Trong tất cả những xứ theo chế độ một vợ một chồng thì sự ngoại tình là
việc vẫn thường xảy ra. Sự giải thích căn bản của hiện tượng này có lẽ
là vì lý do sinh lý. Nhưng trong những nguyên nhân của vấn đề ngoại
tình, ngoài yếu tố sinh lý lẽ tất nhiên còn có những yếu tố xã hội và
tâm lý nữa.
Nhưng nếu người ta áp dụng thuyết luân hồi thì thật là một điều lý thú
để tìm hiểu xem sự ngoại tình có thể là do nhân quả hay không? Những tập
hồ sơ Cayce có ghi chép ba trường hợp đáng kể mà sự ngoại tình dường như
do nhân quả gây nên.
Trường hợp thứ nhất là của một thiếu phụ có hai con mà người chồng đã
ngoại tình với một người đàn bà khác trong tám năm. Người vợ chỉ biết
được việc ấy trong hai năm sau cùng.
Trong cuộc soi kiếp, nàng hỏi tại sao phải chịu đựng một sự phụ bạc đau
đớn như thế? Câu trả lời là:
– Đó là vì trong kiếp trước chính bà đã ngoại tình với một người đàn ông
khác.
Trường hợp thứ hai là của một thiếu phụ đã phản bội chồng một cách trắng
trợn trong kiếp trước, dưới vương triều nước Pháp. Hiện nay nàng đã có
những hành vi tương tự với người chồng nàng bây giờ, và người này lại
chính là tình nhân của nàng trong kiếp trước.
Trường hợp thứ ba là của một người đàn bà mà người chồng trong năm đầu
tiên sau khi thành hôn đã bắt đầu chè chén say sưa và chơi bời đàng
điếm. Có nhiều lần anh ta đưa cả một người đàn bà khác về nhà. Người vợ
vẫn trung thành và sống chung với chồng, khi chồng nàng không đem tình
nhân về nhà. Rốt cuộc nàng lại mắc phải bệnh phong tình do người chồng
lây sang.
Cuộc soi kiếp truy nguyên cái thảm trạng của người đàn bà này ở kiếp
trước. Trong kiếp đó, nàng là đứa con hoang của một một thủy thủ Mỹ và
một người đàn bà Nhật. Có lẽ sự kiện này gây cho nàng cái ý niệm rằng
nàng là một kẻ ngoài vòng pháp luật. Khi lớn lên, nàng tự buông thả theo
một cuộc đời chơi bời trụy lạc. Không bao lâu, nàng dã gieo rắc bệnh
phong tình cho nhiều người đàn ông khác. Cuộc soi kiếp nói:
– Bởi những nghiệp xấu gây ra đã đem lại quả báo cho đương sự trong kiếp
này.
Nói tóm lại, những trường hợp kể trên dường như chỉ ra rằng sự phản bội
của một người chồng hay người vợ có thể là do nhân quả gây nên. Nhưng
những thí dụ đó không phải để chứng minh rằng tất cả mọi trường hợp
ngoại tình đều là do quả báo. Việc một người phản bội vợ có thể do quả
báo mà người vợ ấy phải chịu vì cô ta đã phản bội một người khác trong
kiếp trước; nhưng dầu sao thì sự ngoại tình của người chồng cũng có thể
do những khiếm khuyết trong tâm tính của người vợ.
Sự ngoại tình rất có thể chỉ là một phản ứng nhất thời đối với một tình
trạng hiện tại. Muốn biết xem một trường hợp ngoại tình có phải là do
nhân quả hay không, nếu ta không có thần nhãn để nhìn xem quá khứ, thì
ta cần phải xét cả những yếu tố lỗi lầm hay khuyết điểm của người vợ hay
người chồng trong hiện tại, có thể là nguyên nhân làm cho đương sự đi
tìm nguồn an ủi ở một người tình nhân khác.
Theo luật nhân quả, nếu một người đã ngoại tình trong quá khứ thì phải
chịu quả báo tương ứng trong hiện tại. Nhưng vì muốn giúp mọi người phát
triển những đức tánh trung thành và tình thương đối với kẻ khác nên
trong những cuộc soi kiếp ông Cayce thường khuyên không nên ly dị. Nếu
một cuộc hôn nhân đau khổ là quả báo do những lỗi lầm trong quá khứ, thì
sự đoạn tuyệt và trốn tránh cũng không có ích gì, vì sớm muộn gì người
ấy cũng phải trả xong món nợ đó mà thôi. Vì thế, giải pháp tốt hơn là
phải tự mình rèn luyện một sức mạnh tinh thần cần thiết để đối phó và
vượt qua được nghịch cảnh đó.
Tuy nhiên, những cuộc soi kiếp cũng không ngăn cấm sự ly dị một cách
tuyệt đối, mà có nhiều trường hợp lại tán thành quyết định này. Những
tiêu chuẩn để xét đoán xem một trường hợp ly dị là nên hay không nên,
dường như có hai loại, đó là bổn phận đối với những đứa con và bổn phận
giữa hai vợ chồng.
Những trường hợp mà ông Cayce khuyên nên ly dị một cách rõ rệt thường là
những trường hợp mà hai vợ chồng không có con. Hoặc nếu có, thì đó là
những trường hợp mà sự ly dị sẽ có lợi cho những đứa con; hay là những
trường hợp mà một trong hai vợ chồng không đối phó nổi với hoàn cảnh và
lôi cuốn cả người kia xuống vực sâu.
Trường hợp điển hình là của một người đàn bà ở tiểu bang New Jersey, bốn
mươi chín tuổi, không có con và trong hôn nhân không có hạnh phúc. Cuộc
soi kiếp khuyên nàng nên ly dị chồng và nên dùng khả năng của mình để đi
dạy học.
Cuộc soi kiếp nói:
– Hôn nhân là một việc tốt, đó là một đời sống tự nhiên cho mọi người
trên thế gian. Nhưng khi đời sống giữa vợ chồng thiếu sự hòa hợp đến nỗi
làm ngăn trở sự thực hiện những mục đích căn bản của cuộc đời, và nếu sự
bất hòa ấy quá rõ rệt, không thể sửa đổi được nữa, thì tốt hơn là hai
người nên chia tay nhau.
Một thí dụ trái ngược hẳn với thí dụ trên là trường hợp của một người
đàn bà lớn hơn chồng đến hai mươi tuổi. Giữa hai người có một sự bất hòa
rất lớn; người chồng say sưa chè chén quá độ, đánh đập vợ con và có một
cách cư xử rất thô bỉ. Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce không nói đến vấn
đề quả báo trong trường hợp này, nhưng không khuyên hai người ly dị. Ông
nói:
– Giữa hai người đã xảy ra những xung đột và bất đồng ý kiến. Hai người
đừng tìm cách tránh xa nhau mà hãy có một thái độ thản nhiên, ôn hòa với
nhau. Đừng để ý quá nhiều đến những sự khinh rẻ hay trách móc, giận hờn;
mà hãy biết rằng thật ra bà chỉ đang gặt hái những gì bà đã gieo. Vậy bà
hãy cố gắng săn sóc giúp đỡ chồng trong mọi trường hợp và làm cho người
chồng tất cả những gì mà bà muốn rằng chồng bà sẽ làm cho bà...
Người ta có thể nghĩ rằng trong trường hợp này, sự gắn bó giữa hai người
có lẽ là một món nợ quả báo cần phải trả.
Vì không có đủ bằng chứng soi xét bằng thần nhãn về những sự việc xảy ra
trong các kiếp trước, người ta phải thừa nhận rằng thật không dễ gì mà
biết được những trường hợp nào là nên đoạn tuyệt và ly dị. Tuy nhiên, sự
chấp nhận những khó khăn, trắc trở trong đời sống vợ chồng với một tinh
thần hy sinh và chấp nhận những đắng cay, thử thách thường là cơ hội để
tu dưỡng và phát triển nhiều đức tính. Xét vì người bạn trăm năm đến với
ta do những sợi dây nhân duyên đã có từ trước, không phải do sự ngẫu
nhiên tình cờ, nên dầu cho hôn nhân có là một hoàn cảnh khó khăn trắc
trở, ta vẫn nên xem đó như một cơ hội để tu dưỡng bằng sự hy sinh quên
mình và hành động vị tha. Từ nhận thức đó thì sự ly dị dường như bao giờ
cũng là một quyết định thiếu sót.
Trái lại nếu chúng ta cho rằng không ai có quyền cưỡng ép bất cứ một
người nào sống trong sự giam hãm trói buộc, là nguồn gốc của mọi sự xung
đột, bất hòa và trái hẳn với tâm tình tánh chất của người ấy;, thì chúng
ta sẽ tán thành sự ly dị như một biện pháp hợp lý và lành mạnh, cũng như
ta hủy bỏ một bản hợp đồng hay khế ước không có lợi chẳng hạn.
Trong cả hai trường hợp, mỗi bên đều có sự cực đoan của nó và chắc chắn
sẽ không thích hợp với một số trường hợp. Như thế, tốt nhất là chúng ta
nên trở về với sự quân bình, phán xét mọi việc một cách hoàn toàn khách
quan và tuân theo cái luật lệ vàng của con đường trung đạo.