Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 23 - Phẩm BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG - Phẩm thứ mười – Phần ba »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 23 - Phẩm BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG - Phẩm thứ mười – Phần ba

Donate

(Lượt xem: 11.980)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 23 - Phẩm BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG - Phẩm thứ mười – Phần ba

Lại nữa, thiện nam tử! Hết thảy phàm phu tuy khéo giữ gìn, bảo vệ thân tâm, nhưng vẫn còn sanh ra ba loại tư tưởng xấu ác. Vì nhân duyên ấy nên dù có dứt trừ được phiền não, sanh lên cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, rồi sau vẫn rơi trở lại trong ba đường ác.

“Thiện nam tử! Ví như có người vượt qua biển cả, đã gần đến bờ bên kia nhưng bị chìm xuống nước mà chết. Những kẻ phàm phu cũng như vậy, họ vừa sắp vượt ra khỏi Ba cõi nhưng phải rơi trở lại trong ba đường ác. Vì sao vậy? Vì họ không có những tư tưởng hiền thiện. Những gì là tư tưởng hiền thiện? Đó là sáu chỗ niệm tưởng. Kẻ phàm phu tâm thiện yếu ớt, tâm bất thiện mãnh liệt. Vì tâm thiện yếu ớt, nên tâm trí tuệ mỏng manh. Vì tâm trí tuệ mỏng manh nên các lậu hoặc tăng trưởng.

“Đại Bồ Tát có mắt tuệ thanh tịnh, thấy rõ lỗi lầm của ba loại tư tưởng xấu ác, biết rằng ba loại tư tưởng xấu ấy gây nhiều tai hại, thường khiến chúng sanh trở thành oán nghịch với Ba thừa. Do nhân duyên là ba loại tư tưởng xấu ác mà khiến cho vô lượng chúng sanh phàm phu không thấy được tánh Phật. Trong vô lượng kiếp sanh lòng điên đảo, cho rằng Phật Thế Tôn không có thường, lạc, ngã, chỉ duy nhất có tịnh; rằng Như Lai dứt bỏ hết tất cả mà nhập Niết-bàn.

“Hết thảy chúng sanh đều không có thường, lạc, ngã, tịnh, nhưng vì lòng điên đảo nên nói rằng có thường, lạc, ngã, tịnh. Thật không có Ba thừa, nhưng vì lòng điên đảo nên nói có Ba thừa. Thật có một đạo chân thật không hư dối, nhưng vì lòng điên đảo nên nói rằng không có.

“Chư Phật và Bồ Tát thường quở trách ba loại tư tưởng xấu ác này. Chúng thường gây hại cho bản thân cũng như gây hại cho người khác. Nếu có ba loại tư tưởng xấu ác này thì hết thảy các việc ác thường theo đó mà sinh ra. Ba loại tư tưởng xấu ác này là ba sợi dây liên kết trói buộc chúng sanh trong vòng sanh tử không bờ bến. Đại Bồ Tát thường quán sát như vậy về ba loại tư tưởng xấu ác.

“Nếu có lúc gặp những nhân duyên nên sanh khởi dục giác, Bồ Tát chỉ lặng lẽ không chấp nhận. Ví như người sạch sẽ, tinh khiết, ắt không nhận lấy các thứ phẩn dơ; như hòn sắt nóng chẳng có ai cầm lấy; như người thuộc dòng bà-la-môn không ăn thịt bò; như người đã ăn no không ăn món ăn dở; như vua Chuyển luân không cùng ngồi với bọn chiên-đà-la; Bồ Tát cũng như vậy, khinh ghét ba loại tư tưởng xấu ác, không chấp nhận, không [sinh lòng] ưa thích.

“Vì sao vậy? Vì Bồ Tát suy xét rằng: ‘Chúng sanh đều biết ta là thửa ruộng tốt để họ gieo trồng phước lành, làm sao ta lại chấp nhận các pháp xấu ác này? Nếu ta chấp nhận các tư tưởng xấu ác, ắt không thể làm ruộng phước tốt đẹp cho chúng sanh. Tuy ta không tự xưng là ruộng phước tốt, nhưng chúng sanh nhìn thấy hình tướng [của ta] liền nói rằng ta là ruộng phước tốt. Nay nếu ta sanh khởi những tư tưởng xấu ác như vậy tức là dối gạt hết thảy chúng sanh.

“Thuở xưa, ta vì làm chuyện dối gạt mà phải trải qua vô lượng kiếp lưu chuyển trong sanh tử, rơi vào ba đường ác. Nếu ta đem tâm xấu ác mà thọ nhận sự tín thí của người, tất cả chư thiên và các vị tiên đã đạt năm loại thần thông ắt sẽ rõ biết mà quở trách. Nếu ta sinh khởi tư tưởng xấu ác mà thọ nhận sự tín thí của người thì sẽ khiến cho phước báo của người cúng thí phải giảm bớt, hoặc chẳng được phước báo gì cả. Nếu ta đem tâm xấu ác mà thọ nhận vật cúng thí của đàn-việt, ắt ta sẽ thành kẻ oán thù của người cúng thí. Tất cả những người cúng thí đối với ta thường sanh lòng yêu kính như con đẻ, làm sao ta lại dối gạt họ mà sanh lòng thù oán?

“Vì sao [nói là] sanh lòng thù oán? Vì ta làm cho họ không được phước báo, hoặc chỉ được chút ít phước báo mà thôi.

“Ta thường tự xưng là người xuất gia. Người xuất gia thì không nên khởi lòng xấu ác; nếu khởi lòng xấu ác thì chẳng phải [người] xuất gia. Người xuất gia thì lời nói phải phù hợp với việc làm; nếu lời nói và việc làm không phù hợp nhau ắt không phải [người] xuất gia. Ta đã dứt bỏ cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, bạn bè... xuất gia tu học đạo, chính là lúc tu tập các tư tưởng hiền thiện, không phải lúc tu tập các tư tưởng bất thiện.

“Ví như có người ra biển tìm châu báu nhưng chẳng lấy châu báu thật, chỉ lấy toàn thủy tinh; lại cũng như người từ bỏ nơi có âm nhạc vi diệu mà đến chơi chỗ có phẩn dơ; như kẻ ruồng bỏ người con gái cao quý mà tư thông với con hầu gái; như kẻ vất bỏ chậu vàng mà dùng chậu sành; như người vất bỏ món cam lộ mà dùng món thuốc độc; như người bỏ vị lương y tài giỏi và thân thiết từ lâu mà theo thầy thuốc có oán thù, xấu ác để xin thuốc uống. Ta cũng như vậy, nếu khởi lòng xấu ác tức là lìa bỏ món pháp vị cam lộ của bậc Đại sư Như Lai Thế Tôn mà dùng đủ mọi thứ tư tưởng xấu ác của bọn oán thù là ma!

“Thân người khó được như hoa ưu-đàm, mà nay ta đã được. Đức Như Lai khó gặp hơn cả hoa ưu-đàm, mà nay ta đã gặp. Pháp bảo thanh tịnh khó được nghe, mà nay ta đã được nghe. Thật [hy hữu] chẳng khác nào con rùa mù gặp bộng cây nổi.

“Đời người trôi qua nhanh chóng, nhanh hơn cả thác nước đổ xuống từ trên núi cao, chẳng lúc nào ngừng. Ngày nay tuy còn, ngày mai không dám chắc, vì sao lại buông thả tâm mình để rơi vào các pháp xấu ác? Tuổi xuân tráng kiện không dừng lại, đang qua nhanh như ngựa chạy, sao có thể dựa vào đó mà sanh lòng kiêu mạn?

“Ví như bọn ác quỷ luôn rình rập tìm kiếm lỗi lầm của người, ác ma bốn đại cũng vậy, thường rình rập tìm kiếm những chỗ sai lầm của ta, sao ta lại để cho các tư tưởng xấu ác sanh khởi? Ví như căn nhà mục nát sắp sụp đổ, mạng sống của ta cũng vậy, vì sao lại khởi lòng xấu ác?

“Ta mang danh là sa-môn, tức là người rõ biết các tri giác hiền thiện. Nếu như nay ta sanh khởi những tư tưởng bất thiện, sao đáng gọi là sa-môn? Ta mang danh là người xuất gia, tức là người tu tập đạo lành. Như nay ta làm điều ác, sao đáng gọi là [người] xuất gia? Ta mang danh là bà-la-môn chân chánh, tức là người tu tập hạnh thanh tịnh. Như nay ta khởi tư tưởng xấu ác tức là điều bất tịnh, sao đáng gọi là bà-la-môn? Ta cũng mang danh thuộc dòng tộc lớn là Sát-lợi, tức là người có thể dẹp trừ những kẻ thù địch. Như nay ta không thể dẹp trừ kẻ thù địch là những điều xấu ác, sao đáng gọi là thuộc dòng tộc Sát-lợi? Ta mang danh là tỳ-kheo, tức là người phá trừ phiền não. Như nay ta không phá trừ phiền não là tư tưởng xấu ác, sao đáng gọi là tỳ-kheo?

“Ở đời có sáu điều khó gặp, khó được. Nay ta đã được rồi, vì sao lại để cho những tư tưởng xấu ác tồn tại trong lòng? Những gì là sáu điều khó gặp, khó được? Một là khó gặp lúc Phật ra đời. Hai là khó được nghe Chánh pháp. Ba là khó sanh khởi tâm lành. Bốn là khó được sanh ra giữa nơi văn minh hội tụ. Năm là khó được thân người. Sáu là khó được đầy đủ các giác quan. Sáu việc ấy là khó được, nay ta đều đã được, vì vậy không nên sanh khởi các tư tưởng xấu ác.’

“Bồ Tát khi ấy tu hành kinh Đại Niết-bàn này, thường chuyên cần quán sát các tâm xấu ác như vậy. Hết thảy phàm phu vì không thấy được sự nguy hại của các tâm xấu ác như vậy cho nên chấp nhận chạy theo ba loại tư tưởng xấu ác, đó gọi là nhận lấy lậu hoặc. Bồ Tát thấy rõ những sự nguy hại ấy nên không nhận chịu, không vướng mắc, buông bỏ không nắm giữ, y theo Tám thánh đạo mà loại bỏ, dứt trừ các tư tưởng xấu ác. Vì thế, Bồ Tát còn không nhận lấy lậu hoặc, sao lại nói là Như Lai có lậu hoặc? Do nghĩa ấy nên Như Lai Thế Tôn không phải là hữu lậu.

“Lại nữa, thiện nam tử! Kẻ phàm phu khi gặp những sự khổ não nơi thân tâm liền khởi lên mọi điều xấu ác. Do nơi thân có bệnh hay tâm có bệnh mà khiến cho thân, khẩu, ý của chúng sanh làm đủ mọi việc xấu ác. Do làm ác nên phải luân hồi trong ba đường ác, chịu đủ mọi sự khổ. Vì sao vậy? Vì kẻ phàm phu không có niệm và trí tuệ. Do đó mà sanh ra đủ mọi lậu hoặc. Đó gọi là niệm lậu.

“Đại Bồ Tát thường tự suy xét rằng: ‘Từ xưa đến nay, trải qua vô số kiếp, vì thân tâm này ta đã tạo mọi nghiệp ác. Bởi nhân duyên ấy, ta lưu chuyển sanh tử, ở trong ba đường ác, chịu đủ các nổi khổ, xa cách con đường chân chánh Ba thừa.’

“Xét như vậy rồi, Bồ Tát đối với thân tâm mình sanh ra rất sợ sệt, liền lìa bỏ mọi việc ác, noi theo đường lành.

“Thiện nam tử! Ví như có vị vua đem bốn con rắn độc nhốt trong một cái lồng, rồi sai một người trông nom nuôi dưỡng, mỗi khi ngủ dậy lại tắm rửa, kỳ cọ thân mình cho rắn. Vua ra lệnh rằng: ‘Nếu ngươi chọc giận một con rắn, ta sẽ mang ngươi ra hành hình giữa chợ.’

“Bấy giờ, nghe lệnh vua như thế, người ấy sợ quá liền bỏ lồng rắn mà chạy trốn. Vua liền sai năm tên chiên-đà-la cầm đao rượt theo. Người ấy ngoái lại thấy phía sau có năm người rượt đuổi, liền ra sức chạy nhanh. Năm tên chiên-đà-la dùng mưu chước xấu, giấu kín khí giới rồi bí mật sai một người giả vờ thân thiện, đến gần nói với người ấy rằng: ‘Ông nên quay trở lại.’

“Người ấy chẳng tin lời, chạy vào trốn trong một xóm nhà. Khi vào xóm rồi, hé nhìn ở các nhà đều không thấy người. Người ấy xem qua các đồ chứa, đều không thấy có gì trong đó cả. Tìm không thấy người, cũng không thấy có vật dụng gì, người ấy liền ngồi bệt xuống đất.

“Bỗng nghe giữa không trung có tiếng rằng: ‘Hỡi ôi, chàng trai kia! Xóm nhà này trống vắng, không có dân cư. Đêm nay sẽ có sáu tên giặc cướp đến đây. Nếu anh gặp bọn cướp ấy ắt là không sống được. Anh biết làm sao thoát được?’

“Bấy giờ, người ấy càng thêm sợ sệt, liền bỏ nơi ấy mà đi. Trên đường, gặp một con sông nước chảy xiết, lại không có thuyền bè. Vì sợ hãi, người ấy liền thu nhặt nhiều thứ cỏ cây, kết thành một chiếc bè, rồi suy nghĩ rằng: ‘Nếu ta ở lại đây, ắt sẽ bị hại bởi rắn độc, năm tên chiên-đà-la, một kẻ giả vờ thân thiện, cùng với sáu tên giặc cướp. Nếu ta qua sông này mà chiếc bè không đủ sức chịu đựng, ắt phải chết chìm. Nhưng ta thà chết chìm chứ không để bị hại bởi rắn độc và bọn giặc cướp kia.’

“Người ấy liền đẩy bè cỏ xuống nước, nương mình trên bè, tay ôm, chân đạp, rẽ nước mà qua sông. Khi tới bờ bên kia, người ấy được an ổn, không còn tai họa, tâm ý vui sướng nhẹ nhàng, mọi nỗi sợ hãi không còn nữa!

“Đại Bồ Tát được nghe và thọ trì kinh Đại Niết-bàn, quán xét thân này như cái lồng nhốt bốn con rắn độc là bốn đại: đất, nước, lửa, gió. Rắn độc có bốn cách gây độc cho người: lấy mắt nhìn gây độc, thân đụng chạm gây độc, phun nọc gây độc và dùng răng cắn gây độc. Tất cả chúng sanh vì gặp bốn cách gây độc ấy nên phải mất mạng. Bốn đại của chúng sanh cũng vậy: hoặc nhìn thấy là xấu ác, hoặc đụng chạm là xấu ác, hoặc hơi thở là xấu ác, hoặc cắn xé là xấu ác. Vì những nhân duyên ấy mà [làm cho chúng sanh] lìa xa mọi điều lành.

“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát quán xét bốn con rắn độc có bốn chủng tánh: sát-lợi, bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà. Rắn bốn đại cũng vậy, có bốn tánh chất: tánh bền chắc, tánh ẩm ướt, tánh nóng ấm, tánh chuyển động. Cho nên Bồ Tát quán xét bốn đại với bốn rắn độc là đồng tánh chất.

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát quán xét bốn đại như bốn rắn độc. Vì sao quán xét bốn đại là bốn rắn độc? Vì rắn độc thường rình rập để tìm lúc thuận tiện hại người. Chúng biết lúc nào nên nhìn để gây độc, lúc nào nên đụng chạm, lúc nào nên phun nọc và lúc nào nên mổ cắn. Rắn độc bốn đại cũng vậy, thường rình rập chúng sanh để tìm chỗ thiếu sót, yếu kém mà gây hại.

“Người bị rắn độc giết hại không đọa vào ba đường ác, nhưng nếu bị bốn đại giết hại thì chắc chắn phải đọa vào ba đường ác, không còn nghi ngờ gì nữa.

“Bốn con rắn độc ấy dù được người chăm sóc nuôi dưỡng nhưng vẫn muốn giết hại người. Bốn đại cũng thế, dù được sự cung cấp [nuôi dưỡng] của người nhưng vẫn thường xúi giục người làm mọi điều ác.

“Trong bốn rắn độc ấy, nếu có một con bị chọc giận, nó có thể giết người. Tánh chất của bốn đại cũng vậy, nếu có một đại bộc phát cũng có thể hại người.

“Bốn rắn độc ấy tuy ở cùng nhau nhưng chẳng đồng lòng với nhau. Rắn độc bốn đại cũng vậy, tuy ở cùng một nơi nhưng là bốn tánh khác nhau.

“Bốn rắn độc ấy, dù có cung kính cũng khó mà gần gũi. Rắn độc bốn đại cũng vậy, dù có cung kính cũng khó gần gũi.

“Khi bốn rắn độc ấy hại người, nếu có vị sa-môn hay bà-la-môn nào dùng chú thuật hay thuốc thang thì có thể chữa trị được. Bốn đại nếu hại người, dù có thần chú hay thuốc hay của các vị sa-môn hoặc bà-la-môn cũng không thể chữa trị.

“Như người đang vui, nghe hơi hôi hám đáng ghét của bốn rắn độc liền tức thời lìa xa. Chư Phật và Bồ Tát cũng vậy, nghe hơi hôi hám của bốn đại liền tức thời lìa xa.

“Bấy giờ, Bồ Tát lại suy nghĩ rằng: ‘Rắn độc bốn đại thật rất đáng sợ!’ Liền quay lưng mà tránh xa, chuyên tâm tu tập Tám thánh đạo.

“Năm tên chiên-đà-la kia tức là năm ấm. Vì sao Bồ Tát quán xét năm ấm như chiên-đà-la? Chiên-đà-la thường khiến cho những người thương yêu nhau phải chia lìa, những người oán ghét phải gặp gỡ nhau. Năm ấm cũng thế, khiến cho con người ham muốn gần gũi những pháp bất thiện, lìa xa hết thảy mọi pháp thuần thiện.

“Lại nữa, thiện nam tử! Những kẻ chiên-đà-la tự trang bị đủ mọi thứ khí giới, như đao, như thuẫn, như cung tên, áo giáp, giáo mác... để có thể hại người. Năm ấm cũng tự trang bị kiên cố bằng các phiền não, làm hại những kẻ ngu si phải chìm đắm trong Ba cõi.

“Thiện nam tử! Những kẻ chiên-đà-la bắt được người có tội liền làm hại. Năm ấm cũng vậy, có thể làm hại những người có lỗi lầm phiền não. Vì lẽ ấy, Bồ Tát quán xét sâu xa thấy năm ấm cũng giống như chiên-đà-la.

“Lại nữa, Bồ Tát quán sát năm ấm như chiên-đà-la, vì chiên-đà-la chẳng có lòng thương xót, làm hại cả kẻ oán lẫn người thân. Năm ấm cũng vậy, không có lòng thương xót, làm hại cả người thiện lẫn kẻ ác.

“Như chiên-đà-la quấy rối tất cả mọi người. Năm ấm cũng vậy, thường dùng các phiền não mà quấy rối tất cả chúng sanh trong sanh tử. Cho nên Bồ Tát quán xét năm ấm như chiên-đà-la.

“Lại nữa, Bồ Tát quán sát năm ấm như chiên-đà-la, vì chiên-đà-la thường ôm lòng gây hại. Năm ấm cũng vậy, thường chất chứa trong lòng những phiền não trói buộc gây hại.

“Như một người không có chân để chạy, không có đao kiếm, gậy gộc, không có kẻ đi theo bảo vệ, nên biết rằng người ấy ắt sẽ bị chiên-đà-la giết hại. Chúng sanh cũng vậy, nếu không có chân để chạy, không có đao kiếm, không có kẻ đi theo bảo vệ thì sẽ phải bị năm ấm làm hại. Chân đó là giới luật, đao kiếm đó là trí tuệ, kẻ đi theo bảo vệ tức là các vị thiện tri thức, bạn lành. Vì không có ba điều ấy nên mới bị năm ấm làm hại. Vì thế, Bồ Tát quán xét thấy năm ấm giống như chiên-đà-la.

“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát quán xét năm ấm còn đáng sợ hơn cả chiên-đà-la. Vì sao vậy? Chúng sanh bị năm kẻ chiên-đà-la giết hại không phải đọa vào địa ngục, nhưng nếu bị năm ấm giết hại thì ắt phải đọa vào địa ngục. Vì nghĩa ấy nên Bồ Tát quán sát năm ấm còn đáng sợ hơn cả chiên-đà-la. Quán xét như vậy rồi, Bồ Tát bèn lập nguyện rằng: ‘Ta thà trọn đời ở gần kẻ chiên-đà-la chứ không gần gũi năm ấm dù chỉ trong phút chốc.’

“Chiên-đà-la chỉ có thể làm hại người ngu si ở Dục giới mà thôi; còn giặc năm ấm có thể làm hại chúng sanh phàm phu khắp trong Ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.

“Chiên-đà-la chỉ có thể làm hại người có tội mà thôi; còn giặc năm ấm không phân biệt chúng sanh là có tội hay không có tội, đều làm hại tất cả.

“Chiên-đà-la không làm hại những người già yếu, phụ nữ, trẻ con; còn giặc năm ấm không phân biệt chúng sanh nào là già yếu, trẻ con hay phụ nữ, đều làm hại tất cả.

“Cho nên Bồ Tát quán xét sâu xa thấy năm ấm còn đáng sợ hơn cả chiên-đà-la. Vì thế, Bồ Tát phát nguyện rằng: ‘Ta thà trọn đời ở gần kẻ chiên-đà-la chứ không gần gũi với năm ấm dù chỉ trong phút chốc.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Chiên-đà-la chỉ làm hại người khác mà thôi, chẳng bao giờ tự hại mình. Giặc năm ấm làm hại cả mình và người khác, đáng sợ hơn cả chiên-đà-la.

“Đối với kẻ chiên-đà-la, còn có thể dùng lời khéo léo, tiền của, vật quý mua chuộc chúng để cầu được thoát. Năm ấm chẳng phải vậy, không thể gượng dùng lời khéo léo dẫn dụ, hoặc tiền của, vật quý để cầu được thoát.

“Kẻ chiên-đà-la không phải trong bốn thời đều luôn giết hại. Năm ấm thì khác, trong từng khoảnh khắc vẫn thường làm hại chúng sanh.

“Kẻ chiên-đà-la chỉ ở tại một nơi mà thôi nên ta có thể trốn tránh đi nơi khác. Năm ấm thì khác, khắp nơi đều có nên ta không thể nào trốn tránh được.

“Kẻ chiên-đà-la tuy làm hại người, nhưng đã hại rồi thì không đuổi theo. Năm ấm thì khác, đã giết hại chúng sanh rồi lại còn bám theo mãi mãi không rời.

“Cho nên Bồ Tát thà trọn đời [phải] ở gần kẻ chiên-đà-la cũng không chấp nhận gần gũi với năm ấm, dù chỉ trong phút chốc.

“Người có trí tuệ dùng phương tiện khéo léo mà thoát khỏi năm ấm. Phương tiện khéo léo đó tức là Tám Thánh đạo, Sáu Ba-la-mật, Bốn tâm vô lượng. Nhờ phương tiện ấy mà được giải thoát, thân tâm chẳng bị năm ấm làm hại. Vì sao vậy? Vì thân như kim cang, tâm như hư không, nên khó bị hư hoại.

“Do những nghĩa ấy, Bồ Tát quán xét các ấm gây ra đủ mọi pháp bất thiện, sanh ra nỗi sợ lớn, bèn lo tu tập Tám Thánh đạo. Cũng giống như người bỏ trốn kia, vì sợ bốn con rắn độc, năm kẻ chiên-đà-la nên băng đường mà chạy đi, không dám quay đầu nhìn lại.

“Kẻ thù oán giả vờ thân thiện kia tức là tham ái. Đại Bồ Tát quán xét sâu xa sự trói buộc của tham ái giống như kẻ thù oán giả vờ thân thiện. Nếu rõ biết sự thật thì kẻ ấy chẳng làm gì được; nếu không rõ biết thì sẽ bị hại. Tham ái cũng vậy. Nếu biết được tánh thật của tham ái thì chúng sanh không còn bị luân chuyển trong biển khổ sanh tử; nếu không biết được tánh thật của tham ái thì phải luân hồi trong sáu nẻo, chịu đủ mọi nỗi khổ. Vì sao vậy? Vì tham ái là bệnh, rất khó buông bỏ xa lìa, cũng như kẻ thù oán giả vờ thân thiện, rất khó lìa xa.

“Kẻ thù oán giả vờ thân thiện thường rình rập tìm chỗ thuận tiện để khiến cho những người thương yêu nhau phải chia lìa, những người oán ghét phải gặp gỡ nhau. Tham ái cũng vậy, khiến cho người ta xa cách hết thảy pháp lành, gần gũi hết thảy các pháp bất thiện. Vì nghĩa ấy nên Bồ Tát quán xét sâu xa thấy tham ái như kẻ thù oán giả vờ thân thiện, vì [khiến cho người ta] thấy [cũng như] không thấy, nghe [cũng như] không nghe. Như kẻ phàm phu tuy có trí tuệ thấy được lỗi lầm của sanh tử, nhưng vì sự ngu si che lấp nên cũng cũng như không thấy. Hàng Thanh văn, Duyên giác cũng vậy, tuy thấy [cũng như] không thấy, tuy nghe [cũng như] không nghe. Vì sao vậy? Vì có tâm tham ái.

“Thế nào là vì có tâm tham ái? Vì thấy chỗ lỗi lầm của sanh tử nhưng không thể nhanh chóng đạt đến quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Do nghĩa ấy, Đại Bồ Tát quán xét sự trói buộc của tham ái giống như kẻ thù oán giả vờ thân thiện.

“Thế nào là biểu hiện của kẻ thù oán giả vờ thân thiện? Kẻ thù oán là không chân thật nhưng giả vờ ra vẻ chân thật; không thể gần gũi nhưng giả vờ ra vẻ gần gũi; thật là bất thiện nhưng giả vờ ra vẻ hiền thiện; thật không có lòng thương yêu nhưng giả vờ ra vẻ thương yêu. Vì sao vậy? Vì muốn rình rập tìm chỗ thuận tiện để làm hại.

“Tham ái cũng vậy, thường đối với chúng sanh giả vờ ra vẻ chân thật, giả vờ ra vẻ gần gũi, giả vờ ra vẻ hiền thiện, giả vờ ra vẻ thương yêu, thường dối gạt tất cả chúng sanh, khiến họ luân hồi sanh tử. Vì nghĩa ấy, Bồ Tát quán xét tham ái như kẻ thù oán giả vờ thân thiện.

“Với kẻ thù oán giả vờ thân thiện, ta chỉ thấy được hành vi và lời nói, không thấy được trong lòng nên bị dối gạt. Tham ái cũng vậy, chỉ là hư dối, thật không có được, nên có thể dối gạt tất cả chúng sanh.

“Kẻ thù oán giả vờ thân thiện thì có lúc khởi đầu, có lúc kết thúc, nên dễ lìa xa. Tham ái không phải vậy, không có khởi đầu, không có kết thúc, nên rất khó xa lìa.

“Kẻ thù oán giả vờ thân thiện khi ở xa thì khó rõ biết, nhưng khi ở gần mình thì dễ biết được. Tham ái không phải vậy, dù khi ở gần cũng khó rõ biết, huống chi là lúc ở xa?

“Vì những lẽ ấy nên Bồ Tát quán xét tham ái còn đáng sợ hơn cả kẻ giả vờ thân thiện. Vì sự trói buộc của tham ái, tất cả chúng sanh đều xa cách Đại Niết-bàn, gần gũi sanh tử; xa cách thường, lạc, ngã, tịnh, gần gũi vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Cho nên ở nhiều nơi trong các kinh, Phật đều có dạy về ba sự nhơ nhớp là tham ái, sân hận và si mê. Chúng sanh đối với những sự việc trong hiện tại, do vô minh che lấp nên không thấy được những lỗi lầm nguy hại, không thể buông bỏ, xa lìa.

“Tham ái như kẻ oán giả vờ thân thiện, chẳng bao giờ làm hại được người có trí. Vì thế, Bồ Tát quán xét sâu xa tham ái, sanh ra nỗi sợ lớn, bèn lo tu tập Tám Thánh đạo. Cũng như người bỏ trốn kia vì sợ bốn con rắn độc, năm tên chiên-đà-la và kẻ giả vờ thân thiện nên băng đường chạy đi không dám quay lại.

“Xóm nhà trống không kia tức là sáu nhập. Đại Bồ Tát quán xét sáu nhập bên trong là trống trơn, thật không có gì, như xóm nhà trống không. Như kẻ hoảng sợ kia, khi vào xóm nhà rồi chẳng thấy có người dân nào cả, tìm xem hết mọi thứ đồ chứa cũng chẳng thấy có món vật dụng gì. Bồ Tát cũng vậy, quán xét kỹ sáu nhập không thấy có gì cả, không thấy có chúng sanh, không thấy có một vật gì là thật! Vì thế, Bồ Tát quán xét sáu nhập bên trong không có gì cả, như xóm nhà trống không.

“Thiện nam tử! Xóm nhà trống không kia, bọn giặc cướp từ xa trông đến không hề có ý nghĩ rằng đó là trống không. Những kẻ phàm phu cũng vậy, đối với cái xóm nhà sáu nhập không hề có ý nghĩ rằng đó là trống không. Vì không thể nghĩ rằng sáu nhập là trống không nên phải luân hồi sanh tử, chịu vô số nỗi khổ.

“Thiện nam tử! Khi bọn giặc cướp đến nơi rồi liền sanh khởi ý tưởng đó là trống không. Bồ Tát cũng vậy, quán xét sáu nhập thường sanh ý tưởng cho là trống không. Vì sanh ý tưởng trống không nên không bị sanh tử luân hồi, không phải chịu khổ. Bồ Tát đối với sáu nhập ấy thường không điên đảo. Vì không điên đảo nên chẳng còn trở lại sanh tử luân hồi.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như có giặc cướp vào trú trong xóm nhà trống không ấy sẽ được yên ổn. Giặc phiền não cũng vậy, vào trú trong sáu nhập sẽ được yên ổn. Như giặc cướp trú nơi xóm nhà trống không thì lòng không sợ sệt. Giặc phiền não cũng vậy, trú nơi sáu nhập cũng không còn sợ sệt.

“Như xóm nhà trống không kia chính là chỗ trú ngụ của sư tử, cọp, sói và mọi giống thú dữ. Sáu nhập bên trong cũng vậy, chính là chỗ trú ngụ của tất cả bọn thú dữ phiền não xấu ác. Cho nên Bồ Tát quán xét sâu xa thấy sáu nhập là trống không, không có gì cả, chỉ là chỗ trú ngụ của tất cả những điều bất thiện.

“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát quán xét sáu nhập bên trong là trống không, không có gì cả, như xóm nhà trống không kia. Vì sao vậy? Vì là hư dối không chân thật. Xóm nhà trống không kia thật là trống không, không có gì, [người không hiểu biết] lại sanh ra ý tưởng cho là thật có; thật không có gì là vui, lại sanh ra ý tưởng cho là vui; thật không có người ở, lại sanh ra ý tưởng là có người. Sáu nhập bên trong cũng vậy, vốn là trống không, không có gì cả, [người không hiểu biết] lại sanh ra ý tưởng cho là thật có; thật không có gì vui, lại sanh ra ý tưởng cho là vui; thật không có người ở, lại sanh ra ý tưởng là có người. Chỉ người trí mới biết rõ như vậy, đạt đến sự chân thật.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như xóm nhà trống không kia cũng có lúc có người, có lúc vắng người. Sáu nhập không như vậy, lúc nào cũng là không. Vì sao vậy? Vì tánh [của chúng] thường là không. Đó là chỗ biết của người trí, chẳng phải do mắt thấy. Cho nên Bồ Tát quán xét sáu nhập bên trong chứa nhiều oán thù tai hại, liền lo tu tập Tám Thánh đạo không lúc nào dừng, như người kia vì sợ bốn con rắn độc, năm tên chiên-đà-la, một kẻ giả vờ thân thiện và sáu tên giặc cướp mà hoảng hốt bỏ chạy theo con đường lớn.

“Sáu tên giặc cướp kia tức là sáu trần bên ngoài. Đại Bồ Tát quán xét sáu trần ấy như sáu tên giặc cướp. Vì sao vậy? Vì có thể cướp giật tất cả các pháp lành. Như sáu tên giặc cướp có thể cướp giật của cải và vật quý của tất cả mọi người. Giặc cướp sáu trần này cũng vậy, có thể cướp giật những điều lành quý báu của tất cả chúng sanh.

“Như sáu tên giặc cướp nếu vào trong nhà người ắt có thể cướp giật tài sản hiện có trong nhà, không phân biệt là tốt hay xấu, khiến cho người rất giàu có bỗng chốc hóa ra nghèo túng. Giặc cướp sáu trần cũng vậy, nếu thiệp nhập với sáu căn ắt có thể cướp giật tất cả pháp lành. Pháp lành mất hết thì [chúng sanh] trở nên ngèo túng trơ trọi, làm kẻ nhất-xiển-đề. Cho nên Bồ Tát quán xét kỹ thấy sáu trần cũng như sáu tên giặc cướp.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như sáu tên giặc cướp khi muốn cướp của người cần phải có kẻ nội ứng. Nếu không có kẻ nội ứng, ắt chúng phải quay về. Giặc cướp sáu trần cũng vậy, nếu muốn cướp đoạt pháp lành cần phải nhân nơi bên trong có sự thấy biết của chúng sanh, như các tướng thường, lạc, ngã, tịnh, chấp hữu. Nếu bên trong không có những tướng trạng ấy, giặc cướp sáu trần không thể cướp giật hết thảy pháp lành. Người có trí thì bên trong không có những tướng trạng như vậy, còn kẻ phàm phu ắt là phải có, nên sáu trần thường đến cướp đoạt của cải là pháp lành. Vì không khéo léo giữ gìn nên bị cướp mất. Sự giữ gìn đó gọi là trí tuệ. Người có trí tuệ khéo léo đề phòng và gìn giữ nên không bị cướp. Cho nên Bồ Tát quán xét sáu trần cũng như sáu tên giặc cướp, thật không khác nhau.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như sáu tên giặc cướp có thể làm cho thân tâm người dân khổ não. Giặc cướp sáu trần cũng vậy, thường làm cho thân tâm chúng sanh khổ não.

“Sáu tên giặc cướp chỉ cướp được tài sản hiện có của người ta mà thôi, nhưng giặc cướp sáu trần thường cướp đoạt tài sản là điều lành của chúng sanh trong cả ba đời.

“Sáu tên giặc cướp kia, khi đêm tối lấy làm vui vẻ. Giặc cướp sáu trần cũng vậy, ở trong sự tăm tối của vô minh lấy làm vui vẻ.

“Sáu tên giặc cướp kia, chỉ có vua quan mới ngăn cản được chúng. Giặc cướp sáu trần cũng vậy, chỉ có Phật và Bồ Tát mới ngăn dừng được chúng.

“Sáu tên giặc cướp kia, khi muốn cướp đoạt thì không phân biệt dòng họ, người đoan chánh hay thông triết, nghe nhiều, học rộng hay sang quý, hèn hạ. Giặc cướp sáu trần cũng vậy, khi muốn cướp đoạt pháp lành thì cũng không phân biệt từ người đoan chánh cho đến kẻ hèn hạ.

Sáu tên giặc cướp kia, dù vua quan có chặt đứt tay chân cũng không thể khiến cho bọn chúng dứt bỏ lòng giặc cướp. Giặc cướp sáu trần cũng vậy, dù các vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm có chặt đứt tay chân của chúng cũng không thể làm cho chúng từ bỏ không cướp đoạt pháp lành.

“Như người khỏe mạnh, uy dũng mới có thể khuất phục sáu tên giặc cướp. Chư Phật và Bồ Tát cũng vậy, các ngài mới có đủ khả năng khuất phục bọn giặc cướp sáu trần.

“Ví như người có thân tộc đông đảo, bè phái vững mạnh, ắt không bị bọn sáu tên giặc kia cướp giật. Chúng sanh cũng thế, nếu có đủ bạn tốt, thiện tri thức thì không bị bọn giặc sáu trần cướp đoạt.

“Sáu tên giặc kia nếu thấy được tài sản của người khác liền có thể trộm cướp. Giặc sáu trần không phải vậy, hoặc thấy, hoặc biết, hoặc nghe, hoặc ngửi, hoặc xúc chạm, hoặc nhận biết, thảy đều có thể cướp đoạt.

“Sáu tên giặc kia chỉ có thể cướp đoạt tài sản của người ở Dục giới mà thôi, không thể cướp đoạt ở các cõi Sắc giới và Vô sắc giới. Giặc cướp sáu trần không phải vậy, chúng có thể cướp đoạt tất cả của báu là pháp lành trong Ba cõi.

“Cho nên Bồ Tát quán xét sáu trần còn đáng sợ hơn cả sáu tên giặc cướp kia. Quán xét như vậy rồi liền tu tập Tám Thánh đạo, thẳng tiến không thối lui; cũng như người kia vì sợ bốn con rắn độc, năm tên chiên-đà-la, một kẻ giả vờ thân thiện và sáu tên giặc cướp mà vội bỏ xóm nhà không người, băng đường chạy đi.

“Trên đường gặp một dòng sông, đó là phiền não. Vì sao Bồ Tát quán xét phiền não như dòng sông lớn? Như dòng sông nước chảy xiết có thể cuốn trôi cả con voi tơ đang sung sức. Dòng sông phiền não chảy xiết cũng vậy, có thể cuốn trôi cả hàng Duyên giác. Cho nên Bồ Tát quán xét sâu xa thấy phiền não cũng như dòng sông chảy xiết.

“Nước sâu khó dò tới đáy nên gọi là sông, bờ xa không vượt sang được nên gọi là lớn. Trong dòng nước lại có đủ mọi thứ cá dữ. Sông lớn phiền não cũng vậy, chỉ có Phật và Bồ Tát mới dò được tận đáy, nên gọi là rất sâu; chỉ có Phật và Bồ Tát mới sang được tới bờ bên kia, nên gọi là rộng lớn. Thường làm hại tất cả chúng sanh ngu si, nên gọi là cá dữ. Vì thế Bồ Tát quán xét phiền não như dòng sông lớn [rất sâu và có nhiều cá dữ].

“Như nước sông lớn có thể làm tăng trưởng tất cả cỏ cây, rừng rậm. Sông lớn phiền não cũng vậy, có thể làm tăng trưởng chúng sanh trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Cho nên Bồ Tát quán xét phiền não cũng như dòng sông lớn.

“Ví như có người rơi xuống dòng nước sông lớn, không có gì là hổ thẹn. Chúng sanh cũng thế, chìm trong dòng sông phiền não không hề hổ thẹn. Như người rơi xuống sông, chưa chìm tới đáy đã mất mạng rồi. Chúng sanh trong dòng sông phiền não cũng vậy, chưa chìm tới đáy đã phải xoay vòng luân chuyển trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu.

“Nói đáy sông đó là chỉ cho tướng Không. Nên biết rằng, nếu ai không tu tập tướng Không này thì không thể ra khỏi hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Vì tất cả chúng sanh không khéo tu tập lẽ Không, Vô tướng, nên thường bị dòng sông phiền não cuốn trôi, nhận chìm.

“Như dòng sông lớn kia chỉ có thể làm hại xác thân, không thể nhận chìm hết thảy pháp lành. Dòng sông lớn phiền não không phải vậy, vì có thể làm hư hoại hết thảy các pháp lành của thân và tâm.

“Dòng sông hung hãn kia cũng chỉ cuốn trôi, nhận chìm người trong cõi Dục giới. Dòng sông lớn phiền não có thể cuốn trôi, nhận chìm cả loài người và chư thiên trong Ba cõi.

“Như dòng sông lớn ở thế gian, có thể ôm phao nổi mà đạp chân sang đến bờ bên kia. Với dòng sông lớn phiền não, chỉ có Bồ Tát nhờ nơi sáu pháp ba-la-mật mới có thể vượt qua được.

“Như nước sông lớn thật khó mà lội được sang bờ bên kia. Sông lớn phiền não cũng vậy, thật khó mà vượt sang đến bờ bên kia.

“Vì sao nói rằng khó vượt sang được? Cho đến các vị Đại Bồ Tát đạt địa vị Mười trụ vẫn còn chưa thể rốt ráo vượt sang, chỉ có chư Phật mới rốt ráo vượt sang mà thôi. Vì thế nên nói rằng khó vượt sang.

“Ví như có một người bị dòng sông cuốn trôi, không thể tu tập chút pháp lành nào. Chúng sanh cũng vậy, bị dòng sông phiền não cuốn trôi, nhấn chìm, cũng không thể tu tập được pháp lành.

“Như người rớt xuống sông bị nước cuốn trôi, nếu gặp người đủ sức mạnh có thể cứu vớt lên. Nhưng với người bị chìm trong dòng sông phiền não, làm kẻ nhất-xiển-đề thì dù là Thanh văn, Duyên giác cho đến chư Phật cũng không thể cứu vớt được.

“Vào thuở kiếp tận sẽ có bảy mặt trời cùng chiếu xuống dòng sông lớn ở thế gian, khiến cho khô cạn. Sông lớn phiền não không phải như vậy, hàng Thanh văn, Duyên giác tuy tu tập Bảy giác chi cũng không thể làm cho khô cạn được. Vì thế, Bồ Tát quán xét các phiền não giống như dòng sông hung bạo.

“Ví như người kia vì sợ bốn con rắn độc, năm tên chiên-đà-la, một kẻ giả vờ thân thiện và sáu tên giặc cướp mà rời bỏ xóm nhà trống không để theo đường chạy trốn. Khi đến bờ sông liền kết cỏ làm bè qua sông. Bồ Tát cũng vậy, vì sợ rắn độc là bốn đại, chiên-đà-la là năm ấm, kẻ giả vờ thân thiện là tham ái, xóm nhà trống không là sáu nhập, giặc cướp là sáu trần, liền chạy tới bờ sông phiền não, tu tập giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, sáu ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, dùng đó làm thuyền bè để nương theo mà vượt qua sông lớn phiền não, đến được bờ bên kia là cảnh giới Niết-bàn an vui.

“Vị Bồ Tát tu hành Đại Niết-bàn có suy nghĩ rằng: ‘Nếu ta không nhẫn chịu được những nỗi khổ của thân, của tâm như thế này, ắt không thể giúp cho tất cả chúng sanh vượt qua được dòng sông phiền não.’ Suy nghĩ như vậy, nên dù có những nỗi khổ não trong thân tâm, [vị Bồ Tát] cũng lặng lẽ nhẫn chịu. Vì nhẫn chịu được nên không sanh ra lậu hoặc.

“Vị Bồ Tát như vậy còn không có các lậu hoặc, huống chi đức Phật Như Lai làm sao có lậu hoặc? Cho nên chư Phật không thể gọi là hữu lậu.

“Vì sao Như Lai cũng không phải vô lậu? Đức Như Lai thường hành đạo trong cõi hữu lậu, tức là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Vì thế nên hàng Thanh văn và những kẻ phàm phu nói rằng Phật là hữu lậu; nhưng chư Phật Như Lai chân thật là vô lậu.

“Thiện nam tử! Do những nhân duyên ấy nên chư Phật Như Lai không hề có tướng nhất định.

“Thiện nam tử! Vì thế nên kẻ phạm bốn giới cấm nặng, phỉ báng kinh Phương đẳng cùng với kẻ nhất-xiển-đề, thảy đều là không nhất định.”

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Đúng vậy, đúng vậy! Quả như lời Phật dạy, hết thảy các pháp đều là không nhất định. Vì lẽ không nhất định ấy, nên biết rằng Như Lai không phải dứt bỏ hết tất cả mà nhập Niết-bàn.

“Như trước đây Phật có dạy: ‘Đại Bồ Tát tu hành Đại Niết-bàn nghe được những điều không [thể] nghe: có Niết-bàn, có Đại Niết-bàn.’ [Bạch Thế Tôn!] Thế nào là Niết-bàn? Thế nào là Đại Niết-bàn?”

Bấy giờ, Phật ngợi khen Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Chỉ có Bồ Tát nào đã được niệm tổng trì mới có thể thưa hỏi như vậy.

“Thiện nam tử! Như người đời nói có biển, có biển lớn; có sông, có sông lớn; có núi, có núi lớn; có cõi đất, có cõi đất lớn; có thành, có đại thành; có chúng sanh, có đại chúng sanh; có tiểu vương, có đại vương; có chư thiên, có đại thiên; có đạo, có đại đạo. Niết-bàn cũng thế, có Niết-bàn, có Đại Niết-bàn.

“Thế nào là Niết-bàn? Thiện nam tử! Như có người đang đói, nếu được chút cơm ăn thì cho là vui sướng. Sự vui sướng như vậy cũng gọi là Niết-bàn. Như người bệnh được khỏi thì cho là vui sướng. Sự vui sướng như vậy cũng gọi là Niết-bàn. Như người đang sợ sệt gặp chỗ nương dựa, ắt được vui sướng. Sự vui sướng như vậy cũng gọi là Niết-bàn. Như người nghèo túng được vật bằng bảy báu, ắt được vui sướng. Sự vui sướng như vậy cũng gọi là Niết-bàn. Như người quán tưởng bộ xương, dứt lòng tham muốn, ắt được an vui. Sự an vui như vậy cũng gọi là Niết-bàn.

“Niết-bàn như vậy không gọi là Đại Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì có được là do đói khát, do bệnh tật, do sợ sệt, do nghèo túng, do tham đắm vướng mắc, nên gọi là Niết-bàn, không phải Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Như kẻ phàm phu và hàng Thanh văn, hoặc do nơi pháp thế gian, hoặc nhân nơi Thánh đạo mà dứt trừ được phiền não trói buộc ở Dục giới, ắt sẽ được an vui. Sự an vui như vậy cũng gọi là Niết-bàn, không gọi là Đại Niết-bàn.

“Nếu có thể dứt được phiền não trói buộc từ cảnh Sơ thiền cho đến cảnh Phi tưởng phi phi tưởng ắt được an vui. Sự an vui như vậy cũng gọi là Niết-bàn, không gọi là Đại Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì còn có tập khí [làm] sanh khởi phiền não trở lại.

“Thế nào là phiền não tập khí? Hàng Thanh văn, Duyên giác đều có những thói quen phiền não, như là những ý niệm: thân của ta, y phục của ta; ta đi, ta lại, ta nói, ta nghe; chư Phật Như Lai nhập Niết-bàn, tánh của Niết-bàn là vô ngã, vô lạc, chỉ có thường hằng thanh tịnh mà thôi. [Những ý niệm sai lầm] như thế gọi là phiền não tập khí.

“[Hoặc có những ý niệm như là:] Phật, Pháp, Tăng là những tướng khác biệt nhau, Như Lai rốt cùng dứt bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn, chỗ chứng đắc Niết-bàn của hàng Thanh văn, Duyên giác với chư Phật Như Lai không có gì khác biệt. Do có những ý niệm [sai lầm] như thế nên chỗ chứng đắc của hàng Nhị thừa không phải là Đại Niết-bàn.

“Vì sao vậy? Vì không có thường, lạc, ngã, tịnh. Có thường, lạc, ngã, tịnh mới được gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như nơi có thể dung chứa [tất cả] các dòng nước nên gọi là biển lớn. [Cũng vậy,] nơi mà hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát và chư Phật Như Lai đều đạt đến thì gọi là Đại Niết-bàn. Nơi nào có thể dung chứa vô số các thiện pháp như Bốn cảnh giới thiền, Ba pháp Tam-muội, Tám bội xả, Tám pháp thắng xứ, Mười pháp nhất thiết xứ thì gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như có dòng sông mà con voi tơ khỏe nhất cũng không thể lặn tới đáy, ắt phải gọi là sông lớn. Hàng Thanh văn, Duyên giác, cho đến Bồ Tát đã đạt đến địa vị Mười trụ nhưng không thấy tánh Phật, chỉ gọi là Niết-bàn, không phải Đại Niết-bàn. Nếu ai có thể thấy rõ ràng tánh Phật, ắt phải được gọi là Đại Niết-bàn. Như dòng sông lớn chỉ có voi chúa mới lặn được thấu đáy. Voi chúa ấy chính là chư Phật, mới có khả năng thấu suốt Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Nếu như voi chúa dũng kiện cùng với các vị thần bát-kiện-đà, các đại lực sĩ cùng leo lên một ngọn núi, trải qua thời gian rất lâu vẫn không tới được đỉnh núi, như vậy mới gọi là núi lớn. Nếu như các voi chúa dũng kiện, các đại lực sĩ là Thanh văn, Duyên giác và chư Bồ Tát đều không thể thấy, cảnh giới ấy mới gọi là Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nơi vị tiểu vương cư trú gọi là tiểu thành. Nơi vị Chuyển luân Thánh vương cư trú mới gọi là đại thành. Nơi an trụ của tám vạn, sáu vạn, bốn vạn, hai vạn, một vạn Thanh văn, Duyên giác gọi là Niết-bàn. Nơi an trụ của bậc Thánh vương là Vô thượng Pháp vương mới được gọi là Đại Bát Niết-bàn. Do những nghĩa ấy nên gọi là Đại Bát Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Như có người nhìn thấy bốn loại quân binh mà không sanh lòng sợ sệt, nên biết rằng người ấy đáng gọi là bậc đại nhân. Nếu người nào đối với các cảnh giới xấu ác, phiền não, nghiệp ác không sanh lòng sợ sệt mà có thể ở trong đó để rộng độ chúng sanh, nên biết rằng người ấy thật chứng đắc Đại Niết-bàn.

“Nếu ai biết cúng dường cha mẹ, cung kính sa-môn, bà-la-môn, biết tu tập giữ gìn pháp lành, nói ra lời thành thật, không có sự dối gạt, khinh miệt, có thể nhẫn chịu mọi sự xấu ác, rộng lòng bố thí cho kẻ nghèo đói, người ấy đáng gọi là bậc đại trượng phu. Bồ Tát cũng vậy, có lòng từ bi lớn, thương xót tất cả, lòng thương yêu chúng sanh như các bậc cha mẹ, có thể đưa chúng sanh vượt qua sông sanh tử, chỉ bày cho tất cả chúng sanh đạo chân thật duy nhất. Như vậy gọi là Đại Bát Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Đại, đó gọi là không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ bàn, nên là chỗ mà tất cả chúng sanh không đủ sức tin. Như thế gọi là Đại Bát Niết-bàn.

“Vì là cảnh giới chỉ có Phật và Bồ Tát mới thấy được nên gọi là Đại Niết-bàn. Vì nhân duyên gì lại gọi là đại? Vì phải có vô lượng nhân duyên rồi mới đạt được nên gọi là đại.

“Thiện nam tử! Như người thế gian, việc gì phải có nhiều nhân duyên mới đạt được thì gọi là đại. [Đại] Niết-bàn cũng vậy, vì phải có nhiều nhân duyên mới đạt được nên gọi là đại.

“Vì sao lại gọi là Đại Niết-bàn? Vì có đại ngã nên gọi là Đại Niết-bàn. Niết-bàn không có ngã, vì được hoàn toàn tự tại tùy ý nên gọi là đại ngã. Thế nào gọi là hoàn toàn tự tại? Vì có tám đức tự tại, nên gọi là đại ngã. Những gì là tám [đức tự tại]?

“Thứ nhất, có thể dùng một thân mà thị hiện nhiều thân. Số thân lớn hoặc nhỏ nhiều như số hạt bụi nhỏ, đầy khắp vô lượng thế giới trong mười phương.

“Thân Như Lai thật ra chẳng phải nhiều như số hạt bụi nhỏ, nhờ được hoàn toàn tự tại nên [có thể] hiện ra số thân nhiều như số hạt bụi nhỏ. Sự hoàn toàn tự tại tùy ý như vậy gọi là đại ngã.

“Thứ hai, có thể dùng một thân nhỏ như hạt bụi mà thị hiện [lớn lên] choán đầy cõi thế giới Tam thiên đại thiên.

Thân Như Lai thật ra không [lớn lên] choán đầy cõi thế giới Tam thiên đại thiên. Nhưng vì sao vậy? Vì không có sự ngăn ngại, và chính là nhờ được hoàn toàn tự tại mà [có thể thị hiện lớn lên] choán đầy khắp cõi thế giới Tam thiên đại thiên. Sự hoàn toàn tự tại như vậy gọi là đại ngã.

“Thứ ba, có thể dùng cái thân rộng lớn choán đầy khắp cõi thế giới Tam thiên đại thiên này mà nhẹ nhàng bay trên hư không, vượt qua các cõi thế giới của chư Phật nhiều như số cát hai mươi con sông Hằng, không có sự chướng ngại nào cả.

“Thân Như Lai thật ra không có nặng nhẹ, nhưng do được hoàn toàn tự tại nên có thể hóa hiện thành nhẹ hay nặng. Sự hoàn toàn tự tại như vậy gọi là đại ngã.

“Thứ tư, do sự tự tại mà được tự tại. Thế nào là tự tại? Như Lai đạt đến sự nhất tâm, trụ yên không xao động. Tâm ấy có thể thị hiện hóa ra vô số hình loại, mỗi hình loại đều khiến cho có tâm thức. Có khi Như Lai tạo ra một sự việc mà khiến cho tất cả chúng sanh đều thành tựu đầy đủ. Thân Như Lai thường trụ ở một cõi mà khiến cho tất cả chúng sanh ở các cõi khác đều nhìn thấy được. Sự hoàn toàn tự tại như vậy gọi là đại ngã.

“Thứ năm, do nơi căn tự tại. Thế nào gọi là căn tự tại? Mỗi một căn của Như Lai đều có thể nhìn thấy hình sắc, nghe âm thanh, ngửi mùi, nếm vị, xúc chạm, biết pháp. Cả sáu căn của Như Lai lại cũng không thấy hình sắc, không nghe âm thanh, không ngửi mùi, không nếm vị, không xúc chạm, không biết pháp. Vì hoàn toàn tự tại nên khiến cho các căn đều được tự tại. Sự hoàn toàn tự tại như vậy gọi là đại ngã.

“Thứ sáu, do hoàn toàn tự tại nên chứng đắc tất cả các pháp. Trong tâm Như Lai cũng không hề có ý tưởng chứng đắc. Vì sao vậy? Vì không có chỗ chứng đắc. Nếu là có mới gọi là chứng đắc. Thật không gì là có, làm sao gọi là chứng đắc? Nếu Như Lai có ý tưởng cho là có chứng đắc, ắt chư Phật không thật chứng đắc Niết-bàn. Vì không có chỗ chứng đắc nên mới gọi là chứng đắc Niết-bàn. Vì hoàn toàn tự tại nên chứng đắc tất cả các pháp. Vì chứng đắc [tất cả] các pháp nên gọi là đại ngã.

“Thứ bảy, do nơi sự giảng thuyết tự tại nên Như Lai [có thể] giảng thuyết rộng ý nghĩa của một bài kệ mà trải qua vô lượng kiếp cũng không hết nghĩa. Như nói về giới, hoặc nói về định, hoặc về bố thí, hoặc về trí tuệ. Như Lai trong lúc ấy chẳng hề sanh khởi ý niệm rằng có người thuyết giảng, có người nghe, cũng không sanh khởi ý tưởng là có bài kệ.

“Người đời lấy hình thức bốn câu gọi là một bài kệ. Như Lai vì tùy thuận thế gian nên thuyết giảng gọi là kệ. Nhưng tánh thật của tất cả các pháp cũng không có sự giảng thuyết. Vì được hoàn toàn tự tại nên Như Lai giảng thuyết. Vì giảng thuyết nên gọi là đại ngã.

“Thứ tám, Như Lai biến hiện khắp cả mọi nơi, giống như hư không. Tánh của hư không là không thể nhìn thấy được. Như Lai cũng thế, không thể nhìn thấy được. Nhưng nhờ sự tự tại nên khiến cho tất cả [chúng sanh] đều nhìn thấy. Sự hoàn toàn tự tại như vậy nên gọi là đại ngã.

“Đại ngã như vậy gọi là Đại Niết-bàn. Do những nghĩa ấy nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như kho tàng châu báu có nhiều vật quý hiếm, đầy đủ hàng trăm loại nên gọi là kho tàng lớn. Kho tàng rất sâu xa uyên áo của chư Phật Như Lai cũng vậy, có nhiều sự vật lạ kỳ, đầy đủ không thiếu sót, nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Sự vật không có giới hạn mới gọi là đại. [Đại] Niết-bàn không có giới hạn nên gọi là đại.

“Lại nữa, thiện nam tử! Vì có niềm vui sướng lớn lao nên gọi là Đại Niết-bàn. [Đại] Niết-bàn thật không có vui. Vì có đủ bốn niềm vui [lớn lao] nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Những gì là bốn niềm vui [lớn lao]?

“Thứ nhất là dứt trừ sự vui. Nếu không dứt trừ sự vui ắt gọi là khổ. Nếu có khổ thì không gọi là niềm vui lớn lao. Nhờ dứt trừ sự vui nên không có khổ. Không khổ không vui mới gọi là niềm vui lớn lao.

“Tánh của Niết-bàn là không khổ, không vui. Cho nên Niết-bàn gọi là niềm vui lớn lao. Vì nghĩa ấy nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Vui có hai loại: một là sự vui của phàm phu, hai là niềm vui của chư Phật. Sự vui của phàm phu là vô thường, bại hoại, nên không thật là vui. Chư Phật thường vui, không có sự biến chuyển thay đổi nên gọi là niềm vui lớn lao.

“Lại nữa, thiện nam tử! Có ba loại cảm thọ, một là cảm thọ khổ, hai là cảm thọ vui, ba là cảm thọ không khổ không vui.

“Cảm thọ không khổ không vui của phàm phu [thật ra] cũng chính là [cảm thọ] khổ. Niết-bàn tuy cũng là không khổ không vui, nhưng gọi là niềm vui lớn lao. Vì là niềm vui lớn lao nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thứ hai là vì hết sức tĩnh lặng nên gọi là niềm vui lớn lao. Tánh của Niết-bàn là hết sức tĩnh lặng. Vì sao vậy? Vì lìa xa tất cả các pháp rối rắm ồn ào. Vì hết sức tĩnh lặng nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thứ ba là vì rõ biết tất cả nên gọi là niềm vui lớn lao. Nếu không phải rõ biết tất cả thì không gọi là niềm vui lớn lao. Vì chư Phật Như Lai rõ biết tất cả nên gọi là niềm vui lớn lao. Vì có niềm vui lớn lao nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thứ tư là vì thân không hư hoại nên gọi là niềm vui lớn lao. Nếu thân có sự hư hoại, ắt không gọi là vui. Thân Như Lai [bền chắc] như kim cang, không thể hư hoại, chẳng phải thân phiền não, chẳng phải thân vô thường, cho nên gọi là niềm vui lớn lao. Vì có niềm vui lớn lao nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Những tên gọi ở thế gian, hoặc có nhân duyên, hoặc không có nhân duyên.

“Những trường hợp có nhân duyên là như tên ông Xá-lợi-phất. Vì mẹ tên là Xá-lợi, nhân theo mẹ mà đặt tên nên gọi là Xá-lợi-phất; hoặc như đạo nhân Ma-du-la sanh ở Ma-du-la, nhân theo nơi [sanh] mà đặt tên nên gọi là đạo nhân Ma-du-la; hoặc như Mục-kiền-liên, vốn có họ là Mục-kiền-liên, nhân theo họ mà đặt tên nên vẫn gọi là Mục-kiền-liên; hoặc như ta sanh trong dòng họ Cồ-đàm, nhân theo họ mà đặt tên nên gọi ta là Cồ-đàm; hoặc như bà đưa tin Tỳ-xá-khư, Tỳ-xá-khư là tên một ngôi sao, nhân theo tên sao mà đặt tên nên gọi là Tỳ-xá-khư; hoặc như người có sáu ngón tay, nhân theo sáu ngón tay ấy mà gọi tên là Lục chỉ; hoặc như những danh xưng Phật nô là tôi tớ của Phật, Thiên nô là tôi tớ của chư thiên, đều là nhân nơi Phật, nơi chư thiên mà có; hoặc như những loài từ chỗ ẩm ướt mà sanh ra, người ta liền gọi là thấp sanh; hoặc nhân theo tiếng kêu của các giống vật mà đặt tên như ca-ca-la, cứu-cứu-la, đát-đát-la... Những tên gọi như vậy đều do nhân duyên mà có.

“Những trường hợp không do nhân duyên là như các tên gọi hoa sen, đất, nước, lửa, gió, hư không... Như tên gọi mạn-đà-bà có hai nghĩa, một là chỉ cung điện, hai là chỉ việc uống nước. Chỉ riêng cung điện, không nói việc uống nước cũng gọi là mạn-đà-bà. Như tên gọi tát-bà-xa-đa nghĩa là cái dù che con rắn, thật chẳng phải là cái dù che rắn. Đó gọi là không có nguyên nhân mà gượng ép đặt thành tên. Như tên gọi để-la-bà-di có nghĩa là ăn dầu, nhưng thật không có việc ăn ăn dầu, gượng ép đặt tên gọi là ăn dầu. Đó gọi là không có nhân duyên mà gượng ép đặt thành tên gọi.

“Thiện nam tử! Đại Niết-bàn này cũng là như vậy, không có nhân duyên, chỉ gượng ép đặt thành tên gọi.

“Thiện nam tử! Ví như hư không, chẳng phải nhân nơi khoảng không nhỏ mà gọi là đại không. Niết-bàn cũng vậy, chẳng phải nhân nơi tướng nhỏ nhặt mà gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như sự vật không thể cân lường, không thể nghĩ bàn nên gọi là đại. Niết-bàn cũng vậy, vì không thể cân lường, không thể nghĩ bàn nên được gọi là Đại Niết-bàn. Vì thanh tịnh thuần khiết nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Thế nào là thanh tịnh thuần khiết? Thanh tịnh có bốn loại.

“Những gì là bốn?

“Thứ nhất, hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu gọi là không thanh tịnh, vì có thể dứt trừ mãi mãi nên được gọi là thanh tịnh. Thanh tịnh tức Niết-bàn. Niết-bàn như vậy cũng được gọi là hiện hữu. Nhưng Niết-bàn ấy thật chẳng phải là hiện hữu. Chư Phật Như Lai vì tùy thuận thế tục nên nói rằng Niết-bàn hiện hữu. Ví như người đời, chẳng phải cha gọi là cha, chẳng phải mẹ gọi là mẹ, thật chẳng phải cha mẹ mà gọi là cha mẹ. Niết-bàn cũng như thế, vì tùy thuận thế tục nên nói rằng chư Phật có Đại Niết-bàn.

“Thứ hai là do nghiệp thanh tịnh. Tất cả phàm phu, vì nghiệp không thanh tịnh nên không có Niết-bàn. Chư Phật Như Lai vì nghiệp thanh tịnh nên gọi là thanh tịnh thuần khiết. Vì thanh tịnh thuần khiết nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thứ ba là do thân thanh tịnh. Nếu thân vô thường thì gọi là không thanh tịnh. Thân Như Lai thường tồn nên gọi là thanh tịnh thuần khiết. Vì thanh tịnh thuần khiết nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thứ tư là do tâm thanh tịnh. Nếu tâm có lậu hoặc ắt gọi là không thanh tịnh. Tâm Phật không có lậu hoặc nên gọi là thanh tịnh thuần khiết. Vì thanh tịnh thuần khiết nên gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Như vậy gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân tu tập và hành trì theo kinh Đại Bát Niết-bàn này được thành tựu đầy đủ phần công đức thứ nhất.”

Chapter Twenty-Eight: Bodhisattva Highly-Virtuous King

"Also, next, O good man! All common mortals protect their body and mind. Yet they have the three evil sensings. Thus, though they may well shake off defilements and gain the place of Thoughtlessness-non-Thoughtlessness, they fall back and gain the three unfortunate realms.

"O good man! There is, for example, a man who desires to cross a great sea and who has almost reached the other shore, when he drowns and dies. So do things go with the common mortal. He means to cross the three worlds, but falls back into the three unfortunate realms. Why? Because there is no good sensing [with him].

"What is " good sensing" ? It is none other than the six thinkings. The good mind of the common mortal is lowly; evil burns [within him]. When the good mind weakens, the mind of Wisdom weakens. When the good mind is in a weak state, secretions increase. The sense-organ of the eye of the Bodhisattva-mahasattva is pure, and it sees the evils of the three sensings. He knows that these three sensings possess variegated worries and that they always become for beings the enemies of the three vehicles. The workings of the three sensings bar an innumerable number of common mortals and beings from encountering the Buddha-Nature. For innumerable kalpas, they abide in an upside-down state of mind and say that the Buddha-World-Honoured One has nothing of the Eternal, Bliss, and the Self, but only Pureness, and that the Tathagata enters Nirvana for good. All beings have none of the Eternal, Bliss, Self, and the Pure. [But] with an upside-down mind, they say that they are the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure.

Truth to tell, they do not have three vehicles, but with their upside-down minds they say that there are the three vehicles. The Way of One Truth is true and is not false. Abiding in an upside-down state of mind, they say that there is no oneness of Truth. These three evil sensings are always reproached by all Buddhas and Bodhisattvas. These three sensings always harm oneself and also others. Around all these three sensings always foregather all evils in a train and become the three fetters which chain beings to birth and death. The Bodhisattva-mahasattva always views the three sensings thus. On occasion, the Bodhisattva has the sensing of desire, but is silent and does not respond. For example, this is like a person of right and pure mind who refuses all that is foul and impure. It is like a burning, hot iron ball, which no one can indeed grasp hold of. It is like the Brahmin, who will not eat beef, like a person who is well fed and who will not take bad food, or a chakravartin who will not share his seat with a candala. Thus the Bodhisattva-mahasattva despises the three sensings and does not take [what is impure]. The case is thus. Why? The Bodhisattva thinks: "All beings know me to be a good field of weal. How can I receive this evil thing? If I gain an evil sensing, I cannot be a field of weal to beings. I myself do not say that I am a good field of weal. But beings see me and say that I am so. If I expose myself to a bad sensing, this will cheat beings. In days past I repeated birth and death over innumerable kalpas in the three unfortunate realms because of cheating. If I receive the offerings of the faithful with an evil mind, all devas and the rishis with the five divine powers will know and reproach me. If I receive the offerings of the faithful, when I myself have evil sensings, this will cut short or annul the recompense due to the one who gives. If I receive the offerings of a danapati, I will purchase regret. Like a loving child, all danapatis always look up to me. How can I cheat them and buy regret? Why? Because this annuls or makes small the recompense. Or one might always say that one has renounced home. Now, the sramana must not do evil. If evil is done, there can be no priesthood. With no oneness, they are not sramanas. I have left my parents, brothers, sisters, wife and child, relatives and teachers, and practised Bodhi. When one practises all the sensings, there can be no occasion to practise the non-good sensings. For example, a person goes into the sea to gain gems. This is like picking up crystal instead of pearl, or throwing away all-wonderful music and playing in dung, or abandoning heavenly women to love menial servants, or abandoning a vessel of gold to take up an earthenware bowl, or abandoning ambrosia [“amrta”] and partaking of poison, or abandoning the familiar, old, wise and good doctor, but accepting one who bears one ill will, or geting medicine and trying to cure oneself by one’s own hand. The case is the same with me. Abandoning the ambrosial taste of Dharma of the great teacher, Tathagata-World-Honoured One, I partake of various evil sensings from Mara. It is hard to be born a human. This can be compared to the coming into bloom of the udumbara flower. But now I have gained it [i.e. the human state]. It is hard to meet the Tathagata, but now I have met him. It is hard to see and hear the pristine treasure of Dharma, but I now hear it. This is like a blind tortoise chancing to hit the hole in a piece of floating wood. Life is much more fleeting than the rushing water of a mountain stream. One lives today, but one cannot be sure of the morrow. How can one abandon one’s mind to what is wrong? The prime of life slips away as swiftly as a running horse. How can one depend on [what is transient] and be arrogant? It is like the situation where a devil sits in wait of a man’s performing wrong actions. It is the same with the devils of the four great elements. These always come and try to seek out some fault with one. How can one give occasion to evil sensings? For example, this is as in the case of a crumbling house which is about to fall down. Life, too, is the same. How can one do evil? I am a sramana. What a sramana does is awaken good. If I awaken to non-good, how can I be called a sramana? I am one who has renounced the world. The world-fleeing sramana is one who follows the path of good. Should I now perform evil, how could I be called a world-fleeing sramana? I am now a true Brahmin. A Brahmin is one who practises pure actions. If I now commit impure acts and evil sensings, how can I be called a Brahmin? I am of the great clan of the Kshatriyas. The Kshatriyas defeat the enemy. If I now fail to defeat the enemies of evil, how can I be worthy of the name of Kshatriya? I am now a bhiksu. A bhiksu is a person who destroys defilement. If I cannot now destroy the evil sensing of defilement, how am I now worthy of the name of bhiksu? There are six things which it is difficult to encounter. I have now gained these. How can I allow the occasion to arise where evil sensings enter my mind? What are these six? The first is that it is difficult to be born into the world where the Buddha is present. The second is that it is difficult to hear Wonderful Dharma. The third is that it is difficult to call forth a fearing mind. The fourth is that one cannot easily gain birth in the Middle Country [“madhyadesa”]. The fifth is that it is difficult to be born as a human. The sixth is that it is difficult to have perfect and complete sense-organs. These six things are thus difficult to gain. And now I possess these. For this reason, I must not give occasion for evil sensings to arise. The Bodhisattva, then, practising the Great Nirvana Sutra, always meditates on all these evil minds [i.e. evil states of mind]. All beings fail to see the ills of such evil minds. They thus gain the three sensings and so engender the secretions. The Bodhisattva sees these, does not cling to them, abandons them, and does not protect them. He allows the Noble Eightfold Path to push them away, to kill them and cut them off. Hence the Bodhisattva has no occasion to be subject to the secretions. How could one say that the Tathagata possesses any such? For this reason, the Tathagata-World-Honoured One does not belong to the class of those who have the secretions of defilement.

Chapter Twenty-Nine:
Bodhisattva Highly-Virtuous King (c)


"Also, next, O good man! The common mortal performs various evil deeds when he encounters physical and mental worries. A person becomes ill in body and mind and does various evil things with his body, mouth and mind. By doing evil, one gains life in the three unfortunate realms, suffering there in various ways. Why? Because the common mortal does not possess mindfulness Wisdom. Thus he contracts various defilements. This is mental defilement. The Bodhisattva-mahasattva always thinks: " I have, for innumerable kalpas past, committed various evil deeds on account of my body and mind. For this reason, I have repeated birth and death and fully undergone various worries in the three unfortunate realms. This has kept me away from the right paths of the three vehicles. For these causal reasons, the Bodhisattva greatly fears his body and mind, and abandoning all evil things, he takes to good paths."

"O good man! As an illustration: there is a king who keeps four vipers in a casket and has a man feed them, take note of the serpents' waking and sleeping and rub and wash their bodies. It is made known that if any of the serpents becomes angry, the man in charge will have to, by law, be executed in the city. On hearing of the king’s strict orders, the man is afraid. He abandons the casket and runs away. The king then sends five candalas after him. The candalas, brandishing their swords, intend to force the man to follow the king’s orders. Looking back, the man sees the five candalas and runs away. Then the five candalas resort to evil means. They hide their swords. One of them goes to the man and, feigning a friendly attitude, says: "Let us go back!" The man does not trust him. Reaching a village, he intends to hide himself. On arriving there, he sees that the houses are all empty, with no one inside. The pots are all empty, there being nothing in them. There is no one to see and nothing to be obtained. So the man sits down on the ground. A voice comes from nowhere: "O man! This village is empty; no one lives here. Tonight, six robbers will come. On encountering them, you cannot be sure of your life. How can you hope to get out of this fix?" Then the man’s fear grows and he abandons the place and leaves it. On his way, there is a river. The water rushes down, but there is no boat or raft to carry him across. Afraid, he gathers wood and grass and makes a raft. Again, he thinks to himself: "If I stay here, I will be attacked by vipers, by the five candalas, by the man who deceptively tried to befriend me, and by the six great robbers, all of whom will harm me. If this raft cannot be trusted, I shall drown and die. Oh, let me die in the water rather than be harmed by poisonous snakes!" He pushes the raft of grass out onto the water and rides in it, paddling with his hands and legs, and thus crosses the river. When he reaches the further shore, peace awaits him there, and there is no worry. He is unmolested [i.e. not constricted, at ease] in mind, and his fear has gone. Such is the case. The Bodhisattva-mahasattva hears the Great Nirvana Sutra, upholds it, and meditates on the body, and he sees it as the casket, and that the earth, water, fire and wind are the four poisonous serpents, and that all beings encounter the four poisons of seeing, touch, breath, and stinging. So they lose their lives. It is the same with the four great elements of beings. So some do evil by seeing, some through touch, some through the breath, and some by stinging. Consequently they depart from all good deeds.

"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva meditates on the four poisonous serpents. These are the four castes, namely: Kshatriya, Brahmin, Vaishya, and Sudra. It is the same with the serpents of the four great elements. These possess the four natures of hardness, moisture, heat, and movement. For this reason, the Bodhisattva-mahasattva takes it that the four great elements belong to the same clan as the four poisonous serpents.

"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva views these four great elements as being like the four poisonous serpents. How does he regard things? These four poisonous serpents always watch a man’s movements: when to look at him, when to touch, when to throw their breath upon him, and when to sting. It is the same with the four poisonous serpents of the four great elements. They always watch beings and await their chance, seeking to catch hold of their shortcomings. A person who loses his life from the four serpents does not fall into the three unfortunate realms. But one who loses his life from the four great elements unfailingly falls into the three unfortunate realms. These four poisonous serpents will kill a man even if given food and looked after. It is the same with the four great elements. Though things are always supplied, these always lead a man towards all evil deeds. If any of these four serpents should once get angry, it will kill the man. The same is the case with the nature of the four great elements. If one element starts up, it easily harms a man. These four poisonous serpents may live in the same place, but their four minds are different from one another. It is the same with the four great poisonous serpents. Though living in the same place, their nature is different. Although these four poisonous serpents pay respect, one cannot come near them. It is the same with the four great poisonous serpents. Though they pay respect, one must not go near them. When these four poisonous serpents cause harm to a man, we have sramanas and Brahmins. With charms and medicines, we can indeed gain a cure. When the four great elements kill a man, [however], the charms and medicines of sramanas and Brahmins cannot cure him at all. A person who is contented and comes into contact with the four unpleasing evil smells will keep himself away [from them]. Thus do all Buddhas and Bodhisattvas act. On encountering the smells of the four great elements, they depart from them. Then the Bodhisattva, as he thinks about the poisonous serpents of the four great elements, experiences great fear. He runs away and practises the Noble Eightfold Path.

"The five candalas are none other than the five skandhas. In what way does the Bod-hisattva view the five skandhas as candalas? A candala severs a man from his obligations and love, and spawns increasing hatred. It is the same with the five skandhas. They make a man covet what draws him towards evil and keep him away from all that is good.

"Also, next, O good man! A candala decks himself out with various weapons and harms people with his sword, shield, bow, arrow, armour or halberd. It is the same with the five skandhas. They arm themselves with all kinds of defilement and harm the ignorant and make them repeat lives.

"O good man! A candala gets news of one with faults and causes him harm. So, too, do the five skandhas. Hence the Bodhisattva deeply sees and realises that the five skandhas are like candalas.

"Also, next, the Bodhisattva regards the five groups as candalas. The candala lacks a sympathetic heart and causes harm irrespective of whether the man hates or loves. The same with the five skandhas. They have no pity and cause harm both to those who are good and those who are evil. The candala causes worry to all people; so do the five skandhas. Through various defilements, they cause worry to all people who are subjected to birth and death. That is why the Bodhisattva regards the five skandhas as candalas.

"Also, next, the Bodhisattva further regards the five skandhas as candalas. A candala is always minded to cause harm. It is the same with the five skandhas. All fetters are always minded to cause worry. If one lacks a leg, a sword, a staff, or a follower, know that one will unfailingly be killed by candalas. It is the same with beings. If one lacks a leg, a sword, and a follower, one will be killed by the five skandhas. The leg is the moral precepts, the sowrd is Wisdom, and the follower is none other than all teachers of the Way. Not possessing these three things, one is harmed by the five skandhas. That is why the Bodhisattva regards the five skandhas as candalas.

"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva regards the five skandhas as worse than candalas. Why? Beings may be killed by candalas. But when killed by them, the beings do not fall into hell. But when killed by the five skandhas, they gain hell. That is why the Bodhisattva regards the five skandhas as worse than candalas. Having meditated thus, he prays: " I would sooner be born near a candala when life ends than even for a moment befriend the five skandhas." The candala harms the ignorant of the world of desire. But these robbers of the five skandhas cause harm to common mortals and the beings of the three worlds.

"The candala indeed kills criminals, but the robbers of the five skandhas make no distinction between criminals and non-criminals. They kill everyone. The candala does not harm the weak and the old, women and children. But the robbers of the five skandhas make no distinction between old, young and women: they harm anyone. For this reason, the Bodhisattva regards the five skandhas as worse than candalas. Hence he prays: " I might well be born near a candala when life ends, but I shall not befriend the five skandhas."

"Also, next, O good man! A candala only causes harm to other people, but not to himself. The five skandhas harm themselves and also others. We might well escape the clutches of the candala through pleasing words, money and jewels, but not the five skandhas. One cannot escape from the five skandhas through flattery, money or jewels. The candala does not unfailingly kill all through the four seasons. But with the five skandhas it is otherwise. They kill moment after moment. The candala stays in one place; ways of escape [from him] are possible. It is not so with the five skandhas. They fill all places and there is no escape. The candala causes harm, but after causing harm, he does not follow one. It is not thus with the five skandhas. After killing beings, they follow them and do not leave them. Hence, not even for a moment will the Bodhisattva draw near to the five skandhas, though he might his whole life long draw near to candalas. One possessed of Wisdom and employing the best of expedients can evade the five skandhas. These best expedients are none other than the Noble Eightfold Path, the six paramitas, and the four immeasurable minds. Through these he reaches Emancipation, and his body and mind are not spoiled by the five skandhas. Why not? Because his body is now Adamantine and his mind like the Void. Thus it is difficult to destroy his body and mind. For this reason, the Bodhisattva sees that the skandhas fully accomplish all evil things, fears them greatly, and practises the Noble Eightfold Path. This is like the man who fears the four poisonous serpents and the five candalas, who keeps on walking and never looks back.

"By " feigning friendliness" is meant greedy craving. The Bodhisattva-mahasattva meditates deeply upon the bond of craving and sees that it is nothing but an enemy that comes, befriends and cheats one. With a person who knows Truth, it can do nothing. A person who knows nothing unfailingly gets harmed. The same is the case with craving. Its nature once known, it can do nothing to cause beings to repeat the pains of birth and death. Those who know nothing transmigrate through the six evil realms and must suffer minutely from various pains. Why? Because they get captured by the illness of craving, which can never be got rid of. This is like the enemy who cheats one with his feigned friendship, and from whom it is hard to part.

"By " enemy who beguiles and befriends" is meant that there is always seeking after news of one and making one part from that which one loves and encounter that which one hates. It is the same with craving. It causes one to part from all good things and to befriend all evil things. For this reason, the Bodhisattva-mahasattva always meditates deeply on the beguilements of craving. Because one cannot see, try as one may, and one cannot, try as one may. Common mortals try to see the beguilements of birth and death. They may have wisdom. But because of overshadowing ignorance, they cannot ultimately see well. So do things stand with sravakas and pratyekabuddhas. They may try to see, but cannot. Why not? Because of their craving minds. Why? Seeing the ills of birth and death does not lead one to unsurpassed Enlightenment. Because of this, the Bodhisattva-mahasattva regards this bond of craving as an enemy who beguilingly feigns friendliness.

"What is the characteristic of this feigned and beguiling friendliness of the enemy? The enemy is not genuine, beguiles and presents things, and although he is not one who wishes to be friendly, displays friendliness. And yet, this is what is not good. But he beguiles and displays goodness; without love, he displays love. Why? Because he spies upon a person’s movements, intending to cause harm. It is the same with craving. Dissembling non-truth always presents itself as truth; non-friendliness displays itself as friendliness; non-good appears as good; non-love presents itself as love. And all beings are deceived and ride on the wheel of birth and death. That is why the Bodhisattva regards craving as an enemy who feigns friendliness.

"We say that the enemy feigns friendliness. This is made possible because we see the body and not the mind. So cheating can come about. It is the same with craving. What there is is falseness; what is true cannot be gained there. Thus all beings lose their way. We can speak of "friendly beguilements". If there is a beginning and an end, it is easy to segregate. With craving, the case is otherwise. There is no beginning and no end. It is difficult to segregate [oneself from craving]. We say "friendly beguilements". If things are far away, it is hard to know [of them]; if near, it is easy to see. Craving is not like that. Even when near, it is difficult to know. And how can one know [of it] when it is far away? For this reason, the Bodhisattva regards craving as that which supercedes [i.e. surpasses] friendly beguilements. “Due to the bond of craving, all beings part far from the Great Nirvana Sutra and approach birth and death. They part from the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure, and associate with the non-Eternal, non-Bliss, non-Self, and the non-Pure." “For this reason, I refer here and there in the sutras to the three defilements. Because of ignorance as regards what one now sees, one cannot see and abandon what is wrong. The friendly beguilements do not, to the very end, harm a person of Wisdom. For this reason, the Bodhisattva meditates deeply on this craving. Having great fear [of it], he practises the Noble Eightfold Path. This is like the man who fears the four poisonous snakes, the five candalas, and the man who is deceitfully friendly [i.e. the candala], and he goes on and does not take roundabout ways.

"We speak of an " empty village" . This is none other than the six sense-organs. The Bodhisattva-mahasattva meditates on these six spheres and sees that all is empty, as with an empty village. The man who is afraid gets into the village and sees that there is not one single living being therein. This person picks up an earthenware pot, but cannot find anything inside it. The case is analogous. It is the same with the Bodhisattva. He looks clearly into the six spheres and sees that there is nothing in them. Hence, the Bodhisattva sees that what there is in the six spheres is voidness and that there is nothing to possess, as with the empty village.

"O good man! The group of robbers sees this empty village from far off and does not, to the end, gain the thought that it is empty. It is the same with common mortals. They do not gain the thought of voidness in the village of the six sense-organs. Not gaining any thought of emptiness, they repeat birth and death, suffering thereby an innumerable number of sorrows.

"O good man! On arriving, the robbers gain the thought of the all-void. The same with the Bodhisattva. Looking into the six spheres, he always arrives at the thought of the All-Void. Gaining this thought of the All-Void, he does not repeat birth and death, not suffering thereby. The Bodhisattva-mahasattva never has any upside-down [notions] regarding these six spheres. Not having any upside-down [notion], there is no more repetition of birth and death.

"Also, next, O good man! The robbers, when they enter this village, reach peace and bliss. It is the same with the robbers of defilement. On entering this empty village, they have peace and bliss in the six spheres. The robbers of defilement, living in an empty village, have no fear in their six spheres. So do things proceed with the group of robbers of defilement. This empty village is where various evil [i.e. harmful] beasts live, such as lions, tigers, wolves, and others. It is the same with the six spheres. These are the abodes of all evils and the evil beasts of defilement. For this reason, the Bodhisattva deeply considers these six spheres to be empty within, with nothing in them to be possessed, and that they are nothing but places where all that is not good dwells.

"Also, next, O good man! The Bodhisattva regards these six sense-organs as empty inside, with nothing there to be possessed, and like an empty village. Why? Because of falseness and untruth. Though empty and having nothing to possess, people think that there is such. Though without bliss, people think that there is bliss. Though no one lives there, people think that it contains people. It is the same with the six sense-organs. Though truly empty and with nothing that can be possessed, people think that there are things inside. Though without bliss, people think that there is bliss there. Though truly there is no man within, people think that there is a man there. Only one who is wise truly knows this and arrives at Truth.

"Also, next, O good man! At times people live in an empty village, and at times no one lives there. It is not thus with the six sense-fields. No one lives there at all. Why not? Because they are, by nature, always empty. Only one who is wise knows this; no eye can see it. Hence, the Bodhisattva sees that the six sense-organs are peopled full of enemies. Thus, he incessantly practises the Noble Eightfold Path. This is like the man who fears the four poisonous serpents, the five candalas, the beguilingly friendly man, and the six great robbers, and follows the right path.

"We say " six great robbers" . These are none other than the six sense-fields. The Bodhisattva-mahasattva regards these six sense-fields as six great robbers. Why? Because they truly rob one of all good things. Just as the six great robbers thoroughly plunder all the treasures of all people, so do these six sense-fields. They rob all people of all good treasures. When the six great robbers get into a man's house, they make no distinction between good and bad, but take away what there is in the house in a moment, and even very rich people suddenly become poor. So do things proceed with the six sense-fields. All good people die out, if they get into the sense-organs of a man. When good has been wholly pilfered, a person becomes a poor, lonely icchantika. For this reason, the Bodhisattva clearly views the six sense-fields as six great robbers.

"Also, next, O good man! When desiring to rob a man, the six great robbers unfailingly attack a man who is in. If there is no man in, they will turn back half-way. The same with these six sense-fields. When they mean to plunder what is good, this always arises when there are within such phases of knowing or seeing the Eternal, Bliss, Self, and the Pure, the non-Void, etc. [in the six senses]. If there are not such within, the evil robbers of the six sense-fields cannot plunder anything that is good. One who is wise does not have these within, whereas common mortals have them. Because of this, the six sense-fields always come and rob one of what is good. Not being well protected, plundering comes about. "Being protected" means Wisdom. One who is wise guards things well. So nothing is taken away. Thus the Bodhisattva considers these six sense-fields as equal to, and as in no way different from, the six great robbers.

"Also, next, O good man! Just as the six great robbers cause worries to the body and mind of all beings, in the same way do things obtain with these six sense-fields. They always cause worries to the body and mind of all beings. In contrast with the six great robbers, who only pilfer the wealth that a man has, these robbers of the six sense-fields always plunder what is good in beings of the Three Times. At night the six great robbers are immersed in pleasures. So are the robbers of the six sense-fields. Overspread by the gloom of ignorance, pleasure reigns. These six great robbers are reigned over by kings, who can well put a check [to their activities]. The same is the situation with these six evil robbers of the sense-fields. Only the Buddha and the Bodhisattvas can truly check them. When robbing, these six great robbers make no distinction as to rectitude, caste, intellectuality, learning, erudition, nobility or poverty. It is the same with the evil robbers of the six sense-fields. When desiring to rob a person of what is good, they make no distinction as to rectitude down to poverty. Kings may cut off the hands and feet of the six great robbers, and yet they cannot hope to stop the mind from working. The same with the evil robbers of the six sense-fields. Even the srotapanna, the sakrdagamin, and the anagamin may cut off their hands and feet. Even then, it is not possible to prevent the good dharmas [qualities] from being stolen away. Just as the brave and strong can defeat these six great robbers, so too can all Buddhas and Bodhisattvas subdue the evil robbers of the six sense-fields. For example, there are people who are of many castes. If there is burning faction spirit , they cannot be robbed by these six robbers. The same is the case with beings. If there is a good teacher of the Way, the evil robbers of these six sense-fields cannot do any plundering. If these six great robbers see men, they steal them away. It is not thus with the six sense-fields. They rob a man of all seeing, knowing, smelling, touching, and seeing. What these six great robbers do is merely rob a man of his wealth, but not anything of the world of matter and non-matter. The case is otherwise with the evil robbers of the six sense-fields. They thoroughly plunder all that is good in the three worlds. Because of this, the Bodhisattva sees that the six sense-fields supercede [i.e. surpass] the six robbers. Meditating thus, he practises the Noble Eightfold Path, advances straight on and never turns back. This is like those who fear the four poisonous serpents, the five candalas, the man simulating friendliness, and the robbers of the six great elements, and like the man who abandons the empty village and presses on along the road.

"We say that the man comes across a river on his way. This is nothing but defilement. In what way does the Bodhisattva consider defilement a great river? Just as a running river causes a gandhahastin to loose his footing, so do things proceed with defilement. It truly catches hold of the feet of the pratyekabuddha. That is why the Bodhisattva strongly regards defilement as a running river. It is deep, and it is difficult to gain its bottom. So it is likened to a river. It is hard to gain its boundary line [margin]. Hence, " great" . Various evil fish live in the water. The same is the case with the river of defilement. Only the Buddhas and Bodhisattvas can truly reach its bottom. So we say " extremely deep" . Only the Buddhas and Bodhisattvas gain the boundary line, and we say " very wide". Various kinds of harm are always caused to all ignorant beings, and so we speak of " evil fish" . Hence, the Bodhisattva regards such defilement as a great river. A great river truly nurtures all that is of plants and forests. So does it obtain with the great river of defilement, where grow the 25 existences of all beings. Thus the Bodhisattva considers defilement to be a great river. For example, a man falls into the waters of a great river and does not repent. Things go the same with beings. Falling into the waters of defilement, they do not repent. A person who falls into water will die before reaching the bottom. So it is with one who falls into the river of defilement. He will not gain the bottom, but will ride on the wheel of the 25 existences. The so-called "bottom" is none other than the phase of the Void. One who does not practise this Void cannot get out of the 25 existences. Beings do not practise the Void and formlessness, and they always flounder in the swiftly flowing waters of defilement. This great river can only destroy the body, not drown all good dharmas. It is otherwise with the river of defilement. It thoroughly destroys the good of body and mind. That great swirling river only drowns the man of the world of desire. The great river of defilement drowns the devas and the people of the three worlds. The great river of the world can be crossed, and one can reach the other shore by paddling with one’s hands and feet. As against this, the great river of defilement can only be crossed by a Bodhisattva, as he practises the six paramitas. It is difficult to cross a great river. The same applies to the great river of defilement. It is difficult to cross. Why is it hard to cross? Even the Bodhisattva up to the ten abodes cannot yet cross it. Only all Buddhas can ultimately cross it. That is why we say "difficult to pass over to the other shore". For example, there is a man who flounders in a river, when he cannot practise the Way one whit. Thus do things proceed with beings. As they flounder in the river of defilement, they are unable to practise good. When a person falls into a river and when he flounders, another person of power can indeed grasp hold of such a person and save him. If a person falls into the river of defilement and thereby becomes an icchantika, even the sravakas, pratyekabuddhas and all the Buddhas cannot save him. The great river of the world dries up at the time when the kalpa ends, with only seven days of the sun; but things do not happen thus with the great river of defilement. Even though the seven Bodhi elements [“saptabodhyanga”] may be practised, the sravakas and pratyekabuddhas cannot dry up [the river of defilement]. That is why the Bodhisattva meditates and considers that all defilements are like the madding waters of a river. For example, this is like the person who fears the four poisonous serpents, the five candalas, the begulingly friendly man, and the six great robbers, and who abandons the empty village, proceeds further along the way, reaches the river, takes up grass and makes a raft. Thus does the Bodhisattva act. Fearing the serpents of the four great elements, the candalas of the five skandhas, the friendly beguilings of craving, the empty village of the six spheres, the evil robbers of the six sense-fields, he comes up to the river of defilement and practises the ways of sila, samadhi, Wisdom, Emancipation, and the knowledge of Emancipation, the six paramitas, the 37 Bodhi elements, and makes these into a boat or raft, rides on them and crosses over the river of defilement.

"When the further shore has been gained, there is Nirvana, which is Eternal and Bliss. As the Bodhisattva practises Great Nirvana, he thinks: "If I cannot stand the sufferings of body and mind, I cannot enable all beings to cross the river of defilement." Thinking thus, he does not say a word and bears the sorrows of body and mind. Because of this endurance, no defilement arises. How could the Buddha-Tathagata have such? So we do not call any Buddhas those with defilements.

"How is it that the Tathagata is not non-secreting of defilement? Because he always acts amidst all defilement-secretions. What secretes defilement is the 25 existences. For this reason, common mortals and sravakas say that the Buddha has secretions of defilement. But in truth, the All-Buddha-Tathagata has no secretion of defilement.

"O good man! In consequence, the All-Buddha-Tathagata has no fixed form of existence. O good man! Thus all those who have committed the four grave offences, the slanderers of the vaipulya sutras, and the icchantikas are not in any fixed state."

Then the All-Shining Bodhisattva-Mahasattva Highly-Virtuous King said: " It is thus, it is thus! It is just as you, Holy One, say. All existences have no fixed states. As they are not fixed, we know that the Tathagata also does not ultimately enter Nirvana. This is as has already been stated by the Buddha. The Bodhisattva-mahasattva, when he practises the Great Nirvana Sutra, hears what he has not heard before and is told that there is a Nirvana and a Great Nirvana. What is Nirvana and what is Great Nirvana?"

Then the Buddha, praising the All-Shining Bodhisattva-Mahasattva Highly-Virtuous King, said: " Well spoken, well spoken, O good man! If the Bodhisattva gains mental grasping, things proceed as you say. O good man! In worldly life, we say: sea, great sea; river, great river; mountain, great mountain; earth, great earth; castle, great castle; being, great being; king, great king; man, great man; god, god of gods; Way, great Way. It is the same with Nirvana. There is Nirvana, and there is Great Nirvana.

"What is Nirvana? This is as when one who is hungry has peace and bliss after he has taken a little food. Such ease and bliss is also called Nirvana. It is as when an illness is cured, the person gains peace and bliss. Such peace and bliss are also Nirvana. This is as when a person with fear gains peace and bliss on reaching a refuge. Such peace and bliss are also Nirvana. When a poor person obtains the seven jewels, he gains peace and bliss. Such peace and bliss are also Nirvana. A person sees a bone and gains no greed. And this, too, is Nirvana."

"Such Nirvana cannot be termed " Great Nirvana" . Why not? Because of the greed that raises its head through hunger, illness, fear, or poverty. That is why we say that such Nirvana is not Great Nirvana.

"O good man! When a common mortal and sravaka cut off, in ways secular and holy, the bond of the world of desire, they gain peace and bliss. Such peace and bliss may well be called Nirvana, but not Great Nirvana. When a person cuts off the fetter of defilement of the first dhyana or the Heaven of Thoughtlessness-non-Thoughtlessness, he gains peace and bliss. Such peace and bliss can well be termed Nirvana, but not Great Nirvana. Why not? Because there is the return of defilement and the presence of retaining taints.

"What are the retaining taints of defilement? Sravakas and pratyekabuddhas have the retaining taints of defilement, such as saying: " my body, my cothing, I go, I come, I speak, I listen."

"The All-Buddha-Tathagata enters Nirvana. The nature of Nirvana has no Self, and no Bliss; what there is is that which is Eternal and True. Thus, we speak of the retaining taints of defilement. In the Buddhist doctrine and in the Buddhist Sangha are phases of discrimination; the Tathagata ultimately enters Nirvana. “The Nirvana of sravakas, pratyekabuddhas, and the

All-Buddha-Tathagata is all-equal, without any difference. For this reason, what the two vehicles gain is not Great Nirvana. Why not? Because there are not there the Eternal, Bliss, Self, and the Pure. When there exist the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure, we can speak of Great Nirvana”.

"O good man! What a place easily takes in all rivers, we say "great sea". The case is like this. As there is a place where sravakas, pratyekabuddhas, Bodhisattvas, and the All-Buddha- Tathagata enter, we say Great Nirvana.

"As the four dhyanas, the three samadhis, the eight emancipations, the eight superior places, and the ten-all-places thoroughly take in innumerable good things, they are called Great Nirvana.”

"O good man! For example, there is a river, and since the foremost gandhahastin cannot gain the bottom of it,” “we say "great". If sravakas, pratyekabuddhas and the Bodhisattva of the ten abodes do not see the Buddha-Nature, we say "Nirvana". It is not "Great Nirvana". If they clearly see the Buddha-Nature, there is Great Nirvana. This bottom can well be attained by the King of Great Elephants. The King of Great Elephants refers to all Buddhas.

"O good man! If there is a place where the mahanaga, the great wrestler, Praskandi, and others cannot climb up and reach the summit after much time, such is worthy of the name, "great mountain". That place which the mahanagas and great wrestlers of the sravakas, pratyekabuddhas, and Bodhisattvas cannot reach is that which is worthy of the name of Great Nirvana.

"Also, next, O good man! The place where a minor king lives is called " small castle" . The place where a Chakravartin lives is called "great castle". All those places where 80,000, 60,000, 40,000, 20,000, and 10,000 sravakas and pratyekabuddhas live fall under the rubric of 'Nirvana'. The abode of the unsurpassed Dharma Lord, the Holy King, accordingly is given the name of 'Great Nirvana'. For this reason, we say Great Nirvana.

"O good man! For example, there is a man who does not feel frightened on seeing the four military forces. Know that he is a great being. If a being is not afraid of the evil actions of defilement of the three unfortunate realms and yet within those [realms] saves beings, know that this person will gain Great Nirvana. If a man makes offerings to his parents, pays homage to sramanas and Brahmins, practises good, is truthful in his speech, and if there is no falsehood [with him], if he well endures all evils, gives to the poor, such a person is a great man. It is the same with the Bodhisattva. Out of great compassion, he pities all beings and is like a parent to all people. Thoroughly passing all beings across the great river of birth and death, he shows all beings the single path of Truth. This is Mahaparinirvana [i.e. Great Nirvana].

"O good man! "Great" means "all-wonderful". All-wonderful is that which all beings cannot believe in. This is "Mahaparinirvana". Being seen only by the Buddha and Bodhisattvas, it is called Great Nirvana. Why do we say "Great Nirvana"? Because one can only attain it through innumerable causal relations. So we say "Great".

"O good man! Just as people say "great" when things are gained by the working together of many causal relations, so do things stand with Nirvana. As it can be gained by the conjoint working of many causal relations, we say "Great". “And why do we say "Great Nirvana"? As there is the Great Self, we speak of "Great Nirvana". As Nirvana is selflessness [i.e. non-ego] and Great Sovereignty” “[i.e. great freedom from all restrictions; unlimited autonomy; the ability to do as one wills], we speak of ’the Great Self’. What do we mean by ’Great Sovereignty’? “If there are eight sovereignties, we speak of ’the Self’.

"What are these eight?

"Firstly, a single body can be manifested as many. The number of bodies is like the number of dust-motes. They fill the innumerable worlds in all directions. The body of the Tathagata is not a mote. [But] due to this sovereignty, it can project a mote-body. Such sovereignty is the ’Great Self’.

"Second, we see that a mote-body fills the 3,000 great-thousand worlds. The Tathagata’s body does not, in truth, fill the 3,000 great-thousand worlds. Why not? Because of unhinderedness. Due to sovereignty, it fills the 3,000 great-thousand worlds. Such sovereignty is called the ’Great Self’.

"Third, with this body that well fills the 3,000 great-thousand worlds, he lightly flies through the air, passing Buddha-lands as innumerable as the number of grains of sand of 20 Ganges, and there is nothing that obstructs him. The body of the Tathagata cannot, truth to tell, be designated as possessing light or heavy weight. [His] sovereignty decides the lightness or heaviness. Such sovereignty is the ’Great Self’.

"Fourthly, because of sovereignty, sovereignty is acquired. What is sovereignty? The Tathagata abides [calmly] with one-pointedness of mind, without wavering. [Yet] he is able to manifest countless kinds of forms and endows each of them with a mind. On some occasions, the Tathagata might create a single phenomenon and bring about the needs of each being. Though the Tathagata’s body abides in a single land, he causes all those in other lands to behold him. That manner of sovereignty is called the ’Great Self’.

"Fifth, he is sovereign over his sense-organs. How is he sovereign over his sense-organs? One sense-organ of the Tathagata can indeed see colours, hear sounds, register smell, know taste, feel touch, and know dharmas. Because of [his] sovereignty, he is sovereign over his sense-organs. Such sovereignty is called the ’Great Self’.

"Sixthly, due to [his] sovereignty, [he] acquires all dharmas [all things] and yet there is no concept of attainment in the Tathagata’s mind. Why is that? Because there is nothing to be acquired. If there were something [to be acquired], then one could call it ’acquiring’, but because there is nothing actually to be acquired, how can it be called ’an acquiring’ ? If one were to suppose that the Tathagata had the notion of acquiring, then Buddhas would not acquire Nirvana. Since there is [no notion of] acquiring, one can say that they acquire Nirvana. Due to sovereignty, he acquires all dharmas. Because he attains all dharmas, he is called ’the Great Self’.

"Seventh, we speak of sovereign. The Tathagata expounds all meaning. And for innu-merable kalpas, the meaning has no end, and this meaning is: the moral precepts, samadhi, giving, and Wisdom. At such times, the Tathagata has no sense or thought such as : ’I say’, ’they listen’. Also, there is no single thought of a single gatha [verse]. People of the world speak of a gatha made up of four verse lines. This is merely to accord with the way of the world, and we speak of a ’gatha’. The natures of all things also possess nothing of which one can speak. Due to sovereignty, the Tathagata expounds [Dharma]. For this reason, we say ’the Great Self’.

"Eighthly, the Tathagata pervades all places, just like space. The nature of space cannot be seen; similarly, the Tathagata cannot really be seen, and yet he causes all to see him through his sovereignty. Such sovereignty is termed ’the Great Self’. That Great Self is termed ’Great Nirvana’. In this sense it is termed ’Great Nirvana’.

"Moreover, Noble Son, a treasury, for example, contains many different kinds of rare things and is thus called a great treasury. The extremely profound treasury of the Buddha- Tathagatas is like that: since it contains wondrous [things], without any deficiency, it is termed ’Great Nirvana’.

"Moreover, Noble Son, a thing which is unbounded is called ’Great’. Since Nirvana is also unbounded, it is termed ’Great’.

"Also, next, O good man! As there is Great Bliss, we say Great Nirvana. Nirvana has no bliss. Because of the four blisses, we say " Great Nirvana".

"What are the four? Firstly, it is segregated from all blisses. If bliss is cut out, we have suffering. If there is suffering, we do not say "Great Bliss". When bliss is cut out, there is no suffering there. What has no suffering and no bliss is Great Bliss. The nature of Nirvana is non-suffering and non-bliss. Thus we say that Nirvana is Great Bliss. For this reason, we speak of Great Nirvana.

"Also, next, O good man! There are two kinds of bliss. One is that of the common mortal, and the other that of the Buddhas. The bliss of the common mortal is not eternal - it collapses. Hence, no” “bliss. With all Buddhas, bliss is eternal. There is no change. So we call it Great Bliss.

"Also, next, O good man! There are three feelings. One is that of suffering; the second is that of bliss; and the third is of non-suffering and non-bliss.

"What obtains in Nirvana is the same as non-suffering and non-bliss. Yet we call it Great Bliss. Because of [this] Great Bliss, we say Great Nirvana.

"Second, we say Great Bliss because of the Great Silence. The nature of Nirvana is Great Silence. Why? Because it is removed from all that is noisy. The Great Silence is called Great Nirvana.

"Third, we say Great Bliss because of All-Knowledge. If there is not All-Knowledge, we do not say Great Bliss. As the All-Buddha-Tathagata is All-Knowledge, we say Great Bliss. On account of [this] Great Bliss, we say Great Nirvana.

"Fourth, we say Great Bliss because the body does not break up. If the body breaks up, we do not say "bliss". The body of the Tathagata is Adamantine and Indestructible. It is not a body of defilement, nor one of the non-eternal. Hence, Great Bliss. Because of Great Bliss we say Great Nirvana.

"O good man! The names that are current in the world either have, or do not have, any circunstantial bearings connected with them. The case in which circumstantial bearings exist is as in that of Sariputra, where the name of his mother, " sari" , comes down to him, and we say "Sariputra" [i.e. "son of Sari"]. The way-goer [i.e. wayfarer], Mayura, is so called because he was in the land called "Mayura". Being based on the name of the land, his name is as in Maudgalyayana. Maudgalyayana is the family name. From the family name, we now have Maudgalyayana. I ,now ,was born into the Gautama clan. So I am Gautama, based on the clan name. This is as in the case of the way-goer, Visakha. Visakha is the name of a star. From the name of a star, we here have the name of a person, Visakha. If a person has six fingers, we call him one with six fingers. We say “Butsunu” [i.e. "Buddha-servant"] and “Tennu” [i.e. "heaven- servant"]. When a thing comes about from moisture, we say “Shissho” [i.e. "born of moisture"]. Based on the voice, we say “Kakala” [i.e. voice of a bird], “Kukuta “ [i.e. voice of domestic fowl], and “Tatara” [i.e. voice of a pheasant]. All these names come from the causal bearings that exist there. Those which are not based on causal bearings are: lotus, earth, water, fire, wind, and space. “Mandapa” [i.e. scum of boiled rice+drinking] refers to two things. Firstly, it means " palace" , and secondly, " to drink juice" . Although the building does not drink juice, we speak thus. “Sappashata” means "serpent parasol". But in no way is it a serpent’s parasol. A name is merely coined for something with which it has no connection. “Teirabai” means "edible oil" . But actually, oil is not eaten. A term is merely coined, and it says " edible oil" .

"O good man! It is the same with this Great Nirvana. With no direct connection, the name is coined.

"O good man! For example, space is called " great" , but it is not so called based on "small space". It is the same with Nirvana. We do not say "Great Nirvana" based on what is small in size.

"O good man! Dharma cannot be appraised or thought about. Hence, we say "Great". It is the same with Nirvana. Because it cannot be appraised or thought about, we speak of " Mahaparinirvana" .

"Because of its being pure, we say "Great Nirvana". How is it pure? Of pureness, there are four kinds. What are the four?

"First, we call the 25 existences non-pure. When these have been eternally done away with, we speak of "Pure". What is Pure is Nirvana. Such Nirvana can well be called "is". But this Nirvana is, truth to tell, not any "is" existence. The All-Buddha-Tathagata follows the way of the world and says that Nirvana is "is". For example, the people of the world call one who is no father father, no mother mother, and no parents parents. It is the same with Nirvana. Following the way of the world, we say that all Buddhas have Great Nirvana.

"Second, action is pure. With all common mortals, action is not pure. So there cannot be Nirvana. As the action of the All-Buddha-Tathagata is pure, we speak of Great Purity. Because of Great Purity, we say Great Nirvana.

"Third, the body is pure. If the body is non-eternal, it is not pure. The body of the Tathagata is Eternal. Hence, Great Purity. Because of Great Purity, we say Great Nirvana.

"Fourth, the mind is pure. If the mind is defiled, we say non-pure. The Buddha’s mind is non-defiled. Hence, Great Nirvana.

"O good man! This is how good men and women practise the Way of the Great Nirvana Sutra and accomplish the first part of virtue."

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.40.151 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...