Bấy giờ, Phật ở tại thành Xá-vệ, nơi vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc, cùng với
chư vị tỳ-kheo tăng. Khi ấy, trong thành có 500 vị càn-thát-bà rất giỏi
tài đàn ca, hát nhạc, thường dùng âm nhạc hay lạ mà cúng dường Phật,
chẳng lúc nào rời xa. Danh tiếng hay giỏi của các vị lan xa khắp nơi,
bốn phương đều nghe biết.
Khi ấy, ở một thành kia về phía Nam, có vị vua loài càn-thát-bà tên là
Thiện Ái, cũng rất giỏi thuật chơi đàn, khắp trong vùng không ai giỏi
hơn. Vì thế sanh lòng kiêu căng tự đại, cho là chẳng ai bằng mình. Vua
Thiện Ái nghe nói nơi thành Xá-vệ có những vị càn-thát-bà giỏi về thuật
chơi đàn, liền vượt đường xa mà tìm đến, trải qua rất nhiều nơi, tính có
đến 16 cõi nước lớn. Đi đến đâu cũng chỉ dùng cây đàn có một dây mà phát
ra được đủ bảy thứ âm thanh khác nhau, mỗi âm thanh lại có đến 21 cách
diễn tấu, khiến cho nhân dân khắp các xứ ấy nghe qua đều sanh tâm vui
mừng nhảy nhót, cho đến cuồng nhiệt chẳng thể tự chế.
Vua Thiện Ái tìm đến thành Xá-vệ rồi, muốn gặp vua Ba-tư-nặc để thăm
hỏi. Lúc ấy, vị thần canh giữ thành quách và các vị càn-thát-bà ở đó
biết chuyện mới đến tâu với vua Ba-tư-nặc rằng: “Ở cõi nước về phía Nam
có vị vua càn-thát-bà tên là Thiện Ái, giỏi việc chơi đàn, nay đang ở
ngoài cổng thành, có ý muốn gặp đại vương, vì nghe rằng trong xứ của đại
vương có những vị càn-thát-bà cũng giỏi thuật chơi đàn, nên từ xa đến
đây muốn được cùng so tài.” Vua Ba-tư-nặc liền lệnh cho người giữ cửa
thành mời vua Thiện Ái vào, cùng nhau hội kiến, đôi bên đều vui vẻ.
Vua Thiện Ái nói: “Tôi nghe trong xứ của đại vương có những vị
càn-thát-bà giỏi việc chơi đàn, chẳng hay hiện giờ ở đâu? Ý tôi muốn
được cùng họ so tài chơi đàn xem ai hơn, ai kém.” Vua Ba-tư-nặc đáp:
“Chuyện ấy ta thật không ngại. Chỗ họ ở cách đây cũng chẳng xa, nay ta
với ngài cùng đi đến đó, tùy ý mà so tài.” Vua Thiện Ái nhận lời.
Cùng nhau đi đến chỗ Phật. Phật vốn đã biết ý vua Ba-tư-nặc nên liền tự
biến hình thành một vị vua càn-thát-bà, cùng với nhiều vị thiên thần
khác nữa, số đông đến 7.000 vị, thảy đều ôm đàn làm bằng ngọc lưu ly,
đứng hầu hai bên tả hữu. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc mới nói với vua Thiện Ái
rằng: “Đó đều là các vị thần chơi nhạc của tôi. Nay ông có thể cùng so
tài xem ai hơn kém.”
Vua Thiện Ái liền lấy cây đàn một dây ra khảy, phát thành bảy thứ âm
thanh khác nhau, mỗi âm thanh lại có 21 cách biến tấu, tiếng đàn tiếng
gõ hòa hợp cùng nhau nghe rất êm tai, lại khiến cho người nghe sinh lòng
vui mừng, cho đến nhảy nhót cuồng nhiệt không thể tự chế được.
Đức Thế Tôn khi ấy liền lấy cây đàn quý bằng ngọc lưu ly ra, khảy lên
thành ngàn vạn thứ âm thanh khác nhau, mỗi mỗi âm thanh đều êm dịu, hòa
hợp, khiến người nghe sinh lòng thích thú, cười múa theo điệu nhạc, rồi
lại sinh tâm hoan hỷ, vui mừng không kể xiết.
Vua Thiện Ái nghe Phật khảy đàn rồi, khen là chưa từng có, liền tự mình
cảm thấy hổ thẹn, sinh lòng cảm phục, liền quỳ xuống chấp tay lễ bái,
xin tôn Phật làm thầy mà theo học thuật chơi đàn.
Khi ấy, Phật biết là vua Thiện Ái đã dẹp bỏ lòng kiêu căng ngã mạn lâu
nay, tâm ý được điều phục, nên ngài liền hiện lại hình Phật, có chư
tỳ-kheo tĩnh lặng ngồi quanh. Vua Thiện Ái lúc đó kinh sợ, đối trước
Phật liền sinh lòng tin phục, quỳ xuống chấp tay xin được xuất gia nhập
đạo. Phật nói: “Lành thay đó, tỳ-kheo.” Vừa nói xong thì râu tóc trên
người vua liền tự rụng hết, y phục đang mặc trên người hóa thành cà-sa,
tự nhiên thành ra một vị sa-môn. Rồi đó, tinh tấn tu tập nên chẳng bao
lâu sau liền đắc quả A-La-hán.
Vua Ba-tư-nặc thấy vua Thiện Ái tâm ý được điều phục, đắc thành đạo quả
thì sinh tâm hoan hỷ vui mừng, liền quỳ xuống mà thỉnh Phật với chư
tỳ-kheo tăng đến nhận lễ cúng dường. Phật liền nhận lời.
Vua liền ra lệnh cho quần thần chuẩn bị lễ đàn, sửa dọn đường sá cho
bằng phẳng, nhặt sạch hết sỏi, đá cho đến các thứ đồ ô uế, lại sắp sửa
đủ các thứ lễ nghi trang nghiêm, trân trọng như tràng phan, chuông
khánh, hương hoa, nước sạch... cùng là chỗ ngồi, chỗ nằm rộng rãi đẹp
đẽ, với đủ các món ăn thức uống quý lạ, tinh khiết, cúng dường Phật và
chư tỳ-kheo tăng.
Lúc bấy giờ, chư tỳ-kheo thấy việc xảy ra, đều khen là chưa từng có,
liền thưa hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên phước báo nào mà nay có
kẻ dùng âm nhạc cúng dường Phật mãi mãi chẳng dứt như vậy?”
Phật nói với chư tỳ-kheo: “Các ngươi nên chú ý lắng nghe, ta sẽ vì các
ngươi mà phân biệt giảng nói.
“Này Chư tỳ-kheo! Về thuở quá khứ, cách nay vô số kiếp, nước Ba-la-nại
có Phật ra đời hiệu là Chánh Giác, cùng với chư tỳ-kheo đi khắp nơi giáo
hóa chúng sanh, đến xứ của một vị vua tên là Phạm-ma. Khi ấy Phật cùng
với chư tỳ-kheo dừng dưới một cội cây, ngồi kiết già, nhập Hỏa quang
tam-muội, ánh sáng chiếu khắp cõi trời đất. Lúc bấy giờ vua Phạm-ma cùng
với quần thần số đông đến ngàn vạn người, ra khỏi thành mà dạo chơi, có
dẫn theo các đoàn kỹ nữ, nhạc công để múa hát. Vua ấy từ xa trông thấy
Phật với chư tỳ-kheo ngồi kiết già dưới cội cây, có ánh sáng chiếu rọi
sáng hơn cả ngàn mặt trời, sinh lòng hoan hỷ, vui mừng, liền dẫn các
đoàn nhạc công, kỹ nữ đến đó lễ bái nơi chân Phật, trỗi nhạc mà cúng
dường. Vua lại quỳ thỉnh Phật và chư tỳ-kheo tăng vào thành cúng dường.
Phật nhận lời.
Vua Phạm-ma thiết lễ cúng dường trọng hậu, đủ các món ăn ngon lạ, tinh
sạch. Lễ cúng dường xong, Phật vì vua Phạm-ma mà thuyết pháp. Vua nghe
Pháp rồi liền phát tâm vô thượng Bồ-đề. Đức Phật Chánh Giác liền thọ ký
cho vua rằng: “Ngươi về sau sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.”
Phật lại bảo chư tỳ-kheo rằng: “Vua Phạm-ma thuở ấy chính là ta ngày
nay. Quần thần thuở ấy nay chính là tỳ-kheo các ngươi. Nhờ nhân duyên
cúng dường, phụng sự đức Phật Chánh Giác thuở ấy, nên trải qua bao kiếp
lưu chuyển, ta chẳng bao giờ đọa vào các đường địa ngục, súc sanh, ngạ
quỷ, thường hưởng những sự khoái lạc trong cõi trời, cõi người, cho đến
ngày nay được quả vị vô thượng Bồ-đề. Cũng vì thế mà khắp trong cõi trời
người, ai ai cũng muốn đến cúng dường ta.”
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng
tin nhận.