Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 11 - Phẩm THỊ HIỆN BỆNH - Phẩm thứ sáu »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 11 - Phẩm THỊ HIỆN BỆNH - Phẩm thứ sáu

Donate

(Lượt xem: 11.872)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 11 - Phẩm THỊ HIỆN BỆNH - Phẩm thứ sáu

Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Lai đã lìa khỏi tất cả tật bệnh, mọi sự đau đớn khổ não đều đã dứt hết, không còn sợ sệt chi cả.

“Bạch Thế Tôn! Trong tất cả chúng sanh, có bốn mũi tên độc là nguyên nhân của bệnh. Những gì là bốn? Đó là tham dục, sân khuể, ngu si và kiêu mạn. Nếu có nguyên nhân gây bệnh, ắt phải có bệnh sinh ra; như các thứ bệnh phổi do tham ái, nóng nảy, khí uất lên làm nôn mửa, da thịt ngứa ngáy, mình mẩy nhức mỏi, lòng dạ bồn chồn tán loạn; bệnh kiết lỵ đại tiện khó khăn, tiểu tiện từng giọt, mắt xốn tai nhức, lưng đau bụng trướng, điên cuồng nóng bức, hoặc mắc phải quỷ mỵ... Đủ các thứ bệnh tật của thân tâm như vậy, chư Phật Thế Tôn đều không bao giờ còn mắc phải. Hôm nay vì duyên cớ gì Như Lai lại sai bảo Văn-thù-sư-lợi rằng: ‘Nay ta đau lưng, các ông nên vì Bốn bộ chúng mà thuyết pháp”?

“Có hai nhân duyên không có mọi bệnh khổ. Những gì là hai? Một là thương xót hết thảy chúng sanh, hai là cung cấp, bố thí thuốc thang cho người có bệnh.

“Từ thuở xa xưa, trong vô số vạn ức kiếp, Như Lai trong khi tu đạo Bồ Tát thường nói lời thân ái, lợi ích cho chúng sanh, không làm cho họ khổ não, bố thí đủ món thuốc thang cho những người bệnh tật. Vậy duyên cớ gì nay lại tự nói rằng có bệnh?

“Bạch Thế Tôn! Thế gian có những người bệnh dù nằm hay ngồi đều không yên chỗ, hoặc đòi ăn uống, sai khiến người nhà chăm sóc sản nghiệp. Vì sao Như Lai nằm đó lặng thinh, chẳng dạy các đệ tử Thanh văn về Giới độ, về các pháp thiền giải thoát, Tam-ma-bạt-đề, các pháp tu chánh cần? Vì sao ngài chẳng thuyết kinh điển Đại thừa thâm sâu như vậy? Vì sao Như Lai chẳng dùng vô lượng phương tiện dạy bảo Đại Ca-diếp, bậc Voi chúa trong loài người và các vị đại nhân, khiến cho ai nấy đều chẳng còn thối lui đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề? Vì sao chẳng trừng trị những tỳ-kheo xấu ác, chứa trữ hết thảy những vật bất tịnh? Đức Thế Tôn thật không có bệnh, vì sao lặng thinh nằm nghiêng bên mặt?

“Chư Bồ Tát thường khi cấp thí thuốc thang cho người bệnh, được bao nhiêu căn lành đều thí hết cho chúng sanh, cùng nhau hồi hướng về địa vị của bậc có trí tuệ biết hết tất cả, là vì dứt trừ những phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng cho chúng sanh.

“Phiền não chướng, đó là tham dục, sân khuể, ngu si, phẫn nộ, buồn phiền trói buộc che chướng, ganh ghét keo lận, gian trá, siểm nịnh, không biết hổ thẹn, ngạo mạn khinh người, tự cao tự đại, kiêu căng, phóng dật, oán hận tranh tụng, tà vạy dối trá, giả hiện hình tướng, dùng lợi cầu lợi, mong cầu việc xấu ác, tham cầu thật nhiều, không biết cung kính, không theo lời khuyên dạy, gần gũi bạn xấu, tham lợi không chán, các mối chằng chịt trói buộc khó gỡ, tham muốn việc xấu, chấp thân, chấp hữu, cho đến chấp không, ưa nằm ham ngủ, thiếu thốn chẳng vui, ham mê ăn uống, lòng dạ ngu tối, tán tâm vọng tưởng, nghĩ điều bất thiện, miệng nói lời ác, thân làm việc ác, ham vui nói nhiều, các căn tối tăm, nói lời vô nghĩa, thường bị những cảm xúc tham dục, sân khuể, độc hại che lấp... Như vậy gọi là phiền não chướng.

“Nghiệp chướng, đó là năm tội đọa địa ngục Vô gián, bệnh nặng nguy kịch.

“Báo chướng, đó là sanh vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, những kẻ phỉ báng Chánh pháp cùng những kẻ nhất-xiển-đề. Như vậy gọi là báo chướng.

“Ba loại che chướng ấy gọi là bệnh nặng. Các vị Bồ Tát trong vô số kiếp, đang khi tu đạo Bồ-đề cấp thí thuốc thang cho tất cả những người bệnh tật thường phát nguyện rằng: ‘Nguyện cho chúng sanh mãi mãi dứt trừ ba loại bệnh chướng ấy.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn! Bồ Tát ma-ha-tát, đang khi tu đạo Bồ-đề, cấp thí thuốc thang cho tất cả những người bệnh, thường phát nguyện rằng: ‘Nguyện cho chúng sanh mãi mãi dứt trừ bệnh tật, được thành tựu thân kim cang Như Lai.’ Lại phát nguyện rằng: ‘Nguyện cho hết thảy vô lượng chúng sanh đều thành bậc Dược vương mầu nhiệm, dứt trừ hết thảy các bệnh nguy kịch. Nguyện cho chúng sanh được món thuốc a-già-đà, dùng sức thuốc ấy có thể trừ được hết thảy vô số loại chất độc.’ Lại phát nguyện rằng: ‘Nguyện cho chúng sanh không còn thối chuyển đối với với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, sớm được thành tựu liều thuốc Phật cao quý nhất, tiêu trừ hết thảy những mũi tên độc phiền não.’ Lại phát nguyện: “Nguyện cho chúng sanh siêng tu tinh tấn, thành tựu thân kim cang Như Lai, làm loại thuốc mầu nhiệm điều trị các thứ bệnh, không còn để bất cứ ai sanh khởi ý tưởng gây gổ kiện tụng.’ Lại cũng phát nguyện: “Nguyện cho chúng sanh thành cây thuốc lớn, liệu trị tất cả các bệnh nguy kịch là những điều tà ác.’ Lại nguyện rằng: ‘Nguyện cho chúng sanh nhổ bỏ được những mũi tên độc, thành tựu hào quang Như Lai cao quý nhất.’ Lại nguyện rằng: ‘Nguyện cho chúng sanh được vào kho tàng Chánh pháp sâu kín của Như Lai, được liều thuốc quý trí huệ trừ dứt mọi bệnh khổ.’

“Thế Tôn! Như vậy, trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp, [Như Lai khi còn là] Bồ Tát đã phát khởi các thệ nguyện ấy, khiến chúng sanh đều không có bệnh hoạn. Duyên cớ gì mà hôm nay Như Lai lại nói rằng có bệnh?

“Lại nữa, Thế Tôn! Thế gian có những người bệnh không thể ngồi dậy, cúi xuống, ngẩng lên, đi đứng, ăn uống chẳng được, nước đổ vào miệng chẳng nuốt xuống được, không còn có thể dạy bảo con cái chăm sóc nghiệp nhà. Lúc đó, cha mẹ, vợ con, anh em, thân thuộc, những người quen biết... thảy đều nghĩ rằng bệnh nhân ấy nhất định phải chết.

“Bạch Thế Tôn! Ngày nay Như Lai cũng thế, nghiêng về bên mặt mà nằm, không bàn luận giảng thuyết chi cả. Có những kẻ ngu trong cõi Diêm-phù-đề này sẽ nghĩ rằng: ‘Như Lai Chánh giác sắp vào Niết-bàn’, liền nảy sanh ý nghĩ cho là [mọi thứ] đều dứt hết. Nhưng tánh Như Lai thật rốt ráo chẳng vào Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai là thường trụ, không hề biến đổi. Vì nhân duyên ấy, Thế Tôn chẳng nên nói rằng: ‘Nay ta đau nhức lưng’.

“Lại nữa, Thế Tôn! Thế gian có những người bệnh thân thể gầy yếu, nằm ngửa, nằm nghiêng, hoặc nằm luôn trên giường bệnh. Lúc ấy, người nhà sanh lòng chán ghét, nghĩ rằng bệnh nhân ấy nhất định phải chết.

“Nay Như Lai cũng thế, ngài đang bị chín mươi lăm nhóm ngoại đạo khinh ngạo, họ sanh ra tư tưởng [cho rằng Như Lai là] vô thường. Những kẻ ngoại đạo ấy nói rằng: ‘Ông ấy chẳng bằng chúng ta, [vì chúng ta] dựa vào các pháp ngã, tánh, nhân, tự tại, thời tiết, vi trần... nên là thường trụ, không có biến đổi. Sa-môn Cồ-đàm bị chuyển dời vì sự vô thường, ông ấy là pháp chịu sự biến đổi.’ Vì nghĩa ấy, hôm nay Thế Tôn chẳng nên lặng yên, nghiêng về bên mặt mà nằm.

“Lại nữa, Thế Tôn! Thế gian có những người bệnh, do bốn đại tăng giảm không hòa hợp nhau, khiến cho mệt mỏi, suy nhược; vì thế không thể tùy ý ngồi hoặc đứng, phải nằm luôn trên giường bệnh. Bốn đại của Như Lai không phải là không hòa hợp, sức lực nơi thân ngài vẫn đầy đủ, không hề suy yếu!

“Bạch Thế Tôn! Như sức lực của mười con bò nhỏ cũng không bằng một con bò lớn; mười con bò lớn cũng không bằng một con bò xanh; mười con bò xanh cũng không bằng một con voi nhà; mười con voi nhà cũng không bằng một con voi rừng; mười con voi rừng cũng không bằng một con voi hai ngà; mười con voi hai ngà cũng không bằng một con voi bốn ngà; mười con voi bốn ngà cũng không bằng một con voi trắng ở Tuyết sơn; mười con voi trắng ở Tuyết sơn cũng không bằng một con hương tượng; mười con hương tượng cũng không bằng một con voi xanh; mười con voi xanh cũng không bằng một con voi vàng; mười con voi vàng cũng không bằng một con voi đỏ; mười con voi đỏ cũng không bằng một con voi trắng; mười con voi trắng cũng không bằng một con voi núi; mười con voi núi cũng không bằng một con voi ưu-bát-la; mười con voi ưu-bát-la cũng không bằng một con voi ba-đầu-ma; mười con voi ba-đầu-ma cũng không bằng một con voi câu-vật-đầu; mười con voi câu-vật-đầu cũng không bằng một con voi phân-đà-lỵ. [Nhưng] sức lực của mười con voi phân-đà-lỵ cũng không bằng chỉ một vị lực sĩ trong loài người; mười vị lực sĩ trong loài người cũng không bằng một vị bát-kiền-đề; mười vị bát-kiền-đề cũng không bằng một vị na-la-diên có tám cánh tay; mười vị na-la-diên cũng không bằng chỉ một khớp xương của vị Bồ Tát Thập trụ.

“Thế Tôn! Các khớp xương trong thân người phàm, khớp này chẳng chạm khớp kia. Các khớp xương của những vị lực sĩ trong loài người, đầu khớp xương này vừa đụng đầu khớp xương kia. Trong thân của những vị bát-kiền-đề, các khớp xương tiếp nối nhau. Trong thân của những vị na-la-diên, các khớp xương móc lại với nhau. Trong thân của vị Bồ Tát Thập trụ, các khớp của bộ xương liên kết liền lạc với nhau, dường như rồng uốn khúc. Cho nên sức lực của vị Bồ Tát [Thập trụ] là mạnh nhất. Vào lúc thế giới hình thành, Bồ Tát từ nơi bờ cõi Kim cang, đứng dậy khỏi tòa Kim cang, đi lên Đạo tràng nơi cội cây Bồ-đề. Bồ Tát ngồi nơi đó rồi, trong tâm liền được Mười sức.

“Nay Như Lai chớ nên như đứa trẻ sơ sinh kia! Trẻ sơ sinh ngu dại, không có trí tuệ, không biết nói năng. Vì lẽ ấy, tùy ý nằm ngửa, nằm nghiêng đều không ai chê cười. Như Lai Thế Tôn có trí huệ lớn, soi sáng tất cả. Ngài là tinh hoa trong nhân loại, có đủ oai đức lớn, thành tựu thần thông, là bậc tiên nhân cao quý nhất, mãi mãi dứt tuyệt mọi sự nghi hoặc, đã nhổ xong tên độc, đi đứng yên lành, oai nghi trọn vẹn, không có chỗ sợ sệt. Nay vì sao ngài lại nghiêng bên mặt mà nằm, khiến người ta và chư thiên phải ưu sầu khổ não?”

Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp liền đối trước Phật đọc kệ rằng:

Đức Đại thánh Cồ-đàm!
Xin khởi diễn diệu pháp.
Chẳng nên như trẻ thơ,
Như người bệnh liệt giường.
Bậc thầy cõi trời, người,
Nằm dựa giữa đôi cây,
Kẻ ngu, phàm phu thấy,
Sẽ bảo là Niết-bàn.
Chẳng biết kinh Phương đẳng,
Chỗ Phật hành sâu xa,
Chẳng thấy tạng sâu kín,
Như người mù nhìn đường.
Chỉ có chư Bồ Tát,
Như Văn-thù-sư-lợi,
Mới hiểu chỗ sâu xa,
Ví như bậc thiện xạ.
Chư Thế Tôn ba đời,
Căn bản là đại bi,
Đại từ bi như vậy,
Nay đang ở nơi nào?
Nếu không có đại bi,
Thì chẳng gọi là Phật.
Nếu Phật vào Niết-bàn,
Thì chẳng gọi là thường.
Xin nguyện đấng Vô thượng,
Nghe lời chúng con thỉnh,
Vì lợi ích chúng sanh.
Hàng phục hết ngoại đạo.

Lúc ấy, đức Thế Tôn với lòng đại bi tràn ngập trong tâm, biết được hết thảy niệm tưởng của mỗi một chúng sanh. Ngài muốn tùy thuận cho họ được sự lợi ích rốt ráo, liền từ chỗ nằm ngồi dậy, ngồi theo kiểu kết già, sắc mặt vui tươi sáng chói như sắc vàng ròng, đoan nghiêm như vầng trăng tròn, hình dung trong sạch chẳng chút bợn nhơ. Ngài phóng hào quang chói sáng, tràn khắp hư không. Hào quang ấy sáng hơn cả ánh sáng của trăm ngàn mặt trời, chiếu khắp các cõi Phật ở mười phương: đông, nam, tây, bắc và bốn phương kế cận, cùng phương trên và phương dưới. Ngài rộng lòng ban phát đuốc sáng đại trí tuệ cho khắp chúng sanh, khiến họ dứt trừ vô minh đen tối, khiến trăm ngàn ức na-do-tha chúng sanh đều được trụ yên nơi tâm Bồ-đề, không còn thối chuyển.

Bấy giờ, đức Thế Tôn trong lòng không chút nghi lự, như bậc sư tử chúa. Ngài dùng ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân và tám mươi vẻ đẹp mà trang nghiêm thân mình. Hết thảy những lỗ chân lông trên thân ngài, mỗi một lỗ chân lông đều hiện ra một đóa hoa sen. Các hoa sen ấy rất đẹp, mỗi hoa có cả ngàn cánh, đều là màu vàng ròng, cuống hoa bằng lưu ly, nhụy hoa bằng kim cang, đài hoa bằng ngọc mân khôi, hình lớn và tròn như bánh xe. Từ nơi các hoa sen ấy phóng ra hào quang đủ màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, tía và màu pha lê. Các hào quang ấy đều tỏa chiếu ra khắp nơi, đến tận địa ngục A-tỳ, địa ngục Tưởng, địa ngục Hắc thằng, địa ngục Chúng hiệp, địa ngục Khiếu hoán, địa ngục Đại khiếu hoán, địa ngục Tập nhiệt, địa ngục Đại tập nhiệt. Đó là tám cõi địa ngục mà chúng sanh thường bị bức thiết bởi mọi nỗi khổ, như bị đốt, bị nấu, bị nướng, chém, đâm, xẻ, lột... Khi chúng sanh trong các cõi địa ngục gặp được hào quang ấy rồi, các nỗi khổ như trên liền tiêu diệt hết, trở nên an ổn, mát mẻ, khoái lạc vô cùng. Trong ánh hào quang ấy lại nghe có tiếng thuyết pháp về kho tàng Chánh pháp sâu kín của Như Lai, rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’ Chúng sanh ở địa ngục nghe như vậy rồi liền mạng chung, sanh lên các cõi người, cõi trời.

Hào quang ấy lại chiếu tới tám thứ địa ngục lạnh: địa ngục A-ba-ba, địa ngục A-tra-tra, địa ngục A-la-la, địa ngục A-bà-bà, địa ngục Ưu-bát-la, địa ngục Ba-đầu-ma, địa ngục Câu-vật-đầu, địa ngục Phân-đà-lỵ. Trong các cõi địa ngục này, chúng sanh thường bị bức não bởi những nỗi khổ vì lạnh, như da thịt nứt nẻ, thân thể hư nát... tàn hại lẫn nhau. Gặp được hào quang ấy rồi, mọi nỗi khổ như vậy đều dứt tuyệt, họ được điều hòa, ấm áp, thích thú. Trong ánh hào quang ấy, lại cũng nghe có tiếng thuyết pháp về kho tàng Chánh pháp sâu kín của Như Lai, rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật’. Các chúng sanh ở địa ngục nghe như vậy rồi liền mạng chung, sanh lên các cõi người, cõi trời.

Lúc ấy, ở cõi Diêm-phù-đề này cùng ở các thế giới khác, có bao nhiêu địa ngục thảy đều trống rỗng, không còn người chịu tội, chỉ trừ những kẻ nhất-xiển-đề.

Trong cõi ngạ quỷ, chúng sanh bị bức thiết vì đói khát, tóc dài phủ xuống quấn quanh thân hình, trải qua trăm ngàn năm chưa từng được nghe đến tên gọi của nước, [huống gì là việc được ăn uống]! Khi gặp được hào quang ấy, sự đói khát của họ liền dứt ngay. Trong ánh hào quang ấy, lại cũng có tiếng thuyết pháp về kho tàng Chánh pháp sâu kín của Như Lai, rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’ Chúng sanh cõi ngạ quỷ nghe như vậy rồi liền mạng chung, sanh lên các cõi người, cõi trời.

Lúc ấy, bao nhiêu cõi ngạ quỷ đều trở nên trống rỗng, không còn người chịu tội, chỉ trừ những kẻ phỉ báng kinh điển Phương đẳng Đại thừa.

Trong cõi súc sanh, chúng sanh giết hại lẫn nhau, ăn thịt lẫn nhau. Những chúng sanh đó gặp được hào quang [từ các hoa sen của Phật chiếu ra] rồi, lòng oán hận liền dứt hết. Trong hào quang ấy cũng có tiếng thuyết pháp về kho tàng Chánh pháp sâu kín của Như Lai, rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’ Chúng sanh cõi súc sanh nghe rồi liền mạng chung, sanh lên cõi người, cõi trời.

Lúc ấy, cõi súc sanh cũng trở nên trống rỗng, chỉ còn lại những kẻ phỉ báng Chánh pháp.

Trên mỗi hoa sen đều [hóa hiện] có một đức Phật, có vầng hào quang tròn đường kính một tầm, màu vàng sáng rực, đoan nghiêm vi diệu, cao trổi không gì sánh bằng. Mỗi đức Phật đều có đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân mình. Trong các đức Thế Tôn ấy, có vị ngồi, có vị đi, có vị nằm, có vị đứng, có vị làm sấm sét, có vị tuôn mưa, có vị phóng ra chớp điện, có vị làm nổi gió, cũng có vị làm xuất hiện khói lửa, thân như một đám lửa... Lại có vị hiện ra núi cao, ao suối, sông rạch, rừng núi cây cối thảy đều bằng bảy món báu. Cũng có vị thị hiện cõi nước bằng bảy món báu, có đủ thành ấp, làng xóm, cung điện, nhà cửa... Lại có vị thị hiện voi, ngựa, sư tử, cọp sói, chim sẻ, phụng hoàng... Cũng có vị thị hiện khiến cho chúng sanh ở Diêm-phù-đề thảy đều trông thấy các cõi địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Lại có vị thị hiện sáu cảnh trời thuộc Dục giới.

Lại có vị Thế Tôn giảng về ấm, giới, nhập, các yếu tố ấy có nhiều sự tai hại. Cũng có vị nói pháp Bốn thánh đế. Hoặc có vị giảng về nhân duyên các pháp. Có vị lại dạy rằng các nghiệp phiền não đều do nhân duyên mà sanh. Cũng có vị nói về giáo lý ngã và vô ngã. Hoặc có vị giảng thuyết về hai pháp khổ và lạc. Cũng có vị nói về thường và vô thường. Lại có vị thuyết tịnh và bất tịnh. Lại có vị Thế Tôn vì chư Bồ Tát mà diễn thuyết sáu pháp Ba-la-mật mà mình đã tu hành. Cũng có vị nói chỗ được công đức của chư Đại Bồ Tát. Lại có vị nói chỗ được công đức của chư Phật Thế Tôn. Cũng có vị nói chỗ được công đức của người trong hàng Thanh văn. Lại có vị nói lẽ tùy thuận Nhất thừa. Cũng có vị nói Ba thừa thành đạo. Hoặc có vị Thế Tôn thị hiện phun nước ra từ hông bên tả, tuôn lửa ra từ hông bên hữu. Cũng có vị thị hiện đản sanh, xuất gia, ngồi nơi Đạo tràng tại gốc cây Bồ-đề, chuyển bánh xe diệu pháp, nhập Đại Niết-bàn. Lại có vị Thế Tôn phát ra tiếng [thuyết pháp] hùng hồn như sư sử rống, khiến ai nấy trong hội của ngài đều đắc quả, như các quả thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, cho đến quả thứ tư. Hoặc có vị giảng thuyết vô lượng nhân duyên lìa khỏi sanh tử.

Lúc ấy, trong cõi Diêm-phù-đề có những chúng sanh gặp được hào quang ấy rồi, kẻ mù liền được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ câm có thể nói, kẻ què có thể đi, kẻ nghèo được của cải, kẻ keo lận sanh lòng bố thí, kẻ giận hờn sanh lòng từ hòa, kẻ bất tín lại sanh lòng tin... Như vậy, khắp thế giới không còn một chúng sanh nào làm việc ác, chỉ trừ những kẻ nhất-xiển-đề.

Lúc ấy, hết thảy các loài chúng sanh, từ chư thiên, loài rồng, quỷ thần, càn-thát-bà, a-tu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, la-sát, kiện-đà, ưu-ma-đà, a-bà-ma-la, loài người, loài phi nhân, đều cùng nhau xướng lên lời này: “Lành thay, lành thay! Bậc tôn quý cao trổi nhất mang lại nhiều lợi ích.”

Nói ra lời ấy rồi, ai nấy đều lấy làm vui vẻ phấn khích, hoặc ca hoặc múa, hoặc chuyển động thân thể, rồi mang đủ các loại hoa đến rảy cúng Phật và chư tăng, như hoa ưu-bát-la, hoa câu-vật-đầu, hoa ba-đầu-ma, hoa phân-đà-lỵ, hoa mạn-đà-la, hoa ma-ha mạn-đà-la, hoa mạn-thù-sa, hoa ma-ha mạn-thù-sa, hoa tán-đà-na, hoa ma-ha tán-đà-na, hoa lô-chi-na, hoa ma-ha lô-chi-na, hoa hương, hoa đại hương, hoa thích ý, hoa đại thích ý, hoa ái kiến, hoa đại ái kiến, hoa đoan nghiêm, hoa đệ nhất đoan nghiêm... Ai nấy lại rảy các thứ hương như hương trầm thủy, hương da-già-lâu, hương chiên-đàn, hương uất kim, hương được trộn lẫn nhiều loại, hương được tìm về từ các vùng ven biển... Lại còn đem các loại cờ báu, phướn, lọng và các loại nhạc khí cõi trời như đàn tranh, ống địch, sênh, sắt, không hầu... cùng trỗi lên để cúng dường Phật. Kế đó, họ đồng tụng kệ rằng:

Nay chúng con sẽ đại tinh tấn,
Vô thượng Chánh giác Lưỡng túc tôn!
Đại chúng: chư thiên, người chẳng rõ,
Chỉ có Cồ-đàm mới thấu đáo.
Thuở xưa Thế Tôn vì chúng con,
Tu khổ hạnh trong vô lượng kiếp.
Tại sao một ngày bỏ nguyện xưa,
Buông xả thân mạng, vào Niết-bàn?
Tất cả chúng sanh không thể thấy
Tạng sâu kín của Phật Thế Tôn.
Vì nhân duyên ấy, khó ra khỏi,
Luân hồi sanh tử, đọa ác đạo.
Như Phật có dạy: A-la-hán,
Tất cả đều sẽ đến Niết-bàn.
Chỗ Phật hạnh thâm sâu như vậy,
Phàm phu ngu hèn sao biết được?
Thí pháp cam lộ cho chúng sanh,
Để giúp dứt trừ phiền não vậy.
Nếu ai uống cam lộ đó rồi,
Chẳng còn chịu sanh, già, bệnh, chết.
Như Lai dùng đó mà liệu trị,
Trăm ngàn vô lượng các chúng sanh,
Khiến ai mắc phải các bệnh nặng,
Tất cả đều khỏi, không còn bệnh.
Thế Tôn từ lâu dứt bệnh khổ,
Nên được xưng là Phật thứ bảy.
Hôm nay xin Phật rưới mưa pháp,
Thấm nhuần mầm công đức chúng con.

Đại chúng, chư thiên và loài người đọc kệ thỉnh Phật như vậy rồi liền đứng yên.

Trong khi đại chúng tụng kệ ấy, tất cả chư Phật ngự trên các tòa sen từ cõi Diêm-phù-đề lên tới trời Tịnh cư, thảy đều nghe rõ.

Lúc ấy, Phật bảo Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Ông đã có đủ trí huệ thâm sâu và vi diệu như vậy, trí huệ ấy không thể bị tất cả chúng ma và ngoại đạo phá hoại.

“Thiện nam tử! Ông đã trụ yên, tất cả các luồng gió tà ác sẽ không làm cho ông nghiêng ngã được.

“Thiện nam tử! Ông nay đã thành tựu biện tài nhạo thuyết. Ông đã từng cúng dường chư Phật Thế Tôn đời quá khứ nhiều như số cát vô lượng sông Hằng, cho nên mới có thể thưa hỏi Như Lai Chánh giác về nghĩa như vậy.

“Thiện nam tử! Thuở xưa, cách nay vô lượng vô biên ức na-do-tha trăm ngàn vạn kiếp, ta đã dứt trừ gốc bệnh, lìa hẳn những sự nằm, dựa...

“Ca-diếp! Về thuở quá khứ, cách nay vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, có một đức Phật ra đời, hiệu là Vô Thượng Thắng Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Ngài có thuyết kinh Đại thừa Đại Niết-bàn này với hàng Thanh văn, mở bày chỉ bảo, phân biệt, hiển phát nghĩa lý. Thuở ấy, ta cũng làm một vị Thanh văn trong đồ chúng của đức Phật ấy, thọ trì kinh điển Đại Niết-bàn này, đọc tụng thông suốt, sao chép trọn quyển kinh, lại vì người khác mà mở bày chỉ bảo, phân biệt, thuyết giảng nghĩa lý. Ta lại đem căn lành ấy hồi hướng đến quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Từ thuở đó cho đến nay, ta chưa từng có những nghiệp duyên khổ não hoặc nghiệp dữ khiến đọa ác đạo như: phỉ báng Chánh pháp, làm kẻ nhất-xiển-đề, mang thân hoàng môn, thân không căn, thân hai căn, phản nghịch với cha mẹ, giết A-la-hán, phá chùa tháp, hủy hoại Chúng tăng, làm thân Phật chảy máu, phạm Bốn cấm giới nặng. Từ đó đến nay, thân tâm ta luôn được an ổn, không có các khổ não.

“Ca-diếp! Nay ta thật không có bất kỳ bệnh tật gì. Vì sao vậy? Vì chư Phật Thế Tôn từ lâu đã lìa xa hết thảy bệnh tật.

“Ca-diếp! Chúng sanh chẳng biết giáo pháp sâu kín của kinh Phương đẳng Đại thừa, cho nên nói rằng Như Lai thật có bệnh.

“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai là sư tử trong loài người’, nhưng Như Lai thật chẳng phải sư tử! Lời nói như vậy tức là giáo pháp sâu kín của Như Lai.

“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai là rồng lớn trong loài người’, nhưng trải qua vô lượng kiếp ta đã lìa bỏ nghiệp [súc sanh] ấy rồi.

“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai là người, là trời’, nhưng ta thật chẳng phải người, chẳng phải trời, cũng chẳng phải quỷ thần, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la già, chẳng phải ngã, chẳng phải [có thọ] mạng, chẳng phải nhờ dưỡng dục mà thành, chẳng phải linh hồn, chẳng phải làm, chẳng phải không làm, chẳng phải thọ, chẳng phải không thọ, chẳng phải Thế Tôn, chẳng phải Thanh văn, chẳng phải thuyết, chẳng phải không thuyết. Những lời nói như vậy đều là giáo pháp sâu kín của Như Lai.

“Này Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai như biển cả, như núi chúa Tu-di’, nhưng Như Lai thật chẳng phải vị mặn [của biển], cũng chẳng phải [vô tri] như núi đá. Nên biết rằng những lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.

“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai như hoa phân-đà-lỵ’, nhưng ta thật chẳng phải hoa phân-đà-lỵ. Lời nói như vậy tức là giáo pháp sâu kín của Như Lai.

“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai như cha mẹ’, nhưng Như Lai thật không phải cha mẹ. Lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.

“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai là đại thuyền sư’, nhưng Như Lai thật chẳng phải là thuyền sư. Lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.

“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai như vị thương chủ’, nhưng Như Lai thật chẳng phải là thương chủ. Lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.

“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai có thể hàng phục ma’, nhưng Như Lai thật không có lòng ác, muốn cho kẻ khác phải khuất phục mình. Lời nói như vậy thảy đều là giáo pháp sâu kín của Như Lai.

“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai có thể trị ghẻ độc’, nhưng ta thật chẳng phải là thầy thuốc trị bệnh ghẻ. Lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.

“Ca-diếp! Như trước đây ta có nói: ‘Như có kẻ nam, người nữ lòng lành biết tu chỉnh, sửa trị ba nghiệp của thân, khẩu và ý, khi người ấy bỏ thân mạng, dù thân quyến có đem thi hài thiêu trong lửa, hoặc thả xuống nước, hoặc để nơi nghĩa địa, bấy giờ chồn, sói, cầm thú tranh nhau mà ăn thân xác ấy, còn tâm thức người ấy liền sanh về cõi lành. Nhưng thật ra tâm thức ấy không có đi lại, cũng không có chỗ đến, chỉ là trước sau có chỗ giống nhau, nối tiếp nhau, tướng mạo chẳng khác. Lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.

“Ca-diếp! Nay ta nói rằng ta có bệnh, cũng là như vậy, cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai. Cho nên ta sai bảo Văn-thù-sư-lợi rằng: ‘Nay ta đau nhức lưng. Các ông nên vì Bốn chúng mà thuyết pháp.’

“Ca-diếp! Như Lai Chánh giác thật không có bệnh mà phải nằm nghiêng bên mặt, ngài cũng không buông hết tất cả mà vào Niết-bàn.

“Ca-diếp! Đại Niết-bàn ấy tức là thiền định thâm sâu của chư Phật. Thiền định như vậy chẳng phải là chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể làm được.

“Ca-diếp! Trước ông có hỏi: ‘Vì sao Như Lai nằm tựa chẳng dậy, chẳng đòi ăn uống, chẳng dạy bảo người nhà việc xây dựng sự nghiệp?’

“Ca-diếp! Tánh của hư không vốn không có ngồi dậy, đòi hỏi ăn uống, dạy bảo người nhà việc xây dựng sự nghiệp. Cũng không có sự đi lại, sanh diệt, già trẻ, hiện ra hay mất đi, thương tổn, bể nát, giải thoát, trói buộc. Cũng chẳng tự nói, chẳng nói kẻ khác. Cũng chẳng tự hiểu, chẳng hiểu kẻ khác, chẳng phải yên lành, chẳng phải bệnh hoạn...

“Thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn cũng vậy, dường như hư không. Làm sao có các loại bệnh khổ?

“Ca-diếp! Thế gian có ba loại bệnh nặng khó trị: một là phỉ báng Đại thừa, hai là phạm Năm tội nghịch, ba là nhất-xiển-đề. Ba loại bệnh ấy là nặng nhất trong đời, chẳng phải sức của Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát có thể liệu trị nổi.

“Thiện nam tử! Ví như người có bệnh nhất định phải chết thì khó mà trị được. Dù có khám bệnh, chăm sóc tử tế, cho dùng thuốc thang; hoặc không khám bệnh, không chăm sóc, không cho dùng thuốc thang, bệnh ấy vẫn chắc chắn là không thể liệu trị. Nên biết rằng người bệnh ấy nhất định phải chết, không nghi ngờ gì nữa!

“Thiện nam tử! Ba loại người nói trên cũng vậy, dù cho các vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát có thuyết pháp hay không thuyết pháp [cho họ nghe] cũng không thể khiến họ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Ca-diếp! Ví như người bệnh, nếu được khám bệnh, chăm sóc tử tế, cho dùng thuốc thang, ắt có thể khỏi bệnh. Nếu không có ba việc ấy thì không thể khỏi bệnh. Hàng Thanh văn, Duyên giác cũng vậy, nhờ nương theo Phật, Bồ Tát, được nghe Chánh pháp rồi liền có thể phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; không thể không nhờ nghe Chánh pháp mà có thể phát tâm.

“Ca-diếp! Ví như có loại bệnh, dù có xem bệnh, chiều thuận theo ý, dùng thuốc thang, hoặc không xem bệnh, chiều thuận theo ý, dùng thuốc thang, cũng vẫn được khỏi bệnh. Có một hạng người cũng giống như vậy, dù gặp Thanh văn hay chẳng gặp Thanh văn, dù gặp Duyên giác hay chẳng gặp Duyên giác, dù gặp Bồ Tát hay chẳng gặp Bồ Tát, dù gặp Như Lai hay chẳng gặp Như Lai, dù được nghe Chánh pháp hay chẳng được nghe Chánh pháp, vẫn tự nhiên được thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đó là những người hoặc vì thân mình, hoặc vì thân người, hoặc vì sợ sệt, hoặc vì lợi dưỡng, hoặc vì nịnh bợ, hoặc vì dối gạt người khác mà sao chép kinh Đại Niết-bàn này, [lại hết lòng] thọ trì, đọc tụng, cung kính cúng dường, vì người khác mà giảng giải kinh này.

“Ca-diếp! Có năm hạng người tu tập kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này còn có chỗ sai lầm, chưa phải là Như Lai. Đó là năm hạng người nào?

“Một là những người cắt đứt ba mối trói buộc, đạt được quả Tu-đà-hoàn, không đọa địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, còn tái sanh bảy lần trong cõi trời người, vĩnh viễn dứt trừ các nỗi khổ, vào nơi Niết-bàn. Ca-diếp! Đó gọi là hạng người thứ nhất còn có chỗ sai lầm. Hạng người ấy trong tương lai, trải qua tám vạn kiếp sẽ được thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Hai là những người cắt đứt ba mối trói buộc, giảm dần tham, sân, si, đạt được quả Tư-đà-hàm, gọi là Nhất vãng lai, vĩnh viễn dứt trừ các nỗi khổ, vào nơi Niết-bàn. Ca-diếp! Đó gọi là hạng người thứ nhì còn có chỗ sai lầm. Hạng người ấy trong tương lai, trải qua sáu vạn kiếp sẽ được thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Ba là những người cắt đứt năm mối trói buộc, đạt được quả A-na-hàm, chẳng còn trở lại cõi này, vĩnh viễn dứt trừ các nỗi khổ, vào nơi Niết-bàn. Đó gọi là hạng người thứ ba còn có chỗ sai lầm. Hạng người ấy trong tương lai, trải qua bốn vạn kiếp sẽ được thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Bốn là những người dứt tuyệt tham dục, sân khuể, ngu si, đạt được quả A-la-hán, không còn phiền não, vào nơi Niết-bàn, nhưng chưa thành tựu hạnh kỳ lân đứng riêng một mình. Đó gọi là hạng người thứ tư còn có chỗ sai lầm. Hạng người ấy trong tương lai, trải qua hai vạn kiếp sẽ được thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Năm là những người dứt tuyệt tham dục, sân khuể, ngu si, thành tựu quả Phật Bích-chi, không còn phiền não, vào nơi Niết-bàn. Người ấy thật đã thành tựu hạnh kỳ lân đứng riêng một mình. Đó gọi là hạng người thứ năm còn có chỗ sai lầm. Hạng người ấy trong tương lai, trải qua một vạn kiếp sẽ được thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Ca-diếp! Đó gọi là năm hạng người còn có chỗ sai lầm, chẳng phải là Như Lai.”

PHẨM THÁNH HẠNH
Phẩm thứ bảy - Phần một


Lúc ấy, đức Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát nên đối với kinh Đại Niết-bàn này, chuyên tâm suy xét về năm hạnh. Những gì là năm hạnh? Một là Thánh hạnh, hai là Phạm hạnh, ba là Thiên hạnh, bốn là Anh nhi hạnh và năm là Bệnh hạnh.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát thường nên tu tập năm công hạnh ấy. Lại còn một hạnh nữa gọi là hạnh Như Lai, đó là nói kinh Đại thừa Đại Niết-bàn.

“Ca-diếp! Bồ Tát ma-ha-tát tu tập Thánh hạnh như thế nào? Bồ Tát ma-ha-tát hoặc theo Thanh văn, hoặc theo Như Lai, được nghe kinh Đại Niết-bàn này; nghe rồi liền sanh lòng tin. Tin rồi nên suy xét rằng: ‘Chư Phật Thế Tôn có đạo cao trổi hơn hết, có Chánh pháp lớn lao, có Đại chúng tu hành chân chánh, lại có kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Nay ta nên vì lòng ái mộ và ham muốn kinh Đại thừa mà lìa bỏ vợ con, quyến thuộc thân ái, nơi ăn chốn ở, vàng bạc trân bảo, chuỗi ngọc tốt đẹp, hương hoa kỹ nhạc, tôi tớ hầu hạ gái trai lớn nhỏ, voi ngựa xe cộ, bò dê gà chó... mọi thứ.’

“Lại suy xét rằng: ‘Đời sống gia đình chật hẹp tù túng, dường như lao ngục, hết thảy phiền não đều do đó mà sanh ra. Xuất gia thì rộng rãi thoáng đãng, dường như hư không, tất cả pháp lành do đó mà nảy nở, tăng trưởng. Nếu ở nhà thì chẳng được suốt đời tu tập hạnh thanh tịnh. Nay ta nên cạo râu xuống tóc, xuất gia học đạo.’ Suy xét như vậy rồi, tự thấy nhất định phải xuất gia tu học đạo Bồ-đề vô thượng chân chánh.

“Khi Bồ Tát muốn xuất gia như vậy, thiên ma Ba-tuần hết sức khổ não, tự nói rằng: ‘Bồ Tát ấy rồi sẽ cùng ta khởi cuộc chiến tranh.’ Thiện nam tử! Nhưng vị Bồ Tát như vậy có lý nào lại gây sự chiến tranh với kẻ khác?

“Lúc ấy, Bồ Tát liền đến Tăng phường. Nếu gặp được Như Lai và đệ tử Phật, oai nghi đầy đủ, các căn an tịnh, trong lòng liền được nhu hòa, trong sạch, tịch diệt, liền cầu xin xuất gia, cạo râu xuống tóc, mặc ba tấm pháp y. Khi xuất gia rồi, nghiêm giữ mọi giới cấm, oai nghi trọn đủ, đi đứng an tịnh, không xúc phạm bất cứ ai; cho đến đối với tội nhỏ cũng sanh lòng sợ sệt. Tâm giữ giới của Bồ Tát ấy bền chắc như kim cang.

“Thiện nam tử! Ví như có người dùng một cái phao để bơi qua biển cả. Bấy giờ, giữa biển có một quỷ la-sát bám theo người ấy hỏi xin cái phao. Nghe xong, người ấy liền suy nghĩ rằng: ‘Nay nếu ta cho cái phao, ắt phải bị chết chìm.’ Bèn đáp rằng: “La-sát! Thà ngươi giết ta đi, chứ ngươi không thể lấy cái phao này.’

“La-sát lại nói rằng: ‘Nếu ông không thể cho tôi cả cái phao, thì xin thương tình cho tôi phân nửa.’ Người ấy cũng không chịu.

“La-sát lại nói: ‘Nếu không thể cho tôi phân nửa, mong ông rủ lòng cho tôi một phần ba.’ Người ấy cũng chẳng thuận.

“La-sát lại năn nỉ: ‘Nếu chẳng được vậy, cũng nên thí cho tôi một miếng chỉ bằng bàn tay.’ Người ấy cũng nhất định không chịu.

“La-sát lại nói: ‘Nay nếu ông không thể cho tôi một miếng bằng bàn tay, tôi đây phải chịu đói khổ bức bách. Cầu xin ông giúp cho tôi một mảnh nhỏ bằng hạt bụi cũng được.’

“Người ấy đáp rằng: ‘Chỗ đòi hỏi của ông thật cũng không nhiều. Nhưng nay tôi phải vượt biển, không biết gần xa như thế nào. Nếu tôi cho ông dù một mảnh nhỏ, không khí trong phao sẽ theo đó mà thoát dần ra hết. Như vậy tôi biết nhờ vào đâu để vượt qua biển cả? Giữa đường ắt phải chìm xuống nước mà chết!’

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát giữ gìn giới cấm cũng vậy, như người vượt biển khéo giữ gìn cái phao. Bồ Tát trong khi giữ gìn giới cấm như vậy, thường có bọn la-sát hung dữ là các phiền não đến nói rằng: “Ông nên tin tôi, tôi chẳng bao giờ lại lừa dối ông. Nếu chỉ phá Bốn giới cấm nặng thôi, còn giữ đủ các giới khác; nhờ nhân duyên ấy sẽ vẫn được yên ổn, vào Niết-bàn.’ Lúc ấy, Bồ Tát nên đáp rằng: ‘Thà ta giữ giới cấm ấy mà vào địa ngục A-tỳ chứ quyết không hủy phạm để sanh lên cõi trời.’

“La-sát phiền não lại nói rằng: ‘Như ông không thể phá Bốn giới cấm nặng, vậy nên phá các giới tăng tàn. Nhờ nhân duyên ấy, ông sẽ được yên ổn, được vào Niết-bàn.’ Bồ Tát cũng không nên nghe theo lời xúi giục ấy.

“La-sát lại nói rằng: ‘Như ông không thể phạm các giới tăng tàn, cũng nên phạm tội thâu-lan-già. Nhờ nhân duyên ấy, ông sẽ được yên ổn và được vào Niết-bàn.” Lúc ấy, Bồ Tát cũng chẳng nghe theo.

“La-sát lại xúi giục rằng: ‘Như ông không thể phạm thâu-lan-già, vậy ông có thể phạm xả đọa. Nhờ nhân duyên ấy, ông sẽ được yên ổn, được vào Niết-bàn.’ Lúc ấy Bồ Tát cũng chẳng nghe theo.

“La-sát lại nói rằng: ‘Như ông không thể phạm xả đọa, nên phạm ba-dật-đề. Nhờ nhân duyên ấy, ông sẽ được yên ổn, được vào Niết-bàn.’ Lúc ấy, Bồ Tát cũng chẳng nghe theo.

“La-sát nói tiếp rằng: ‘Như ông không thể phạm ba-dật-đề, tôi xin ông hãy hủy phá giới đột-kiết-la. Nhờ nhân duyên ấy, ông sẽ được yên ổn, được vào Niết-bàn.’

“Lúc ấy, Bồ Tát tự suy nghĩ rằng: ‘Ngày nay, nếu ta phạm tội đột-kiết-la và không tự bộc lộ, ắt ta không thể sang đến bờ bên kia của biển sanh tử mà được Niết-bàn.’ Bồ Tát ma-ha-tát đối với các giới nhỏ nhất trong giới luật cũng giữ gìn một cách kiên cố, tâm bền chắc như kim cang.

“Bồ Tát ma-ha-tát giữ gìn Bốn giới cấm nặng cho đến các giới đột-kiết-la, kiên trì cẩn trọng như nhau, không có sai khác. Nếu Bồ Tát giữ gìn được kiên trì như vậy tức là thành tựu đủ năm phần của giới. Đó là thành tựu giới làm thanh tịnh các nghiệp căn bản của Bồ Tát; giới làm thanh tịnh các hành vi liên quan khác trước đây và sau này; giới làm thanh tịnh sự nhận thức, thấy biết, xa lìa những nhận thức sai lầm, xấu ác; giới làm thanh tịnh mọi ý niệm, luôn duy trì, giữ gìn chánh niệm; và giới hồi hướng [mọi công đức] về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Ca-diếp! Vị Bồ Tát ma-ha-tát này lại có đủ hai thứ giới. Một là giới nhận lãnh thọ học những kiến thức thế tục, hai là giới thành tựu Chánh pháp. Nếu Bồ Tát giữ giới thành tựu Chánh pháp thì không bao giờ làm việc xấu ác. Nếu muốn giữ giới nhận lãnh thọ học những kiến thức thế tục thì trước phải theo đúng pháp tác bạch tứ Yết-ma rồi sau mới được thọ nhận.

“Lại nữa, thiện nam tử! Có hai thứ giới: một là giới có tính chất quan trọng, hai là giới nhằm ngăn ngừa sự ganh ghét của thế gian. Giới có tính chất quan trọng là nói Bốn giới cấm nặng. Giới ngăn ngừa sự ganh ghét của thế gian là không làm [những điều như] buôn bán, cân non, đong thiếu, dối gạt người khác, cậy thế lực kẻ khác, chiếm đoạt tài vật người khác, cố ý hại người, phá hoại sự thành công của người khác, [lười nhác] ngủ ngày, làm ruộng, trồng cây, khuếch trương sự nghiệp riêng; không [vì lợi mà] nuôi voi, ngựa, bò, dê, lạc đà, lừa, gà, chó, khỉ, chim sẻ, chim két, chim cộng-mạng, câu-chỉ-la, chó sói, cọp, beo, mèo, chồn... hoặc các thú dữ khác; không tích lũy, chứa giữ những thứ như xe cộ, kẻ hầu hạ trai, gái, lớn, nhỏ... hoặc vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, xa cừ, mã não, san hô, ngọc bích, các thứ ngọc thạch, chén bát bằng đồng đỏ, thiếc trắng và bằng thau, y phục dệt bằng lông thú hoặc ghép bằng lông chim, tất cả các giống lúa, gạo, lúa mạch lớn, lúa mạch nhỏ, đậu, mè, bắp, nếp, đồ ăn còn sống hoặc nấu chín...

“[Người giữ giới] chỉ ăn mỗi ngày một bữa, đă ăn rồi thì không ăn nữa. Nếu đi khất thực hoặc khi ăn chung với Chúng tăng thường tự biết no bụng thì dừng, không nhận sự mời thỉnh đặc biệt. Không ăn thịt, không uống rượu, không ăn năm món cay nồng. Nhờ vậy trong thân không có mùi hôi, thường được chư thiên và tất cả người đời cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. [Những kẻ] nhanh chân bước vội vì miếng ăn, rốt cùng không thể được sống lâu. [Người giữ giới chỉ] nhận lãnh y phục vừa đủ che thân; dù đi tới đâu cũng luôn có đủ ba tấm pháp y và bình bát, không lìa hai món ấy, như con chim không lìa đôi cánh.

“[Người giữ giới] không tích lũy chứa giữ các loại củ rễ, thân, mắt ghép, nhánh ghép, hạt giống của cây. Không tích lũy chứa giữ kho báu như vàng, bạc, đồ ăn uống chất chứa nơi nhà bếp và trong kho lẫm, áo quần, đồ trang sức, giường cao rộng lớn, giường bằng ngà voi và bằng vàng, những món thêu dệt sặc sỡ chẳng nên dùng làm nệm ngồi. Không chứa trữ những chiếu dệt bằng các nguyên liệu nhỏ mịn. Không ngồi trên bành voi, yên ngựa... Không được dùng loại vải nhỏ mịn và đẹp mà trải giường nằm. Ở đầu giường không được để hai cái gối, cũng không được nhận giữ gối rất đẹp màu đỏ hoặc gối bằng cây sơn thếp màu vàng. Không khi nào xem những cuộc đấu nhau giữa voi, ngựa, chiến xa, quân đội, [cho đến] đàn ông, đàn bà, bò, dê, trâu, gà, trĩ, két... cũng không được cố ý đến xem chiến trận.

“[Người giữ giới cũng] không được lắng nghe những tiếng sáo, địch, ốc tù và, tiếng trống, tiếng đàn cầm, đàn sắt, đàn tranh, đàn không hầu... cùng mọi tiếng ca nhạc múa hát, chỉ trừ [những âm thanh để dâng lên] cúng dường Phật. Không tham gia các trò vui đánh cờ, bài bạc, trò ba-la-tắc. Không xem các loài sư tử, voi đấu nhau, không chơi đánh cờ, sáu môn cờ bạc ăn thua, đánh cầu, ném đá, thảy hồ, dắt đường, chơi cờ tám đường quanh thành, [nói chung] hết thảy mọi trò vui đùa bỡn cợt đều không nên tham dự hoặc đến xem...

“[Người giữ giới cũng] không được xem tướng tay, chân, mặt, mắt... Không được dùng móng chân, móng tay, gương soi, cỏ thi, nhành dương, bát thủ, sọ người mà làm quẻ bói. Cũng không được ngước nhìn các vì sao trên trời, trừ phi để phá tan cơn buồn ngủ. Không được nhận những sứ mạng đi lại do kẻ có quyền chức giao phó, không đem việc người này nói với người kia, đem việc người kia nói với người này... Không bợ đỡ nịnh hót, sống bằng tà mạng. Cũng không được nói việc vua quan, trộm cướp, đấu tranh, ăn uống, cùng những việc thất mùa đói kém, lo âu sợ sệt, no đủ, vui sướng, an ổn trong cõi nước.

“Thiện nam tử! Đó gọi là giới mà vị Bồ Tát giữ theo để ngăn ngừa sự ganh ghét của thế gian. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát giữ trọn những giới ngăn che, chế ngự như vậy, cũng không hề xem nhẹ hơn các giới có tính chất quan trọng.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát sau khi thọ trì các giới cấm như vậy rồi, liền phát nguyện rằng: ‘Thà [tôi] đem thân này lao vào hầm sâu lửa dữ chứ quyết không bao giờ hủy phạm các giới cấm mà chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại đã chế định, [chẳng hạn như] làm những việc không trong sạch với người nữ thuộc dòng sát-lỵ, bà-la-môn, trưởng giả hay cư sĩ...’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Thà ta dùng sắt nóng đắp quanh thân hình chứ quyết không bao giờ dám nhận y phục của người đàn việt có tín tâm khi tự mình đã phá giới.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Thà ta bỏ hòn sắt nóng vào miệng nuốt chứ quyết không bao giờ dám dùng đến những thức ăn uống của người đàn việt có tín tâm khi tự mình đã phá giới.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà nằm trên sắt nóng chứ quyết không bao giờ dám thọ nhận giường nằm, nệm gối của người đàn việt có tín tâm khi tự mình đã phá giới.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Thà thân ta phải chịu đựng ba trăm mũi giáo chứ quyết không bao giờ dám nhận thuốc men của người đàn việt có tín tâm khi tự mình đã phá giới.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà nhảy vào nồi sắt nóng chứ quyết không bao giờ dám thọ nhận phòng ốc, nhà cửa của người đàn việt có tín tâm khi tự mình đã phá giới.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà tự dùng chùy sắt đập nát toàn thân này thành bụi nhỏ chứ quyết không bao giờ dám thọ nhận sự cung kính lễ bái của các hàng sát-lỵ, bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ... khi tự mình đã phá giới.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà dùng lưỡi đao, giáo bằng sắt nóng mà tự khoét hai mắt ra chứ quyết không bao giờ đem tâm nhiễm ô nhìn những hình sắc đẹp bên ngoài.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà lấy dùi sắt tự đâm thủng lỗ tai chứ quyết không bao giờ đem tâm nhiễm ô mà lắng nghe những âm thanh hay lạ [của thế tục].’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà lấy dao bén tự cắt bỏ mũi mình chứ quyết không bao giờ đem tâm nhiễm ô mà tham ngửi các mùi thơm.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà lấy dao bén tự cắt đứt lưỡi mình chứ quyết không bao giờ đem tâm nhiễm ô mà tham đắm những vị ngon.”

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà dùng lưỡi búa sắc bén tự chặt đứt thân mình, chứ quyết không bao giờ đem tâm nhiễm ô mà tham đắm những sự xúc chạm êm ái.’

“Vì sao vậy? Vì những nhân duyên ấy có thể làm cho người tu hành đọa vào nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

“Ca-diếp! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát giữ gìn giới cấm. Bồ Tát ma-ha-tát giữ gìn các giới cấm như vậy rồi, liền bố thí [mọi công đức thành tựu] cho hết thảy chúng sanh. Vì nhân duyên ấy, nguyện cho tất cả chúng sanh đều giữ gìn giới cấm, được giới thanh tịnh, giới tốt lành, giới không thiếu sót, giới không bị hủy phá, giới Đại thừa, giới không thối chuyển, giới tùy thuận, giới rốt ráo, giới thành tựu đầy đủ các pháp ba-la-mật.

“Thiện nam tử! Khi Bồ Tát ma-ha-tát tu trì giới thanh tịnh như vậy, liền được bắt đầu trụ vào địa vị Bất động. Sao gọi là địa vị Bất động? Bồ Tát trụ vào địa vị Bất động thì không còn có những sự dao động, sa đọa, thối chuyển hay tán thất.

“Thiện nam tử! Ví như núi Tu-di, lốc xoáy và những cơn gió mạnh không thể làm cho núi ấy lay động, sụp đổ, đẩy lùi hay vỡ nát. Vị Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị Bất động cũng vậy, không hề bị dao động vì hình sắc, âm thanh, hương vị, xúc cảm... không còn bị sa đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, không thể thối lui trở lại địa vị Thanh văn, Phật Bích chi, không bị những luồng gió tà kiến làm cho tán loạn mà rơi vào nếp sống tà vạy không chân chánh.

“Lại nữa, thiện nam tử! Bất động còn có nghĩa là không bị dao động bởi tham dục, sân khuể, ngu si; không sa đọa còn có nghĩa là không rơi vào Bốn cấm giới nặng; không thối chuyển còn có nghĩa là không thối lui, buông bỏ giới luật mà quay về đời sống thế tục; không tán thất còn có nghĩa là không vì trái nghịch với kinh điển Đại thừa mà phải bị tán loạn, hư hoại mất.

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát cũng không bị các ma phiền não làm khuynh động, không bị ma năm ấm làm sa đọa. Cho đến khi [sắp thành đạo] ngồi nơi đạo tràng dưới cội cây Bồ-đề, tuy có chúng ma từ cõi trời đến quấy phá cũng không thể làm cho Bồ Tát thối lui đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Bồ Tát cũng không còn bị ma chết làm tán hoại.

“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát tu tập Thánh hạnh.

“Thiện nam tử! Sao gọi là Thánh hạnh? Thánh hạnh, đó là chỗ hành trì của Phật và Bồ Tát. Vì thế nên gọi là Thánh hạnh.

“Vì sao gọi chư Phật, Bồ Tát là thánh nhân? Vì các vị ấy có pháp của bậc thánh, thường quán xét tánh rỗng không vắng lặng của các pháp. Vì nghĩa ấy, nên gọi là thánh nhân. Vì có giới của bậc thánh nên gọi là thánh nhân. Vì có định, huệ của bậc thánh nên gọi là thánh nhân. Vì có Bảy món báu của bậc Thánh là: tín, giới, tàm, quý, đa văn, trí huệ, xả ly, cho nên gọi là Thánh nhân. Lại có bảy Thánh giác nên gọi là Thánh nhân. Vì nghĩa ấy, nên lại gọi là Thánh hạnh.”

Chapter Eighteen: On Actual Illness

Then, Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! The Tathagata is already far removed from all illness. Defilement and pain already done away with, no fear remains behind. O World-Honoured One! All beings have four poisonous arrows, which become the cause of illness. What are the four? They are greed, ill-will, ignorance and arrogance. When the cause is within, illnesses arise, such as cold, fever, comsumption, dizziness, vomiting, paralysis of the body, madding mind, loose bowels, convulsions, loose urine [weak bladder], pain in the eyes and ears, swollen abdomen and back, craziness, dryings-up, or being tormented by evil spirits. All such bodily ills cannot arise in the All-Buddha-World-Honoured One. Why is it that the Tathagata looks back and says to Manjushri: "I have pain in my back. All of you should teach the great congregation" ? Illnesses arise for two reasons. What are the two? First, it is having pity on all beings; second, it is giving medicine to those who are ill. The Tathagata, already an innumerable million billion kalpas ago, when the Tathagata was practising the Way of a Bodhisattva, always had words of love. He benefited beings and extracted the root of worry. He gave various medicines to all who were ill. Why is it that today, now, he should have an illness? O World-Honoured One! What applies in the world is that a sick person sits or reclines and has no time to rest. He calls for food, gives injunctions to his family, or tells them to work. Why is it that the Tathagata sits silently? Why is it that you do not teach your disciples and sravakas the right practices of shilaparamita and dhyanaparamita? Why is it that you do not deliver Mahayana sutras that have deep meaning? Why is it that, using innumerable expedients, you do not teach Mahakasyapa, the great elephant among men, and the great persons, so that they will not retrogress from unsurpassed Enlightenment? Why is it that you do not teach all evil-doing bhiksus who receive and store up impure things? O World-Honoured One! You have no illness. Why do you recline on your right side? All Bodhisattvas give medicines to patients and whatever merits arise from giving are all bestowed upon all beings and transferred to All-Knowledge. This is to extract the hindrances of defilement, the hindrances of karma, and those of karmic results. The hindrances of defilement are greed, hatred, ignorance, and anger at what is disagreeable, illusion that overshadows the mind, hindering thereby good from shooting out its buds; [the hindrances are also] burning worry, jealousy, stinginess, cheating, flattery, not feeling ashamed of one’s own self, not feeling ashamed of others, pride, pride- pride, simulative pride, pride of self-conceit, pride of self, twisted pride, arrogance, indolence, self-importance, mutual resentment, arguing, wrong living, flattering, cheating using different appearances, pursuing profit by profit, seeking things through wrong channels, seeking a lot, lacking respect, not observing the injunctions, and associating with bad friends. There is no end of seeking profit, to entwine and bind one’s own self so that all is difficult to understand. A person abides in evil desires and evil greed. A person is greedily intent upon heretical views of life regarding his carnal existence, the "is" and the "not-is" views of life; a person heaves a groan or is pleased to drowse, lets out a yawn or is not pleased, or eats greedily; his mind is dim and he thinks of strange things, does evil with body and in speech, finds pleasure in talking overmuch; all his sense-organs are dark; he talks excessively and is always overshadowed by such senses as greed, anger and harming. These are the hindrances of defilement.

"The hindrances [which arise] from deeds [karma] are the five deadly sins and the diseases of serious evil.

"The hindrances from karmic retribution give one life in the realms of hell, animals, and hungry pretas, and also the slandering of Wonderful Dharma, and the icchantika. These are the hindrances from retribution.

"These three hindrances are the evils. Yet, the Bodhisattva, when practising the Way over innumerable kalpas, dispensed medicines for all illnesses and always vowed to release beings eternally from the grave illnesses of the three hindrances.

"Also, next, O World-Honoured One! When the Bodhisattva-mahasattva practised the Way, he gave medicine to all who were sick and always took the vows: "Let beings be eternally segregated from all ills and let them attain the Adamantine Body of the Tathagata. Also, let all the innumerable beings become all-wonderful medicines and be able to cut off evil illnesses; let all beings gain the agada and, by the power of this medicine, do away with all the innumerable evil poisons; let not all beings retrogress from unsurpassed Enlightenment, but let them swiftly accomplish the unsurpassed Buddha-medicine and extract all the poisonous arrows; let all beings make effort, generate and accomplish the Adamantine Mind of the Tathagata, becoming this allwonderful medicine, cure all diseases, so that no disputatious mind can arise; let beings become a great tree of medicine and cure all serious illnesses of all beings; let one thoroughly extract the poisoned arrows of beings and accomplish the unsurpassed light of the Tathagata; let beings enter the Tathagata's hidden store of the Dharma of Wisdom's great medicine and the close- guarded store of Dharma." O World-Honoured One! The Bodhisattva, already innumerable hundred thousand nayutas of kalpas ago, took these vows and extracted all the ills from all beings. Why is it that the Tathagata today says that he has illness?

"Also, next, O World-Honoured One! There is in the world a person who is ill in bed, who cannot sit, get up, look up, walk or stand, and is not able to swallow any food or make liquid pass down his throat; he cannot teach and admonish his sons so that they can learn household work. His parents, wife, children, brothers, relatives and friends are anxious, and they think that he will assuredly die. O World-Honoured One! The same is the case with the Tathagata today. You recline on your right-hand side and say nothing. All the ignorant of this Jambudvipa will think: "The Tathagata, the All-Enlightened One is going to enter Nirvana." Why? They may think that you will cease to exist. But the nature of the Tathagata does not, to the end, enter Nirvana. Why not? The Tathagata is eternal and does not change. For this reason, there can be no saying: "I have pain in my back."

"Also, next, O World-Honoured One! There is a person who is ill in bed and whose physique is broken [weakened]; he lies with his face down or on his side, or on his bed. Then, people negatively think that death is not far off. The same is the case with the Tathagata. The 95 tirthikas look down upon, and abide in, the thought of the non-eternal. They will certainly say: "Things [in Buddhism] are not as with our own doctrine, in which we base ourselves on self, nature, man, unmolestedness, time, mote [“prakrti” - primal matter], and think that these are eternal and suffer no change. Shramana Gautama is now subect to change. This merely reveals the law of change." For this reason, O World-Honoured One, you should not be silent and recline on your right-hand side.

Also, next, O World-Honoured One! There is in the world a man ill in bed. The four great elements increase or decrease, so that they do not work and mix well; his body is extremely weakened and emaciated. Because of this, he cannot sit or get up as he wills. So he remains in bed. With the Tathagata, not one of the four elements is out of harmony. You are perfect in your physical power; nothing is weak or diminished. O World-Honoured One! The little strength of ten cows is not equal to that of a big cow; the strength of ten big cows is not equal to that of a blue cow; the strength of ten blue cows is not equal to that of a common elephant; the strength of ten common elephants is not equal to that of a wild elephant; the strength of ten wild elephants is not equal to that of a two-tusked elephant; the strength of ten two-tusked elephants is not equal to that of a four-tusked elephant; the power of ten four-tusked elephants is not equal to that of a white elephant of the Himalayas; the strength of ten white elephants is not equal to that of a fragrant elephant; the strength of ten fragrant elephants is not equal to that of a blue elephant; the strength of ten blue elephants is not equal to that of a yellow elephant; the strength of ten yellow elephants is not equal to a red elephant; the strength of ten red elephants is not equal to a white elephant; the strength of ten white elephants is not equal to that of a mountain elephant; the strength of ten mountain elephants is not equal to an utpala elephant; the strength of ten utpala elephants is not equal to that of a kumuda elephant; the strength of ten kumuda elephants is not equal to that of a pundarika elephant; the strength of ten pundarika elephants is not equal to that of a Malla [wrestler of tremendous strength]; the strength of ten Mallas is not equal to that of a Pakkhandin; that of ten Pakkhandins is not equal to that of one eight-armed Narayana; the strength of ten eight-armed Narayanas is not equal to that of one joint [limb] of a Bodhisattva of the ten “bhumis”. With common mortals, the mid-part of the body does not meet together ; with the Mallas, the mid-part and the head meet together; with the Pakkhandins, all the joints of the body meet together; with Narayana, the joints and the head can well hook together; with the Bodhisattvas of the ten “bhumis”, the bones of all joints separate or join together as in the case of a coiling naga [serpent]. Thus, the strength of the Bodhisattva is the greatest. When the world came into existence, the vajrasana [diamond throne] was raised up from the vajra [diamond] land and then raised up to the bodhimanda [site of Enlightenment], which appeared under the Bodhi Tree. Having sat down, the mind of the Bodhisattva attained the ten powers. O Tathagata! You should not be like any [normal] little child. No infant, child, ignorant or brainless person can expound things well. For this reason, although you lie with your face down and on one side, no one reproaches you. You, Tathagata, the World-Honoured One, have great Wisdom and shine over all. You are the naga of men; you possess great virtue and have divine powers; you are the unsurpassed rishi; you have cut away the web of doubt and have extracted the arrow of poison. In peace you go and come, perfect in deportment, and armed with fearlessness. Why should you recline on your right-hand side and cause all heaven and humankind to sink into sorrow and worry?"

Then Kasyapa said in a gatha before the Buddha:

"O Great Holy One of the Gautama clan!
Get up, I pray you, and speak to us about All-Wonderful Dharma!
Do not recline on the bed like some child,
Or one who is sick. The Trainer,
The Teacher of gods and humans,
Lies between the sal trees. The lowly
And the ignorant may say that he will assuredly enter Nirvana.
They know nothing of the vaipulya Or what the Buddha does.
Like the blind, they do not see The hidden store of the Tathagata.
Only all the Bodhisattvas and Manjushri well know The depths, like a good archer.
All Buddhas of the Three Times [past, present and future]
Rest upon Great Compassion.
What is now the worth of such Great Compassion?
With no compassion, the Buddha is no name [no one of any great pre-eminence].
If the Buddha definitely enters Nirvana,
This is not the eternal, O Unsurpassed One!
Take pity on us, answer our prayers, bestow Benefit upon beings, and subdue all tirthikas!"

Then, the World-Honoured One, his mind of great compassion kindled, realised everything that each being wanted to have, desired to act in accordance [with their wishes], to answer their prayers and bestow benefit, raised himself from his seat, and sat cross-legged. His visage was bright and soft like a molten ball of gold. His serene face and eyes shone like the full moon. His form was pure, without any blemishes. A great light filled the firmament. The light was as bright as that of more than 100 thousand suns. It shone over the east, south, west and north, the four corners, the worlds above and below, and over all the Buddha-lands. It gave beings the torch of Wisdom, illuminated the gloom, and enabled 100 thousand billion nayutas of beings to live in the unretrogressive mind of Bodhi [Enlightenment].

At that time, the Buddha's mind knew of no doubt, and he resembled a lion king. He was adorned with the 32 signs of a great man and the 80 minor marks of excellence. From each pore of his skin there appeared a lotus flower. The flowers were wonderful, each having a thousand petals. The colour was like that of pure gold. The stem was of beryl, the stamens of diamond, and the calyx of turkistan dwarf. It was so big and round that it looked like a great wheel. All these lotus flowers sent out lights of various colours, such as blue, yellow, red, white, purple and crystal. And these lights filled all such hells as Avichi, Samjna, Kalasutra, Sanghata, Raurava, Maharaurava, Tapana, and Mahatapana. In these eight hells, all such afflictions as being burned, boiled, broiled, cut, thrust, having one’s skin stripped off, depart. When a person is shone upon by this light, all such afflictions disappear. What there is there is peace, coolness, and unending joy. In this light, the undisclosed store of the Tathagata is proclaimed: "All beings have the Buddha-Nature". The beings hear this, their life ends there and they are born into the worlds of humans and gods. There can further be the eight kinds of hells of coldness, which are: Apapa, Atata, Arbuda, Ababa, Utpala, Kumuda, and Pundarika. The beings who are born there are always pressed upon by cold.What goes on there is puckering and rending of the body, smashing and breaking, mutual harming, all of which, on encountering this light, go away; what then arises there is harmony and warmth, which please the body. This light, too, proclaims the undisclosed store of the Tathagata, saying: "All beings possess the Buddha-Nature." The beings hear this, their life ends, and they get born into the worlds of humans and gods. When this happens, here in this Jambudvipa and in all other worlds, the hells become empty and none do we see there being punished, except for the icchantika. Those of the realms of the hungry ghosts are oppressed by hunger. What they have on to cover their body is hair, and for a period of 100 thousand years they never once hear of liquid. But when they encounter this light, their hunger at once disappears. This light proclaims the undisclosed store of the Tathagata and says: "All beings possess the Buddha-Nature." When all of them hear this, their life ends and they are born into the worlds of humans and gods. The entire realm of hungry ghosts is empty, except for those who slander the Mahayana vaipulya sutras. The beings born in the realm of the animals harm and devour one another. On encountering this light, all hatred departs. The light also proclaims the undisclosed store of the Tathagata and says: "All beings possess the Buddha-Nature." The beings hear this, their life ends, and they are born into the worlds of humans and gods. Then there are no more in the animal realm, except for those who slander Wonderful Dharma.

In each flower, there sits a Buddha. His halo is six feet crosswise, and the golden light shines brightly. It is wonderful and austere. It is unsurpassed and incomparable. The 32 signs of perfection and the 80 minor marks of excellence adorn [each Buddha’s] body. Now, of these World-Honoured Ones, some are sitting, some walking, some lying, some standing, and some are emitting the sound of thunder; some are raining down a flood of rain, some are flashing forth lightning, some fanning up a great wind, and others are sending out smoke and flames. Their body resembles a fire-ball. Some show [conjure up the appearance of] mountains, ponds, lakes, rivers, forests and trees, all of gems. Also, they show lands, castle-towns, hamlets, palaces, and houses of gems. Or they show elephants, horses, lions, tigers, wolves, peacocks, Chinese phoenixes, and all such birds. Or all of the people of Jambudvipa are permitted to see the realms of hell, animals and hungry ghosts. Or the six heavens of the world of desire are displayed. Or there may be a World-Honoured One who speaks about all the evils and worries of everything that pertains to the five skandhas, 18 realms and 12 spheres. Or the Dharma of the Four Noble Truths is expounded, or one [Buddha] may speak about causal relations. Another may speak about the Self and the not-Self, or one may be talking about the pair [of opposites], suffering and bliss; or one may be speaking about the Eternal and the non-Eternal. Or another may be speaking about the Pure and the not-Pure. Or there might be a World-Honoured One who will speak for the sake of the Bodhisattvas about the virtues which all Bodhisattvas acquire. Or another one might be speaking about the virtues of the sravakas. Or another may be speaking about the teaching of the One Vehicle [“ekayana” - the teaching in which all beings all-equally attain the same Enlightenment]. Or another may be a World-Honoured One who emits water from the left-hand side of his body and fire from the right-hand side. Or another may display [his] birth, renunciation, sitting on the bodhimanda [site of Enlightenment] under the Bodhi Tree, his wonderful turning of the wheel [i.e. teaching Buddha-Dharma], and his entering Nirvana. Or there may be a World-Honoured One who lets out a lion's roar, enabling anyone who hears it to attain the stages from the first up to the second, third and fourth [i.e. the “arya-marga “(noble path) of the "stream-enterer", "once-returner", "never-returner", and the "arhat"]. Or there may be another [Buddha] who speaks about the innumerable causal relations [by means of] which one can get out of the life of birth-and-death. At that time, in this Jambudvipa, all beings encountered this light; the blind saw colour, the deaf were able to hear, the dumb to talk, the crippled to walk, the greedy attained wealth, the stingy gave, the angry experienced a compassionate heart, and the unbelieving believed.

Then, all the devas, nagas, pishacas [kind of devil or goblin], gandharvas, ashuras, garu- das, kimnaras, mahoragas, rakshasas, skandas, umadas, apasmaras, humans and non-humans said with one voice: "Well said, well said, O Unsurpassed-Heaven-Honoured One! Great is the benefit you bestow." On saying this, they rejoiced and jumped [for joy]; some sang and some danced, and others moved about and rolled on the ground. They strew all kinds of flowers on the Buddha and the Sangha, such as heavenly utpala, kumuda, padma, pundarika, mandara, mahamandara, manjusaka, mahamanjusaka, santanika, mahasantanika, rocana, maharocana, gandha, mahagandha, chakui, daichakui, kamadrsti, mahakamadristi, vira and prathamavira. Also, all manner of incense was strewn about, such as agaru, tagara, sandalwood, saffron, various types of mixed incense and that from the seaside. Also, the Buddha was given offerings of hanging ensigns, banners which had heavenly gems stitched into them, parasols, all kinds of music by the heavenly ones [playing on the] cheng, flute, reed-organ, she and harp.

And they also said in a gatha:

"I now bow to you, the Great Effort, the Unsurpassed,
The Right-Enlightened, the Two-footed Honoured One!
Devas and humans do not know, but Gautama well knows.
The World-Honoured One practised penances for us In days gone by, innumerable kalpas past.
How comes it that you forsake what you once vowed And now desire to enter Nirvana?
All beings cannot now see the undisclosed store Of the All-Buddha-World-Honoured One.
Because of this, it will be difficult to get out of this world And we shall repeat birth and death and fall into the evil realms.
As the Buddha says, all arhats enter Nirvana.
But how do lowly-born common mortals know well What the Buddha does with his deepest mind?
He rains down amrta [ambrosia] on all beings,
To extract all defilements. If this amrta is partaken of,
One will never again repeat birth, ageing, illness and death.
The Tathagata-World-Honoured One cures the diseases
Of 100 thousand innumerable beings
And extracts serious diseases
And so contrives that none then remains.
It is long since the World-Honoured One Left behind all the pains of illness.
That is why he can be called the Seventh Buddha.
We pray that the Buddha will rain down
The rain of Dharma and give moisture
To our seeds of virtue. All the great congregation,
Humans and gods, sit silently, as you see."

When this gatha was said, all the Buddhas seated in the lotuses went around from Jambudvipa up to Suddhavasa Heaven [the highest of the heavens of the fourth dhyana heaven of the “rupadhatu”], and all heard this.

Then the Buddha said to Bodhisattva Kasyapa: " Well said, well said! You now possess extremely deep and delicate Wisdom. You will not be destroyed by any Maras or tirthikas. O good man! You now abide in peace and will never get shaken by any evil. O good man! You have now perfected oratorical prowess, and you have already made offerings to all innumerable past Buddhas as countless as the sands of the Ganges. Because of this, you now put such a question to the Tathagata, the Right-Enlightened One. O good man! Once, innumerable, boundless, nayutas of a hundred-thousand-million kalpas ago, I already cut off the root of illness and was already far removed from reclining on a bed. O Kasyapa! Innumerable asamkhyas past, there appeared a Buddha who was the Unsurpassed-Superior-Tathagata, the Alms-Deserving, the AllEnlightened One, the All-Accomplished One, the Well-Gone, the All-Knower, the Unsurpassed One, the Best Trainer, the Teacher of Heaven and Earth, the Buddha-World-Honoured One. For the sake of all sravakas, he delivered the sermon of this Mahayana Great Nirvana Sutra, unfolded the doctrine, discriminated and expounded it. I, then, acted as a sravaka, upheld the Mahayana Nirvana Sutra, recited, understood and copied it, and unfolded, discriminated and explained its contents. I transferred the merit hereof to unsurpassed Enlightenment. O good man! Ever since, I have never once had occasion to commit myself to the evil actions of defilement and evil karmic relations, or to slander Wonderful Dharma, to become an iccantika, to be born with imperfect genital organs, or no genital organs, or dual genital organs, to act against my parents, to kill an arhat, to break a stupa or the law of the Sangha, to cause blood to flow from a Buddha’s body, or to commit the four grace offences. Ever since [that time], my body and mind have been in peace, and I experience no suffering or worry. O Kasyapa! I now, in truth, have no illness of any kind. Why not? Because the All-Buddha-World-Honoured One is far away from illnesses. O Kasyapa! The Tathagata is called a " man-lion" . And yet the Tathagata is not actually a lion. Any such is the Tathagata’s undisclosed teaching. For example, it is as when we say that the Tathagata is a great naga among men. And yet, already countless kalpas past, I did away with action [karma]. O Kasyapa! It is as when we say that the Tathagata is a man as well as a deva. I am neither a pishaca, gandharva, ashura, garuda, kimnara nor mahoraga. I am no self, no life, and not one who can be nourished [with food]; I am not one who feels, nor one who does not feel. I am no World-Honoured One, nor any sravaka. I am not one who delivers sermons, nor one who does not. All such expressions are the undisclosed words of the Tathagata. O Kasyapa! It is as when we say that the Tathagata is the Great-Sea-King-Mount-Sumeru [“mahasamudra- sumeru-parvata-raja”]. And yet, the Tathagata is not on the same level as any saltish stone mountain. Know that this, too, is the undisclosed teaching of the Tathagata. O Kasyapa! It is as when we say that the Tathagata is like the pundarika [lotus]. And yet, truth to tell, I am no pundarika. All such is the undisclosed teaching of the Tathagata. O Kasyapa! It is as when we

say that the Tathagata is like a parent. And yet, truth to tell, the Tathagata is not a parent. All such is also the undisclosed teaching of the Tathagata. O Kasyapa! It is as when we say that the Tathagata is like a great master mariner. And yet, truth to tell, the Tathagata is not a master mariner. And this is also the undisclosed teaching of the Tathagata. O Kasyapa! It is as when we say that the Tathagata is like a great merchant. And yet, truth to tell, the Tathagata is not a merchant. Such is also the undisclosed teaching of the Tathagata. O Kasyapa! It is as when we say that the Tathagata indeed subdues Mara. And yet, the Tathagata is, truth to tell, not one who subdues others with an evil mind. Such is also the undisclosed teaching of the Tathagata. O Kasyapa! It is as when we say that the Tathagata thoroughly cures carbuncles and the pox. But I am not one who cures carbuncles and the pox. Such is also the undisclosed teaching of the Tathagata. O Kasyapa! It is as we have said up to now. There are good men and women who guard their body, mouth and mind well. When their life comes to an end, relatives come, take the corpse and burn it on the fire, or they may throw it into great water, throw it amongst tombs, and foxes, wolves and birds may come and eagerly devour it. Yet, the mind will find birth in a good realm. And the mind has no coming and going, and no place whither to go. The front and back resemble [each other] and continue, with no difference in outer appearances. Such is the undisclosed teaching of the Tathagata.

"O Kasyapa! I say that I am sick. The case is other than this. This is also the undisclosed teaching of the Tathagata. That is why I said to Manjushri: "I have pain in my back. You should teach well the four classes of beings." O Kasyapa! The Tathagata, the Right-Enlightened One, does not recline sick on a bed on his right-hand side. Nor does he, to the end, enter Nirvana. O Kasyapa! This Great Nirvana is the deepest dhyana [meditation] of all Buddhas. Such a dhyana is not what sravakas and pratyekabuddhas can practise. O Kasyapa! You asked why it was that the Tathagata should lie in bed and not sit up, why he should not call for food, teach, and give injunctions to family people to work for a living. But, O Kasyapa! The Void does not do anything such as sitting up, calling for food, giving injunctions to family people to work for a living. There is nothing of the kind such as going or coming, being born or dying, becoming old or being middle-aged, appearing or disappearing, being harmed or broken [injured], being emancipated or being bound. Also, there is no talking of one’s own accord or talking to others. Also, there is no understanding of my own accord or understanding others; there is no peace, no illness. O good man! The same is the case with the All-Buddha-World-Honoured One. This is as of the Void. How could there be any illness?”

"O Kasyapa! There are three types of sick persons who are difficult to cure. These are: 1) a person who slanders Mahayana, 2) a person who has committed the five deadly sins, and 3) the icchantika. The three cited above are the gravest of all the sins in the world. These are not those which sravakas and pratyekabuddhas can easily cure. O good man! For example, there is an illness which unfailingly ends in death and is difficult to cure. There may be nursing, an attitude of compliance [with the medical treatment], and medicine to apply; or there may be no nursing, no attitude of compliance, and no medicine to apply. Such an illness means certain death and cannot be cured. One should know that such a person will surely die. The same is the case with these three kinds of person. There may be sravakas, pratyekabuddhas, and Bodhisattvas who may speak about the doctrine or may not. There is no way to make such [as these three sick persons] aspire to unsurpassed Enlightenment. O Kasyapa! There is a person who is ill. There is nursing of him, an attitude of compliance, and medicine. And the illness can be cured. If there are not three such, there is no way to cure [the illness]. The same is the case with the sravakas and pratyekabuddhas. They listen to what the Buddha and Bodhisattvas say, and they indeed aspire to unsurpassed Enlightenment. It is not that they do not listen to the teaching and aspire to Enlightenment. O Kasyapa! A sick person is one regarding whom there may be nursing, an attitude of compliance, and medicine - or there may not be such. All are cured. The same is the case with one of the single kind. A person may come across a sravaka or he may not; a person may come across a pratyekabuddha or he may not; or a person may come across a Bodhisattva or he may not; a person may come across a Tathagata or he may not; a person may have occasion to listen to the teaching or he may not. A person may all-naturally attain unsurpassed Enlightenment. Some, for their own sake, for that of others, out of fear, for profit, for [reasons of] flattery, or for cheating others, will hold or recite, make offerings to, respect, or deliver sermons to others on, the Great Nirvana Sutra.

"O Kasyapa! There are five persons in this Mahayana Great Nirvana Sutra - the Tathagata excepted - who are ill, but have places to go to. Who are these five? One is he who cuts off the three fetters [“trinisamyojanani”, i.e. a "stream-enterer"-“shrotapanna”], who has done away with the first three of the ten mental fetters) and attains the “shrotapanna” stage, thereby not falling into the three unfortunate realms of hell, animals, and hungry pretas. Such a person gains seven [more] births and deaths in the worlds of humans and gods, eternally cuts off all kinds of suffering and enters Nirvana. O Kasyapa! This is the first case of [someone] having an illness and [still] having a place to arrive at. This person, in the days to come, after 8,000 kalpas, will attain unsurpassed Enlightenment. The second is he who cuts off the three fetters, having made light the weight of greed, anger and ignorance, attaining the level of sakridagamin” “and, after one cycle of coming and going [being born and dying], eternally cuts off the bond of all suffering and attains Nirvana. O Kasyapa! This is the second instance of one who has illness and [still] has a place where he will be born. This person, in the days to come, after 60,000 kalpas, will attain unsurpassed Enlightenment. The third person is he who cuts off the five fetters of illusion [“pancavarabhagiyasamyojanani”] that bind one to the kamadhatu [world of desire] and attains the light of the anagamin ["non-returner"]. This person never more gets reborn here in this world, eternally cuts of suffering and attains Nirvana. This is the case of having an illness and gaining a place to be born in. This person, after 40,000 kalpas, attains unsurpassed Enlightenment. O Kasyapa! The fourth person is he who eternally cuts off the defilements of greed, anger and ignorance and gains arhatship and, having no more taints of defilement left, enters Nirvana. Also, this is not a practice monopolized by the pratyekabuddha. This is the case of the fourth person who gains illness and a place to be born. This person, after 20,000 kalpas, attains unsurpassed Enlightenment. O Kasyapa! The fifth person is he who has eternally cut off the defilements of greed, anger and ignorance and, having gained the light of a pratyekabuddha, has no more illusions to cut off and enters Nirvana. This is indeed the sole case of a kirin [name of a fabulous animal]. This is the case of the fifth person who, having illness, gains a place to be born. This person, after 10,000 kalpas, will attain unsurpassed Enlightenment. O Kasyapa! This is the case of the fifth person who, having illness, gains a place to be born. He is not a Tathagata."

Chapter Nineteen: On Holy Actions (a)

Then, the Buddha said to Bodhisattva Kasyapa: "O good man! The Bodhisattva-mahasattva should, in accordance with this “Mahaparinirvana Sutra”, meditate exclusively on the five kinds of action. What are the five? They are: 1) holy actions, 2) pure actions, 3) heavenly actions, 4) childlike actions, 5) actions of illness. O good man! The Bodhisattva-mahasattva should practise these five actions. Also, there is one action, which is the action of the Tathagata, the so-called Mahayana Great Nirvana Sutra. O Kasyapa! What are the holy actions which a Bodhisattva- mahasattva practises? The Bodhisattva-mahasattva, following a sravaka or the Tathagata, hears the Great Nirvana Sutra. Having heard it, he gains faith and, on believing, thinks: " The All- Buddha-World-Honoured One has the unsurpassed Way, the greatly Wonderful Dharma, right action for the great congregation. Also, there are the Mahayana vaipulya sutras. As I now love and seek zealously after the Mahayana sutras, I shall sever myself from my wife and children whom I love, my relatives, the palace where I live, gold, silver and all rare jewelleries, wonderful necklaces, incense, flowers, dancing and music, servants male and female, men and women, pages big and small, people, elephants, horses, vehicles, cows, sheep, hens, dogs, hogs and pigs." Also, he thinks: "One’s living-quarters so bear down upon one that they resemble a prison-house. All worries arise from this. When one’s home has been abandoned, all is silent and open like the Void. All good increases as a result of this. In one’s home, one cannot - to the end - practise pure actions with a pure mind. I shall now shave off my hair, leave home and practise the Way." Also he thinks: " I shall now definitely leave home and practise the Way of unsurpassed right and true Enlightenment." When the Bodhisattva desires to renounce the world, Marapapiyas becomes greatly worried and says: "Now, this Bodhisattva will have a great battle with me." O good man! How would such a Bodhisattva fight with men? Then, the Bodhisattva goes at once to a Buddhist vihara and sees the Tathagata and his disciples there, who are all correct in their deportment and serene in their sense-organs and soft and calm in their minds. So he goes there and seeks to get ordained. He shaves off his hair and puts on the three kinds of monastic robe. After having been ordained, he upholds the prohibitional precepts, and he is not lacking in deportment. His movements are peaceful, and nothing is violated. Even a small sin he fears, and his mind to be true [his truthful attitude of mind] is strict and unbroken like a diamond.

"O good man! Here is a man who wants to cross the sea on a floating bag. Then there is a rakshasa [flesh-eating demon] in the sea. He follows the man and begs the bag of him. Hearing this, the man thinks: "If I give [it him], I will certainly sink and die." He replies: "O rakshasa! You can kill me, but you cannot have the floating bag." The rakshasa says: "If you cannot give all of the bag to me, give me half." But still the man will not give [him the bag]. The rakshasa says again: "If you cannot give me half, give me one third." The man does not say " yes" . The rakshasa continues: " If you cannot, give me the bit where your hand rests, I shall be hard-pressed by hunger and worry. Please give me just a bit." The man further says: "What you seek to have is, indeed, not much. But I must cross the sea this very day. I don’t know how far it is. If I give [you] any part, the air will gradually go out. How could I [then] hope to cross this difficult sea? If the air goes out, I shall sink and die half-way."

"O good man! The same is the case with the Bodhisattva who upholds the precepts. He is like the man who desires to cross the sea and who is very solicitous of guarding the floating bag and grudges [giving it away]. When the Bodhisattva thus cares to protect the precepts, there will always appear in his way the rakshasas of all evil illusions, who will say to the Bodhisattva: "Believe me, I am not going to cheat you. Just commit the four grave offences and take care of the other precepts. For this, I will give you peace, and you will awaken in Nirvana." The Bodhisattva will then say: "I would rather uphold the precepts and gain Avichi Hell than break them and be born in heaven." The rakshasa of illusion will say: "If you cannot commit the four grave offences, commit the samghavasesa. For this, I will make you attain Nirvana easily." The Bodhisattva will not comply. The rakshasa will again say: "If you cannot commit the samghavasesa, commit the sthulatyaya. For this, you will have a peaceful Nirvana." Again, the Bodhisattva will not comply. The rakshasa will again say: "If you cannot commit the sthulatyaya, break the [rules of the] naihsargika-prayascittika. For this, you will have a peaceful Nirvana." The Bodhisattva will again refuse to comply. Then the rakshasa will say again: "If you cannot commit the prayascittika, please commit the duskrta. For this, you will have a peaceful Nirvana." Then the Bodhisattva will say to himself: "If I commit the duskrta and do not confess before the assembly [of monks], I may not be able to cross the sea of birth and death and attain Nirvana." The Bodhisattva-mahasattva is [thus] very strict in avoiding these very petty offences [prohibited by the precepts], and his mind is like a diamond. The Bodhisattva-mahasattva respectfully and indifferently [calmly] observes the precept against the four grave offences and the duskrta.

"If the Bodhisattva upholds the precepts thus, he is known to have observed the five kinds of shilas [obligations, moral precepts], which are: 1) the precept for the purity of the Bodhisattva’s basic actions, 2) the precept for the purity of the fore-and-aft relative actions and others, 3) the precept for awakening to purity and not awakening to things of the evil categories, 4) the precept for protecting [maintaining] right mindfulness and for praying for purity, and 5) the precept for transferring [merit] to unsurpassed Bodhi.

"O Kasyapa! Now, there are two kinds of precept for the Bodhisattva. One relates to secular teaching, and the other is for attaining Wonderful Dharma. If a Bodhisattva gains the precepts for Wonderful Dharma, he does not do evil to the end. The secular precepts can be gained after the proceedings of the jnapticaturtha [one of the ways of arriving at a decision in the Buddhist Sangha]. Also, next, O good man! There are two kinds of precept. One [set] is the precepts against originally grave offences and the other is [those] to stop the ill-speaking and hatred that obtain in secular life. The precepts against the originally grave offences are those regarding the four offences. We say " precepts to stop the ill-speaking and hatred that obtain in secular life." That is: not cheating others during trade by making the weight of the scales less or making the measure smaller [i.e. not giving as much of the product as one should] or gaining wealth by taking advantage of another’s circumstances, by binding others with ill-will, by destroying another’s success, by sleeping with the light on, by having one’s own house and sowing seeds, and by not sticking to one’s household duties [requirements, necessities] in a shop [when shopping]. One does not keep an elephant, horse, vehicle, cow, sheep, camel, donkey, hen, dog, monkey, peacock, parrot, jivamjivaka, kokila, jackal, wolf, cat, racoon, wild boar, pig, or other bad beast, boy, girl, grown-up man or woman [slaves], male or female servant, boy servant, gold, silver, beryl, crystal, pearls, lapis lazuli, agate, coral, jade, horse-shoe shell, or other gems; a bowl of copper alloy, solder, brass; the “kusu” [square mattress on which the emperor sits to pray or worship] and “toto” [woollen carpet], or woollen clothing that fits in well with the body [that hugs the body? fits well]. He never stores up cereal and rice, wheat and beans of any size, millet, Italian millet, rice, hemp, and the utensils for raw or cooked food. He receives [food] once a day, and never eats twice a day. His meal is what is gained from alms-begging or is that for the Sangha [food donated to the Sangha]. He always knows just how to slow down his steps, but never accepts a special invitation [for himself alone]. “He does not eat meat or take intoxicating drinks”, “nor vegetables of the five kinds of astringent smell” [including garlic, leeks, onions]. Hence, no unpleasant smell comes about [on the breath]. He is always respected and given offerings, honoured and praised by gods and humans. He receives only what will satisfy his appetite and does not stay [waiting for food to be offered] long. The clothes he receives are just to cover his body. In going and coming, what he has are the three kasayas [robes] and his begging-bowl. He never parts from these, just as birds do not part from their wings. He never stores up any produce as of the categories of the root, stem, joint, knot or seed [such as radish roots and bamboo shoots]. He has no larder for food, no accessories for dressing, never sits or lies on high or big beds, on a golden bed of ivory, or possesses any kinds of knitted clothing of varying colours, no mattresses delicate and soft to the touch; he never sits on elephant or horse skins, nor does he recline on a bed spread across with delicately made, soft and beautiful bedclothes, or put a double pillow on the bedstead or keep a red-coloured pillow; nor does he sleep on a yellow-coloured pillow; nor does he enjoy himself looking at the fights of elephants, horses, vehicles, soldiers, men, women, cows, sheep, cocks, pheasants, parrots, etc.; nor does he specially go and look at military camps; nor does he listen to the trumpet shell, drum, horn, “ch’in”, “sha”, “chang” [lutes], flute, harp, singing and crying, dance music of females, except on occasions when offerings are being made to the Buddha. He does not watch such games as the “chobo” [type of gambling], “go” [chess], “prasaka” [gambling game], nor the fights of lions and elephants, the “danki” [type of game], “rikuhaku” [kind of gambling], ball-game, throwing of stones and pots, running, the “hachidogyojo”, nor any kinds of amusement. Throughout his life, he does not practise the likes of fortune-telling by looking at a person’s hands, feet, face, or eyes; nor does he use such things as the “sokya” [used in fortune-telling], divining sticks, tooth picks, bowls, or carcasses; nor does he look up at the sky and the constellations, except when checking drowsiness. He will not become the messenger of a kingly house or say that to this person or this to that. He does not flatter or live by evil ways. Also, he does not talk about such as kings, ministers, robbers, fights, meals, land, famines, fear, good harvests, pleasure or ease. O good man! All such are the precepts for checking the rise of worldly rumours about a Bodhisattva- mahasattva. The Bodhisattva-mahasattva strongly upholds the prohibitional precepts. And this does not depart from the originally grave offences.

"O good man! When the Bodhisattva-mahasattva observes all these prohibitions, he takes such vows as these: "I might well place my body into the burning fire of the deepest depths of hell, but I will not break the prohibitions of all the Buddhas of the past, future and present, and will not perform impure actions with females, Kshatriyas, Brahmins and upasakas." Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva vows: " I would sooner bind myself with a piece of heated iron than receive clothing from the faithful, [in a way that] breaks the precepts." Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva vows: " I would sooner swallow a ball of heated iron than take a meal offered by the faithful, my mouth breaking the precepts." Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva vows: " I would sooner lie on a greatly heated iron bed than receive from the hands of the faithful such things as bedstead and bedding, myself breaking the precepts." Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva vows: "I would sooner have this body of mine thrust through with 300 spears than receive from the hands of the faithful medicine that causes me to break the precepts." Also, next, O good man! The Bodhisattva- mahasattva vows: "I would sooner throw myself upon a tripod [trident] than receive from the faithful a shed or house that causes me to break the precepts." Also, he vows: "I would sooner have my head and legs crushed into motes with an iron hammer than have myself respected and worshipped by Kshatriyas, Brahmins and upasakas who cause me to break the precepts." Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva vows: " I would sooner have my face cut off or both my eyes taken out than look upon the beauty of other persons with a defiled mind." Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva vows: " I would sooner have my ears thrust through from all sides with iron awls than give ear to beautiful sounds with a defiled mind." Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva vows: " I would sooner have my nose cut off with a sharp sword than enjoy any beautiful fragrances with a defiled mind." Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva vows: " I would sooner have my tongue torn into shreds with a sharp sword than greedily taste beautiful dishes with a defiled mind." Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva vows: " I would sooner have my body cut into pieces with a sharp hatchet than greedily covet with a defiled mind whatever is touchable. Why? Because all this carries those who practise the Way into such realms as those of hell, the animals, and hungry ghosts." O Kasyapa! This is the Bodhisattva-mahasattva’s guarding of the prohibitions.

"When the Bodhisattva-mahasattva acts in accordance with the prohibitions mentioned above, he transfers all the merits hereof to all beings. He prays that, through this, they will be able to accomplish the precepts for purity, those for goodness, those for non-falling, those for non-breaking, the Mahayana precepts, the precepts for non-retrogression, those for obedience, those for the Ultimate, those for the perfection and accomplishment of the paramitas [perfections of virtue].

"O good man! When the Bodhisattva-mahasattva thus practises the precepts for purity, he first attains a state from which he never more moves away. Why do we call it being one who is immovable? When a Bodhisattva lives in this state, he is immovable, non-retrogressive, and non-dispersive. For example, it is like Mount Sumeru, which not even the sharpest wind [“vairambhaka”] can move, cause to blow over or move back. The same is the case with the Bodhisattva-mahasattva when he lives in this “bhumi”. He is not shaken by colour, voice, smell, or taste; he does not fall into such realms as those of hell, beast or hungry preta; he does not fall back to the state of sravaka or pratyekabuddha; he is not shaken by different views and evil winds, and he does not live the wrong life. Also, next, O good man! " Immovable" also means not being shaken by greed and anger; " not falling" means not falling into the four grave offences. "Not retrogressing" means that one does not retrogress and come back home [to worldly life]. "Not being dispersed" means not being shaken or destroyed by those who act against the Mahayana. Also, next, the Bodhisattva-mahasattva is not beaten by the Mara of illusion, not shaken by the Mara of the five skandhas. Even though the king Mara is there under the shade of the Bodhi Tree, he cannot cause the Bodhisattva to retrogress from attaining unsurpassed Enlightenment. Also, the Bodhisattva does not get beaten by the Mara of death. O good man! This is how the Bodhisattva practises the holy Way.

"O good man! Why do we say " holy actions"? It is so called because what is done is what the Buddha and Bodhisattvas do. Why do we call the Buddha and Bodhisattvas " holy persons"? They are so called because they always meditate on “Dharmata”, on the quietude of the Void. For this reason, we say that they are holy persons. As they uphold the holy precepts, they are holy persons. As they have the holy dhyana and Wisdom, they are holy persons. They possess the seven holy properties, which are: faith, precepts, repentance, rich-hearing, Wisdom, equanimity, and segregation. That is why they are called holy persons. As they possess the seven holy awakenings, they are holy persons. For this reason, too, we say " holy persons" .

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.198.250 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...