Lúc ấy, Phật ở gần thành Vương-xá, trong tinh xá Trúc Lâm. Vua
Tần-bà-sa-la rất ngưỡng mộ Phật pháp, mỗi ngày ba lần cùng với các quan
thuộc đến lễ bái Phật.
Về sau, vua mỗi ngày một già yếu, thân thể nhọc mệt chẳng thể đến lễ bái
Phật hàng ngày được. Các quan đại thần liền tâu vua rằng: “Đại vương nên
cầu xin một ít tóc và móng tay của Phật, mang về trong cung lập tháp thờ
phụng, để ngày ngày chiêm ngưỡng, lễ bái được gần gũi hơn.”
Vua nghe theo, liền đến lễ Phật xin được thỉnh tóc và móng tay. Phật
liền ban cho. Vua mang về lập tháp trong nội cung, hương đèn, hoa quả
mỗi ngày ba lần dâng cúng, chí thành lễ bái.
Thời gian sau, thái tử A-xà-thế nghe lời xúi giục của Đề-bà-đạt-đa, giết
vua đi mà lên ngôi, lại truyền khắp trong cung không ai được đến tháp ấy
mà lễ bái, cúng dường hương đèn hoa quả gì nữa cả. Ai trái lệnh xem như
là phạm tội chết.
Đến ngày rằm tháng bảy là ngày chư tăng tự tứ, có một cung nữ tên là
Công Đức Ý, tự suy nghĩ rằng: “Đại vương ngày trước tạo lập tháp này để
ngày ngày lễ bái. Nay đã lâu chẳng ai quét dọn, hương đèn, thành ra dơ
nhớp, u ám. Ta nay nên liều bỏ thân này mà quét dọn, đốt hương đèn, dâng
hoa cúng dường.”
Nghĩ vậy rồi liền vào tháp quét dọn sạch bụi bặm, đốt hương đèn lên sáng
rực, lại dâng các thứ hương hoa cúng dường. Vua A-xà-thế khi ấy đang ở
trên lầu cao, nhìn xa thấy trong tháp hương đèn sáng rực, liền sai người
đến xem coi ai cả gan dám chống lệnh của vua. Người đi xem về thưa lại
rằng đó là người cung nữ tên Công Đức Ý. Vua truyền dẫn đến để xét hỏi
nguyên do.
Khi ấy, cung nữ Công Đức Ý đối trước mặt vua mà nói rằng: “Tháp ấy do
đại vương ngày xưa tạo dựng, làm chỗ để quy ngưỡng, cúng dường. Nay gặp
ngày lành, nên tôi quét dọn cho sạch sẽ và đốt hương đèn cúng dường.”
Vua A-xà-thế nghe lời ấy, liền hỏi rằng: “Ngươi có nghe lệnh cấm của ta
chăng?” Công Đức Ý đáp: “Tôi có nghe. Nhưng đại vương ngày nay mới trị
nước, chẳng hơn được tiên vương.”
A-xà-thế nghe vậy cực kỳ giận dữ, liền rút gươm mà tự tay chém chết Công
Đức Ý. Nhờ công đức xả thân cúng dường tháp Phật, người liền được sinh
lên cõi trời Đao-lỵ, có hào quang quanh thân chiếu sáng hơn một do-tuần.
Khi ấy, vua trời Đế-thích và chư thiên đều tụ họp lại để chiêm ngưỡng
hào quang của vị thiên tử mới này, đều hỏi rằng: “Người tạo pháp lành gì
được sinh về đây? Nhờ đâu mà có hào quang nơi thân thể sáng rực hơn hẳn
chư thiên cõi này?”
Vị thiên tử ấy liền đọc kệ đáp rằng:
Đức Như Lai ra đời,
Như mặt trời soi sáng.
Chiếu rọi nơi u tối,
Làm cho đều sáng rỡ.
Gặp Phật sinh hoan hỷ,
Tâm xấu ác tự trừ,
Lành thay, đấng vô thượng,
Ruộng phước cho muôn loài.
Lòng thành tu phước đức,
Chẳng tiếc giữ thân mạng.
Dù bị giết nơi ấy,
Được sinh cõi trời này.
Vị thiên tử đọc kệ rồi, liền cùng với Đế-thích và chư thiên hiện đến
cúng dường Phật, đủ các thứ hương hoa, trân bảo nơi cõi trời. Khi ấy,
hào quang chư thiên chiếu sáng rực rỡ tinh xá Kỳ Hoàn. Các vị lễ Phật
rồi đều yên lặng ngồi sang một bên.
Phật vì chư thiên thuyết pháp Tứ diệu đế. Vị thiên tử ấy nghe pháp rồi
tâm ý liền được khai mở, đắc quả Tu-đà-hoàn, tự khởi lên ý niệm này: “Ta
nhớ lại từ muôn kiếp đến nay, những thân mạng đã trải qua, nếu tích tụ
lại thì xương trắng chất cao hơn núi, nước mắt khổ đau nhiều hơn biển
lớn, chết đi sống lại chẳng biết đã bao lần. Nay thật là đã được thoát
ly được vòng sinh tử ấy.”
Nghĩ như vậy rồi, chí thành lễ Phật mà quay về cõi trời.
Sáng hôm sau, chư tỳ-kheo thưa hỏi Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Đêm qua hào
quang rực rỡ chiếu sáng khác thời nơi tinh xá này, chẳng hay đó là các
vị Thích phạm, tứ thiên vương, hay hai mươi tám bộ quỷ thần đến đây nghe
pháp?”
Phật nói: “Chẳng phải Thích phạm, thiên thần, tứ thiên vương đến nghe
pháp. Ấy là người cung nữ của vua Tần-bà-sa-la, liều mình quét tháp
Phật, bị vua hại chết liền sinh lên cõi trời Đao-lỵ, nay đến cúng dường
ta. Do đó mà có ánh hào quang ấy.”
Phật thuyết nhân duyên được sinh lên cõi trời của người cung nữ Công Đức
Ý, chư tỳ-kheo trong chúng hội có người đắc quả Tu-đà-hoàn, có người đắc
quả Tư-đà-hàm, có người đắc quả A-na-hàm, có người đắc quả A-La-hán, lại
có nhiều người phát tâm cầu quả Phật Bích-chi, cũng có người phát tâm
cầu quả vô thượng Bồ-đề.
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng
tin nhận.