Lúc ấy, Phật cùng với chư tỳ-kheo đi giáo hóa, ngang qua nước
Kiều-tát-la, đến một vùng đầm lầy. Ở đó có một bầy 500 con trâu, trong
đó có một con cực kỳ hung dữ, lại có 500 người chăn trâu.
Khi thấy Phật từ xa đi lại, những người chăn trâu liền la lớn lên rằng:
“Xin đức Thế Tôn đừng qua lối này. Trong bầy trâu ấy có một con cực kỳ
hung dữ, thường hại mạng người, không thể đi qua được.”
Phật bảo những người chăn trâu rằng: “Các ngươi chớ lo lắng. Con trâu dữ
ấy nếu muốn làm hại, ta có thể tự lo liệu được.”
Liền đó, trâu dữ từ xa phóng tới, đuôi cong lên trời, hai sừng cúi
xuống, nhằm ngay mình Phật mà lao đến. Khi ấy, Phật liền đưa năm ngón
tay ra, hóa hiện năm con sư tử oai vệ hầu quanh Phật, lại bốn phía hiện
ra những hầm lửa lớn, lửa cháy dậy trời. Con trâu dữ kinh hoàng khiếp
sợ, quay vòng không còn biết đường nào trốn chạy nữa.
Bỗng nó thấy ngay trước mặt Phật có một chỗ trống có thể đến tránh né
được, vội chạy đến đó, liền thấy thân thể mát mẻ, yên ổn, không còn lo
sợ hoảng hốt nữa. Trâu vui mừng quỳ xuống, thè lưỡi liếm trên bàn chân
Phật. Rồi lại ngẩng đầu lên mà nhìn Phật, trong lòng vui mừng không kể
xiết.
Phật biết trâu dữ đã được điều phục, liền đọc kệ cho trâu nghe rằng:
Tâm hung khởi ác ý,
Muốn đến đây hại ta.
Lòng thành mong đắc thắng,
Quay lại liếm chân ta.
Khi con trâu dữ ấy nghe Phật đọc kệ rồi, trong lòng sinh ra xấu hổ, bỗng
nhiên tâm địa trở nên sáng suốt, nghiệp chướng trừ diệt, chợt nhớ lại
kiếp trước khi làm thân người đã tạo rất nhiều ác nghiệp. Nhớ lại như
vậy rồi trong lòng buồn bã, hối hận và xấu hổ, liền bỏ ăn suốt mấy ngày
liền.
Trâu nhịn đói mà chết, ác nghiệp đã dứt, nhờ phước lành gặp Phật nên
liền được sinh lên cõi trời Đao-lỵ. Vừa sinh ra đã cao lớn như đứa trẻ
được tám tuổi, trong tâm tự suy nghĩ rằng: “Không biết trước đây ta tạo
phước đức gì mà được sinh lên cõi trời này?” Liền tự quán sát, nhớ lại
tiền thân là con trâu hung dữ, nhờ được Phật hóa độ cho mà được sinh lên
cõi trời, liền hiện xuống chỗ Phật, mang theo những hương hoa, trân bảo
từ cõi trời đến cúng dường Phật.
Lễ bái cúng dường xong, liền ngồi sang một bên nghe pháp. Phật thuyết
pháp Tứ diệu đế cho nghe rồi, tâm ý liền khai mở, đắc quả Tu-đà-hoàn,
liền lễ Phật rồi quay về cõi trời.
Sáng hôm sau, những người chăn trâu liền đến thưa hỏi Phật rằng: “Bạch
Thế Tôn! Đêm qua có hào quang chiếu sáng ở chỗ Phật, chẳng hay đó là các
vị Thích phạm, tứ thiên vương, hay hai mươi tám bộ quỷ thần đến nghe
pháp?”
Phật nói: “Chẳng phải Thích phạm, thiên thần, tứ thiên vương đến nghe
pháp. Ấy là con trâu dữ hôm trước, được ta độ thoát sinh lên cõi trời,
nay đến cúng dường ta. Do đó mà có ánh hào quang ấy.”
Bấy giờ, những người chăn trâu nói với nhau rằng: “Đến như con trâu hung
dữ ấy mà gặp Phật rồi còn được sinh lên cõi trời, huống chi như chúng ta
đây, đã được làm người lẽ nào không biết cố gắng mà tu thiện?”
Nói như vậy rồi, liền cùng nhau sắm sửa các món ăn thức uống, lễ vật,
hương đèn, thỉnh Phật với chư tỳ-kheo đến cúng dường. Lễ cúng dường
xong, nghe Phật thuyết pháp, tâm ý được khai mở, mỗi người đều có chỗ
chứng đắc, liền cầu Phật xin được xuất gia nhập đạo.
Phật liền nói với những người chăn trâu ấy rằng: “Lành thay đó,
tỳ-kheo!” Tức thì râu tóc đều tự nhiên rụng mất, áo cà-sa hiện nơi thân,
thành những vị sa-môn oai nghi đầy đủ. Sau đó chuyên cần tu tập nên
chẳng bao lâu đều được đắc quả A-La-hán, có đủ ba trí sáng, sáu phép
thần thông, tám môn giải thoát, trong cõi trời người thảy đều kính
ngưỡng.
Khi ấy, chư tỳ-kheo thấy việc như vậy liền thưa hỏi Phật rằng: “Bạch Thế
Tôn! Con trâu và năm trăm người chăn trâu ấy, đã tạo nghiệp lành dữ như
thế nào mà nay thọ những quả báo sai khác nhau như vậy?”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Các ngươi muốn hiểu nhân duyên tác nghiệp của con
trâu và những người chăn trâu ấy, hãy nghe bài kệ này:
Đã tạo nghiệp thiện, ác,
Trăm kiếp đều chẳng mất.
Đều do nghiệp, nhân duyên,
Nên chịu quả như thế.
Chư tỳ-kheo lại thưa hỏi rằng: “Chẳng biết nhân duyên đời quá khứ như
thế nào, xin Như Lai từ bi giảng giải cho biết.”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Các ngươi hãy chú tâm lắng nghe, ta sẽ vì các
ngươi mà phân biệt giảng nói. Vào giữa Hiền kiếp này, xứ Ba-la-nại có vị
Phật ra đời hiệu là Ca-diếp. Trong chúng hội của ngài có một vị tỳ-kheo
tinh thông cả kinh, luật và luận. Vị tỳ-kheo này cùng với 500 người đệ
tử đi hành hóa ở phương xa. Trong lúc luận đàm, nói pháp, có những đệ tử
cật vấn tỳ-kheo ấy mấy chỗ không nói được. Vị ấy liền sinh tâm sân nhuế,
dùng lời thô ác mà mắng rằng: ‘Các ngươi chẳng có chút hiểu biết gì, lại
theo mà vấn nạn ta, có khác nào con trâu dữ chỉ biết gặp người là húc?’
“Bấy giờ 500 vị đệ tử nghe lời ấy rồi đều giận dỗi, không thèm cãi lại,
nhận là đúng vậy không sai. Nói rồi liền bỏ thầy tỳ-kheo ấy mà đi, chẳng
theo học nữa.
“Do nhân duyên ấy, đã năm trăm kiếp rồi đều phải sinh làm thân trâu dữ,
lại do nghiệp lực mà luôn cùng sinh ra một nơi với những người chăn trâu
kia, cho đến ngày nay gặp ta mới được độ thoát.”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Vị tỳ-kheo ác khẩu ngày ấy, chính là con trâu
hung dữ nhất trong bầy. Năm trăm đệ tử, nay là năm trăm người chăn trâu
đó.”
Phật thuyết nhân duyên nghiệp báo của con trâu dữ và những người chăn
trâu rồi, chư tỳ-kheo trong chúng hội đều tự biết phòng hộ ba nghiệp
thân, miệng và ý, lánh sợ đường sinh tử, có người đắc quả Tu-đà-hoàn, có
người đắc quả Tư-đà-hàm, có người đắc quả A-na-hàm, có người đắc quả
A-La-hán, lại có nhiều người phát tâm cầu quả Phật Bích-chi, cũng có
người phát tâm cầu quả vô thượng Bồ-đề.
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng
tin nhận.