BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


 

KINH PHÁP CÚ
DHAMMAPADA

Tác giả: Nārada Mahāthera
Người dịch: Phạm Kim Khánh, 1971

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

13. THẾ GIAN - LOKA VAGGA

Hãy từ bỏ tham vọng thấp hèn

1. Hinām dhammaṁ na seveyya pamādena na saṁvase

Micchādiṭṭhiṁ na seveyya - na siyā lokavaddhano.

1. Không nên phục dịch mục tiêu bần tiện 1. Không nên sống buông lung phóng dật. Không nên ôm ấp tà kiến. Không nên nâng đỡ thế gian 2167.

Tích chuyện

Một thầy Sa-di trẻ tuổi phẫn nộ vì có người gọi là ông trọc. Không ai làm dịu được thầy. Ðức Phật dùng phương pháp hòa giải và thuyết phục. Khi ấy Ðức Phật đọc câu kệ trên.

Chú thích

1. Mục tiêu bần tiện - là dục lạc, những khoái lạc vật chất.

2. Nâng đỡ thế gian - bằng cách sanh tử triền miên, trở đi trở lại.

Người chánh hạnh sống an vui. Hãy có chánh hạnh

2. Uttiṭṭhe nappamajjeyya - dhammaṁ sucaritaṁ care

Dhammacārī sukhaṁ seti - asmiṁ loke paramhi ca.

3. Dhammaṁ care sucaritaṁ - na naṁ duccaritaṁ care

Dhammacārī sukhaṁ seti - asmiṁ loke paramhi ca.

2. Không nên dễ duôi phóng dật khi đứng (trì bình trước cửa người ta). Hãy trang nghiêm hành chánh hạnh (ấy). Người hành chánh hạnh ấy trang nghiêm sẽ được an vui ở thế gian này, và trong thế gian sắp đến. 168.

3. Hãy trang nghiêm hành chánh hạnh (ấy). Không nên dễ duôi phóng dật. Người hành chánh hạnh ấy trang nghiêm sẽ sống an vui, ở thế gian này và trong thế gian sắp đến. 169.

Tích chuyện

Trong ngày đầu tiên Ðức Phật trở về nơi chôn nhau cắt rún, thành Ca-Tỳ-La-Vệ (Kapilavatthu), liền sau khi thành đạt đạo quả Vô Thượng, Ngài đi trì bình trong các đường phố. Ðức vua cha là Vua Tịnh Phạn, lấy làm nhục nhã nghe tin ấy, lật đật chạy đến hỏi Ðức Phật tại sao nỡ lòng làm nhục hoàng gia, đi khất thực trên những con đường mà trước kia Ngài chỉ đi bằng kiệu vàng. Lúc ấy Ðức Phật, lưu ý vua rằng đó là chánh hạnh của chư Phật, những người đến trước Ngài, và Ðức Phật đọc câu kệ trên.

Chú thích

1. Bản dịch này được dịch theo tinh thần của bản chú giải. Do tánh cách không rõ ràng của danh từ đầu tiên, câu trên có thể được dịch: "Hãy giác tỉnh, không nên phóng dật" v.v...

Thế gian này tựa hồ như bọt nước

4. Yathā bubbulakaṁ passe - yathā passe marīcikaṁ

Evaṁ lokaṁ avekkhantaṁ maccurājā na passati.

4. Như ta nhìn bọt nước. Như ta nhìn ảo ảnh. Nếu người kia nhìn thế gian này như vậy, Tử Thần không còn thấy người ấy nữa 1. 170.

Tích chuyện

Nhiều vị Tỳ-khưu đắc quả A-La-Hán nhờ suy niệm về ảo ảnh và bọt nước. Ðề cập đến sự chứng ngộ của các Ngài, Ðức Phật thốt ra những lời trên.

Chú thích

1. Cái cơ cấu tâm vật lý, tức xác thân này, phải được xem là trống không như bọt nước và huyễn hoặc như ảo ảnh. Người thiện trí nhận định như thế ấy sẽ chấm dứt mọi đau khổ của đời sống.

Người thiện trí không luyến ái thế gian

5. Etha passath' imaṁ lokaṁ -

cittaṁ rājarathūpamaṁ

Yattha bālā visīdanti -

natthi saṅgo vijānataṁ.

5. Ðến đây, hãy nhìn thế gian này 1, như chiếc long xa trang hoàng lộng lẫy. Kẻ cuồng dại lặn hụp trong thế gian ấy, nhưng người thiện trí thì không luyến ái. 171.

Tích chuyện

Một hoàng tử lấy làm sầu muộn khi hay tin người vũ nữ thường ca múa giúp vui cho ông vừa chết. Hoàng tử đến hầu Phật để tìm nguồn an ủi. Ðức Phật khuyên giải ông và dạy những lời trên.

Chú thích

1.-Thế gian - là thể xác gồm năm uẩn này.

Người chuyên cần chánh niệm rọi sáng thế gian

6. Yo ca pubbe pamajjitvā - pacchā so nappamajjati

So imaṁ lokaṁ pabhāseti - abbhā mutto' va candimā.

6. Người trước kia phóng dật, về sau chuyên cần tu niệm. Người như thế rọi sáng thế gian như vầng trăng ló dạng, thoát ra khỏi đám mây mờ. 172.

Tích chuyện

Thầy Tỳ-khưu nọ từ sáng đến chiều chỉ lo quét dọn trong chùa. Về sau, thực hành theo lời dạy của một vị A-La-Hán, thầy rút vào tịnh thất, sớm tối chuyên cần hành thiền và đắc quả A-La-Hán. Khi đề cập đến sự thay đổi thái độ của thầy, Ðức Phật dạy những lời trên.

Hành động lành có thể che lấp nghiệp xấu

7. Yassa pāpaṁ kataṁ kammaṁ - kusalena pithīyati

So imaṁ lokaṁ pabhāseti -

abbhā mutto' va candimā.

7. Người có hành động lành 1 để che khuất nghiệp xấu 2, người ấy rọi sáng thế gian như vầng trăng ló dạng, thoát ra khỏi đám mây mờ. 173.

Tích chuyện

Angulimāla đã giết nhiều nhơn mạng nhưng được Ðức Phật cảm hóa. Về sau, không những ông trở thành một vị Tỳ-khưu giàu lòng từ bi mà còn đắc quả A-La-Hán và nhập Niết-bàn sau khi viên tịch. Các vị Tỳ-khưu khác muốn biết làm sao một kẻ sát nhơn như vậy có thể đắc quả A-La-Hán. Ðể giải đáp, Ðức Phật đọc câu kệ trên.

Chú thích

1. Hành động lành - bằng A-La-Hán đạo

2. Ta phải gặt hái hậu quả của nghiệp đã tạo. Nhưng không nhứt thiết bắt buộc phải gặt hái tất cả hậu quả của tất cả những hành động trong vòng luân hồi. Nếu phải vậy ắt không thể có giải thoát, không thể thoát ra khỏi vòng sanh tử. Ðôi khi có thể ngăn chận nghiệp xấu trổ quả bằng cách tạo một nghiệp tốt thật mạnh.

Người sáng suốt hiếm có

8. Andhabhūto ayaṁ loko - tanuk'ettha vipassati

Sakunto jālamutto‘va - appo saggāa gacchati.

8. Thế gian này mù quáng. Người thấy rõ thật hiếm hoi. Như (số) chim thoát khỏi lưới, ít người vào nhàn cảnh 1. 174.

Tích chuyện

Một em bé gái giàu tâm đạo, con một người thợ dệt, đến nghe Ðức Phật thuyết Pháp và giải đáp thỏa đáng bốn câu hỏi khó, được Ðức Phật nêu lên cho em mà toàn thể cử tọa không ai hiểu đúng. Ðức Phật giải thích và đọc lên câu kệ trên.

Chú thích

1. Nhàn cảnh - Sagga, trạng thái hữu phúc hay nhàn cảnh, không phải thiên đàng trường cửu.

Người thiện trí cố thoát ra khỏi thế gian này

9. Hamsādiccapathe yanti - ākāse yanti iddhiyā

Nīyanti dhīrā lokamhā - jetvā māraṁ savāhiniṁ.

9. Chim thiên nga bay dài theo đường mặt trời. (Con người), nhờ thần thông 1, bay giữa không trung. Bậc thiện trí thoát ra khỏi thế gian 2 này nhờ chinh phục Ma vương và khách của Ma vương 3. 175.

Tích chuyện

Vài vị Tỳ-khưu đến hầu Phật, nghe Pháp và đắc quả A-La-Hán cùng các thần thông. Lúc về, các Ngài bay đi. Ðại đức Ananda thấy cái Ngài vô mà không thấy ra và cũng không thấy đâu hết nên bạch hỏi Ðức Phật. Cùng lúc ấy có những con thiên nga đang bay trên không trung. Ðức Phật ghi nhận rằng chư vị A-La-Hán có năng lực thần thông cũng bay giữa không trung như loài thiên nga.

Chú thích

1.- Thần thông - Iddhi, năng lực tinh thần. Do nhờ sự phát triển tinh thần đầy đủ, hành giả có thể bay trên không trung, đi trên mặt nước, chui xuống lòng đất v.v... Những loại năng lực ấy thuộc về tâm linh và phi thường nhưng không phải là phép lạ.

2.- Khỏi thế gian - Ðó là các vị A-La-Hán, nhập Ðại Niết-bàn, không còn tái sanh trở lại trên thế gian này.

3.- Khách của Ma Vương - được mô tả là gồm mười loại dục vọng hay ô nhiễm (kilesa) là:

1. Tham dục (kāma), 2. Bất mãn với đời sống Thiêng Liêng Ðạo Hạnh (arati), 3. Ðói và khát (khuppipāsā), 4. Ái dục (taṇhā), 5. Hôn trầm, dã dượi (thīna - middha), 6. Sợ hãi (bhaya), 7. Hoài nghi (vicikicchā), 8. Phỉ báng và cố chấp (makkha thambha), 9. Lợi lộc (lābha), khen tặng (siloka), vinh dự (sakkāra) và thinh danh bất chánh (yasa), 10. Ðánh cao quá mức giá trị của mình và khinh rẽ người khác (attukkaṁsanaparavambhana).

Không có điều ác nào mà người gian dối không làm được

10. Ekaṁ dhammaṁ atītassa - musāvādissa jantuno

Vitiṇṇaparalokassa - natthi pāpaṁ akāriyaṁ.

10. Không có điều ác nào mà người vọng ngữ vi phạm định luật (chơn thật), và dửng dưng trước thế giới bên kia, không làm được 1. 176.

Tích chuyện

Một thiếu phụ hư hèn giả làm như có mang để công khai phỉ báng Ðức Phật. Nhưng mưu gian bị khám phá. Ðức Phật đọc câu kệ trên khi đề cập đến lời vu oan của thiếu phụ.

Chú thích

1. Người vọng ngữ, không biết tự trọng, không tin có kiếp sống sau kiếp này, và không biết sợ hậu quả của những hành động độc ác, người ấy có thể làm bất cứ điều ác nào. Người như thế ấy không thấy được hạnh phúc trên quả địa cầu, trong nhàn cảnh, hay ở Niết-bàn.

Người bỏn xẻn không hạnh phúc

11. Na ve kadariyā devalokaṁ vajanti - bālā have nappasaṁsanti dānaṁ

Dhīro ca dānaṁ anumodamāno - ten' eva so hoti sukhī parattha.

11. Ðúng như vậy, người hà tiện không lên cảnh Trời. Kẻ cuồng si không tán dương đức quảng đại.

Người thiện trí hoan hỉ bố thí, do đó, được hạnh phúc về sau. 177.

Tích chuyện

Ông vua nọ tiêu xài tiền của thật nhiều để cúng dường Ðức Phật và chư Tăng. Trong triều có một vị đại thần không vui và một vị khác lấy làm hoan hỉ. Xét về hai thái độ khác nhau của hai vị đại thần ấy Ðức Phật giảng cho vua nghe những lời dạy trên.

Tiến bộ tinh thần quý hơn quyền bá chủ trên thế gian

12. Pathavyā ekarajjena - saggassa gamanena vā

Sabbalokādhipaccena - sotāpattiphalaṁ varaṁ.

12. Hơn quyền bá chủ 1 trên quả địa cầu, hơn tái sanh vào cảnh Trời, hơn quyền chúa tể của toàn thể võ trụ, là quả của bậc Nhập Lưu. 178.

Tích chuyện

Ông trưởng giả Cấp Cô Ðộc (Anāthapiṇḍika) khuyến khích con đi nghe Ðức Phật thuyết Pháp bằng cách cho con nhiều tiền. Vì ham muốn được ban thưởng, người con đến hầu Phật, nghe Pháp, và đắc quả Nhập Lưu. Lúc bấy giờ Ðức Phật dạy rằng tiến bộ tinh thần quý báu hơn tất cả cái gì ta có thể có được trên thế gian này.

Chú thích

1. Sự thanh lọc nội tâm cao thượng hơn những sự nghiệp vật chất trên thế gian hay hạnh phúc tạm bợ ở các cảnh Trời.

2. Nhập Lưu - sotāpatti, ở đây sota có nghĩa là dòng nước dẫn đến Niết-bàn. Ðó là Bát Chánh Ðạo. "Ā" là lần đầu tiên. "Patti" là sự thành đạt. Sotāpatti là sự thành đạt dòng suối dẫn đến Niết-bàn lần đầu tiên. Ðó là sự chứng ngộ Niết-bàn lần đầu tiên. Ðó cũng là từng thứ nhứt trong bốn từng Thánh. Bậc Nhập Lưu hay Tu-Ðà-Hườn không còn tái sanh vào khổ cảnh nhưng những bậc vĩ nhơn trên thế gian còn có thể tái sanh vào trạng thái đau khổ.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26

Các bản kinh Pháp Cú khác

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh, Tỳ kheo Thiện Minh, và Bác Phạm Kim Khánh
đã gửi tặng bản vi tính và các tư liệu cần thiết để thực hiện ấn bản Internet này (Bình Anson, 01-2004).


[Trở về trang Thư Mục]

last updated: 08-01-2004