BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


 

KINH PHÁP CÚ
DHAMMAPADA

Tác giả: Nārada Mahāthera
Người dịch: Phạm Kim Khánh, 1971

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

11. TUỔI GIÀ - JARĀ VAGGA

Tìm ánh sáng

1. Ko nu hāso kimānando -niccaṁ pajjalite sati

Andhakārena onaddhā -padīpaṁ na gavessatha.

1. Thích thú vui cười là gì, hoan hỉ khoái lạc là gì, khi mà thế gian không dứt bừng cháy 1? Bị bao trùm trong đêm tối, há không đi tìm ánh sáng?. 146.

Tích chuyện

Một hôm, cùng đi với bà Visākhā, vị đại thí chủ thời Ðức Phật, có vài thiếu phụ không biết, uống rượu say. Trong trạng thái say sưa ấy, các bà múa men và hát xướng kém kém lễ độ trước Ðức Thế Tôn. Dùng năng lực thần thông, Ðức Phật tạo cảnh tối tăm bao trùm các bà và đem các bà trở về lý trí. Bấy giờ Ðức Phật mới đọc câu kệ trên.

Chú thích

1.- Thế gian này bị ngọn lửa tham dục thiêu đốt không ngừng, và luôn luôn bị màn vô minh bao trùm, bưng bít trong cảnh tối tăm. Vậy, còn trong thế gian ấy, người thiện trí phải tận lực cố gắng tìm ánh sáng của trí tuệ.

Thể xác lộng lẫy này quả thật ô trược

2. Passa cittakataṁ bimbaṁ -arukāyaṁ samussitaṁ

Āturaṁ bahusaṅkappaṁ - yassa natthi dhuvaṁ ṭhiti.

2. Hãy nhìn cái thể xác đẹp đẽ này, một khối đau đớn, một đống bệnh tật, được người ta bận tâm nhiều, nhưng không chứa đựng gì bền vững, không có gì tồn tại 1. 147.

Tích chuyện

Một nhà sư trẻ tuổi đem lòng thương cô Sirimā, một gái giang hồ. Thình lình cô chết. Dầu nhà vua ra lệnh cho dân chúng nhìn thi hài cô, không ai màng liếc mắt đến. Ðức Phật chỉ cho các Tỳ-khưu xác chết sình thúi đáng ghê tởm ấy, và giảng về tánh ô trước của thể xác.

Chú thích

1.- Không có gì tồn tại mà còn đẹp đẽ như trước.

Ðời sống chấm dứt trong sự chết

3. Parijiṇṇam idaṁ rūpaṁ -roganiḍḍhaṁ pabhaṅguraṁ

Bhijjati pūtisandeho -maranaṇtaṁ hi jīvitaṁ.

3. Thể xác này hoàn toàn kiệt quệ, một ổ bệnh tật, dễ hoại diệt. Khối ô trược này sẽ tan rã. Quả thật vậy, đời sống chấm dứt trong sự chết. 148.

Tích chuyện

Thấy một sư cô run rẩy ngã chết, Ðức Phật giảng về bản chất vô thường của đời sống.

Nhìn một đống xương thì có gì thích thú

4. Yānimāni apatthāni - alāpūn' eva sārade

Kāpotakāni aṭṭhīni - tāni disvāna kā rati.

4. Những que xương trắng bạc màu chim bồ câu (trắng), giống như trái bầu mà người ta vứt đi trong mùa thu. Thích thú gì mà nhìn nó? 149.

Tích chuyện

Nhiều vị Tỳ-khưu vào nghĩa địa hành thiền. Trước những thi hài mới chết, có lòng tham ái phát sanh. Ðức Phật đọc câu kệ trên để giảng dạy.

Thể xác này gồm thịt và máu

5. Aṭṭhīnaṁ nagaraṁ kataṁ -maṅsalohitalepanaṁ

Yattha jarā ca maccū ca - māno makkho ca ohito.

5. Thành trì (này) dựng lên bằng xương, đắp thịt và máu bên ngoài, trong đó tích trữ bệnh tật, chết chóc, ngã mạn và phỉ báng. 150.

Tích chuyện

Một thiếu phụ xinh đẹp đã thọ lễ xuất gia Tỳ-khưu ni nhưng thiếu niềm tin. Sợ Ðức Phật có lời lẽ không tôn trọng, làm giảm giá trị sắc đẹp nên bà không đến hầu Ngài. Tuy nhiên, một ngày kia, cùng với những người khác, bà đến phòng giảng trong lúc Ðức Phật đang thuyết Pháp. Ðức Phật làm cho bà thấy một người đàn bà thật đẹp đang đứng quạt Ngài. Rồi Ngài làm cho hình ảnh ấy dần dần biến đổi, phản ảnh sự tàn phá của tuổi già và cái chết trên thể xác vô cùng đẹp đẽ một thời nào. Chơn lý bừng sáng trước mắt người thiếu phụ. Lúc bấy giờ Ðức Phật đọc câu kệ trên.

Ðức hạnh chơn chánh không hư cũ

6. Jīranti ve rājarathā sucittā - atho sarīram pi jaraṁ upeti

Sataṁ ca dhammo na jaraṁ upeti - santo have sabbhi pavedayanti.

6. Chí đến chiếc xe trang hoàng lộng lẫy của hoàng cung cũng cũ hư. Cùng thế ấy, thân này sẽ đến tuổi già. Nhưng Giáo Pháp 1 của bậc Thiện Nhơn 2 không già cỗi. Do đó, bậc Thiện Nhơn làm sáng tỏ Giáo Pháp giữa những bậc Thiện Nhơn. 151.

Tích chuyện

Hoàng Hậu Mallikā là một tín nữ có tâm đạo nhiệt thành. Sau khi bà băng hà, Ðức Phật đến viếng hoàng cung và vua muốn biết hoàng hậu tái sanh đi đâu. Ðức Phật cho vua biết nơi tái sanh của hoàng hậu và, nhìn một chiếc long xa cũ kỹ, Ngài dạy những lời trên.

Chú thích

1.- Giáo Pháp - dhamma, là chín trạng thái siêu thế: Bốn Ðạo, bốn Quả và Niết-bàn.

2.- Bậc Thiện Nhơn - những vị như chư Phật.

Người học ít kém trí tuệ

7. Appassutāyaṁ puriso -balivaddo'va jīrati

Maṅsāni tassa vaḍḍhanti - paññā tassa na vaḍḍhati.

7. Con người ít học trưởng thành như bò. Bắp thịt có nở nang, nhưng trí tuệ không phát triển. 152.

Tích chuyện

Một thầy Tỳ-khưu thường ăn nói không nhằm chỗ Ðức Phật dạy những lời trên khi đề cập đến thầy.

Ái dục là người xây dựng cái nhà này

8. Anekajāti saṁsāraṁ - sandhāvissaṁ anibbisaṁ

Gahakārakaṁ gavesanto- dukkhā jāti punappunaṁ.

9. Gahakāraka diṭṭho' si -puna gehaṁ na kāhasi

Sabbā te phāsukā bhaggā -gahakūṭaṁ visaṅkhitaṁ

Visaṅkhāragataṁ cittaṁ -taṇhānaṁ khayam ajjhagā

8. Xuyên qua nhiều kiếp sống. Như Lai thênh thang đi trong vòng luân hồi để tìm, nhưng không gặp, người thợ cất nhà này. Phiền muộn thay, đời sống triền miên tái diễn. 153.

9. Này hỡi người thợ làm nhà! Người đã bị bắt gặp. Ngươi không còn cất nhà nữa. Tất cả rui mè của ngươi đã gãy. Cây đòn dông của ngươi cũng bị phá tan.

Tâm của Như Lai đã thành đạt trạng thái vô lậu. Mọi ái dục đã hoàn toàn chấm dứt. 154.

Tích chuyện

Ðức Phật đọc câu kệ này liền sau khi thành đạt Ðạo Quả Vô Thượng.

Chú thích

1.- Hai câu này, gọi là bài kệ phỉ lạc (udāna) đầu tiên, mà Ðức Phật đọc lên liền sau khi chứng ngộ đạo quả Vô Thượng, không thể tìm thấy nơi nào khác. Vì Ðại đức Ānanda đã nghe hai câu này chính từ miệng Ðức Phật đọc lên nên bài kệ được sắp trong kinh Pháp Cú.

Ở đây, Ðức Phật xác nhận cuộc đi thênh thang bất định trong nhiều kiếp sống quá khứ đầy đau khổ, một sự kiện hiển nhiên chứng minh có nhiều kiếp tái sanh. Ngài phải đi bất định, và do đó, phải chịu khổ đau, phải thênh thang mãi cho đến ngày tìm ra được người kiến trúc sư đã xây dựng cái nhà này, tức thể xác này. Trong kiếp cuối cùng, giữa khung cảnh cô đơn tịch mịch của rừng thiêng, lúc đi sâu vào công trình thiền định mà Ngài đã dày công trau giồi từ xa xôi trong quá khứ, trải qua cuộc hành trình bất định, Ngài khám phá ra anh thợ cất nhà hằng mong mỏi muốn biết. Anh thợ này không ở ngoài, mà ở sâu kín bên trong Ngài. Ðó là ái dục, sự tự tạo, một thành phần tinh thần luôn luôn ngủ ngầm bên trong tất cả mọi người. Ái dục xuất phát bằng cách nào thì không thể biết. Cái gì ta tạo ra, ta có thể tiêu diệt. Tìm ra anh thợ cất nhà tức tận diệt ái dục, trong lúc đắc quả A-La-Hán, mà trong bài kệ này, ý nghĩa bao hàm trong thành ngữ chấm dứt ái dục.

Mè rui, hay cái sườn nhà, của căn nhà tự tạo này là những ô nhiễm như tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, hoài nghi, hôn trầm, phóng dật, vô tàm, vô úy. Cây đòn dông chịu đựng cái sườn là vô minh, căn nguyên xuất phát của mọi dục vọng. Phá vỡ cây đòn dông vô minh bằng trí tuệ tức là làm sập căn nhà. Sườn và đòn dông là vật liệu mà anh thợ dùng để cất nhà, cái nhà không đáng cho ta ham muốn. Vậy, khi hết vật liệu xây cất, tức nhiên anh thợ không còn dựng nhà được nữa.

Khi cái nhà đã bị phá tan tành thì cái tâm, mà trong tích chuyện, không được đề cập đến, đã thành đạt trạng thái vô lậu, vô sanh, bất diệt, là Niết-bàn. Tất cả cái gì còn tại thế đều phải bị bỏ lại phía sau và chỉ có trạng thái siêu thế, Niết-bàn, sẽ tồn tại.

Người không tiến bộ - vật chất và tinh thần - sẽ ăn năn hối hận

10. Acaritvā brahmacariyaṁ -aladhā yobbane dhanaṁ

Jiṇṇakoñcā' va jhāyanti -khīṇamacche' va pallale.

11. Acaritvā brahmacariyaṁ -aladdhā yobbane dhanaṁ

Senti cāpātikhīṇā' va - purāṇāni anutthunaṁ.

10. Người không sống đời Ðạo hạnh thiêng liêng, người không thâu thập tài sản lúc thiếu thời, sẽ tàn tạ mỏi mòn như con cò già trong cái ao không cá. 155.

11. Người không sống đời Ðạo hạnh thiêng liêng, người không thâu thập tài sản lúc thiếu thời, sẽ nằm dài như cái cung gãy, nhìn dĩ vãng mà than vắn thở dài. 156.

Tích chuyện

Con một nhà triệu phú kết hợp với bạn bè xấu xa hư hỏng, phung phí hết cả tài sản sự nghiệp và trở thành nghèo đói khốn cùng. Ðề cập đến số phần bất hạnh của anh, Ðức Phật dạy những lời trên.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26

Các bản kinh Pháp Cú khác

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh, Tỳ kheo Thiện Minh, và Bác Phạm Kim Khánh
đã gửi tặng bản vi tính và các tư liệu cần thiết để thực hiện ấn bản Internet này (Bình Anson, 01-2004).


[Trở về trang Thư Mục]

last updated: 08-01-2004