Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 17 - Phẩm HẠNH THANH TỊNH - Phẩm thứ tám – Phần ba »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 17 - Phẩm HẠNH THANH TỊNH - Phẩm thứ tám – Phần ba

Donate

(Lượt xem: 12.100)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 17 - Phẩm HẠNH THANH TỊNH - Phẩm thứ tám – Phần ba

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Bồ Tát ma-ha-tát có thể rõ biết như vậy thì được những lợi ích gì?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát có thể rõ biết như vậy thì được bốn sự không ngăn ngại. [Đó là:] pháp không ngăn ngại, nghĩa không ngăn ngại, lời lẽ không ngăn ngại và vui thích thuyết giảng không ngăn ngại.

“Pháp không ngăn ngại là rõ biết hết thảy các pháp cùng với tên gọi của các pháp ấy. Nghĩa không ngăn ngại là rõ biết hết thảy ý nghĩa của tất cả các pháp, có thể tùy theo chỗ đặt ra tên gọi của các pháp mà biết nghĩa. Lời lẽ không ngăn ngại là biết dùng lời lẽ tùy theo khi luận về chữ nghĩa, luận về cách phát âm đúng, luận về cách tụng đọc của ngoại đạo, luận về cách tranh biện của thế gian. Vui thích thuyết giảng không ngăn ngại là mỗi khi Bồ Tát ma-ha-tát thuyết giảng thì không có điều gì chướng ngại, không thể bị lay chuyển, không có gì sợ sệt, khó có thể bị kẻ khác khuất phục.

“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát có thể thấy biết như vậy liền được bốn trí không ngăn ngại.

“Lại nữa, thiện nam tử! Pháp không ngăn ngại là Bồ Tát ma-ha-tát rõ biết khắp các pháp của hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, chư Phật. Nghĩa không ngăn ngại là tuy có Ba thừa nhưng biết rằng [rốt ráo] đều quy về một, không cho là có tướng khác nhau. Lời lẽ không ngăn ngại là Bồ Tát ma-ha-tát đối với một pháp đặt ra đủ mọi tên gọi, trải qua vô số kiếp cũng không thể nói hết. Hàng Thanh văn, Duyên giác không có lý nào lại thuyết diễn được như vậy! Vui thích thuyết giảng không ngăn ngại là Bồ Tát ma-ha-tát trong vô số kiếp thường vì chúng sanh diễn thuyết các pháp như tên gọi, nghĩa lý, đủ mọi pháp khác nhau, không thể cùng tận.

“Lại nữa, thiện nam tử! Pháp không ngăn ngại là Bồ Tát ma-ha-tát tuy rõ biết các pháp nhưng không nắm giữ, không vướng mắc. Nghĩa không ngăn ngại là Bồ Tát ma-ha-tát tuy rõ biết các nghĩa nhưng cũng không nắm giữ, không vướng mắc. Lời lẽ không ngăn ngại là Bồ Tát ma-ha-tát tuy rõ biết danh tự nhưng cũng không nắm giữ, không vướng mắc. Vui thích thuyết giảng không ngăn ngại là Bồ Tát ma-ha-tát tuy vui thích với việc thuyết giảng như vậy hơn tất cả nhưng cũng không nắm giữ, không vướng mắc. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Nếu [có sự] nắm giữ, vướng mắc thì không gọi là Bồ Tát.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu không nắm giữ, không vướng mắc tức là không biết pháp. Nếu biết pháp tức là có nắm giữ, có vướng mắc. Nếu biết mà không nắm giữ, không vướng mắc tức là không có chỗ biết. Vì sao Như Lai nói rằng rõ biết pháp mà không nắm giữ, không vướng mắc?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có nắm giữ, có vướng mắc thì chẳng gọi là không ngăn ngại. Không có gì nắm giữ, vướng mắc mới gọi là không ngăn ngại.

“Thiện nam tử! Cho nên trong tất cả Bồ Tát, nếu có ai nắm giữ, vướng mắc thì ắt là chẳng được không ngăn ngại. Nếu chẳng được không ngăn ngại thì không gọi là Bồ Tát! Nên biết rằng những người ấy phải gọi là phàm phu. Vì sao gọi người có sự nắm giữ, vướng mắc là phàm phu? Vì tất cả phàm phu đều nắm giữ, vướng mắc nơi sắc, cho đến vướng mắc nơi thức. Vì vướng mắc nơi sắc... nên sanh lòng tham. Vì sanh lòng tham nên bị sắc trói buộc, cho đến bị thức trói buộc. Vì bị trói buộc nên không thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, lo buồn, khổ sở, hết thảy mọi phiền não. Cho nên có sự nắm giữ, vướng mắc thì gọi là phàm phu. Vì nghĩa ấy nên hết thảy phàm phu đều không có bốn pháp không ngăn ngại.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát đã từng trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp thấy biết tướng của các pháp. Vì thấy biết nên biết được nghĩa [thật] của pháp. Vì thấy tướng của pháp và biết được nghĩa [thật], nên ở trong sắc mà không bị trói buộc, vướng mắc... cho đến ở trong thức cũng vậy. Vì không vướng mắc nên Bồ Tát đối với sắc chẳng sanh lòng tham... cho đến đối với thức cũng chẳng sanh tham. Vì không tham nên không bị sắc trói buộc..., cho đến không bị thức trói buộc. Vì không bị trói buộc nên được thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, lo buồn, khổ sở, hết thảy mọi phiền não. Vì nghĩa ấy nên tất cả Bồ Tát đều được bốn pháp không ngăn ngại.

“Thiện nam tử! Do nhân duyên ấy, ta vì các đệ tử mà thuyết giảng trong Mười hai bộ kinh rằng: ‘Kẻ vướng mắc là bị ma trói buộc, nếu không vướng mắc ắt thoát khỏi bị ma trói buộc. Ví như ở thế gian, kẻ có tội bị vua bắt trói, người vô tội thì vua không bắt trói. Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, có vướng mắc thì bị ma trói buộc, không vướng mắc thì ma không thể trói buộc. Vì nghĩa ấy, Bồ Tát ma-ha-tát không có chỗ vướng mắc.

“Lại nữa, thiện nam tử! Pháp không ngăn ngại là Bồ Tát ma-ha-tát khéo biết rõ chữ nghĩa, nhớ giữ không quên mất. Những chữ nghĩa được nhớ giữ đó như nói về đất, về núi, về con mắt, mây bay, con người, bà mẹ... Với hết thảy các pháp cũng đều như vậy.

“Nghĩa không ngăn ngại là nói Bồ Tát tuy biết tên gọi các pháp nhưng không biết nghĩa, khi đạt được nghĩa không ngăn ngại rồi ắt sẽ rõ biết được nghĩa.

“Biết nghĩa như thế nào? Khi nói rằng đất ôm giữ, là như đất ôm giữ rộng khắp hết thảy các loài chúng sanh và không phải chúng sanh. Vì nghĩa ấy nên gọi là đất ôm giữ. Thiện nam tử! Khi nói rằng núi ôm giữ, Bồ Tát ma-ha-tát liền suy nghĩ rằng: Vì sao lại nói là núi ôm giữ? Vì núi có thể ôm giữ lấy đất, khiến cho đất không nghiêng ngả, chấn động, nên gọi là ôm giữ. Vì sao lại nói là mắt ôm giữ? Vì mắt có thể giữ lấy ánh sáng, nên gọi là ôm giữ. Vì sao lại nói là mây ôm giữ? Vì mây là khí của rồng, khí ấy giữ nước, nên gọi là mây ôm giữ. Vì sao lại nói là con người ôm giữ? Vì con người có thể giữ lấy các pháp và chẳng phải pháp, nên gọi là con người ôm giữ. Vì sao lại nói là người mẹ ôm giữ? Vì người mẹ có thể ôm giữ con cái, nên gọi là người mẹ ôm giữ. Bồ Tát ma-ha-tát biết rõ nghĩa của tên gọi, lời nói về hết thảy các pháp cũng là như vậy.

“Lời lẽ không ngăn ngại là Bồ Tát ma-ha-tát dùng đủ mọi lời lẽ mà diễn thuyết một nghĩa, cũng là không có nghĩa, ví như những tên gọi: nam nữ, nhà cửa, xe cộ, chúng sanh... Vì sao không có nghĩa? Thiện nam tử! Nói nghĩa đó là cảnh giới của Bồ Tát và chư Phật, còn lời lẽ là cảnh giới của phàm phu. Vì rõ biết nghĩa nên đạt được từ không ngăn ngại.

“Vui thích thuyết giảng không ngăn ngại là Bồ Tát ma-ha-tát rõ biết lời lẽ, ý nghĩa, cho nên trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp thuyết giảng về lời lẽ, ý nghĩa mà vẫn không cùng tận. Như vậy gọi là vui thích thuyết giảng không ngăn ngại.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trong vô lượng vô số kiếp tu hành lẽ chân thật của thế gian. Nhờ tu hành như vậy nên rõ biết pháp không ngăn ngại. Lại trong vô lượng vô số kiếp tu tập lý chân thật rốt ráo nên đạt được nghĩa không ngăn ngại. Lại trong vô lượng vô số kiếp rèn luyện tu tập luận Tỳ-già-la-na nên đạt được lời lẽ không ngăn ngại. Lại trong vô lượng vô số kiếp nhờ tu tập diễn thuyết luận lý chân thật của thế gian nên đạt được sự vui thích thuyết giảng không ngăn ngại.

“Thiện nam tử! Hàng Thanh văn, Duyên giác không có lý nào lại đạt được bốn pháp không ngăn ngại ấy. Thiện nam tử! Trong chín bộ kinh trước đây ta dạy rằng hàng Thanh văn, Duyên giác có bốn pháp không ngăn ngại, nhưng Thanh văn, Duyên giác thật ra không có. Vì sao vậy? Bồ Tát ma-ha-tát vì hóa độ chúng sanh nên tu tập bốn trí không ngăn ngại như thế. Hàng Duyên giác tu pháp tịch diệt, có khuynh hướng ưa thích sống một mình, nếu hóa độ chúng sanh cũng chỉ biết hiện phép thần thông, suốt ngày lặng thinh không có gì để thuyết giảng, làm sao có được bốn trí không ngăn ngại?

“Vì sao lại lặng thinh không có gì để thuyết giảng? Hàng Duyên giác không thể thuyết pháp độ người khiến cho đạt được Noãn pháp, Đỉnh pháp, Nhẫn pháp, Thế đệ nhất pháp cùng những quả vị như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ Tát ma-ha-tát; không thể làm cho người ta phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Khi bậc Duyên giác ra đời, thế gian không có chín bộ kinh điển. Vì thế nên các vị Duyên giác không có những pháp lời lẽ không ngăn ngại, ưa thích thuyết diễn không ngăn ngại.

“Thiện nam tử! Hàng Duyên giác tuy biết được các pháp, nhưng không có pháp không ngăn ngại. Vì sao vậy? Pháp không ngăn ngại là nói sự rõ biết từ ngữ. Hàng Duyên giác tuy biết văn tự, nhưng không đạt được từ ngữ không ngăn ngại. Vì sao vậy? Vì không biết pháp của hai chữ thường trụ, nên hàng Duyên giác không đạt được pháp không ngăn ngại. Hàng Duyên giác tuy biết được nghĩa, nhưng không đạt được nghĩa không ngăn ngại. Người thật biết nghĩa là biết rằng chúng sanh đều có tánh Phật. Nghĩa của tánh Phật đó gọi là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy nên hàng Duyên giác không đạt được nghĩa không ngăn ngại. Vì thế mà tất cả các vị Duyên giác đều không có bốn trí không ngăn ngại.

“Vì sao hàng Thanh văn không có bốn pháp không ngăn ngại? Vì Thanh văn không có ba loại phương tiện khéo léo. Những gì là ba loại? Một là có những người phải dùng lời êm ái dịu dàng [với họ], sau đó [họ] mới chịu lãnh thọ giáo pháp. Hai là có những người phải dùng lời thô nặng [với họ], sau đó [họ] mới nhận sự giáo hóa. Ba là có người phải dùng lời không êm ái cũng không thô nặng [với họ], sau đó [họ] mới nhận sự giáo hóa. Hàng Thanh văn không có ba loại phương tiện ấy nên không có bốn pháp không ngăn ngại.

“Lại nữa, hàng Thanh văn, Duyên giác không thể rõ biết lời nói và ý nghĩa một cách rốt ráo; không có trí tuệ tự tại rõ biết các cảnh giới, không có Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, không thể rốt ráo vượt qua con sông lớn Mười hai nhân duyên, không thể khéo biết sự sai khác về căn tánh lanh lợi hay chậm lụt của chúng sanh, chưa thể dứt hết lòng nghi về lý chân thật tương đối và tuyệt đối, không biết được đủ mọi cảnh giới duyên theo của tâm ý chúng sanh, không thể khéo léo thuyết giảng về nghĩa không cao tột nhất. Vì thế nên hàng Thanh văn và Duyên giác đều không có bốn pháp không ngăn ngại.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu hết thảy hàng Thanh văn và Duyên giác đều không có bốn pháp không ngăn ngại, vì sao Thế Tôn lại nói rằng Xá-lợi-phất là bậc đứng đầu về trí tuệ, Đại Mục-kiền-liên là vị đứng đầu về thần thông, Ma-ha Câu-hy-la là vị đứng đầu về bốn pháp không ngăn ngại? Nếu những người ấy đều không có bốn pháp không ngăn ngại, vì sao Như Lai lại dạy như vậy?”

Lúc ấy, đức Thế Tôn khen ngợi Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Ví như sông Hằng có vô lượng nước, sông lớn Tân-đầu cũng có vô lượng nước, sông cái Bác-xoa cũng có vô lượng nước, sông lớn Tất-đà cũng có vô lượng nước, hồ A-nậu-đạt cũng có vô lượng nước, biển cả cũng có vô lượng nước. Nước ở những nơi ấy tuy đều là vô lượng, nhưng chỗ nhiều ít thật có khác nhau. Bốn trí không ngăn ngại của hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ Tát cũng là như vậy. Thiện nam tử! Nếu nói là bằng nhau thì thật là vô lý.

“Thiện nam tử! Ta vì những kẻ phàm phu mà nói rằng Ma-ha Câu-hy-la có bốn trí không ngăn ngại, là cao trổi hơn hết. Điều ông thưa hỏi có ý nghĩa như thế.

“Thiện nam tử! Trong hàng Thanh văn hoặc có người đạt được một, hoặc có người được hai, chứ không thể có bất cứ ai đạt được đủ bốn pháp không ngăn ngại.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như trong phẩm Hạnh thanh tịnh này, Phật có dạy rằng: ‘Bồ Tát do thấy biết nên được bốn pháp không ngăn ngại.’ Bồ Tát thấy biết ắt là không có chỗ được, cũng không sanh tâm cho rằng không có chỗ được.

“Thế Tôn! Bồ Tát ma-ha-tát thật không có chỗ được. Nếu như trong tâm Bồ Tát có chỗ được, ắt không phải là Bồ Tát, phải gọi là phàm phu. Vì sao Như Lai dạy rằng Bồ Tát có chỗ đạt được?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Lành thay, lành thay! Ta vừa muốn nói thì ông lại hỏi. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát thật không có chỗ được. Không có chỗ được, đó gọi là bốn pháp không ngăn ngại.

“Thiện nam tử! Vì nghĩa gì mà không có chỗ được gọi là không ngăn ngại? Vì nếu có chỗ được ắt phải gọi là có ngăn ngại. Có chỗ chướng ngại gọi là bốn điên đảo.

“Thiện nam tử! Vì Bồ Tát ma-ha-tát không có bốn điên đảo nên đạt được không ngăn ngại. Vì thế, Bồ Tát gọi là không có chỗ được.

“Lại nữa, thiện nam tử! Không có chỗ được gọi là sáng suốt. Bồ Tát ma-ha-tát đạt được sự sáng suốt ấy nên gọi là không có chỗ được. Có chỗ được gọi là vô minh. Bồ Tát dứt trừ mãi mãi sự tăm tối của vô minh nên không có chỗ được. Vì thế, Bồ Tát gọi là không có chỗ được.

“Lại nữa, thiện nam tử! Không có chỗ được gọi là Đại Niết-bàn. Bồ Tát ma-ha-tát trụ yên trong cảnh Đại Niết-bàn này, không thấy có tánh và tướng của hết thảy các pháp. Vì thế nên Bồ Tát gọi là không có chỗ được. Có chỗ được, đó là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Bồ Tát đã dứt hẳn hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu, nên được Đại Niết-bàn. Vì thế, Bồ Tát gọi là không có chỗ được.

“Lại nữa, thiện nam tử! Không có chỗ được gọi là Đại thừa. Bồ Tát ma-ha-tát không trụ nơi các pháp nên được Đại thừa. Vì thế, Bồ Tát gọi là không có chỗ được. Có chỗ được gọi là đạo của Thanh văn và Bích-chi Phật. Bồ Tát đã mãi mãi dứt bỏ đạo của Hai thừa nên được Phật đạo. Vì thế, Bồ Tát gọi là không có chỗ được.

“Lại nữa, thiện nam tử! Không có chỗ được gọi là kinh Phương đẳng. Bồ Tát ma-ha-tát nhờ đọc tụng những kinh này nên được Đại Niết-bàn. Vì thế, Bồ Tát gọi là không có chỗ được. Có chỗ được gọi là mười một bộ kinh. Bồ Tát không tu tập những kinh ấy, chỉ toàn thuyết giảng kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Vì thế, Bồ Tát gọi là không có chỗ được.

“Lại nữa, thiện nam tử! Không có chỗ được gọi là hư không. Thế gian không có vật thể thì gọi là hư không. Bồ Tát đạt được phép Tam-muội Hư không, không có chỗ thấy nên gọi là không có chỗ được. Có chỗ được gọi là vòng sanh tử. Hết thảy phàm phu đều luân chuyển trong vòng sanh tử nên có chỗ thấy. Bồ Tát đã mãi mãi dứt trừ hết thảy sanh tử nên gọi là không có chỗ được.

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát không có chỗ được, gọi là thường, lạc, ngã, tịnh. Bồ Tát ma-ha-tát vì thấy tánh Phật nên được thường, lạc, ngã, tịnh. Vì thế, Bồ Tát gọi là không có chỗ được. Có chỗ được gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Bồ Tát ma-ha-tát đã dứt hết vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh nên gọi là không có chỗ được.

“Lại nữa, thiện nam tử! Không có chỗ được gọi là nghĩa không bậc nhất. Bồ Tát ma-ha-tát quán nghĩa không bậc nhất thảy đều không có chỗ thấy. Vì thế nên Bồ Tát gọi là không có chỗ được. Có chỗ được gọi là năm kiến chấp. Bồ Tát đã mãi mãi dứt trừ năm kiến chấp nên được nghĩa không bậc nhất. Vì thế, Bồ Tát gọi là không có chỗ được.

“Lại nữa, thiện nam tử! Không có chỗ được gọi là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Khi Bồ Tát ma-ha-tát đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì hết thảy đều không có chỗ thấy. Vì thế, Bồ Tát gọi là không có chỗ được. Có chỗ được là Bồ-đề của Thanh văn, Duyên giác. Bồ Tát đã mãi mãi dứt bỏ Bồ-đề của hai thừa nên gọi là không có chỗ được.

“Thiện nam tử! Chỗ thắc mắc của ông cũng là không có chỗ được. Chỗ thuyết giảng của ta cũng là không có chỗ được. Nếu có chỗ được thì đó là quyến thuộc của ma, không phải đệ tử Phật.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Trong khi Phật vì con thuyết giảng việc Bồ Tát không có chỗ được, có vô lượng chúng sanh dứt được tâm chấp tướng. Vì việc như thế nên con mới dám thưa hỏi ý nghĩa không có chỗ được, để khiến cho vô lượng chúng sanh này lìa xa quyến thuộc của ma, làm đệ tử Phật.

“Bạch Thế Tôn! Như Lai ở giữa hai cây sa-la mọc sóng đôi này vừa rồi có vì Thuần-đà mà thuyết kệ rằng:

Vốn là có mà nay thành không,
Vốn là không mà nay thành có,
Nếu nói trong Ba đời có pháp,
Thật không thể có nghĩa như thế!

“Bạch Thế Tôn! Nghĩa ấy là thế nào?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta vì hóa độ chúng sanh mà thuyết giảng như thế. Lại cũng vì hàng Thanh văn và Phật Bích-chi mà thuyết giảng như thế. Lại cũng vì Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi mà thuyết giảng như thế. Không chỉ riêng vì Thuần-đà mà thuyết bài kệ ấy. Lúc ấy Văn-thù-sư-lợi vừa muốn thưa hỏi, ta biết rõ ý ông ấy nên mới thuyết giảng. Khi vừa thuyết giảng rồi thì Văn-thù-sư-lợi liền hiểu rõ.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Những người hiểu rõ được nghĩa ấy như Văn-thù-sư-lợi quả thật rất ít! Xin Như Lai vì đại chúng mà phân biệt thuyết rộng lần nữa.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Hãy lắng nghe cho kỹ! Hôm nay ta sẽ vì các ông mà giảng giải lại việc ấy.

“Nói vốn là có, đó là thuở xưa ta vốn có vô lượng phiền não. Vì có phiền não nên nay không có Đại Bát Niết-bàn.

“Nói vốn là không, đó là thuở xưa ta vốn không có Bát-nhã Ba-la-mật. Vì không có Bát-nhã Ba-la-mật nên nay có đủ các thứ phiền não trói buộc.

“[Nhưng] nếu có bất cứ ai nói rằng: ‘Như Lai vào thuở quá khứ, hiện nay hay về sau có phiền não.’ Đó là lời nói vô lý.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nói vốn là có, đó là thuở xưa ta vốn có cái thân do cha mẹ hòa hợp sanh ra, vì thế nên nay không có Pháp thân vi diệu như kim cang không hư hoại.

“Nói vốn là không, đó là thân ta xưa vốn không có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Vì không có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, nên nay có đủ bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh khổ. [Nhưng] nếu có bất cứ ai nói rằng: ‘Như Lai vào thuở quá khứ, hiện nay hay về sau có mang bệnh khổ.’ Đó là lời nói vô lý!

“Lại nữa, thiện nam tử! Nói vốn là có, đó là thuở xưa ta vốn có vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh. Bởi có vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh nên nay không có A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Nói vốn là không, đó là xưa vốn không thấy tánh Phật. Vì không thấy tánh Phật nên nay không có thường, lạc, ngã, tịnh. [Nhưng] nếu có bất cứ ai nói rằng: ‘Như Lai vào thuở quá khứ, hiện nay hay về sau không có thường, lạc, ngã, tịnh.’ Đó là lời nói vô lý!

“Lại nữa, thiện nam tử! Nói vốn là có, đó là xưa vốn có tâm phàm phu tu khổ hạnh, rồi cho là đã được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; vì việc như thế nên nay không thể phá hoại bốn thứ ma.

“Nói vốn là không, đó là thuở xưa ta vốn không có sáu pháp ba-la-mật. Vì không có sáu pháp ba-la-mật nên mới tu hành theo tâm phàm phu khổ hạnh rồi cho là đã được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. [Nhưng] nếu có bất cứ ai nói rằng: ‘Như Lai vào thuở quá khứ, hiện nay hay về sau có tu khổ hạnh.’ Đó là lời nói vô lý.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nói vốn là có, đó là thuở xưa ta có cái thân do sự ăn uống mà thành. Vì có cái thân cần sự ăn uống nên nay không có pháp thân vô biên.

“Nói vốn là không, đó là vốn không có Ba mươi bảy pháp trợ đạo. Vì không có Ba mươi bảy pháp trợ đạo nên nay hiện có cái thân do ăn uống mà thành. [Nhưng] nếu có bất cứ ai nói rằng: ‘Như Lai vào thuở quá khứ, hiện nay hay về sau có cái thân cần đến sự ăn uống.’ Đó là lời nói vô lý!

“Lại nữa, thiện nam tử! Nói vốn là có, đó là thuở xưa ta có tâm nắm giữ, vướng mắc hết thảy các pháp. Vì thế mà nay ta không có phép không định rốt ráo.

“Nói vốn là không, đó là ta xưa vốn không nắm được nghĩa chân thật của trung đạo. Vì không nắm được nghĩa chân thật của trung đạo nên đối với hết thảy các pháp ắt phải sanh tâm vướng mắc. [Nhưng] nếu có bất cứ ai nói rằng: ‘Như Lai vào thuở quá khứ, hiện nay hay về sau dạy rằng hết thảy các pháp có hình tướng.’ Đó là lời nói vô lý.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nói vốn là có, đó là khi ta vừa mới đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề có những đệ tử Thanh văn căn tánh chậm lụt. Vì có những đệ tử Thanh văn căn tánh chậm lụt nên ta không thể diễn thuyết nghĩa chân thật Nhất thừa.

“Nói vốn là không, đó là trước đây không có những bậc lợi căn, như voi chúa giữa loài người, là những người như Bồ Tát Ca-diếp. Vì không có những bậc lợi căn như Ca-diếp nên phải tùy nghi phương tiện mở bày chỉ bảo Ba thừa. [Nhưng] nếu có bất cứ ai nói rằng: ‘Như Lai vào thuở quá khứ, hiện nay hay về sau rốt cùng có diễn thuyết giáo pháp Ba thừa.’ Đó là lời nói vô lý!

“Lại nữa, thiện nam tử! Nói vốn là có, đó là trước ta có nói rằng: ‘Còn ba tháng nữa ta sẽ vào Niết-bàn nơi hai cây sa-la mọc sóng đôi.’ Vì thế nên khi ấy ta không diễn thuyết kinh điển Đại Phương đẳng Đại Bát Niết-bàn.

“Nói vốn là không, đó là ngày xưa ta không có những Đại Bồ Tát như Văn-thù-sư-lợi. Vì không có [những Đại Bồ Tát như Văn-thù-sư-lợi] nên khi ấy ta dạy rằng: ‘Như Lai là vô thường.’ [Nhưng] nếu có bất cứ ai nói rằng: ‘Như Lai vào thuở quá khứ, hiện nay hay về sau là vô thường.’ Đó là lời nói vô lý!

“Thiện nam tử! Như Lai rộng vì khắp cả chúng sanh nên tuy biết các pháp mà [có lúc] lại nói là không biết; tuy thấy các pháp mà [có lúc] lại nói là không thấy. Các pháp có tướng nhưng [có lúc] lại nói là không tướng, các pháp không tướng nhưng [có lúc] lại nói là có tướng. Thật có vô thường nhưng [có lúc] lại nói là thường, thật có thường nhưng [có lúc] lại nói là vô thường.

“Với [các nghĩa] lạc, ngã, tịnh cũng là như vậy. Pháp Tam thừa nhưng [có lúc] lại nói là Nhất thừa, pháp Nhất thừa lại tùy nghi nói là có ba [thừa]. Tướng sơ lược nhưng [có lúc] lại nói là rộng lớn, tướng rộng lớn nhưng [có lúc] lại nói là sơ lược. Bốn tội nghiêm trọng nhưng [có lúc] lại nói là tội Du-lan-già, đối với tội Du-lan-già lại [có lúc] nói là bốn tội nghiêm trọng. Phạm tội nhưng [có lúc] lại nói là không phạm, không phạm [có lúc] lại nói là phạm. Tội nhẹ nhưng [có lúc] lại nói là nặng, tội nặng [có lúc] lại nói là nhẹ. Vì sao vậy? Vì Như Lai sáng suốt thấy rõ căn tánh của mỗi chúng sanh.

“Thiện nam tử! Tuy Như Lai [có những lúc] nói như thế nhưng không hề có sự hư dối. Vì sao vậy? Lời nói hư dối tức là tội lỗi. Như Lai đã dứt trừ hết thảy mọi tội lỗi, há lại có lời hư dối hay sao?

“Thiện nam tử! Tuy Như Lai không có lời hư dối, nhưng nếu biết chúng sanh có thể nhân nơi lời nói hư dối mà được pháp lợi ích thì tùy nghi phương tiện vì họ mà nói ra.

“Thiện nam tử! Hết thảy những lẽ thật tương đối của thế gian, nếu ở nơi Như Lai sẽ là ý nghĩa chân thật tuyệt đối. Vì sao vậy? Chư Phật Thế Tôn vì ý nghĩa chân thật tuyệt đối mà thuyết dạy những lẽ thật tương đối của thế gian, giúp cho chúng sanh đạt được ý nghĩa chân thật tuyệt đối. Nếu như chúng sanh không đạt được ý nghĩa chân thật tuyệt đối như vậy, chư Phật không bao giờ lại thuyết giảng những lẽ thật tương đối của thế gian.

“Thiện nam tử! Như Lai có những lúc diễn thuyết những lẽ thật tương đối của thế gian, chúng sanh lại cho rằng Phật đang thuyết dạy ý nghĩa chân thật tuyệt đối. Có những lúc diễn thuyết ý nghĩa chân thật tuyệt đối, chúng sanh lại cho rằng Phật đang thuyết dạy những lẽ thật tương đối của thế gian. Đó là cảnh giới rất thâm sâu của chư Phật, chẳng phải chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể biết được.

“Thiện nam tử! Vậy nên vừa rồi ông không nên cật vấn [Như Lai] rằng Bồ Tát ma-ha-tát không có chỗ được. Bồ Tát thường đạt được ý nghĩa chân thật tuyệt đối, sao ông lại cật vấn là không có chỗ được?”

Bồ Tát Ca-diếp lại hỏi: “Bạch Thế Tôn! Ý nghĩa chân thật tuyệt đối rốt ráo cũng gọi là đạo, cũng gọi là Bồ-đề, cũng gọi là Niết-bàn. Nếu vị Bồ Tát nào nói rằng có được đạo, có được Bồ-đề, có được Niết-bàn, đó tức là vô thường. Vì sao vậy? Nếu pháp là thường ắt là không thể được; cũng như hư không, nào có ai đạt được?

“Bạch Thế Tôn! Như những vật ở thế gian, xưa vốn là không nay trở thành có, gọi là vô thường. Đạo cũng như vậy. Nếu đạo có thể được, ắt phải gọi là vô thường. Nếu pháp là thường thì không thể đạt được, không có sanh ra, cũng như tánh Phật là không đạt được, không sanh ra.

“Bạch Thế Tôn! Đạo không phải hình sắc, cũng chẳng phải không hình sắc; chẳng phải dài, chẳng phải ngắn, chẳng phải cao, chẳng phải thấp, chẳng phải sanh, chẳng phải diệt, chẳng phải đỏ, trắng, xanh, vàng... chẳng phải có, chẳng phải không. Vì sao Như Lai lại dạy rằng [đạo] có thể được? Bồ-đề, Niết-bàn cũng là như vậy.”

Phật dạy: “Đúng vậy, đúng vậy! Thiện nam tử! Đạo có hai loại, một là thường, hai là vô thường. Tướng Bồ-đề cũng có hai loại, một là thường, hai là vô thường. Niết-bàn cũng vậy. Đạo của ngoại đạo gọi là vô thường, đạo trong pháp Phật gọi là thường. Bồ-đề của hàng Thanh văn, Duyên giác gọi là vô thường, Bồ-đề của chư Phật, Bồ Tát gọi là thường. Giải thoát của ngoại đạo gọi là vô thường, giải thoát trong pháp Phật gọi là thường.

“Thiện nam tử! Đạo với Bồ-đề và Niết-bàn, thảy đều gọi là thường. Hết thảy chúng sanh thường bị vô lượng phiền não che lấp, không có con mắt trí tuệ nên không thể nhìn thấy được. Nhưng chúng sanh vì muốn được nhìn thấy [đạo, Bồ-đề, Niết-bàn] nên tu tập giới, định, tuệ. Do tu hành nên được thấy đạo, Bồ-đề và Niết-bàn. Đó gọi là Bồ Tát được đạo, Bồ-đề và Niết-bàn. Tánh tướng của đạo thật không có sanh, diệt. Vì nghĩa ấy nên không thể nắm giữ được.

“Thiện nam tử! Đạo tuy không hình sắc tướng trạng có thể thấy, không chỗ cân lường có thể biết, nhưng thật có công dụng. Thiện nam tử! Như tâm của chúng sanh, tuy chẳng phải hình sắc, chẳng phải dài, chẳng phải ngắn, chẳng phải thô, chẳng phải mịn, chẳng phải buộc, chẳng phải mở, chẳng phải pháp nhìn thấy được, nhưng cũng là thật có.

“Vì nghĩa ấy ta có vì ông Tu-đạt mà dạy rằng: ‘Trưởng giả! Tâm là vị chủ trong thành. Nếu trưởng giả không bảo hộ tâm ắt không bảo hộ được thân và miệng. Nếu bảo hộ được tâm, ắt sẽ bảo hộ được thân và miệng. Vì không khéo bảo hộ thân và miệng mà khiến cho chúng sanh rơi vào ba nẻo dữ. Bảo hộ được thân và miệng ắt sẽ giúp chúng sanh được [sanh vào] cõi trời, cõi người, được Niết-bàn. Được [như vậy] gọi là chân thật; nếu không được gọi là không chân thật.

“Thiện nam tử! Đạo với Bồ-đề và Niết-bàn cũng là như vậy, cũng là có, cũng là thường. Nếu như không có, vì sao có thể dứt trừ hết thảy phiền não? Vì là có nên hết thảy Bồ Tát đều thấy biết rõ ràng.

“Thiện nam tử! Có hai cách thấy, một là thấy qua tướng mạo [có liên quan], hai là thấy rõ ràng.

“Thế nào là thấy qua tướng mạo [có liên quan]? Như thấy khói từ xa, gọi là thấy lửa, nhưng thật không hề thấy lửa. Tuy không nhìn thấy lửa, nhưng cũng không phải là hư dối. Thấy chim hạc trên không, liền nói là thấy nước. Tuy không hề thấy nước, nhưng cũng không phải là hư dối. Như thấy hoa, lá, liền nói là thấy rễ cây. Tuy chẳng thấy rễ cây, nhưng cũng không phải là hư dối. Như người từ xa thấy sừng bò nhô lên bên kia bờ giậu, liền nói là thấy bò. Tuy không thấy bò, nhưng cũng không phải là hư dối. Như thấy đàn bà mang thai liền nói rằng thấy sự dâm dục. Tuy chẳng thấy sự dâm dục nhưng cũng không phải là hư dối. Như thấy cây sanh ra lá liền nói là thấy nước. Tuy không thấy nước nhưng cũng chẳng phải là hư dối. Lại như khi thấy mây liền nói là thấy mưa. Tuy không thấy mưa nhưng cũng chẳng phải là hư dối. Như thấy các nghiệp của thân và miệng liền nói là thấy tâm. Tuy không thấy tâm nhưng cũng không phải là hư dối. Đó gọi là thấy qua tướng mạo [có liên quan].

“Thế nào là thấy rõ ràng? [Đó là] như mắt nhìn thấy hình sắc. Thiện nam tử! Như người có mắt trong sạch, không bệnh tật, tự nhìn thấy trái a-ma-lặc trong lòng bàn tay. Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, rõ ràng nhìn thấy đạo, nhìn thấy Bồ-đề, nhìn thấy Niết-bàn. Tuy nhìn thấy như vậy nhưng không hề có tướng thấy.

“Thiện nam tử! Vì nhân duyên ấy, trước đây ta có bảo Xá-lợi-phất rằng: ‘Những điều mà hết thảy mọi loài trong thế gian đều không thấy, không biết, không hiểu rõ thì chỉ có Như Lai và các vị Bồ Tát là thấy hết, biết hết, hiểu rõ được hết.

“Xá-lợi-phất! Những điều mà chúng sanh thế gian thấy, biết, hiểu rõ; Phật và Bồ Tát cũng thấy, biết, hiểu rõ. Những điều mà chúng sanh thế gian không thấy, không biết, không hiểu rõ, họ cũng không tự biết rằng mình không thấy, không biết, không hiểu rõ. Chúng sanh thế gian có chỗ thấy, biết, hiểu rõ, liền tự nói rằng: ‘Tôi thấy, tôi biết, tôi hiểu rõ.’

“Xá-lợi-phất! Như Lai thấy, biết, hiểu rõ tất cả, nhưng không tự nói rằng: ‘Ta thấy, ta biết, ta hiểu rõ.’ Hết thảy các vị Bồ Tát cũng như thế. Vì sao vậy? Nếu Như Lai có các tướng thấy, biết, hiểu rõ thì nên biết rằng đó chẳng phải là Phật Thế Tôn, chỉ là phàm phu. Bồ Tát cũng vậy.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Như Phật có bảo Xá-lợi-phất rằng: ‘Những việc mà thế gian biết, ta cũng biết; những việc mà thế gian không biết, ta cũng biết tất cả.’ Nghĩa ấy là thế nào?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Hết thảy người thế gian đều chẳng thấy, chẳng biết, chẳng hiểu rõ tánh Phật. Nếu thấy, biết, hiểu rõ được tánh Phật thì chẳng phải người thế gian, phải gọi là Bồ Tát. Người thế gian cũng chẳng thấy, chẳng biết, chẳng hiểu rõ Mười hai bộ kinh, Mười hai nhân duyên, Bốn điên đảo, Bốn thánh đế, Ba mươi bảy phẩm, A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, Đại Bát Niết-bàn. Nếu ai thấy, biết, hiểu rõ [những điều ấy] thì đó chẳng phải là người thế gian, nên gọi là Bồ Tát. Thiện nam tử! Đó gọi là những điều thế gian chẳng thấy, chẳng biết, chẳng hiểu rõ.

“Những điều mà thế gian thấy, biết, hiểu rõ là thế nào? Đó là những việc như Phạm thiên, Tự tại thiên, Bát tý thiên, tánh, thời, vi trần, pháp và phi pháp, đấng chủ tể tạo ra thế giới, sự khởi đầu và kết thúc của thế gian, hai kiến giải chấp đoạn và chấp thường, cho rằng từ Sơ thiền cho đến cảnh giới Phi phi tưởng gọi là Niết-bàn. Thiện nam tử! Đó gọi là những chỗ mà thế gian thấy, biết, hiểu rõ. Bồ Tát ma-ha-tát cũng thấy, biết, hiểu rõ những việc ấy. Bồ Tát thấy, biết, hiểu rõ như vậy rồi, nếu nói rằng không thấy, không biết, không hiểu rõ tức là hư dối. Pháp hư dối tức là có tội. Bởi có tội nên phải đọa vào địa ngục.

“Thiện nam tử! Nếu có ai nói rằng không có đạo, Bồ-đề, Niết-bàn, nên biết rằng những người như thế là nhất-xiển-đề, là quyến thuộc của ma, phải gọi là phỉ báng Chánh pháp. Phỉ báng Chánh pháp như vậy cũng gọi là phỉ báng chư Phật. Những người như vậy chẳng gọi là người thế gian, cũng không gọi là chẳng phải người thế gian.”

Bấy giờ, Bồ Tát Ca-diếp nghe xong lời Phật dạy liền dùng kệ tụng mà xưng tán rằng:

Đại từ thương chúng sanh,
Khiến kẻ nghịch quy y.
Khéo rút những tên độc,
Nên xưng Đại y vương.
Người thế gian trị bệnh,
Bệnh khỏi rồi lại sanh.
Những bệnh Như Lai trị,
Chẳng bao giờ trở lại.
Thuốc cam lộ Thế Tôn,
Ban phát cho chúng sanh.
Chúng sanh dùng thuốc rồi,
Thoát khỏi vòng sanh tử.
Nay Như Lai vì con,
Diễn thuyết Đại Niết-bàn.
Chúng sanh nghe pháp kín,
Liền được không sanh diệt.

Đọc kệ xong, Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật có dạy: Những điều mà tất cả thế gian đều không thấy, không biết, không hiểu rõ thì Bồ Tát có thể thấy, biết, hiểu rõ. Nếu Bồ Tát là người thế gian thì không thể nói rằng ‘thế gian không thấy, không biết, không hiểu rõ nhưng Bồ Tát này có thể thấy, biết, hiểu rõ’. Còn nếu Bồ Tát chẳng phải người thế gian, lại còn có tướng trạng nào khác?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nói Bồ Tát đó, cũng là [người] thế gian, cũng không phải [người] thế gian. Không thấy, không biết, không hiểu rõ thì gọi là [người] thế gian. Người thấy, biết, hiểu rõ thì không gọi là [người] thế gian. Ông hỏi rằng còn có tướng trạng nào khác, nay ta sẽ nói.

“Thiện nam tử! Nếu có ai vừa được nghe kinh Niết-bàn này liền sanh lòng tin kính, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đó gọi là Bồ Tát ở thế gian. Những điều mà tất cả thế gian không thấy, không biết, không hiểu rõ, Bồ Tát ấy cũng đồng như người thế gian, cũng không thấy, không biết, không hiểu rõ.

“Bồ Tát được nghe kinh Niết-bàn này rồi, biết rằng có những điều mà thế gian không thấy, không biết, không hiểu rõ, là những điều mà Bồ Tát [có thể] thấy, biết, hiểu rõ. Biết như vậy rồi, liền tự suy nghĩ: ‘Ta cần phải theo phương tiện tu tập như thế nào để có thể thấy, biết, hiểu rõ?’ Liền tự nghĩ rằng: ‘Chỉ cần đem lòng sâu vững tu trì giới hạnh thanh tịnh.’

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Bồ Tát nhờ nhân duyên ấy nên trong đời vị lai dù sanh ra ở nơi nào cũng thường giữ theo giới hạnh thanh tịnh. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát nhờ giới thanh tịnh nên dù sanh ra ở nơi nào cũng thường không có những sự kiêu mạn, tà kiến, nghi ngờ, không bao giờ nói rằng: ‘Chỗ rốt ráo của Như Lai là vào Niết-bàn.’ Như thế gọi là Bồ Tát tu trì giới hạnh thanh tịnh.

“Giới hạnh đã thanh tịnh, tiếp đó [Bồ Tát] liền tu thiền định. Nhờ tu tập thiền định nên dù sanh ra ở nơi nào cũng không mất chánh niệm. Đó là luôn nhớ đến những điều như: hết thảy chúng sanh đều có tánh Phật, Mười hai bộ kinh, Chư Phật Thế Tôn, thường, lạc, ngã, tịnh, tất cả Bồ Tát trụ yên nơi kinh Phương đẳng Đại Niết-bàn đều thấy tánh Phật. Những việc như vậy, [Bồ Tát] đều nhớ mãi không quên. Nhờ tu thiền định nên đạt được mười một pháp không. Đó gọi là Bồ Tát tu tập định thanh tịnh.

“Giới và định đã có đủ, tiếp đó liền tu trí tuệ thanh tịnh. Nhờ tu trí tuệ nên chẳng bao giờ có chỗ định kiến cố chấp, vướng mắc vào những điều như: trong thân có bản ngã, trong bản ngã có thân; đây là thân, đây là bản ngã; chẳng phải thân, chẳng phải bản ngã... Như thế gọi là Bồ Tát tu tuệ thanh tịnh. Nhờ tu tuệ nên những giới đã thọ trì được bền vững không lay động.

“Thiện nam tử! Ví như núi Tu-di không bị lay động, nghiêng ngả bởi bốn loại gió. Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, không bị lay động, nghiêng ngả bởi bốn sự điên đảo. Thiện nam tử! Bồ Tát lúc bấy giờ tự thấy, tự biết, tự hiểu rõ, những giới đã thọ trì không hề bị lay động, nghiêng ngả. Như vậy gọi là chỗ thấy, biết, hiểu rõ của Bồ Tát, chẳng phải [của người] thế gian.

“Thiện nam tử! Bồ Tát thấy những giới đã thọ trì không hề bị lay động, nghiêng ngả, nên lòng không hối tiếc, ân hận. Vì không hối tiếc, ân hận nên được hoan hỷ. Vì hoan hỷ nên được vui thích. Vì vui thích nên trong lòng được an ổn. Vì lòng an ổn nên được phép định không lay động. Vì được phép định không lay động nên được chỗ thấy biết chân thật. Vì thấy biết chân thật nên chán lìa sanh tử. Vì chán lìa sanh tử nên được giải thoát. Vì được giải thoát nên thấy rõ tánh Phật. Như thế gọi là chỗ thấy, biết, hiểu rõ của Bồ Tát, chẳng phải [của người] thế gian.

“Thiện nam tử! Như thế gọi là những điều thế gian không thấy, không biết, không hiểu rõ, lại chính là chỗ thấy, biết, hiểu rõ của Bồ Tát.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát tu trì giới hạnh thanh tịnh thì lòng không hối tiếc, ân hận... cho đến thấy rõ tánh Phật?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Giới của người thế gian không gọi là thanh tịnh. Vì sao vậy? Vì giới của thế gian là pháp có, tánh không ổn định, không phải rốt ráo, không thể rộng vì hết thảy chúng sanh. Vì nghĩa ấy nên gọi là không thanh tịnh. Vì không thanh tịnh nên có lòng hối tiếc, ân hận. Vì hối tiếc, ân hận nên lòng không hoan hỷ. Vì không hoan hỷ nên không được vui thích. Vì không vui thích nên không được an ổn. Vì không an ổn nên không được phép định không lay động. Vì không được phép định không lay động nên không được chỗ thấy biết chân thật. Vì không được thấy biết chân thật nên không chán lìa. Vì không chán lìa nên không giải thoát. Vì không giải thoát nên chẳng thấy tánh Phật. Vì chẳng thấy tánh Phật nên mãi mãi không được Đại Bát Niết-bàn. Như thế gọi là giới của thế gian không thanh tịnh.

“Thiện nam tử! Giới thanh tịnh của Bồ Tát ma-ha-tát là giới mà chẳng phải giới, chẳng phải là pháp có, kiên định, rốt ráo, vì [lợi ích] hết thảy chúng sanh, nên gọi là giới thanh tịnh.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát đối với giới thanh tịnh tuy chẳng muốn sanh tâm không hối hận, nhưng tâm không hối hận ấy tự nhiên sanh ra.

“Thiện nam tử! Ví như có người cầm cái gương sáng, dù không mong thấy khuôn mặt mình nhưng hình tượng khuôn mặt tự nhiên hiện ra. Lại như người nông dân gieo giống xuống đám ruộng tốt, dù không mong nảy mầm nhưng mầm tự nhiên nảy sanh. Lại như thắp đèn, dù chẳng mong diệt mất bóng tối nhưng bóng tối tự nhiên tiêu diệt. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát kiên trì giới hạnh thanh tịnh thì tâm không hối hận tự nhiên sanh ra cũng giống như vậy. Nhờ giới hạnh thanh tịnh nên lòng được hoan hỷ.

“Thiện nam tử! Ví như người đoan chánh, khi tự nhìn thấy khuôn mặt của mình thì sanh lòng hoan hỷ. Người giữ giới thanh tịnh cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Những người phá giới, khi thấy giới chẳng thanh tịnh thì lòng không hoan hỷ. Như người hình dáng khuyết tật, khi nhìn thấy khuôn mặt của mình không sanh lòng vui thích. Những người phá giới cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Ví như có hai cô gái chăn bò, một cô ôm bình đựng kem sữa, một cô ôm bình đựng nước uống, cùng đi vào trong thành để bán. Trên đường đi vấp ngã, hai cái bình đều bể, nhưng một cô vui vẻ, cô kia lại buồn rầu. Người giữ giới và người phá giới cũng giống như vậy. Người giữ giới thanh tịnh ắt lòng được hoan hỷ. Trong lòng hoan hỷ liền suy nghĩ rằng: ‘Trong kinh Niết-bàn, chư Phật Như Lai có dạy rằng những ai giữ giới thanh tịnh ắt sẽ được Niết-bàn. Nay ta tu tập giới thanh tịnh như vậy, ắt cũng sẽ được.’ Bởi nhân duyên ấy nên lòng được vui thích.”

Bồ Tát Ca-diếp thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Hỷ và lạc có gì khác nhau?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát không làm việc xấu ác, đó gọi là hỷ. Tâm thanh tịnh giữ giới, đó gọi là lạc.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát quán xét sanh tử, gọi là hỷ, thấy được Đại Niết-bàn, đó gọi là lạc. Bậc thấp gọi là hỷ, bậc cao gọi là lạc. Lìa những pháp chung cùng với thế gian gọi là hỷ, được những pháp không chung cùng với thế gian gọi là lạc.

“Nhờ giữ giới thanh tịnh nên thân thể nhẹ nhàng nhu nhuyễn, miệng không nói ra lời thô nặng, lỗi lầm. Bồ Tát lúc bấy giờ dù có thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, nhận biết... thảy đều không có việc xấu ác. Vì không có việc xấu ác nên lòng được an ổn. Vì an ổn nên được định tĩnh. Vì định tĩnh nên được thấy biết chân thật. Vì thấy biết chân thật nên chán lìa sanh tử. Vì chán lìa sanh tử nên được giải thoát. Vì giải thoát nên được thấy tánh Phật. Nhờ thấy tánh Phật nên được Đại Niết-bàn. Như thế gọi là Bồ Tát giữ giới thanh tịnh, chẳng phải là giới của thế gian.

“Vì sao vậy? Thiện nam tử! Những giới thanh tịnh mà Bồ Tát ma-ha-tát thọ nhận, có năm pháp để trợ giúp. Thế nào là năm pháp? Một là có đức tin, hai là biết thẹn, ba là biết xấu hổ, bốn là [nương theo] những bậc thiện trí thức, năm là có lòng tôn kính giới.

“Nhờ lìa khỏi năm pháp che chướng nên chỗ thấy được trong sạch. Nhờ lìa khỏi năm kiến chấp nên lòng không có nhiều mối nghi ngờ. Nhờ lìa năm mối nghi nên chẳng buông lung phóng túng. Năm mối nghi đó, một là nghi ngờ về Phật, hai là nghi ngờ về Chánh pháp, ba là nghi ngờ về Chư tăng, bốn là nghi ngờ về giới luật, năm là nghi ngờ về sự không phóng túng, biếng nhác.

“Bồ Tát bấy giờ liền được Năm căn, đó là tín, niệm, tinh tấn, định và tuệ. Nhờ có Năm căn nên được năm loại Niết-bàn, từ Sắc giải thoát cho đến Thức giải thoát. Như thế gọi là Bồ Tát giữ giới thanh tịnh, không phải giới của thế gian.

“Thiện nam tử! Đó gọi là chỗ mà thế gian không thấy, không biết, không hiểu rõ, nhưng chính là chỗ Bồ Tát thấy, biết, hiểu rõ.

“Thiện nam tử! Nếu [trong số] những đệ tử của ta thọ trì, tụng đọc, sao chép, diễn thuyết kinh Đại Niết-bàn lại có người phá giới, ắt sẽ có người quở trách, khinh khi, hủy nhục mà nói rằng: ‘Nếu tạng sâu kín của Phật, kinh Đại Niết-bàn này có oai lực, vì sao lại khiến cho ông hủy phạm những giới đã thọ trì?’

“Nên biết rằng, người thọ trì kinh Niết-bàn nếu hủy phạm giới cấm thì kinh này sẽ không có oai lực. Nếu kinh này không có oai lực, dù họ có tụng đọc nữa cũng chỉ là vô ích. Nhưng do nơi việc khinh chê kinh Niết-bàn nên lại khiến cho vô số chúng sanh đọa vào địa ngục. [Cho nên] kẻ thọ trì kinh này mà hủy phạm giới cấm thì là hạng tri thức xấu ác của chúng sanh, chẳng phải đệ tử Phật mà là quyến thuộc của ma. Những người như vậy, ta cũng không cho phép thọ trì kinh điển này. Thà không có ai thọ trì, tu tập, chứ không để cho những kẻ hủy phạm giới cấm thọ trì, tu tập [kinh này].

“Thiện nam tử! Nếu những đệ tử của ta thọ trì, tụng đọc, sao chép, diễn thuyết kinh Niết-bàn, nên giữ cho thân tâm ngay thẳng chân chánh, thận trọng chớ nên chơi đùa bỡn cợt, khinh suất hấp tấp cử động. Chơi đùa bỡn cợt là [thuộc về] thân; khinh suất hấp tấp là [thuộc về] tâm. Tâm mong cầu pháp có, đó gọi là khinh suất hấp tấp. Thân tạo tác các nghiệp, đó gọi là chơi đùa bỡn cợt. Nếu đệ tử của ta mong cầu pháp có, tạo tác các nghiệp thì không nên thọ trì kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này. Nếu người như vậy mà thọ trì kinh này, ắt người khác sẽ khinh chê quở trách rằng: ‘Nếu tạng sâu kín của Phật, kinh Đại Niết-bàn này là có oai lực, sao lại khiến cho ông mong cầu pháp có, tạo tác các nghiệp?’

“Nên biết rằng nếu người trì kinh mà mong cầu pháp có, tạo tác các nghiệp, thì kinh này sẽ không có oai lực. Nếu không có oai lực, thì dù có thọ trì nữa cũng chỉ là vô ích. Nhưng do nơi việc khinh chê kinh Niết-bàn này mà khiến cho vô số chúng sanh đọa vào địa ngục. [Cho nên] kẻ thọ trì kinh này mà mong cầu pháp có, tạo tác các nghiệp thì là hạng tri thức xấu ác của chúng sanh, chẳng phải đệ tử Phật mà là quyến thuộc của ma.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu đệ tử của ta thọ trì, tụng đọc, sao chép, diễn thuyết kinh Niết-bàn này, đừng thuyết giảng không đúng lúc, đừng thuyết giảng không đúng nơi, đừng thuyết giảng khi không được thưa thỉnh, đừng đem lòng khinh dễ mà thuyết giảng, đừng thuyết giảng tùy tiện khắp mọi nơi, đừng thuyết giảng để tự khen mình, đừng thuyết giảng để chê bai người khác, đừng thuyết giảng làm diệt mất pháp Phật, đừng thuyết giảng làm bùng cháy mạnh mẽ pháp thế gian.

“Thiện nam tử! Nếu đệ tử của ta thọ trì kinh này mà thuyết giảng không đúng lúc... cho đến thuyết giảng làm bùng cháy mạnh mẽ pháp thế gian, thì người khác sẽ khinh chê quở trách rằng: ‘Nếu tạng sâu kín của Phật, kinh Đại Niết-bàn này là có oai lực, sao lại khiến cho ông thuyết giảng không đúng lúc... cho đến thuyết giảng làm bùng cháy mạnh mẽ pháp thế gian?’

“Nên biết rằng, nếu người trì kinh thuyết giảng theo những cách như vậy thì kinh này không có oai lực. Nếu không có oai lực thì dù có thọ trì nữa cũng chỉ là vô ích. Nhưng do nơi việc khinh chê kinh Niết-bàn mà khiến cho vô số chúng sanh đọa vào địa ngục. [Cho nên] kẻ thọ trì kinh này mà thuyết giảng không đúng lúc... cho đến thuyết giảng làm bùng cháy mạnh mẽ pháp thế gian thì là hạng tri thức xấu ác của chúng sanh, chẳng phải đệ tử Phật mà là quyến thuộc của ma.

“Thiện nam tử! Nếu có người muốn thọ trì kinh này, thuyết giảng Đại Niết-bàn, thuyết giảng tánh Phật, thuyết giảng tạng sâu kín của Như Lai, thuyết giảng Đại thừa, thuyết giảng kinh Phương đẳng, thuyết giảng Thanh văn thừa, thuyết giảng Bích-chi Phật thừa, thuyết giảng giải thoát, thấy được tánh Phật, thì trước hết phải giữ thân mình cho thanh tịnh. Vì thân được thanh tịnh ắt sẽ không ai quở trách. Vì không có ai quở trách nên khiến cho vô số người đối với kinh Đại Niết-bàn này phát sanh lòng tin trong sạch. Nhờ phát sanh lòng tin nên cung kính đối với kinh này. Nếu nghe được một bài kệ, một câu kinh hay một chữ và thuyết giảng pháp, ắt sẽ được phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nên biết rằng người ấy thật là bậc thiện tri thức của chúng sanh, chẳng phải hạng tri thức xấu ác. Đó chính là đệ tử Phật, chẳng phải quyến thuộc của ma.

“Như thế gọi là Bồ Tát, chẳng phải [người] thế gian. Thiện nam tử! Đó gọi là chỗ thế gian chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu rõ, nhưng chính là chỗ thấy, biết, hiểu rõ của Bồ Tát.



Chapter Twenty-Two: On Pure Actions

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! What profit does the Bodhisattva-mahasattva gain from such kinds of knowing?" The Buddha said: " O good man! The Bodhisattva-mahasattva gains the four unhinderednesses [“catasrah-pratisamvidah” - analytical knowledges, discriminations] from such knowings, which are unhinderedness in: 1) Dharma [“dharma-pratisamvit”], 2) meaning [“artha-pratisamvit”], 3) language [“nirukti- pratisamvit”], and 4) eloquence [“pratibhana-pratisamvit “ - ready wit].

"In the unhindered knowledge of dharmas, one knows all things and their names.

"In the unhindered knowledge of meaning, one knows all about the meaning of things [of the Dharma], arriving at the meaning by the names established for them.

"In unhindered knowledge of language, one knows the morphological, phonological, prosodical, and oratorical aspects of words.

"In unhindered knowledge of eloquence, the Bodhisattva-mahasattva has no hindrance in oratory, and is unmoved. He has no fear, and it is difficult to defeat him. O good man! If the Bodhisattva thus sees and knows, we may say that he is armed with the four-fold unhindered knowledge.

"Also, next, O good man! In unhindered knowledge of Dharma, the Bodhisattva- mahasattva knows the dharmas of the sravaka, pratyekabuddha, Bodhisattva, and all Buddhas.

"In unhindered knowledge of the meaning, he knows that, though there are three vehicles, these enter into one and he sees therein no distinction.

"In unhindered knowledge of language, the Bodhisattva-mahasattva gives varyious names to a thing. Even in the course of innumerable kalpas, one could not fully name them all. The sravakas and pratyekabuddhas are not equal to this.

"In unhindered knowledge of eloquence, the Bodhisattva-mahasattva, in the course of innumerable kalpas, talks about all dharmas to all beings, and his speech is endless in regard to names and meanings, and all about ideas. Also, next, O good man! By unhindered knowledge of dharmas is meant that, though the Bodhisattva-mahasattva is versed in all dharmas, he has no clinging to them.

"By unhindered knowledge of the meaning is meant that though the Bodhisattva- mahasattva is versed in all meanings, he has no clinging to them.

"By unhindered knowledge of language is meant that though the Bodhisattva-mahasattva knows the meaning [relevant language], he has no clinging to this.

"Unhindered knowledge of eloquence means that though the Bodhisattva-mahasattva knows that this eloquence is best, he has no clinging to it. Why? “If one clings, one is not called a Bodhisattva."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! If one does not cling, one cannot come to know of Dharma. If one knows of Dharma, this is nothing but clinging. If one does not cling, there can be no knowing. How can the Tathagata say that one knows Dharma and yet does not cling?" The Buddha said: "O good man! Clinging is not unhinderedness [unobstructed knowledge]. Where there is no clinging, there is unhinderedness. O good man! Hence, any Bodhisattva who has any clinging is not one unhindered. If not unhindered, he is no Bodhisattva. Know that such a person is a common mortal.

"Why do we say that clinging is of the common mortal? All common mortals cling to matter [“rupa” - body, form] down to consciousness [“vijnana”; the five skandhas are here meant]. When one clings to matter, this clinging evokes a mind of greed; because of greed, one gets bound up by matter down to consciousness. Because of such bondage, one cannot escape from the great suffering of birth, ageing, illness, death, apprehension, and sorrow, nor from all the [various] kinds of defilement. Hence, due to his clinging, we call a person a common mortal. For this reason, no common mortal possesses the fourfold unhindered knowledge.

"O good man! The Bodhisattva-mahasattva has already, over innumerable asamkhyas of kalpas past, seen through the characteristics of all things; through knowing, he knows the meaning. As he knows the characteristics of all things and the meanings, he does not cling to matter. The same with consciousness, too. With no clinging, the Bodhisattva does not have any greed for matter. Nor does he have greed for consciousness. Not having any greed, he is not bound by matter. Nor is he bound by consciousness. Because he is not bound, he can indeed become emancipated from birth, age, illness, death, the great sufferings of apprehension and sorrow, and all the defilements. For this reason, all Bodhisattvas possess the fourfold unhindered knowledge. O good man! Hence, for the sake of my disciples, I have spoken in the twelve types of scripture about clinging and spoken of it as being bound by Mara. Without clinging, one becomes emancipated from Mara's hands. For example, in worldly life, one who has committed a sin [crime] gets chained up by the king. A person without sin cannot be taken prisoner by the king. It is the same with the Bodhisattva-mahasattva. A person possessed of clinging is bound up by Mara. One with no clinging is not bound up by Mara. Thus, the Bodhisattva-mahasattva has no clinging.

"Also, next, O good man! We say "unhindered knowledge of Dharma". The Bodhisattva- mahasattva well upholds the words [of Dharma] and does not forget [them]. Upholding is like [the actions of] the earth, mountains, eyes, clouds, man, and mother. The same is the case with all things.

"We say " unhindered knowledge of the meaning" . Now, the Bodhisattva may know the names of all things and yet not know the meaning. When one is unhindered in the meaning, one comes to know of the signification.

"How does one know of the signification? We say " upholding like the earth" . This is analogous to the way in which the earth supports all beings and non-beings. Hence, " earth" is referred to, to symbolise " support" .

"O good man! We say " support of the mountains" . The Bodhisattva-mahasattva thinks thus: " Why do we say that mountains support? The mountains well support the earth and there is no shaking. Hence, " to support" .

"Why do we say that the eye supports? The eye well supports light. Hence, "support".

"Why do we say that clouds support? Clouds are called the "air of the nagas" [snake- beings, dragons]. The air of the nagas supports water. Hence, "support".

"Why do we say that man supports? Man well supports Dharma and non-Dharma. Hence, " support" .

"Why do we say that a mother supports? A mother well supports her child. Hence, " support" .

"The Bodhisattva-mahasattva knows well the names and meanings of all things. It is

thus.

"We say "unhindered knowledge of language". The Bodhisattva-mahasattva may use various idioms [words] to speak about a single meaning. But there is no signification. It is as in the case of the names of man, woman, house, vehicle, beings, etc. Why is there no signification? O good man! We say " signification" . But this is of the world of Bodhisattvas and all Buddhas. Idioms [words] belong to the world of common mortals. By knowing the meaning, one gains unhinderedness in language.

"We say "unhindered knowledge of eloquence". The Bodhisattva-mahasattva knows the language and the meaning as he goes on talking for a period of innumerable asamkhyas of kalpas. This is unhinderedness in eloquence.

"O good man! The Bodhisattva, for innumerable, boundless, asamkhyas of kalpas, practises secular dharmas. By practising, he gains unhinderedness in dharmas.

"Also, for innumerable, boundless asamkhyas of kalpas, he practises the “Paramartha”. Thus, he gains unhinderedness in meaning.

"Also, for innumerable, boundless asamkhyas of kalpas, he practises the vyakaranas. Hence, he gains unhinderedness in language.

"Also, for innumerable asamkhyas of kalpas, he practises secular eloquence, and he gains unhinderedness in eloquence.

"O good man! No one can say that the sravakas and pratyekabuddhas gain this fourfold unhindered knowledge. O good man! In the nine types of scripture, I say that sravakas and pratyekabuddhas do possess the fourfold unhindered knowledge. But, truth to tell, no sravakas or pratyekabuddhas can have any such knowledge. Why not? The Bodhisattva-mahasattva particularly practises such fourfold unhindered knowledge in order to save beings.

"The pratyekabuddha practises the Way of extinction and seeks a lonely place. With him, there is no saving of beings, no resorting to miracles; instead, he is silent, without talking, all day long. How can he have unhindered Wisdom? Why does he sit silently and not teach? He does not speak about Dharma and enable beings to gain the usmagata, murdana, laukikagrad- harma, shrotapanna, sakrdagamin, arhat, pratyekabuddha, or Bodhisattva-mahasattva [level]. He does not cause others to gain unsurpassed Bodhichitta. Why not? O good man! When the pratyekabuddha appears in the world, there are not the nine types of scripture. Hence, there can be no unhinderedness in language and eloquence with the pratyekabuddha. O good man! The pratyekabuddha knows all about Dharmas, but he is not unhindered in Dharma. Why not? Unhinderedness in Dharma is "knowing the words." The pratyekabuddha knows the words, but is not blessed with unhinderedness in words. Why not? Because he does not know the two words, " eternal" and " abiding" . That is why the pratyekabuddha cannot gain unhinderedness in Dharma. He knows of the meaning, but he is not blessed with unhinderedness [of understanding] in the meaning. If he truly understood the meaning, he would have to know that all beings possess the Buddha-Nature. The meaning of Buddha-Nature is none other than unsurpassed Enlightenment. Thus, the pratyekabuddha does not possess unhindered knowledge of meaning. So, for him there cannot be unhindered Wisdom in all things of the four categories.

"Why does the sravaka not have the fourfold unhindered knowledge? He does not have the three kinds of best expedient. What are the three? First, using soft [gentle] words, followed by accepting Dharma; secondly, using harsh words, followed by melting into the teaching;

thirdly, neither softness nor harshness, followed by the teaching. As the sravaka does not have these three, he cannot have the fourfold unhindered knowledge. Also, next, the sravaka and pratyekabuddha, after all, do not know language and meaning. With them, there is no knowing of the world of unmolested Wisdom; they do not have the ten powers and the four fearlessnesses. They, after all, cannot cross the great sea of the 12 links of interdependent arising. They do not know well the differences between beings, as to whether they are sharp-witted or born dull. They cannot yet eradicate the doubting mind regarding the two phases of truth [relative, worldly truth, and Absolute, Supramundane Truth]. They do not know the various aspects of beings' mental activities. They cannot speak well about the All-Void of “Paramartha-satya” [Absolute, Supramundate Truth]. For this reason, these two vehicles [of pratyekabuddha and sravaka] do not possess the fourfold unhindered knowledge."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! If sravakas and pratyekabuddhas do not possess the fourfold unhindered knowledge, why, O World-Honoured One, do we say that Shariputra is the foremost in Wisdom, Mahamaudgalyayana the foremost in divine powers, and Mahakausthila the foremost in the fourfold unhindered knowledge? If this is not the case, why do you say so?" Then the World-Honoured One praised Kasyapa and said: " Well said, well said! O good man! The Ganges, for example, contains an immeasurable volume of water. The great volume of water of the Indus cannot be known. The water of the Oxus, too, cannot be known; the volume of water of Lake Anavatapta is also immeasurable. The water of the great sea is immeasurable. The volume of all this water [together] is immeasurable. But actually, there can be more or less, their not all being the same. It is the same with the fourfold unhindered knowledge of sravakas, pratyekabuddhas, and Bodhisattvas. O good man! We can never say that they are the same. O good man! For the sake of common mortals, I say that Mahakausthila is the foremost in the fourfold unhindered knowledge. What you ask about stands thus. O good man! Amongst the sravakas, there may be one who has one of the four unhindered kinds of knowledge, or one who has two. But there is no case where a sravaka has the four."

Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! You spoke above in this chapter on pure actions about the fourfold unhindered knowing and seeing, and you say that in the knowing and seeing of the Bodhisattva, there is nothing that is gained and his mind has nothing that is not gained. O World-Honoured One! Now, this Bodhisattva-mahasattva has, truth to tell, nothing to gain. If there is still something to be gained in his mind, he is not a Bodhisattva; he is a common mortal. How can the Tathagata say that the Bodhisattva still has something to gain?" The Buddha said: " O good man! Well said, well said! You again ask that of which I desire to speak. O good man! The Bodhisattva-mahasattva has nothing to gain. Having nothing to gain is the fourfold unhindered knowledge. O good man! Why is having nothing to gain unhinderedness? If there is something still to be gained, this is a hindrance. A person who has a hindrance is one who has the four inversions [distorted views]. O good man! As the Bodhisattva-mahasattva does not have the four inversions, he has unhinderedness. Hence, we say that the Bodhisattva is a person who has nothing more to gain.

"Also, next, O good man! This ungainedness is Wisdom. As the Bodhisattva-mahasattva gains this Wisdom, we say that he has ungainedness. Still having something to gain means ignorance. When the Bodhisattva has eternally dispelled the gloom of ignorance, he has nothing more to gain. Hence, we say that the Bodhisattva is a person who has nothing more to gain.

"Also, next, O good man! Having nothing more to gain is Great Nirvana. Abiding in peace in this Great Nirvana, the Bodhisattva-mahasattva sees no nature, no characteristics in any thing. Hence, we say that the Bodhisattva has nothing more to gain.

"Having [the need] to possess means the 25 existences. The Bodhisattva has long segregated himself from the 25 existences and attained Great Nirvana. Thus, we say that the Bodhisattva has nothing more to gain hold of.

"Also, next, O good man! Not having to possess means Mahayana. The Bodhisattva- mahasattva does not abide in any dharma. Hence, he gains Mahayana. So, we say that the Bodhisattva has nothing more to gain.

"The need to possess is the path of the sravaka and pratyekabudda. The Bodhisattva has segregated himself from the paths of the two vehicles. Hence, he gains the Buddha-Way. So, we say that the Bodhisattva has nothing more to gain.

"Also, next, O good man! Having no need to possess anything is the vaipulya sutra. When the Bodhisattva recites such a sutra, he gains Great Nirvana. Hence, we say that the Bodhisattva has nothing more to gain. The need to possess is the 11 types of scripture. The Bodhisattva does not practise [these]; he exclusively expounds the Mahayana vaipulya sutras. So, we say that the Bodhisattva does not need to gain anything.

"Also, next, O good man! Not having to gain anything is Emptiness [“shunyata”]. In the world, when there is nothing there, we say empty. The Bodhisattva attains this Emptiness samadhi [meditative state]. Because there is nothing to see. Hence, we say that the Bodhisattva has nothing to gain.

"The need to possess is the wheel of birth and death. As all common mortals repeat birth and death, they have things to see. The Bodhisattva has long segregated himself from all births and deaths. Hence, we say that the Bodhisattva has nothing more to gain.

"Also, next, O good man! Not to possess is the Eternal, Bliss, Self, and the Pure. When the Bodhisattva-mahasattva sees the Buddha-Nature, he gains the Eternal, Bliss, Self, and the Pure. Hence, we say that the Bodhisattva has nothing to gain.

"Having something to gain is the non-Eternal, non-Bliss, non-Self, and the non-Pure. Hence, we say that the Bodhisattva is a person who has nothing to gain.

"Also, next, O good man! That there is nothing to gain is the All-Void of “Paramartha- satya” [Ultimate Truth]. When the Bodhisattva-mahasattva meditates on the All-Void of “Paramartha-satya”, he sees nothing. Hence, we say that the Bodhisattva is a person who has nothing to gain."

"That one still has something to gain equates with the five distorted views [“panca- drstayah”]. As the Bodhisattva has eternally segregated himself from the five distorted views, he gains the All-Void of “Paramartha-satya”. Hence, we say that the Bodhisattva has nothing more to gain.

"Also, next, O good man! That there is nothing more to be gained, this is unsurpassed Bodhi [Enlightenment]. When the Bodhisattva-mahasattva gains unsurpassed Bodhi, there is nothing more to see. Hence, we say that the Bodhisattva has nothing more to gain.

"What still has more to be gained is the Enlightenment of the sravaka and pratyekabud- dha. The Bodhisattva is eternally away from the Enlightenment of the two vehicles. Hence, we say that the Bodhisattva has nothing more to gain.

"O good man! What you ask about has nothing more to gain. What I say, also has nothing more to gain. Any person who says that there is still a thing to be gained is one of Mara’s kindred and not my disciple."

Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! As you expound to me the ungainedness of Enlightenment [i.e. that it is not a separate thing that can be grasped hold of], an innumerable number of beings cut themselves away from the mind that has an image of existence. Hence, I particularly ask of you to explain to me what has nothing more to be gained, and to enable innumerable beings to segregate themselves from Mara’s clan and become the Buddha’s disciples."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! You said before in a gatha, for Cunda’s sake:

"What originally was is now no longer;
What originally was not, now is.
There can be no such thing as "is" pertaining
In the Three Times [of past, present, and future]."

"O World-Honoured One! What might this mean?" The Buddha said: "O good man! As I desire to teach all beings, I say this. I also say this for the sake of sravakas and pratyekabuddhas. Also, I say this to the Prince of Dharma, Manjushri. It is not the case that I said this to Cunda alone. At that time, Manjushri wished to put a question to me. Fathoming [reading] his mind, I spoke thus. When I spoke thus, Manjushri understood."

Bodhisattva Kasyapa said: "O World-Honoured One! How many persons could there be of the class of Manjushri, who could thus gain the point? Please, O Tathagata, for the sake of all beings, explain expansively once again." "O good man! Listen carefully, listen carefully! I shall now explain it again in detail especially for you. I said "originally was not". There was originally no prajnaparamita. As there was no prajnaparamita, there are now so many bonds of defilement. If any sramana, Brahmin, deva, Mara, Brahma, or human were to say: "The Tathagata had defilement in the past, has defilement in the present or will have defilement in the future" , this is not so.

"Also, next, O good man! I said " originally was" . In days gone by I had a body gained through the union of father and mother. And in consequence, I do not now have an adamantine Dharma-Body [i.e. if the Buddha as Buddha had ever been produced by parents like an ordinary, mortal being, he would not now be able to have an adamantine Dharma-Body. Precise meaning not clear here and in the following]. "I said: "originally was not". I did not have the 32 signs of perfection and the 80 minor marks of excellence. As I did not have the 32 signs of perfection and the 80 minor marks of excellence, I now have the 404 illnesses. If any sramana, Brahmin, deva, Brahma, or human says: 'The Tathagata has had, all the way through past, present and future, the suffering of illness’, this is not so."

"Also, next, O good man! I said: " originally was" . I once had the non-Eternal, non-Bliss, non-Self, and the non-Pure. As I had the non-Eternal, non-Bliss, non-Self, and the non-Pure, there is now no unsurpassed Enlightenment.

"I said: "originally was not". I did not see the Buddha-Nature. Not seeing it, there are the non-Eternal, non-Bliss, non-Self, and the non-Pure. If any sramana, Brahmin, deva, Mara, Brahma, or human says: " The Tathagata does not, throughout all the past, present and future, possess the Eternal, Bliss, Self, and the Pure", such can never be [i.e. this is an utterly untrue statement].

"Also, next, O good man! I said: "originally was". Common mortals might have the idea of practising penance and say that one [thus] arrives at unsurpassed Enlightenment. For this reason, one cannot now crush out the four Maras.

"I said: " originally was not" . That is to say that there were originally no six paramitas. Not having the six paramitas, the common mortal has the thought of practising penance and says that he can attain unsurpassed Enlightenment. A sramana, Brahmin, deva, Mara, Brahma, or human might say: "The Tathagata, all through the past, future and present, did penance." But such can never be [stated].

"Also, next, O good man! I said: "originally was" . I had in the past a body sustained by various kinds of food. As I had a body supported by various kinds of food, I cannot have a boundless body now. "Originally was not" says that there were not the 37 factors assisting towards Enlightenment. As there were not the 37 factors assisting towards Enlightenment, there is now the body supported by various kinds of food. Some sramana, Brahmin, deva, Mara, Brahma, or human might say: " The Tathagata, all through the past, future, and present, has a food-supported body." But such can never be [truly stated].

"Also, next, O good man! I said: " originally was" , meaning that I originally had a mind that clung to all things. So, there cannot now be any samadhi of the ultimate Void.

"I said: "originally was not", meaning that I did not originally have the true meaning of the Middle Path. And as I did not have the true meaning of the Middle Path, I now have clinging to all things. If any sramana, Brahmin, deva, Mara, Brahma, or human says: "The Tathagata, all through past, future and present, has a body that has [samsarically] existed" , this is not so.

"Also, next, O good man! I said: "originally was". When I first attained this unsurpassed Enlightenment, there were dull-headed sravaka disciples. As I had dull-headed sravaka disciples, I could not speak about the truth of the one vehicle.

"I said: " originally was not" . There was no sharp-witted elephant king such as Bod- hisattva Kasyapa. As there was none sharp-witted like Kasyapa, I resorted to the expedient of the three vehicles, which I enlarged upon. If any sramana, Brahmin, deva, Mara, Brahma, or human says: " The Tathagata has, all through the past, future, and present, preached the Dharma of the three vehicles" , this is not so.

"Also, next, O good man! I said: " originally was" . I formerly said: " In three months' time, I shall enter Parinirvana between the sal trees." That is why I cannot now preach the doctrine of the great vaipulya sutra, “Mahaparinirvana”.

"I said: "originally was not", meaning that there were no such great Bodhisattvas as Manjushri and the others. As there were not, we now say: "The Tathagata is non-eternal." If any sramana, Brahmin, deva, Mara, Brahma, or human says: "The Tathagata, all through the past, future and present, is non-eternal", this is not true.

"O good man! Although the Tathagata knows all things he says that he does not know, because of all beings. He sees all things. But he says that he does not so see. Speaking about what has form, he says formless; speaking about things that have no form, he say that there are forms [there]. Speaking about what has form, he says " formless". The same applies to the Self, Bliss, and the Pure. Speaking about the three vehicles, he say one vehicle, speaking about one vehicle, he says, as the case may be [according to the situation], three vehicles. He says that an abbreviated form is one that is full, and a full one abbreviated. He says that the four grave offences are the sthulatyayas, and the sthulatyayas are the four grave offences. He says that transgression is non-infringement, and that non-infringement is an infringement. He says that a venial sin is grave, and a grave sin venial. Why so? Because the Tathagata sees the root of beings' abilities. O good man! The Tathagata speaks thus, but nothing is wrong at bottom. Why not? Whatever is false constitutes sin. The Tathagata is totally segregated from sin. How could he say anything false? O good man! Although the Tathagata does not resort to falsehood, he will do so as an expedient and as it serves the occasion when he sees that all beings gain the benefit of Dharma. O good man! To the Tathagata, all worldly truths are “Paramartha-satya”. And he also enables beings to attain “Paramartha-satya”. If all beings did not attain “Paramartha- satya”, all Buddhas, to the end, would not speak of worldly truth. O good man! When the Tathagata at times speaks of worldly truth, beings say that the Tathagata is speaking about “Paramartha-satya”. When he at times speaks about “Paramartha-satya, “beings say that the Buddha is speaking about worldly truth. All of this comes from the deepest depths of the world of all Buddhas. This is not something that can be understood by sravakas and pratyekabuddhas. O good man! For this reason, do not hastily contest and say that the Bodhisattva-mahasattva possesses nothing. The Bodhisattva always abides in “Paramartha-satya”. How could anyone criticise him and say that he has nothing?"

Kasyapa said: "O World-Honoured One! You say that “Paramartha-satya” is the Way, Enlightenment, and Nirvana. If we say that the Bodhisattva possesses the Way, Enlightenment, and Nirvana, this is nothing other than the non-Eternal. Why? If Dharma is eternal, one cannot gain it. It is like space. Who can gain it? O World-Honoured One! In worldly life, what originaly was not, but is now, is called the non-Eternal. The same with the Way. If the Way can be gained, this is nothing but the non-Eternal. If Dharma is the Eternal, there can be no gaining of anything, no arising, as in the case of the Buddha-Nature, which knows no gaining and no arising. O good man! Now, the Way is non-matter, not non-matter, not long, not short, not high, not low, not arising, not extinction, not red, not white, not blue, not yellow, not "is", not "is-not". How could the Tathagata speak of it as "what can be gained"? The same applies to Enlightenment and Nirvana."

The Buddha said: "It is thus, it is thus. O good man! There are two kinds of Way. One is eternal, and the other non-eternal. Enlightenment, too, is of two kinds. One is eternal, and the other non-eternal. The same applies to Nirvana, too. What the tirthikas say regarding the Way relates to the non-eternal; what is said within Buddhism relates to the Eternal. The Enlightenment of the sravaka and pratyekabuddha relates to the non-eternal. The Enlightenment of all Buddhas and Bodhisattvas is the Eternal. The emancipation of the tirthikas is non-eternal, and that of the Buddhist is eternal. O good man! The Way, Enlightenment, and Nirvana are all eternal. All beings are always overshadowed by innumerable defilements, and as they lack the eye of Wisdom, they cannot see. But in order to see, all beings practise shila [morality], samadhi [meditative absorption], and Wisdom. By practising these, they see the Way, Enlightenment, and Nirvana. The nature and characteristics of the Way do not suffer from birth and death. Hence, it is hard to grasp.

"O good man! With the Way, there is no colour or form to be seen, nor any weight to be known. Yet there is its function. O good man! A being's mind is not long, not short, not coarse, not minute, not bound nor unbound, nor is it anything visible, but it still appears as though it were visible. Hence, I said to Sudatta: " O rich man! Make the mind the king of the castle. If the mind is not guarded, the body and mouth will not be guarded. If the mind is guarded, the body and mouth, too, will be guarded. When the body and mouth are not well guarded, all beings fall into the three unfortunate realms. If beings guard their body and mouth well, they can attain the Nirvana of humans and gods. " Gaining" speaks of truth. " Not gaining" speaks of non-truth." O good man! It is the same with the Way, Enlightenment, and Nirvana. There can be the "is" and the Eternal. If there were [only] the "not-is", how could there be a cutting away of all defilements? Because of the "is" , all Bodhisattvas are able to see clearly and to know.

"O good man! There are two kinds of seeing. One is seeing by outer signs [indications], and the other by fathoming. What is seeing by outer signs? It is like seeing fire from afar, when one sees the smoke. Actually, one does not see the fire. Though one does not see it, nothing is false [here]. We see a crane in the sky, and say that we see water. Though we do not see water, this is not false. We see the flower and the leaf, and we say that we see the root. Though we do not see the root, this is not false. We see a cow's horns far off through the hedges, and we say that we can see a cow. Though we do not see the cow, this is nevertheless not false. We see a pregnant woman and say that we see carnal desire. We do not [actually] see carnal desire, but this is not false. Also, we see the fresh leaves of a tree and say that we see water. Though we do not [actually] see it, this is not false. We see a cloud, and we say that we see rain. Though the rain [itself] is not seen, this is not false. Seeing the actions of the body and mouth, we say that we see the mind. The mind is not seen, but this is not false. This is seeing by outer signs.

"What is seeing by fathoming? It is like seeing the colour of the eye. O good man! A man's eye is pure and does not get broken [damaged by looking]. It is like seeing a mango held in one's own palm. The same is the case where the Bodhisattva clearly sees the Way, Enlightenment, and Nirvana. Though he sees thus, there are no characteristics to be seen. For this reason, in days past I said to Shariputra: "O Shariputra! The Tathagata alone knows, sees and realises all that the world, such as sramanas, Brahmins, devas, Maras, Brahmas, or humans, do not see and realise. It is the same with the Bodhisattvas. O Shariputra! What all the world knows, sees and realises, I and the Bodhisattvas also know, see and realise. What the world and beings do not know, see and realise, is also known, seen and realised [by the Buddha and the Bodhisattvas]. It must be thus. The world and beings know, see and realise, and they say that they know, see and realise. O Shariputra! The Tathagata knows, sees and realises all, yet he does not say that he knows, sees and realises. So do things also obtain with the Bodhisattvas. Why? If the Tathagata shows that he knows, sees and realises, he is no Buddha-World-Honoured One. He is a common mortal. It is the same with the Bodhisattva, too."

Chapter Twenty-Three: On Pure Actions (c)

Bodhisattva Kasyapa said: "The Buddha-World-Honoured One once said to Shariputra: "What the world knows I also know; what the world does not know, I also know all." What does this mean?" "O good man! The world does not know, see or realise the Buddha-Nature. If there is a person who knows, sees, and realises the Buddha-Nature, we do not call such a person one of the world. We say "Bodhisattva". The world also does not know, see, or realise the twelve types of scripture, the twelve links of interdependent arising, the four inversions, the Four Truths, the 37 factors leading to Enlightenment, unsurpassed Enlightenment, and Great Nirvana. If [these are] known, seen or realised, we do not say " of the world" ; we say " Bodhisattva" . O good man! This is what we mean when we say that the world does not know, see or realise. How does the world know, see or realise? So-called Brahma, Mahesvara, Narayana, nature, time, mote, dharma, non-dharma are the creators. They talk about an end and a beginning, about the "is-not" and "is" of the world and say that "Nirvana commences from the first dhyana and ends in non-thoughtlessness" . O good man! This is what the world knows, sees and realises. The Bodhisattva knows, sees, and realises such. The Bodhisattva already has known, seen and realised such. If we say that he does not know, see or realise, this is nothing but falsehood. What is false constitutes sin. On account of this sin, one falls into hell. O good man! If any man, woman, sramana or Brahmin says that there is no such thing as the Way, Enlightenment or Nirvana, know that such a person is an icchantika [most spiritually deluded person]. Such a person is one of Mara's kindred. This is slandering Dharma. Such slandering is a slandering of all Buddhas. Such a person is not of the world, and not "not-of-the-world."

Then Kasyapa, on hearing this, praised the Buddha in a gatha, saying:

"The Great Compassionate One pities beings And has them take refuge in him.
He well extracts all poisonous arrows.
So I call him a great doctor.
A worldly doctor effects a cure.
He cures indeed, but the illness returns.
The Tathagata cures, but the illness does not return.
The World-Honoured One gives
All beings amrta [the ambrosia of immortality].
When beings partake of this,
They do not die, nor do they get re-born.
The Tathagata expounds to me Great Nirvana. When beings Hear the closely guarded doctrine,
They gain birthlessness and deathlessness."

Having sung thus, Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! The Buddha says: "The Bodhisattva does know, see and realise what the world knows, sees and realises" . If it is the case that the Bodhisattva is here in the world, we cannot say: " The world does not know, see or realise. But this Bodhisattva well knows, sees and realises." If he is not of the world, what different characteristics does he have?"

The Buddha said: "O good man! The Bodhisattva is of the world and not of the world. What does not know, see, and realise is the world; he who does know, see, and realise is not of the world. You ask: "What difference is there?" I shall now explain. O good man! If any man or woman hears this Nirvana Sutra, feels respect, and aspires to unsurpassed Enlightenment, such a person is a Bodhisattva of the world. All the world does not know, see, or realise.

Such a Bodhisattva, too, does not know, see, or realise, as in the case of the world. When the Bodhisattva hears this Nirvana Sutra, he comes to know that the world does not know, see, or realise, and that this is what the Bodhisattva should come to know, see and realise. Having come to know of this, he thinks to himself: "How am I to effect an expedient and learn and come to know, see, and realise?" He further thinks: "I shall uphold the pure shila [moral rules] with the deepest mind. O good man! On this account, the Bodhisattva, in the world to come, is pure in all places where he gets born. O good man! As the Bodhisattva-mahasattva is pure in shila, in whatever place [he finds himself] he has no arrogance, no wrong views, no doubt, and never, to the end, says that the Tathagata ever enters Nirvana. This is how the Bodhisattva observes pure shila. The precepts are already pure [with him]. He then next practises meditation. Through practising meditation, wherever he may be, he abides in right remembrance and does not forget. That is to say that beings all have the Buddha-Nature; that there are the twelve types of scripture, and that the All-Buddha-World-Honoured One is the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. All Bodhisattvas abide in the vaipulya Great Nirvana Sutra and see the Buddha-Nature. They rightly remember all of this and do not forget. Through practising dhyanas [meditations], they gain eleven shunyatas [emptinesses]. This is the practising of the pure meditation of the Bodhisattva. Achieving shila and meditation, they next practise pure Wisdom. By practising Wisdom, they first see the Self in the body and the body in the Self. There are no such clingings as: this body, this Self, no body, and no Self. This is practising the pure Wisdom of the Bodhisattva. By practising Wisdom the shila which he observes is steadfast and does not move. O good man! It is like Sumeru, which does not shake, in spite of the winds from the four quarters. The same is the case with the Bodhisattva-mahasattva. He does not shake, in spite of the four inversions. O good man! The shila which the Bodhisattva knows, sees and realises and upholds at that time does not shake. That is why we say that what the Bodhisattva knows, sees and realises is not of the world. O good man! The Bodhisattva has no repentance in his mind when he sees that the shila he upholds is steadfast. As there is no regret, there is joy in his mind. As he has joy, his mind is happy. As he is happy, his mind is at peace. As his mind is at peace, there comes about an immovable samadhi. As the samadhi is immovable, there is true knowing and seeing. Due to true knowing and seeing, there is parting from birth and death. Parting from birth and death, he achieves emancipation [“vimukti”]. As a result of emancipation, he clearly sees the Buddha-Nature. This is what we mean when we say that what the Bodhisattva knows, sees, and realises is not something that obtains in the world. O good man! This is what the world does not know, see, or realise."

Kasyapa further said: "In what way does the Bodhisattva not repent as he upholds the pure shila, and how does he clearly see the Buddha-Nature?" The Buddha said: "O good man! The shila that obtains in the world is not pure. Why not? Because the shila that obtains in the world is grounded on "is", and because its nature is not fixed and is not the utmost. It stands not widely for all beings. Hence, we say "non-pure". Not being pure, there is regret. Because of regret, the mind knows no joy. As there is no joy in the mind, there is no happiness. As there is no happiness, there is no peace. As there is no peace, there is no immovable samadhi. As there is no immovable samadhi, there is no true knowing and seeing. As there is no true knowing and seeing, there is no fleeing from the world. As there is no fleeing from the world, there is no emancipation. As there is no emancipation, there is no seeing of the Buddha-Nature. As there is no seeing of the Buddha-Nature, there is no gaining of Great Nirvana. This is what we call the impure shila that obtains in the world.

"O good man! We speak of the pure shila of the Bodhisattva-mahasattva because the shila is no shila, not for existence, but the ultimate in samadhi, and is for the benefit of beings. This is the pure shila of the Bodhisattva. Although the Bodhisattva-mahasattva does not desire to gain any non-regretting mind through pure shila, the non-regretting mind spontaneously arises. O good man! If, for example, a man holds a bright mirror in his hand, his face will appear in it, even if he does not wish it to appear there. It is also as in the case of a farmer who sows good seed in a good field, after which buds spontaneously emerge there, even were this not so desired. Also, it is like lighting a lamp, when the gloom automatically disappears, even though such may not be desired. As the Bodhisattva-mahasattva steadfastly observes the purity of shila, a non-regretful mind will automatically arise. The case is thus. Through the purity of the shila, the mind gains joy. O good man! It is like the mien of a man of straight [honest] mind, which is pleasing to behold. The same is the case with a person who observes the purity of shila.

"O good man! One’s mind does not feel pleased when one sees the impurity of shila of a person who violates shila. This is like seeing the ill-looking [unattractive] face of a cruel person, when one does not feel any joy. The situation is the same with a person who violates shila. O good man! As an example: there are two pasture women. One holds in her hand a pot of cream, and the other a pot of milk. Both go to the castle-town, wishing to sell [their produce] there. On the way, they take a tumble, and the pots get broken. The one woman is happy, and the other is sad and worried. It is the same with upholding and not upholding shila. The person who upholds the purity of shila has a joyful mind. Glad at heart, that person thinks: "The All-Buddha-Tathagata says in his Nirvana Sutra that a person who upholds the purity of shila will gain Nirvana. Since I now uphold the purity of shila, I shall surely attain it. Because of this, my heart is glad."

Kasyapa said further: "What difference is there between "joy" and "bliss?" "O good man! When the Bodhisattva-mahasattva does not commit any evil, there is joy with him. When the mind is pure, and when one upholds shila, there is bliss. O good man! When the Bodhisattva sees birth and death, this is joy. When he sees Great Nirvana, there is bliss. What is low in grade is joy, and what is high in grade is bliss. When one departs from the property gained in common with others, there is joy. When one attains individually gained property, there is bliss. When shila is pure, the body is light and soft, and one’s speech knows no coarseness. Then, the Bodhisattva can see, hear, smell, taste, touch, and know, and there is nothing that is evil [in these sensations]. With no evil, the mind is at peace. Because of peace, he gains the quietude of samadhi. As he gains the quietude of samadhi, he truly knows and sees. When he truly knows and sees, he flees from birth and death. When he flees from birth and death, he gains emancipation. When he gains emancipation, he sees the Buddha-Nature. When he sees the Buddha-Nature, he gains Great Nirvana. This is the pure upholding of shila by the Bodhisattva. This is not what applies in the upholding of shila in secular life. Why not? O good man! The pure shila which the Bodhisattva-mahasattva upholds is supported by five things. What are these five? They are: 1) faith, 2) feeling ashamed of oneself for any sin that one has committed, 3) feeling ashamed of others, for any sin they have committed, 4) a good friend of the Way, and 5) respect-adding [increasing] shila. Because one segregates oneself from the five overshadowings [“panca-avaranani”]. Because what one sees is pure, as one is separate from the five distorted views [“panca-drstayah”]. There is no element of doubt, since one is away from the five doubts, which are doubting: 1) the Buddha, 2) Dharma, 3) Sangha, 4) shila, and 5) nonindolence. The Bodhisattva then gains the five roots, which are: 1) faith, 2) remembrance, 3) effort, 4) meditation, and 5) Wisdom. Through the five roots, he gains the five kinds of Nirvana, which are emancipation from: 1) rupa [body, matter] down to consciousness [i.e. emancipation from the five skandhas]. This is the Bodhisattva’s pure upholding of shila. This is not of the secular world. O good man! This is what the secular world does not know, see, or realise. This is what the Bodhisattva knows, sees, and realises.

"O good man! If any of my disciples uphold, recite, copy and speak about the Great Nirvana Sutra and violate the moral precepts, people will reproach them, look down upon them, and say: "If the Mahaparinirvana which the Buddha closely guards is supposed to have power, how come that it makes you thus violate the moral precepts which you have received? If it is the case that anybody upholding this Nirvana Sutra breaks the prohibitive rules, know that this sutra has no power. If it has no power, there can never be any merit [from it], even if one recites it." By belittling and transgressing against this Nirvana Sutra, all innumerable and boundless [numbers] of people have to fall into hell. Anyone who upholds this sutra and breaks the moral rules is a very bad teacher of the Way. Such is no disciple of mine, but one of Mara’s kindred. I do not permit such a person to hold this sutra. It is better not to allow such a person to receive, possess and practise than to allow him to transgress, uphold and practise shila.

"O good man! Any disciple of mine, when upholding, reciting, copying, or speaking about the Nirvana Sutra, should be serious in the deportment of his body and mind and should be careful not to play around and behave lightly. What refers to body is "playing around"; what refers to mind is "behaving lightly". The mind that seeks "is" is what "behaves lightly"; the body that does many things is that which "plays around" . Any of my disciples who seek " is" and act cannot receive and hold this Mahayana Great Nirvana Sutra. Should any [such] be holding this sutra, people will belittle and reproach him, saying: "If the Buddha’s close-guarded Nirvana Sutra possesses any power, how can it be that he permits you to seek "is" and act? If anyone who holds this sutra seeks "is" and acts, know that this sutra has no power. If it cannot generate any great power, it is useless to possess this sutra." When a person thus belittles this sutra, innumerable and boundless [numbers of] beings will have to fall into hell. Should a person possess this sutra, see " is" and act, such a person is none but the worst friend of the Way. Such a person is not one of my disciples, but a kindred of Mara.

"And next, O good man! Any disciple of mine who receives, recites, copies, and speaks about this Nirvana Sutra should not speak about it at an untimely moment, in a land where one should not preach, not when one is not asked to preach, not with a light mind, not in all places, not speak about it, praising it by oneself, not speak of it while belittling others, not by killing the Buddhist teaching, and not by burning out secular dharma. O good man! If any of my disciples receive and hold this sutra and speak about it at an untimely moment or down to burning off of secular dharma, people will belittle it and say: "If there is any great power in the Buddha’s closely guarded Great Nirvana, how can it allow you to speak of it at an untimely moment or burning out secular dharma? If a person who possesses this sutra acts like this, then know that this sutra has no power. If it has no power, there is no benefit [to be had from it], even if you hold it." Through belittling this Nirvana Sutra, innumerable beings are caused to fall into hell. If one receives and upholds this sutra and speaks of it on untimely occasions down to burning off of secular dharma, such a person is the worst friend of all beings. Such a one is not a disciple of mine, but is of Mara’s kindred.

"O good man! What is required first of all of anyone who desires to keep this sutra, who speaks of Great Nirvana, who speaks of the Buddha-Nature, who speaks of the hidden Dharma of the Tathagata, who speaks of Mahayana, who speaks of the vaipulya sutras, who speaks of the sravaka vehicle, who speaks of the pratyekabuddha vehicle, who sees the Buddha-Nature, is to make the body pure. When the body is pure, there can be no grounds for reproaching. When there is nothing to reproach, this enables beings to gain the pure mind in this Great Nirvana. When faith arises, one respects this sutra. One hears a gatha, a line, or a word, or one speaks of Dharma, [and] one aspires to unsurpassed Enlightenment. Know that this person is a true, good teacher of the Way to all beings. Such a person is not a bad teacher of the Way. Such is a disciple of mine and not of Mara’s clan. This is what we mean when we say that the Bodhisattva is not of the world. O good man! This is what the world does not know, see, or realise. This is what the Bodhisattva knows, sees, and realises.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phúc trình A/5630


Hát lên lời thương yêu


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Vào thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.125.240 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...