ha-tát tu tập hai pháp định và tuệ có thể được lợi ích lớn lao.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát tu tập hai pháp [định và tuệ] này điều phục và thâu tóm được năm căn, nhẫn chịu được mọi sự khổ như đói khát, nóng lạnh, đánh đập, mạ nhục, thú dữ cắn xé, muỗi mòng chích đốt...; thường nhiếp phục tâm không để cho buông thả; không vì lợi dưỡng mà làm việc trái với Chánh pháp; không bị bụi nhơ phiền não làm cho hoen ố; không bị những sự thấy biết khác biệt tà vạy làm cho mê hoặc; thường lìa xa mọi tâm tưởng xấu ác; không bao lâu sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề vì muốn thành tựu mọi sự lợi ích cho chúng sanh.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát tu tập hai pháp [định và tuệ] này không bị lay động bởi bốn cơn gió mạnh là Bốn sự điên đảo, như núi Tu-di, tuy có bốn cơn gió [từ bốn phương] thổi mạnh nhưng không thể làm cho lay động; không bị các tà sư ngoại đạo đánh đổ, như tòa [ngồi] của Đế-thích không thể chuyển dời; không bị các tà thuật lạ lùng dối gạt, thường được hưởng sự an vui mầu nhiệm không gì bằng; có thể hiểu được nghĩa lý sâu xa kín đáo của Như Lai; dù gặp sự vui cũng không lấy làm hân hoan, dù gặp khổ não cũng chẳng lo buồn; chư thiên và người đời đều cung kính ngợi khen xưng tán; thấy rõ được sanh tử và không sanh tử; khéo rõ biết được cảnh giới các pháp và bản tánh của pháp; tự thân có đủ những pháp thường, lạc, ngã, tịnh. Đó gọi là niềm vui của Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Tướng định gọi là tam-muội Không. Tướng trí tuệ gọi là tam-muội Vô nguyện. Tướng buông xả gọi là tam-muội Vô tướng.

“Thiện nam tử! Nếu có vị Bồ Tát ma-ha-tát khéo rõ biết lúc nào nên [tu tập] định, lúc nào nên [tu tập] trí tuệ, lúc nào nên [tu tập] buông xả, cũng như những lúc nào không nên [tu tập định, hoặc trí tuệ, hoặc buông xả], đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát thực hành đạo Bồ-đề.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát rõ biết những lúc nên hoặc không nên [tu tập định, trí tuệ, buông xả]?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát nhân khi được thọ hưởng sự vui thích liền sanh lòng kiêu mạn lớn; hoặc do việc thuyết pháp được mà sanh kiêu mạn; hoặc nhân sự chuyên cần tinh tấn mà sanh kiêu mạn; hoặc nhân sự hiểu rõ nghĩa lý, khéo hỏi đáp đúng lúc thích hợp mà sanh kiêu mạn; hoặc do gần gũi bạn bè xấu ác mà sanh kiêu mạn; hoặc nhân việc bố thí vật mình quý trọng mà sanh kiêu mạn; hoặc nhân việc [được nhiều] công đức, pháp lành của thế gian mà sanh kiêu mạn; hoặc nhân việc được người giàu sang ở thế gian cung kính mà sanh kiêu mạn. Trong những lúc ấy, [Bồ Tát] không nên tu tập trí tuệ mà cần phải tu tập định. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết lúc nào nên hoặc không nên.

“Nếu có Bồ Tát chuyên cần tinh tấn tu tập mà chưa đạt được sự lợi ích là niềm vui của [cảnh giới] Niết-bàn, vì không đạt được nên sanh lòng hối tiếc; vì căn tánh ngu độn nên không thể điều phục được năm căn; vì những phiền não cấu nhiễm còn đang quá mạnh nên tự sanh lòng nghi [cho đó là] do giới luật suy kém. Trong những lúc ấy, [Bồ Tát] không nên tu tập định mà cần phải tu tập trí tuệ. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết lúc nào nên hoặc không nên.

“Thiện nam tử! Nếu hai pháp định và trí tuệ của Bồ Tát không tương đương nhau, nên biết rằng lúc ấy [Bồ Tát] không nên tu tập buông xả. Nếu hai pháp ấy tương đương nhau mới nên tu tập buông xả. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết lúc nào nên hoặc không nên.

“Thiện nam tử! Như Bồ Tát [trong khi] tu tập định và trí tuệ mà khởi sanh phiền não, nên biết rằng lúc ấy không nên tu tập buông xả, mà nên tụng đọc, sao chép, giảng nói Mười hai bộ kinh.

“[Bồ Tát tu tập] niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thiên, niệm xả. Đó gọi là tu tập buông xả.

“Thiện nam tử! Nếu có Bồ Tát nào tu tập ba tướng pháp [định, trí tuệ và buông xả] này, nhờ nhân duyên ấy sẽ đạt được Niết-bàn không có hình tướng.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Vì không có mười tướng nên gọi là Đại Niết-bàn, vì không có tướng. Vậy do duyên gì mà còn gọi [Niết-bàn] là [cảnh giới] không sanh ra, không xuất hiện, không tạo tác, là chỗ nương náu, là hải đảo, là chỗ quy y, là an ổn, là diệt độ, là Niết-bàn, vắng lặng an tĩnh, không có các bệnh khổ, không có gì hiện hữu?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì không có nhân duyên nên gọi là không sanh ra. Vì không sanh ra nên gọi là không xuất hiện. Vì không tạo nghiệp nên gọi là không tạo tác. Vì không vướng vào năm kiến chấp nên gọi là chỗ nương náu. Vì lìa khỏi bốn con sông hung bạo nên gọi là hải đảo. Vì điều phục chúng sanh nên gọi là chỗ quy y. Vì phá sạch giặc phiền não trói buộc nên gọi là an ổn. Vì dập tắt hoàn toàn các thứ lửa phiền não nên gọi là diệt độ. Vì lìa bỏ hết thảy mọi niệm tưởng thô kệch và tinh tế nên gọi là Niết-bàn. Vì xa lìa sự rối ren náo động nên gọi là vắng lặng an tĩnh. Vì dứt hẳn sanh tử nên gọi là không có các bệnh khổ. Vì tất cả đều là không nên gọi là không có gì hiện hữu.

“Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát ma-ha-tát quán tưởng như vậy thì lúc ấy sẽ được sáng suốt rõ ràng, thấy được tánh Phật.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Bồ Tát ma-ha-tát thành tựu bao nhiêu pháp mới có thể thấy được Niết-bàn không hình tướng, cho đến không có gì hiện hữu?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát thành tựu mười pháp ắt có thể thấy rõ Niết-bàn không hình tướng cho đến không có gì hiện hữu.

“Những gì là mười pháp?

“Pháp thứ nhất là đầy đủ lòng tin. Thế nào gọi là đầy đủ lòng tin? Đó là có lòng tin sâu rằng Phật, Pháp, Tăng là thường tồn; rằng chư Phật mười phương [vì] phương tiện [hóa độ chúng sanh] mà thị hiện; rằng tất cả chúng sanh, cho đến hạng nhất-xiển-đề cũng đều có tánh Phật. Nhưng không tin rằng Như Lai thật có sanh, già, bệnh, chết và có tu khổ hạnh; không tin rằng Đề-bà-đạt-đa thật có phá hoại Tăng đoàn, làm cho thân Phật chảy máu; không tin rằng Như Lai dứt tất cả mà nhập Niết-bàn; không tin rằng Chánh pháp [có sự] dứt mất. Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ lòng tin.

“Pháp thứ hai là trọn vẹn giới hạnh thanh tịnh. Thế nào gọi là trọn vẹn giới hạnh thanh tịnh? Thiện nam tử! Như có Bồ Tát tự nói rằng giới hạnh của mình thanh tịnh, [nhưng vị ấy] tuy không sống chung với người nữ mà khi gặp người nữ thì cùng nhau cười nói bỡn cợt. Bồ Tát như vậy là phạm vào lỗi tham dục, hủy phá giới thanh tịnh, làm nhơ nhớp Phạm hạnh, khiến cho giới hạnh trở thành hỗn tạp, ô uế, không thể gọi là trọn vẹn giới hạnh thanh tịnh.

“Lại nữa, như có Bồ Tát tự nói rằng giới hạnh của mình thanh tịnh, [nhưng vị ấy] tuy không sống chung với người nữ, cũng không cười nói bỡn cợt, mà khi từ xa nghe được mọi thứ âm thanh của người nữ như tiếng chuỗi ngọc, vòng vàng va chạm... liền sanh lòng luyến ái, tham muốn, vướng mắc. Bồ Tát như vậy là phạm vào lỗi tham dục, hủy phá giới thanh tịnh, làm nhơ nhớp Phạm hạnh, khiến cho giới hạnh trở thành hỗn tạp, ô uế, không thể gọi là trọn vẹn giới hạnh thanh tịnh.

“Lại nữa, như có Bồ Tát tự nói rằng giới hạnh của mình thanh tịnh, [nhưng vị ấy] tuy không sống chung với người nữ, cũng không cười nói bỡn cợt, cũng không lắng tai nghe những âm thanh của người nữ, mà khi nhìn thấy kẻ khác theo đuổi người nữ, hoặc thấy người nữ theo đuổi người nam, liền sanh lòng tham muốn, vướng mắc. Bồ Tát như vậy là phạm vào lỗi tham dục, hủy phá giới thanh tịnh, làm nhơ nhớp Phạm hạnh, khiến cho giới hạnh trở thành hỗn tạp, ô uế, không thể gọi là trọn vẹn giới hạnh thanh tịnh.

“Lại nữa, như có Bồ Tát tự nói rằng giới hạnh của mình thanh tịnh, [nhưng vị ấy] tuy không sống chung với người nữ, cũng không cười nói bỡn cợt, cũng không lắng tai nghe những âm thanh của người nữ, cũng chẳng nhìn thấy những cảnh nam nữ theo đuổi nhau [mà sanh lòng tham muốn], nhưng [phát tâm giữ giới chỉ vì] muốn sanh lên cõi trời, hưởng thụ sự vui thích của năm món dục. Bồ Tát như vậy là phạm vào lỗi tham dục, hủy phá giới thanh tịnh, làm nhơ nhớp Phạm hạnh, khiến cho giới hạnh trở thành hỗn tạp, ô uế, không thể gọi là trọn vẹn giới hạnh thanh tịnh.

“Thiện nam tử! Như có Bồ Tát trì giới một cách thanh tịnh mà không cho đó là giới hoặc là Trì giới Ba-la-mật; không vì chúng sanh, không vì lợi dưỡng, không vì [để thành tựu] Bồ-đề, không vì [để đạt được] Niết-bàn, không vì [chứng đắc các quả vị] Thanh văn hay Phật Bích-chi; chỉ duy nhất vì nghĩa chân thật cao trổi nhất mà hộ trì cấm giới. Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát trọn vẹn giới hạnh thanh tịnh.

“Pháp thứ ba là gần gũi các bậc thiện tri thức. Thiện tri thức là những người có thể giảng nói về lòng tin, về giới luật, về các pháp đa văn, bố thí, trí tuệ... khiến người khác nhận lãnh và thực hành theo. Như vậy gọi là thiện tri thức của Bồ Tát.

“Pháp thứ tư là ưa thích cảnh vắng lặng an tĩnh. Vắng lặng an tĩnh có nghĩa là thân tâm đều vắng lặng an tĩnh, quán sát các pháp trong cảnh giới pháp hết sức sâu xa. Đó gọi là vắng lặng an tĩnh.

“Pháp thứ năm là tinh tấn. Tinh tấn có nghĩa là chú tâm quán xét về Bốn chân đế, ví như có bị ném vào lửa nóng cũng không buông bỏ [sự chú tâm quán xét ấy]. Như vậy gọi là tinh tấn.

“Pháp thứ sáu là [tu tập] đầy đủ [sáu] niệm [xứ]. Nói đầy đủ [sáu] niệm [xứ] có nghĩa là [thường luôn niệm tưởng chư] Phật, niệm tưởng Chánh pháp, niệm tưởng Chư tăng, niệm tưởng giới luật, niệm tưởng chư thiên, niệm tưởng sự buông xả. Đó gọi là đầy đủ [sáu] niệm [xứ].

“Pháp thứ bảy là nói lời nhu hòa dễ mến. Nói lời nhu hòa dễ mến có nghĩa là nói lời đúng thật, lời tốt đẹp, sốt sắng thăm hỏi nhau và nói ra đúng lúc thích hợp với lời chân chánh. Đó gọi là lời nói nhu hòa dễ mến.

“Pháp thứ tám là giữ gìn bảo vệ Chánh pháp. Giữ gìn bảo vệ Chánh pháp có nghĩa là ái mộ Chánh pháp, thường ưa thích sự diễn thuyết, đọc tụng, sao chép, suy xét nghĩa lý của Chánh pháp; phô bày truyền rộng, khiến cho Chánh pháp được lưu truyền khắp nơi. Nếu gặp người sao chép, đọc tụng, ngợi khen xưng tán và suy xét nghĩa lý [Chánh pháp] liền vì người ấy mà tìm kiếm những món cần thiết cho sự sanh hoạt để mang đến cúng dường, chẳng hạn như y phục, thức ăn uống, giường chiếu, thuốc men... Vì giữ gìn bảo vệ Chánh pháp mà không tiếc thân mạng. Như vậy gọi là giữ gìn bảo vệ Chánh pháp.

“Pháp thứ chín là Bồ Tát ma-ha-tát khi thấy người cùng mình tu học, cùng mình giữ giới mà có sự thiếu thốn [vật chất], liền tìm đến người khác mà xin lấy những món như bình bát, pháp phục, hoặc những thứ cần dùng để săn sóc khi có bệnh như áo quần, thức ăn uống, giường nằm, chỗ trú ngụ... để cung cấp cho người ấy.

“Pháp thứ mười là trí tuệ đầy đủ. Nói trí tuệ có nghĩa là sự quán xét về những đức thường, lạc, ngã, tịnh của Như Lai; rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; quán xét hai tướng của pháp, chẳng hạn như không và chẳng không, thường và vô thường, lạc và vô lạc, ngã và vô ngã, tịnh và bất tịnh; những pháp có thể dứt mất và những pháp không thể dứt mất; những pháp do duyên mà sanh và những pháp do duyên mà thấy; những pháp do duyên kết thành quả và những pháp không do duyên kết thành quả. Như vậy gọi là trí tuệ đầy đủ.

“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát [thành tựu] đầy đủ mười pháp, ắt có thể thấy rõ Niết-bàn không hình tướng.”

Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Thế Tôn! Như trước đây Phật có bảo Thuần-đà rằng: ‘Nay ông đã được thấy tánh Phật, đạt được Đại Niết-bàn, thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Nghĩa ấy là thế nào?

“Bạch Thế Tôn! Như trong kinh có dạy rằng: ‘Bố thí cho súc sanh được phước báo gấp trăm lần nhiều hơn [so với vật thí]; bố thí cho hạng nhất-xiển-đề được phước báo gấp ngàn lần; bố thí cho người trì giới được phước báo gấp trăm ngàn lần; bố thí cho hàng ngoại đạo đã dứt phiền não được phước báo vô lượng; cúng dường những bậc Bốn hướng cùng Bốn quả cho tới Phật Bích-chi được phước báo vô lượng; cúng dường hàng Bồ Tát không thối chuyển và thân sau cùng của các vị Đại Bồ Tát, bậc Như Lai Thế Tôn, thì phước báo đạt được là vô lượng vô biên, không thể nói hết, không thể tính đếm, không thể nghĩ bàn. Nếu Đại sĩ Thuần-đà được hưởng phước báo vô lượng như vậy thì không có lúc dứt hết, vậy biết đến khi nào mới đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?

“Bạch Thế Tôn! Trong kinh lại có dạy: ‘Nếu ai hết lòng cố sức tạo các nghiệp lành hoặc nghiệp dữ thì chắc chắn đều có quả báo, hoặc nhận lấy trong đời hiện tại, hoặc trong đời kế tiếp, hoặc trong những kiếp về sau.’ Nghiệp lành của Thuần-đà là [ông ấy] hết lòng cố sức tạo ra, vậy nên biết chắc rằng ông ấy sẽ phải nhận lấy phước báo. Nếu chắc chắn sẽ phải nhận lãnh phước báo thì làm sao thành tựu được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề? Làm sao thấy được tánh Phật?

“Bạch Thế Tôn! Trong kinh lại có dạy: ‘Nếu bố thí cho ba hạng người [sau đây] sẽ được quả báo không bao giờ dứt hết. Một là những người bệnh, hai là bậc cha mẹ và ba là các đấng Như Lai.

“Bạch Thế Tôn! Trong kinh lại có dạy: ‘Phật bảo A-nan rằng: Tất cả chúng sanh, nếu không có nghiệp trong Dục giới liền đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nghiệp ở Sắc giới và Vô sắc giới cũng vậy.’

“Bạch Thế Tôn! Như trong kinh Pháp cú có kệ rằng:

Giữa không trung, biển cả,
Hay núi sâu hang thẳm,
Không tránh đến nơi nào,
Thoát khỏi được nghiệp báo.

“Lại nữa, ông A-na-luật có nói: ‘Bạch Thế Tôn! Con nhớ thuở xưa, nhờ bố thí một bữa ăn mà trong tám muôn kiếp không hề đọa vào ba đường ác.’

“Bạch Thế Tôn! Bố thí một bữa ăn còn được phước báo như vậy, huống chi Thuần-đà lấy tâm thành tín mà cúng dường Phật, thành tựu trọn vẹn pháp Bố thí Ba-la-mật?

“Bạch Thế Tôn! Nếu quả báo của việc lành là không cùng tận, thì quả báo của những việc phỉ báng kinh Phương đẳng, phạm năm tội nghịch, hủy bốn giới cấm nặng, tội nhất-xiển-đề, làm sao có thể cùng tận? Nếu quả báo không thể cùng tận, làm sao [những kẻ ấy] có thể thấy được tánh Phật, thành tựu được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?”

Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Chỉ có hai hạng người được công đức vô lượng vô biên, không thể tính đếm, không thể nói hết; có thể làm cạn khô dòng sông sanh tử hung bạo, có thể hàng phục bọn ma oán đối nghịch, có thể xô ngã ngọn cờ chiến thắng của ma [đã dựng lên], có thể quay chuyển bánh xe Pháp vô lượng của Như Lai. [Hai hạng người ấy], một là người khéo hỏi, hai là người khéo đáp.

“Thiện nam tử! Trong mười [trí] lực của Phật thì trí lực thấu rõ nghiệp báo là sâu xa nhất. Thiện nam tử! Có những chúng sanh đối với nghiệp duyên trong lòng xem nhẹ không tin nhận. Vì muốn hóa độ họ nên ta mới nói ra những điều như vậy.

“Thiện nam tử! Tất cả các nghiệp được tạo ra có [thể phân làm hai loại là] nghiệp nhẹ và nghiệp nặng. Trong mỗi loại nghiệp này lại phân làm hai loại nữa, một là nghiệp nhất định và hai là nghiệp không nhất định.

“Thiện nam tử! Như có người nói rằng: ‘Nghiệp ác không có quả báo. Nếu nói rằng nghiệp ác nhất định có quả báo, tại sao ông Khí Hư thuộc hạng chiên-đà-la lại được sanh lên cõi trời? Tại sao Ương-quật-ma-la được quả giải thoát? Vì nghĩa ấy nên biết rằng nghiệp tạo ra có khi nhất định có quả báo, có khi không nhất định có quả báo.’

Vì muốn dứt trừ tà kiến [cho rằng nghiệp ác không có quả báo] như vậy nên trong kinh ta mới dạy rằng: ‘Tất cả những nghiệp đã tạo ra đều phải có quả báo.’

“Thiện nam tử! Có những nghiệp nặng có thể làm cho thành nhẹ; có những nghiệp nhẹ có thể làm cho thành nặng. Không phải tất cả mọi người [đều như nhau], vì có người ngu si, có người trí tuệ. Cho nên phải biết rằng: Không phải tất cả nghiệp đều nhất định phải có quả báo. Tuy không nhất định phải có, nhưng cũng không phải là không có.

“Thiện nam tử! Trong tất cả chúng sanh có hai hạng người: một là người trí tuệ, hai là kẻ ngu si. Nhờ sức của trí tuệ, người trí có thể làm cho nghiệp rất nặng sẽ đọa vào địa ngục chuyển thành nghiệp nhẹ phải chịu ngay trong đời này. Kẻ ngu tuy tạo nghiệp nhẹ trong đời này nhưng sẽ phải chịu quả báo nặng ở địa ngục.”

Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nếu quả là như vậy thì lẽ ra không cần phải cầu được Phạm hạnh thanh tịnh và quả vị giải thoát?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu tất cả nghiệp nhất định đều phải có quả báo thì không cần phải cầu được Phạm hạnh và giải thoát. [Nhưng] vì là không nhất định nên phải tu hành Phạm hạnh và quả giải thoát.

“Thiện nam tử! Nếu có thể lìa xa tất cả nghiệp ác ắt sẽ được quả lành. Nếu lìa xa nghiệp lành ắt phải vướng lấy quả xấu ác. Nếu tất cả nghiệp nhất định phải có quả báo thì không cần phải tu tập Thánh đạo! Nếu không tu tập Thánh đạo thì không được giải thoát. Tất cả thánh nhân sở dĩ tu tập đạo là vì muốn phá trừ [hoặc chuyển hóa] những nghiệp nhất định [phải có quả báo] thành quả báo nhẹ, những nghiệp không nhất định [phải có quả báo] sẽ thành không có quả báo.

“Nếu tất cả nghiệp đều nhất định phải có quả báo, ắt không cần phải tu tập Thánh đạo. [Nhưng] nếu rời xa việc tu tập Thánh đạo mà được giải thoát thì thật vô lý! Nếu không giải thoát mà đạt được Niết-bàn, cũng là vô lý!

“Thiện nam tử! Nếu tất cả nghiệp nhất định phải có quả báo thì khi đã tạo toàn nghiệp lành trong một đời, lẽ ra sẽ thường được hưởng sự an vui mãi mãi; khi đã tạo nghiệp ác rất nặng trong một đời, lẽ ra phải chịu khổ não nặng nề mãi mãi! Nếu nghiệp quả là như thế thì không thể có sự tu tập đạo, không thể có Niết-bàn giải thoát!

“Người nào tạo nghiệp đều phải chịu quả báo; bà-la-môn tạo nghiệp, bà-la-môn chịu quả báo! Nếu là như vậy, lẽ ra không có giai cấp thấp hèn, không có người hạ tiện. Đã được làm người thì lẽ ra sẽ làm người mãi mãi; đã là bà-la-môn thì lẽ ra sẽ là bà-la-môn mãi mãi! Lúc nhỏ tạo nghiệp, lẽ ra phải chịu quả báo lúc nhỏ, không thể chịu quả báo lúc trung niên hay lúc tuổi già! Lúc tuổi già làm việc ác, sanh vào địa ngục; khi mới mang thân địa ngục lẽ ra chưa chịu quả báo liền mà phải đợi lúc tuổi già mới chịu quả báo! Nếu lúc tuổi già giữ giới không giết hại, lẽ ra không có quả báo được tuổi thọ lúc tráng niên; nhưng nếu không có tuổi thọ lúc tráng niên, làm sao có lúc tuổi già? [Nêu ra những lý như trên là] vì nghiệp [đã tạo] không thể mất. Nếu nghiệp không thể mất, làm sao có việc tu tập đạo [để đạt được] Niết-bàn?

“Thiện nam tử! Có hai loại nghiệp, một là nghiệp nhất định, hai là nghiệp không nhất định. Nghiệp nhất định có hai [nghĩa], một là nhất định phải chịu quả báo, hai là nhất định có lúc phải chịu quả báo; hoặc có sự nhất định phải chịu quả báo nhưng không có thời điểm nhất định thọ báo, [chỉ đợi] khi các duyên hội đủ thì quả báo đến, hoặc phải lãnh chịu [vào một] trong ba đời: đời hiện tại, đời kế tiếp và đời về sau.

“Thiện nam tử! Nếu có sự chủ tâm cố ý tạo ra những nghiệp lành dữ, rồi sau đó sanh khởi lòng tin tưởng sâu xa, mừng vui [đối với những việc làm đó]; hoặc nếu phát khởi thệ nguyện cúng dường Tam bảo. [Những việc] như thế gọi là nghiệp nhất định.

“Thiện nam tử! Người trí vốn có căn lành sâu vững, khó lay chuyển, nên có thể làm cho nghiệp nặng thành nhẹ. Kẻ ngu si tích lũy nghiệp ác sâu dày nên có thể làm cho nghiệp nhẹ tạo thành quả báo nặng. Vì nghĩa ấy, tất cả các nghiệp [này] đều không phải là nhất định.

“Bồ Tát ma-ha-tát không hề có nghiệp địa ngục, chỉ vì chúng sanh nên phát khởi nguyện lớn sanh vào địa ngục.

“Thiện nam tử! Thuở xưa, khi đời sống của chúng sanh kéo dài một trăm năm, số chúng sanh chịu quả báo nơi địa ngục nhiều như số cát sông Hằng. Ta thấy vậy liền phát nguyện lớn [tự mình] thọ thân địa ngục. Khi ấy [ta là] Bồ Tát, thật không có nghiệp báo như vậy, nhưng vì chúng sanh nên nhận chịu quả báo địa ngục.

“Lúc bấy giờ, ta trải qua vô số năm ở trong địa ngục, vì các tội nhân mà phân biệt giảng rộng Mười hai bộ kinh. Mọi người được nghe rồi liền phá trừ quả báo xấu ác, khiến cho địa ngục trở nên trống không, chỉ còn lại riêng hạng nhất-xiển-đề. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.

“Lại nữa, thiện nam tử! Trong Hiền kiếp này có vô lượng chúng sanh đọa vào loài súc sanh, nhận chịu quả báo của nghiệp ác. Ta thấy như vậy lại phát thệ nguyện rằng: ‘Vì muốn thuyết pháp cứu độ chúng sanh, ta sẽ [tự mình] mang các thân hươu nai, gấu, khỉ, rồng, voi, chim kim sí, bồ câu, cá, rùa, thỏ, rắn, trâu bò, ngựa...

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát thật không có nghiệp ác súc sanh như vậy. Vì cứu độ chúng sanh nên dùng sức đại nguyện mà thị hiện nhận chịu những thân như thế. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.

“Lại nữa, thiện nam tử! Trong Hiền kiếp này lại có vô số chúng sanh đọa vào loài quỷ đói, chỉ ăn toàn những món như đồ nôn mửa, máu mủ từ mỡ, thịt chảy ra, phẩn, nước tiểu, đàm dãi... Đời sống của họ kéo dài vô số trăm ngàn vạn năm nhưng chưa từng được nghe một tiếng ‘nước’, nói chi đến việc được nhìn thấy và uống [nước]? Giả sử từ xa họ nhìn thấy nước liền muốn đi đến đó, nhưng khi đến nơi thì nước ấy liền hóa thành lửa nóng, thành máu mủ. Nếu như nước ấy không biến dạng thì sẽ có nhiều người cầm gươm giáo mà ngăn chặn, níu giữ họ không cho đi tới. Hoặc có khi trời đổ mưa, giọt mưa vừa chạm thân họ liền hóa thành lửa. Đó gọi là quả báo của nghiệp ác.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát thật không có những quả báo nghiệp ác như vậy. Vì muốn giáo hóa chúng sanh khiến cho họ được giải thoát nên phát thệ nguyện [tự mình] thọ thân như vậy. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.

“Thiện nam tử! Trong Hiền kiếp này ta từng sanh ra trong nhà người đồ tể bán thịt; từng nuôi dưỡng gà, heo, bò, dê, đặt bẫy, săn thú, giăng lưới bắt cá; từng sống chung với kẻ chiên-đà-la, giặc cướp, kẻ trộm... [Ta là] Bồ Tát ma-ha-tát thật không có những nghiệp ác như vậy, nhưng vì muốn cứu độ chúng sanh, khiến cho họ được giải thoát, nên ta dùng sức nguyện lớn mà thọ những thân như vậy. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.

“Thiện nam tử! Trong Hiền kiếp này ta cũng từng sanh ra ở những nơi tối tăm hẻo lánh, tạo tác nhiều nghiệp tham dục, sân khuể, ngu si; quen làm những việc trái với Chánh pháp; không tin vào Tam bảo, không tin có quả báo đời sau; không thường cung kính cha mẹ, các bậc thân quyến trưởng bối, bậc kỳ cựu lão thành... Thiện nam tử! Lúc ấy [ta là] Bồ Tát thật không có những nghiệp xấu như vậy. Nhưng vì muốn giúp cho chúng sanh được giải thoát nên ta dùng sức nguyện lớn mà [thị hiện] sanh vào những nơi ấy. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.

“Thiện nam tử! Trong Hiền kiếp này ta cũng từng thọ thân người nữ, thân xấu ác, thân tham lam, thân sân hận, thân ngu si, thân tật đố, thân keo lận, thân huyễn hóa, thân dối gạt, thân [phiền não] khuất lấp. Thiện nam tử! Lúc bấy giờ, [ta là] Bồ Tát cũng không có những nghiệp [xấu ác] như thế, chỉ vì muốn giúp cho chúng sanh được giải thoát nên dùng sức nguyện lớn, tự nguyện sanh vào những nơi ấy. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.

“Thiện nam tử! Trong Hiền kiếp này ta cũng từng mang thân hoạn căn, khuyết căn, lưỡng căn hoặc ái nam ái nữ. Thiện nam tử! [Ta là] Bồ Tát ma-ha-tát, thật không có những thân do nghiệp xấu ác mang đến như vậy, nhưng vì muốn giúp cho chúng sanh được giải thoát nên ta dùng sức nguyện lớn sanh vào trong những hạng người ấy. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.

“Thiện nam tử! Trong Hiền kiếp này ta cũng từng tu tập theo giáo pháp của ngoại đạo Ni-kiền-tử; tin và nhận lãnh giáo pháp của họ, [cho rằng] không có bố thí, không có thờ tự; không có quả báo của việc bố thí, thờ tự; không có nghiệp thiện, nghiệp ác, không có quả báo của nghiệp thiện, nghiệp ác; không có đời hiện tại, không có đời vị lai; không có cái này, không có cái kia; không có thánh nhân, không có thân biến hóa; không có đạo [pháp dẫn đến] Niết-bàn.

“Thiện nam tử! [Ta là] Bồ Tát thật không có những nghiệp ác như vậy, chỉ vì muốn giúp cho chúng sanh được giải thoát nên dùng sức nguyện lớn mà thọ nhận các tà pháp ấy. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nhận chịu nghiệp ác không thuộc về đời hiện tại, đời kế tiếp hay đời về sau.

“Thiện nam tử! Ta nhớ lại thuở xưa, ta với Đề-bà-đạt-đa đều là chủ đoàn buôn, [trong đoàn] mỗi người đều có năm trăm thương nhân. Chúng ta cùng nhau ra giữa biển cả tìm được các thứ trân bảo mang về để kiếm lợi. Trên đường về, vì những duyên nghiệp xấu ác nên gặp bão tố làm tan nát thuyền bè, người trong đoàn buôn đều chết sạch. Khi ấy, ta với Đề-bà-đạt-đa [đều đã từng giữ giới] không giết hại nên được quả báo sống lâu, [vì thế] chỉ bị gió thổi giạt vào đất liền.

“Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa tham tiếc những của báu, buồn rầu khổ não nên cất tiếng kêu khóc. Ta liền bảo rằng: ‘Đề-bà-đạt-đa! Không nên khóc lóc như vậy.’

“Đề-bà-đạt-đa liền bảo ta: ‘Ông hãy nghe cho kỹ đây! Ví như có một người nghèo cùng khốn khổ đi vào bãi tha ma, đưa tay nắm lấy một tử thi và nói rằng: Nay xin ông hãy cho tôi sự chết vui, tôi sẽ cho ông sự sống nghèo khốn. Bấy giờ, tử thi ấy liền ngồi dậy nói với người nghèo kia rằng: Sự sống nghèo khốn ông cứ tự giữ lấy, nay tôi rất vui trong sự chết vui này, thật không ham muốn sự sống nghèo khốn của ông.

“‘Hôm nay tôi đã không được sự chết vui, lại phải chịu sống cảnh nghèo khốn, làm sao có thể không kêu gào khóc lóc?’

“Ta liền an ủi rằng: ‘Ông đừng buồn rầu. Nay tôi có hai hạt châu giá trị vô cùng, tôi sẽ lấy một hạt tặng cho ông.’ Ta nói rồi liền đưa ngay hạt châu cho Đề-bà-đạt-đa, lại bảo ông ta rằng: ‘May còn giữ được mạng sống mới có được vật báu này. Nếu không còn mạng sống, lấy ai mà được của báu?’

“Bấy giờ ta mệt mỏi, bèn đi đến một gốc cây nằm nghỉ và ngủ rất say. Đề-bà-đạt-đa lòng tham mãnh liệt, vì thấy ta còn một hạt châu liền sanh lòng ác, đâm mù mắt ta rồi giật lấy hạt châu [chạy đi mất]. Lúc ấy ta rất đau đớn nên phát ra tiếng rên la.

“Bấy giờ có một cô gái đi đến chỗ ta hỏi rằng: ‘Ông ơi, vì sao lại rên la như vậy?’ Ta bèn kể rõ ngọn nguồn sự việc. Nàng ấy nghe rồi lại hỏi: ‘Ông tên gì?’ Ta liền đáp: ‘Tôi tên là Nói Thật.’ Cô gái nói: ‘Tôi làm sao có thể biết được là ông nói thật?’ Ta liền phát lời thề rằng: ‘Nếu nay tôi có lòng xấu ác đối với Đề-bà-đạt-đa [mà nói lời không thật] thì sẽ mãi mãi phải chịu mù lòa; như tôi không có lòng xấu ác thì mắt tôi sẽ được sáng trở lại như xưa!’

“Ta vừa nói dứt lời, đôi mắt liền bình phục như trước.

“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nói về quả báo đời hiện tại.

“Thiện nam tử! Ta nhớ lại thuở xưa, ta sanh trong một nhà Bà-la-môn ở thành Phú-đan-na, miền nam Thiên Trúc. Thuở ấy có một vị vua tên là Ca-la-phú, tánh tình hung bạo độc ác, tự cao kiêu ngạo, thời trai tráng dung mạo xinh đẹp, đắm say trong năm món dục. Bấy giờ, vì muốn cứu độ chúng sanh, ta liền ở bên ngoài thành ấy ngồi yên tham thiền.

“Khi đó vào đầu xuân, trăm hoa đua nở, nhà vua cùng quyến thuộc và các cung nữ ra khỏi thành du ngoạn, vào trong một rừng cây, mặc tình vui hưởng thú năm dục. Các cung nữ nhân lúc không còn vui đùa với nhà vua liền dạo chơi, sau cùng đến chỗ ta ngồi. Lúc ấy, vì muốn dứt trừ lòng tham dục của bọn họ, ta liền vì họ mà thuyết pháp.

“Bấy giờ, nhà vua đi tìm đến nơi, nhìn thấy ta liền sanh lòng ác, hỏi ta rằng: ‘Ông nay có chứng đắc quả A-la-hán hay không?’ Ta đáp: ‘Không.’ Vua lại hỏi: ‘Vậy ông có chứng quả Bất hoàn hay không?’ Ta đáp: ‘Không.’ Vua lại hỏi: ‘Nay ông chưa chứng đắc hai quả ấy, tức là vẫn còn đủ phiền não tham dục, sao lại dám buông thả tự do ngắm nhìn các cung nữ của trẫm?’

“Ta liền đáp: ‘Đại vương! Ngài nên biết rằng, nay tôi tuy chưa đoạn trừ hết phiền não tham dục, nhưng trong lòng thật không có sự tham muốn vướng mắc.’

“Vua giận nói: ‘Đồ ngu! Đời nay có những vị tu tiên chỉ hớp toàn khí trời, ăn trái cây, mà thấy sắc đẹp vẫn còn tham muốn, huống chi như ông đang tuổi tráng niên, chưa đoạn tham dục, làm sao thấy sắc đẹp mà không vướng mắc?’

“Ta đáp: ‘Đại vương! Việc nhìn thấy sắc đẹp không vướng mắc chẳng phải do nơi hớp khí trời, ăn trái cây, mà do ở sự chú tâm vào những lẽ vô thường, bất tịnh.’

“Vua nói: ‘Nếu có sự khinh thường mà phỉ báng kẻ khác, làm sao gọi là tu trì giới hạnh thanh tịnh?’

“Ta đáp: ‘Đại vương! Nếu có lòng đố kỵ mới có sự phỉ báng. Tôi không có lòng đố kỵ, sao gọi là phỉ báng?’

“Vua hỏi: ‘Đại đức! Thế nào gọi là giới?’

“Ta đáp: ‘Đại vương! Nhẫn nhục gọi là giới.’

“Vua nói: ‘Nếu nhẫn nhục tức là giới, vậy ta sẽ cắt tai của ông. Nếu ông nhẫn chịu được mới là người trì giới.’

“Nói rồi liền [sai người] cắt tai của ta.

“Bấy giờ, ta bị cắt tai mà sắc mặt vẫn không thay đổi. Quần thần của vua thấy vậy liền can gián rằng: ‘Bậc đại sĩ như thế không nên làm hại thêm nữa.’

“Vua hỏi các quan: ‘Làm sao các khanh biết ông ấy là bậc đại sĩ?’

“Các quan thưa: ‘Vì thấy đang lúc [ông ấy] chịu đau đớn mà sắc mặt vẫn không biến đổi.’

“Vua lại nói: ‘Để ta thử lần nữa mới biết là có biến đổi hay không!’

“Liền đó, vua [sai người] xẻo mũi, rồi chặt đứt tay chân của ta.

“Bấy giờ, [ta là] Bồ Tát đã trải qua vô lượng vô biên kiếp sống tu tập từ bi, thương xót chúng sanh khổ não, cho nên Bốn vị thiên vương [thấy việc ấy liền] sanh lòng phẫn nộ, đổ xuống một trận mưa toàn cát và sỏi đá. Nhà vua thấy vậy hết sức kinh sợ, liền đến chỗ ta quỳ mọp xuống thưa rằng: ‘Xin ngài thương xót cho tôi được sám hối!’

“Ta nói: ‘Đại vương! Lòng ta không hề oán giận [ngài], cũng giống như [trước đây] không hề có tham dục.’

“Vua hỏi: ‘Đại đức! Làm sao tôi biết được rằng trong lòng ngài không sân hận?’

“Ta liền lập lời thề rằng: ‘Nếu tôi quả thật không có sân hận thì khiến cho thân tôi được bình phục như cũ!’ Phát nguyện vừa xong, toàn thân liền bình phục. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát nói về quả báo đời hiện tại.

“Thiện nam tử! Về quả báo đời kế tiếp và đời sau này của các nghiệp lành và nghiệp ác cũng đều như vậy. Khi Bồ Tát ma-ha-tát đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tất cả các nghiệp đều sẽ có quả báo trong đời hiện tại. Về những nghiệp xấu ác có quả báo trong đời hiện tại, đó là như vị vua kia làm điều ác, liền thấy trời đổ mưa hung bạo, [toàn là cát với sỏi đá]; lại cũng như người kia chỉ cho thợ săn chỗ ở của con gấu trắng, con nai có màu sắc quý, cánh tay người ấy liền [tự nhiên] rơi rụng. Đó gọi là nghiệp xấu ác chịu quả báo ngay trong đời hiện tại.

“Về quả báo đời kế tiếp, đó là như những kẻ nhất-xiển-đề, kẻ phạm bốn giới cấm nặng và những kẻ phạm năm tội nghịch.

“Về quả báo đời về sau, đó là như người trì giới phát lời thệ nguyện sâu rộng: ‘Nguyện trong các đời vị lai, ta thường được thân giới hạnh trong sạch như thế này. Vào lúc chúng sanh có đời sống kéo dài một trăm năm, hoặc tám mươi năm, ta sẽ làm bậc Chuyển luân Thánh vương để giáo hóa chúng sanh.’

“Thiện nam tử! Nếu nghiệp nhất định phải có quả báo trong đời hiện tại, ắt không thể có quả báo đời kế tiếp [hoặc] đời về sau. Bồ Tát ma-ha-tát tu tập các nghiệp [duyên lành] để được Ba mươi hai tướng tốt ắt không thể có quả báo trong đời hiện tại. Nếu nghiệp không [chắc chắn rơi vào một trong] ba loại quả báo [đời hiện tại, đời kế tiếp và đời về sau], đó gọi là không nhất định.

“Thiện nam tử! Nếu nói rằng: ‘Các nghiệp đều nhất định phải có quả báo nên không cần tu tập Phạm hạnh, [không cần] Niết-bàn giải thoát’, nên biết rằng [những ai nói như vậy] không phải là đệ tử của Phật, chính là quyến thuộc của ma.

“Nếu nói rằng: ‘Các nghiệp có khi nhất định có quả báo, cũng có khi không nhất định có quả báo. [Trường hợp] nhất định [có quả báo] là phải nhận lãnh quả báo trong đời hiện tại, đời kế tiếp hoặc đời về sau. [Trường hợp] không nhất định [có quả báo] là khi [có đủ] các duyên hợp lại thì phải nhận lãnh quả báo, nếu các duyên không hợp đủ thì không phải nhận lãnh quả báo. Vì nghĩa ấy cho nên phải tu Phạm hạnh, Niết-bàn giải thoát.’ Nên biết rằng những người ấy là đệ tử chân thật của Phật, không phải quyến thuộc của ma.

“Thiện nam tử! Nghiệp không nhất định của tất cả chúng sanh rất nhiều, nghiệp nhất định rất ít. Vì nghĩa ấy nên có việc tu tập [Chánh] đạo. Nhờ tu tập [Chánh] đạo mà có thể khiến cho những nghiệp nhất định nặng nề chỉ phải nhận lãnh quả báo nhẹ; những nghiệp không nhất định thì không phải nhận lãnh quả báo trong đời kế tiếp.

“Thiện nam tử! [Trong tất cả chúng sanh] có hai hạng người. Hạng người thứ nhất luôn làm cho những nghiệp không nhất định trở thành có quả báo nhất định; những quả báo đời hiện tại trở thành quả báo đời kế tiếp; những quả báo nhẹ trở thành quả báo nặng; [những quả báo] lẽ ra phải lãnh chịu trong kiếp người lại trở thành [quả báo] phải lãnh chịu trong địa ngục.

“Hạng người thứ hai có thể làm cho những nghiệp nhất định thành ra không nhất định; những quả báo lẽ ra phải lãnh chịu vào đời kế tiếp trở thành quả báo ngay trong đời hiện tại; những quả báo nặng thành ra quả báo nhẹ; [những quả báo] lẽ ra phải lãnh chịu trong địa ngục lại trở thành [quả báo] nhẹ trong kiếp người.

“Hai hạng người ấy, một hạng là ngu si, một hạng là có trí tuệ. Hạng có trí tuệ [có thể] làm cho [quả báo nặng] trở thành nhẹ; hạng ngu si khiến cho [quả báo nhẹ] trở thành nặng.

“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng đắc tội với vua. Người có đông quyến thuộc [xoay xở nói giúp] thì tội ấy [dù nặng cũng] trở thành nhẹ; người có ít quyến thuộc thì tội [dù] nhẹ [cũng] sẽ trở thành nặng.

“Kẻ ngu si và người trí tuệ cũng giống như vậy. Người trí tuệ có nhiều nghiệp lành nên tội nặng có thể chịu quả báo nhẹ; kẻ ngu si nghiệp lành quá ít nên tội nhẹ phải chịu quả báo nặng.

“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng sa xuống vũng lầy sâu. Một người to khỏe, một người gầy ốm. Người to khỏe có thể ra khỏi vũng lầy, còn người gầy ốm ắt phải lún sâu chìm mất.

“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng trúng thuốc độc. Một người có sức [trì niệm] thần chú và có thuốc a-già-đà; người kia thì không có gì cả. Người có thần chú và thuốc hay ắt không bị tổn hại vì độc, người không có thần chú và thuốc, vừa uống thuốc độc vào phải chết ngay.

“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng uống quá nhiều nước gạo. Một người có [thể trạng] hỏa vượng, mạnh mẽ; người kia thì yếu ớt. Người có [thể trạng] mạnh mẽ ắt đủ sức tiêu hóa; còn người yếu ớt ắt [không tiêu hóa được] phải thành bệnh.

“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng bị vua bắt giữ. Một người có trí tuệ, một người thì ngu si. Người có trí tuệ ắt có thể thoát ra được; còn người ngu si không bao giờ thoát được!

“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng đi trên con đường hiểm trở. Một người sáng mắt, một người mù lòa. Người sáng mắt thẳng đường đi qua không gặp tai nạn gì; người mù lòa phải bị té ngã, rơi xuống hố sâu hiểm trở.

“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng uống rượu. Một người ăn nhiều thức ăn, một người ăn rất ít. Người ăn nhiều thì uống rượu không [đến nỗi] có hại; người ăn quá ít ắt phải thành bệnh.

“Thiện nam tử! Ví như có hai người cùng ra trận đánh nhau với giặc. Một người trang bị đầy đủ khí giới, một người chỉ đi tay không. Người đầy đủ khí giới có thể đánh tan quân giặc; còn người đi tay không ắt không thể tự bảo vệ.

“Lại có hai người bị phẩn dơ dính vào áo. Một người biết vậy rồi liền đi giặt áo; một người tuy biết mà không đi giặt. Người đi giặt rồi thì áo được sạch sẽ; người không chịu giặt thì áo ngày càng dơ nhớp hơn.

“Lại như có hai người đều dùng xe để đi. Một xe có đủ trục bánh xe và nan hoa; một xe lại không có. Xe có đủ trục và nan hoa thì tùy ý ra đi; còn xe không có trục và nan hoa ắt không thể di chuyển được.

“Lại như có hai người cùng nhau đi qua đường xa vắng vẻ. Một người mang theo lương thực, một người chỉ đi tay không. Người có lương thực ắt qua khỏi được chỗ hiểm trở; còn người đi tay không ắt không thể qua được.

“Lại như có hai người cùng bị giặc cướp. Một người có kho báu chôn giấu; một người không [có gì] chôn giấu. Người có kho báu đã chôn giấu ắt không phải lo buồn; người không [có gì] chôn giấu ắt phải sanh lòng sầu não. Kẻ ngu si và người trí tuệ cũng giống như vậy. Người có kho nghiệp lành chôn giấu thì dù nghiệp nặng cũng chỉ chịu quả báo nhẹ. Kẻ không có kho nghiệp lành thì dù nghiệp nhẹ mà phải chịu quả báo nặng.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật vừa dạy đó, không phải tất cả các nghiệp đều có quả báo nhất định, cũng không phải tất cả chúng sanh đều nhất định phải chịu quả báo.

“Bạch Thế Tôn! Làm sao chúng sanh có thể khiến cho quả báo nhẹ trong đời hiện tại lại thành ra quả báo nặng trong địa ngục? Làm sao có thể khiến cho quả báo nặng trong địa ngục chuyển thành quả báo nhẹ lãnh chịu trong đời hiện tại?”

Phật dạy: “Trong tất cả chúng sanh có hai hạng người, một là những người có trí tuệ, hai là những kẻ ngu si.

“Những ai thường tu tập thân, giới, tâm, tuệ, đó gọi là người có trí tuệ. Những ai không thường tu tập thân, giới, tâm, tuệ, đó gọi là kẻ ngu si.

“Thế nào gọi là không tu thân? Nếu không thường nhiếp phục năm căn thì gọi là không tu thân. Nếu không thường giữ theo bảy phần giới thanh tịnh, đó gọi là không tu giới. Nếu không điều phục tâm, đó gọi là không tu tâm. Không tu tập Thánh hạnh gọi là không tu tuệ.

“Lại nữa, người không tu thân thì không thể được đầy đủ giới thể thanh tịnh. Người không tu giới là thọ nhận và chứa trữ tám thứ vật bất tịnh. Người không tu tâm là vì không thường tu tập ba loại tướng. Người không tu tuệ là vì không tu tập Phạm hạnh.

“Lại nữa, người không tu thân thì không thể quán xét thân; không thể quán xét sắc và tướng của sắc; không quán xét tướng của thân, không biết được số lượng thân; không biết được rằng thân này từ nơi đây đi đến nơi kia; đối với chỗ không thuộc về thân khởi lên ý tưởng cho là thân; đối với chỗ không thuộc về sắc khởi lên ý tưởng cho là sắc. Do đó mà tham muốn vướng mắc nơi thân và số lượng thân của mình. Đó gọi là không tu thân.

“Người không tu giới là nói những ai thọ nhận giới thấp kém, [như vậy] không gọi là tu giới. [Chẳng hạn] như thọ trì giới thiên lệch; giữ giới vì lợi riêng; giữ giới vì lo tính cho riêng mình, không thể làm cho khắp các chúng sanh đều được an vui; không vì sự giữ gìn bảo vệ Chánh pháp vô thượng, chỉ vì để được sanh lên cõi trời thọ hưởng khoái lạc năm dục. [Như vậy] không gọi là tu giới.

“Người không tu tâm, nếu tâm bị tán loạn thì không thể tập trung về một mối để giữ lấy cảnh giới của mình. Cảnh giới của mình tức là Bốn niệm xứ. Cảnh giới bên ngoài là nói năm món dục. Nếu không thường tu tập Bốn niệm xứ thì gọi là không tu tâm. Đối với nghiệp ác không khéo gìn giữ tâm mình, đó gọi là không tu tuệ.

“Lại nữa, người không tu thân không thể quán xét sâu xa thân này là không thường tồn, không an trụ; là mong manh dễ mất, liên tục hoại diệt trong từng niệm tưởng, chính là cảnh giới của ma.

“Người không tu giới thì không thể thành tựu trọn vẹn Trì giới Ba-la-mật. Người không tu tâm thì không thể thành tựu trọn vẹn Thiền Ba-la-mật. Người không tu tuệ thì không thể thành tựu trọn vẹn Bát-nhã Ba-la-mật.

“Lại nữa, người không tu thân thì tham muốn vướng mắc nơi [cái gọi là] thân ta và thân thuộc về của ta; [cho rằng] thân ta là thường hằng, không có sự biến đổi.

“Người không tu giới, vì [sự ham muốn của] tự thân mà tạo tác mười nghiệp ác. Người không tu tâm, đối với các nghiệp ác không thể thâu nhiếp [điều phục] được tâm. Người không tu tuệ, vì không thâu nhiếp [điều phục] được tâm nên không phân biệt được các pháp thiện, ác.

“Lại nữa, người không tu thân không dứt trừ được kiến chấp về bản ngã. Người không tu giới không dứt trừ được kiến chấp câu nệ về giới. Người không tu tâm [thường] tạo tác những nghiệp tham lam, sân hận, hướng về địa ngục. Người không tu tuệ không dứt trừ được tâm ngu si.

“Lại nữa, người không tu thân không thể quán xét rằng thân này tuy không tự có lầm lỗi, nhưng thường là kẻ thù của ta. Thiện nam tử! Ví như một chàng trai kia có kẻ thù thường theo đuổi, luôn rình rập mong có cơ hội thuận tiện [để làm hại]. Người có trí khi biết như vậy liền chú tâm cẩn thận phòng vệ. Nếu không cẩn thận phòng vệ ắt sẽ bị kẻ thù làm hại. Cái thân của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, thường phải dùng sự ăn uống, sự [điều hòa] nóng lạnh để nuôi dưỡng, giữ gìn. Nếu không thận trọng giữ gìn như vậy, ắt [thân] sẽ bị tan rã hư hoại.

“Thiện nam tử! Như người bà-la-môn thờ thần lửa, thường dùng hương hoa ngợi khen xưng tán, lễ bái, cúng dường, phụng sự suốt cả trăm năm. Nhưng một khi chạm tay vào lửa thì bàn tay liền bị [lửa] thiêu đốt. Tuy lửa được sự cúng dường như vậy nhưng không hề có một chút ý niệm báo đáp ơn người phụng sự. Thân của chúng sanh cũng giống như vậy, tuy trong suốt nhiều năm [chúng sanh] luôn dùng những hương thơm hoa đẹp, chuỗi ngọc, áo quần, thức ăn uống, chỗ nằm ngồi, thuốc thang trị bệnh... mà phục vụ cho nó, nhưng một khi gặp phải những nhân duyên xấu ác ở trong thân hoặc ngoài thân, thân ấy liền hư hoại diệt mất, không hề nhớ tưởng đến cái ơn cung cấp sự ăn mặc trong những ngày qua!

“Thiện nam tử! Ví như một vị vua nhốt bốn con rắn độc trong một cái giỏ tre, rồi giao cho một người lo việc trông nom, nuôi dưỡng. Trong bốn con rắn ấy, nếu có một con nổi giận ắt có thể hại người. Người nuôi rắn hết sức lo sợ, thường tìm đủ các thức ăn uống, tùy lúc mà giữ gìn, phòng vệ. Loài rắn độc bốn đại của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy. Nếu một đại trong bốn đại ấy nổi giận, ắt có thể làm hư hoại thân.

“Thiện nam tử! Như một người bệnh đã lâu, phải hết lòng cầu thầy chữa trị. Nếu không nỗ lực chữa trị thì chắc chắn phải chết. Thân này của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, phải thường nhiếp phục tâm, không để cho buông thả, lười nhác. Nếu buông thả, lười nhác ắt phải hư hoại.

“Thiện nam tử! Ví như cái bình đất chưa nung không chịu nổi gió mưa, đánh, ném, đẩy, ép... Thân của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, không chịu nổi đói khát, gió mưa lạnh nóng, đánh đập chưởi mắng...

“Thiện nam tử! Ví như ung nhọt chưa muồi phải thường khéo giữ gìn không để người khác chạm vào. Nếu có ai chạm vào ung nhọt ấy thì rất đau đớn. Thân của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Như con la mang thai là tự hại thân mình. Thân của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy; bên trong có [bệnh] phong lạnh ắt phải bị hại.

“Thiện nam tử! Ví như cây chuối sau khi cho trái rồi thì thân cây phải [chết đi rồi] khô héo. Thân của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Lại như trong thân cây chuối không có gì cứng chắc. Thân của tất cả chúng sanh cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Như các loài rắn, chuột, chó sói, thường oán ghét lẫn nhau. Bốn đại của chúng sanh cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Ví như con ngỗng chúa không thích những bãi tha ma. Bồ Tát cũng vậy, đối với cái thân như bãi tha ma này không hề ham muốn, ưa thích.

“Thiện nam tử! Ví như hạng chiên-đà-la, qua bảy đời nối tiếp nhau không bỏ được nghiệp chiên-đà-la nên bị người khác khinh miệt. Mầm giống của thân này cũng vậy; mầm giống là tinh huyết xét cho cùng đều là bất tịnh. Vì bất tịnh nên chư Phật, Bồ Tát khinh chê, quở trách.

“Thiện nam tử! Thân này không như núi Ma-la-da sanh cây chiên-đàn, cũng không sanh được hoa ưu-bát-la, hoa phân-đà-lỵ, hoa chiêm-bà, hoa ma-lợi-ca, hoa bà-sư-ca. Trong thân này có chín lỗ thường chảy ra máu mủ, những chất không sạch. [Thân này] sanh ra từ nơi hôi hám, xấu xa đáng ghét, lại thường sống chung với các loài trùng.

“Thiện nam tử! Ví như trong thế gian này tuy có những cảnh vườn rừng tốt đẹp thanh tịnh, nhưng nếu đem xác chết ném vào thì trở thành ô uế, ai nấy đều bỏ đi, không còn tham muốn, vướng mắc. Trong cảnh giới hình sắc cũng vậy, tuy có những cảnh tốt đẹp thanh tịnh, nhưng vì có thân [bất tịnh] nên chư Phật, Bồ Tát đều buông bỏ.”

Thiện nam tử! Nếu ai không thể quán xét như vậy thì gọi là không tu thân.

“Thiện nam tử! Không tu giới là những ai không thể quán xét rằng: ‘Giới là nấc thang đi lên của tất cả pháp lành. Giới cũng là căn bản của tất cả các pháp lành, cũng như đất là nguồn gốc sanh ra tất cả cây cối. Giới là pháp đứng đầu dẫn dắt các căn lành, như vị thương chủ dẫn dắt đoàn người đi buôn. Giới là ngọn cờ chiến thắng của tất cả pháp lành, cũng như ngọn cờ chiến thắng của vị Đế-thích [vua] cõi trời dựng lên. Giới có thể dứt trừ mãi mãi tất cả các nghiệp ác và ba đường ác, có thể trị lành các bệnh dữ, giống như loại cây thuốc. Giới là lương thực để dùng trên con đường sanh tử hiểm trở. Giới là áo giáp và binh khí để phá trừ bọn giặc ác phiền não. Giới là thần chú linh nghiệm để diệt trừ rắn độc phiền não. Giới là cây cầu bắc ngang để đi qua các nghiệp ác.

“Những ai không thể quán xét như vậy gọi là không tu giới.

“Người không tu tâm là không thể quán xét rằng tâm luôn xao động nhanh nhẹ, khó nắm giữ, khó điều phục, chạy đuổi buông lung như con voi lớn dữ tợn; niệm niệm nối nhau nhanh chóng như tia chớp điện; xao động không yên như loài khỉ vượn, như huyễn hóa, như khí nóng, chính là nguồn gốc của tất cả mọi điều ác, năm món dục khó làm cho thỏa mãn, chỉ như lửa gặp củi, như biển cả nuốt hết các dòng sông, như núi Mạn-đà [ôm trọn] cây cỏ sum suê.

“[Người không tu tâm] không thể quán xét rằng sanh tử là hư vọng, say đắm mê lầm đến nỗi tai hại, như con cá nuốt lưỡi câu; [tâm] thường đi trước dẫn dắt các nghiệp theo sau, như con sò mẹ dẫn dắt bầy con; [vọng tâm này] tham muốn vướng mắc năm món dục, chẳng ưa thích Niết-bàn, như con lạc đà ăn mật cho đến chết cũng không ngoái nhìn tới cỏ rơm; [vọng tâm này] đắm sâu trong sự vui sướng hiện tiền, không quán xét sự nguy hại về sau, như con trâu tham ăn lúa mạ chẳng sợ nỗi đau bị gậy đánh; [vọng tâm này] chạy đuổi lăng xăng khắp trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu, như gió mạnh thổi tung những cánh hoa nhẹ; đối với những việc không nên mong cầu [thì vọng tâm này] lại mong cầu không chán, như kẻ ngu si mong được thứ lửa không nóng; [vọng tâm này] thường ưa thích sanh tử, chẳng mong giải thoát, như con sâu nhâm-bà ưa thích cây nhâm-bà; [vọng tâm này] mê lầm tham luyến vướng mắc chốn sanh tử xấu xa nhơ nhớp, như kẻ tù nhân ưa thích con gái người cai ngục, lại như con lợn trong chuồng ưa sống chỗ nhơ nhớp. Những ai không thể quán xét như vậy gọi là không tu tâm.

“Người không tu tuệ là không quán xét rằng trí tuệ có thế lực mạnh mẽ như chim kim sí, có thể phá trừ nghiệp ác, phá trừ vô minh tăm tối, như ánh sáng mặt trời đẩy lùi bóng cây, như dòng nước cuốn phăng đi mọi vật. Trí tuệ như ngọn lửa mạnh đốt cháy tà kiến. Trí tuệ là căn bản của tất cả các pháp lành. Trí tuệ là hạt giống sanh ra chư Phật, Bồ Tát. Những ai không quán xét như vậy gọi là không tu tuệ.

“Thiện nam tử! Xét theo chân lý rốt ráo, nếu ai thấy rằng có thân, có tướng của thân, nhân của thân, quả của thân, thân tích tụ, một thân, hai thân... thân này, thân kia, thân diệt mất, thân bình đẳng, sự tu thân, người tu [thân]. Những ai có chỗ thấy như vậy gọi là không tu thân.

“Thiện nam tử! Nếu ai thấy rằng có giới, có tướng của giới, nhân của giới, quả của giới, giới cao thượng, giới thấp hèn, giới tích tụ, một giới, hai giới... giới này, giới kia, giới diệt mất, giới bình đẳng, sự tu giới, người tu [giới], Giới Ba-la-mật. Những ai có chỗ thấy như vậy gọi là không tu giới.

“Nếu thấy rằng có tâm, có tướng của tâm, nhân của tâm, quả của tâm, tâm tích tụ, tâm và tâm sở, một tâm, hai tâm... tâm này, tâm kia, tâm diệt mất, tâm bình đẳng, sự tu tâm, người tu [tâm], [thấy có] các tâm cao cả, trung bình, thấp kém, tâm thiện, tâm ác. Những ai có chỗ thấy như vậy gọi là không tu tâm.

“Thiện nam tử! Nếu ai thấy rằng có trí tuệ, có tướng trí tuệ, nhân của tuệ, quả của tuệ, tuệ tích tụ, một tuệ, hai tuệ... tuệ này, tuệ kia, tuệ diệt mất, tuệ bình đẳng, tuệ cao trổi, tuệ trung bình, tuệ thấp kém, tuệ chậm lụt, tuệ lanh lợi, sự tu tuệ, người tu [tuệ]. Những ai có chỗ thấy như vậy gọi là không tu tuệ.

“Thiện nam tử! Những ai không tu tập thân, giới, tâm, tuệ như vậy thì với nghiệp ác nhỏ cũng phải chịu quả báo xấu ác lớn lao. [Những người ấy] vì sợ sệt nên thường nghĩ rằng: ‘Ta [vốn] thuộc về địa ngục, [chỉ] làm những việc [khiến phải vào] địa ngục.’

“[Những người ấy] tuy nghe người có trí nói về sự khổ ở địa ngục nhưng lại thường tự nghĩ rằng: ‘Như sắt đập sắt, đá lại đập đá, cây tự đập vào cây, loài sâu lửa ưa thích ở trong lửa; thân địa ngục là tương tợ với địa ngục. Nếu tương tợ với địa ngục thì [vào địa ngục] có gì là khổ?’

“Ví như con nhặng xanh đeo dính vào bãi đàm, không tự thoát ra được; những người ấy cũng thế, tuy ở trong tội nhỏ cũng không thể tự thoát ra được, trong lòng không một chút ăn năn hối tiếc, không biết tu thiện, thường che giấu lỗi lầm. Tuy thuở quá khứ đã từng có đủ mọi nghiệp lành nhưng bị tội [nhỏ ngày nay] làm cho nhơ xấu.

“Những người không tu tập thân, giới, tâm, tuệ, tuy có quả báo nhẹ trong đời hiện tại nhưng lại chuyển thành quả báo xấu ác rất nặng phải đọa vào địa ngục!

“Thiện nam tử! Ví như bình nước nhỏ cho vào một thăng muối, nước liền trở nên quá mặn không thể uống được. Nghiệp tội của những người không tu tập thân, giới, tâm, tuệ cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Ví như người [quá nghèo] thiếu nợ kẻ khác chỉ một đồng tiền nhưng không trả nổi, vì vậy phải chịu giam cầm, đủ mọi sự khổ. Nghiệp tội của những người không tu tập thân, giới, tâm, tuệ cũng giống như vậy.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà những người ấy lại khiến cho quả báo nhẹ trong đời hiện tại chuyển thành quả báo [nặng nề] phải lãnh chịu trong địa ngục?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh, nếu vướng đủ vào năm việc sẽ khiến quả báo nhẹ trong đời hiện tại chuyển thành quả báo [nặng nề] phải lãnh chịu trong địa ngục. Những gì là năm? Một là vì ngu si, hai là vì căn lành ít ỏi, ba là vì nghiệp ác sâu nặng, bốn là vì không biết sám hối, năm là vì không tu tập nghiệp lành căn bản.

“Lại có năm [nguyên nhân khác]. Một là vì quen học và làm theo nghiệp ác, hai là vì không hộ trì năm giới căn bản, ba là vì xa lìa các căn lành, bốn là vì không tu tập thân, giới, tâm, tuệ, năm là vì gần gũi những kẻ xấu ác.

“Thiện nam tử! Vì [những nhân duyên như trên] nên [chúng sanh] có thể làm cho quả báo nhẹ trong hiện tại chuyển thành tội nặng phải lãnh chịu trong địa ngục.”

Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Những ai có thể làm cho tội báo [nặng nề trong] địa ngục có thể trở thành quả báo nhẹ nhận chịu ngay trong đời này?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Những ai tu tập thân, giới, tâm, tuệ như vừa nói trên, thường quán xét các pháp đồng như hư không, không thấy có [sự phân biệt] trí tuệ cùng người có trí, chẳng thấy có sự ngu si cùng kẻ ngu si, chẳng thấy có sự tu tập cùng người tu tập. Đó gọi là bậc trí, có thể tu tập thân, giới, tâm, tuệ. Người như vậy có thể làm cho tội báo [nặng nề phải vào] địa ngục trở thành quả báo nhẹ nhận chịu ngay trong hiện tại.

“Người như vậy, ví như có tạo ra nghiệp ác hết sức nặng nề cũng tự suy niệm quán xét [thấy là] có thể khiến cho [nghiệp ác ấy] trở thành rất nhỏ nhặt. [Người ấy] suy nghĩ rằng: ‘Nghiệp [ác] của ta tuy nặng nhưng vẫn không bằng nghiệp [lành].’ Ví như bông vải dù nhiều đến trăm cân [giá trị] cũng không bằng một lượng vàng ròng. Như cho vào nước sông Hằng một thăng muối thì nước sông không hề có vị mặn, người uống không thể nhận biết được. Như người giàu có lớn, tuy có nợ nần kẻ khác rất nhiều, đến ngàn muôn thứ vật báu, nhưng [vẫn đủ sức trả, nên] không thể bị giam cầm hay phải chịu khổ. Như con voi tơ to lớn đủ sức bứt đứt dây xích sắt mà ra đi tự do.

“Người có trí tuệ cũng giống như vậy, thường suy xét rằng: ‘Nghiệp lành của ta tăng thêm nhiều mạnh thì nghiệp ác phải suy tổn, yếu ớt. Ta có thể bộc lộ và sám hối để trừ đi nghiệp ác, có thể tu tập trí tuệ. [Nếu] trí tuệ tăng thêm nhiều mạnh thì vô minh tăm tối phải suy yếu đi.’

“Suy nghĩ như vậy rồi liền gần gũi những bạn lành, tu tập Chánh kiến, thọ trì, tụng đọc, sao chép, giảng nói Mười hai bộ kinh; nếu thấy ai thọ trì, tụng đọc, sao chép, giảng nói [Mười hai bộ kinh] liền sanh tâm cung kính, dùng đủ các thứ y phục, thức ăn uống, chỗ ngủ nghỉ, nằm ngồi, thuốc men, hương hoa mà cúng dường, ngợi khen xưng tán, tôn trọng. Người ấy dù đi đến đâu cũng hết lời ngợi khen chỗ hay tốt, hiền thiện của người khác, không chê bai chỗ xấu dở, khiếm khuyết. Người ấy cúng dường Tam bảo, cung kính tin theo kinh Phương đẳng Đại Niết-bàn, rằng Như Lai là thường tồn, không hề biến đổi; rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Người như vậy có thể khiến cho tội báo nặng [sẽ phải đọa] vào địa ngục trở thành quả báo nhẹ, nhận chịu ngay trong đời này.

“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên không phải tất cả các nghiệp đều có quả báo nhất định, cũng không phải tất cả chúng sanh đều nhất định phải nhận lãnh quả báo.”

Chapter Thirty-Six: On Bodhisattva Lion’s Roar

Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! You say in the sutra that vipasyana [insight med-itation] thoroughly crushes defilement. Why do we then need to practise samatha [calmness meditation]?"

The Buddha said: "O good man! You may say that vipasyana thoroughly crushes out defilement. But this is not so. Why not? When a person has Wisdom, there is no defilement; when a person has defilement, there is no Wisdom. How can we say that vipasyana crushes defilement? O good man! For example, when there is light, there is no gloom; when there is gloom, there is no light. One cannot say that light destroys gloom. O good man! How can we say that a person has Wisdom and defilement and that Wisdom destroys illusion? If there is not [any defilement], there can be no destruction. O good man! If one says that Wisdom destroys defilement, is this due to the arriving at Wisdom or non-arriving that there is this destruction? If this destruction comes about through arrival [at Wisdom], at the first instant there must be destruction. If there is no destruction at the first instant, there can be no destuction even on later occasions. If destruction comes about at the first arrival, this is none but non-arriving. How can one say that Wisdom destroys? If one says that both arriving and non-arriving destroy, this makes no sense.

"Also, next, we might well say that vipasyana destroys defilement. Does this destuction come about single-handedly or accompanied by some others? If it destroys on its own, why should the Bodhisattva [bother to] practise the Noble Eightfold Path? If it destroys by being accompanied by some others, this entails that there cannot be any destruction alone and single- handedly. If it cannot destroy alone and single-handedly, there can be no destruction even when accompanied by some others. One who is blind cannot see things. Even when accompanied by many blind persons, seeing is not possible. This is the case with vipasyana. O good man! It is as with the nature of the hardness of the earth, of the nature of the heat of fire, of the nature of the wetness of water, and of the nature of the movability of the wind. The nature of the hardness of the earth down to the movability of the wind does not arise out of causal relations. Its nature itself makes it be thus. Just as with the natures of the four elements, so does it obtain with defilement. Its nature itself acts. If cut, how can we say that Wisdom cuts? Due to this, we cannot say that vipasyana definitely destroys all defilements. O good man! The nature of salt is salty. It makes other things taste salty [too]. The original nature of honey is sweet. It truly makes other things sweet [too]. The original nature of water is wetness. It truly makes other things wet [too]. You might say that the nature of Wisdom is extinction, so that it can truly make things extinguished. But this is not so. Why not? If there is no quality of the dharma of dying, how can Wisdom force it to die? You might say that just as the saltiness of salt makes other things salty, so does Wisdom extinguish other things. But this is not so. Why not? Because the nature of Wisdom dies moment after moment. If it dies moment after moment, how can one say that it truly makes other things die? For this reason, the nature of Wisdom does not destroy defilement.

"O good man! There are two extinctions in all things. One is extinction by nature, and the other ultimate extinction. If there is extinction in the nature [of a thing], how can we say that Wisdom extinguishes it? We might say that Wisdom truly extinguishes defilement, as in the case of fire, which burns things. But this is not so. Why not? Because in the burning of fire, there yet remains the smouldering of fire. If it is thus with Wisdom, there must be the smouldering of the fire of Wisdom. When a hatchet cuts a tree, there remains the place where the cutting has been done. When Wisdom cuts, what place do we see where the cutting has been done? If Wisdom truly does [i.e. acts], what is there that we can truly see? If Wisdom truly segregates defilement, such defilement must appear in other places also, as in the case of the tirthikas who leave the six great castle-towns and appear in Kusinagara. If Wisdom does not show itself in other places, we can know that Wisdom could not truly make away with it. O good man! If the nature of all things is Void, who can cause things to be born or die? There is none that causes a different thing to be born and there is none that causes a different thing to die. O good man! As one practises meditation, one arrives at such right knowledge [“jnana”] and the right view of life. That is why I say in the sutras that any bhiksu who practises meditation can indeed see how the five skandhas appear and disappear. O good man! If one does not practise meditation, one cannot clearly see how things obtain in the world. And how could one know of what concerns the things of the supramundane world? If one does not have meditation, one can fall over even on a flat place. The mind [eye] sees what is out of order; the mouth speaks what is out of order; the ear hears what is different [from reality]; the mind understands what is out of order. Desiring to body forth particular letters, the hand writes strange sentences; desiring to take a particular path, the body walks a different path. One who practises samadhi gains much benefit and attains unsurpassed Enlightenment.

"The Bodhisattva-mahasattva is perfect in two things and effects great benefit. One is meditation, and the other is knowledge. O good man! When cutting a reed, a quick action cuts it well. It is the same with the Bodhisattva-mahasattva, as he practises these two. O good man! When one [wishes to] uproot a solid tree, things will go more easily if one first jolts it with one’s hand. It is the same with the meditation and knowledge of the Bodhisattva. First, he jolts through meditation, and then he uproots with knowledge. O good man! When washing dirty clothes, one first washes with ash water, and then with clean water. If one does this, the clothes become clean. It is also the same with the meditation and knowledge of the Bodhisattva. O good man! The person first reads and recites, and later the meaning comes forth. It is the same with the meditation and knowledge of the Bodhisattva. O good man! It is as with a valiant man who first adorns his body with armour and a staff and then meets the enemy. The case is the same with the meditation and knowledge of the Bodhisattva, too. O good man! For example, using a melting pot and tongs, one can handle metal as one wills by turning, shaking, and melting it. It is the same, too, with the meditation and knowledge of the Bodhisattva. O good man! For example, a clear mirror reflects one’s face and form. It is the same, too, with the meditation and knowledge of the Bodhisattva. O good man! This is as when one first flattens the ground and then sows the seed, or when one first learns from the teacher and later thinks of the meaning. It is also the same with the meditation and knowledge of the Bodhisattva. Because of this, as the Bodhisattva-mahasattva practises these two things, he derives great gains. O good man! The Bodhisattva-mahasattva practises these two things and adjusts his five sense-organs, and bears all such sufferings as hunger and thirst, cold and heat, beatings, slander, or being bitten by harmful animals and mosquitoes and gadflies. He always governs his mind; he will not have any indolence and does not do unlawful things, due to benefiting others. He is not defiled by illusions and does not get deluded by the various evil views of life. He always segregates himself well from all evil notions, and it will not be long before he achieves unsurpassed Bodhi. O good man! When the Bodhisattva-mahasattva practises these two things, the storms of the four inversions cannot come on. This is as with Mount Sumeru, which does not shake even when the winds blow in from the four directions. This applies to the case where one is not led astray by the wrong-headed teachers, the tirthikas; it is as when the hanging ensign of Devendra cannot easily be made to move. No twisted and strange arts can lure him. He is always blessed with all-wonderful, first-grade peace and bliss, and he can understand well the deepest, undisclosed doctrines of the Tathagata. Even when receiving a blissful [experience], he is not overjoyed and is not worried even when he encounters suffering. All devas and people of the world respect and praise him. “He sees clearly birth and death and what is not birth and death; he knows well the Dharma world and the Dharma nature and the Law that the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure rule the body. This is the bliss of Great Nirvana”. O good man! His meditation is the samadhi of the Void; his form of Wisdom is the desirelessness samadhi; his form of equanimity is the formlessness samadhi. O good man! The Bodhisattva-mahasattva knows well the time for meditation, the time for Wisdom, and the time for equanimity; he knows well what is not opportune. This is how the Bodhisattva practises well the Bodhi Way."

Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! How does the Bodhisattva know when it is the [right] time or not?" "O good man! The Bodhisattva-mahasattva may gain great arrogance when he gets blessed with bliss, arrogance from delivering a sermon, or arrogance from effort, or arrogance from understanding a [particular] meaning and in discussion, or arrogance from befriending an evil friend, or arrogance from giving away what he highly values, or arrogance from the good things and virtues of worldly nature, or arrogance from being respected by the nobility of worldly life. Such is not a fit time for knowledge. He should then practise meditation well. This is how the Bodhisattva knows the time and not the time. A Bodhisattva may well make effort and yet not be able to arrive at the Bliss of Nirvana. Not gaining this, he feels regret; or because of a dull nature, he may not be able to subdue all his five sense-organs. As all defilements and illusions have full force, he may doubt and think that there is a weakening in the observance of the moral precepts. Know that such a time is not good for meditation. One should practise knowledge. This is how we say that the Bodhisattva knows well the time and when is not the time.

"O good man! When the two phases of meditation and knowledge do not go [along] in a pair, know that this is not the fit time to practise equanimity. When the two are in a balanced state, know that this is the fit time to practise equanimity. This is the sense in which we say that the Bodhisattva knows the time and when is not the time. O good man! When the Bodhisattva experiences the rise of defilement and if he practises meditation and Wisdom, know that this is not the time to practise equanimity. He should really read and recite, write and copy and expound the 12 types of sutra, think of the Buddha, Dharma and Sangha, the precepts, the heavens, and equanimity. This is where we say that we practise equanimity. O good man! When the Bodhisattva practises these three phases of Dharma, he gains from this the formlessness Nirvana."

Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! When there are not the ten representational phases, we call Great Nirvana formless. But why do we call it birthlessness, non going-out, non-doing, a house, a sand-dune, the refuge, peace, extinction, Nirvana, quietude, non-sorrow of all illnesses, and non-possession?"

The Buddha said: "O good man! As there are no causal relations, we say "birthlessness". As it is not anything created, we say " non-going-out" . As there is not any action of doing [anything], we say " non-doing" . As none of the five twisted views is allowed to get in, we say "house". As it is segregated from the four madding floods, we say "sand-dune". As it adjusts all beings, we say " refuge" . As it crushes the robber-band of defilement, we say " peace" . As it burns out the fire of bondage, we say " extinction" . As one becomes segregated from the all-awakefulness of perception, we say " Nirvana" . As one is away from noisy quarters, we say "quietude". As one is away from the certitude of mortality, we say "sicklessness". As all is void, we say " non-possession" . O good man! When the Bodhisattva has this perception, he clearly sees the Buddha-Nature."

Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! How many kinds of things does the Bodhisattva-mahasattva need to accomplish to arrive at formlessness Nirvana and non-possession?" The Buddha said: "O good man! When the Bodhisattva-mahasattva accomplishes ten things, he can truly arrive at formlessness Nirvana and non-possession. What are the ten?

"First, he is perfect in faith. How is faith perfect? This is believing deeply that the Buddha, Dharma and Sangha are Eternal, that all the Buddhas of the ten directions effect expedients, and that beings and icchantikas all possess the Buddha-Nature. It is not believing that the Tathagata is subject to birth, old age, illness, and death, that he has undergone penance, and that Devadatta truly caused blood to flow from the Buddha’s body, that the Tathagata ultimately enters Nirvana, and that Wonderful Dharma dies out. This is where we say that the Bodhisattva is perfect in faith.

"Second, there is the perfection of pureness in the observance of the moral precepts. O good man! There is a Bodhisattva who says that he is pure in observing the precepts. Although he does not unite with a woman when he sees her, he yet at times jeers and mixes up and plays with words. Such a Bodhisattva is perfect in the dharma of desire, destroys the purity of the precepts, contaminates the pureness of pure actions, thus making the precepts become mixed up in defilement. Hence, we cannot call him perfect in the pureness of the precepts.

"Also, there is a Bodhisattva who says that he is pure in the precepts. He does not sexually connect with a woman and does not jeer or play with words. But with bars in between, he listens to the sound of necklaces and ankle-ringlets and various other female sounds. Such a Bodhisattva is fully garbed in the dharma of desire, violates the purity of the precepts, defiles pure action, and makes the precepts contaminated and defiled, so that we cannot call such a person one perfect in the pureness of the precepts.

"Also, there is a Bodhisattva who may well say that he is pure in the observation of the precepts. Also, although he does not mix with females, play with words, or listen to [female] sounds themselves, when he sees other men going after females or females going after men, he gains greedy clinging. Such a Bodhisattva is fully garbed in the dharma of desire, violates the purity of the precepts, defiles pure action, and makes the precepts mixed up and contaminated. We cannot call such a person one perfect in the observance of the moral precepts.

"Also, there may be a Bodhisattva who might say that he is perfect in his observance of the moral precepts. Also, although he does not mix with females, jeer, play with words, listen to [female] sounds, or watch men and women chasing after each, he does things for birth in the heavens and for being blessed with the pleasures of the five desires. Such a Bodhisattva is fully garbed in desire, violates the purity of the precepts, defiles pure action, and contaminates and defiles the precepts. This cannot be called perfect observance of the pure precepts.

"O good man! There might be a Bodhisattva who is pure in upholding the precepts. And yet he does not do so for the sake of sila, for the sake of silaparamita, nor for beings, nor for profit, nor for Bodhi, nor for Nirvana, and nor for [becoming a] sravaka or pratyekabuddha. He only observes the precepts for the supreme “Paramartha-satya” [Ultimate Reality]. O good man! This is what we call perfection in the purity of the precepts of a Bodhisattva.

"Third, the Bodhisattva makes friends with various good friends of the Way. By a good friend of the Way is meant a person who speaks well about faith and sila, erudition, giving, Wisdom, and who makes people practise the Way. Such a person is called the Bodhisattva's good friend of the Way.

"Fouth, he seeks quietude. By quietude is meant the quietude of body and mind, by [means of] which one meditates on the depths of all existences. We call this quietude.

"Fifth, there is effort. By effort is meant that one single-mindedly thinks about the Four Noble Truths. Even if one’s head were on fire, one would not cast this [pondering on the Four Truths] away. This is effort.

"Sixth, he has perfection in remembrance. By perfection in remembrance is meant thinking of the Buddha, Dharma, Sangha, the precepts, the heavens, and equanimity. We call this perfection in thinking.

"Seventh, he has gentleness of speech. By gentleness of speech is meant the true words and the wonderful words which one utters and queries before the mind acts. It is timely speech and words of truth. We call this " gentle words" .

"Eighth, there is protection of Dharma. To protect Dharma means to love Wonderful Dharma, always being happy to speak about it, read and recite, write and copy it, and to think of its meaning and expound it widely and make it prevail. If there is a person who copies, expounds, recites and praises [Dharma] and thinks about the meaning, one [should] seek things and give such to him for support, things such as clothing, drink and food, bedding, and medicine. For the protection of Dharma, one is ready to sacrifice one’s body and life. This is protecting Dharma.

"Ninth, if the Bodhisattva sees any of his brethren or anyone who is upholding the same sila lacking in things, he goes to others and begs for an incense burner, priestly robes, what is required in the way of nursing, clothing, food and drink, bedding, and accommodation.

"Tenth, his Wisdom is perfect. By Wisdom is meant seeing the so-called Tathagata, the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure, and the fact that all beings possess the Buddha- Nature. He sees the two phases of things, which are: Void versus non-Void, Eternal versus non-Eternal, Bliss versus non-Bliss, the Self versus the non-Self, what is possible or not possible for crushing out the proposition of dissimilarity [“vaidharmya-drstanta”], the coming about or seeing of dissimilarity that arises out of causal relations, and the fruition of dissimilarity that arises out of causal relations or non-causality. This is what we call the perfection of Wisdom. O good man! This is how we say that when the Bodhisattva is perfect in these ten things, he can well see the formlessness of Nirvana."

Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! The Buddha said previously to Cunda: "You, Cunda, already see the Buddha-Nature, gain Great Nirvana and unsurpassed Bodhi." What does this mean? O World-Honoured One! You state in a sutra that giving to animals brings forth 100 recompenses; that giving to an icchantika gains one 1,000 recompenses; that giving to a person who upholds the precepts evokes 100,000 recompenses; that giving to a tirthika who has cut away defilement calls forth an innumerable number of recompenses; that giving to those of the stages of the four ways and the four fruitions up to pratyekabuddha results in an innumerable number of recompenses; that giving to the Bodhisattvas of the unretrogressive stage, the great Bodhisattvas of the final stage, and the Tathagata-World-Honoured One calls forth infinte and boundless benefit and recompense, surpassing the greatest degree of conception. If Cunda gains such recompense, the results can know no end. When will he arrive at unsurpassed Bodhi? You also state in the sutra: "If one, with a serious mind, does good or bad, one will unfailingly gain the results in this life, or in the life to come, or in later lives." Cunda did good with a serious mind. So, you [we] may know that he will unfailingly gain recompense. If he will unfailingly gain recompense, how can he expect to arrive at unsurpassed Bodhi and how can he see the Buddha-Nature?

"O World-Honoured One! You also say in the sutra: "If one gives things to three kinds of person, there will be no end of recompense. The first is a sick person; the second is one’s parents; the third is the Tathagata." O World-Honoured One! You also state in the sutra: "The Buddha spoke to Ananda: "If beings have nothing involving the actions of desire, they will attain unsurpassed Bodhi. It is the same with things concerning actions material or non-material." O World-Honoured One! It is as is stated in a gatha of the “Dharmapada”:

"Not in the sky, not in the sea,
Nor by getting into mountains and caves
Can there be any question of seeking refuge;
There exists no place on earth
Where one no more suffers from karmic effects."

"Also, Aniruddha said: "O World-Honoured One! I recall to mind that by giving one meal, I did not fall into the three unfortunate realms for 80,000 kalpas [aeons]." O World- Honoured One! Even a single [act of] giving evokes this return. As against this, Cunda, with a mind of faith, makes offerings to the Buddha, having thus perfected and accomplished dana- paramita. O World-Honoured One! If the results of good are unending, how can the offence of slandering the vaipulya sutras, of the five deadly sins, the four grave offences, and the sin of [being] an icchantika know any end of karmic returns? If they do not end, how can a person truly see the Buddha-Nature and attain unsurpassed Nirvana?"

The Buddha said: "Well said, well said, O good man! There are only two persons who can arrive at the innumerable and boundless and countless virtues which go beyond words. This truly makes away with foundering in the dashing waters and madding floods. This well beats the enemy, brings down the victorious banner of Mara, and turns well the unsurpassed Wheel of Dharma of the Tathagata. One is the good question [questioner] and the other the good answer [answerer].

"O good man! Of the ten powers of the Buddha, the karma power has the greatest weight. O good man! All beings belittle the causal relations of karma and do not believe in it. In order to teach such minds, such is said. O good man! In all the actions that one performs, there is what is light and what is grave. These two actions of the light and grave are each of two kinds. One is definite, and the other is indefinite. O good man! There may be a person who says that there is no return arising from evil actions. If it is the case that evil actions unfailingly call forth karmic consequences, how was Kekosendara able to gain birth in the heavens, or Angulimalya to attain the fruition of Emancipation? In view of this, know that there are cases where whatever is done unfailingly calls forth karmic results and that there can unfailingly be cases where no results arise. In order to do away with such bent views [as these], I say in the sutras that any action unfailingly calls forth karmic results.

"O good man! There are cases where grave actions turn out to be light in their results and light ones grave. This does not mean that this concerns all people; only the ignorant are concerned here. Because of this, know that this does not mean that all actions unfailingly call forth a result. Although the result does not unfailingly come into being, this does not mean that the result does not come about. O good man! There are two kinds of all beings. One is wise, the other ignorant. The wise , by dint of wisdom, truly encounters the gravest karma of the unfortunate realms in this life. The ignorant person receives the karmic consequences of this life severely in hell."

Lion's Roar said: "O World-Honoured One! If things are thus, one should not seek purity in action and Emancipation."

The Buddha said: " O good man! If it is true that all actions definitely call forth results, do not seek purity in action and Emancipation. As it is indefinite, we practise pure actions and seek fruition in Emancipation. O good man! If one can well segregate one's self from all evil actions, one will gain good results; if one is far removed from good actions, one will arrive at evil fruition. If every action unfailingly called forth fruition, one would not seek to practise the Holy Way. If one does not practise the Way, there can be no Emancipation. The reason why all holy persons practise the Way is but to crush out the definite karma and gain light results. For the indefinite karma has no results to come about. If every action calls forth a result, one should not seek to practise the Holy Way. It is not possible to keep one's self from practising the Holy Way and yet gain Emancipation. There can be no such thing as arriving at Nirvana, not attaining Emancipation.

"O good man! If every good action is certain to call forth a result, every pure action that one performs in one's whole life will eternally call forth eternal peace, and every evil action of the last degree that one performs in one's whole life, too, will call forth the greatest of suffering eternally. If the action of karmic results is thus, there can be no practising of the Way, Emancipation, or Nirvana. If whatever is done by a man has to be borne by a man, this would mean that whatever is done by a Brahmin must be borne by a Brahmin. If things were thus, there could be no low caste and no low existences. A man could always be a man; a Brahmin could always be a Brahmin. Whatever was done in the days of one’s small age [childhood] would have to be borne in the days of small age. One would not encounter the results in the days of one’s middle or old age. The evil done in old age would bear fruit in hell, and one would not be able to suffer what one was to suffer as of the earlier days of hell. One must wait till the days of old age to suffer. The non-harming that one practised in one’s old age will not bear fruit in one’s prime of life. Without the prime of life, how can one come to be old? Because the karmic results cannot die out. If karma cannot die out, how could there be the practising of the Way and Nirvana?

"O good man! Of karma, there are two kinds, namely: definite and the indefinite. Of the karma that is definite, there are two kinds. One is the definiteness in result, and the other the definiteness in time. There can be cases where the result is definite and the time indefinite. When the causal relations conjoin, the result comes about in the Three Times of the present, the next life, or later lives.

"O good man! When one does good or evil with a settled mind, one gains a believing mind and joy. And one takes a vow or makes offerings to the Three Treasures. This is a definite action.

"One who is wise is persistent in good actions and cannot be moved. Because of this, the grave actions turn out to be light. One who is ignorant is persistent in non-good. Because of this, any light action turns out to be grave [in consequence] and calls forth a grave return. That is why all actions are not called definite.

"The Bodhisattva-mahasattva does no action that will gain him hell. For the sake of beings, he takes a great vow and gains life in hell. O good man! In days gone by, when beings’ life-span was 100 years, innumerable beings, as many as the sands of the Ganges, received karmic results in hell. I saw this and I took a great vow and gained life in hell. The Bodhisattva, at that time, truth to tell, had no sin of such kind. For the sake of beings, he gained life in hell. I, at that time, was in hell, living there innumerable ages and expounding the 12 types of sutra extensively to all sinners. The sinners, on hearing this, crushed all their karmic results and emptied hell - except for the icchantika. This is how we say that the Bodhisattva-mahasattva receives the karmic results not later than in this life.

"Also, next, O good man! In this Bhadrakalpa, an innumerable number of beings gained life in the animal realm, suffering evil karmic returns there. On seeing this, I took a vow, and to save them I gained life as such animals as the reindeer, deer, brown bear, dove, naga, serpent, garuda, fish, tortoise, fox, hare, cow, and horse. O good man! The Bodhisattva-mahasattva does not have, truth to tell, any sin to gain him such life as an animal. For the sake of beings, he takes a great vow and gains such a life. This is where we speak of the Bodhisattva-mahasattva’s gaining an evil karmic life [return] not later than this life. Also, next, O good man! In this Bhadrakalpa, there were also innumerable beings who gained life as hungry pretas [ghosts]. They devoured vomited saliva, fat and flesh, pus and blood, urine, tears and spittle. The span of their life was innumerable hundreds and thousands of years. Not once did they hear anything of juice or water. And how could they see anyone drink? Even if they saw water from afar and even if they gained the wish to go there, when they reached the place where such existed, everything changed into a great fire or pus or blood. At times, these might not change, but many people would obstruct the way with halberds in their hands or push the pretas back, so that they could not go forward. Or in the summer, rain might fall, but no sooner did it touch their body than it turned to fire. This is the work of the karmic returns of the evil they had done. O good man! The Bodhisattva-mahasattva has, truth to tell, no such sins to answer for. But to save beings and to enable them to attain Emancipation, he takes a vow and puts himself into such a life. This is why we say that the Bodhisattva-mahasattva suffers evil karmic returns not later than in this life.

"O good man! I, in the age of Bhadrakalpa, was born in a meat shop, but did not raise hens, pigs, cows or sheep; nor did I hunt with bows and nets, or catch fish, or live in a candala’s house; nor did I rob or plunder. The Bodhisattva has never done any such things. To enable beings to attain Emancipation, he took a great vow and gained such a body. This is why we say that a Bodhisattva-mahasattva undergoes a life of evil karmic returns not later than in this life.

"O good man! In this Bhadrakalpa, I gained life in a remote place, was full of greed, anger, and ignorance, did unlawful things, did not believe in the Three Treasures and the karmic returns that ensue in later lives, did not respect my parents and the intimate, the aged and the elderly. O good man! The Bodhisattva, at that time, had no such karma to suffer. To enable beings to gain Emancipation, he took a great vow and gained life in this place. This is where we say that the Bodhisattva-mahasattva undergoes an evil life, not in this life, not in the next life, and not in later lives.

"O good man! In this Bhadrakalpa, he gained such lives as those of a female, of evil, greed, anger, ignorance, jealousy, parsimony, of a phantom, of madness, and of a person clad in defilement. O good man! Know that the Bodhisattva did nothing of the kind [to merit] such karma. Only to enable beings to attain Emancipation did he take a great vow and gain such a form of life. This is where we say that the Bodhisattva-mahasattva undergoes evil karmic consequences not in this present life, not in the life to follow, nor in later lives.

"O good man! In this Bhadrakalpa, I gained such forms of life as of one with imperfect genital organs, one sexless, dually-sexed, or indefinite. O good man! Truth to tell, the Bodhisattva-mahasattva has no such actions to answer for. In order to enable beings to attain Emancipation, he takes a great vow and undergoes such a life. This is where we say that the Bodhisattva-mahasattva undergoes evil karma not in this life, not in the next life, or not in later lives.

"O good man! In this Bhadrakalpa, I practised the ways of the tirthikas and the Nir- granthas, and believed in their teachings. There was no giving, no shrine, and no recompense for dedication of the shrine. There were no good or bad actions, no good or bad returns [ac-cording to their theory]. There was no present life, no life to come, and not this and not that. There existed no holy, no transformed body, no Way, and no Nirvana. O good man! The Bod- hisattva has no such evil karmas to answer for. Only to enable beings to attain Emancipation does he take a great vow and experience such twisted things. This is why we say that the Bodhisattva-mahasattva undergoes evil actions, not in this life, not in the life to come, nor in later lives.

"O good man! I call to mind that once in the past, we were merchants, Devadatta and I. And each of us had 500 merchants. Seeking profit, we went to a great sea in search of rare things. Through evil causal relations, we met with a storm on the way and, ship-wrecked, our comrades all died. At that time, Devadatta and I, because of non-harming and by the causal relations for a long life, were blown across onto land. Then, Devadatta, regretting that he had lost the treasure, was greatly worried and wept loudly. I then said: "O Devadatta! Do not weep!" Devadatta said to me: "Listen to me carefully, listen carefully! For example, there is a man oppressed by poverty. He goes to the graveyard and catches hold of a corpse and says: " O you! Give me the joy of death. I shall now give you poverty and life." Then, the corpse stands up and says to the poor man: " O good man! Take poverty and life yourself. I am now immersed in the joy of death. I am not pleased to see you poor and alive." The situation is like this. But I do not have the bliss of death to hand, and besides, I am poverty-stricken. What else can I do other than cry and weep?" I also appeased him: " Do not be sad. I now have two beads, which are priceless. I will give you one." I gave it [to him] and said: "A person who has life gains this gem. If without life, how can one expect to have this?" I then felt tired and drowsed in the shade of a tree. Devadatta, burning with greed, gained an evil thought. Thrusting and harming my eyes, he took away the other bead. In pain, I cried and wept. Then, there was a woman who came to me and asked: "Why do you cry and weep?" I then told her of all that had taken place. On hearing of this, she further asked: "What is your name?" I said: "I am called True-Word." "How can I know that you are truthful?" I then took an oath: "If I should now have evil thoughts towards Devadatta, let me be one-eyed; if not, let my eyes gain the light."

Having said this, my eyes were cured and were as good as before. O good man! This is where we say that the Bodhisattva-mahasattva speaks about the recompense that comes about in this life.

"O good man! I call back to mind that I was once born in Southern India, at Putana Castle, in the house of a Brahmin. At that time, there was a king called Garapu. He was rude, evil, arrogant, and haughty. Being in the prime of life and handsome, he was immersed in the life of the five desires. To save beings, I, at that time, lived on the outskirts of the castle-town and sat in meditation. Then, the king came out of the castle, accompanied by relatives, courtiers, and court ladies into the world of spring trees and flowers. In the forest, he disported himself in the play of the five desires. All the females, abandoning, the king, came to me. I then - to do away with the greed of the king - spoke of Dharma. Then, the king came to me and gained an evil mind. He asked: "Have you already arrived at arhatship?" I said: "Not yet." He asked again: "Have you arrived yet at the stage of anagamin?" I said: "Not yet." He further said: "If not yet arrived at these two fruitions, you must be perfect in greed. How dare you look at my females?" I then replied: "O great King! Although I have not yet cut off the bond of greed, I have no greed in my mind." The king said: "O fool! There is in the world many a rishi who feeds on air and fruit. But on seeing beauty, he feels greed [desire]. And you are still in the prime of life and are not yet parted from greed. How can you be free from beauty, when actually seeing it?" I said: "O great King! One sees colour, but does not get attached to it. It is like feeding on air and not on fruits. It comes from the mind that rests on impermanence and impurity." The king said: "Belittling others and slandering, how can one practise the pureness of the precepts?" I said: "O great King! If one has jealousy, there can be slandering. I have no jealousy. How could I slander [anyone]?" The king said: "O greatly-virtuous! What do you mean by precepts?" "O King! Forbearance [patient endurance] is a precept." The king said: "If forbearance is a precept, I shall cut off your ear-lobe. If you can indeed stand it, I will know what the precept is." Then the king cut off my ear-lobe, but I, with my ear-lobe cut off, lost no colour. All the courtiers, on seeing this, admonished the king and said: " Please do not cause any harm to such a great person!" The king said to all his ministers: "How do you know whether this is a great person?" The ministers said: "Despite his receiving such a painful wound, his mien has not changed." The king said again: "I shall try further and see if he changes [colour] or not." And he sliced off my nose, and cut off my hands and feet. At that time, the Bodhisattva had practised the works of loving-kindness in innumerable and boundless worlds and had pity for beings who were sunk in the mire of suffering. Then the four guardians of the earth, becoming angry, rained down sand, gravel and stones. The king, on seeing this, became frightened, came to me, and prostrating on the ground said: "Please have mercy and allow me to repent." I said: "O great King! I seem to have no anger and no greed in my mind." The king said: "O greatly-virtuous! How can you have no anger and no enmity in your mind?" I then took an oath: " Let my body be reinstated as it was before if I do not have any anger or enmity in my mind." No sooner had I said this, than my body was reinstated as it was before. This is what [we mean when we say that] the Bodhisattva-mahasattva speaks about recompense in this life.

"O good man! It is the same with the karmic results that are to come about in the next life and in later lives, and with the matter of evil actions. When the Bodhisattva-mahasattva attains unsurpassed Bodhi, all actions gain their recompense in the present life. If the karmic results of non-good and evil actions are to visit one in this present life, things will proceed as when the heavens let fall the evil rain on account of the evil actions of the king. Also, this is as when the hands dropped off a person who showed a hunter where the brown bear and the deer of beautiful colour lived. These are instances where evil actions call forth karmic returns in this present life. As to the results that are to visit a person in the next life, they are those of the icchantika, and those who commit the four grave offences and the five deadly sins. The recompense that visits a person who upholds sila [the moral precepts] and who takes a vow such as saying: " I pray that I may, in my next life, gain a body in which I can be pure in sila. And in an age when the life-span of men is 100 years and when I can be blessed with an age of 80, I shall be a Chakravartin [world ruler] and teach beings." O good man! If the karmic result is definitely to visit one in this present life, there can be no karmic returns that come to one in the next life or in later lives. The Bodhisattva-mahasattva may practise the 32 signs of perfection of a great man, but he cannot expect the recompense in this present life. If one’s action does not call forth the three kinds of recompense, we call this indefinite.

"O good man! If all actions must definitely call forth karmic returns, one cannot practise pure actions, Emancipation, and Nirvana. Know that such are not my disciples; they are the kindred of Mara.

"All actions have the phases of "definite" and "indefinite". By definite is meant the karmic returns that one experiences in this life, in the life to come, and in later lives. By indefinite is meant the cases where the karmic returns come about when the causal relations meet, and if not, these will not come to visit the person. Because of this, if any person says that there are pure actions, Emancipation, and Nirvana, such a person is, truth to tell, my own disciple and not the kindred of Mara. This you should know. O good man! With beings, the results that are indefinite are many, and few the results that are definite. Because of this, there can be the practising of the Way. When one practises the Way, the definite, grave karmic returns can be felt as light; and there can be no experiencing of the indefinite karmic returns in the life to come.

"O good man! There are two kinds of people. One makes the indefinite definite; the other makes the karmic returns of the present life those of the life to come; what is light that which is grave, and what is to be suffered in this human life to be suffered in hell.

"The second makes what is definite indefinite, what belongs to the life to come [happen in] the present life, what is grave that which is light, and what is of hell that which is light in this human life. The ignorant make things grave.

"Of these two, the one is ignorant, and the other is wise. The wise person makes things light, and the ignorant person makes things grave in nature.

"O good man! For example, there are two persons who have sinned against the king. The one, with many relatives, suffers little, whereas the other, with few relatives, suffers much, although it ought to be light in suffering. It is the same with the ignorant. The wise person suffers less because of the large amount of good he has amassed, although the sin is grave. With the ignorant person, his good actions being few, he has to suffer greatly, although his sin is light. The situaiton is like this.

"O good man! For example, there are two persons, one is fat and is in the prime of life, whereas the other is weakly constituted and has less physical strength. The two lose their feet in mud, at which the one who is fat and in the prime of life easily gets out, whereas the weaker one sinks down. The situation is like this.

"O good man! There are two persons who both partake of poison. One has a charm and the drug, agada, whereas the other does not. The poison cannot destroy the one with the charm and drug, whereas the other who does not have such has to die.

"O good man! There are two persons who take some juice. One has the fire of life and the other has it less. The one with much fire digests it well, whereas with the person whose force of life is weak, it works harm.

"O good man! There are two persons who get chained up by the king. One is intelligent, whereas the other is dull. The intelligent person escapes, whereas the other one, who is dull, cannot get away.

"O good man! There are two persons who together follow a steep path. One has eyesight, whereas the other is blind. The one with eyesight goes on without any ado, whereas the blind man falls into the depths of the steep [gorge].

"O good man! For example, two persons take drinks. One eats a lot, whereas the other eats less. With the one who eats a lot, the drinks do less harm, whereas for the one who eats little, the drinks cause him trouble. The case is like this.

"O good man! For example, two persons go to the battle front. One is garbed in armour and [equipped] with a staff [sword], whereas the other has none. The one armed with a staff easily crushes the enemy, whereas the one who is not has no means of turning away the arms of the enemy.

"Also, there are two persons who make the Buddhist robe dirty. The one sees this and washes it, whereas the other knows but does not wash it. The robe of the one who has washed it at once is clean, whereas that of the one who does not increases its defilement day by day.

"Also, there are two persons who both ride in a cart. The cart with spokes goes as the person wills, whereas the one without [spokes] does not move.

"Also, there are two persons, who are travelling across a wilderness. One has food, whereas the other does not. The person with the food carries himself across the hard ways, whereas the one who does not cannot do so.

"Also, two persons are attacked by robbers. The one has a store of treasure [at home], whereas the other does not. The one with a storehouse has no apprehension, whereas the one who has not has worries. It is the same with the ignorant. One who has amassed good can stand grave sins in a light way, whereas the other, having no stock of good actions, has to suffer heavily."

Bodhisattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! Just as you, the Buddha, say, not all actions call forth definite results, in the same way, all beings do not always definitely have to suffer. O World-Honoured One! Why must beings undergo heavy sufferings in hell for what can be suffered lightly in the present life, and why can what obtains heavily in hell be light in the present life?"

The Buddha said: "There are two kinds of beings. One is wise, and the other ignorant. One who upholds the precepts of the body well and practises the wisdom of the mind is one who is wise; one who does not uphold the precepts and practise the wisdom of the mind is one who is ignorant.

"How does one not well practise the body? If one does not control the five sense-organs, we say that such a person is one who does not control his body. When a person does not control the seven kinds of pure precept, we say that he does not uphold the precepts. When a person does not adjust his mind, we say that there is no practising of the mind. When a person does not practise holy actions, we say that this is not practising Wisdom.

"Also, next, by the non-practising of the body, one cannot be perfect in the pureness of the precept-body [the spiritual entity of sila, so to speak]. By the non-practising of the precepts is meant the receiving or storing of the eight impure things. The non-practising of the mind is so called because one does not practise the three kinds of forms. The non-practising of Wisdom is so called because one does not practise pure actions.

"Also, next, we say that we do not practise the body because we cannot meditate on body, matter, and the representations of matter. Also, we do not meditate on the representations; we do not know of the elements of the body and the fact that this body moves on to that body. One sees body in non-body and matter in non-matter. Because of this, one greedily clings to the body and the body-elements. This is the non-practising of the body.

"We say that there is the non-practising of the precepts. The receiving of low-grade sila is the non-practising of the precepts. One-sided precepts are what one does for one’s benefit, for adjusting one’s own self, and not for giving peace to all beings. It is not to protect unsurpassed Wonderful Dharma. What the person does is for birth in the heavens and there to be blessed with the five desires, which is not called practising the precepts.

"By the non-practising of the mind is meant the dispersed state of mind in which the person does not guard his own realm of existence. By one’s own realm is meant the four remembrances; and by the other realm is meant the five desires. When a person does not practise the four remembrances, we speak of non-practice of the mind. When a person is sunk in evil actions and does not guard well his own mind, we call this the non-practice of Wisdom.

"Also, next, by the non-practice of the body is meant that the person does not see that this carnal body is non-eternal, that it has no place to live in, and that it collapses, and it dies out moment after moment, and that it is the world of Mara.

"By the non-practice of the precepts is meant the non-accompaniment of silaparamita [perfected morality]. By the non-practice of the mind is meant that the person is not perfect in dhyanaparamita [perfected meditation]. By the non-practice of Wisdom is meant that the person is not perfect in prajnaparamita [perfected Wisdom].

"Also, next, we say that there is the non-practice of the body, which is greedily to cling to one’s own body and what belongs to it, and to think that one’s body is eternal and that it does not change.

"We talk of the non-practice of the precepts. This is to do for one’s own sake the ten evil deeds.

"The non-practice of the mind means that the person does not control his doing of evil deeds.

"The non-practice of Wisdom means that the person cannot see through to the good and bad of things, because of the non-control of the mind.

"Also, next, the non-practice of the body means that the person is not away from the notion of the wrong view of Self ["atmadrsti": regarding the ego as existing eternally unchanged]. The non-practice of the precepts means that the person is not away from the wrong view regarding the precepts [“silavrataparamarsa”]. The non-practice of the mind means that the person falls into hell [after] enacting greed and anger, and the non-practice of Wisdom means that the person fails to do away with the ignorant mind.

"Also, next, the non-practice of the body fails to see that the body is always the enemy, even though it has nothing [for which it is] to blame.

"O good man! For example, there is a man who has an enemy, who ever seeks his whereabouts. One who is wise sees this and is awake to it and guards against it. If not guarded against, there is the danger of being harmed. It is the same with all the bodies of beings. One always, cold or hot, nourishes it with food and drink. If not thus protected, the body will go into dissolution. O good man! The Brahmin, worshipping the god of fire, always offers incense and flowers, praises and worships [it], makes offerings and serves [it], and he may well gain a life of 100 years. But if he touches it, the fire will burn the hand that does so. This fire, having been so much cherished and offered things, knows nothing of repaying what it owes the one who has single-mindedly served it. It is the same with the bodies of all beings. For years, the body is served with the best of incense and flowers, necklaces, clothing, food and drink, bedding and medicine. But when it encounters the causal relations that press in from within and without, all at once collapses, and it now does not think back a whit to what offerings and clothes were given it in days gone by.

"O good man! For example, there is a king who has four vipers, which he keeps in a box and orders a person to feed and take care of. Any of these four will harm a person once it gets angry. The man, fearing this, always seeks food and feeds them. It is the same with the four great vipers of all beings. Once angered, they will destroy the body.

"O good man! A man is mindful of a chronic disease, for which he seeks a doctor and a means of cure. Should he incessantly fail to cure [the disease], death will unfailingly visit him. It is the same with the body of all beings. One must always take care and there cannot be any indolence. Indolence will call forth death.

"O good man! For example, it is the same with an earthenware pot, which cannot endure the wind and rain, beating, and pressure. It is the same with the body of all beings. It cannot endure hunger, thirst, cold and heat, wind and rain, beating and ill-speaking.

"O good man! A carbuncle, when not yet fully grown, always protects itself well and prevents others from touching it. If anyone should happen to touch it, it responds with great pain. It is the same with the body of all beings.

"O good man! When a mule bears a child, this destroys its own body. The same is the case with the body of all beings. If the inside is cold, the body suffers.

"O good man! For example, just as the plantain tree dies when it bears fruit, so do matters stand with all other things.

"O good man! Just as the plantain fruit has nothing solid inside it, so is it with the body of all beings.

"O good man! Just as the serpent, rat, and wolf all hate each other, so do matters stand with the four great elements.

"O good man! Just as the swan king does not seek to be in a graveyard, so do things stand with the Bodhisattva. The body does not greedily find pleasure in a graveyard.

"O good man! Just as a candala will not give up his occupation for seven generations successively because people look down upon him, the same is also the situation with the seed of this body. The seed and blood are after all not pure. Their being not pure, all Buddhas and Bodhisattvas reproach them.

"O good man! This body is not like the Malaya hills where sandalwood grows; it cannot call forth the utpala, pundarika, campaka, mallika, or varsika. The nine holes always leak out pus and blood and impure things. Where one is born [vagina] smells bad and is defiled and ugly to look at, and worms always live there.

"O good man! For example, there might be an all-wonderful garden and forest in the world. But if any corpse should come therein, it becomes impure, and people abandon it, and no person any longer feels love or attachment [to that place]. It is the same with what comes about in the world of matter. Though wonderful to look at, as there is the body representing it, all Buddhas and Bodhisattvas abandon it.

"O good man! If a person cannot see things in this light, we do not call this the practice of the body.

"We say that there is the non-practice of the precepts. O good man! This is none other than not being able to regard sila [the moral precepts] as a kind of ladder to all good dharmas [things]. Sila is the root of all good dharmas. This is as with the earth, which is where all trees grow. This is the best guide to all good. This is like the owner of a ship that guides all merchants. Sila is the banner of victory. It is like the hanging ensign of Devendra. Sila eternally extirpates all evil deeds and the three unfortunate realms. It thoroughly cures serious illnesses, like a medicinal tree. Sila is none other than food on the steep path of birth and death. It is the armour and staff that crush the thieves of defilement; and it is the best charm, which annihilates the poison of the viper of defilement; or it is the bridge by means of which one can truly cross over the path of evil actions. Any person who cannot think in this way is one who does not practise the precepts.

"We say that there is the non-practising of the mind. This is none other than being unable to meditate on the mind. It [the mind] carries itself lightly and noisily and is hard to catch hold of and to destroy. It runs about unmolested like an evil-minded elephant. Its movements are quick every moment, as swift as lightning. It is as noisy and and unstaying [restless] as any monkey. It is like a phantom or a flame. It is the root of evil, and it is hard to satisfy the call of the five desires. This is like fire that feeds on fuel, or the great ocean, which takes in all river-waters, or like any grass and plants that grow so luuriantly in Mandara. If a person does not meditate on the falsity of birth and death, he will get lured away, as with a fish that swallows the hook. Always a lead is given, followed by all actions. This is like the mother shell that leads all the small ones. A person gets greedily attached to the five desires and does not care for Nirvana. This is like the camel that eats honey, forgetting all bout the fodder till death catches hold of it. People are deeply attached to actual pleasures and forget all about the worries that later come to them. This is like the cow that greedily devours the seedlings, not afraid of, and forgetting all about, the slashings by staff and thorns that have to follow. It [the mind] runs after the 25 existences. This is like the hurricane that blows away cotton. It endlessly seeks what one cannot seek, as with an ignorant person who seeks fire where there is no heat. People are always stuck to birth and death and do not wish to seek Emancipation. This is as in the case of the nimba worm, which seeks the neemb tree [azadirachta Indica]. People are lured by, and adhere to, the foul-smelling defilement of birth and death, like a prisoner who longs and asks the warder for a woman, or like a pig who is happy lying in an impure place. Anyone who does not see things thus can be called one not practising the mind.

"We speak of the non-practice of Wisdom. Wisdom has great power, like that of the garuda [a mythical bird]. It truly destroys evil actions and gloom, as does the light of the sun. It thoroughly uproots the tree of the skandhas, like water, which can easily float things up [to the surface]. Wisdom thoroughly burns out the evil views of life, like a great fire, and is the fountainhead of all good dharmas and the seed from which come about the Buddhas and Bodhisattvas. If one does not see things thus, this is none other than the non-practice of Wisdom.

"O good man! If there is anyone who sees in “Paramartha-satya” [Ultimate Truth] the body and the representation of the body, the cause and result of the body, the skandha of the body, one body or two bodies, this body or that body, the extinction and equality of the body, the practice of the body or one who practises the body, such is the non-practice of the body.

"O good man! If there is anyone who sees sila and any representation of sila, the cause and result of sila, the top and bottom of sila, the skandha of sila, one or two silas, this sila and that sila, the extinction and equality of sila, the practice of sila and one who practises sila, silaparamita, this is the non-practice of sila.

"If there is any person who sees such as the mind and the representation of the mind, the cause and result of the mind, the skandha of the mind, what belongs to the mind, one or two minds, this and that mind, the extinction and equality of the mind, the practising and one who practises the mind, the top, middle and bottom of the mind, the good and bad mind - this is the non-practice of the mind.

"O good man! If there is anyone who sees Wisdom and the phase of representation of Wisdom, the cause and result of Wisdom, the skandha of Wisdom, one or two Wisdoms, this and that Wisdom, the extinction and equality of Wisdom, the top, middle, and bottom of Wisdom, sharp and dull Wisdom, the practising of, and one who practises, Wisdom, this is none other than the non-practising of Wisdom.

"O good man! If there is any person who does not practise the body, sila, Wisdom, and the mind, such a one will suffer from a great karmic consequence for a small evil deed. And out of fear, he will think: "I am bound for hell; I have done the deeds of hell." Even when the wise speak of the pains of hell, he will always think: "It is like iron hitting iron, stone stone, wood wood, and the firefly enjoying fire. The body of hell will look like hell. If it resembles hell, what more pain could there be?" For example, it is like the blue fly that gets caught by saliva and cannot get free. It is the same with the human being, too. He cannot extract himself from a small evil. The mind never once repents and covers the wound by doing good. In the past, there were all good deeds, but all these became defiled by this sin. What little evil a person has to suffer in this life turns out as the heaviest karmic results in hell. O good man! If we add one “sho” [a unit of measurement for liquid or cereal] of salt to a small vessel of water, it becomes so salty that we cannot drink it. It is the same with this person’s evil, too. O good man! For example, there is a man whose one “sen” [a unit of money] which he owes a person, and which he is unable to pay back, chains him to prison, where he has to suffer many a hardship. It is the same with this person’s sin, too.

Bodhisattva Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! Why is it that this person’s light sin, from which he has to suffer in this present life, turns out to chain him to hell?"

The Buddha said: "O good man! If any person has five things to answer for, any slight sin he has committed will turn out to be answered in hell. What are the five? They are: 1) ignorance, 2) littleness of good done, 3) graveness of evil done, 4) non-repentance, 5) no good ever done before. Also, there are five things, which are: 1) practising of evil, 2) not upholding the precepts, 3) abstaining from doing good, 4) not practising the body, sila, Wisdom, and the mind, and 5) befriending evil persons. O good man! Because of these, a slight evil in the present life evokes grave returns in hell. O good man! Because of these, the light karmic result that one [would otherwise have] to suffer in this life becomes the heavier to suffer in hell."

Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! Who suffers less in the present life what he would have to suffer in hell?"

"O good man! Any person in the world who practises the body, sila, Wisdom, and the mind, as stated above, and who sees that all things are void and all-equal, and who sees no Wisdom, none who is wise, no ignorance, none who is ignorant, no practising and none who practises, such is one who is wise. Such a person indeed practises the body, sila, the mind, and Wisdom. Any such person indeed makes [what would have been] karmic results in hell become less to be suffered in this life. This person may have committed the gravest of sins, but he thinks over [the matter], sees, and makes it light, and says: "What I have done is grave in nature. But nothing is better than good actions. For example, 100 pounds of flower upon flower cannot after all compare with a “ryo” [unit of weight or money] of true gold. We might well throw a “sho” of salt into the Ganges, but no taste of salt will come about [from this] and no one, on drinking it, will taste it. A rich man may possess 1,000 million jewels and yet he will not be chained up and made to suffer pain on their account. Or a great gandhahastin can break an iron chain, escape and be unimpeded." So is it [also] with the person who has Wisdom. He always thinks to himself: "I have much of the power of good and little of evil actions. I confess and repent and do away with evil. If we practise Wisdom, the power of Wisdom will grow, and the power of ignorance will lessen." Thinking thus, he befriends a good teacher of the Way and learns the right view of life. If he sees a person who upholds, recites, copies and expounds the 12 types of sutra, he will feel respect in his mind and, besides, will make offerings to him of such things as clothing, food, accommodation, bedding, medicine, flowers and incense, and will praise and respect [him]. Wherever he goes, he only praises what is good and does not speak of what is lacking. He makes offerings to the Three Treasures and respects and believes that the vaipulya Great Nirvana Sutra and the Tathagata are Eternal and Unchanging, and that beings have the Buddha-Nature. Such a person makes what would be heavily suffered in hell something that is [only] light suffering in this life. O good man! For this reason, it is not the case that all actions are definite and that all beings definitely have to undergo karmic consequences."

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.212.119 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...