Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Những bí ẩn cuộc đời »» CHƯƠNG 2 : DÙNG THẦN NHÃN ĐỂ KHÁM BỆNH »»

Những bí ẩn cuộc đời
»» CHƯƠNG 2 : DÙNG THẦN NHÃN ĐỂ KHÁM BỆNH

Donate

(Lượt xem: 6.465)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Những bí ẩn cuộc đời - CHƯƠNG 2 : DÙNG THẦN NHÃN ĐỂ KHÁM BỆNH

Font chữ:

Thật là một điều lý thú khi biết rằng năng khiếu thần nhãn có thể giúp ta làm được những điều phi thường. Nhưng càng lý thú hơn nữa khi ta được biết rằng trong thời đại này có một người đã dùng năng khiếu thần nhãn một cách hữu ích trên địa hạt sưu tầm cũng như trên phương diện thực tế. Người ấy là ông Edgar Cayce. Trong những năm cuối đời ông Cayce, người ta gọi ông là “con người phi thường ở Virginia Beach”. Đó là một danh hiệu có phần cường điệu, vì tuy có hàng trăm người đã được ông chữa khỏi bệnh trong những điều kiện thật lạ lùng, nhưng ông không phải là một người làm “phép lạ”, hiểu theo ý nghĩa thông thường của từ ngữ này.

Không hề có chuyện đặt bàn tay truyền điện hay làm cho bệnh nhân quăng nạng gỗ sau khi sờ nhẹ vào vạt áo. Những sự “nhiệm mầu” của ông Cayce chỉ là sự khám đúng căn bệnh, mà thường là những bệnh nhân ở cách xa ông đến hàng ngàn cây số! Ngoài ra, năng khiếu thần nhãn của ông chỉ hoàn toàn khai mở trong giấc ngủ thôi miên, đó là một điều đáng được sự chú ý của những nhà chữa bệnh theo khoa tâm lý, thường dùng giấc ngủ thôi miên để chữa bệnh hoặc làm phương tiện nghiên cứu tiềm thức con người.

Một trong những thí dụ đáng kể nhất về cách xử dụng thần nhãn của ông Cayce là trong trường hợp sau đây:

Một người con gái ở Selma, thuộc tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ, thình lình bị mất trí và được đưa vào một nhà thương điên. Người anh cô ta kinh hoảng, bèn nhờ cậy ông Cayce giúp đỡ. Ông Cayce nằm trên giường, thở vài hơi dài và sâu, đoạn ông ngủ thiếp đi. Kế đó, ông chịu sự dẫn dụ thôi miên của một người. Người đó bảo ông nhìn vào thể xác của người thiếu nữ và khám bệnh cho cô ấy. Sau một lúc im lặng, ông Cayce bắt đầu nói, cũng giống như bất kỳ người nào khác trong trạng thái thôi miên, khi nhận được yêu cầu của người dẫn dụ. Tuy nhiên, có điều khác hơn những người chịu thôi miên là ông Cayce bắt đầu diễn tả tình trạng thể chất của người bệnh, dường như cặp mắt ông có quang tuyến X. Ông cho biết rằng người con gái ấy có một cái răng cấm mọc ngược và ép vào một mạch máu thông lên bộ não. Ông bảo phải nhổ cái răng ấy để mạch máu kia được giải tỏa thì bệnh nhân sẽ trở lại trạng thái bình thường.

Theo sự chỉ dẫn đó của ông Cayce, người ta mới xem trong miệng người con gái thì thấy quả có một cái răng cấm mọc ngược. Sau khi được đưa đến nha sĩ để nhổ cái răng ấy đi thì người con gái liền hết bệnh điên.

Một thí dụ khác rất lạ lùng là: Có một thiếu phụ ở tỉnh Kentucky bên Hoa Kỳ sinh ra một đứa con thiếu tháng. Đứa trẻ ấy ốm đau èo uột luôn. Khi được bốn tháng, nó bị chứng động kinh rất nặng, đến nỗi ba vị bác sĩ săn sóc cho nó, trong đó có người cha của đứa trẻ, đều lo ngại rằng nó sẽ không qua khỏi ngày hôm ấy. Người mẹ đứa trẻ đã tuyệt vọng, bèn đến nhờ ông Cayce khám bệnh cho nó.

Sau khi rơi vào trạng thái thôi miên, ông Cayce bảo đem cho nó uống một liều thuốc belladona (atropine) và kèm theo sau đó, cho uống một loại thuốc trừ độc. Những vị bác sĩ khác đều phản đối cách chữa bệnh này, vì belladona là một loại thuốc cực độc. Nhưng bà mẹ đứa trẻ tin tưởng vào ông và nhất định tự mình đưa thuốc ấy cho con bà uống. Ngay tức khắc, chứng động kinh dứt hẳn. Sau khi cho đứa trẻ uống thêm một liều thuốc trừ độc, đứa trẻ duỗi thẳng tay chân và ngủ một giấc ngon lành. Nó đã được cứu sống và khỏi bệnh.

Những thí dụ trên đây, cùng với hàng trăm thí dụ khác, không phải là những trường hợp chữa khỏi bệnh bằng “đức tin”. Những trường hợp mà người bệnh được chữa khỏi cấp thời như những trường hợp kể trên chỉ là một số ít. Trong hầu hết những trường hợp khác thì người bệnh được điều trị một cách cụ thể, có khi lâu dài, và cách điều trị gồm có thuốc men, phẫu thuật, kiêng cữ món ăn, dùng nhiều sinh tố, chữa trị bằng điện, xoa bóp hay tự kỷ ám thị.v..v... Người thực hiện các biện pháp điều trị đó là các bác sĩ chuyên khoa, còn ông Cayce chỉ đóng vai người chẩn đoán – theo cách của ông – và đưa ra các chỉ dẫn điều trị.

Những trường hợp khám bệnh bằng thần nhãn của ông Cayce đều được ghi chép trong những hồ sơ và được giữ gìn cẩn thận. Tất cả có đến ba chục ngàn hồ sơ được cất giữ ở Virginia Beach, và sẵn sàng được dùng làm tài liệu cho những ai muốn khảo cứu sưu tầm. Những hồ sơ đó gồm có những tờ biên bản ghi lại chi tiết các cuộc khám bệnh bằng thần nhãn, có ngày tháng rõ ràng; những thư thỉnh cầu của bệnh nhân ở xa hoặc của thân quyến người bệnh; những bức thư bày tỏ sự biết ơn của những bệnh nhân được chữa khỏi ở khắp nơi trên thế giới; những giấy chứng nhận của các bác sĩ; và những bản tốc ký chép lại lời nói của ông Cayce thốt ra trong trạng thái bị thôi miên.

Những tập hồ sơ này là một kho văn kiện và tài liệu vĩ đại để chứng minh sự thật về hiện tượng thần nhãn (clairvoyance).

Ông Cayce sinh năm 1877 tại Hopkinsville, miền tây nam của tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ. Ông sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo và không được học hành đến nơi đến chốn. Ông theo học trường làng đến hết bậc tiểu học, và mặc dầu trong thuở thiếu thời, ông đã tỏ ý muốn trở nên một giáo sĩ, nhưng hoàn cảnh không cho phép ông tiếp tục theo đuổi sự học vấn.

Đời sống ở nông trại không thích hợp với ông; ông bèn chuyển đến sống ở tỉnh thành. Trước hết, ông làm nhân viên phụ trách một cửa hàng bán sách; sau đó ông làm nhân viên một hãng bảo hiểm.

Năm ông hai mươi mốt tuổi, một việc xảy đến bất ngờ làm thay đổi cuộc đời ông. Ông bị tắt tiếng nói vì một chứng bệnh yết hầu. Mọi sự chạy chữa đều vô hiệu quả, và không một vị bác sĩ nào có thể chữa cho ông khỏi bệnh. Do hậu quả này của căn bệnh, ông không thể tiếp tục hành nghề nhân viên bảo hiểm, ông bèn trở về nhà cha mẹ.

Ông sống ở đó gần một năm, không có việc gì làm cả và chứng bệnh của ông dường như không còn hy vọng chạy chữa. Sau cùng, ông quyết định theo học nghề chụp ảnh, vì nghề này không cần phải dùng đến giọng nói.

Trong khi ông đang tập sự nghề chụp ảnh, một nhà thôi miên đạo diễn tên là Hart đi ngang qua Hopkinsville và biểu diễn tại hí viện của thành phố. Nhà thôi miên Hart khi nghe nói ông Cayce bị chứng bệnh tắt tiếng, liền đề nghị chữa bệnh cho ông bằng khoa thôi miên.

Ông Cayce vui vẻ nhận lời. Trong trạng thái thôi miên, ông Cayce tuân theo mệnh lệnh của ông Hart và nói chuyện được như bình thường, nhưng khi vừa thức tỉnh thì ông lại bị tắt tiếng như trước.

Trong những giấc thôi miên kế đó, nhà thôi miên bèn dẫn dụ cho ông nghe rằng sau khi thức tỉnh, ông sẽ có thể nói chuyện được như thường. Phương pháp này gọi là “ám thị thôi miên”, tuy rằng rất hiệu nghiệm và đã từng giúp nhiều người thắng được những thói quen xấu như hút thuốc quá độ chẳng hạn, nhưng lại không có kết quả đối với chứng bệnh của ông Cayce.

Vì ông Hart phải chuyển sang một tỉnh khác theo chương trình đã định nên không thể tiếp tục những cuộc chữa trị thử nghiệm với ông Cayce được nữa, nhưng có một người tên là Layne ở cùng một địa phương, đã theo dõi cuộc chữa bệnh cho ông Cayce một cách thích thú, liền đề nghị ông Cayce để cho ông ta thử điều trị.

Ông Cayce vì muốn được khỏi bệnh bằng bất cứ phương pháp điều trị nào, liền chấp nhận. Ông Layne mới nảy ra một sáng kiến mới, là dẫn dụ cho ông Cayce trong trạng thái thôi miên, hãy tự diễn tả căn bệnh của mình. Thật lạ thay, ông Cayce tuân theo lời dẫn dụ đó và mô tả về căn bệnh của chính mình. Bằng một giọng nói bình thường, trong khi ông chịu sự dẫn dụ thôi miên của ông Layne, ông Cayce bắt đầu diễn tả trạng thái của những sợi dây thanh trong cuống họng của ông. Ông nói:

– A! Chúng ta có thể nhìn thấy cái thể xác này! Vào lúc bình thường, nó không thể nói được vì những cơ thịt dưới cuống họng bị liệt bại một phần, do một sự căng thẳng thần kinh gây nên. Chứng bệnh này nguyên nhân là do một trạng thái tâm lý gây ra và ảnh hưởng đến phần thể chất. Muốn chữa hết bệnh, phải dùng cách dẫn dụ để làm vận chuyển sự lưu thông máu huyết ở bộ phận bị đau, trong khi người bệnh còn nằm trong trạng thái thôi miên.

Ông Layne liền dẫn dụ cho ông Cayce rằng sự lưu thông máu huyết của ông sẽ tăng thêm một cách mạnh mẽ ở chỗ cuống họng bị đau và bệnh trạng của ông sẽ thuyên giảm. Dần dần, phần trên của bộ ngực và cuống họng của ông Cayce thay đổi màu sắc, chuyển từ màu hồng nhạt sang màu đỏ thắm. Sau đó hai mươi phút, vẫn trong trạng thái thôi miên, ông Cayce ho lên mấy tiếng để lấy giọng và nói:

– Tốt lắm, căn bệnh đã dứt. Ông hãy dẫn dụ rằng sự lưu thông máu huyết sẽ trở lại bình thường và thể xác này hãy thức tỉnh.

Ông Layne liền làm y theo lời. Ông Cayce thức tỉnh và nói chuyện bình thường lần đầu tiên kể từ hơn một năm qua.

Trong những tháng sau đó, thỉnh thoảng căn bệnh lại tái phát đôi lần. Mỗi lần như thế, ông Layne lại dẫn dụ bằng cách thôi miên cho máu huyết lưu thông nơi cuống họng, và chứng bệnh lại dứt.

Câu chuyện của ông Cayce có lẽ đã chấm dứt với bấy nhiêu đó, nếu ông Layne không nhìn thấy những triển vọng sâu xa của trường hợp đặc biệt này, và tìm cách khai thác trên địa hạt thực tế. Lịch sử của khoa thôi miên là điều quen thuộc đối với ông và ông đã từng biết những trường hợp tương tự đặt dưới sự điều trị của ông De Puysegur ở Pháp. Ông này là vị kế nghiệp cho bác sĩ Mesmer,[7] người đã khám phá ra khoa nhân điện học.

Ông Layne nghĩ rằng, nếu ông Cayce có thể nhìn thấy xác thể của mình và tự khám bệnh lấy, thì điều tất nhiên là ông ấy sẽ có thể nhìn thấy thể xác của những người khác và khám bệnh cho họ.

Ông Layne bèn thí nghiệm điều này với chính ông, vì trong thời gian gần đó ông đang bị chứng đau dạ dày.

Cuộc thí nghiệm đã thành công mỹ mãn. Trong trạng thái thôi miên, ông Cayce mô tả trạng thái bên trong cơ thể ông Layne và đề nghị một vài phép điều trị. Ông Layne lấy làm vui mừng vô hạn, sự khám nghiệm của ông Cayce hoàn toàn đúng với những triệu chứng mà chính ông cũng đã nhận thấy và cũng phù hợp với sự khám nghiệm của nhiều vị bác sĩ khác. Cách điều trị của ông Cayce đưa ra gồm có việc áp dụng chế độ ăn uống thích hợp, kiêng cữ một số món ăn, sử dụng thuốc men và những phép tập thể dục chưa từng đem áp dụng cho trường hợp của ông từ trước.

Ông Layne bèn áp dụng theo cách điều trị ấy và chỉ trong vòng ba tuần ông nhận thấy rằng bệnh trạng của ông đã thuyên giảm rất nhiều.

Những sự kiện trên đây làm cho ông Cayce lưỡng lự phân vân không ít. Nhưng ông Layne lấy làm vô cùng hứng khởi và quyết định thử xem phép điều trị này có thể chữa khỏi bệnh cho những người khác hay không?

Hồi mới lên mười tuổi, ông Cayce đã bắt đầu đọc bộ Kinh Thánh (Bible) và đọc đi đọc lại hằng năm từ đầu đến cuối bộ sách ấy. Ông có ý nghĩ muốn trở nên một nhà chữa bệnh để cứu giúp các bệnh nhân đau khổ, cũng như các vị môn đồ của đấng Christ xưa kia. Về sau, ông có tham vọng trở nên một nhà truyền giáo như đã nói ở trên, nhưng hoàn cảnh của ông đã không cho phép. Và đến bây giờ thình lình ông nhận thấy cơ hội làm thầy chữa bệnh cho thiên hạ tự nhiên xuất hiện với ông. Nhưng ông còn băn khoăn lo ngại không dám nắm lấy cơ hội ấy, vì ông sợ rằng nếu trong trạng thái thôi miên ông lỡ nói một điều gì có hại và nguy hiểm cho tánh mạng kẻ khác thì sao?

Nhưng ông Layne liền bảo đảm rằng ông đừng sợ gì cả; chính ông Layne đã có hiểu biết khá nhiều về y học để có thể ngăn chặn những phép điều trị nào xét ra có hại cho bệnh nhân.

Ông Cayce bèn suy nghĩ rất lâu để quyết định một đường lối hành động. Sau cùng, ông bằng lòng giúp đỡ cho những người bệnh nào muốn được điều trị theo phương pháp của ông, nhưng ông nói trước một cách dứt khoát rằng đó chỉ là những cuộc thí nghiệm, và ông không đòi hỏi tiền thù lao chi cả.

Kế đó, ông Layne mới bắt đầu chép bằng tốc ký những lời mà ông Cayce thốt ra trong trạng thái thôi miên và gọi đó là biên bản, hay phúc trình những cuộc “Khám bệnh bằng thần nhãn”.

Điều rất lạ lùng trong những cuộc khám bệnh của ông Cayce, được thực hiện ngoài những giờ hành nghề nhiếp ảnh, là ông đã dùng những danh từ rất chuẩn xác về khoa sinh lý học và cơ thể học, mặc dầu trong lúc thức tỉnh ông không hề biết một chút gì về ngành y học và cũng không hề đọc các sách về y khoa. Điều càng lạ lùng hơn nữa đối với ông Cayce là những bệnh nhân do ông điều trị đều được thuyên giảm rất nhiều. Trường hợp của ông Layne không đủ thuyết phục ông, vì ông cho rằng có lẽ sự tưởng tượng đã làm cho ông Layne tưởng rằng mình khỏi bệnh. Về phần ông Cayce, việc ông đã thu hồi lại được giọng nói không thể cho là sự tưởng tượng, nhưng đó có thể chỉ là một sự ngẫu nhiên tình cờ.

Những sự nghi ngờ đó luôn ám ảnh ông trong những năm đầu khi ông mới bắt tay vào việc khám bệnh bằng thần nhãn, đã dần dần được giải tỏa trước sự kiện hiển nhiên là những bệnh nhân do ông điều trị đều được khỏi bệnh, thậm chí đến cả những trường hợp được xem là nan y và vô phương cứu chữa.

Dần dần, khả năng khám bệnh phi thường của ông Cayce được đồn đãi ra khắp mọi nơi. Một ngày kia, ông nhận được điện thoại của vị cựu Thanh tra Giáo dục thành phố Hopkinsville, mời ông đến chữa cho cô con gái của ông ta mới lên năm tuổi và đau ốm đã ba năm nay.

Bé gái này bị chứng cảm cúm vào năm hai tuổi và từ đó đến nay bị mất trí khôn. Những vị bác sĩ chuyên môn mà cha mẹ em đã mời đến khám bệnh cho em đều bó tay, không làm sao cứu em khỏi bệnh. Gần đây, em lại bị chứng động kinh ngày càng dữ dội thêm, và một vị bác sĩ chuyên môn đã tuyên bố rằng đó là một chứng bệnh thuộc về bộ não, không thể chữa khỏi.

Cha mẹ em đã tuyệt vọng, và đưa em về nhà để chờ ngày em trút hơi thở cuối cùng. Khi đó, một người bạn mới nói chuyện với cha mẹ em về ông Cayce và năng lực nhiệm mầu của ông. Khi ông Cayce nghe nói về trường hợp của cô gái nhỏ này, ông bằng lòng đi đến tận nơi để khám bệnh cho em ấy. Vì tình hình tài chánh của ông không được dồi dào lắm, nên ông phải nhận tiền lộ phí của gia đình bệnh nhân cung cấp. Đó là lần đầu tiên mà ông nhận một món tiền về công việc chữa bệnh để giúp đỡ kẻ khác.

Ông bèn lên đường, tuy rằng với một sự băn khoăn khó nghĩ trong lòng. Khi cô gái nhỏ được đưa đến trước mặt ông, ông càng cảm thấy một cách thấm thía sự mỉa mai cái vai trò của ông, một kẻ xuất thân từ gia đình nông dân tầm thường và không biết một chút gì về y học lại dám tự hào có thể chạy chữa cho một đứa trẻ mà những nhà chuyên môn giỏi nhất trong ngành y khoa đã phải bó tay không chữa nổi!

Ông cảm thấy hơi run rẩy khi ông nằm trên chiếc sofa trong phòng khách nhà ông thanh tra, và ngủ thiếp đi. Tuy nhiên, trong giấc ngủ thôi miên đó, ông không còn băn khoăn nghi ngại về chính mình nữa. Ông Layne có mặt ở một bên để dẫn dụ cho ông, và ghi chép bằng tốc ký những lời ông thốt ra như thường lệ.

Với một sự bình tĩnh và tự tin mà ông vẫn thường biểu lộ trong những cuộc khám bệnh trước đây, ông Cayce bắt đầu mô tả bệnh trạng của đứa trẻ. Ông cho biết rằng trước khi bị cảm cúm, em bé ấy đã bị té ngã từ trong xe văng xuống đất, và vi trùng bệnh cúm đã xâm nhập vào chỗ thương tích do tai nạn gây ra, điều này gây nên chứng động kinh. Ông cho biết thêm rằng, sự điều trị thích nghi bằng phép nắn xương sẽ có thể làm giảm bớt áp lực và giúp cho em nhỏ được bình phục trở lại như thường.

Bà mẹ em bé xác nhận việc em bị ngã từ trong xe văng ra ngoài, nhưng vì không thấy có thương tích, nên bà không hề nghĩ rằng việc ngã xe lại có ảnh hưởng đến bệnh trạng của em bây giờ.

Ông Layne bèn áp dụng cách điều trị cho em theo lời dặn của ông Cayce và trong vòng ba tuần, em nhỏ đã hết chứng động kinh. Tình trạng trí não của em cũng khá hơn nhiều: em nói được tên của con búp bê, món đồ chơi thích nhất của em mà em vẫn chơi trước khi bị bệnh; sau đó em gọi tên của cha em và mẹ em lần đầu tiên kể từ nhiều năm nay.

Sau ba tháng, hai ông bà chủ nhà tuyên bố rằng cô con gái nhỏ của họ đã hoàn toàn bình phục và đang cố gắng vớt vát lại thời gian đã mất trong những năm đen tối vừa qua.

Những sự việc xảy ra như trường hợp này đã đem đến cho ông Cayce một niềm tin rằng ông không hề sai lầm khi đem sử dụng khả năng lạ lùng của ông để giúp đỡ thế gian.

Danh tiếng của ông ngày càng lan xa. Báo giới đã bắt đầu quan tâm và đến phỏng vấn rồi đưa tin về ông. Kể từ đó, hằng ngày ông đều nhận được những cú điện thoại và điện tín của những bệnh nhân tuyệt vọng khẩn cầu ông chữa bệnh cho họ. Chính vì nhu cầu khám bệnh ngày càng mở rộng mà ông đã bắt đầu thử nghiệm rồi nhận thấy rằng mình có thể khám bệnh xuyên qua không gian, khi ở cách xa bệnh nhân đến hàng mấy trăm dặm đường, miễn là trong khi đi vào trạng thái thôi miên có người nói cho ông biết tên tuổi và địa chỉ rõ ràng của bệnh nhân.

Ông Cayce thường bắt đầu các cuộc khám bệnh từ xa bằng vài lời bình phẩm về thời tiết và hoàn cảnh địa phương nơi bệnh nhân ở, với một giọng nói thì thầm đại khái như:

– Ở đây sáng nay gió thổi mạnh quá!

– Đây là Winthertur ở Thụy Sĩ. À! Con sông này đẹp quá!

– Ồ! Người ấy đang đi, ông ta đi thang máy để đi xuống lầu!

– À! Những bộ áo pyjama này đẹp quá!

– A! Bà mẹ đang cầu nguyện ở phòng bên! v.v...

Những sự mô tả đó về sau luôn được xác nhận là đúng, lại càng giúp một bằng chứng xác thực về năng khiếu thần nhãn của ông Cayce.

Dầu rằng bệnh nhân ở cách xa hay ở gần một bên ông trong cùng một gian phòng, thì ông cũng dùng một phương pháp giống nhau không có gì thay đổi. Ông chỉ cần cởi giày, lên nằm trên giường một cách hoàn toàn thoải mái và nghỉ ngơi. Qua nhiều lần thực nghiệm, ông nhận thấy rằng cần phải nằm quay đầu về hướng bắc, chân về hướng nam. Ngoài một chỗ nằm và một cái gối dưới đầu, ông không cần dùng thêm một món gì khác!

Những cuộc khám bệnh có thể diễn ra ban ngày cũng như ban đêm, và bóng tối hay ánh sáng đều không có ảnh hưởng gì khác nhau. Vài phút sau khi nằm yên chỗ, ông liền ngủ thiếp đi. Khi đó, ông Layne, hoặc đôi khi là vợ ông Cayce, hoặc bất kỳ một người nào khác mà ông tin cậy và giao phó trách nhiệm này, mới đưa ra cho ông những lời dẫn dụ thích nghi. Câu dẫn dụ thông thường là:

– Bây giờ, ông sẽ thấy trước mặt ông (tên họ người bệnh), ở tại (địa chỉ tên đường, thành phố, xứ..) Ông sẽ khám nghiệm thân thể người ấy một cách chăm chú và cẩn thận, và ông sẽ nói cho tôi biết bệnh trạng cùng nguyên nhân của chứng bệnh là như thế nào. Ông cũng sẽ nói cách điều trị ra sao để chữa bệnh cho người ấy. Và ông sẽ đáp lại những câu hỏi của tôi đưa ra...

Vài phút sau, ông Cayce bắt đầu nói, và ông Layne hoặc cô thư ký Gladys Davis ghi chép lại bằng tốc ký những lời nói của ông. Sau đó, bản chép tốc ký được đem đánh máy lại rõ ràng để lưu giữ. Trong phần nhiều trường hợp, một bản sao được trao cho người bệnh hoặc thân nhân, hoặc người đỡ đầu hay vị bác sĩ điều trị, còn một bản sao bằng giấy màu vàng thì được lưu giữ trong hồ sơ về bệnh nhân.

Lời đồn đãi truyền khẩu và những bài tường thuật trên báo chí về năng khiếu thần nhãn của ông Cayce không bao lâu đã hấp dẫn sự chú ý của những tay thương gia có óc trục lợi. Một nhà buôn lớn trong ngành bông vải đề nghị trả cho ông Cayce mỗi ngày một trăm đô-la, liên tiếp trong hai tuần để nhờ ông “xem” giá thị trường bông vải hằng ngày. Mặc dầu lúc ấy ông đang cần tiền, nhưng ông vẫn dứt khoát từ chối. Có những người khác muốn nhờ ông chỉ giùm những chỗ chôn giấu kho tàng, hoặc cho biết con ngựa nào về nhất trong một cuộc đua để họ đặt cược trúng giải.

Có nhiều lần, ông Cayce đã chịu nghe theo lời thiên hạ thỉnh cầu và làm thử những chuyện kể trên để rút kinh nghiệm và cũng để xem kết quả ra sao. Nhiều lần ông đã thành công và nói đúng kết quả của những cuộc đua cá ngựa; nhưng cũng có nhiều lần ông nói sai! Và những lần như thế, sau khi thức tỉnh ông luôn cảm thấy mệt mỏi, bực dọc và bất mãn về mình!

Có một lần, người ta thuyết phục được ông hãy thử thời vận và dùng thần nhãn để khám phá các mỏ dầu hỏa ở tiểu bang Texas, nhưng ông không thu được kết quả gì đáng kể và đã hoàn toàn thất bại!

Sau cùng, ông nhận thấy rằng ông chỉ có thể sử dụng năng khiếu thần nhãn của mình một cách hữu hiệu và chắc chắn vào mục đích chữa bệnh cho nhân loại, và chỉ vì mục đích duy nhất đó mà thôi chứ không bao giờ nên dùng thần nhãn để giúp cho ai hay cho chính mình trong việc kiếm tiền và sinh lợi! Thậm chí đến những sự quảng cáo ồ ạt để cầu danh, ông cũng đều dửng dưng không quan tâm đến.

Năm 1922, ông Chủ bút tờ báo Denver Post nghe tiếng ông Cayce và đã mời ông đến Denver. Sau khi đã dự kiến một buổi khám bệnh có kết quả hiển nhiên, ông ta liền đề nghị với ông Cayce một việc sau đây:

Ông ta sẽ trả cho ông Cayce mỗi ngày một ngàn đô-la và tự mình đảm nhiệm công việc tổ chức những cuộc trình diễn lưu động trong khắp nước, nếu ông Cayce bằng lòng đổi tên họ và khoác lấy một cái tên Ấn Độ, ăn mặc và bịt khăn theo lối Đông phương, và khám bệnh trong trạng thái thôi miên sau một tấm màn che khuất để tránh những cặp mắt tò mò.

Nhưng ông Cayce quyết liệt từ chối.

Ông David Kahn, Giám Đốc Công ty Vô tuyến truyền hình ở Brunswich, và là bạn cũ của ông Cayce, trong những cuộc nói chuyện riêng tư, đã quảng cáo về việc làm của ông Cayce trong các giới bạn bè và các giới kinh doanh thương mãi; nhưng khi ông đề nghị mở một chương trình quảng cáo đại qui mô về công việc của ông Cayce trên đài truyền hình thì ông Cayce liền từ chối một cách quyết liệt.

Trong cuộc đời ông, ông không bao giờ chấp nhận cho ai làm bất cứ một sự quảng cáo nào về sự khám bệnh hay về những cuộc diễn thuyết công cộng của ông. Trong các cuộc đàm thoại với những người không được biết ông nhiều, ông không bao giờ nói về năng khiếu đặc biệt của mình, nếu người ta không hỏi ông về vấn đề đó. Có nhiều người ở cùng một tỉnh nhưng không hề biết gì về ông, ngoài việc ông làm nghề nhiếp ảnh. Ông sống với một niềm tin tưởng chắc chắn rằng ông chỉ là một công cụ để giúp đỡ và đem lại sức khỏe cho những kẻ ốm đau khổ sở, và ông không bao giờ nên làm cho thiên hạ chú ý đến mình.

Trong những năm đầu, ông Cayce vẫn tiếp tục hành nghề nhiếp ảnh, và luôn từ chối không nhận tiền thù lao về những cuộc khám bệnh của ông. Về sau, khi số người bệnh đến nhờ ông chạy chữa càng ngày càng đông, làm cho ông không thể nào tiếp tục hành nghề nhiếp ảnh được nữa, ông mới thấy mình có lý do để nhận tiền thù lao, vì ông còn phải đùm bọc và nuôi dưỡng gia đình. Tuy thế, đối với những người nghèo không đủ sức trả tiền, ông vẫn khám bệnh không lấy tiền.

Không bao giờ ông Cayce đòi hỏi hoặc bắt buộc bệnh nhân phải trả tiền thù lao. Những bản sao các thư từ của ông hiện còn được cất giữ trong các tập hồ sơ ở Virginia Beach, nơi ông đến cư ngụ từ năm 1927, là những bằng chứng hùng biện cho lòng hy sinh, vô kỷ của ông. Mặc dầu trong những bức văn thư ấy có rất nhiều sự thiếu sót về văn phạm, cách chấm câu và cách hành văn, nhưng nó biểu lộ một cách sâu xa lòng mong muốn giúp đỡ và làm giảm bớt những nỗi đau khổ của nhân loại.

Trong những năm đầu tiên thực hiện việc khám bệnh, ông Cayce luôn luôn bị giày vò bởi sự hoài nghi. Có đôi khi, trong những cuộc khám bệnh, ông Cayce lặng thinh không nói gì trong giấc ngủ thôi miên. Có lẽ trong những lúc đó, năng khiếu thần nhãn của ông bị ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe hoặc trạng thái bất an của tâm hồn. Mặc dầu lúc thường, ông là một người dịu dàng và hiền lành, nhưng ông cũng có những lúc nóng giận thình lình; và hoàn cảnh gia đình buộc phải có nhiều lo âu về tài chánh. Một tâm trạng như thế lẽ tất nhiên là có thể làm tê liệt mất năng khiếu của ông.

Trong những trường hợp khám bệnh không có kết quả, người ta phải đình lại một lúc khác để đợi cho tình trạng sức khỏe và tâm lý của ông được bình phục trở lại, khi đó cuộc khám bệnh sẽ đem lại kết quả mong muốn.

Nhưng ông Cayce cũng bị xúc động một cách sâu xa nếu có bệnh nhân nào tỏ vẻ bất mãn vì cuộc khám bệnh không nói đúng theo bệnh trạng của họ, hoặc sự điều trị không có hiệu quả như họ mong muốn. Trong những trường hợp đó, ông Cayce xin lỗi một cách rất khiêm tốn trong những bức thơ dài, và giải thích rằng ông không hề tự hào là thần y có thể chữa khỏi bá bệnh; rằng có một phần chi tiết mà ông không được biết rõ, điều này làm cho những cuộc khám bệnh của ông trở nên kém hiệu lực và bất toàn; và đôi khi ông không nhìn thấy được rõ ràng mọi sự, như một cái máy thu thanh bắt sóng cũng có khi mạnh khi yếu, chứ không phải lúc nào cũng cho âm thanh một cách hoàn hảo. Và cuối thơ, ông kết luận:

– Mục đích duy nhất của chúng tôi là giúp đỡ ông. Nếu tôi đã thất bại, thì tôi xin vui lòng trả tiền lại cho ông.

Ông gửi kèm theo trong thơ một ngân phiếu hoàn nguyên số tiền mà ông đã nhận được cho vị thân chủ. Thỉnh thoảng, sau nhiều tháng, chính những người thân chủ đó trở lại cho ông hay rằng một cuộc khám bệnh riêng về sau đã xác nhận những gì ông đã nói từ lúc đầu, mà họ đã nghi ngờ là không đúng như bệnh trạng của họ.

Cũng có đôi khi ông Cayce nhận thấy rằng những bệnh nhân đã than phiền về sự chữa bệnh không lành, chỉ vì họ đã cẩu thả không chịu áp dụng đúng theo cách điều trị của ông đưa ra, chẳng hạn như họ quên ăn uống kiêng cữ, hoặc không chịu uống thuốc đúng liều, hoặc xao lãng về phần tu dưỡng tinh thần mà ông đã bắt buộc họ phải noi theo.

Dầu sao ông cũng biết rằng những cuộc khám bệnh của ông không phải là tuyệt đối chính xác trong mọi trường hợp. Nhưng với thời gian qua, những cuộc khám bệnh của ông càng ngày càng trở nên rõ ràng và đúng đắn hơn trước, vì kinh nghiệm đã giúp cho ông biết cách sử dụng năng khiếu một cách hữu hiệu hơn. Những sự thất bại hoặc sai biệt xảy ra một đôi khi đã được bù đắp bởi những sự chữa lành bệnh một cách mầu nhiệm.

Một vị linh mục Thiên Chúa giáo người Canada đã được chữa khỏi bệnh động kinh; một người học trò trường tỉnh ở Dayton thuộc tiểu bang Ohio đã được chữa khỏi bệnh đau khớp xương; ở New York, một viên nha sĩ đã được chữa khỏi trong hai tuần chứng bệnh nhức đầu kinh niên đã trải qua nhiều năm; một thiếu niên ở Philadelphia mắc chứng bệnh đau mắt có cườm, là một chứng bệnh được xem là nan y, đã được bình phục khi một vị bác sĩ chữa trị theo lời chỉ thị của ông Cayce.

Chính những trường hợp chữa khỏi bệnh kể trên đã xảy ra rất nhiều lần làm cho ông Cayce bình nhật vốn là một người khiêm tốn, do dự, và cẩn thận rất mực, đã phải tin tưởng vào năng khiếu của chính ông, mặc dầu thỉnh thoảng vẫn có những sự khó khăn và một vài sai biệt nhỏ nhặt không đáng kể; và ông có thể tin rằng đó là một cái thiên tư đặc biệt của trời phú cho ông.

Năm 1942, do báo chí đua nhau nói về thân thế và sự nghiệp của ông Cayce, tên tuổi của ông đã vang dội khắp nơi ở Hoa Kỳ. Kết quả là có hàng triệu bức thư của người khắp bốn phương được gởi đến nhờ ông chữa bệnh, trong số đó có nhiều trường hợp rất đau thương và vô cùng khẩn cấp.

Ông Cayce không bao giờ từ chối việc chạy chữa cho một bệnh nhân nào và không bao giờ ruồng bỏ một ai, đành phải định ngày khám bệnh cho từng người, và có người phải được ông hẹn trước đến mười tám tháng mới đến phiên khám bệnh.

Thay vì chỉ khám bệnh hai hay ba lần trong mỗi ngày, có khi ông đã khám bệnh đến tám lần, bốn lần vào buổi sáng và bốn lần vào buổi chiều. Làm việc trong giấc ngủ có vẻ dường như là một công việc thoải mái dễ dàng, nhưng sự thật ông Cayce đã phải mất rất nhiều sinh lực và sự căng thẳng gây nên bởi sự làm việc quá sức đó đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông: Ông từ trần vào ngày 3 tháng giêng năm 1945, hưởng thọ sáu mươi bảy tuổi.

Cuộc đời của ông Edgar Cayce đã chấm dứt, nhưng danh tiếng của ông không bao giờ mất. Nếu một người trở nên bất tử và lưu danh thiên cổ do những công trình phụng sự nhân loại thì người ta có thể nói rằng ông Cayce đã trở nên bất tử theo cách đó.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật giáo và Con người


Kinh nghiệm tu tập trong đời thường


Truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm


Có và Không

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.75.69 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...