BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


 

KINH PHÁP CÚ
DHAMMAPADA

Tác giả: Nārada Mahāthera
Người dịch: Phạm Kim Khánh, 1971

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

20. CON ÐƯỜNG - MAGGA VAGGA

Bát chánh đạo là con đường cao thượng nhứt hãy theo con đường ấy để đến chỗ thanh tịnh hãy theo con đường ấy để chấm dứt đau khổ, hãy tự mình cố gắng chuyên cần

1. Maggān' aṭṭhangiko seṭṭho - saccānaṁ caturo padā

Virāgo seṭṭho dhammānaṁ - dipadānañ ca cakkhumā.

2. Eso'va maggo natth' añño - dassanassa visuddhiyā

Etamhi tumhe paṭipajjatha - mārass' etaṁ pamohanaṁ.

3. Etamhi tumhe paṭipannā - dukkhassantaṁ karissatha

Akkhāto ve mayā maggo - aññāya sallasanthanaṁ.

4. Tumheti kiccaṁ ātappaṁ - akkhātāro tathāgatā

Paṭipannā pamokkhanti - Jhāyino mārabandhanā.

1. Con đường cao thượng nhứt là Bát chánh đạo. chơn lý cao thượng nhứt là Tứ đế 2. Không luyến ái 3 là trạng thái cao thượng nhứt. Cao thượng nhứt trong các loài có hai chơn là Ðấng Toàn giác. 273.

2. Ðó là con đường duy nhứt. Không còn đường nào khác dẫn đến nhãn quan thanh tịnh. Các con theo con đường này chăng? Ðó là mối lo âu của Ma vương. 274.

3. Bước chơn vào con đường ấy, chúng con chấm dứt đau khổ. Ðã học (phương cách) diệt gai chướng 4, Như Lai truyền dạy các con con đường. 275.

4. Chính tự các con phải kiên trì cố gắng 5. Các đấng Như Lai 6 chỉ là những vị thầy. Hành giả bước chơn vào con đường sẽ thoát ra khỏi vòng trói buộc của Ma vương. 276.

Tích chuyện

Sau khi đi một vòng châu du hoằng Pháp, Ðức Thế Tôn trở về tịnh xá, và giữa chúng Tăng có cuộc thảo luận về trạng thái gồ ghề hay bằng phẳng của các con đường đã trải qua. Ðức Phật lưu ý rằng thảo luận về các con đường ấy không thích hợp cho sự giải thoát và Ngài khuyên chư Tăng nên theo con đường Bát Chánh.

Chú thích

1. Bát Chánh Ðạo - là con đường "Trung Ðạo" mà Ðức Phật đã tìm ra để chứng ngộ Niết-bàn. Con đường gồm: Chánh Kiến (sammā diṭṭhi), Chánh Tư Duy (sammā saṁkappa), Chánh Ngữ (sammā vācā), Chánh Nghiệp (sammā kammanta), Chánh Mạng (sammā ājīva), Chánh Tinh Tấn (sammā vāyāma), Chánh Niệm (sammā sati) và Chánh Ðịnh (sammā samādhi). Ðó là con đường Giác Ngộ duy nhứt. Ðứng về mặt triết học, tám yếu tố ấy là tám trạng thái tinh thần (hay tâm sở) nằm trong tám loại tâm siêu thế có đối tượng là Niết-bàn.

2.- Tứ Ðế - là bốn Chơn Lý Cao Quý: Khổ, nguồn gốc của khổ, sự diệt khổ, và con đường dẫn đến sự diệt khổ. Chơn Lý đầu tiên (khổ) phải được thông suốt, hiểu biết. Nguồn gốc của khổ (tức ái dục) phải được tận diệt. Sự diệt khổ (tức Niết-bàn) phải được chứng ngộ. Con đường dẫn đến sự diệt khổ (tức Bát Chánh Ðạo) phải được phát triển. Dầu chư Phật có giáng sinh hay không, bốn Chơn Lý ấy vẫn có trên thế gian. Chư Phật đã khám phá và vạch rõ cho nhơn loại.

3.- Không luyến ái - Virāya, là Niết-bàn.

4.- Gai chướng - những cây gai tham ái v.v...

5.- Kiên trì cố gắng - là tinh tấn điều phục cái dục vọng để chứng ngộ Niết-bàn.

6.- Như Lai - Khi Ðức Phật nói đến Ngài, Ngài tự xưng là Như Lai, Tathāgata, có nghĩa "người đến như thế này".

Tất cả các vật hữu lậu đều vô thường

5. Sabbe saṅkhārā aniccā'ti - yadā paññāya passati

Atha nibbindati dukkhe - esa maggo visuddhiyā.

5. Tất cả các vật hữu lậu 1 đều vô thường": Khi sáng suốt nhận thức phân biệt điều này, ta nhàm chán phiền não 2. Ðó là con đường trong sạch (Thanh Tịnh Ðạo). 277.

Tích chuyện

Ðức Phật nhận thấy các thầy Tỳ-khưu hành thiền với đề mục "vô thường", khuyên các thầy nên tiếp tục.

Chú thích

1.- Các vật hữu lậu - Sankhārā, hành, là một danh từ có nhiều nghĩa. Hành ở đây là những vật có điều kiện để phát sanh. Phải có những nguyên nhân tạo điều kiện, các vật ấy mới phát sanh nên gọi là hữu lậu, hay tùy thế. Niết-bàn là siêu thế, không nằm trong hành, sankhārā, vì không phải tùy thuộc ở nguyên nhân và không có thời gian.

2.- Phiền não - gây nên do sự chăm sóc thân ngũ uẩn.

Tất cả các vật hữu lậu đều khổ não

6. Sabbe saṅkhārā dukkhā ‘ ti - yadā paññāya passati

Atha nibbindati dukkhe - esa maggo visuddhiyā.

6. "Tất cả các vật hữu lậu đều khổ não": Khi sáng suốt nhận thức phân biệt điều này, ta nhàm chán phiền não. Ðó là con đường trong sạch (Thanh tịnh đạo). 278.

Tích chuyện

Ðức Phật nhận thấy nhiều vị Tỳ-khưu hành thiền với đề mục "khổ não", khuyên các thầy nên tiếp tục.

Tất cả đều vô ngã

7. Sabbe dhammā anattā'ti - yadā paññāya passati

Atha nibbindati dukkhe - esa maggo visuddhiyā.

7. Tất cả các pháp đều vô ngã" 1: Khi sáng suốt nhận thức phân biệt điều này, ta nhàm chán phiền não. Ðó là con đường trong sạch. 279.

Tích chuyện

Ðức Phật nhận thấy nhiều vị Tỳ-khưu hành thiền về lý vô ngã, khuyên dạy các thầy nên tiếp tục.

Chú thích

1.- Vô thường (anicca), khổ não (dukkha) và vô ngã anattā) là đặc tánh của tất cả những vật hữu lậu, hay tùy thế, tức là những gì phải do nguyên nhân tạo điều kiện để phát sanh. Do nhờ suy niệm về ba đặc tánh này mà chứng Niết-bàn. Hành giả có thể chọn đặc tánh nào thích hợp với mình nhứt trong ba đặc tánh ấy để hành.

Lý vô ngã (anattā) là nền tảng của Phật giáo. Danh từ sankhārā, vật hữu lậu, được dùng trong hai câu đầu. Ở câu thứ ba, Ðức Phật dùng danh từ dhamma, pháp. Bản chú giải gọi dhamma là uẩn (khandhā), và sankhārā bản chú giải cũng gọi là uẩn. Nếu vậy dhamma đồng nghĩa với sankhārā và như thế không có lý do nào Ðức Phật dùng danh từ sankhārā ở hai câu đầu mà đến câu thứ ba lại dùng danh từ dhamma.

Saṅkhārā chỉ áp dụng cho những vật hữu lậu. Dhamma áp dụng cho cả hai, những vật hữu lậu và những vật vô lậu. Vậy trong câu thứ ba, các pháp, dhamma, bao gồm cả hai, các pháp hữu lậu, tại thế, và các pháp vô lậu, siêu thế. Ðể chỉ rằng dầu ở trạng thái Niết-bàn cũng không có một linh hồn trường tồn không biến đổi, Ðức Phật dùng danh từ "Pháp", dhamma, ở câu thứ ba, là trạng thái siêu thế xác thực và không có linh hồn.

"Tất cả các thể chất đều vô ngã. Khi, do nhờ trí tuệ, ta chứng ngộ được (điều ấy), ta không chú tâm (thoát lên cao hơn) (thế gian) phiền não này. Ðó là con đường trong sạch". -- Radhakrishnan.

Kẻ lười biếng không chứng ngộ con đường

8. Uṭṭhānakālamhi nuṭṭhāno - yuvā balī ālasiyaṁ upeto

Saṁsannasaṅkappamano kusīto - paññāya maggaṁ alaso na vindati.

8. Người sống tiêu cực, uể oải, không tinh tấn chuyên cần lúc phải chuyên cần tinh tấn, người mà, dầu trẻ tuổi và khỏe mạnh, vẫn lười biếng và có tinh thần suy nhược, người ấy không có trí tuệ để chứng ngộ Con Ðường. 280.

Tích chuyện

Nhiều vị tăng sĩ kéo nhau vào rừng hành thiền và đắc quả A-La-Hán trong lúc có một nhóm khác không chịu đi, ở lại chùa. Khi các vị ở rừng về, Ðức Phật có lời chào đón thân thiện mà không có lời nào với các vị ở lại. Thái độ của Ðức Phật khuyến khích và thúc đẩy các vị không đi càng tinh tấn thêm lên để cũng đắc quả A-La-Hán. Ðêm đến, các vị ấy tận lực chuyên cần, nhưng không may, gặp phải trở ngại. Các vị kia phải đến hỗ trợ. Ðức Phật giảng rằng người lười biếng dã dượi phải gặp nhiều khó khăn mới chứng ngộ được.

Chú thích

1.- Tinh thần suy nhược - Saṁsannasaṁkappamano, cái tâm trong ấy tư tưởng chơn chánh bị suy đồi.

Hãy thanh lọc thân, khẩu, ý

9. Vācānurakkhī manasā susaṁvuto kāyena ca akusalaṁ kayirā

Ete tayo kammapathe visodhaye ārādhaye maggaṁ isippaveditaṁ.

9. Canh phòng lời nói, thu thúc tâm, và thân không làm điều bất thiện. Hãy thanh lọc ba lối hành động và thành đạt con đường mà chư thánh hiền đã chứng ngộ. 281.

Tích chuyện

Một vị tăng sĩ có lời nói gây chia rẽ hai vị khác, vốn là bạn thân. Sau khi viên tịch, thầy tái sanh làm ngã quỷ có hình thù xấu xa. Ðức Mục-Kiền-Liên (Moggallāna) gặp lại và trở về bạch với Ðức Phật. Ðức Phật giảng về hậu quả tai hại của lời nói đâm thọc, gây chia rẽ.

Hãy làm thế nào để tăng trưởng trí tuệ

10. Yogā ve jāyati bhūri - ayogā bhūrisaṅkhayo

Etaṁ dvedhā pathaṁ ñatvā bhavāya vibhavāya ca

Tath' attānaṁ niveseyya - yathā bhūri pavaḍḍhati.

10. Ðúng thật vậy, do thiền định phát sanh trí tuệ. Không hành thiền, trí tuệ phai dần. Thông suốt con đường gồm hai ngõ, lợi và hại, ấy, hãy tự mình làm làm thế nào để trí tuệ phát sanh.  282.

Tích chuyện

Một vị Tỳ-khưu tên Pothila có tài học rộng, thông suốt Giáo Pháp, nhưng Ðức Phật vẫn gọi là "Pothila trống rỗng" để khuyến khích thầy cố gắng đạt đến đạo quả A-La-Hán. Vị tăng sĩ hiểu ý, rút vào rừng sâu thanh vắng hành thiền. Chấp nhận lời khuyên của một Sa-di trẻ tuổi, thầy tinh tấn thực hành thiền định để đắc quả A-La-Hán. Ðức Phật dùng tuệ nhãn thấy vậy, hiện thân đến trước thầy và dạy những lời trên.

Hãy dứt bỏ luyến ái ngày nào còn luyến ái, tâm còn bị trói buộc

11. Vanaṁ chindatha mā rukkhaṁ - vanato jāyati bhayaṁ

Chetvā vanañ ca vanathañ ca - nibbanā hotha bhikkhavo.

12. Yāvaṁ hi vanatho na chijjati - aṇumatto' pi narassa nārisu

Paṭibaddhamano va tāva so - vaccho khīrapako' va mātari.

11. Hãy đốn rừng (dục vọng) 1, nhưng không chặt cây thiệt 2. Do rừng (dục vọng) phát sanh sợ sệt. Hãy đốn ngã cả hai thứ rừng 3, rừng cây lớn và rừng cây nhỏ (của dục vọng). Này các Tỳ-khưu, hãy sống không rừng 4. 283.

12. Bởi vì, ngày nào còn một buội cây nhỏ (dục vọng) giữa nam và nữ chưa bị chặt ngã, ngày ấy tâm hãy còn bị trói buộc, giống như con bê đeo dính bò mẹ. 284.

Tích chuyện

Vài vị Tỳ-khưu già khóc một bà thí chủ, chết cũng lớn tuổi. Ðức Phật khuyên các thầy thực hành tâm không luyến ái.

Chú thích

1.- Rừng - vana, có nghĩa là đám rừng của những dục vọng như tham ái, sân hận và si mê.

2.- Khi Ðức Phật vừa nói "hãy đốn rừng", có vài vị Tỳ-khưu hiểu sai, theo nghĩa trắng. Ðọc ngay được tư tưởng sai lầm ấy Ðức Phật thêm đoạn sau, dạy rõ rằng rừng đây không phải là cây thật sự mà chỉ là những dục vọng.

3.- Cây lớn và cây nhỏ - Vana có nghĩa là cây to và vanatha là những cây nhỏ. Ở đây, vana là những dục vọng lớn, có nhiều mặt năng lực và vanatha là những dục vọng nhỏ, ít năng lực hơn.

4.- Hãy sống không rừng - Tận diệt tất cả dục vọng bằng bốn Ðạo, hãy làm người không dục vọng.

Hãy phát triển con đường an tịnh

13. Ucchinda sineham attano - kumudaṁ sāradikaṁ' va pāṇinā

Santimaggam eva brūhaya - nibhānaṁ sugatena desitaṁ.

13. Hãy cắt đứt dây tình cảm như ngắt cành sen mùa thu. Hãy phát triển con đường an tịnh. Niết-bàn đã được Ðức Thiện Thệ truyền dạy. 285.

Tích chuyện

Một vị Tỳ-khưu đang hành thiền về ô trược của thể xác nhưng không hiệu quả. Ðức Phật thấy vậy trao cho thầy một cành sen và dạy thầy an trụ tâm vào đây. Vị Tỳ-khưu thành công, đắc những từng thiền và phát triển tâm lực. Theo lời khuyên của Ðức Phật về sau thầy đắc quả A-La-Hán.

Kẻ si mê khôg nhận định mối hiểm họa của sự chết

14. Idha vassaṁ vasissāmi - idha hemantagimhisu

Iti bālo vicinteti - antarāyaṁ na bujjhati.

14. "Ta sẽ sống ở đây trong mùa mưa, ở đây trong mùa thu, và mùa hạ. Kẻ cuồng dại nghĩ như vậy. Họ không nhận định mối hiểm nguy (của sự chết). 286.

Tích chuyện

Một thương gia, cùng tùy tùng gia thuộc, dừng chơn nghỉ bên bờ sông. Lúc ấy trời mưa tầm tã. Ông suy nghĩ: "Ta sẽ bán hết hàng, rồi sẽ lưu lại đây mùa này, kế mùa kia". Ðức Phật nhận thấy rằng trong bảy ngày nữa ông sẽ chết. Ðại đức A Nan Ðà (Ānanda) đến gặp và cho ông hay về cái chết sắp đến của ông. Ông thương gia hối hận, thỉnh Ðức Phật và chư Tăng về chỗ ngụ, để bát cúng dường. Ðức Phật khuyên ông nên hành thiền về cái chết. Ông làm theo, đắc từng Thánh đầu tiên, và tịch diệt như Ðức Phật đã tiên đoán.

Cái chết nắm lấy kẻ đam mê

15. Taṁ puttapasusammattaṁ - byāsattamanasaṁ naraṁ

Suttaṁ gāmaṁ mahogho' va maccu ādāya gacchati.

15. Người say đắm, giữ tâm bám chặt vào con cái và đàn gia súc, cái chết sẽ bám lấy người ấy và cuốn đi như đám lụt to (quét sạch) cả một làng đang ngon giấc. 287.

Tích chuyện

Xem Tích chuyện phía dưới câu 114.

Trong giờ phút lâm chung không có sự bảo trợ của ai cả

16. Na santi puttā taṇnāya - na pitā na' pi bandhavā

Antakenādhipannassa - natthi ñātisu tāṇatā.

17. Etaṁ atthavasaṁ natvā - paṇḍito sīlasaṁvuto

Nibbānagamanaṁ maggaṁ khippam' eva visodhaye.

16. Không có con cái nào để bảo trợ ta, không có cha, hay chí đến họ hàng cũng không có, bởi vì người bị cái chết tràn ngập không thể tìm sự bảo trợ ở họ hàng. 288.

17. Nhận định sự kiện ấy, người có giới hạn và trí tuệ nhanh chóng mở con đường dẫn đến Niết-bàn. 289.

Tích chuyện

Một thiếu phụ tên Patācārā mất những người thân yêu gần gũi nhứt của bà trong một trường hợp vô cùng thê thảm. Bà phát điên và chạy cùng đường. Ðức Phật từ bi an ủi bà và đọc những câu trên.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26

Các bản kinh Pháp Cú khác

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh, Tỳ kheo Thiện Minh, và Bác Phạm Kim Khánh
đã gửi tặng bản vi tính và các tư liệu cần thiết để thực hiện ấn bản Internet này (Bình Anson, 01-2004).


[Trở về trang Thư Mục]

last updated: 08-01-2004