Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 16 - Phẩm HẠNH THANH TỊNH - Phẩm thứ tám – Phần hai »»
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Chỗ suy xét của vị Đại Bồ Tát ắt là chân thật; chỗ suy xét của hàng Thanh văn, Duyên giác không phải là chân thật. Vậy tại sao hết thảy chúng sanh không nhờ oai lực của Bồ Tát mà được hưởng sự vui sướng, khoái lạc? Nếu các chúng sanh thật chẳng được vui, nên biết rằng chỗ tu tâm từ của Bồ Tát không có lợi ích!”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Đức từ của Bồ Tát chẳng phải là không có lợi ích. Thiện nam tử! Có những chúng sanh hoặc phải thọ khổ, hoặc không phải thọ khổ. Đối với những chúng sanh nhất định phải thọ khổ thì đức từ của Bồ Tát cũng không lợi ích gì; đó là nói những kẻ nhất-xiển-đề. Nhưng đối với những chúng sanh không nhất định phải thọ khổ thì đức từ của Bồ Tát sẽ có lợi ích, giúp những chúng sanh ấy được hưởng sự vui sướng.
“Thiện nam tử! Ví như có người xa trông thấy các loài sư tử, cọp, beo, chó sói, quỷ la-sát... tự nhiên sanh ra sợ sệt, hoặc đi đêm trông thấy gốc cây cũng sanh ra sợ sệt. Thiện nam tử! Những người như vậy tự nhiên mà sanh ra sợ sệt. Những chúng sanh như vậy khi gặp người tu từ, tự nhiên sẽ được vui. Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên chỗ tu từ của Bồ Tát là sự suy xét chân thật, chẳng phải không có lợi ích.
“Thiện nam tử! Ta dạy rằng đức từ này có vô lượng môn, ấy là nói thần thông.
“Thiện nam tử! Như Đề-bà-đạt xúi giục vua A-xà-thế, muốn làm hại Như Lai. Lúc ấy, ta vào thành lớn Vương Xá, lần lượt đi khất thực theo từng nhà. Vua A-xà-thế liền thả con voi Hộ Tài đang say rượu điên cuồng ra, muốn làm hại ta và các đệ tử.
“Lúc bấy giờ con voi ấy đạp chết rất nhiều người. Người chết rồi lại có mùi máu tanh xông lên rất nhiều. Voi ngửi thấy mùi máu tanh lại thêm cuồng say, nhìn thấy những người theo hầu bên ta mặc áo màu đỏ nên ngỡ là máu liền chạy nhanh đến. Trong các đệ tử của ta, những người chưa lìa hẳn được lòng dục thảy đều sợ hãi bỏ chạy tứ tán, chỉ còn duy nhất A-nan thôi.
“Lúc ấy, trong thành lớn Vương Xá, tất cả nhân dân đồng thời kêu khóc, kể lể, than tiếc rằng: ‘Quái lạ thay! Hôm nay đức Như Lai ắt sẽ chết mất! Vì sao Bậc Chánh giác lại phải chịu sự tán hoại chỉ trong chốc lát?’
“Lúc ấy, Điều-đạt lấy làm vui mừng, nghĩ rằng: ‘Sa-môn Cồ-đàm chết đi là tốt lắm! Từ nay trở đi thật không còn nhìn thấy ông ta nữa. Mưu kế ấy thật tuyệt vời! Ta sẽ được toại nguyện!’
“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ ta vì muốn hàng phục con voi Hộ Tài nên liền nhập định khởi tâm từ, duỗi tay ra chỉ vào nó. Tức thời, từ nơi năm đầu ngón tay của ta hiện ra năm con sư tử. Voi thấy vậy lấy làm hoảng sợ đến nỗi đại tiểu tiện ngay nơi đó, rồi nằm phục xuống, cúi đầu sát đất lễ kính dưới chân ta.
“Thiện nam tử! Lúc ấy ở năm đầu ngón tay của ta thật không hề có sư tử. Chính là do sức căn lành tu từ của ta khiến cho con voi ấy phải chịu điều phục.
“Lại nữa, thiện nam tử! Khi ta định vào Niết-bàn, vừa mới cất bước đi về phía thành Câu-thi-na bỗng gặp năm trăm người [thuộc tộc họ] Lực-sĩ đang sửa sang, quét dọn và rưới nước trên đường. Giữa đường có một tảng đá lớn, những người này muốn khiêng vất đi nhưng cùng nhau cố hết sức mà vẫn không nhấc nổi. Lúc ấy, ta lấy làm thương xót, phát khởi tâm từ. Những người [thuộc tộc họ] Lực-sĩ ấy liền thấy ta dùng ngón chân cái nhấc hòn đá ấy, hất bổng lên hư không rồi đưa tay đón lấy, đặt yên trong lòng bàn tay phải. Ta lại thổi cho đá nát thành bụi nhỏ, rồi khiến cho bụi ấy hợp lại thành tảng đá, khiến lòng cao ngạo của những người [thuộc tộc họ] Lực-sĩ ấy liền mất hẳn. Sau đó ta vì họ mà thuyết giảng đủ mọi chỗ pháp yếu, khiến họ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Lúc ấy Như Lai thật không hề dùng ngón chân mà nhấc hòn đá to ấy, hất lên hư không, đặt nơi lòng bàn tay phải, thổi cho nát thành bụi, rồi làm cho hợp lại như cũ.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng đó chính là do sức thiện căn của tâm từ, khiến các lực sĩ nhìn thấy những việc như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Miền nam Thiên Trúc có một thành lớn tên là Thủ-ba-la. Trong thành có vị trưởng giả Lư-chí là người dẫn dắt những người khác tu hành. Vị ấy trong quá khứ đã từng ở nơi vô số các đức Phật trồng nhiều căn lành.
“Thiện nam tử! Trong thành lớn ấy, hết thảy nhân dân đều tin phục tà đạo, phụng sự phái Ni-kiền.
“Bấy giờ, ta vì muốn hóa độ trưởng giả Lư-chí [và nhân dân ở đó], liền từ thành Vương Xá hóa hiện đến thành ấy. Cách thành khoảng sáu mươi lăm do-tuần, ta hiện thân [như người thường] đi bộ đến thành để hóa độ những người ở đó.
“Bọn ngoại đạo Ni-kiền nghe biết tin ta sắp đến thành Thủ-ba-la liền nghĩ rằng: ‘Nếu sa-môn Cồ-đàm đến đây, dân chúng sẽ từ bỏ chúng ta, không còn chu cấp phụng sự chúng ta nữa. [Khi ấy] chúng ta sẽ nghèo cùng đói thiếu, làm sao tự sống được?’
“Bọn Ni-kiền ấy liền phân tán ra khắp nơi, rêu rao với dân trong thành rằng: ‘Nay sa-môn Cồ-đàm muốn đến đây, nhưng sa-môn ấy là người đã bỏ cha bỏ mẹ lang bạt khắp nơi. Ông ấy đi đến đâu thì khiến cho đất đai lúa thóc ở đó mất mùa, nhân dân nghèo đói, người chết như rạ, bệnh dịch xâm hại không thể cứu thoát... Cồ-đàm là kẻ không mang đến bất cứ lợi ích gì. Đi theo ông ta toàn là bọn quỉ thần, la-sát hung dữ. Những kẻ không cha không mẹ, cô độc cùng quẩn mới đến học hỏi và làm đệ tử ông ta. Ông ta chỉ có thể giảng dạy duy nhất một thuyết hư không mà thôi! Ông ta đến chỗ nào thì chỗ ấy tức thời không được an vui.’
“Những người dân nơi ấy nghe rồi đem lòng sợ sệt, cúi đầu lễ kính bọn Ni-kiền, bạch rằng: ‘Đại sư! Nay chúng tôi biết phải làm sao?’
“Bọn Ni-kiền đáp: ‘Sa-môn Cồ-đàm có tính ưa thích rừng cây, suối chảy nước trong. Bên ngoài thành nếu có những cảnh vật như thế, nên phá hoại hết đi. Các ông nên kéo nhau ra ngoài thành, đến những nơi có cây cối vườn rừng thì đốn phá cho hết, đừng để lại gì cả. Còn những nơi có suối, giếng, ao nước thì nên đổ phẩn dơ vào đó. Hãy đóng chặt các cửa thành, chuẩn bị binh khí [canh phòng] cho nghiêm ngặt. Nơi các vách thành cần phòng thủ thật kiên cố. Nếu ông ấy đi đến, không cho ai được đến trước mặt ông ấy. Nếu không có ai đến trước mặt ông ấy, mọi người sẽ được an ổn. Chúng ta cũng sẽ sắp đặt mọi phương cách để làm cho ông Cồ-đàm ấy phải theo đường cũ mà quay trở về.’
“Nhân dân nơi ấy nghe vậy rồi, thảy đều cung kính vâng theo, cùng nhau chặt phá cây cối, làm dơ bẩn các nguồn nước, sắp đặt binh khí nghiêm ngặt, phòng thủ một cách kiên cố.”
“Thiện nam tử! Lúc ta đến thành ấy, không thấy cây cối vườn rừng chi cả, chỉ thấy những người trang bị binh khí, phòng thủ ở các vách thành. Thấy việc như vậy rồi, ta lấy làm thương xót, đem tâm từ hướng về khắp nơi. [Ngay lập tức], cây cối liền mọc lên như cũ, lại còn sanh nảy thêm nhiều cây khác, nhiều không kể xiết. Sông, hồ, suối, giếng nước đều trở nên trong sạch, đầy tràn, như màu lưu ly xanh, lại sanh ra nhiều thứ hoa che tràn bên trên mặt nước. Vách thành bỗng hóa ra màu lưu ly trong suốt xanh biếc. Từ trong thành, nhân dân đều được nhìn thấy rõ ta và đại chúng. Cửa thành tự nhiên mở rộng, không ai có thể ngăn lại được. Các thứ binh khí đều hóa thành những loại hoa đẹp.
“Trưởng giả Lư-chí làm bậc thượng thủ dẫn đầu, nhân dân trong thành thảy đều theo sau, cùng đi đến chỗ ta. Ta liền vì mọi người mà thuyết giảng đủ mọi lẽ cốt yếu trong pháp Phật, khiến cho hết thảy những người ấy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Lúc ấy ta thật chẳng hề hóa ra mọi thứ cây cối, nước chảy trong sạch đầy tràn sông rạch, ao hồ, cũng không hề biến thành ấy ra màu lưu ly trong suốt xanh biếc, làm cho nhân dân thấy rõ được ta, và cũng không hề mở cửa thành, biến đồ binh khí thành các loại hoa.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng đó đều là do sức căn lành của tâm từ, khiến cho những người dân nơi ấy nhìn thấy mọi sự việc như vậy.”
Lại nữa, thiện nam tử! Trong thành Xá-vệ có người phụ nữ thuộc dòng bà-la-môn, họ Bà-tư-trá, chỉ có duy nhất một đứa con trai rất mực thương yêu, nhưng nó lại bị bệnh chết đi.
“Lúc ấy, sự buồn rầu độc hại xâm chiếm trong lòng khiến người đàn bà ấy cuồng loạn mất cả bản tánh. Bà lõa lồ hình thể không biết xấu hổ, đi đến các ngã tư đường, kêu khóc thất thanh rằng: ‘Con ơi! Con ơi! Con đi đến chốn nào?’ Bà đi khắp trong thành ấp, không biết mệt mỏi.
“Người đàn bà này vốn đã từng ở nơi chư Phật trước đây trồng các căn lành.
“Thiện nam tử! Ta đối với người đàn bà ấy liền khởi tâm từ thương xót. Ngay lúc ấy, bà liền được nhìn thấy ta, lại tưởng ta là con của bà, tâm trí liền [tỉnh táo] trở lại như xưa, chạy đến ôm lấy thân ta, hôn vào miệng ta.
“Bấy giờ, ta bảo thị giả A-nan: ‘Ông hãy mang y phục lại đây cho người phụ nữ này mặc.’ Khi bà mặc y phục vào rồi, ta liền vì bà ấy mà thuyết giảng mọi điều cốt yếu trong pháp Phật. Người đàn bà ấy nghe pháp xong sanh tâm vui vẻ phấn khích, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Lúc ấy ta thật chẳng phải là con bà ấy, bà chẳng phải mẹ ta, cũng chẳng có việc đến ôm ta.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng đó đều là do sức căn lành của tâm từ, khiến cho người đàn bà ấy thấy có những sự việc như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Trong thành Ba-la-nại có một người nữ cư sĩ tên là Ma-ha Tư-na-đạt-đa, trong quá khứ đã từng trồng các căn lành trước vô lượng chư Phật. Người nữ cư sĩ ấy có phát nguyện được phụng thí thuốc thang cho những vị tăng đau ốm trong thời gian 90 ngày nhập hạ.
“Lúc ấy, trong chúng tăng có một thầy tỳ-kheo bệnh nặng. Thầy thuốc xem mạch bảo rằng: ‘Nên dùng món thịt làm thuốc. Nếu được ăn thịt sẽ khỏi bệnh, nếu không ăn thịt thì chẳng bao lâu nữa sẽ phải chết.’
“Lúc ấy, người nữ cư sĩ nghe được lời nói của thầy thuốc, liền mang vàng đi khắp từ chợ búa đến làng quê, lớn tiếng hỏi rằng: ‘Ai có thịt bán không? Tôi dùng vàng để mua. Nếu ai bán thịt, tôi sẽ đổi ngang bằng số vàng.’ Cô đi khắp cả thành thị nhưng chẳng tìm được ai bán thịt cả. Người nữ cư sĩ ấy liền tự tay cầm dao cắt thịt ở đùi mình, nấu chín với nhiều thứ gia vị thơm tho rồi đem dâng cho thầy tỳ-kheo bị bệnh. Tỳ-kheo ấy ăn xong liền được khỏi bệnh.
“[Nhưng rồi] chỗ vết thương của người nữ cư sĩ ấy lại hóa thành ghẻ độc, đau đớn khổ não không sao chịu nổi, cô liền lớn tiếng niệm rằng: ‘Nam-mô Phật-đà! Nam-mô Phật-đà!’
“Lúc ấy, ta đang ở thành Xá-vệ, nghe tiếng niệm Phật liền khởi tâm đại từ đối với người nữ cư sĩ ấy. Cô ta liền nhìn thấy ta cầm thuốc hay đến thoa phết lên ghẻ độc, khiến cho da thịt trở nên lành lặn như cũ. Ta liền vì cô ấy mà thuyết pháp. Nghe pháp xong, cô ấy sanh lòng vui vẻ, liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Lúc ấy ta thật không hề đến thành Ba-la-nại, cũng không hề dùng thuốc thoa phết lên ghẻ độc cho người nữ cư sĩ ấy.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng đó đều là do sức căn lành của tâm từ, khiến người nữ cư sĩ ấy thấy có những sự việc như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Điều-đạt là kẻ xấu ác, lòng tham không biết đủ, ăn quá nhiều chất bơ sữa nên nhức đầu, đau bụng, hết sức khổ não, không sao chịu đựng nổi, mới niệm rằng: ‘Nam-mô Phật-đà! Nam-mô Phật-đà!’
“Lúc ấy, ta đang ở tại thành Ưu-thiền-ni, nghe tiếng niệm Phật như thế liền sanh tâm từ. Bấy giờ Điều-đạt liền nhìn thấy ta đến đó, lấy tay xoa đầu, xoa bụng và đưa thuốc muối cho, bảo phải uống vào. Uống xong liền bình phục.
“Thiện nam tử! Ta thật không hề đến chỗ của Điều-đạt, cũng chẳng hề xoa đầu, xoa bụng và đưa thuốc bảo uống.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng đó đều là do sức căn lành của tâm từ, khiến cho Điều-đạt thấy có những sự việc như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ở nước Kiều-tát-la có một bọn cướp đến năm trăm tên. Bọn chúng cướp đoạt của cải, gây hại rất nhiều. Vua Ba-tư-nặc lấy làm lo ngại vì sự hoành hành bạo ngược của chúng, liền sai quân binh vây bắt. Bắt được rồi móc mắt cả bọn, mang bỏ vào một nơi rừng rậm đen tối.
“Bọn cướp ấy vốn trước đây đã từng trồng căn lành nơi chư Phật quá khứ. Khi bị móc mắt rồi, họ hết sức đau đớn khổ sở, cùng nhau kêu lên rằng: ‘Nam-mô Phật-đà! Nam-mô Phật-đà! Nay chúng tôi không có ai cứu giúp!’ Họ khóc lóc, kêu than như vậy.
“Lúc ấy, ta ở tại tinh xá Kỳ-hoàn, nghe tiếng than khóc ấy liền sanh tâm từ. Bấy giờ liền có cơn gió mát thổi các thứ hương thuốc từ trong Hương sơn đến xông đầy vào mắt những người ấy, không bao lâu họ liền được sáng mắt trở lại như trước.
“Bọn cướp ấy mở mắt ra liền nhìn thấy Như Lai đứng trước họ, vì họ mà thuyết pháp. Nghe pháp rồi liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Lúc ấy ta thật không hề làm ra gió thổi các thứ hương thuốc trong Hương sơn, cũng không hề đứng trước những người ấy mà thuyết pháp cho họ nghe.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng đó đều là do sức căn lành của tâm từ khiến cho bọn cướp ấy thấy có những việc như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thái tử Lưu-ly vì ngu si nên phế truất vua cha, tự mình lên ngôi; lại nhớ tới thù hận xưa nên tàn hại rất nhiều người họ Thích, bắt một vạn hai ngàn phụ nữ họ Thích mà cắt tai, xẻo mũi, chặt đứt tay chân và xô nhào xuống hầm hố.
“Bấy giờ, những người phụ nữ ấy thân chịu khổ não, cùng nói ra lời này: ‘Nam-mô Phật-đà! Nam-mô Phật-đà! Nay chúng tôi chẳng có ai cứu giúp.’ Rồi lại kêu gào than khóc lớn hơn.
“Những người phụ nữ này trước đã từng trồng các căn lành nơi chư Phật quá khứ.
“Lúc ấy ta ở tại Trúc Lâm, nghe tiếng than khóc liền khởi tâm từ. Những người phụ nữ ấy liền nhìn thấy ta đến thành Ca-tỳ-la, dùng nước rửa vết thương cho họ, rồi dùng thuốc đắp lên. Không bao lâu họ liền hết đau đớn, tai, mũi, tay, chân đều được lành lại như cũ.
“Lúc ấy ta vì họ mà thuyết giảng những lẽ cốt yếu của pháp Phật, khiến cho tất cả cùng phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Họ liền tìm đến chỗ bà tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo để xuất gia, thọ giới cụ túc.
“Thiện nam tử! Như Lai lúc ấy thật không có đến thành Ca-tỳ-la, cũng không hề dùng nước rửa vết thương, đắp thuốc cho dứt sự đau khổ.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng đó đều là do sức căn lành của tâm từ, khiến những người phụ nữ ấy thấy có những sự việc như vậy.
“Các tâm bi, tâm hỷ cũng [có vô lượng thần thông] như vậy.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên sự suy xét của vị Bồ Tát ma-ha-tát tu tập tâm từ là chân thật, chẳng phải hư dối.
“Thiện nam tử! Nói là vô lượng, tức là không thể nghĩ bàn. Những việc làm của vị Bồ Tát là không thể nghĩ bàn. Những việc làm của chư Phật cũng không thể nghĩ bàn. Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này cũng không thể nghĩ bàn!
“Lại nữa, thiện nam tử! Khi Bồ Tát ma-ha-tát đã tu tập các đức từ, bi, hỷ thì được trụ ở địa vị Cực ái nhất tử.
“Thiện nam tử! Vì sao địa vị ấy gọi là Cực ái, lại gọi là nhất tử? Thiện nam tử! Ví như cha mẹ khi thấy con mình được yên ổn thì trong lòng hết sức vui vẻ. Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị này cũng giống như vậy, xem tất cả chúng sanh đều như đứa con duy nhất của mình, khi thấy chúng sanh tu thiện thì trong lòng hết sức vui vẻ. Vì thế nên địa vị này gọi là Cực ái.
“Thiện nam tử! Ví như cha mẹ khi thấy con bệnh hoạn thì sanh tâm khổ não, thương xót nên buồn rầu, không hề xa rời. Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị này cũng giống như vậy, khi thấy các chúng sanh bị bệnh phiền não trói buộc bức thiết thì trong lòng buồn khổ, lo nghĩ như con mình, các lỗ chân lông trên thân thể đều ứa máu. Vì thế nên địa vị này gọi là nhất tử.
“Thiện nam tử! Như trẻ con lúc còn thơ dại, bốc lấy những thứ đất cục, phẩn dơ, gạch ngói, xương khô, nhánh cây... mà đưa vào miệng. Cha mẹ thấy vậy sợ con mắc bệnh, liền dùng tay trái mà giữ đầu, tay phải móc lấy những thứ ấy ra. Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị này cũng giống như vậy, thấy các chúng sanh Pháp thân chưa tăng trưởng, có người dùng thân, khẩu , ý tạo nhiều nghiệp bất thiện. Bồ Tát thấy vậy rồi ắt phải dùng bàn tay trí tuệ mà đánh bạt những nghiệp bất thiện ấy ra, không muốn cho những chúng sanh ấy phải lưu chuyển trong sanh tử, chịu những khổ não. Vì thế nên địa vị này gọi là nhất tử.
“Thiện nam tử! Ví như khi đứa con thương yêu chết đi, cha mẹ hết sức sầu não, muốn cùng chết theo. Bồ Tát cũng vậy, thấy những kẻ nhất-xiển-đề đọa vào địa ngục, cũng nguyện cùng sanh vào địa ngục với họ. Vì sao vậy? Nếu những kẻ nhất-xiển-đề này trong khi thọ khổ có sanh lòng hối cải, Bồ Tát liền vì họ mà thuyết pháp, khiến họ được sanh một niệm căn lành. Vì thế nên địa vị này gọi là nhất tử.
“Thiện nam tử! Ví như cha mẹ chỉ có duy nhất một đứa con. Dù đứa con ấy đang ngủ hay thức, [bậc cha mẹ] trong khi đi, đứng, ngồi, nằm... trong lòng vẫn luôn nhớ nghĩ đến con. Nếu đứa con ấy có gây ra tội lỗi thì khéo dùng lời dạy dỗ, không làm tăng thêm điều xấu ác của nó. Bồ Tát ma-ha-tát cũng giống như vậy, khi thấy chúng sanh đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, hoặc sanh ra trong cõi người, cõi trời, làm ra những việc thiện, ác, trong lòng Bồ Tát thường luôn nhớ nghĩ đến, không hề buông bỏ. Nếu chúng sanh làm những việc ác cũng chẳng bao giờ sanh lòng giận dữ, làm cho điều ác của họ tăng thêm. Vì thế nên địa vị này gọi là nhất tử.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như chỗ Phật thuyết dạy thật rất sâu kín, con nay trí tuệ cạn cợt làm sao có thể hiểu thấu được? Nếu như các vị Bồ Tát trụ ở địa vị nhất tử có thể được như vậy, tại sao Như Lai thuở xưa làm quốc vương, còn là Bồ Tát lại dứt mạng sống của các thầy bà-la-môn kia? Nếu đạt được địa vị ấy, ắt phải hộ niệm cho người ấy; còn như chưa đạt được, vậy do nhân duyên gì [mà tạo tội giết người] lại không đọa vào địa ngục?
“Nếu [Như Lai] xem tất cả chúng sanh đều bình đẳng như con một của ngài là La-hầu-la, vì sao lại hướng về Đề-bà-đạt-đa nói ra lời này: ‘[Ông là] kẻ ngu si không biết xấu hổ, ăn đàm dãi của người khác.’ Khiến cho Đề-bà-đạt-đa nghe rồi sanh lòng sân hận, khởi tâm bất thiện, làm thân Phật chảy máu. Đề-bà-đạt-đa làm việc ác ấy rồi, Như Lai lại báo trước rằng: ‘Ông sẽ đọa địa ngục, chịu tội trong một kiếp.’
“Bạch Thế Tôn! Những lời nói như vậy sao có thể không trái nghĩa nhau? Thế Tôn! Ông Tu-bồ-đề trụ ở Hư không địa, mỗi khi muốn vào thành khất thực thì trước hết cần phải quán sát lòng người. Nếu có người nào sanh lòng ganh ghét với ông, thì ông dừng lại chẳng đi; cho dù đói lắm cũng không đi khất thực. Vì sao vậy? Ông Tu-bồ-đề thường nghĩ rằng: ‘Ta nhớ lại thuở xưa, đối với bậc phước điền ta có sanh ra một niệm ác. Do nhân duyên ấy phải đọa vào địa ngục lớn, chịu đủ mọi cảnh khổ. Nay ta thà chịu đói suốt ngày không ăn, cũng không muốn để cho kẻ khác đối với ta khởi lòng ganh ghét mà phải đọa vào địa ngục, chịu nhiều khổ não.’ Ông ấy lại nghĩ rằng: ‘Nếu có chúng sanh không muốn thấy ta đứng thì ta sẽ trọn ngày ngồi không đứng dậy. Nếu có chúng sanh không muốn thấy ta ngồi thì ta sẽ đứng yên trọn ngày không thay đổi [ngồi xuống]. Đối với những việc đi lại hay nằm xuống cũng vậy.’
“Ông Tu-bồ-đề vì giúp đỡ chúng sanh còn khởi tâm được như vậy, huống chi là vị Bồ Tát [sắp thành Phật]? Nếu là Bồ Tát đạt được địa vị [Cực ái] nhất tử, vì duyên cớ gì Như Lai lại nói ra lời thô nặng ấy, khiến cho chúng sanh khởi tâm ác độc nặng nề?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nay ông không nên vặn hỏi theo cách như thế, cho rằng Phật Như Lai đã gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh.
“Thiện nam tử! Ví như [có việc] con muỗi dùng vòi hút cạn nước biển, cũng không bao giờ [có việc] Như Lai gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh. Thiện nam tử! Ví như [có những việc như] toàn cõi đất này hóa thành không màu sắc, nước đổi tánh thành khô, lửa chuyển thành lạnh, gió lại là đứng yên, Tam Bảo, tánh Phật cùng với hư không đều là vô thường, cũng không bao giờ [có việc] Như Lai gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh!
“Thiện nam tử! Ví như [có những việc như] kẻ phạm Bốn tội nghiêm trọng, kẻ nhất-xiển-đề cùng kẻ phỉ báng Chánh pháp mà ngay trong đời này được thành tựu Mười sức, được đức Không sợ sệt, được ba mươi hai tướng tốt với tám mươi vẻ đẹp, cũng không bao giờ [có việc] Như Lai gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh!
“Thiện nam tử! Ví như [có việc] hàng Thanh văn và Bích-chi Phật là thường trụ, không biến đổi, cũng không bao giờ [có việc] Như Lai gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh!
“Thiện nam tử! Ví như [có việc] các Bồ Tát ở địa vị Thập trụ mà phạm Bốn tội nghiêm trọng, làm kẻ nhất-xiển-đề, phỉ báng Chánh pháp, cũng không bao giờ [có việc] Như Lai gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh!
“Thiện nam tử! Ví như [có việc] hết thảy vô lượng chúng sanh đều dứt mất tánh Phật, hoặc như Như Lai sẽ buông bỏ tất cả mà vào Niết-bàn, cũng không bao giờ [có việc] Như Lai gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh.
“Thiện nam tử! Ví như [có những việc] giăng lưới bắt giữ được gió, dùng răng cắn vỡ sắt thép, dùng móng tay cào nát núi Tu-di... cũng không bao giờ [có việc] Như Lai gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh!
“Thiện nam tử! Thà chịu sống chung một chỗ với rắn độc, hoặc đưa hai tay vào hàm sư tử đói, hoặc tắm cả thân hình trong than hồng khư-đà-la, chứ đừng bao giờ nói rằng: ‘Như Lai Thế Tôn gây ra nhân duyên phiền não cho chúng sanh!’
“Thiện nam tử! Như Lai quả thật có thể vì chúng sanh mà dứt trừ phiền não, chứ không bao giờ lại tạo ra nhân phiền não.
“Thiện nam tử! Như ông nói rằng: ‘Như Lai xưa kia có giết một thầy bà-la-môn.’ Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát cho đến con kiến còn không cố ý giết, huống chi lại giết những người bà-la-môn? Bồ Tát thường dùng đủ mọi phương tiện bố thí rộng rãi cho chúng sanh được thọ mạng vô lượng.
“Thiện nam tử! Khi bố thí món ăn tức là thí cho mạng sống. Bồ Tát ma-ha-tát trong khi thực hành Bố thí Ba-la-mật thường thí cho chúng sanh thọ mạng vô lượng.
“Thiện nam tử! Tu giới không giết hại thì được thọ mạng lâu dài. Bồ Tát ma-ha-tát trong khi thực hành Trì giới Ba-la-mật là đã thí cho tất cả chúng sanh thọ mạng vô lượng.
“Thiện nam tử! Giữ cho lời nói không có lỗi thì được thọ mạng lâu dài. Bồ Tát ma-ha-tát trong khi thực hành Nhẫn nhục Ba-la-mật thường khuyên chúng sanh đừng khởi tư tưởng oán thù, dành lẽ phải cho người khác, nhận chỗ sai về mình, không tranh giành kiện tụng thì được thọ mạng lâu dài. Cho nên Bồ Tát trong khi thực hành Nhẫn nhục Ba-la-mật là đã thí cho chúng sanh thọ mạng vô lượng.
“Thiện nam tử! Tinh cần tu thiện thì được thọ mạng lâu dài. Bồ Tát ma-ha-tát trong khi thực hành Tinh tấn Ba-la-mật thường khuyên chúng sanh siêng năng tu tập pháp lành. Chúng sanh làm theo như vậy liền được thọ mạng vô lượng. Vì thế, Bồ Tát trong khi thực hành Tinh tấn Ba-la-mật là đã thí cho chúng sanh thọ mạng vô lượng.
“Thiện nam tử! Tu phép nhiếp tâm thì được thọ mạng lâu dài. Bồ Tát ma-ha-tát trong khi thực hành Thiền Ba-la-mật thường khuyên chúng sanh tu tập tâm bình đẳng. Chúng sanh làm theo như vậy liền được thọ mạng lâu dài. Vì thế, Bồ Tát trong khi thực hành Thiền Ba-la-mật là đã thí cho chúng sanh thọ mạng vô lượng.
“Thiện nam tử! Không buông lung phóng túng đối với các pháp lành thì được thọ mạng lâu dài. Bồ Tát ma-ha-tát, trong khi thực hành Trí tuệ Ba-la-mật thường khuyên chúng sanh đừng sanh tâm phóng túng buông lung đối với các pháp lành. Chúng sanh làm theo như vậy rồi, nhờ nhân duyên ấy liền được thọ mạng lâu dài. Vì thế, Bồ Tát khi thực hành Trí tuệ Ba-la-mật là đã thí cho chúng sanh thọ mạng vô lượng.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên Bồ Tát ma-ha-tát đối với chúng sanh không bao giờ lại đoạt lấy mạng sống!
“Thiện nam tử! Ông vừa hỏi rằng, khi giết những người bà-la-môn kia ta có đạt được địa vị [Cực ái] nhất tử ấy hay không? Thiện nam tử! Khi ấy ta đã đạt được địa vị ấy rồi. Vì lòng thương tưởng nên mới dứt mạng sống của những người bà-la-môn ấy, chẳng phải vì lòng ác.
“Thiện nam tử! Ví như cha mẹ chỉ có duy nhất một đứa con, tình thương rất nặng. Nhưng đứa con ấy phạm vào phép quan. Bấy giờ, cha mẹ vì khiếp sợ mà đuổi đi hoặc giết chết. Tuy là đuổi đi hoặc giết chết, nhưng không có lòng ác. Bồ Tát ma-ha-tát vì hộ trì Chánh pháp cũng như vậy. Nếu có những chúng sanh báng bổ Đại thừa, liền dùng roi mà đánh, làm cho họ khổ sở để trừng trị, hoặc giết chết họ, là muốn cho họ sửa đổi việc cũ, tu tập theo pháp lành. Bồ Tát thường suy nghĩ rằng: ‘Do nhân duyên gì có thể khiến cho chúng sanh phát khởi lòng tin?’ Tùy theo phương tiện nên bắt buộc phải làm như vậy.
“Những người bà-la-môn sau khi chết sanh vào địa ngục A-tỳ liền có ba ý nghĩ. Một là tự nghĩ rằng: ‘Ta từ đâu sanh vào nơi này?’ Tức thì tự biết là đã từ cõi người mà đến. Hai là tự nghĩ rằng: ‘Nơi ta hôm nay sanh ra là xứ sở nào?’ Tức thì tự biết đó là địa ngục A-tỳ. Ba là tự nghĩ rằng: “Do nghiệp duyên gì mà ta sanh đến chốn này?’ Tức thì họ tự biết rằng do nhân duyên không có lòng tin [nơi Tam bảo], báng bổ kinh điển Phương đẳng Đại thừa mà bị nhà vua giết chết, mới sanh đến chốn này.
“Suy nghĩ đến sự việc như thế rồi, họ liền sanh lòng tin kính đối với kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Không bao lâu sau họ chết đi, liền được sanh về thế giới của đức Như Lai Cam Lộ Cổ. Thọ mạng ở thế giới ấy dài đủ mười kiếp. Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên thuở xưa chính ta đã thí cho những người ấy thọ mạng dài mười kiếp. Sao lại gọi là giết hại?
“Thiện nam tử! Như có người làm những việc đào đất, cắt cỏ, đốn cây, chém đứt xác chết, mắng chưởi, đánh đập [xác chết]. Do nghiệp duyên ấy, có đọa vào địa ngục hay chăng?”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Theo như chỗ con hiểu ý nghĩa lời Phật dạy thì họ phải đọa vào địa ngục. Vì sao vậy? Khi xưa Phật có vì hàng Thanh văn mà thuyết pháp rằng: ‘Tỳ-kheo các ông, cho đến đối với những cây củi cũng đừng sanh lòng ác. Vì sao vậy? Hết thảy chúng sanh đều do lòng ác mà phải đọa vào địa ngục.’”
Lúc ấy, Phật khen ngợi Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Như lời ông nói đó, nên khéo gìn giữ làm theo. Thiện nam tử! Nếu do lòng ác mà phải đọa vào địa ngục, thì Bồ Tát thuở ấy thật không có lòng ác. Vì sao vậy? Bồ Tát ma-ha-tát đối với tất cả chúng sanh, cho đến loài sâu kiến cũng đều sanh lòng thương xót, muốn làm lợi ích. Vì sao vậy? Vì Bồ Tát khéo biết các nhân duyên, phương tiện. Bồ Tát dùng sức phương tiện, muốn cho chúng sanh gieo trồng các căn lành. Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên thuở xưa ta đã dùng phương tiện khéo léo, tuy giết chết những người bà-la-môn nhưng không có lòng ác.
“Thiện nam tử! Theo giáo pháp của đạo Bà-la-môn thì dù giết chết những con kiến chất đầy mười cỗ xe cũng không có tội báo. Nếu giết chết mà chở đầy đến mười cỗ xe các loài muỗi mòng, chí rận, mèo, chồn, sư tử, cọp, sói, gấu, gấu ngựa, các loại trùng độc, thú dữ cùng với các loài có thể làm hại chúng sanh, hoặc đoạt mạng những quỷ thần, la-sát, câu-bàn-trà, ca-la, phú-đơn-na, những loài quỷ thần điên cuồng nóng nảy có thể gây sự nhiễu hại cho chúng sanh, cũng đều không có tội báo. Nếu giết người ác thì có tội báo. Giết rồi mà không hối tiếc thì phải đọa cảnh ngạ quỷ. Nếu có thể sám hối, trong ba ngày không ăn thì tội ấy tiêu diệt không còn gì cả. Nếu giết bậc hòa thượng, làm hại cha mẹ, phụ nữ hay trâu bò thì sẽ phải đọa vào địa ngục trong vô số ngàn năm.
“Thiện nam tử! Phật và Bồ Tát biết rõ việc giết hại có ba mức độ: nặng, rất nặng và nặng nhất. Mức độ nặng là nói việc giết hại từ loài sâu kiến cho đến hết thảy các loài súc sanh, chỉ trừ Bồ Tát thị hiện sanh trong các loài ấy. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát vì nhân duyên phát nguyện nên [có khi] thị hiện thọ thân súc sanh.
“Giết hại các loài như vậy gọi là nhân duyên giết hại ở mức độ nặng, phải đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, chịu đủ những nỗi khổ não nặng nề. Vì sao vậy? Vì các loài súc sanh ấy vẫn có căn lành, dù là rất nhỏ, nên kẻ giết hại chúng phải chịu đủ tội báo. Đó gọi là giết hại ở mức độ nặng.
“Giết hại ở mức độ rất nặng là nói việc giết hại từ những kẻ phàm phu cho đến người đắc quả A-na-hàm. Đó gọi là giết hại ở mức độ rất nặng. Vì nghiệp nhân ấy phải đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, chịu đủ các nỗi khổ ở mức độ nặng nề hơn. Đó gọi là giết hại ở mức độ rất nặng.
“Giết hại ở mức độ nặng nhất là nói việc giết hại từ cha mẹ mình cho đến các bậc A-la-hán, Phật Bích-chi và những người quyết định sẽ là Bồ Tát. Đó gọi là giết hại ở mức độ nặng nhất. Vì nghiệp nhân ấy phải đọa vào Đại địa ngục A-tỳ, chịu đủ các nỗi khổ nặng nề nhất. Đó gọi là giết hại ở mức độ nặng nhất.
“Thiện nam tử! Nếu ai có thể giết kẻ nhất-xiển đề thì không rơi vào ba mức độ giết hại kể trên. Thiện nam tử! Những người bà-la-môn kia hết thảy đều là nhất-xiển-đề. Ví như đào đất, cắt cỏ, chặt cây, chém đứt tử thi hoặc mắng chửi, đánh đập [mà không khởi lòng ác thì] không có tội báo. Giết kẻ nhất-xiển-đề cũng vậy, không có tội báo. Vì sao vậy? Những người bà-la-môn thậm chí chẳng có Năm pháp như đức tin..., vì thế có giết cũng không đọa vào địa ngục.
“Thiện nam tử! Trước ông có hỏi: Như Lai vì sao trách mắng Đề-bà-đạt-đa là kẻ ngu si [không biết xấu hổ], ăn đàm dãi [người khác]? Ông cũng không nên vặn hỏi như thế. Vì sao vậy? Những gì chư Phật Thế Tôn nói ra đều không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Ví như có lời nói đúng thật, được người đời ưa thích, nhưng nếu không phải lúc, không đúng Chánh pháp, không làm lợi ích, Phật cũng không bao giờ nói ra. Thiện nam tử! Lại như có lời nói thô nặng, hư dối, không phải lúc, không đúng Chánh pháp, người khác chẳng muốn nghe, chẳng thể làm lợi ích, thì Phật cũng không nói ra.
“Thiện nam tử! Như có lời nói tuy là thô nặng, nhưng chân thật không hư dối, lại đúng lúc, đúng Chánh pháp, có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, tuy là người nghe không vui nhưng Phật vẫn cần phải nói. Vì sao vậy? Vì chư Phật Thế Tôn tùy nghi hiểu biết đúng tất cả các pháp, biết khéo dùng phương tiện.
“Thiện nam tử! Có lần ta du hành đến cụm rừng kia gần thôn Khoáng Dã. Có một quỷ thần tên là Khoáng Dã ở dưới một cội cây, ăn toàn máu thịt, giết hại rất nhiều chúng sanh, lại lần lượt ăn thịt từng người trong thôn xóm ấy.
“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ ta vì quỷ thần ấy mà rộng thuyết những lẽ cốt yếu của chánh pháp. Nhưng quỷ ấy hung bạo độc ác, ngu si không trí tuệ nên không nhận lãnh giáo pháp. Ta liền hóa thân làm vị quỷ Đại lực, náo động cung điện của quỷ [Khoáng Dã], khiến cho nó chẳng được ở yên. Quỷ ấy liền dẫn theo quyến thuộc ra khỏi cung điện muốn chống cự với ta. Nhưng khi quỷ ấy vừa nhìn thấy ta liền mất cả tâm niệm, hoảng sợ té nhào xuống đất, mê man dứt hết mọi thứ, như người đã chết.
“Ta đem lòng từ mẫn, dùng tay xoa lên thân quỷ, quỷ ấy liền tỉnh lại, ngồi dậy nói rằng: ‘Đáng mừng thay, hôm tay tôi còn giữ được thân mạng! Vị Đại thần vương đây có oai đức lớn, lại có lòng từ mẫn nên đã tha tội cho tôi.’ Quỷ ấy liền ở trước mặt ta sanh khởi lòng lành và đức tin. Ta liền hiện trở lại thân Như Lai, vì quỷ ấy mà thuyết giảng mọi lẽ pháp yếu, khiến quỷ thần ấy thọ giới không giết hại.
“Ngay hôm ấy, trong thôn Khoáng Dã có một ông trưởng giả đến lượt phải chết. Người trong thôn đưa ông trưởng giả đến cho quỷ thần ấy. Quỷ thần ấy nhận rồi lại đem dâng cho ta. Ta nhận rồi mới đổi tên ông ấy là Thủ Trưởng giả [rồi thả cho về].
“Bấy giờ, quỷ ấy bạch với ta rằng: ‘Thế Tôn! Con và quyến thuộc chỉ trông nhờ vào máu thịt để sống. Nay phải giữ giới không giết hại thì làm sao để sống?’
“Ta liền đáp rằng: ‘Từ nay ta sẽ dạy các đệ tử Thanh văn, trong khi tu hành pháp Phật ở bất cứ nơi đâu cũng đều phải bố thí món ăn vật uống cho các ngươi.’
“Thiện nam tử! Vì nhân duyên ấy, ta có vì các tỳ-kheo mà chế định điều giới rằng: ‘Các ông từ nay về sau phải thường thí thực cho quỷ Khoáng Dã. Nếu tỳ-kheo ở nơi nào mà không bố thí như vậy, nên biết rằng đó chẳng phải đệ tử của ta mà là quyến thuộc của ma.’
“Thiện nam tử! Như Lai vì muốn điều phục chúng sanh nên thị hiện đủ mọi phương tiện như vậy, không hề cố ý làm cho họ sanh lòng sợ sệt.
“Thiện nam tử! Ta cũng có khi dùng cây đánh quỷ hộ pháp. Lại có một lần từ trên núi cao ta xô quỷ đầu dê té rơi xuống núi. Ta lại có lần từ trên ngọn cây đánh quỷ Hộ-di-hầu, có lần khiến cho con voi Hộ Tài nhìn thấy năm con sư tử, có lần sai thần Kim cang dọa nạt bọn ngoại đạo Ni-kiền Tát-già, lại có lần dùng kim đâm quỷ tiễn mao... Tuy ta làm những việc như vậy nhưng chẳng giết chết những quỷ thần ấy. Chính là ta muốn cho họ trụ yên trong Chánh pháp, nên mới thị hiện đủ mọi phương tiện như vậy.
“Thiện nam tử! Vào lúc ấy ta thật ra không hề mạ nhục Đề-bà-đạt-đa. Đề-bà-đạt-đa cũng chẳng phải là ngu si [không biết xấu hổ], ăn đàm dãi của người [khác], cũng chẳng hề sanh ở cảnh giới xấu ác là địa ngục A-tỳ chịu tội trọn một kiếp. Ông ấy cũng không có phá hoại Tăng đoàn, làm thân Phật chảy máu, cũng chẳng phạm vào Bốn tội nghiêm trọng, phỉ báng Chánh pháp, kinh điển Đại thừa. Ông ấy cũng chẳng phải là kẻ nhất-xiển-đề, cũng chẳng phải Thanh văn hay Phật Bích-chi.
“Thiện nam tử! [Việc của] Đề-bà-đạt-đa đó thật không phải cảnh giới của hàng Thanh văn, Duyên giác, chỉ là chỗ thấy biết của chư Phật. Thiện nam tử! Cho nên nay ông không nên cật vấn rằng: ‘Như Lai vì duyên cớ gì lại quở mắng, mạ nhục Đề-bà-đạt-đa?’ Đối với cảnh giới của chư Phật, ông không nên sanh ra chỗ nghi ngờ như vậy.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Ví như cây mía phải ép nấu nhiều lần mới được đủ vị ngọt. Con đây cũng vậy, nhờ theo Phật được nghe [thuyết pháp] nhiều lần nên mới được nhiều pháp vị, như vị xuất gia, vị ly dục, vị tịch diệt, vị chánh đạo.
“Thế Tôn! Ví như vàng thật, trải qua nhiều lần đốt, đập, nấu chảy, tinh luyện rồi mới trở nên sáng đẹp, tinh sạch, mềm dẻo, điều hòa, màu sắc sáng đẹp, giá trị vô cùng. Sau đó mới được loài người và chư thiên quí trọng.
“Thế Tôn! Như Lai cũng thế, [chúng con] cần phải trịnh trọng thưa hỏi ngài mới được nghe thấy những nghĩa rất thâm sâu, khiến cho hành giả thọ trì, vâng theo mà tu tập, vô lượng chúng sanh phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, sau đó mới được loài người và chư thiên tôn trọng, cung kính cúng dường.”
Lúc ấy, Phật khen ngợi Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Bồ Tát ma-ha-tát vì muốn lợi ích chúng sanh nên thưa hỏi Như Lai nghĩa sâu như vậy. Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên ta theo ý ông mà thuyết giảng giáo pháp rất sâu kín của [Kinh điển] Phương đẳng Đại thừa. Đó là địa vị Cực ái như nhất tử.”
Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Nếu chư Bồ Tát tu các tâm từ, tâm bi, tâm hỷ thì được địa vị Nhất tử, vậy khi tu tâm xả thì được địa vị gì?”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, ông khéo biết đúng lúc ta muốn nói việc ấy mà thưa hỏi. Bồ Tát ma-ha-tát khi tu tâm xả ắt được trụ ở địa vị Bình đẳng như hư không, giống như ông Tu-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị Bình đẳng như hư không thì không còn thấy có [sự phân biệt giữa] cha mẹ, anh em, chị em, con cái, thân tộc, người quen biết, kẻ oán thù, kẻ không thân không oán, cho đến chẳng thấy có [sự phân biệt giữa] các ấm, giới, nhập, chúng sanh, thọ mạng...
“Thiện nam tử! Ví như hư không chẳng có cha mẹ, anh em, vợ con..., cho đến không có chúng sanh, thọ mạng. Hết thảy các pháp cũng là như vậy, [tánh thật của chúng là] không có cha mẹ... cho đến không có thọ mạng. Bồ Tát ma-ha-tát nhìn thấy hết thảy các pháp là như vậy, trong tâm bình đẳng như hư không kia. Vì sao vậy? Vì khéo tu tập các pháp không.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Thế nào là không?”
“Thiện nam tử! Nói không đó là: nội không, ngoại không, nội ngoại không, hữu vi không, vô vi không, vô thủy không, tánh không, vô sở hữu không, đệ nhất nghĩa không, không không, đại không.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét nội không? Bồ Tát ma-ha-tát quán thấy các pháp ở trong đều là không. Các pháp ở trong đều không, đó là: không có cha mẹ, kẻ oán, người thân, kẻ không oán không thân, không có chúng sanh, thọ mạng, thường, lạc, ngã, tịnh, Như Lai, Pháp, Tăng, không có mọi thứ tiền tài của cải... Các pháp ở trong ấy tuy có tánh Phật, nhưng tánh Phật ấy chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài. Vì sao vậy? Tánh Phật là thường trụ, không biến đổi. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát quán nội không.
“[Bồ Tát quán xét] ngoại không cũng là như vậy, [thấy rằng] không có các pháp ở bên ngoài.
“[Bồ Tát quán xét] nội ngoại không cũng là như vậy, [thấy rằng không có pháp nào là chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài. Thiện nam tử! Duy chỉ có Như Lai, Pháp, Tăng và tánh Phật là chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài. Vì sao vậy? Vì bốn pháp ấy là thường, lạc, ngã, tịnh, cho nên chẳng gọi là không. Đó gọi là [Bồ Tát quán xét] nội ngoại không.
“Thiện nam tử! Hữu vi không là nói các pháp hữu vi hết thảy đều là không. Đó là: trong không, ngoài không, trong ngoài đều không; thường, lạc, ngã, tịnh cũng đều là không; chúng sanh, thọ mạng, Như Lai, Pháp, Tăng, Đệ nhất nghĩa cũng đều là không. Trong đó tánh Phật chẳng phải là pháp hữu vi, cho nên chẳng thuộc về pháp hữu vi không. Đó gọi là hữu vi không.
“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét vô vi không? [Bồ Tát quán xét thấy rằng] các pháp vô vi hết thảy đều là không. Đó là nói [những pháp như]: vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, ấm, giới, nhập, tướng chúng sanh và tướng thọ mạng, hữu vi, hữu lậu, pháp bên trong, pháp bên ngoài. Trong các pháp vô vi đó, bốn pháp Phật, Pháp, Tăng và tánh Phật không phải hữu vi, cũng không phải vô vi. Vì tánh là thiện nên không phải vô vi, vì tánh là thường trụ nên không phải hữu vi. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát quán vô vi không.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét vô thủy không? Bồ Tát [quán xét] thấy vòng sanh tử không có điểm khởi đầu, hết thảy đều rỗng không vắng lặng. Nói không đó là thường, lạc, ngã, tịnh, thảy đều rỗng không vắng lặng, không có biến đổi, [cho đến các pháp] chúng sanh, thọ mạng, Tam bảo, tánh Phật và pháp vô vi. Đó gọi là Bồ Tát quán vô thủy không.
“Thế nào là Bồ Tát quán xét tánh không? Bồ Tát ma-ha-tát quán xét bản tánh của hết thảy các pháp đều là không. Các pháp ấy là: ấm, giới, nhập, thường, vô thường, khổ, lạc, tịnh, bất tịnh, ngã, vô ngã. Quán xét tất cả những pháp như vậy đều không thấy có bản tánh. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét tánh không.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát quán vô sở hữu không? Ví như người không có con nói rằng ngôi nhà ở trống không, rốt cùng thấy đó là trống không vì không có ai thân yêu [trong đó]. Kẻ ngu si nói rằng các phương hướng đều là không. Người nghèo túng nói rằng [tài sản] không có gì cả. Những trường hợp suy tính phân biệt như vậy, hoặc [cho là] không, hoặc chẳng phải không. Khi Bồ Tát quán xét [tất cả những trường hợp ấy] đều thấy như kẻ nghèo túng [tài sản] không có gì cả. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát quán vô sở hữu không.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét đệ nhất nghĩa không? Thiện nam tử! Khi [Bồ Tát] quán xét Đệ nhất nghĩa, thấy rằng con mắt khi sanh ra chẳng từ đâu mà đến, cho đến khi diệt mất cũng chẳng đi về đâu. Vốn trước là không mà nay thành có, đã có rồi lại trở về không. Suy tìm tánh thật của ‘con mắt’ thì thấy không có mắt, cũng không có người có mắt. Con mắt đã không có tánh thật, hết thảy các pháp cũng là như vậy. Những gì gọi là Đệ nhất nghĩa không? Có nghiệp, có báo, không thấy có người tạo tác. Các pháp không như vậy gọi là đệ nhất nghĩa không. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét đệ nhất nghĩa không.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét không không? Trong chỗ không không này chính là chỗ mê muội của hàng Thanh văn và Phật Bích-chi. Thiện nam tử! Vừa là có [mà cũng] là không, đó gọi là không không. Vừa là đúng [mà cũng] không đúng, đó gọi là không không. Thiện nam tử! Cho đến hàng Bồ Tát Thập trụ mà đối với nghĩa này cũng chỉ thông đạt được một phần rất nhỏ như hạt bụi, huống chi là những người khác? Thiện nam tử! Cái không không này không đồng với chỗ đạt được phép Tam-muội Không không của hàng Thanh văn. Đó gọi là Bồ Tát quán xét không không.
“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát quán xét đại không? Thiện nam tử! Nói đại không đó là nói Bát-nhã Ba-la-mật. Đó gọi là Đại không.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát đạt được những pháp không như vậy, ắt sẽ trụ ở địa vị Bình đẳng như hư không.
“Thiện nam tử! Nay ở trong đại chúng này, khi ta thuyết diễn những nghĩa không như vậy thì có các vị Bồ Tát ma-ha-tát nhiều như số cát mười sông Hằng được trụ ở địa vị Bình đẳng như hư không. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị ấy rồi, đối với tất cả pháp không còn trì trệ, ngăn ngại, trói buộc, câu chấp; tâm không còn mê đắm, phiền muộn. Vì nghĩa ấy nên gọi là địa vị Bình đẳng như hư không.
“Thiện nam tử! Ví như hư không, đối với những hình sắc đáng yêu chẳng sanh tham đắm, với những hình sắc không đáng yêu cũng chẳng sanh ghét giận. Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị ấy cũng vậy, đối với những hình sắc tốt đẹp hoặc xấu xí, lòng không tham đắm cũng không ghét giận.
“Thiện nam tử! Ví như hư không rộng lớn không gì bằng, có thể dung chứa hết thảy muôn vật. Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị ấy cũng vậy, rộng lớn không gì bằng, có thể dung chứa hết thảy các pháp. Cũng vì nghĩa ấy cho nên gọi là địa vị bình đẳng như hư không.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị ấy nhìn thấy và rõ biết hết thảy các pháp, như là các hành, hoặc là các duyên; hoặc là tánh, hoặc là tướng; hoặc là nhân, hoặc là duyên; hoặc là tâm của chúng sanh, hoặc là căn cơ; hoặc là thiền định, hoặc là các thừa; hoặc là thiện tri thức, hoặc là việc giữ giới cấm, hoặc là [chỗ thực hành] bố thí... Tất cả những pháp như vậy, Bồ Tát thảy đều nhìn thấy và rõ biết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị ấy [có những pháp] rõ biết mà không nhìn thấy. Thế nào là rõ biết? [Đó là] rõ biết các [tà] pháp như nhịn đói, gieo mình xuống vực sâu, đi vào đám lửa, nhảy xuống từ trên núi cao, thường treo một chân lên, dùng năm thứ hơi nóng nung thân, thường nằm trên các loại tro, đất, gai nhọn đan kết, lá cây, cỏ xấu, phân bò; mặc loại áo thô xấu bằng vải gai, áo lông thú của người nghèo vất bỏ trong nghĩa địa, làm sạch đi rồi mặc, áo khâm-bà-la, dùng da nai, da hươu và cỏ rơm mà làm y phục; ăn những thứ rau trái, ngó sen, bánh dầu, phân bò, rễ, quả; nếu đi khất thực thì chỉ giới hạn ở một nhà, nếu chủ nhà không cho liền bỏ đi, dù có gọi lại cũng không bao giờ ngoái nhìn; không ăn thịt muối và năm món ăn làm từ sữa bò; nước uống thường là nước khuấy cám, nước nấu sôi; thọ trì các loại [tà] giới như giới trâu, giới gà, giới chó, giới chim trĩ; dùng tro bôi trét lên thân thể, để tóc dài; khi dùng dê cúng tế thì đọc chú trước rồi giết dê sau; thờ lửa bốn tháng, hớp gió bảy ngày; dùng trăm ngàn thứ hoa mà cúng dường chư thiên, tin rằng những chỗ mong cầu sẽ nhờ đó mà thành tựu... Các [tà] pháp như trên nếu có thể là nhân của sự giải thoát rốt ráo thì thật là vô lý. [Thấu hiểu] như vậy gọi là rõ biết.
“Thế nào là không thấy? Bồ Tát ma-ha-tát không thấy bất cứ ai thực hành những pháp như trên mà được giải thoát chân chánh. Đó gọi là không thấy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát [trụ ở địa vị ấy có những pháp] vừa nhìn thấy, vừa rõ biết.
“Những gì là nhìn thấy? [Đó là] nhìn thấy những chúng sanh nào thực hành các tà pháp ấy ắt phải đọa vào địa ngục. Đó gọi là nhìn thấy.
“Thế nào là rõ biết? [Đó là] rõ biết rằng những chúng sanh nào ra khỏi địa ngục rồi sanh lên cõi người, nếu có thể tu hành từ Bố thí Ba-la-mật cho đến đầy đủ các hạnh Ba-la-mật thì người ấy sẽ được vào chỗ giải thoát chân chánh. Như vậy gọi là rõ biết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát [trụ ở địa vị ấy] còn có những pháp vừa nhìn thấy, vừa rõ biết.
“Thế nào là nhìn thấy? [Đó là] nhìn thấy các pháp thường và vô thường, khổ và lạc, tịnh và bất tịnh, ngã và vô ngã. Như vậy gọi là nhìn thấy.
“Thế nào là rõ biết? [Đó là] rõ biết rằng các đức Như Lai chắc chắn không dứt hết tất cả mà vào Niết-bàn, biết rằng thân Như Lai là kim cang, không thể hư hoại, chẳng phải thân do phiền não tạo thành, cũng chẳng phải thân [có thể] hôi thối, mục rửa. Lại rõ biết được rằng hết thảy chúng sanh đều có tánh Phật. Đó gọi là rõ biết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát [trụ ở địa vị ấy] còn có những pháp vừa rõ biết, vừa nhìn thấy.
“Thế nào là rõ biết? [Đó là] rõ biết những chúng sanh nào có đủ lòng tin, những chúng sanh nào cầu pháp Đại thừa; rõ biết những người nào là thuận dòng, những người nào là nghịch dòng, những người nào là chánh trụ; rõ biết những chúng sanh nào đã đến được bờ bên kia. Thuận dòng là những kẻ phàm phu, nghịch dòng là những người từ hàng Tu-đà-hoàn cho tới Duyên giác, chánh trụ là các vị Bồ Tát, đến được bờ bên kia là nói các bậc Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri... Như vậy gọi là rõ biết.
“Thế nào là nhìn thấy? Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn, tu tâm theo hạnh thanh tịnh, dùng thiên nhãn trong sạch nhìn thấy những chúng sanh tạo ba nghiệp thân, khẩu, ý bất thiện, đọa vào [các đường dữ như] địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ; thấy những chúng sanh tu tập nghiệp lành sau khi mạng chung liền sanh ở hai cõi trời, người; thấy những chúng sanh từ chỗ tối đi vào chỗ tối, lại có những chúng sanh từ chỗ tối sang chỗ sáng, lại có những chúng sanh từ chỗ sáng vào chỗ tối, lại có những chúng sanh từ chỗ sáng vào chỗ sáng. Như vậy gọi là nhìn thấy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát [trụ ở địa vị ấy có những pháp] vừa nhìn thấy, vừa rõ biết.
“Bồ Tát ma-ha-tát rõ biết những chúng sanh tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ. Những người ấy trong đời hiện tại tạo thành nghiệp ác, hoặc nhân tham dục, sân khuể, ngu si, nghiệp ấy lẽ ra phải chịu tội báo nơi địa ngục. Nhưng chính nhờ tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ mà đời hiện tại chỉ phải chịu tội báo nhẹ, không đọa vào địa ngục.
“Vì sao nghiệp ấy có thể được chịu tội báo trong hiện tại? Nhờ sám hối bộc lộ hết thảy những việc ác đã làm, sau khi hối lỗi rồi mãi mãi không dám tái phạm nữa; nhờ đã biết hổ thẹn, nhờ cúng dường Tam bảo, nhờ thường tự trách mình. Nhờ những nhân duyên thiện nghiệp như thế mà người ấy không đọa địa ngục, chỉ phải chịu tội báo trong hiện tại, như là những việc nhức đầu, đau mắt, đau bụng, đau lưng, chết vì tai nạn, bị quở trách, nhục mạ, bị đánh đập, giam trói, đói khát khốn khổ... phải chịu đựng những tội báo nhẹ như vậy trong đời hiện tại. [Bồ Tát thấu hiểu những việc] như vậy gọi là rõ biết.
“Thế nào là nhìn thấy? Bồ Tát ma-ha-tát nhìn thấy những người chẳng biết tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, tạo một số ít nghiệp ác. Những nghiệp ấy lẽ ra chỉ phải chịu tội báo ngay trong đời hiện tại, nhưng vì không biết sám hối, không tự trách mình, không sanh lòng hổ thẹn, không hề có sự sợ sệt, nên số ít nghiệp ác của người ấy ngày càng tăng trưởng, [cho đến] phải chịu tội báo nơi địa ngục. [Bồ Tát thấy rõ những việc] như vậy gọi là nhìn thấy.
“Lại có những chỗ [Bồ Tát] rõ biết mà không nhìn thấy.
“Thế nào là rõ biết mà không nhìn thấy? [Đó là] rõ biết rằng chúng sanh đều có tánh Phật, vì phiền não che lấp nên không thể thấy. Đó gọi là rõ biết mà không nhìn thấy.
“Lại có những chỗ rõ biết mà chỉ nhìn thấy một phần nhỏ, như hàng Bồ Tát Thập trụ biết rằng chúng sanh đều có tánh Phật, nhưng không thấy được [tánh Phật ấy] một cách sáng rõ, như trong đêm tối nhìn thấy không rõ ràng.
“Lại có chỗ nhìn thấy và rõ biết. Đó là nói các đức Phật Như Lai có nhìn thấy, có rõ biết.
“Lại có chỗ cũng nhìn thấy, cũng rõ biết, không nhìn thấy, không rõ biết. Chỗ nhìn thấy và rõ biết đó là văn tự ngôn ngữ của thế gian, như [các hình tướng] nam nữ, xe cộ, bình bồn, nhà cửa, thành ấp, áo quần, sự ăn uống, núi sông, vườn rừng, chúng sanh, thọ mạng... Đó gọi là cũng nhìn thấy, cũng rõ biết.
“Thế nào là không nhìn thấy, không rõ biết? Là những lời nói vi diệu kín đáo của bậc thánh nhân, như: không có nam nữ... cho đến vườn rừng... Đó gọi là không thấy, không biết.
“Lại có chỗ rõ biết mà không nhìn thấy.
“Rõ biết vật bố thí, rõ biết chỗ cúng dường, rõ biết người thọ nhận, rõ biết nguyên nhân, rõ biết quả báo. Như vậy gọi là rõ biết.
“Thế nào là không nhìn thấy? Không thấy có vật bố thí, không thấy chỗ cúng dường, không thấy người thọ nhận cũng như quả báo. Như vậy gọi là không nhìn thấy.
“Sự rõ biết của Bồ Tát ma-ha-tát có tám loại, tức là chỗ rõ biết của Năm thứ mắt Như Lai.”
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "All thinkings of the Bodhisattva are all true and the sravakas and pratyekabuddhas are not true. Why are all beings not blessed with joy and bliss, with the divine powers of the Bodhisattvas? If all beings do not attain bliss, we can know that the loving-kindness practised by the Bodhisattva is fruitless."
The Buddha said: " O good man! It is not the case that the loving-kindness of the Bodhisattva does not generate benefit. O good man! Beings can be those who unfailingly suffer or who do not. To those beings who, without fail, have to suffer, the loving-kindness of the Bodhisattva has no benefit to bestow. This refers to the icchantika. To those for whom suffering is not unfailingly their lot, the loving-kindness of the Bodhisattva generates benefit and all beings enjoy happiness. O good man! It is, for example, like the case of a person who sees in the distance a lion, tiger, leopard, jackal, wolf, rakshasa [flesh-devouring demon] or other creature, and fear comes about of itself, or a person who is out walking at night and sees a pole sticking up out of the ground, and fear arises. O good man! All such people spontaneously gain fear. When beings see a person practising loving-kindness, bliss spontaneously arises. For this reason, we can say that the Bodhisattva’s practising of loving-kindness is true thinking and is not without benefit.
"O good man! There are innumerable gates to the loving-kindness about which I speak. These are the divine powers. It is as in the case of Devadatta, who instigated Ajatasatru [to kill his own father] and who tried to harm the Tathagata. At that time, I was in Rajagriha, begging alms from house to house. King Ajatasatru let loose a crazed and maddened elephant that he used for protecting his household possessions, and tried to harm me and my disciples. At that time, the elephant trampled and killed a good hundred-thousand people. As the people were being killed, blood flowed. The elephant smelt it and his frenzy increased. I, on seeing the red colour on the clothing of the followers, said: Blood!" And I saw my disciples run. Those who had not yet done away with the mind of desire ran in all directions, except for Ananda. Then the people of Rajagriha wept and cried loudly and said: It is most certain that the Tathagata’s life will come to an end today. How can the Truly Enlightened One die in the course of just a day?" Then Devadatta rejoiced: It is very good that Sramana Gautama is going to die. From now on, there truly will be no more of what obtained before. How good it is that things stand thus! I have gained my end!" O good man! With the intention of subduing the household elephant, I entered the samadhi of loving-kindness. I held out my hand and opened it, bringing out five lions from my five fingers. The elephant, on seeing these, released his urine and excrement, and threw his body down upon the ground and worshipped me. O good man! I did not [actually] have any lions on my fingers. Due to the power of good from practising loving-kindness, the elephant was thus subdued.
"Also, next, O good man! To enter Nirvana, I took my first steps towards Kusinagara. There were 500 wrestlers who were making the middle part of the road flat. There was a rock there. All were hard at it, trying to shift the rock, but they could not. I felt pity; loving-kindness arose. I then, with the big toe of my foot, lifted up this big stone and kicked it up into the air. It then fell back down upon the palm of my hand. I puffed and made it into powder. It again gathered itself together and became a stone. This was done to kill the wrestlers’ arrogant minds. Thus effecting an expedient, I spoke to them of the Way and caused them to aspire to supreme Enlightenment. O good man! The Tathagata, at that time, kicked up that big stone with his toes, threw it up into the air and made it come down again onto my right-hand palm. I puffed on it and turned it into powder and made it join up again. O good man! Know that the power of goodness of loving-kindness enabled all the wrestlers to see this spectacle. Also, next, O good man! Here in South India, there is a big castle called Surparaka. In this castle lived a rich man whose name was Ruci. He led the people. He had already done much good in the past at the sites of innumerable Buddhas. O good man! All the inhabitants of that castle were pursuing wrong faiths, serving the Nirgranthas. As I desired to teach this rich man, I travelled on to this castle town. The distance was 65 yojanas [yojana=15-20 kilometres]. The Buddha covered the distance on foot, followed by his retinue. This was to teach the people. The Nirgranthas, on hearing that I was coming to the castle-town, thought: If Sramana Gautama comes here, everybody will abandon us and not give any more offerings to us. We shall be hard-pressed. How are we to sustain our lives?" All the Nirgranthas went here and there and said to the people of the castle-town: "Sramana Gautama is about to come here. But all sramanas are people who have deserted their parents and have gone east and west. Wherever they go, the cereal fails and the people suffer from hunger and many have died. Illnesses prevail and there is no means of saving people. Gautama is a vagabond and is followed by evil rakshasas and demons. All are lonely solitaries, without father or mother. They come and praise and follow him. He teaches emptiness. Wherever he goes, there is no peace." The people, on hearing this, became frightened and touched the feet of Nirgrantha, saying: O great one! What are we to do?" Nirgrantha answered: "Sramana Gautama, by nature, loves forests, rivers, ponds, and pure water. If there are any such things, have them destroyed. All of you go out of the town together, fell the trees, do not leave one standing. Fill the rivers, ponds, and wells with dirty things. Close the castle gates. Have soldiers with you, stick to the bulwarks and keep unrelenting watch! He may come, but do not allow him to enter. If he does not come, you will be safe.
We, too, shall think of some means and drive him back. All the people heard this and respectfully did as they were told. They felled all the trees, made all the watery places dirty, and strongly armed themselves for protection. O good man! When I arrived there, I could not see any trees or forest; all I could see were the people bearing arms and standing by the castle walls on guard. On seeing this, compassion welled up within me, and with a heart full of loving-kindness I stepped forward. Then all the trees came back and looked just as they had before. And all the trees, whose number was beyond reckoning, grew again. The water of the rivers, ponds, wells, and springs was all pure and full, like blue vaidurya. All kinds of flowers spread out in profusion. The bulwarks looked like dark-blue vaidurya. The people could all easily see me and my retinue. The gates opened by themselves, with nothing stopping them. All the weapons changed into various flowers. Led by Ruci, all the people came out to see me. I then spoke about many things connected with Dharma and caused them all to aspire to unsurpassed Enlightenment. O good man! I, at that time, called forth all those trees artificially and filled the streams, rivers, and ponds with pure water. I made the main castle transform itself and look like dark-blue vaidurya. I let the people all see through me. I made the gates open and caused all the weapons to be transformed into flowers. O good man! Know that the power of good of loving-kindness enabled those people to see such things.
"Also, next, O good man! There was in the castle of Sravasti a woman called Vasistha. She had a son whom she loved very much. This son died from an illness. Then sorrow poisoned her [mind] and she became mad. She stripped off all her clothing and felt no shame. She wandered about the crossways and wept and cried: O my child, my child! Where have you gone?" She walked [unceasingly] around the castle-town and there was no stopping her. But this woman had already amassed virtue at the place of the Buddha before. O good man! I could not help but sympathise with her. She saw me and thought of her son [i.e. thought I was her son] and came back to herself. She came up to me and embraced me as though I were her own son. I then said to my follower, Ananda: "Go and fetch some clothing and give it to her." After having given her some clothing, I told her various things of the Way. Having heard about the Way, the woman was overjoyed and aspired to unsurpassed Enlightenment. O good man! I, at that time, was not her son; she was not my mother. Also, there was no embracing. O good man! Know that this was but the power of the good act of loving-kindness, through which that woman saw such things."
"Also, next, O good man! At the castle of Varanasi, there was an upasika [female lay Buddhist] called Mahasenadatta, who had already done various good deeds at the places of innumerable Buddhas before. This upasika invited the Sangha [to be her guests] for 90 days in the summer and offered the Sangha medicine. At that time, there was a bhiksu who was seriously ill. A good doctor saw him and prescribed human flesh. If flesh were given, the illness would at once retreat. If not, his life would be at stake. On hearing the words of the doctor, the upasika took some gold and went about the town, saying: " Who can sell me human flesh? I want to buy some. I will give gold equal to the amount of flesh." She went about the town, but nobody gave her any. Then the upasika cut off some from her own thigh. She made a hot meal, scented it, and gave it to the bhiksu. After he had partaken of it, his illness was cured. [But] the pain the upasika had from her wound was so great that she could not stand it and cried out: "Namo Buddhaya, namo Buddhaya!" [adoration of Buddha]. I was in Sravasti at that time and heard her voice. Great pity took hold of me for this upasika. The woman, on receiving some good medicine from me, applied it to her wound. A cure ensued, and all was as before. I told her wonderful things about the Way. On hearing them, she was overjoyed and aspired to supreme Bodhi. O good man! I, at that time, did not go to Varanasi Castle, take medicine with me and smear it over the upasika's body. O good man! Know that all of this came from
the power inherent in the good deed of loving-kindness, which enabled the upasika to experience these things.
"Also, next, O good man! Devadatta, the evil-hearted one, was greedy beyond measure. He ate a lot of butter and got a headache and a swollen belly, and the pain was so great that he could not endure it. He said: "Namo Buddhaya, namo Buddhaya!" At that time, I was living in the castle-town of Ujjaini. Hearing his voice, pity overtook me. Then Devadatta saw me come to him, rub his head and belly, give him hot salt water and make him partake of it. Having partaken of it, he regained his health. O good man! I did not go to where Devadatta was, rub his head and belly, or give him hot water. O good man! All of this arose from the power of virtue inherent in the good deed of loving-kindness, so that Devadatta was able to see all of this.
"Also, next, O good man! In the state of Kosala, there were 500 robbers. This robber- band plundered and wreaked much havoc. Worried over their misdeeds, King Prasenajit dispatched some soldiers who, hiding under cover, caught the band. Having been caught, their eyes were taken out, and they were taken to a dark forest and left there. These robbers had, in the past, planted virtue under the Buddha. Having lost their eyes and in great pain, they cried out: "Namo Buddhaya, namo Buddhaya! We now have no one to help us." They wept and cried out loudly. I was staying at Jetavana at that time. On hearing their cry, loving-kindness overcame me. Then a cool wind sprang up, which blew and filled the cavities of their eyes with fragrant medicine. Then their eyes returned, and there was no difference from before. The robbers opened their eyes and saw that the Buddha was standing before them, preaching Dharma. Having heard the sermon, the robbers aspired to unsurpassed Enlightenment. O good man! I, at that time, did not cause the cool wind to arise and waft fragrant medicine; nor did I stand before them. O good man! Know that this was all the result of the power of the goodness of loving-kindness that made things thus come about.
"Also, next, O good man! Prince Vidudabha, due to ignorance, did away with his father and ascended the throne. Also, recalling a long-standing hatred, he killed many of the Shakya clan [i.e. the Buddha’s own clan]. 12,000 Shakya women were taken prisoner. As a punishment, their ears and noses were chopped off. Their hands and legs were cut off, and they were thrown into holes and trenches. Then the females, oppressed by pain, said: " Namo Buddhaya, namo Buddhaya! We are helpless." They also wept and cried. All of these females had already amassed virtue in [the time of] Buddhas before. On that occasion I was at the Bamboo Grove. Hearing their cry, loving-kindness overtook me. All the females saw that I, at that time, had come to Kapilavastu and that I was washing their wounds with water and applying medicine to them. Their pain gradually abated, and their ears, noses, hands and legs were restored to them, just as before. I then, in a simple way, spoke about the essence of Dharma and they all aspired to unsurpassed Enlightenment. They were ordained at the place of Mahaprajapati [i.e. the Buddha’s aunt and adoptive mother] and received the upasampada. O good man! It was not the case that the Tathagata, at that time, went to Kapilavastu and washed their wounds with water, applied medicine and stopped the pain. O good man! Know that this came about as a result of the power of good inherent in loving-kindness, which enabled the women to experience these things.
"It is the same with compassion and sympathetic joy, too. O good man! For this reason, the thinking [mental state] of loving-kindness practised by the Bodhisattva-mahasattva is true and not false. O good man! "Limitless" means "inconceivable". What the Bodhisattva does is inconceivable. What the Buddha does, is also inconceivable. The same applies to this Mahayana Great Nirvana Sutra, too, which is likewise inconceivable."
Chapter Twenty-Two: On Pure Actions (b)
"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva, having practised loving-kindness, compassion, and sympathetic joy attains the stage of the best-loved only son. O good man! Why do we call this stage that of the "best-loved" and also "only son"? A father and mother, for example, greatly rejoice when they see their son in peace. The same with the Bodhisattva- mahasattva who abides in this soil [“bhumi”]. He sees all beings just as though they were his only son. On seeing a person practising good, he greatly rejoices. So we call this stage that of the best-loved.
"O good man! As an example: a father and mother become worried in their hearts when they see their son ill. Commiseration [anguish] poisons their hearts; their minds cannot get away from the illness. It is thus, too, with the Bodhisattva-mahasattva who abides in this stage. When he sees beings bound up by the illness of defilement, his heart aches. He is worried, as if over his own son. Blood comes from all the pores of his skin. That is why we call this stage that of the only son.
"O good man! A person, in his childhood, will pick up earth, dirty things, tiles, stones, old bones, and bits of wood and put them into his mouth, at which his father and mother, fearful of the harm that may ensue therefrom, take hold of the child with their left hand and take these things away from him with their right. It is the same with the Bodhisattva of this stage. He sees that all beings have not grown up to the stage of the Dharma-Body and that non-good is performed with body, mouth and mind. The Bodhisattva sees this and extracts [the harmful things] with the hand of Wisdom. He does not wish any person to repeat birth and death, receiving thereby suffering and worry. Hence, this stage is also called the “bhumi” of an only son.
"O good man! When, for example, a son dies and the father and mother have to part from their son whom they love, their hearts so ache that they feel that they themselves will die too. It is the same with the Bodhisattva. When he sees an icchantika [person of the most deluded, twisted views on life] falling into hell, he himself wishes to be born there, too. Why so? Because this icchantika, as he experiences pain, may gain a moment of repentance when I speak to him of Dharma in various ways and enable him to gain a thought of good. Hence, this stage is called that of an only son.
"O good man! As an example: all a father and mother have is their only son. Asleep or awake, while walking, standing, sitting or reclining, their mind is always on their son. If any sin occurs, they give kindly advice, and the boy is thus guided not to do evil again. It is the same with the Bodhisattva-mahasattva, too. When he sees beings falling into the realms of hell, hungry ghosts, and animals, his mind is ever upon them and not away from them. He may see them doing all kinds of evil, and yet he does not become angry or punish them with evil things. Hence, this stage is called the “bhumi” of an only son."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! What the Buddha speaks is closely guarded words. I am shallow in Wisdom. How can I arrive at the meaning? If it is the case that all Bodhisattvas abide in the stage of the only son and can do all such things, why was it that the Tathagata, when born as a king, practising the Bodhisattva Way, took the life of a Brahmin of a [certain] place? If this stage was gained, there must be some protection. If it was not yet attained, why did he not fall into hell? If all beings are viewed as an only son, like Rahula, why did you say to Devadatta: " You eat the tears and spittle of one ignorant and shameless!"? Why was he made to hear this and to entertain anger and enmity and evil thoughts, so as to cause blood to come out of the Buddha's body? When Devadatta had committed this evil, the Tathagata went on to prophesy, saying: " Devadatta will fall into hell, where punishment will persist for a kalpa." O World-Honoured One! Subhuti has attained the “bhumi” of space. Whenever he enters a castle and begs for food, he always looks at the person. If he should get any feeling of displeasure or jealousy, he ceases begging. Even if he is excessively hungry, he will not go and beg. Why not? This Subhuti thinks: "I remember that in days gone by I gained an evil thought at a place that was a field of merit, and as a result I fell into a great hell, where I suffered from various pains. I may now not gain anything to eat all day, but even so, I will not have any ill-will raised against me, so that I would have to fall into hell and suffer from various mental afflictions." He also thinks in this way: "If people hate to see me standing, I shall sit all day long and not stand; if people do not like to see me sitting, I shall stand the whole day and not move. The same with walking and reclining." This Subhuti thinks thus so as to protect people. How could things be otherwise with the Bodhisattva? How could a Bodhisattva who has attained the “bhumi” of an only son, O Tathagata, speak thus rudely and cause people [to entertain] extremely heavy ill-will?"
The Buddha said to Kasyapa: "Now, you should not use such harsh words and say that the Buddha-Tathagata causes any kind of worry of defilement [any mental affliction due to the “asravas”] to arise within beings. O good man! The proboscis of a mosquito could sooner gain the bottom of the sea than that the Tathagata would ever occasion any worry of defilement to any being. O good man! The great earth could sooner turn out to be immaterial, or water become solid, fire cool, wind static, the Three Jewels, Buddha-Nature and space impermanent, than that the Tathagata would ever occasion a cause of worry to any being. O good man! Even those who have committed the four heavy transgressions, or an icchantika, or those who slander Wonderful Dharma, could sooner attain in this present life the ten powers, the four fearlessnesses, the 32 signs of perfection, and the 80 minor marks of excellence than that the Tathagata would ever occasion the worry of defilement to any being. O good man! Even sravakas and pratyekabuddhas could sooner exist eternally than that the Tathagata would ever occasion the worry of defilement to any being. O good man! All the Bodhisattvas of the ten abodes could sooner commit the four grave offences, become icchantikas and slander Wonderful Dharma than that the Tathagata would ever give occasion for defilement worry to any being. O good man! All beings could even soooner cut off the Buddha-Nature and the Tathagata enter the last of Nirvanas than that the Tathagata would ever, even once, give occasion for the worry of defilement to any being. O good man! One could sooner catch hold of the wind with a rope, or crush iron with one’s teeth, or destroy Mount Sumeru with a [finger]-nail than that the Tathagata would ever occasion the worry of defilement to any being. One could sooner live with vipers, or put both hands into the mouth of a famished lion, or wash one’s body with the charcoal of khadira, than ever say that the Tathagata occasions the worry of defilement to any being. O good man! The Tathagata truly extirpates the bond of worry of all beings and does not occasion the worry of defilement to any of them.
"O good man! You say that the Tathagata, in days gone by, killed a Brahmin. O good man! “The Bodhisattva-mahasattva would not purposely kill an ant” [a large, winged black ant]. How could he kill a Brahmin? “The Bodhisattva always, through various means, gives unending life to beings.” O good man! Now a person who gives food gives life. When the Bodhisattva- mahasattva practises the danaparamita, he always gives beings unlimited life. O good man! By upholding the precept of non-harming, one gains a long life. When the Bodhisattva-mahasattva practises the shilaparamita, he gives all beings unlimited life. O good man! If one is mindful of one’s speech and does not do anything wrong, one gains a long life. When the Bodhisattva- mahasattva practises the ksantiparamita [perfect patience], he always teaches beings not to give rise to any thought of enmity, to do what is straight, to refrain from what is twisted, and thus to look to one’s own self and not dispute with others. And through this one is blessed with a long life. Because of this, when the Bodhisattva-mahasattva practises the ksantiparamita, he always gives beings long life. O good man! If one makes effort and does good, one will be blessed with long life. When the Bodhisattva-mahasattva practises the viryaparamita [perfected vigour, effort], he always urges beings to do good. Having done as told, those beings are blessed with a long life. Thus, when the Bodhisattva practises the viryaparamita, he already gives beings an immeasurably long life. When the Bodhisattva-mahasattva practises dhyanaparamita [perfected meditation], he urges beings to develop the all-equal mind. Having practised this, beings will be blessed with long life. Hence, when the Bodhisattva practises the dhyanaparamita, he already gives beings an immeasurably long life. O good man! A person who is not indolent regarding Dharma gains a long life. When the Bodhisattva-mahasattva practises the prajnaparamita [perfected Wisdom], he urges all beings to practise all kinds of good dharmas [things] and is not indolent. Having thus practised, beings in consequence gain a long life. For this reason, when the Bodhisattva practises the prajnaparamita, he already bestows on beings unlimited life. O good man! Because of this, the Bodhisattva-mahasattva does not take the lives of any being to the end.
"O good man! You asked if one could gain this “bhumi” or not when one has killed a Brahmin. O good man! I already gained it. Out of love, I took his life. It was not done with an evil mind. O good man! For example, a father and mother have an only son. They love him greatly and act against the law. At that time, the father and mother, out of fear, drive one away or kill. Though they drove [him] away or killed [him], they had no evil mind. In just the same way, the Bodhisattva-mahasattva acts likewise for reasons of protecting Wonderful Dharma. Should beings slander Mahayana, he applies kindly lashings, in order to cure them. Or he may take life in order that what obtained in the past could be mended, thus seeing to it that the law [Dharma] could be accorded with. The Bodhisattva always thinks: "How might I best make beings aspire to faith? I shall always act as is best fitted to the occasion." The Brahmin fell into Avichi Hell after his death. He gained three thoughts. The first thought was: "Where have I come from to be born here in this way?" And the realisation dawned on him to the effect that he had been born there from the world of men. His second thought was: "What is this place where I have now been born?" The realisation dawned that this was Avichi Hell. The third thought [then] arose: "Through what causal concatenations have I been born here?" He then came to realise that things had taken this turn because of his slandering of the vaipulya Mahayana sutras and by his not believing, and by his being killed by the king - thus had he been born there. Thinking in this way, respect arose towards the Mahayana vaipulya sutras. Then, after his death, he was born in the world of Tathagata Amrta-Drum. There he lived for 10 kalpas. O good man! I thus, in days gone by, gave this person a life of 10 kalpas. How could it be said that I killed him?”
"O good man! There is a man who digs up the ground, mows the grass, fells trees, cuts corpses into pieces, slanders and beats [people]. Would this cause him to be born in hell?" Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! From what I gather from what you said, this would be a cause of hell. Why? It is as the Buddha once said to the sravakas: "O all you Bhiksus! Do not bear any ill will towards any grass or trees. Why not? Because, due to an evil mind [bad thoughts], all beings fall into hell."
Then the Buddha praised Bodhisattva Kasyapa: "Well said, well said! It is as you say. Hold fast to the precepts. O good man! If a person falls into hell through an evil mind, this tells us that the Bodhisattva does not have any evil mind. Why not? Because the Bodhisattva- mahasattva always pities and desires to benefit all beings, down to insects and ants. Why? Because he is versed in all causal relations and expedients. Through the power of expedients, he desires to cause beings to plant the seeds of all varieties of virtue. O good man! For this reason, I, at that time, took life as the best expedient. Yet I did not entertain any evil in my mind. O good man! According to the doctrine of the Brahmins, there is no karmic result even if one kills tens of wagons of ants. All such insects and animals that harm man, such as the mosquito, gadfly, flea, louse, cat, lion, tiger, wolf and bear may be killed in an amount as great as ten wagon-loads [according to the Brahmins]. Such beings as demons, rakshasas, kumbhandas, kataputanas and all those made and dried-up devils who harm human beings may well be killed, without any evil result arising from the killing [according to the Brahmins]. But if one kills an evil person, karmic consequences ensue. If one kills and there is no repentance that follows, one gains life in the hell of hungry ghosts [according to the Brahmins]. If one repents and fasts for three days, the sin dies out and nothing remains behind. If any harm is caused to an upadhyaya [teacher of the Vedas, grammar, etc.], to one’s father, mother, a woman or a cow, one will have to go to hell for innumerable thousands of years [according to the Brahmins].
"O good man! The Buddha and Bodhisattva see three categories of killing, which are those of the grades 1) low, 2) medium, and 3) high. Low applies to the class of insects and all kinds of animals, except for the transformation body of the Bodhisattva who may present himself as such. O good man! The Bodhisattva-mahasattva, through his vows and in certain circumstances, gets born as an animal. This is killing beings of the lowest class. By reason of harming life of the lowest grade, one gains life in the realms of hell, animals or hungry ghosts and suffers from the downmost “duhkha” [pain, mental or physical]. Why so? Because these animals have done somewhat of good. Hence, one who harms them receives full karmic returns for his actions. This is killing of the lowest grade. The medium grade of killing concerns killing [beings] from the category of humans up to the class of anagamins. This is middle-grade killing. As a result, one gets born in the realms of hell, animals or hungry ghosts and fully recieves the karmic consequences befitting the middle grade of suffering. This is medium-grade killing. Top-rank killing relates to killing one’s father or mother, an arhat, pratyekabudda, or a Bodhisattva of the last established state. This is top-rank killing. In consequence of this, one falls into the greatest Avichi Hell [the most terrible of all the hells] and endures the karmic consequences befitting the highest level of suffering. This is top-grade killing. O good man! A person who kills an icchantika does not suffer from the karmic returns due to the killings of the three kinds named above. O good man! All those Brahmins are of the class of the icchantika. For example, such actions as digging the ground, mowing the grass, felling trees, cutting up corpses, ill-speaking, and lashing do not call forth karmic returns. Killing an icchantika comes within the same category. No karmic results ensue. Why not? Because no Brahmins and no five laws to begin with faith, etc. are involved here [Maybe: no Brahmins are concerned with the "five roots" of faith, vigour, mindfulness, concentration, and Wisdom]. For this reason, killing [of this kind] does not carry one off to hell.
"O good man! You asked why the Tathagata spoke ill of Devadatta to the effect that he was an ignorant person who gulped down spittle. You should not speak ill of this, either. Why not? It is not possible to conceive [i.e. fully understand] what the Buddha-World-Honoured One says. O good man! True words are loved in the world; or there are cases where what is contrary to the time [occasion] and law [Buddhist teaching] do not benefit a person. I never speak thus. O good man! There are situations in which rough, untrue, untimely, unlawful words are not loved by him who hears them, and do not bring benefit. I also do not speak such words. O good man! And there are times when, though the language be harsh, it is true and not false. At such a time, if this teaching gives benefit to all beings, I always speak, even if the listener is not pleased [to hear my words]. Why? Because the All-Buddha, the Arhat-and-Samyaksambuddha [Fully Awakened One] knows the best expedient [for any given situation].
"O good man! I once passed hours in the wild, in hamlets and forests. In the forest, there was a demon called "Wild". He only ate human flesh and blood, and many a being was killed. And one person from the village was eaten every day. O good man! I, at that time, was speaking expansively about the essence of Dharma. But he [the demon] was rude, evil, ignorant, and had no Wisdom, and did not lend an ear to what I was saying regarding Dharma. I then transformed myself into a very powerful demon, shook his palace so mightily that there was no peace. Then that demon came out of his palace with his kindred to challenge me. On seeing me, he lost heart. Frightened, he fell to the ground, wriggled and moaned, and looked as though he were dead. Pitying him, I rubbed his body with my hand. He regained himself, sat up and said: "I am glad that I have regained my body and life. This great god possesses great virtue. Being compassionate, he pardons my hateful acts." He gained a good [state of] mind and faith at my place [in my presence]. I then re-assumed my body as the Tathagata and spoke to him
about the various essentials of Dharma. And I made that demon receive from me the precept of non-harming.
"And that day there was a rich man in the village in the wilds, who was about to die. The villagers brought him to the demon. The demon, after receiving him, gave him to me. I got him and named this rich man "Hand-Rich-Man". Then the demon said to me: "O World-Honoured One! My people and I feed on flesh and blood and [thus] sustain [our] life. I have now received this shila [rule of moral conduct]. How am I to live?" I replied: "From now on, I shall give orders to the sravakas. Follow them and go to where they practise the Way, and I shall make them give you things to eat." O good man! For this reason, I instituted for the bhiksus this shila: "You shouuld henceforward give food to the field demon. If there are those who, living themselves, cannot give, such are - you should know - not my disciples, but the relatives of the heavenly Mara [the devil Mara's abode is in heaven]." O good man! The Tathagata puts forth such diverse expedients so as to teach and subdue beings. It is not particularly to cause fear. O good man! I also beat the law-protecting demon with a wooden stick. And at one time I was on top of a hill. I pushed a sheep-headed demon down the hill. Also, when in the top of a tree, I beat a monkey-protecting demon, and [another time] I caused the treasure-guarding elephant to see five lions, and made vajra-deva fear Satyakanirgrantha. And [another time] I thrust a needle into an arrow-hair demon. Though I did all these things, there were no demons that were harmed or killed. It was only to get them to rest in peace in Wonderful Dharma. Thus did I perform all such expedients.
"O good man! I did not at that time speak ill of Devadatta and did not make him feel ashamed. He, too, was not so ignorant as to gulp down another person's spittle. Nor did he fall into Avichi Hell, there to suffer punishment for a kalpa. Nor did he disrupt the peace of the Sangha or cause blood to come out of the Buddha’s body. Nor did he commit the four grave offences, nor did he slander the Wonderful Dharma of the Mahayana sutras. He is no icchantika, no sravaka, and no pratyekabuddha. O good man! Devadatta does not belong to the class of the world of the sravakas or pratyekabuddhas. All this is only what all Buddhas can know. O good man! For this reason, do not reproach [me] and say: "Why should the Tathagata impeach Devadatta, speak ill of him, and make Devadatta feel ashamed?" Do not doubt things that concern the world of all Buddhas."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! As an example: when we decoct sugar cane many times, we gain various grades of taste. The case is so with me. Following as often the words of the Buddha, we gain the various kinds of dharma. These are those [dharmas] of fleeing the world, of abandoning desire, of quietude, and of Enlightenment. O World-Honoured One! Another example: if we burn, beat, smelt and temper gold, it becomes all the brighter and purer, more harmonious, soft, wonderful in its colour, and priceless. And later gods and men prize it highly as treasure. O World-Honoured One! The same is the case with the Tathagata, too. If we carefully and respectfully ask questions, we arrive at the depths of the meaning. By practising the Way profoundly, one can uphold it, and innumerable beings will aspire to unexcelled Enlightenment and [one] is looked up to and respected by humans and gods."
Then the Buddha spoke in praise of Bodhisattva Kasyapa: " Well said, well said! O Bodhisattva-mahasattva! To benefit all beings, you put such questions of deep signification to the Tathagata. O good man! For this reason, I follow your lead and speak about the deepest depths of the Mahayana vaipulya. This is the stage of an only son of dearest love."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! If all Bodhisattvas practise the Ways of loving-kindness, compassion, and sympathetic joy and attain the stage of an only son, what is the stage that one attains when one practises the mind of equanimity?" The Buddha said: " Well said, well said! You know well when to ask. You see what I desire to speak about and you ask. When the Bodhisattva-mahasattva practises the mind of equanimity, he attains the All-Void All-Equal stage, and becomes like Subhuti. O good man! When the
Bodhisattva-mahasattva dwells in the All-Void All-Equal “bhumi”, he no longer sees parents, brothers, sisters, children, relatives, good friends of the Way, enemies, those who are hostile or friendly, those who are neither friendly nor antagonistic, down to the five skandhas, the 18 realms, the 12 spheres, beings, and life. O good man! As an illustration, it is like space, in which we see no parents, brothers, wife and children, down to beings and life. It is the same regarding all things. There can be no parents and life. Thus does the Bodhisattva-mahasattva see all things. His mind is all-equal like space. Why? Because he thoroughly practises the dharma of the Void [“shunyata”]."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! What do you mean by the Void?" "O good man! Of the Void, there are such as the internal, external, internal-external Void, the Void of created existence, the Void of the uncreated, the Void of beginninglessness, the Void of nature, the Void of non-possession, the Void of “Paramartha- satya”, the Void-Void, and the Great Void.
"How does the Bodhisattva-mahasattva experience the internal Void? This Bodhisattva- mahasattva meditates on the Void of the internal elements [“adhyatma-shunyata”]. That is to say that the internal elements [the six sense-organs] are void. This means to say that there are no parents, no persons with ill-will or on friendly terms [with one], none who is indifferent, no beings, life, Eternal, Bliss, Self, and Purity, Tathagata, Dharma, Sangha, and all good. In these internal elements, there is the Buddha-Nature. Yet this Buddha-Nature exists neither within nor without. Why not? Because the Buddha-Nature is eternal and experiences no change. This is what we mean when we say that the Bodhisattva-mahasattva meditates on the internal elements.
"The same applies in the case of the external Void [“bahirdha-shunyata”: the six sense- fields]. No internal elements exist.
"It is the same with the internal-external Void [“adhyatma-bahirdha-shunyata”]. O good man! There are only the Tathagata, Dharma, and Sangha, and the Bddha-Nature. This has no two aspects of the Void. Why not? For the four are the Eternal, Bliss, Self, and the Pure. That is why we do not say that these four are void. We call this the All-Void of both the internal and the external.
"O good man! We say "the Void of created existence [“samskrta-shunyata” - the voidness of formed, conditioned, assembled phenomena]. Whatever is created is all void. Thus there can be the internal Void, the external Void, the the internal-external Void, the Void of the Eternal, Bliss, Self, and the Pure, the Void of life, of beings, of the Tathagata, Dharma, and Sangha, and of “Paramartha-satya.” Of these, the Buddha-Nature is not anything created. Hence, the Buddha-Nature does not belong to the category of the Void of created existents.
"O good man! How does the Bodhisattva-mahasattva meditate on the Void of the uncreated [“asamskrta-shunyata”]? Those things of the category of the uncreated are all void. They are so-called impermanence, suffering, the impure, the non-Self, the five skandhas, the 18 realms, the 12 spheres, life, beings, the characteristics, the created, the leakable [“asravas”], the internal elements, and the external elements. Of the uncreated, the four which begin with the Buddha are not the uncreated. As the nature is good itself, it is not the uncreated; as it is eternal, it is not the created. This is how the Bodhisattva meditates on the Void of the uncreated.
"How does the Bodhisattva-mahasattva meditate on the Void of the beginningless [“anavaragra-shunyata”]? This Bodhisattva-mahasattva sees that birth and death are beginningless. Hence, he sees that all are void and quiet. We say Void. That is to say that the Eternal, Bliss, Self, and the Pure are all void and quiet, with nothing that changes. So are life, beings, the Three Jewels, and the uncreated, in all of which the Bodhisattva sees the beginningless Void.
"How does the Bodhisattva meditate on the Void of nature [“prakrti-shunyata” - Emptiness of primordial matter]? This Bodhisattva-mahasattva sees that the original nature of all elements is all void. These are the five skandhas, the 18 realms, the 12 spheres, the Eternal, the non-Eternal, suffering, Bliss, the Pure, the impure, Self, and non-Self. In all such things, he sees no nature of their own. This is how the Bodhisattva-mahasattva meditates on the Void of nature."
"How does the Bodhisattva-mahasattva meditate on the Void of non-possession? This is like speaking of a house being empty when there is no child inside. He sees here an uttermost void. There is no friendliness, no love. The ignorant say that in all directions what there is is peace; a poor man says that all is void. All such presumptions are either void or non-void. When the Bodhisattva meditates, it is as with the poor man who says that all is void. This is how the Bodhisattva-mahasattva meditates on the Void of non-possession.
"How does the Bodhisattva-mahasattva meditate on “Paramartha-shunyata” [the Void of “Paramartha” - of Ultimate Reality]? O good man! When the Bodhisattva-mahasattva meditates on the “Paramartha”, he sees that when this eye comes about, it does so from nowhere; when it dies out, it dies out to nowhere. What originally was not, now is; what was turns back to nowhere. As we look into the real nature, we see that what there is is eyelessness and masterlessness. All other things are as in the case of the eye. What is the Void of the “Paramartha”? It is seeing that there is action and the result thereof, but no maker. Such a doctrine of voidness is the Void of the “Paramartha”. This is how the Bodhisattva-mahasattva meditates on the Void of the “Paramartha”.
"How does the Bodhisattva-mahasattva meditate on the Void-Void? This Void-Void is where the sravakas and pratyekabuddhas get lost. O good man! This is "is" and this is "not-is". This is the Void-Void. This is this; this is not "this-is-this". This is the Void-Void. O good man! The Bodhisattva of the ten “bumis” [stages] is only able to know a little of this, which might well be likened to the size of a dust-mote. How much less must it be with others! O good man! Thus, the Void-Void is not equal to the Void-Void samadhi of the sravakas. This is the Void-Void which the Bodhisattva meditates upon.
"O good man! How does the Bodhisattva-mahasattva meditate on the Great Void? O good man! The Great Void is the prajnaparamita [perfection of Wisdom]. This is the Great Void. O good man! Attaining such a gate of the Void, the Bodhisattva-mahasattva abides in a “bhumi” equal to space.
"O good man! As I now, here amongst the congregated, speak about all these kinds of Void, Bodhisattva-mahasattvas as numerous as the sands of ten Ganges are able to gain the “bhumi” equal to space. O good man! Abiding in this “bhumi”, nothing hinders the Bodhisattva-mahasattva in anything; no clinging binds him and no anguish takes hold of his mind. Hence, we call it the “bhumi” equal to space. O good man! As an illustration, this is as with space, which does not greedily cling to any lovable colour and does not become angry with a colour wihich is displeasing. The same with the Bodhisattva-mahasattva who abides in this “bhumi”. No mind of desire or anger arises towards good or bad colours. O good man! This is like space, which is vast and great, with nothing to equal it, taking in all things. It is the same with the Bodhisattva-mahasattva abiding in this “bhumi”. It is vast and great, so that nothing can bear comparison to it, and it can indeed take in all things. For this reason, we can truly call it the “bhumi” equal to space. O good man! When the Bodhisattva-mahasattva abides in this “bhumi”, he can see and know all things. Be it actions, circumstantial factors, the nature and characteristics [of things], causes, by-causes, the minds of beings, the sense-roots, dhyana, vehicle, good friends of the Way, upholding of the precepts, or whatever is given - all is seen or known.
"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva, abiding in this “bhumi”, knows and yet does not see. How does he know? According to the self-fasting [self-abnegation] doctrine, one throws one's own body into deep water, into fire, jumps from a high precipice, always stands on one leg, bares one's body and exposes it to heat, always sleeps on ashes, thorns, woven rafters [mats], harmful grass, cow dung, and wears coarse hemp clothing, dung-defiled woolen cloth left in a graveyard, kambala cloth, reindeer or deer skin, fodder clothing; [such fakirs] feed on vegetables, fruit, lotus roots, oil dregs, cow dung, and roots and fruits. When they go to beg food, it is only to one house. If the householder says that he has nothing to give them, they desist. Even if people later call them back, they do not look back. They do not eat salted flesh or the five varieties of the cow’s products [i.e. fresh milk, cream, fresh butter, clarified butter, sarpirmanda]. What they consume is dreg-juice and hot water. They uphold shilas [moral prohibitions] vis-a-vis cows, hens, dogs, and pheasants. They smear ashes over their bodies, wear their hair long, worship heaven by sacrificing and killing sheep, first saying a charm.
"For four months they worship fire and for seven days they partake of the wind, offer hundreds and thousands and billions of flowers to the devas, and all that they desire is to have their wishes fulfilled. He [the Bodhisattva] knows that all such things can never be the cause of supreme emancipation. This is knowing. What does he not see? The Bodhisattva-mahasattva sees that not one person attains true emancipation by such acts. This is not seeing."
"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva both sees and knows. What does he see? He sees that beings perform twisted practices and unfailingly fall into hell. This is seeing. What does he know? He knows that all beings come out of hell and gain life as a human, practise the danaparamita and become perfect in the other paramitas. He knows that these people unfailingly attain right Enlightenment. This is knowing.
"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva further sees and knows. What does he see? He sees the Eternal and the non-Eternal, suffering, Bliss, the Pure and the non-Pure, the Self and the non-Self. This is seeing. What does he know? He knows that all Tathagatas definitely do not enter Nirvana [i.e. do not truly die and desert the world]. The body of the Tathagata is adamantine and indestructible. It is not one of defilement. It is also not a body that emits bad smells and decays. Thus does he know. Also, he knows that all beings possess the Buddha-Nature. This is knowing.
"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva also knows that the mind of beings achieves faith. These beings seek Mahayana. He knows that they float down, or float back, or abide rightly. He knows that beings do gain the other shore. Floating down refers to common mortals; floating back refers to the shrotapanna up to the pratyekabuddha; right- abiding refers to all Bodhisattvas, and attaining the other shore to the Tathagata, the Arhat, the Samyaksambuddha. This is knowing. What does the Bodhisattva see? He abides in the teaching of the Mahayana Great Nirvana Sutra, practises pure actions, and, with the pure heavenly [“deva”] eye, sees that all beings commit evil through body, mouth and mind and fall into the realms of hell, animals, and hungry ghosts. He sees that beings who do good die and are re-born in the worlds of heaven or humans. There are beings who move from gloom to gloom, from gloom to light, from light to gloom, and then from light to light. This is seeing.
"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva also knows and sees. He sees that all beings practise the way of the body, observe shila [morality], and practise the way of the mind, and that of Wisdom. He sees that a person who does deeds replete with evil in this present life, or through greed, ill-will and ignorance, harvests karmic returns in hell. He sees a person practising good in body, upholding shila, cultivating the mind, practising the way of Wisdom, and being recompensed in this life to some degree and not falling into hell. How can this action gain rewards in the present life? This comes about when a person confesses all the evils he has done, repents, and does not commit them any more; when he repents fully, makes offerings to the Three Treasures, and always reproaches himself. This person, due to his good deeds, does not fall into hell, but receives in this life karmic returns such as headaches, pain in the eyes, stomach and back, an untimely death, criticism, slander, lashings, prison or fetters, hunger, and poverty. He knows that light karmic returns are visited upon a person in this present life. This is knowing. What does he see? The Bodhisattva-mahasattva sees that a certain person does not practise the Way in body, shila, mind, and Wisdom, and that that person performs petty bad deeds. And all such actions call forth returns in the present life. This person does not confess his petty bad deeds, does not reproach himself, does not repent, and feels no fear. Such action increases, and he receives his karmic results in hell. This is seeing.
"Also, there is the case where one knows but does not see. How does one know and not see? All beings know that they have the Buddha-Nature, but, overshadowed by defilements, cannot see it. This is knowing but not seeing. Also, there is the situation where one knows and sees somewhat. The Bodhisattva-mahasattvas of the ten “bhumis” know that all beings have the Buddha-Nature, but they cannot see it clearly. This is like on a dark night, where one cannot see clearly. Also, there is both seeing and knowing. This is the situation of the All-Buddha-Tathagata, where he both sees and knows.
"Also, there are cases in which one sees and knows, and, not seeing, one does not know. Seeing and knowing refers to what pertains in the world of letters, language, men and women, vehicles, pots, trays, houses, castles, clothing, eating, drinking, mountains, rivers, gardens, forests, beings, and life. This is seeing and knowing. What is not seeing and not knowing? This is all the minute words of the sages themselves, and men and women, and gardens and forests, in which these do not exist. This is not seeing and not knowing.
"Also, there is a situation in which one knows but does not see. One knows where to give, where to dedicate [offerings], one who receives, and the fact that results accrue from the things that have been done. This is knowing. How does one not see? There are cases where one does [not] see what is given, the place whereto dedication is made, one who is given, and the results of causality. This is not seeing. The Bodhisattva-mahasattva knows eight types of knowing. This is what is known by the five eyes of the Tathagata."
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.221.93.167 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập