Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Những bí ẩn cuộc đời »» CHƯƠNG 11: QUẢ BÁO TÂM LÝ »»

Những bí ẩn cuộc đời
»» CHƯƠNG 11: QUẢ BÁO TÂM LÝ

Donate

(Lượt xem: 5.292)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Những bí ẩn cuộc đời - CHƯƠNG 11: QUẢ BÁO TÂM LÝ

Font chữ:

Chúng ta đã thấy rằng tánh kiêu căng – một thói xấu về mặt tinh thần – có thể gây nên những quả báo cụ thể về mặt vật chất qua hình thức những bệnh tật khốn khổ. Những tập hồ sơ của ông Cayce cũng chứa đựng nhiều trường hợp mà những tội lỗi trên địa hạt tinh thần gây nên quả báo về mặt tâm lý. Trong số đó có hai trường hợp đáng kể về quả báo khiến cho đương sự rơi vào tâm trạng lạc loài cô đơn mà nguyên nhân là thiếu sự khoan dung trong ứng xử.

Trường hợp thứ nhất là của một vị nữ tu trong một tu viện Pháp vào thời vua Louis XIV. Vị nữ tu này rất nghiêm khắc, lạnh lùng và thiếu đức khoan dung đối với những sự lầm lạc yếu đuối của người khác, vì bà hiểu Kinh Thánh một cách quá cứng nhắc, gò bó theo từng chữ từng câu, và luôn có thái độ khinh bỉ những người nào vi phạm những lời răn dạy trong Kinh Thánh.

Hậu quả của thái độ khắc nghiệt đó biểu lộ trước hết trong kiếp này bằng một chứng bệnh đau hạch kéo dài không dứt, làm cho bệnh nhân bị hoại huyết quá nhiều trong lúc có kinh nguyệt. Chứng bệnh này làm cho cô không thể đi học đều đặn, mỗi tháng nằm liệt giường hết hai tuần lễ, và làm cho cô trở nên nhút nhát, thích sống cô đơn và luôn tránh xa các bạn bè đồng lứa tuổi. Những điều này có ảnh hưởng đến cá tính của cô về mọi mặt.

Về sau những chứng bệnh kể trên đã dần dần giảm bớt. Nhờ có một thân hình đẹp đẽ, cân đối, cô làm nghề người mẫu ở New York và lập gia đình. Tuy nhiên, cuộc tình duyên của cô không có hạnh phúc. Vợ chồng không ý hợp tâm đầu vì người chồng thì lạnh lùng và khắc khổ còn cô thì lại khao khát sự yêu đương. Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, người chồng phải vượt biển tùng chinh. Từ đó, cô bắt đầu sống một thời kỳ độc thân, và vì không thể chịu nổi cảnh đơn chiếc buồn tẻ nên cô phải dọn vào ở trong một trại nghỉ mát.

Tại đây, cô bắt đầu uống rượu và sống một cuộc đời bê tha. Lúc đầu, cô cảm thấy men rượu có thể giúp cho cô thoát khỏi sự ám ảnh nặng nề của cơn sầu khổ. Nhưng khi đã trở nên nghiện ngập rồi, cô không thể ngưng lại được nữa; càng ngày càng uống rượu nhiều hơn và say sưa liên tục. Có khi cô uống luôn cả ngày đêm không dứt trong ba tuần liên tiếp, và ăn nằm với bất cứ người nào, lính thủy, lính tập hay phi công, tùy theo lúc cao hứng. Khi say rượu thì cô đánh mất cả mọi sự dè dặt trong hành vi, cử chỉ.

Sau cùng, sức khỏe của cô bắt đầu suy sụp dưới ảnh hưởng của chất men rượu nồng. Hai bàn tay cô bắt đầu run rẩy đến mức cô không thể ký tên vào những ngân phiếu để lãnh tiền của chồng cô gửi về. Trong những lúc tỉnh táo và đầy đủ trí khôn, cô quyết định rời khỏi trại nghỉ mát là trung tâm qui tụ hàng nửa chục căn cứ hải quân và đồn trại ở gần bên.

Những bức thư cuối cùng cho biết rằng nay cô đang làm thư ký với ít nhiều trách nhiệm; nhưng về sau cô vẫn tiếp tục chè chén bê tha, và sau cùng đã ly dị với chồng.

Dường như sự trụy lạc của cô trước hết là do thần kinh quá căng thẳng, mà điều này lại phát sinh từ chứng bệnh đau hạch mà ra. Chứng bệnh này lại là hậu quả trực tiếp của những hành vi phê phán quá khắc nghiệt của cô đối với người khác và sự thiếu lòng nhân từ của cô ở kiếp trước. Những sự lầm lạc yếu đuối của kẻ khác mà trước kia cô lên án một cách khắt khe, nghiệt ngã, ngày nay đã trở nên những sự lầm lạc yếu đuối của chính bản thân cô.

Khi phải nhận lãnh quả báo như thế cô mới hiểu ra được rằng sự lầm lạc tội lỗi của người đời là đáng thương, và cần phải thông cảm, giúp đỡ, tìm cách chuyển hóa họ thay vì chỉ lên án và chê bai. Những kẻ thích thú trong việc chế nhạo, chỉ trích chê bai kẻ khác rồi phải nhận lãnh cái số phận của những kẻ mà chính họ đã lên án.

Trường hợp thứ nhì là của một người đàn bà có thói kiêu căng và nhiều thành kiến trong hai kiếp trước. Trong một kiếp rất lâu xa trước đây tại Palestine, cô là vợ của một vị giáo sĩ Do Thái. Với địa vị xã hội này, cô đã tỏ ra khắc nghiệt và khinh bỉ những người thanh niên phóng đãng, tự do, vô tín ngưỡng. Thời gian trôi qua cũng không làm phai mờ hay giảm bớt lòng kiêu căng tự phụ của cô. Trong một kiếp sau đó, cô tái sinh ở Salem, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, nhưng vẫn không bỏ thói khắc nghiệt và lên án kẻ khác, mà dường như cô lại càng trở nên khó khăn nghiệt ngã hơn!

Cuộc soi kiếp cho biết rằng cô đã gặp phải rất nhiều người khó tính trong kiếp hiện tại. Những người này hết sức khắt khe, soi mói và sẵn sàng lên án kẻ khác. Trước kia cô đã gây nhiều đau khổ cho kẻ khác bởi sự khắt khe quá đáng của mình. Khi người ta nhận chìm một số người xuống nước trong vụ xử án những phù thủy, cô đứng chứng kiến và vỗ tay hoan nghênh. Khi những người khác bị trừng phạt bằng roi vọt, cô cũng biểu đồng tình. Bởi vậy, vào những lúc thần kinh quá căng thẳng thì cô cũng thường nhớ lại những hình phạt đau khổ của kẻ khác mà cô đã chứng kiến trong quá khứ. Hiện thời, cô bị một chứng nội thương trong mạch máu và tủy sống, làm cho cô phải trải qua những giai đoạn đau đớn thể xác. Sự đau đớn thể xác này là điều mà cô bắt đầu chịu đựng từ năm ba mươi chín tuổi, và những cơn khủng hoảng thường tái phát nhiều lần trong suốt mười bốn năm kế đó.

Cô không lập gia đình nhưng có nhà ở một khu sang trọng tại New York. Sự kiện cô không làm nghề nghiệp gì dường như chứng tỏ rằng cô được thừa hưởng nhiều tài sản. Nhưng người ta cũng có thể cho rằng chính sự vô công rỗi nghề này là một yếu tố quan trọng gây nên những cơn khủng hoảng tinh thần của cô. Nhưng đó chỉ là một nguyên nhân xét từ bên ngoài, có tính cách nhất thời mà thôi, chứ không phải nguyên nhân sâu xa. Trong thâm tâm của người đàn bà này có một sự khắt khe nghiệt ngã đối với người khác, một sự thản nhiên lạnh lùng trước những nguyện vọng và đau khổ của đồng loại.

Sự khắc nghiệt, thiếu khoan dung của cô đã làm cho nhiều người phải thất vọng đau khổ trong những kiếp trước. Bởi vậy, thật là công bình khi cô phải tự mình trải qua những kinh nghiệm thất vọng đau đớn đó trong kiếp này.

Người ta có thể tự hỏi rằng tại sao người đàn bà này không chịu quả báo sớm hơn về sự khắc nghiệt của cô hồi thời ở xứ Palestine. Câu hỏi này đã được xét đến trong một phần trước đây. Khi những điều kiện nhân duyên nhất định chưa hội đủ thì cho dù đương sự đã phạm vào những hành vi, tư tưởng xấu xa cũng không nhận lãnh quả báo một cách tức thời. Nhưng chính sự đòi hỏi phải kết hợp đầy đủ các điều kiện nhân duyên mới có thể kết thành các quả báo lại là một yếu tố quan trọng giúp cho chúng ta có thể làm thay đổi, chuyển hóa những quả xấu, làm cho chúng giảm nhẹ hoặc mất đi. Phương cách để làm được điều này đã được nhắc đến. Đó là sự nỗ lực tu dưỡng tinh thần và thực hành nhiều điều thiện, giúp đỡ mọi người với một tấm lòng vị tha chân thật.

Trong kiếp sống sau đó ở Salem, người đàn bà này đã có một cơ hội để chuộc lại lỗi lầm, làm thay đổi quả báo xấu. Nếu cô có thể làm một người khoan dung độ lượng, thay đổi những tính xấu trước đây của mình, thì kết quả đến với cô về sau chắc chắn đã thay đổi theo hướng tốt hơn. Rõ ràng là cô đã có điều kiện để tùy ý chọn lựa và cải thiện tâm tính của mình. Nhưng cô đã thất bại trong sự hướng thiện đó; cô lại còn tăng thêm tánh khắc nghiệt trước đây thay vì sửa chữa, cải hối. Và vì thế chính cô đã tạo ra đầy đủ các điều kiện để quả báo chín muồi và cô phải lãnh chịu trong kiếp này.

Trong những thói xấu cùng loại với tánh hẹp hòi, thiếu khoan dung và nghiệt ngã còn có tánh hay chỉ trích người khác. Trường hợp sau đây là một thí dụ lý thú về quả báo gây nên bởi tánh hay chỉ trích.

Đó là một quân nhân hai mươi bảy tuổi, cấp bậc thiếu úy, có tánh tự ti mặc cảm và luôn luôn nghĩ rằng mình bất lực, không làm nên trò trống gì.

Chúng tôi không được biết những lý do nào đã làm trở ngại sự phát triển cá tính của anh ta trong thuở thiếu thời. Có thể rằng anh ta đã có một người cha hay người mẹ hay công kích một cách vô lý; hoặc vì anh ta có một khuôn mặt xấu xí, làm cho bè bạn trong lớp chế giễu nhạo báng. Trong cuộc soi kiếp cho anh ta, ông Cayce nói:

– Ai gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Vì anh đã chỉ trích kẻ khác một cách gay gắt và vô lý nên ngày nay anh phải bị chỉ trích lại.

Cuộc soi kiếp cho biết rằng người thanh niên ấy trong kiếp trước là một nhà phê bình văn nghệ, thường có thói quen chỉ trích một cách gắt gao mọi tác phẩm mà anh ta không hài lòng, dĩ nhiên là thiếu sự khách quan và công bằng. Điều đó thường gieo sự ngờ vực hoang mang không đáng có trong lòng các tác giả, làm cho họ mất tin tưởng về năng lực sáng tác của chính họ. Ngày nay, quả báo tương ứng đã đến với anh ta, khiến anh ta tự nhiên mang lấy một tâm trạng tự ti mặc cảm mà không rõ nguyên do.

Chúng ta nhìn thấy ở đây một khía cạnh mới của luật nhân quả vô cùng phức tạp, một khía cạnh rất quan trọng về phần tinh thần, đáng để cho ta suy gẫm. Trong thực tế, những nhà phê bình chuyên môn có đủ năng lực chỉ gồm một số rất ít, nhưng trên thế giới hiện nay có vô số những nhà phê bình tài tử, nghĩa là không chuyên nghiệp, không có đủ trình độ chuyên môn.

Có lẽ không một nghề nghiệp nào khác trên thế gian này lại có nhiều người hành nghề tài tử như nghề này! Các nhà phê bình không chuyên dường như rất say mê và thích thú trong việc chỉ trích người khác, bất kể những điều họ nói ra có dựa trên lập luận chắc chắn và khách quan hay không, và cũng bất kể rằng những nạn nhân của họ sẽ phải chịu đựng những gì do sự phê phán bừa bãi không chuẩn xác của họ!

Đây là một nghề này không cần bỏ vốn và thật dễ làm! Ngoài ra, nó còn là một kiểu tiêu khiển thú vị của người đời, một trò chơi mà người ta có thể tham gia ngay trên đường phố hoặc trong quán cà phê, suốt cả năm này qua tháng nọ mà chỉ cần dùng có một công cụ duy nhất là cái lưỡi sắc bén! Chỉ cần hai hay ba người tụ họp lại là trò chơi phê bình, chỉ trích này đã có thể bắt đầu một cách thoải mái, và nạn nhân có thể là bất cứ ai trong những người quen biết của các “nhà phê bình” này!

Mặc dù sự chỉ trích là một trò tiêu khiển không tốn kém, nhưng nó có thể buộc người ta phải trả một cái giá đắt về sau. Theo những gì mà thần nhãn của ông Cayce nhìn thấy trong sự tác động của luật nhân quả trải qua dòng thời gian vô tận, ông thường đưa ra những lời cảnh cáo nghiêm khắc và rõ ràng cho những ai say mê theo tật xấu này.

Thí dụ sau đây, trong hàng trăm những thí dụ khác, là một bằng chứng hiển nhiên để ta suy gẫm. Hồ sơ ghi lại lời ông Cayce như sau:

– Tôi thấy rõ người này thường tỏ ra quá nghiêm khắc trong sự chỉ trích kẻ khác. Phải dừng bớt lại, vì những gì mà ta chỉ trích kẻ khác không xuất phát từ lòng chân thật muốn xây dựng, giúp đỡ người ấy, mà chỉ để thỏa mãn sự tự tôn, kiêu ngạo của bản thân mình, sẽ mang đến cho ta những quả báo xấu dưới một hình thức tương ứng nào đó.

Đó là một lời tuyên bố rõ ràng về luật nhân quả. Theo đó, một nguyên nhân gây ra những khổ đau về mặt tâm lý cho người khác sẽ mang đến một hậu quả xấu với trạng thái tâm lý tương ứng. Điều này nhắc chúng ta nhớ lại một lời răn dạy trong Kinh Thánh. Đức Jesus có dạy rằng:

– Ta nói cho các ngươi biết, mỗi lời nói vô ích mà con người thốt ra, họ sẽ phải trả lời trong ngày phán xét cuối cùng.

Và kế đó là những lời răn:

– Không phải những gì chui vào lỗ miệng của một người làm cho người ấy bị ô nhiễm, nhơ bợn, mà chính là những gì từ trong lỗ miệng của người ấy chui ra!

– Ngươi chớ lên án nếu ngươi không muốn bị kẻ khác lên án. Vì ngươi lên án kẻ khác như thế nào, thì đến lượt ngươi cũng sẽ bị lên án như thế đó!

Những lời răn trên đây, đối chiếu với luật nhân quả mà chúng ta đã thấy có một ý nghĩa rất phù hợp và cũng vô cùng hợp lý trên phương diện thực tế, khiến người ta không thể xem thường.

Về những trường hợp kể trên, chúng ta nên nhớ rằng chính cái động cơ thúc đẩy và mục đích của mỗi hành động mới là cái sức mạnh chuyển vận luật nhân quả. Không phải nghề phê bình văn nghệ làm cho người thanh niên kia bị sa đọa, mà chính cái thái độ thiếu khách quan của anh ta và sự hoang mang ngờ vực mà anh ta đã gieo trong lòng kẻ khác về tài năng của họ, chỉ vì những lời phê phán một cách cẩu thả, bừa bãi.

Người ta thấy có một sự tương tự như khi người lính La Mã ngược đãi những tín đồ đạo Gia Tô, đã kể ở chương 5. Nghiệp quả của anh ta gây ra không phải là vì anh ta thi hành nhiệm vụ của người một lính, mà chính vì thái độ tàn ác của anh ta đối với những người không đủ sức tự vệ đặt dưới quyền sinh sát của anh ta.

Ở đây cũng như trong mọi trường hợp khác, chính cái thái độ tinh thần đứng sau mỗi hành động mới là cái nguyên động lực tạo nên nghiệp quả. Trước đây, chúng ta thấy rằng những khuynh hướng độc tài chuyên chế có nguyên nhân xuất phát từ những kinh nghiệm chỉ huy trong kiếp trước. Khả năng lãnh đạo là một đức tính tốt, nhưng nó rất dễ biến đổi thành thói xấu là chuyên chế độc tài.

Trong lịch sử, ta thấy những người có chức vụ cao, nắm quyền thế trong tay thường lạm dụng quyền hành để thỏa mãn những tham vọng riêng của mình. Những trường hợp lạm dụng quyền thế một cách trắng trợn và quả báo gây ra do những hành động đó đều được thuật lại rất nhiều trong những tập hồ sơ của ông Cayce. Thí dụ sau đây là trường hợp của một người có quyền thế trong thời kỳ các vụ án phù thủy ở Salem.

Người này là một trong những viên chức có trách nhiệm trừng trị và khủng bố những người đàn bà bị tố giác là hành nghề phù thủy. Tuy nhiên, trong khi thừa hành chức vụ đàn áp khủng bố những người theo tà đạo để giữ gìn thuần phong mỹ tục và bảo vệ tín ngưỡng Gia Tô, con người mô phạm và đạo đức giả này lại lạm dụng quyền hành của mình để thỏa mãn điều sắc dục. Những người phụ nữ bị giam cầm đều bị cưỡng bách phải thất tiết với y!

Những tập hồ sơ cho biết rằng kẻ đạo đức giả ấy đã đầu thai trở lại kiếp này. Hiện nay anh ta là một thiếu niên mười một tuổi, con của một người đàn bà nghèo khổ, bị chồng bỏ rơi. Anh ta thường bị chứng động kinh rất dữ dội. Trong lúc soi kiếp, anh ta đã bị bại liệt hết nửa người bên trái và câm không nói được. Anh ta không thể tự mình thay y phục hoặc ăn uống hay đi lại, tiểu tiện, nên lúc nào cũng phải có người dìu dắt. Hai vai của anh ta đã còng, và sau một cơn động kinh kéo dài suốt nhiều ngày, mỗi lần cách nhau khoảng nửa giờ, anh ta không thể giữ vững đầu mình nằm ngay ngắn trên cổ được nữa, và không thể ngồi dậy được nếu không có người nâng đỡ.

Theo ông Cayce, bệnh động kinh thường là quả báo của sự hoang dâm vô độ. Dầu sao, sự lạm dụng quyền hành trong trường hợp này là một yếu tố quan trọng. Sự nghèo khổ và địa vị thấp kém của người mẹ anh ta dường như là một sự đảo lộn địa vị giàu sang quyền thế của anh ta trong kiếp trước. Chứng động kinh là hậu quả của sự cưỡng hiếp, dâm dục khi anh ta lạm dụng quyền hành để thỏa mãn thú tính.

Trường hợp sau đây là một thí dụ lạm dụng quyền thế trong thời kỳ khủng bố đạo Gia Tô ở La Mã. Có một người tên Romus, là quân nhân trong đạo binh La Mã. Ngoài số tiền lương tháng không nhỏ, dựa vào cấp bậc khá cao của mình anh ta đã dùng thế lực để kiếm được những món tiền khổng lồ.

Cuộc soi kiếp không nói rõ anh ta đã dùng những phương cách nào, không biết là anh ta đã biển thủ công quỹ hay dọa nạt kẻ khác để làm tiền; nhưng nói chung là anh ta đã dùng phương tiện bất chính để mưu lợi, thâu được rất nhiều của cải vật chất. Tuy vậy, anh ta phải chịu mất mát nhiều về phương diện tâm linh.

Trong kiếp hiện tại, Romus bị nhiều đau khổ, sự nghèo đói, lầm than, không nhà cửa luôn bám theo anh ta suốt đời. Nghề thợ may không đủ sinh lợi để nuôi một vợ và năm con, anh ta phải nhờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ mới có thể sống qua ngày một cách tạm bợ và bấp bênh ở một khu phố nghèo nàn tại Luân Đôn.

Trong trường hợp này cũng vậy, kẻ lạm dụng quyền hành đã phải chịu những quả báo tương ứng với hành vi xấu của mình trong quá khứ. Tình hình tài chánh tuyệt vọng của anh ta phản ảnh những nỗi lầm than khốn khổ mà anh ta đã gây ra cho kẻ khác trong kiếp trước.

Dưới đây là một trường hợp khác về sự lạm dụng quyền hành, cũng rất đáng cho ta ghi nhớ. Một người đàn bà thuộc giai cấp trưởng giả thời Cách mạng Pháp, đã tham gia cuộc nổi loạn chống giai cấp quí tộc. Với tấm lòng thành thật tranh đấu cho lý tưởng, bà đã thực hiện một sự tiến bộ lớn về đường tâm linh. Nhưng sau cuộc Cách mạng, khi dịp may đưa bà đạt tới một địa vị quan trọng trong chính phủ, bà liền trở nên độc tài và lạm dụng quyền thế không thua gì những người mà bà đã tranh đấu chống lại trước kia. Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce nói:

– Hậu quả đưa đến là trong kiếp hiện tại, người này phải chịu dưới quyền sai khiến của kẻ khác, tương ứng với sự độc tài và hách dịch trước kia.

Hiện thời, người đàn bà này sống một cuộc đời rất khó khăn. Vào lúc soi kiếp, bà đã bốn mươi tuổi, góa chồng mười năm và có một đứa con gái. Bà phải chiến đấu với nghịch cảnh để tự mưu sinh và nuôi con. Bà đã tìm được việc làm trong một cơ sở cứu trợ nạn nhân thất nghiệp của chính phủ trong một thời gian, nhưng tình trạng của bà vẫn bấp bênh. Sự cô đơn và thiếu nguồn vui sống đã làm cho bà tuyệt vọng và chán nản. Tình trạng này không phải do sự ngẫu nhiên tình cờ, mà đó là hậu quả chính xác của những sự đè nén áp bức mà bà đã gây ra cho kẻ khác khi lạm dụng quyền hành trong tay.

Xét qua bề ngoài hiện nay thì bà là nạn nhân của một tình trạng kinh tế khủng hoảng và một số phận hẩm hiu; nhưng xét về luật nhân quả thì bà chỉ là nạn nhân của chính mình.

Những trường hợp kể trên có thể giúp cho ta một tiêu chuẩn quan trọng để tìm hiểu những nỗi khó khăn trắc trở của người đời cùng những nỗi đau khổ của họ, và tìm ra những nguyên nhân xa gần, căn cứ vào quả báo trong hiện tại.

Khi nhà hiền triết Eschyle cách đây hai ngàn năm ở Hy Lạp nói rằng: “Số mạng chính là hạnh kiểm”, ông ta đã nêu ra một mối quan hệ hoàn toàn chính xác theo cả hai chiều. Vì những trường hợp đã xét qua như trên dường như cho thấy rằng cái gọi là “số mạng” của một con người hiện nay chính là phản ảnh hạnh kiểm của người ấy trong quá khứ. Và ngược lại, hạnh kiểm trong hiện tại sẽ quyết định việc số phận một người trong tương lai có tốt đẹp hay không.

Đến đây, một vấn đề quan trọng được nêu ra, một vấn đề mà không ít người khi học hỏi nghiên cứu và suy gẫm về thuyết nhân quả thường nêu ra. Nếu như sự nghèo khổ là những quả báo xứng đáng dành cho những kẻ trước đây hung dữ, độc ác, bất công, thì tại sao ta cần phải cố gắng hoạt động trong những công việc cứu tế xã hội để làm gì? Phải chăng những cố gắng của ta để trợ giúp những kẻ bần cùng khốn khó chính là ngăn trở những tác động động của luật nhân quả?

Chúng ta nên hiểu rằng, trong thuyết nhân quả thì nhân và quả không phải là hai phần hoàn toàn tách biệt nhau. Ngược lại, chúng luôn gắn bó với nhau một cách chặt chẽ như một yếu tố duy nhất. Những gì ta nhìn thấy là quả báo của một người thì từ một góc độ khác cũng chính là cái nhân để tạo ra một quả báo khác. Vì thế, một thái độ nhắm mắt buông xuôi đối với những nhu cầu cấp bách của xã hội, những khó khăn khốn khổ của người khác, cho dù người đó là ai, thì tự thân nó đã phải bị xem là một hành vi không tốt đẹp và chắc chắn phải chiêu cảm một quả báo không tốt đẹp.

Mặt khác, tuy một người đã có những hành vi không tốt dẫn đến phải lãnh chịu một quả báo không tốt, nhưng sự giúp đỡ người ấy hoàn toàn không có nghĩa là tán thành những hành vi không tốt của người ấy trước đây, mà chính là một phương cách tích cực nhất để giúp người ấy nhận ra sự không tốt của mình và ăn năn hối lỗi. Vì thế, đây là cách tốt nhất để chuyển hóa những khuynh hướng xấu thành những khuynh hướng tốt. Tương tự như khi ta đối xử khoan hồng và tốt đẹp với những tù nhân trong các trại giam, đó không phải là ta tán thành với những tội lỗi trước đây của họ, mà là chứng tỏ cho họ thấy lòng tốt thực sự của con người là như thế nào. Chính điều này mới có công năng chuyển hóa họ trở thành người tốt, chứ không phải chỉ riêng sự trừng phạt có thể làm được như vậy.

Thuyết nhân quả khi được nhận hiểu một cách đúng đắn sẽ không thể dùng để bào chữa cho những hành vi của kẻ thiếu đạo đức, dửng dưng trước sự khốn khó của đồng loại. Nền tảng của thuyết nhân quả trước hết là chú trọng về mặt tinh thần, vì tiêu chuẩn tự nhiên của một hành vi được gọi là hiền thiện tốt lành chính là khi nó giúp chuyển hóa tinh thần con người hướng đến sự toàn thiện.

Nhưng thuyết nhân quả cũng có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội, bởi vì mục đích tối nhất của sự hoàn thiện tinh thần cũng chính là tình thương; và tình thương chính là cái mãnh lực mầu nhiệm làm tiêu tan mọi điều nghiệp chướng và quả báo xấu xa. Ý nghĩa tích cực của luật nhân quả nằm ở chỗ tình thương bao giờ cũng là nhân tố tích cực và thiết yếu nhất trong việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, cho dù đó là một xã hội cổ sơ hay hiện đại, là nằm ở phương Đông hay phương Tây.

Luật nhân quả luôn khách quan và công bằng tuyệt đối, cũng ví như mực nước luôn giữ sự cân bằng trong các bình chứa. Dầu cho con người gặp phải hoàn cảnh nào, sống trong địa phương nào và dưới thời kỳ nào, điều đó không quan hệ, đó chỉ là những điều kiện bên ngoài làm bối cảnh cho luật nhân quả biểu lộ những tác động của nó mà thôi. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi người luôn có những cơ hội và khả năng để tự sửa mình và vươn lên hoàn thiện, sửa chữa những khuyết điểm và lỗi lầm đã qua. Xét từ khía cạnh đó thì việc tin nhận luật nhân quả luôn mang đến cho chúng ta một tín hiệu lạc quan đáng mừng giữa cuộc đời mênh mông đầy dẫy khổ đau này.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.66.28 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...