BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with VU Times font |
KINH PHÁP CÚ Nguyên tác Pāli, bản dịch Việt ngữ Tác giả: Nārada
Mahāthera KỲ VIÊN TỰ tái bản, 2003
|
Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode) |
-ooOoo- Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa -ooOoo- Lời mở đầu Phật giáo thích hợp cho cả hai hạng người, đại chúng và trí thức. Phật giáo có sữa cho trẻ em mà cũng có thức ăn đầy đủ cho người khỏe mạnh. Phật giáo cung ứng một lối sống cho những Hội viên của Giáo hội Tăng già và một lối sống khác cho người tại gia cư sĩ. Trên tất cả, Phật giáo truyền bá con đường Giác ngộ duy nhứt. Bao nhiêu những đặc điểm trên được diễn đạt đầy đủ trong quyển Kinh Pháp cú (Dhammapada) một trong ba mươi mốt quyển hợp thành Tam Tạng (Tipitaka) tức là ba cái giỏ chứa đựng tinh hoa của giáo lý nhà Phật. Mỗi ai đi tìm chơn lý, dầu theo tín ngưỡng nào, đều có thể thấy hứng thú và bổ ích khi đọc quyển sách Trí Tuệ này. Thường xuyên suy niệm về những lời vàng ngọc chứa đựng trong ấy và đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày, người nhiệt tâm hướng về đạo pháp có thể thâu hoạch một niềm vui tinh thần vượt lên cao hơn tất cả những hạnh phúc trên thế gian và có thể đạt đến trạng thái tâm cao thượng để, duyên theo đó, tự thanh lọc thân tâm mình và cố gắng rọi sáng, làm cho người khác trở nên trong sạch, bằng gương lành và lời khuyên dạy thích nghi. Kinh Pháp cú không phải là sách để đọc thoáng qua như một thiên tiểu thuyết, rồi kính cẩn xếp lại, để qua một bên. Phải đọc đi, đọc lại, và xem nó như người bạn cố tri, luôn luôn ở bên cạnh để đem lại cho ta nguồn cảm hứng, nguồn an ủi, để nâng đỡ, hộ trì, và cải thiện tâm linh ta, mỗi khi cần đến. Ðức Phật không giảng kinh Pháp Cú dưới hình thức ta thấy ngày nay. Ba tháng sau khi Ngài nhập Niết-bàn, chư Thinh Văn A-La-Hán tụ hợp trong kỳ triệu tập đầu tiên để nghe đọc lại những lời giáo huấn của Ngài, rồi kết tập lại thành chương những kim ngôn mỹ từ đầy thi vị mà Ngài đã truyền dạy trong nhiều trường hợp khác nhau, và gọi là Dhammapada, Pháp Cú Kinh. Phạn ngữ Dhamma, Bắc phạn Dharma, là một danh từ khó phiên dịch ra ngôn ngữ khác, bởi vì có rất nhiều ý nghĩa. Ta phải hiểu theo đoạn văn. Ở đây - trong chữ Dhammapada - Dhamma là Phật ngôn, hay giáo huấn của Ðức Phật. Pada bao hàm ý nghĩa tiết mục, đoạn, phần, hay đường lối. Vậy, Dhammapada có thể được hiểu là "những đoạn, hay những phần của Giáo Pháp", "Ðường lối của Giáo Pháp". Cũng có vài học giả dịch là "Con đường của chơn lý", "Chánh tịnh đạo", "Con đường đạo hạnh". Kinh Pháp Cú (Dhammapada) gồm 423 câu Pāli êm dịu mà Ðức Phật đã đọc lên trong khoảng 300 trường hợp, trên đường hoằng pháp kéo dài bốn mươi lăm năm, để thích hợp với những tâm tánh khác nhau của người nghe. Bản chú giải đồ sộ của Ðại đức Buddhaghosa trình bày đầy đủ các trường hợp nào Ðức Phật đã dạy những lời cao quý ấy dưới hình thức câu chuyện dẫn tích, dài hay ngắn, cùng với lối giải thích cổ truyền bản văn Pāli và các danh từ chuyên môn. Bản chú giải quý báu này được ông E. M.Burlinghame phiên dịch ra Anh ngữ cho loại sách Harward Oriental Series. Cũng nên ghi nhận rằng những câu chuyện dẫn tích ấy giúp người đọc thấu hiểu câu kệ dễ dàng và minh bạch hơn. Chơn lý cao thượng nằm trong những câu Pháp cú thể hiện rõ ràng giáo huấn có tánh cách luân lý và triết học của Phật giáo. Ngay hai câu đầu tiên đã vắn tắt trình bày hệ thống luân lý triết học của Phật giáo. Tầm quan trọng của Tâm - lấy tâm làm khuôn vàng thước ngọc để đo lường giá trị luân lý - định luật Nhơn quả (nghiệp báo) trong Phật giáo, vấn đề đau khổ và hạnh phúc, trách nhiệm cá nhân v.v... cùng với hai thí dụ lấy ngay trong đời sống quen thuộc hằng ngày, tất cả bấy nhiêu được diễn đạt trong hai câu song yếu. Tiếp theo là hai tích chuyện thích đáng để làm cho vấn đề thêm sáng tỏ. Ở hàng đầu của hai câu song yếu đầu tiên có vài điểm khó hiểu, đặt biệt là danh từ Dhamma mà bản chú giải đã dài dòng phân tách. Nhờ hai tích chuyện đi liền theo sau người đọc thông hiểu rõ ràng hơn. Những câu có liên quan đến tâm sân và sự dập tắt lòng sân hận có một ý nghĩa đặc biệt giữa thời đại nguyên tử này. Sức mạnh chắc chắn phải đương đầu với sức mạnh. Bom đạn sẽ gặp bom đạn. Hận thù sẽ đối diện với hận thù. Báo oán, trả thù, không bao giờ đưa đến hòa bình, an tịnh. Lời Ðức Phật khuyên dạy hàng tín đồ bất bạo động của Ngài là: "Sân hận không bao giờ dập tắt sân hận, chỉ có tình thương mới diệt tâm sân". Metta, tâm Từ, là giải đáp duy nhứt trước bom đạn của thời hiện đại. Trình độ luân lý cao thượng mà Ðức Phật ước mong những tín đồ lý tưởng của Ngài sẽ đạt đến cũng được mô tả trong vài câu. Hai câu cuối cùng của chương đầu cho thấy rõ thái độ của Ðức Phật đối với lối học từ chương và pháp hành thực tiễn. Như vậy, Giáo Pháp được ví như chiếc thuyền để độ chúng sanh vượt qua đại dương của vòng luân hồi. Chỉ riêng câu cuối cùng cũng đủ cho trọn đời một thầy Tỳ-khưu lý tưởng. Câu chuyện hoàng tử Nanda, người em cùng cha khác mẹ với Ðức Phật, hiển nhiên cho thấy làm cách nào Ðức Phật dùng oai lực thần thông để biến đổi một thầy Tỳ-khưu có tinh thần ươn yếu, đang ôm ấp tham dục tai hại, trở thành một cá tánh trong sạch, một tinh thần tráng kiện. Vì nặng lòng tôn kính Ðức Phật, mặc dầu không vui, hoàng tử thọ lễ xuất gia ngay trong ngày lễ cưới của mình. Nhưng Tỳ-khưu Nanda luôn luôn tưởng nhớ vị tân nương của mình và không cố gắng tu hành. Thay vì áp dụng phương pháp răn dạy trực tiếp, Ðức Phật sắp đặt một phương kế thực tiễn và hữu hiệu để đưa sự chú tâm của Tỳ-khưu Nanda về một đối tượng tương tợ, thoáng qua hình như đáng ưa thích hơn, và thành công làm cho vị này đắc quả A-La-Hán. Xem câu 13-14. Hai chương đầu đề cập đến phần luân lý trong Phật giáo và được xem là đồng quan trọng cho cả hai đời sống, xuất gia và tại gia. Chương hai là câu giải đáp hùng biện những lời chỉ trích Phật giáo là một "bàn tay chết", một tôn giáo thụ động, tiêu cực. Appamāda, một Phạn ngữ bao hàm ý nghĩa chú tâm, cẩn mật, thận trọng, trang nghiêm chuyên cần, giác tỉnh v.v... là tựa của chương 2. Chính câu đầu tiên của chương này đã đổi hẳn tâm tánh vua A-Dục (Asoka), vị minh quân, trước kia có tên là Asoka con người tội lỗi, vì những hành động tàn bạo và ác độc của ông khi chưa biết Phật Pháp. Ðôi khi chỉ một câu nói giản dị như vừa kể trên, hay một hàng chữ đơn độc như "không nên tìm thỏa thích trong hương vị của thế gian mà phải trau dồi đời sống ẩn dật", hay chỉ vỏn vẹn một chữ có nhiều ý nghĩa như "chuyên cần", cũng đủ cho trọn một kiếp sống. Câu 24, đề cập đến những nguyên nhân tạo nên tiến bộ vật chất, cho thấy rằng Phật giáo không hoàn toàn xuất thế, không đứng ngoài thế gian vật chất, như có vài lời chỉ trích vội vã có khuynh hướng làm cho người ta nghĩ như vậy. Chương 3 có một ý nghĩa đặc biệt giúp ta thấu hiểu quan niệm của Phật giáo về tâm và tầm quan trọng của việc kiểm soát tâm. Những chương Thân Ái, Hạnh Phúc, Khổ Cảnh, Ác, Thế Gian, Hoa, Cuồng Dại, Bậc Thiện Trí, Ái Dục v.v... tỏ ra rất hữu ích cho những ai còn say đắm dục lạc. Bản chất vô thường tạm bợ của khoái lạc vật chất và nếp sống phải có của ta trong một thế gian tương tợ cũng được chỉ dẫn trong chương này. Những chương Phật, A-La-Hán, Bà-La-Môn sẽ đặc biệt thích hợp với những người có trình độ tinh thần cao. Các chương này mô tả tâm trạng của những nhơn vật thật sự giác ngộ. Tuy nhiên, khi đã đọc qua những Phật ngôn vàng ngọc này, ta không nên tự mãn, cho đó là đủ. Phải đọc đi, đọc lại, suy niệm, cân nhắc cặn kẽ những câu kệ cũng như tích chuyện và rút tỉa những bài học thích đáng. Những chuyện tích hứng thú và xây dựng ấy mô tả rõ ràng tánh cách vĩ đại của Ðức Phật, xem như vị giáo chủ bi, trí, dũng, luôn luôn sẵn sàng tế độ, phục vụ tất cả. Những kim ngôn mỹ từ ấy phải được áp dụng thật sự vào đời sống hằng ngày. Và chỉ đến chừng ấy ta mới có thể, một cách chơn thành và hữu lý, nói lên lời dạy trong kinh Pháp Cú: "Người thấm nhuần Giáo Pháp sống hạnh phúc". Người đọc sẽ ghi nhận rằng Ðức Phật dùng những chuyện ngụ ngôn rất giản dị để cho mọi người, chí đến các em bé, đều hiểu được. Như thí dụ cái bánh xe lăn theo chơn con bò kéo xe, bóng theo người, mái nhà khéo lợp, một làng đang say ngủ, ao hồ sâu thẳm và trong veo, hoa có hương thơm, ong hút mật v.v... Trí tuệ của Ðức Phật đã tỏ rạng trong cách trình bày chơn lý cao thâm với những danh từ thông thường, dễ hiểu, không rườm rà phiền phức. Không có câu nào trong kinh Pháp Cú mà người cư sĩ không thể hiểu được. Ðức Phật thường áp dụng phương pháp giảng dạy trực tiếp. Ðôi khi Ngài cũng dùng oai lực thần thông - không phải phép lạ - để rọi sáng cho những người kém trí tuệ hay cụ thể chứng minh một chơn lý. Xem những câu 146, 147, 148. Ðối với một ngư phủ tên Ariya, có nghĩa cao quý, chỉ bậc thánh nhơn, mà Ðức Phật gặp trong khi ông ấy đang đánh cá, Ngài dạy: "Người sát hại sanh linh ắt không phải là bậc Ariya". Ngư phủ Ariya liền nhận thức hành động thấp hèn của mình và về sau trở thành Thánh nhơn, đúng theo ý nghĩa của danh từ Ariya, tên mình. Xem câu 270. Trong kinh Pháp Cú có nhiều thí dụ cho thấy rằng không phải Ðức Phật chỉ thuyết Pháp cho hàng trí thức mà cũng giảng dạy giáo lý cho các em nhỏ và trong trường hợp này, Ngài dùng những lời lẽ của chúng nó. Tất cả mọi người đều hiểu được Ngài. Xem câu 131. Trong khi soạn thảo bản dịch này tôi có tham khảo - với nhiều lợi ích - những bài viết uyên thâm về kinh Pháp Cú của vị thầy tế độ khả kính của tôi, Ðại đức P. Siri Vajiranāna Mahā Nāyaka Thera, bản dịch ra tiếng cổ Tích Lan và hầu hết tất cả các bản dịch ra Anh văn có thể thâu thập được. Tôi đã đặc biệt thận trọng để không tách rời khỏi bản chú giải cổ truyền. Bản dịch kinh Pháp Cú được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1940 với lời tựa của Bác sĩ Cassius A. Pereira (nay là Ðại đức Kassapa Thera). Về sau, hội "Mahabodi Society" ở Ấn có ấn hành hai lần bản duyệt lại. Một bản duyệt lại khác được loại sách "Wisdom of the East Series" phát hành với lời giới thiệu của Tiến sĩ E.J. Thomas vào năm 1954 và tái bản năm 1959. Trong bản in hiện tại đã có nhiều cải tiến, nhiều chú thích được thêm vào để giúp cho những ai chưa quen thuộc với giáo lý căn bản, và nhiều câu chuyện dẫn tích cũng được trình bày vắn tắt hầu làm cho câu Phật ngôn được sáng nghĩa hơn. Tôi lấy làm cảm tạ ông S.W. Wijayatilaka, nguyên Hiệu trưởng trường Ananda College, Colombo, đã cẩn thận xem lại bản thảo của tôi và đã gợi cho tôi nhiều đề nghị quý giá. Tôi cũng ghi ơn hai người đệ tử Việt Nam của tôi là cô Lê Thị Sanh (Jhāyīnī) và cô Cao Thị Cúc (Citrā) đã đánh máy bản thảo này. Tôi cũng có lời tán dương ông Trương Ðình Dzu, một luật sư Phật tử Việt Nam lỗi lạc, nguyên là Thống Ðốc Ðông Nam Á của Hội Rotary đã phát tâm bố thí trong sạch, gánh chịu tất cả tổn phí để ấn hành quyển sách Phật giáo cổ điển này. Ước mong hành động tạo nhiều phước báu nầy đem lại cho Ông hạnh phúc trường cửu. NĀRADA -ooOoo- Tiểu sử Đại-đức NARADA
MAHA THERA Phạm Kim Khánh Đ ại-đức NARADA MAHA THERA, người Tích-Lan, lúc thiếu thời học trường St Benedicte College. Vào năm 18 tuổi Ngài xuất gia và nhập chúng dưới sự dắt dẩn của vị Cao Tăng Pelene-Vajiranyna, Đại lão Tăng. Chính ở dưới chân của vị Cao Tăng lỗi lạc này mà Đại-đức NARADA được đào luyện chu đáo và thấm nhuần Giáo Pháp. Kế đó Ngài vào Đại Học đường Tích-Lan và về sau được bổ làm Giảng Sư về môn Đạo Đức Học và Triết Học tại Đại Học này.Đại-đức NARADA nổi tiếng về kiến thức sâu rộng, và nhứt là Đạo hạnh và Từ-Bi. Ngài là tác giả của nhiều quyển sách Phật Giáo có giá trị. Quyển "The Manual of Abhidhamma" (Vi-Diệu-Pháp Toát-Yếu) là bản dịch ra Anh văn phần uyên thâm nhứt của Giáo-lý nhà Phật. Quyển "Dhammapada" (Kinh Pháp Cú) cũng được Ngài dịch ra Anh văn có phần chú giải. Còn quyển "The Buddha and His Teachings" (Đức Phật và Phật Pháp) là một tác phẩm xuất sắc của tác giả. Riêng quyển sau cùng này có thể được xem là sách căn bản cho ai muốn tìm hiểu Phật Giáo Nguyên Thủy. Ba quyển này đã được Hội Phật Giáo Nguyên Thủy Việt-Nam nhờ Ông Phạm Kim Khánh phiên dịch ra tiếng Việt. Đại-đức NARADA đã nhiều lần đi vòng quanh thế giới với mục đích hoằng khai Phật Pháp. Ngài đến Việt-Nam lần đầu tiên năm 1936. Lần đó, Ngài ngụ tại Linh Sơn Tự ở Cầu Muối, Sài Gòn, và có trồng tại chùa này một cây Bồ Đề mà hiện nay vẫn còn sống. Năm 1952, Ngài trở qua Việt-Nam dâng cúng viên Ngọc Xá Lợi Phật đầu tiên tôn thờ tại Việt-Nam. Kể từ đó, hằng năm Hội Phật Giáo Nguyên Thủy Việt-Nam cung thỉnh Ngài sang Việt-Nam hoằng khai Đạo Pháp. Ngài đã tận tụy giảng dạy Giáo Lý của Đức Thế Tôn cho Phật tử Việt-Nam, và đã lần lượt dâng cúng các Ngọc Xá Lợi Phật tôn thờ tại Kỳ Viên Tự, Chùa Xá Lợi tại Sài Gòn, Thích Ca Phật Đài tại Vũng Tàu, Nha Trang, Vĩnh Long, Phật Đường Tự thuộc môn phái Phật Giáo Tứ Ân ở Phú Lâm và sau cùng ở Linh Sơn Tự, Cầu Muối, Sài Gòn. Ngài luôn luôn sát cánh với Phật tử Việt-Nam trong mùa Pháp nạn năm 1963. Nhờ sự tích cực can thiệp của Ngài trên thế giới, một phái đoàn Quốc Tế do Bác-sĩ Malaka Sekera, người Tích-Lan hướng dẫn đã được cử đến Việt-Nam điều tra trong mùa Pháp nạn này. Đại-đức NARADA đã rời Việt-Nam lần cuối cùng vào cuối tháng Ba dương lịch, năm 1975. Ở khắp thế giới, Ngài nói lên tiếng nói trung thực của Giáo Pháp, tức là lời dạy rõ ràng và minh bạch của Đức Phật. Ngài đã được liệt vào hàng sứ giả tiền phong của Đạo Phật, mở đường dọn lối cho những sứ giả khác. Đại-đức NARADA cũng là người sáng lập ra nhiều Trung Tâm và Hiệp Hội Phật Giáo Á-Đông cũng như ở Tây Phương. Ngài là Tăng Trưởng của Chùa VAJIRAMA ở Tích-Lan và là một Pháp Sư nổi tiếng khắp nơi, chí đến trong chốn bình dân. Ngài viên tịch ngày 02-10-1983 tại Colombo, thủ đô Sri Lanka (Tích-Lan), hưởng thọ 85 tuổi. (Trích quyển "Kinh Pháp Cú", Phạm Kim Khánh dịch, Paris 1984) -ooOoo- Ðầu
trang | Mục
lục | 01 | 02
| 03 | 04 | 05
| 06 | 07 | 08
| 09 | 10 | |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh, Tỳ kheo Thiện Minh, và
Bác Phạm Kim Khánh
đã gửi tặng bản vi tính và các tư liệu cần thiết để thực hiện ấn bản Internet
này (Bình Anson, 01-2004).
last updated: 08-01-2004