Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 35 - Phẩm BỒ TÁT CA DIẾP - Phẩm thứ mười hai – Phần ba »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 35 - Phẩm BỒ TÁT CA DIẾP - Phẩm thứ mười hai – Phần ba

Donate

(Lượt xem: 10.892)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 35 - Phẩm BỒ TÁT CA DIẾP - Phẩm thứ mười hai – Phần ba

Thiện nam tử! Những chỗ sai khác phân biệt biện giải như vậy là cảnh giới của Phật, không phải chỗ biết của hàng Thanh văn, Duyên giác. Như ai đối với những điều [sai lầm] nói trên sanh tâm nghi ngờ, may ra còn có thể phá hoại được phiền não [kiên cố] như núi Tu-di. Nếu ai sanh tâm quyết định tin chắc những điều ấy thì gọi là chấp trước.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Thế nào là chấp trước?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Những người [sanh tâm quyết định tin chắc] như vậy, dù được nghe biết [những điều ấy] từ người khác, hoặc tự tìm học trong kinh điển, hoặc được người khác ra công dạy bảo, nhưng đối với những điều [đã tin chắc thì] vướng mắc không thể buông bỏ, đó gọi là chấp trước.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Chấp trước như vậy là thiện hay bất thiện?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Chấp trước như vậy không thể gọi là thiện. Vì sao vậy? Vì không thể phá tan được các mối nghi ngờ.”

Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Những người [sanh tâm quyết định tin chắc] như vậy, vốn không có lòng nghi, sao nói rằng không thể phá tan các mối nghi ngờ?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Phàm người không có lòng nghi, chính là đang nghi [mà không biết] đó thôi.”

Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Bạch Thế Tôn! [Như vậy] nếu có người bảo rằng vị Tu-đà-hoàn không đọa vào ba đường ác, hẳn phải gọi đó là người vướng mắc, có lòng nghi?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Đó gọi là có lòng [tin] quyết định, không phải là có lòng nghi. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Ví như có người trước đã nhìn thấy người ta và cây cối; về sau khi đi đêm trông thấy ở xa có một cái cây đã bị đốn ngang, bèn sanh lòng nghi hoặc: ‘Không biết đó là hình người hay thân cây?’

“Thiện nam tử! Như người trước đã được thấy các vị tỳ-kheo, Phạm chí. Về sau, khi đi đường trông thấy một vị tỳ-kheo từ xa liền sanh lòng nghi hoặc: ‘Không biết đó là tỳ-kheo hay Phạm chí?’

“Thiện nam tử! Như người trước đã nhìn thấy bò và trâu. Về sau, khi thấy một con bò từ đằng xa liền sanh lòng nghi hoặc: ‘Không biết đó là bò hay trâu?’

“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh, trước có được nhìn thấy hai vật [khác nhau] thì sau đó mới sanh lòng nghi. Vì sao vậy? Vì trong lòng không biết rõ. Ta không hề nói [phân biệt hai điều khác nhau] rằng vị Tu-đà-hoàn có đọa vào ba đường ác và không đọa vào ba đường ác. Như vậy, người mà ông nói đó làm sao lại sanh lòng nghi?”

Bồ Tát Ca-diếp bạch rằng: “Thế Tôn! Như lời Phật dạy, trước phải được nhìn thấy [hai vật khác nhau] rồi sau mới sanh lòng nghi. Nhưng có những người khi chưa được thấy hai vật [khác nhau] cũng sanh lòng nghi. Đó là nói điều gì? Chẳng hạn như Niết-bàn.

“Bạch Thế Tôn! Ví như có người đi đường gặp dòng nước đục, dù trước đó chưa từng thấy nhưng cũng sanh lòng nghi: ‘Không biết dòng nước này sâu hay cạn?’ Người ấy chưa từng thấy, vì sao lại sanh lòng nghi?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Niết-bàn là dứt khổ. Không phải Niết-bàn tức là khổ. Chỗ thấy của tất cả chúng sanh đều có hai loại: thấy khổ và thấy không khổ. Khổ và không khổ đó là: đói, khát, lạnh, nóng, hờn giận, vui mừng, ốm bệnh, an ổn, già nua, trai tráng, sanh ra, chết đi, trói buộc, giải thoát, lìa xa người yêu thương luyến mến, gần gũi kẻ oán ghét thù nghịch. Chúng sanh thấy vậy rồi liền sanh lòng nghi: ‘Liệu có sự xa lìa rốt ráo những khổ não ấy chăng?’ Vì thế mà chúng sanh đối với Niết-bàn có sanh lòng nghi.

“Như ông hỏi rằng: ‘Người ấy từ trước chưa từng thấy dòng nước đục, sao lại sanh lòng nghi?’ Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Người ấy đã từng thấy [sự việc tương tự] ở nơi khác rồi, nên ở nơi chưa từng đến mới sanh lòng nghi.”

Bồ Tát Ca-diếp lại hỏi: “Bạch Thế Tôn! Trước đây khi thấy chỗ sâu, chỗ cạn, người ấy đã không sanh lòng nghi; vì sao nay nhìn thấy lại sanh lòng nghi?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì là nơi chưa từng đi qua nên mới sanh nghi. Vì vậy ta có nói: ‘Không biết rõ nên nghi.’”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Theo như lời Phật dạy, nghi tức là vướng mắc, vướng mắc tức là nghi. Đó là nói hạng người nào?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Đó là những kẻ dứt mất căn lành.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Những hạng người nào có thể dứt mất căn lành?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Có những người thông minh lanh lợi, trí tuệ sáng suốt, khéo biết phân biệt, nhưng (1) lìa xa bạn tốt, (2) không nghe Chánh pháp, (3) không khéo suy xét, (4) không thực hành đúng pháp; những người như vậy có thể dứt mất căn lành.

“Ngoài bốn điều vừa nói, [những người này] trong lòng còn tự suy xét rằng: ‘Không có vật bố thí. Vì sao vậy? Bố thí tức là lìa bỏ tài vật. Nếu việc bố thí có quả báo, nên biết rằng người bố thí thường phải nghèo khốn. Vì sao vậy? Vì hạt giống và quả [của nó] là tương tự như nhau. Cho nên nói rằng không có nhân, không có quả.’ Nếu người nói không có nhân quả theo cách như vậy, đó gọi là dứt mất căn lành.

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Người bố thí, người nhận bố thí và tài vật bố thí, ba điều ấy là vô thường, không lúc nào trụ yên. Nếu không trụ yên, sao có thể nói được đâu là người bố thí, là người nhận bố thí, là tài vật bố thí? Nếu không có người nhận bố thí, làm sao có được quả báo? Vì nghĩa ấy nên không có nhân, không có quả.’ Nếu người nói không có nhân quả theo cách như vậy, nên biết rằng người ấy có thể dứt mất căn lành.

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Trong khi người thực hành việc bố thí, dùng đến năm sự bố thí. Người nhận bố thí rồi, có khi làm điều thiện, có khi làm điều bất thiện, nhưng người đã bố thí lại không nhận được quả thiện hoặc quả bất thiện. Như lẽ thường ở thế gian, do hạt giống sanh ra quả, quả ấy lại tạo thành hạt giống. Nhân tức là người bố thí; quả tức là người nhận bố thí. Nhưng người nhận bố thí không thể dùng những pháp thiện hoặc bất thiện để làm cho thí chủ đạt được [quả báo]. Vì nghĩa ấy nên không có nhân, không có quả.’ Nếu người nói không có nhân quả theo cách như vậy, nên biết rằng người ấy có thể dứt mất căn lành.

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Không có vật bố thí. Vì sao vậy? Vì vật bố thí là vô ký. Nếu là vô ký, làm sao có thể được quả báo thiện? Không có quả báo thiện, tức là vô ký. Nếu tài vật là vô ký, nên biết rằng không có quả báo thiện, ác. Cho nên không có việc bố thí, không có nhân, không có quả.’ Nếu người nói không có nhân quả theo cách như vậy, nên biết rằng người ấy có thể dứt mất căn lành.

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Bố thí là ý niệm. Nếu là ý niệm thì không nhìn thấy, không có đối tượng, không thuộc pháp hình sắc. Nếu không phải là hình sắc, làm sao có thể bố thí? Cho nên không có việc bố thí, không có nhân, không có quả.’ Nếu người nói không có nhân quả theo cách như vậy, nên biết rằng người ấy có thể dứt mất căn lành.

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Nếu người bố thí vì hình tượng Phật, thiên thần, hoặc vì cha mẹ đã qua đời mà làm việc bố thí, ắt không có người thọ nhận. Nếu không có người thọ nhận, lẽ ra không có quả báo. Nếu không có quả báo, tức là không có nhân. Nếu không có nhân, tức là không có quả.’ Nếu người nói không có nhân quả theo cách như vậy, nên biết rằng người ấy có thể dứt mất căn lành.

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Không có cha mẹ. Nếu nói cha mẹ là nhân của chúng sanh, là bậc sanh ra chúng sanh, thì theo lý phải thường sanh mãi, không có sự dứt mất. Vì sao vậy? Vì nhân là thường có. Nhưng vì không thường sanh mãi, nên biết rằng không có cha mẹ.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Không có cha mẹ. Vì sao vậy? Nếu thân của chúng sanh là nhân nơi cha mẹ mà có, lẽ ra mỗi người đều phải có đủ hai căn nam, nữ. Nhưng vì không có đủ [hai căn] nên biết rằng chúng sanh chẳng phải nhân nơi cha mẹ mà có.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Chẳng phải nhân nơi cha mẹ sanh ra chúng sanh. Vì sao vậy? Trước mắt nhìn thấy chúng sanh không giống hệt cha mẹ, như về thân thể, hình sắc, tâm tánh, cách đi đứng... Cho nên cha mẹ chẳng phải là nhân sanh ra chúng sanh.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Tất cả những thứ thế gian gọi là ‘không’ được phân làm bốn loại. Một là vì chưa sanh ra nên gọi là không, như khi đất sét mới nhồi thành khối, chưa có công dụng của cái bình. Hai là diệt mất rồi nên gọi là không, như khi cái bình đã bể nát thì gọi là không [có cái bình]. Ba là khác biệt nhau nên có cái này thì không có cái kia, như trong con bò không có con ngựa, trong con ngựa không có con bò. Bốn là hoàn toàn không có nên gọi là không, như sừng thỏ, như lông rùa... Cha mẹ của chúng sanh cũng vậy, đồng với bốn loại không có ấy. Nếu nói rằng cha mẹ là nhân của chúng sanh, khi cha mẹ chết sao con không nhất định chết theo? Cho nên cha mẹ chẳng phải là nhân sanh ra chúng sanh.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Nếu nói cha mẹ là nhân của chúng sanh, lẽ ra phải thường nhân nơi cha mẹ sanh ra chúng sanh. Nhưng lại có những loài do biến hóa sanh ra, do ẩm ướt sanh ra, vì thế nên biết rằng chẳng phải nhân nơi cha mẹ sanh ra chúng sanh.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Chúng sanh là tự có, chẳng phải nhân nơi cha mẹ mà sanh ra, lớn lên. Ví như loài chim khổng tước nghe tiếng sấm mà sanh chim con; như loài chim thanh tước, chim mái uống nước mắt chim trống mà sanh chim con; như loài chim mạng mạng, chim mái nhìn thấy chim trống múa mà sanh chim con.’

“Đang khi suy nghĩ [những điều] như thế, nếu không gặp được bậc thiện tri thức, nên biết rằng người như thế có thể dứt mất căn lành.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Thế gian hoàn toàn không có quả báo thiện, ác. Vì sao vậy? Vì [trước mắt thấy] có những chúng sanh thực hành đầy đủ mười điều lành, vui thích làm việc bố thí, siêng tu công đức, nhưng lại mang nhiều tật bệnh nơi thân, tuổi trung niên chết yểu, hoặc hao tổn tài vật, vướng phải nhiều sự lo âu buồn khổ. Lại [thấy] có những chúng sanh làm đủ mười điều ác, tham lam bủn xỉn, ganh ghét đố kỵ, lười nhác trì trệ, chẳng tu mọi pháp lành, nhưng lại được thân thể an ổn không bệnh, mạng sống dài lâu, được nhiều tiền của, không gặp phải những lo âu sầu khổ. Vì thế nên biết rằng không hề có quả báo thiện, ác.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Ta từng nghe các bậc thánh nhân dạy: Có người tu thiện, khi mạng chung thì phần nhiều đọa vào ba đường ác. Có những kẻ làm ác, khi mạng chung lại sanh vào cõi người, cõi trời. Vì thế nên biết rằng không hề có quả báo thiện, ác.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Lời dạy của tất cả thánh nhân phân làm hai loại: Một là nói rằng kẻ sát sanh được quả báo thiện; hai là nói rằng kẻ sát sanh chịu quả báo ác. Vì thế nên biết rằng lời dạy của bậc thánh là không nhất định. Nếu [lời dạy của] bậc thánh đã không nhất định, ta làm sao [tin tưởng] nhất định? Vì thế nên biết rằng không hề có quả báo thiện, ác.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Trong khắp thế gian không có bậc thánh nhân. Vì sao vậy? Nếu là thánh nhân ắt phải đạt được Chánh đạo. Tất cả chúng sanh đang khi có đủ phiền não, tu tập Chánh đạo, nên biết rằng những người ấy cùng lúc có cả Chánh đạo và phiền não. Nếu cùng lúc có cả hai, nên biết rằng Chánh đạo không thể phá trừ phiền não. Nếu không có phiền não mà tu Chánh đạo, thì Chánh đạo ấy có tác dụng gì? Như vậy, với người có đầy đủ phiền não thì Chánh đạo không thể phá trừ; với người không có phiền não thì Chánh đạo ắt là vô dụng. Vì thế nên biết rằng trong khắp thế gian không có bậc thánh nhân!’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Vô minh làm duyên cho hành, cho đến sanh làm duyên cho già, chết. Mười hai nhân duyên ấy, tất cả chúng sanh đều có đủ. Tánh của Tám Thánh đạo là bình đẳng, nên lẽ ra [tất cả chúng sanh cũng đều có đủ] như vậy; khi một người đạt được, lẽ ra tất cả mọi người cũng được; khi một người tu tập, lẽ ra tất cả mọi người đều diệt được khổ. Vì sao vậy? Vì phiền não là như nhau. Nhưng nay không được [như vậy], nên biết rằng không có Chánh đạo.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Thánh nhân đều có những pháp đồng với phàm phu, như là: ăn uống, đi đứng, nằm ngồi, ngủ nghỉ, vui cười, đói khát, lạnh nóng, lo sầu, sợ sệt... Nếu đồng với phàm phu những việc như vậy thì nên biết rằng thánh nhân không đạt được Thánh đạo. Nếu đạt được Thánh đạo, lẽ ra phải vĩnh viễn dứt hẳn những việc như vậy. Những việc như vậy nếu không dứt trừ thì nên biết rằng không có Thánh đạo.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Thánh nhân có thân, hưởng thụ năm món dục lạc, lại cũng nhục mạ, đánh đập người khác, cũng ganh ghét đố kỵ, kiêu mạn, thọ nhận mọi sự khổ, vui, tạo tác các nghiệp thiện, ác. Vì nhân duyên ấy nên biết rằng không có thánh nhân. Nếu là người có đạo, lẽ ra phải mãi mãi dứt hẳn những việc ấy. Những việc ấy không dứt trừ nên biết rằng không có Thánh đạo.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Người giàu lòng thương xót thì gọi là thánh nhân. Do nhân duyên gì gọi là thánh nhân? Do nhân duyên là Thánh đạo nên gọi là thánh nhân. Nếu tánh của Thánh đạo là thương xót, lẽ ra phải thương xót, nhớ nghĩ đến tất cả chúng sanh, chẳng đợi tu tập rồi mới có được sự thương xót ấy. Nếu là không có lòng thương xót, vì sao thánh nhân do nơi việc đạt được Thánh đạo rồi mới có lòng thương xót? Vì thế nên biết rằng thế gian không có thánh nhân.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Tất cả bốn đại không do nhân mà sanh ra, chúng sanh đều có đủ như nhau. Tánh của bốn đại ấy không phân biệt chúng sanh, bên này nên tới, bên kia chẳng nên tới... Nếu có Thánh đạo, lẽ ra cũng phải có tánh [không phân biệt] như vậy; nhưng nay không phải thế, [vì có kẻ được người không,] vì thế nên biết rằng trong thế gian không có thánh nhân.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Nếu như các bậc thánh nhân chỉ có [chung] một Niết-bàn, nên biết như vậy ắt là không có thánh nhân. Vì sao vậy? Vì [Niết-bàn ấy] không thể đạt được! Theo lý thì pháp thường trụ là không thể đạt được, không thể nắm bắt, không thể buông bỏ. Nếu các bậc thánh nhân có nhiều Niết-bàn thì đó là vô thường. Vì sao vậy? Vì là pháp có thể tính đếm. Nếu Niết-bàn là một thì khi một người đạt được, lẽ ra hết thảy mọi người đều đạt được. Nếu Niết-bàn là nhiều, ắt có ranh giới phân biệt. Nếu có ranh giới, làm sao gọi là thường? Nếu như nói rằng thể của Niết-bàn là một nhưng giải thoát là nhiều, cũng như đầu người là một nhưng răng, lưỡi là nhiều. Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Chỗ đạt được của mỗi người không phải chỗ đạt được của tất cả mọi người. Vì có ranh giới phân biệt nên lẽ ra là vô thường. Nếu là vô thường, sao có thể gọi là Niết-bàn? Nếu không có Niết-bàn thì ai là thánh nhân? Vì thế nên biết rằng không có thánh nhân.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Đạo của thánh nhân không phải do nhân duyên mà đạt được. Nếu đạo của thánh nhân không phải do nhân duyên đạt được, vì sao tất cả mọi người không làm thánh nhân? Nếu tất cả mọi người không phải thánh nhân, thì nên biết rằng không có thánh nhân cũng như Thánh đạo.’

“Hoặc [có người] lại suy xét rằng: ‘Thánh nhân dạy rằng sự thấy biết chân chánh có hai nhân duyên. Một là được nghe Chánh pháp từ người khác, hai là tự trong lòng mình suy xét [biết được]. Hai nhân duyên này nếu là do duyên [khác] sanh ra, thì duyên [khác] ấy cũng lại là do duyên khác nữa sanh ra. Cứ xoay vần tiếp nối mãi như thế, không bao giờ dứt. Nhưng nếu hai [nhân duyên thấy biết chân chánh] ấy không phải do duyên sanh, thì tại sao tất cả chúng sanh lại không [tự nhiên] đạt được sự thấy biết chân chánh?’

“Trong khi quán xét những điều như trên thì [người ta] có thể dứt mất căn lành.

“Thiện nam tử! Nếu chúng sanh nào thấy biết sâu xa những lý không nhân quả [theo cách] như vậy, thì người ấy có thể dứt mất năm căn lành như tín căn, [tinh tấn căn] v.v...

“Thiện nam tử! Những kẻ dứt mất căn lành không phải là hạng người hèn hạ thấp kém, ngu độn; cũng không phải hàng chư thiên cõi trời hay những chúng sanh trong ba đường ác. Những kẻ phá hoại Tăng đoàn cũng vậy.”

Bồ Tát Ca-diếp thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Những người như vậy, đến khi nào sẽ có thể sanh trở lại căn lành?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Những người ấy có hai thời điểm [có thể] sanh trở lại căn lành, một là khi vừa mới vào địa ngục, hai là khi ra khỏi địa ngục.

“Thiện nam tử! Pháp lành có ba loại: quá khứ, hiện tại và vị lai. Nếu là quá khứ thì tánh tự diệt mất; [nguyên] nhân tuy diệt mất nhưng quả báo chưa chín muồi, vì thế nên không gọi là dứt mất quả của quá khứ. [Chỉ người] dứt hết cả nhân [lành] trong quá khứ, hiện tại và vị lai mới gọi là dứt mất [căn lành].”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu dứt hết cả nhân [lành] trong ba đời gọi là dứt mất căn lành, thì người dứt căn lành tức nhiên có tánh Phật. Tánh Phật như vậy là quá khứ, là hiện tại, là vị lai, hay là khắp trong ba đời?

“Nếu [tánh Phật] là quá khứ, làm sao gọi là thường? Tánh Phật là thường, nên biết là không phải quá khứ.

“Nếu [tánh Phật] là vị lai, làm sao gọi là thường? Vì sao Phật nói rằng tất cả chúng sanh nhất định sẽ đạt được [tánh Phật]? Nếu nhất định sẽ đạt được, sao lại nói là [có thể] dứt mất?

“Nếu [tánh Phật] là hiện tại, làm sao lại gọi là thường? Vì sao Phật nói rằng nhất định có thể thấy được?

“Như Lai cũng dạy rằng tánh Phật có sáu đức: thường tồn, chân chánh, đúng thật, hiền thiện, thanh tịnh và có thể thấy. Nếu những kẻ dứt mất căn lành mà có tánh Phật, ắt không thể gọi là dứt mất căn lành. Còn nếu họ không có tánh Phật, vì sao nói rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật? Nếu nói rằng tánh Phật lại khi có khi mất thì tại sao Như Lai nói rằng [tánh Phật là] thường?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như Lai Thế Tôn vì chúng sanh nên dùng đến bốn phương thức trả lời. Một là trả lời bằng cách xác định chắc chắn, [gọi là định đáp]; hai là trả lời bằng cách phân biệt giải thích, [gọi là phân biệt đáp]; ba là trả lời [thích hợp] tùy theo câu hỏi, [gọi là tùy vấn đáp]; bốn là trả lời bằng cách phớt lờ, xem như không nghe, [gọi là trí đáp].

“Thiện nam tử! Thế nào là trả lời bằng cách xác định chắc chắn? Như hỏi rằng: ‘Tạo nghiệp ác sẽ được quả thiện hay quả bất thiện?’ Như vậy nên đáp một cách chắc chắn rằng: ‘Sẽ phải chịu quả bất thiện.’ Đối với việc tạo nghiệp lành cũng [nên trả lời chắc chắn] như vậy: ‘Sẽ được quả báo tốt lành.’

“Như hỏi rằng: ‘Như Lai có phải là bậc Nhất thiết trí [rõ biết tất cả] hay chăng? Như vậy nên đáp một cách chắc chắn rằng: ‘Đúng là bậc Nhất thiết trí.’ Như hỏi rằng: ‘Phật pháp có thanh tịnh chăng?’ Như vậy nên đáp một cách chắc chắn rằng: “Nhất định là thanh tịnh.’ Như hỏi rằng: ‘Đệ tử của Như Lai có làm theo đúng pháp chăng?’ Như vậy nên đáp một cách chắc chắn rằng: ‘Có làm theo đúng pháp.’

“Như thế gọi là trả lời bằng cách xác định chắc chắn.

“Thế nào là trả lời bằng cách phân biệt giải thích? Như ta có giảng về giáo pháp Bốn chân đế. Thế nào là bốn? Đó là khổ, tập, diệt, đạo. Thế nào là Khổ đế? Vì có tám nỗi khổ nên gọi là Khổ đế. Thế nào là Tập đế? Vì năm ấm là nhân [hợp lại] nên gọi là Tập đế. Thế nào là Diệt đế? Vì tham, sân, si đều dứt hết nên gọi là Diệt đế. Thế nào là Đạo đế? Vì có Ba mươi bảy pháp trợ đạo nên gọi là Đạo đế...

“Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Thế nào là trả lời [thích hợp] tùy theo câu hỏi? Như ta có dạy rằng: ‘Tất cả các pháp đều vô thường.’ Lại có người hỏi: ‘Như Lai Thế Tôn vì những pháp gì mà nói lý vô thường?’ Liền đáp rằng: ‘Vì pháp hữu vi nên Như Lai nói lý vô thường.’ Đối với lý vô ngã cũng thế.

“Như Phật có dạy: ‘Tất cả các pháp [thế gian] đều như lửa dữ thiêu đốt.’ Kẻ khác lại hỏi: ‘Như Lai Thế Tôn vì những pháp gì mà nói rằng tất cả các pháp [thế gian] như lửa dữ thiêu đốt?’ Liền đáp rằng: ‘Vì tham, sân, si nên Như Lai nói rằng tất cả pháp [thế gian] đều như lửa dữ thiêu đốt.’

“Như thế gọi là trả lời [thích hợp] tùy theo câu hỏi.

“Thiện nam tử! Như Lai có đủ các pháp như Mười lực, Bốn vô sở úy, Đại từ, Đại bi, Ba niệm xứ, tám vạn ức các môn tam-muội như [tam-muội] Thủ-lăng-nghiêm, Ba mươi hai tướng tốt, Tám mươi vẻ đẹp, ba mươi lăm ngàn các môn tam-muội như tam-muội Ngũ trí ấn, bốn ngàn hai trăm các môn tam-muội như tam-muội Kim cang, tam-muội Phương tiện... Vô lượng vô biên các pháp như vậy đều là tánh Phật của Phật. Tánh Phật ấy có bảy đức: thường, ngã, lạc, tịnh, chân, thật và thiện. Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Thiện nam tử! Tánh Phật của vị Bồ Tát thọ thân sau cùng có sáu đức: thường, tịnh, chân, thật, thiện, thấy được phần nhỏ. Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Theo như câu hỏi của ông trước đây: ‘Những kẻ dứt mất căn lành có tánh Phật hay không? Những kẻ ấy cũng có tánh Phật của Như Lai, cũng có tánh Phật của [Bồ Tát] thọ thân sau cùng. Vì hai tánh Phật ấy bị che lấp ở đời vị lai nên gọi là không; vì rốt cùng rồi sẽ đạt được tánh Phật nên gọi là có. Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Tánh Phật của Như Lai không thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai. Tánh Phật của vị Bồ Tát thọ thân sau cùng là thuộc về hiện tại và vị lai. Vì thấy được một phần nhỏ tánh Phật nên gọi là hiện tại; vì chưa thấy được trọn vẹn nên gọi là vị lai. Nhân tánh Phật của Như Lai khi chưa chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai; nhưng quả thì không như vậy, có thuộc về ba đời, cũng có không thuộc về ba đời. Nhân tánh Phật của vị Bồ Tát thọ thân sau cùng cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai; và quả cũng giống như vậy. Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Với hàng Bồ Tát trụ ở địa vị thứ chín, tánh Phật có sáu đức: thường, thiện, chân, thật, thanh tịnh, có thể thấy. Nhân tánh Phật của vị này cũng thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai; và quả cũng giống như vậy. Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Từ hàng Bồ Tát trụ ở địa vị thứ tám xuống đến hàng trụ ở địa vị thứ sáu, tánh Phật có năm đức: chân, thật, tịnh, thiện, có thể thấy. Nhân tánh Phật của các vị này cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai; và quả cũng giống như vậy. Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Từ hàng Bồ Tát trụ ở địa vị thứ năm xuống đến hàng sơ trụ, tánh Phật có năm đức: một là chân, hai là thật, ba là tịnh, bốn là có thể thấy, năm là thiện và bất thiện.

“Thiện nam tử! Tánh Phật có năm đức, sáu đức, hoặc bảy đức ấy, những kẻ dứt mất căn lành cuối cùng rồi cũng sẽ đạt được, vì vậy nên có thể nói rằng họ có tánh Phật. Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Như có người nói rằng: ‘Kẻ dứt mất căn lành nhất định là có tánh Phật’, hoặc nói rằng: ‘Nhất định là không có tánh Phật.’ Đó là [trường hợp cần phải] trả lời bằng cách phớt lờ, xem như không nghe.”

Bồ Tát Ca-diếp thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Con nghe nói rằng: Không đưa ra câu trả lời mới gọi là trả lời bằng cách phớt lờ. Nay vì nhân duyên gì Như Lai thật có trả lời mà gọi là phớt lờ?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta cũng không nói rằng gạt sang một bên không trả lời mới gọi là trả lời bằng cách phớt lờ. Thiện nam tử! Trả lời bằng cách phớt lờ có hai ý nghĩa: Một là ngăn chặn [vấn đề, không cho phát triển thêm]; hai là không vướng mắc [vào vấn đề ấy]. Do những nghĩa đó nên mới gọi là trả lời bằng cách phớt lờ.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Theo lời Phật dạy thì thế nào là nhân cũng thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai; quả cũng thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai; lại cũng không thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Năm ấm có hai loại, một là nhân, hai là quả. Nhân của năm ấm này là thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai; quả của năm ấm này cũng thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai; mà cũng không thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai.

“Thiện nam tử! Hết thảy vô minh, phiền não trói buộc... đều là tánh Phật. Vì sao vậy? Vì là nhân của tánh Phật. Do nơi vô minh, hành... và các phiền não mà được năm ấm hiền thiện, gọi là tánh Phật. Do nơi năm ấm hiền thiện [mà tu tiến] cho đến đạt được quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Cho nên trước đây, trong kinh ta có dạy rằng: ‘Tánh Phật của chúng sanh như máu lẫn với sữa.’ Máu, đó là vô minh, hành... tất cả phiền não. Sữa, đó là năm ấm hiền thiện. Cho nên ta dạy rằng: ‘Do nơi phiền não và năm ấm hiền thiện mà đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Như thân của chúng sanh đều do nơi tinh huyết mà thành. Tánh Phật cũng vậy. Hàng Tu-đà-hoàn và Tư-đà-hàm dứt trừ được một ít phiền não, tánh Phật [nơi họ] ví như sữa tươi. Tánh Phật ở hàng A-na-hàm ví như kem sữa. Tánh Phật ở các vị A-la-hán ví như bơ sống. Từ các vị Phật Bích-chi lên đến Bồ Tát trụ ở địa vị thứ mười, tánh Phật ví như bơ chín. Tánh Phật ở Như Lai ví như đề-hồ.

“Thiện nam tử! Vì phiền não hiện tại làm chướng ngại nên chúng sanh không thấy được tánh Phật. Ví như ở Hương sơn có loài cỏ nhẫn nhục nhưng không phải tất cả bò đều được ăn cỏ ấy. Tánh Phật cũng vậy.

“Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Tánh Phật có năm đức, sáu đức, bảy đức, nếu đến đời vị lai mới có, vì sao nói rằng những kẻ dứt mất căn lành có tánh Phật?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như các chúng sanh đều có nghiệp quá khứ. Do nghiệp ấy làm nhân nên trong hiện tại phải chịu quả báo; lại có nghiệp vị lai, nhưng vì nghiệp ấy chưa sanh nên chưa có quả báo; lại có phiền não trong hiện tại, nếu không có phiền não ấy thì lẽ ra tất cả chúng sanh đều thấy rõ được tánh Phật ngay trước mắt. Vì thế, những kẻ dứt mất căn lành là do nhân duyên phiền não trong đời hiện tại khiến cho dứt mất căn lành. Nhờ sức của tánh Phật trong đời vị lai làm nhân duyên nên căn lành [có thể] được sanh trở lại.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Làm thế nào mà [những kẻ đã dứt mất căn lành] trong đời vị lai có thể sanh lại căn lành?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ví như ngọn đèn và mặt trời tuy chưa xuất hiện nhưng tính chất của chúng vẫn là có thể phá trừ sự tối tăm. Tự tánh trong tương lai có thể sanh ra tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy.

“Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu nói rằng năm ấm là tánh Phật, vì sao lại dạy rằng tánh Phật của chúng sanh chẳng phải trong, chẳng phải ngoài?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Do nhân duyên gì mà ông lại có sự sơ ý đến thế? Trước đây ta chẳng đã nói rằng tánh Phật của chúng sanh là trung đạo đó sao?”

Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Bạch Thế Tôn! Con thật không phải sơ ý, chỉ vì những chúng sanh đối với nghĩa trung đạo không hiểu nổi nên con mới phải thưa hỏi lại.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Chỗ mà chúng sanh không hiểu đó tức là trung đạo. Hoặc có lúc có người hiểu được, có người không hiểu được.

“Thiện nam tử! Ta vì những chúng sanh có thể hiểu được nên nói rằng tánh Phật chẳng phải trong, chẳng phải ngoài. Vì sao vậy? Những chúng sanh phàm phu, hoặc nói rằng tánh Phật ở trong năm ấm, như trong cái bát có đựng trái cây; hoặc nói rằng [tánh Phật] lìa khỏi năm ấm, như hư không. Do đó Như Lai thuyết dạy lý trung đạo: Tánh Phật của chúng sanh không ở trong sáu nhập, không ở ngoài sáu nhập; trong ngoài hợp nhau nên gọi là trung đạo. Vì thế Như Lai dạy rằng: ‘Tánh Phật tức là trung đạo.’ Chẳng phải trong, chẳng phải ngoài nên gọi là trung đạo.

“Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào gọi là chẳng phải trong, chẳng phải ngoài?

“Thiện nam tử! Có người nói: ‘Tánh Phật tức là ngoại đạo. Vì sao vậy? Vì Bồ Tát ma-ha-tát trải qua vô lượng kiếp ở trong ngoại đạo, dứt trừ các phiền não, điều phục tự tâm, giáo hóa chúng sanh, sau đó mới đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì vậy, tánh Phật tức là ngoại đạo.’

“Hoặc có người nói: ‘Tánh Phật tức là ở trong Chánh đạo. Vì sao vậy? Vì Bồ Tát tuy trải qua vô lượng kiếp tu tập ngoại đạo, nhưng nếu lìa ngoài Chánh đạo ắt không thể đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì vậy, tánh Phật tức là ở trong Chánh đạo.’

“Do đó, Như Lai vì ngăn chặn cả hai ý kiến sai lệch như thế mà nói rằng: ‘Tánh Phật chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, cũng là trong, ngoài; đó gọi là trung đạo.’

“Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Lại nữa, thiện nam tử! Có người nói: ‘Tánh Phật tức là thân kim cang của Như Lai, có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Vì sao vậy? Vì [thân Phật] không hư dối.’

“Hoặc có người nói: ‘Tánh Phật tức là Mười sức, Bốn vô sở úy, Đại từ, Đại bi, Ba niệm xứ, Thủ-lăng-nghiêm và tất cả tam-muội... Vì sao vậy? Vì nhân nơi các tam-muội ấy sanh ra thân [Phật] kim cang, có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.’

“Do đó, Như Lai vì ngăn chặn cả hai ý kiến sai lệch như thế mà nói rằng: ‘Tánh Phật chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, cũng là trong, ngoài; đó gọi là trung đạo.’

“Như thế gọi là trả lời bằng cách phân biệt giải thích.

“Lại nữa, thiện nam tử! Có người nói: ‘Tánh Phật là sự suy xét khéo léo trong lòng. Vì sao vậy? Vì nếu lìa khỏi sự suy xét khéo léo thì Bồ Tát không thể đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì thế, tánh Phật là sự suy xét khéo léo trong lòng.’

“Hoặc có người nói: ‘Tánh Phật là được nghe pháp từ người khác. Vì sao vậy? Vì được nghe pháp từ người khác ắt có thể suy xét khéo léo trong lòng. Nếu không được nghe pháp ắt không thể suy xét. Vì thế, tánh Phật là được nghe pháp từ người khác.’

“Do đó, Như Lai vì ngăn chặn cả hai ý kiến sai lệch như thế mà nói rằng: ‘Tánh Phật chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, cũng là trong, ngoài; đó gọi là trung đạo.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Có người nói: ‘Tánh Phật là bên ngoài, ấy là Bố thí Ba-la-mật. Nhờ pháp Bố thí Ba-la-mật mà đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Cho nên nói rằng: Bố thí Ba-la-mật tức là tánh Phật.’

“Hoặc có người nói: ‘Tánh Phật là bên trong, ấy là năm pháp Ba-la-mật còn lại. Vì sao vậy? Vì lìa khỏi năm pháp này không có nhân và quả của tánh Phật. Vì thế nên nói rằng: Năm pháp Ba-la-mật này tức là tánh Phật.’

“Do đó, Như Lai vì ngăn chặn cả hai ý kiến sai lệch như thế mà nói rằng: ‘Tánh Phật chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, cũng là trong, ngoài; đó gọi là trung đạo.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Có người nói: ‘Tánh Phật ở bên trong, như hạt bảo châu ẩn nơi trán của người lực sĩ. Vì sao vậy? Vì thường, lạc, ngã, tịnh [của tánh Phật] giống như bảo châu. Vì thế nên nói rằng: Tánh Phật ở bên trong.’

“Hoặc có người nói: ‘Tánh Phật ở bên ngoài, như kho báu của người đàn bà nghèo. Vì sao vậy? Vì nhờ có phương tiện mới thấy được [kho báu ấy]. Tánh Phật cũng như thế, ở bên ngoài chúng sanh, nhờ dùng phương tiện mới có thể thấy được.’

“Do đó, Như Lai vì ngăn chặn cả hai ý kiến sai lệch như thế mà nói rằng: ‘Tánh Phật chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, cũng là trong, ngoài; đó gọi là trung đạo.’

“Thiện nam tử! Tánh Phật của chúng sanh chẳng phải có, chẳng phải không. Vì sao vậy? Tánh Phật tuy là có, nhưng chẳng phải như hư không. Vì sao vậy? Vì hư không ở thế gian, dù có dùng đến vô lượng phương tiện khéo léo cũng không nhìn thấy được; còn tánh Phật là có thể thấy.

“Vì thế, tuy tánh Phật là có nhưng chẳng phải như hư không. Tánh Phật tuy là không, nhưng chẳng giống như sừng thỏ. Vì những thứ như lông rùa, sừng thỏ, dù có vô lượng phương tiện khéo léo cũng chẳng sanh ra được. Tánh Phật thì có thể sanh ra, nên tuy là không nhưng chẳng giống với [lông rùa,] sừng thỏ.

“Cho nên, tánh Phật là chẳng phải có, chẳng phải không, lại cũng có, cũng không.

“Sao gọi là có? Vì tất cả chúng sanh đều có. [Tánh Phật nơi] các chúng sanh đều không dứt đoạn, không diệt mất; như ngọn đèn cháy mãi cho tới khi đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì thế nên gọi là có.

“Sao gọi là không? Vì tất cả chúng sanh hiện tại chưa có tất cả những đức thường, lạc, ngã, tịnh của pháp Phật. Vì thế nên gọi là không.

“Có và không hợp với nhau tức là trung đạo. Cho nên Phật dạy rằng: ‘Tánh Phật của chúng sanh chẳng phải có, chẳng phải không.’

“Thiện nam tử! Như có người hỏi: ‘Trong hạt giống có quả hay không có quả?’ Nên đáp một cách chắc chắn rằng: Cũng có, cũng không. Vì sao vậy? Vì nếu lìa ngoài hạt giống thì không thể có quả nên gọi là có; vì hạt giống thật chưa nảy mầm nên gọi là không. Vì nghĩa ấy nên nói rằng: Cũng có, cũng không.’

“Vì sao nói như vậy? Vì cho dù hoàn cảnh có khác nhưng thể chất của hạt giống vẫn là một. Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy. Nếu nói: ‘Trong chúng sanh riêng có những người có tánh Phật.’ Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Vì chúng sanh tức là tánh Phật; tánh Phật tức là chúng sanh. Chỉ là hoàn cảnh, thời điểm khác nhau nên có tịnh và bất tịnh.

“Thiện nam tử! Như có người hỏi: ‘Hạt giống có thể sanh quả chăng? Quả có thể sanh hạt giống chăng?’ Nên đáp một cách chắc chắn rằng: ‘Cũng sanh, cũng không sanh.’”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Như người đời nói rằng: ‘Trong sữa có kem sữa.’ Nghĩa ấy là thế nào?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu nói rằng trong sữa có kem sữa, đó gọi là vướng chấp; nếu nói rằng không có kem sữa thì đó là hư dối. Lìa khỏi hai việc ấy, nên nói chắc chắn rằng: ‘Cũng có, cũng không.’

“Vì sao gọi là có? Vì từ nơi sữa sanh ra kem sữa; sữa là nhân, kem sữa là quả, cho nên gọi là có.

“Vì sao gọi là không? Vì hình sắc và mùi vị của hai thứ khác nhau, công dụng cũng không giống nhau. Bệnh nhiệt dùng sữa, bệnh hàn dùng kem sữa; sữa gây bệnh hàn, kem sữa gây bệnh nhiệt.

“Thiện nam tử! Nếu nói rằng: ‘Trong sữa sẵn có tánh kem sữa. Sữa tức là kem, kem tức là sữa.’ Vậy tánh ấy vẫn là một, do nhân duyên gì mà sữa xuất hiện trước, còn kem chẳng sanh ra trước? Nếu có nhân duyên, vì sao tất cả người đời lại không nói được? Nếu không có nhân duyên, vì sao kem sữa không xuất hiện trước? Nếu kem sữa không xuất hiện trước, vậy ai đã tạo ra thứ tự [xuất hiện]: sữa, kem sữa, bơ sống, bơ chín, đề-hồ? Vậy nên biết rằng kem sữa vốn trước là không, sau mới có. Nếu là trước không sau có thì là pháp vô thường.

“Thiện nam tử! Nếu có kẻ nói: ‘Sữa có tánh kem sữa nên có thể sanh ra kem sữa; như nước không có tánh kem sữa nên không thể sanh ra kem sữa.’ Nghĩa ấy cũng chẳng đúng. Vì sao vậy? Vì nước và cỏ đều có tánh của sữa, kem sữa. Vì sao? Vì nước và cỏ là nhân sanh ra sữa và kem sữa. Nếu nói rằng: ‘Trong sữa nhất định có tánh của kem sữa; trong nước và cỏ không có tánh của kem sữa.’ Đó là lời nói hư dối. Vì sao vậy? Vì tâm [phán xét] không bình đẳng nên gọi là hư dối.

“Thiện nam tử! Nếu nói rằng: ‘Trong sữa nhất định có tánh của kem, trong kem nhất định có tánh của sữa.’ Vậy do nhân duyên gì mà sữa tạo thành kem nhưng kem không tạo thành sữa? Nếu không có nhân duyên thì nên biết rằng kem sữa ấy vốn trước là không mà sau mới có. Vì thế, người có trí nên nói rằng: ‘Trong sữa chẳng phải có tánh kem, cũng chẳng phải không có tánh kem.

“Thiện nam tử! Cho nên trong kinh này Như Lai có dạy rằng: ‘Nếu nói tất cả chúng sanh nhất định đều có tánh Phật, đó là vướng chấp; nếu nói rằng không có tánh Phật, đó là hư dối.’ Người có trí nên nói rằng: ‘Tánh Phật của chúng sanh cũng là có, cũng là không.’

“Thiện nam tử! Có bốn điều hợp lại sanh ra nhãn thức. Những gì là bốn? Một là con mắt, hai hình sắc, ba là ánh sáng, bốn là ý muốn [thấy]. Nhưng tánh của nhãn thức ấy không phải mắt, không phải hình sắc, không phải ánh sáng, cũng không phải ý muốn [thấy]. Do có sự hợp lại nên mới có nhãn thức. Nhãn thức ấy vốn trước là không, sau mới có; có rồi lại trở thành không. Vậy nên biết rằng không sẵn có tánh. Tánh kem trong sữa cũng là giống như vậy.

“Nếu nói rằng: ‘Vì trong nước không có tánh kem nên không sanh ra kem; vì thế nên trong sữa nhất định là có tánh kem.’ Nghĩa ấy cũng không đúng. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Tất cả các pháp, nhân khác thì quả khác; cũng không phải một nhân sanh tất cả quả, không phải tất cả quả đều do một nhân sanh ra.

“Thiện nam tử! Cũng như do nơi bốn điều kiện [hợp lại] sanh ra nhãn thức, nhưng lại không thể nói rằng do nơi bốn điều kiện ấy sanh ra nhĩ thức.

“Thiện nam tử! Nếu không có các phương tiện [thích hợp] thì sữa không thể thành kem sữa, kem sữa không thể thành bơ... Cần phải có các phương tiện. Thiện nam tử! Người có trí không thể nhận thức rằng không có các phương tiện mà sữa có thể thành kem sữa. Về việc sanh ra bơ sống cũng vậy, không thể lìa bỏ phương tiện mà có.

“Thiện nam tử! Cho nên trong kinh này ta nói rằng: ‘Do nhân sanh nên pháp có; do nhân diệt nên pháp không.’

“Thiện nam tử! Như muối có tánh mặn, có thể làm cho những vật không mặn trở nên mặn. Nếu những vật không mặn trước đã sẵn có tánh mặn, sao người đời chẳng gọi những vật ấy là muối? Nếu không có tánh mặn, thì nên biết rằng trước vốn không, sau mới có; vì có duyên bên ngoài nên mới thành mặn.

“Nếu nói rằng: ‘Tất cả những vật không mặn đều có tánh mặn, nhưng vì quá vi tế nên không biết được. Do tánh [mặn] vi tế ấy nên muối mới có thể làm cho vật trở nên mặn. Nếu vật không có tánh mặn, dù cho có muối cũng không thể làm cho thành mặn. Ví như hạt giống tự có bốn đại, lại nhờ bốn đại là duyên bên ngoài nên có thể tăng trưởng từ mầm mộng thành thân, cành, lá cây... Tánh của muối cũng như thế.’ Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Nếu vật không mặn vốn sẵn có tánh mặn, thì muối lẽ ra cũng sẵn có tánh vi tế không mặn. Nếu muối có hai tánh như vậy, vì nhân duyên gì mà ngoài những vật không mặn ra, không dùng riêng [chất muối]? Vì thế nên biết rằng muối vốn không có hai tánh. Cũng giống như muối, tất cả những vật không mặn đều không có hai tánh [mặn và không mặn].

“Nếu nói rằng: ‘Sức của bốn đại bên ngoài có thể làm tăng trưởng bốn đại bên trong.’ Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Vì [nói như vậy chỉ] là theo thứ tự, không do nơi phương tiện. Do nơi sữa mà được kem sữa, bơ sống... cho đến tất cả các pháp cũng đều như vậy, không phải do nơi phương tiện mà được, [nghĩa ấy thật không đúng]. Bốn đại cũng giống như vậy.

“Nếu nói: ‘Do nơi bốn đại bên ngoài làm tăng trưởng bốn đại bên trong, không thấy việc do nơi bốn đại bên trong làm tăng trưởng bốn đại bên ngoài.’ Vậy [vì sao] trái thi-lỵ-sa trước không có hình thể tính chất gì, nhưng khi sao Mão hiện thì trái ấy sanh ra, dài đến năm tấc. Như loại trái này thật không nhân nơi bốn đại bên ngoài mà tăng trưởng.

“Thiện nam tử! Như ta có nói: ‘Mười hai bộ kinh, [có khi] ta tự ý thuyết giảng, hoặc [có khi] tùy theo ý chúng sanh mà thuyết giảng, hoặc [cũng có khi] vừa là tự ý ta và cũng tùy theo ý chúng sanh mà thuyết giảng.’

“Sao gọi là ta tự ý thuyết? Như có năm trăm vị tỳ-kheo hỏi Xá-lợi-phất rằng: ‘Đại đức! Phật nói nhân sanh ra thân này là gì?’ Xá-lợi-phất đáp: ‘Các vị đại đức! Các vị mỗi người đều đạt được sự giải thoát chân chánh, lẽ ra phải tự biết việc ấy. Vì duyên cớ gì mà hỏi như vậy?’ Có một tỳ-kheo nói: ‘Đại đức! Khi tôi chưa đạt được giải thoát chân chánh, ý tôi cho rằng vô minh là nhân sanh ra thân này. Trong khi quán xét như vậy thì tôi chứng đắc quả A-la-hán.’ Lại có người nói: ‘Đại đức! Khi tôi chưa đạt được giải thoát chân chánh, ý tôi cho rằng thọ và vô minh là nhân sanh ra thân này. Trong khi quán xét như vậy thì tôi chứng đắc quả A-la-hán.’ Cũng có người nói rằng: ‘Hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, ẩm thực, ngọa cụ... là nhân sanh ra thân này.’

“Bấy giờ, trong năm trăm tỳ-kheo, mỗi người tự nói chỗ hiểu của mình rồi, cùng nhau đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ dưới chân Phật, rồi đi quanh ba vòng về bên phải. Lễ bái xong liền ngồi xuống một bên theo thứ tự. Ai nấy đều đem chỗ hiểu của mình như trên mà trình lên Phật.

“Xá-lợi-phất bạch Phật: ‘Thế Tôn! Trong những vị này, ai nói đúng, ai nói không đúng?’

“Phật bảo Xá-lợi-phất: ‘Lành thay, lành thay! Trong các tỳ-kheo này, không ai nói sai cả.’

“Xá-lợi-phất thưa hỏi: ‘Thế Tôn! Ý Phật là thế nào?’

“Phật dạy: ‘Xá-lợi-phất! Ta vì chúng sanh Dục giới nên mới nói rằng: Cha mẹ là nhân sanh ra thân này.’

“Những [trường hợp nói] kinh như vậy gọi là do ta tự ý thuyết giảng.

“Sao gọi là tùy theo ý chúng sanh mà thuyết giảng? Như có lần trưởng giả Bả-trá-la đến chỗ ta nói rằng: ‘Cồ-đàm! Ông có biết sự huyễn hóa chăng? Nếu ông biết huyễn thì ông là kẻ đại huyễn; nếu ông không biết huyễn thì không phải bậc Nhất thiết trí.’

“Ta liền hỏi: ‘Trưởng giả! Người biết được sự huyễn hóa có phải là kẻ huyễn hóa chăng?

“Trưởng giả nói: ‘Đúng vậy, đúng vậy! Người biết sự huyễn hóa tức là kẻ huyễn hóa.’

“Ta liền hỏi: ‘Trưởng giả! Trong thành Xá-vệ của vua Ba-tư-nặc có một người chiên-đà-la tên là Khí Hư, ông có biết [người ấy] chăng?’

“Trưởng giả đáp: ‘Cồ-đàm! Tôi đã biết người ấy từ lâu.’

“Ta liền nói: ‘Ông biết [người chiên-đà-la ấy] đã lâu, vậy ông có phải là chiên-đà-la chăng?’

“Trưởng giả đáp: ‘Cồ-đàm! Tuy tôi có biết người chiên-đà-la, nhưng chính thân tôi đây không phải chiên-đà-la.’

“Phật dạy: ‘Vậy ông đã hiểu được rằng: [Người] biết chiên-đà-la không phải là chiên-đà-la. Nay vì sao ta lại không thể biết được sự huyễn hóa nhưng không phải kẻ huyễn hóa?

“Trưởng giả! Ta quả thật rõ biết sự huyễn hóa, rõ biết kẻ huyễn hóa, biết quả báo của huyễn hóa, biết phương thức kỹ xảo của huyễn thuật. Ta biết sự giết hại, biết kẻ giết hại, biết quả báo của việc giết hại, biết [cách] giải thoát khỏi sự giết hại; cho đến biết cả những quan điểm sai lầm tà vạy, biết những người có quan điểm sai lầm tà vạy, biết quả báo của những quan điểm sai lầm tà vạy, biết [cách] giải thoát khỏi những quan điểm sai lầm tà vạy. Trưởng giả! Nếu người không phải huyễn mà gọi là huyễn, người không có tà kiến mà gọi là tà kiến, ắt phải mang tội rất lớn.’

“Trưởng giả bạch rằng: ‘Cồ-đàm! Theo như ngài nói thì tôi đã mắc tội rất lớn, tài sản sở hữu của tôi ắt phải nộp cả lên quan trên. Mong sao ngài [giấu đi] đừng cho vua Ba-tư-nặc biết việc [thưa hỏi] này.’

“Phật dạy: ‘Trưởng giả! Nhân duyên tội này không phải mất hết tài sản, nhưng do tội này sẽ phải đọa vào ba đường ác.’

“Bấy giờ, trưởng giả vừa nghe nói đến ba đường ác thì kinh khiếp hoảng sợ, liền bạch Phật rằng: ‘Thánh nhân! Nay con vô ý mắc vào tội lớn, ngài là bậc Nhất thiết trí, ắt phải biết rõ cách để giải thoát. [Xin dạy cho biết] con phải làm sao mới thoát khỏi được những cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh?’

“Lúc đó, ta vì trưởng giả ấy mà thuyết dạy Bốn chân đế. Nghe rồi, trưởng giả chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, sanh lòng hổ thẹn, hướng Phật sám hối: ‘Con vốn thật ngu si, Phật chẳng phải kẻ huyễn hóa mà con gọi là huyễn. Từ nay con xin quy y Tam bảo.’ Phật dạy: ‘Lành thay! Lành thay đó, trưởng giả!’

“Như thế gọi là tùy theo ý chúng sanh mà thuyết.

“Sao gọi là vừa tự ý ta và cũng tùy theo ý chúng sanh mà thuyết?

“Như Phật có dạy: ‘Tất cả những người có trí ở thế gian nói có, ta cũng nói có; người trí nói không, ta cũng nói không. Người trí ở thế gian nói: Trong năm món dục lạc có vô thường, khổ, vô ngã, nên dứt trừ đi; ta cũng nói là có, giống như họ. Người trí ở thế gian nói: Trong năm món dục lạc không thể có thường, lạc, ngã, tịnh; ta cũng nói là không, giống như họ.’

“Đó gọi là vừa tự ý ta và cũng tùy theo ý chúng sanh mà thuyết.

“Thiện nam tử! Như Phật có dạy: ‘Hàng Bồ Tát trụ ở địa vị thứ mười thấy được đôi chút tánh Phật.’ Đó gọi là tùy theo ý chúng sanh mà thuyết. Thế nào gọi là thấy được đôi chút? Bồ Tát trụ ở địa vị thứ mười đạt được các pháp tam-muội như Thủ-lăng-nghiêm..., ba ngàn pháp môn, cho nên tự mình rõ biết chắc chắn sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nhưng lại không thấy được rằng tất cả chúng sanh chắc chắn sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì thế nên ta nói rằng: ‘Bồ Tát trụ ở địa vị thứ mười thấy được đôi chút tánh Phật.’

“Thiện nam tử! Ta thường giảng nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’ Đó gọi là do ta tự ý thuyết.

“[Hoặc ta có nói: ‘Phật tánh của] tất cả chúng sanh không dứt đoạn, không diệt mất, cho đến khi đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Đó gọi là do ta tự ý thuyết.

“[Hoặc ta có nói:] ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, vì phiền não che lấp nên không thể thấy.’ Ta nói như vậy, ông cũng nói như vậy. Đó gọi là vừa tự ý ta và cũng tùy theo ý chúng sanh mà thuyết.

“Thiện nam tử! Có khi vì một pháp, Như Lai thuyết vô lượng pháp. Như trong kinh có nói: ‘[Sự gần gũi] bậc thiện tri thức là nhân của tất cả Phạm hạnh.’ Tất cả Phạm hạnh tuy có vô số nhân, nhưng [chỉ] nói đến [sự gần gũi] bậc thiện tri thức là bao gồm tất cả.

“Hoặc như ta có dạy: ‘Tà kiến là nhân của tất cả các hạnh xấu ác.’ Tuy tất cả các hạnh xấu ác có vô số nguyên nhân, nhưng [chỉ] nói đến tà kiến là bao gồm được tất cả.

“Hoặc ta có dạy: ‘Lòng tin là nhân của A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Nhân của Bồ-đề tuy là vô số, nhưng [chỉ] nói đến lòng tin là bao gồm được tất cả.

“Thiện nam tử! Tuy Như Lai giảng nói vô lượng các pháp, gọi đó là tánh Phật, nhưng không hề lìa khỏi ấm, nhập, giới.

“Thiện nam tử! Đức Như Lai thuyết pháp, vì chúng sanh nên dùng đến bảy cách nói: một là nói dựa vào nguyên nhân, hai là nói dựa vào kết quả, ba là nói dựa vào cả nguyên nhân và kết quả, bốn là nói dẫn dụ, năm là nói những điều không thật có [nhưng] ứng hợp, sáu là nói những điều dùng rộng rãi trong thế tục, bảy là theo đúng ý mà nói.

“Thế nào gọi là nói dựa vào nguyên nhân? Đối với nhân hiện tại, nói quả trong tương lai. Như ta có dạy: ‘Thiện nam tử! Khi thấy chúng sanh ưa giết hại... cho tới ưa làm việc tà kiến, nên thấy rằng đó là những chúng sanh địa ngục. Thiện nam tử! Nếu có chúng sanh không ưa giết hại... cho tới không ưa tà kiến, nên thấy rằng đó là chư thiên cõi trời.’ Đó gọi là nói dựa vào nguyên nhân.

“Thế nào gọi là nói dựa vào kết quả? Đối với quả hiện tại, nói nhân trong quá khứ. Như trong kinh có nói: ‘Thiện nam tử! Nếu thấy những chúng sanh nghèo khốn, dung mạo thô xấu, không được tự do thanh thản, nên biết rằng những người ấy nhất định [đời trước đã từng] phá giới, có lòng ganh ghét đố kỵ, sân hận, không biết hổ thẹn [đối với việc xấu]. Nếu thấy những chúng sanh giàu có, nhiều tài sản, các căn đầy đủ, oai đức tự tại, nên biết rằng những người ấy nhất định [đời trước đã từng] trì giới, bố thí, tinh cần, có lòng hổ thẹn [đối với việc xấu], không ganh ghét đố kỵ, sân hận.’

“Đó gọi là nói dựa vào kết quả.

“Thế nào gọi là nói dựa vào cả nguyên nhân và kết quả? Như trong kinh có nói: ‘Thiện nam tử! Sáu nhập, xúc là nhân của chúng sanh trong hiện tại, đó là nghiệp quả của quá khứ. Như Lai cũng nói đó là nghiệp. Do nhân duyên là nghiệp đó mà có quả trong đời vị lai. Đó gọi là nói dựa vào cả nguyên nhân và kết quả.

“Thế nào gọi là nói dẫn dụ? Như nói sư tử chúa là ví dụ để chỉ thân Phật. Trong kinh lại có các ví dụ như Đại tượng vương, Đại long vương, cây ba-lỵ-chất-đa-la, núi bảy báu, biển cả, núi Tu-di, cõi đất, cơn mưa lớn, Thuyền sư, Đạo sư, Điều ngự trượng phu, lực sĩ, ngưu vương, bà-la-môn, sa-môn, thành lớn, cây đa-la... Những ví dụ như vậy gọi là nói dẫn dụ.

“Thế nào gọi là nói những điều không thật có [nhưng] ứng hợp? Như ta có nói trong kinh rằng trời và đất có thể hợp lại; sông không chảy vào biển... Hoặc như ta có vì vua Ba-tư-nặc mà nói việc núi lớn từ bốn phương đi đến. Hoặc như ta vì bà ưu-bà-di Lộc mẫu mà nói rằng: ‘Nếu cây sa-la có thể thọ Tám giới ắt cũng sẽ được hưởng khoái lạc ở hai cõi trời, người.’ Hoặc nói: ‘Thà cho rằng hàng Bồ Tát trụ ở địa vị thứ mười có tâm thối chuyển, không nên bảo rằng Như Lai có nói hai lời.’ Hoặc nói: ‘Thà cho rằng hàng Tu-đà-hoàn đọa vào ba nẻo ác, không nên bảo rằng Bồ Tát trụ ở địa vị thứ mười có tâm thối chuyển.’ Đó gọi là nói những điều không thật có [nhưng] ứng hợp.

“Thế nào gọi là nói những điều được dùng rộng rãi trong thế tục? Như Phật có nói đến những điều như nam nữ, lớn nhỏ, đi đứng nằm ngồi, xe cộ, phòng xá, bình bát, y phục, chúng sanh, thường, lạc, ngã, tịnh, quân binh, rừng rú, thành ấp, tăng phường, tan hợp... Đó gọi là nói những điều được dùng rộng rãi trong thế tục.

“Thế nào gọi là theo đúng ý mà nói? Như Phật có quở trách người hủy phạm cấm giới, khiến người ấy tự trách mà [trở lại] hộ trì cấm giới. Như ta khen ngợi hàng Tu-đà-hoàn, khiến các phàm phu sanh khởi lòng lành; ta khen ngợi Bồ Tát vì những chúng sanh phát tâm Bồ-đề; ta nói các khổ não trong ba đường ác, vì khiến [chúng sanh] tu tập các pháp lành. Ta nói tất cả [pháp thế gian đều] như lửa dữ thiêu đốt, đó chỉ là nói tất cả các pháp hữu vi. [Ta nói lý] vô ngã cũng vậy, [đều là nói các pháp hữu vi]. Ta nói chúng sanh đều có tánh Phật, là vì khiến cho tất cả đều không buông thả, biếng nhác. Đó gọi là theo đúng ý mà nói.

Chapter Forty-One: On Bodhisattva Kasyapa

"O good man! Such matters of dispute are the things that belong to the world of the Buddha. They are not what sravakas and pratyekabuddhas can fathom. If a person can indeed gain a doubting mind, such a person can crush out innumerable defilements, as great in size as Mount Sumeru. When a man gains an immovable mind, this is what we call clinging."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-honoured One! How do we cling?"

The Buddha said: "O good man! Such a person may well follow what others say or look into the sutras by himself. Or he may particularly teach others, but such a person is unable to abandon what the mind sticks to. This is clinging."

Kasyapa said: "O World-Honoured One! Is such clinging an act of good or one that is not good?"

"O good man! Such clinging is not an action that can be called good. Why not? Because such cannot break all the webs of doubt."

Kasyapa said: "O World-Honoured One! Such a person had no doubt from the very start. How can we say that he cannot break the webs of doubt?"

"O good man! One who has no doubt is one who has doubt."

"O World-Honoured One! There is a person who says that one at the stage of srotapanna does not fall into the three unfortunate realms. The situation of this person may well be called one of clinging and doubt."

"O good man! This may well be called what is fixed; we cannot call it doubt. Why not? O good man! For example, there is a man who first sees a man and a tree and, later, while out walking at night, may see a stub [tree-trunk] and gain doubt and wonder if this is a man or a tree. O good man! A person first sees a bhiksu and a Brahmacarin, and then might later see, far off, a bhiksu and gain doubt and wonder if this is a sramana or a Brahmacarin. O good man! A person may first see a cow and a buffalo and later may see, in the distance, a cow and gain a doubting mind and wonder whether this is a cow or a buffalo.

"O good man! All beings first see two things and then gain doubt. Why? Because the mind is not clear. I never say that a person of the srotapanna stage falls into the three unfortunate realms or that he does not fall into the three unfortunate realms. How can a person gain a doubting mind?"

Kasyapa said: "O World-Honoured One! You the Buddha say that one necessarily sees a thing before and that then a doubt arises. There is one who, not seeing two things, gains doubt. What is this? It is Nirvana. O World-Honoured One! For example, a person runs into muddy water along the way. Not having seen anything of this kind before, a doubt arises. The case is thus. Is such water deep or shallow? Why is it that this person, not having seen [such] before, gains such doubt?"

"O good man! Nirvana is nothing other than the segregation of suffering; non-Nirvana is suffering. All beings see two things, which are: suffering and non-suffering. The suffering and non-suffering are: hunger and thirst, cold and heat, anger and joy, illness and peace, old age and the prime of life, birth and death, bondage and emancipation, love and parting, and encountering hateful people. Beings, having met [with these things], gain doubt: "Could there be any way to do away with all such things or not?" Because of this, beings entertain doubt as to Nirvana. You say that this person has not seen any water before, and how, you ask, is it possible for him to gain doubt? Things are not thus. Why not? This person has seen water before in other places. That is why he gains doubt where he has not seen it before."

"O World-Honoured One! This person has seen deep and shallow places before and then he had no doubt. Why does he now gain doubt?"

The Buddha said: "As he did not do before, he gains a doubt. That is why I say: "A person doubts when there is what is not clear."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! The Buddha says that a doubt is clinging and clinging a doubt. Who does such?"

"O good man! It is the icchantika, who has severed the root of good."

Kasyapa said: "O World-Honoured One! Who is the person who has severed the root of good?"

"O good man! Any person who is clever, cunning, sharp-witted, and who understands well but leaves a good friend. All people such as those who do not give ear to Wonderful Dharma, who do not think well, who do not live following Dharma are those who have severed the root of good. The mind parts from four things and the person thinks to himself: "There cannot be dana. Why not? Dana is parting with wealth. If there is any return to dana, the danapati [giver] will always be poor. Why? The seed and the fruit are alike. That is why we say that there is no cause and no result." If a person speaks thus and says that there are no cause and result, this is severing the root of good. Also, a person thinks: "The three elements of giver, recipient, and thing given do not abide eternally. If there is no abiding, how can one say that this is the giver, this the recipient, and this the thing given? If there is none who receives, how can there be any fruition [result]? For this reason, we say that there is no cause, and no result." Should a person say that there are no cause and no result, we can know that such a person has severed the root of good.

"Also, a person thinks: "When a person gives, there are five things in this giving. When he has received, the recipient may at times do good or non-good. And the giver of this giving also does not gain any result of good or non-good. This is as things go in the world, where the seed calls forth fruit and the fruit the seed. The cause is the giver and the result the recipient. And the recipient cannot make the good and non-good come into the hands of the giver. Because of this, there is no cause and no result." If a person should say that there is no cause and there is no result, know that this person truly severs the root of good.

"Also, a person thinks: " There is nothing that can truly be called dana. Why not? Dana is a thing which is indefinable. If indefinable, how can it call forth any good result? There is no result that is good or bad. This is what is called indefinable. If a thing is indefinable, know that there cannot be any good or bad result. For this reason, we say that there is no dana, no cause, and no result." Anyone who professes that there is no cause and also no result, such a person severs the root of good.

"Also, a person may think: "Dana is will. If will, there can be no seeing and no object seen. This is no matter [physical form]. If no matter, how can a person give? Because of this, I say that there is no dana, no cause, and no result." If a person speaks like this and says that there is no cause and no result, know that this person truly severs the root of good.

"Also, a person might think: "If the giver gives to an image of the Buddha, that of a deva, or for the good of his parents who have now gone, there cannot be anyone who can be said to receive. If no one receives, there cannot be any result to name. If there is no result to name this means that there is no cause. If there is no cause, this means that there is no result." If a person talks thus and says that there are no cause and result, such a person severs the root of good.

"Also, a person thinks: " There is no father and no mother. Should a person say that parents are the cause of a being, the ones who bring forth a being, logic will lead him to say that birth must be going on continuously and that there is no disruption [interruption]. Why? Because there is always the cause. But birth does not go on all the time. Because of this, know that there are no parents."

"Also, a person thinks: "There is no father and no mother. Why not? If a being comes about through parents, the being must possess the two sexual organs of male and female. But there are not such. Know that a man does not come about from parents."

"Also, a person thinks: "A being does not come from father and mother. Why not? One sees with one's eyes that one is not like one's parents in all such things as body and mind, deportment, one’s goings and comings. Because of this, the parents are not the cause of the being."

"Also, a person thinks: "There are four nothingnesses. These are: 1) what has not appeared is what is not. This is like the horns of a hare or the hair of a tortoise [i.e. non-existent]. It is the same with the parents of a being. These four are what are equal to what is not. One may say that the parents are the cause of the being. But when the parents die, the children do not necessarily die. Because of this, the parents are not the cause of the being."

"Also, a person thinks: "If we say that the parents are the cause of the being, beings must always come about from parents. But there are such births as the transformed birth and birth from moisture. From this we can know that the being does not come about from parents."

"Also, a person thinks: " A person can grow up, not depending upon his parents. For example, the peacock gains its body by hearing the sound of thunder, and the blue sparrow gains its body by swallowing the tears of the male sparrow; the jivamjivaka gains its body by looking at a brave man who dances." When the person thinks thus and does not encounter a teacher of the Way, that person, we may know, truly severs the root of good.

"Also, a person thinks: " In all the world, there is no karmic result from the good or bad actions performed. Why not? There are beings who are perfect in the ten good things and are pleased to give and amass virtues. Even to such persons there also truly come illnesses of the body; they can die in mid-life, lose their wealth, and have many apprehensions and sufferings. There is a person who commits the ten evil deeds, is parsimonious, greedy, jealous, lazy, and indolent. Never amassing good, he is yet at peace, has no illnesses, enjoys a long life, is full of wealth, and suffers no apprehensions or sorrow. From this we may know that there do not exist any karmic consequences from good and evil actions."

"Also, a person thinks: " I also once heard a holy man speak, who said that there are cases where a person who has accumulated good falls into the three unfortunate realms when his life ends, and cases where the evil-doer gains life in heaven when his life comes to an end. From this we can know that there cannot be any talk of results from good or evil actions."

"Also, a person thinks: "All holy persons say two [contradictory] things. One says that harming life gains one a good result, and [another says] that killing earns one an evil result. From this we may know that what a holy person says is not definite. If there is nothing definite in what a holy person says, how can one be definitely fixed? For this reason, know that there is no result from good or evil."

"Also, a person thinks: "There are no holy persons in the world. Why not? Any holy person will have the Right Way. All beings, possessed of defilement, practise the Right Way. Know that this means that they walk the Right Way and that defilement accompanies them. If the two exist at the same time, this means that the Right Way is unable to destroy defilement. If a person practises the Way, possessing no defilement, what is the good of practising the right Way? This indicates that any person who has no defilement cannot make away with the Way. If a person does not possess defilement, there is no need of the Way. From this, know that there cannot be anyone in the world who can be called a holy person."

"Also, a person thinks: "Ignorance is causally related to action, down to birth, old age, and death. Beings are all equally related to the 12 links of interdependence. The nature of the Noble Eightfold Path is equal, which is also so related. If one person practises, all beings will also gain; when one person practises, all the sorrows [of others] will die out. Why? Because defilement is equal in nature. And yet, we do not get this. This shows that there is no Right Way."

"Also, a person thinks: "Holy persons depend on the law [i.e. depend on the same things as] of any common mortal, as in drink and food, walking, standing, sitting, and lying, drowsing, being happy, laughing, feeling hunger and thirst, cold and heat, apprehension and fear. If on the same level, holy persons cannot attain the Holy Way. On attaining the Way, all these things must be done away with. If such things are not yet done away with, we may know that there cannot be any such thing as the Way."

"Also, a person thinks: " A holy person's body is immersed in the pleasures of the five desires. Also, he speaks ill of [people], beats [them], and is jealous and arrogant. He has sorrow and joy, and does good and evil deeds. From this we can know that there is no such thing as a holy person. If there is the Way, there must be the cutting off of the Way. If it is not cut off, we may know that there is no such thing as the Way."

"Also, a person thinks: " A person who has much pity is a holy person. Why do we call him a holy person? Because of the Way. If the Way is pity, he must have pity for all beings. It is not something one gains through having practised. If there is no pity, how can a holy person gain it when he has accomplished the Way? From this we may know that there is no such thing in the world as the Holy Way."

"Also, a person thinks: " All things do not arise having the four great elements as their cause. Beings all equally possess the four great elements. Beings see that this person may gain and the other may not. If there is any Holy Way, things should go thus. But things do not go thus. So one can indeed know that there is no such thing as the Holy Way."

"Also, a person thinks: "If all holy persons have only one Nirvana, we can know that there cannot be any such thing as a holy person. Why not? Because one cannot gain it. The eternal Dharma cannot be gained, or one cannot gain or abandon it. If holy persons have many Nirvanas, this tells us that what there is there is non-eternal. Why? Because these are things that can be counted. If Nirvana is one, it will come to everybody when one person gains it. If Nirvana is many, it must possess boundary lines. How can we call it eternal? If it is said that Nirvana is one in body and that emancipation is many, this may be likened to the case where one has many teeth and a tongue. But this is not so. Why not? Because each gaining is not total gaining. As there is a boundary line, it must be non-eternal. If non-eternal, how can one speak of Nirvana? If there is no Nirvana, how can there be any holy person? Due to this, we can know that there is no one who can be called a holy person."

"Also, a person thinks: "The Way that must be gained by any holy person is not what can be gained through causal relations. If it cannot be gained through causal relations, why do we all become holy persons? If all people are not holy persons, we can know that there cannot be any holy person or Way."

"Also, a person thinks: "The holy person says that there are two causal relations re-garding right view, namely: 1) following others and giving ear to Dharma, and 2) thinking for oneself. If these two come about by causal relations, what comes about must also arise out of causal relations. Thus, there must be going on an unending chain of wrongs. If these two do not come about by causal relations, why is it that all beings do not get it?" So thinking, the person truly severs the root of good.

"O good man! If a person should thus profoundly view all things as causeless and resultless, that person cuts himself off from the root of the five things, which begin with faith. O good man! The person who lacks the root of good is not necessarily one of the mean and dull; nor is he in heaven or in the three unfortunate realms. It is the same with the bhiksu who infringes the law of the Sangha."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! When does such a person come back and gain the root of good?"

The Buddha said: "O good man! Such a person gains the root of good at two times. One is when he first enters hell, and the other is when he gets out of hell. O good man! There are three kinds of good act, which are those of 1) the past, 2) the present, and 3) the future. As regards the past, the nature dies out of itself. The cause may go off, but the result does not yet ripen. For this reason, we do not say that the person cuts off the karmic result of the past. What cuts off the causes of the Three Times is what we say that we cut off."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! If we say that we sever the root of good when we sever the cause of the Three Times, we may infer that the icchantika has the Buddha-Nature. Is such Buddha-Nature that of the past or is it that of the present or of the future? Or is it extended over all the Three Times? If it is of the past, how can we call it eternal? The Buddha-Nature is eternal. From this, we can know that it does not belong to the past. If it is of the future, how can we call it eternal? Why does the Buddha say that all beings will definitely gain it? If a person will unfailingly gain it, how can we say that he severs? If it is of the present, how can it be eternal? Why is it that the person will decidedly see it?

"The Tathagata says that in the Buddha-Nature there are six kinds [aspects], which are: 1) the Eternal, 2) the True, 3) the Real, 4) the Good, 5) the Pure, 6) the Visible. If the Buddha-Nature exists even after the severing of the root of good, we cannot say that we sever the root of good. If there is no Buddha-Nature, how can we say that all beings possess it? If the Buddha-Nature is both "is" and "is-not", why does the Tathagata say that it is eternal?"

The Buddha said: "O good man! The Tathagata-World-Honoured One has four answers to all beings, which are: 1) a definite answer, 2) a discriminative answer, 3) a non-accorded answer, and 4) a left-out answer.

"O good man! What is a definite answer? When asked if an evil action calls forth a good or evil result, we say definitely that what comes about is not good in nature. The same is the situation with what is good. If asked whether the Tathagata is all-knowing or not, we definitely say that he is an all-knowing person. When asked if the Buddhist teaching is pure or not, we definitely say that it is pure. When asked if the disciples of the Buddha live in accordance with the rules, the answer will definitely be that they live in accordance with the rules set for them to live by.

"What is a discriminative answer? It is as in the case of the Four Truths that I speak about. What are the Four? These are: 1) Suffering, 2) Cause of Suffering, 3) Extinction, and 4) the Way to the extinction of suffering. What is the Truth of Suffering? It is so called because there are eight sufferings. What is the Truth of the Cause of suffering? It is so called because of the cause of the five skandhas. What is the Truth of Extinction? It is so called because of greed, ill-will and ignorance, which go all through. What is the Truth of the Way? The 37 elements of Enlightenment are called the Truth of the Way. This is a discriminative answer.

"What is the answer to what is asked? This is as when I say that all things are non-eternal. And a person asks: "O Tathagata-World-Honoured One! Why do you say non-eternal?" If this is asked, we answer: " The Tathagata says non-eternal because of the fact that things are created." The same is the case with the non-Self, too. This is as when I say that all things get burnt.

"Another person asks further: "Why does the Tathagata-World-Honoured One say that all gets burnt?" The answer to this would be: " The Tathagata says that all burn due to greed, ill-will, and ignorance."

"O good man! “The Tathagata’s ten powers, four fearlessnesses, Great Loving-Kindness and Great Compassion, three remembrances, all kinds of samadhi such as the Suramgama Samadhi, etc., that come to a total of some 8 million-billion, the 32 signs of perfection, the 80 minor marks of excellence, all the samadhis such as the five-knowledge mudra, etc., whose number extends up to 3 million 5 thousand, all the samadhis such as the vajra-samadhi, etc., whose number reaches 4,200, and the samadhis of the expedients, which are innumerable, are the Buddha-Nature of this Buddha. In this Buddha-Nature, there are seven things, namely: 1) the Eternal, 2) the Self, 3) Bliss, 4) the Pure, 5) the True, 6) the Real, and 7) the Good”. These are discriminative answers.

"O good man! In the Buddha-Nature of the transformed bodhisattva that represents another person1, there are six things, which are: 1) the Eternal, 2) the Pure, 3) the True, 4) the Real, 5) the Good, and 6) Little Seeing. These are discriminative answers.

"You asked before: " Is there any Buddha-Nature in the person whose root of good has been severed?" Also, there is the Buddha-Nature of the Tathagata; also, there is the Buddha- Nature of the body represented as of a different person. As these two hinder one’s future, we may well call these " nothing" . As one decidedly gains it, we may well call this " is" . This is a discriminative answer.

"The Buddha-Nature of the Tathagata is not of the past, present or future. The Buddha- Nature of the body gained to represent a different person has present and future. When we see to some extent, we call it the present. When one has not fully seen it, we construe it as belonging to the future.

"In the days when the Tathagata had not yet attained unsurpassed Enlightenment, what there was was the Buddha-Nature of past, present and future, due to the fact that the Buddha- Nature stood as cause. But the result is not thus. There is a situation where things concern the Three Times, or one where the Three Times are not involved.

"With the body of the Bodhisattva who gains it for a different person, the Buddha-Nature is in the state of cause. So it has past, present and future. It is the same with the result, too. This is a discriminative answer.

"There are six kinds [elements] in the Buddha-Nature of the Bodhisattva at the level of the ninth stage, which are: 1) the Eternal, 2) the Good, 3) the True, 4) the Real, 5) the Pure, and 6) the Visible. When the Buddha-Nature is the cause, it has the three phases of past, present and future. The same applies to the result, too. This is a discriminative answer.

"There are five things relative to the Buddha-Nature of Bodhisattvas at the levels from the eighth down to the sixth stage, namely: 1) the True, 2) the Real, 3) the Pure, 4) the Good, and 5) the Visible. When the Buddha-Nature is the cause, it has past, present and future. So does it obtain with the result, too. This is a discriminative answer.

"In the Buddha-Nature of Bodhisattvas at the levels from the fifth down to the first stage, there are five things, which are: 1) the True, 2) the Real, 3) the Pure, 4) the Visible, and 5) the Good and the non-Good.

"O good man! The Buddha-Nature of categories five, six and seven is what will assuredly be gained by those who have severed the root of good. Hence, "is". This is a discriminative answer.

"There may be those who will say: " Those who have severed the root of good decidedly have the Buddha-Nature and they decidedly have no Buddha-Nature." This is a left-out answer."

Bodhisattva Kasyapa said: "O World-Honoured One! I have heard that an answer where no answer is given is called a left-out answer. O Tathagata! Why do you call such an answer a left-out one?"

"O good man! I do not say that leaving out and not answering is a left-out answer. O good man! Of this left-out answer, there are two kinds, namely: 1) one which hinders and checks, and 2) non-clinging. On this account, we say left-out answer."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! Why do you the Buddha say that the cause is past, present and future and the result past, present and future, and also that it is not past, present and future?"

The Buddha said: "O good man! Of the five skandhas, there are two kinds, namely: 1) cause and 2) result. The five skandhas of this cause have past, present and future, but it is also the fact that they are not past, present and future. O good man! All the bondages of ignorance and defilement are the Buddha-Nature. Why? Because they are the cause of the Buddha-Nature. From ignorance and action and from all the defilements arise the five skandhas of good. This is the Buddha-Nature. We gain the five skandhas of good up to unsurpassed Enlightenment. That is why I said before in the sutra: "The Buddha-Nature of the being is like milk which contains blood." Blood refers to all the defilements of ignorance and action, etc., and milk refers to the five skandhas of good. That is why I say: "From all the defilements and from all the five skandhas of good, one arrives at unsurpassed Enlightenment." Just as the body of beings is made up of pure blood, so does it obtain with the Buddha-Nature, too. The Buddha-Nature of the srotapanna and sakrdagamin class who have excised defilement to some extent is like milk [“ksira”]; the Buddha-Nature of the anagamin is like butter [“dadhi”]; that of the arhat is like fresh butter [“navanita”]; that of those at the levels of pratyekabuddha up to the Bodhsiattvas of the ten stages is like clarified butter [“ghrta”]; and the Buddha-Nature of the Buddha is like the skim of melted butter [“sarpirmanda”]. O good man! The defilement of the present hinders, so that beings cannot see. In Gandhamadana, we come across the "ninnikuso". It does not mean that all cows can feed on it. It is the same with the Buddha-Nature. This is a discriminative answer."

The Buddha said: " O good man! All people did things in the past, the karmic results of which they are now living through in this life. There can be the actions of the future. As these Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! If the Buddha-have not yet come about, there is no result to speak of. People have defilement now. If not, all beings would have to be able clearly to see the Buddha-Nature. On this account, one who has severed the root of good indeed cuts off, with the causal relation of defilement of the present world, the root of good and, through the causal relation of the power of the Buddha-Nature of the future, can gain the root of good."

Kasyapa said: "O World-Honoured One! How might one gain the root of good in the future?"

"O good man! This is analogous to the day-lamp which can indeed dispel the gloom, even though the sun has not yet risen. This is just as the future can truly call forth beings. It is the same with the Buddha-Nature of the future. This is what we call a discriminative answer."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! If the five skandhas are the Buddha-Nature, why do we say that the Buddha-Nature of beings exists neither within nor without?"

The Buddha said: " O good man! How could you lose the meaning? Did I not say before that the Buddha-Nature of the being is none other than the Middle Path?"

Kasyapa said: "O World-Honoured One! I did not lose the meaning. As beings do not grasp the meaning of this Middle Path, I speak thus."

"O good man! Beings do not understand the Middle Path. At times they understand it, and at other times they do not. O good man! In order that beings can know, I say that the Buddha-Nature is neither within nor without. Why? Common beings say that the Buddha- Nature is the five skandhas, as though it were a vessel. Or they say that it exists outside of the skandhas as in the Void. That is why the Tathagata say Middle Path. The Buddha-Nature which beings possess is neither the six sense-organs nor the six sense-fields. Within and without come together. So we say Middle Path. That is why the Tathagata says that the Buddha-Nature is not other than the Middle Path. As it is neither within nor without, it is the Middle Path. This is a discriminative answer.

"Also, next, O good man! Why do we say neither within nor without? O good man! Some say that the Buddha-Nature is none but the tirthika. Why? In the course of innumerable kalpas, the Bodhisattva-mahasattva, being amidst tirthikas, has cut away all defilements, trained his mind, taught people, and then gained unsurpassed Enlightenment. On this account, the Buddha-Nature is none but the tirthika.

"Or a person might say: "The Buddha-Nature is no other than the Way within." Why so? The Bodhisattva may have practised the way of the tirthikas over the course of countless kalpas. But other than by the Way within, he would not be able to attain unsurpassed Enlightenment. That is why the Buddha-Nature is what the Buddha taught. For this reason, the Tathagata checks off the two planes and says: "The Buddha-Nature is neither inside nor outside. It is an inside-and-outside. This is the Middle Path." This is a discriminative answer.

"Also, next, O good man! Some say: "The Buddha-Nature is none other than the Adamantine Body of the Tathagata and the 32 signs of perfection and the 80 minor marks of excellence. Why? It is nothing that is false."

"Or a person might say: "The Buddha-Nature is no other than the ten powers, the four fearlessnesses, Great Loving-Kindness and Great Compassion, the three remembrances, all kinds of samadhis, such as the Suramgama Samadhi, etc. Why? Because by means of samadhi, one gains the Adamantine Body, the 32 signs of perfection, and the 80 minor marks of excellence." Because of this, the Tathagata checks off the two planes and says that the Buddha-Nature is neither inside nor out; it is both in and out. This is the Middle Path.

"Also, next, O good man! Some say: "The Buddha-Nature is the good thinking of the Way within. Why? Apart from good thinking, one cannot attain unsurpassed Bodhi. Thus, the Buddha-Nature is the good thinking of the Way within."

"Or some say: "The Buddha-Nature hears Dharma, following others. Why? To hear Dharma gives one good thinking of the Way. If one does not give ear to Dharma, this is no thinking. Thus, the Buddha-Nature is to hear Dharma, following others." On this account, the Tathagata checks off the two planes and says that the Buddha-Nature is neither within nor without; and also it is both within and without. This is the Middle Path.

"Also, next, O good man! Some say: " The Buddha-Nature is what is without. It refers to danaparamita. Through danaparamita, one attains unsurpassed Bodhi. Because of this, we say that danaparamita is the Buddha-Nature." Or a person says: "The Buddha is the Way within. This refers to the five paramitas. Other than these five things, there cannot be - we should know - any cause or result of the Buddha-Nature." On this account, the Tathagata checks off the two planes and says: " The Buddha-Nature is neither within nor without. It is both within and without. This is the Middle Path."

"Also, next, O good man! A person says: " The Buddha-Nature is the Way within. For example, it is like the mani [jewel] on the forehead of the wrestler. Why? Because the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure are like manis. Because of this, we say that the Buddha-Nature is within." Or some say: "The Buddha-Nature is without. It is like the treasure trove of the poor man. Why? Because one sees it through expedients. It is the same with the Buddha-Nature, too. It exists outside of beings. By effecting an expedient, one can see it." Because of this, the Tathagata checks off the two planes and says that the Buddha-Nature exists neither within nor without; it is also both within and without. This is the Middle Path.

"O good man! The Buddha-Nature of beings is not "is" and is not "not-is". Why so? The Buddha-Nature is "is" , but it is not as in voidness. Because even when effecting innumerable expediencies, the voidness that we speak of in the world cannot be seen. But the Buddha-Nature can be seen. Because of this, though it is " is" , it is not like voidness. The Buddha-Nature is "not-is", but it is not as with the horns of a hare [i.e. it is not that it does not exist]. Why? Even with innumerble expedients, the hair of a tortoise and the horns of a hare cannot come about. The Buddha-Nature can come about. So, though "not-is", it is not the same as the horns of a hare. So, the Buddha-Nature is neither "is" nor "not-is"; it is "is" and "not-is".

"Why do we say "is"? All is "is". Beings do not get cut off and do not die out. This is like the flame of a lamp, until one attains unsurpassed Bodhi. So, we say "is".

"Why do we say that it is "not-is"? All beings are, for the present, not the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure, and do not possess the Buddhist teaching. Hence, "not-is". As "is" and "not-is" become one, we say Middle Path. That is why the Buddha says that the Buddha-Nature of the being is neither "is" nor "not-is".

"O good man! If a person should ask: "Is there a fruit in this seed or not?", answer definitely: "It is either "is" or "not-is". Why? Without the seed, we cannot gain the fruit. Hence, we say "is". The seed does not yet have any bud. Hence, "not-is". Because of this, we say either "is" or "is-not". Why? Although there exists the difference of time, the body is one. The same is the case with the Buddha-Nature of the being. “If one says that in the being there is a separate Buddha-Nature, this is not so. Why? Because the being is the Buddha-Nature, and the Buddha-Nature is the being. Through difference in time, we have the difference of the Pure and the non-Pure” [emph. added].

"O good man! If a person asks: "Can this seed definitely call forth fruit, or can this fruit truly call forth a seed?", answer definitely: "It either calls forth or it does not."

"O good man! Worldly people say that there is cream in milk. What might this imply?

O good man! If a person says that there is cream in milk, this is nothing but clinging; if a

person says: "there is no cream", this is what is false. One comes away from these two planes and says definitely: "It is either "is" or "not-is."

"Why " is" ? Because we gain cream from milk. The cause is the milk and the result is the cream. Because of this, we say " is" .

"Why do we say "not-is"? The thing and the taste differ and the use is not one [i.e. not the same]. For fever we use milk, and for loose bowels cream. Milk calls forth a cold, whereas cream fever.

"O good man! A person might say that there is in milk the nature of cream. If so, milk is cream and cream milk. The nature is one.

"Why is it that milk comes out first and not cream? If there is the causal relation to speak of, why is it that all beings do not so speak of it? If there is no causal relation, why is it that cream does not come out first? If cream does not come out first, who is it that has made the order of: milk, cream, fresh butter, clarified, butter, and the skim of melted butter? From this, we know that cream was not before, but is now. If it was not before, but is now, this is something non-eternal.

"O good man! A person might say that as there is the nature of cream in milk, cream does indeed come forth; as there is the nature of cream, cream does not come about from water. But the case is not so. Why not? For even watery grass, too, has the nature of milk and cream. How so? From watery grass we gain milk and cream. If a person says that in milk there is decidedly the nature of cream and that there is not in watery grass, this is something false. Why? Because the mind is unequal [because the person is being inconsistent]. Hence, false.

"O good man! If we say that there is decidedly cream in milk, there must surely be the nature of milk in cream. Why? From milk comes about cream, and cream does not call forth milk. If there is no causal relation, we should know that this cream is what originally was not, but now is. Because of this, the wise will say that it is not that there is the nature of cream in milk and it is not that there is not the nature of cream in milk.

"O good man! Because of this, the Tathagata says in this sutra: " If one says that all beings decidedly have the Buddha-Nature, this is clinging; if one says that they do not have it, this is what is false." The wise will say: "The Buddha-Nature of the being is either "is" or "not-is".

"O good man! When four things harmonise [i.e. conjoin together], visual consciousness comes about. What are the four? They are: the eye, the thing, brightness [light], and desire. The nature of this visual consciousness does not exist in the eye, nor in the thing, nor in brightness, nor in desire. Through conjoining, it comes about. Thus, visual consciousness is what originally was not but now is, and what once was and what again is not. Hence, we have to know that there is no fixed nature. It is the same with the nature of cream in milk, too.

"If a person should say: "Water does not call forth cream, as it does not possess the nature of cream. Thus, there is decidedly the nature of cream in milk" - this is not so. Why not? All things have different causes and different results. Also, it is not that a single cause calls forth all results; it is not that all results come from a single cause.

"O good man! Do not say that thus four things call forth visual consciousness and from these four things comes about auditory consciousness.

"O good man! Departing from the [necessary] expedient methods, one cannot gain cream from milk, or fresh butter from cream. What is definitely needed is the expedient means.

"O good man! The wise person sees that cream comes from milk, but will not say that fresh butter will also thus come forth, other than through expedient means. O good man! That is why I say in this sutra: " When the cause has come about, a thing comes about; when the cause is absent, there is no thing."

"O good man! The nature of salt is salty. It truly makes what is not salty [taste] salty. If there were already a salty nature in what is not salty, why would people continue to seek to possess salt? If there were no saltiness before, then that would be [a case of] what was not becoming so now. By the help of the [right] condition, we get saltiness. All things possess the nature of saltiness, but we do not feel this, on account of the smallness of the amount. This smallness in nature makes things salty. If there were not this salty nature, even salt could not bring forth [the quality of] saltiness.

"A seed, for example, has by itself the quality of the four great elements. From the four great elements other than those of itself, the bud, the stem, the branch and the leaf can grow. It is the same with the nature of saltiness. So do they say. But this is not so. Why not? If it is the case that what is not salty possesses a salty nature, this is tantamount to saying that salt, too, must have the nature of non-saltiness, even if to the smallest degree. If this salt thus has two natures, why is it that it cannot be separately used, other than what is not salty? Hence, we know that salt does not originally possess two natures. As with salt, so is it with all other things which are not salty. A person might say that the seeding power of the four great elements that exists outside truly enhances that of those inside. This is not so. Why not? As things are stated in an orderly way, this does not follow the expedient means. From milk, we get cream. But things do not proceed thus with fresh butter and all other things. There is no going through the expedient means. It is the same with the four great elements. One might say that the four great elements that are within get augmented by those from outside. But we do not see the four great elements of the outside world getting augmented by the four great elements of the inside world. The fruit, sirsa, has no definite form beforehand. When it sees the krttika, the fruit comes about, gaining a size of five inches. This fruit does not get its size from what obtains in the four great elements outside of the fruit itself.

"O good man! I have delivered the sermons of the 12 types of sutra of my own will, or following the will of others, or following my own will and also that of others.

"What do I mean by saying that I speak of my own free will? 500 bhiksus put a question to Sariputra: " O great one! The Buddha speaks about the cause of the body. What might this be?" Sariputra said: " O great ones! When you yourselves gain Right Emancipation, you yourselves will know. Why do you pose such a question?" A bhiksu answered: "O great one! At the time when I had not yet attained Right Emancipation, I thought that ignorance was the cause of the body. As I so thought to myself, I gained arhatship." One person said: "O great one! When I had not yet attained Right Emancipation, I thought to myself that ignorance and craving were the cause of the body. As I so thought to myself, I attained the fruition of arhatship." And some said: "Things such as action, consciousness, mind-and-body, the six spheres, touch, feeling, craving, cleaving, existence, birth, food and drink, and the five desires are the cause of the body." Then all the 500 bhiksus, each saying what he understood, went to the Buddha, touched his feet, circumambulated him three times, paid him homage, drew back to one side, and each reported what he had in his mind to the Buddha.

"Sariputra said to the Buddha: "O World-Honoured One! Of all these persons, who is the one who speaks in the right way? And who is not right?"

"The Buddha said to Sariputra: " Well said, well said! Each bhiksu says nothing but what is right."

"Sariputra said: "O World-Honoured One! What is it that is in your mind?"

"The Buddha said: " O Sariputra! I said for the sake of beings that parents are the cause of the body. The case is thus. All such sutras are what I spoke of my own free will.

"What are those which I spoke following the will of others? The rich man, Patala, came to me and said: "O Gautama! Do you know a phantom or not? One who knows phantoms is a great phantom. If not, such a person is no All-Knower."

"I said: " O rich man! How can you call one who knows a phantom a phantom?"

"The rich man said: "Well said, well said! One who knows a phantom is a phantom."

"The Buddha said: " O rich man! There was a candala in the state of King Prasenajit, in Sravasti, whose name was Baspacandala. Have you heard of him or not?"

"The rich man said: "I have known him for a long time already."

"The Buddha said: " If you have known him for a long time, might it be that you are [yourself] a candala?"

"The rich man said: " I have known him for a long time already, but this body of mine cannot be that of a candala."

"O you rich man! You now know that though you know a candala, you are not a candala. How can it be that I am a phantom because I know a phantom? O rich man! I truly know a phantom, one who acts as a phantom, the results of the phantom, and the arts of the phantom. I know killing, the killer, the karmic results of killing, and emancipation from killing. I also know twisted views of life, the people of twisted views, the karmic results of twisted views, and emancipation from twisted views. O rich man! Should you call one who is not a phantom a phantom, and one who does not hold twisted views of life one who is possessed of twisted views of life, you will gain innumerable sins."

"The rich man said: "O Gautama! If things are as you say, I shall earn great sin. I shall now give you all that I possess. Please be good enough not to have King Prasenajit informed of this."

"The Buddha said: " It cannot necessarily be that the causal relations of this sin will prevent you from losing your wealth. In consequence of this, you will fall into the three unfortunate realms."

"On hearing mention of the unfortunate realms, the rich man became frightened and said to the Buddha: "O Holy One! I have now lost my head and committed a great sin. You Holy One are the All-Knower! You must know how to get emancipated. How am I to evade the worlds of hell, hungry ghosts, and animals?"

"I then spoke to him of the Four Truths. The rich man, on hearing this, attained the fruition of srotapanna. Repentance had budded, and he begged the pardon of the Buddha: " I was ignorant. I said that the Buddha was a phantom, despite the fact that you are not. I shall, from this day forward, take refuge in the Three Treasures."

"The Buddha said: "Well said, well said, O rich man!" The case is thus. This is speaking in response to the will of others.

"How do I speak following my own will and that of others? When all the world says that the wise say "is", I too say "is". When they say that the wise say "is-not", I too say "is-not". When the wise of the world say that to amuse oneself in the five desires ends in the non-eternal, suffering, non-Self, and disruption, I, too, say so. When the wise of the world say that to amuse oneself in the five desires does not end in the Eternal, Self, and the Pure, I too say so. Things stand thus. This is what is called speaking following one’s own will and also that of others.

"O good man! I said: "The Bodhisattvas of the ten levels see the Buddha-Nature some-what." This is speaking following the will of others. Why do we say that one sees a little? The Bodhisattva of the ten stages gains the Suramgama and other samadhis and the 3,000 teachings [i.e. the teachings of the universe]. Because of this, he clearly sees that all attain unsurpassed Bodhi. All beings will definitely gain unsurpassed Bodhi. That is why I say: "The Bodhisattva of the ten stages sees the Buddha-Nature somewhat."

"O good man! I always say: "All beings possess the Buddha-Nature." This is what I speak following my own will. All beings are not segregated, do not perish, and gain unsurpassed Bodhi. This is what I say following my own will.

"All beings have the Buddha-Nature. When defilement overspreads them, they cannot see it. That is what I say that is what you say. This is what is said following my own will and the will of others.

"O good man! The Tathagata, at times, speaks of innumerable teachings as just one thing. I say in the sutras that all pure actions arise out of the good teacher of the Way. This is how it goes. The causes of all pure actions are innumerable. But if we say "good teachers of the Way" , this covers everything. This is as when I say that all actions arise out of evil views of life. The causes of all evil actions are innumerable. But when we say "evil views of life", this already covers everything. Or we say that unsurpassed Enlightenment has faith as its cause. The causes of Enlightenment are innumerable, but if stated as faith, this covers everything. O good man! The Tathagata speaks innumerable teachings, but these do not depart from the five skandhas, the 18 realms, and the 12 spheres.

"O good man! The Tathagata’s words are - for the sake of the being - made up of seven kinds, i.e. those based on words of: 1) cause, 2) result, 3) cause and result, 4) metaphors 5) non-accorded words, 6) following what generally applies in the world, 7) one’s own free will. Why cause? This speaks of the result that is to come about in the future from the cause that now exists. This is what I say.

"O good man! Do you see anyone who takes pleasure in killing or doing evil things? Know that such a person is destined for hell.

"O good man! If there is any person who does not take pleasure in killing or doing evil, know that such a person is a heavenly being. This is what is said based on [the subject of] cause.

"What are words based on " result" ? This looks back to the cause from the result that is at hand. This is as is stated in the sutra: "O good man! The poverty-stricken beings that you come across look ugly in their faces, as though they did not have freedom. Know that those persons must have infringed the precepts, had a jealous, angry or restless mind. When we see people who possess many things and wealth, whose sense-organs are perfect and whose deportment possesses authority and unmolestedness [a sense of inviolability], we may know that such persons must definitely have upheld the moral precepts, given [to others], made effort, and possessed a repenting mind, had no jealousy, nor any mind of anger." This is what we call "words based on the result."

"What are cause-and-result words? This is as when it is stated in a sutra: " O good man! The six sense-organs which beings now possess arose from the cause of touch and are the results of the past. The Tathagata also speaks of this and calls it karma. The causal relations of this karma call forth the results that one has to harvest in the time to come." These are "words based on cause-and-result".

"What is a metaphor? For example, "lion-king" refers to me. Such terms as great elephant-king, great naga-king, parijata, ball of seven treasures, great ocean, Mount Sumeru, great earth, great rain, master mariner, guide, best trainer, wrestler, cow-king, Brahmin, sra- mana, great castle, and tala tree are metaphorical terms.

"What are non-accorded words? I say in a sutra: " Heaven and earth come into one; the river does not get into the sea; for the sake of King Prasenajit, mountains come from [all] around." It is as when I spoke to Mrgaramata, such as: "Even the sal trees would gain the bliss of humans and heaven if they received the eight precepts." The case is thus. I may even say that the Bodhisattvas of the ten stages have a retrogressing mind, but never will I say that the Tathagata employs two kinds of words. I might even say that a srotapanna might fall into the three unfortunate realms, but I will never say that the Bodhisattva of the ten stages has a retrogressive mind. These are non-accorded words.

"What are the words that apply in the world? These are such as the Buddha uses, such as: man and woman, big and small, to go and to come, to sit and to lie, vehicle and house, pot, clothing, beings, the eternal, bliss, self, and the pure, army, forest, castle-town, phantom, transformed existence, and to become one and to disperse. These are the words that obtain in the world.

"What are words that come forth as one wills? This is as when I reproach those who violate the prohibitions and I make them guard against this. I praise those of the srotapanna stage and enable common mortals to gain a good [state of] mind. I praise Bodhisattvas and enable common mortals to aspire to Enlightenment. I speak of the sufferings of the three unfortunate realms and cause people to do good. I say that all gets burnt, addressing those who are addicted to the notion that all things are created things. So does it go with the non-Self. We say that all beings possess the Buddha-Nature. All this is to cause all beings not to be indolent. These are the words that come out of one's free will.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hạnh phúc là điều có thật


Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Kinh Di giáo


Gõ cửa thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.34.132 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...