BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


 

KINH PHÁP CÚ
DHAMMAPADA

Tác giả: Nārada Mahāthera
Người dịch: Phạm Kim Khánh, 1971

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

26. BÀ-LA-MÔN 1 - BRĀHMAṆA VAGGA

Hãy làm người thấu suốt trạng thái vô tạo

1. Chinda sotaṁ parakkamma - kāmo panuda brāhmaṇa

Saṅkhārānaṁ khayaṁ ñatvā akataññū' si brāhmaṇa.

1. Hãy chuyên cần tinh tấn và đoạn dứt lòng 2, Hỡi Bà-La-Môn, hãy xa lìa ái dục. Ðã thấu hiểu sự hoại diệt của các pháp hữu lậu, này Bà-La-Môn, hãy làm người thông suốt (trạng thái) vô tạo 3 (Niết-bàn). 383.

Tích chuyện

Một thiện tín có niềm tin dũng mãnh thường để bát cúng dường chư Tăng, và khi hầu chuyện với các thầy, thường nói "Kính bạch chư vị A-La-Hán". Các vị Tỳ-khưu khiêm tốn không vui với cách xưng hô ấy nên không đến nhà vị thiện tín đó nữa. Ông thiện tín lấy làm buồn và đến hầu Phật để tìm xem tại sao chư sư không đến nhà mình. Các vị Tỳ-khưu trình bày lý do và Ðức Phật giải thích rằng sở dĩ có sự xưng hô như vậy là vì ông thiện tín muốn tỏ ý tôn kính các thầy. Ðức Phật khuyên các thầy nên kiên trì cố gắng để thành đạt đạo quả A-La-Hán bằng cách đoạn dòng ái dục.

Chú thích

1.- Bà-La-Môn - brāhmaṇa, thường được dùng như một danh từ có có tánh cách chủng tộc, chỉ một giai cấp chủng tộc, nhưng ở đây Bà-La-Môn là một vị Phật hay A-La-Hán.

2.- Dòng - sotaṁ, là dòng ái dục.

3.- Trạng thái Vô Tạo - là Niết-bàn, vì không có ai, không có cái gì tạo nên Niết-bàn. Niết-bàn là vô lậu, phát sanh không do nhân, bất tùy thế.

Hãy trau giồi tâm định và tuệ minh sát

2. Yadā dvayesu dhammesu - pāragū hoti brāhmaṇo

Atha'ssa sabbe saṁyogā - atthaṁ gacchanti jānato.

2. Khi an trụ trong hai trạng thái 1 vị Bà-La-Môn đạt đến Bờ Bên Kia 2, và tất cả mọi thằng thúc của "người thông suốt" ấy đều tiêu tan. 384.

Tích chuyện

Có những thầy Tỳ-khưu từ phương xa đến hầu Phật. Ðức Xá-Lợi-Phất (Sāriputta) thấu hiểu rằng trong các vị ấy có vài người đủ thuần thục để đắc quả nên bạch hỏi Ðức Phật về hai trạng thái mà Ðức Phật hằng dạy. Ðể trả lời, Ðức Phật đọc câu kệ trên.

Chú thích

1. Hai trạng thái - là tâm định và tuệ minh sát (vipassanā)

2. Bờ Bên Kia - là thâu thập những năng lực tinh thần cao thượng (abhiññā, oai lực thần thông).

Bà-La-Môn là người không bị ràng buộc

3. Yassa pāraṁ apāraṁ vā - pārāpāraṁ na vijjati

Vītaddaraṁ visamyuttaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

3. Người không còn bờ bên nầy 1, hay bên kia 2, cũng không còn cả hai bờ, bên nây và bên kia 3, người thoát ly phiền não và không bị ràng buộc 4 - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 385.

Tích chuyện

Ma Vương giả dạng người đến hầu Ðức Phật và bạch hỏi Ngài về bờ bên kia. Ðức Phật nhận ra, bảo rằng Ma Vương không có gì liên hệ đến bờ bên kia và Ngài đọc câu kệ trên.

Chú thích

1.- Bờ bên nay - pāraṁ, là lục căn: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý.

2.- Bờ bên kia - apāraṁ, là lục trần: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.

3.- Bên nầy và bên kia - không luyến ái điều gì như, "Ta" và "Của Ta".

4.- Không bị ràng buộc - Không dính mắc hay liên quan đến những dục vọng.

Bà-La-Môn là người hành thiền và trong sạch

4. Jhāyim virajam āsīnaṁ -katakiccaṁ anāsavaṁ

Uttamatthaṁ anuppattaṁ -tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

4. Người có hành thiền 1, vô nhiễm, và ẩn dật 2, người đã hoàn tất nhiệm vụ, và thoát ly hoặc lậu 3, người đã thành đạt mục tiêu tối thượng 4 - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 386.

Tích chuyện

Một người trong giai cấp Bà-La-Môn để ý nghe Ðức Phật thường gọi chư Tỳ-khưu, các đệ tử Ngài, là Bà-La-Môn và nghĩ rằng ông ta cũng đáng được xưng hô như thế vì vốn sanh trưởng trong một gia đình Bà-La-Môn. Ông đến bạch hỏi Ðức Phật. Ðức Phật giải đáp rằng người ta không trở thành Bà-La-Môn - tức thánh nhơn - vì sanh trưởng trong một gia đình ở giai cấp Bà-La-Môn mà vì người ta đã thành đạt Mục Tiêu Tối Thượng.

Chú thích

1.- Người có hành thiền - người có thực hành thiền an chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassanā).

2.- Ẩn dật - Asīnaṁ, sống một mình trong rừng.

3.- Thoát ly hoặc lậu - bằng cách chứng ngộ Tứ Ðế và tận diệt thằng thúc. Xem Chú thích câu 226.

4.- Mục Tiêu Tối Thượng - tức là Niết-bàn.

Ðức Phật rạng tỏ, ngày như đêm

5. Divā tapati ādicco - rattiṁ obhāti candimā

Sannaddho khattiyo tapati - jhāyī tapati brāhmaṇo

Atha sabbam ahorattiṁ - Buddho tapati tejasā.

5. Mặt trời chiếu sáng ban ngày. Mặt trăng rạng tỏ ban đêm. Nhung giáp và gươm đao chói sáng nhà vua 1 khi lâm trận. Lúc thiền định, hào quang của vị Bà-La-Môn 2 chiếu sáng. Nhưng, ngày như đêm, Ðức Phật rực rỡ sáng lòa trong vinh hạnh. 387.

Tích chuyện

Ðại đức A-Nan-Ða (Ānanda) nhận thấy một ông vua huy hoàng, một vị Tỳ-khưu ngồi hành thiền trong giảng đường, một cảnh bình minh, và một cảnh trời trăng sáng tỏ. Rồi Ngài nhìn thấy Ðức Phật sáng lòa rực rỡ trong vinh hạnh. Khi Ðại đức Ānanda bạch lại với Ðức Phật những cảm tưởng khác nhau ấy, Ðức Phật đọc lên câu kệ trên.

Chú thích

1.- Khattiya - ở đây Phạn ngữ này chỉ một vật gì có liên quan đến nhà vua.

2.- Bà-La-Môn - là một vị A-La-Hán.

3.- Giới đức của Ðức Phật có oai lực sáng tỏ, làm lu mờ điều bất thiện. Ðức hạnh (guṇa) của Ngài có oai lực làm lu mờ các tật xấu. Oai lực của trí tuệ (paññā) che lấp vô mình. Oai lực của công đức (puñña) che lấp tội khổ. Oai lực của chánh hạnh (dhamma) che lấp điều bất chánh. (Bản chú giải).

Là thánh nhơn vì đã xa lìa ác nghiệp

6. Bāhitapāpo' ti brāhmaṇo - samacariyā samaṇo' ti vuccati

Pabbājay' attano malaṁ - tanmā pabbajito' ti vuccati.

6. Vì đã xa lìa ác nghiệp người ấy được gọi là brāhmana (Bà-La-Môn). Vì sống an tịnh 1 nên gọi là samana (Sa-môn). Vì dứt bỏ ô nhiễm nên gọi là pabbajita (tu sĩ ẩn dật, hay bậc xuất gia). 388.

Tích chuyện

Một đạo sĩ ở giáo phái khác đến gần Ðức Phật và thỉnh cầu Ðức Phật gọi ông là pabbajita, tu sĩ ẩn dật hay bậc xuất gia. Ðức Phật đọc câu kệ trên để trả lời.

Chú thích

1.- Sống an tịnh - bằng cách chế ngự mọi ác nghiệp.

Chớ gây tổn hại một vị a la hán

7. Na brāhmaṇassa pahareyya - n'āssa muñcetha brāhmaṇo

Dhī brāhmaṅsassa hantāraṁ - tato dhī yassa muñcati.

7. Không nên đánh đập một vị Bà-La-Môn 1, mà Bà-La-Môn cũng không nên trút (nư giận) vào người đánh mình. Xấu hổ thay, người đánh đập một vị Bà-La-Môn! Càng xấu hổ hơn, người để (cơn giận) bộc lộ. 389.

A-La-Hán không trả thù

8. Na brāhmaṇass' etadakiñci seyyo - yadā nisedho manaso piyehi

Yato yato hiṁsamano nivattati tato tato sammatimeva dukkhaṁ.

8. Ðối với Bà-La-Môn, tánh (không trả thù) ấy là một lợi ích không. Khi tâm không còn được những vật thân yêu nuôi dưỡng, bao giờ lòng muốn hai người chấm dứt, chừng ấy, và chỉ chừng ấy, phiền não mới được chế ngự. 390.

Tích chuyện

Ngày kia ông Bà-La-Môn nọ đánh Ðại đức Xá-Lợi-Phất (Sāriputta) để xem Ngài hành pháp nhẫn nại đến mức độ nào. Vị đại đệ tử của Ðức Phật không giận. Thay vì trả thù, Ngài tha lỗi và đến nhà ông độ thực. Ðức Phật tán dương đức nhẫn nại phi thường ấy và giải thích tác phong của một vị Bà-La-Môn (A-La-Hán) thật sự.

Chú thích

1.- Bà-La-Môn - ở đây được dùng theo nghĩa A-La-Hán.

Thật sự Bà-La-Môn là người thận trọng thu thúc

9. Yassa kāyena vācā ya - manasā natthi dukkataṁ

Saṁvutaṁ tīhi ṭhānehi - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

9. Người không tạo ác nghiệp bằng thân, khẩu, hay ý, người tự điều chế trong ba lối hành động ấy - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 391.

Tích chuyện

Vài ba tu nữ không chịu làm lễ phát lồ với nữ tu sĩ Ðại đức Mahā Pajāpati Gotamī vì còn nghi ngờ tư cách Tỳ-khưu ni của bà. Ðức Phật giải thích và khuyên các bà tu nữ ấy chớ nên hoài nghi một người đã dập tắt mọi dục vọng, người đã thận trọng thu thúc ba cửa (thân, khẩu, ý).

Hãy tôn kính những bậc đáng kính

10. Yamhā dhammaṁ vijāneyya sammāsambuddhadesitaṁ

Sakkaccaṁ taṁ namasseyya aggihuttaṁ'va brāhmaṁo.

10. Nhờ ai ta thông hiểu giáo lý mà bậc Toàn Giác đã thuyết giảng, người ấy, ta phải thành kính tôn thờ như Bà-La-Môn thờ lửa thần. 392.

Tích chuyện

Ðại đức Assaji là người đầu tiên thuyết giảng Giáo Pháp cho Ðại đức Xá-Lợi-Phất (Sāriputta). Ðể tỏ lòng tôn kính người đã khai thông trí tuệ cho mình, mỗi khi đi ngủ Ðại đức Xá-Lợi-Phất quay mình về hướng của Ðại đức Assaji đang ở và đảnh lễ. Thấy vậy, vài vị Tỳ-khưu lầm tưởng là Ngài lạy bốn phương tám hướng theo một vài đạo giáo khác nên bạch lại với Ðức Phật. Ðức Phật giải thích thái độ đáng được tán dương của một người học trò biết ơn thầy.

Trong sạch thay, người chơn thật và chánh hạnh

11. Na jaṭāhi na gottena - na jaccā hoti brāhmaṇo

Yamhi saccañ ca dhammos ca so sucī so ca brāhmaṇo.

11. Không phải vì thắt tóc bính, cũng không vì thọ sanh (trong giai cấp nào), hay do gia tộc, mà người ta trở thành Bà-La-Môn. Nhưng ai có đủ cả hai, chơn lý 1 và chánh hạnh 2, người ấy quả thật trong sạch, quả thật Bà-La-Môn. 393.

Tích chuyện

Một người thuộc giai cấp Bà-La-Môn đến gần Ðức Phật và thỉnh cầu Ngài gọi ông là Bà-La-Môn cũng như người ta gọi chư vị Tỳ-khưu. Ðức Phật nói lên những lời trên.

Chú thích

1.- Có chơn lý - tức là chứng ngộ Tứ Ðế.

2.- Chánh hạnh - danh từ Dhamma ở đây chỉ chín trạng thái siêu thế: Bốn Ðạo, bốn Quả, và Niết-bàn.

Hãy thanh tịnh bên trong

12. Kiṁ te jaṭāhi dummedha - kiṁ te ajinasāṭiyā

Abbhantaraṁ te gahaṇaṁ - bāhiraṁ parimajjasi.

12. Này hỡi người kém trí, thắt tóc bính ích gì? Mặc y phục bằng da dê ích gì? Bên trong còn đầy dục vọng, bên ngoài lại điểm tô 1. 394.

Tích chuyện

Ðức Phật đọc câu kệ trên khi đề cập đến một đạo sĩ đang mưu toan giết con kỳ đà.

Chú thích

1.- Tô điểm bề ngoài - với những vật sở hữu và những đồ dùng của một đạo sĩ.

Bà-La-Môn là người hành thiền trong rừng một mình

13. Paṁsukūladharaṁ jantuṁ - kisaṁ dhamanisanthataṁ

Ekaṁ vanasmiṁ jhāyantaṁ tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

13. Người đắp y vá quàng 1, gầy ốm, gân lộ (dưới lớp da), người hành thiền một mình trong rừng - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 395.

Tích chuyện

Ðại đức Kisā Gotamī, đắp bộ y vá quàng may bằng giẻ rách lượm ở các đống rác, đi vào rừng hành thiền và từ rừng, bay về đảnh lễ Ðức Phật. Thấy vua Trời Ðế-Thích, cũng đến hầu Phật, bà vái chào rồi ra về. Vua Trời Ðế-Thích bạch hỏi Ðức Phật về bà. Ðể giải đáp, Ðức Phật đọc câu kệ trên.

Chú thích

1.- Y vá quàng - y may bằng giẻ vụn.

Bà-La-Môn là người không tài sản và không luyến ái

14. Na c' āhaṁ brāhmaṇaṁ brūmi yonijaṁ mattisambhavaṁ

Bhovādi nāma so hoti - sa ce hoti sakiñcano

Akiñcanaṁ anādānaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

14. Như Lai không gọi là Bà-La-Môn chỉ vì người ấy được sanh ra từ thai bào (của một người ở giai cấp Bà-La-Môn), hay có mẹ (là Bà-La-Môn). Người ấy chỉ là "Bhovādi" nếu tâm còn chướng ngại. Người đã thoát ly chướng ngại, thoát ly luyến ái - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 396.

Tích chuyện

Một người dòng dõi Bà-La-Môn muốn Ðức Phật gọi là "brāhmana", Bà-La-Môn. Ðức Phật trả lời với những lời trên.

Chú thích

1.- Bhovādi - Bho là một hình thức xưng hô thông thường mà chính Ðức Phật cũng thường dùng khi nói chuyện với người cư sĩ, thiện tín. Bhovādi có nghĩa là người đối thoại thân mến.

Bà-La-Môn là người tận diệt mọi thằng thúc

15. Sabasañño janam chetvā - yo ve na paritassati

Saṅgātigaṁ visaṁyuttaṁ - tam ahaṁ brñmi brāhmaṇaṁ.

15. Người đã cắt đứt mọi thằng thúc, người không còn run sợ, đã vượt hẳn ra khỏi mọi ràng buộc, không dính mắc - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 397.

Tích chuyện

Ðức Phật nói lên những lời trên khi có vài vị tăng sĩ bạch với Ngài rằng Ðại đức Uggasena, vốn đã đắc quả A-La-Hán, nói mình không còn sợ.

Bà-La-Môn là người không sân hận

16. Chetvā naddhiṁ varattañ ca sandāmaṁ sahanukkamaṁ

UkkhittaPaḷighaṁ buddhaṁ tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

16. Người đã cắt đứt dây cương (sân hận), dây thừng (luyến ái), và dây nọng (tà kiến), cùng các món đồ bắt kế (những khuynh hướng còn ngủ ngầm), vứt bỏ cây trục (vô minh), người đã giác ngộ 1 (Phật) - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 398.

Tích chuyện

Hai người cãi nhau vì ai cũng cho rằng con bò của mình mạnh hơn. Ðể tranh hơn thua, hai người chất cát đầy xe rồi bắt bò kéo. Xe không nhúc nhích mà dây, thừng đều đứt. Các vị Tỳ-khưu nhìn thấy về bạch lại với Ðức Phật. Ðức Phật khuyên các thầy nên tận diệt những thừng, dây của tâm mình.

Chú thích

1. Người đã giác ngộ - người đã thấu triệt Tứ Diệu Ðế.

Bà-La-Môn là người nhẫn nại

17. Akkhosaṁ vadhabandhañ ca aduṭṭho yo titikkhati

Khantibalaṁ balāṇīkaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhamaṇaṁ.

17. Người không tức giận, chịu đựng lời khiển trách, roi vọt, và hình phạt, người lấy hạnh nhẫn nhục làm quân lực (để bảo vệ mình) - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 399.

Tích chuyện

Một thiếu phụ nọ có thói quen đọc hồng danh Ðức Phật mỗi khi có chuyện không may xảy đến. Ông chồng phản đối, nhưng bà vẫn không bỏ thói quen ấy. Người chồng tức giận, chạy đi tìm Ðức Phật và nêu lên vài câu hỏi. Lối giải đáp của Ðức Phật bộc lộ một đức nhẫn nại phi thường, làm người chồng nóng giận kia dịu dần, xin theo Ðức Phật, và thọ lễ xuất gia. Mấy người anh của ông hay tin, đến lăng mạ Ðức Phật và chất vấn Ðức Phật tại sao quyến rũ ông. Ðức Phật nhẫn nại trước những lời nguyền rủa và giảng Pháp cho các ông ấy. Rốt cùng, các ông ấy cũng xin quy y. Khi các vị Tỳ-khưu tán dương hạnh nhẫn nại của Ðức Phật. Ngài đọc lên câu kệ trên.

Bà-La-Môn là người không nóng giận

18. Akkodhanaṁ vatavantaṁ - sīlavantaṁ anussutaṁ

Dantaṁ antimasārīraṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

18. Người không nóng giận, làm tròn nhiệm vụ 1, giới hạnh trang nghiêm, thoát khỏi ái dục, tự điều chế, và mang xác thân này lần cuối cùng 2 - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 400.

Tích chuyện

Ðại đức Xá-Lợi-Phất (Sāriputta) bị mẹ già quở mắng vì bỏ nhà đi tu, nhưng Ngài nhẫn nại chịu đựng. Khi nghe thuật lại hạnh phúc nhẫn nhục của vị đệ tử mình, Ðức Phật đọc lên những lời trên.

Chú thích

1. Làm tròn nhiệm vụ - Thận trọng tự khép mình vào khuôn khổ khắt khe của đời sống đạo hạnh.

2. Mang xác thân này lần cuối cùng - bởi vì, đã tận diệt mọi dục vọng, người ấy không còn tái sanh nữa.

Bà-La-Môn không luyến ái dục lạc

19. Vāripokkharapatt' eva - āragger' iva sāsapo

Yo na limpati kāmesu - tam ahaṁ būmi brāhmaṇāṁ.

19. Như nước trên lá sen, như hột cải trên đầu mũi kim, không luyến ái dục lạc - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 401.

Tích chuyện

Khi bà Tỳ-khưu Ni A-La-Hán nọ bị một người trước kia có thương bà, hãm hiếp, chư Tỳ-khưu bắt đầu nghi ngờ rằng chư vị A-La-Hán còn có thể bị dục lạc cám dỗ. Ðức Phật giải thích trạng thái của các Ngài.

Bà-La-Môn là người đã bỏ gánh nặng xuống

20. Yo dukkhassa pajānāti - idh' eva khayam attano

Pannabhāraṁ visamyuttaṁ tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

20. Ở đây, trên thế gian này, người chứng ngộ sự tận diệt phiền não của mình, người bỏ gánh nặng 1 xuống bên đàng, và siêu thoát 2 - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 402.

Tích chuyện

Trước khi có sắc luật liên quan đến lễ xuất gia của những người thuộc giai cấp cùng đinh, một người nô lệ thuộc quyền sở hữu của gia đình Bà-La-Môn nọ bỏ trốn, xin thọ lễ xuất gia với Ðức Phật, và sớm đắc quả A-La-Hán. Một hôm, ông Bà-La-Môn thấy vị Tỳ-khưu - trước kia là nô lệ nhà ông - đi trì bình ngoài đường, liền nắm y lại. Ðức Phật giải thích cho ông rõ rằng người nô lệ ấy đã bỏ gánh nặng lại bên đàng và Ngài tuyên ngôn như trên.

Chú thích

1. Gánh nặng - là gánh nặng của ngũ uẩn.

2. Siêu thoát - thoát ly, ra khỏi mọi ô nhiễm.

Bà-La-Môn là người đã đạt mục tiêu cùng tột

21. Gambhīrapaññam medhāviṁ maggāmaggassa kovidaṁ

Uttamatthaṁ anuppattaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

21. Người có tri kiến thâm diệu, có trí tuệ, thấu hiểu đường chánh nẻo tà 1, người đã thành đạt mục tiêu tối thượng - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 403.

Tích chuyện

Ðại đức Tỳ-khưu Ni Khemā đến đảnh lễ Ðức Phật và, thấy Vua Trời Ðế-Thích, bà ra về. Trời Ðế-Thích bạch hỏi Ðức Phật về bà. Ðức Phật giải thích rằng đó là một tín nữ của Ngài có nhiều trí tuệ.

Chú thích

1. Thấu hiểu đường chánh nẻo tà - là hiểu rõ đường nào dẫn đến khổ cảnh, đường nào dẫn đến nhàn cảnh và con đường dẫn đến Niết-bàn.

Bà-La-Môn là người không trìu mến

22. Asaṁsaṭṭhaṁ gahaṭṭhehi - anāgārehi c'ūbhayaṁ

Anokasāriṁ appicchaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

22. Người không thân thiết với hàng tại gia cũng như xuất gia, du phương đó đây, không có một nơi ở nhứt định, người không còn tham muốn - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 404.

Tích chuyện

Thầy Tỳ-khưu nọ sống trong một hang đá. Vị thần, trước kia cũng ở đó, tìm chuyện phao vu để đuổi thầy ra khỏi nơi ấy. Vị tăng sĩ không giận. Trái lại, nhờ một lời nói của vị thần khuyến khích, thầy cố gắng thành đạt đạo quả A-La-Hán. Về sau, thầy trở về hầu Phật và bạch rõ tự sự. Ðức Phật khuyên dạy những lời trên.

Bà-La-Môn là người không gây tổn thương cho bất luận ai

23. Nidhāya daṇḍaṁ bhūtesu - tasesu thāveresu ca

o na hanti na ghāteti - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

23. Người đã rời bỏ gậy gộc trong sự tiếp xúc với chúng sanh mạnh hay yếu, không sát sanh, cũng không gây tổn thương - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 405.

Tích chuyện

Một vị tăng sĩ đã đắc quả, từ trong rừng trở về hầu Phật. Một thiếu phụ, có chuyện cãi vã với chồng, bỏ nhà, cũng vào đám rừng ấy và muốn trở về cha mẹ. Ông chồng thấy mất vợ, vào rừng tìm, thấy bà vợ đi theo sau vị A-La-Hán. Ông sanh lòng ganh tỵ, đánh đập vị A-La-Hán túi bụi, mặc dầu bà vợ hết lòng bào chữa van lơn. Về sau vị A-La-Hán bạch lại cho Ðức Phật rõ câu chuyện. Ðức Phật dạy những lời trên.

Bà-La-Môn là người thân hữu giữa đám đông thù nghịch

24. Aviruddhaṁ viruddhesu - attadaṇḍesu nibbutaṁ

Sādānesu anādānaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

24. Thân hữu giữa những người thù nghịch, ôn hòa giữa đám hung hăng, không luyến ái 1 giữa đám đông người cố chấp - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 406.

Tích chuyện

Một bà tín nữ thỉnh năm vị sư về nhà trai Tăng. Ðúng theo lời, năm vị Sa-di đến nhà bà thọ thực. Nhưng, vì bà thí chủ chỉ muốn thỉnh những vị Tỳ-khưu nên bà không vui, tỏ vẻ không tôn kính và không dâng cúng vật thực. Về sau bà mới nhận ra phẩm hạnh của các vị Sa-di, mặc dầu không được tiếp đãi nồng hậu, vẫn không hề tỏ ra bất mãn. Khi nghe thuật lại câu chuyện, Ðức Phật dạy những lời trên.

Chú thích

1. Không luyến ái - những người không bám víu vào thân ngũ uẩn.

Bà-La-Môn là người lánh xa mọi khát vọng

25. Yassa rāgo ca doso ca - māno makkho ca pātito

Sāsaporiva āraggā tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

25. Người mà tham lam, sân hận, ngã mạn, phỉ báng (không bám vào được), lả tả rơi như hột cải để đầu mũi kim - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 407.

Tích chuyện

Một vị A-La-Hán khuyên người em Tỳ-khưu nên hườn tục, vì học mãi một câu kinh trong bốn tháng trời mà không thuộc. Những thầy Tỳ-khưu khác nghĩ chắc vị A-La-Hán kia nóng giận vì thấy em không thuộc được một câu kinh. Ðức Phật giải thích rằng chư vị A-La-Hán không còn cảm xúc nữa và vị kia khuyên em như vậy chỉ vì lòng tôn kính Giáo Pháp.

Chú thích

1. Xem câu 25.

Bà-La-Môn là người không xúc phạm đến ai

26. Akakkasaṁ viññāpaṇiṁ - giraṁ saccam udīraye

Yāya n'ābhisaje kiñci - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

26. Nói lời êm dịu, hiền hòa, xây dựng, chơn thật, và không xúc phạm đến ai - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 408.

Tích chuyện

Một vị A-La-Hán kia có thói quen nói chuyện với ai cũng dùng lời xưng hô như khi nói với người ở giai cấp cùng đinh. Các thầy Tỳ-khưu phản đối và bạch với Ðức Phật. Ðức Phật giải thích rằng vị ấy không có ý định xấu mà đó chỉ là một tiền khiên tật, một thói quen có năng lực dồi dào, chuyển từ kiếp sống quá khứ sang kiếp hiện tại. Và Ðức Phật đọc câu kệ trên.

Bà-La-Môn là người không trộm cắp

27. Yo' dha dīghaṁ va rassaṁ vā- aṇuṁ thālaṁ subhāsubhaṁ

Loke adinnaṁ nā diyati - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

27. Trên thế gian này, người không lấy cái gì mà không được cho đến, dầu dài hay ngắn, lớn hay nhỏ, tốt đẹp hay hư hỏng - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 409.

Tích chuyện

Một vị A-La-Hán thấy miếng vải bỏ rơi dưới đất, vừa lượm lên thì người chủ khúc vải nhận thấy, tri hô Ngài lấy trộm. Vị A-La-Hán giải thích rằng Ngài không có ý định trộm cắp và trao vải lại cho chủ. Nhưng người kia đem câu chuyện thuật cho các vị khác, và các vị ấy cười chê. Ðức Phật giải thích rằng chư vị A-La-Hán không khi nào còn trộm cắp của người khác.

Bà-La-Môn là người không tham vọng

28. Āsā yassa na vijjani - asmiṁ loke paramhi ca

Nirāsayaṁ visamyuttaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

28. Người không tham muốn điều gì trong thế gian này hay ở thế gian tới, người không còn tham vọng, và siêu thoát - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 410.

Tích chuyện

Ðại đức Xá-Lợi-Phất (Sāriputta) an cư kiết hạ ở một nơi nọ cùng với nhiều vị Tỳ-khưu khác. Khi ra hạ, Ngài khuyên các vị kia nên nhường các bộ y thiện tín đã dâng cho những nhà sư trẻ tuổi và các vị Sa-di. Rồi Ngài ra đi, trở về hầu Ðức Phật. Lúc ấy các vị kia hiểu lầm, tưởng Ðại đức Xá-Lợi-Phất còn lòng tham muốn. Ðức Phật giải thích thái độ của người đã đắc quả A-La-Hán như Ðại đức Xá-Lợi-Phất.

Bà-La-Môn là người không còn luyến ái

29. Yassālayā na vijjanti - aññāya akathaṁkathī

Amatogadhaṁ anuppattaṁ tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

29. Người không còn tham ái, người, do nhờ tri kiến, đã thành đạt bước tiến vững chắc trong (trạng thái) Bất Tử (Niết-bàn) - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 411.

Tích chuyện

Một câu chuyện tương tợ như chuyện trên xảy đến cho Ðại đức Mục-Kiền-Liên (Moggallāna).

Bà-La-Môn là người đã vượt khỏi thiện và ác

30. Yo' dha puññañ ca pāpañ ca ubho saṇgaṁ upaccagā

Asakaṁ virajaṁ suddhaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

30. Ở đây, người đã vượt khỏi cả hai điều, thiện và ác, và các ràng buộc 1, người không ưu phiền, không ô nhiễm, và thanh tịnh - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 412.

Tích chuyện

Khi các vị Tỳ-khưu tỏ lời thán phục và tán dương công đức của Ðại đức Revata, Ðức Phật ghi nhận rằng Ðại đức Revata đã vượt lên khỏi điều ác và điều thiện.

Chú thích

1. Ràng buộc - là tham, sân, si, ngã mạn và tà kiến.

Bà-La-Môn là người trong sạch

31. Candaṁ' va vimalaṁ suddhaṁ vippasannaṁ anāvilaṁ

Nandībhavaparikkhīṇaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

31. Người không bợn nhơ, như mặt trăng, người thanh tịnh, vắng lặng và không chao động 1, người đã tuyệt trừ ái dục để trở thành 2 - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 413.

Tích chuyện

Do thiện nghiệp đã tạo trong quá khứ, người nọ có được một đặc điểm lạ thường là từ rún phát sanh ánh sáng tương tợ như ánh sáng mặt trăng. Nhưng khi ông đến hầu Phật thì ánh sáng ấy tự nhiên tan mất. Ông bạch hỏi Ðức Phật vì sao. Ðức Phật hứa sẽ giải đáp chừng nào ông xuất gia. Về sau ông thọ lễ xuất gia và đắc đạo quả A-La-Hán. Lúc ấy Ðức Phật đọc lên câu kệ trên.

Chú thích

1. Không chao động - bởi những ô nhiễm.

2. Ðể trở thành - tức Hữu (bhava). Ái dẫn đến thủ và Hữu.

Bà-La-Môn là người không bám bíu vào điều chi

32. Yo imaṁ Paḷipathaṁ duggaṁ saṁsāraṁ moham accagā

Tiṇṇo pāragato jhāyī - anejo akathaṁ kathī

Anupādāya nibbuto - tam ahaṁ brūmi brāmaṇaṁ.

32. Người đã thoát ra khỏi vũng lầy này 1, con đường khó khăn này 2, đại dương của đời sống (samsāra), và si mê 3, người đã xuyên qua 4, và đi khỏi, người có suy niệm, thoát ly khỏi ái dục và hoài nghi, người không bám bíu vào điều chi, đã thành đạt Niết-bàn - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 414.

Tích chuyện

Ðức Phật tuyên ngôn như trên khi đề cập đến vị A-La-Hán Sivāli, người đã phải chịu đau đớn lâu dài khi còn ở trong lòng mẹ.

Chú thích

1. Vũng lầy này - đó là vũng lầy của tham ái v.v...

2. Con đường này - là con đường của dục vọng.

3. Si mê - những gì che lấp, không cho ta thấy Tứ Diệu Ðế.

4. Ðã xuyên qua - tức người đã vượt qua bốn trận lụt lội là ái dục, hữu, tà kiến và vô minh.

Bà-La-Môn là người đã dứt bỏ dục lạc

33. Yo' dha kāme pahatvāna - anāgāro paribbaje

Kāmabhavaparikkīṇaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

33. Trên thế gian này, người dứt bỏ dục lạc, từ khước đời sống trần gian và trở thành người không nhà cửa, người đã tuyệt trừ dục lạc và hữu - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 415.

Tích chuyện

Cô gái giang hồ nọ cố gắng cám dỗ một thầy Tỳ-khưu trẻ tuổi, xuất thân từ một gia đình giàu có, nhưng cô thất bại. Ðức Phật đọc những lời trên để khen ngợi thầy Tỳ-khưu ấy.

Bà-La-Môn là người dứt bỏ ái dục

34. Yo' dha taṇhaṁ pahatvāna anāgāro paribbaje

Taṇhābhavaparikkhīṇaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

34. Trên thế gian này, người dứt bỏ dục lạc, từ khước đời sống trần gian và trở thành người không nhà cửa, người đã tuyệt trừ dục lạc và hữu - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 416.

Tích chuyện

Một người giàu sang nọ từ bỏ thế gian, thọ lễ xuất gia và đắc quả A-La-Hán. Ðức Phật đọc những lời trên chỉ rằng vị kia không còn luyến ái tài sản, vợ con.

Bà-La-Môn là người đã tách rời mọi ràng buộc

35. Hitvā mānusakaṁ yogaṁ - dibbaṁ yogaṁ upaccagā

Sabbayogavisamyuttaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

35. Người tách rời mọi ràng buộc trong cảnh người và vượt khỏi những thằng thúc của cảnh Trời, thoát ly mọi hệ lụy - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 417.

Tích chuyện

Khi có người hỏi, một thầy Tỳ-khưu, trước kia hành nghề khiêu vũ, trả lời rằng thầy không còn mảy may nào ham muốn khiêu vũ. Giảng về sự thay đổi nếp sống và sự thành đạt đạo quả của thầy, Ðức Phật phật dạy những lời trên.

Bà-La-Môn là người đã dứt bỏ ưa và ghét

36. Hitvā ratiñ ca aratiñ ca - sītibhūtaṁ nirūpadhiṁ

Sabbalokābhibhuṁ virāṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

36. Người đã dứt bỏ ưa 1 và ghét 2, thản nhiên, không ô nhiễm 3, người đã khắc phục thế gian 4, và kiên trì cố gắng - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 418.

Tích chuyện

Một câu chuyện tương tợ như chuyện trên.

Chú thích

1. Ưa - tức luyến ái, đeo níu theo dục lạc.

2. Ghét - arati, là không ưa đời sống cô độc trong rừng (bản chú giải)

3. Ô nhiễm - upadhi, có bốn loại upadhi (ô nhiễm) là: uẩn (khandha), dục vọng (kilesa), hoạt động có tác ý (abhisaṁkhāra) và dục lạc (kāma).

4. Thế gian - đó là thế gian ngũ uẩn.

Bà-La-Môn là người không trìu mến

37. Cutiṁ yo vedi sattānaṁ - upapattiñ ca sabbaso

Asattaṁ sugataṁ buddhaṁ tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

37. Người biết rõ sự chết và sự tái sanh của chúng sanh, không trìu mến, thiện thệ 1 và giác ngộ 2 - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 419.

Bà-La-Môn là người đã đắc quả A-La-Hán

38. Yassa gatiṁ na jānanṛti - devā gandhabbamānusā

Khīṇāsavaṁ arahantaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

38. Người mà không có vị Trời, hay vị Gandhabba 3, hay người, nào biết rõ đã thọ sanh về đâu, người đã tận diệt mọi ô nhiễm và đã dập tắt mọi dục vọng (A-La-Hán) - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 420.

Tích chuyện

Người nọ tên Vangīsa có biệt tài biết được một người chết tái sanh đi đâu khi gõ nhẹ vào cái sọ của người chết. Ngày kia ông đến nơi Phật ngự và nói đúng tất cả mọi trường hợp, ngoại trừ trường hợp của một vị A-La-Hán đã viên tịch. Ông không thể biết được vị ấy đi về đâu, bà bạch hỏi Ðức Phật ông phải làm thế nào để biết. Ðức Phật nói nếu ông xuất gia Ngài sẽ chỉ dạy. Vì muốn biết, ông nọ xin thọ lễ xuất gia và sớm đắc quả A-La-Hán. Ðức Phật dạy câu trên khi nhắc đến ông.

Chú thích

1. Thiện thệ - sugataṁ, người có cuộc hành trình toàn hảo. Trong thực tế, người có sự ra đi tốt đẹp, tức là đi về Niết-bàn.

2. Giác ngộ - buddhaṁ, người đã thấu triệt Tứ Diệu Ðế.

3. Gandhabba - Càn-Thác-Bà, là một hạng chúng sanh ở cảnh Trời.

Bà-La-Môn là người không ao ước gì

39. Yassa pure ca pacchā ca - majjye ca natthi kiñcanaṁ

Akiñcanaṁ anādānaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

39. Người không bám bíu vào ngũ uẩn quá khứ, vị lai, hay hiện tại, người không bám bíu và nắm chắc - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 421.

Tích chuyện

Một bà vợ có tâm đạo rất nhiệt thành được chồng cho phép xuất gia Tỳ-khưu ni và đắc quả A-La-Hán. Ngày kia ông chồng, cũng đã thành đạt đạo quả A-Na-Hàm (Anāgāmi, Bất Lai), đến gần bà và nêu lên nhiều câu hỏi khó về Giáo Pháp để thử khả năng. Bà giải đáp thỏa đáng tất cả những câu hỏi. Khi ấy ông chồng hỏi thêm về những câu ngoài phạm vi hiểu biết của bà. Bà dẫn đến Ðức Phật. Nghe những lời giải đáp của bà, Ðức Phật khen ngợi với câu kệ trên.

Bà-La-Môn là người đã giác ngộ

40. Usabhaṁ pavaraṁ vīraṁ - mahesiṁ vijitāvinaṁ

Anejaṁ nahātakaṁ buddhaṁ tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

40. Người vô úy 1, cao thượng, anh dũng, đại hiền thánh 2, người đã khắc phục 3, không còn dục vọng, người đã rửa sạch 4 mọi nhiễm ô), đã giác ngộ 5 - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 422.

Tích chuyện

Ðức Phật đọc câu kệ trên khi nhắc đến đức vô úy của Ngài Angulimāla.

Chú thích

1. Vô úy - usabhaṁ là con trâu cổ. Ý nói người vô úy, không sợ sệt, giống như con trâu cổ.

2. Ðại hiền thánh - mahesiṁ, người tìm giới, định, tuệ cao thượng.

3. Người đã khắc phục - vijitāvinaṁ, người đã khắc phục mọi dục vọng.

4. Người đã rửa sạch - nahātakam, người đã thanh lọc mọi ô nhiễm.

5. Giác ngộ - buddhaṁ, người đã thông suốt Tứ Diệu Ðế.

Bà-La-Môn là người tự làm cho mình trở nên toàn thiện

41. Pubbenivāsaṁ yo vedī - saggāpāyañ ca passati

Atho jātikkhayaṁ patto - abhiññā vosito muni

Sabbavositavosānaṁ - tam ahaṁ brūmi brāhmaṇaṁ.

41. Bậc hiền thánh đã thấu hiểu chỗ ở trước của mình, đã thấy những cảnh nhân 1, và khổ 2, đã đến mức tận cùng của mọi kiếp sống 3, người đã, với trí tuệ cao siêu, tự mình cải tiến 4 và hoàn tất 5 đời sống phạm hạnh thiêng liêng), và chấm dứt mọi dục vọng - người ấy, Như Lai gọi là Bà-La-Môn. 423.

Tích chuyện

Một lần nọ Ðức Thế Tôn bị nhức mỏi vì bệnh phong thấp. Một thiện tín lo nấu nước nóng cho Ngài tắm. Khi bệnh tình của Ðức Phật đã được bình phục, vị thiện tín đến bạch hỏi Ngài vật cúng dường phải dâng đến cho hạng người như thế nào để được quả phước dồi dào. Ðể giải đáp, Ðức Phật đọc câu kệ trên.

Chú thích

1. Nhàn cảnh - sagga, là sáu cảnh Trời Dục, mười sáu cảnh Trời Sắc Giới và bốn cảnh Trời Vô Sắc.

2. Cảnh khổ - apāya, là bốn trạng thái bất hạnh.

3. Mức tận cùng của mọi kiếp sống - jātikkhayaṁ tức là đạo quả A-La-Hán.

4. Tự mình cải tiến - abhiññāvosito, tức là đến mức cùng tột, bằng cách thông suốt những điều phải được thông suốt, xa lìa những điều phải được xa lìa, chứng ngộ những gì phải được chứng ngộ, và trau dồi những gì phải được trau dồi. (Theo bản chú giải).

5. Hoàn tất - sabbavositavosānaṁ tức là sống đời phạm hạnh thiêng liêng dẫn đến mức tận cùng là tuệ giác có liên quan đến con đường A-La-Hán, chấm dứt mọi dục vọng.

-ooOoo-

Hạnh phúc thay, chư Phật giáng sinh!
Hạnh phúc thay, Giáo Pháp cao minh!
Hạnh phúc thay, Tăng Già hòa hiệp!
Hạnh phúc thay, Tứ Chúng đồng tu!

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26

Các bản kinh Pháp Cú khác

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh, Tỳ kheo Thiện Minh, và Bác Phạm Kim Khánh
đã gửi tặng bản vi tính và các tư liệu cần thiết để thực hiện ấn bản Internet này (Bình Anson, 01-2004).


[Trở về trang Thư Mục]

last updated: 08-01-2004