BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


 

KINH PHÁP CÚ
DHAMMAPADA

Tác giả: Nārada Mahāthera
Người dịch: Phạm Kim Khánh, 1971

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

8. NGÀN - SAHASSA VAGGA

Một lời hữu ích hơn hằng ngàn tiếng nói vô dụng

1. Sahassam api ce vācā - anatthapadasaṁhitā

Ekaṁ gāthāpadaṁ seyyo - yaṁ sutvā upasammati.

1. Chỉ một lời hữu ích, làm cho người nghe an tịnh, còn qúy hơn cả ngàn tiếng nói vô dụng. 100.

Tích chuyện

Tên sát nhơn khát máu nọ gia nhập vào một đảng cướp và gây nhiều tội ác.

Về sau, tên cướp ấy trở thành viên đao phủ của triều đình. Nhờ Ðại đức Xá-Lợi-Phất (Sāriputta) cảm hóa, tánh tình anh đổi hẳn từ hung tàn bạo ngược trở nên hiền lành lương thiện và, sau khi chết, tái sanh vào nhàn cảnh. Ðức Phật giải thích rằng sở dĩ anh tái sanh tốt đẹp là nhờ những lời khuyên hữu hiệu, đượm nhuần từ bi bác ái của một người có tinh thần đạo đức cao thượng như Ðại đức Xá-Lợi-Phất.

Một câu hữu ích hơn ngàn câu vô dụng

2. Sahassam api ce gāthā - anatthapadasaṁhitā

Ekaṁ gāthāpadaṁ seyyo - yaṁ sutvā upasammati.

2. Chỉ một câu hữu ích, làm cho người nghe an tịnh, còn hơn cả ngàn câu gồm toàn những tiếng vô dụng. 101.

Tích chuyện

Người kia đi biển, thuyền bị đắm, cố gắng nhọc nhằm lắm mới lội được vào bờ. Không còn quần áo, ông lấy vỏ cây che đỡ thân mình. Dân làng thấy ông ăn mặc như vậy tưởng lầm ông là một vị A-La-Hán. Nhận định sự điên cuồng ấy, ông đã yết kiến Ðức Phật và được Ðức Phật cảm hóa bằng những lời dạy hữu ích, đầy trí tuệ.

Một lời của giáo pháp bằng cả trăm câu vô dụng tự khắc phục lấy mình là chinh phục cao thượng

3. Yo ca gāthāsataṁ bhāse - anatthapadasaṁhitā

Ekaṁ gāthāpadaṁ seyyo - yaṁ sutvā upasammati.

4. Yo sahassaṁ sahassena - saṅgāme mānuse jine

Ekañ ca jeyya m' attānaṁ - sa ve saṅgāmajuttamo.

3. Nếu phải đọc cả trăm câu gồm toàn những tiếng vô ích, tốt hơn, chỉ nói một lời của Giáo Pháp, làm cho người nghe được an tịnh. 102.

4. Dầu chinh phục hàng triệu 1 người ở chiến trường, tuy nhiên, quả thật vậy, chinh phục được chính mình là chiến thắng cao quý nhứt. 103.

Tích chuyện

Một thiếu phụ giàu có đem lòng thương và về làm vợ một tướng cướp. Về sau, tên cướp, chồng bà, đưa bà đến một đỉnh núi cao, bên bờ vực thẳm, mưu toan cướp giựt tất cả nữ trang của bà rồi xô bà luôn xuống hố sâu. Hết lời van lơn nhưng vô hiệu quả, cuối cùng bà xin tên cướp để cho bà lạy một lần chót, rồi, đứng về phía sau tên cướp, bà lừa thế đẩy anh chàng xuống hố. Về sau bà xuất gia Tỳ-khưu ni và, sau khi gặp Ðại đức Xá-Lợi-Phất (Sāriputta), được nghe Pháp, đắc quả A-La-Hán. Các vị Tỳ-khưu thảo luận với nhau không hiểu được tại sao bà đã đánh lừa xô chết một tên cướp và chỉ nghe vài lời của Giáo Pháp mà đắc được đạo quả A-La-Hán.

Lúc bấy giờ Ðức Phật giải thích về hiệu năng của lời "Chơn Lý" và tầm quan trọng của sự tự khắc phục.

Chú thích

1. Hằng triệu - Sahassaṁ sahassena, một ngàn nhơn với một ngàn tức một lakh, (Theo bản chú giải). Ta gọi là một triệu.

Hãy tự mình chiến thắng lấy mình hơn là thắng kẻ khác không ai có thể thắng người đã tự thắng mình

5. Attā have jitaṁ seyyo - yā cā'yaṁ itarā pajā

Attadantassa posassa - niccaṁ saññatacārino.

6. N' eva devo na gandhabbo - na māro saha brahmunā jitaṁ apajitaṁ kayirā - tathārūpassa jantuno.

5.6. Tự thắng 1 mình quả thật thập phần vẻ vang hơn chiến thắng kẻ khác. Dầu Trời, Gandhabba 2, Ma Vương 3, hay Phạm Thiên 4, không ai có thể đánh bại con người đã tự khắc phục và sống tự chế.  104. 105.

Tích chuyện

Một người chuyên nghề cờ bạc đến hỏi Ðức Phật vì sao anh thua, Ðức Phật giải đáp và hỏi anh sanh sống thế nào. Sau khi anh đáp rằng anh sống bằng nghề cờ bạc mà kết cuộc có lúc ăn lúc thua, Ðức Phật giải thích rằng chiến thắng thật sự là tự thắng mình.

Chú thích

1. Mình - Atta - Ðức Phật thường dùng danh từ này trong nghĩa thông dụng là ta, hay cái tâm, chớ không phải trong nghĩa linh hồn, xem như một đơn vị trường tồn, không biến đổi, hay tự ngã.

2. Gandhabba - Càn-Thác-Bà, một hạng chúng sanh được xem là nhạc công ở một cảnh Trời.

3. Ma Vương - Māra, ở đây chỉ một hạng chúng sanh ở cảnh Trời.

4. Phạm Thiên - Brahmā, là một hạng chúng sanh khác, cao hơn các vị ở cảnh Trời Dục. Những vị này đã có phát triển thiền (jhāna).

Tôn kính bậc Ứng Cúng trong giây lát quý hơn lâu dài và liên tục sùng bái người không xứng đáng

7. Māse māse sahassena - yo yajetha sataṁ samaṁ

Ekañ ca bhāvitattānaṁ - muhuttam api pūjaye

Sā y'eva pūjanā seyyo - yañ ce vassasataṁ hutaṁ.

7. Dầu có thể cúng dường từ tháng này sang tháng kia, liên tục cả trăm năm, nếu chỉ trong giây lát, tôn kính bậc (Thánh nhơn) đã tự làm cho mình trở nên toàn thiện - sự tôn kính ấy quả thật quý hơn cúng tế trong cả thế kỷ. 106.

Tích chuyện

Cậu của Ðại đức Xá-Lợi-Phất (Sāriputta) mỗi tháng tiêu nhiều tiền để cúng dường những đạo sĩ lõa thể với ước vọng được tái sanh vào cảnh Trời. Ðại đức Xá-Lợi-Phất đem ông đến gặp Ðức Phật và ông được Ðức Phật hướng dẫn vào con đường chơn chánh.

Tế thần lửa trong một thế kỷ không bằng tôn kính bậc hoàn toàn trong sạch trong giây lát

8. Yo ce vassasataṁ jantu - aggiṁ paricare vane

Ekañ ca bhāvitattānaṁ - muhuttam api pūjaye

Sā y'eva pūjanā seyyo - yañ ce vassasataṁ hutaṁ.

8. Dầu người kia có thể đốt lửa (thiêng) trong rừng trọn một thế kỷ, nhưng, nếu chỉ trong giây lát, người ấy tôn kính bậc (Thánh nhơn) đã tự làm cho mình trở nên toàn thiện - sự tôn kính ấy quả thật quý hơn thờ lửa cả trăm năm. 107.

Tích chuyện

Theo lời thầy dạy, cháu của Ðại đức Xá-Lợi-Phất (Sāriputta) có thói quen mỗi tháng giết thú và đốt lửa rừng tế thần để cầu mong được tái sanh vào cảnh Trời. Ngài Xá-Lợi-Phất đem cháu đến hầu Phật và Ðức Phật chỉ dạy, hướng dẫn người cháu về con đường chơn chánh.

Tôn kính bậc hoàn toàn trong sạch quí hơn giết thú tế thần

9. Yaṁ kiñci iṭṭham va hutam va loke - saṁvaccharaṁ yajetha puññapekho

Sabbam pi taṁ na catubhāgameti - abhivādanā ujjugatesu seyyo.

9. Trên thế gian này, bất luận lễ vật 1 hay vật thực nào mà ta có thể cúng dường trong một năm để tạo phước, tất cả những vật ấy không bằng một phần tư sự đảnh lễ bậc Chánh Hạnh 2 cao thượng. 108.

Tích chuyện

Một người bạn của Ðại đức Xá-Lợi-Phất (Sāriputta) hằng năm tiêu phí rất nhiều tiền để giết thú tế thần. Ðức Phật thuyếùt phục ông ta trở về lối cúng dường chơn chánh.

Chú thích

1. Lễ vật - theo bản chú giải, iṭṭhaṁ là cái gì người ta dâng tặng trong các dịp lễ, và hutaṁ cái gì người ta sắm sửa để dâng tặng cho khách hoặc dâng tặng với niềm tin sẽ được gặt hái quả trong dòng nghiệp.

Ý nghĩa của câu kệ này là đảnh lễ một vị Thánh thập phần quý hơn là cúng dường lễ vật hoặc vật thực đến người phàm thục.

2. Bậc Chánh Hạnh - là những vị đã đắc các quả Thánh.

Phước báu thay, ai biết tôn kính những bậc đáng kính

10. Abhivādanasīlissa - niccaṁ vaddhāpacāyino

Cattāro dhammā vaḍḍhanti - āyu vaṇṇo sukhaṁ balaṁ.

10. Với ai quen một lòng kính nể và tôn trọng các bậc trưởng thượng, bốn phước báu sẽ tăng trưởng: Tuổi thọ, sắc đẹp, hạnh phúc và sức khỏe. 109.

Tích chuyện

Nghe rằng con mình phải chết yểu, người cha vâng theo lời Ðức Phật, thỉnh chư Tăng về nhà đọc kinh liên tục trong bảy ngày bảy đêm. Ngày cuối cùng, chính Ðức Phật bổn thân đến. Do oai lực từ bi của Ðức Bổn Sư, đứa bé thoát khỏi nạn, tăng thêm tuổi thọ. Khi các vị đệ tử thảo luận để tìm hiểu tại sao đứa bé đáng lẽ phải chết yểu lại có thể tăng thêm tuổi thọ nhờ oai lực từ bi của Ðức Phật, Ðức Phật giải thích về phước báu tăng trưởng của người tôn kính bậc đáng tôn kính.

Sống ngắn ngủi mà đạo đức quý hơn sống lâu mà buông lung

11. Yo ca vassasataṁ jīve -dussīlo asamāhito

Ekāhaṁ jīvitaṁ seyyo -sīlavantassa jhāyino.

11. Nếu phải sống đến trăm năm cuộc đời buông lung và không tự chế, tốt hơn, quả thật vậy, chỉ sống một ngày đời sống đạo hạnh và có hành thiền. 110.

Tích chuyện

Vài thầy Tỳ-khưu xuất gia lúc tuổi đã cao, muốn rút vào rừng hành thiền. Ðức Phật nhìn thấy mối hiểm nguy, khuyên các ông nên mời theo một vị Sa-di nhỏ tuổi, tên Sankicca, đã đắc quả A-La-Hán. Một đám cướp hay biết có người ở trong khu rừng, đến bảo các thầy phải chọn một để chúng bắt đi. Từ già đến trẻ, tất cả đều tình nguyện hy sinh để cứu mạng những vị khác, nhưng rốt cuộc chính ông Sa-di nhỏ tuổi nhứt được chấp thuận. Các tên cướp dẫn Ngài về sào huyệt và chuẩn bị sẵn sàng hành quyết. Vị Sa-di ngồi lại, yên lặng nhập đại định 1. Tên đầu đảng rút gươm, chém hai lần, nhưng cả hai lần đều thất bại. Chúng kinh hồn hoảng sợ, quỳ xuống đảnh lễ Ngài, nghe Ngài giảng Giáo Pháp và xin xuất gia. Vị Sa-di làm lễ xuất gia cho mấy tên cướp xong, an toàn trở về tìm các thầy Tỳ-khưu kia, còn đang tiếp tục hành thiền trong rừng. Kế đó Ngài về thuật lại đầu đuôi câu chuyện với Ðức Phật. Nhơn đó Ðức Phật giải thích về giá trị của đời sống đạo hạnh.

Chú thích

1. Ðại định - Nirodha-samāpatti, là một trạng thái khi luồng tâm tạm thời ngưng, không tiếp tục trôi chảy nữa. Trong trạng thái ấy, hành giả - vốn là bậc Thánh Nhơn - không thể bị lâm nguy.

Mạng yểu mà trí tuệ quý hơn thọ mà si mê

12. Yo ca vassasataṁ jīve -duppañño asamāhito

Ekāhaṁ jīvitaṁ seyyo -paññavantassa jhāyino.

12. Nếu phải sống đến trăm tuổi cuộc đời không trí tuệ và không tự chế, tốt hơn, quả thật vậy, chỉ sống một ngày đời sống của người thiện và có hành thiền. 111.

Tích chuyện

Một vị Tỳ-khưu đã đắc quả A-La-Hán trong rừng, đi về viếng Ðức Phật. Trên đường về, sau cả ngày đi mỏi mệt, Ngài ngồi trên một tảng đá bằng phẳng và nhập định. Cùng đêm ấy, có vài tên cướp vào làng hành nghề xong cũng leo lên tảng đá và, trong bóng tối, thấy vị sư ngồi, ngỡ gốc cây khô, treo những đồ đạc đã cướp được lên đầu Ngài, rồi nằm xuống đá ngủ. Ðến sáng sớm thức dậy, chúng mới hay mình lầm, xin sám hối và xin xuất gia luôn, kế đó thầy trò cùng nhau kéo về thăm Ðức Phật. Nghe câu chuyện Ðức Phật ca ngợi đời sống trí tuệ.

Sống ngắn ngủi mà tinh cần quý hơn sống lâu mà giải đãi

13. Yo ca vassasataṁ jīve -kusīlo hīnavīriyo

Ekāhaṁ jīvitaṁ seyyo -viriyam ārabhato daḷhaṁ.

13. Nếu phải sống trăm tuổi cuộc đời giải đãi và bất động, tốt hơn, quả thật vậy, chỉ sống một ngày của người tinh tấn chuyên cần. 112.

Tích chuyện

Một thanh niên có danh thơm tiếng tốt xuất gia sống đời Tỳ-khưu với niềm tin vững chắc. Nhưng về sau, bị thất vọng, thầy toan tự sát. Trước tiên thầy bắt rắn độc cho cắn mình, nhưng rắn không cắn. Kế đó lấy dao cạo tự cắt lấy cuống họng. Lúc cắt xong thầy suy niệm về đời sống toàn thiện, tận lực cố gắng tham thiền và đắc quả A-La-Hán trước khi nhắm mắt. Các vị khác lấy làm ngạc nhiên bạch hỏi Ðức Phật làm cách nào, một người đang tự sát, trong một khoảnh khắc, có thể đắc quả A-La-Hán. Ðức Phật giải thích và tán dương đức hạnh tinh tấn chuyên cần.

Ðời sống suy tư, dầu có ngắn ngủi, còn hơn sống lâu mà không suy gẫm

14. Yo ca vassasatam jīve - apassaṁ udayavyayaṁ

Ekāhaṁ jīvitaṁ seyyo - passato udayavyayaṁ.

14. Nếu phải sống trăm tuổi mà không thông suốt tất cả sự vật phải phát sanh và tiêu diệt như thế nào, thì tốt hơn, quả thật vậy, chỉ sống một ngày mà thấu triệt pháp sanh diệt của vạn vật. 113.

Tích chuyện

Paṭācārā mất chồng, hai con, cha, mẹ, và người anh, duy nhứt trong một trường hợp rất thê thảm. Nhờ Ðức Phật khuyên giải, bà bớt âu sầu và xin xuất gia Tỳ-khưu ni. Ngày kia, trong khi rửa chân bên bờ suối, bà ghi nhận rằng những giọt nước từ chân bà rơi xuống gieo điểm trên dòng nước chảy rồi tan đi. Ðiểm thì tan gần, điểm tan xa có điểm trôi đi xa hơn nữa mới tan. Cảnh tượng ấy gợi ý cho bà suy niệm về lý vô thường của đời sống mà chính bản thân bà đã kinh nghiệm. Ðức Phật dùng thiên nhãn thấy, xuất hiện trước mặt bà và dạy những lời trên. Sau đó không lâu, bà đắc quả A-La-Hán.

Chú thích

1. Sự phát sanh và tiêu diệt của tâm và vật chất - danh và sắc - là lý vô thường của tất cả các vật hữu lậu, tùy thế, những vật phát sanh tùy thuộc một hay những nguyên nhân nào. Một đệ tử của Ðức Phật phải suy niệm về bản chất vô thường biến đổi của đời sống và, nhờ vậy, sẽ không luyến ái những khoái lạc tạm bợ và huyền ảo của thế gian vật chất.

Sống một ngày mà chứng ngộ trạng thái bất diệt quý hơn sống cả thế kỷ mà không chứng

15. Yo ca vassasataṁ jīve - apassaṁ amataṁ padaṁ

Ekāhaṁ jīvitāṁ seyyo - passato amataṁ padam.

15. Nếu sống cả trăm năm mà không chứng ngộ Trạng Thái Bất Diệt 1 thì, tốt hơn, quả thật vậy, chỉ sống một ngày đời sống của người đã chứng. 114.

Tích chuyện

Một thiếu phụ trẻ tuổi mất đứa con duy nhứt của bà. Vì trong đời chưa gặp trường hợp có đứa trẻ chết như thế bao giờ nên không ngờ, bà ôm con vào lòng, chạy đi tìm phương cứu chữa. Gặp người sáng suốt chỉ dẫn, bà đưa con đến Ðức Phật cầu cứu và Ðức Phật khuyên bà nên tìm cho Ngài một ít hột cải trong nhà nào chưa từng có người chết. Hột cải thì bà tìm được, nhưng không gặp nhà nào chưa từng có người chết. Ánh sáng chơn lý bừng phát sanh đến bà. Khi trở về, A-La-Hán giảng Giáo Pháp cho bà. Bà xuất gia Tỳ-khưu ni. Ngày kia, khi nhìn một ngọn nến cháy chập chờn bà suy niệm về lý vô thường của đời sống. Ðức Phật xuất hiện trước mặt bà và đọc câu kệ trên, ví đời sống như ngọn nến chập chờn trước gió.

Chú thích

1. Trạng Thái Bất Diệt- Amataṁ padaṁ, là trạng thái vô lậu, bất tùy thế (tức không tùy thuộc nguyên nhân nào để có) của Niết-bàn, không sanh, không già, không chết.

Một ngày nhận thấy giáo pháp quý hơn cả thế kỷ không thấy

16. Yo ca vassasataṁ jīve - apassaṁ dhammamuttamaṁ

Ekāhaṁ jīvitaṁ seyyo - passato dhammamuttamaṁ.

16. Nều phải sống cả trăm tuổi mà không thấy chơn lý tối thượng 1, thì tốt hơn, quả thật vậy, chỉ sống một ngày đời sống của người đã thấy. 115.

Tích chuyện

Một thiếu phụ khá giả có đông con, đủ trai đủ gái. Theo lời yêu cầu của các con - và chúng hứa sẽ cung phụng bà đầy đủ - bà phân phốâi hết tài sản cho chúng. Nhưng về sau những đứa con bất hiếu ấy lãng quên, không chăm sóc bà. Bà hết sức thất vọng và xuất gia Tỳ-khưu ni. Bà chuyên cần suy niệm về Giáo Pháp. Ðức Phật giảng cho bà tầm quan trọng của Giáo Pháp và đắc quả A-La-Hán.

Chú thích

1. Chơn Lý Tối Thượng - là chín trạng thái siêu thế, tức bốn Ðạo, bốn Quả và Niết-bàn.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26

Các bản kinh Pháp Cú khác

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh, Tỳ kheo Thiện Minh, và Bác Phạm Kim Khánh
đã gửi tặng bản vi tính và các tư liệu cần thiết để thực hiện ấn bản Internet này (Bình Anson, 01-2004).


[Trở về trang Thư Mục]

last updated: 08-01-2004