BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with VU Times font |
KINH PHÁP CÚ Tác giả: Nārada
Mahāthera
|
Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode) |
1. SONG YẾU - YAMAKA(1) VAGGA Làm ác gặp dữ
Tích chuyện Một người đứng tuổi có tâm đạo nhiệt thành, tên Cakkhupāla, xuất gia theo Ðức Phật và tận lực chuyên cần tu niệm. Nếp sống kiên trì cố gắng sớm đưa vị Tỳ-khưu chơn chánh ấy đến đạo quả A-La-Hán 4, từng thánh cùng tột. Nhưng không may, Ngài bị mù hai mắt. Ngày kia, khi đi kinh hành, Ngài vô tình làm chết nhiều côn trùng. Vài vị Tỳ-khưu ở nơi khác đến viếng, thấy có dấu máu trên đường kinh hành, mách với Ðức Phật rằng Ngài đã phạm giới sát sanh. Ðức Phật giải thích rằng Ðại đức Cakkhupāla đã đắc quả A-La-Hán, không cố ý mà chỉ vô tình làm chết những côn trùng ấy. Lúc bấy giờ các vị Tỳ-khưu muốn biết tại sao Ðại đức Cakkhupāla lại phải bị mù. Ðức Phật thuật rằng trong một kiếp sống trước kia, làm lương y, chính Đại đức Cakkhupāla có chữa bệnh đau mắt cho một thiếu phụ nghèo. Bà hứa đến lúc khỏi bệnh, bà và con gái bà sẽ về làm công trong nhà ông lương y. Thuốc quả thật công hiệu, nhưng bà không giữ lời hứa, viện lẽ rằng mắt bà còn tệ hơn trước. Vị lương y ác độc liền nảy sanh một ý tưởng tội lỗi. Ðể trả thù, ông cho thiếu phụ nghèo một thứ thuốc làm mù luôn cả hai mắt. Do nghiệp ác trong quá khứ, tuy vị Tỳ-khưu đã đắc quả A-La-Hán, vẫn phải mang tật mù. Ðây là phương diện nhân quả tương xứng (gieo giống nào thì gặt giống nấy) của định luật Nghiệp báo. Còn một phương diện nữa là quả trổ liên tục (như một nhà bác học, thâu thập kiến thức trong đời sống, đến lúc chết và tái sanh, những kiến thức ấy là nhân sanh quả trong kiếp sống mới). Một vị A-La-Hán, dầu đã thanh lọc mọi ô nhiễm, vẫn còn phải gặt hái những quả mà chính Ngài đã gieo trong quá khứ xa xôi. Chư Phật và chư vị A-La-Hán không còn tạo nghiệp mới vì các Ngài đã tận diệt mọi căn cội - vô minh và ái dục - nhưng, cũng như tất cả chúng sanh khác, các Ngài không thể tránh khỏi hậu quả dĩ nhiên của những hành động, tốt và xấu, của chính các Ngài trong quá khứ. Chú thích 1. Yamaka - có nghĩa là một cặp, một đôi. Chương, hay phẩm (Vagga), này gọi là Yamaka vì gồm mười cặp những câu song song. 2. Dhamma - là một danh từ có rất nhiều ý nghĩa, thường được dịch là Pháp. Trong hai câu Pháp cú đầu tiên này, dhamma có nghĩa là nghiệp (kamma hay karma), tức là tác ý (cetanā) và những tâm sở khác cùng nằm chung trong một loại tâm nào đó, thiện hay bất thiện. Như trường hợp câu đầu thì dhamma là những tâm sở (cetasika) xấu, bất thiện. Nếu không có tâm hay thức tức nhiên các tâm sở ấy không thể phát sanh. Do đó tâm là cái đến trước, tâm dẫn đầu tất cả những tâm sở thiện và bất thiện. Trong các tâm sở, (cetanā) hay tác ý là quan trọng hơn hết. Chính tác ý (cetanā) tạo nghiệp bởi vì, như Ðức Phật dạy: "Như Lai tuyên bố, chính tác ý là Nghiệp". Tâm dẫn đầu mọi hành động và tác dụng như thành phần chánh yếu trong khi tác hành, cũng như trong khi quyết định hoạt động. Chính tâm điều khiển và tạo tác hành động, bằng Thân, Khẩu, hay Ý. Trong cặp song yếu này Ðức Phật nhấn mạnh vào vai trò rất quan trọng của tâm trong đời sống con người, và từ đó, Ðức Phật giải thích bằng cách nào hành động có thể trở nên tốt hay xấu, thiện hay bất thiện, tùy theo trạng thái tâm. Cuối cùng Ngài nhắc đến những hậu quả dĩ nhiên phải có của những hành động tương tợ và nêu lên hai thí dụ điển hình. 3. "Sự vật đi theo tâm" - Bà Rhys Davids. "Bản chất (tinh thần) là kết quả của những gì ta tư tưởng" - Radhakrishnan. "Chúng ta như thế nào, tất cả đều là hậu quả của những gì chúng ta tư tưởng". - Irving Babbit. 4. A-La-Hán - Arahat, đúng theo nghĩa uyên nguyên của danh từ, là Ứng Cúng, xứng đáng cho chúng sanh lễ bái cúng dường, hay bậc hoàn toàn Trong Sạch, vì đã tận diệt mọi khát vọng. Bậc A-La-Hán không còn tích trữ nghiệp mới vì đã diệt trừ trọn vẹn Tham, Sân, Si. Ngài đã chấm dứt cả sanh lẫn tử. Ngài còn có thể gặt hái quả lành hay dữ của nghiệp đã tạo trong quá khứ cho đến hết kiếp sống cuối cùng. Hành thiện gặp lành
Tích chuyện Maṭṭakuṇḍali là con trai duy nhứt của một nhà triệu phú keo kiết. Hôm nọ chàng lâm trọng bệnh và sắp chết đến nơi vì ông cha triệu phú của chàng không nỡ tiêu xài món tiền để rước lương y điều trị. Với thiên nhãn, Ðức Phật nhận thấy cảnh trạng đau thương của chàng trai đang hấp hối và xuất hiện trước chàng. Người thanh niên lấy làm hoan hỉ được chính mắt chiêm ngưỡng dung nhan Ðức Phật và trút hơi trở cuối cùng với tâm trong sạch, đầy niềm tin tưởng nơi Ngài. Chàng tái sanh vào cảnh Trời. Chú thích 1. Riêng trong câu này danh từ dhamma hàm ý nghĩa nghiệp tốt (hành động thiện). 2. Ðức Phật truyền dạy hai câu song yếu này trong hai trường hợp khác nhau để chỉ rõ hậu quả dĩ nhiên phải có của những hành động, tốt cũng như xấu. Con người gặt hái những gì đã gieo trong quá khứ hay đang gieo trong hiện tại. Cái mà con người đang gieo bây giờ, con người phải gặt hái, hoặc ngay trong hiện tại hoặc một lúc nào trong vị lai, vào một cơ hội thích ứng. Chính con người lãnh lấy trách nhiệm tạo cho mình hạnh phúc hay khốn cùng. Con người tạo cho mình thiên đàng hay địa ngục. Con người xây dựng số phận cho chính mình. Cái mà con người làm ra, hợp lại, con người có thể phá tan, tháo mở ra được. Phật giáo giảng dạy trách nhiệm của mỗi người đối với chính mình, và tánh cách dĩ nhiên phải có, không thể lẩn tránh, của định luật nhân quả. Ta gặt hái tương xứng với cái gì mà ta đã gieo. Nhưng không bắt buộc phải gặt hết tất cả hậu quả của những gì đã gieo. Nếu phải gặt hái tất cả ắt không thể có giải thoát. Trả thù báo oán, không dẫn đến an tịnh
Tích chuyện Ðại đức Tissa ỷ mình là em họ Ðức Phật nên không tôn trọng các vị sư cao hạ khác. Khi các vị này chỉ dạy để sửa sai hạnh kiểm lầm lạc ấy thì Ðại đức Tissa cảm thấy tự ái bị tổn thương, đến than phiền với Ðức Phật. Ðức Phật biết rõ mọi chuyện, khuyên nhủ Ðại đức Tissa nên sám hối, nhưng Ðại đức Tissa không nghe. Lúc bấy giờ Ðức Phật thuật một câu chuyện nhắc lại rằng trong tiền kiếp có lần Ðại đức Tissa đã hành động tương tợ. Về sau Ðại đức Tissa chịu nghe lời dạy của Ðức Phật, đến xin sám hối với các vị sư cao hạ. Chú thích Ðức Phật hằng khuyên dạy hàng tín đồ không nên trả thù báo oán mà phải hành pháp nhẫn nại, luôn luôn, trong mọi trường hợp, ở mọi nơi, trước mọi khiêu khích. Ðức Phật tán dương những ai sẵn sàng chịu đựng lỗi lầm của kẻ khác, mặc dầu trong tay có đủ quyền lực để trả thù. Trong quyển Pháp Cú này có nhiều trường hợp cho thấy rằng Ðức Phật luôn luôn hành pháp nhẫn nại, dầu lắm khi Ngài cũng bị chỉ trích thậm tệ, bị chưởi mắng và bị tấn công. Nhẫn nại không bao giờ là dấu hiệu của sự ương hèn yếu kém, hay chủ bại, đầu hàng, mà trái lại là sức mạnh bất khuất của con người tự chủ. Tình thương chinh phục được lòng sân hận
Tích chuyện Người kia có hai vợ. Một có con và một không. Bà không con đem lòng ganh tỵ, trộn thuốc độc vào thức ăn của bà kia, hại bà này hai lần hư thai. Ðến lần thứ ba, thuốc độc làm cho bà đang có mang cùng chết với đứa bé trong lòng và với tâm cương quyết báo oán cho cả hai mẹ con. Rồi bà thực hành ý định. Bà nọ, bị trả thù, cũng quyết tâm trả lại thù. Và như thế ấy thù oán trả qua trả lại, hết bà này đến bà kia, qua lại trong hai kiếp sống liên tục. Tuy nhiên, đến kiếp tái sanh thứ ba, cơ hội đưa đẩy hai bà cùng đến gặp Ðức Phật và sau đó nhờ Ngài khuyên giải, chấm dứt hận thù. Chú thích 1. Tình thương - avera, đúng nghĩa của danh từ, là không sân hận. Ở đây, danh từ avera chỉ đức tánh trái nghịch với tâm sân, tức tâm Từ (Mettā). 2. Ðịnh luật trường cửu - sanantana, một nguyên tắc thời xưa mà Ðức Phật và hàng môn đệ của Ngài cùng theo. (Chú giải). Tư tưởng chơn chánh chấm dứt những mối bất hòa
Tích chuyện Một câu chuyện xích mích thường tình giữa các thầy Tỳ-khưu đưa đến cuộc tranh chấp bất hạnh. Những nhà sư có tánh gây gổ không chịu nghe lời khuyên giải. Cho đến những lời phân xử của Ðức Phật cũng không giảng hòa được các thầy. Sau cùng, Ðức Phật bỏ vào rừng, nhập hạ luôn trong ấy. Do áp lực của các thiện tín cư sĩ các thầy phải đi tìm Ðức Phật, xin sám hối, và thỉnh Ngài về. Lúc bấy giờ Ðức Phật tuyên ngôn lời dạy trên. Chú thích 1. Người khác - những người có tánh ưa tranh chấp, gây gổ. 2. Yamāmase - do căn yam, có nghĩa chết, hay tự chế. 3. Có thể phiên dịch phần đầu câu như sau: - Những người khác không biết rằng ở đây ta phải tự chế. Người yếu bị sa ngã trước sự cám dỗ người mạnh thì không
Tích chuyện Hai anh em xuất gia theo Ðức Phật. Anh nhiệt tâm tu hành, em không tin tưởng. Nhà sư trẻ, kém niềm tin, luôn luôn tưởng nhớ đến dục lạc và sa ngã trước sự khuyến dụ của những bà trước kia là vợ thầy. Trái lại, vị Tỳ-khưu lớn tuổi thì kiên trì cố gắng và đắc quả A-La-Hán. Các bà trước kia là vợ Ngài hết lòng đưa đẩy Ngài vào trong trụy lạc nhưng đều thất bại. Chú thích
Người trong sạch đáng mặc y vàng (áo cà sa), người ô nhiễm thì không xứng
Tích chuyện Phần đông thiện tín ưng thuận dâng một bộ y quý giá đến Ðại đức Ðề-Bà-Ðạt-Ða (Devadatta) thay vì dâng đến Ðại đức Xá-Lợi-Phất (Sāriputta) vị đại đệ tử của Ðức Phật. Một vài thiện tín có tâm đạo, thấy Ðề-Bà-Ðạt-Ða (Devadatta) đắp y, lưu ý rằng thầy không xứng đáng được danh dự ấy. Nhơn cơ hội, Ðức Phật dạy rằng trong một tiền kiếp thầy đã hành động tương tợ và giải thích ai là người xứng đáng khoác lên mình bộ y vàng, tượng trưng cho bậc Thinh văn đệ tử. Chú thích 1. Y vàng, hay áo cà sa - Kasāva, là những bợn nhơ của dục vọng. Kasāva cũng có nghĩa là bộ y nhuộm vàng, hay áo càsa, một sắc tướng tượng trưng hạnh từ khước, dứt bỏ, xuất gia. Nhuộm y màu vàng để cho bộ y hết đẹp, không còn giá trị vật chất. Ở đây là một lối chơi chữ. Sắc tướng bên ngoài của đời sống Thiêng Liêng Ðạo Hạnh không có nghĩa lý gì nếu không có sự trong sạch bên trong. Trong một trường hợp khác Ðức Phật ghi nhận rằng con người trong sạch chính thật là người ẩn dật lý tưởng hay Tỳ-khưu (bhikkhu), dầu bên ngoài, sắc tướng như thế nào đi nữa. (xem câu 142). Tri kiến chơn chánh dẫn đến chứng ngộ chơn lý
Tích chuyện Hai vị Ðại đức Xá-Lợi-Phất (Sāriputta) và Mục-Kiền-Liên (Moggallāna) bạch với Ðức Phật rằng hai Ngài không thể thuyết phục được ông thầy của mình trước kia đến gặp Ðức Phật và nghe giáo Pháp vì vị này còn quá luyến ái tín đồ. Nhơn cơ hội, Ðức Phật giải thích sự khác biệt giữa những người suy luận chơn chánh và những người suy luận sai lầm và hậu quả dĩ nhiên của mỗi lối suy luận. Chú thích 1. Chánh yếu sāra là cái lõi cây, hay tinh hoa. Asāra là những gì không chánh yếu như nhu cầu của đời sống, tà kiếm v.v... Sāra là những gì chánh yếu như chánh kiến (sammā diṭṭhi), giới (sīla), định (samādhi), tuệ (pannā) v.v... Không thể thành tựu được tinh hoa của đời sống thiêng liêng đạo hạnh bằng cách sai lầm xem cái không chánh yếu là chánh yếu. Cái chánh yếu lại coi không chánh yếu. Trong kinh Mahā Sāropama Sutta (Majjhima Nikāya, số 29) Ðức Phật so sánh lá và cành của cây với lợi lộc và danh vọng, vỏ cây như giới, thân cây bọc ngoài cái lõi như định, trái cây như năm phép thần thông (abhiññā) và lõi cây như đạo quả A-La-Hán. 2. Ý tưởng sai lạc - như tham dục (kāma), sân hận hay ác ý (vyāpāda), và hung bạo (vihiṁsā). 3. Ý tưởng chơn chánh - như xuất gia, từ khước, tức không luyến ái (nekkhamma), thiện ý hay tâm Từ (avyāpāda), và dịu hiền, tức không hung bạo (avihiṁsā). Những tư tưởng trong sạch này gồm thành chi thứ nhì của Bát Chánh Ðạo, chánh tư duy. Tham dục đâm thủng tâm người không trau giồi, nhưng không thể gây tổn hại đến tâm người thuần thục
Tích chuyện Hoàng tử Nanda, em cùng cha khác mẹ với Ðức Phật, xuất gia theo Ðức Phật ngay trong ngày lễ cưới của ông. Thay vì cố gắng hành thiền, Tỳ-khưu Nanda luôn luôn tưởng nhớ đến bà vợ chưa cưới. Ðức Phật dùng một phương pháp hữu hiệu giúp thầy lìa bỏ những tư tưởng tham dục trước kia và đắc quả A-La-Hán. Ðức Phật ví tâm trạng tham dục như mái nhà lá lợp không kỹ và trạng thái trong sạch sau này của Ngài Nanda như mái nhà khéo lợp. Chú thích 1. Tâm phát triển đầy đủ - Bhāvitam, đúng nghĩa uyên nguyên của danh từ, là làm cho trở thành, tức là đào luyện bằng thiền định, phương pháp gom tâm an trụ vào một điểm và trở nên an tịnh. Tâm cũng được rèn luyện bằng phương pháp suy niệm, đưa đến tri kiến, thông suốt bản chất thật sự của sự vật, hiểu sự vật như thực, chứng ngộ chơn tướng của sự vật. Mục tiêu cứu cánh của Phật giáo là thành tựu hai từng tâm phát triển ấy. Thể dục đối với thể xác như thế nào thì công trình hành thiền đối với tâm cũng như thế ấy. Một cái tâm đã thuần thục không còn dễ gì bị dục vọng chế ngự. Người làm ác chịu đau khổ ở đây và sau đây
Tích chuyện Một người đồ tể, suốt đời sanh sống bằng cách giết heo, phải chịu đau khổ cùng cực trong những ngày cuối cùng của anh. Trước khi lìa trần anh phải lăn lộn trên sàn nhà, kêu la rên siết vô cùng thảm hại, giống như một con heo bị đem ra làm thịt. Chết, anh tái sanh vào khổ hạnh. Chú thích 1. Trong hiện tại người làm ác đau khổ, về tinh thần, vì ăn năn hối hận những điềm xấu xa đã làm. 2. Trong tương lai người làm ác phải gặt hái quả dữ của những hành động xấu. Người hành thiện có hạnh phúc, ở đây và sau đây
Tích chuyện Một người có tâm đạo nhiệt thành và có đời sống đạo hạnh đang hấp hối trên giường chết, thỏa thích nhìn thấy những cảnh trạng hạnh phúc 3. Sau khi trút hơi thở cuối cùng một cách an vui người ấy tái sanh vào nhàn cảnh 4. Chú thích 1. Ở đây hoan hỉ - khi suy niệm về những hành động tốt của mình. 2. Sau đây hoan hỉ - khi gặt hái những quả lành, đáng được ưa thích, của hành động mình trong quá khứ. 3. Theo Phật giáo, kiếp tái sanh sắp tới được quyết định do tiến trình tư tưởng cuối cùng của người sắp lâm chung. 4. Nhàn cảnh - người Phật tử không tin rằng quả địa cầu này là cảnh giới duy nhứt và loài người là chúng sanh duy nhứt. Có nhiều cảnh giới, còn chúng sanh thì vô số kể. Sau khi chết ta có thể tái sanh làm người hoặc vào một trạng thái cao hơn, cảnh Trời, tùy theo hành động của chính ta. Cái được gọi là chúng sanh, trong kiếp sống kế, không phải hoàn toàn giống như chúng sanh trước (vì đã đổi thay) nhưng cũng không tuyệt đối là khác (vì cả hai đều nằm trong một luồng sống). Phật giáo phủ nhận một chúng sanh trước sau như nhứt, nhưng xác nhận có một tiến trình trước cũng như sau. Người làm ác than van ở đây và sau đây
Tích chuyện Ðại đức Ðề-Bà-Ðạt-Ða (Devadatta) âm mưu sát hại Ðức Phật, nhưng thất bại. Ðến khi già yếu, thầy ăn năn hối hận và mong muốn được yết kiến Ðức Phật. Trong khi người ta khiêng thầy đi thì thầy chết một cách vô cùng thảm hại đau thương. Chú thích 1. Khổ cảnh - Duggati, là một trạng thái đau khổ. Sugati là trạng thái hạnh phúc, nhàn cảnh. Kiếp sống trong những trạng thái này chỉ tạm bợ, nhứt thời. Sống trong một thời gian rồi lại chết và tái sanh nữa. Người sống chơn chánh được hạnh phúc
Tích chuyện Sumanā là con gái út của ông Cấp Cô Ðộc (Anāthapiṇḍika), vị đại thí chủ thời Ðức Phật. Trong giờ lâm chung, cô gọi cha là "em" và chết một cách an lành. Ông cha lấy làm buồn nghe con mình - vốn có tâm đạo nhiệt thành - nói những lời không có ý nghĩa trong giờ phút quan trọng như vậy. Khi ông bạch lại với Ðức Phật thì Ngài giải thích rằng sở dĩ cô gái út của ông gọi ông bằng (em) là vì cô đã đắc quả Tư-Ðà-Hàm (Sakadāgāmi, Nhứt Lai) còn ông thì chỉ đắc quả Tu-Ðà-Huờn (Sotāpatti, Nhập Lưu). Học mà không hành thì vô bổ
Tích chuyện Có hai vị Tỳ-khưu. Một, thông suốt giáo Pháp nhưng còn là phàm tăng. Vị kia, tuy không học nhiều nhưng thực hành đầy đủ và đắc quả A-La-Hán. Vị phàm tăng không thực hành những điều đã học. Vị kia trái lại, tuy biết ít nhưng thực hành trọn vẹn giáo Pháp nên đã chứng ngộ Niết-bàn, thọ hưởng quả vị của đời sống thiêng liêng đạo hạnh. Một hôm vị Tỳ-khưu học rộng muốn gây rối cho vị Thánh Tăng trước mặt Ðức Phật, đặt ra nhiều câu hỏi gút mắc. Biết rõ ý định thấp hèn ấy, Ðức Phật nêu ra vài câu hỏi có liên quan đến sự chứng ngộ giáo Pháp. Theo kinh nghiệm bản thân, vị A-La-Hán trả lời được tất cả nhưng vị phàm tăng thì không, vì không thành tựu được Thánh Ðạo nào. Nhơn dịp này, Ðức Phật ca ngợi vị A-La-Hán đã thực hành giáo huấn của Ngài, mặc dầu không thông suốt Giáo Pháp bằng vị phàm tăng. Chú thích 1. Kinh Luật - Sahitam : Saha + Hitaṁ, là cái gì liên quan đến, dính liền, hay kết hợp với điều có lợi ích. Bản chú giải ghi nhận rằng Sahitaṁ đồng nghĩa với Tam Tạng Kinh (Tipiṭaka, ba cái giỏ) mà Ðức Phật đã dạy. Ba Tạng là Tạng Luật (Vinaya Piṭaka, giỏ đựng giới Luật), Tạng Kinh (Sutta Piṭaka, giỏ đựng Kinh) và Tạng Luận (Abhidhamma Piṭaka, giỏ đựng giáo lý cao siêu). 2. Quả vị của đời sống Thiêng Liêng Ðạo Hạnh - là bốn từng thánh: Tu-Ðà-Huờn (Sotāpatti, Nhập Lưu), Tư-Ðà-Hàm (Sakadāgāmi, Nhứt Lai), A-Na-Hàm (Anāgāmi, Bất Lai) và A-La-Hán (Arahanta, Ứng Cúng). 3. Sāmaññassa, đúng nghĩa uyên nguyên, là trạng thái của một vị Tỳ-khưu, hay Sa-môn, tức là đời sống thiêng liêng. Theo Phật giáo, pháp học sẽ không bổ ích nếu không thật sự thực hành điều đã học. Như vậy, Phật giáo không phải là một triết học suông mà là con đường Giác ngộ (Giác Ðạo) duy nhứt. -ooOoo- Ðầu
trang | Mục
lục | 01 | 02
| 03 | 04 | 05
| 06 | 07 | 08
| 09 | 10 | |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh, Tỳ kheo Thiện Minh, và
Bác Phạm Kim Khánh
đã gửi tặng bản vi tính và các tư liệu cần thiết để thực hiện ấn bản Internet
này (Bình Anson, 01-2004).
last updated: 13-01-2004