Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 15 - Phẩm HẠNH THANH TỊNH - Phẩm thứ tám - Phần một »»
Thiện nam tử! Thế nào là hạnh thanh tịnh của Bồ Tát ma-ha-tát? Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ nơi kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn, trụ nơi Bảy pháp lành, được đủ hạnh thanh tịnh.
“Những gì là bảy? Một là biết pháp, hai là biết nghĩa, ba là biết lúc thích hợp, bốn là biết đủ, năm là tự biết mình, sáu là biết rõ người quanh mình, bảy là biết phân biệt kẻ trên người dưới.
“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát biết pháp? Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát rõ biết Mười hai bộ kinh: Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Thọ ký, Già-đa, Ưu-đà-na, Ni-đà-na, A-ba-đà-na, Y-đế-mục-đa-già, Xà-đà-già, Tỳ-phật-lược, A-phù-đà-đạt-ma và Ưu-ba-đề-xá.
“Thiện nam tử! Những gì gọi là kinh Tu-đa-la? Từ đoạn khởi đầu ‘Tôi được nghe đúng như thế này’ cho đến phần kết thúc nói rằng ‘vui mừng kính cẩn vâng làm theo’. Hết thảy như vậy đều gọi là kinh Tu-đa-la.
“Những gì gọi là kinh Kỳ-dạ? Phật có dạy chư tỳ-kheo rằng: ‘Thuở xưa, ta và các ông đều ngu si không trí tuệ, không nhìn thấy đúng thật Bốn chân đế, vì vậy mà lưu chuyển dài lâu trong sanh tử, chìm đắm trong biển lớn khổ não.
“Những gì là Bốn chân đế? Đó là Khổ, Tập, Diệt và Đạo.’ Khi Phật đã thuyết giảng xong Khế kinh như vậy với các vị tỳ-kheo, lại có những chúng sanh căn trí nhanh nhạy, vì muốn nghe pháp nên tìm đến chỗ Phật, liền hỏi mọi người rằng: ‘Như Lai mới vừa thuyết giảng điều chi?’ Lúc ấy, Phật biết như vậy liền theo nội dung kinh đã thuyết giảng mà đọc kệ tụng rằng:
Xưa, ta cùng các ông,
Chẳng thấy Bốn chân đế,
Nên lưu chuyển dài lâu,
Trong biển khổ sanh tử.
Nếu thấy được Bốn đế,
Ắt dứt được sanh tử.
Sanh tử đã dứt rồi,
Không thọ sanh các cảnh.
“Như vậy gọi là kinh Kỳ-dạ.
“Những gì gọi là kinh Thọ ký? Như có những kinh luật mà trong khi Như Lai thuyết giảng có thọ ký quả Phật cho chư thiên hoặc loài người, [chẳng hạn như:] ‘Này A-dật-đa! Về đời vị lai sẽ có vị vua tên là Hướng-khư, vào khi ấy ông sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc.’ Như vậy gọi là kinh Thọ ký.
“Những gì gọi là kinh Già-đà? Trừ kinh Tu-đa-la và các phần giới luật, ngoài ra như có thuyết những bài kệ bốn câu, chẳng hạn như:
Không làm các việc ác,
Thành tựu mọi điều lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.
“Như vậy đều gọi là kinh Già-đà.
“Những gì gọi là kinh Ưu-đà-na? Như đức Phật vào giờ bô nhập thiền định, vì hàng chư thiên mà [hóa hiện lên cõi trời] giảng rộng nghĩa cốt yếu của pháp. Lúc ấy, chư tỳ-kheo đều nghĩ rằng: ‘Hiện giờ [không biết] Như Lai đang làm việc chi?’ Đến sáng hôm sau Phật ra khỏi thiền định, tuy không có ai thưa hỏi nhưng dùng tha tâm trí tự nói ra rằng: ‘Các tỳ-kheo nên biết rằng đời sống của tất cả chư thiên rất lâu dài. Tỳ kheo các ông! Lành thay cho những kẻ vì người khác, chẳng cầu lợi cho mình! Lành thay cho những kẻ ít ham muốn! Lành thay cho những kẻ tự biết đủ! Lành thay cho hạnh vắng lặng yên tĩnh!’ Những kinh như vậy không có ai thưa hỏi mà Phật tự thuyết giảng. Như vậy gọi là kinh Ưu-đà-na.
“Những gì gọi là kinh Ni-đà-na? Như các kinh kệ vì người khác mà giảng thuyết chỗ nguyên nhân, nguồn gốc của sự việc. Ví như ở thành Xá-vệ có người thanh niên giăng lưới bắt chim. Khi bắt được rồi thì nhốt trong lồng, cho uống nước, ăn lúa no đủ, sau mới thả cho bay đi. Đức Thế Tôn biết rõ nhân duyên từ đầu đến cuối, nên đọc kệ dạy rằng:
Chớ khinh tội nhỏ,
Cho là không hại.
Giọt nước tuy bé,
Dần đầy bồn to.
“Đó gọi là kinh Ni-đà-na.
“Những gì gọi là kinh A-ba-đà-na? Như trong giới luật có nói ra những thí dụ, như vậy gọi là kinh A-ba-đà-na.
“Những gì gọi là kinh Y-đế-mục-đa-già? Như Phật có dạy: ‘Chư tỳ-kheo nên biết rằng, khi ta ra đời, những pháp ta thuyết diễn gọi là Giới kinh. Lúc Phật Cưu-lưu-tần ra đời, những pháp mà đức Phật ấy thuyết diễn gọi là Trống cam lộ. Khi Phật Câu-na-hàm-mâu-ni ra đời, pháp mà ngài thuyết diễn gọi là Pháp kính. Khi Phật Ca-diếp ra đời, pháp mà đức Phật ấy thuyết diễn gọi là Phân biệt không.’ Như vậy gọi là kinh Y-đế-mục-đa-già.
“Những gì gọi là kinh Xà-đà-già? Như Phật Thế Tôn khi còn làm Bồ Tát, tu các pháp khổ hạnh. Chẳng hạn như dạy rằng: ‘Chư tỳ-kheo nên biết rằng thời quá khứ ta đã từng làm hươu, làm gấu, làm mang, làm thỏ, làm vua, làm Chuyển luân Thánh vương, làm rồng, làm chim kim sí... Khi còn tu đạo Bồ Tát ta có thọ các thân ấy.’ Như vậy gọi là kinh Xà-đà-già.
“Những gì gọi là kinh Tỳ-phật-lược? Ấy là kinh điển Phương đẳng Đại thừa, nghĩa lý rộng lớn như hư không. Như vậy gọi là kinh Tỳ-phật-lược.
“Những gì gọi là kinh A-phù-đà-đạt-ma? Như Bồ Tát khi mới sanh ra, chẳng có ai nâng đỡ mà bước đi bảy bước, phóng hào quang lớn, quán chiếu khắp mười phương! Lại như con vượn tay bưng bát mật đến hiến cúng Như Lai! Như con chó trên đầu có vá trắng, đến ngồi bên Phật mà nghe pháp. Như Ma Ba-tuần biến làm con trâu xanh, đi giữa những chén bát bằng sành, làm cho chén bát chạm nhau khua động nhưng không bể vỡ cái nào. Như Phật vừa đản sanh, khi vào đền thờ chư thiên khiến cho các tượng chư thiên đều phải bước xuống mà lễ kính ngài! Những kinh thuyết việc như vậy gọi là kinh A-phù-đà-đạt-ma.
“Những gì gọi là kinh Ưu-ba-đề-xá? Như trong các kinh do Phật Thế Tôn thuyết diễn, nói ra những lời biện luận nghĩa lý, phân biệt giảng rộng, chỉ rõ các hình tướng, dung mạo. Như vậy gọi là kinh Ưu-ba-đề-xá.
“Nếu Bồ Tát có thể hiểu rõ được cả mười hai bộ kinh như vậy, gọi là biết pháp.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát biết nghĩa? Bồ Tát ma-ha-tát nếu đối với tất cả ngôn ngữ văn tự đều hiểu biết sâu rộng ý nghĩa, như vậy gọi là biết nghĩa.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát biết lúc thích hợp? Thiện nam tử! Bồ Tát khéo biết được lúc nào nên tu tịch tĩnh, lúc nào nên tu tinh tấn, lúc nào nên tu xả định, lúc nào nên cúng dường Phật, lúc nào nên cúng dường thầy, lúc nào nên tu các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, đầy đủ cả pháp Bát-nhã Ba-la-mật. Như vậy gọi là biết đúng thời.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát tự biết đủ? Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát tự biết đủ trong những việc như ăn uống, sử dụng y phục, thuốc men, đi, đứng, nằm, ngồi, thức, ngủ, nói, im. Như vậy gọi là biết đủ.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát tự biết mình? Bồ Tát ấy tự biết rằng mình có lòng tin như thế nào, giữ giới như thế nào, đa văn như thế nào, hạnh xả như thế nào, trí tuệ như thế nào, đến và đi như thế nào, chánh niệm như thế nào, thiện hạnh như thế nào, hỏi như thế nào, đáp như thế nào. Như vậy gọi là tự biết mình.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát biết rõ người quanh mình? Thiện nam tử! Vị Bồ Tát biết rõ đây là nhóm người sát-lỵ, đây là nhóm người bà-la-môn, đây là nhóm người cư sĩ, đây là nhóm các vị sa-môn... rõ biết hết các nhóm người như thế. Lại biết rằng khi ở trong mỗi nhóm ấy nên đi lại như thế nào, đứng ngồi như thế nào, thuyết pháp như thế nào, hỏi đáp như thế nào...Như vậy gọi là biết rõ người quanh mình.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát biết phân biệt kẻ trên người dưới? Thiện nam tử! Người có hai hạng: một là người có đức tin, hai là người không có đức tin. Bồ Tát nên biết, người có đức tin là tốt, người không có đức tin là không tốt.
“Lại nữa, trong những người có đức tin cũng có hai hạng: một là người thường đến chùa, hai là người không đến chùa. Bồ Tát nên biết, người có đến chùa là tốt, người không đến chùa gọi là không tốt.
“Người đến chùa lại cũng có hai hạng: một là người có lễ bái, hai là người không lễ bái. Bồ Tát nên biết, người có lễ bái là tốt, người không lễ bái là không tốt.
“Người lễ bái lại cũng có hai hạng: một là nghe pháp, hai là không nghe pháp. Bồ Tát nên biết: người nghe pháp là tốt, người không nghe pháp là không tốt.
“Người nghe pháp lại cũng có hai hạng: một là người hết lòng chú ý lắng nghe, hai là người không chú ý lắng nghe. Bồ Tát nên biết, người hết lòng nghe pháp là người tốt, người không hết lòng nghe pháp là không tốt.
“Người hết lòng nghe pháp lại cũng có hai hạng: một là người biết suy xét nghĩa lý, hai là người không suy xét nghĩa lý. Bồ Tát nên biết, người biết suy xét nghĩa lý là tốt, người không suy xét nghĩa lý là không tốt.
“Người biết suy xét nghĩa lý cũng có hai hạng: một là người [hiểu rồi] làm theo như lời dạy, hai là người không làm theo. Người làm theo như lời dạy là tốt, người không làm theo là không tốt.
“Người làm theo lời dạy lại cũng có hai hạng: một là người cầu [được quả vị của] thừa Thanh văn, không thể làm lợi ích an ổn cho hết thảy chúng sanh khổ não, hai là người hồi hướng về Vô thượng Đại thừa, lợi ích cho nhiều người, khiến cho được an vui. Bồ Tát nên biết, có thể làm lợi ích cho nhiều người, khiến họ được an vui, đó là việc thiện cao quý nhất.
“Thiện nam tử! Như trong các vật quý báu, hạt châu như ý là hơn hết; trong các mùi vị, vị cam lộ là hơn hết. [Cũng vậy,] hàng Bồ Tát [có thể làm lợi ích chúng sinh] như thế là bậc cao quý hơn hết trong nhân loại và chư thiên, không ai so sánh được.
“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát trụ nơi kinh Đại thừa Đại Niết-bàn, trụ nơi bảy pháp lành. Bồ Tát trụ nơi bảy pháp lành như thế rồi liền được đầy đủ các hạnh thanh tịnh.
“Lại nữa, thiện nam tử! Các hạnh thanh tịnh ấy là: từ, bi, hỷ và xả.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu ai thường tu tâm từ thì có thể dứt trừ sân khuể; tu tập tâm bi cũng dứt được sân khuể. Như vậy sao nói là Bốn tâm vô lượng? Cứ suy theo nghĩa mà nói thì lẽ ra chỉ có ba mà thôi!
“Bạch Thế Tôn! Tâm từ có ba duyên: một là duyên chúng sanh, hai là duyên với pháp, ba là không duyên. Các tâm bi, hỷ, xả lại cũng như vậy. Nếu theo nghĩa ấy thì lẽ ra chỉ có ba, không nên nói là có bốn!
“Duyên chúng sanh là duyên với năm ấm, nguyện mang lại cho chúng sanh sự vui vẻ. Đó gọi là duyên chúng sanh.
“Duyên với pháp là duyên với những vật mà các chúng sanh cần dùng, đem những vật ấy mà thí cho chúng sanh. Đó gọi là duyên với pháp.
“Không duyên tức là duyên với Như Lai. Như vậy gọi là không duyên.
“Tâm từ phần nhiều là duyên với những chúng sanh nghèo túng. Bậc đại sư là Như Lai đã vĩnh viễn lìa xa sự nghèo túng, hưởng niềm vui cao cả nhất. Nếu duyên với chúng sanh ắt không duyên với Phật. Đối với pháp cũng vậy. Vì nghĩa ấy, duyên với Như Lai gọi là không duyên.
“Bạch Thế Tôn! Tâm từ duyên với hết thảy chúng sanh, như duyên với cha mẹ, vợ con, thân thuộc... Vì nghĩa ấy nên gọi là duyên chúng sanh.
“Duyên với pháp là không thấy có cha mẹ, vợ con, thân thuộc... chỉ thấy hết thảy các pháp đều do duyên mà sanh. Như vậy gọi là duyên với pháp.
“Không duyên là không trụ ở tướng pháp và tướng chúng sanh. Như vậy gọi là không duyên.
“Các tâm bi, hỷ, xả lại cũng như thế. Cho nên đáng lẽ chỉ có ba tâm, không có tới bốn!
“Thế Tôn! Có hai hạng người, một là người theo chỗ thấy biết mà làm, hai là người theo chỗ yêu mến mà làm. Người theo chỗ thấy biết mà làm thường tu từ bi, người theo chỗ yêu mến mà làm thường tu hỷ xả. Theo như nghĩa này thì lẽ ra chỉ có hai tâm, không có tới bốn!
“Bạch Thế Tôn! Nói là vô lượng cũng gọi là không giới hạn. Vì không thể biết được giới hạn đến đâu nên gọi là vô lượng. Nếu là vô lượng thì lẽ ra chỉ là một, không nên nói là bốn! Nếu nói là bốn, làm sao có thể là vô lượng? Vậy nên lẽ ra chỉ là một, không có đến bốn!”
Phật bảo Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Chư Phật Như Lai vì chúng sanh mà giảng thuyết những chỗ pháp yếu, lời lẽ sâu kín, rất khó thấu hiểu trọn vẹn. Có khi các ngài vì chúng sanh mà thuyết giảng một nhân duyên, như nói: ‘Những gì là một nhân duyên? Đó là tất cả các pháp hữu vi.’
“Thiện nam tử! Hoặc có khi lại thuyết dạy [phân biệt thành] hai loại là nhân và quả. Hoặc thuyết dạy ba loại là phiền não, nghiệp, khổ. Hoặc nói bốn loại là vô minh, các hành, sanh và già chết. Hoặc nói năm loại là thọ, ái, thủ, hữu và sanh. Hoặc nói sáu loại là nhân và quả trong ba đời. Hoặc nói bảy loại là thức, danh sắc, sáu nhập, xúc, thọ, ái và thủ. Hoặc nói tám loại là [Mười hai nhân duyên] trừ ra vô minh, hành, sanh và già chết, còn lại tám loại. Hoặc nói chín loại là như trong Thành kinh có nói: [Mười hai nhân duyên] trừ ra vô minh, hành, thức, còn lại chín nhân duyên. Hoặc nói mười một loại, như Phật vì Tát-già là kẻ tin theo ngoại đạo Ni-kiền-tử mà thuyết rằng, [Mười hai nhân duyên] trừ ra một pháp sanh, còn lại mười một pháp. Hoặc nói đủ Mười hai nhân duyên, như khi ở thành Vương Xá vì nhóm ông Ca-diếp mà thuyết đầy đủ Mười hai nhân duyên, từ vô minh cho tới sanh, già, bệnh, chết.
“Thiện nam tử! Giống như chỉ một nhân duyên nhưng vì chúng sanh mà phân biệt nhiều cách khác nhau, tâm pháp vô lượng cũng là như vậy. Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên đối với hạnh sâu kín của chư Phật không nên sanh lòng nghi ngại.
“Thiện nam tử! Như Lai Thế Tôn có phương tiện lớn lao, vô thường [có thể] nói là thường; thường [có thể] nói là vô thường. Vui [có thể] nói là khổ; khổ [có thể] nói là vui. Bất tịnh [có thể] nói là tịnh, tịnh [có thể] nói là bất tịnh. Ngã [có thể] nói là vô ngã; vô ngã [có thể] nói là ngã. Đối với chẳng phải chúng sanh [có thể] nói là chúng sanh; đối với chúng sanh thật [có thể] nói là chẳng phải chúng sanh. Chẳng phải vật [có thể] nói là vật, vật [có thể] nói là chẳng phải vật. Chẳng phải thật [có thể] nói là thật; thật [có thể] nói là chẳng phải thật. Chẳng phải cảnh [có thể] nói là cảnh; cảnh [có thể] nói là chẳng phải cảnh. Không phải sanh [có thể] nói là sanh; sanh [có thể] nói là không phải sanh. Cho đến vô minh [có thể] nói là minh; minh [có thể] nói là vô minh. Sắc [có thể] nói là chẳng phải sắc, chẳng phải sắc [có thể] nói là sắc. Không phải đạo [có thể] nói là đạo; đạo [có thể] nói là không phải đạo.
“Thiện nam tử! Như Lai dùng vô lượng phương tiện như vậy là vì muốn điều phục chúng sanh, há có thể là hư dối hay sao?
“Thiện nam tử! Hoặc có những chúng sanh tham muốn của cải, ta liền hiện đến nơi những người đó, tự hóa thân làm vua Chuyển luân. Trong vô số năm ta cung cấp mọi thứ tùy theo sự cần dùng của họ, sau đó mới giáo hóa, khiến họ trụ yên nơi A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Nếu có những chúng sanh tham đắm năm món dục, trong vô số năm ta dùng năm món dục tốt đẹp mà làm cho họ được thỏa ý. Sau đó mới khuyên bảo, giáo hóa, khiến họ trụ yên nơi A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Nếu có những chúng sanh sẵn được sự giàu sang phú quý, ta liền đến nơi những người đó, trong vô số năm làm kẻ hầu hạ cho họ sai khiến, tất bật bôn ba để chu cấp, chăm sóc họ. Khi được họ tin yêu rồi, ta sẽ khuyên bảo, giáo hóa, khiến họ trụ yên nơi A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Nếu có những chúng sanh tính tình ngang ngược, hung bạo, luôn tự cho mình đúng, cần phải có người quở trách, can gián. Ta liền dạy dỗ, quở trách, khích lệ, đôn đốc, giảng giải với họ trong vô số trăm ngàn năm, khiến cho tâm họ được điều phục, rồi sau đó ta lại khuyên bảo, khiến họ trụ yên nơi A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Như Lai dùng đủ mọi phương tiện như vậy trong vô số năm, khiến các chúng sanh được trụ yên nơi A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, há có thể là hư dối hay sao? Chư Phật Như Lai tuy ở trong mọi cảnh xấu ác nhưng chẳng hề nhiễm ô, cũng giống như hoa sen.
“Thiện nam tử! Nên hiểu nghĩa của Bốn [tâm] vô lượng là như vậy. Thiện nam tử! Tâm vô lượng có bốn thể tánh, nếu ai tu hành theo đó thì sanh lên cõi trời Đại phạm. Thiện nam tử! Vì tâm vô lượng này chia thành bốn nhóm nên gọi là bốn.
“Người tu tâm từ có thể dứt trừ tham dục; người tu tâm bi có thể dứt trừ sân hận; người tu tâm hỷ có thể dứt hết những điều không vui; người tu tâm xả có thể giúp chúng sanh [khác] dứt trừ tham dục và sân khuể. Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên gọi là bốn, chẳng phải là một, hai hay ba.
“Thiện nam tử! Theo như ông nói, tâm từ có thể dứt được lòng sân hận, tâm bi cũng vậy, nên lẽ ra phải nói là ba. Nay ông không nên cật vấn như thế. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Sự oán giận có hai loại: một là có thể dẫn đến giết người, hai là có thể đánh đập người. Tu tâm từ ắt có thể ngăn dứt được sự giết hại; tu tâm bi ắt có thể ngăn dứt được sự đánh đập. Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy, há không phải là bốn đó sao?
“Lại nữa, sân hận có hai loại, một là sân hận với chúng sanh, hai là sân hận với đối tượng chẳng phải chúng sanh. Người tu tâm từ dứt được sân hận với chúng sanh; người tu tâm bi dứt được sân hận với đối tượng chẳng phải chúng sanh.
“Lại nữa, sân hận có hai loại, một là có nhân duyên, hai là không có nhân duyên. Người tu tâm từ dứt được sân hận có nhân duyên, người tu tâm bi dứt được sân hận không có nhân duyên.
“Lại nữa, sân hận có hai loại, một là tập tính từ lâu xa trong quá khứ, hai là tập tính mới có trong đời hiện tại. Người tu tâm từ dứt được sân hận do tập tính từ lâu xa trong quá khứ; người tu tâm bi dứt được sân hận do tập tính trong đời hiện tại.
“Lại nữa, sân hận có hai loại, một là sân hận với thánh nhân, hai là sân hận với phàm phu. Người tu tâm từ dứt được sân hận với thánh nhân; người tu tâm bi dứt được sân hận với phàm phu.
“Lại nữa, sân hận có hai loại, một là bậc cao, hai là bậc vừa. Người tu tâm từ dứt được sân hận bậc cao; người tu tâm bi dứt được sân hận bậc vừa.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên gọi là bốn. Sao có thể cật vấn rằng chỉ nên có ba, chẳng phải bốn?
“Ca-diếp! Vì thế nên tâm vô lượng này dựa theo các nhóm khác nhau mà phân ra làm bốn. Lại theo tâm lượng mà gọi là bốn. Nếu trong tâm lượng đang có từ thì không có bi, hỷ, xả. Vì nghĩa ấy mà nên kể là bốn, không nên bớt đi.
“Thiện nam tử! Vì chỗ thực hành khác nhau mà nên gọi là bốn. Trong khi thực hành tâm từ thì không có bi, hỷ, xả. Cho nên phải có bốn.
“Thiện nam tử! Vì là vô lượng nên cũng gọi là bốn.
“Vô lượng có bốn loại: Có tâm vô lượng có duyên mà không được tự tại; có tâm vô lượng được tự tại mà không có duyên; có tâm vô lượng vừa có duyên vừa được tự tại; có tâm vô lượng không có duyên mà cũng không được tự tại.
“Thế nào là tâm vô lượng có duyên mà không được tự tại? Đó là duyên với vô lượng vô biên chúng sanh nhưng chẳng được phép Tam-muội tự tại. Hoặc có được nhưng không ổn định, lúc có lúc không.
“Thế nào là tâm vô lượng được tự tại mà không có duyên? Như có duyên với cha mẹ, anh chị em, muốn làm cho họ được an vui, đó chẳng phải là duyên vô lượng.
“Thế nào là tâm vô lượng vừa có duyên vừa được tự tại? Đó là nói chư Phật, Bồ Tát.
“Thế nào là tâm vô lượng không có duyên mà cũng không được tự tại? Đó là nói hàng Thanh văn, Duyên giác, không được rộng duyên với vô lượng chúng sanh, cũng không được tự tại.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên gọi là Bốn [tâm] vô lượng, chẳng phải chỗ mà hàng Thanh văn, Duyên giác có thể rõ biết được, thật là cảnh giới của chư Phật Như Lai.
“Thiện nam tử! Bốn việc như vậy [ở nơi] hàng Thanh văn, Duyên giác tuy cũng gọi là vô lượng, nhưng thật nhỏ nhoi không đáng kể; chỉ [ở nơi] chư Phật, Bồ Tát mới đáng gọi là vô lượng vô biên.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Đúng thật như vậy, đúng như lời Phật dạy! Cảnh giới của chư Phật Như Lai chẳng phải chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể đạt đến.
“Bạch Thế Tôn! Liệu có vị Bồ Tát nào trụ ở kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn, được tâm từ bi mà không phải là tâm đại từ, đại bi hay chăng?”
Phật dạy: “Này thiện nam tử, quả thật có như vậy! Nếu Bồ Tát đối với chúng sanh phân biệt thành ba nhóm: một là những người thân yêu, hai là những kẻ oán ghét, ba là những người không oán không thân. Trong số những người thân yêu, lại phân ra thành ba hạng là thương nhiều, thương ít và trung bình. Đối với những kẻ oán ghét cũng phân ra [ba hạng] như vậy. Vị Bồ Tát ma-ha-tát ấy đối với những người mình thương yêu nhiều liền mang đến cho họ niềm vui lớn lao. Đối với những người mình thương yêu ít và ở mức trung bình cũng vẫn đem lòng bình đẳng mà mang đến cho họ niềm vui lớn lao. Đối với những kẻ oán ghét nhiều chỉ mang đến cho họ chút ít niềm vui. Đối với những kẻ oán ghét ở mức trung bình thì mang đến cho họ niềm vui trung bình. Đối với kẻ ít oán ghét nhất thì mang đến cho họ niềm vui lớn nhất.
“Vị Bồ Tát như vậy lại dần dần tu tập để thay đổi tăng tiến hơn. Đối với những kẻ oán ghét nhiều cũng mang đến cho họ niềm vui trung bình. Đối với kẻ oán ghét ở mức trung bình và ít thì mang đến cho họ niềm vui lớn nhất.
“Rồi lại tiếp tục tu tập thay đổi [tiến bộ] hơn nữa. Đối với những kẻ oán ghét nhiều cũng như ít, cũng như ở mức trung bình, đều bình đẳng mang lại cho họ niềm vui lớn nhất.
“Nếu đối với những kẻ mình oán ghét nhất mà mang đến cho họ niềm vui lớn nhất thì lúc ấy có thể nói là đã thành tựu được tâm từ. Vị Bồ Tát ấy lúc bấy giờ dù đối với cha mẹ hay đối với những kẻ mình oán ghét nhất cũng đều có lòng bình đẳng, chẳng xem là khác biệt nhau.
“Thiện nam tử! Như vậy gọi là tu được tâm từ, không phải là đại từ.”
Bồ Tát Ca-diếp thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Vì duyên cớ chi mà Bồ Tát được tâm từ như vậy vẫn chưa được gọi là đại từ?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì sự tu tập [như vậy là] thành tựu một cách khó khăn nên không gọi là đại từ. Vì sao vậy? Đã từ lâu xa trong vô số kiếp quá khứ tích chứa nhiều phiền não, chưa tu pháp lành, cho nên không thể trong một ngày mà điều phục được tâm.
“Thiện nam tử! Ví như hạt đậu khô cứng, dùi đâm mãi cũng không bám vào được. Phiền não kiên cố, bền chặt cũng như vậy, tuy suốt ngày đêm chú tâm không tán loạn, cũng khó điều phục được.
“Lại như con chó nhà chẳng hề sợ người, con hươu rừng thấy người thì sợ chạy. Sân hận khó đẩy lùi, như giữ mãi con chó nhà; tâm từ dễ mất, như con hươu rừng kia. Vậy nên tâm này rất khó điều phục. Vì nghĩa ấy mà không gọi là đại từ.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như khắc chữ trên đá thì còn mãi, còn vạch trên mặt nước thì mất ngay, không thể tồn tại. Sân hận cũng như khắc [chữ] trên đá, các căn lành như vạch trên mặt nước. Vậy nên tâm này rất khó điều phục.
“Như đống lửa lớn chiếu sáng được lâu, còn tia điện chớp thì không hề lưu lại. Sân hận cũng như đống lửa, tâm từ như tia điện chớp. Vậy nên tâm này rất khó điều phục. Vì nghĩa ấy mà không gọi là đại từ.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở Sơ địa gọi là đại từ. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Kẻ xấu ác nhất gọi là nhất-xiển-đề. Bồ Tát trụ ở Sơ địa trong khi tu tập đại từ, đối với những kẻ nhất-xiển-đề cũng không thấy có gì khác biệt, không thấy lỗi lầm của họ, nên không sanh sân hận. Vì nghĩa ấy nên được gọi là đại từ.
“Thiện nam tử! Vì chúng sanh mà trừ bỏ những việc vô ích, đó gọi là đại từ. Mong muốn mang đến cho chúng sanh vô lượng những điều lợi ích, vui vẻ, đó gọi là đại bi. Đối với chúng sanh trong lòng sanh hoan hỷ, đó gọi là đại hỷ. Không có gì để ôm giữ, bảo vệ, đó gọi là đại xả.
“Như không thấy có bản ngã và các tướng pháp, không thấy có thân mình, thấy hết thảy các pháp đều bình đẳng không phân hai, đó gọi là đại xả.
“Tự mình vất bỏ sự vui sướng, mang niềm vui đến cho người khác, đó gọi là đại xả.
“Thiện nam tử! Chỉ Bốn [tâm] vô lượng ấy mới có thể giúp Bồ Tát tăng trưởng đầy đủ sáu pháp ba-la-mật mà thôi, ngoài ra các hạnh tu khác đều không có khả năng ấy.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trước tiên phải đạt được Bốn tâm vô lượng của thế gian, tiếp đó mới phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, sau nữa mới được Bốn tâm vô lượng xuất thế gian.
“Thiện nam tử! Nhân chỗ vô lượng của thế gian mà được chỗ vô lượng xuất thế gian. Vì nghĩa ấy, nên gọi là đại vô lượng.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Trừ bỏ những việc vô ích và mang đến những điều lợi ích, vui vẻ, thật ra không có chỗ làm. Suy nghĩ như vậy tức là quán xét một cách hư dối, không thật có lợi ích.
“Thế Tôn! Ví như vị tỳ-kheo trong khi quán xét sự bất tịnh, thấy y phục đang mặc đúng là hình tướng của da mà thật chẳng phải da; thấy những món đang ăn đều là hình tướng của loài sâu bọ mà thật chẳng phải sâu bọ... Vị ấy quán xét món chè đậu, nghĩ rằng đó là phân sệt mà thật chẳng phải phân; quán xét món kem sữa đang ăn giống như tủy não mà thật chẳng phải não; quán xét xương nát như bột cám mà thật chẳng phải cám... Bốn tâm vô lượng cũng là như vậy, không thể làm lợi ích cho chúng sanh một cách chân thật, khiến họ được vui. Tuy miệng nói rằng mang đến cho chúng sanh niềm vui, nhưng thật là chẳng được [như vậy]. Quán xét như vậy chẳng phải là hư dối đó sao?
“Bạch Thế Tôn! Nếu chẳng phải hư dối, mà thật có mang đến niềm vui, vậy sao chúng sanh chẳng nhờ oai đức của chư Phật và Bồ Tát mà hết thảy đều được vui?
“Nếu quả thật chẳng được vui, thì như Phật có dạy: ‘Ta nhớ lại thuở xưa, ta chỉ tu một tâm từ, trải qua bảy lần thành hoại của thế giới này, ta chẳng thọ sanh ở đây. Khi thế giới thành, ta sanh ở cõi Phạm thiên. Khi thế giới hoại, ta sanh ở cõi Quang âm thiên. Khi sanh ở cảnh Phạm thiên thì có thế lực tự tại, chẳng ai hơn được, cao trổi hơn hết trong số ngàn vị thiên nhân cõi Phạm thiên, gọi là Đại Phạm Vương. Hết thảy chúng sanh đối với địa vị của ta đều cho là cao cả nhất. Trong ba mươi sáu lần thọ thân làm Đao-lợi Thiên vương, Thích-đề-hoàn-nhân, vô lượng trăm ngàn lần làm Chuyển luân vương...’ Chỉ tu một tâm từ mà được quả báo ở hai cõi trời người như vậy, nếu là không chân thật thì làm sao hợp với nghĩa ấy?”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Ông quả thật là dũng mãnh, không có gì sợ sệt.”
Ngay khi ấy, Phật vì Ca-diếp mà đọc kệ rằng:
Nếu với mỗi chúng sanh,
Chẳng sanh lòng sân hận,
Nguyện mang đến niềm vui,
Gọi là tu tâm từ.
Đối với các chúng sanh,
Nếu phát khởi tâm bi,
Gọi là hạt giống thánh,
Được phước báo vô lượng.
Ví như tiên ngũ thông
Đầy khắp mặt đất này,
Có vua Đại tự tại,
Phụng cấp chỗ an ổn,
Voi, ngựa, mọi đồ dùng.
Phước báo phụng thí đó,
So với tu tâm từ,
Chỉ một phần mười sáu!
“Thiện nam tử! Việc tu tâm từ không phải vọng tưởng, mà là chân thật. Nếu là tâm từ của hàng Thanh văn, Duyên giác thì gọi là hư dối. Tâm từ của chư Phật, Bồ Tát là chân thật không hư dối. Vì sao biết được như vậy?
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại Niết-bàn này, quán tưởng đất thành vàng, vàng thành đất; đất hóa thành tướng nước, nước hóa thành tướng đất; nước hóa thành tướng lửa, lửa hóa thành tướng nước; đất hóa thành tướng gió, gió hóa thành tướng đất... thành tựu đúng như ý, không hề có sự hư dối!
“Thiện nam tử! Nên biết rằng Bốn tâm vô lượng của Bồ Tát là sự suy xét chân thật, chẳng phải không chân thật. Lại nữa, thiện nam tử! Sao gọi là sự suy xét chân thật? Vì có thể dứt trừ mọi phiền não.
“Thiện nam tử! Người tu tâm từ có thể dứt trừ tham dục, người tu tâm bi có thể dứt trừ sân hận, người tu tâm hỷ có thể dứt trừ sự không vui, người tu tâm xả có thể dứt trừ các tướng tham, sân và chúng sanh. Vì vậy nên gọi là sự suy xét chân thật.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bốn tâm vô lượng của Bồ Tát ma-ha-tát có thể làm căn bản cho hết thảy các điều lành.
“Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát ma-ha-tát không gặp được những chúng sanh nghèo túng thì không có duyên để phát sanh lòng từ. Nếu chẳng phát sanh lòng từ, ắt không khởi tâm rộng rãi bố thí. Bố thí là nhân duyên khiến chúng sanh được vui vẻ, an ổn. Như là món ăn thức uống, xe cộ, y phục, hương hoa, giường nằm, nhà cửa, đèn đuốc... Trong khi bố thí như vậy, trong lòng không có sự trói buộc, chẳng sanh tham chấp, quyết định hồi hướng về quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Trong lòng lúc ấy không có chỗ nương dựa, mãi mãi dứt trừ mọi vọng tưởng, chẳng phải vì sợ sệt, chẳng vì danh dự hay vì lợi dưỡng, cũng chẳng cầu sự khoái lạc ở hai cõi trời người, chẳng sanh lòng kiêu mạn, chẳng mong đền đáp, cũng chẳng vì dối gạt người khác. Vì thế nên làm việc bố thí mà không mong cầu phú quí.
“Trong khi làm việc bố thí, chẳng thấy có người nhận bố thí, chẳng thấy những sự giữ giới hay phá giới, là ruộng phước hay chẳng phải ruộng phước, [không có sự phân biệt] đây là người quen biết, đây là người không quen biết... Trong khi bố thí chẳng phân biệt công cụ, chẳng lựa chọn ngày giờ, nơi chốn... Lại cũng chẳng kể khi đói kém hay lúc sung túc, vui vẻ; chẳng thấy nhân quả, chẳng thấy là chúng sanh hay chẳng phải chúng sanh, là có phước đức hay không phải phước đức.
“Tuy chẳng thấy người thí, người nhận thí cùng những vật thí, cho đến chẳng thấy là có hay không có quả báo, nhưng vẫn thường làm việc bố thí, không hề gián đoạn.
“Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát thấy có sự phá giới hay giữ giới, cho đến có hay không có quả báo..., thì mãi mãi không thể làm được việc bố thí [chân thật]. Nếu không bố thí [chân thật] thì không trọn vẹn hạnh Bố thí Ba-la-mật. Nếu không trọn vẹn hạnh Bố thí Ba-la-mật thì không thể thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Ví như có người, trên thân bị trúng mũi tên độc. Thân nhân của người ấy muốn cho được bình yên, liền mời lương y đến rút mũi tên ra để trừ độc. Người ấy lại nói: ‘Khoan đã, đừng chạm tới. Tôi đang suy xét xem mũi tên độc này từ đâu bắn tới? Người bắn là ai, thuộc dòng sát-lỵ, bà-la-môn, tỳ-xá hay thủ-đà?’ Rồi người ấy lại suy nghĩ: ‘Tên ấy làm bằng gỗ gì, hay là bằng tre, hay là bằng gỗ cây liễu? Mũi tên bịt sắt được rèn đúc ở đâu? Có cứng chăng? Mềm chăng? Lông gắn ở mũi tên ấy lấy ở cánh chim gì? Chim quạ, diều hâu hay kên kên? Chất độc ở tên ấy do đâu mà có, là chất độc tự nhiên hay do con người bào chế, hay là nọc của rắn độc?...’
“Kẻ ngu si như vậy, rốt cuộc cũng chẳng biết được gì, mà chẳng mấy chốc phải bỏ mạng.
“Thiện nam tử! Bồ Tát cũng như vậy, nếu khi làm việc bố thí mà phân biệt người nhận thí, phân biệt giữ giới hay phá giới, cho đến có hay không có quả báo, thì mãi mãi không thể làm được việc bố thí [chân thật]. Nếu không bố thí thì không trọn vẹn hạnh Bố thí Ba-la-mật. Nếu không trọn vẹn hạnh Bố thí Ba-la-mật thì không thể thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát khi làm việc bố thí, đối với chúng sanh có lòng từ bình đẳng, xem như con mình. Lại nữa, khi làm việc bố thí, đối với chúng sanh khởi lòng bi mẫn, ví như cha mẹ chăm sóc đứa con đang bệnh. Khi làm việc bố thí thì trong lòng hoan hỷ, như cha mẹ thấy con được khỏi bệnh. Sau khi bố thí thì trong lòng buông xả hết, như cha mẹ thấy con đã lớn khôn, đủ sức tự lo việc mưu sinh.
“Vị Bồ Tát ma-ha-tát này, do tâm từ nên khi bố thí món ăn thường phát nguyện rằng: ‘Chỗ bố thí của tôi hôm nay xin nguyện cho tất cả chúng sanh cùng được hưởng. Nhờ nhân duyên này khiến cho chúng sanh được món ăn trí tuệ lớn, siêng năng tinh tấn hướng về Đại thừa Vô thượng. Nguyện cho chúng sanh được món ăn trí tuệ tốt lành, chẳng cầu được món ăn của hàng Thanh văn, Duyên giác. Nguyện cho chúng sanh được món ăn là niềm vui Chánh pháp, chẳng cầu món ăn luyến ái. Nguyện cho chúng sanh đều được món ăn là Bát-nhã Ba-la-mật, đều được đầy đủ, gồm nắm sức vô ngại, tăng trưởng căn lành. Nguyện cho chúng sanh hiểu rõ tướng Không, được thân vô ngại như hư không. Nguyện cho chúng sanh thường làm kẻ thọ nhận, thương xót hết thảy mà làm ruộng phước cho mọi người.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trong khi tu tâm từ, khi có bố thí món ăn nên kiên trì phát nguyện như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát, do tâm từ nên khi bố thí thức uống thường phát nguyện rằng: ‘Chỗ bố thí của tôi hôm nay xin nguyện cho tất cả chúng sanh cùng được hưởng. Nhờ nhân duyên này khiến cho chúng sanh được thẳng đến dòng sông Đại thừa, uống nước Tám vị, vượt nhanh đến đạo Vô thượng Bồ-đề, lìa khỏi sự khô khát của Thanh văn, Duyên giác, khao khát mong cầu Phật thừa vô thượng, dứt trừ cơn khát phiền não, khao khát mong cầu vị Chánh pháp, lìa khỏi luyến ái trong sanh tử, ưa thích Đại thừa Đại Bát Niết-bàn, trọn đủ Pháp thân, được các phép Tam-muội, nhập vào biển cả trí tuệ sâu xa. Nguyện cho chúng sanh được vị cam lộ và các vị xuất thế Bồ-đề, vắng vẻ tĩnh lặng lìa xa các dục. Nguyện cho chúng sanh được đầy đủ vô lượng trăm ngàn vị pháp. Có đủ vị pháp rồi được thấy tánh Phật. Thấy tánh Phật rồi có thể thuyết giảng Chánh pháp như mưa lớn tuôn xuống. Tuôn mưa pháp rồi, tánh Phật sẽ bao trùm khắp cả như hư không!
“Lại nguyện cho vô lượng những chúng sanh khác đều được một vị pháp duy nhất là vị Đại thừa, chẳng phải các vị pháp Thanh văn và Phật Bích-chi. Nguyện cho chúng sanh được thuần một vị ngọt ngào, không có sáu vị khác nhau! Nguyện cho chúng sanh chỉ cầu được vị Chánh pháp, vị vô ngại của việc làm theo pháp Phật, không cầu được vị nào khác nữa. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát, do tâm từ mà trong khi bố thí thức uống nên kiên trì phát nguyện như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát do tâm từ mà khi bố thí xe cộ nên phát nguyện rằng: ‘Chỗ bố thí của tôi hôm nay xin cho tất cả chúng sanh cùng được hưởng. Nhờ nhân duyên này khiến cho khắp thảy chúng sanh được thành tựu Đại thừa, được trụ nơi Đại thừa, được cỗ xe lớn không thối lui, được cỗ xe không động chuyển, được cỗ xe có chỗ ngồi bằng kim cang. Chẳng cầu các thừa Thanh văn và Phật Bích-chi, chỉ hướng về Phật thừa, được cỗ xe không ai có thể hàng phục được, cỗ xe không thiếu kém, cỗ xe không lui mất, cỗ xe cao quý nhất, cỗ xe có Mười sức, cỗ xe công đức lớn, cỗ xe chưa từng có, cỗ xe hiếm có, cỗ xe rất khó được, cỗ xe vô biên, cỗ xe của bậc [có trí tuệ] rõ biết tất cả. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát do tâm từ mà trong khi bố thí xe cộ nên kiên trì phát nguyện như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát do tâm từ mà khi bố thí y phục nên phát nguyện rằng: ‘Chỗ bố thí của tôi hôm nay xin cho tất cả chúng sanh cùng được hưởng. Nhờ nhân duyên này khiến cho khắp thảy chúng sanh được mặc ‘y phục biết hổ thẹn’, lấy pháp giới che thân, xé rách tấm áo kiến giải sai lầm, cởi bỏ y phục khỏi cái thân một thước sáu tấc này liền được thân màu vàng ròng, chỗ xúc chạm cảm thọ đều mềm mại nhu nhuyễn không ngăn ngại, sắc sáng trơn láng, da thịt mịn nhuyễn, có vô lượng ánh thường quang, không có hình sắc, lìa khỏi hình sắc. Nguyện cho khắp thảy chúng sanh đều được thân không hình sắc, vượt khỏi hết thảy hình sắc, được vào Đại Bát Niết-bàn không có hình sắc. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát, do tâm từ mà trong khi bố thí y phục nên kiên trì phát nguyện như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát do tâm từ mà khi bố thí các loại hương hoa, hương phết, hương bột, hương trộn lẫn... nên phát nguyện rằng: ‘Chỗ bố thí của tôi hôm nay xin cho tất cả chúng sanh cùng được hưởng. Nhờ nhân duyên này khiến cho khắp thảy chúng sanh đều được loại hoa Tam-muội của chư Phật, Bảy phần giác là bảy dây hoa đẹp vấn quanh đỉnh đầu. Nguyện cho chúng sanh được hình tướng đẹp như trăng tròn, những màu sắc nhìn thấy đều đẹp đẽ bậc nhất. Nguyện cho chúng sanh đều thành tựu một tướng trăm phước trang nghiêm. Nguyện cho chúng sanh tùy ý được nhìn thấy các màu sắc hài lòng. Nguyện cho chúng sanh thường gặp bạn lành, được mùi hương không ngăn ngại, lìa khỏi các mùi hôi thối. Nguyện cho chúng sanh có đủ các căn lành, vốn là loại trân bảo quý giá hơn hết.
“Nguyện cho chúng sanh nhìn nhau một cách hòa nhã êm đẹp, vui vẻ, không có lo buồn, đau khổ, các điều lành đều đầy đủ, không buồn phiền nhau. Nguyện cho chúng sanh có đầy đủ hương giới luật. Nguyện cho chúng sanh giữ theo giới không ngăn ngại, tỏa hương thơm ngào ngạt đầy khắp mười phương. Nguyện cho chúng sanh được giới kiên cố, giới bền vững, giới không hối tiếc, giới hiểu biết tất cả; lìa khỏi những kẻ phá giới, đạt được chỗ không còn giới, được giới chưa từng có, giới của bậc không còn thầy dạy, giới không tạo tác, giới không phóng đãng, giới không ô nhiễm, giới đã làm xong, giới cứu cánh, được giới bình đẳng. Dù được thoa phết hương thơm trên thân hay bị đâm chém thân thể cũng đều xem như nhau, không sanh lòng yêu thương hay ghét bỏ.
“Nguyện cho chúng sanh được giới cao cả nhất, giới Đại thừa, chẳng phải giới Tiểu thừa. Nguyện cho chúng sanh được trọn vẹn Trì giới ba-la-mật, giống như giới mà chư Phật đã thành tựu. Nguyện cho chúng sanh đều dùng các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ để huân tập, tu hành.
“Nguyện cho chúng sanh đều được thành tựu hoa sen vi diệu Đại Bát Niết-bàn, tỏa hương thơm đầy khắp mười phương. Nguyện cho chúng sanh chỉ ăn thuần món ngon cao quý nhất là Đại thừa Đại Bát Niết-bàn, như con ong hút nhụy hoa chỉ thuần lấy hương vị tinh túy. Nguyện cho chúng sanh đều được thành tựu cái thân un đúc bởi vô lượng công đức.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát do tâm từ mà trong khi bố thí hoa hương nên kiên trì phát nguyện như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát do tâm từ mà khi bố thí giường nằm nên phát nguyện rằng: ‘Chỗ bố thí của tôi hôm nay xin nguyện cho tất cả chúng sanh cùng được hưởng. Nhờ nhân duyên này khiến cho khắp thảy chúng sanh đều được giường nằm của đấng Thiên trung thiên, được trí tuệ lớn, ngồi nơi chỗ Tứ thiền, nằm trên giường Bồ Tát, chẳng nằm trên giường của hàng Thanh văn, Phật Bích-chi, lìa bỏ chẳng nằm trên giường xấu ác!
“Nguyện cho chúng sanh được giường yên vui, lìa khỏi giường sanh tử, thành tựu giường sư tử Đại Niết-bàn. Nguyện cho chúng sanh khi đã ngồi trên giường ấy rồi lại vì vô lượng chúng sanh khác mà thị hiện thần thông oai mãnh và tự tại. Nguyện cho chúng sanh được trụ nơi cung điện lớn Đại thừa này, vì các chúng sanh khác mà diễn thuyết tánh Phật.
“Nguyện cho chúng sanh được ngồi trên giường cao quý nhất, không bị các pháp thế gian khuất phục. Nguyện cho chúng sanh được giường nhẫn nhục, lìa khỏi sự nghèo khổ đói rét nơi sanh tử. Nguyện cho chúng sanh được giường không sợ sệt, mãi mãi lìa xa hết thảy giặc thù phiền não. Nguyện cho chúng sanh được giường thanh tịnh, hết lòng cầu đạo Vô thượng chân chánh. Nguyện cho chúng sanh được giường pháp lành, thường được bạn lành ủng hộ. Nguyện cho chúng sanh được giường nằm nghiêng hông mặt, nương theo pháp mà chư Phật đã thực hành. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát do tâm từ mà trong khi thí giường nằm nên kiên trì phát nguyện như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát do tâm từ nên khi thí nhà cửa, chỗ ở thường phát nguyện rằng: ‘Chỗ bố thí của tôi hôm nay xin nguyện cho tất cả chúng sanh cùng được hưởng. Nhờ nhân duyên này khiến cho khắp thảy chúng sanh đều được ở trong nhà Đại thừa, tu hành theo những hạnh lành của các bạn lành, tu hạnh đại bi, sáu hạnh ba-la-mật, hạnh đại chánh giác, hết thảy đạo hạnh của hàng Bồ Tát, hạnh rộng lớn vô biên như hư không! Nguyện cho chúng sanh đều được chánh niệm, lìa xa các niệm tưởng xấu ác. Nguyện cho chúng sanh thảy đều được trụ yên nơi thường, lạc, ngã, tịnh, mãi mãi lìa xa bốn tư tưởng điên đảo! Nguyện cho chúng sanh đều được nhận giữ ngôi nhà tâm ý xuất thế. Nguyện cho chúng sanh đều là chỗ chứa đựng trí tuệ cao cả nhất, rõ biết tất cả. Nguyện cho chúng sanh đều được vào ngôi nhà cam lộ! Nguyện cho chúng sanh từ khi mới phát tâm cho đến rốt cùng đều thường vào ngôi nhà Đại thừa Niết-bàn. Nguyện cho chúng sanh đến đời vị lai thường ở nơi cung điện mà các vị Bồ Tát cư ngụ.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát do tâm từ nên trong khi thí nhà cửa, chỗ ở thường kiên trì phát nguyện như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát do tâm từ nên khi thí đèn đuốc thường phát nguyện rằng: ‘Chỗ bố thí của tôi hôm nay xin cho tất cả chúng sanh cùng được hưởng. Nhờ nhân duyên này khiến cho khắp thảy chúng sanh đều được vô lượng ánh sáng, trụ yên trong pháp Phật. Nguyện cho chúng sanh thường được ánh sáng chiếu soi, sáng rõ. Nguyện cho chúng sanh được hình sắc vi diệu, sáng tươi bậc nhất. Nguyện cho chúng sanh được mắt thanh tịnh, không có những sự ngăn che. Nguyện cho chúng sanh được ngọn đuốc trí tuệ lớn, khéo hiểu rằng không có các tướng ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả. Nguyện cho chúng sanh đều được thấy tánh Phật thanh tịnh như hư không. Nguyện cho mắt thịt của chúng sanh được thanh tịnh, thấy suốt các thế giới mười phương nhiều như số cát sông Hằng. Nguyện cho chúng sanh được ánh sáng của Phật chiếu khắp mười phương. Nguyện cho chúng sanh được mắt không ngăn ngại, thảy đều thấy được tánh Phật thanh tịnh. Nguyện cho chúng sanh được ánh sáng trí tuệ lớn, chiếu phá hết thảy sự tối tăm và những kẻ nhất-xiển-đề. Nguyện cho chúng sanh được ánh sáng vô lượng, chiếu khắp vô lượng thế giới chư Phật. Nguyện cho chúng sanh thắp lên ngọn đèn Đại thừa, lìa khỏi ngọn đèn Nhị thừa. Nguyện cho ánh sáng mà chúng sanh có được sẽ tiêu diệt sự tối tăm của vô minh, có sức chiếu sáng khắp nơi, hơn cả sức chiếu của ngàn mặt trời. Nguyện cho chúng sanh được ánh sáng hỏa châu, tiêu diệt hết sự tối tăm trong cõi Tam thiên đại thiên thế giới. Nguyện cho chúng sanh có đủ năm thứ mắt thấu biết các tướng của pháp, thành bậc giác ngộ không cần thầy dạy. Nguyện cho chúng sanh không có mọi kiến chấp, vô minh. Nguyện cho chúng sanh đều được ánh sáng vi diệu Đại thừa Đại Bát Niết-bàn chỉ bày cho rõ biết tánh Phật chân thật của mình. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát do tâm từ nên khi thí đèn đuốc thường kiên trì phát nguyện như vậy.
“Thiện nam tử! Căn lành của hết thảy Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát cho đến chư Phật Như Lai đều lấy đức từ làm căn bản. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát tu tập tâm từ có thể sanh ra vô lượng căn lành như vậy. Đó là nói các pháp quán bất tịnh, quán hơi thở ra vào, quán sanh diệt vô thường, Bốn niệm xứ, Bảy phương tiện, Ba quán xứ, Mười hai nhân duyên những phép quán về vô ngã, Noãn pháp, Đỉnh pháp, Nhẫn pháp, Thế đệ nhất pháp, Kiến đạo, Tu đạo, Bốn chánh cần, Bốn như ý, các căn, các lực, Bảy phần Bồ-đề, Tám phần thánh đạo, Bốn thiền, Bốn vô lượng tâm, Tám giải thoát, Tám thắng xứ, Mười nhất thiết nhập, các pháp Tam-muội Không, Vô tướng, Vô nguyện, Vô tranh, Tha tâm trí cùng các thần thông, Tri bản tế trí, Thanh văn trí, Duyên giác trí, Bồ Tát trí và Phật trí.
“Thiện nam tử! Các pháp như vậy đều lấy đức từ làm căn bản. Thiện nam tử, vì nghĩa ấy nên đức từ là chân thật, chẳng phải hư dối. Như có người hỏi rằng: ‘Điều gì là căn bản của tất cả những điều lành?’ Nên đáp: ‘Chính là đức từ.’ Vì nghĩa ấy cho nên đức từ là chân thật, chẳng phải hư dối.
“Thiện nam tử! Có thể làm được những điều lành, đó gọi là suy xét chân thật. Suy xét chân thật, đó gọi là có đức từ. Đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ tức là Đại thừa; Đại thừa tức là đức từ. Đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ tức là đạo Bồ-đề. Đạo Bồ-đề tức là đức từ. Đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ tức là Đại phạm [thiên]. Đại phạm [thiên] tức là đức từ. Đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ có thể vì tất cả chúng sanh mà làm cha mẹ. Cha mẹ là đức từ. Đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ chính là cảnh giới không thể nghĩ bàn của chư Phật. Cảnh giới không thể nghĩ bàn của chư Phật chính là đức từ vậy. Nên biết rằng đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ là tánh Phật của chúng sanh. Tánh Phật ấy từ lâu bị phiền não ngăn che, nên khiến cho chúng sanh không thể thấy được. Tánh Phật tức là đức từ. Đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ là đại không. Đại không tức là đức từ. Đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ là hư không, hư không tức là đức từ. Đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ là thường; thường tức là Pháp; Pháp tức là Tăng; Tăng là đức từ. Đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ là lạc. Lạc tức là Pháp. Pháp tức là Tăng. Tăng tức là đức từ. Đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ là tịnh. Tịnh tức là Pháp. Pháp tức là Tăng. Tăng tức là đức từ. Đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ là [chân] ngã. [Chân] ngã tức là Pháp. Pháp tức là Tăng. Tăng tức là đức từ. Đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ là cam lộ, cam lộ tức là đức từ. Đức từ là tánh Phật; tánh Phật tức là Pháp. Pháp tức là Tăng. Tăng là đức từ. Đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ là đạo Vô thượng của tất cả chư Bồ Tát. Đạo chính là đức từ. Đức từ tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Đức từ là vô lượng cảnh giới của chư Phật Thế Tôn! Vô lượng cảnh giới chính là đức từ. Nên biết rằng, đức từ ấy tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ là vô thường, vô thường là đức từ, thì nên biết đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ là khổ, khổ tức là đức từ, nên biết đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ là bất tịnh, bất tịnh tức là đức từ, nên biết rằng đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ là vô ngã, vô ngã tức là đức từ, nên biết rằng đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ là vọng tưởng, vọng tưởng tức là đức từ, nên biết đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ chẳng gọi là Bố thí Ba-la-mật, đức từ chẳng có bố thí, nên biết rằng đức từ ấy là của hàng Thanh văn...
“Cho đến Trí tuệ Ba-la-mật cũng là như vậy.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ không thể làm lợi ích cho chúng sanh, thì đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ chẳng vào nơi đạo Nhất thừa, nên biết rằng đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ không thể hiểu rõ các pháp, nên biết rằng đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ không thể thấy tánh Như Lai, nên biết rằng đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ thấy rằng hết thảy các pháp đều có hình tướng, nên biết rằng đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ là hữu lậu, thì đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ là hữu vi, thì đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ không thể trụ nơi Sơ trụ, đức từ chẳng phải sơ trụ, nên biết rằng đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ không thể có được Mười sức của Phật, Bốn đức chẳng sợ, nên biết rằng đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ chỉ đạt được bốn Thánh quả sa-môn, nên biết đức từ ấy là của hàng Thanh văn.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ là có, là không, là chẳng phải có chẳng phải không, thì đức từ như vậy không phải là chỗ mà hàng Thanh văn và Phật Bích-chi có thể nghĩ bàn được.
“Thiện nam tử! Nếu đức từ là không thể nghĩ bàn, thì Pháp là không thể nghĩ bàn, tánh Phật là không thể nghĩ bàn, Như Lai cũng không thể nghĩ bàn.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn, tu tập đức từ như vậy, dù trong giấc ngủ say cũng không thật ngủ say, vì luôn chuyên cần tinh tấn. Tuy thường tỉnh giác mà cũng không tỉnh giác, vì không hề có sự ngủ mê. Trong giấc ngủ say, tuy có chư thiên bảo vệ, cũng không phải bảo vệ, vì không hề làm việc xấu ác. Trong giấc ngủ không có ác mộng, vì không hề có việc bất thiện, lìa khỏi sự ngủ mê. Sau khi mạng chung tuy sanh lên cảnh Phạm thiên nhưng cũng không có chỗ sanh, vì được tùy ý tự tại.
“Thiện nam tử! Người tu đức từ có thể được thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy.
Thiện nam tử! Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này cũng có thể thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy. Chư Phật Như Lai cũng được thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy.”
"O good man! What are the pure actions of a Bodhisattva-mahasattva? O good man! The Bodhisattva-mahasattva, abiding in the Mahayana Mahaparinirvana, can be perfect in pure actions in seven categories. What are those seven? They are: 1) knowing Dharma, 2) knowing the meaning, 3) knowing the time, 4) being contented, 5) knowing for oneself, 6) knowing the masses, 7) knowing the difference between respectable and mean.
"O good man! How does a Bodhisattva-mahasattva know Dharma? O good man! This Bodhisattva-mahasattva knows the twelve types of scripture, which are: 1) sutra, 2) geya, 3) vyakarana, 4) gatha, 5) udana, 6) nidana, 7) avadana, 8) itivrttaka, 9) jataka, 10) vaipulya, 11) adbhutadharma, and 12) upadesa.
"O good man! What is meant by " sutra?" A sutra begins with: " Thus have I heard" and ends with: " practise with joy" . All such are " sutras" .
"What is "geya?" It goes like this: "The Buddha said to all bhiksus: In days gone by, I, like you, was ignorant and had no Wisdom, and could not see the Four Truths. For that reason, I had long transmigrated and repeated birth and death and floundered in the great sea of suffering. What are the Four? They are: 1) Suffering, 2) the Cause of Suffering, 3) Extinction, 4) the Way to the Extinction of Suffering. In days gone by, the Buddha spoke of the sutras. At that time, there was a sharp-witted person who came to the Buddha to be taught Dharma. He asked others: " What did the Tathagata speak about before?" The Tathagata, seeing this, said in a gatha, basing himself on the sutras:
"I, like you, did not see the Four Truths
And as a result floundered long in the sea
Of suffering of birth and death.
By seeing the Four Truths,
One well severs birth and death.
Birth and death done away with,
One no more gains any existence."
This is "geya."
"What is "vyakarana"? There are sutras and vinayas [monastic rules] in which, when the Tathagata speaks, he gives prophecies to all the heavenly ones, such as: "O you, Ajita! In days to come, there will be a king named " Sankha" . In his reign, you will practise the Way, attain Buddhahood, and be called Maitreya." This is "vyakarana".
"What is " gatha" ? In addition to the sutras and vinaya, there are cases in which a four-line poem appears, such as:
"Do not do any evil;
Do all that is good.
Purify your mind.
This is the teaching of all Buddhas."
This is " gatha" ?
"What is "udana"? The Buddha, at about four in the afternoon, enters a dhyana [meditation]. He speaks about Dharma to the devas [gods]. At that time, the bhiksus [monks] think: "What is the Tathagata doing?" The Tathagata awakes next morning from the dhyana and, without being asked by anyone, he, with the power of knowledge that can read the minds of others, speaks unasked: "O Bhiksus! Know that the life of all devas is extremely long. O all of you Bhiksus! It is good that you all act for others and do not seek your own profit. It is good that you seek but little; it is good that you feel contented; it is good that you are quiet [peaceful]!" It goes like that. In all such scriptures, the Buddha speaks unasked. This is "udana".
"What is "nidana"? The gathas of all sutras speak for others about the basic roots of all causes. In Sravasti there was a man who caught a bird in a net. Having caught it, he put it in a cage, gave it water and cereal, and then let it go. The World-Honoured One knows all histories from beginning to end and talks about this in a gatha, such as:
"Do not belittle small evil acts,
And do not say that there is no evil that arises.
Small is a drop of water,
But [by accumulation] it fills a great vessel."
This is "nidana".
"What is "avadana"? It is as in the case of the parables that occur in the vinaya. This is "avadana".
"What is " itivrttaka" ? This is as when the Buddha says: " O Bhiksus! Know that what I speak when I am in the world is the sutras. In the days of Buddha Krakucchanda, it is called "amrta-drum" [drum of the Immortal]; what appears in the days of Kanakamuni is called "Dharma-mirror"; what appears in the days of Buddha Kasyapa is called "Void-discriminating". This is " itivrttaka" .
"What is "jataka"? This is when the World-Honoured One [tells of how he], in days gone by, became a Bodhisattva and practised the Way, such as: "O Bhisksus! Know that, in days gone by, I gained life as a deer, a brown bear, a reindeer, a hare, the king of a small state, a chakravartin, a naga, and a garuda. Such are all the bodies one receives when one practises the Way of a Bodhisattva." This is "jataka".
"What is "vaipulya sutra"? It is none other than the Mahayana vaipulya [extensive] sutras. What it states is on a large scale. It is like space. This is "vaipulya".
"What is " adbhutadharma" ? After the Bodhisattva has just been born, he takes seven steps without any help from others, sending out great lights, which shine in all ten directions; or a monkey holds in its hand a pot of honey and offers it to the Tathagata; or a white-headed dog sits by the Buddha’s side and listens to his sermons; Marapapiyans transforms himself into a blue cow and walks between tiles and bowls, touching but not damaging them; or, when the Buddha first enters the devas’ temple, the devas come down and pay him homage. Any sutra such as this is called "adbhutadharma".
"What do we mean by "upadesa"? It is one [scripture] that discusses the sutras which contain the Buddha’s sermons and analyses and widely explains the characteristics. Any such is an "upadesa".
"If any Bodhisattva is well versed in the twelve types of scripture, this is "knowing Dharma" .
"How does a Bodhisattva-mahasattva understand the meaning? A Bodhisattva knows the meaning of all words and languages. This is knowing the meaning.
"How does a Bodhisattva-mahasattva know the [right] time? O good man! The Bodhisattva, at a given time, will practise quietude. At another time, he will make effort. At another time, he will practise equanimity and dhyana. At another time, he will make offerings to his teacher. At another time, he will practise dana [giving], upholding the moral precepts, forbearance, effort, and dhyana, thus perfecting prajnaparamita [transcendent Wisdom]. This is knowing the time.
"In what way does a Bodhisattva-mahasattva feel contented? O good man! The Bodhisattva-mahasattva knows contentment in his meals, clothing, medicine, in going, coming, sitting, lying, sleeping, waking, talking and in silence. This is knowing contentment.
"O good man! How does a Bodhisattva-mahasattva know things by himself? The Bod- hisattva knows all about faith, the precepts, rich hearing, equanimity, Wisdom, going and coming, right remembrance, good deeds, questions and answers. This is knowing of one’s own self.
"How does a Bodhisattva-mahasattva know the masses? Such a Bodhisattva knows: "This is a Kshatriya, this a Brahmin, this an upasaka, this a sramana. Such a person goes thus, comes thus, sits thus, stands up thus, delivers sermons thus, and puts questions and answers thus." This is knowing the masses.
"O good man! In what way does a Bodhisattva-mahasattva know the difference between "respectable" and "mean"? O good man! There are two kinds of men: one who has faith, and the other, who has not. O Bodhisattva! Know that he with faith is one who is good, and that he who has no faith is one who is not good. Also, next, there are two kinds of faithful person. One always pays visits to viharas, and the other does not. O Bodhisattva! Know that he who goes is good, and the other who does not should not be called good. There are two kinds of people who go to viharas. One is he who worships, and the other is he who does not. O Bodhisattva! Know that he who worships is good, and the other who does not is not to be called good. There are two kinds of worshipper. One is he who listens to the sermons, and the other is he who does not listen to the sermons. O Bodhisattva! Know that he who listens to the sermons is one who is good, and that the other is one who cannot be called good. There are again two kinds of people who listen to sermons. The one is he who listens with a true mind, and the other is he who has no true mind. O Bodhisattva! Know that he who listens with a true mind is one who is good, and that he with no true mind is not to be called good. Of listeners with a true mind, there are two kinds. One thinks about the meaning, and the other does not think about the meaning. O Bodhisattva! Know that he who thinks about the meaning is good, and he who does not think about the meaning is not good. And there are two kinds amongst those who think about the meaning. One is he who practises the Way as told, and the other is he who does not practise the Way as told. He who practises the Way as told is one who is good, and he who does not practise the Way as told is one who is not good. There are, again, two kinds of people who practise the Way as told. One is he who takes to the Way of the sravaka, who is unable to releave all beings of all their worries and give them peace and benefit; the second is he who takes to the unsurpassed Mahayana and gives benefit and peace to the many. O Bodhisattva! Know that he who gives benefit and peace to the many is unsurpassed and the best.
"O good man! Of all jewels, the cintamani [wish-fulfilling gem] is the most superb; of all tastes, amrta [ambrosia] is the best. Such a Bodhisattva is the most superb and the best of all humans and devas. No comparison can express it. O good man! This is what we mean when we say that the Bodhisattva-mahasattva abides in the Mahayana Great Nirvana Sutra and lives in the seven good laws. The Bodhisattva, abiding in these seven good laws, can become perfect in pure action.
"Also, next, O good man! There are pure actions, which are: loving-kindness [“maitri”], compassion [“karuna”], sympathetic joy [“mudita”], and equanimity [“upeksha”]."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "A person who practises kindness segregates himself from anger; a person who practises compassion segregates himself from anger. And yet we speak of the "limitless [immeasurable] minds". From the content of the meaning, there must be three. O World-Honoured One! There are three circumstantial factors in loving-kindness. One relates to beings, the second to dharmas, and the third to what is unrelated. The same with compassion, sympathetic joy, and equanimity. Following this logic, there can only be one, not four. What relates to beings comes about relative to the five skandhas, and one prays to give bliss thereto. This is what relates to beings. By what relates to things [dharmas] is meant giving what beings desire to possess. This is what relates to things. By "unrelated" comes about [is meant] the Tathagata. This is the "unrelated". Compassion has bearings on the poor and those in stressed circumstances. The Tathagata, the great teacher, is long since far removed from poverty and stressed circumstances and is blessed with the highest bliss. If any relation is had with beings, it obtains thus with the Buddha. The same is the case with things. That is why we say that any bearing that is had upon the Tathagata is the " relationless" . O World- Honoured One! The field in which compassion becomes related to all beings has bearings upon parents, wife, children and relatives. Hence, we say "related to all beings." We say "related to dharmas". Here, we see no parents, wife, children or relatives. We see here that all things arise from circumstantial factors. Hence, "related to dharmas". The "unrelated" is not based on dharmas or beings. Hence, "unrelated". It is the same with compassion, sympathetic joy, and equanimity. So there must be three things, and not four. O World-Honoured One! There are two kinds of people. One is a person who practises the Way using his own intellect, and the other is a person who practises the Way through faith and love. The person who practises the Way through the intellectual channel generally practises loving-kindness, and the person who practises the Way through faith and love practises sympathetic joy and equanimity. Hence, there must be two, and not four. O World-Honoured One! "Immeasurable" means "boundless". The boundary is unattainable. Hence, " boundless" . If [something is] " immeasurable" , there can only be one, not four. If there were four, how could they be immeasurable? Therefore, there must be one, not four."
The Buddha said to Kasyapa: " O good man! The essence of what the All-Buddha- Tathagata says is undisclosed. For this reason, it is difficult to know. There are cases where he speaks about a set of causes and conditions. What there is [here] is just one. It is as when one says that all things are created things. Or there may be a case where it is said that there are two kinds. These are the direct and indirect causes, and the result. Or it may be spoken of as three. These are illusion, action and suffering. Or it may be spoken of as four. These are ignorance, created existence, birth, and age-and-death. Or it may be spoken of as five, such as: feeling, craving, cleaving, existence, and birth. Or it may be spoken of as six, which are the causes and results of the Three Times [past, present and future]. Or things may be spoken of in terms of seven, which are consciousness, mind-and-body, the six sphere, touch, feeling, craving, and cleaving. Or one might speak of eight things, which are those [of the twelve links of interdependent arising], minus the four elements of ignorance, action, birth, and age-and-death, which makes eight. Or one may speak of nine, as stated in the “Nagara Sutra”. This refers to the nine, excepting the three elements of ignorance, action, and consciousness. Or one may speak of eleven, as to Satyakanirgranthaputra. These are the eleven, excepting the one category of " birth" . At times, the Buddha speaks fully of the twelve links of interdependent arising. This is as when he spoke at Rajagriha to Kasyapa and others about ignorance all the way down to birth, age, illness, and death. O good man! A single causal relation is, for the benefit of beings, expounded in various ways. It is the same with the innumerable phases [aspects] of the mind. O good man! For this reason, do not entertain doubt in regard to the deeply-hidden action of the All-Buddha-Tathagata."
"O good man! The Tathagata-World-Honoured One enacts great expedients. He speaks of impermanence as Eternal, and of the Eternal as impermanent. He speaks of Bliss as suffering and suffering as Bliss; the impure as Pure and the Pure as impure. He speaks of the Self as selfless and of the selfless as the Self; of non-being as a beings and the real being as a non-being. A non-substance is spoken of as a substance and a substance as a non-substance. The non-real is spoken of as real and the real as non-real; the non-field of cognition as a field of cognition and the field of cognition as a non-field of cognition; non-birth as birth and birth as non-birth; ignorance as brightness and brightness as ignorance; rupa [form] as non-rupa and non-rupa as rupa; the non-Way as the Way and the Way as non-Way. O good man! The Tathagata, by using all such expedients, sets beings to rights. How could we say that anything is wrong with him?
"O good man! There may be a person who covets wealth. I then, for the sake of that person, transform myself into a chakravartin and for innumerable ages give things to him in various ways. Later, I teach him and enable him to abide in unsurpassed Enlightenment. If there is a person who clings to the five deisres, I fill up that person's clinging for innumerable ages with wonderful things that such a person desires to have, and later teach him and make him attain unsurpassed Enlightenment. If there is a rich person, strong and proud, I serve him for innumerable hundreds of thousands of years, running errands and waiting upon him, and after having won over such a person’s mind, I will cause him to attain unsurpasssed Enlightenment. If there is a person who transgresses, is self-assertive, thinks he is on the right path and quarrels with others, I shall, for innumerable ages, advise him, remonstrate with him and bring him round, and then cause him to attain unsurpassed Enlightenment. O good man! The Tathagata, for innumerable ages, enacts various means, thus causing beings to achieve unsurpassed Enlightenment. How could anything be wrong here? The All-Buddha-Tathagata may live amidst all evils, but, like the lotus, he is not tainted [by them]. O good man! You should understand the four immeasurables [i.e.” Brahma-viharas”] thus.
"O good man! There are four qualities in this limitless mind. The practice accomplished, one gains birth in the world of Great Brahma. O good man! There are thus four kinds within the limitless mind. That is why we speak of four. By practising loving-kindness [“maitri”], a person thoroughly extirpates greed. Practising compassion [“karuna”], a person extirpates anger. Practising sympathetic joy [“mudita”], a person extirpates non-bliss. By practising equanimity, a person well segregates beings from greed and anger. O good man! For this reason, we speak of four. It is not one, not two, and not three.
"O good man! As you say, loving-kindness indeed cuts out anger. If things are thus with compassion, one may say three. Do mot make such a reproof. Why not?
"O good man! Of anger, there are two kinds. One takes life; the other encourages a person. O good man! Because of this, how could it be other than four?
"Also, next, of anger there are two kinds. One is being angry towards beings, and the other towards non-beings. By practising loving-kindness, one thoroughly dispels anger towards beings; by practising compassion, one thoroughly dispels anger towards non-beings.
"Also, next, of anger, there are two kinds. One is based on causal relations and the other is not. Practising loving-kindness, one cuts away that which is based on causal relations; practising compassion, one cuts away that which is based on causal relations.
"Also, next, there are two kinds of anger. One is anger that has been accumulated over a long period in the past, and the other is that which one has just gained. By practising lovingkindness, one severs the anger from the past, and by practising compassion, one severs the anger of the present.
"Also, next, there are two kinds of anger. One is anger at holy persons, and the other at common mortals. By practising loving-kindness, one casts off anger at holy persons; by practising compassion, one casts off anger at common mortals.
"Also, next, there are two types of anger. One is top-grade, and the other is middle-grade. The practising of loving-kindness dispels top-grade anger, while practising compassion dispels middle-grade anger. O good man! For this reason, I say four. How can you reproach me and speak of three and not four? Thus, O Kasyapa, in this limitless mind, antitheses stand against one another, and classified, we get four.
"Also, it is four because of the vessel. If there is loving-kindness in the vessel, there can be no compassion, joy, and equanimity. For this reason, it is four and nothing less.
"O good man! We discriminate according to action. Hence, four. When loving-kindness is acted upon, there can be no compassion, sympathetic joy and equanimity. Hence, four. O good man! Because of limitlessness, we say four. Now, of the limitless there are four kinds. There is the case where what there is is the relation of the limitless mind, but not unmolestedness [unimpededness]. Or there is the case where the limitless mind is unmolested and it does not stand [depend] upon relations; there is the case where things stand on the relations of the limitless mind and also on unmolestedness; there is the case where things do not stand on relations and also not on unmolestedness. What is the limitless that has relations, but is not unmolested? This is the case where causal relations are had with innumerable and boundless beings, and yet there is nothing of the kind as the unmolested state of samadhi. Even if gained, it does not remain. Or one gains and loses it. What is the limitless that is unmolested and has no causal relations? It is like desiring to have causal relations with parents, brothers and sisters and to give them peace and bliss. There can be no limitless causal relations [here]. What is the limitless that has causal relations and is unmolested? This refers to all Buddhas and Bodhisattvas. What is the limitless with no causal relations and no unmolestedness? The sravakas and pratyekabuddhas cannot have unlimited relations with beings. Also, they are not unmolested [i.e. they are constrained by limitations]. O good man! Because of this, we speak of the "four limitlessnesses". This is not something any sravakas or pratyekabuddhas can know. This is what applies to the world of the All-Buddha-Tathagata. O good man! The sravakas and pratyekabuddhas may call these four the things that are limitless. But petty is what is said [by them]; it is not worth talking of. All Buddhas and Bodhisattvas should be called the "limitless limitless."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! It is thus, it is thus! It is just as you, the Holy One, say. What obtains in the world of the All-Buddha-Tathagata does not come within the reach of sravakas and pratyekabuddhas. O World-Honoured One! A Bodhisattva abides in the Mahayana Mahaparinirvana and gains a heart of loving-kindness. Is this a great heart of loving-kindness and compassion or not?" The Buddha said: " It is! O good man! The Bodhisattva sees three things as he lives with all beings, which are: 1) people on intimate relations [with him], 2) people of hateful relations, and 3) people who are in between. With those on intimate relations, there are three classes, which are: 1) top, 2) middle, and 3) low. The same with those involved in hateful relations. This Bodhisattva-mahasattva gives the highest bliss to those with whom he is on the most intimate relations. He also gives the highest bliss all-equally to those of the middle and low grades. He gives some degree of bliss to those whom he hates most, and to a person whose hatred is of middle grade he gives middle-grade bliss, and to him whose hatred is of a low level, he gives the highest bliss. The Bodhisattva thus practises from one to the other, and to the one he most hates he gives middle-grade bliss and to those whom he hates on a middling level and a low level, he gives the highest bliss. He practises and gives the highest bliss all-equally to those of the top, middle and low grades. When the highest bliss is given to one whom he most hates, we say that the heart of loving-kindness has been accomplished. The Bodhisattva, then, whether at the place of his parents or of those whom he most hates, is all-equal in mind, and there exists no mental state of discrimination. O good man! One obtains loving-kindness, but this is not called great loving-kindness."
"O World-Honoured One! Why is it that the Bodhisattva achieves such loving-kindness and yet we do not call it great loving-kindness?" " O good man! We do not call loving-kindness great loving-kindness, because it [great loving-kindness] is hard to obtain. Why so? For a long time past, over innumerable kalpas, one has amassed “asravas” [defilements, illusions] and not practised what is good. For this reason, one is unable to subdue the mind in a day. O good man! When a pea is dried up, one might try to thrust an awl through it, but one cannot. It is like that. The “asravas” are as hard as that. Try as one might single-mindedly the whole day and night through, one cannot yet subdue them. Also, the dog of a house does not fear people, and the deer of the forest fears man and runs away. Anger is difficult to do away with, like the dog that guards a house; but the heart of loving-kindness easily flees, like the deer in the forest. It is therefore hard to subdue this mind. That is why we do not say "great loving-kindness". Also, next, O good man! When we draw a picture on stone, it always remains thus. But drawn on water, it disappears immediately and its strength does not remain there. Anger is hard to do away with, like a drawing that has been done in stone. A good deed easily disappears, like a picture drawn in water. That is why it is not easy to subdue this mind. A great ball of fire sustains light for a long while; the brightness of a flash of lightning cannot endure long. It is the same here. Anger is a fire-ball; loving-kindness is like lightning. That is why this mind is hard to subdue. Hence, we do not say " great loving-kindness" .
"O good man! When a Bodhisattva-mahasattva attains the first soil [“bhumi” - level of a higher Bodhisattva], this is called "great loving-kindness". Why? O good man! The last [i.e. most] evil person is the icchantika. When a Bodhisattva of the first “bhumi” practises great loving-kindness, no discrimination exists in his mind - not even towards an icchantika. As no wrong is seen, no anger arises. For this reason, we indeed call this "great loving-kindness". O good man! He deprives all beings of what gives no benefit. This is great loving-kindness. He desires to give an uncountable amount of benefit and bliss to all beings. This is great compassion. He plants joy in the minds of all beings. This is great sympathetic joy. There is no guarding or protecting. This is great equanimity [“upeksha”]. My Dharma does not see one’s own existence and self; what is seen is that all things are viewed all-equally and with no divided mind. This is great equanimity. One forsakes one’s own bliss and gives it to others. This is great equanimity [or: great relinquishment].
"O good man! The only thing there is here is that these four limitless minds well enable the Bodhisattva to increase and perfect the six paramitas [perfections]. Things are not necessarily thus regarding others’ actions. O good man! The Bodhisattva-mahasattva first gains the four limitless minds that pertain to the world. Later, he aspires to unsurpassed Bodhichitta [resolve to win Enlightenment]. And by degrees he gains what concerns those of the supramundane world. O good man! From the limitedness of the secular world, one obtains the unlimitedness of the supramundane world. Hence, we say "great limitlessness."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! We say that the benefitless is done away with and that benefit and bliss are given. Truth to tell, nothing happens. Thinking thus is surely false. No real fruition comes about. O World-Honoured One! This is as when a bhiksu meditates on impurity and regards what he is wearing as leather, which it actually is not. He thinks that what he eats is worms. But here too, it is not really worms. He regards a beautiful soup as a defiled liquid, but it is not really anything defiled. He regards the cream that he eats as the marrow of the brain, but actually it is not a brain. He meditates on the crushed powder of bones and regards it as parched barley flour. And yet it is not really parched barley flour. The same with the case of the four limitless minds. There is not really any benefiting of beings, nor any giving to them of bliss. The mouth speaks about bliss being given. But no such thing comes about. It such a meditation not false? O World-Honoured One! If it is the case that falsehood does not exist here, but bliss [truly] is given, why is it that all beings do not gain bliss by the miraculous powers of all Buddhas and Bodhisattvas? If no bliss results in any true sense, it must be as the Buddha says: " I call to mind that in days gone by I practised loving-kindness and through seven successive stages of the dissolution and re-arising of the world in this kalpa aeon, I did not get born here. When the world was born, I saw my birth in the heaven of Brahma, and when the world underwent dissolution, I was born in the heaven of Abhasvara. Born in the heaven of Brahma, one has unmolested [i.e. unrestricted] power and cannot ever be subdued. Of the thousand Brahmas, the most superb is Great Brahma. All beings considered me as the most superb. Thirty-six times I became Sakrodevanamindra, the King of Trayastrimsa Heaven, and innumerable hundreds of thousands of times a chakravartin. Only by practising the Way of the heart of loving-kindness did I gain the fruits of man and heaven." If not true, how could things be in accord with this meaning?"
The Buddha said: Well said, well said, O good man! You are, indeed, brave and fear nothing." And for Kasyapa’s sake, he spoke in a gatha:
"If one does not feel anger
Even towards a single being
And prays to give bliss to such a being,
This is loving-kindness.
If one has compassion For all beings,
This is the holy seed.
Endless is the recompense.
Even if the five-powered rishis filled this earth And gave to Mahesvara elephants, horses And their various possessions,
The reward gained would not equal
One sixteenth of one [impulse of] loving-kindness
That is practised."
"O good man! Practising loving-kindness is true and does not come from a false mind. It is clearly the truth. The loving-kindness of sravakas and pratyekabuddhas is that which is false. With all Buddhas and Bodhisattvas, what there is [there] is the true, and not what is false. How do we know this? O good man! As the Bodhisattva-mahasattva practises the Way of Great Nirvana, he meditates upon earth and [mentally] turns it into gold, and meditates upon gold and turns it into earth, earth into water, water into fire, fire into water, earth into wind, and wind into earth. All appears as willed, and nothing is false. He meditates upon real beings and makes them into non-beings, and turns non-beings into real beings. All appears as willed and nothing is false. O good man! Know that the four limitless minds of a Bodhisattva come about from true thinking and are not what is untrue.
"Also, next, O good man! Why is it called true thinking? Because it thoroughly does away with all defilements. O good man! Now, a person who practises loving-kindness uproots all greed; one who practises compassion uproots anger; one who practises sympathetic joy uproots unhappiness; one who practises equanimity uproots greed, anger and all the aspects of things that beings have. Hence, we call this true thinking.
"Also, next, O good man! The four limitless minds of a Bodhisattva-mahasattva form the root of all good deeds. O good man! If the Bodhisattva-mahasattva does not see a poverty- stricken being, there cannot be any arising of compassion. If the compassionate mind does not arise, there will not arise any thought of giving. By means of the causal relations of giving, he bestows on beings peace and bliss. These are drink, food, vehicles, clothing, flowers, incense, bedsteads, houses, and lamps. When giving is done in this way, there is no bond in the mind and no greed arises. He definitely transfers the merit hereof to unsurpassed Enlightenment. The mind does not sit on time. The false mind is forever done away with; what is done is not done out of fear, for fame or profit. It does not seek the world of humans or gods; whatever pleasure is gained does not evoke arrogance; it does not look for rewards; giving is not done to cheat others; it does not seek wealth or respect. When giving is performed, no discrimination [distinction] is made as to whether the recipient has upheld the moral precepts or transgressed, whether he is a true field of weal or a bad field of weal, whether learned or unlearned. When giving is performed, no discrimination is drawn between the right and wrong of the vessel; no difference is seen between the right or wrong time or place. One does not think about whether there is a famine or plenitude of things and bliss. No discrimination is made as to the cause or the result thereof, or to worrying about what is right [worthy] or not right about the recipient, or whether he is rich or not rich. Also, the Bodhisattva does not trouble to look into any difference as to whether the recipient is a person who gives or one who receives, what the thing is that is given, or ceasing, or the recompense for what is given. The only thing that is done is that giving is performed without cessation.
"O good man! If the Bodhisattva looked to the upholding or infringing of the precepts, or the results thereof, there could not be any giving to the end. If there is no giving, there cannot be perfection of the danaparamita [transcendent giving]. If there is no danaparamita, there cannot be any arriving at unsurpassed Enlightenment."
"O good man! As an illustration: there is a man who has been struck by a poisoned arrow. His relatives call in a doctor to releave him of the poison and mean to extract the arrow.
The man says: "Don’t touch me for a moment! I shall think: [From where did such an arrow come? Who discharged it? Was it a Kshatriya, a Brahmin, a Vaishya or Sudra]." He also thinks: "What type of wood is this? Bamboo or willow? By whom was the iron barb made? Is it strong or soft? What bird does the feather of the arrow come from? Is it from a crow, an owl, or an eagle? What is the poison made from? Is it man-made or natural? Is it a human poison or from a poisonous snake?" An ignorant person like this can never reach the end of trying to know about all these things. Then, his life will depart. O good man! It is the same with the Bodhisattva. If, when giving, he were to seek to know whether the recipient had upheld or violated the precepts, what the effect of the gift might be - he would not be able to give, to the very end. If there is no giving, then danaparamita will not have been accomplished. If danaparamita is not accomplished, there cannot be the attainment of unsurpassed Enlightenment.
"Also, next, O good man! When the Bodhisattva-mahasattva practises giving, his kind heart sees all beings equally, like unto his own only son. Additionally when giving, his compassionate heart bestirs itself, as when a father and mother look at their own son who is ill. When giving, his heart feels joy, as when the father and mother see their child’s illness cured. When giving is performed, his mind is away from [not attached to] what is given, as when a father and mother see their son already grown up and living by himself.
"This Bodhisattva-mahasattva always vows when he benevolently gives food: " I now give this and share it with all beings and intend that by the causal relations of this act all beings should attain the food of Great Wisdom and with effort transfer the merit thereof to unsurpassed Mahayana. I pray that all beings will gain the food of Good Wisdom and that they will not seek the food of the sravakas and pratyekabuddhas. I pray that all beings will gain the food of the joy of Dharma and not seek the food of craving. I pray that all beings will gain the food of prajnaparamita [transcendent Wisdom] in abundance and that they will have the unobstructed and best root of good, which will grow greater. I pray that all beings will understand and attain the phase of the Void and perfect the unhindered body and become like space. I pray that all beings will always pity all for the sake of those who receive and will become a field of blessings." O good man! The Bodhisattva-mahasattva, when practising the heart of loving-kindness, should firmly pray thus in regard to any food that is given.
"Also, next, O good man! When the Bodhisattva-mahasattva, with a heart of lovingkindness, gives drink [to someone], he should always vow: "I share what I now give with all beings. By reason of this act, they will walk towards the river of Mahayana and partake of the water of the eight tastes, so that they can take to the path of unsurpassed Enlightenment, segregate themselves from the thirst of the sravakas and pratyeka-buddhas, and long for the unexcelled Buddha Vehicle. [I pray] that they will segregate themselves from the thirst of the defilements, and long for the food of Dharma, that they will part from the love of birth-and- death, entertain loving thoughts towards the Mahayana Mahaparinirvana, be perfect in the Dharma-Body, gain all samadhis and enter the great sea of Wisdom. I pray that all beings will partake of the taste of renunciation, abandon greed, and attain silence and quietude. I pray that all beings become perfect in the countless hundreds of thousands of tastes of Dharma. Perfect in the taste of Dharma, they will see the Buddha-Nature, and having seen the Buddha-Nature, they will rain down the rain of Dharma, and having rained down the rain of Dharma, the Buddha-Nature will overspread all like space. Also, [I pray that] all the other countless beings will attain the oneness of taste of the Dharma of Mahayana. This is not the taste of all the sravakas and pratyekabuddhas. I pray that all beings will gain the oneness of sweet taste and that there will not be any discriminative difference of the six kinds. I pray that all will solely seek the taste of Dharma, the unhindered taste of Buddhist actions and that they will not seek other tastes." O good man! When the Bodhisattva-mahasattva, with a heart of loving-kindness, bestows drink [upon others], he should take such a vow."
"Also, next, O good man! When the Bodhisattva-mahasattva, with his heart of lovingkindness, gives away vehicles, he should always pray: " I shall share what I now give with all beings, and by reason of this I shall cause all beings to become perfect in the Mahayana and abide in it. And they will not step back from the vehicle which will be unshakable and adamantine. What will be sought will not be the sravaka or pratyekabuddha vehicle, but the Buddha vehicle, an unbeaten [indestructible] vehicle, a vehicle that is not weak and is lacking in no part, one that does not fall over or sink down, the unsurpassed vehicle, the ten-powered vehicle, the great- virtue vehicle, the incomparable vehicle, the rarest of vehicles, the difficult-to-find vehicle, the boundless vehicle, and the omniscient vehicle." O good man! When the Bodhisattva-mahasattva, with his heart of loving-kindness, gives away a vehicle, he should always take such vows.
"Also, next, O good man! When the Bodhisattva-mahasattva, with his heart of lovingkindness, gives clothing [to a person], he should always pray: " I shall always share what I now give with all beings, and through this I shall enable all beings to gain the clothing of repentance and let the Dharma-world cover their body and rend asunder the clothes of all twisted views. A robe will be put on parts of the body one foot and six inches. The body that shines is golden; its touch is soft and unobstructed; its colour is brilliant; its skin is soft and delicate. The Eternal Light is unending and is colourless. I pray that all beings will gain the colourless body and part from all colours, and attain Great Nirvana." O good man! When the Bodhisattva-mahasattva gives away clothing, he should definitely take such vows.
"Also, next, O good man! When the Bodhisattva-mahasattva, practising loving-kindness, gives flowers, incense, smearing incense, powdered incense or various other kinds of incense, he should always vow: " I share with all beings what I now give, and I pray that, through this, all beings will attain the Buddha-flower samadhi, and that I shall enable them to put on their head the wonderful wig of the seven Bodhi elements. I pray that all beings will look like the full moon and that their complexion will be wonderful and best. I pray that beings will look one and be adorned with a hundred blessings. I pray that all beings will gain whatever colour they desire to have. I pray that all beings will encounter a good friend of the Way and gain the incense of unhinderedness and do away with all evil smells and defilements. I pray that all beings will be armed with the roots of good and possess rare gems. I pray that, when they see, they will feel happy and have no apprehension or sorrow, that they will all be garbed in every good deed, and that they will have no anxieties. I pray that all beings will be completely perfect in the incense of the precepts and that the fragrance of this incense will fill all the ten directions. I pray that all beings will be perfect in the precepts that are stubborn [tenacious], the unrepenting precepts, and the precepts of all Wisdom; that they will segregate themselves from all acts of precept-violation, that they will gain a state totally away from the precepts [not separate from the precepts], the precepts that are unprecedented, the precepts that need no teacher, the precepts of non-action, the untainted precepts, the last-attained, absolute and all-equal precepts. There shall be undefiled shila [precepts], no favouring, no vengeance, no good, no bad, all will be equal, with no hating and no loving. I pray that all beings will gain the topmost, the Mahayana, and the non-Hinayana precepts. I pray that all beings will be perfect in shilaparamita [transcendent morality] and also be equal to the precepts attained by all Buddhas. I pray that all beings may be suffused with the incense of giving, precept-upholding, forbearance, effort, meditation, and Wisdom. I pray that all beings will be accomplished in the all-wonderful lotus of Great Nirvana, and that the fragrance thereof will fill the ten directions. I pray that all beings will partake of the unsurpassed dishes of Great Nirvana of Mahayana and that they will act as the bee does that calls at a flower, taking along with it only its fragrance. I pray that all beings will achieve a body suffused with the incense of innumerable virtues." O good man! The Bodhisattva-mahasattva should definitely always vow as in the above way when he abides in the heart of loving-kindness and bestows flowers and incense.
"Also, next, O good man! When the Bodhisattva-mahasattva, with a heart of lovingkindness, gives away bedding, he should always vow: " I pray that I shall share amongst all beings what I now give and that, through this, all beings will obtain the bed which one sees in the Buddha-country, that they will attain great Wisdom and dwell in the four dhyanas [deep meditative states]; [I pray] that they will sleep on the bed which the Bodhisattva uses, not sleeping on those of the sravakas and pratyekabuddhas. I pray that all beings will sleep on peaceful beds, abandoning the bed of birth-and-death and will sleep in the lion’s bed of Great Nirvana. I pray that all beings will gain this bed, and later, for the sake of innumerable other beings, will move from place to place and manifest the lion’s play [sport] of all divine powers. I pray that all beings will live in the great palace of Mahayana and will preach the Buddha- Nature for the benefit of all beings. I pray that all beings will sleep in the unexcelled bed, one not subject to worldy dharmas. I pray that all beings will gain the bed of patience, thus parting from birth and death, famine, frost, and hunger. I pray that all beings will attain the bed of fearlessness and part from all the worries of the vengeance of defilement. I pray that all beings will gain the untainted bed and look for the unsurpassed right Way. I pray that all beings will gain the bed of Wonderful Dharma and always be under the protection of a good friend of the teaching. I pray that all beings will be able to sleep on their right side and abide in the Dharma of all Buddhas." O good man! When the Bodhisattva-mahasattva, with a heart of loving-kindness, gives away bedding, he should vow thus.
"Also, next, O good man! When the Bodhisattva-mahasattva, abiding in his heart of loving-kindness, gives away a house for someone to live in, he should vow: " I shall share what I now give with all beings and, by this means, I intend to have all beings dwell in the house of Mahayana and practise the Way as practised by good friends of the Way, so that they will be able to practise such as great compassion, the six paramitas, the great, true Enlightenment, the ways and practices that all Bodhisattvas follow, the boundlessly vast ways that are like space. I pray that all beings will attain the right [state of] mind and segregate themselves from all evil thoughts. I pray that all beings will peacefully abide in what is Eternal, Bliss, Self, and Purity, parting from the four inversions [of Truth]. I pray that all beings will learn what is written about the supramundane. I pray that all beings will unfailingly become the vessels of unsurpassed Wisdom. I pray that all beings will enter the house of amrta [immortality]. I pray that all beings will enter the house of Nirvana of Mahayana at their first thought, second thought, and last thought. I pray that all beings will, in the days to come, dwell in the place where the Bodhisattvas live." O good man! When the Bodhisattva-mahasattva, with his heart of loving-kindness, gives away houses, he should definitely always take such vows.
”Also, next, O good man! When the Bodhisattva-mahasattva, from his heart of lovingkindness, gives away lamp-light [lamps], he should always pray: "I shall share what I now give with all beings, and through this shall enable beings to be blessed with limitless light and to abide in the Buddhist teaching. I pray that all beings will gain the light of the lamp. I pray that all beings will be blessed with the light that is all-wonderful and best. I pray that all beings will be blessed with eyes that are clear, bright, and unclouded. I pray that all beings will gain the great Light of Wisdom and grasp the fact that they have no self, no phase of a being, man, or life. I pray that all beings will see the pristine Buddha-Nature, which is as of space. I pray that all beings will be blessed with the pure fleshly eye, so that they will be able to see the depths of the worlds of the ten directions, which are as numerous as the sands of the Ganges. I pray that all beings will be blessed with the light of the Buddha and will shine over all the ten directions. I pray that all beings will be blessed with unobstructed insight, so that they will be able to see the pristine Buddha-Nature. I pray that all beings will be blessed with the light of great Wisdom and destroy all gloom and the [state of mind of] the icchantika. I pray that the limited light of all beings will shine over all the innumerable Buddha-lands. I pray that all beings will light the lamp of Mahayana and be released from the lock of the two vehicles. I pray that the light with which all beings will be blessed will break the gloom of ignorance for over a thousand days. I pray that all beings will be blessed with the light of a fire-ball and will do away with the gloom of the 3,000 great-thousand worlds. I pray that all beings will perfect the Five Eyes [i.e. the physical eye, the deva-eye, the eye of Wisdom, the Dharma-eye, and the Eye of a Buddha] and will awaken to the true aspect of all things and attain the teacherless light. I pray that all beings will have no clinging views or ignorance. I pray that all beings will be blessed with the wonderful light of Great Nirvana of the Mahayana and will show all beings the Buddha-Nature.” O good man! When the Bodhisattva-mahasattva, from his heart of loving-kindness, gives away lamp-light, he should always vow thus. O good man! “All the roots of good of all sravakas, pratyekabuddhas, Bodhisattvas, and all Tathagatas have as their foundation loving-kindness”. O good man! When the Bodhisattva-mahasattva practises the heart of loving-kindness, he gains all such innumerable roots of good as: [mindfulness of] the impure [“asubha-smrti” - awareness of the impurity of the carnal body], [meditation upon] the exhalation and inhalation of the breath [“anapana-smrti”], [awareness of] impermanence, birth- and-death, the four mindfulnesses [“catursmrtyupasthana” - mindfulness of the impurity of the body, mindfulness of feeling as suffering, mindfulness of the mind as impermanent, and mindfulness of dharmas as contingent, without a separate, exclusive nature of their own], the seven expedients, the three views of existence, the twelve links of interdependent arising, meditation on impermanence, etc., “usmagata, ksanti” [patience], “laukikagradharma” [prime-in-the-world condition, or first-of-the-world-root-of-good], “darshana-marga” [the path of seeing], “bhavana- marga” [path of meditation], right-effort-and-at-willness, all roots and powers, the seven factors of Enlightenment [mindfulness, discriminative investigation of Dharma, vigour in practice, supersensuous rapture, pacification of body and mind, concentration, and equanimity], the eight paths [Noble Eightfold Path], the four dhyanas, the four limitless minds, the eight emancipations, the eight superior places, the ten-all-places, knowledge of mind-reading [“para-cetan-paryaya- jnana”], and other divine powers, the utmost-fathoming knowledge, the sravaka-knowledge, the pratyekabuddha-knowledge, Bodhisattva-knowledge, and Buddha-Knowledge. O good man! All such have as their foundation loving-kindness. O good man! For this reason, loving-kindness is true, and is not what is false. “If any person asks about the root of any aspect of good, say that it is loving-kindness. Thus, this is true and not false.
"O good man! A person who performs good is [one of] true thinking". True thinking is loving-kindness. Loving-kindness is the Tathagata. Loving-kindness is Mahayana. Mahayana is loving-kindness. Loving-kindness is the Tathagata. The Tathagata is loving-kindness. O good man! Loving-kindness is Great Brahma. Great Brahma is loving-kindness. Loving-kindness is the Tathagata. O good man! Loving-kindness acts as the parent to all beings. The parent is loving-kindness. Loving-kindness is the Tathagata. O good man! Loving-kindness is what exists in the inconceivable world of all Buddhas. What exists in the inconceivable world of all Buddhas is at once loving-kindness. Know that loving-kindness is the Tathagata. O good man! Loving-kindness is the Buddha-Nature of all beings. Such a Buddha-Nature has long been overshadowed by defilements. That is why all beings are unable to see. The Buddha-Nature is loving-kindness. Loving-kindness is the Tathagata. O good man! Loving-kindness is the great firmament. The great firmament is loving-kindness. Loving-kindness is the Tathagata. O good man! Loving-kindness is space. Space is loving-kindness. Loving-kindness is the Tathagata. O good man! Loving-kindness is the Eternal. The Eternal is Dharma. Dharma is the Sangha. The Sangha is loving-kindness. Loving-kindness is the Tathagata. O good man! Loving-kindness is Bliss. Bliss is Dharma. Dharma is the Sangha. The Sangha is loving-kindness. Loving-kindness is the Tathagata. O good man! Loving-kindness is the Pure. The Pure is Dharma. Dharma is the Sangha. The Sangha is loving-kindness. Loving-kindness is the Tathagata. O good man! Loving-kindness is the Self. The Self is Dharma. Dharma is the Sangha. The Sangha is loving-kindness. Loving-kindness is the Tathagata. O good man! Loving-kindness is amrta [immortality]. Amrta is loving-kindness. Loving-kindness is the Buddha-Nature. The Buddha- Nature is Dharma. Dharma is the Sangha. The Sangha is loving-kindness. Loving-kindness is the Tathagata. O good man! Loving-kindness is the supreme Way of all Bodhisattvas. The Way is loving-kindness. Loving-kindness is the Tathagata. O good man! Loving-kindness is the limitless world of the All-Buddha-World-Honoured One. The limitless world is loving-kindness. Know that loving-kindness is the Tathagata."
"O good man! If loving-kindness is non-eternal, the non-eternal is loving-kindness. Know that this loving-kindness is that of the sravaka [i.e. inferior, not the Ultimate]. If loving-kindness is suffering, suffering is loving-kindness. Know that this loving-kindness is that of the sravaka. O good man! If loving-kindness is impure, the impure is loving-kindness. Know that this loving-kindness is that of the sravaka. O good man! If loving-kindness is non-Self, non-Self is loving-kindness. Know that this loving-kindness is that of the sravaka. O good man! If loving-kindness is the mind of defilement, the mind of defilement is loving-kindness. Know that this loving-kindness is that of the sravaka. O good man! If loving-kindness cannot be called danaparamita, this is the loving-kindness of non-dana. Know that this loving-kindness is that of the sravaka. And the same with prajnaparamita. O good man! If loving-kindness cannot benefit all beings, any such loving-kindness is none but that of the sravaka. O good man! If loving-kindness does not get into the one mode of the Way, know that this loving-kindness is that of the sravaka. O good man! If loving-kindness [does not] awaken to all dharmas, know that this loving-kindness is that of the sravaka. O good man! If loving-kindness cannot see the Tathagata-Nature, know that this loving-kindness is that of the sravaka. O good man! If loving-kindness is of the “asravas” [spiritual defilements], such loving-kindness of the “asravas” is that of the sravaka. O good man! If loving-kindness is the created, the loving-kindness of the created is that of the sravaka. O good man! If loving-kindness cannot gain the first “bhumi” [first stage of a higher Bodhisattva], that loving-kindness which is not of the first “bhumi” is, know, that of the sravaka. O good man! If loving-kindness acquires the ten powers and the four fearlessnesses of the Buddha, know that this loving-kindness is that of the sravaka. O good man! If loving-kindness [merely] gains the four fruitions of Hinayana practice, this loving-kindness is that of the sravaka."
"O good man! If loving-kindness is an is" or not-is", neither is nor not-is", such lovingkindness is not something that can be known by sravakas and pratyekabuddhas. O good man! If loving-kindness is inconceivable, Dharma is inconceivable. The Buddha-Nature is inconceivable. The Tathagata too is inconceivable. O good man! If the Bodhisattva-mahasattva abides in the Mahaparinirvana of Mahayana and practises loving-kindness, he is not asleep even when resting in sleep, because he is all-effort. Though awake, he is not awake, because there is no sleeping with him. Though the gods guard him, there is none that guards, since there is none that does evil. Though sleeping, there is no dreaming of evil, because he has no evil and is far from sleeping. After death, he is born in the heaven of Brahma, but there is no birth, as he is unmolested [unrestricted]. O good man! A person who practises loving-kindness indeed accomplishes such infinite and boundless virtues. O good man! This all-wonderful sutra of Mahaparinirvana, too, accomplishes such infinite and boundless virtues. O good man! The All-Buddha-Tathagata, too, is accomplished in such infinite and boundless virtues."
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.171.86 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập