BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with VU Times font |
KINH PHÁP CÚ Tác giả: Nārada
Mahāthera
|
Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode) |
2. CHUYÊN NIỆM - APPAMĀDA VAGGA Kẻ phóng dật chết, người chuyên niệm không chết
Tích chuyện Hoàng Hậu Māgandiyā có tật ganh tỵ, làm cho một người trong sạch, Sāmāvatī, mà bà coi là tình địch, bị thiêu đốt đến chết. Khi vua nghe được câu chuyện đau thương ấy thì bắt Māgandiyā phải chịu một cực hình còn tệ hại hơn nữa, cũng cho đến chết. Các vị sư muốn hiểu trong hai bà, ai thật sự chết và ai thật sự còn sống. Ðức Phật dạy rằng người sống không thận trọng, không giữ tâm chuyên niệm như Māgandiyā phải được xem là đã chết và người có tâm chú niệm như Sāmāvatī là sống. Chú thích 1. - Chuyên cần chú niệm - Appamāda, là không chao động, không lay chuyển, tức luôn luôn giữ tâm niệm, luôn luôn thận trọng hay biết mình đang làm chuyện gì, luôn luôn cố gắng hành thiện, tạo thiện nghiệp. Tinh hoa của nền luân lý Phật giáo có thể tóm tắt trong danh từ appamāda. Lời dạy cuối cùng của Ðức Phật là appamādena sampādetha - kiên trì và liên tục cố gắng. 2. - Con đường bất diệt - Amata, con đường đưa đến trạng thái bất diệt, Nibbāna (Niết-bàn), là mục tiêu tối hậu của người Phật tử. Cũng như danh từ có tánh cách tích cực này chỉ rõ, Niết-bàn không phải là tuyệt diệt hay một trạng thái hư vô như có vài người sẵn sàng tin như vậy. Niết-bàn là trạng thái trường tồn bất diệt, siêu thế, mà ngôn từ phàm tục của người tại thế không thể diễn tả được. 3. - Không nên hiểu rằng những người này không chết. Không có chúng sanh nào bất tử, chí đến chư Phật và chư vị A-La-Hán đi nữa. Ý nghĩa phải hiểu ở đây là người có tâm niệm, người đã chứng ngộ Niết-bàn, sẽ không còn tái sanh lại nữa và như vậy là không chết. Kẻ phóng dật được xem như đã chết vì không có ý muốn làm điều lành, do đó phải chịu sanh tử triền miên. 4. Biết rõ rằng có sự giải thoát cho người chuyên cần chú niệm mà không có cho kẻ phóng dật, dễ duôi. 5. Ở đây danh từ Ariyas có nghĩa là những vị hoàn toàn trong sạch như chư Phật và chư vị A-La-Hán. Cảnh giới của bậc Thánh nhơn (Ariyas) có nghĩa là ba mươi bảy Bồ đề phần (Bhodhipakkhiyadhamma, ba mươi bảy pháp, hay yếu tố dẫn đến sự giác ngộ) và chín trạng thái siêu thế. Xem chú thích câu 44 và câu 115. 6. Ở đây hành thiền bao hàm cả hai nghĩa, định tâm tức chú tâm an trụ vào một điểm (samatha) và suy niệm, tức minh sát (vipassanā). 7. Vượt thoát khỏi trói buộc - Yagakkhema, là thoát ra khỏi bốn trói buộc: ái dục (kāma), luyến ái, đeo níu theo sự sanh tồn (bhava), tà kiến (diṭṭhi), và vô minh (avijjā). 8. Niết-bàn - Nibbāna, đúng văn tự, ni + vāna, là tách rời ra xa ái dục. Niết-bàn, Nibbāna, là trạng thái siêu thế có thể thành tựu được trong chính kiếp sống này. Cũng có thể giải thích Niết-bàn là sự dập tắt dục vọng, nhưng không phải là trạng thái hư vô. Niết-bàn là trạng thái hạnh phúc trường cửu, khi thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau, là kết quả của sự dập tắt hoàn toàn mọi dục vọng. Ðứng về phương diện siêu hình, Niết-bàn là dập tắt đau khổ, phiền não. Về phương diện tâm lý, Niết-bàn là diệt trừ tự ngã. Về phương diện luân lý, Niết-bàn là tận diệt Tham, Sân, Si. Người tinh tấn được sung túc
Tích chuyện Chàng thanh niên kia giàu có nhưng khiêm tốn, sống như một nông phu lam lũ, về sau được vua nâng lên địa vị cao sang, quý trọng. Khi chàng thanh niên ấy được vua giới thiệu đến Ðức Phật thì Ðức Phật diễn tả những đặc tánh của người sung túc như trên. Do cố gắng cá nhơn, bậc thiện trí tạo thiên đàng cho chính mình
Tích chuyện Cūlapanthaka là một tăng sĩ trẻ tuổi không thể học thuộc một câu kinh dài bốn hàng, mặc dầu hết sức cố gắng trọn bốn tháng. Người anh, cũng đã xuất gia, khuyên thầy nên hườn tục. Vị sư trẻ tuổi còn muốn sống đời thiêng liêng đạo hạnh. Ðức Phật hiểu được tâm tánh thầy, đưa cho một cái khăn lau tay sạch và dạy thầy mỗi sáng cầm khăn, căng ra trước mặt trời. Khi cầm cái khăn đưa lên như thế với bàn tay có ít nhiều bụi và mồ hôi thì không bao lâu cái khăn trở nên dơ. Sự thay đổi trông thấy ấy làm cho thầy Tỳ-khưu trẻ tuổi suy gẫm về tánh cách vô thường của đời sống. Thầy cố gắng hành thiền và đắc quả A-La-Hán. Chú thích 1. Một hòn đảo nổi cao trên mặt nước không thể bị ngập lụt mặc dầu những bãi đất thấp chung quanh có thể bị. Một hải đảo như thế có thể là nơi an toàn cho tất cả. Cùng thế ấy, bậc thiện trí trau dồi tuệ minh sát phải tự biến mình thành một hải đảo bằng cách thành tựu đạo quả A-La-Hán, và như vậy thì không còn bị lôi cuốn trong dòng của bốn loại ngập lụt là ái dục (kāma), tà kiến (diṭṭhi), đeo níu theo sự sanh tồn(bhava), và vô minh (avijjā). Hãy chú niệm, không nên phóng dật
Tích chuyện Ở Ấn Ðộ, vào một khoảng thời gian nào trong năm, có tập tục cho vài người đùa giỡn, ăn nói với bất luận lời lẽ cộc cằn nào, với bất luận ai, trong bảy ngày. Vào thời kỳ ấy, Ðức Phật và các môn đệ Ngài ở lại trong tự viện. Khi thời gian bảy ngày ấy chấm dứt, những vị thiện tín mang vật thực đến chùa lưu ý rằng chắc các Ngài phải trải qua mấy ngày không vui. Ðức Phật dạy rằng dầu có hành động cuồng dại như thế nào, bậc thiện trí phải luôn luôn giữ tâm chánh niệm. Dùng tâm niệm khắc phục phóng dật
Tích chuyện Một lần nọ Ðức Ma-Ha Ca-Diếp (Mahā Kassapa) cố gắng vận dụng thiên nhãn để tìm hiểu lý do sanh và tử của chúng sanh. Ðức Phật xuất hiện trước mặt Ngài và dạy rằng chỉ có một vị Phật mới thông suốt được toàn thể các kiếp sanh tồn. Chú thích 1. Chư vị A-La-Hán, đã thoát khỏi mọi phiền não, dùng nhãn quan siêu phàm của các Ngài để từ bi nhìn lại đám đông chúng sanh vô minh còn phải chịu sanh tử triền miên, nghĩa là còn ở trong vòng đau khổ. Người kiên trì cố gắng thắng kẻ dã dượi không chú tâm
Tích chuyện Hai vị Tỳ-khưu rút vào rừng hành thiền. Một vị kiên trì chuyên chú. Vị kia thì không. Ðức Phật ca ngợi vị trước. Chuyên cần dẫn đến quyền tối thượng
Tích chuyện Nhờ nỗ lực cá nhơn và phục vụ bất cầu lợi một người thường tái sanh làm vua ở một cảnh Trời sau khi chết. Chú thích 1. Maghavā - là một tên khác của vua Trời Ðế-Thích. Túc Sanh Truyện Maghamānavaka ghi rằng trong quá khứ xa xôi có một người giàu tinh thần phục vụ xã hội đã tận dụng trọn đời sống mình trong công tác từ thiện, cùng với một nhóm bạn hữu. Sau khi chết, quả lành của hành động thiện đưa vị ấy tái sanh làm Sakka, vị vua Trời Ðế-Thích. 2. Thiên Vương - Deva, đúng văn tự, có nghĩa người sáng lạng, chói ngời, là một hạng chúng sanh có thể xác rất tế nhị, đến đỗi mắt thường không thể trông thấy. Hạng chúng sanh này sống trong các cảnh Trời. Cũng có những vị Trời sống trên quả địa cầu. Người chuyên cần vững tiến
Tích chuyện Một tăng sĩ vào rừng hành thiền, nhưng thất bại. Thầy đi trở về yết kiến Ðức Phật. Trên đường đi, thầy gặp một đám lửa rừng to phừng phừng vồ tới, thiêu đốt tất cả cây cối lớn nhỏ. Cảnh tượng này thức tỉnh thầy, gợi ý rằng chính thầy cũng phải mạnh dạn và vững vàng tiến lên như đám lửa rừng để thiêu đốt tất cả trói buộc lớn nhỏ bằng lửa Bát chánh đạo. Ðức Phật đọc tư tưởng thầy và, rải một tia sáng đến, khuyên dạy những lời trên. Chú thích 1. Tỳ-khưu - Bhikkhu, là người đệ tử của Ðức Phật đã thọ lễ xuất gia đầy đủ (Cụ Túc Giới). "Nhà sư khất thực" có thể là danh từ gần nhứt với Phạn ngữ "bhikkhu". Thầy Tỳ-khưu không phải là người trung gian giữa Thượng đế với người. Thầy Tỳ-khưu không bị ràng buộc phải sống suốt đời như vậy, nhưng, ngày nào còn đắp y vàng, thầy phải ghép mình vào nếp sống giới luật mà chính thầy đã tự nguyện nghiêm trì trong sạch. Thầy cũng tự nguyện sống đời nghèo thiếu và độc thân. Ðến khi cảm thấy không thể còn giữ tròn giới luật, không thể tiếp tục đời sống thiêng liêng, thầy có thể hườn tục bất luận lúc nào. 2. Thằng thúc - Samyojana, đúng nghĩa là cái gì đưa đẩy, dẫn dắt chúng sanh quanh quẩn trong đại dương của đời sống, những dây trói buộc chúng sanh vào vòng luân hồi. Có mười loại dây trói buộc (Saṁyojana, thằng thúc) là: ảo kiến về tự ngã (sakkāyadiṭṭhi, thân kiến), hoài nghi (vicikicchā), dể duôi trong nghi thức lễ bái (lầm lạc) (silābba taparāmāsa, giới cấm thủ), tham dục (kāmarāga), sân hận (paṭigha), luyến ái, đeo níu trong sắc giới (rūparāga), luyến ái, đeo níu trong vô sắc giới (arūparāga), ngã mạn (māna), phóng dật (uddhacca) và vô minh (avijjā). Năm dây trói buộc đầu tiên có liên quan đến bờ bên nầy (oram-bhāgiya) được xem là nhỏ. Năm loại thằng thúc còn lại, liên quan đến bờ bên kia (uddhambhāgiya), là lớn. Tận diệt ba thằng thúc đầu tiên khi đắc quả Tu-Ðà-Hườn (Sotāpaṭṭi, Nhập Lưu), từng thánh đầu tiên. Hai loại trói buộc kế được giảm bớt khi đắc Tư-Ðà-Hàm (Sakādāgāmi, Nhứt Lai), từng thánh thứ nhì. Hai loại này được tận diệt khi đắc A-Na-Hàm (Anāgāmi, Bất Lai), từng thánh thứ ba. Khi đắc quả A-La-Hán (Arahatta, Vô Sanh) thì tận diệt năm loại dây cuối cùng. Người chuyên cần đối diện Niết-bàn
Tích chuyện Có một tăng sĩ độ lượng và tri túc. Ðức Phật giải thích rằng sở dĩ vị ấy được như vậy là nhờ trong quá khứ đã có kết hợp chặt chẽ với Ngài và ghi nhận rằng những ai có nếp sống như thầy Tỳ-khưu kia đã đứng trước Niết-bàn. Chú thích 1. Rơi trở xuống - từ mức độ tinh thần mà Ngài đã đạt đến. -ooOoo- Ðầu
trang | Mục
lục | 01 | 02
| 03 | 04 | 05
| 06 | 07 | 08
| 09 | 10 | |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh, Tỳ kheo Thiện Minh, và
Bác Phạm Kim Khánh
đã gửi tặng bản vi tính và các tư liệu cần thiết để thực hiện ấn bản Internet
này (Bình Anson, 01-2004).
last updated: 08-01-2004