Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Đừng bận tâm về những thất bại, hãy bận tâm đến những cơ hội bạn bỏ lỡ khi thậm chí còn chưa hề thử qua. (Don’t worry about failures, worry about the chances you miss when you don’t even try. )Jack Canfield
Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 7 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần bốn »»
Lúc ấy Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như vậy có phải là nên nương tựa, y theo bốn hạng người Phật đã nói trên?”
Phật dạy: “Đúng vậy, đúng vậy! Thiện nam tử! Như ta đã nói, nên nương tựa, y theo những người như thế. Vì sao vậy? Vì có bốn thứ ma. Bốn thứ ma ấy là gì? Là ma phiền não, ma năm ấm, ma chết, và ma của cảnh trời Tha hóa tự tại. Những kinh luật khác mà các loài ma ấy thuyết dạy cũng có người thọ trì.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Như Phật vừa nói có bốn thứ ma. Chúng con làm sao có thể phân biệt những điều Phật thuyết dạy với những điều ma thuyết dạy? Có những chúng sanh theo hạnh của ma, lại có những chúng sanh vâng lời Phật dạy, chúng con làm sao biết được?”
Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp: “Bảy trăm năm sau khi ta nhập Niết-bàn, bọn ma Ba-tuần sẽ dần dần làm hư hoại Chánh pháp. Ví như người thợ săn mặc vào y phục người tu hành, Ma vương Ba-tuần cũng vậy. Chúng giả dạng tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, lại hóa hình từ các vị Tu-đà-hoàn đến A-la-hán, cho đến sắc thân Phật. Với hình hài hữu lậu, Ma vương giả làm thân vô lậu để phá hoại Chánh pháp. Đến lúc ma Ba-tuần phá hoại Chánh pháp, chúng sẽ nói rằng: ‘Thuở xưa Bồ Tát ở trên cung trời Đâu-suất, chết đi rồi mới sanh về thành Ca-tỳ-la nơi cung vua Bạch Tịnh. Đó là nhân chỗ cha mẹ ái dục hòa hợp mà sanh ra thân ấy.’
“Hoặc nói rằng: ‘Nếu ai sanh trong cõi người mà được đại chúng chư thiên và nhân loại thế gian cung kính, đó là sự vô lý.’
“Ma lại nói rằng: ‘Từ thuở xưa kia, ngài đã từng tu khổ hạnh và bố thí mọi thứ, như: đầu, mắt, tuỷ não, thành quách, giang sơn, cho đến vợ con. Nhờ vậy, nay ngài được thành Phật đạo. Bởi nhân duyên ấy, ngài được sự cung kính của các loài chúng sanh: loài người, chư thiên, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già.’
“Nếu có kinh luật nào thuyết dạy như thế, nên biết rằng đó là thuyết của ma.
“Thiện nam tử! Như có kinh luật nào nói rằng: ‘Như Lai Chánh giác thành Phật đã lâu rồi, nay mới thị hiện thành Phật đạo. Vì ngài muốn độ thoát các chúng sanh nên thị hiện có cha mẹ, nương theo chỗ ái dục hòa hợp của cha mẹ mà sanh ra. Ngài tùy thuận thế gian nên làm việc như vậy.’ Nên biết rằng kinh luật như thế thật là chỗ thuyết dạy của Như Lai.
“Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Như ai có thể tùy thuận kinh luật mà Phật đã thuyết, tất nhiên đó là Bồ Tát.
“Như có kẻ nói rằng: ‘Lúc mới sanh Như Lai hướng về mười phương đi bảy bước theo mỗi phương. Điều ấy không thể tin.’ Đó là thuyết của ma.
“Như có kẻ nói rằng: ‘Lúc mới ra đời, Như Lai hướng về mười phương đi bảy bước theo mỗi phương, đó là phương tiện thị hiện của Như Lai.’ Như vậy gọi là kinh luật mà Như Lai đã thuyết.
“Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Như ai có thể tùy thuận kinh luật mà Phật đã thuyết, tất nhiên đó là Bồ Tát.
“Như có kẻ nói rằng: ‘Khi Bồ Tát sanh ra rồi, vua cha sai người đưa Ngài đến thiên từ. Chư thiên được thờ phụng nơi đó thấy Ngài vào thảy đều bước xuống lễ kính Ngài. Vì vậy nên ai nấy đều tôn xưng ngài là Phật.’
“Lại có kẻ vấn nạn rằng: ‘Chư thiên xuất hiện trước, Phật ra đời sau; như vậy làm sao chư thiên lễ kính Phật?’ Nên biết rằng lời vấn nạn như vậy tức là thuyết của Ma Ba-tuần.
“Như có kinh nói rằng: ‘Khi Phật bước vào miếu thờ thiên thần, các tượng thần và chư thiên nơi ấy như Ma-hê-thủ-la, Đại Phạm thiên vương, Thích-đề-hoàn-nhân thảy đều chắp tay, kính lễ dưới chân Phật.’ Kinh luật như vậy là thuyết của Phật.
“Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Như ai có thể tùy thuận kinh luật mà Phật đã thuyết, tất nhiên đó là Bồ Tát.
“Như có kinh luật nói rằng: ‘Khi Bồ Tát làm thái tử, vì lòng tham Ngài đi bốn phương tìm cưới vợ, rồi Ngài ở nơi thâm cung hưởng thụ năm thứ dục lạc, vui sướng đủ điều.’ Kinh luật như thế là do Ma Ba-tuần nói ra vậy.
“Như có thuyết nói rằng: ‘Bồ Tát đã lìa bỏ lòng tham đối với vợ con, gia thuộc từ lâu, cho đến đối với việc thụ hưởng năm thứ dục lạc thượng diệu ở cõi trời Ba mươi ba ngài cũng chỉ cũng xem như đàm dãi nhơ nhớp, huống chi là sự vui thích ở nhân gian? [Vì thế,] ngài cạo bỏ râu tóc, xuất gia tu học đạo.’ Kinh luật như thế là do Phật thuyết.
“Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Như ai có thể tùy thuận kinh luật mà Phật đã thuyết, tất nhiên đó là Bồ Tát.
“Như có kẻ nói rằng: ‘Khi Phật ở tại thành Xá-vệ, trong tinh xá Kỳ-đà, ngài có cho phép các tỳ-kheo thu nhận và chứa trữ những thứ như nô tỳ, tôi tớ, bò, dê, voi, ngựa, lừa, la, gà, heo, mèo, chó, vàng, bạc, lưu ly, chân châu, pha lê, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, ngọc thạch, ngọc bích, nồi đồng và nồi sắt, mâm đồng lớn và mâm đồng nhỏ, cùng mọi vật dụng...; có cho phép làm ruộng, làm vườn, buôn bán đổi chác, chứa trữ thóc lúa... Vì lòng đại từ thương xót chúng sanh, Phật cho chứa trữ mọi vật ấy và làm mọi việc như vậy.’ Kinh luật như thế là do ma thuyết.
“Như có người nói rằng: ‘Khi Phật ở tại thành Xá-vệ, trong tinh xá Kỳ-đà, xứ sở của quỷ Na-lê-lâu. Lúc ấy, nhân vì ông bà-la-môn Cổ-đê-đức cùng vua Ba-tư-nặc, Như Lai có dạy rằng: Tỳ-kheo chẳng nên thu nhận và chứa trữ vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, ngọc thạch, ngọc bích, nô tỳ, tôi tớ, đồng nam, đồng nữ, các loại thú vật như: bò, dê, voi, ngựa, lừa, la, gà, heo, mèo, chó, nồi đồng và nồi sắt, mâm đồng lớn và mâm đồng nhỏ, và mọi thứ giường, mùng, chiếu, gối nhiều màu sắc...
“[Vị tỳ-kheo cũng không nên làm] những việc mà người đời cần đến để mưu sinh như làm nhà cửa, làm ruộng, làm vườn, buôn bán, đổi chác, tự làm thức ăn, xay gạo, giã gạo, luyện chú thuật giữ mình, tập luyện chim ưng dùng để đi săn, xem sao đoán mệnh, suy tính việc nên hư, xem tướng kẻ nam người nữ, theo chiêm bao mà đoán những việc lành dữ, [hoặc đoán thai nhi] là nam, là nữ, hay chẳng phải nam chẳng phải nữ... 64 nghề giỏi; lại có 18 phép chú thuật lừa dối người, các thứ nghề khéo léo, hoặc nói vô số việc thông tục của người đời; dùng hương tán, hương bột, hương phết, hương xông, mọi thứ hoa kết lại; làm nghề hớt tóc, sửa tóc, gian tà bợ đỡ, tham lợi không chán, vui thích chỗ náo nhiệt, nói chuyện giỡn cười, tham ăn cá thịt, pha chế thuốc độc, dầu thơm, dùng dù lọng quý, đi giày da, làm ra quạt lông, rương trấp, các thứ hình vẽ; chứa trữ lúa thóc, các loại lúa mạch, các loại đậu cùng các thứ dưa, trái...
“[Vị tỳ-kheo cũng không được] gần gũi thân mật với vua chúa, con vua, quan chức cao cấp cùng các phụ nữ, nói cười lớn tiếng hoặc nín lặng, không nói năng chi cả; thường nghi ngờ đối với các pháp, hay nói bậy bạ, chuyện dài, vắn, tốt, xấu, lành, dữ, ưa mặc áo đẹp...
“Nếu người xuất gia tự mình khen ngợi các việc bất tịnh như thế trước mặt thí chủ, lại vào ra, đi chơi đến những chỗ bất tịnh như tiệm bán rượu, nhà dâm nữ, chỗ cờ bạc... những người như vậy, Phật chẳng cho ở chung với các tỳ-kheo. Họ nên ra khỏi tăng đoàn, hoàn tục mà làm hạng tôi tớ trong thế gian cho người khác sai khiến. Họ ví như cỏ dại lẫn trong đám lúa, cần phải loại bỏ đi.’
“Những kinh luật nào dạy như trên, nên biết rằng đều là thuyết của Như Lai.
“Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Như ai tùy thuận thuyết của Phật, người ấy tức là Bồ Tát.
“Như có kẻ nói rằng: ‘Bồ Tát vì muốn cúng dường thiên thần nên vào miếu thần, như những chỗ thờ Đại tự tại thiên, Vi-đà thiên, Ca-chiên-diên thiên...’ [Lời nói như vậy là không đúng, vì] sở dĩ Phật vào những nơi đó là để điều phục cả hàng trời, người. Nếu nói rằng không phải như vậy thì thật vô lý!
“Lại như có kẻ nói rằng: ‘Bồ Tát không thể vào nơi ngoại đạo tà luận để biết oai nghi của họ, văn chương và kỹ nghệ của họ, không thể hòa hợp với bọn đánh thuê, chẳng nhận sự cung kính của kẻ nam, người nữ, quốc vương, đại thần, cũng chẳng biết pha chế các món thuốc. Vì chẳng biết các việc như vậy mới xưng là Như Lai, nếu biết là thuộc về bọn tà kiến. Lại nữa, Như Lai có lòng bình đẳng đối với kẻ oán và người thân, như có người dùng dao cắt thịt ngài hay có người dùng hương thơm thoa phết lên thân ngài, đối với hai người ấy ngài đều không xem là có sự tốt hơn hay tổn hại gì cả. Ngài chỉ giữ mức khoảng giữa, cho nên mới được xưng là Như Lai.’ Kinh luật như vậy, nên biết rằng đó là chỗ thuyết của ma.
“Như có người nói rằng: ‘Bồ Tát thị hiện vào miếu thờ thiên thần và ở trong pháp ngoại đạo xuất gia tu đạo; thị hiện biết oai nghi, lễ tiết của ngoại đạo và thế nhân, hiểu rõ tất cả văn chương, kỹ nghệ của họ, thị hiện vào thư đường, những chỗ kỹ xảo, khéo hòa hợp với bọn đánh thuê; đối với đại chúng, đồng nam, đồng nữ, hoàng hậu, cung phi, mỹ nữ, nhân dân, trưởng giả, bà-la-môn, vua chúa, đại thần, cho đến hạng bần cùng, ngài là bậc tối tôn tối thượng. Ngài lại được các hạng người ấy cung kính, Ngài cũng có thể thị hiện làm mọi việc vừa kể đó. Tuy ở nơi những người tà kiến, nhưng ngài chẳng có lòng luyến ái, như hoa sen không nhiễm bụi dơ. Vì độ tất cả chúng sanh, ngài khéo thi hành mọi phương tiện ấy, tùy thuận thế pháp.’ Kinh luật như vậy, nên biết chính là chỗ thuyết dạy của Như Lai.
“Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Như ai có thể tùy thuận thuyết của Phật thì người ấy là Đại Bồ Tát.
“Như có kẻ nói rằng: ‘Như Lai vì chúng tôi mà giảng thuyết kinh luật. Như nói rằng trong các pháp xấu ác, dù tội nặng, tội nhẹ hay tội thâu-lan-già thì tánh tội đều là nặng, trong giới luật của chúng tôi hoàn toàn không phạm vào. Từ lâu chúng tôi thọ lãnh và làm theo những pháp mà các ông chẳng tin. Chúng tôi lẽ nào lại bỏ giới luật của mình để theo giới luật của các ông sao? Giới luật của các ông là do ma thuyết; giới luật của chúng tôi mới là do Phật chế định. Đức Như Lai trước đã nói ra pháp ấn chín bộ. Chín cái ấn ấy in sâu vào kinh luật của chúng tôi; chúng tôi chưa hề nghe một câu, một chữ nào về kinh điển Phương đẳng. Như Lai diễn thuyết vô lượng kinh luật, nhưng thuyết kinh Phương đẳng ở nơi nào? Trong kinh luật chúng tôi chưa từng nghe nhắc đến tên mười bộ kinh! Nếu có thì nên biết chắc chắn là do Điều-đạt làm ra. Điều-đạt là người ác, vì muốn diệt pháp lành nên tạo ra kinh Phương đẳng. Chúng tôi chẳng tin những kinh như vậy, vì chính ma thuyết diễn kinh ấy. Tại sao vậy? Đã phá hoại Phật pháp, lại còn nói lời phải trái đảo điên. Những lời như vậy chỉ có trong kinh của các ông mà chẳng có trong kinh của chúng tôi. Trong kinh luật của chúng tôi, Như Lai có nói rằng: ‘Sau khi ta vào Niết-bàn, ở cõi đời xấu ác sẽ có kinh luật bất chánh gọi là kinh điển Đại thừa Phương đẳng.’
“Ở đời vị lai, sẽ có những tỳ-kheo xấu như vậy.
“Phật có dạy rằng: ‘Vượt hơn cả chín bộ kinh có kinh điển Phương đẳng.’ Như ai có thể thấu hiểu được nghĩa này, thì nên biết rằng người ấy thấu hiểu kinh luật một cách đúng đắn, lìa xa tất cả những sự vật bất tịnh, [luôn] nhiệm mầu trong sáng như vầng trăng tròn.
“Nếu có người nói rằng: ‘Như Lai đối với hết thảy kinh luật, thuyết dạy nghĩa lý nhiều như cát sông Hằng, nhưng trong luật của chúng tôi lại chẳng có những nghĩa lý ấy, nên chúng tôi biết là không có. Nếu là có, tại sao trong luật của chúng tôi không thấy Như Lai giảng thuyết? Vì vậy nên nay chúng tôi không thể tin nhận.’ Nên biết rằng những người nói như vậy là có tội.
“Kẻ ấy lại nói rằng: ‘Kinh luật [của chúng tôi] như thế này mới nên thọ trì. Vì sao vậy? Vì kinh luật ấy giúp tôi được ít tham muốn, biết đủ, dứt trừ phiền não; vì đó là trí huệ Niết-bàn, tạo được nhân pháp lành.’ Người nói như vậy chẳng phải là đệ tử của ta.
“Như có người nói rằng: ‘Vì muốn độ chúng sanh, Như Lai có thuyết giảng kinh Phương đẳng.’ Nên biết rằng, người nói như vậy thật là đệ tử của Phật. Nếu ai chẳng thọ trì kinh Phương đẳng, nên biết rằng người ấy chẳng phải đệ tử Phật, chẳng phải vì Phật pháp mà xuất gia, tức là đệ tử của bọn ngoại đạo tà kiến.
“Kinh luật đúng như [đã phân biệt trên đây] là do Phật thuyết dạy, bằng không phải như vậy tức là do ma thuyết. Nếu ai tùy thuận chỗ thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Nếu ai tùy thuận chỗ thuyết của Phật, tất nhiên người ấy là Bồ Tát.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như có kẻ nói rằng: ‘Như Lai chẳng phải do vô lượng công đức mà thành tựu, ngài vẫn là vô thường, biến đổi, bởi ngài đạt được chỗ pháp Không nên tuyên thuyết lẽ vô ngã, nghịch với thế gian.’ Kinh luật như vậy gọi là chỗ thuyết của ma.
“Như có người nói rằng: ‘Như Lai Chánh giác không thể nghĩ bàn, lại do vô lượng công đức mà thành tựu, cho nên Như Lai là thường trụ, không hề biến đổi.’ Kinh luật như vậy mới là chỗ thuyết dạy của Phật.
“Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Nếu ai tùy thuận thuyết của Phật tức là Bồ Tát.
“Như có tỳ-kheo thật chẳng phạm tội ba-la-di. Mọi người đều cho rằng phạm tội ba-la-di là giống như cây đa-la bị chặt. Nhưng tỳ-kheo ấy thật không có phạm tội chi cả. Vì sao vậy? Ta thường dạy rằng: ‘Trong bốn tội ba-la-di, nếu phạm một tội thì như hòn đá bị tách ra, không thể gắn liền lại nữa.’ Nếu ai tự nói rằng mình chứng đắc quả thánh thì kẻ ấy gọi là phạm ba-la-di. Vì sao vậy? Vì thật không có chỗ đắc pháp mà cố ý giả hiện hình tướng đắc pháp. Người như vậy là gây nhân tội lỗi, đời sau không được làm người. Đó gọi là ba-la-di.
“Như có vị tỳ-kheo ít tham muốn, biết đủ, giữ giới thanh tịnh, ở nơi vắng vẻ yên tĩnh. Đức vua hoặc các quan đại thần nhìn thấy tỳ-kheo ấy, nghĩ rằng vị ấy đã đắc quả A-la-hán, liền đến trước vị ấy mà tán thán, cung kính lễ bái, nói rằng: ‘Vị đại sư như thế này, sau khi bỏ thân sẽ đạt được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’
“Nghe được lời ấy, vị tỳ-kheo liền đáp rằng: ‘Thật tôi chưa được đạo quả sa-môn, xin đại vương đừng xưng tán rằng tôi đã chứng đắc đạo quả. Xin đại vương đừng nói lời [khiến tôi thành kẻ] không tự biết đủ. Không tự biết đủ, đó là khi nghe người khác bảo rằng mình chứng đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề mà lặng thinh chấp nhận. Nếu nay tôi lặng thinh chấp nhận điều ấy, chư Phật sẽ quở trách. Chư Phật thường khen ngợi hạnh tự biết đủ, nên tôi trọn đời vui vẻ tu tập theo hạnh tự biết đủ. Tự biết đủ, đó là tôi tự biết chắc mình chưa chứng đắc đạo quả, nay đại vương xưng tán rằng tôi đã đắc quả, tôi không dám nhận, đó gọi là tự biết đủ.’
“Đức vua nói rằng: ‘Đại sư [khiêm cung như thế] quả thật đã đắc quả A-la-hán, như Phật không khác.’ Liền tuyên cáo với tất cả nhân dân trong thành, ngoài thành, cùng các phi tần trong cung, rằng vị tỳ-kheo ấy đã đắc quả sa-môn. Nhờ vậy, những ai nghe biết thảy đều đem lòng cung kính tin theo, cúng dường tôn trọng vị tỳ-kheo ấy.
“Như vị tỳ-kheo ấy mới thật là người đức hạnh thanh tịnh, là nhân duyên giúp cho nhiều người được phước đức lớn. Tỳ-kheo như vậy thật không hề phạm tội ba-la-di. Vì sao vậy? Vì những người đến trước mặt vị ấy đều tự sanh lòng hoan hỷ, tán thán, cúng dường. Vị tỳ-kheo như vậy sao lại phạm tội? Nếu như nói rằng tỳ-kheo ấy có tội, thì nên biết rằng đó là kinh điển do ma thuyết.
“Lại có tỳ-kheo giảng thuyết theo kinh điển trong kho tàng giáo pháp rất sâu xa của Phật rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; nhờ tánh Phật ấy có thể dứt trừ được các dây trói buộc của vô lượng phiền não, đắc thành quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, chỉ trừ hạng nhất-xiển-đề mà thôi.’ Nếu có đức vua hoặc đại thần thưa hỏi rằng: ‘Tỳ-kheo! Ông sẽ thành Phật hay không thành Phật? Ông có tánh Phật hay chăng?’ Tỳ-kheo ấy đáp rằng: ‘Hiện nay trong thân tôi quyết định có tánh Phật; còn việc thành Phật hay không chưa thể biết rõ.’ Vua nói: ‘Đại đức! Nếu không phải kẻ nhất-xiển-đề thì chắc chắn sẽ thành Phật.’ Tỳ-kheo ấy đáp rằng: ‘Đúng vậy, quả thật như lời đại vương!’ Dù vị ấy nói chắc rằng mình có tánh Phật, cũng chẳng phạm tội ba-la-di.
“Lại có vị tỳ-kheo, ngay lúc xuất gia, suy xét như thế này: ‘Nay tôi quyết định sẽ thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Người như vậy, dù chưa đắc thành đạo quả vô thượng, nhưng cũng đã được phước vô lượng vô biên. Giả sử có ai nói rằng người ấy phạm ba-la-di, thì tất cả các tỳ-kheo không ai là chẳng phạm. Vì sao vậy? Ta đây thuở xưa trong tám mươi ức kiếp, thường xa lìa tất cả mọi vật bất tịnh, ít tham muốn, biết đủ, trọn vẹn oai nghi, khéo tu theo Chánh pháp vô thượng của Như Lai, nên cũng tự biết chắc rằng mình có tánh Phật. Nhờ đó nay ta đắc thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, được xưng là Phật, có đại từ bi.
“Kinh luật như trên là do Phật thuyết. Nếu những ai không thể tùy thuận theo đó, ấy là quyến thuộc của ma. Như ai tùy thuận theo đó tức là Đại Bồ Tát.
“Nếu có kẻ nói rằng: ‘Không có bốn tội ba-la-di, mười ba tội tăng tàn, hai pháp bất định, ba mươi tội xả đọa, chín mươi đơn đọa, bốn pháp sám hối, một trăm điều phải học, bảy pháp dứt sự tranh cãi.v.v... không có cả tội thâu-lan-già, năm tội nghịch cùng tội nhất-xiển-đề. Như tỳ-kheo phạm một trong những tội ấy thì phải đọa địa ngục, còn ngoại đạo thì được sanh cõi trời. Vì sao vậy? Vì ngoại đạo không có giới nào để phạm cả. Giới đó là do Như Lai vì muốn cho người ta khiếp sợ nên mới thị hiện thuyết dạy vậy thôi.’
“Lại có kẻ nói rằng: ‘Phật có dạy: Các tỳ-kheo nếu muốn hành dâm thì nên cởi pháp phục, mặc y phục thế tục rồi hãy làm việc dâm dục. Lại nữa, nên nghĩ tưởng rằng: Nếu ta làm chuyện dâm dục thì không có tội lỗi. Lúc Như Lai còn tại thế, cũng có những tỳ-kheo quen làm chuyện dâm dục, nhưng cũng được giải thoát chân chánh, hoặc sau khi mạng chung được sanh lên cõi trời. Xưa nay thường có những người làm như vậy chứ không chỉ một mình ta. Hoặc có người phạm bốn trọng giới, hoặc có kẻ phạm năm giới, hoặc có kẻ phạm vào tất cả luật nghi bất tịnh, mà còn đạt được giải thoát chân chánh đó thôi! Mặc dù Như Lai có nói rằng kẻ phạm tội đột-cát-la sẽ đọa địa ngục trong một thời gian bằng tám trăm vạn năm ở cõi trời Đao-lợi, nhưng đó cũng là cách Như Lai thị hiện để làm cho người ta khiếp sợ mà thôi. Nếu nói rằng các tội từ ba-la-di cho đến đột-cát-la, nặng nhẹ chẳng khác gì nhau, đó là lời sai trái của các luật sư, lại bảo rằng do Phật chế định. Vậy nên biết chắc rằng đó không phải là lời Phật thuyết dạy.’
“Những lời lẽ như trên chính là kinh luật của ma.
“Lại như có kẻ nói rằng: ‘Đối với giới luật, dù phạm giới nhỏ cho đến các giới rất nhỏ cũng sẽ bị quả báo khổ sở, kéo dài vô hạn.’
“Đã biết như vậy rồi, hãy khéo thận trọng phòng hộ lấy thân tâm, như con rùa thận trọng co rút vào trong mu rùa.
“Nếu như có người dạy luật lại nói rằng: ‘Những việc phạm giới thảy đều không có tội báo gì cả.’ Không nên gần gũi với người như vậy. Như Phật có thuyết kệ rằng:
“Nếu phạm lỗi không nhận,
Đều gọi là nói dối.
Không tin có đời sau,
Việc ác nào cũng làm.
“Cho nên đừng gần gũi với hạng người ấy.
“Trong Phật pháp luôn [giữ gìn sự] thanh tịnh như thế, huống chi phạm tội thâu-lan-già, tội tăng-tàn hay tội ba-la-di mà nói là không có tội được sao? Cho nên cần phải phòng hộ giữ mình một cách nghiêm cẩn và sâu sắc đối với những pháp như vậy. Nếu không cần phải giữ gìn phòng hộ thì còn gì gọi là giới cấm?
“Trong kinh điển ta có dạy rằng: Nếu có kẻ phạm từ bốn tội nặng ba-la-di cho đến các tội cực kỳ nhỏ nhặt như các tội đột-kiết-la, đều phải trừng trị một cách nghiêm khắc. Nếu chúng sanh chẳng nghiêm giữ giới cấm, làm sao thấy được tánh Phật? Tuy tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, nhưng nhất thiết phải nhờ sự trì giới mới thấy được tánh Phật. Nhờ thấy tánh Phật mới thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Trong chín bộ kinh [ta thuyết dạy trước] không có kinh Phương đẳng, cho nên không nói việc có tánh Phật. Mặc dù những kinh ấy không nói, nhưng phải biết rằng thật có tánh Phật. Nếu ai nói như vậy, nên biết rằng người ấy thật là đệ tử của ta.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Theo như lời dạy trên thì tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Nhưng trong chín bộ kinh, chưa từng nghe nói đến điều ấy. Nếu ai nói rằng có tánh Phật, há chẳng phải là phạm ba-la-di sao?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Theo như ông vừa nói đó, thật không có việc phạm ba-la-di. Thiện nam tử! Ví như có người nói: ‘Biển cả chỉ có bảy vật báu mà thôi, không có tám thứ báu.’ Người ấy không có tội. Lại như có người nói: ‘Trong chín bộ kinh, không có [nói] tánh Phật.’ Người này cũng không có tội. Vì sao vậy? Trong biển đại trí Đại thừa, ta nói rằng có tánh Phật. Đó là lẽ mà người trong hai thừa [Thanh văn và Duyên giác] không thấy biết được. Cho nên nói không có tánh Phật là không có tội. Cảnh giới ấy là chỗ thấy biết của chư Phật, hàng Thanh văn và Duyên giác không thể hiểu nổi.
“Thiện nam tử! Nếu ai chẳng nghe được pháp tạng hết sức sâu kín của Như Lai thì làm sao biết rằng có tánh Phật?
“Thế nào gọi là pháp tạng hết sức sâu kín? Đó là chỉ kinh điển Phương đẳng Đại thừa.
“Thiện nam tử! Có những kẻ ngoại đạo nói lý ngã thường, hoặc nói lý ngã đoạn. Như Lai chẳng phải thế, ngài nói lý hữu ngã mà cũng nói lý vô ngã. Đó gọi là Trung đạo. Như có kẻ nói rằng: ‘Phật nói lý Trung đạo: Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Bởi phiền não che lấp tánh Phật ấy nên chẳng thấy chẳng biết. Vì thế cần phải siêng tu phương tiện để dứt hết phiền não.’ Nếu ai thuyết được như vậy, nên biết rằng người ấy không phạm vào [một trong] bốn tội trọng. Nếu ai không thuyết được như vậy thì gọi là phạm tội ba-la-di.
“Như có người nói rằng: ‘Tôi đã thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì sao vậy? Vì tôi có tánh Phật. Có tánh Phật, ắt phải thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Bởi nhân duyên ấy, nay tôi đã thành tựu Bồ-đề.’ Nên biết rằng người nói như vậy là phạm tội ba-la-di. Vì sao vậy? Tuy có tánh Phật, nhưng vì chưa tu tập các phương tiện thiện pháp nên chưa thấy tánh Phật. Vì chưa thấy tánh Phật nên chưa được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên pháp Phật là thâm sâu, không thể nghĩ bàn.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Có vị vua hỏi rằng: ‘Thế nào là tỳ-kheo phạm vào lỗi vọng xưng chứng thánh?’
Phật dạy Ca-diếp: “Như có vị tỳ-kheo vì lợi dưỡng, vì món ăn vật uống mà làm theo những cách nịnh hót, gian ngụy, dối trá, nghĩ rằng: ‘Làm sao để khiến những người thế gian biết rõ rằng ta là bậc khất sĩ? Nhờ nhân duyên ấy, ta sẽ được lợi dưỡng lớn, danh dự lớn.’ Tỳ-kheo ấy vì rất ngu si, trong đêm thường suy nghĩ rằng: ‘Thật ta chưa chứng đắc bốn quả sa-môn. Phải làm thế nào khiến người thế gian tin rằng ta đã chứng đắc bốn quả ấy? Lại làm thế nào để khiến những ưu-bà-tắc và ưu-bà-di cùng nói về ta rằng: Đó là người phước đức, thật là bậc thánh nhân.’ Vị tỳ-kheo suy nghĩ như vậy, chính là người cầu lợi dưỡng chứ không phải cầu pháp. Khi đi lại, lúc vào ra, tới lui, nghỉ ngơi, mặc áo, ôm bát... không để mất oai nghi, lại ngồi một mình nơi chỗ trống trải, vắng lặng, dường như bậc A-la-hán, khiến mọi người thế gian đều nói rằng: ‘Đó là vị tỳ-kheo xứng đáng bậc nhất, ông ấy tinh cần khổ hạnh, tu pháp tịch diệt.’ Người ấy luôn nghĩ rằng: ‘Nhờ nhân duyên ấy, ta sẽ được nhiều đệ tử. Mọi người cũng sẽ cúng dường cho ta nhiều áo quần, đồ ăn thức uống, thuốc men, và có nhiều nữ nhân sẽ kính trọng, yêu quý ta.’ Nếu tỳ-kheo hay tỳ-kheo ni nào có việc làm và suy nghĩ như vậy thì phạm vào tội vọng xưng chứng thánh.
“Lại có vị tỳ-kheo, vì muốn kiến lập Chánh pháp vô thượng liền ngồi yên nơi chỗ trống trải vắng lặng. Vị ấy chẳng phải là A-la-hán, nhưng muốn làm cho người ta gọi mình là A-la-hán, là vị tỳ-kheo tốt lành, là vị tỳ-kheo tịch tĩnh, khiến vô lượng người đời sanh lòng tin. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Nhờ nhân duyên ấy, ta sẽ được vô số tỳ-kheo theo kề cận; nhân đó ta sẽ giáo hóa những tỳ-kheo phá giới cùng những ưu-bà-tắc, khiến cho hết thảy đều giữ giới. Nhờ nhân duyên ấy, ta sẽ kiến lập Chánh pháp, mở mang sáng tỏ pháp Vô thượng của Như Lai, chỉ bày khai mở giáo pháp Phương đẳng Đại thừa, độ thoát hết thảy vô lượng chúng sanh, khéo giải nghĩa chỗ nặng, chỗ nhẹ trong kinh luật mà Như Lai đã thuyết.’
Vị tỳ-kheo ấy lại nói rằng: “Nay ta cũng có tánh Phật. Có kinh điển gọi là kho tàng sâu kín của Như Lai; theo kinh ấy thì ta chắc chắn sẽ được thành tựu Phật đạo, dứt hết các dây trói buộc là vô lượng phiền não. Ta sẽ thuyết giảng với vô số các vị ưu-bà-tắc rằng: ‘Các ông thảy đều có tánh Phật. Các ông và tôi đây, chúng ta đều có thể trụ yên trong cảnh giới của Như Lai, thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, dứt hết các dây trói buộc của vô lượng phiền não.’ Người nói ra lẽ đó theo cách như vậy không hề phạm vào lỗi vọng xưng chứng thánh. Đó gọi là Bồ Tát.
“Nếu nói rằng phạm tội đột-cát-la đều sẽ đọa địa ngục trong một thời gian tám trăm vạn năm tính theo năm tháng ở cõi trời Đao-lợi, thọ các tội báo, vậy sao lại dám cố ý phạm tội thâu-lan-già? Trong pháp Đại thừa, nếu có tỳ-kheo phạm tội thâu-lan-già thì không nên gần gũi với tỳ-kheo ấy. Thế nào là tội thâu-lan-già theo kinh Đại thừa? Như có vị trưởng giả tạo lập chùa Phật, dùng những dây hoa mà cúng dường Phật. Kế đó, có thầy tỳ-kheo thấy trong chuỗi hoa có sợi dây kết, không hỏi xin mà [tự ý] lấy, đó là phạm tội thâu-lan-già. Dù [có người] biết đến hay không cũng đều là phạm tội.
“Nếu vì lòng tham mà phá hoại tháp Phật cũng là phạm tội thâu-lan-già. Người như vậy không nên gần gũi.
“Như vua, đại thần thấy những tháp thờ hư mục, ý muốn tu bổ, cúng dường xá-lợi. Ví như có người nhặt được trân bảo trong tháp ấy liền gửi cho tỳ-kheo gìn giữ. Được trân bảo rồi, thầy tỳ-kheo ấy tự do sử dụng. Tỳ-kheo như vậy gọi là bất tịnh, thường gây ra nhiều sự tranh chấp. Người cư sĩ tốt không nên gần gũi cúng dường, cung kính tỳ-kheo như vậy. Hạng tỳ-kheo như vậy khác nào những kẻ vô căn, những kẻ lưỡng căn, những kẻ căn tánh không xác định.
“Hạng người căn tánh không xác định thì khi ham muốn người nữ, [căn trong] thân liền biến ra nữ căn; khi ham muốn người nam, [căn trong] thân liền biến ra nam căn. Hạng tỳ-kheo [phạm tội] như vậy cũng ví như kẻ căn tánh xấu xa, chẳng phải nam chẳng phải nữ, [vì tỳ-kheo ấy là] chẳng phải xuất gia cũng chẳng phải tại gia. Không nên gần gũi cúng dường, cung kính hạng tỳ-kheo như vậy.
“Trong đạo Phật, pháp của sa-môn là nên sanh lòng từ bi che chở, nuôi dưỡng chúng sanh, cho đến đối với con kiến cũng nên thí cho sự an ổn không sợ sệt. Pháp của sa-môn là lìa xa việc uống rượu, cho đến chẳng ngửi mùi rượu. Pháp của sa-môn là không được nói dối, cho đến trong giấc mộng cũng không nghĩ đến sự nói dối. Pháp của sa-môn là không sanh lòng dâm dục, cho đến trong lúc nằm mộng cũng không sanh lòng dâm dục. Đó là pháp của sa-môn.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Như có tỳ-kheo nằm mơ thấy mình làm chuyện dâm dục, như vậy có phạm giới chăng?”
Phật dạy: “Không phạm. Nhưng đối với việc dâm dục, nên tưởng đó là việc ô uế nhơ nhớp, cho đến không hề có ý tưởng cho đó là việc trong sạch, thường lìa xa mối phiền não lưu luyến người nữ. Nếu khi chiêm bao thấy mình làm chuyện dâm dục, lúc tỉnh giấc nên sanh lòng hối hận.
“Tỳ-kheo khất thực, trong khi [tiếp xúc] thọ nhận đồ cúng dường, nên có tư tưởng như đang gặp lúc đói kém phải ăn thịt con [để sống]! Nếu thấy lòng dâm dục phát sanh phải lìa bỏ ngay. Nên biết rằng pháp môn như vậy là kinh luật của Phật thuyết. Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, đó là quyến thuộc của ma. Như ai tùy thuận thuyết của Phật, đó gọi là Bồ Tát.
“Như có kẻ nói rằng: ‘Phật cho phép tỳ-kheo thường đưa lên một chân, lặng thinh chẳng nói, gieo mình vào lửa dữ, từ trên núi cao mà nhảy xuống, chẳng tránh tai nạn hiểm nguy, uống thuốc độc, tuyệt thực, nằm trên tro trên đất, tự trói tay chân, sát hại chúng sanh, chuyên nghề bùa chú... Những người dòng chiên-đà-la, những kẻ vô căn, lưỡng căn hoặc căn tánh không xác định, cùng những kẻ căn thân chẳng đủ... những hạng người như vậy, Như Lai thảy đều cho phép xuất gia tu đạo.’ Đó gọi là thuyết của ma.
“Phật chỉ cho phép dùng năm loại thức ăn lấy từ loài bò cùng các thứ dầu, đường... Phật cũng cho mặc áo bằng vải dệt từ tơ tằm và đi giày da. Trừ những thứ ấy ra, như có người nói: ‘Phật cho phép mặc áo vải tốt đẹp đắt tiền, Phật cho phép chứa trữ tất cả những hạt giống, cây cỏ đều là loài có mạng sống. Phật đã thuyết như vậy rồi mới nhập Niết-bàn.’ Nếu có kinh luật nào nói như vậy, nên biết rằng đó là thuyết của ma.
“Ta chẳng hề cho phép tỳ-kheo thường đưa lên một chân [như bọn ngoại đạo]. Ta vì [truyền] pháp mà cho phép [tỳ-kheo] đi, đứng, ngồi, nằm. Ta cũng không hề cho phép tỳ-kheo uống thuốc độc, tuyệt thực, đốt mình trong đám lửa năm ngọn, trói buộc tay chân, sát hại chúng sanh, chuyên nghề bùa chú, dùng ngọc thạch, ngà voi, giày da, chứa trữ hạt giống, [ta cũng không nói rằng] cây cỏ đều có mạng sống, [ta cũng không cho phép] mặc áo vải tốt đắt giá... Nếu ai nói rằng Thế Tôn nói ra những điều như vậy, nên biết rằng người ấy là quyến thuộc của ngoại đạo, không phải đệ tử của ta.
“Ta chỉ cho phép ăn năm món lấy ở loài bò cùng là dầu, đường, ta cho phép đi giày da, mặc áo bằng vải dệt từ tơ tằm. Ta có dạy rằng bốn đại đều không có thọ mạng. Nếu kinh luật nào nói những điều như vậy, đó là Phật thuyết. Nếu ai tùy thuận thuyết của Phật, nên biết rằng đó là đệ tử chân thật của ta. Nếu ai chẳng theo thuyết của Phật, đó là quyến thuộc của ma. Nếu ai tùy thuận kinh luật của Phật, nên biết rằng người ấy là Đại Bồ Tát.
“Thiện nam tử! Tướng trạng khác nhau giữa thuyết của ma và thuyết của Phật, nay ta đã vì ông mà phân biệt giảng rộng rõ ràng như vậy.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nay con mới biết rõ được tướng trạng khác nhau giữa thuyết của ma và thuyết của Phật. Nhờ đó con mới thâm nhập được vào những ý nghĩa sâu xa của pháp Phật.”
Phật khen Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Ông đã có thể hiểu rõ và phân biệt được như vậy, đó gọi là thông minh trí huệ.”
“Thiện nam tử! Nói về sự khổ, không gọi là thánh đế. Vì sao vậy? Nếu nói rằng khổ là khổ thánh đế, thì tất cả những loài bò, dê, lừa, ngựa cùng chúng sanh ở địa ngục, lẽ ra đều phải có thánh đế!
“Thiện nam tử! Nếu có người không biết được cảnh giới thâm sâu của Như Lai, đối với pháp thân vi mật thường trụ chẳng biến đổi mà cho rằng đó là thân do ăn uống [mà thành] chứ không phải pháp thân, chẳng biết oai lực đại đức của Như Lai. Như vậy gọi là khổ. Vì sao vậy? Vì không biết nên pháp thấy là chẳng phải pháp, chẳng phải pháp thấy là pháp. Nên biết rằng người như vậy ắt phải đọa vào nẻo dữ, luân chuyển mãi trong sanh tử, nuôi lớn các mối phiền não trói buộc, chịu nhiều khổ não.
“Nếu ai biết được rằng Như Lai là thường trụ, không hề biến đổi, hoặc nghe được hai tiếng thường trụ, dù chỉ nghe qua một lần cũng được sanh lên các cõi trời. Rồi về sau, đến lúc giải thoát rồi mới có thể chứng biết lẽ Như Lai thường trụ, không hề biến đổi. Khi chứng biết rồi liền nói: ‘Thuở xưa tôi đã từng nghe nghĩa ấy, nay được giải thoát mới thật sự chứng biết. Ngày trước vì không biết được vậy nên tôi phải luân chuyển mãi trong sanh tử, lăn lộn không cùng. Từ nay tôi mới có được trí huệ chân thật.’
Nếu biết được vậy, mới thật là tu tập lẽ khổ, được nhiều lợi ích. Nếu không biết vậy thì dù có chuyên cần tu học cũng không được ích lợi gì. Đó gọi là rõ biết lẽ khổ, gọi là Khổ thánh đế. Nếu không thể tu tập như vậy thì gọi là khổ chứ không phải Khổ thánh đế.
“Nói về Khổ tập đế, người nào đối với pháp chân thật không phát sanh trí huệ chân thật, thọ nhận những vật bất tịnh, như tôi trai, tớ gái... thường đối với những việc không đúng pháp mà gọi là Chánh pháp, làm cho Chánh pháp phải dứt mất, không thể trụ thế lâu dài. Vì nhân duyên ấy nên không biết được tánh pháp. Vì không biết nên khi luân chuyển trong sanh tử thường chịu nhiều khổ não, không được sanh lên các cõi trời và không được giải thoát chân chánh. Nếu có sự rõ biết sâu xa, không phá hoại Chánh pháp, nhờ nhân duyên ấy liền được sanh lên các cõi trời và được giải thoát chân chánh. Nếu không rõ biết về Khổ tập đế mà nói rằng Chánh pháp là không thường trụ nên là pháp sanh diệt, do nhân duyên ấy trong vô số kiếp phải luân chuyển trong sanh tử, chịu mọi khổ não. Nếu rõ biết rằng pháp là thường trụ, không biến đổi, đó gọi là rõ biết lẽ tập, gọi là Tập thánh đế. Nếu không thể tu tập như vậy, đó gọi là tập chứ không phải Tập thánh đế.
“Nói về Khổ diệt đế, nếu ai thường tu tập, học theo pháp [chấp] không thì là bất thiện. Vì sao vậy? Vì dứt bỏ tất cả các pháp, phá hoại kho tàng giáo pháp chân thật của Như Lai. Tu học như vậy gọi là tu [chấp lẽ] không. Người tu tập [đúng lẽ] khổ diệt thì ngược với cách tu của tất cả ngoại đạo. Nếu nói rằng tu tập [chấp] lẽ không là Diệt đế thì hết thảy ngoại đạo đều tu pháp [chấp] không, lẽ ra đều phải có Diệt đế!
“Như có người nói rằng: ‘Thật có tạng Như Lai, dù không thể thấy được, nhưng nếu trừ dứt hết mọi phiền não thì sẽ thể nhập vào tạng Như Lai.’ Nếu ai phát tâm như vậy, dù chỉ một niệm, nhờ nhân duyên đó đối với các pháp liền được tự tại.
“Nếu người tu tập [những tướng trạng] vô ngã, rỗng không vắng lặng [rồi cho đó là] tạng sâu kín của Như Lai, thì trong vô số kiếp sẽ lưu chuyển trong sanh tử, chịu nhiều khổ não. Nếu ai không tu tập theo cách như vậy, thì dù có phiền não cũng mau chóng dứt trừ. Vì sao vậy? Nhờ rõ biết được tạng sâu kín của Như Lai. Đó gọi là Khổ diệt thánh đế. Như ai tu tập lẽ diệt như vậy, ấy là đệ tử của ta. Như ai không tu tập như vậy, đó gọi là tu pháp [chấp] không, chẳng phải tu Diệt thánh đế.
“Nói về Đạo thánh đế, đó là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo cùng Chánh giải thoát. Có những chúng sanh vì lòng điên đảo nên nói rằng: ‘Không có Phật, Pháp, Tăng cùng Chánh giải thoát; sự luân chuyển trong sanh tử chỉ như huyễn hóa.’ Do nhân duyên tu tập kiến giải [sai lầm] như vậy nên phải luân chuyển trong Ba cõi, mãi mãi chịu sự khổ não nặng nề. Nếu có thể sanh tâm thấy rằng Như Lai là thường trụ, không biến đổi; Pháp, Tăng, Giải thoát cũng là như vậy; chỉ nhờ vào một niệm ấy mà trong vô số kiếp liền được những quả báo hoàn toàn theo ý muốn. Vì sao vậy? Thuở xưa chính ta đã vì bốn sự điên đảo, đối với việc không đúng pháp mà cho là Chánh pháp, nên phải chịu vô số quả báo ác nghiệp. Nay ta dứt hết những kiến giải [điên đảo] ấy nên thành Phật Chánh giác. Đó gọi là Đạo thánh đế.
“Như có người nói rằng: ‘Tam bảo là vô thường.’ Tu tập theo kiến giải ấy là sai lầm, chẳng phải Đạo thánh đế. Nếu ai thường tu tập niệm tưởng rằng: ‘Tam bảo là thường trụ’ thì người ấy là đệ tử của ta.
“Dùng sự thấy biết chân chánh mà tu tập bốn pháp thánh đế, đó gọi là Tứ thánh đế.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nay con mới rõ biết được việc tu tập pháp Tứ thánh đế hết sức sâu xa.”
Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Nói về Bốn điên đảo, đối với chỗ không phải khổ mà sanh ra tư tưởng khổ, đó gọi là điên đảo. Không phải khổ, đó là Như Lai; sanh ra tư tưởng khổ, là cho rằng Như Lai vô thường, biến đổi.
“Nếu nói rằng Như Lai là vô thường, đó là tội khổ rất lớn. Như nói rằng Như Lai bỏ thân khổ này mà vào Niết-bàn, dường như củi hết thì lửa tắt, đó gọi là không phải khổ mà sanh ra tư tưởng khổ. Như vậy là điên đảo.
“Giả sử ta nói rằng ‘Như Lai là thường’, như vậy tức là ngã kiến. Do ngã kiến nên có vô lượng tội. Vì vậy nên phải nói rằng ‘Như Lai là vô thường’. Vậy nếu nói Như Lai là vô thường ắt ta phải được vui. Nhưng Như Lai là vô thường thì đó là khổ, nếu đã là khổ thì làm sao được vui? Vì đối với sự khổ mà sanh tư tưởng [cho là] vui nên gọi là điên đảo.
“Đối với sự vui mà sanh tư tưởng [cho là] khổ, đó là điên đảo. Sự vui đó, tức là Như Lai; sự khổ đó, là Như Lai vô thường. Nếu nói ‘Như Lai là vô thường’, đó là đối với sự vui mà sanh ra tư tưởng [cho là] khổ. Như Lai thường trụ, đó gọi là vui. Nếu ta nói rằng ‘Như Lai là thường’, vì sao Như Lai lại nhập Niết-bàn? Nếu nói rằng Như Lai không phải sự khổ, vì sao lại bỏ thân này mà thể nhập cảnh giới Diệt độ? Vì đối với sự vui mà sanh ra tư tưởng [cho là] khổ nên gọi là điên đảo.
“Như trên gọi là sự điên đảo thứ nhất.
“[Đối với sự] vô thường lại tưởng là thường; [đối với sự] thường tồn lại tưởng là vô thường, đó gọi là điên đảo. Vô thường đó, là không tu tập pháp không. Vì không tu tập pháp không nên thọ mạng ngắn ngủi. Nếu nói rằng không tu tập pháp rỗng không vắng lặng mà được trường thọ, đó là là điên đảo. Đây là sự điên đảo thứ nhì.
“[Đối với sự việc] vô ngã mà tưởng là ngã, [thật có] ngã mà tưởng là vô ngã, đó gọi là điên đảo. Người thế gian nói hữu ngã, pháp Phật cũng nói hữu ngã. Tuy người thế gian nói hữu ngã, nhưng không có tánh Phật. Như vậy gọi là đối với vô ngã mà sanh ra tư tưởng [cho là] có ngã. Đó gọi là điên đảo. Pháp Phật nói có ngã, ngã đó là tánh Phật. Người thế gian nói pháp Phật là vô ngã. Đó gọi là đối với ngã mà sanh ra tư tưởng [cho là] vô ngã. Nếu như nói rằng: ‘Pháp Phật nhất định là vô ngã, cho nên Như Lai dạy đệ tử tu tập vô ngã’, như vậy là điên đảo. Đó gọi là sự điên đảo thứ ba.
“[Đối với sự việc] tịnh mà tưởng là bất tịnh, bất tịnh lại tưởng là tịnh, đó gọi là điên đảo.
“Tịnh tức là Như Lai thường trụ. Như Lai thường trụ, đó chẳng phải là thân do ăn uống [mà thành], chẳng phải thân phiền não, chẳng phải thân xác thịt, chẳng phải thân [tồn tại nhờ] gân cốt chằng chịt. Như có người nói rằng: ‘Như Lai là vô thường, đó là thân do ăn uống [mà thành], là thân phiền não, là thân xác thịt, là cái thân [tồn tại nhờ] gân cốt chằng chịt. Pháp, Tăng, Giải thoát đều là dứt hết.” Đó gọi là điên đảo.
“[Đối với sự việc] bất tịnh mà tưởng là tịnh, đó gọi là điên đảo. Như có người nói rằng: ‘Trong thân ta đây không có gì là bất tịnh. Bởi không có gì là bất tịnh, nên chắc rằng sẽ vào được chỗ thanh tịnh. Như Lai dạy rằng phải tu phép quán bất tịnh, đó chỉ là hư vọng mà thôi.’ Như vậy là điên đảo. Đó gọi là sự điên đảo thứ tư.
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Kể từ hôm nay con mới được chỗ thấy biết chân chánh. Bạch Thế Tôn! Con tự thấy rằng từ trước đến nay tất cả chúng con chỉ là kẻ tà kiến.
“Bạch Thế Tôn! Trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu có thật có cái ngã hay chăng?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Cái ngã đó, tức là nghĩa của tạng Như Lai. Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, đó tức là ý nghĩa của ngã. Cái nghĩa của ngã đó, từ xưa đến nay thường bị vô lượng phiền não che lấp nên chúng sanh không thấy được.
“Thiện nam tử! Ví như người đàn bà nghèo khó, trong nhà chôn giấu một kho vàng ròng rất lớn, nhưng hết thảy mọi người trong gia đình đều không biết là ở chỗ nào. Lúc ấy có một người ngoài khéo biết phương tiện chỉ bày, liền nói với người đàn bà nghèo rằng: ‘Nay tôi mướn chị làm công, chị có thể cào dọn cỏ rác cho tôi chăng?’ Người đàn bà đáp: ‘Tôi không thể làm việc ấy. Nếu tôi có thể chỉ cho con tôi chỗ chôn giấu vàng rồi thì tôi sẽ lập tức đi làm việc cho ông.’ Người kia nói: ‘Tôi biết cách, có thể chỉ chỗ chôn vàng cho con chị.’ Người đàn bà nói: ‘Người trong nhà tôi còn không ai biết chỗ, huống chi ông làm sao biết được?’ Người kia nói: ‘Tôi quả thật biết được.’ Người đàn bà liền nói: ‘Tôi cũng muốn thấy, vậy ông hãy chỉ cho tôi.’ Người ấy liền đào ngay trong nhà, lộ ra kho chứa vàng ròng. Người đàn bà thấy vậy hết sức vui mừng, cho là việc kỳ lạ, lấy làm tôn kính ngưỡng mộ người kia.
“Thiện nam tử! Tánh Phật của chúng sanh lại cũng như vậy. Tất cả chúng sanh đều chẳng thấy được tánh Phật ấy, cũng như người đàn bà nghèo khó kia chẳng biết kho báu của mình chôn ở chỗ nào.
“Thiện nam tử! Nay ta chỉ bày cho hết thảy chúng sanh cái tánh Phật mà họ sẵn có. Tánh Phật ấy bị các phiền não che lấp, cũng như người đàn bà nghèo khó kia có kho vàng ròng nhưng không thể thấy được. Nay Như Lai chỉ bày cho tất cả chúng sanh kho báu tánh giác của họ, ấy là tánh Phật. Thấy việc ấy rồi, lòng họ trở nên vui vẻ, quy ngưỡng Như Lai. Người có tài phương tiện chỉ bày tức là Như Lai. Người đàn bà nghèo khó tức là tất cả vô lượng chúng sanh. Kho vàng ròng ấy tức là tánh Phật.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như người đàn bà kia sanh dưỡng được một đứa con, thuở nhỏ mắc bệnh. Người mẹ buồn rầu, chạy đi tìm rước thầy thuốc. Thầy thuốc đến rồi, bèn trộn lẫn ba thứ thuốc: bơ, sữa và đường phèn rồi cho đứa trẻ uống, dặn dò rằng: ‘Đứa con của cô đã uống thuốc rồi, đừng cho nó bú. Phải đợi thuốc tiêu hết mới cho bú trở lại.’ Liền đó, người đàn bà liền lấy chất đắng bôi lên vú mình và nói với con: “Vú mẹ có bôi chất độc, con đừng đụng tới nữa.” Đứa trẻ khát sữa muốn bú, nhưng nghe nói có độc bèn tránh xa. Đến khi thuốc đứa con uống vào đã tiêu hết, người mẹ mới dùng nước sạch rửa vú của mình, rồi gọi con rằng: ‘Lại đây, mẹ cho bú.’ Đứa trẻ ấy, mặc dù đói khát, nhưng trước đã nghe nói có độc nên không dám lại. Người mẹ lại nói rằng: ‘Vì con uống thuốc nên mẹ phải bôi chất độc lên vú. Nay thuốc ấy đã tiêu, mẹ đã rửa vú sạch rồi, vậy con nên lại đây bú, không còn đắng nữa.’ Nghe như vậy rồi, đứa trẻ liền trở lại bú sữa.
“Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, vì muốn cứu độ tất cả chúng sanh nên ngài dạy tu pháp vô ngã. Tu như vậy rồi, dứt hẳn được tâm chấp ngã mà nhập Niết-bàn. Vì muốn dứt trừ các kiến giải sai lầm của thế gian nên ngài thị hiện pháp xuất thế. Lại vì muốn chỉ bày cho thế gian thấy sự chấp ngã là hư vọng, không chân thật, nên dạy tu pháp vô ngã để làm cho thân được thanh tịnh. Ví như người đàn bà kia, vì [bảo vệ] đứa con nên bôi chất đắng lên vú. Như Lai cũng thế, vì dạy tu pháp không nên nói rằng các pháp đều vô ngã. Lại như người đàn bà kia khi rửa sạch vú rồi bèn gọi con đến cho bú. Nay ta cũng thế, [đến lúc thích hợp nên] thuyết dạy về tạng Như Lai. Vì thế chư tỳ-kheo không nên sợ sệt. Như đứa trẻ kia, nghe mẹ gọi mà trở lại bú sữa. Chư tỳ-kheo cũng vậy, nên tự phân biệt: Tạng sâu kín của Như Lai không thể không có.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Thật không có cái ngã. Vì sao vậy? Lúc đứa trẻ mới sanh ra không hiểu biết chi cả. Nếu có cái ngã, tất nhiên lúc sanh ra phải tự có hiểu biết. Vì nghĩa đó mà biết chắc là không có cái ngã.
“Nếu nhất định có cái ngã, thì khi người ta đã sanh rồi lẽ ra không hề chết. Nếu nói tất cả chúng sanh đều có tánh Phật thường trụ, thì lẽ ra không có tướng trạng hư hoại. Nếu không có tướng trạng hư hoại, vì sao lại có sự khác biệt nhau như sát-lỵ, bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà, với chiên-đà-la và súc vật?
“Nay thấy có rất nhiều nghiệp duyên khác nhau, nhiều cảnh giới khác nhau. Nếu nhất định có cái ngã, thì tất cả chúng sanh lẽ ra chẳng có kẻ hơn người kém. Vì nghĩa đó mà biết chắc là tánh Phật chẳng phải pháp thường còn. Nếu nói rằng tánh Phật nhất định là thường còn, vì duyên cớ gì lại có những kẻ sát hại, trộm cướp, dâm dục, nói hai lưỡi, nói lời hung dữ, nói dối, nói thêu dệt, tham lam, sân khuể, tà kiến?
“Nếu tánh ngã là thường, tại sao khi uống rượu rồi người ta lại say sưa mê loạn? Nếu tánh ngã là thường, thì kẻ mù đáng lẽ phải thấy được hình sắc, kẻ điếc nghe được âm thanh, kẻ câm nói được ra lời, kẻ què có thể bước đi! Nếu tánh ngã là thường, thì người ta không nên tránh hầm lửa, nước lụt, thuốc độc, gươm đao, kẻ ác, cầm thú!
“Nếu cái ngã là thường, thì những việc đã trải qua rồi lẽ ra không quên! Nếu không quên, vì sao có người lại tự hỏi rằng: ‘Tôi đã từng gặp người này ở đâu?’ Nếu cái ngã là thường, lẽ ra chẳng có những việc như nhỏ tuổi, lớn tuổi, già nua... hoặc những khi thế lực suy vi, hưng thịnh, nhớ lại chuyện đã qua!
“Nếu cái ngã là thường thì nó trú ngụ ở đâu? Ở trong nước bọt, nước mũi, trong các màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng đó chăng? Nếu cái ngã là thường, lẽ ra phải ở khắp trong thân, cũng như chất dầu mè, lan tràn không có chỗ hở! Nếu thân bị chặt đứt, ngay lúc ấy lẽ ra cái ngã cũng phải đứt đoạn!”
Phật dạy Ca-diếp: “Thiện nam tử! Ví như vị vua kia có một đại lực sĩ. Khoảng giữa hai chân mày lực sĩ ấy có một hạt châu kim cương. Trong khi đấu sức với lực sĩ khác, người ấy lấy đầu mà húc kẻ địch. Nhân đó, hạt châu nơi trán bị lún vào phía trong lớp da, nhưng người ấy hoàn toàn không biết việc ấy. Rồi chỗ trán ấy lại sanh ra ghẻ độc, lực sĩ liền rước lương y đến điều trị cho mình.
“Lúc ấy, có vị thầy thuốc sáng suốt hiểu rành phương dược, liền biết rằng ghẻ độc ấy là do hạt châu nằm trong thân thể. Hạt châu lún xuống dưới da, nằm yên ở đó. Lúc ấy, vị lương y dò hỏi lực sĩ rằng: ‘Hạt châu gắn nơi trán ông bây giờ ở đâu?’ Lực sĩ kinh hải, đáp rằng: ‘Đại sư y vương! Hóa ra hạt châu nơi trán tôi đã mất rồi sao? Hạt châu ấy hiện nay ở đâu? Chẳng phải đã có phép thuật ảo hóa gì đó chăng?’ Nói rồi buồn rầu, than khóc.
“Lúc ấy, vị lương y dùng lời êm dịu, khuyên lơn lực sĩ rằng: ‘Ông chớ nên buồn rầu khổ não thái quá. Nhân khi ông giao đấu, hạt bảo châu đã lún vào trong thân thể. Hiện nay nó ở dưới lớp da, ảnh hiện ra ngoài. Trong khi ông giao đấu, vì lòng sân khuể rất mạnh nên hạt châu bị ép vào thân thể mà ông không tự biết.’
“Lúc ấy, lực sĩ không tin lời lương y, nói rằng: ‘Nếu nó ở dưới da, máu mủ bất tịnh, vì sao nó chẳng trồi ra? Nếu nó ở tại trong gân, lẽ ra không thấy được nó. Nay vì sao ông dối gạt tôi?’
“Khi ấy vị lương y lấy kiếng soi trước mặt lực sĩ, hạt châu hiển hiện rõ ràng trong kiếng. Lực sĩ thấy vậy rồi lấy làm kinh quái, cho là việc lạ lùng đặc biệt.
“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh lại cũng như vậy. Vì họ chẳng hay thân cận thiện tri thức, cho nên dù có tánh Phật nhưng thảy đều chẳng thấy được. Tánh Phật bị che lấp bởi tham dâm, sân khuể, ngu si, cho nên đọa nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, chiên-đà-la, sát-lỵ, bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà. Họ sanh vào bao nhiêu hoàn cảnh như vậy, là bởi lòng họ khởi ra mọi thứ nghiệp duyên. Tuy mang thân người, nhưng họ bị điếc, đui, câm, ngọng, què cụt... Trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu, họ nhận chịu mọi thứ quả báo. Vì tâm họ bị che lấp bởi tham dâm, sân khuể, ngu si, nên họ không biết đến tánh Phật. Như lực sĩ kia, trong khi hạt châu báu chôn khuất trong người thì cho là đã mất rồi. Chúng sanh cũng thế, vì không thân cận thiện tri thức nên không biết đến kho báu Như Lai vi diệu sâu kín. Họ tu học lẽ vô ngã chỉ như hạng phàm phu, tuy nói lẽ hữu ngã nhưng cũng chẳng biết chân tánh của ngã. Các đệ tử của ta cũng như thế, vì chẳng biết thân cận thiện tri thức, cho nên tu học lẽ vô ngã mà chẳng biết chỗ của vô ngã. Đã không biết được chân tánh của vô ngã, nói chi đến việc có thể biết được chân tánh của hữu ngã?
“Thiện nam tử! Như Lai dạy rằng hết thảy chúng sanh đều có tánh Phật, cũng ví như vị lương y kia chỉ cho người lực sĩ hạt châu kim cương quý giá. Chúng sanh vì bị che lấp bởi vô lượng phiền não nên không thấy biết được tánh Phật. Nếu dứt hết phiền não, bấy giờ sẽ chứng biết rõ ràng tánh Phật, cũng như người lực sĩ kia khi soi trong gương sáng thấy được hạt châu quý báu.
“Thiện nam tử! Tạng Như Lai sâu kín như vậy, không thể suy lường, không thể thuyết giảng, nghĩ bàn.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như ở Tuyết sơn có một vị thuốc gọi là lạc vị. Vị thuốc ấy rất ngọt, nhưng nằm khuất dưới lùm cây sâu không ai thấy được. Có người nghe mùi thơm, biết rằng ở chỗ đất ấy có món thuốc đó. Thuở xưa có vị vua Chuyển luân vì món thuốc ấy mà tạo ra ở khắp nơi trong Tuyết sơn những cái ống tre để tiếp nhận nó. Cây thuốc ấy khi già chín, từ dưới đất trồi lên chui vào ống tre, mùi vị vừa phải thích hợp. Sau khi vị vua Chuyển luân ấy qua đời, thuốc lại trở nên chua, mặn, ngọt, đắng, cay hoặc nhạt. Thuốc ấy vốn có một mùi vị, nhưng khi người ta mang nó đến xứ này hay xứ khác, nó lại biến thành những mùi vị khác. Khi thuốc ấy còn ở tại núi, mùi vị nó vẫn vừa phải thích hợp, nhưng kẻ phàm nhân ít phước, dù có dùng rìu búa mà chặt đốn, đào xới, tốn công khổ nhọc cũng chẳng được món thuốc ấy. Chỉ khi có Thánh vương xuất hiện ở đời, nhờ nhân duyên phước đức mới được món thuốc ấy với mùi vị vừa phải thích hợp.
“Thiện nam tử! Tạng Như Lai sâu kín, mùi vị cũng như thế. Vì bị rừng cây rậm rạp phiền não che bít, chúng sanh vô minh chẳng thể thấy được. Mùi vị duy nhất của món thuốc kia, ví với tánh Phật. Vì phiền não, cho nên từ nơi tánh Phật ấy, xuất hiện rất nhiều mùi vị khác, như địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, trời, người, nam, nữ, chẳng phải nam chẳng phải nữ, sát-lỵ, bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà.
Tánh Phật là hùng mãnh, không thể hư hoại, cho nên không ai phá hoại được. Như có kẻ phá hoại được, ắt phải làm đứt đoạn tánh Phật. Nhưng tánh Phật như vậy chẳng bao giờ có thể bị đứt đoạn. Nếu nói tánh ấy có thể đứt đoạn thì thật vô lý. Như tánh ngã ấy, chính là tạng Như Lai sâu kín. Tạng sâu kín như vậy không gì có thể làm cho hư hoại, tiêu diệt. Tuy không thể làm hư hoại, nhưng [khi bị che lấp] lại không thể thấy được. Như đã thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, liền chứng biết được nó. Vì nhân duyên ấy, không ai có thể phá hoại được tánh Phật.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nếu không có kẻ hủy hoại được, lẽ ra không thể có những nghiệp bất thiện?”
Phật dạy Ca-diếp: “Thật có sự giết hại. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Tánh Phật của chúng sanh vẫn ở trong năm ấm. Nếu làm hư hoại năm ấm, gọi là giết hại. Nếu có giết hại, tức đọa vào đường dữ. Do nghiệp báo nhân duyên nên có các dòng sát-lỵ, bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà cùng chiên-đà-la, hoặc nam, hoặc nữ, hay chẳng phải nam chẳng phải nữ, các tướng trạng khác nhau ở trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu của chúng sanh, luân chuyển trong vòng sanh tử. Những kẻ chưa đạt quả thánh cố chấp sai lầm rằng có ngã, tướng trạng của cái ngã ấy lớn nhỏ xê xích dường như hạt cỏ, hoặc như hạt gạo, hạt đậu, cho đến ngón tay cái hay ngón chân cái... Cứ như vậy mà hư vọng sinh ra đủ cách suy tưởng, ức đoán. Tướng trạng của vọng tưởng không hề chân thật. Tướng ngã của bậc xuất thế gọi là tánh Phật. Nhận biết cái ngã như vậy gọi là việc lành cao cả hơn hết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như người khéo biết nơi chôn giấu kho tàng, bèn lấy dụng cụ sắc bén mà đào đất, xuyên qua những hòn đá, sạn, sỏi, một cách không khó khăn gì. Chỉ khi gặp phải kim cương thì không thể xuyên qua. Vì kim cương là chất mà dao búa không thể làm hư hoại.
“Thiện nam tử! Tánh Phật của chúng sanh cũng vậy. Tất cả các vị luận sư, thiên ma Ba-tuần, cùng loài người và chư thiên đều không thể hủy hoại được nó. Tướng trạng của năm ấm tức là sinh khởi và tạo tác. Tướng trạng sinh khởi và tạo tác ví như đá sỏi, có thể đâm thủng, phá hoại; tánh Phật ví như kim cương, không ai làm hư hoại được. Vì nghĩa ấy nên làm hư hoại năm ấm gọi là giết hại.
“Thiện nam tử! Nên biết chắc rằng pháp Phật như vậy là không thể nghĩ bàn!”
Then Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! Are we to depend upon the four kinds of people mentioned above?" The Buddha said: "It is thus, it is thus! O good man! What I say can be depended upon. Why? Because there are four Maras. What are the four? It looks [seems, appears] as though people hold the sutras and precepts of what Mara has said."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! You, the Buddha, say that there are four Maras. How can we distinguish what Mara says from what the Buddha says? There are people who behave as Mara says and those who follow what the Buddha says. How are we to know these [apart]?" The Buddha said to Kasyapa: "Seven hundred years after my entering Parinirvana, this Marapapiyas will spoil my Wonderful Dharma. It is like a hunter donning priestly garb. Marapapiyas will also act thus. He will present himself in the form of a bhiksu, bhiksuni, upasaka or upasika. Or he may display himself as a srotapanna or any other grade up to arhat. Or he may display himself as a living Buddha. The created body of the king Mara will present itself as a non-created body, thus violating Wonderful Dharma. When violating Wonderful Dharma, this Marapapiyas will say: " The Bodhisattva, once, left Tushita Heaven and came down to this earth, to the castle of Kapilavastu, and lived in the palace of Suddhodana. By the conjoint carnal desires of father and mother, he gained birth and manhood. A man, born amongst men, can never be respected by all heaven and earth."
"He will also say: "In the long past, he underwent penance, offered up his head, eyes, marrow, state, wife and children. Because of this, he attained Enlightenment. As a result, he is now respected by man and god, gandharva, asura, kimnara and mahoraga." If any sutras or vinayas say thus, know that they are all nothing but what has come out of the mouth of Mara. O good man! The sutras and vinayas may say: " It is already a long, long time ago that the Tathagata perfected Enlightenment. He now attains Enlightenment, all to save beings. He thus shows himself as being born from the conjoint carnal desires of father and mother. He manifests thus just to accord with what applies in the world." Know that any such sutra or vinaya is truly from the Tathagata. Any person who follows what Mara says is the kindred of Mara; a person who follows the word of the Buddha is a Bodhisattva.
"Any person who says that it is unbelievable that the Buddha walked seven steps in the ten directions when he was born is one who but follows what Mara says. If a person says that the Tathagata walked seven steps in the ten directions when he was born, all this to manifest himself expediently, such a person stands on [bases his words on] the sutras and vinayas which the Tathagata has delivered. Any person who follows what Mara says is kindred to Mara. Anyone who follows what the Buddha has said is a Bodhisattva.
"Or a person might say that when the Bodhisattva was born, his father, the King, sent men to the heavenly shrines, at which the gods, on seeing him, all came down and worshipped him. Hence, he is the Buddha. Then someone will commit slander and say: " Heaven appeared first and the Buddha later. How could the heavens worship the Buddha?" Whatever is said like this is nothing but the word of Marapapiyas. If any sutra says that the Buddha went to where the devas were and that all such gods as Mahesvara, Great Brahma and Sakrodevanamindra, folding their hands and touching the Buddha's feet with their heads, worshipped him, such a sutra or vinaya is from the Buddha. Any person who follows what Mara says is the kindred of Mara. Any person who follows what the Buddha says is a Bodhisattva.
"If any sutra or vinaya says that the Bodhisattva, when as yet a crown prince, had wives [concubines] all around out of carnal desire, lived in the depths of the palace [i.e. in the harem] and fully tasted the five desires and enjoyed himself, such is a sutra or vinaya of Marapapiyas. Any sutra or vinaya that says: "The Bodhisattva had long since abandoned all desires, wife and son, and did not receive [in attachment] the wonderful desires of Trayastrimsa Heaven, but abandoned these as though they were spittle and tears. How could he have human desires? He shaved his head, became a priest, and practised the Way." Such are the sermons of the Buddha.
Any person who follows the sutras and vinayas of Mara is the kindred of Mara; any person who follows the sutras and vinayas of the Buddha is a Bodhisattva.
"If a person says that the Buddha, in Sravasti, at the Jetavana vihara, permitted all bhiksus what they wanted to have, such as male or female servants, pages, cows, sheep, elephants, horses, donkeys, mules, hens, cats, gold, silver, beryl, pearls, crystals, musaragalva, agate, coral, amber, horse-shoe shell, jade, copper, or iron kettles, big or small copper basins; that they were allowed to till the land, sow seeds and plant, sell or barter things, that they were permitted to store rice, that the Buddha pitied the bhiksus and allowed them all such things out of his compassion - all such sutras and vinayas are those of Mara.
"Or someone might say that the Buddha stayed in Sravasti, at the Jetavana vihara, where the nirdara demon lived, and, relative to a Brahmin called Kuteitoku and King Prasenajit, said: " O Bhiksus! You should not receive gold, silver, beryl, crystals, pearls, musaragalva, agate, coral, amber, horse-shoe shell, jade, male or female domestic servants, pages, boys, girls, cows, sheep, elephants, horses, donkeys, mules, hens, pigs, cats, dogs or other animals; iron or copper kettles, big or small basins, sheets of various colours, and beds; or such necessary things or [do such] activities of [worldly] life as: [building] houses, tilling the soil, sowing seed, selling things in the market-place, making meals with your own hands, polishing or pounding with your own hands, doing incantations for a living, training hawks, looking at the constellations, working charms, guessing at the waxing and waning of the moon, telling a man or woman's fortune, saying good or bad things about a person's dreams, guessing or foretelling and saying that this is a man or woman, or saying that this is not a male or this is not a female, talking about the 64 marks of excellence [said to exist in the houses of the tirthikas], or saying that there are 18 dharanis [spells] by which people can be led astray; or talking about any of the arts, any worldly things, using powdered incense, curna [for strewing on seats, stupas, etc.], smearing incense [for the hands and body to give off a pleasant aroma], fumigating incense, using various kinds of leis [bronze wine-vessels], [practising] the arts of hairdressing, cunningly cheating and flattering, and thus greedily seeking profit, loving stupid and noisy quarters, joking and laughing, [walking] and preaching. [Such bhiksus] greedily eat fish, make poisons, and rub in fragrant oils. They possess gem parasols and leather footgear. They make boxes, chests, fans, and various pictures and statues. They store up cereals and rice, big and small varieties of wheat and beans, and various melons [seeds]. They come near [fraternise with consort with] kings, princes, ministers and all kinds of females, laugh loudly or sit silently. They entertain doubts regarding all things, talk a lot and talk carelessly; they like to wear good clothes, which may be long or short, lovely or unlovely, good or bad. They themselves praise all such things in the presence of the giver. They frequent and roam about these dirty quarters, the places where one finds taverns, prostitutes and gamblers, all of which places I do not allow the bhiksus to be in. They should give up seeking the Way; they must be turned back to worldly life and used for labour [go out to work]. For example, this is like the tare in the paddy field, which has to be uprooted, so as not to be found any more. Know that what is prohibited in the sutras and vinayas constitutes the injunctions of the Tathagata. Any person who follows the word of Mara is the kindred of Mara; anyone who follows the word of the Buddha is a Bodhisattva.
"Or a person might say: " The Bodhisattva goes to the temple of the devas to make offerings to such as Brahma, Mahesvara, Skanda and Katyayana. Why? He enters there merely to conquer the devas. Things can never be other than this." If it is said: "Even if the Bodhisattva gets into arguments with the tirthikas, he cannot know of their deportments, sayings and arts, and he cannot cause quarrelling servants to come to terms; he cannot be respected by males or females, kings or ministers; he does not know how to prepare medicines; that is why he is called "Tathagata". Whatever he knows is what is wicked; also, the Tathagata sees neither enemy or friend; his mind is all-equal; one may take a sword and cut him; or one could smear incense over his body, and he would not have any sense of gain or loss. He sits in the middle. This is why we say "Tathagata". Any sutra that says this is one of Mara’s.
"Or a person might say: "The Bodhisattva behaves thus: he goes into the houses of other teachings, teaches them to abandon domestic life and practise the Way, to come to know of deportment and manners; he teaches them to know of what is written and how arts are performed, and how one quells arguments and disputes. He is the highest of all people, boys and girls, people of the royal harem, the royal consorts, ordinary people, rich persons, Brahmins, kings, ministers, or the poor. Furthermore, he is respected by these and he also knows all such things. He may come across various views of life, and yet he does not entertain any loving [clinging] thought. This is like the lotus, which does not become soiled by defilement. In order to save beings, he practises various expedients and lives a worldly life."Any such sutras and vinayas are the sermons of the Tathagata. One who follows what Mara says is kindred to Mara; anyone who follows what the Buddha says is a great Bodhisattva.
"Or a person might say: "The Tathagata expounded the sutras and vinaya to me. Of all the wicked sins, those [classed as] light and heavy and the sthulatyaya are all grave. In our vinaya, we do not commit these, to the end. I have long put forward such a Law, but you do not believe it. How could I throw away my own vinaya and come to your vinaya? Your vinaya is nothing but what Mara says. Ours is what the Buddha says. The Tathagata has already given the nine types of formulations of Dharma [i.e. Hinayana teaching]. Such nine formulations constitute our sutras and vinaya. I have never once heard of a sentence or word of the vaipulya sutras [i.e. the extensive sutras of Mahayana]. Where, in all the innumerable sutras and vinayas, do we come across the name of vaipulya sutra? In none of these have we ever heard of the ten types of sutras. If there are any such, they must surely be the work of Devadatta [the Buddha's malicious, jealous cousin]. Devadatta is a wicked person. In order to destroy good teachings, he makes up the vaipulya. We do not believe in any such sutras. This is what the sutras say. Why? Because they say this and that about the Buddhist doctrine. All such things are stated [only] in your sutras; ours do not contain any such [teachings]. In our sutras and vinayas, the Tathagata says: " After my entering Nirvana, there may come about, in evil ages, distorted sutras and vinayas. These are the so-called Mahayana sutras. In ages to come, there will be all such wicked bhiksus." I, then, say: "There are further the vaipulya sutras other than the nine types of sutras." A person who thoroughly accepts the signification says that he well understands the sutras and vinayas, segregates himself from all that is impure and is so delicate and pure that one could well compare him to the full moon.
"If a person says: " The Tathagata gave explanations for each sutra and vinaya, as numerous as the sands of the river Ganges, but our vinaya does not contain any such. There is none such. If there are [such expositions], how is it that the Tathagata does not expound them in my vinaya? So, I cannot believe in them" - if a person speaks thus, know that this person is committing a sin. A person might further say: "Such sutras and vinaya [the Hinayana] I shall well uphold. Why? Because they are the cause of good doctrine, of being satisfied, of desiring little, of cutting off illusions, and one gains Wisdom and Nirvana." Any person who says so is no disciple of mine. If a person says: "The Tathagata gave us the vaipulya sutras so as to save beings", such a person is my true disciple. Any person who does not accept the vaipulya sutras is no disciple of mine. Such a person is not one who has become a priest because of the Buddhist teaching. Such a person is one wicked in mind and is none but a disciple of the tirthikas. Such sutras and vinayas as mentioned above are what the Buddha gave out. If not thus, they are nothing other than what Mara says. Any person who follows what Mara says is the kindred of Mara; anyone who follows what the Buddha says is a Bodhisattva.
"Also, next, O good man! If it is said: "Since the Tathagata is not perfect in innumerable virtues, he is non-eternal and must change. He abides in the All-Void and expounds non-Self. This is not the way of the world" , any such sutra or vinaya is of Mara. If a sutra says: " The true Enlightenment of the Tathagata is beyond knowing. Also, he is perfect in innumerable asamkhyas of virtues. Therefore, he is Eternal and there can be no change", any such sutra or vinaya is what the Buddha said. Any person who follows what Mara says is Mara’s kindred. Any person who follows what the Buddha says is a Bodhisattva.
"Or a person might say: "There is in the world a bhiksu who, not committing any parajika [the gravest of offences], is held by the world to have transgressed, like cutting down the tala tree". But in truth, this bhiksu did not transgress. Why not? I always say: "The case of one who commits any one of the parajikas is like cutting a stone in two: it can never again become one." If a person says that he has obtained what supercedes man’s power [Pali: “uttarimanussa-dhamma”], he commits parajika. Why? Because he has not actually attained anything, yet pretends to have done so [i.e. he is telling lies]. Any such person retrogresses from the world of man and the Doctrine. This is a parajika. There is a bhiksu who desires little, feels contented, upholds the precepts, is pure and sits in a quiet place. The king or minister sees this bhiksu and says that he has attained arhatship, steps forward, praises, respects and worships him. Also, he says: "Such a great master will attain unsurpassed Enlightenment, having thus abandoned life." The bhiksu hears this and says to the king: "I have, truth to tell, not yet attained the fruition of a shramana. O King! Please do not speak to me about the dharma of non-satisfaction [non-contentment]. If one acquiesces when told that one will reach as far as unsurpassed Enlightenment, this is nothing but not knowing contentment. If I were to accept your statement and agree, I should surely purchase the reproaches of all Buddhas. To feel contented is the virtue that is praised by all Buddhas. That is why I mean pleasingly [happily] to practise the Way to the end of my life and attain a state in which I can feel satisfied. Also, to feel satisfied is to know that I have definitely attained the fruition of the Way. You, King, say that I have attained it. I do not accept your word. Thus I am satisfied." Then the king said: "O great teacher! You truly have attained arhatship and do not differ from the Buddha."
Then the king made it known to all those in and out, and to those of the royal harem and to the royal spouse, that this person had attained arhatship. As a result, all who heard this felt respect, made offerings, and honoured him. Such a person is pure in his deeds. Hence, he makes all others gain great benefit, and truly this bhiksu did not commit any parajika. Why not? Because he went before others, entertained joy in his own mind, praised and made offerings. How could any such bhiksu have committed a sin? If it is said that this person has sinned, know that such a sutra is from Mara. Also, there is a bhiksu who speaks about the great depths of the undisclosed sutras of the Buddha, saying that all beings have Buddha-Nature, that by this nature they cut off [all] the innumerable billion illusions and thereby attain unsurpassed Enlightenment, except for the icchantika. Then, the king or minister listens and says: "O Bhiksu! Have you attained Buddhahood or not? Do you have Buddha-Nature or not?" The bhiksu replies: " I must have Buddha-Nature within me. I cannot, however, be clear as to whether I shall attain it [Enlightenment] or not." The king says: "O great one! If you do not become an icchantika, there is no doubt that you will attain Buddhahood." The bhiksu says: "Yes, it must truly be as you, King, say." This person says that he must surely have Buddha-Nature. Yet, he does not commit parajika [by saying so]. Also, there is a bhiksu who, at the time he is ordained, thinks to himself: "I shall assuredly attain unsurpassed Enlightenment." Such a man may not yet accomplish unsurpassed Enlightenment. But he gains incalculable, boundless weal and it is difficult to appraise it. If anyone says that this person has committed parajika, then there cannot be any person who has not committed parajika. Why not? Because, once, 80 million kalpas ago, I had already segregated myself from all defilement. I had little desire, felt contented, was accomplished in deportment, practised the unsurpassed Dharma of the Tathagata, and myself surely knew that I had Buddha-Nature. Hence I attained unsurpassed Enlightenment and I can be called "Buddha". And there is great compassion. Such a sutra or vinaya is a sermon of the Buddha. Any person who cannot act in accordance [with such] is a kindred of Mara; one who acts in accordance is a great Bodhisattva.
"Or a person might say: " There cannot be anything such as the four grave offences, the thirteen samghavasesas, the two aniyatans, the 30 naihsargika-prayascittikas, 91 payattikas,
four ways of repentance, various ways of learning, seven ways of adhikarana-samatha, and also there can be no sthulatyayas, no five deadly sins, and no icchantikas. Should a bhiksu violate all such shilas and fall into hell, all tirthikas would be born in heaven. Why? Because they do not have any precepts to transgress against. This shows that the Tathagata means to frighten people. That is why he gives out these precepts. The Buddha has said that when the bhiksus desire to satisfy their carnal desires, they should take off their priestly garb, put on worldly dress and do so. A person might also think that carnal, lustful desire is no sin, that even in the days of the Tathagata there was a bhiksu who satisfied carnal lust and yet attained right emancipation; or that there was one who, after death, got born in heaven; that all such things have a precedent and that it is not just what I alone am doing. One may commit the four grave offences, the five deadly sins and all impure acts, and even then one can [still] attain true and right emancipation. The Tathagata may say that if one commits duskrta acts [minor offences, punishable by confession], one falls into hell and will remain there for 8 million years, which is the number of years of the sun and moon of Trayastrimsa Heaven. But this is what the Tathagata says to frighten people. They say that no difference exists between the grave and light [sin], the parajika [serious sin] and the duskrta [venial sin]. All these vinaya teachers falsely say that all these [rules] were instituted by the Buddha. Know definitely that these were not instituted by the Buddha." All such sutras and vinayas that say thus are from Mara.
"Or a person might say that if one transgresses against even the smaller or minutest of all precepts, an evil fruit will come forth and that there is no limit to the number of karmic consequences. Realising this, one should guard one’s self like the tortoise, who hides his six limbs in his shell. If there is any person versed in the vinaya who says, "One transgresses, but no karmic consequences ensue" , one should not approach such a person, as already indicated by the Buddha:
"One thing overstepped,
This is mrsavada [telling lies].
If one sees no after-life,
There is no sin that will not be committed."
For this reason, one should not come near to such a person. What is pure in this Buddhist teaching is thus. And could it be that one who has violated the sthulatyaya, the samghavasesa and the parajika can pass as not having sinned? Because of this, one should be on guard and protect such Dharma. If not guarded against, where can there be any prohibition? I now say in the sutras: " For any commissions of the four grave offences or any small duskrtas, one should take pain to remedy such. If one does not guard against [transgressing] the prohibitions, what possibility can there be of seeing the Buddha-Nature?
"All beings possess the Buddha-Nature. Only by observing the precepts can one see it. When one sees the Buddha-Nature, one attains unsurpassed Enlightenment. In the nine types of sutras, there is no vaipulya sutra. That is why they do not speak about the Buddha-Nature. Although these sutras do not refer to it, there is assuredly the vaipulya in them." One who speaks thus is my true disciple."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! We do not see in the nine types of sutras any references to beings possessing the Buddha-Nature, which you say they have. If we say that they have this, might it not be that we are guilty of infringing the parajika?" The Buddha said: "O good man! They [who say thus] do not violate the parajika. For example, O good man! If any person says that in the great ocean there are only the seven gems, not the eight, that person has not sinned. If a person says that there is no mention of Buddha-Nature in the nine types of sutra, there cannot be any commission of sin [here]. Why not? I say that in the Mahayana ocean of great Wisdom there is the Buddha-Nature. As the two vehicles do not know or see [this], there can be no talk of [their] having committed any sin, even if they say that it does not exist. Such a thing is what the Buddha alone knows and what sravakas and pratyekabuddhas cannot know. O good man! Not having ever heard of the great depths of the undisclosed Dharma of the Tathagata, how can a person be expected to know of the existence of the Buddha-Nature? What is the undisclosed storehouse? It is none other than the vaipulya sutras. O good man! There may be tirthikas who talk about the eternal self or the "not-is" of the self. The case is not thus with the Tathagata. He says that there is the Self, or - at other times - that there is not. This is the Middle Path.
"Or a person might say: " The Buddha talks about the Middle Path. All beings possess Buddha-Nature. As illusion overspreads [them], they do not know or see. Thus, an expedient is applied to cut the roots of illusion." A person who speaks thus does not commit the four grave offences. This we should know. Any person who does not speak thus infringes the parajika.
"Or a person might say: "I have already attained unsurpassed Enlightenment! Why? Because I have the Buddha-Nature. Any person possessing the Buddha-Nature has assuredly attained unsurpassed Enlightenment. Consequently, I attain Enlightenment." Then, one should know, such a person infringes the parajika. Why so? There surely is the Buddha-Nature. But not yet having practised the best expedient of the Way, the person has not yet seen it. Having not yet seen it, there can be no attaining of unsurpassed Enlightenment. O good man! On this account, the teaching of the Buddha is profound in its meaning and difficult to fathom."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! A king asks: "How does a bhiksu get drawn to supramundane Dharma?" The Buddha said to Kasyapa: "A bhiksu may, for profit or food, flatter, state things wrongly or cheat, and say things such as: "How might all the world believe that I am truly a real bhiksu, so that I can thereby arrive at great profit and fame?" Such a bhiksu, because of the darkness of his mind, always thinks and prays: "I have not yet, in truth, arrived at the four attainments of a sravaka. How might I be able to make the world think that I have gained all of these? How might I be able to make upasakas and upasikas think of me as a sage who has fully perfected all the the true virtues?" Thus does he think. What is done is all for profit, not for the Way. In his goings and comings, in his going out and coming in, in moving forwards and standing still, he looks peaceful. In his manner of dress and of holding his bowl, the [monk-like] deportment is not lost. Alone, he sits in a lonely place and looks like an arhat. So people think: "This is the foremost of bhiksus. Fully exerting himself, he practises the Way of extinction." He thinks: "As a result of this, I will assuredly gain disciples. People will also certainly offer me clothing, food, drink, bedding, and medicine. All females will respect and love me." Any person who acts in this manner acts against the uttarimanussa-dhamma.
"Also, there is a bhiksu who sits in a lonely place, desiring to build up unsurpassed Wonderful Dharma. Though no arhat, he intends to have others call him an arhat, a lovable bhiksu, a good bhiksu, and a quiet bhiksu. He thus effectively makes innumerable people arrive at faith. Hence, I let all the innumerable bhiksus befriend him like a relative. Through this, I can teach and make the precept-breaking bhiksus and upasakas and upasikas uphold the precepts. In consequence, Wonderful Dharma will be established, the unsurpassed meaning of the great principle of the Tathagata will shine forth and the vaipulya Mahayana teaching will be revered, thus emancipating all innumerable beings, so that they will come to know the light or heavy significations of the sutras and vinayas which the Tathagata has delivered.
"Also, a person might say: " I now have the Buddha-Nature. There is a sutra which is called the storehouse of the Tathagata. In that sutra, I shall surely attain the Buddhist teaching and cut out innumerable billion bonds of illusion. I shall speak to innumerable upasakas: "You all have the Buddha-Nature. You and I sit together on the Path of the Tathagata and will attain unsurpassed Enlightenment and do away with all the innumerable bonds of illusion." One like this does not violate the uttarimanussa-dhamma; he is a Bodhisattva.
"One who commits duskrta will fall into hell for a period of 8 million years of the days of Trayastrimsa Heaven, and he will have to undergo punishment for the sins he has committed.
How much worse will it be when he transgresses the sthulatyaya?" Thus does a person say. Should there be any bhiksu among those of the Mahahana gathered here who have violated the sthulatyaya, such is not to be befriended.
"What are the sthulatyaya of the Mahayana sutras? For example, a rich man erects a Buddhist temple and adorns it with various garlands, and offers this to the Buddha. There is a bhiksu who, on seeing the thread which passes through the garland, takes it without asking. This is sthulatyaya. Whether knowingly or not, he violates in this manner. If, with a greedy [desire-filled] mind, one causes damage to a Buddhist stupa, this is sthulatyaya. One should not come near [associate closely with] a person who acts in this way. Or a king or minister, on seeing that a stupa is old and damaaged, and intending to have it repaired, makes offerings to the sharira [relics] and finds in it a rare gem, which he gives to a bhiksu. On gaining the gem, the bhiksu uses it as he wills. Such a bhiksu is one who is defiled and who will most possibly [probably] call forth quarrels. No good upasaka should approach such a bhiksu, make offerings or pay respect to him. Such a bhiksu is termed "rootless." Such a bhiksu is also termed "two-rooted" [bisexual]! Perhaps more accurately, hermaphrodite], or one in whom the root is indefinable. By indefinably-rooted is meant the case of a person whose body becomes that of a female when the desire to be female arises and becomes that of a male when the desire to be male arises. Any such bhiksu is " evil-rooted" . He is neither male nor female, neither a bhiksu nor a lay-person. One must not come near such a bhiksu, nor make offerings to him or pay him respect. One who abides in the Buddhist teaching and the law of a bhiksu should have a sympathizing mind, protect and bring up [take care of] beings. Even to an ant, one must give the mind of fearlessness. This is a shramana’s law. One segregates oneself from drinks and incense. This is the law of the shramana. One must not tell lies, nor should one think of lying. This is the law of the shramana. One does not cause a greedy mind [feeling of greed or desire] to raise its head. The same applies even in dreams. This is the law of the shramana."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! If a bhiksu becomes a captive of carnal lust in a dream, does this violate Dharma or not?" The Buddha said: "No. One should call up the thought of an evil smell against carnal desire. If no pure mind [inner mood of lust-free purity] ever raises its head, segregate the mind from the worry and love of the female. If in a dream one becomes captive to carnal lust, [one should] repent for the act when awake. One should abide in the thought of the bhiksu who, when going begging on his alms-round, receives offerings [with the attitude of disgust of one who] eats the flesh of his own son in the days of a famine. If carnal desire asserts itself, quickly discard such a thought. All such is the teaching of the Buddha’s sutras and vinaya. One following what Mara says is the kindred of Mara; one who follows what the Buddha says is a Bodhisattva.
"Or a person might say: "Stand on one leg, remain silent and say nothing, throw yourself into deep water or into fire, or jump from a high precipice, not fearing the steepness; take poison, fast, lie down on ashes, bind your legs, kill beings, and tell fortunes by directions and the way a person takes." Or a person might say: "The Tathagata allows candalas, rootless persons, hermaphrodites, indefinables, the decrepit to become ordained and to accomplish the Way." Such are the words of Mara. Or a person might say: "The Buddha has already permitted us to consume the five tastes of milk from the cow, oil and honey, except silken clothing and leather footwear, etc." Or a person might say: "The Buddha has already permitted the putting on of the maharanga, also the storing of all kinds of seeds. But all grass and trees have life. The Buddha, having spoken thus, enters Nirvana." Should any sutra and vinaya say thus, know that such is what Mara says. I also do not permit one leg to be held up [i.e. standing on one leg, in the manner of some fakirs]. For Dharma, all such postures as walking, standing, sitting and reclining are permitted. Also, someone might say: " Take poison, fast, burn the body with fire, bind your hands and feet, kill people, divine directions and ways, make leather footgear decorated with white horse-shoe shell and ivory; the Buddha has permitted the storing up of seeds. Grass and plants have life. He has permitted the putting on of the maharanga." If a person says that the World-Honoured One has said this, such a person is the kindred of the tirthikas. Any person such as this is not my disciple. I have only permitted the five tastes of the cow, oil, honey, and also silken cloth. I say that the four great elements [earth, air, fire and water] do not have life. Should any sutra or vinaya say thus, such is what the Buddha has said. Any person who acts in accordance with the word of the Buddha is, one should know, my disciple. Any person who does not follow the word of the Buddha is a kindred of Mara. Any person who acts in accordance with the Buddha's sutras and vinaya is, one should know, a great Bodhisattva. O good man! I have now extensively, for your sake, thus spoken about the difference between what Mara says and what the Buddha says."
Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! I have now come to know the difference between the word of Mara and that of the Buddha. In consequence, I shall be able to fathom the depths of the Buddhist teaching."
Then the Buddha praised Kasyapa and said: " Well said, well said, O good man! You have now clearly gained the meaning. You are clever and wise."
Chapter Ten: On the Four Truths
The Buddha also said to Kasyapa: "Noble Son! It is not appropriate to term suffering as the Noble Truth [of suffering]. Why is that? If one were to term suffering 'the Noble Truth of Suffering', then cattle, sheep, donkeys, horses and the denizens of hell would also have the Noble Truth [of Suffering]. Noble Son! Whoever thinks that the extremely profound [gambhira] domain/ sphere/ realm [visaya] of the Tathagata - the eternal, untransforming Dharmakaya [Body of Truth] - is a body nourished by food, such a person does not know of the virtues and power which the Tathagata possesses. This [i.e. such ignorance of the true nature of the Buddha] is ’suffering’. Why so? Due to ignorance. A person views Dharma as non-Dharma, and non-Dharma as Dharma. Know that this person will fall into the unfortunate realms and repeat birth and death. This will increase the bonds of illusion and worry will grow. If he comes to know that the Tathagata is Eternal, one with whom there comes about no change, or if he hears the word " eternal" , he will obtain birth in heaven. And on gaining emancipation, he will actually see that the Tathagata is Eternal and Unchanging. When this is well seen, he will say: "I heard about this in the past. Now that I am emancipated, I know this. As I was ignorant regarding the Ultimate, I have been repeating birth and death to no end. Today, I am enlightened as regards true knowledge." If knowledge reaches this stage, this is truly practising suffering. There is much to profit from. One may well practise this, but if one does not know things to be thus, no profit will result. This is what is called knowing suffering. This is the noble truth of suffering. If one does not practise thus, this is suffering and not the noble truth of suffering.
"We say " truth of the cause of suffering" . A person does not truly know the Wonderful Dharma and receives what is impure. This is the case of menials. Non-Dharma is called Wonderful Dharma. A person annuls what is right and won’t allow it to live. On account of this, that person does not know “Dharmata” [essence of Reality]. Not knowing this, he repeats birth and death and suffers greatly. He does not get born in heaven and gain right emancipation. If a person has deep Wisdom and does not transgress against Wonderful Dharma, he will in consequence be born in heaven and attain right emancipation. If a person does not know where suffering arises and says that there cannot be any Wonderful Dharma or what is Eternal, and that all turns to nothingness, that person, in consequence, will repeat transmigration for innumerable kalpas to come, suffering all kinds of sorrow. If a person says that Dharma is Eternal and that there is no change, this is knowing the cause, and this is the noble truth of the cause of suffering. If one does not so practise, this is the cause of suffering and not the noble truth of the cause.
"We say "truth of the extinction of suffering". If a person practises many things [teachings] and the way of nothingness, this is non-good. Why so? Because this annuls all laws and breaks the true storehouse of the Tathagata. Any practice of this category is the practising of nothingness. One who practises the extinction of suffering acts against what all tirthikas do. If the practice of nothingness is the truth of extinction, there are tirthikas who also practise the teaching of nothingness; we must say that they too possess the truth of extinction. A person says: "There is the Tathagatagarbha [Buddha-Womb - the pristine mind under cover of illusion]. One cannot see this. But if one does away with all illusions, one may indeed enter." It is thus. By the raising of such a mind [i.e. by cultivating such an attitude of mind], one gains freedom in all things. If a person practises the Way of the hidden storehouse, selflessness, and emptiness, such a person repeats birth and death for innumerable ages to come and suffers from sorrow. A person who does not do such practices may certainly, even though he might have illusion, soon do away with it. Why so? Because he well knows the undisclosed [secret, hidden] storehouse of the Tathagata. This is the noble truth of the extinction of suffering. Any person who practises extinction in such a way is my disciple. A person not practising the Way thus is one who practises emptiness. This is not the noble truth of extinction.
"We say "noble truth of the Way". This is none but the treasures of Buddha, Dharma, Sangha, and right emancipation. All people say with an upside-down mind: "There is no Buddha, Dharma, Sangha, or right emancipation. Birth and death are like phantoms." They hold such views. As a result, they repeat birth and death through the three worlds [of Desire, Form, and Formlessness], suffering there greatly for a long time to come. If the person awakens and comes to see that the Tathagata is Eternal, that no change comes to him, and that the same applies to Dharma, Sangha, and emancipation, by this one thought the person obtains unmolested [unrestricted] freedom for innumerable ages to come and he may enjoy it as he wills. Why? Because once in the past, due to the four inversions, I took non-Dharma as Dharma and was met by innumerable karmic consequences. When I had made away with such a view, I attained true awakening to Buddhahood. This is the noble truth of the Way. Any person who says that the Three Treasures are non-eternal and holds this view of life, then this is a false way of practice and is not the noble truth of the Way. If a person practises the Way thus and has it [sees it] as Eternal, such a person is my disciple. He abides in the true view of life and practises the teaching of the Four Noble Truths."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! I now, for the first time, know and practise the great depths of the Four Noble Truths."
Chapter Eleven: On the Four Inversions
The Buddha said to Kasyapa: "We speak of the "four inversions". "Inversion" is spoken of when we entertain the idea of suffering where there is no suffering. "Non-suffering" is the Tathagata. The idea of suffering arises when a person thinks that all Tathagatas are non-eternal and that they change. If a person says that the Tathagata changes, this is [the concept of] suffering and constitutes a great sin. If a person says that the Tathagata relinquishes this body of suffering and enters Nirvana, and that this is like fuel being all burned up, as a result of which the fire dies out, this is having the idea of suffering vis-a-vis non-suffering. This is an inversion [of the truth]. A person might say: "Saying that the Tathagata is Eternal is a Self-centred view. From this Self-centred view arise innumerable sins. Thus, one should say that the Tathagata is non-Eternal, and by [saying] this I shall gain Bliss." The Tathagata’s being non-Eternal would entail suffering. If [there is] suffering, how could one expect [to find] Bliss therein? When the idea of Bliss occurs [in such a connection], we say "inversion". This is said because the thought of suffering arises in [what truly is] Bliss. Bliss is the Tathagata. Suffering is the non-Eternal of the Tathagata. If a person says that the Tathagata is non-Eternal, this is a thought of suffering in Bliss. The Tathagata’s being Eternal is Bliss. If I say that the Tathagata is Eternal, how can I enter Nirvana? If I say that the Tathagata is non-suffering, how could I cast away my body and enter Nirvana? When a person has the thought of suffering in Bliss, we say that this is an inversion. This is the first inversion.
"The idea of the Eternal vis-a-vis the non-Eternal, and the idea of the non-Eternal visa-vis the Eternal, are inversions. The non-Eternal is the non-practising of the Void. When one does not practise the Void, life is shortened. If one says: "Not practising the Void and quietude, one attains eternal life" , this is an inversion. This is the second inversion.
"The thought of Self regarding non-Self, and the thought of non-Self regarding Self, are inversions. The people of the world say that there is Self, and within Buddhism, too, we say that there is Self. The people of the world say that there is Self, but there is no Buddha-Nature. This is having the idea of Self in [what is] non-Self. This is an inversion. “The Self spoken of in Buddhism is the Buddha-Nature.” The people of the world say that there is no Self in Buddhism. This is the idea of the non-Self in the Self. "It is definite that there is no Self in the Buddhist teaching. That is why the Tathagata tells his disciples to practise selflessness." If such is said, this is an inversion. This is the third inversion.
"The non-Pure in the Pure, and the Pure in the non-Pure, are inversions. The Pure relates to the Eternal of the Tathagata. It is not a food-supported body, not a body of illusion. It is not a carnal body, not a body made up of sinews and bones. If one says that the Tathagata is non-Eternal, a food-supported body, bound together by sinews and bones, and that Dharma, Sangha, and emancipation die out, this is an inversion. We say that the idea of the non-Pure in the Pure is an inversion. A person might say that there is not a whit of what is non-Pure in his mind, that as there is not a single thing that is not Pure, he gets into a place which is Pure, and that as the person practises the meditation of the non-Pure which the Tathagata spoke about, whatever was said above must be false. If a person speaks thus, this is an inversion. This is the fourth inversion."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! I have now for the first time gained the right view. O World-Honoured One! Until now, all of us were those who abided in wrong thought."
Chapter Twelve: On the Nature of the Tathagata
Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! Is there Self in the 25 existences or not?" The Buddha said: "O good man! "Self" means "Tathagatagarbha" [Buddha-Womb, Buddha-Embryo, Buddha-Nature]. Every being has Buddha-Nature. This is the Self. Such Self has, from the very beginning, been under cover of innumerable defilements. That is why man cannot see it. O good man! [Imagine that] there is a poor woman here. She has true gold concealed in her house. But none of the people of her house, whether big or small, know of it. But there is a stranger, who, through expediency, says to the poor woman: " I shall employ you. You must now go and weed the land!" The woman answers: "I cannot do this now. If you let my son see where the gold is hidden, I will soon work for you." The man says: "I know the way. I shall point it out to your son." The woman further says: "Nobody of my house, whether big or small, knows [of this]. How can you?" The man says: "I shall now make it clear." The woman says further: "I desire to see. Pray let me." The man digs out the gold that had lain hidden. The woman sees it, is gladdened, and begins to respect that person. O good man! The case is the same with the Buddha-Nature which man has. Nobody can see it. This is analogous to the gold which the poor woman possessed and yet could not see. O good man! I now let persons see the Buddha-Nature that they possess, which is overspread by defilements. This is analogous to the poor woman who cannot see the gold, even though she possesses it. The Tathagata now reveals to all beings the storehouse of Enlightenment, which is the Buddha-Nature, as it is called. If all beings see this, they are gladdened and will take refuge in the Tathagata. The good expedient is the Tathagata, and the poor woman is all the innumerable beings, and the cask of true gold is the Buddha-Nature.
"Also, next, O good man! As an example: a woman has a child who, while yet very young, is seized by illness. Worried by this, the woman seeks out a good doctor. The good doctor comes and compounds three medicines, which are butter, milk, and rock candy. This he gives her, to have it taken by the child. Then he says to the woman: " When the child has taken the medicine, do not give any milk to the child for some time. When the medicine has worked its way out, you may then give milk." Then the woman applies a bitter substance to her nipple and says to the child: "Do not touch it [i.e. her nipple]. My nipple is poisonous." The child is dying for the milk and wants to have it. [But] on hearing of the poison, it runs away. After the medicine has done its work, the mother washes her nipple, calls in her child and gives it [her nipple]. Although hungry, the child, having heard about the poison, will not come to it. The mother then says: "I only put poison on my nipple so as to give you the medicine. As you have already taken the medicine, I have washed the poison off. Come! Take my nipple. It is not bitter any more." On hearing this, the child slowly comes back and takes it. O good man! The case is the same with the Tathagata. In order to save beings, he gives them the teaching of non-Self. Having practised the Way thus, beings do away with the [cast of] mind that clings to self and gain Nirvana. All of this is to do away with people's wrong concepts, to show them the Way and cause them to stand above, to show them that they adhere to self, that what obtains in the world is all false and not true, and to make them practise non-Self and purify themselves. This is similar to the woman's applying a bitter substance to her nipple out of love for her child. It is the same with the Tathagata. For practising the Void, I say that all do not have the Self. This is like the woman's cleaning her nipple and calling for her child to partake of her milk. The case is the same with me, too: I speak of the Tathagatagarbha. For this reason, the bhiksus do not entertain fear. It is analogous to the child who hears its mother, slowly comes back and takes the milk. The situation is the same with the bhiksus. They should know well that the Tathagata hides nothing."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! Really, there cannot be any case in which there is Self. Why not? When a child is born, it knows nothing. If there is a Self, the child would have to have knowledge when it is born into the world. Hence we can know that there is no Self. If a Self definitely existed, there could not be any loss of knowing. If it were true that all beings eternally possessed Buddha-Nature, there could be no breaking away. If there is no destruction, how can there be the differences of Kshatriya, Brahmin, Vaishya, Sudra, candala, and animals? Now, the effects of karma are various, and differences exist in life. If there definitely is a Self, there cannot be any victory or defeat with beings. From this, we can definitely know that the Buddha-Nature is eternal Dharma. If the Buddha-Nature is definitely eternal, why do we say speak of such things as killing, stealing, lust, forked tongue, ill-speaking, lying, flattering, greed, hatred, and wrong views? If there really is eternally the nature of Self, why is it that a person becomes intoxicated or mad? If the nature of Self is eternal, the blind should be able to see, the deaf hear, the dumb talk, and the lame walk. If the Self is eternal, fire, great floods of water, poison, swords, evil persons and animals cannot [need not] be avoided. If the Self is eternal, what has basically changed cannot be forgotten or lost. If forgotten, how can a person say: "I have seen this person somewhere [before]"? If the Self is eternal, there cannot be old age or youth, no ups or downs, no remembering of what has passed away. If the Self is eternal, where does it abide or live? Is it the case that tears, spittle, blue, yellow, red, and white are to remain in all things? If the Self is eternal, it will fill the body as in the case of sesame seed, in which there is no space left in between. When the body is cut up into small pieces, the Self, too, would have to be cut up"
The Buddha said to Kasyapa: " O good man! As an analogy: there is in the household of a king a great wrestler. He has an adamantine bead on his brow. This man wrestles with other wrestlers. When [once] the head of another person touches his brow, the bead goes into the wrestler’s flesh, and there is no knowing where it is. A boil comes up there. A good doctor is called in to cure it. At that time, there is a good doctor with a bright mind. He knows well how to diagnose and prescribe medicine. Now, he sees that this boil has appeared due to the bead’s having got into the wrestler’s body. He realises that this bead has entered the flesh and remains there. Then, the good doctor asks the wrestler: "Where is that bead that was on your brow?" The wrestler is surprised and answers: "O great teacher and doctor! Has not the bead on my brow got lost? Where could the bead be now? Is this not a miracle [that you know about it]?" He is worried and weeps. Then, the doctor pacifies the wrestler: "Do not be over-concerned. When you fought, the gem entered your body. It is now under your skin and can be seen, looming up. As you fought, the poison of anger so burned that the gem got into your body and you did not feel it." But the wrestler does not believe the doctor’s words. "If it is under my skin, how is it that it does not come out because of the impure pus and blood? If it is in my sinews, we cannot possibly see it. Why do you mean to cheat me?" Then, the doctor takes up a mirror and holds it in front of the wrestler’s face. The gem appears clearly in the mirror. The wrestler sees it, is surprised and is all wonder. It is like that. O good man! The case is the same with all beings. They do not come near to a good teacher of the Way. So, they cannot see the Buddha-Nature which is within, even though they possess it. And they are reigned over by greed, lust, anger, and ignorance. So they fall into the realms of hell, animals, hungry ghosts, asuras, candalas, and get born in such various houses as Kshatriya, Brahmin, Vaishya and Sudra. The karma generated by the mind leads a person, though born a human, into such lives as a cripple, lame, deaf, blind or dumb person, and to the 25 existences, where such as greed, lust, anger and ignorance reign over the mind, and the person is unable to know of the presence of the Buddha-Nature. The wrestler says that the gem has gone away, even though it is [actually] in his body. The same with beings, too. Not having come into contact with a good teacher of the Way, they do not know the Tathagata’s hidden treasure and do not study selflessness. For example, even when a person is told of the unholy self, he cannot know the true quality of the Self. The same is true of my disciples. As they do not befriend a good teacher of the Way, they practise non-Self and do not know where it [Self] is. They do not know the true nature of selflessness. How, then, could they know the true nature of the Self itself? Thus, O good man, the Tathagata says that all beings possess the Buddha-Nature. This is like the good doctor’s making the wrestler see where the adamantine jewel rests. All these beings are reigned over by innumerable defilements and thus do not know the whereabouts of the Buddha-Nature. When illusion is dispelled, there arises knowledge and brightness. This is like the wrestler’s seeing the gem in the mirror. O good man! It is thus the case that what rests undisclosed [latent] in the Tathagata is innumerable and is difficult for beings to think about.
"Also, O good man! As an example, there is a medicine in the Himalayas called "pleasing taste". It tastes very sweet. It grows hidden under a deep growth of plants, and we cannot easily see it. But from its scent, one can come to know the whereabouts of this medicine. In days gone by, there was a chakravartin who, placing wooden tubes here and there in the Himalayas, collected this medicine. When it had ripened, it flowed out and entered the tubes. It tasted truly right. When the king died, this medicine became sour, salty, sweet, bitter, or hot, or light. Thus, what is one, tastes differently according to the different places. The true taste of the medicine remains in the mountains; it is like the full moon. Any common mortal, sterile in virtue, may work hard, dig, and try, but cannot get it. Only a chakravartin, high in virtue, appearing in the world can arrive at the true value of this medicine because of happy circumstantial concatenations. The same is the case [here]. O good man! The taste of the hidden store of the Tathagata is also like this. Overspread by all the growths of defilement, the beings clad in ignorance cannot hope to see it. We speak of the "one taste". This applies, for instance, to the Buddha-Nature. On account of the presence of defilement, several tastes appear, such as the realms of hell, animals, hungry pretas, devas, human beings, men, women, non-men, non-women, Kshatriya, Brahmin, Vaishya and Sudra.
"The Buddha-Nature is strong and vigorous. It is hard to destroy. Therefore, there is nothing that can kill it. If there were something that could indeed kill it, Buddha-Nature would die. [But] nothing can ever destroy such Buddha-Nature. Nothing of this nature can ever be cut. “The nature of Self is nothing other than the hidden storehouse of the Tathagata”. Such a storehouse can never be smashed, set on fire, or done away with. Although it is not possible to destroy or see it, one can know of it when one attains unsurpassed Enlightenment. Hence, there is indeed nothing that can kill it."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "If nothing can kill it, no karmic consequences would ensue from evil actions."
The Buddha said to Kasyapa: "There truly is [such a thing as] killing. How? O good man! "The Buddha-Nature of beings rests within the five skandhas." If the five skandhas are destroyed, this is killing [of those skandhas]. If one harms a living thing, one gains the unfortunate realms. Through the working of karma, one transmigrates through such realms as Kshatriya, Brahmin, Vaishya, Sudra, candala, or man, woman, non-man, non-woman, and the 25 variegated existences. A person who has not reached the holy stage of a sage is waywardly bound up by attachment to self. All such phases [modes] of existence, whether big or small, are like barnyard grass, like rice or a bean, or like the thumb. Thus do they [i.e. ignorant beings] loosely imagine things. There can be no true shape in wild fancies. The shape of Self that seeks to flee from the world is Buddha-Nature. This is the best way of conceiving of the Self.
"And next, O good man! As an analogy: there is a man here who knows well what is hidden [under the ground]. He takes a sharp hoe, digs into the ground and hits upon such things as stones and gravel. All goes through and nothing hinders [i.e. the hoe digs through everything, without being obstructed]. Only when the diamond comes in its way, can the hoe not dig through. Now, no sword or hatchet can destroy a diamond. O good man! The Buddha-Nature of beings is like this. It is something that all those people who discuss things, Marapapiyas, all men and devas cannot destroy. What characterises the five skandhas is [the phenomenon of] what occurs and what is done. Whatever occurs and is done can certainly be destroyed, like stones and sand. “The True Self of the Buddha-Nature is like the diamond, which cannot be crushed”. Hence, we call the destroying of the five skandhas the killing of life.
O good man! Know well most definitely that the Buddhist teaching is not within the boundaries of conceiving.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.200.56 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập