BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


 

KINH PHÁP CÚ
DHAMMAPADA

Tác giả: Nārada Mahāthera
Người dịch: Phạm Kim Khánh, 1971

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

9. ÁC - PĀPA VAGGA

Hãy gấp rút làm việc thiện dập tắt điều ác

1. Abhittharetha kalyāne - pāpā cittaṁ nivāraye

Dandhaṁ hi karoto puññaṁ - pāpasmiṁ ramati mano.

1. Hãy gấp rút làm việc thiện 1. hãy chế ngự điều ác trong tâm 2, vì tâm của người dể duôi, chậm tạo thiện nghiệp 3, sẽ ưa thích làm việc ác. 116.

Tích chuyện

Hai vợ chồng người kia chỉ có mỗi một cái quần và hai người chia nhau mặc một cái áo. Lúc vợ mặc áo thì chồng không mặc. Lúc chồng mặc thì vợ không. Ngày kia người chồng mặc áo đi nghe Ðức Phật thuyết Pháp và lấy làm thỏa thích, phát tâm muốn dâng cái áo duy nhất của hai vợ chồng anh, nhưng lúc ấy anh bị tâm luyến ái chế ngự. Suốt đêm ấy anh chiến đấu chống lại tánh vị kỷ của mình. Cuối cùng anh reo lên: "Ta đã thắng, ta đã thắng", và chạy đem dâng cái áo. Câu chuyện đến tai vua. Vua khen ngợi và ban thưởng anh xứng đáng.

Chú thích

1. Không nên hưỡn đãi khi làm việc lành. Nên nắm ngay lấy mọi cơ hội để làm điều thiện. Những hành động như thế sẽ ảnh hưởng tốt đẹp đến hạnh phúc trường cửu của ta. Cũng nên vận dụng mọi cố gắng để thanh lọc tâm, mỗi khi nó ve vãn gần điều ác. Tâm ô nhiễm sẽ thỏa thích trong tư tưởng xấu.

2. Ác - pāpa, là cái gì làm cho tâm nhiễm ô. Là cái gì dẫn ta đến trạng thái khổ cực. Danh từ "tội lỗi" không dịch đúng nghĩa Phạn ngữ pāpa vì Phật giáo không đặt vấn đề thưởng phạt. Hành động nào bắt nguồn từ ba căn tham ái (rāga), sân hận (dosa), và si mê (moha) là ác. Có mười loại hành động ác là: sát sanh, trộm cắp, tà dâm (thực hiện bằng thân), nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn, nói nhảm nhí (thực hiện bằng khẩu) và tham lam, sân hận, tà kiến (thực hiện bằng ý).

3. Thiện (nghiệp), hay phước báu - puñña, là cái gì thanh lọc tâm. Kusala là một danh từ đồng nghĩa với puñña. Có mười loại hành động tạo phước báu. Xem Chú thích những câu 42, 43.

Không nên lặp đi lặp lại điều ác

2. Pāpañ ce puriso kayirā - na taṁ kayirā punappunaṁ

Ṅa tamhi chandaṁ kayirātha - dukkho pāpassa uccayo.

2. Nếu người kia làm điều ác, người ấy không nên lặp đi lặp lại, không nên thỏa thích trong việc ác: tích ác tức thọ khổ. 117.

Tích chuyện

Một thầy Tỳ-khưu thường lặp đi lặp lại một hành động sai lạc. Ðức Phật quở rầy thầy và đọc câu kệ trên.

Hãy lặp đi lặp lại điều thiện

3. Puññaṁ ce puriso kayirā - kayirāth'etaṁ punappunaṁ

Tamhi chandaṁ kayirātha- sukho puññassa uccayo.

3. Nếu người kia làm một việc tạo phước báu, người ấy phải lặp đi lặp lại, phải tìm thỏa thích trong điều thiện ấy: tích trữ nghiệp lành là hạnh phúc. 118.

Tích chuyện

Một bà tín nữ tuy nghèo nhưng giàu tâm đạo, cúng dường vật thực đến một vị A-La-Hán. Bị rắn cắn, bà chết và tái sanh vào cảnh Trời. Từ nhàn cảnh ấy, vị Trời - trước kia là bà tín nữ nghèo - trở xuống lau dọn tịnh thất cho vị A-La-Hán để tăng trưởng thêm phước báu, nhưng vị A-La-Hán ngăn cản, không cho. Bà buồn. Ðức Phật thấy vậy khuyên dạy bà như trên.

Do quả trổ, sẽ biết hành động ác, do quả trổ, sẽ biết hành động thiện

4. Pāpo' pi passati bhadraṁ - yāva pāpaṁ na paccati

Yadā ca paccati pāpaṁ - atha pāpo pāpāni passati.

5. Bhadro' pi passati pāpaṁ - yāva bhadraṁ na paccati

yādā ca paccati bhadraṁ - atha bhadro bhadrāni passati.

4. Người làm ác có thể gặp lành, ngày nào mà quả dữ chưa trổ. Nhưng, khi quả trổ, chừng ấy họ mới thấy hậu quả tai hại. 1 119.

5. Người hành thiện có thể gặp dữ, ngày nào mà quả lành chưa trổ. Nhưng, khi quả trổ, chừng ấy người hành thiện sẽ gặt quả phúc. 2 120.

Tích chuyện

Ông Cấp Cô Ðộc (Anāthapindika) phát tâm bố thí rất trong sạch để hộ độ tăng chúng, tiêu xài hết phần lớn gia sản của ông. Bị chỉ trích là phung phí tiền của nhưng ông không màng biết đến lời chỉ trích, cứ tiếp tục cúng dường để phát triển tăng sự. Ðức Phật ngợi khen hạnh bố thí của ông và khuyến dạy các lời trên về hậu quả của những hành động tốt và xấu.

Chú thích

1. Một người xấu xa hư hèn có thể sống dồi dào phong phú nhờ hành động tốt trong quá khứ. Người ấy đang thọ hưởng hạnh phúc nhờ tiềm năng của nghiệp lành trong quá khứ mạnh hơn, đang thắng thế, và đàn áp nghiệp ác hiện tại. Do đó lắm lúc ta thấy hình như có sự bất công trên thế gian - người ác được may mắn. Nhưng một khi mà quả dữ hội đủ duyên kỳ để trổ sanh, theo định luật nghiệp báo dĩ nhiên phải có, chừng ấy người làm ác sẽ gặt quả khổ đau do hành động bất thiện của mình trong quá khứ.

2. Cũng nhiều khi người đạo đức hiền lương lại gặp phải hoạn nạn khốn cùng vì tiềm năng của nghiệp ác trong quá khứ mạnh hơn, thắng thế, và đàn áp nghiệp lành hiện tại. Người ấy chỉ rõ biết được hiệu năng là hành động thiện của mình khi mà, đúng lúc, nó sẽ trổ quả và đem lại hạnh phúc dồi dào.

Chính sự kiện có việc trái ngược trong đời - người xấu xa hư hèn được dồi dào phong phú còn người đạo đức hiền lương lại phải gặp hoạn nạn khốn cùng - là một biện minh vững chắc cho niềm tin nơi nghiệp báo và tái sanh.

Không nên xem thường điều ác

6. Māvamaññetha 1 pāpassa - na maṁ taṁ āgamissati

Udabindunipātena - udakumbho'pi pūrāti

Pūrati bālo pāpassa - thokathokam' pi ācinaṁ.

6. Không nên khinh thường điều ác, nói rằng "Nó sẽ không đến gần ta" 2. Từng giọt nhỏ rơi xuống, lâu ngày cũng làm đầy cái bình. Dường thế ấy, người cuồng dại góp nhặt mỗi lần chút ít điều ác, (ngày kia) sẽ bị cái ác thấm nhuần trọn vẹn. 121.

Tích chuyện

Vị Tỳ-khưu nọ không lưu tâm đến một lỗi lầm nhỏ mà thầy thường hay phạm đến. Mặc dầu các bạn đồng môn nhiều lần khuyên giải, thầy vẫn một mực bỏ lửng, không để ý. Khi câu chuyện đến tai Ðức Phật, trước mặt Ðức Phật thầy cũng nói rằng ta không nên quá quan tâm đến những lỗi lầm nhỏ mọn như thế. Ðức Phật khuyến dạy thầy không nên xem thường lỗi lầm, dầu nhỏ nhen thế nào.

Chú thích

1. Māppamannetha trong nhiều bổn.

2. Vì không đến gần, nó sẽ không gây tai hại cho ta.

Không nên xem thường điều thiện

7. Māvamaññetha 1 puññassa - na mam taṁ āgamissati

Udabindunipātena - udakumbho'pi purāti

Purāti dhīro puññassa - thokathokam pi ācinaṁ.

7. Không nên xem thường phước báu, nói rằng "Nó sẽ không đến gần ta" 2. Từng giọt nhỏ rơi xuống, lâu ngày cũng làm đầy cái bình. Dường thế ấy, người thiện trí góp nhặt mỗi lần chút ít điều thiện, (ngày kia) sẽ trọn vẹn thấm nhuần. 122.

Tích chuyện

Ðược biết rằng Ðức Phật thuyết Pháp mỗi khi thọ trai xong, một người thiện trí nọ đi khắp làng của mình, cổ động cho mọi người cúng dường vật thực đến Ðức Phật và chúng Tăng, kẻ ít người nhiều, tùy phương tiện. Khi đến nhà một trưởng giả, nhã ý của ông bị hiểu lầm, và ông trưởng giả chỉ đóng góp một phần rất nhỏ. Ðến lúc mọi việc đã hoàn tất tốt đẹp, người thiện trí hợp tất cả lại để tỏ lòng tri ơn. Ông trưởng giả cũng đến dự, nhưng với ý định sẽ giết người trí tuệ nếu vị này có lời khinh rẻ vì ông không đóng góp đúng theo sức. Tuy nhiên, người thiện trí vẫn cám ơn đồng đều tất cả mọi người và cầu chúc mọi người được hưởng phước báu dồi dào. Ông trưởng giả ăn năn và xin sám hối.

Nghe câu chuyện, Ðức Phật giảng về giá trị của hành động thiện, dầu chỉ là điều thiện nhỏ.

Chú thích

1. Trong nhiều bổn, chép là Māppamannetha.

2. Vì không đến gần, nó không đem phước báu đến ta.

Hãy tránh điều ác như ta lánh xa một con đường nguy hiểm

8. Vānijo' va bhayaṁ maggaṁ - appasattho mahaddhano

Visaṁ jīvitukāmo' va - pāpāni parivajjaye.

8. Như người đi buôn - mang theo nhiều tiền của mà ít bạn đồng hành - tránh con đường nguy hiểm, như người muốn sống tránh thuốc độc, cùng thế ấy, ta phải lánh xa điều ác. 123.

Tích chuyện

Một người lái buôn nhập đoàn cùng đi với nhiều vị Tỳ-khưu. Trong lúc ấy vài tướng cướp muốn giựt tiền của anh mà không được. Lúc về, các vị Tỳ-khưu bạch lại với Ðức Phật về cố gắng bất thành của các tên cướp. Nhơn đó Ðức Phật khuyên dạy câu kệ trên.

Người không có ý định xấu sẽ không tạo nghiệp ác

9. Paṇnimhi ce vaṇo n'āssa - hareyya pāṇinā visaṁ

Nābbaṇam visam anveti - natthi pāpaṁ akubbato.

9. Nếu tay không mang thương tích, ta có thể cầm thuốc độc. Chất độc không làm nguy hại người không có vết trầy. Ðiều ác không làm nguy hại người không lầm lỗi 1. 124.

Tích chuyện

Cô gái một nhà khá giả kia - vốn đã đắc quả Tu-Ðà-Hườn - đem lòng thương một người thợ săn, do sự kết hợp xa xôi trong tiền kiếp, và theo chồng. Hai vợ chồng có đông con. Bà vợ, mặc dầu Nhập Lưu, hằng ngày thường mang cung tên đưa cho chồng đi săn. Trong nhóm các vị Tỳ-khưu, có sự thắc mắc không biết hành động như vậy bà có tạo nghiệp ác không. Ðức Phật giải thích rằng vì bà không có ý định làm ác mà chỉ vâng lệnh chồng nên không tạo nghiệp ác, cũng như cầm thuốc độc mà tay không trầy trụa thì chất độc không ngấm vào người, do đó vô hại.

Chú thích

1. Không lầm lỗi - tức người không có ý định ác.

Ai gây tổn hại cho người vô tội sẽ chịu sầu muộn

10. Yo appaduṭṭhassa narassa dussati - suddhassa posassa aṅanganassa

Tam eva bālaṁ pacceti pāpaṁ - sukhumo rajo paṭivātaṁ' vakhitto.

10. Kẻ nào xâm phạm người ôn hòa, trong sạch, và vô tội, quả dữ sẽ dội trở lại kẻ cuồng dại ấy, như tung cát bụi ngược chiều gió, cát bụi sẽ bay trở vào mắt. 125.

Tích chuyện

Người thợ săn kia vào rừng với bầy chó. Trên đường đi, anh gặp một tăng sĩ. Trọn suốt buổi anh không săn được gì. Lúc trở về, anh gặp lại vị tăng sĩ. Nghĩ rằng vì gặp nhà sư nên không săn được thịt, anh nổi giận xua chó vồ vị tăng sĩ vô tội. Vị Tỳ-khưu hoảng sợ, trèo lên cây thoát thân. Tên thợ săn chưa đã nư giận, bắn một mũi tên trúng vào gót chân nhà sư. Nhà sư bị quá đau, loanh quanh làm rơi cái y xuống, trùm lên mình tên thợ săn. Ðoàn chó dữ thấy có người lúng túng trong cái y, ngỡ rằng vị tăng sĩ từ trên cây đã rơi xuống, áp lại cắn tên thợ săn đến chết. Vị Tỳ-khưu thoát nạn trở về hầu Phật và thắc mắc không biết hành động như vậy thầy có tạo ác nghiệp hay không. Ðức Phật rọi sáng cho thầy và mô tả hậu quả xấu càng tăng trưởng thêm của kẻ nhẫn tâm gây tổn hại cho người ôn hòa, vô tội.

Tái sanh tùy thuộc nơi hành động

11. Gabbham eke uppajjanti - nirayaṁ pāpakammino

Saggaṁ sugationo yanti - parinibbanti anāsavā.

11. Vài người tái sanh vào bào thai 1, người hành ác (sanh) vào khổ cảnh 2, người phẩm hạnh tốt vào nhàn cảnh 3. Bậc Không Ô Nhiễm 4 nhập diệt vào Niết-bàn. 126.

Tích chuyện

Vị Tỳ-khưu nọ thường đến nhà một người chuyên làm nghề mài kim cương, và bà vợ người này sắm sửa vật thực để cúng dường. Ngày kia, trong lúc chủ nhà đi vào trong, một con chim từ phía sau đáp xuống và, trước mắt thầy Tỳ-khưu, nuốt mất một hòn kim cương. Chủ nhà trở ra, thấy mất một viên ngọc, cật hỏi vị tăng sĩ. Thầy xác nhận mình không có lấy. Nhưng chủ nhà không tin, đánh đập thầy một cách tàn nhẫn. Máu chảy đọng vũng dưới đất. Con chim thấy máu, bay trở xuống để uống. Trong cơn giận dữ tên chủ nhà đá con chim văng ra chết. Lúc ấy vị Tỳ-khưu mới thuật lại tự sự. Chủ nhà mổ bụng chim, tìm ra viên ngọc và xin sám hối. Khi vị Tỳ-khưu trở về hầu Phật, bạch lại đầu đuôi câu chuyện, Ðức Phật dạy rằng chính hành động quyết định cho sự tái sanh. Hành động hiện tại quyết định cuộc tái sanh trong tương lai.

Chú thích

1. Theo Phật giáo có bốn lối tái sanh là:

a) Noãn sanh (aṇḍaja) sanh từ trong trứng, b) Bào sanh (jalābuja), sanh từ bào thai, c) Thấp sanh (saṁsedaja), sanh từ chỗ ẩm thấp, và d) Hóa sanh (opapātika), đột nhiên sanh ra.

Tất cả chúng sanh đều sanh ra theo một trong bốn lối ấy.

2. Khổ cảnh - Niraya, Ni là không có. Aya là hạnh phúc. Niraya là cảnh giới trong đó không có hạnh phúc, là cảnh khổ mà một chúng sanh phải chịu vì đã tạo nghiệp ác, hay nói cách khác, là trạng thái đau khổ mà chúng sanh phải chịu để trả quả bất thiện đã tạo lúc nào trong quá khứ. Khổ cảnh không phải là địa ngục trường cửu mà chúng sanh bị bắt buộc phải ở trong đó để chịu hành phạt đau khổ một cách vĩnh viễn. Ðến lúc trả xong nghiệp xấu, kẻ bất hạnh cũng có thể tái sanh vào một cảnh giới khác, an vui hạnh phúc, nhờ các thiện nghiệp đã tạo.

3. Nhàn cảnh - Sagga, su + agga, đầy hạnh phúc. Trong Dục giới (Kāmaloka) cảnh người và sáu cảnh Trời dục được xem là cảnh giới hạnh phúc. Chúng sanh ở trong cảnh giới này cũng không trường tồn vĩnh cửu.

4. Bậc Không Ô Nhiễm - chư vị A-La-Hán, sau khi chết không còn tái sanh nữa mà nhập Niết-bàn.

Không ai tránh được hậu quả của nghiệp ác đã tạo

12. Na antaḷikkhe na samuddhamajjhe - na pabbatānaṁ vivaraṁ pavissa

Na vijjati so jagatippadeso - yatthaṭṭhito muñceyya pāpakammā.

12. Không phải trên trời, giữa biển hay trong hang núi mà người tạo nghiệp ác có thể tìm được nơi nào trên thế gian này để lẩn trốn (hậu quả) của hành động bất thiện. 127.

Tích chuyện

Ba nhóm Tỳ-khưu đến yết kiến Ðức Phật. Trên đường đi, nhóm thứ nhứt thấy một con quạ đang bay bị thiêu đốt đến chết. Nhóm thứ nhì thấy một thiếu phụ bị chết đắm giữa đại dương, còn nhóm thứ ba thì thấy bảy vị Tỳ-khưu bị nhốt trong hang đá bảy ngày. Tất cả các vị ấy đều xin Ðức Phật giải thích. Ðức Phật giải rằng trong một tiền kiếp, con quạ làm anh nông dân hung bạo, thiêu đốt đến chết một con bò lười biếng, thiếu phụ trấn nước một con chó và bảy vị Tỳ-khưu làm kẻ chăn bò, cột con kỳ đà trên một ổ kiến trong bảy ngày. Ðức Phật thêm rằng không ai tránh được hậu quả của nghiệp ác đã tạo.

Chú thích

Theo đúng giáo lý của Ðức Phật, không thể van lơn cầu cạnh, hay hối lộ, hoặc gian lận bằng cách nào mà ta thay đổi được định luật nhân quả, cũng không thể lẩn trốn nơi nào trên thế gian, dầu trên trời rộng minh mông, giữa đại dương sâu thẳm, hoặc ở thâm sơn cùng cốc mà ta tránh khỏi hậu quả của nghiệp ác đã tạo. Không có vị Trời nào, chí đến Ðức Phật đi nữa, có thể can thiệp vào sự báo ứng của nghiệp.

Không thể khắc phục cái chết

13. Na antaḷikkhe na samuddamajjhe - na pabbatānaṁ vivaraṁ pavissa

Na vijjati so jagatippadeso -yatthaṭṭhitaṁ nappasahetha maccu.

13. Không phải trên trời, giữa biển, hay trong hang sâu núi thẳm, mà có thể tìm được nơi nào trên thế gian này để tránh khỏi tử thần. 128.

Tích chuyện

Vua Suppabuddha, cha của công chúa Da-Du-Ðà-La (Yasodharā), tức giận Ðức Phật vì Ngài bỏ con gái của vua ra đi, nên không ngừng quấy rối Ðức Phật. Ðức Phật tiên đoán rằng nhà vua sẽ chết một cách thê thảm. Vua Suppabuddha cố tránh, nhưng sau cùng phải chịu một cái chết vô cùng ghê gớm.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26

Các bản kinh Pháp Cú khác

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh, Tỳ kheo Thiện Minh, và Bác Phạm Kim Khánh
đã gửi tặng bản vi tính và các tư liệu cần thiết để thực hiện ấn bản Internet này (Bình Anson, 01-2004).


[Trở về trang Thư Mục]

last updated: 08-01-2004