Chúng ta như những thiên thần chỉ có một cánh Muốn cất cánh cao bay thì phải tựa vào nhau (Luciano De Crescenzo)
Tiếng Việt mình, chữ Thủy thường đặt tên cho con gái (trừ vài trường hợp đặc biệt). Thủy là nước. Để tỏ lòng kính trọng, người dân quê thường gọi là Bà Thủy. Nhưng tâm lý phụ nữ ai cũng muốn mình trẻ mãi, nhất là lúc bệnh hoạn, già nua. Con nước trên hành tinh của chúng ta hiện nay cũng đang mang căn bệnh như thế đó. Nên tôi xin phép gọi là cô. Cô vẫn trẻ, vẫn thướt tha, vẫn cần mẫn, và vẫn luôn thương yêu chúng tôi. Xin phép gọi vậy nghe cô Thủy, OK?
Ai cũng biết, nước là trung tâm của mọi nguyên tố (elemente) trên trái đất. Không có nước là không có sự sống. Cho đến nay không có bất cứ vật thể gì có thể tồn tại được nếu thiếu nước. Nguồn nước gồm có hai thành phần chính: nước ngọt và nước mặn. Sự tuần hoàn của nước dường như vô tận và lượng nước trong quá trình tuần hoàn luôn giữ đúng như thế, không bị tổn thất đi (ít nhất là trên mặt lý thuyết). Dù trong trạng thái cứng (nước đá), lỏng (nước chảy) hay khí (hơi nước). Nước là cả một bí mật kỳ lạ.
Một phân tử (molekule) thấy như đơn giản nhưng là một sự kết hợp vô cùng quan trọng.
Trong cơ thể con người, 70% là nước. Nghĩa là, ví dụ có một người cân nặng 100 kg, thì đã có 70 kg nước, 30 kg còn lại cho những nguyên tố khác. Nước có tỷ trọng là 1 nên ta có thể hoán đổi sang đơn vị lít, nghĩa là trong con người chứa 70 lít nước. Hay với một người nặng 70 kg thì khi đi dạo ngoài đường lúc nào họ cũng đang gánh theo 50 lít nước (tương đương 50 kg).
Nhắc lại bài học thời trung học mà ai cũng biết. Nước là phân tử được tạo thành bởi một nguyên tử O (oxy) và hai nguyên tử H (hydro). Do vậy, công thức hóa học của nó là H2O. Nước là một chất lỏng không màu, không vị, có khối lượng riêng 1g/cm3 (ở 40C), đóng băng ở 00C và sôi ở 1000C.
Nước có những tính chất rất đặc biệt như:
- Có thể tồn tại ở dưới 3 hình thể: thể lỏng, thể khí và thể rắn. Ở thể lỏng, nước ở các sông hồ hay ở biển; ở thể khí, nước tồn tại dưới dạng hơi nước trong khí quyển; ở thể rắn, nước tồn tại dưới dạng đá băng che phủ hai vùng cực trái đất hay trên những đỉnh núi cao.
- Nước còn tồn tại trong lòng đất, gọi là nước ngầm.
- Nước là thành phần quan trọng bậc nhất trong việc cấu tạo mọi sinh vật.
- Vân vân và vân vân...
Lãnh địa Cô Thủy (hay bề rộng diện tích nước trên trái đất)Địa cầu của chúng ta có hình cầu (tuy không thật sự tròn như quả bóng đá). Đường kính của nó là 6.371 cây số.
Dùng công thức tính diện tích của hình cầu ta có thể tính được bề mặt S của trái đất là
S = 4.π.r² = 4 x 3,1416 x (6371)² = 510.065.664 km²
Con số 510.100.000 km² tương đương 51 tỷ hecta đất.
Trong số ấy có: 29,2 % tức 148,9 triệu cây số vuông mặt đất; 70,8 % tức 361,2 triệu cây số vuông mặt nước.
Lượng nước trên diện tích này có 1.386 tỷ ki-lô-mét khối nước, thì 96,5 % là nước mặn, chỉ 3,5 % là nước ngọt tương đương 48 triệu ki-lô-mét khối nước. Nhưng trong số 48 triệu đó thì khoảng một nửa còn ở dạng đá đông đặc ở hai cực hay sâu dưới lòng đất. Như vậy, chúng ta chỉ còn 23,4 triệu ki-lô mét khối nước ngọt ở các sông hồ. Trong số ấy ta lại chỉ còn một phần cho ăn uống, sinh hoạt.
Nước hiện diện trong mọi vật thể quanh ta mà ta thực sự ít quan tâm đến nó. Nước là yếu tố đầu tiên cho sự sống. Các nhà thám hiểm không gian khi đặt chân lên các hành tinh khác, việc đầu tiên họ tìm hiểu là có nước ở đó hay không. Tại sao? Vì khi có nước thì mới có hy vọng bắt đầu sự sống.
Để nhấn mạnh ý nghĩa này, Liên Hiệp Quốc từ năm 2003 đã chọn ngày 22 tháng 3 là Ngày Nước Thế Giới.
Thông thường ta nghĩ rằng, dưỡng khí là cần thiết bậc nhất cho chúng ta. Đúng, vì chỉ trong vòng 4 phút mà không có dưỡng khí (oxy) thì bộ não của ta đã bị tổn thương và trong 15 phút thiếu dưỡng khí là ta sẵn sàng đi chầu Diêm Vương. Nhưng nếu có nước thì chúng ta sẽ tạo ra được oxy, còn thiếu nước là thiếu tất cả. Vấn nạn này NASA đã đặt ra khi bắt đầu kế hoạch tìm kiếm nước trên sao Hỏa (Mars). NASA gọi là “theo dấu chân nước”. Không biết họ có hậu ý gì thêm nhưng đầu tiên là với mục đích tìm xem có sự sống trên hành tinh này không. Nếu không có nước nghĩa là không có sự sống ở hành tinh đó.
Trên thực tế, những công trình tìm tòi của NASA trên Sao Hỏa vừa qua đã cho biết là chưa tìm thấy nước ở thể lỏng, nhưng họ đã nhìn thấy nước ở thể cứng qua lớp băng dày đặc. Chắc bạn sẽ gật gù vì phát hiện này. Chuyện dễ, có băng thì sẽ có nước. Nhưng không phải đơn giản vậy, muốn băng trở thành nước thì việc trước tiên là phải làm ấm cái hành tinh đó để có nước dưới dạng chất lỏng. Mà muốn làm ấm hành tinh thì trước tiên phải có nước. Đó là một vòng lẩn quẩn.
Tác giả chuyên ngành các chủ đề khoa học Stephen Petranek có cho ra đời tác phẩm tên “Cà phê trên Sao Hỏa” tin rằng trong vòng 20 năm nữa (2035) loài người sẽ có thể sống trên sao Hỏa. Nhưng ông lại viết:
“Một khi làm ấm sao Hỏa đủ để nước có thể chảy, chúng ta nên có khả năng di chuyển các loài thực vật sinh trưởng tốt trên Trái Đất lên Sao Hỏa, nơi chúng có thể sinh sôi nảy nở dễ dàng trong bầu khí quyển giàu cacbon dioxid. Khi thực vật đã lan rộng, chúng sẽ bắt đầu sản xuất một lượng oxy đáng kể. Nhưng oxy không phải là khí nhà kính nên nó sẽ có xu hướng làm mát Sao Hỏa. Bởi Sao Hỏa đã có sẵn bầu khí quyển mỏng, trường trọng lực yếu và thực tế là bất kỳ loại khí nhà kính nào chúng ta tạo ra trên Sao Hỏa dần dần cũng bị phân hủy, việc bổ sung và liên tục thiết lập khí quyển Sao Hỏa là hết sức cần thiết. Giống việc chúng ta trồng thực vật là để làm sạch và lọc nước trên Trái Đất, các cư dân Sao Hỏa phải trồng trọt để duy trì bầu khí quyển đặc và có thể thở được.” (tr.103)
Đọc đến đây tôi tự thấy có 3 việc phải suy nghĩ:
- Muốn thiết lập ngay bây giờ một cuộc hẹn với bạn bè, hôm nào rảnh kéo nhau đi uống cà phê, nghe nhạc Trịnh Công Sơn trên Sao Hỏa trong đời của tôi là việc khó thực hiện, vì tôi không tin rằng 20-30 năm nữa có thể có quán cà phê ở đó. Thôi chịu khó nhâm nhi cà phê và nghe nhạc Trịnh ở Trái Đất này vậy.
- Nếu tìm mua bất động sản, mua địa ốc bên hành tinh hàng xóm ấy (tôi tránh dùng chữ “trên” vì trong hệ thống thiên hà biết đâu là trên đâu là dưới) thì con người cũng phải nghiêm túc lo nghĩ cách chăm sóc môi trường ấy ngay từ những ngày đầu.
- Vậy sao mình không cùng nhau chăm lo Trái Đất của mình bây giờ đi? Có câu cách ngôn của người Đức là, sao không lo chuyện con chim sẻ trong tay mình mà cứ đi lo chuyện chim bồ câu trên nóc nhà.
Bụt nhà không thiêng!
Vấn nạn đầu tiên và lớn nhất của chúng ta hiện nay là NƯỚC. Tài liệu của Hội Bánh Mì Thế Giới (Brot für die Welt) nói, nếu không cùng xích lại gần nhau, chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có, thì chúng ta phải cần 5 quả đất mới đủ. Làm sao đi mua được 5 quả đất?
Ông Hàn Mặc Tử chỉ rao bán Trăng thôi chứ chưa thấy ai rao bán Địa cầu. Có đâu mà chờ sắm thêm, dù có bạc tỷ.