Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Cách tốt nhất để tiêu diệt một kẻ thù là làm cho kẻ ấy trở thành một người bạn. (The best way to destroy an enemy is to make him a friend.)Abraham Lincoln
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 8 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần năm »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 8 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần năm

(Lượt xem: 13.862)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 8 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần năm

Thiện nam tử! Kinh Phương đẳng như chất cam lộ, mà cũng như thuốc độc.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Vì sao Như Lai nói rằng kinh Phương đẳng ví như cam lộ mà cũng như thuốc độc?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nay ông có muốn biết nghĩa chân thật của tạng Như Lai sâu kín hay chăng?”

Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Nay con quả thật muốn biết nghĩa chân thật của tạng Như Lai sâu kín.”

Lúc ấy, đức Phật liền thuyết kệ rằng:

Có kẻ uống cam lộ,
Hại mạng mà chết yểu,
Có kẻ uống cam lộ,
Đời sống được lâu dài.
Kẻ uống thuốc độc, sống,
Người uống thuốc độc, chết.
Vô ngại trí cam lộ,
Ấy là kinh Đại thừa.
Kinh Đại thừa như vậy,
Cũng gọi là độc dược.
Như bơ sữa, đề-hồ,
Cùng các món đường phèn.
Tiêu hóa được là thuốc,
Không tiêu hóa thành độc.
Kinh Phương đẳng cũng thế:
Cam lộ với người trí,
Kẻ ngu mê tánh Phật,
Nếu dùng hóa thành độc.
Với Thanh văn, Duyên giác,
Đại thừa là cam lộ.
Như trong các món ăn,
Sữa là ngon hơn hết.
Cũng vậy người tinh tấn,
Nhờ nương theo Đại thừa,
Đạt cảnh giới Niết-bàn,
Thành bậc thánh kiệt xuất.
Chúng sanh rõ tánh Phật,
Đều như Ca-diếp đây,
Uống cam lộ vô thượng:
Không sanh cũng không chết.
Ca-diếp! Các ông nên,
Khéo phân biệt Tam quy.
Tánh của Tam quy đó,
Thật là tánh của ngã.
Nếu biết quán sát kỹ:
Tánh ngã có tánh Phật.
Nên biết người như vậy,
Được vào tạng sâu kín,
Biết ngã và ngã sở,
Người ấy đã xuất thế.
Tánh Tam bảo, Phật pháp
Đáng tôn kính hơn hết.
Như ta vừa thuyết kệ,
Tánh ấy nghĩa như vậy.

Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp liền đọc kệ rằng:

Con quả thật không biết,
Chỗ quy y Tam bảo.
Làm cách nào quy ngưỡng,
Bậc cao nhất chẳng sợ?
Chẳng biết chỗ Tam bảo,
Làm sao tu vô ngã?
Nương Phật như thế nào,
Cho được sự an ổn?
Nương theo pháp thế nào?
Xin vì con giảng rõ.
Làm sao được tự tại?
Làm sao không tự tại?
Quy y Tăng thế nào,
Được lợi ích cao nhất?
Thuyết chân thật thế nào,
Đời sau thành Phật đạo?
Nếu đời sau chẳng thành,
Làm sao nương Tam bảo?
Con nay chưa dự biết,
Thứ tự việc quy y.
Vì sao chưa mang thai,
Đã khởi ý có con?
Nếu đang khi có thai,
Gọi đó là có con.
Như con ở trong thai,
Ngày sanh còn không lâu,
Đó là nghĩa có con.
Nghiệp chúng sanh cũng thế.
Theo như lời Phật thuyết,
Kẻ ngu không hiểu nổi.
Do chỗ không hiểu đó,
Chịu sanh tử luân hồi.
Giả danh ưu-bà-tắc,
Chẳng biết nghĩa chân thật.
Xin Phật rộng phân biệt,
Trừ dứt sạch lòng nghi.
Như Lai đại trí huệ,
Xin xót thương phân biệt.
Thuyết dạy tạng Như Lai,
Quý báu và sâu kín.

Đức Phật liền nói kệ đáp rằng:

Ca-diếp! Ông nên biết:
Nay vì ông khai mở,
Tạng vi diệu sâu kín,
Khiến ông dứt lòng nghi.
Hãy hết lòng lắng nghe.
Ông và chư Bồ Tát,
Cùng đức Phật thứ bảy,
Là đồng một danh hiệu.
Người quy y nơi Phật,
Ưu-bà-tắc chân chánh,
Suốt đời chẳng quy y,
Với các vị thiên thần.
Người quy y nơi Pháp,
Liền bỏ việc giết hại.
Người quy y Thánh tăng,
Chẳng cầu nơi ngoại đạo.
Nương Tam bảo như vậy,
Được chỗ không sợ sệt.

Bồ Tát Ca-diếp liền đọc kệ bạch Phật rằng:

Con nương theo Tam bảo,
Gọi đó là đường chánh.
Cảnh giới của chư Phật,
Tam bảo đều như nhau.
Thường có tánh đại trí.
Tánh ngã cùng tánh Phật,
Vốn không hai, không khác.
Đạo này, Phật khen ngợi,
Chỗ chánh tấn ở yên,
Cũng gọi Chánh biến kiến,
Nên được Phật ngợi khen.
Con theo đường Vô thượng,
Bậc Thiện thệ ngợi khen,
Là cam lộ bậc nhất,
Vạn hữu thật không có!

Khi ấy, Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Nay ông chẳng nên phân biệt Tam bảo [theo cách] như hàng Thanh văn và phàm phu. Trong pháp Đại thừa không có tướng phân biệt Ba pháp quy y. Vì sao vậy? Ở trong tánh Phật vốn đã có Pháp, có Tăng. Vì muốn hóa độ hàng Thanh văn, phàm phu nên mới phân biệt nói các tướng khác nhau giữa Ba quy y.

“Thiện nam tử! Nếu muốn tùy thuận pháp thế gian thì phải phân biệt có Ba pháp quy y. Thiện nam tử! Bồ Tát nên suy xét như thế này: ‘Nay ta đem thân này quy y với Phật. Ví như với thân này ta được thành Phật đạo, khi thành Phật rồi ta chẳng nên cung kính lễ bái, cúng dường chư Thế Tôn. Vì sao vậy? Vì chư Phật đều bình đẳng như nhau, đều là chỗ quy y của chúng sanh.

“Nếu muốn tôn trọng pháp thân xá-lợi, thì nên cung kính các tháp miếu Phật. Vì sao vậy? Vì muốn hóa độ chúng sanh, ta cũng khiến cho chúng sanh đối với thân ta tưởng là tháp miếu mà lễ bái cúng dường. Những chúng sanh như vậy lấy pháp thân ta làm chỗ quy y. Tất cả chúng sanh đều quy y pháp tà ngụy chẳng chân, ta sẽ lần lượt thuyết cho họ nghe những pháp chân thật. Lại có những kẻ quy y tăng không chân thật, ta sẽ làm vị tăng chân chánh cho họ quy y.

“Như có những ai phân biệt Ba chỗ quy y, ta sẽ là chỗ quy y duy nhất cho họ, không có ba chỗ khác nhau.

“Đối với kẻ mù từ thuở mới sanh, ta sẽ là mắt của họ.

“Đối với hàng Thanh văn, Duyên giác, ta cũng sẽ là chỗ quy y chân thật của họ.

“Thiện nam tử! Vị Bồ Tát như vậy, vì muốn cứu độ vô lượng chúng sanh tà ác cũng như hàng trí giả cho nên làm mọi Phật sự.

“Thiện nam tử! Ví như có người khi vào trận chiến đấu khởi lên ý nghĩ rằng: ‘Ở đây ta là người tài giỏi nhất, tất cả quân lính đều nương cậy nơi ta.’

“Lại như có vị vương tử suy nghĩ rằng: ‘Ta sẽ khuất phục tất cả các vương tử khác, ta sẽ nối nghiệp bá vương của Đại vương mà được tùy ý hành xử, làm cho các vị vương tử khác đều phải nương tựa theo ta. Bởi vậy không nên sanh tâm thấp hèn yếu kém.’ Như các vị vua, vương tử, đại thần cũng đều như thế.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại cũng như thế, khởi ý nghĩ này: ‘Làm sao đem cả ba việc đồng vào một thể với ta?’ Thiện nam tử! Ta chỉ bày ba việc, tức là Niết-bàn. Như Lai đó, gọi là bậc Vô thượng sĩ. Ví như thân người ta, cái đầu là cao nhất, chẳng phải các chi tiết khác như tay, chân... Phật cũng như thế, là bậc cao trổi hơn hết, chẳng phải là Pháp, là Tăng. Vì muốn hóa độ hết thảy chúng sanh trong thế gian nên thị hiện các tướng trạng khác nhau, ví như các nấc trong một cái thang vậy. Vì thế nay ông chớ nên thọ trì [theo cách] như kẻ phàm phu ngu si, hiểu biết [phân biệt các] tướng khác nhau của Tam quy. Ở trong Đại thừa, ông hãy quyết đoán một cách mạnh mẽ, nhanh lẹ, như con dao cứng rắn sắc bén vậy.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Con vốn đã biết mà thưa hỏi chứ chẳng phải không biết. Đó là con vì hàng Bồ Tát rất dũng mãnh mà thưa hỏi về chỗ hạnh thanh tịnh không uế nhiễm, muốn được Như Lai vì chư Bồ Tát mà phân biệt rộng thuyết sự việc lạ lùng đặc biệt, xưng dương kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Nay Như Lai đem lòng đại bi khéo thuyết giảng, con cũng được trụ yên như vậy trong đó. Chỗ hạnh thanh tịnh của Bồ Tát mà Như Lai thuyết giảng, tức là tuyên thuyết kinh Đại Niết-bàn này vậy.

“Bạch Thế Tôn! Nay con cũng sẽ vì chúng sanh mà hiển dương tạng Như Lai sâu kín ấy, con cũng sẽ rõ biết Ba chỗ quy y chân thật. Nếu chúng sanh nào có thể tin nhận kinh Đại Niết-bàn này, liền tự nhiên thấu rõ được Ba chỗ quy y. Vì sao vậy? Vì tạng Như Lai sâu kín vốn có tánh Phật. Những ai tuyên thuyết kinh điển này, thảy đều nói rằng: ‘Trong thân chúng ta đây đều có tánh Phật.’ Những người như vậy, ắt chẳng tìm cầu ba chỗ quy y ở đâu xa. Vì sao vậy? Trong tương lai, tự thân mình sẽ thành tựu Tam bảo. Vì thế mà hàng Thanh văn, Duyên giác và những chúng sanh khác thảy đều nương theo mình, cung kính lễ bái.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Chính vì nghĩa ấy nên phải khéo học hỏi tu tập kinh điển Đại thừa.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch rằng: “Tánh Phật như vậy không thể nghĩ bàn! Ba mươi hai tướng tốt với tám mươi vẻ đẹp cũng không thể nghĩ bàn!”

Lúc ấy, Phật ngợi khen Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Ông đã thành tựu trí huệ sâu xa sáng suốt. Nay ta lại sẽ vì ông giảng rõ sự thể nhập vào tạng Như Lai.

“Nếu ngã là tồn tại, vậy là pháp thường còn chẳng lìa sự khổ. Nếu không có ngã thì việc tu hành thanh tịnh thật chẳng có ích lợi gì.

“Nếu nói các pháp thảy đều không có ngã tức là đoạn kiến. Nếu nói rằng có cái ngã tồn tại, tức là thường kiến.

“Nếu nói rằng hết thảy các hành đều không thường còn tức là đoạn kiến. Nếu nói rằng các hành đều thường còn, lại cũng là thường kiến.

“Nếu nói [tất cả các pháp đều là] khổ tức là đoạn kiến, nếu nói [tất cả các pháp đều là] vui, lại cũng là thường kiến.

“Tu tập [theo tư tưởng] tất cả các pháp đều thường tồn sẽ rơi vào đoạn kiến. Tu tập [theo tư tưởng] tất cả các pháp đều đoạn diệt sẽ rơi vào thường kiến. Ví như con sâu đo, phần thân sau phải di chuyển nương theo phần thân trước. Người tu tập [theo các tư tưởng] thường hay đoạn cũng giống như vậy, phải phụ thuộc vào nhân đoạn hay nhân thường.

“Vì nghĩa ấy, tu tập các pháp [môn] khác, khổ gọi là bất thiện; tu tập các pháp [môn] khác, lạc gọi là thiện; tu tập các pháp [môn] khác, vô ngã là phiền não; tu tập các pháp [môn] khác, thường gọi là tạng sâu kín của Như Lai, đó là nói Niết-bàn không có nơi nương náu trú ngụ; tu tập các pháp vô thường khác tức là tiền của; tu tập các pháp thường khác là nói Phật, Pháp, Tăng và giải thoát chân chánh.

“Nên rõ biết chỗ trung đạo của Phật pháp là như vậy, lìa xa cả hai bên [chấp thường và chấp đoạn] để thuyết pháp chân thật. Những kẻ phàm phu ngu si, nếu đối với pháp này không sanh nghi ngại thì như người bệnh gầy yếu được ăn váng sữa, khí lực liền trở nên nhẹ nhàng, nhanh nhẹn.

“Các pháp hữu, vô thể tánh không nhất định, ví như bốn đại, tánh chẳng giống nhau, thường trái ngược nhau. Người thầy thuốc khéo biết được yếu tố nào thái quá thì làm cho nó suy yếu đi.

“Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, đối với chúng sanh cũng như người thầy thuốc, biết được thể tướng khác nhau của các phiền não, bèn vì chúng sanh mà dứt trừ, khai mở chỉ bày tạng Như Lai sâu kín, tánh Phật thanh tịnh thường còn không biến đổi.

“Nếu nói [tánh Phật] là có, trí huệ lẽ ra không thể nhiễm ô. Nếu nói [tánh Phật] là không tức là nói dối.

“Nếu nói [tánh Phật] là có, lẽ ra chẳng nên lặng thinh, cũng chẳng cần tranh luận biện giải, chỉ cần hiểu thấu được tánh chân thật của các pháp.

“Người phàm phu thường tranh luận biện giải nên không hiểu được tạng Như Lai vi diệu sâu kín. Nếu nói lẽ khổ, người ngu liền cho rằng thân này là vô thường, rằng hết thảy đều là khổ, nhưng không biết rằng trong thân vẫn có tánh lạc.

“Nếu nói lẽ vô thường, người phàm phu lại cho rằng hết thảy các thân đều là vô thường, ví như ngói gạch, đồ gốm chưa nung. Người có trí nên phân biệt, chẳng nên cố chấp rằng hết thảy là vô thường. Vì sao vậy? Vì trong thân ta vốn có hạt giống tánh Phật.

“Nếu nói lẽ vô ngã, kẻ phàm phu sẽ cho rằng hết thảy pháp Phật đều không có ngã. Người có trí nên phân biệt, nói vô ngã đó chỉ là tên gọi không thật. Biết như vậy rồi, chẳng nên sanh lòng nghi ngại.

“Nếu nói rằng tạng Như Lai sâu kín là rỗng không, vắng lặng, người phàm phu nghe vậy bèn nảy sanh quan niệm đoạn diệt. Người có trí nên phân biệt, [rõ biết] Như Lai là thường tồn, không hề biến đổi.

“Nếu nói rằng giải thoát ví như ảo hóa, kẻ phàm phu sẽ cho rằng đạt được giải thoát chân thật là dần dần diệt mất. Người có trí nên phân biệt, bậc Sư tử trong loài người tuy có đến có đi nhưng vẫn thường trụ không biến đổi.

“Nếu nói rằng vô minh là nhân duyên của các hành, kẻ phàm phu nghe rồi liền phân biệt, nảy sanh ý tưởng [phân biệt] hai pháp minh và vô minh. Người có trí hiểu thấu được tánh ấy chẳng phải hai. Tánh chẳng phân hai đó tức là tánh thật.

“Nếu nói rằng các hành là nhân duyên của thức, kẻ phàm phu liền cho rằng đó là hai pháp: hành và thức. Người có trí hiểu thấu được tánh ấy chẳng phải hai. Tánh chẳng phân hai đó tức là tánh thật.

“Nếu nói các pháp thập thiện, thập ác, nên làm, chẳng nên làm, nẻo lành, nẻo dữ, thiện pháp, ác pháp, kẻ phàm phu sẽ cho rằng đó đều là những pháp đối đãi. Người có trí hiểu thấu được tánh ấy chẳng phải hai. Tánh chẳng phân hai đó tức là tánh thật.

“Nếu nói rằng nên tu hết thảy các pháp khổ, kẻ phàm phu sẽ cho rằng có hai pháp phân biệt. Người có trí hiểu thấu được tánh ấy chẳng phải hai. Tánh chẳng hai đó tức là tánh thật.

“Nếu nói rằng hết thảy các hành đều là vô thường, tạng Như Lai sâu kín cũng là vô thường, kẻ phàm phu sẽ cho đó là hai pháp đối đãi. Người có trí hiểu thấu được tánh ấy chẳng phải hai. Tánh chẳng phân hai đó tức là tánh thật.

“Nếu nói rằng hết thảy các pháp đều không có ngã, tạng Như Lai sâu kín cũng không có ngã, kẻ phàm phu sẽ cho đó là hai pháp đối đãi. Người có trí hiểu thấu được tánh ấy chẳng phải hai. Tánh chẳng phân hai đó tức là tánh thật.

“Ngã và vô ngã, tánh chẳng phải hai. Ý nghĩa của tạng Như Lai sâu kín cũng là như vậy, không thể suy lường, vô lượng vô biên, chư Phật thường khen ngợi. Nay trong kinh này ta đã thuyết dạy hết thảy mọi công đức thành tựu.

“Thiện nam tử! Ngã và vô ngã, thể tánh với tướng trạng chẳng phân hai pháp, ông nên cung kính thọ trì như vậy.

“Thiện nam tử! Ông cũng nên bền chí thọ trì, niệm tưởng những kinh điển như thế này. Như trước đây trong kinh Đại Bát-nhã Ba-la mật ta cũng đã có thuyết dạy rằng ngã và vô ngã không có hai tướng trạng.

“Thiện nam tử! Cũng như do nơi sữa mà sanh ra kem sữa, do nơi kem sữa mà có bơ sống, do nơi bơ sống mà có bơ chín, do nơi bơ chín mà có được đề-hồ. Như vậy, kem sữa là do nơi sữa mà sanh ra, hay là tự nó sanh ra, hay là do món khác mà sanh ra? Cho đến đề-hồ, cũng lại như vậy. Nếu do món khác mà sanh ra, tức là do món ấy làm ra, chẳng phải do nơi sữa mà sanh ra. Nếu chẳng phải do sữa mà sanh ra, thì sữa chẳng có tác dụng gì. Nếu như tự nó sanh ra được, lẽ ra không có việc tuần tự nối tiếp nhau từng món sanh ra! Nếu nối tiếp nhau mà sanh ra, ắt là chẳng sanh ra cùng nhau. Nếu chẳng sanh ra cùng nhau thì năm món ấy ắt chẳng sanh ra cùng lúc. Dù chẳng sanh ra cùng lúc, nhưng nhất định là không phải từ nơi khác mà đến.

“Nên biết rằng trong sữa trước đã có sẵn tướng bơ, nhưng vì chất ngọt ở trong đó nhiều nên tướng ấy tự nó chẳng hiện ra được. Cho đến món đề-hồ cũng lại như vậy. Con bò cái kia nhờ ăn uống, nhờ nhân duyên là nước và cỏ, huyết mạch trong thân chuyển biến mà thành sữa. Nếu nó ăn cỏ ngọt, sữa liền trở nên ngọt. Như nó ăn nhằm cỏ đắng, sữa của nó ắt phải đắng. Ở Tuyết Sơn có một thứ cỏ tên là phì-nhị, nếu con bò cái ăn thứ cỏ đó thì sữa liền hóa toàn đề-hồ, chẳng có những màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen. Do nhân duyên là lúa và cỏ, nên màu sắc và mùi vị của sữa có khác.

“Các chúng sanh ở đây, vì nghiệp nhân duyên là sáng suốt và vô minh nên mới phát sanh hai tướng. Nếu vô minh được chuyển hóa thì biến thành sáng suốt. Tất cả các pháp thiện và bất thiện cũng đều như vậy, [thật] không có hai tướng [phân biệt].”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật vừa nói: ‘Trong sữa có kem sữa.’ Nghĩa ấy là thế nào? Thế Tôn nếu nói rằng trong sữa nhất định có tướng kem, nhưng vì tướng ấy tinh tế nên không thể thấy, vì sao lại nói do nhân duyên là sữa mà sanh ra kem sữa? Như pháp vốn không có, mới gọi là sanh; nếu đã sẵn có, sao gọi là sanh? Nếu nói rằng trong sữa nhất định có tướng kem, thì ở trong hết thảy các loại cỏ, lẽ ra cũng sẵn có chất sữa. Cũng vậy, trong sữa lẽ ra cũng sẵn có cỏ. Như nói rằng trong sữa nhất định không có kem sữa, vì sao nhờ nơi sữa lại sanh ra kem? Nếu [kem sữa] là pháp vốn không có, sau đó mới sanh ra, vậy sao trong sữa lại chẳng sanh ra cỏ?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Không thể nói nhất định rằng trong sữa có kem hay trong sữa không có kem. Cũng không thể nói rằng do thứ khác mà sanh ra. Nếu nói rằng trong sữa nhất định có kem, tại sao hai món ấy hình thể và mùi vị khác nhau? Vậy nên không thể nói chắc rằng trong sữa đã có sẵn tánh chất kem. Nếu nói rằng trong sữa nhất định không có kem, tại sao từ nơi sữa chẳng sanh ra [những thứ khác như] sừng thỏ? Khi người ta bỏ chất độc vào sữa thì món kem có thể làm chết người. Vậy nên không thể nói rằng trong sữa nhất định không có tánh chất kem. Nếu nói rằng kem do thứ khác mà sanh ra, tại sao nước lã chẳng sanh ra kem? Vậy nên không thể nói rằng kem do thứ khác sanh ra.

“Thiện nam tử! Do nhân duyên là cỏ mà con bò cái đã ăn vào, máu của nó chuyển hóa ra màu trắng; khi cỏ và máu đã không còn nữa, nhờ phước lực của chúng sanh mà [chúng] chuyển hóa thành sữa. Sữa ấy do nơi cỏ và máu [bò] mà ra, nhưng không thể nói là hai [thứ khác biệt], chỉ có thể nói là do nhân duyên mà sanh ra thôi. Từ món kem cho tới món đề-hồ cũng đều như vậy. Vì nghĩa ấy cho nên gọi là món ăn do loài bò cung cấp. Món sữa ấy không còn nữa khi có đủ nhân duyên chuyển thành món kem. Nhân duyên là những gì? Như men, như hơi ấm... Vậy nên gọi là do nhân duyên mà có. Cho đến món đề-hồ cũng là như vậy. Cho nên không thể nói nhất định rằng trong sữa không có tướng kem. Nếu nói ngoài món sữa mà có thể do nơi món khác sanh ra từ món kem cho đến món đề-hồ thì thật là vô lý!

“Thiện nam tử! Sự sáng suốt với vô minh cũng vậy. Nếu kết hợp với các mối phiền não trói buộc, đó gọi là vô minh. Nếu kết hợp với tất cả pháp lành, đó gọi là sáng suốt. Cho nên ta nói rằng không có hai tướng. Bởi nhân duyên ấy, trước đây ta có nói rằng: Tuyết sơn có thứ cỏ tên là phì-nhị, nếu bò cái ăn thứ cỏ ấy thì sữa của nó biến thành đề-hồ. Tánh Phật cũng là như thế.

“Thiện nam tử! Vì chúng sanh bạc phước nên chẳng thấy loài cỏ ấy. Tánh Phật cũng vậy, do phiền não che lấp nên chúng sanh chẳng thấy được. Ví như biển cả, tuy cùng một vị mặn, nhưng trong đó lại có một thứ nước ngon quý có vị như sữa. Ví như Tuyết sơn, tuy thành tựu đủ các công đức, sanh ra nhiều loại thuốc, nhưng cũng có loài cỏ độc. Thân chúng sanh cũng vậy, tuy có bốn đại như loài rắn độc, nhưng trong thân ấy cũng có loài thuốc cực kỳ hay quý: đó là tánh Phật, chẳng phải là pháp do người làm ra, chỉ vì phiền não từ bên ngoài che lấp mất mà thôi. Nếu người dù thuộc hàng sát-lỵ, bà-la-môn, tỳ-xá hay thủ-đà, có thể dứt trừ những phiền não ấy thì đều thấy được tánh Phật, thành đạo Vô thượng.

“Giống như khi trời có sấm sét chuyển mưa thì trên tất cả ngà voi đều sanh ra những vân hoa. Nếu chẳng có sấm sét, vân hoa ấy tất không sanh ra, cũng chẳng có tên gọi. Tánh Phật của chúng sanh cũng vậy, thường bị hết thảy phiền não che lấp, không thể thấy được. Cho nên ta nói rằng chúng sanh không có ‘ngã’.

“Nếu được nghe kinh điển vi diệu Đại Bát Niết-bàn này, ắt sẽ thấy được tánh Phật, như vân hoa trên ngà voi. Tuy được nghe hết thảy Tam-muội của khế kinh nhưng chẳng nghe được kinh này thì chẳng biết được tướng vi diệu Như Lai, cũng như không có sấm sét thì chẳng thấy được vân hoa trên ngà voi.

“Nếu nghe được kinh này tức là biết được tánh Phật trong tạng sâu kín mà hết thảy các vị Như Lai đều thuyết dạy, cũng như khi trời có sấm sét liền thấy vân hoa trên ngà voi.

“Nếu nghe được kinh này liền rõ biết hết thảy vô lượng chúng sanh đều có tánh Phật. Vì nghĩa ấy nên nói rằng Đại Niết-bàn gọi là tạng sâu kín của Như Lai, làm cho pháp thân tăng trưởng, cũng như khi có sấm sét thì những vân hoa trên ngà voi có thể phát triển.

“Vì nghĩa lớn lao ấy nên gọi là Kinh Đại Bát Niết-bàn. Như có kẻ nam người nữ nào có thể học hỏi làm theo kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này, nên biết rằng những người ấy có thể báo đáp ơn Phật, thật là đệ tử Phật.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Kỳ lạ thay, Thế Tôn! Tánh Phật mà Phật thuyết dạy đó rất thâm sâu, khó thấy, khó thể nhập, như sức của hàng Thanh văn, Duyên giác thật chẳng thấu nổi.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Đúng vậy, đúng vậy! Như chỗ xưng tán của ông đó không trái lời dạy của ta.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Tánh Phật ấy thế nào là rất thâm sâu, khó thấy, khó thể nhập?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như có trăm người mù, vì trị bệnh mắt nên tìm đến lương y. Lúc ấy, vị lương y dùng mũi kim vàng mà khơi vào màng mắt, rồi đưa lên một ngón tay, hỏi rằng: ‘Thấy không?’ Người mù nói: ‘Tôi còn chưa thấy.’ Lại đưa lên hai ngón, ba ngón, người mù mới nói rằng đã thấy chút ít.

“Thiện nam tử! Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này cũng như vậy đó, khi Như Lai chưa thuyết dạy, vô lượng Bồ Tát tuy đã thực hành đủ các hạnh ba-la-mật, cho đến hàng Thập trụ vẫn còn chưa thấy được tánh Phật sẵn có. Đến khi Như Lai thuyết dạy rồi, họ liền thấy được đôi chút. Các vị Đại Bồ Tát ấy được thấy [tánh Phật] rồi, thảy đều nói rằng: ‘Lạ thay, Thế Tôn! Chúng con lưu chuyển biết bao lần trong sanh tử, thường bị lẽ vô ngã làm cho lầm lạc, mê loạn.’

“Thiện nam tử! Các vị Bồ Tát như vậy, chứng đắc Thập địa còn chưa thấy rõ được tánh Phật, huống chi hàng Thanh văn, Duyên giác lại có thể thấy được hay sao?

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như người nhìn lên con ngỗng trời, con nhạn đang bay trên không. Đó là hư không chăng? Là ngỗng trời, là nhạn chăng? Nhìn kỹ hồi lâu mới thấy phảng phất hình con ngỗng trời, con nhạn. Hàng Bồ Tát Thập trụ lại cũng như thế, đối với tánh Như Lai, chỉ thấy biết đôi chút mà thôi, huống chi người trong hàng Thanh văn, Duyên giác lại thấy biết được sao?

“Thiện nam tử! Ví như người say rượu kia, chân muốn đi xa, nhưng mắt chỉ thấy mập mờ đường đi. Hàng Bồ Tát Thập trụ cũng vậy, đối với tánh Như Lai chỉ thấy biết đôi chút mà thôi.

“Thiện nam tử! Ví như người khát nước đi giữa đồng hoang. Người ấy khổ bức vì khát, đi khắp nơi tìm nước, thấy một đám cây, trên có những con hạc trắng. Tinh thần người ấy đang mê loạn, không phân biệt được ấy là cây hay là nước. Nhìn kỹ hồi lâu mới biết là hạc trắng với đám cây. Thiện nam tử! Hàng Bồ Tát Thập trụ cũng vậy, đối với tánh Như Lai chỉ thấy biết một phần rất nhỏ mà thôi.

“Thiện nam tử! Ví như có người ở giữa biển cả, rộng đến vô lượng trăm ngàn do-tuần. Người ấy từ xa trông thấy một chiếc thuyền lớn, có đủ lầu gác và những mái chèo, liền nghĩ rằng: ‘Đó là lầu gác, mái chèo hay là hư không?’ Nhìn hồi lâu mới chắc quyết trong lòng, biết đó là lầu gác và những mái chèo. Hàng Bồ Tát Thập trụ, tự trong thân mình thấy được tánh Như Lai cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Ví như có vị vương tử thân thể rất yếu đuối, suốt đêm đi chơi bời, thức cho đến sáng trắng. Bấy giờ, mắt nhìn tất cả chẳng thấy gì tỏ rõ. Hàng Bồ Tát Thập trụ, tuy nơi thân mình thấy được tánh Như Lai nhưng cũng như vậy, không được tỏ rõ.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như một người thư lại của vua, vì bận việc giúp vua đến giữa đêm mới trở về nhà. Nhân khi trời chớp lóe, nhìn thấy một bầy bò, liền nghĩ rằng: ‘Đó là bò chăng? Hay là đám mây, nhà cửa?’ Nhìn một hồi lâu, rồi tuy cũng cho đó là bò nhưng vẫn còn chưa chắc quyết. Hàng Bồ Tát Thập trụ tuy nơi thân mình thấy được tánh Như Lai, nhưng cũng như vậy, vẫn còn chưa chắc quyết.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như vị tỳ-kheo trì giới, nhìn vào bát nước không có trùng nhưng lại thấy tướng trùng. Bèn nghĩ rằng: ‘Trong này có vật lay động, đó là trùng chăng? Hay là bụi đất?’ Nhìn một hồi lâu, tuy biết đó là bụi nhưng cũng không biết một cách thật tỏ rõ. Hàng Bồ Tát Thập trụ tuy nơi thân mình thấy được tánh Như Lai, nhưng cũng giống như vậy, chẳng thấy thật tỏ rõ.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như một người ở trong bóng tối, thoáng thấy đứa trẻ liền nghĩ rằng: ‘Đó là con bò, chim thứu, hay là người ta?’ Nhìn một hồi lâu, mặc dù thấy là đứa trẻ nhưng cũng không thấy được một cách tỏ rõ. Hàng Bồ Tát Thập trụ tuy ở nơi thân mình thấy được tánh Như Lai, nhưng cũng như thế, không thấy được một cách tỏ rõ.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có người ở trong đêm tối, thấy bức tượng vẽ Bồ Tát liền nghĩ rằng: ‘Đó là tượng Bồ Tát, tượng Tự Tại Thiên hay là tượng Đại Phạm Thiên mặc áo nhuộm vậy?’ Nhìn một hồi lâu, tuy trong ý biết là tượng Bồ Tát, nhưng cũng không quyết định một cách tỏ rõ. Hàng Bồ Tát Thập trụ tuy ở nơi thân mình thấy được tánh Như Lai, nhưng cũng như thế, không thấy được một cách tỏ rõ.

“Thiện nam tử! Tánh Phật sẵn có như vậy rất thâm sâu, khó thấy biết được, chỉ có Phật thấy biết rõ được, còn hàng Thanh văn, hàng Duyên giác không thể đạt tới. Thiện nam tử! Người có trí nên biết phân biệt hiểu tánh Như Lai như thế.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Tánh Phật như vậy thật vi tế, khó thấy. Làm sao mắt phàm có thể thấy được?”

Phật bảo Ca-diếp: “Thiện nam tử! Như cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng kia, người trong Hai thừa cũng không biết nổi, nhưng nhờ có lòng tin theo [những điều thuyết dạy trong] Khế kinh mà có thể biết được.

“Thiện nam tử! Hàng Thanh văn, Duyên giác nhờ tin theo kinh Đại Niết-bàn này mà tự biết trong thân mình có tánh Như Lai, việc này cũng vậy. Thiện nam tử! Vậy nên phải tinh cần tu tập kinh Đại Niết-bàn. Thiện nam tử! Tánh Phật như vậy chỉ có Phật mới biết được, chẳng phải hàng Thanh văn, Duyên giác có thể đạt tới.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Hàng phàm phu có tánh chúng sanh chưa chứng thánh thảy đều nói là có ngã. [Nghĩa ấy là thế nào?]”

Phật dạy: “Ví như có hai người bạn thân, một người là con vua, người kia con nhà nghèo hèn. Hai người ấy cùng qua lại chơi thân với nhau. Bấy giờ, người nghèo thấy vị vương tử có một con dao rất tốt, xinh đẹp vô cùng, trong lòng lấy làm ham thích. Về sau, vương tử mang dao ấy trốn sang nước khác. Người nghèo lại đến nhà khác ngủ nhờ một đêm, khi nằm mộng nói mê rằng: ‘Dao! Dao!’ Người gần bên nghe vậy, liền bắt mang đến chỗ vua. Lúc ấy, vua hỏi người ấy rằng: ‘Nhà ngươi nói dao, vậy dao đó ngươi được ở đâu?’ Người ấy đem việc trước thuật lại đầy đủ, tâu rằng: ‘Như nay bệ hạ có cắt xẻo thân thể tôi, phân rã tay chân tôi để tìm dao ấy, thật cũng chẳng có. Vị vương tử kia với tôi vốn là bạn thân, trước cùng nhau chung sống. Tuy mắt tôi thường trông thấy dao, nhưng chẳng dám sờ đến, huống chi là giữ lấy?’ Vua lại hỏi: ‘Trong lúc ngươi nhìn thấy dao, hình dạng nó giống như cái gì?’ Đáp rằng: ‘Đại vương! Thần trông thấy giống như cái sừng dê đen.’ Vua nghe vậy rồi, vui cười nói rằng: ‘Nay ngươi có thể tùy ý ra đi, đừng lo sợ chi cả. Trong kho tàng của ta còn không có con dao như vậy, huống chi ngươi lại thấy nó khi ở bên vương tử?’

“Lúc ấy, vua liền hỏi quần thần rằng: ‘Các khanh có từng thấy con dao như thế không?” Vua vừa hỏi xong thì băng hà. Triều đình lập một vị vương tử khác lên nối ngôi vua. Vua mới lại hỏi các quan triều thần rằng: ‘Các khanh có từng thấy con dao như thế trong kho chăng?’ Các quan đáp: ‘Chúng tôi đã từng thấy.’ Vua lại hỏi: ‘Hình dạng nó giống như cái gì?’ Đáp rằng: ‘Đại vương! Nó giống như cái sừng dê đen.’ Vua nói: ‘Trong kho tàng của ta, chỗ nào lại có con dao hình dạng như thế?’ Lần lượt bốn vị vua nối tiếp nhau đều tra tìm nhưng không biết được gì.

“Sau đó một thời gian, vị vương tử đã trốn đi ngày trước lại từ nước ngoài trở về, được lập làm vua. Khi đã lên ngôi vua rồi lại hỏi các quan rằng: ‘Các khanh có thấy con dao ấy chăng?’ Đáp rằng: ‘Đại vương! Chúng tôi đều có thấy.’ Vua lại hỏi: ‘Nó giống như vật chi?’ Đáp rằng: ‘Đại vương! Màu sắc nó trong sạch như hoa ưu-bát-la.” Lại có người nói: ‘Nó như cái sừng dê.’ Lại có người khác nói: ‘Màu sắc nó đỏ hồng như lửa.’ Lại có kẻ nói: ‘Nó giống như con rắn đen.’ Lúc ấy vua bật cười lớn, nói rằng: ‘Các khanh thảy đều chẳng thấy được hình dạng thật con dao của ta.’

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại cũng như vậy, xuất hiện ở đời thuyết dạy tướng thật của cái ngã. Thuyết xong liền rời đi, cũng ví như vị vương tử cầm con dao quý đẹp mà trốn sang nước khác. Kẻ phàm phu ngu si nói rằng: ‘Tất cả đều có ngã, có ngã’, cũng ví như người nghèo ngủ ở nhà người khác nói mê rằng: ‘Dao! Dao!’ Hàng Thanh văn, Duyên giác hỏi chúng sanh rằng: ‘Tướng của cái ngã như thế nào?’ Đáp rằng: ‘Tôi thấy tướng cái ngã lớn bằng ngón tay cái.’ Có kẻ lại nói: ‘Nó như hạt gạo, hoặc như hạt lúa lép.’ Cũng có kẻ nói: ‘Cái ngã ở trong tim, chiếu sáng như mặt trời.’ Những chúng sanh ấy chẳng biết tướng của cái ngã, cũng như các vị quan kia chẳng biết hình dạng của con dao. Bồ Tát thuyết dạy tướng ngã như vậy, kẻ phàm phu chẳng hiểu biết, phân biệt ra nhiều cách, tự tạo ra tướng ngã, cũng như hỏi về hình dạng con dao mà đáp rằng giống như sừng dê! Những kẻ phàm phu ấy nối tiếp nhau mà khởi lên các tà kiến. Vì muốn dứt trừ các tà kiến ấy, nên Như Lai mới thị hiện thuyết dạy lẽ vô ngã, cũng như vua kia nói với các quan rằng: ‘Trong kho tàng của ta chẳng hề có con dao như vậy.’

“Thiện nam tử! Cái ngã chân thật mà hôm nay Như Lai thuyết dạy gọi là tánh Phật. Tánh Phật như vậy trong Phật pháp ví như con dao quý đẹp. Thiện nam tử! Như có kẻ phàm phu có thể khéo giảng nói tánh Phật, tức là tùy thuận pháp Phật vô thượng. Nếu có kẻ khéo phân biệt, tùy thuận tuyên thuyết giảng giải tánh Phật, nên biết rằng đó chính là Bồ Tát hiện tướng.”

[Phật bảo Bồ Tát Ca-diếp]: “Thiện nam tử! Hết thảy các môn luận khác, cùng những chú thuật, ngôn ngữ, văn tự, đều là thuyết của Phật, chẳng phải của ngoại đạo.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Thế nào là Như Lai thuyết dạy căn bản của chữ?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ban sơ ta thuyết dạy nửa chữ, lấy đó làm căn bản. Thọ trì các sách luận, chú thuật, văn chương, pháp thật của các ấm. Kẻ phàm phu học căn bản của chữ như vậy, rồi sau mới có thể phân biệt được là đúng pháp hay không đúng pháp.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Chữ mà Phật dạy đó ý nghĩa như thế nào?”

“Thiện nam tử! Có mười bốn âm, gọi là nghĩa của chữ. Chữ được nói ở đây gọi là Niết-bàn, thường trụ nên không lưu chuyển. Nếu không lưu chuyển ắt là không dứt mất. Nếu là không dứt mất tức là thân kim cang của Như Lai. Mười bốn âm này gọi là căn bản của chữ.

“Âm ác nghĩa là không bị phá hoại. Không bị phá hoại gọi là Tam bảo, ví như chất kim cang. Lại nữa, ác nghĩa là không lưu chuyển, rỉ chảy. Không lưu chuyển, rỉ chảy, tức là Như Lai. Chín lỗ của Như Lai không có những chất rỉ chảy, cho nên gọi là không rỉ chảy. Lại nữa, không có chín lỗ nên không lưu chuyển. Không lưu chuyển tức là thường. Thường tức là Như Lai. Như Lai không tạo tác cho nên không lưu chuyển. Lại nữa, ác nghĩa là công đức. Công đức tức là Tam bảo. Vì thế nên gọi là ác.

“Âm a tức là A-xà-lê. A-xà-lê nghĩa là gì? Nghĩa là ở trong thế gian được xưng là thánh. Sao gọi là thánh? Thánh, gọi là không dính mắc, ít ham muốn, biết đủ, cũng gọi là trong sạch, có thể cứu độ chúng sanh vượt ra ngoài Ba cõi, vượt khỏi biển lớn sanh tử. Đó gọi là thánh.

“Lại nữa, a nghĩa là tiết chế điều độ, tu trì giới hạnh trong sạch, thuận theo oai nghi. Lại nữa, a nghĩa là nương theo bậc thánh, nên học mọi oai nghi trong việc tới lui, cử động, cúng dường, cung kính lễ bái Tam Tôn, hiếu dưỡng cha mẹ, tu học Đại thừa. Những kẻ nam người nữ lòng lành giữ đủ các giới cấm cùng các vị đại Bồ Tát đều gọi là bậc thánh. Lại nữa, a gọi là răn dạy, như nói rằng: ‘Các ông nên làm việc như thế này, đừng làm việc như thế này.’ Như ai có thể ngăn chặn những pháp trái oai nghi, gọi là bậc thánh. Vì thế nên gọi là a.

“Âm ức tức là tánh Phật, là hạnh trong sạch rộng lớn không nhơ bợn, dường như vầng trăng tròn. [Đó là nghĩa phân biệt] các ông nên làm như thế này, không nên làm như thế này; thế này là đúng nghĩa, thế này là trái nghĩa; thế này là Phật thuyết, thế này là ma thuyết. Vì thế nên gọi là ức.

“Âm y tức là pháp Phật vi diệu, thâm sâu khó được. Như pháp của các vị vua trời Tự Tại, vua trời Đại Phạm thì gọi là tự tại. Như có thể gìn giữ pháp tất được xưng là hộ pháp. Lại nữa, tự tại cũng gọi là bốn vị hộ thế. Bốn vị tự tại như vậy ắt có thể gìn giữ bảo vệ kinh Đại Niết-bàn, lại cũng có thể tuyên thuyết giảng rộng một cách tự tại.

“Lại nữa, y nghĩa là có thể vì chúng sanh thuyết pháp một cách tự tại. Nhưng y nghĩa là tự tại mà thuyết những gì? Đó là thuyết việc tu tập kinh điển Phương đẳng. Lại nữa, y nghĩa là dứt trừ tật đố, cũng như người ta nhổ bỏ cỏ xấu, khiến cho tất cả đều trở nên tốt lành. Vì thế nên gọi là y.

“Âm úc nghĩa là cao quý nhất, vượt hơn tất cả, phát triển cao nhất trong hết thảy các kinh là Đại Niết-bàn. Lại nữa, úc nghĩa là tánh Như Lai, hàng Thanh văn, Duyên giác chưa từng được nghe. Ví như trong khắp thảy các chốn, cõi Uất-đan-việt về phương bắc là vượt trội hơn hết; nếu Bồ Tát được nghe và thọ trì kinh này thì vượt trội hơn hết trong tất cả chúng. Vì nghĩa ấy, kinh này được gọi là cao quý nhất, vượt trội hơn hết. Vì thế nên gọi là úc.

“Âm ưu, ví như vị của sữa bò là hơn hết trong các vị. Tánh Như Lai lại cũng như thế, là cao quý nhất, hơn hết trong tất cả các kinh, nếu có ai phỉ báng thì nên biết rằng người ấy chẳng khác chi loài bò. Lại nữa, ưu nghĩa là người như thế không có trí huệ, chánh niệm, phỉ báng tạng vi diệu sâu kín của Như Lai. Nên biết rằng người này rất đáng thương xót, lìa xa tạng sâu kín của Như Lai mà nói pháp vô ngã. Vì thế nên gọi là ưu.

“Âm yên tức là Niết-bàn, tánh pháp của chư Phật. Vì thế nên gọi là yên.

“Âm huề là nghĩa Như Lai. Lại nữa, huề tức là trong mọi việc tới lui dừng nghỉ, co lại duỗi ra, mọi cử động của Như Lai không gì là không lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Vì thế nên gọi là huề.

“Âm ô gọi là nghĩa phiền não. Phiền não gọi là các lậu. Như Lai đã vĩnh viễn đoạn trừ hết thảy phiền não. Vì thế nên gọi là ô.

“Âm bào là nghĩa Đại thừa, là nghĩa rốt ráo trong mười bốn âm. Kinh điển Đại thừa lại cũng như vậy, là rốt ráo trong các kinh luật. Vì thế nên gọi là bào.

“Âm am là có thể ngăn che hết thảy những vật bất tịnh, ở trong Phật pháp có thể xả bỏ hết thảy vàng bạc, vật báu. Vì thế nên gọi là am.

“Âm a là nghĩa thừa vượt trội hơn hết. Vì sao vậy? Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này là vượt trội hơn hết trong các kinh. Vì thế nên gọi là a.

“Âm ca là khởi lòng đại từ bi đối với chúng sanh, xem như con ruột của mình, như Phật đối với La-hầu-la, tạo nên ý nghĩa mầu nhiệm hiền thiện. Vì thế nên gọi là ca.

“Âm khư gọi là chẳng phải bạn hiền. Chẳng phải bạn hiền gọi là dơ xấu, tạp nhạp, chẳng tin vào tạng sâu kín của Như Lai. Vì thế nên gọi là khư.

“Âm già gọi là kho chứa. Kho chứa đó là tạng Như Lai sâu kín: Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Vì thế nên gọi là già.

“Âm kính là âm thanh thường còn của Như Lai. Cái gì gọi là âm thanh thường còn của Như Lai? Đó là Như Lai thường trụ chẳng biến đổi. Vì thế nên gọi là kính.

“Âm nga là tướng hư hoại của tất cả các hành. Vì thế nên gọi là nga.

“Âm già tức là nghĩa tu sửa. Điều phục hết thảy chúng sanh nên gọi là nghĩa tu sửa. Vì thế nên gọi là già.

“Âm xa là Như Lai che mát hết thảy chúng sanh, ví như cái lọng lớn. Vì thế nên gọi là xa.

“Âm xà là giải thoát chân chánh, không có tướng già yếu. Vì thế nên gọi là xà.

“Âm thiện là phiền não bao che rậm rạp, ví như rừng rậm. Vì thế nên gọi là thiện.

“Âm nhã là nghĩa trí huệ, biết tánh pháp chân thật. Vì thế nên gọi là nhã.

“Âm trá là trong cõi Diêm-phù-đề thị hiện một nửa thân mà diễn thuyết pháp, ví như một nửa mặt trăng. Vì thế nên gọi là trá.

“Âm thoa là pháp thân đầy đủ, ví như trăng tròn. Vì thế nên gọi là thoa.

“Âm trà, ấy là hạng tăng ngu si, chẳng biết những lẽ thường, vô thường, ví như trẻ con. Vì thế nên gọi là trà.

“Âm tổ là chẳng biết ơn thầy, ví như con dê đực. Vì thế nên gọi là tổ.

“Âm noa là chẳng phải nghĩa thánh, ví như ngoại đạo. Vì thế nên gọi là noa.

“Âm đa là nghĩa Như Lai ở nơi đó bảo các vị tỳ-kheo rằng: ‘Nên lìa sự kinh sợ, ta sẽ vì các ông mà thuyết pháp vi diệu.’ Vì thế nên gọi là đa.

“Âm tha gọi là nghĩa ngu si. Chúng sanh lưu chuyển sanh tử, quay lộn như con tằm, con bọ hung. Vì thế nên gọi là tha.

“Âm đà gọi là bố thí lớn, là nói Đại thừa. Vì thế nên gọi là đà.

“Âm đàn là xưng tán công đức, đó là nói Tam bảo, như núi Tu-di cao ngất, rộng lớn, không thể nghiêng ngã. Vì thế nên gọi là đàn.

“Âm na là Tam bảo trụ yên, không nghiêng ngã lay động, ví như cái then cửa. Vì thế nên gọi là na.

“Âm ba gọi là nghĩa điên đảo. Như nói rằng: ‘Tam bảo thảy đều diệt hết’, nên biết rằng người này tự sanh nghi hoặc. Vì thế nên gọi là ba.

“Âm pha là tai ương của thế gian. Như nói rằng: ‘Lúc thế gian khởi tai ương, Tam bảo cũng diệt mất.’ Nên biết rằng người này ngu si không trí huệ, trái nghịch ý thánh. Vì thế nên gọi là pha.

“Âm bà gọi là Mười sức của Phật. Vì thế gọi là bà.

“Âm phạm gọi là gánh vác việc nặng nề, có thể nhận lãnh gánh vác Chánh pháp vô thượng. Nên biết người này là Đại Bồ Tát. Vì thế nên gọi là phạm.

“Âm ma là sự tiết chế, điều độ nghiêm ngặt và cao cả của các vị Bồ Tát, đó là nói Đại thừa Đại Bát Niết-bàn. Vì thế nên gọi là ma.

“Âm da là nghĩa các vị Bồ Tát bất kỳ ở đâu cũng vì chúng sanh giảng nói pháp Đại thừa. Vì thế nên gọi là da.

“Âm ra là nghĩa có thể phá trừ tham dục, sân khuể, ngu si, giảng nói pháp chân thật. Vì thế nên gọi là ra.

“Âm la gọi là Thanh văn thừa chuyển động chẳng dừng, còn Đại thừa trụ yên nên không nghiêng ngã lay động. Lìa bỏ thừa Thanh văn, tinh cần tu tập Đại thừa vô thượng. Vì thế nên gọi là la.

“Âm hòa là nghĩa Như Lai Thế Tôn vì chúng sanh tuôn mưa pháp lớn, đó là nói các loại chú thuật, kinh sách của thế gian. Vì thế nên gọi là hòa.

“Âm xa là nghĩa lìa xa ba mũi tên. Vì thế nên gọi là xa.

“Âm sa gọi là nghĩa đầy đủ. Như ai nghe được kinh Đại Niết-bàn này, hẳn là đã được nghe và thọ trì hết thảy kinh điển Đại thừa. Vì thế nên gọi là sa.

“Âm ta là nghĩa vì chúng sanh diễn thuyết Chánh pháp, khiến cho trong lòng vui vẻ. Vì thế nên gọi là ta.

“Âm ha gọi là nghĩa trong lòng vui vẻ. Lạ thay, đức Thế Tôn lìa tất cả các hành. Lạ thay! Như Lai nhập đại Niết-bàn! Vì thế nên gọi là ha.

“Âm trà gọi là nghĩa của ma. Vô số các ma không thể hủy hoại tạng Như Lai sâu kín. Vì thế nên gọi là trà. Lại nữa, trà là nghĩa cho đến việc tùy thuận thế gian, thị hiện có cha mẹ, vợ con. Vì thế nên gọi là trà.

“Về bốn chữ ‘lỗ, lưu, lư, lâu’ có bốn nghĩa: Phật, Pháp, Tăng và pháp đối đãi. Nói pháp đối đãi tức là tùy thuận thế gian. Ví như Điều-bà-đạt thị hiện phá hoại chúng tăng, hóa ra mọi thứ hình sắc tướng mạo [xấu ác] vì [để nhân đó Phật mới] chế định giới luật. Người có trí huệ thông suốt chẳng nên sanh lòng sợ sệt đối với việc ấy. Đó gọi là hạnh tùy thuận thế gian. Vì thế nên gọi là lỗ, lưu, lư, lâu.

“[Khi người ta phát âm thì] không khí được đưa vào, lưỡi lại [chuyển động kết hợp] với khoang mũi tạo thành âm thanh khác nhau có dài, có ngắn, tùy theo đó mà hiểu nghĩa. Đều là do ở lưỡi và răng mà có sự khác biệt nhau. Nghĩa của chữ như thế có thể làm cho khẩu nghiệp của chúng sanh trở nên trong sạch. Tánh Phật của chúng sanh chẳng phải như vậy, chẳng phải nhờ ở văn tự rồi sau mới trở nên trong sạch. Vì sao vậy? Vì tánh vốn là trong sạch. Tuy ở trong các ấm, nhập, giới, nhưng chẳng đồng với ấm, nhập, giới. Vì thế mà chúng sanh đều nên quy y nơi tự tánh.

“Các vị Bồ Tát do nơi tánh Phật nên nhìn tất cả chúng sanh không có sự khác biệt nhau. Do đó mà nửa chữ là căn bản của kinh thư, ký luận, văn chương. Lại nữa, nghĩa của nửa chữ tức là căn bản của những lời thuyết dạy về phiền não. Vì thế nên gọi là nửa chữ. Còn trọn chữ mới là căn bản của tất cả những lời thuyết dạy về thiện pháp.

“Ví như ở thế gian, kẻ làm điều ác thì gọi là ‘chẳng nên người’, kẻ tu điều thiện được gọi là ‘nên người’. Hết thảy kinh thư, ký luận như vậy đều là do nơi nửa chữ là căn bản. Nếu nói rằng Như Lai và giải thoát chân chánh đều ở trong nửa chữ thì thật vô lý. Vì sao vậy? Vì lìa khỏi văn tự. Cho nên Như Lai đối với hết thảy các pháp đều không ngăn ngại, không vướng mắc, thật được giải thoát.

“Sao gọi là hiểu rõ nghĩa của chữ? Có người biết rằng Như Lai xuất hiện ở thế gian có thể trừ bỏ nửa chữ, nên gọi là hiểu rõ nghĩa chữ. Như có người chấp chặt nơi nghĩa của nửa chữ, người này chẳng hiểu được tánh Như Lai.

“Sao gọi là nghĩa không có chữ? Người thân cận, tu tập các pháp chẳng lành, đó gọi là không có chữ. Lại nữa, người không có chữ tuy thân cận và tu tập các pháp lành nhưng không biết được Như Lai là thường còn hay không thường còn, lâu dài hay chẳng lâu dài, cùng hai ngôi báu là Pháp và Tăng, đúng luật hay không đúng luật, là kinh hay chẳng phải kinh, là ma thuyết hay Phật thuyết. Nếu không thể phân biệt như vậy thì gọi là chạy theo nghĩa không có chữ. Nay ta đã thuyết xong việc chạy theo nghĩa không có chữ.

“Thiện nam tử! Vậy các ông nên lìa khỏi nửa chữ, khéo hiểu được trọn chữ.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Chúng con thật nên học rành số chữ. Nay chúng con đã được gặp bậc thầy vô thượng, được đức Như Lai ân cần khuyên dạy.”

Phật khen Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Kẻ hâm mộ Chánh pháp nên học hỏi như vậy.”

Bấy giờ, Phật bảo Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Có hai loài chim, một loài tên ca-lân-đề, một loài tên uyên ương, dù khi bay đi hay ngừng đậu đều theo cùng với nhau, chẳng lìa được nhau. Những pháp: khổ, vô thường, vô ngã lại cũng như vậy, chẳng lìa được nhau.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Vì sao những pháp khổ, vô thường, vô ngã này lại giống như chim uyên ương và chim ca-lân-đề kia?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Có những pháp khổ, vui khác nhau; có những pháp là thường, vô thường khác nhau; có những pháp khác là ngã, vô ngã khác nhau.

“Cũng ví như hạt nếp khác với hạt mè, hạt mè lại khác với hạt đậu, hạt lúa và cây mía... Các loại ấy, từ phôi mầm cho đến lá hoa đều là vô thường. Đến khi hạt trái khô chín, dùng được mới gọi là thường. Vì sao vậy? Vì là tánh thật.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu những vật ấy là thường thì đồng với Như Lai hay sao?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nay ông chẳng nên nói ra lời ấy. Vì sao vậy? Như nói [ví dụ rằng] đức Như Lai [lớn lao] như núi Tu-di, nhưng có lẽ nào đến lúc kiếp hoại núi Tu-di sụp đổ, Như Lai lại cũng hư hoại như vậy sao?

“Thiện nam tử! Nay ông chẳng nên nhận giữ ý nghĩa như vậy. Thiện nam tử! Trong tất cả các pháp, chỉ trừ tánh Phật và Niết-bàn, ngoài ra không một pháp nào là thường cả. Chỉ vì thuận theo lẽ thế gian nên mới nói hạt trái là thường.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Lành thay, lành thay! Đúng như lời Phật dạy.”

Phật bảo Ca-diếp: “Đúng vậy, đúng vậy! Thiện nam tử! Tuy là tu tập hết thảy các phép định trong Khế kinh mà chưa nghe được kinh Đại Bát Niết-bàn, đều nói rằng hết thảy là vô thường. Nghe kinh này rồi thì dù có phiền não cũng như không phiền não, liền có thể làm lợi ích cho hết thảy trời, người. Vì sao vậy? Rõ biết thân mình vốn có tánh Phật. Đây mới gọi là thường.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như cây am-la, khi vừa trổ hoa gọi là tướng vô thường. Đến khi có hạt trái, được nhiều lợi ích, mới gọi là thường. Như vậy đó, thiện nam tử! Tuy là tu tập hết thảy các phép định trong Khế kinh nhưng lúc chưa nghe kinh Đại Bát Niết-bàn đều nói rằng hết thảy là vô thường. Nghe kinh này rồi thì dù có phiền não cũng như không phiền não, liền có thể làm lợi ích cho hết thảy trời, người. Vì sao vậy? Rõ biết tự thân vốn có tánh Phật. Đây mới gọi là thường.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như chất khoáng vàng, khi nung chảy ra gọi là tướng vô thường. Nung chảy xong đã [tinh luyện] thành vàng ròng, được nhiều lợi ích, mới gọi là thường. Như vậy đó, thiện nam tử! Tuy là tu tập hết thảy các phép định trong Khế kinh, nhưng lúc chưa nghe kinh Đại Bát Niết-bàn đều nói rằng hết thảy là vô thường. Nghe kinh này rồi thì dù có phiền não cũng như không phiền não, liền có thể làm lợi ích cho hết thảy trời, người. Vì sao vậy? Rõ biết tự thân vốn có tánh Phật. Đây mới gọi là thường.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như những hạt mè khi chưa mang đi ép gọi là vô thường. Khi ép xong thành dầu mè, được nhiều lợi ích, mới gọi là thường. Như vậy đó, thiện nam tử! Tuy là tu tập hết thảy các phép định trong Khế kinh, nhưng lúc chưa nghe kinh Đại Bát Niết-bàn đều nói rằng hết thảy là vô thường. Nghe kinh này rồi thì dù có phiền não cũng như không phiền não, liền có thể làm lợi ích cho hết thảy trời, người. Vì sao vậy? Rõ biết tự thân vốn có tánh Phật. Đây mới gọi là thường.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như các dòng sông đều chảy về nơi biển. Hết thảy các phép định Tam-muội trong Khế kinh đều quy về kinh Đại thừa Đại Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì rốt ráo khéo dạy rằng có tánh Phật.

“Thiện nam tử! Vì vậy nên ta nói rằng: Có những pháp là thường, vô thường khác nhau, cho đến [ngã], vô ngã cũng là như vậy.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Lai đã lìa xa mũi tên độc là sự lo nghĩ thương tưởng.

“Lo nghĩ thương tưởng gọi là chư thiên; Như Lai chẳng phải hàng chư thiên. Có lo nghĩ thương tưởng gọi là người; Như Lai chẳng phải là người. Lo nghĩ thương tưởng gọi là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Như Lai chẳng phải [thuộc về] hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Vì vậy Như Lai không có lo nghĩ thương tưởng. Vì sao [con từng nghe Phật] nói rằng Như Lai có lo nghĩ thương tưởng?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! [Ví như] cõi trời Vô tưởng gọi là không có sự nghĩ tưởng. Nếu không có sự nghĩ tưởng, ắt là không có thọ mạng. Nếu không có thọ mạng, làm sao có ấm, giới, nhập? Vì nghĩa ấy nên mạng sống ở cõi trời Vô tưởng không thể nói là có chỗ xác định.

“Thiện nam tử! Ví như vị thần cây, nương theo cây mà ở. Người ta không thể nói nhất định rằng vị ấy nương theo cành cây, lóng cây, thân cây hoặc lá cây. Tuy không có chỗ xác định, nhưng không thể nói là không có. Mạng sống ở cõi trời Vô tưởng cũng là như vậy.

“Thiện nam tử! Pháp Phật cũng như thế, rất sâu xa khó hiểu. Như Lai thật không có sự lo buồn, khổ não, nhưng đối với chúng sanh khởi lòng đại từ bi, thị hiện có lo nghĩ thương tưởng, xem tất cả chúng sanh như La-hầu-la, [như đứa con duy nhất của ngài.]

“Lại nữa, thiện nam tử! Mạng sống ở cõi trời Vô tưởng chỉ riêng Phật mới có thể biết rõ mà thôi, ngoài ra không ai biết được. Cho đến ở cõi Phi tưởng phi phi tưởng cũng vậy.

“Ca-diếp! Tánh Như Lai là thanh tịnh, không nhiễm ô, như thân biến hóa, sao lại có sự lo buồn, khổ não ở nơi nào? Nhưng nếu nói rằng Như Lai không có sự lo nghĩ thương tưởng, làm sao Ngài có thể làm lợi ích hết thảy chúng sanh, rộng truyền pháp Phật? Nếu nói là không có [sự lo nghĩ thương tưởng], sao có thể nói rằng Như Lai xem tất cả chúng sanh đồng như La-hầu-la? Nếu [nói Như Lai] không xem chúng sanh đồng như La-hầu-la thì đó ắt là lời nói dối trá.

“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên Phật không thể nghĩ bàn, Pháp cũng không thể nghĩ bàn; tánh Phật của chúng sanh không thể nghĩ bàn, mạng sống ở cõi trời Vô tưởng cũng không thể nghĩ bàn. Như Lai có lo nghĩ hay không lo nghĩ, đó là cảnh giới của Phật, không phải chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể biết được.

“Thiện nam tử! Ví như ở giữa không trung thì nhà cửa, bụi đất không thể đứng vững, nhưng nếu nói rằng nhà cửa không nương nơi hư không mà trụ thì thật vô lý. Vì nghĩa ấy, không thể nói rằng nhà cửa trụ nơi hư không hoặc chẳng trụ nơi hư không. Những kẻ phàm phu tuy nói rằng nhà cửa trụ nơi hư không, nhưng hư không ấy thật không có chỗ trụ. Vì sao vậy? Vì tánh [thật vốn] là không trụ.

“Thiện nam tử! Cái tâm cũng thế, không thể nói rằng có trụ nơi ấm, giới, nhập hoặc là không trụ. Mạng sống ở cõi trời Vô tưởng cũng là như vậy, sự lo nghĩ thương tưởng của Như Lai cũng là như vậy. Nếu không có lo nghĩ thương tưởng, sao lại nói rằng xem tất cả chúng sanh đồng như La-hầu-la? Còn nếu nói rằng có, sao có thể nói rằng tánh [Như Lai] đồng với hư không?

“Thiện nam tử! Ví như một ảo thuật gia, dùng phép hóa ra mọi thứ cung điện, các việc như giết hại, nuôi dưỡng, trói buộc, buông thả, cùng là hóa ra vàng, bạc, lưu ly, vật báu, rừng rậm, cây cối... thảy đều không có tánh thật. Như Lai cũng thế, tùy thuận thế gian mà thị hiện sự lo nghĩ thương tưởng, nhưng [đều là] không thật có.

“Thiện nam tử! Như Lai đã vào Đại Niết-bàn, làm sao lại có sự lo buồn, khổ não? Nếu [ai] cho rằng Như Lai vào Niết-bàn là vô thường, nên biết rằng người ấy ắt có sự lo buồn. Nếu [ai] nói rằng Như Lai chẳng vào Niết-bàn, thường trụ không biến đổi, nên biết rằng người ấy không có sự lo buồn. Như Lai có lo buồn hay không, thật không ai có thể biết được.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như người hạ lưu chỉ có thể biết việc hạ lưu, không biết được việc của hàng trung lưu, thượng lưu. Người trung lưu biết việc trung lưu, chẳng biết được việc của hàng thượng lưu. Còn người thượng lưu chẳng những biết việc thượng lưu, lại còn biết luôn các việc của hàng trung lưu và hạ lưu.

“Những người trong hàng Thanh văn, Duyên giác cũng vậy, đều chỉ hiểu biết trong phạm vi của mình mà thôi. Như Lai không phải thế, ngài biết được cả phạm vi của mình và phạm vi của mọi người khác. Cho nên Như Lai gọi là trí huệ không ngăn ngại, tùy thuận thế gian mà thị hiện mọi sự ảo hóa. Phàm phu mắt thịt cho [sự ảo hóa] đó là chân thật nhưng lại muốn biết được hết trí vô ngại vô thượng của Như Lai, việc ấy thật vô lý. Có lo buồn hay không, chỉ riêng Phật có thể biết mà thôi. Bởi nhân duyên này, [ta nói] có những pháp hữu ngã, vô ngã khác nhau. Vì thế nói là như tánh của chim uyên ương và chim ca-lân-đề.

“Lại nữa, thiện nam tử! Phật pháp ví như [đôi] chim uyên ương cùng đi với nhau. Chim ca-lân-đề và chim uyên ương, vào giữa mùa hạ, lúc nước dâng lên thì chọn vùng đất cao mà đặt chim con để tiện việc nuôi dưỡng. Sau đó mới trở lại chốn cũ mà yên ổn dạo chơi. Như Lai xuất hiện ở đời cũng vậy, giáo hóa vô lượng chúng sanh, làm cho trụ nơi Chánh pháp. Cũng như chim uyên ương và ca-lân-đề kia chọn vùng đất cao mà đặt chim con, Như Lai cũng vậy, khiến cho chúng sanh làm xong công việc của họ rồi, ngài mới nhập Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Đây gọi là có những pháp khổ, vui khác nhau. Các hành đều là khổ, Niết-bàn là vui, nhiệm mầu bậc nhất vì đã phá trừ hết thảy các hành.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Vì sao chúng sanh được Niết-bàn gọi là vui nhất?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như ta có dạy, các hành hòa hợp gọi là già chết.

Cẩn thận không phóng dật,
Chính là thuốc trường sanh.
Phóng dật, không cẩn thận,
Là đi vào cõi chết.
Nếu ai không phóng dật,
Sẽ đạt sự bất tử,
Những ai thường phóng dật,
Luôn đi theo đường chết.

“Nếu người phóng dật thì gọi là pháp hữu vi; pháp hữu vi đó là khổ bậc nhất. Nếu người không phóng dật thì gọi là Niết-bàn, Niết-bàn ấy gọi là cam lộ, an vui bậc nhất. Nếu chạy theo các hành thì gọi là chỗ chết, chịu khổ bậc nhất. Nếu đạt tới Niết-bàn thì gọi là bất tử, thọ hưởng sự an vui mầu nhiệm bậc nhất. Nếu không phóng dật, tuy có gồm tụ các hành cũng gọi là thường, vui, bất tử, thân không bị phá hoại. Thế nào là phóng dật? Thế nào là không phóng dật? Những kẻ phàm phu chưa chứng thánh gọi là phóng dật, là pháp thường [chịu sự già] chết. Thánh nhân xuất thế là không phóng dật, không có sự già chết. Vì sao vậy? Vì vào cảnh Niết-bàn thường tồn, an vui bậc nhất. Vì nghĩa ấy nên có những pháp khổ, vui khác nhau; có những pháp ngã, vô ngã khác nhau.

“Ví như người đứng ở mặt đất ngước nhìn trên không, chẳng thấy dấu chân chim. Thiện nam tử! Chúng sanh cũng thế, [vì] không có thiên nhãn [nên] ở trong phiền não không tự thấy có tánh Như Lai. Cho nên ta mới chỉ dạy lẽ vô ngã sâu kín. Vì sao vậy? Những kẻ không có thiên nhãn chẳng biết được cái ngã chân thật, nên cố chấp sai lầm là có ngã. Do nơi các phiền não tạo ra những việc hữu vi, tức là vô thường. Cho nên ta nói rằng có những pháp thường, vô thường khác nhau.

Bậc tinh cần dũng mãnh,
Khi ở tại đỉnh núi,
Đất bằng hay đồng hoang,
Thường thấy hàng phàm phu.
Lên điện trí huệ lớn,
Đài vô thượng vi diệu,
Tự dứt trừ buồn khổ,
Còn thấy chúng sanh khổ.

“Như Lai đã dứt hết vô lượng phiền não, vững vàng trên núi trí huệ, nhìn thấy chúng sanh thường ở trong vô lượng phiền não.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Như bài kệ Phật vừa thuyết dạy đó, nghĩa lý không hợp. Vì sao vậy? Vào Niết-bàn rồi thì không có lo buồn, không có vui vẻ. Làm sao lại lên điện đài trí huệ? Làm sao lại vững vàng trên đỉnh núi mà nhìn thấy chúng sanh?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Điện trí huệ đó tức là Niết-bàn. Người không lo buồn ấy là Như Lai. Người có lo buồn gọi là phàm phu. Vì phàm phu có lo buồn nên Như Lai không lo buồn. Đỉnh núi Tu-di là nói giải thoát chân chánh. Người chuyên cần tinh tấn ví như núi Tu-di không hề động chuyển. Mặt đất là hạnh hữu vi. Những người phàm phu ở yên trên đất ấy mà tạo tác các hành. Người trí huệ gọi là Chánh giác, lìa khỏi chấp hữu, thường trụ nên gọi là Như Lai. Như Lai thương xót vô lượng chúng sanh thường bị trúng tên độc chấp hữu, cho nên nói là Như Lai có sự lo nghĩ thương tưởng.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu nói Như Lai có sự lo nghĩ thương tưởng thì không thể xưng là bậc Chánh giác!”

Phật dạy: “Ca-diếp! Đó đều là có nhân duyên, tùy nơi nào chúng sanh muốn được giáo hóa, Như Lai thị hiện thọ sanh nơi đó. Tuy thị hiện thọ sanh, nhưng thật không có sanh. Vì vậy Như Lai gọi là pháp thường trụ, như các loài chim ca-lân-đề, uyên ương.

Chapter Twelve: On the Nature of the Tathagata

"O good man! The vaipulya sutras are like amrta [ambrosia, nectar] and poison." Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "Why, O Tathagata, do you say that the vaipulya sutras are [both] amrta and poison?" The Buddha said: "O good man! Do you desire to be informed about the hidden storehouse of the Tathagata?" Kasyapa said to the Buddha: "I now really do desire to learn the signification of the hidden store of the Tathagata."

Then the Tathagata said in a gatha:

"There is a person who takes amrta [ambrosia/ nectar], harms life, and dies early,
Or another, who takes amrta and gains a long life,
Or one who takes poison and gains life,
Or another who takes poison and dies.
The unhindered [unobstructed] Wisdom, which is amrta,
Is none other than the Mahayana sutras.
And such Mahayana sutras are what also contain poison.
It is like butter, sarpirmanda or rock candy,
Which, when taken and digested, act as medicine
If not digested, then they are nothing but poison.
It is the same with the vaipulya sutras.
The wise make of them amrta,
and the ignorant, not knowing
The value of the Buddha-Nature, make of them poison.
Sravakas and pratyekabuddhas make of the Mahayana amrta.
This is like milk, which is foremost in taste.
Those who work thus and make progress
Ride in the Mahayana, gain the shore of Nirvana, and become elephant kings of men. [Such] beings know of the Buddha-Nature, as with Kasyapa.
This superb amrta is birthlessness and deathlessness. O Kasyapa!
You whould now analyse the Three Refuges:
Just as is the intrinsic being [svabhava] of the Three Refuges,
So indeed is my intrinsic being [svabhava].
If a person is able truly to discern
That his/ her intrinsic being possesses the Buddha-dhatu [Buddha-Nature],
Then you should know that such a person
Will enter into the Secret Matrix [ = the Tathagatagarbha].
That person who knows the Self [atman] and what belongs to the Self [atmiya]
Has already transcended the mundane world.
The nature of the Three Jewels, the Buddha, the Dharma [and the Sangha]
Is supreme and most worthy of respect;
As in the verse which I have uttered,
The meaning of its nature is thus."

Then, Kasyapa said in a gatha:

"I do not know how to take refuge
In the Three Treasures, how
To take refuge in unsurpassed fearlessness.
Knowing not the place of the Three Treasures,
How can one Gain fearlessness? How can one who takes refuge In the Buddha gain peace, how can one take refuge in Dharma? Condescend to tell me of this! How does one gain Unmolestedness, and how non-unmolestedness?
How does one take refuge in the Sangha and thereby Attain unsurpassed benefit?
How does one gain true sermons, how Buddhahood in the days to come?
If one does not attain it in the days to come,
How can one take refuge in the Three Treasures?
I have nothing to foresee; I shall work my way up step by step.
Without conceiving, can a person think of having a child?
If it is definitely in embryo, we can indeed say that we have a child.
If the child is in the womb, it will not be long before it emerges.
This is the meaning vis-a-vis a child.
The same pertains to the karma of man.
The ignorant cannot know what the Buddha says.
By ignorance, the wheel of birth and death turns.
One who is an upasaka in name only cannot know the true meaning.
Condescend to explain [matters] to me and cut away the web of doubt.
Oh, the great Wisdom of the Tathagata!
Have pity and explain!
I pray, open the closed door
Of the treasure-house of the Tathagata."
"O Kasyapa! I will now for your sake
Open the closed door of the storehouse
and uproot your doubt.
Give ear to what I say with all your heart!
You, all you Bodhisattvas, and the seventh Buddha [i.e. Buddha Kasyapa] Have the same name.
One who takes refuge in the Buddha is a true upasaka.
He no longer takes refuge in all the other gods.
One who takes refuge in Dharma cuts himself away
From harming others.
One who takes refuge
In the holy Sangha does not take refuge in tirthikas.
Thus taking refuge in the Three Treasures,
One attains fearlessness."
Kasyapa said to the Buddha:
"I take refuge in the Three Treasures.
This is the right path,
and this is the world of all Buddhas.
The fact that the two Treasures are equal
Possesses always the nature of great Wisdom.
The nature of the Self and the Buddha-Nature do not differ.
This is the path the Buddha praises;
This is where man rightly steps forwards
And when one abides in peace.
This is true Enlightenment.
This is Buddhahood. I, too, am a “Sugata” [Well-Gone One = Buddha],
And am on the way to unsurpassed Enlightenment praised by all.
This is the best amrta.
This is where there is no [samsaric] existence to name."

Then, the Buddha said to Kasyapa: "O good man! Do not view the Three Treasures as all sravakas and common mortals do. In this Mahayana, there is no distinction between the Three Treasures. Why not? The Buddha-Nature contains within it the Dharma and Sangha. To teach sravakas and common mortals, discrimination is resorted to and the three different aspects are spoken of regarding the Three Treasures. Following the way of the world, distinction is talked about regarding the Three Treasures. O good man! The Bodhisattva will think: "This " I" now takes refuge in the Buddha. If this I attains Enlightenment and Buddhahood, I shall not pay respect, worship or make offerings to all the Buddhas. Why not? For all Buddhas are all-equal. They are all taken refuge in by all beings. If one desires to pay respect to the Dharma-Body and the sharira [relics], one should also pay respect to the stupas of all Buddhas. Why? To guide in all beings. It also makes beings conceive in me a thought of the stupa, to make them worship and make offerings. Such beings make my Dharma-Body the place wherein they take refuge. All beings are grounded upon what is not true and what is false. I shall now, step by step, reveal true Dharma. If there are people who take refuge in monks who are not of the right calibre, I shall become the true refuge for them. If there are those who see the three refuges as distinct, I shall become a single place wherein they can take refuge. So there cannot be any distinction between the three refuges. To one born blind, I shall be his eyes, and to sravakas and pratyekabuddhas I shall become the true refuge." O good man! Such Bodhisattvas enact the works of the Buddha for the sake of innumerable evil beings and all wise people. O good man! There is, as an example, a person here who goes to the battlefield and thinks: "I am the first of all the first of all of these. All soldiers depend on me." Also, it is like the prince who thinks: " I shall conquer all other princes, succeed to the works of a great emperor, gain unmolested [unrestricted] power, and make all other princes pay homage to me. So, let me not entertain a whit of thought of self-surrender." As with the prince of the king, so too with the minister. O good man! The case is the same with the Bodhisattva-mahasattva, and he thinks: "How do the three become one with me?" O good man! I make it [in my teaching] that the thre things are Nirvana. The Tathagata is the unsurpassed one. For example, the head is the highest part of a man’s body, not the other limbs or the hands and legs. The same is the case with the Buddha. He is the most respected, not Dharma or the Sangha. In order to teach the world, he manifests himself diversely. It is like going up a ladder. This being the case, do not regard the three refuges as different, as do common mortals and the ignorant. Abide in the Mahayana as bravely and decisively as a sharp sword."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "I ask about what I know, not what I do not know. I ask about untainted pure actions for the sake of the greatly courageous Bodhisattvas, so that the Tathagata will, for the sake of the Bodhisattvas, proclaim what is wonderful and expound [it], and thus [the Bodhisattvas will] desire to praise the Mahayana vaipulya sutras. The Tathagata, the great Compassionate One, now speaks. I too shall peacefully abide in it. The pure actions of the Bodhisattva are well proclaimed in the Great Nirvana Sutra. O World- Honoured One! I shall now, for the sake of all beings, disseminate the undisclosed store of the Tathagata. Also, I shall now well attest to, and know, the three refuges. If any being believes strongly in the teaching of the Great Nirvana Sutra, such a being will all-naturally clearly attain the three refuges. Why? Because the close-guarded store of the Tathagata possesses the Buddha- Nature. Any person who disseminates this sutra says that one possesses the Buddha-Nature within one’s body. Any such person does not, far out, take refuge in the three [treasures]. Why not? Because one in the life to come perfects the Three Treasures. Because of this, sravakas, pratyekabuddhas, and all others come, worship and pay homage to me. O good man! Because of this, learn Mahayana sutras."

Kasyapa further said: "Buddha-Nature thus cannot be known. The 32 signs of perfection and the 80 minor marks of excellence are also of wonder."

Then the Buddha praised Bodhisattva Kasyapa: " Well said, well said, O good man! You have accomplished the deepest and sharpest of Wisdom. I shall now tell you how one enters the Tathagatagarbha. If Self lives, this is the teaching of " is" . It does not part from suffering. If Self does not exist, there can be no benefit, even if one practises pure actions. If one says that all things do not possess Self, this is but the "not-is" theory [“ucchedika-drsti” - i.e. the world-view of the total negation of any existence, which is the theory of sheer emptiness]. If one says that Self exists, this is the "ever is" theory [“sasvata-drsti” - an erroneous view of life which takes existence as concrete and changeless]. If one says that all things are non-eternal, this is the "not-is" view. If one says that all things exist, this is the "ever is" view. If one says that all is suffering, this is the "not-is". If one says that all things are bliss, this is the " ever is". If a person practises the Way of the "ever is" of all things, such a person falls into the heresy of "not-is". A person who practises the Way according to which all things become extinct falls into " ever is" . This is like the measuring worm, which carries its hind-legs forward by the action of its front-legs. It is the same with the person who practises the " ever is" and the "not-is". The "not-is" stands on [depends on, is based on] the "ever is". Because of this, those of other teachings who practise suffering are called "not-good". Those of other teachings who practise bliss are called " good" . Those of other teachings who practise non-Self are those of illusion. Those of other teachings who practise the " ever is" say that the Tathagata secretly stores [truths away]. So-called Nirvana does not have any grotto or house to live in. Those of other teachings who practise the "not-is" refers to property; those of other teachings who practise the " ever is" refers to Buddha, Dharma, Sangha, and right emancipation. Know that the Middle Path of the Buddha negates the two planes and tells of true Dharma. Even common mortals and the dull abide in it and have no doubt. It is as when the weak and the sick take butter, as a result of which they feel light in spirit.

"The nature of the two of "is" and "not-is" is not definite. For example, the natures of the four elements [earth, water, fire and wind] are not the same. Each differs from the other. A good doctor well sees that each stands against [in contradistinction to, in opposition to, in contrast with] the other. He sees it through even by the one-sided phase of what takes place. O good man! It is the same with the Tathagata. He acts like a good doctor towards all beings. He knows the difference between the internal and external nature of illusion and crushes it out, and reveals the fact that the undisclosed store of the Tathagata is pure and that the Buddha-Nature is eternal and does not change. If a person says " is" , he must be on guard that his Wisdom does not get tainted; if a person says "not-is", this is nothing but falsehood. If one says "is", one cannot sit unsaid. Also, one could not play with words and dispute; only seek to know the true nature of all things. Common mortals play with words and dispute, betraying their own ignorance as to the Tathagata's undisclosed store. When it comes to the question of suffering, the ignorant say that the body is non-eternal and all is suffering. Also, they do not know that there is also the nature of Bliss in the body. If the Eternal is alluded to, common mortals say that all bodies are non-eternal, like unfired tiles. One with Wisdom discriminates things and does not say that all is non-eternal. Why not? Because man possesses the seed of the Buddha- Nature. When non-Self is talked about, common mortals say that there cannot be Self in the Buddhist teaching. One who is wise should know that non-Self is a temporary existence and is not true. Knowing thus, one should not have any doubt. When the hidden Tathagatagarbha is stated as being empty and quiet, common mortals will think of ceasing and extinction. “One who is wise knows that the Tathagata is Eternal and Unchanging.” “If Emancipation is stated to be something like a phantom, common mortals say that the person who attains Emancipation is one who wears away to nothingness; a person with Wisdom thinks that he is a man-lion and that, though he comes and goes, he is Eternal and does not change."

"If it is stated that ignorance resides in all things, common mortals hear this and think of two different existences, the "bright" and the "non-bright". The wise man sees that the nature is not-two and that the nature of the not-two is the real nature ["self-nature"]. If it is stated that things sit on [depend on] consciousness, common mortals say "two", which are “samskara” [volition, mental impulse] and “vijnana” [consciousness]. But the wise know that its nature is not-two and that the nature of the not-two is the "svabhavika" ["own-nature", "self-nature"]. If we speak of the " ten good deeds" and "ten evil deeds" , of what can be made and what cannot be made, of good realms and evil realms, white teaching [sukladharma=saddharma=Wonderful Dharma] and black teaching [krsnadharma =Pali kanhadhamma], common mortals conceive of two things. But the wise know that the nature is not-two and that the nature of the not-two is the real nature. When it is stated that all things end in suffering, common morals say that this is two. But the wise know that the nature is not-two and that the nature of the not-two is the real nature. If we state that all things made are non-eternal and that the undisclosed store of the Tathagata, too, is non-eternal, common mortals say two. But the wise know that the nature is not-two and that not-two is the real nature. If all things have no Self and the undisclosed store of the Tathagata has no Self, common mortals say that the nature is two. But the wise know that it is not-two and that not-two is the real nature. There cannot be the two things of Self and non-Self. This is what the undisclosed store of the Tathagata refers to. This is what is praised by uncountable, innumerable, boundless numbers of all Buddhas. I, now, in this all-perfect sutra, explain all. There is the not-two in the nature and characteristics of Self and non-Self. You should take things thus. O good man! You should strongly uphold and think about such sutras. I have already stated in the “Mahaprajnaparamita Sutra” that there are not the two phases [aspects, phenomena] of Self and non-Self. The case is thus. From fresh milk we get cream, from cream fresh butter, from fresh butter clarified butter, and from clarified butter sarpirmanda. Does the nature of the cream come from the milk itself, or from without? And the same is the case with sarpirmanda. If it comes from without, it is something made by another and not something come out of the milk itself. If it does not come out of the milk, the milk has nothing to do with its coming about. If it comes out of the milk itself, it cannot come out in a similar way and continuously. If it comes out continuously, it cannot come out together. If it does not come out together, the five tastes cannot be for once only. Though not for once only, it cannot definitely come about from other places. Know that in milk there is already the phase [element, aspect] of cream. As it possesses much sweetness, it cannot change. The same with sarpirmanda. When the cow feeds on the grass of watery places, its blood changes and we get milk. If the cow feeds on sweet grass, the milk becomes sweet, and if on bitter grass, the milk becomes bitter. In the Himalayas, there is a type of grass called pinodhni. If the cow feeds on this, it will produce pure sarpirmanda and there will be no such colour as blue, yellow, red, white or black. The grass and cereals work upon [affect] the colour and taste of the milk. Two aspects come out of all beings by the karmic relations of brightness and ignorance. When the gloom changes, brightness comes about. The case is the same with the good and not-good of all things. There can be no two aspects."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! You, the Buddha, say that there is cream in milk. What does this mean? O World-Honoured One! If there definitely is cream in milk and if it is true that it cannot be seen because of the minuteness of its size, how can we say that cream comes about through the causal relations of milk? When things orginally have no root element, we can say that a thing is born. If it exists already, how can we say that life comes about? It it is the case that there definitely is cream in milk, there must be milk in all grass. Likewise, there must be grass in milk, too. If the situation is that there definitely is no cream in milk, how can cream come out of the milk? If there is no root element but it later comes about, how could it be that grass cannot grow in milk?" " O good man! Do not say that there definitely is cream in milk or that there is not cream in milk. Also, do not say that it comes from outside. If there is definitely cream in milk, how can it be that thing and taste differ? That is why you should not say there definitely is cream in milk. If there definitely is no cream in milk, why is it that something different does not come about in the milk? If poison is put into milk, the cream will kill a person. That is why you should not say that there definitely is no cream in the milk. Further, if we say that cream comes from outside, why is it that cream does not come about in water? Because of this, do not say that cream comes from anywhere else. O good man! As the cow feeds on grass, its blood changes into white. Grass and blood die out and the power of virtue of beings changes and we gain milk. This milk comes out of grass and blood, but we cannot say that there are the two. All we can say is that conditions so bring it about. This we can say. From cream up to sarpirmanda, things go thus. The case [here] is the same. Because of this, we can rightly say that there is the taste of the cow. This milk dies away, and in consequence there comes about cream. What is the condition? It is sour or warm. Because of this, we can say that it comes from conditions. The situation is the same with the others, up to sarpirmanda. Because of this, we cannot say that there definitely is no cream in milk. If it comes from elsewhere, it must exist separately from the milk. This cannot be. O good man! The same is the case with brightness and ignorance. [Of that which is] bound up by all illusions, we say ignorant. If linked to all good things, there can be brightness. That is why we say that there can be no two things. So, I said: "There is a grass in the Himalayas called pinodhni, which, if eaten by the cow, produces sarpirmanda." The same is the case with the Buddha-Nature.

"O good man! Beings are sterile in fortune and do not come across this grass. The same applies to the Buddha-Nature. As defilement overspreds [them], beings cannot see. For example, the water of the great ocean tastes salty all the same, but it contains in it the best of water, as in the case of milk. Also, the Himalayas are perfect in various virtues and produce various medicines, but there are also poisonous herbs. It is the same with the bodies of all beings. There are the four poisonous serpents, but there is also present the great king of all-wonderful medicine. So-called Buddha-Nature is not something that has been made. Only, it is overspread by defilement. Only a person who thoroughly cuts it away, whether he be a Kshatriya, Brahmin, Vaishya or Sudra sees the Buddha-Nature and attains unsurpassed Enlightenment. For example, should the thunder roll in the sky, the clouds disperse and all the tusks of the elephant will be covered with flower-petals. If there is no thunder, the flowers do not come about. Also, this is as in the case where there is no denotative name. The same is also the case with the Buddha- Nature of [all] beings. It is always overspread by various defilements and is not seen. That is why I say that beings do not possess the Self. If one is blessed with hearing the all-wonderful “Mahaparinirvana Sutra”, one sees the Buddha-Nature. This is as in the case of the flowers on the tusks of the elephant. One may hear all about the samadhis of the sutras. But if one does not hear this sutra, one cannot get to the wonderful form of the Tathagata. If is as when there is no thunder, when one no longer sees flowers on the tusks of the elephant. On hearing this sutra, one comes to know of the undisclosed [latent] Buddha-Nature, about which the Tathagata speaks. This is like seeing the flowers on the tusks of the elephant. On hearing this sutra, all innumerable beings come to know that this is the Buddha-Nature. Because of this, I speak about Great Nirvana and say that I augment [expand] the Dharma-Body, the undisclosed store of the Tathagata. This is as with the thunder, when flowers fall upon the tusks of the elephant. As this long upholds and nurtures the great meaning, this is called "Mahaparinirvana". If any good man or woman learns this all-wonderful Sutra of Great Nirvana, they should know that they are doing a work of thanksgiving and are true disciples of the Buddha."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "It is exceptionally wonderful, O World- Honoured One! The so-called Buddha-Nature is profound to know; it is hard to see and attain. Sravakas and pratyekabuddhas cannot hope to partake of it." The Buddha siad: "O good man! It is thus, it is thus! It is just as you praise [it]; it does not differ from what I say."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! To what extent is the Buddha-Nature profound and how difficult is it to perceive and get into?" "O good man! [As an analogy]: 100 blind persons consult a good doctor for a cure. With that, the doctor opens up the membrane of the eye with a golden barb [blade] and then, holding up one finger, asks: "Can you see this?" The blind person says: "I cannot see it yet. " Then, the doctor holds up two fingers, and three fingers. Then, the person says that he can see to some extent. O good man! When this wonderful Sutra of Great Nirvana is one that has as yet not been delivered by the Tathagta, the same is the case. Although innumerable Bodhisattvas may well perfectly practise the paramitas [spiritual perfections], they might only reach the stage of the ten abodes [“bhumis”] and yet may not be able to see the Buddha-Nature. If the Tathagata speaks, they may see to some extent. When these Bodhisattvas have seen all, they will say: "Oh, wonderful, O World-Honoured One! We have been repeating birth and death and have been worried by selflessness. " O good man! Such Bodhisattvas may well reach the stage of the ten soils [“bhumis” - stages of Bodhisattva development], and yet they cannot clearly see the Buddha-Nature. How could sravakas and pratyekabuddhas well see [it]?

"Also, next, O good man! For example, one sees geese flying far off in the sky and wonders if they [really] are geese or the sky. One looks carefully and sees this indistinctly. The case of the Bodhisattvas may also be like this; they see but a small part of the nature of the Tathagata. How could sravakas and pratyekabuddhas well see [it]?

"O good man! The same is the case with an intoxicated man who has a long way to walk, but can only see the way indistinctly. This is the case with the Bodhisattvas at the stage of the ten abodes [“bhumis”] who can only see a small part of the nature of the Tathagata.

"O good man! There is a thirsty person who has to travel a long way through the wilderness. Thirst presses down upon him so much that he looks for water everywhere. Then, he sees the foliage of a tree with a white crane on it. Having lost his capacity to judge, the person cannot tell if this is a tree or water. He tries hard to see. Then he sees that it is a white crane and the foliage of a tree. It is similar to the Bodhisattvas of the stage of the ten abodes, who sees but a small part of the nature of the Tathagata.

"O good man! For example, there is here a man who is in the middle of a great ocean. Far out, an innumerable hundred thousand yojanas away, he sees a great galleon, the rudder tower and storied building [parts of the ship]. He looks and thinks to himself: "Is this a rudder tower or is it the sky?" He looks for a long time and his mind becomes fixed, and he comes to know that it is a rudder tower. The same is the case with the Bodhisattva of the stage of the ten “bhumis”, who sees within himself the nature of the Tathagata.

"For example, there is here a prince who is weak in physique and who passes the night in playing, and it is now dawn. He tries but cannot see clearly. The case is like this. The Bodhisattva of the stage of the ten “bumis” thus sees the nature of the Tathagata within himself. And, likewise, what he sees is not clear.

"Also, next, O good man! For example, a government official, driven by routine work of this kind, comes home late in the evening. There is a flash of lightning for a moment, and he sees a group of cows. Then he thinks: "Is this a group of cows, or a cloud, or a house?" He looks for a good while and comes to the conclusion that they are cows. And yet, he cannot be too sure. The Bodhisattva of the stage of the ten “bhumis” sees the nature of the Tathagata within himself, and yet he cannot see it clearly. The situation is like this.

"Also, next, O good man! A bhiksu who upholds the precepts looks at some water in which there are no worms. And yet, he sees a worm, and thinks to himself: "Is the thing that moves in the water a worm or a bit of dust?" He stares at it for a good while. Even after he has realised that it is a piece of dust, he is not quite sure. It seems so. The same is the case with the Bodhisattva of the stage of the ten “bhumis”, who thus sees within himself the nature of the Tathagata. Nothing is very clear.

"Also, next, O good man! For example, a man sees a child in the darkness, far off. He thinks: "Is this a cow, a man, or a bird?" He keeps gazing at it for a goodly while. He now sees that it is a child, and yet he does not see it very clearly. It is thus. The same applies to the Bodhisattva who is at the stage of the ten “bhumis” and who sees within himself the nature of the Tathagata. Nothing is completely clear.

"Also, next, O good man! There is a person who, in the darkness of the night, sees the image of a Bodhisattva and thinks: "Can this be the image of a Bodhisattva, of Mahesvara, of Great Brahma, or of someone in monastic garb?" The person gazes at it a good while and comes to think that it is the form of a Bodhisattva; and yet, he does not see it very clearly. It is the same with the Bodhisattva of the ten “bhumis” who sees within himself the nature of the Tathagata. Nothing seems to be very clear.

"O good man! The Buddha-Nature that one has is the deepest and the most difficult [thing] to see. Only the Buddha can know it well. It is not within the reach of sravakas and pratyekabuddhas. O good man! The wise should see thus and know of the nature of the Tathagata."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! The Buddha-Nature is very delicate and difficult to know. How can one perceive it well with the fleshly eye?" The Buddha said to Kasyapa: " O good man! Even Thoughtlessness-non-thoughtlessness Heaven is also not within reach of the two vehicles. When one accords with the sutras, one can well see it by dint of the power of faith. O good man! The same is the case with sravakas and pratyekabuddhas who accord with the Nirvana Sutra and who see in themselves the nature of the Tathagata. O good man! Because of this, one should make effort and learn the Great Nirvana Sutra. O good man! The Buddha Nature as such can only be known by the Buddha alone and is not within the reach of sravakas and pratyekabuddhas."

Bodhisattva Kasyapa said to the the Buddha: "O World-Honoured One! Unholy common mortals possess the nature of common mortals and [yet] say that they possess Self." The Buddha said: "As an example of this: two persons are friends. One is a prince, and the other a poor man. They associate with each other. Then the poor man, on seeing that the Prince possesses a very bright sword, covets it. The Prince later flees to other countries, taking the sword with him. The poor man later puts up at the house of another person and, in his sleep, cries out: "The sword! The sword!" A person nearby hears this and goes to the king. The king says: "You said "sword". Tell me where it is." The person tells of it in detail. "O King! You can cut up my body and cut off my feet, and yet you will not be able to get the sword. I was once on close terms with the Prince. Before, we were together, and I saw it. But I did not touch it. And how could I take it?" The King asks further: "What was the sword like which you say you saw?" The man answers: "O great King! It was like a ewe’s horn." The King, on hearing this, smiles in amusement and says: "Don’t worry. In all my storehouse, we do not have any such sword. How could you have seen it with the Prince?" Then the King asks all his ministers: "Have you ever seen a sword of this kind?" So speaking, he dies.

"Then another prince ascends the throne. He also asks the ministers: " Have you ever seen in the governmental storehouse any sword of this kind?" All the ministers say: " We once saw it." "What was the sword like?" They replied: "It was like a ewe’s horn." "How could there be any such sword in my storehouse?" Four kings, one after the other, ask and check, but they cannot gain it.

"Some time later, the Prince who has fled the country returns and becomes King. On ascending the throne, he asks the ministers: ’Have you ever seen the sword?’ They reply: ’O great King! Its colour was pure, and it was like an utpala-lotus.’ They also answer: ’It was like the horn of a ram.’ They further reply: ’It was red and like a fire ball.’ They answer,too: ’It was like a black serpent.’ Then the King laughs: ’All of you have not, in truth, seen my sword.’

"Noble Son! A Bodhisattva-mahasattva is also like that - he appears in the world and expounds the true nature of the Self. After he has expounded it, he departs, as for example like the prince who takes the wondrous sword and flees to another country. Foolish ordinary people say, 'Everybody has Self! Everybody has Self", like the poor man who, lodging at another's house, cries out, ’The sword! The sword!’ Sravakas and pratyekabuddhas ask people, ’What attributes does the Self have?’, to which they reply, ’I have seen the attributes of the Self - it is the size of a thumb’ or they say, ’It is like [a grain of rice], or ’It is like [a grain of] millet’, or there are some who say, ’It is the Self’s attribute to abide within the heart, burning like the sun’. In this manner people do not know the nature of the Self, [just] as, for example, the various ministers do not know the nature of the sword. While a Bodhisattva discourses thus about the quality of the Self, ordinary people do not but impute various false concepts to the Self, just as when asked about the attributes of the sword the [ministers] reply that it is like the horn of a ram. These ordinary people generate false views in succession from one on to the other. In order to eliminate such false views, the Tathagata reveals and discourses on the non-existence of a self, just as when the prince tells his various ministers that there is no such sword in his treasury. Noble Son, the True Self that the Tathagata expounds today is called the Buddha- dhatu [Buddha-Nature]. This manner of Buddha-dhatu is shown in the Buddha-Dharma with the example of the real sword. Noble Son, should there be any ordinary person who is able well to expound this, then he [speaks] in accordance with unsurpassed Buddha-Dharma. Should there be anyone who is well able to distinguish this in accordance with what has been expounded regarding it, then you should know that he has the nature of a Bodhisattva.

Chapter Thirteen: On Letters

The Buddha said to Bodhisattva Kasyapa: "All such different opinions, fortune-telling, language, and letters are what the Buddha spoke and not what was said by tirthikas." Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! How do you, the Tathagata, tell [of] the root concept of letters?" The Buddha said: "O good man! First, the half-letter1 is taught and is made the root-concept. This holds good for all written things, fortune-telling, sentences, all elements and realities. Common mortals learn the foundation of letters. Later, they come to know what is right and what is not."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! What is the meaning of the letter?" " O good man! It stands on fourteen phonic bases, which constitute the meanings. The so-called letter is Nirvana. Being Eternal, it does not flow away. What does not flow away knows no end. What knows no end is the Adamantine Body of the Tathagata. These fourteen constitute the foundation of letters.

"A" is so called because it does not get destroyed. What is indestructible is the Three Treasures. For example, this is like the diamond. It is also so called because it does not flow away. What does not flow away is the Tathagata. In the nine holes [i.e. outlets of the body: two eyes, two ears, two nostrils, mouth, two outlets for excretion] of the Tathagata, there is nothing that flows away. So, it is the unflowing [“anasrava” - non-defilement]. And there are nine holes. Hence, it is " non-flowing" . Non-flowing is the Eternal; the Eternal is the Tathagata. The Tathagata is not that which has been created. Hence, he is non-flowing. Also, " a" is virtue. Virtue is the Three Treasures. For this reason, we say " a" .

"Next, "a" stands for "acarya". What does "acarya" mean? In worldly life, we can call him a " holy person" . Why do we say " holy person" ? " Holy" means " non-attached" . It means " of little desire" and " feeling contented" . Also, it is called " pure" . It thoroughly passes beings across the great sea of the three worlds of birth and death. That is why we say " holy" .

"Also, "a" means "institution" [implementation], which is to act in accordance with the pure precepts and observe deportment.

"Also, "a" means to depend upon a holy person. This is to learn his comings and goings and all that he does. The three holy ones are given offerings, respected and worshipped. One faithfully serves one’s parents and studies the Mahayana. Good men and women uphold the prohibitions. And all Bodhisattvas are called " holy ones" . " Aa " also means " order" . It says: "Come and do this; you should not do it like that." So do things go. One who checks and suppresses non-deportment is a holy one. That is why we say "a".

"I" is the Buddhist teaching. Pure action is extensive, pure and untainted. It is, for example, like the full moon. "Do thus, not like that; this is right, that is not right; this is a sermon of the Buddha, and this is what Mara says. " Hence, we say " i" .

"We say "I". The meaning of the Buddhist teaching is wonderful and profound. It is as when we call the laws [dharmas] of Mahesvara and Brahma unmolested [unlimited]. Well upheld, it [Buddhist teaching] is the protection of Dharma.

"Also, unmolestedness [unlimitedness, unrestrictedness] is called the four protections of the world. As these four are unmolested, one well takes in and protects the Great Nirvana Sutra, and one unmolestedly expounds and disseminates [it].

"Also, next, "I" stands for the unmolested [unhindered, unstinting] dissemination of Dharma to beings.

"Also, next, "I" is the unmolested [unconstrained]. It asks and says what is right. This is nothing other than the learning of the vaipulya sutras.

"Also, next, "T" stands for the crushing out of jealousy. When the barnyard grass has been thoroughly weeded out, everything changes into what is auspicious. So we say "T".

"U" stands for Great Nirvana, the Highest, the most superb, the pinnacle of pinnacles of all sutras.

"Also, next, "u" stands for the nature of the Tathagata, which no sravakas and pratyek- abuddhas hear about. This is like Uttarakuru being the best of all places. If any Bodhisattva indeed hears this sutra, he is the highest and most superb. Hence, we say " u" .

"U" is, for example, like cow’s milk, which is the best of all tastes. The nature of the Tathagata is also like that. Of all sutras, this is the holiest and best. Anyone who slanders [it] is none but a cow.

"Also, next, "T" is called "not-wise". A person thoroughly slanders the delicate and hidden storehouse of the Tathagata. Know that this person is most to be pitied. Parting from the hidden storehouse of the Tathagata, he speaks about no-Self. Henc, we say "T".

"E" is the “Dharmata” and Nirvana of all Buddhas. Hence, we say "e".

"Ai" means " Tathagata" .

"Also, " ai" refers to the goings and comings, bendings and stretchings, and the deeds of the Tathagata, by which not one amongst all beings is [not] benefited. Hence, "ai".

"O" stands for illusion; illusion is "asrava" [defilement]. The Tathagata is eternally free from illusion. Hence, "O" .

"Au" means Mahayana. It stands for the utmost of all the fourteen sounds. The case of the Mahayana sutras is also like this. They are the ultimate of all sutras and shastras. Hence, " au" .

"Am" makes away with all impurities. In the Buddhist teachings, all gold, silver and treasures are abandoned. Hence, "am".

"Air" means "superb vehicle". Why? This Mahayana sutra, this Great Nirvana Sutra, is the most superlative of all sutras. Hence, "all".

"Ka" calls forth great compassion towards all beings. The thought of a son arises, as towards Rahula. It means "wonderfully good". Hence, "ka".

"Kha" stands for " non-good friend" . " Non-good friend" means mixed and defiled. He does not believe in the hidden store of the Tathagata. Hence, "kha".

"Ga" means "store". "Store" means the undisclosed store of the Tathagata. All beings have the Buddha-Nature. Hence, "ga".

"Gha" is the eternal sound of the Tathagata. What is the eternal sound of the Tathagata? The so-called Tathagata is eternal and does not suffer change. Hence, "gha".

"Na" represents the breaking [destructible, impermanent] characterstics of all beings. Hence, "na".

"Ca" means "to practise". As it subdues all beings, we say "practise".

"Cha" means "Tathagata", who houses [shades, protects] all beings, as in the case of a great parasol. Hence, " cha" .

"Ja" means "right [true] emancipation". There arises [in this] no ageing. Hence, "ja".

"Jha" stands for the great proliferation of defilements, as in the case of a great forest. Hence, " jha" .

"Na" means "Wisdom". It means true “Dharmata”. Hence, "na".

"T. a" signifies speech delivered about dharmas in Jambudvipa, showing a half-body, as in the case of the half-moon. Hence, "ta".

"T. ha" represents the perfection of the Dharma-Body, as in the case of the full moon. Hence, "tha".

"Da" represents an ignorant bhiksu who does not know the Eternal and the non-Eternal, as in the case of a child. Hence, "da".

"Dha" represents a person who feels no obligation towards his teacher, as in the case of a ram. Hence, " d. ha" .

"N. a" represents lack of knowledge of the meaning of what is holy, as in the case of a tirthika. Hence, " n. a" .

"Ta" represents the Tathagata, who says to all bhiksus: "Come away from fright and fear. I shall now deliver sermons on Wonderful Dharma." Hence, "ta".

"Tha" means "ignorance". Beings repeat birth and death and bind themselves, as in the case of a silkworm or dung-beetle. Hence, " tha" .

"Da" means " great giving" . This is the so-called Mahayana. Hence, " da" .

"Dha" praises " virtue" . It is as in the case of the Three Treasures, which are like Mount Sumeru, soaring up, grand, extensive and, yet, not inclining to one side. Hence, "dha".

"Na" alludes to the Three Treasures, which stand peacefully rooted, not inclining to one side or moving, like the threshold of a gate. Hence, "na".

"Pa" means " inverted". If a person says that the Three Treasures expire, this shows that that person himself entertains doubt. Hence, "pa".

"Pha" refers to the ill-fortune of the world. If a person says that when ill-fortune arises in the world, the Three Treasures also expire, this indicates that that person is ignorant, that he has no knowledge, and that he acts against the holy will. Hence, " pha" .

"Ba" refers to the ten powers of the Buddha. Hence, " ba" .

"Bha" refers to the shouldering of what is heavy. It can stand bearing the heaviness of Wonderful Dharma. Know that such a person is a great Bodhisattva. Hence, "bha".

"Ma" refers to all Bodhisattvas who strictly uphold all the institutions [rules]. This is so-called Mahayana Mahaparinirvana. Hence, " ma" .

"Ya" alludes to all those Bodhisattvas who, for the benefit of beings, preach the Mahayana doctrine in all places. Hence, "ya".

"Ra" crushes out greed, anger and ignorance, and disseminates Wonderful Dharma. Hence, " ra" .

"La" relates to the sravaka vehicle, which moves, changes, and has no place to live in [i.e. no permanent abode]. Mahayana is safe and firm and there is no inclining or moving [with it]. Abandoning the sravaka vehicle, one makes effort and practises the unsurpassed Mahayana. Hence, " la" .

"Va" means that the World-Honoured One is he who showers down upon all beings the great rain of the Dharma. He is, as it were, a so-called fortune-telling sutra. Hence, "va".

"S" means to part from the three arrows [the three barbs of greed, malevolence and ignorance]. Hence, "sa".

"Sa" means "perfection". If one truly hears this Great Nirvana Sutra, one already hears and upholds all about Mahayana sutras. Hence, "sa".

"Sa" means that Wonderful Dharma is expounded to all beings, so that people feel blessed. Hence, " sa" .

"Ha" bespeaks the mind’s state of gladness. How wonderful is it that the World-Honoured One departs from all actions; strange is it that the Tathagata enters Parinirvana. Hence, "ha".

"Lham" signifies "Mara". Innumerable Maras are unable to destroy the hidden storehouse of the Tathagata. Hence, "lham".

"The four letters, r,r,l,T, have four meanings. These are Buddha, Dharma, Sangha, and Abhidharma. Abhidharma relates to what obtains in the world. It shows that Devadatta destroys the Sangha. He transforms himself into various forms, faces and concrete forms. The case is like this. All this is to establish vinaya. The wise should clearly see through this and not entertain any fear. This is following what obtains in the world. Hence, r,r,l,L

"The inhalation of breath is the sound which one gets when the tongue accords with the nose. We gain the meaning by the long, short, or the one that supercedes the sound. All differ according to the actions of tongue and teeth.

"All such meanings of the letters well enable beings to purify their verbal actions. The Buddha-Nature of beings does not first become pure when assisted by letters. Why not? Because that nature is originally pure. Also, while co-existing with the five skandhas, the 18 realms and the 12 spheres [of the senses], the Buddha-Nature is not one with the five skandhas, the 18 realms and the 12 spheres. Because of this, all beings should take refuge in the Bodhisattvas and others. Because of the [existence of the] Buddha-Nature [within them], beings are viewed with equal [non-discriminating] eyes, and there is no difference. Hence, the half-letters form the basis of all sutras, all written material, and sentences.

"Also, the meaning of the half-letters refers to the root of all defilements. So they are called half-letters. The full letters are the root of all good dharmas and speech. For example, those of the world who do evil are called half-letters, and those who do good full-letters. Thus, all sutras and the Abhidharmas are based upon the half-letters. People may say that the Tathagata and true emancipation fall under the category of the half-letters. But this is not so. Why not? Because these [two] part from [i.e. are separate from] letters. Because of this, the Tathagata is unmolested [unconstrained], unattached, and fully emancipated in all things. How do we arrive at the meaning of the letters? If one comes to think that the Tathagata appears in the world and does away with the half-letters, this is understanding the meaning of the letters. Any person who follows the meaning of the half-letters is one who does not know the nature of the Tathagata. What is the the meaning of the letterless? One who associates with those who practise the teaching of evil belongs to the letterless. Also, although a person may associate with those who do good, if he does not know the difference between the Eternal and the non-Eternal, the constant and the non-constant of the Tathagata, and the two Treasures of Dharma and Sangha, between vinaya and non-vinaya, sutras and non-sutras, the words of Mara and those of the Buddha, such a person is one who is letterless. This do I state regarding how one is letterless. O good man! For this reason, you should part from the half-letter and arrive at the meaning of the complete letters."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! I shall now thoroughly learn the number of letters. I have encountered the unsurpassed teacher. I have now received the kindly injunctions of the Tathagata."

The Buddha praised Kasyapa and said: "Well said, well said. A person who is intent upon Wonderful Dharma should learn things thus."

Chapter Fourteen: On the Parable of the Birds

The Buddha said further to Kasyapa: "O good man! There are two species of birds, one the kacalindikaka and the other the mandarin duck. In playing or stopping [resting], they always act together; they do not separate. The same is the case with suffering, the non-eternal, and non-Self. They do not separate."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! In what way do things obtain with suffering, the non-eternal, and non-Self as with the mandarin duck and the kacalindikaka?" The Buddha said: "O good man! What is contrary to Dharma is suffering, and what is contrary to Dharma is bliss. What is contrary to Dharma is the eternal and what is contrary to Dharma is the non-eternal. What is contrary to Dharma is self and what is contrary to Dharma is non-Self. For example, it is as in the case in which rice differes from hemp and wheat, and hemp and wheat from beans, millet and sugar cane. With all of these, the noneternal are the buds, flowers and leaves. When the fruit ripens and when man uses it, we say eternal. Why? Because the nature is true."

Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! If these are eternal, are they equal to the Tathagata?" "O good man! Do not speak in such a way. Why not? If one says that the Tathagata is like Mount Sumeru, does this imply that he will break up, as Sumeru must break up when the time comes for it to disintegrate? O good man! Do not view things thus. O good man! “With all things, excepting Nirvana, not one thing is eternal”. Merely to conform with the ways of secular truth, we say that the fruit is eternal." Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! It is good, it is good. It is as the Buddha says." The Buddha said to Kasyapa: "It is thus, it is thus, O good man! A person may be true to what the sutras say or may have practised all the samadhis, but until he has learned Mahaparinirvana, he will say that all is non-eternal. When a person has learned this sutra, he may have illusion, but he is, so to speak, without illusion. It [learning this sutra] well benefits man and heaven Why? Because “one clearly sees that one’s own body has the Buddha Nature within. This is the Eternal.”

"Also, next, O good man! It is like the case of the mango tree. When its flower first appears, what there is [at that time] is the changing phase. When it bears fruit and when it bestows much benefit, we speak of the eternal. O good man! A person may thus be true to all the sutras or may have practised samadhis, but when he has not yet given ear to this Great Nirvana Sutra, all is based on the non-eternal. When a person gives ear to this sutra, although [still] possessing illusion, it is as though he had no illusion. That is to say that it benefits both man and heaven. How? Because that person clearly knows that he has the Buddha-Nature within. This is the Eternal.

"Also, next, O good man! When an ingot of gold melts, this is the phase of the noneternal. Once molten, it becomes gold. When it greatly benefits a person, we say eternal. The case is like this. Thus, O good man, a person may be true to all sutras or may have practised all samadhis, but if he has not yet given ear to this Great Nirvana Sutra, all is non-eternal. When a person has given ear to this sutra, he may well have illusion, but it is as though he did not. It thus benefits all men and gods. Why? Because the person clearly comes to know that he has the Buddha-Nature within. This is the Eternal.

"Also, next, O good man! Sesame, for example, when not yet pressed, is non-eternal. Once the pressing has been done and the oil has been extracted, the sesame gives great benefit. This is the eternal. O good man! A person may be true to all sutras or may have practised samadhis, but not yet having heard of Great Nirvana, all is non-eternal [for that person]. Having heard this sutra, though yet bound by illusion, a person is equal [equivalent] to possessing no illusion. Benefits accrue to any human or god. Why? Because that person realises that he has the Buddha-Nature within him. This is the Eternal.

"Also, next, O good man! It is as in the case in which all rivers drain into the sea. All sutras and samadhis flow into the Mahayana Great Nirvana Sutra. How so? Because it ultimately expounds the Buddha-Nature. That is why I say: "Some dharmas are eternal; some dharmas are non-eternal. With non-Self, too, things amount to the same." It is thus that I say.

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! The Tathagata is already segregated from the poisonous arrows of apprehension and suffering. Apprehension and suffering are heaven [devas]; the Tathagata is no heaven [deva]. Apprehension and suffering are human; the Tathagata is no human. Apprehension and suffering are the 25 existences. Hence, there can exist no apprehension or suffering with the Tathagata. How could one say that the Tathagata is apprehension and suffering?" "O good man! In No-Thought Heaven [“avrha”], what obtains is thoughtlessness. If thoughtless, there can be no life. If there is no life, how can there be the five skandhas, the 18 realms and twelve spheres? Hence, we cannot say that the life of No-Thought Heaven has any place to exist. O good man! For example, the god of a tree lives in the tree. We cannot definitely say that he lives in the branch, the knot, the trunk, or the leaf. Though we cannot name the place, we cannot say that he does not exist. The life of No-Thought Heaven is also like that. O good man! The case of Buddha-Dharma is likewise thus. It is very deep and unfathomable. The Tathagata has no apprehension, suffering or worry. Yet, he evinces great compassion towards beings, has apprehension and sorrow, and views them as he views Rahula.

"Also, next, the life of No-Thought Heaven can only be known by the Buddha. It is beyond the ken of others. Also, the same applies to Thoughtlessness-non-Thoughtlessness Heaven. O Kasyapa! The nature of the Tathagata is pure and untainted, and is like a transformed body. How can there be any apprehension, suffering or worry? If the Tathagata has no apprehension or suffering, how can he bestow benefit upon beings and disseminate the Buddhist teaching? If " no", how can we say that he sees beings as he sees Rahula? If he does not see beings as he sees his Rahula, any such statement can only be false. Hence, O good man, the Buddha is inconceivable, Dharma is inconceivable, the nature of beings is inconceivable, and the life of No-Thought Heaven is inconceivable. Whether the Tathagata has any apprehension or not is for the world of the Buddha [to know]. It is not what sravakas or pratyekabuddhas can fathom out.

"O good man! For example, a house cannot stand in the air as it is for a moment. If one says that a house cannot remain in the air, this is not something that can be said. For this reason, one should not say: "A house in the air can stand or not." A common mortal may say that a house stands in the air. But there is no place in the air where it can remain. Why not? Because, by nature, it has no place to stay. O good man! The same is the case with the mind. Do not say that its abode is in the five skandhas, the 18 realms, or the 12 spheres. The same with the life of No-Thought Heaven. Regarding any apprehension and sorrow of the Tathagata it is also like this. If he has no apprehension and sorrow, how can we say that he views [all beings] with an all-equal eye, as though viewing Rahula? A person might well say that he has [apprehension and sorrow], yet how [then] can one say that his nature is like the Void?

"O good man! As an example: a magician may conjure up such diverse things as a palace, killing, long life, binding or undoing, gold, silver, beryl, treasures, forests, and trees. But these have no place where they exist. The same with the Tathagata. Following the way of the world, he displays apprehension and sorrow. There can be [in actuality] no such forms [i.e. no such things as these with him]. O good man! The Tathagata has already entered Parinirvana. How could there be any apprehension, sorrow, or worry? Now the Tathagata enters Nirvana. If anyone says that this is the non-eternal, know that this person has apprehension and sorrow. No one can truly know whether the Tathagata has apprehension or not.

"Also, next, O good man! As an example: a person who lives in a low social sphere can certainly know what obtains in the lower sphere of life. But he cannot know what obtains in the middle or upper spheres of life. A person of the middle sphere knows what obtains in the middle sphere, but not in the upper. A person of the upper sphere knows about that upper sphere, but not about the middle or lower spheres. It is the same with sravakas and pratyekabuddhas. Likewise, a person only knows what is of his own sphere. It is not thus with the Tathagata. He knows his own sphere, as well as those of others. That is why we say that the Tathagata is unhindered. He manifests phantoms and follows the ways of the world. The fleshly eyes of common mortals see this. They say that it is true. They may desire to know the unhindered and unsurpassed Wisdom of the Tathagata, but this never comes about. Only the Buddha knows what is apprehension and what is not. Hence, different things possess the Self and different things do not possess the Self. This is what we mean when we say that things obtain as in the case of the mandarin duck and the kacalindikaka.

"Also, next, O good man! The Buddhist teaching is like the mandarin duck [and ka- calindikaka] who go about together. The mandarin duck and the kacalindikaka seek out uplands in midsummer when the water is high and deposit their young there. This is to bring raise them. Later, they play as they originaly ought to. The same with the appearance of the Tathagata. He teaches innumerable beings and enables them to abide in Wonderful Dharma. This is like the mandarin duck and the kacalindikaka seeking out uplands and safely depositing their young ones there. The same with the Tathagata. He enables beings to act as they ought to act and enables them to enter Mahaparinirvana. O good man! That is to say that suffering is one teaching [dharma] and bliss is a different one [dharma]. All created things are sorrow; Nirvana is Bliss. It is most wonderful and destroys created things [i.e. lifts one beyond the created sphere]."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! How do beings attain Nirvana and gain the pre-eminent Bliss?" The Buddha said: " O good man! As stated, the fusion of composites is age-and-death.

"If strict in one's way of life and not indolent,
This is amrta [the deathless, ambrosia].
To be indolent and not strict
In one's way of life is death.
Non-indolence gains one the deathless place;
Indolence always leads one to death."

"Indolence is of the created, the foremost of suffering. Non-indolence is Nirvana, the foremost of amrta and Bliss. The created is a place of death, the foremost of suffering. Nirvana is deathlessness, the most wonderful Bliss. Indolence calls in [i.e. is generative of] the created. This too is spoken of: eternal Bliss, deathlessness, and the Body Indestructible. What is indolence and what is not? The unholy common mortal [i.e. a tirthika] is of indolence and eternal death; the world-fleeing holy one [“shramana”] belongs to the class of non-indolence, in whom age-and- death has no abode. Why not? He gains the foremost of eternal Bliss and Nirvana. The holy persons of the supramundane stage have no indolence and there exists [for them] no age-and- death. Why not? They enter into the foremost stage of eternal Nirvana. Hence, Suffering and Bliss are two different things; Self and non-Self are two different things.

"A man stands on the ground and looks up at the sky, where he can see no trace of where the birds have flown. The same is the case [here]. O good man! The same is the case with beings. They do not possess the heavenly eye. Immersed in illusion, they cannot see the nature of the Tathagata, which they possess. For this reason, I now expound the [hitherto] undisclosed teaching on selflessness. Why? “A person who lacks the heavenly eye does not know the True Self”. Because he estimates Self in the wrong way. All things created by illusion are non-eternal. That is why I say that the Eternal and the non-Eternal are two different things.

"If one with effort and courage
Gains the summit of a mountain,
One sees the plains, the expanse of the fields and all beings.
As one gains the great palace of Wisdom
And the seat that is topless [topmost] and wonderful,
One already makes away with apprehension and suffering
And sees the apprehension of beings.

"The Tathagata cuts off innumerable illusions, lives in the mountain of Wisdom, and sees beings who live amidst innumerable billions of illusions."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! Things are not as stated in the gatha. Why not? One who enters Nirvana has no apprehension or joy. How can such a person gain the palace of Wisdom? Moreover, living on the summit of the mountain, how can one see beings?"

The Buddha said: " O good man! The palace of Wisdom is Nirvana. The person with no apprehension is the Tathagata; the person who has apprehension is the common mortal. The common mortal has apprehension and the Tathagata has not. The summit of Mount Sumeru is true emancipation. One who incessantly makes effort is like Mount Sumeru, which knows of no shaking. The earth is a thing created. All common mortals live peacefully on the earth and do all [manner of] things. Wisdom is true Awakening. A person away from existence is one eternal. This is the Tathagata. The Tathagata has pity for the innumerable beings who are exposed to the poisonous arrows of all existences. That is why we say that the Tathagata has apprehension."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! If the Tathagata has apprehension and sorrow, he could not be the All-Enlightened One."

The Buddha said to Kasyapa: " All depends on the circumstances. As he sees that his presence is called for to save beings, the Tathagata manifests himself. Though manifesting himself in life, there is yet [here] truly no life. That is why we call the Tathagata one who is Eternal. The case is like that of the kacalindikaka and the mandarin duck."

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Thiếu Thất lục môn


Đường Không Biên Giới


Truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm


Bhutan có gì lạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.126.80 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Việt Nam (86 lượt xem) - Hoa Kỳ (62 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...