Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 30 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một – Phần bốn »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 30 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một – Phần bốn

Donate

(Lượt xem: 10.987)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 30 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một – Phần bốn

Khi ấy, bọn sáu thầy ngoại đạo sanh lòng ganh ghét, cùng họp nhau đến tâu lên vua Ba-tư-nặc rằng: ‘Đại vương nên biết rằng, đất đai của đại vương là trong sạch an ổn, vắng vẻ yên tĩnh, đúng là chỗ mà hàng xuất gia an trụ. Chúng tôi vì vậy mới đến đây. Đại vương dùng chánh pháp mà cai trị, nên trừ hại cho dân. Sa-môn Cồ-đàm là người tuổi nhỏ, sức học cạn cợt, đạo thuật không có. Ở nước này từ trước đã có những bậc kỳ cựu đầy đủ đức hạnh. Cồ-đàm ỷ mình thuộc dòng vua, chẳng sanh lòng cung kính những bậc kỳ cựu ấy. Nếu là dòng vua, theo phép lẽ ra phải lo việc trị dân; còn nếu đã xuất gia, lẽ ra phải kính trọng người có đủ đức hạnh.

“Đại vương hãy nghe cho kỹ đây! Sa-môn Cồ-đàm thật chẳng phải sanh trong dòng vua. Nếu Sa-môn Cồ-đàm có cha mẹ, vì sao lại đi cướp đoạt cha mẹ của người khác?

“Đại vương! Trong kinh của chúng tôi có nói rằng: ‘Qua một ngàn năm sẽ có một yêu tinh dáng vẻ tốt đẹp, dùng phép huyễn hóa hiện ra mọi vật.’ Chính là nói Sa-môn Cồ-đàm đó!

“Nên phải biết rằng, Sa-môn Cồ-đàm không có cha mẹ. Nếu có cha mẹ, sao lại dạy rằng: ‘Các pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã, không có kẻ tạo tác, không có người thọ nhận?’ Ông ấy dùng huyễn thuật mà dối gạt chúng sanh, những kẻ ngu si mới tin nhận, người có trí đều lìa bỏ.

“Đại vương! Người làm vua là cha mẹ của thiên hạ, như đòn cân, như mặt đất, như gió, như lửa, như đường sá, như con sông, như cây cầu, như ngọn đèn, như mặt trời, mặt trăng... phải theo đúng pháp mà xử việc, không phân biệt kẻ oán, người thân. Sa-môn Cồ-đàm không để cho chúng tôi được sống, chúng tôi đi đâu cũng bị người xua đuổi chẳng thôi! Xin đại vương cho phép chúng tôi với Cồ-đàm so nhau đạo lực. Nếu ông ấy thắng được chúng tôi, chúng tôi sẽ chịu phụ thuộc ông ấy; còn nếu chúng tôi thắng, ông ấy phải phụ thuộc chúng tôi.’

“Vua nói: ‘Đại đức! Các vị mỗi bên đều có chỗ an trụ, tu hành truyền pháp cũng không giống như nhau. Nay trẫm biết chắc rằng đức Như Lai Thế Tôn đối với các ông không có sự ngăn trở.’

“Bọn sáu thầy đáp: ‘Sao lại không ngăn trở? Sa-môn Cồ-đàm dùng pháp huyễn thuật lừa dối dụ dỗ mọi người và hàng bà-la-môn, khiến họ đã quy phục hết cả rồi. Nếu vua cho phép chúng tôi với người ấy so nhau đạo lực thì danh thơm của vua truyền khắp tám phương; nếu vua không chấp thuận thì tiếng xấu ngập đường.’

“Vua nói: ‘Đại đức! Các ông còn chưa biết rằng đạo lực, oai thần của Như Lai cao vút, nên mới đòi so sánh. Nếu các ông biết rõ được, ắt phải sợ mình không đủ sức.’

“Bọn sáu thầy ngoại đạo nói: ‘Đại vương! Hay là ngài đã thọ nhận pháp hư huyễn của Cồ-đàm rồi? Xin đại vương hãy lưu ý nghe và suy xét, đừng xem thường việc chúng tôi nêu ra là không đúng thật, chi bằng cứ thử xem để biết [thế nào] là đúng thật.’

“Vua liền đồng ý, nói: ‘Được lắm, được lắm, [hãy cứ làm như vậy]!’

“Cả bọn sáu thầy ngoại đạo lấy làm vui vẻ, ra về.

“Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc truyền chuẩn bị xa giá nghiêm trang, đi đến chỗ Phật, cung kính lễ bái, đầu mặt cúi sát chân Như Lai, rồi đi quanh ba vòng cung kính, lui lại ngồi một bên, bạch Phật: “Thế Tôn! Sáu thầy ngoại đạo vừa đến chỗ con thỉnh cầu việc so sánh đạo lực với ngài. Con không lượng định được sự việc, đã mạn phép đồng ý với họ rồi.’

“Phật dạy: ‘Đại vương! Lành thay, lành thay! Giờ chỉ nên lo việc xây dựng thêm chỗ ở cho chúng tăng ở khắp nơi trong nước này. Vì sao vậy? Nếu ta với họ so nhau về thần lực thì trong đồ chúng của họ sẽ có nhiều người thọ nhận sự giáo hóa [của ta]. Chốn này nhỏ hẹp, làm sao có thể dung chứa hết?’

“Thiện nam tử! Khi ấy ta vì bọn sáu thầy ngoại đạo mà thị hiện những thần thông biến hóa lớn lao chưa từng thấy, suốt từ ngày mồng một cho đến ngày rằm. Trong quãng thời gian ấy, có vô lượng chúng sanh phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; vô lượng chúng sanh đối với Tam bảo phát khởi lòng tin chẳng còn nghi ngờ, vô lượng đồ chúng của sáu thầy ngoại đạo đều lìa bỏ tâm tà kiến, xuất gia theo Chánh pháp; vô lượng chúng sanh đạt được tâm không thối chuyển đối với quả vị Bồ-đề; vô lượng chúng sanh đạt được pháp Đà-la-ni, các môn Tam-muội; vô lượng chúng sanh chứng đắc từ quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán.

“Bấy giờ, bọn sáu thầy ngoại đạo lấy làm hổ thẹn trong lòng, liền kéo nhau đến thành Bà-chỉ-đa, dạy cho nhân dân ở đó tin nhận theo tà pháp, bảo họ rằng: ‘Sa-môn Cồ-đàm chỉ dạy có một việc “không” mà thôi!’

“Thiện nam tử! Khi ấy, ta vì mẹ mà hiện lên cõi trời Đao-lợi, an cư thuyết pháp dưới cội cây Ba-lợi-chất-đa.

“Trong khi đó, bọn sáu thầy ngoại đạo rất vui mừng, bảo nhau rằng: ‘Hay thay! Nay nhà huyễn thuật Cồ-đàm đã đi mất rồi!’ Họ lại truyền dạy [những điều làm] cho vô lượng vô số chúng sanh tăng trưởng tà kiến.

“Bấy giờ, vua Tần-bà-sa-la, vua Ba-tư-nặc cùng với Bốn bộ chúng liền bạch với Mục-kiền-liên rằng: ‘Đại đức! Cõi Diêm-phù-đề này tà kiến tăng trưởng, chúng sanh thật đáng thương, đi vào nơi hết sức tối tăm, u ám! Thỉnh cầu đại đức lên cõi trời kia, đảnh lễ đức Thế Tôn, chuyển bạch những lời của chúng tôi như thế này: Như nghé con vừa sanh ra chưa bao lâu, nếu không có sữa bú thì chắc chắn phải chết. Chúng sanh cõi này cũng giống như vậy! Cầu xin Như Lai thương xót chúng sanh, trở lại trụ nơi đây!’

“Lúc đó, Mục-kiền-liên lặng thinh nhận lời. Rồi chỉ trong khoảng thời gian như người đại lực sĩ co duỗi cánh tay, ngài lên đến cảnh trời Đao-lợi, đến chỗ Thế Tôn bạch rằng: ‘Bốn chúng trong cõi Diêm-phù-đề thảy đều khát ngưỡng Như Lai, mong được gặp Phật, nghe Pháp. Vua Tần-bà-sa-la, vua Ba-tư-nặc cùng với Bốn chúng đều dập đầu dưới chân Phật thưa rằng: Chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề này tà kiến tăng trưởng, đi vào chỗ hết sức tối tăm u ám, thật đáng thương thay! Như nghé con vừa sanh ra chưa bao lâu, nếu không có sữa chắc chắn sẽ chết. Chúng con cũng vậy, nguyện cầu Như Lai vì chúng sanh mà quay trở lại cõi Diêm-phù-đề!’

“Phật bảo Mục-kiền-liên: ‘Nay ông hãy gấp rút trở về cõi Diêm-phù-đề, bảo với các vị quốc vương và Bốn bộ chúng rằng, sau bảy ngày nữa, Như Lai sẽ trở xuống. Ta sẽ vì [việc khuất phục] bọn sáu thầy ngoại đạo mà đến tại thành Bà-chỉ-đa.’

“Qua bảy ngày sau, đức Phật cùng với Đế-thích, Phạm thiên, Ma thiên, vô lượng chư thiên [cõi trời Đao-lợi] và chư thiên cõi trời Tịnh Cư; tất cả chư thiên như vậy cùng với mọi người đều vây quanh Như Lai, cùng đi đến thành Bà-chỉ-đa. Như Lai phát ra tiếng [giảng pháp rền vang như tiếng] sư tử rống, dạy rằng: ‘Chỉ trong Chánh pháp của ta mới thật có hàng sa-môn và bà-la-môn. Tất cả các pháp đều là vô thường, vô ngã; Niết-bàn là vắng lặng an tĩnh, lìa khỏi mọi sự lỗi lầm xấu ác. Nếu nói rằng trong pháp khác cũng có sa-môn và bà-la-môn, có thường, có ngã, có Niết-bàn, đó là lời nói hoàn toàn vô lý.’

“Khi ấy, có vô lượng vô biên chúng sanh [nghe được lời ấy liền] phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Bấy giờ, bọn sáu thầy ngoại đạo lại bảo nhau rằng: ‘Nếu trong pháp của chúng ta thật không có sa-môn, bà-la-môn, vì sao lại được thế gian cúng dường?’ Nói vậy rồi, bọn họ lại tụ họp nhau cùng đi đến thành Tỳ-xá-ly.

“Thiện nam tử! Sau một thời gian, ta cũng đến thành Tỳ-xá-ly, nơi khu rừng Am-la. Khi ấy, nàng Am-la biết ta đang ở đó nên muốn tìm đến. Vào lúc đó ta dạy chư tỳ-kheo rằng: ‘Nên quán [bốn] niệm xứ [là thân, thọ, tâm, pháp], khéo tu trí tuệ; tùy chỗ tu tập, đừng để tâm buông thả, lười nhác.’

“Sao gọi là quán [bốn] niệm xứ? Nếu tỳ-kheo nào quán sát trong thân chẳng thấy có gì là ‘ta’ và ‘vật của ta’, quán sát bên ngoài thân và khắp trong, ngoài thân cũng chẳng thấy có gì là ‘ta’ và ‘vật của ta’. Đối với các cảm thọ, với tâm, với các pháp cũng đều quán sát như vậy. Đó gọi là [quán bốn] niệm xứ.

“Sao gọi là tu tập trí tuệ? Nếu tỳ-kheo nào thấy biết chân thật về khổ, tập, diệt, đạo, đó gọi là tỳ-kheo tu tập trí tuệ.

“Sao gọi là tâm không buông thả, lười nhác? Nếu tỳ-kheo nào niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm xả, niệm thiên, đó gọi là tỳ-kheo tâm không buông thả, lười nhác.’

“Khi ấy, nàng Am-la đi đến chỗ ta, cúi đầu và mặt làm lễ sát chân ta, đi quanh ba vòng tỏ lòng cung kính, rồi lui lại ngồi sang một bên.

“Thiện nam tử! Lúc đó ta vì nàng Am-la mà thuyết pháp thích hợp. Nghe xong, nàng ấy phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Bấy giờ, trong thành ấy có đến năm trăm người thuộc họ Lê-xa cùng đi đến chỗ ta, cúi đầu và mặt làm lễ sát chân ta, đi quanh ba vòng tỏ lòng cung kính, rồi lui lại ngồi sang một bên. Lúc đó ta lại vì những người họ Lê-xa mà thuyết pháp thích hợp với họ rằng: ‘Các thiện nam tử! Nếu ai buông thả, lười nhác thì phải chịu năm loại quả báo. Những gì là năm? Một là về tài lợi không được đầy đủ như ý, hai là tiếng xấu lan truyền đâu đâu cũng biết, ba là không ưa thích bố thí rộng rãi cho người nghèo khốn, bốn là không ưa thích gặp gỡ Bốn chúng, năm là không được sinh làm chư thiên cõi trời.

“Các thiện nam tử! Do việc không buông thả, lười nhác mà có thể sanh ra các pháp thế gian cùng pháp xuất thế gian. Nếu ai muốn đạt được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cần phải siêng năng tu tập pháp không buông thả, không lười nhác.

“Người buông thả, lười nhác lại có mười ba loại quả báo. Những gì là mười ba? Một là việc làm đều vì [các pháp] thế gian, hai là ưa thích nói ra những lời vô ích, ba là thường thích nằm lâu mê ngủ, bốn là ưa thích nói việc thế gian, năm là thường ưa thích gần gũi bạn xấu, sáu là thường ưa biếng nhác chậm trễ, bảy là thường bị người khác khinh chê, tám là có những việc được nghe lại thường quên mất, chín là ưa thích ở nơi xa xôi hẻo lánh, mười là không thể điều phục các căn, mười một là ăn uống không biết vừa đủ, mười hai là không ưa thích sự vắng lặng, an tĩnh, mười ba là chỗ thấy biết không chân chánh. Đó là mười ba loại quả báo.

“Thiện nam tử! Nếu là người buông thả, lười nhác, tuy có được gần Phật và đệ tử Phật nhưng cũng giống như ở xa!’

“Những người họ Lê-xa bạch rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Chúng con tự biết mình là những người buông thả, lười nhác. Vì sao vậy? Nếu chúng con không phải người buông thả, lười nhác thì đấng Pháp vương Như Lai hẳn đã ra đời nơi đất nước của chúng con!’

“Khi ấy, trong pháp hội có một bà-la-môn tên là Vô Thắng, nói với những người họ Lê-xa rằng: ‘Lành thay, lành thay! Đúng như lời các ông vừa nói. Vua Tần-bà-sa-la đã được lợi ích lớn, Như Lai Thế Tôn xuất hiện nơi đất nước của vua ấy, cũng như trong ao lớn sanh ra hoa sen mầu nhiệm, tuy sanh trong nước nhưng không bị [bùn] nước làm hoen ố.

“Các vị Lê-xa! Đức Phật cũng vậy, tuy ngài sanh ra ở nước kia, nhưng chẳng bị pháp thế gian làm ngăn ngại, trì trệ. Chư Phật Thế Tôn thật không có sự xuất nhập, nhưng vì chúng sanh nên xuất hiện ở đời, không bị pháp thế gian làm ngăn ngại, trì trệ.

“Chỉ vì các ông tự mình mê muội, đắm say trong năm dục, không biết gần gũi, tìm đến chỗ Như Lai, cho nên gọi là người buông thả, lười nhác. Không phải vì Phật xuất hiện ở nước Ma-già-đà [của vua Tần-bà-sa-la] mà các ông mang tiếng là buông thả, lười nhác. Vì sao vậy? Đức Như Lai Thế Tôn như mặt trời mặt trăng, không phải chỉ vì một người, hai người mà xuất hiện ở đời.”

“Bấy giờ, nghe được lời ấy rồi, những người họ Lê-xa liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, lại ngợi khen rằng: ‘Lành thay, lành thay! Chàng Vô Thắng này có thể sảng khoái nói ra những lời nhiệm mầu sâu xa như thế!’

“Lúc đó, những người họ Lê-xa đều cởi áo đang mặc trên người mà cúng dường Vô Thắng. Vô Thắng nhận áo rồi mang dâng tất cả cho ta, thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Con đã nhận được số áo này từ những người họ Lê-xa, xin nguyện đức Như Lai thương xót chúng sanh mà thọ nhận sự hiến cúng của con.’

“Khi ấy, ta vì lòng thương Vô Thắng nên thọ nhận. Những người họ Lê-xa liền cùng nhau chắp tay bạch rằng: ‘Xin nguyện đức Như Lai an cư một thời gian nơi đây, thọ nhận sự cúng dường nhỏ nhoi của chúng con.’ Ta im lặng chấp nhận lời thỉnh cầu ấy.

Bọn sáu thầy ngoại đạo nghe biết việc ấy, liền cùng nhau dẫn dắt đồ chúng đi sang thành Ba-la-nại.

“Bấy giờ, ta lại sang thành Ba-la-nại, ở nơi bờ sông Ba-la. Khi ấy, ở Ba-la-nại có một chàng con nhà trưởng giả tên là Bảo Xưng, đắm say năm món dục, không biết đó là vô thường. Nhờ có ta đến nơi ấy, Bảo Xưng liền tự nhiên đạt được phép quán xương trắng, nhìn thấy các nàng hầu, mỹ nữ trong nhà mình chỉ toàn là những bộ xương trắng mà thôi. Chàng ấy lòng sanh ghê sợ như nhìn thấy đao kiếm, rắn độc, giặc cướp, lửa dữ... liền bỏ chạy ra khỏi nhà, tìm đến chỗ ta, trên đường đi luôn miệng nói rằng: ‘Sa-môn Cồ-đàm! Nay con như bị giặc cướp rượt đuổi, khiếp sợ vô cùng, xin ngài cứu giúp!’

“Phật dạy: ‘Thiện nam tử! Phật, Pháp, Tăng là an ổn, không sợ sệt.’ Chàng trưởng giả bạch rằng: ‘Nếu trong Tam bảo không có sự sợ sệt, nay con nguyện cũng sẽ được sự không sợ sệt ấy.’ Ta liền cho phép Bảo Xưng xuất gia nhập đạo.

“Khi ấy, Bảo Xưng lại có năm mươi người bạn, nghe tin Bảo Xưng chán bỏ sự vui hưởng dục mà xuất gia liền đồng lòng cùng nhau xuất gia. Bọn sáu thầy ngoại đạo nghe biết sự việc liền dần dà kéo nhau sang cả bên thành lớn Chiêm-bà.

“Bấy giờ tại thành Chiêm-bà, tất cả nhân dân đều phụng sự đồ chúng của bọn sáu thầy ngoại đạo, chưa từng nghe biết đến các danh xưng Phật, Pháp, Tăng, nên có rất nhiều người phạm vào những việc cực ác. Khi ấy, ta vì [thương xót] chúng sanh nên đến thành Chiêm-bà.

“Trong thành lúc ấy có một đại trưởng giả không con nối dõi, lo việc phụng sự cho bọn sáu thầy ngoại đạo để cầu được có con.

“Rồi chẳng bao lâu, vợ người ấy mang thai. Trưởng giả biết vợ có thai liền đến chỗ bọn sáu thầy ngoại đạo, vui vẻ hỏi rằng: ‘Vợ tôi mang thai, đó là trai hay gái?’ Bọn sáu thầy ngoại đạo đáp: ‘Chắc chắn sẽ sanh con gái.’

“Nghe như vậy, trưởng giả lấy làm sầu não. Khi ấy có người trí thức đến hỏi trưởng giả rằng: ‘Tại sao ông sầu não như vậy?’ Trưởng giả đáp: ‘Vợ tôi mang thai, tôi chưa biết là trai hay gái nên đến hỏi sáu thầy ngoại đạo. Họ dạy rằng: Như tướng pháp của ta, quyết định sẽ sanh con gái. Nghe lời ấy rồi, tôi tự nghĩ mình tuổi đã già, giàu có vô cùng, nếu không có con trai thì biết lấy ai thừa kế? Vì vậy nên tôi buồn rầu.’

“Người trí thức kia liền khuyên rằng: ‘Ông thật không có trí tuệ, từ trước tới nay không nghe biết gì sao? Anh em ông Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp là đệ tử của ai? Là đệ tử Phật hay đệ tử sáu thầy ngoại đạo? Nếu sáu thầy ngoại đạo là những người biết tất cả, tại sao ông Ca-diếp bỏ đi chẳng thờ, lại đến làm đệ tử Phật? Lại nữa, các ông Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên... các vị quốc vương như vua Tần-bà-sa-la... các bậc hoàng hậu, phu nhân như bà Mạt-lợi... các vị trưởng giả ở các nước như bọn ông Tu-đạt-đa... Những người như vậy, chẳng phải đều là đệ tử Phật cả sao? Lại như quỷ thần Khoáng Dã, vua A-xà-thế, voi say Hộ Tài, Ương-quật-ma-la ác tâm mãnh liệt muốn giết hại mẹ mình, những trường hợp như vậy há chẳng phải đều do đức Như Lai điều phục hay sao?

“Trưởng giả! Đức Như Lai Thế Tôn đối với tất cả các pháp đều rõ biết không ngăn ngại nên được xưng là Phật. Lời ngài nói ra chân thật duy nhất nên gọi là Như Lai. Ngài đã dứt trừ hết mọi phiền não nên gọi là bậc Ứng Cúng, [xứng đáng nhận sự cúng dường của tất cả chúng sanh]. Lời dạy của đức Thế Tôn bao giờ cũng là chân thật duy nhất. Bọn sáu thầy ngoại đạo không được như thế, làm sao có thể tin được? Hiện nay đức Như Lai đang ở gần đây, nếu muốn biết sự thật thì ông nên đến chỗ Phật.’

“Khi đó, trưởng giả liền đi với người ấy đến chỗ ta, cúi đầu và mặt lễ bái sát chân ta, đi quanh ba vòng cung kính, rồi chắp tay quỳ mọp, thưa rằng: “Thế Tôn đối với chúng sanh bình đẳng không phân biệt; kẻ oán, người thân đều xem như nhau. Con nay bị dây luyến ái trói buộc, không thể không phân biệt kẻ oán, người thân. Nay con muốn thưa hỏi Như Lai Thế Tôn, nhưng tự trong lòng cảm thấy xấu hổ, sợ sệt không dám nói ra. Bạch Thế Tôn! Vợ con mang thai, sáu thầy ngoại đạo đều nói chắc rằng sẽ sanh con gái. Việc ấy là thế nào?’

“Phật dạy: ‘Trưởng giả! Đứa con trong thai vợ ông đó chắc chắn là trai. Đứa trẻ ấy sanh ra rồi, phước đức không ai bằng.’

“Khi ấy, trưởng giả nghe lời ta dạy rồi, hết sức vui vẻ, bèn trở về nhà. Bọn sáu thầy ngoại đạo nghe ta nói trước rằng đứa trẻ chưa sanh kia là con trai và có phước đức lớn, liền sanh lòng ganh ghét. Họ dùng trái am-la trộn thuốc độc vào, mang đến nhà trưởng giả, nói rằng: ‘Sung sướng thay! Cồ-đàm khéo nói ra được tướng này! Khi nào vợ ông sắp sanh, nên cho uống thuốc này. Uống thuốc này rồi thì đứa con sẽ được đoan chánh, người mẹ không có bệnh hoạn.’

“Trưởng giả vui vẻ nhận lãnh thuốc độc, [đến lúc gần sanh] đưa cho vợ uống. Bà uống thuốc rồi liền chết ngay!

“Bọn sáu thầy ngoại đạo lấy làm mừng rỡ, đi khắp trong thành thị lớn tiếng rêu rao rằng: ‘Sa-môn Cồ-đàm nói trước rằng vợ trưởng giả ấy sẽ sanh con trai, đứa con ấy sẽ có phước đức trong thiên hạ không ai hơn. Nay đứa trẻ chưa sanh ra mà người mẹ đã bỏ mạng!’

“Khi ấy, trưởng giả đối với ta lại mất lòng tin, liền y theo pháp thế gian mà khâm liệm quan quách, đưa ra ngoài thành, chất nhiều củi khô, [chuẩn bị] dùng lửa thiêu.

“Ta dùng đạo nhãn thấy rõ việc ấy, liền bảo A-nan: ‘Hãy mang y lại đây, ta muốn đến nơi đó phá trừ tà kiến.’

“Ngay lúc đó, Thiên vương Tỳ-sa-môn liền bảo vị Đại tướng Ma-ni-bạt-đà rằng: ‘Nay Như Lai muốn ngự đến chỗ bãi tha ma ấy. Khanh mau tới đó dọn dẹp, quét rửa, đặt tòa ngồi sư tử, tìm những loại hương hoa thơm đẹp để làm trang nghiêm vùng đất ấy.’

“Khi ấy, bọn sáu thầy ngoại đạo từ xa nhìn thấy ta đi đến, liền bảo nhau rằng: ‘Sa-môn Cồ-đàm đến bãi tha ma này, chắc là muốn ăn thịt chăng?’

“Bấy giờ, có nhiều người chưa chứng đắc pháp nhãn trong số các cư sĩ nam, thảy đều lấy làm hổ thẹn, thưa với ta rằng: ‘Người đàn bà ấy đã chết, xin Phật không nên đến đó.’

“Lúc đó, A-nan liền nói bảo mọi người rằng: ‘Hãy đợi một chút! Không bao lâu nữa Như Lai sẽ mở rộng cảnh giới của chư Phật.’

“Khi ta đến nơi, liền ngự trên tòa sư tử. Trưởng giả cật vấn ta rằng: ‘Vì nói lời chân thật duy nhất nên ngài được xưng là Thế Tôn. Nhưng nay người mẹ đã chết rồi, làm sao sanh con trai?’

“Ta nói: ‘Trưởng giả! Lúc trước ông không hề hỏi ta về mạng số người mẹ dài hay ngắn, ông chỉ hỏi ta về cái thai đó là trai hay gái mà thôi. Chư Phật Như Lai nói ra đều là lời chân thật duy nhất, cho nên phải biết rằng ông chắc chắn sẽ được con trai.’

“Lúc ấy, tử thi bị lửa thiêu, bụng nứt ra, rồi từ trong bụng hiện ra đứa con, ngồi ngay ngắn trong lửa như chim uyên ương đậu trên tòa sen.

“Bọn sáu thầy ngoại đạo thấy vậy liền nói: ‘Yêu mị thay! Cồ-đàm thật khéo làm ảo thuật!’

“Trưởng giả nhìn thấy như vậy trong lòng mừng rỡ, quở trách sáu thầy ngoại đạo rằng: ‘Nếu nói là ảo thuật, sao các ông không làm được như vậy?’

“Lúc ấy, ta bảo Kỳ-bà: ‘Ông hãy vào trong lửa, bế đứa bé ấy ra đây.’

“Kỳ-bà vừa chuẩn bị bước đi, bọn sáu thầy ngoại đạo liền đến trước mặt ngăn lại, bảo Kỳ-bà rằng: ‘Sự biến hóa ảo thuật của sa-môn Cồ-đàm không phải lúc nào cũng vậy, có khi được, có khi chẳng được. Nếu như chẳng được thì ông có thể bị hại. Sao ông lại tin lời ấy?’

“Kỳ-bà đáp: ‘Giá như đức Như Lai sai tôi vào địa ngục A-tỳ thì lửa dữ nơi ấy cũng sẽ không thể đốt được tôi, huống chi là lửa ở thế gian!’

“Liền đó, Kỳ-bà bước vào trong đám lửa, dường như đi vào dòng nước sông mát mẻ, bế lấy đứa bé rồi trở ra đi đến chỗ ta, trao nó cho ta. Ta nhận đứa bé rồi, bảo trưởng giả rằng: ‘Thọ mạng của tất cả chúng sanh không có gì chắc chắn, chỉ như bọt trên mặt nước. Nếu chúng sanh có nghiệp quả lớn lao thì lửa không thiêu được, thuốc độc không hại được. Việc này là do nghiệp quả của đứa bé, không phải do ta làm được!’

“Khi ấy, trưởng giả bạch rằng: ‘Lành thay, Thế Tôn! Nhờ có được đứa bé này con mới thấu rõ được nghiệp quả, nguyện Như Lai đặt tên cho nó.’

“Phật dạy: ‘Trưởng giả! Đứa bé này sanh ra trong lửa dữ. Lửa gọi là thọ-đề, vậy nên đặt tên nó là Thọ-đề.’

“Bấy giờ, những người có mặt nơi ấy đều được thấy ta biến hóa thần thông, nên có vô lượng chúng sanh liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Lúc đó, bọn sáu thầy ngoại đạo đã đi qua khắp sáu thành lớn nhưng chẳng được dừng chân ở đâu cả, phải cúi đầu hổ thẹn. Rồi họ lại đến thành Câu-thi-na này. Khi đến đây rồi, họ tuyên bố rằng: ‘Mọi người nên biết, sa-môn Cồ-đàm là nhà ảo thuật lớn, dối gạt thiên hạ trong khắp sáu thành lớn. Ví như một nhà ảo thuật giả dối tạo ra bốn loại quân: quân dùng xe, quân cưỡi ngựa, quân cưỡi voi, quân đi bộ. Người ấy lại còn giả dối tạo ra mọi thứ như chuỗi ngọc, thành quách, cung điện, sông rạch, hồ ao, cây cối... Sa-môn Cồ-đàm cũng vậy, ông ấy giả dối tạo tác thân vua. Vì sự thuyết pháp nên ông hóa làm thân sa-môn, thân bà-la-môn, thân nam, thân nữ, thân nhỏ hoặc thân lớn. Có khi ông làm thân súc sanh, thân quỷ thần. Hoặc ông thuyết vô thường, hoặc ông thuyết hữu thường; có khi ông thuyết là khổ, có khi ông thuyết là vui; hoặc ông thuyết hữu ngã, hoặc ông thuyết vô ngã; hoặc ông thuyết hữu tịnh, hoặc ông thuyết bất tịnh; có lúc ông thuyết hữu, có lúc ông thuyết vô. Việc làm của ông ấy là hư vọng, nên gọi là ảo.

“Ví như do nơi hạt giống mà có được quả; sa-môn Cồ-đàm cũng vậy, do nơi bà Ma-da mà sanh ra. Mẹ là huyễn, con không thể không là huyễn! Sa-môn Cồ-đàm không có chỗ thấy biết chân thật. Các thầy bà-la-môn trải qua nhiều năm tu tập khổ hạnh, giữ gìn giới cấm, còn nói là chưa có sự thấy biết chân thật, huống chi Cồ-đàm, tuổi trẻ học cạn, không tu khổ hạnh, làm sao có được chỗ thấy biết chân thật? Nếu có thể tu tập trọn đủ bảy năm khổ hạnh, chỗ thấy biết còn chưa nhiều, huống chi ông ấy tu tập chưa được sáu năm! Chỉ những kẻ ngu si không có trí tuệ mới tin nhận lời dạy của Cồ-đàm. Như nhà ảo thuật lớn dối gạt những kẻ ngu, sa-môn Cồ-đàm cũng giống như vậy.’

“Thiện nam tử! Bọn sáu thầy ngoại đạo ấy cố hết sức làm cho chúng sanh trong thành này tăng trưởng tà kiến. Thiện nam tử! Ta thấy việc ấy sanh lòng thương xót, bèn dùng thần lực triệu thỉnh chư Đại Bồ Tát mười phương tụ hội về nơi rừng này, đầy khắp trong một vùng ngang dọc là bốn mươi do-diên, ta ở giữa nơi này mà phát tiếng [pháp âm rền vang như tiếng] rống của sư tử chúa.

“Thiện nam tử! Dù có giảng thuyết nhiều ở nơi vắng vẻ cũng không gọi là như tiếng rống của sư tử. [Thuyết pháp] giữa đại chúng toàn những bậc trí tuệ như thế này mới thật là [rền vang như tiếng rống của] sư tử chúa! Thuyết pháp đó, là giảng nói rằng tất cả các pháp đều vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh; chỉ riêng nói rằng Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh mà thôi!

“Lúc ấy, bọn sáu thầy ngoại đạo lại nói rằng: ‘Nếu Cồ-đàm có ngã, chúng ta cũng có ngã. Nói ngã đó, là người nhìn thấy [vật] gọi là ngã. Cồ-đàm! Ví như có người nhìn theo một hướng mà thấy vật. Cái ngã cũng như vậy. Hướng là ví với con mắt, người thấy đó là ví với ngã.’

“Phật bảo bọn sáu thầy ngoại đạo rằng: ‘Nếu nói người thấy đó là ngã, nghĩa ấy chẳng đúng. Vì sao vậy? Như ví dụ mà các ông dẫn ra đó: ‘nhìn theo một hướng mà thấy’, người ở tại một hướng mà dùng đủ sáu căn, nếu quyết định là có một cái ngã nhân nơi con mắt mà thấy, vì sao trong một [nhãn] căn của người kia không nhận biết được tất cả các trần? Nếu trong một căn không thể cùng lúc nghe thấy nhận biết cả sáu trần, nên biết rằng [trong đó] thật không có ngã.

“Theo các ông nói rằng ‘hướng là ví với con mắt’, thì dù trải qua trăm năm, người thấy là nhân nơi hướng nên chỗ thấy [lẽ ra] không thay đổi! Nếu con mắt đúng là như thế, thì khi tuổi già mắt yếu, lẽ ra [chỗ thấy] cũng không thay đổi. Lại nữa, người và hướng khác nhau nên thấy trong, thấy ngoài; nếu con mắt đúng là như các ông nói, lẽ ra cũng cùng lúc thấy trong, thấy ngoài. Nếu là không thấy, làm sao có ngã?’

“Sáu thầy ngoại đạo lại nói rằng: ‘Cồ-đàm! Nếu không có ngã thì ai là người có khả năng thấy đó?’

“Phật dạy: ‘Có hình sắc, có ánh sáng, có tâm thức, có con mắt, bốn điều kiện này hợp lại gọi là thấy. Trong [sự thấy] đó thật không có người nhìn thấy, không có đối tượng được thấy. Chúng sanh điên đảo nói rằng có người nhìn thấy và có đối tượng được thấy. Vì nghĩa ấy, chỗ thấy của tất cả chúng sanh là điên đảo, chỗ thấy của chư Phật, Bồ Tát là chân thật.

‘Này các ông! Nếu nói rằng sắc là ngã, nghĩa ấy cũng không đúng. Vì sao vậy? Vì sắc thật không phải ngã. Nếu sắc là ngã, lẽ ra không có những hình mạo thô xấu [không ai mong muốn]! Vì sao lại có bốn dòng tộc khác nhau mà không duy nhất chỉ một dòng Bà-la-môn? Vì sao phải phụ thuộc vào những điều kiện khác mà không được như ý muốn, như người các căn khiếm khuyết, sanh ra đã không đầy đủ? Vì sao không tạo ra thân chư thiên [tốt đẹp] mà phải nhận chịu những thân địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ đủ loại? Nếu không thể tùy ý làm ra, nên biết chắc chắn là vì không có ngã. Vì không có ngã nên gọi là vô thường. Vì vô thường nên khổ. Vì khổ nên là không [thật]. Vì không [thật] nên là điên đảo. Do điên đảo mà tất cả chúng sanh đều phải trôi lăn trong sanh tử. [Các ấm] thọ, tưởng, hành, thức cũng [giống như sắc] vậy.

“Này các ông! Đấng Như Lai Thế Tôn đã dứt trừ mãi mãi sự trói buộc của sắc cho đến sự trói buộc của thức. Vì thế nên xưng là thường, lạc, ngã, tịnh.

“Lại nữa, sắc tức là nhân duyên. Nếu là nhân duyên thì gọi là vô ngã. Nếu là vô ngã thì là khổ, là không [thật]. Thân Như Lai không phải nhân duyên. Vì không phải nhân duyên nên gọi là có ngã. Nếu có ngã tức là thường, lạc, ngã, tịnh.’

“Bọn sáu thầy ngoại đạo lại nói: ‘Cồ-đàm! Sắc cũng không phải ngã, cho đến thức cũng không phải ngã; cái ngã đó biến hiện khắp mọi nơi, cũng như hư không.’

“Phật dạy: ‘Nếu có sự biến hiện, ắt không thể nói rằng: Trước đây tôi không thấy. Nếu trước đây không thấy, nên biết rằng cái thấy ấy là trước không mà sau mới có. Nếu trước là không sau mới có thì gọi là vô thường. Nếu là vô thường, làm sao nói là biến hiện? Nếu có sự biến hiện, thì trong năm nẻo lẽ ra đều có [hiện] đủ các thân. Nếu có [nhiều] thân [như vậy], lẽ ra mỗi thân đều thọ quả báo. Nếu mỗi thân đều thọ quả báo, làm sao nói rằng [có sự] chuyển sanh [thọ thân] ở hai cõi trời, người?

“Các ông nói biến hiện, vậy đó là một hay là nhiều? Nếu ngã là một, ắt sẽ không có [phân ra] cha, con, kẻ oán, người thân, hoặc chẳng oán chẳng thân. Nếu ngã là nhiều thì năm căn của tất cả chúng sanh lẽ ra phải bình đẳng như nhau; nghiệp báo, trí tuệ cũng giống như nhau. Nếu là như vậy, sao nói rằng có người các căn đầy đủ, có người không đầy đủ; có nghiệp lành, nghiệp dữ; có kẻ ngu, người trí khác nhau?”

“Bọn sáu thầy ngoại đạo lại nói: ‘Cồ-đàm! Cái ngã của chúng sanh là [cùng khắp] không có giới hạn, nhưng pháp và phi pháp thì có sự phân chia rõ ràng. Chúng sanh tu tập theo pháp ắt được thân tốt đẹp, nếu làm những việc phi pháp thì phải chịu thân xấu xí. Vì nghĩa ấy, nghiệp quả của chúng sanh không thể không sai khác.’

“Phật dạy: ‘Này các ông! Nếu pháp và phi pháp là như vậy thì cái ngã không có sự biến hiện [như các ông nói]. Nếu cái ngã có biến hiện, ắt phải đến được khắp mọi nơi. Nếu nó đến khắp mọi nơi, thì người tu thiện lẽ ra cũng có ác, kẻ làm ác lẽ ra cũng có thiện! Nếu không phải như thế, sao gọi là biến hiện?’

“Sáu thầy ngoại đạo lại biện bạch: ‘Cồ-đàm! Ví như thắp lên trăm ngàn ngọn đèn trong một căn phòng, đèn này chiếu sáng không làm ngăn ngại đèn khác. Cái ngã của chúng sanh cũng giống như vậy, việc tu thiện và làm ác không lẫn lộn nhau.’

“Phật dạy: ‘Thiện nam tử! Nếu các ông nói rằng cái ngã như ngọn đèn, nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Ánh sáng của ngọn đèn là do duyên mà có, đèn càng lớn thì ánh sáng càng mạnh. Cái ngã của chúng sanh không phải vậy. Ánh sáng từ ngọn đèn phát ra, trụ ở nơi khác. Cái ngã của chúng sanh không giống như thế, [không phải] từ thân mà ra, trụ ở nơi khác. Ánh sáng của ngọn đèn kia vốn cùng tồn tại với bóng tối. Vì sao vậy? Như trong căn phòng tối, thắp lên một ngọn đèn thì không đủ sáng rõ. Đến khi thắp lên nhiều ngọn đèn thì mới sáng rõ. Nếu ngọn đèn đầu tiên đã phá trừ bóng tối thì không cần đến những ngọn đèn sau. Nếu đã cần đến những ngọn đèn sau, thì nên biết rằng ánh sáng ban đầu vẫn cùng tồn tại với bóng tối.’

“Bọn sáu thầy ngoại đạo lại nói: ‘Cồ-đàm! Nếu không có ngã thì ai là người làm thiện, làm ác?’

“Phật dạy: ‘Nếu là cái ngã làm, sao gọi là thường? Nếu ngã là thường, sao có thể khi làm thiện, khi làm ác? Nếu nói rằng có khi làm thiện, có khi làm ác, sao có thể nói rằng ngã là [cùng khắp] không có giới hạn? Nếu là cái ngã làm, vì sao lại có sự quen làm ác? Nếu cái ngã có làm, có biết, sao lại sanh lòng nghi rằng chúng sanh không có ngã? Vì nghĩa ấy, trong pháp ngoại đạo [của các ông] chắc chắn không có ngã.

“Nếu nói có ngã, ắt ngã đó phải là Như Lai. Vì sao vậy? Vì thân [Như Lai] là [cùng khắp] không có giới hạn; vì không còn có những sự nghi ngờ. Vì [Như Lai] không tạo tác, không thọ nhận nên gọi là thường. Vì [Như Lai] không sanh không diệt nên gọi là lạc. Vì [Như Lai] không có phiền não nhiễm ô nên gọi là tịnh. Vì [Như Lai] không có mười tướng nên gọi là không. Vì thế, Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh, là rỗng không, không có các hình tướng.’

“Các thầy ngoại đạo thưa rằng: ‘Nếu nói Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh, vì không có tướng nên rỗng không, thì nên biết rằng giáo pháp mà Cồ-đàm thuyết dạy chẳng phải là [hoàn toàn chấp lấy] không. Nay chúng tôi xin cung kính thọ nhận và hành trì.’

“Bấy giờ, có vô số ngoại đạo phát khởi lòng tin đối với pháp Phật, xuất gia theo Phật.

“Thiện nam tử! Vì nhân duyên ấy nên nay ta ở giữa rừng cây sa-la mọc sóng đôi này [thuyết giảng giáo pháp rền vang như tiếng] sư tử rống. Thuyết pháp [như tiếng sư tử rống], đó gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Những cây sóng đôi ở phương đông là phá sự vô thường mà được thường... cho đến những cây sóng đôi ở phương bắc là phá sự bất tịnh mà được tịnh.

“Thiện nam tử! Những chúng sanh nơi đây vì các cây sa-la mọc sóng đôi mà gìn giữ bảo vệ rừng sa-la, không để cho người ngoài đến lấy đi cành lá hay chặt phá. Ta cũng vì bốn pháp mà khiến cho các đệ tử hộ trì pháp Phật. Những pháp nào là bốn? Đó là thường, lạc, ngã, tịnh. Những cây sóng đôi ở bốn phương đó do bốn vua gìn giữ. Ta vì bốn vua ấy hộ trì Chánh pháp nên ở trong rừng này mà nhập Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Những cây sa-la mọc sóng đôi này thường có hoa quả sum sê, làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh. Ta cũng như vậy, thường làm lợi ích cho hàng Thanh văn, Duyên giác. Hoa là ví với ngã, quả là ví với lạc. Vì nghĩa ấy nên ta ở tại nơi đây, giữa những cây sa-la mọc sóng đôi mà nhập Chánh định Đại tịch. Chánh định Đại tịch gọi là Đại Niết-bàn.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Vì sao Như Lai nhập Niết-bàn vào tháng hai?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Tháng hai nhằm mùa xuân. Những tháng trong tiết dương xuân, muôn vật đều sanh trưởng, cây trồng bén rễ, hoa quả phô bày tươi tốt, sông ngòi tràn đầy, trăm loài thú đua nhau sanh nở. Lúc này, có nhiều chúng sanh khởi lên tư tưởng [cho rằng các pháp là] thường tồn. Vì muốn phá cái tâm [chấp] thường ấy của chúng sanh nên phải dạy rằng ‘tất cả các pháp đều là vô thường’, chỉ riêng nói Như Lai là thường trụ, không biến đổi.

“Thiện nam tử! So với các mùa khác trong năm, vào đầu mùa đông [thời tiết] đã khô khan, suy kiệt, mọi người không ai ưa thích; còn tiết xuân thì ấm áp ôn hòa, mát mẻ, ai ai cũng ham muốn, ưa thích. Vì muốn phá cái vui [tạm bợ] của thế gian nên phải giảng thuyết những lẽ thường, lạc.

“Đối với các lẽ ngã, tịnh cũng vậy. Như Lai vì muốn phá cái ngã [giả tạm] của thế gian, cái tịnh [giả tạm] của thế gian, nên mới giảng thuyết rằng Như Lai là ngã chân thật, là tịnh chân thật.

“Nói tháng hai là ví như hai loại Pháp thân của Như Lai. Mùa đông chẳng ai ưa thích là ví với hàng trí giả không ưa thích việc Như Lai vô thường, nhập Niết-bàn. Tháng hai ai cũng ưa thích là ví với hàng trí giả ưa thích việc Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh. Trồng cây [bén rễ] là ví với chúng sanh nghe Chánh pháp [sanh lòng] hoan hỷ, bèn phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, trồng các căn lành. Sông ngòi [tràn đầy] là ví với chư Đại Bồ Tát Mười phương đều tụ hội về chỗ Như Lai, thưa hỏi và thọ nhận kinh điển Đại Niết-bàn này. Trăm loài thú đua nhau sanh nở là ví với các đệ tử Phật sanh khởi các căn lành. Hoa là ví với Bảy giác chi, quả là ví với Bốn thánh quả.

“Vì những nghĩa ấy nên ta nhập Đại Niết-bàn vào tháng hai.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Các ngày đản sanh, xuất gia, thành đạo, chuyển Pháp luân của Như Lai đều là mồng tám, vì sao khi nhập Niết-bàn lại duy nhất chọn vào ngày rằm?”

Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Vào ngày rằm, mặt trăng tròn đầy không khuyết. Chư Phật Như Lai cũng vậy, lúc vào Niết-bàn là tròn đầy không khuyết. Vì nghĩa ấy nên Phật chọn ngày rằm mà nhập Niết-bàn rốt ráo.

“Thiện nam tử! Mặt trăng tròn sáng vào đêm rằm có mười một công năng. Những gì là mười một? Một là có thể phá trừ bóng tối; hai là giúp chúng sanh nhận ra đường đi; ba là giúp chúng sanh phân biệt đường đi đúng, sai; bốn là trừ được sự nóng bức, mang lại sự mát mẻ vui thích; năm là có thể phá trừ lòng cao ngạo của lửa đom đóm; sáu là ngăn chặn mọi ý tưởng trộm cướp; bảy là giúp chúng sanh không còn lo sợ thú dữ; tám là giúp cho hoa ưu-bát-la nở; chín là khiến cho hoa sen khép lại; mười là gây sự phấn khởi trong lòng người đi đường, khiến họ mạnh mẽ dấn bước đi tới; mười một là khiến cho những chúng sanh ưa thích năm dục được nhiều khoái lạc.

“Thiện nam tử! Vầng trăng tròn Như Lai cũng giống như vậy, [cũng có mười một công năng]. Một là phá trừ bóng tối vô minh tràn khắp; hai là diễn thuyết [phân biệt] chánh đạo, tà đạo; ba là khai mở chỉ bày rằng sanh tử là hiểm ác, tà vạy, Niết-bàn là an bình, chánh trực; bốn là khiến người lìa xa sự nóng bức của tham dục, sân khuể, ngu si; năm là phá tan ánh sáng [le lói] của ngoại đạo; sáu là phá trừ giặc phiền não trói buộc; bảy là trừ diệt lòng sợ sệt đối với năm sự ngăn che [trong tu tập]; tám là làm hiển lộ tâm muốn gieo trồng căn lành của chúng sanh; chín là che lấp ngăn chặn tâm [ham mê] năm dục của chúng sanh; mười là làm sanh khởi hạnh tu tiến của chúng sanh hướng về Đại Niết-bàn; mười một là khiến các chúng sanh ưa thích sự tu tập giải thoát.

“Vì những nghĩa ấy nên ta [thị hiện] nhập Đại Niết-bàn vào ngày rằm, nhưng thật ra ta không hề nhập Niết-bàn.

“Trong những đệ tử của ta, chỉ những kẻ xấu ác ngu si mới nói chắc rằng Như Lai đã nhập Niết-bàn. Ví như một người mẹ có nhiều con, bỏ đi đến một nước khác. Trong thời gian người mẹ chưa trở về, những đứa con đều nói rằng: ‘Mẹ tôi đã chết.’ Nhưng thật ra người mẹ ấy không hề chết!”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Những tỳ-kheo nào có thể làm trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này?”

“Thiện nam tử! Nếu tỳ-kheo nào thọ trì, đọc tụng Mười hai bộ kinh, sửa đúng câu văn, thông đạt nghĩa lý sâu xa; vì người khác mà giảng giải phần đầu, phần giữa và phần cuối đều là tốt lành; vì muốn làm lợi ích vô lượng chúng sanh nên diễn thuyết hạnh thanh tịnh; vị tỳ-kheo như vậy ắt có thể làm trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Theo như chỗ con hiểu lời Phật dạy thì tỳ-kheo A-nan chính là người ấy. Vì sao vậy? Vì tỳ-kheo A-nan thọ trì, đọc tụng Mười hai bộ kinh, vì người khác mở bày giảng thuyết, lời chân chánh, nghĩa chân chánh. Giống như việc rót nước [từ bình này] sang bình khác, tỳ-kheo A-nan theo Phật nghe [Chánh pháp] rồi y theo chỗ được nghe mà thuyết giảng lại [đầy đủ với mọi người khác].”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có tỳ-kheo nào được thiên nhãn trong sạch, thấy khắp Tam thiên Đại thiên thế giới trong mười phương như người ta nhìn trái a-ma-lặc đặt trong lòng bàn tay; vị tỳ-kheo như vậy cũng có thể làm trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này.”

Bồ Tát Sư Tử Hống thưa: “Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thì tỳ-kheo A-na-luật chính là người ấy. Vì sao vậy? Vì A-na-luật chứng đắc thiên nhãn, nhìn thấy mọi sự vật trong khắp Tam thiên Đại thiên thế giới, cho tới trong cõi trung ấm, một cách rõ ràng không gì chướng ngại.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có tỳ-kheo nào ít ham muốn, tự biết đủ, ưa thích sự vắng lặng an tĩnh, siêng năng tu hành các pháp tinh tấn, niệm, định, trí tuệ, giải thoát; vị tỳ-kheo như vậy ắt có thể trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này.

Bồ Tát Sư Tử Hống thưa: “Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thì tỳ-kheo Ca-diếp chính là người ấy. Vì sao vậy? Vì tỳ-kheo Ca-diếp khéo tu các pháp ít ham muốn, tự biết đủ... [đủ các pháp như Phật vừa kể trên].”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có tỳ-kheo nào vì việc ích lợi cho chúng sanh, không vì lợi dưỡng riêng, tu tập thông đạt pháp tam-muội Vô tranh, Thánh hạnh, Không hạnh; vị tỳ-kheo như vậy ắt có thể trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này.”

Bồ Tát Sư Tử Hống thưa: “Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thì tỳ-kheo Tu-bồ-đề chính là người ấy. Vì sao vậy? Vì Tu-bồ-đề khéo tu phép Vô tranh, Thánh hạnh, Không hạnh.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có tỳ-kheo nào khéo tu thần thông, trong khoảng một niệm tưởng có thể thực hiện mọi sự biến hóa thần thông, dùng một tâm an định mà tạo ra hai kết quả [đối nghịch] như là: nước, lửa... vị tỳ-kheo như vậy ắt có thể trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch rằng: “Thế Tôn! Nếu như vậy thì tỳ-kheo Mục-kiền-liên chính là người ấy. Vì sao vậy? Vì Mục-kiền-liên khéo tu thần thông, biến hóa vô lượng.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có tỳ-kheo nào tu tập các pháp trí tuệ được trí lớn lao, trí sắc bén, trí nhanh nhạy, trí giải thoát, trí sâu xa, trí rộng lớn, trí không giới hạn, trí không ai vượt qua, trí chân thật; thành tựu đầy đủ căn bản trí tuệ như vậy; lòng không phân biệt kẻ oán với người thân; nếu nghe nói Như Lai là vô thường, nhập Niết-bàn, lòng không lo buồn; nếu nghe nói Như Lai là thường trụ, chẳng nhập Niết-bàn, lòng cũng không vui thích; vị tỳ-kheo như vậy ắt có thể trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này.”

Bồ Tát Sư Tử Hống thưa: “Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thì tỳ-kheo Xá-lợi-phất chính là người ấy. Vì sao vậy? Vì Xá-lợi-phất khéo thành tựu đầy đủ trí tuệ như vậy.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có tỳ-kheo nào có thể giảng thuyết rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, tỳ-kheo ấy được thân kim cang, không có giới hạn, thường, lạc, ngã, tịnh, thân tâm không ngăn ngại, đạt được tám đức tự tại; vị tỳ-kheo như vậy ắt có thể trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch rằng: “Thế Tôn! Nếu như vậy thì duy nhất chỉ có Như Lai là người như vậy mà thôi. Vì sao vậy? Vì thân Như Lai là kim cang, là không giới hạn, là thường, lạc, ngã, tịnh, là thân tâm không ngăn ngại, mới có đủ tám đức tự tại.

“Bạch Thế Tôn! Chỉ riêng Như Lai mới có thể trang nghiêm rừng sa-la mọc sóng đôi này mà thôi! Nếu không có Như Lai, ắt [nơi này] chẳng được đoan nghiêm. Xin nguyện đức Như Lai mở lòng đại từ bi, vì sự trang nghiêm như vậy mà thường trụ ở rừng sa-la này.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Bản tánh của tất cả các pháp là trụ ở nơi không có chỗ trụ, vì sao ông lại nói lời nguyện xin Như Lai trụ [ở rừng sa-la này]?

“Thiện nam tử! Nếu nói trụ thì đó là pháp thuộc về sắc. Do nhân duyên sanh nên mới gọi là trụ. Vì nhân duyên không có xứ sở [nhất định] nên gọi là không có chỗ trụ. Như Lai đã đoạn tuyệt tất cả sự trói buộc của sắc, vì sao lại nói Như Lai [có chỗ] trụ? Đối với các ấm thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

“Thiện nam tử! Trụ tức là kiêu mạn; vì kiêu mạn nên không được giải thoát. Vì không được giải thoát nên gọi là trụ. [Thử suy xét xem] ai là người có sự kiêu mạn đó? Từ nơi đâu mà đến? [Khi ấy sẽ thấy là thật không có người kiêu mạn, cũng không từ đâu mà đến cả], nên [bản tánh của tất cả các pháp] gọi là trụ ở nơi không có chỗ trụ. Như Lai đã dứt hẳn tất cả những sự kiêu mạn, vì sao ông lại nói lời nguyện xin Như Lai trụ [ở rừng sa-la này]?

“Trụ tức là pháp hữu vi. Như Lai đã dứt hẳn các pháp hữu vi, cho nên ngài không có chỗ trụ.

“Trụ tức là pháp không [thật]. Như Lai đã dứt hẳn pháp không [thật] này nên đạt được thường, lạc, ngã, tịnh, vì sao ông lại nói lời nguyện xin Như Lai trụ [ở rừng sa-la này]?

“Trụ tức là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Như Lai đã dứt hẳn hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu, vì sao ông lại nói lời nguyện xin Như Lai trụ [ở rừng sa-la này]?

“Trụ tức là tất cả phàm phu. Các bậc thánh là không đi, không đến, không trụ. Như Lai đã dứt hết các tướng đi, tướng đến, tướng trụ, vì sao ông lại nói lời nguyện xin Như Lai trụ [ở rừng sa-la này]?

“Nói không có chỗ trụ đó là thân không có giới hạn. Thân Như Lai là không có giới hạn, vì sao ông lại nói lời nguyện xin Như Lai trụ lại nơi rừng sa-la này? Nếu ta trụ ở rừng này, tức là có giới hạn. Nếu thân [Như Lai] là có giới hạn, ắt đó là vô thường. [Nhưng] Như Lai là thường làm sao có thể nói là trụ?

“Nói không có chỗ trụ tức là hư không. Tánh Như Lai đồng với hư không, làm sao có thể nói là trụ?

“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là phép tam-muội Kim cang. Phép tam-muội Kim cang phá trừ tất cả mọi sự vướng chấp, bám trụ. Tam-muội Kim cang tức là Như Lai, làm sao có thể nói là trụ?

“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là huyễn ảo. Như Lai đồng với huyễn ảo, làm sao có thể nói là trụ?

“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là cảnh giới của các pháp không có giới hạn. Cảnh giới của các pháp không có giới hạn tức là Như Lai, làm sao có thể nói là trụ?

“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là tam-muội Thủ-lăng-nghiêm. Phép tam-muội này là rõ biết tất cả các pháp mà không có chỗ vướng mắc, bám chấp. Vì không vướng mắc nên gọi là Thủ-lăng-nghiêm. Như Lai đạt được trọn vẹn phép tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, làm sao có thể nói là trụ?

“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là trí lực phân biệt như thật. Như Lai thành tựu trí lực phân biệt như thật, làm sao có thể nói là trụ?

“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là Bố thí Ba-la-mật. [Đối với] Bố thí Ba-la-mật nếu có sự vướng trụ lại thì không thể [tiếp tục tu tập] đến Trì giới Ba-la-mật, cho đến Trí tuệ Ba-la-mật. Vì nghĩa ấy nên Bố thí Ba-la-mật gọi là không có chỗ trụ. Như Lai thậm chí còn không trụ nơi Bát-nhã Ba-la-mật, vì sao ông lại nói lời nguyện xin Như Lai trụ lại nơi rừng sa-la?

“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là tu tập Bốn niệm xứ. Nếu Như Lai chấp trụ nơi Bốn niệm xứ, ắt không thể đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đó gọi là trụ ở nơi không có chỗ trụ.

“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là cảnh giới không giới hạn của chúng sanh. Như Lai đã thấu tận cảnh giới không giới hạn của tất cả chúng sanh nhưng không có chỗ trụ.

“Lại nữa, không có chỗ trụ tức là không nơi trú ngụ. Không nơi trú ngụ gọi là không hiện hữu. Không hiện hữu gọi là không sanh ra. Không sanh ra gọi là không chết đi. Không chết đi gọi là không hình tướng. Không hình tướng gọi là không trói buộc. Không trói buộc gọi là không vướng mắc. Không vướng mắc gọi là không phiền não. Không phiền não tức là hiền thiện. Hiền thiện tức là vô vi. Vô vi tức là Đại Niết-bàn. Đại Niết-bàn tức là thường. Thường tức là ngã. Ngã tức là tịnh. Tịnh tức là lạc. Thường, lạc, ngã, tịnh tức là Như Lai.

“Thiện nam tử! Ví như hư không chẳng trụ ở phương đông, phương nam, phương tây, phương bắc, bốn phương phụ hay phương trên, phương dưới. Như Lai cũng thế, ngài chẳng trụ ở phương đông, phương nam, phương tây, phương bắc, bốn phương phụ hay phương trên, phương dưới.

“Thiện nam tử! Nếu như nói rằng việc ác tạo bởi thân, miệng, ý mang đến quả báo lành, thật không có lý. [Hoặc nói rằng] việc lành tạo bởi thân, miệng, ý phải chịu quả báo xấu ác, cũng không có lý.

“Nếu nói rằng phàm phu thấy được tánh Phật, hàng Bồ Tát Thập trụ không thấy được, cũng không có lý. [Hoặc nói rằng] những kẻ nhất-xiển-đề, phạm năm tội nghịch, phỉ báng kinh Phương đẳng, phá Bốn giới cấm nặng mà đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng không có lý. [Hoặc nói rằng] Bồ Tát trụ ở sáu địa vị đầu tiên do nhân duyên phiền não mà phải đọa vào ba đường ác, cũng không có lý. [Hoặc nói rằng] Bồ Tát Ma-ha-tát dùng thân nữ thật sự mà đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng không có lý. [Hoặc nói rằng] hạng nhất-xiển-đề là thường, Tam bảo là vô thường, cũng không có lý. [Hoặc nói rằng] Như Lai trụ nơi thành Câu-thi-na, cũng không có lý.

“Thiện nam tử! Nay Như Lai ở tại thành Câu-thi-na này, nhập Đại Tam-muội, là hang thiền định sâu thẳm, vì mọi người không nhìn thấy được nên gọi là nhập Niết-bàn.”

Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Vì sao Như Lai lại vào hang thiền định [sâu thẳm]?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Đó là vì ta muốn độ thoát các chúng sanh; vì để làm cho những người chưa gieo trồng căn lành sẽ gieo trồng; vì để làm cho những người đã gieo trồng căn lành sẽ được tăng trưởng; vì để làm cho những người có quả lành chưa chín muồi sẽ được chín muồi; vì để giảng thuyết cho những người mà quả lành đã chín muồi sẽ hướng đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; vì để làm cho những kẻ khinh rẻ pháp lành sẽ sanh lòng tôn trọng; vì để làm cho những kẻ buông thả, lười nhác sẽ lìa bỏ thói xấu buông thả, lười nhác; vì cùng với các ông như Văn-thù-sư-lợi và hàng Đại Bồ Tát luận bàn nghĩa lý; vì muốn giáo hóa những người ưa thích tụng đọc [kinh diển], ưa thích thiền định; vì dùng Thánh hạnh, Phạm hạnh, Thiên hạnh để giáo hóa chúng sanh; vì quán xét các giáo pháp sâu xa không cùng chung [với hàng Nhị thừa]; vì muốn quở trách những đệ tử buông thả, lười nhác rằng: ‘Như Lai là bậc thường tĩnh lặng còn ưa thích nhập định, huống chi bọn các ông chưa dứt hết phiền não lại sanh ra buông thả, lười nhác hay sao?’; vì muốn quở trách những tỳ-kheo xấu ác thu nhận và chất chứa tám thứ đồ vật không trong sạch, cùng những kẻ không biết giảm sự tham muốn, không tự biết đủ; vì làm cho chúng sanh tôn trọng pháp thiền định đã được nghe.

“Vì [tất cả] các nhân duyên như vậy mà [hôm nay] Như Lai vào hang thiền định [sâu thẳm].”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch: “Thế Tôn! Phép định không hình tướng gọi là Đại Niết-bàn. Do đó Niết-bàn gọi là không có tướng. Vì nhân duyên gì gọi là không có tướng?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì [Niết-bàn] không có mười tướng. Những gì là mười tướng? Một là tướng hình sắc, hai là tướng âm thanh, ba là tướng mùi hương, bốn là tướng vị nếm, năm là tướng xúc chạm, sáu là tướng sanh ra, bảy là tướng trụ lại, tám là tướng hư hoại, chín là tướng nam, mười là tướng nữ. Đó gọi là mười tướng. Vì không có những tướng ấy nên gọi là không có tướng.

“Thiện nam tử! Nếu vướng mắc nơi tướng ắt có thể sanh ra si mê; vì si mê nên sanh tham ái; vì tham ái nên bị trói buộc; vì chịu trói buộc nên phải thọ sanh; vì thọ sanh nên có sự chết; vì có sự chết nên là vô thường.

“Nếu không vướng mắc nơi các tướng ắt không sanh ra si mê. Vì không sanh ra si mê nên không có tham ái. Vì không có tham ái nên không bị trói buộc. Vì không bị trói buộc nên không phải thọ sanh. Vì không thọ sanh nên không có sự chết. Vì không có sự chết nên gọi là thường. Vì nghĩa ấy nên Niết-bàn là thường.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Những tỳ-kheo nào dứt trừ được mười tướng ấy?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có tỳ-kheo nào thường tu tập ba loại tướng [sau đây] ắt sẽ dứt trừ được mười tướng đó. Một là thường tu tập tướng định, hai là thường tu tập tướng trí tuệ, ba là thường tu tập tướng buông xả. Đó gọi là ba loại tướng [có thể dứt trừ mười tướng kia].”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch: “Thế Tôn! Vì sao gọi là các tướng định, trí tuệ, buông xả? Định tức là tam-muội. Tất cả chúng sanh đều có tam-muội, vì sao còn nói rằng tu tập tam-muội? Nếu chú tâm vào một cảnh duy nhất thì gọi là định, hay tam-muội. Nếu còn duyên theo những cảnh khác thì không gọi là tam-muội. Nếu không có định thì không phải bậc nhất thiết trí. Không phải bậc nhất thiết trí làm sao gọi là định? Nếu chỉ dùng một công hạnh mà được tam-muội thì mọi công hạnh khác đều chẳng phải tam-muội! Nếu không phải tam-muội ắt không phải là nhất thiết trí. Nếu không phải nhất thiết trí, vì sao lại gọi là tam-muội? Đối với hai tướng trí tuệ và buông xả cũng đều như vậy.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như lời ông vừa nói: ‘Duyên với một cảnh gọi là tam-muội, còn duyên với những cảnh khác nữa thì không gọi là tam-muội.’ Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? [Nói] các duyên khác đó cũng chỉ là một cảnh mà thôi. Về các công hạnh [khác nhau] cũng vậy.

“Ông lại nói rằng: ‘Chúng sanh vốn có tam-muội từ trước, không cần tu tập. Nghĩa ấy cũng không đúng, Vì sao vậy? Nói tam-muội đây tức là phép tam-muội hiền thiện, thật ra tất cả chúng sanh đều chưa có! Vậy sao có thể nói rằng không cần tu tập?

“Trụ yên trong phép tam-muội hiền thiện ấy mà quán xét tất cả các pháp, đó gọi là tướng trí tuệ hiền thiện. Không thấy có hai tướng tam-muội và trí tuệ khác nhau, đó gọi là tướng buông xả.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu chấp giữ tướng của sắc thì không thể quán các tướng thường và vô thường của sắc, đó gọi là tam-muội. Nếu có thể quán các tướng thường và vô thường của sắc, đó gọi là tướng trí tuệ. Dùng tam-muội và trí tuệ tương đương nhau mà quán tất cả các pháp, đó gọi là tướng buông xả.

“Thiện nam tử! Như người khéo cầm cương cỗ xe bốn ngựa, chạy nhanh hay chậm đều được cả. Vì chạy nhanh hay chậm đều được cả nên gọi là không vướng mắc. Bồ Tát cũng vậy; nếu phần tam-muội [hay định] nhiều hơn liền tu tập trí tuệ; nếu phần trí tuệ nhiều hơn liền tu tập định. Định và tuệ tương đương nhau gọi là buông xả.

“Thiện nam tử! Hàng Bồ Tát Thập trụ vì sức tuệ vượt hơn sức định nên không thấy rõ tánh Phật. Hàng Thanh văn và Duyên giác vì sức định vượt hơn sức tuệ nên không thấy tánh Phật. Chư Phật Thế Tôn do định và tuệ tương đương nhau nên thấy được tánh Phật một cách rõ ràng, không ngăn ngại, như nhìn trái am-ma-lặc trong lòng bàn tay. Thấy rõ được tánh Phật, đó gọi là tướng buông xả.

“[Tam-muội còn gọi là] xa-ma-tha, nghĩa là có năng lực trừ diệt, vì trừ diệt được tất cả phiền não trói buộc. Lại nữa, xa-ma-tha nghĩa là có năng lực điều phục, vì điều phục được các căn bất thiện. Xa-ma-tha lại có nghĩa là vắng lặng yên tĩnh, vì có thể làm cho ba nghiệp đều vắng lặng yên tĩnh. Xa-ma-tha lại có nghĩa là xa lìa, vì có thể khiến chúng sanh xa lìa năm dục. Xa-ma-tha lại có nghĩa là có năng lực làm trong sạch, vì có thể làm cho ba pháp uế trược là tham dục, sân khuể và ngu si trở nên trong sạch. Vì những nghĩa ấy nên gọi đây là tướng định.

“[Trí tuệ còn gọi là] tỳ-bà-xá-na, nghĩa là thấy biết chân chánh, cũng gọi là thấy biết trọn vẹn rõ ràng, hoặc có năng lực thấy biết, hoặc thấy biết khắp nơi, hoặc tuần tự thấy biết, hoặc thấy biết phân biệt các tướng riêng biệt [của các pháp]. Đó gọi là trí tuệ.

“[Buông xả còn gọi là] ưu-tất-xoa, nghĩa là bình đẳng, cũng gọi là không tranh giành, cũng gọi là không quán xét, cũng gọi là không hành trì. Đó gọi là buông xả.

“Thiện nam tử! Có hai loại xa-ma-tha, một là trong vòng thế gian, hai là ra khỏi thế gian. Lại có hai loại [xa-ma-tha], một là thành tựu, hai là không thành tựu. Thành tựu là nói chư Phật, Bồ Tát; không thành tựu là nói hàng Thanh văn, Phật Bích-chi.

“Lại có ba mức độ [xa-ma-tha] là mức độ thấp, mức độ trung bình và mức độ cao. Mức độ thấp là nói hạng phàm phu; mức độ vừa là nói hàng Thanh văn, Duyên giác; mức độ cao là nói chư Phật, Bồ Tát.

“Lại có bốn loại [xa-ma-tha]. Một là thối lui, hai là trụ vững, ba là tiến tới, bốn là có thể làm lợi ích lớn.

“Lại có năm loại [xa-ma-tha] gọi là Ngũ trí tam-muội. Những gì là năm? Một là tam-muội Vô thực, hai là tam-muội Vô quá, ba là tam-muội Thân ý thanh tịnh nhất tâm, bốn là tam-muội Nhân quả câu lạc, năm là tam-muội Thường niệm.

“Lại có sáu loại [xa-ma-tha]. Một là phép tam-muội quán xương trắng, hai là phép tam-muội quán tâm từ, ba là phép tam-muội quán Mười hai nhân duyên, bốn là phép tam-muội quán sổ tức, đếm hơi thở vào ra, năm là phép tam-muội chánh niệm giác quán, sáu là phép tam-muội quán [các pháp] sanh ra, tồn tại, biến đổi và diệt mất.

“Lại có bảy loại [xa-ma-tha], tức là Bảy giác phần. Một là Niệm xứ giác phần, hai là Trạch pháp giác phần, ba là Tinh tấn giác phần, bốn là Hỷ giác phần, năm là Trừ giác phần, sáu là Định giác phần, bảy là Xả giác phần.

“Lại có bảy loại [xa-ma-tha]. Một là tam-muội [của hàng] Tu-đà-hoàn, hai là tam-muội [của hàng] Tư-đà-hàm, ba là tam-muội [của hàng] A-na-hàm, bốn là tam-muội [của hàng] A-la-hán, năm là tam-muội [của các vị] Phật Bích-chi, sáu là tam-muội [của các vị] Bồ Tát, bảy là tam-muội rõ biết của Như Lai.

“Lại có tám loại [xa-ma-tha], tức là tám phép tam-muội giải thoát.

“Một là phép tam-muội bên trong có tướng hình sắc, bên ngoài quán hình sắc mà đạt được giải thoát.

“Hai là phép tam-muội bên trong không có tướng hình sắc, bên ngoài quán hình sắc mà đạt được giải thoát.

“Ba là phép tam-muội tự mình chứng đắc cảnh giới thanh tịnh mà đạt được giải thoát.

“Bốn là phép tam-muội chứng đắc cảnh giới rỗng không vô biên mà đạt được giải thoát.

“Năm là phép tam-muội chứng đắc cảnh giới của thức mà đạt được giải thoát.

“Sáu là phép tam-muội chứng đắc cảnh giới không có sự hiện hữu mà đạt được giải thoát.

“Bảy là phép tam-muội chứng đắc cảnh giới không thuộc về có tư tưởng hay không có tư tưởng mà đạt được giải thoát.

“Tám là phép tam-muội chứng đắc cảnh giới hoàn toàn tịch diệt mà đạt được giải thoát.

“Lại có chín loại [xa-ma-tha], đó là chín phép định tuần tự đạt được, gồm có Bốn mức thiền [từ Sơ thiền đến Tứ thiền], Bốn không xứ [gồm Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ] và phép tam-muội Diệt tận định.

“Lại có mười loại [xa-ma-tha] gọi là Mười tam-muội nhất thiết xứ.

“Những gì là mười? Một là tam-muội Địa nhất thiết xứ, hai là tam-muội Thủy nhất thiết xứ, ba là tam-muội Phong nhất thiết xứ, bốn là tam-muội Thanh nhất thiết xứ, năm là tam-muội Hoàng nhất thiết xứ, sáu là tam-muội Xích nhất thiết xứ, bảy là tam-muội Bạch nhất thiết xứ, tám là tam-muội Không nhất thiết xứ, chín là tam-muội Thức nhất thiết xứ, mười là tam-muội Vô sở hữu nhất thiết xứ.

“Lại có nhiều vô số các loại [xa-ma-tha], đó là nói [các phép tam-muội] của chư Phật, Bồ Tát.

“Thiện nam tử! Đó gọi là tướng định.

“Thiện nam tử! Có hai loại trí tuệ, một là thuộc về thế gian, hai là vượt ngoài thế gian.

“Lại có ba loại [trí tuệ]. Một là trí bát-nhã, hai là trí tỳ-bà-xá-na, ba là trí xà-na.

“Trí bát-nhã là nói tất cả chúng sanh. Trí tỳ-bà-xá-na là nói tất cả thánh nhân. Trí xà-na là nói chư Phật và Bồ Tát.

“Lại nữa, trí bát-nhã gọi là tướng riêng biệt, trí tỳ-bà-xá-na gọi là tướng chung, trí xà-na gọi là phá sạch các tướng.

“Lại có bốn loại [trí tuệ], đó là nói việc quán xét Bốn chân đế.

“Thiện nam tử! [Người tu hành] vì ba việc mà tu tập xa-ma-tha. Đó là ba việc gì? Một là để không buông thả, lười nhác; hai là để trang nghiêm trí tuệ lớn lao; ba là để đạt được sự tự do hoàn toàn không trói buộc.

“Lại nữa, [người tu hành] vì ba việc mà tu tập tỳ-bà-xá-na. Đó là ba việc gì? Một là để quán xét thấy được quả báo xấu ác của sanh tử [luân hồi]; hai là để làm tăng trưởng các căn lành; ba là để phá trừ tất cả các phiền não.”

Chapter Thirty-Six: On Bodhisattva Lion’s Roar

Then the six masters became jealous and all gathered at the place of King Prasenajit and said: "O great King! Your land is clean and quiet all around and is really the place where renunciate people can live well. Because of this, we have all come here. O great King! Do away, with right law, what is not conducive to the good of the people. Sramana Gautama is still young and unripe [immature]. Having not yet learned much, he has nothing to give. Now, in this country live many elders and virtuous persons, who, boasting of the Kshatriya caste, do not know how to pay homage. The king must govern the land through law; the world-fleeing [i.e. religious seekers, mendicants] must look up to virtue. Listen well, O great King! Sramana Gautama is not one truly of a Kshatriya family. If Sramana Gautama has any parents, why does he have to take away others’ parents? O great King! It is stated in our sutras that in 1,000 years there will appear a phantom or apparition. The so-called sramana Gautama is this. On this account, know well that the sramana is none other than this Gautama. Because of this, know that Sramana Gautama has no father and no mother. If he has, how can he say: "All things are non-eternal, suffering, void; and all have no self, no doing, no feeling?" Through occult powers, he leads beings astray. The ignorant believe, and the wise reject. O great King! The king is the parent to the land. He is, as it were, like the earth, wind, fire, way, river, bridge, lamp, sun, and moon. Through law, he dispenses justice. There cannot be any enemy or friend. Sramana Gautama permits no life. Where we go, he follows, and does not leave us. O great King! Allow us to compete in our powers of attainment. Should he win, we will become his disciples. If we win, he shall come under us." The king said: "O great ones! You each have your own way of practice, and you live in different places. I definitely know that the Tathagata-World-Honoured One does not cause you any hindrance." The six masters replied: "How is he not a hindrance to us? Sramana Gautama works miracles, leading all the people and Brahmins astray. He now has no more to subdue. If you, King, allow us to compete in miracles, the King’s good reputation will spread to all quarters. If not, evil fame will circulate abroad." The king said: "O great ones! You do not realise how superior the power of the Way of the Tathagata is. So, you seek to compete [with him]. I am sure that you will fail." "O great King! Have you already been spellbound by Gautama? Pray, O King, think well and do not belittle us. The best thing is actually to put the matter to the test." The king said: "Well said, well said!" The six masters were pleased and went on their way.

"Then, King Prasenajit came to me, touched the ground, walked around me three times, drew back, sat to one side, and said to me: "O World-Honoured One! The six masters came to me to seek permission to compete with you in the power of the Way. I carelessly gave permission." I said: "It is well, it is well! Only, erect many viharas in the land. Why? If I compete with them, there will be so many of them who will have to come over to our side that there will not be any place to accommodate them, as this place is rather too small and confined to hold them all." O good man! I, at that time, displayed a great many miracles, for the good of the six masters, from the first to the fifteenth day. Then, an innumerable number of beings gained faith in the Three Treasures and had no doubt. The number of followers of the six masters who did away with distorted minds and took refuge in Wonderful Dharma was countless. An innumerable number of people gained the unretrogressive Bodhi Mind. An innumerable number of people gained dharanis and samadhi. An innumerable number of beings attained the fruition of arhatship, rising up from [the level of] srotapanna.

"Then, the six masters repented [felt downcast] and together they went to Saketa and made people believe in twisted ways of life. They said: "Sramana Gautama teaches what is empty." O good man! I, at that time, was in Trayastrimsa Heaven and was living the life of varsika under the shade of the Parijata Tree, delivering a sermon to my mother. Then, the six masters were greatly pleased and said: "Oh good! The miracles of Gautama have ceased!" Also, [due to their] teaching an innumerable number of beings, wrong views on life increased and spread. Then, Bimbisara, Prasenajit, and the four classes of the Sangha said to Maudgalyayana: "O virtuous one! Twisted views fill this Jambudvipa. The people are miserable who must be wending their way towards great gloom. Please, O you virtuous one! Go to Heaven, fall upon the ground, pay homage and convey our words to the World-Honoured One: [Just as the newly- born calf will surely die if milk is not given, so do things stand with us beings. Have pity on us beings, O Tathagata, and come back down to us]." Then, Maudgalyayana answered their prayer and as swiftly as a strong man can bend and stretch out his arm, he came up to Heaven and said to me, the Buddha: " All the four classes of the Buddhist Sangha look up to the Tathagata and desire to hear directly from you a sermon on Dharma. Bimbisara, Prasenajit, and the four classes of the Sangha are all falling to the ground, paying homage, and saying: " The beings of this Jambudvipa are twisted in their views, and this is increasing all the more. They are walking in great gloom. This is a great pity. This is similar to a new-born calf who is sure to die if no milk is given [him]. It is the same with us. For the sake of all us beings, condescend, O Tathagata, to come down to Jambudvipa and live." I, the Buddha, said to Maudgalyayana: " Hurry to Jambudvipa and tell all the kings and the four classes of people of the Buddhist Sangha that in seven days I shall be back. For the good of the six masters, I shall come to Saketa."

"Seven days later, I, the Buddha, surrounded by Sakrodevendra, Brahma, Mara, and an innumerable number of heavenly beings and all the heavenly ones who were gathered together in Suddhavasa Heaven, came to the castle of Saketa and let out a lion's roar, declaring: "Only in my Doctrine can there be sramanas and Brahmins. All things are non-eternal and with no self. Nirvana is quiet and is removed from wrongs and worries. In other teachings, people may say that they have sramanas and Brahmins and that these are the Eternal, the Self, and Nirvana. But such can never be." Then, innnumerable, boundless numbers of people aspired to unsurpassed Enlightenment. Then, the six masters said to one another: "If there are no sramanas and Brahmins in other teachings, how can we expect dana from the world at large?" Then the six masters met and went to Vaisali. O good man! I, at that time, was staying in a mango grove. Then, Amrapali, seeing that I was there, wished to come and see me. I then spoke to all the bhiksus: "Meditate on what there is to think about [“smrtyupasthana”, mindfulness] and cultivate Wisdom. As you cultivate this, do not lose yourselves in indolence." What do we mean by meditating on what is to think about? A bhiksu meditates on his own body and does not see there the Self or what the Self possesses; also, he meditates on the bodies of others and also his own and others, and he does not see the Self or what the Self possesses; this can even extend to what obtains with the mental functions. This is the application of mindfulness, of awareness.

"What do we mean by cultivating Wisdom? A bhiksu truly sees suffering, the cause of suffering, [its] extinction, and the Way to [its] extinction. This is cultivating Wisdom.

"What is not being indolent? A bhiksu meditates on the Buddha, Dharma, and Sangha, the moral precepts, equanimity, and heaven. This is where we say that a bhiksu is not indolent in his mind.

"Amrapali came to me, fell to the ground, walked around me three times from right to left, paid homage, stepped back, and sat down to one side. O good man! To her I spoke of Dharma. Having heard [this], she aspired to unsurpassed Bodhi.

"At that time, there were in that castle 500 sons of the Licchavis. They came to me, fell to the ground, and walked around me from right to left. Having paid homage, they stepped back and seated themselves to one side. I then, for the sake of the Licchavis, spoke about Dharma: " O all of you good men! Those who are indolent contract the five karmic fruitions. What are the five? 1) one is unable freely to gain wealth; 2) evil reputation runs apace [spreads around]; 3) one does not desire to give to the poverty-stricken people; 4) one does not desire to see the four classes of people of the Sangha, and 5) one cannot gain the body of a deva. O all you good men! By non-indolence there comes about the worldly and the supramundane law. One who desires to gain unsurpassed Bodhi must practise non-indolence. Now, there are 13 things that come about as a result [of indolence]. What are the 13? They are: 1) one takes pleasure in doing what is worldly, 2) one takes pleasure in speaking useless words, 3) one takes pleasure in sleeping for a long time, 4) one takes pleasure in speaking about secular things, 5) one always takes pleasure in making friends with evil persons, 6) one is indolent and lazy, 7) one is always belittled by others, 8) one hears, but soon forgets, 9) one takes pleasure in living in far-off [provincial] places, 10), one is unable to subdue all one’s sense-organs, 11) one cannot get enough food, 12) one does not desire quietude, 13) one’s view is not correct. These are the 13." O good man! A person may well come near to the Buddha and his disciples. Yet there is [still] a great distance. All the Licchavis said: "We know that we are indolent. Why? If we were not indolent, the Tathagata, the King of Dharma, would have to appear among us."

"Then, among the congregated, there was the son of a Brahmin called Unsurpassed, who said to all the Licchavis: " Well said, well said! All is as you say. King Bimbisara once gained a great victory. The Tathagata-World-Honoured-One appears in his land. This is like the case of a great pond in which wonderful lotuses grow. Although born in the water, the water cannot defile them, O you Licchavis! It is the same with the Buddha. Although born in that land, he is not hindered by what obtains in the secular world. With the All-Buddha-World-Honoured One, there is no appearing and disappearing. For the good of all beings, he appears in the world, and is not molested by what obtains in the world. You have lost your way, have got lost in the five desires, you have befriended these, but you do not know how to befriend the Tathagata and come to where he is. So we say indolent. When the Buddha appears in Magadha, there is no indolence to speak of. Why not? The Tathagata-World-Honoured One is like the sun and moon. He does not appear in the world just for one or two people." When the Licchavis had heard this, they aspired to unsurpassed Bodhi. Also, they said: " Well said, well said, O you young, unsurpassed boy! You truly say something wonderful." Then, each of the Licchavis took off his clothing and gave it to the Unsurpassed one. Receiving these, he gave them all to me and said: "O World-Honoured One! I have all these from the Licchavis. I pray that you, the Tathagata, will take pity on all beings and accept what I now desire to offer up to you." Taking pity, I then accepted them. All the Licchavis folded their hands and said: "Please summon the varsika here once and accept what we offer." I then accepted the invitation of the Licchavis.

"Then the six masters, on hearing this, all went to Varanasi. Then I, too, went to Varanasi and stayed on the banks of the river Varana. At that time, there was a rich man in Varanasi called Treasure-Praising who had abandoned himself to the five desires and was unaware of impermanence. As I was going there, he spontaneously gained the " white-bone meditation" and saw all such as the palatial buildings, male and female servants, turn into white bones. He shook with fear. This was as sharp as a sword, a viper, a robber, or fire. He came out of his house and came to me. As he walked, he said: "O Sramana Gautama! I feel as if I am being pursued by robbers; I am greatly frightened. Please help me!"

"I said: " O good man! Peaceful are the Buddha, Dharma, and Sangha, and there is nothing to fear." The son of the rich man said: "If there is nothing to fear in the Three Treasures, I too shall gain fearlessness." I allowed him to renounce domestic life and to get ordained, so that he could well attain the Way. At that time, the son of the rich man had 50 friends. On hearing that Treasure-Praising had forsaken the domestic life and become ordained, they obediently entered the Path together.

"The six masters heard of this and moved on to Campa. At that time, the people of Campa were all followers of the six masters and had not yet heard of the Buddha, Dharma, and Sangha. And there were many of them who did evil. I then, for their sake, went to Campa. At that time, a rich man, who had no son to succeed him, lived in the castle. Following the six masters, he sought a son. Not long after that, his wife became pregnant. The rich man, on being told of this fact, went to the six masters and spoke of it, greatly pleased: " My wife will bear a child. Is it a boy or girl?" The six masters answered: "It will surely be a girl." On hearing this, the man was sad. Then a wise man came to him and said: "Why are you worried?" The rich man said: "My wife will bear a child. I did not know if the child to be born would be a boy or girl. So I asked the six masters, who said: "If what I see is true, the child must be a girl." Hearing this, I thought to myself: "I am old and am unspeakably rich. If the child is not a boy, I will have no one to give my wealth to." That is why I am worried."The wise man said: "You are dull-witted. Do you not know whose disciples the brothers Uruvilvakasyapas are? Are they the disciples of the Buddha or of the six masters? If the six masters are omniscient, why should the Kasyapas abandon them and become the disciples of the Buddha? Also, are not Sariputra, Maudgalyayana, all the kings, Bimbisara, and all the royal consorts and Mallika, and all the rich men of all states like Sudatta, the disciples of the Buddha? Were not all the demons of the wildernesses, the intoxicated elephant, whose duty it was to guard the property of Ajatasatru, and Angulimalya, who - gripped by an evil [state of] mind - meant to harm his own mother, not all subdued by the Tathagata? O rich man! The Tathagata-World-Honoured One is unimpeded in Wisdom. That is why we say "Buddha". There is no double-tongue in what he says. Hence, Tathagata. As he is cut off from defilement, he is called "arhat". The World-Honoured One does not speak in two ways. It is otherwise with the six masters. How can we believe them? The Tathagata is staying close by here. If you desire to know, go and see the Buddha." Then, the rich man came to me with this man. He prostrated himself before me, circumambulated me three times from right to left, folded his hands, and said: "O World-Honoured One! To all beings you are all-equal and are not two. Enemy and friend are one in your eyes. I am chained by desire, and enemy and friend cannot be one to me. I now wish to ask the Tathagata about something worldly. Shame takes hold of me, and I cannot speak out. O World-Honoured One! My wife will bear a child. The six masters say: "The child is a female." What will it be?" I, the Buddha, said: "O rich man! You wife will bear a child. It will be a son. There is no doubt about this. When he is born, he will be fully blessed with virtue." The rich man, on hearing this, was very happy and went back home. Then, the six masters, hearing the prophesy that the child would be male and would be full of virtue, became jealous. They made up a poison mixed in with mango and took it to the rich man, saying: " It is well and good that Gautama saw things well. Give this to your wife in the month of her parturition. If she takes this, her child will be fair and right-set [well formed], and your wife will have no trouble." The rich man received the poisoned medicine and was pleased and gave it to his wife. On taking this, his wife died. The six masters were glad and went round the castle, saying aloud: "Sramana Gautama said that the woman would give birth to a boy and that the child would be superb in virtue. The child is not yet born, but the mother is dead." Then, the rich man came to me and mistrusted me. Following the way of the people, the man put the corpse in a coffin and carried it out of the castle and covered it with dry fuel. Then it was set fire to and cremated. I saw this with the eye of the Way and looked back to Ananda and said: " Bring my robe! I will go there and destroy the twisted views." Then, Deva Vaisravana said to the general, Manibhadra: "Now, the Tathagata intends to go to the graveyard. Go quickly, sweep the place, position the lion’s-seat [“simhasana”], fetch wonderful flowers and adorn the place." Then, the six masters, seeing me from afar, went to the graveyard and said: " Does Gautama desire to devour the flesh?" At that time, there were many upasakas [lay Buddhists] who had no Dharma-Eye. Frightened, they said to me: "The woman is already dead. Please do not go!" Then, Ananda said to them: "Wait a while. Before long, the Tathagata will manifest the world of all Buddhas." I then went and seated myself upon the lion’s-seat. The rich man reproached me: "What is said must not be two. Such a person is the World-Honoured One. The mother has already died. How can there be any child?" I said: "O rich man! At the time, you made no matter of the life-span of your wife. Your concern was whether the child to come would be male or female. The All-Buddha-Tathagata is not double-tongued. Know, therefore, that you will surely get your child." Then, the mother’s belly broken open by the fire and a child emerged, and sat amid the fire. It was as when the mandarin duck sits on the lotus seat. The six masters saw this and said: "This is miraculous, O Gautama! You surely perform magic." The rich man saw and was glad. He reproached the six masters: "If magic, why do you not do it yourself?" I then said to Jivaka: "Enter the fire and fetch the child out!" Jivaka wanted to go, [but] the six masters came forward and said to Jivaka: "What miracles Sramana Gautama performs cannot always be so successful. There will be successes and failures. When it does not succeed, you will have to [suffer] harm yourself. How can you believe in his word?" Jivaka answered: "The Tathagata enables me to enter Avichi Hell. The fire cannot burn me. How could it [burn me] when it merely concerns the fire of the world?" Then Jivaka stepped forward into the fire. It was as if he were entering the cool water of a great river. Holding the child, he came back and handed it over to me. I then took the child and said to the rich man: "The life-span of all beings is not fixed. It is like water-foam. If beings are to harvest serious karmic fruition, fire cannot burn nor poison kill them. It is the karma of this child, not mine." Then the rich man said: "Well said, O World-Honoured One! If this child can live, please, O Tathagata, give the child a name!" The Buddha said: "This child of the rich man is born of fire. Fire is "judai". So this child is to be called Judai." Thus, those who were congregated there saw this miracle, and innumerable were those who aspired to unsurpassed Bodhi.

"Then, the six masters went round the six castle-towns and yet could not win the minds of the people of those places. Ashamed and with lowered heads, they came here to Kusinagara. Arriving here, they said: "Know, O all you people! Sramana Gautama is a great magician. He cheats the world, going here and there all over the six castles. For example, he is like a magician who conjures up the four military units of charioteers, horsemen, elephant-riders, and infantrymen. Also, he calls forth such things as various necklaces, castles, palaces, rivers, ponds and trees. That is how things are with Sramana Gautama. He presents himself as a king. For the purpose of sermons, he becomes a sramana, a Brahmin, a male, a female, a small body, a big body, or an animal, or demon. Or, at one time he speaks of impermanence, and at another of Permanence. At one time he speaks of suffering, at another of Bliss. At one time he speaks of the Self, and at another of selflessness. Or he speaks of Purity, and at another time of impurity. At one time, he speaks of "is", and at another, he speaks of "not-is". As whatever is done is false, we say " phantom" . For example, by the son and following the son, a person gains fruition. So do things obtain with Sramana Gautama. He has come from Maya, who is a phantom. He cannot be other than such a son. Gautama has no true knowledge. All Brahmins practise penance and uphold the precepts year after year. And yet they say they have no true knowledge. And Gautama is young and is less in learning and has not yet practised penance. How can it be that there is true knowing [here]? Even seven years of penance are not enough to call forth much results. As against this, it is even less than six years. The ignorant with no wisdom believe in his teaching. This is like the case of a great magician who greatly cheats the ignorant. It is the same with Sramana Gautama." O good man! Thus the six masters spread many false words amongst the people of this castle-town. O good man! Seeing this, I took pity, and with my miraculous powers I called in all the Bodhisattvas of the ten directions into this forest, who filled the place and surrounded me in an area 50 yojanas in extent, and I here gave forth a lion’s roar. O good man! When speaking in a place where there is no one to hear, we do not say "lion’s roar". When speaking in a congregation of the learned, we truly can say "lion’s roar". That is to say that all things are non-eternal, suffering, non-Self, and non-Pure, and that only the Tathagata is the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. Then the six masters again said: "If Gautama has his Self, we too have it. The Self alluded to is none other than "seeing". O Gautama! One sees a thing that confronts one. The case of the Self is the same. What confronts one is the eye and the seeing is the Self."

"The Buddha said to the six masters: "If seeing is the Self, you are wrong. Why? You take up the analogy of an object and say that we see by it. Now, man uses together the six sense-organs to one object. If there surely is the Self and we see unfailingly by [means of] the eye, why is it that we do not cognise all objects with that one sense-organ? If one does not meet with the six sense-fields, know that there is no Self to talk of. If things are thus with the sense-organ of sight, there will be no change even if years pass and the sense-organs become ripened. As "man" and "object" are different, one sees one’s own self and the other. If it is thus with the sense-organ of sight, there must be the seeing of one’s own self and the other at [one and the same] time. If not seen, how can we say that there is the Self?"

"The six masters said: "O Gautama! If there is no Self, who sees?" The Buddha said: "There are the thing, brightness [light], the mind, and the eye. Thus, the four conjoin and we see. In these, truth to tell, there is none that sees and none that feels. Beings are upside-down and say that there is one who sees and feels. Thus all beings are upside-down in their seeing, and all Buddhas and Bodhisattvas are true in seeing things. O you six masters! You may say that matter is Self. But this is not so. Why not? Matter is not the Self. If matter were the Self, there could not be any ugly or weakened form. Why not? And why is it that there are the differences of the four castes? Why is it that there is none but one kind of Brahmin? Why is it that people belong to the other castes and do not have unrestrictedness? Why is it that there are deficiencies in the sense-organs and that life is not perfect? Why is it that people do not all gain the body of all the devas, but gain life in hell, as an animal, preta [ghost] and all the various forms of life? If one cannot do as one wills, know that this indicates that assuredly no Self is there. As there is no Self, we speak of the non-eternal. As it is non-eternal, we have suffering. Because of suffering, it is empty. As it is empty, it is upside down. Being upside down, all beings repeat birth and death. The same applies to feeling, sensation, volition, and consciousness. O you six masters! The Tathagata-World-Honoured One is segregated from the bondage of matter down to the bondage of consciousness. Hence, we say the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure.

"Also, next. Matter is based on causal relations. What is based on causal relations has no Self. Non-Self is suffering and empty. The body of the Tathagata is not based on causal relations. Because there are no causal relations, we say that there is the Self. The Self is the Eternal, Bliss, Self, and the Pure."

"The six masters said: "O Gautama! Matter is non-Self. And down to consciousness, there is no Self. The Self fills everywhere. It is like space."

"The Buddha said: " If it fills everywhere, we cannot say that we do not see it from the very beginning. If it is not seen from the very start, we may know that this seeing is what originally was not is now. If it is what originally was not but is now, this is the non-eternal. If it is non-eternal, how can one say that it fills [everywhere]? If it fills [everywhere] and exists, there must be one body in the five realms. If there is one body that can be represented, there must be that which comes about as one result. If one result comes about, how can we say that people gain life as humans or as gods?

"You say that it fills [everywhere]. Is it one or many? If the Self is one, there cannot be any father and son, any enemy and friend, or a neutral person. If the Self is many, all the five sense-organs man possesses must be all-equal. The same applies to karma and Wisdom. If things obtain thus, how can we say that there can be those whose sense-organs are perfect or imperfect, that there are actions that are good and evil, and that there is the difference of dullness and intellectuality?"

"O Gautama! The Self of all beings knows no boundary line. Dharma and non-Dharma each has its part to play. If beings act according to Dharma, they will gain good forms; if not, evil forms will come about. For this reason, it cannot be other than that the karmic results vary. "

"The Buddha said: " O you six masters! If Dharma and non-Dharma must obtain thus, there cannot be any universality of the Self; if there is universality of the Self, it will extend all over. If it is so, then even those who practise good must also have parts that are evil and those who do evil must also have what is good. If not, how can we speak of universality?"

"O Gautama! For example, we have in a room 100 thousand lamps placed there, and each lamp is bright, not obstructing the others. It is the same with all beings. The practising of good and the performing of evil do not get mixed up."

"You say that the Self is like a lamp. But this is not so. Why not? The brightness of a lamp arises from causal relations. If the lamp is large, the brightness, too, becomes great. It is not like this with the self of the being. The brightness of the lamp arises out of the lamp and stays in other places. The self of the being arises out of the body, but cannot stay in other places. The light of the lamp dwells with the gloom. Why? When one puts a lamp into a dark room, the brightness is not much to talk of. When there are many lamps, we have brightness. If the first lamp dispels the gloom, we do not need any further lamps to dispel the gloom. If, later, lamps are used to dispel the gloom, this means that the first brightness dwells with the gloom. "

"O Gautama! If there is no Self, who is it that does good and evil?"

"The Buddha said: "If the Self does [i.e. performs actions], how can we say [it is] Eternal? If it is Eternal, how can a person do good at one time and evil at another? If a person does good or evil at [different] times, how can we say that the Self is boundless? If the Self does, why would one practise evil things? If the Self is the doer and if it is the wise, how can one doubt about the selflessness of the being? So, we can say that there can definitely be no Self in the doctrine of the tirthikas. The Self is none other than the Tathagata. Why? Because his body is boundless and there exists no doubt. On account of non-doing and non-receiving [of karmic consequences], we say Eternal. On account of birthlessness and deathlessness, we say Bliss. As there exists no defilement of illusion, we say Pure. As he does not have the ten aspects of existence, we say Void [i.e. void of all that causes suffering]. Hence, the Tathagata is none other than the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure, and the Void, and there is no other aspect to speak of."

"All the tirthikas said: "If the Tathagata is the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure and Void, due to formlessness, what Gautama says cannot be void. Because of this, we now accept [his words]."

"At that time, the number of tirthikas was innumerable. They renounced the world and had faith in the Buddha’s teaching. O good man! For this reason, I now, here in this forest of twin sal trees, give a lion’s roar. The lion’s roar is Great Nirvana. O good man! The twin trees of the east destroy the non-eternal, and through this one gains the Eternal. The twin trees of the north destroy the impure and give one the Pure. O good man! The beings that are here, because of the twin trees, protect the sal trees and will not allow people to take and cut the twigs and leaves and break [them]. It is the same with me. For the [sake of the] four laws [i.e. Eternity, Bliss, Self, and Purity], I make people protect and uphold Buddha-Dharma. What are the four? These are the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. These four twin trees are protected by the four guardians of the earth. As the four guardians guard this Dharma of mine, I here enter Parinirvana. O good man! The twin sal trees always bear fruit and give benefit to countless beings. It is the same with me. I always give benefit to sravakas and pratyekabuddhas. The flower is comparable to the Self, and the fruit is comparable to Bliss. Because of this, I here enter into the Great Silence amidst the twin sal trees. The Great Silence is Great Nirvana."

Lion’s Roar said: "Why does the Tathagata enter Nirvana in the second month?"

"O good man! The second month is spring. In the month of spring, all things grow. We sow seeds and plant roots. Flowers and fruits grow and prosper. The rivers large and small are full, and hundreds of animals raise their young and give [them] milk. At this time, many a being entertains the thought of the Eternal. To destroy such a thought of the Eternal [regarding what is samsaric], I say that all things are non-eternal and that the Tathagata is the Eternal and Immutable. O good man! Of the six seasons, the stringent [severe] winter and the withering season are not loved by the people. What is greedily loved is the bright spring, when it is peaceful. To destroy the [samsaric notion of] bliss of the people of the world, I speak of the Eternal and Bliss [of Nirvana]. It is the same with the Self and Purity. “To crush out the worldly notion of the Self and Purity, the Tathagata speaks of the Self and Purity of true sense”. With reference to the second month, the Tathagata intends to compare it to the two kinds of Dharma Body. To say that one does not have bliss in winter is compared to the fact that the wise do not desire to have the Tathagata be non-eternal and enter Nirvana. To say that a person feels bliss is compared to the fact that the wise are pleased over the Eternal, Bliss, Self, and Purity of the Tathagata. The sowing of seeds can be compared to beings’ giving ear to sermons on Dharma and their feeling pleased, aspiring to unsurpassed Bodhi, and to their planting, thereby, the seeds of good. The rivers can be compared to the coming of all great Bodhisattvas to my place and receiving the Great Nirvana Sutra. The hundreds of animals giving milk is comparable to all those of my disciples who perform good deeds. "Flower" is likened to the seven Bodhi elements; "fruit" can be compared to the four fruitions. For this reason, I enter Nirvana on this second month."

Lion’s Roar said: "The Tathagata’s birth, his renouncing of home life, his attainment of Bodhi, and his first turning of [the Wheel of] Dharma all took place on the eighth day. Why does this Nirvana take place on the fifteenth?"

The Buddha said: "Well said, well said, O good man! The fifteenth is the day on which the moon has no waxing or waning. It is the same with the All-Buddha-Tathagata. Entering Great Nirvana, there is no more waxing and waning. That is why I enter Nirvana on the fifteenth day. O good man! On the fifteenth, when the moon is full, there are 11 things. What are the 11? They are: 1) it truly dispels the gloom, 2) it indeed enables beings to see the way and what is not the way, 3) it enables [one to follow] the wrong or right way, 4) it enables beings to make away with suppressed dampness and blesses them with purity and coolness, 5) it indeed destroys the arrogance of the fire-worm [firefly], 6) it truly dispels the thought of any robbers, 7) it indeed dispels beings’ fear of evil beasts, 8) it opens the bloom of the utpala, 9) it thoroughly closes the petals of the lotus, 10), it calls forth within the traveller the thought of proceeding along the way, 11) it enables beings to enjoy accepting the five pleasures and to gain joy in many ways.

"O good man! It is the same with the full moon of the Tathagata, to wit: 1) it truly dispels the gloom of ignorance, 2) it propounds the right and wrong ways, 3) it clearly shows the wrong and steep path of birth and death and the level and right [path] of Nirvana, 4) it enables beings to segregate themselves from greed, ill-will, and ignorance, 5) it destroys the ignorance of the tirthikas [non-Buddhists], 6) it destroys the bondage of the robbers of defilement, 7) it kills the mind that fears the five shadowings [“panca-avaranani”], 8) it enables the beings’ minds to unfold the root of good of all beings, 9) it indeed puts a lid on the mind of the five desires, 10), it promotes the mind of beings [which desires] to go forwards to Great Nirvana, 11), it enables all beings to be pleased at [the thought of] Emancipation. For these reasons, I enter Nirvana on the fifteenth. But, truth to tell, I do not enter Nirvana. The ignorant and the evil among my disciples say that I definitely enter Nirvana. For example, a mother has many sons. She abandons them and goes abroad. While she is not yet back, the sons say: "Mother is dead." But the mother is not dead. That is how matters stand."

Bodhisattva Lioon’s Roar said: "O World-Honoured One! What bhiksu can truly adorn these sal trees?"

"O good man! There is a bhiksu who upholds and recites the 12 types of sutra, reads the words correctly, gains the depths of meaning and, for the sake of all other people, explains [it], in which there can be the grades of beginning, middle and the ultimate good. To benefit innumerable people, he speaks about pure actions. Such a bhiksu truly adorns the twin sal trees."

Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! If I rightly guess what you, the Buddha, mean - Ananda is that bhiksu. Why? Ananda upholds and recites the 12 types of sutra, and speaks correctly to others and expounds the meaning. This is like pouring water and filling other vessels. So do things pertain with Ananda. What he hears from the Buddha, he speaks as he has heard it."

"O good man! There is a bhiksu who has gained an unsurpassed heavenly eye and sees all things of the ten directions and the 3,000 great-thousand worlds in the same way as one sees a mango that is [resting] in one’s palm. Any such bhiksu can indeed adorn the twin sal trees."

Lion’s Roar said: "Such a person is Aniruddha. Why? Aniruddha sees the things of the 3,000 great-thousand worlds with his heavenly eye. Even the in-between existences are seen clearly, without any obstruction."

"O good man! A bhiksu who has little desire and who feels satsfied with what he has, who cares for silence and quietude, and who makes effort, and whose mind is settled, and whose Wisdom sees - [he] well adorns the twin sal trees."

Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! Such a person is Bhiksu Kasyapa. Why? Kasyapa has little desire to possess and feels satisfied with what he has and practises Dharma."

"O good man! A bhiksu who desires to benefit beings does not act for profit, abides in samadhi, and does not quarrel, and is perfect in holy works and in the practice of the All-Void. Such a bhiksu adorns the twin sal trees."

Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! Such is Bhiksu Subhuti. Why? Subhuti does not quarrel and is holy in his actions, and practises the Way of the Void."

"O good man! Any bhiksu who really practises the miraculous powers and, in the flash of a moment, can transform himself and is one-minded, and in one meditation attains two fruitions, which are of fire and water, such a bhiksu truly adorns the twin sal trees."

"O World-Honoured One! Maudgalyayana is one who answers to this description. How? Because Maugalyayana can indeed perform innumerable miraculous transformations."

"O good man! Any bhiksu who truly practises great Wisdom, clear knowledge, quick knowledge, Emancipation knowledge, extremely deep knowledge, expansive knowledge, boundless knowledge, unsurpassed knowledge, and real knowledge, and is perfect and accomplished in the root of Wisdom, who does not have a whit of discrimination between enemy, friend or neutral person, who hears that the Tathagata will enter Nirvana and does not have a whit of apprehension and is not gladdened even when hearing that the Tathagata is Eternal and does not enter Nirvana - such a bhiksu is a good adornment for the twin sal trees."

Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! Sariputra is the one who answers to that description. Why so? Because Sariputra is accomplished and perfect in such Wisdom."

"O good man! “Any bhiksu who truly says that the being possesses the Buddha-Nature, that the being obtains the invincible body, which is boundless and is the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure, and that the body-and-mind are unhindered and are armed with eight unmolestednesses - such a bhiksu adorns well the twin sal trees."

Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! Such a person is the Tathagata himself. Why so? The body of the Tathagata is invincible, unbounded, Eternal, Bliss, the Self, and the Pure; his body and mind are unhindered and do [indeed] possess the eight unhinderednesses. O World-Honoured One! It is only the Tathagata who can well adorn the twin sal trees”. One who does not possess anything such as this does not possess serene brightness. I only pray that you will, out of great Loving-Kindness and for adornment’s sake, remain here in this sal forest."

The Buddha said: "O good man! All things are by nature non-abiding [non-enduring]. How can you say that the Tathagata should remain? O good man! Abidance falls under the category of "matter". Causal relations evoke birth. Hence, to abide1. Where there are causal several meanings here: to cease, to stop, to cause to stop, to abide, to dwell; various shades of meanining, involving a sense of permanence, continuance, or stability relations, we have "non-abiding abiding". The Tathagata is already segregated from all the bondages of "matter". How can you say: "Pray stay, O Tathagata!"? The same applies to feeling, perception, volition, and consciousness. O good man! To stay is arrogance. Because of arrogance, there can be no Emancipation. When there is no Emancipation, we speak of staying. Who is arrogant and where does he come from? Hence, " non-abiding abiding" . The Tathagata is eternally segregated from all arrogance. How can one say: "Pray, stay, O Tathagata!"? "To stay" falls under the category of what is created. The Tathagata is already segregated from the world of what is created. Because of this, it [he] is non-abiding.

"“To abide is the law “[dharma]” of the Void. The Tathagata is already segregated from the law of the Void. Hence, one “[he]” gains the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure”. How can you say: "Pray, stay, O Tathagata"? To stay is the 25 existences. How can you say: "Pray, stay, O Tathagata!"?

"To stay is none but all beings. All holy ones are non-going and non-coming. The Tathagata is already segregated from the phases of going, coming, and staying. How can we say: "Stay!"?

"Non-abiding is the Boundless Body. In view of the fact that the Body knows no bounds, how can you say: " I pray that the Tathagata will stay in the sal forest" ? If I stay in this forest, this body of mine is none but a body that is in bondage. If a body knows any boundary line, it is the non-eternal. The Tathagata is the Eternal. How can you say: "Stay!"?

"Non-abiding is the the Void. The nature of the Tathagata is equal to the Void. How can one say: "Stay!"?

"Non-abiding is the adamantine samadhi. The adamantine samadhi destroys all abidings. The adamantine samadhi is the Tathagata. How can we say: "Stay!"?

"Also, non-abiding is a phantom. The Tathagata is equal to a phantom. How can we say: "Stay!"?

"Also, non-abiding is non-beginning and non-ending. How can we say " abiding" ? And non-abiding is the unbounded world of consciousness2. “The unbounded world of consciousness is the Tathagata”. How can we say: "Stay!"?

"And non-abiding is the Suramgama Samadhi. “The Suramgama Samadhi knows all things and yet does not cling. Because of non-clinging, we say Suramgama. The Tathagata is perfect in the Suramgama Samadhi”. How can we say: "Stay!"?

"Non-abiding is called the " power of place and non-place" . The Tathagata is accom-plished in the power of place and non-place. How can we say: "Stay!"?

"Also, non-abiding is called danaparamita [perfected giving]. If there is abiding [solely] in danaparamita, there can be no arriving at silaparamita [perfected morality] and prajnaparamita [perfected Wisdom]. For this reason, we say that danaparamita is the non-abiding. The Tatha- gata does not abide, down to prajnaparamita. How can one pray that the Tathagata will always kindly remain in the sal forest?

"Also, non-abiding is the practise of the four thinkings. If the Tathagata abides in the four thinkings [solely], we cannot say that the Tathagata gains unsurpassed Bodhi and that there is non-abiding abiding.

"Also, non-abiding is called the boundless world of all beings, and yet he does not stay there.

"Also, non-abiding is called the " houseless" . Houseless means that there is nothing that exists.

"Not-is means that nothing arises.

"Birthlessness means non-death.

"Non-death means formlessness.

"Formlessness means non-binding.

"Non-binding means non-clinging.

"Non-clinging means non-defiled.

"Non-defiled is the good.

"The good is the non-created.

"The non-created is the Eternal of Great Nirvana.”

"The Eternal of Great Nirvana is the Self.

"The Self is the Pure.

"The Pure is Bliss.

"The Eternal, Bliss, the Self, and the Pure are the Tathagata.

"O good man! For example, space is not the east, nor is it the south, nor the west, nor the north, nor the four directions, nor up or down. It is the same with the Tathagata. He does not exist in the east, the south, the west, or the north, nor in the four directions, nor up or down. O good man! People might say that he gains a body, a mouth and a mind, and good or bad karmic results. But this is not so. Saying that he gains a body, mouth or mind, and good or bad karmic results is not true. If a person says that the common mortal sees the Buddha-Nature and that the Bodhisattva of the ten abodes [stages] does not, this is not so. A person might say that the icchantika, those of the five deadly sins, slanderers of the vaipulya [extensive scriptures], those committing the four grave offences gain unsurpassed Bodhi. But this is not so. To say that the Bodhisattva of the six stages gains birth in the three unfortunate realms due to the causal relations of defilement is not so. Saying that the Bodhisattva-mahasattva gains unsurpassed Bodhi in the female form is not true. Saying that the icchantika is eternal and that the Three Jewels are non-eternal is not true. Saying that the Tathagata stays at Kusinagara is not true. O good man! The Tathagata enters, here at Kusinagara, the cave of the great samadhi of deepest dhyana [meditation]. Beings cannot see [this], and it is called "Great Nirvana."

Lion’s Roar said: "Why is it that the Tathagata enters the cave of dhyana?"

"O good man! This is to enable beings to attain Emancipation. This is to make them sow the seeds of good, since they have not yet sown them; to enable the seeds of good now sown to grow; to enable the unripe seed of good to ripen; to enable the ripened seed to gain unsurpassed Bodhi; to enable those who belittle Wonderful Dharma to attain to nobleness; to enable all the indolent to forsake indolence; to enable people to exchange words with such great gandhahastins as Manjushri; to teach those who take pleasure in reading and reciting deeply to enjoy dhyana; to teach beings through holy, pure, and heavenly actions; to enable people to meditate on the unequalled storehouse of deep Dharma; to reproach indolent disciples. The Tathagata is quietude itself. So, he still cares for dhyana. How is it that you have not yet done away with defilement and that indolence gains ground? I desire to reproach all evil bhiksus who keep stores of the eight kinds of impure things, those who are not satisfied with little desire, and who are not satisfied with what they have, and to make beings respect the dharma of dhyana. On account of these causal relations, I now enter the cave of dhyana."

Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! The formlessness samadhi is Great Nirvana. Because of this, we say that Nirvana is formless. Why do we say formless?"

"O good man! This derives from the fact that there are not the ten representational phases. What are these? They are the phases of: 1) colour, 2) sound, 3) smell, 4) taste, 5) touch, 6) being born, 7) existing [samsarically], 8) breaking up, 9) being born male, and 10) being born female. It [Nirvana] does not possess these representational forms. Hence, formless.

"O good man! Whatever represents a form is subject to ignorance. Ignorance evokes craving; craving evokes bondage; from bondage arises birth; from birth comes about death. When there is death, there is no eternity. If [one is] not attached to form, there is no ignorance. When there is no ignorance, there is no craving. When there is no craving, there is no bondage. When there is no bondage, there arises no birth. When there is no birth, there is no death. When there is no death, there is the Eternal. Due to this, we say that Nirvana is Eternal."

Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! What bhiksu truly cuts himself free from the ten phases?"

The Buddha said: "O good man! When a bhiksu, time after time, practises well the three kinds of form, he truly cuts himself free from the ten forms. He practises, time after time, the settled form of samadhi, time after time the phase of Wisdom, and time after time the phase of equanimity. These are the three."

Lion’s Roar said: "O World-Honoured One! What are samadhi, Wisdom, and equanim-ity? If a settled state is samadhi, all beings have samadhi. Why do we particularly need to practise samadhi? When the mind stays in a single sense-field, we say samadhi; when other mental associations come in between, this is not samadhi. If there is no settlement in one state, this is not all-knowledge. If not all-knowledge, how can we speak of being " settled" ? If a single action is called samadhi, all other actions are not samadhi. If not samadhi, this is not allknowledge. If not all-knowledge, how can we speak of samadhi? The same applies to Wisdom and equanimity."

The Buddha said: "O good man! You say that if the mind abides in a single sense-field, this is samadhi, and that any other causal relations are not samadhi. But this is not so. Why not? Because all the other sense-fields, too, are a single sense-field. It is the same with action. Also, you say that if beings already have samadhi, there cannot be any need to practise any further. This, too, is not so. Why not? Samadhi is called "good samadhi". All beings, truth to tell, do not exist. How can we say that we do not need to practise? When one practises samadhi on all things abiding in a good samadhi, there is the form of good Wisdom. One sees no distinction between samadhi and Wisdom. This is equanimity. Also, next, O good man! If one takes up a form of matter, one cannot meditate on the Eternal and the non-Eternal. This is samadhi. If one well sees the Eternal and the non-Eternal of matter, this is Wisdom. Samadhi and Wisdom equally see all things. This is equanimity.

"O good man! A good charioteer can drive a four-horse carriage and run it quickly or slowly as the occasion requires. As the quickness or slowness matches well with the occasion, we say equanimity. It is the same with the Bodhisattva. One who has much samadhi also practises Wisdom; one who has much Wisdom practises samadhi. As samadhi and Wisdom are equal, we have equanimity. O good man! The Bodhisattva of the ten stages has much power of Wisdom, but little power of samadhi. Hence, he cannot clearly see the Buddha-Nature. Sravakas and pratyekabuddhas have much power of samadhi, but little Wisdom. Because of this, they cannot see the Buddha-Nature. The All-Buddha-World-Honoured One has samadhi and Wisdom in equal parts and sees well the Buddha-Nature. All is clear and transparent, as when one sees a mango that is in one’s own palm. One who sees the Buddha-Nature is [of] the phase of equanimity.

"Samatha means " thoroughly extinguishing" , because it thoroughly does away with the bondage of defilement.

"Also, samatha is called " that which well adjusts" , because it well adjusts the evil and non-good of all the sense-organs.

"Also, samatha is called quietude, as it indeed makes the three actions [of body, mouth and mind] quiet [calm].

"Also, samatha is called segregation, as it enables beings to part well from the five desires.

"Also, samatha is called "purifying well", because it purifies well the three contaminations of greed, ill-will, and ignorance. Because of this, we say "settledness".

"Vipasyana is called right seeing. Also, it is called seeing clearly. Also, it is called seeing well. Also, it is called all-seeing. Also, it is called gradual seeing. Also, it is called seeing individually. This is called Wisdom.

"Equanimity is called all-equal. Also, it is called non-disputation. Also, it is called non-seeing. Also, it is called non-acting. This is equanimity.

"O good man! There are two kinds of samatha. One is mundane, and the other supramun- dane. And there are two [further] kinds. One is accomplished, and the other non-accomplished. [Those of] the accomplished are all the so-called Buddhas and Bodhisattvas. And the nonaccomplished are the so-called sravakas and pratyekabuddhas.

"Also, there are three kinds, namely: low, middle, and top. The low relates to common mortals; middle to sravakas and pratyekabuddhas; and top to all Buddhas and Bodhisattvas. Also there are four kinds, namely: 1) retrogressing, 2) abiding, 3) progressing, and 4) greatly benefiting. Also, there are five kinds, which are the so-called five-knowledge samadhis. These are: 1) samadhi of non-eating, 2) faultless samadhi, 3) samadhi in which the body and mind are pure and the mind is one, 4) samadhi in which one feels pleased with both cause and effect, and 5) samadhi in which one always prays in one’s heart.

"Furthermore, there are six kinds, which are: 1) samadhi in which one meditates on white bones, 2) samadhi of compassion, 3) samadhi on the twelve links of interdependent arising, 4) samadhi on anapana [breathing], 5) samadhi on the discriminatory mind of beings, and 6) samadhi on birth and death. Also, there are seven kinds, namely the so-called seven Bodhi elements. These are: 1) mindfulness, 2) discernment of Dharma, 3) effort, 4) joy, 5) repose, 6) concentration, and 7) equanimity.

"Also, there are seven [further] kinds, which are: 1) srotapanna-samadhi, 2) sakrdagami- samadhi, 3) anagami-samadhi, 4) arhat-samadhi, 5) pratyekabuddha-samadhi, 6) Bodhisattva- samadhi, 7) the Tathagata’s All-Awakened Samadhi.

"Also, there are eight kinds, which are none other than the eight Emancipation samadhis. These are: 1) samadhi in which one gets Emancipated from the notion of matter by meditating on matter, 2) samadhi in which one seeks Emancipation by meditating further on the external phase of matter, though internally the matter notion has already been done away with, 3) samadhi in which one seeks Emancipation and its actualisation in one’s own body through the meditation on purity, 4) boundlessness-of-space Emancipation samadhi, 5) boundlessness-of-consciousness Emancipation samadhi, 6)existencelessness Emancipation samadhi, 7) thoughtlessness-nonthoughtlessness Emancipation samadhi, and 8) cessation Emancipation samadhi.

"Also, there are nine kinds, namely the so-called nine gradual samadhis. These are the four dhyanas, the four Voids, and the cessation samadhi.

"Also, there are ten kinds, which are the so-called ten all-place samadhis. What are the ten? They are the all-place samadhis on: 1) earth, 2) water, 3) wind, 4) blue, 5) yellow, 6) red, 7) white, 8) space, 9) consciousness, and 10) non-possession.

"Also, there are innumerable kinds, which are: all Buddhas and Bodhisattvas.

"O good man! These are the representations of the samadhis.

"O good man! There are two kinds of Wisdom, which are: 1) mundane and 2) supra- mundane.

"Also, there are three kinds: 1) prajna, 2) vipasyana, and 3) jnana. Prajna is all beings; vipasyana is all sages; and jnana relates to all Buddhas and Bodhisattvas.

"Also, prajna is the individual phase of representation, and vipasyana is the general phase of representation.

"Jnana is the breaking [dissolution] phase of representation. "Also, there are four kinds, which are none other than the meditation on the Four Truths.

"O good man! One practises samatha for three purposes. What are these three: They are: 1) non-indolence, 2) adornment for [with] great Wisdom, and 3) unmolestedness [i.e. unrestrictedness, freedom].

"Also, next, one practises vipasyana for three purposes. What are these three? They are: 1) to meditate on the evil karmic consequences of birth and death, 2) to increase the seeds of good, and 3) to crush out all the defilements.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.91.15 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...