BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Phật và
Thánh chúng
Thích Minh Tuệ
Sài Gòn, 1990
BÀI 5 ÐỨC PHẬT GIÁO HÓA.-ooOoo- K hi thành chánh đạo, Ðức Phật cảm thấy lòng thật nhẹ nhàng thoải mái không còn vướng chút bụi trần, Ðức Phật tuyên bố: "Ta đã trải qua nhiều kiếp sinh tử luân hồi. Ta đã hoài công tốn sức mãi tìm kiếm kẻ làm nhà mà không gặp.Vòng sinh tử đau thương cứ miên viễn xoay vần, không dứt, khốn khổ biết bao. Nhưng, hỡi kẻ làm nhà, chung cuộc ta đã tìm ra người. Người không còn xây nhà được nữa. Kèo cột hư mục, tường vách đều đã sụp đổ tan nát. Ta đã dứt sạch ái nhiễm, tâm trí đạt đến vô thượng Niết Bàn". I- THỜI GIAN PHẬT SUY TƯ. Ðạo quả đã viên thành, nhưng Ðức Phật vẫn an nhiên ngồi kiết già bất động ở dưới gốc cây Bồ Ðề, Phật trọn hưởng nguồn hỷ lạc đã tốn nhiều công sức kiếm tìm. Phật thấy như ngồi trên đỉnh núi nhìn xuống chân đèo. Ở lưng đèo dốc đá cheo leo, cây gai chằng chịt, suối khe hiểm trở... Chúng sinh mệt mỏi tìm không ra lối thoát, trình độ lại còn thấp kém, làm sao thấu hiểu được giáo pháp mà Ngài vừa chứng ngộ. Từ đó, Phật rất ưu tư, không biết cách nào để truyền bá giáo pháp vô thượng thậm thâm vi diệu. Con người sống quay cuồng trong sự ràng buộc của ái nhiễm làm sao thấu triệt được lý nhân duyên, vòng xích nhân quả luân hồi. Bởi thế, con người cũng đánh mất khả năng Như thị tri kiến, sẵn có trong mỗi tự thân, còn các Ðạo sĩ xa lánh cuộc sống lại chấp nhận sự an bài của Thượng đế, hoặc định nghiệp. Muốn giải thoát, theo họ, con người phải khổ hạnh ép xác. Rõ ràng khi ta dùng bát sữa của mục nữ Su Dà Ta, 5 anh em ông Kiều Trần như đã ruồng bỏ ta, cho ta là thối chí. Ôi! Chân lý quá cao siêu "Tâm tính phàm phu ô trược làm sao nắm bắt được chân lý. Kẻ khổ đau vì dục vọng trần gian, kẻ bị vô minh che lấp tâm trí sẽ khó nhận biết sự thật. Từ trước đến giờ, ta đã bị hiểu lầm, nay đi truyền bá lý nhiệm mầu ta sẽ bị hiểu lầm nhiều hơn nữa. Như thế, ai sẽ nghe ta và ta làm thế nào để giảng giải cho mọi người đạo lý duyên sinh, nhân quả luân hồi, kể cả chỉ cho mọi người cái thực tại xã hội đầy dẫy bất công mà họ đang gánh chịu. Bấy giờ Phật nhớ đến đạo sĩ Uất Ðầu Lam Phất và A La Lam, Phật chỉ nghĩ có hai đạo sĩ này, người có căn trí khá cao, chắc có thể lãnh hội được đạo lý thù thắng, nhiệm mầu. Nhưng tiếc thay, cả hai đạo sĩ đã từ giã cõi đời, trước ngày ta thành đạo 7 ngày và 3 ngày. Cứ như thế Phật suy tư suốt thời gian 21 ngày. Trong thời gian. Phật nhập định dưới gốc cây trí giác, có hai thương gia điều động 500 cỗ xe ngựa trở về phương Bắc. Ðó là Ðề Lê Phú Bà (Tripussa) và Bạc Lê Ca (Bhallika) cả hai thương gia đến đảnh lễ và cúng dường Ðức Phật. Ðáp lại thiện tâm của hai thương gia, ngoài lời tán dương, chúc phúc, Phật ban vài sợi tóc và móng tay để làm vật kỷ niệm. Khi đến kinh doanh ở Miến Ðiện hai thương gia dựng tháp thờ tóc và móng tay của Phật. Nhờ đó Vua Miến Ðiện, các Vua kế cận và nhiều người biết xứ Ấn Ðộ và đã tìm đến bái yết Ðức Phật. Tháp này hiện còn ở Thủ Ðô Rangoon, tên gọi là Tháp JHWEDAGOR. II- ÐỨC PHẬT GIÁO HÓA - (Chuyển Pháp luân). Với tâm đại bi và trí tuệ siêu tuyệt, sau 21 ngày, Ðức Phật đã thấu triệt được trình độ cao thấp của chúng sinh. Bởi thế Ðức Phật quyết định sẽ tùy căn cơ trình độ của chúng sinh mà thuyết giáo. Phương pháp giáo hóa theo 2 nguyên tắc: Kết hợp với chân lý cứu cánh (khế lý) và tùy thực tế áp dụng phương pháp thích hợp (khế cơ). Quyết định xong, Ðức Phật rời tòa Bồ Ðề, đi về phía thành Ba La Nại (Benarer) tìm 5 anh em ông Kiều Trần Như. 1)- Người gặp Phật đầu tiên. Trên đường hướng về thành Ca Thi tại núi Dà Gia (Giya), Phật gặp U Ba Ca (Upaka) từ xa đi lại. Vừa trông thấy Phật, cảm mến phong cách của Phật, tâm hồn U Ba Ca rung động, liền tiến đến đảnh lễ và tỏ lời thán phục. U Ba Ca hỏi: "Ngài có phải là người không? Hay Ngài là một vị thiên thần? Tướng Ngài rất đẹp hiền hòa. Khuôn mặt Ngài thật rạng rỡ, tươi mát như một mùa thu trong sáng. Với hình dáng của Ngài, tâm hồn con vừa ớn lạnh, vừa thanh thản, yên tĩnh lạ thường. Kính xin Ngài cho con biết tận tường". Này U Ba Ca! Phật đáp. Ta không phải là thiên thần. Ta là một con người bình thường như bao nhiêu người khác. Ta không có bạn bè chung học, cũng không có ai làm thầy ta. Sau khi nhìn rõ thực trạng của xã hội bất công, thấy rõ già, bệnh, chết làm mòn mỏi sinh mạng con người, và cũng tìm hiểu hết các tư tưởng chứa đầy, thiên chấp, của các đạo sĩ trong chốn sơn lâm, với tự lực ta tìm được đạo trí tuệ, đạo giải thoát mà trên cõi đời này chưa ai thấu đạt được. Này U Ba Ca! Cuộc sống của con người không do một thượng đế nào an bài, cũng không phải là một định nghiệp hoặc ngẫu nhiên. Tất cả đều do con người chủ động. Nếu con người cứ đắm say dục lạc, tâm tràn đầy phiền não nhiễm ố cuộc sống sẽ mãi trầm luân khổ ải. Do đó, con người phải có gươm trí tuệ chặt đứt dây mơ, rễ má vô minh phiền não, kiếp sống sinh tử luân hồi mới chấm dứt, trần gian mới hết u tối. Khi đến thành Ca Thi, tùy căn cơ mọi người ta quyết truyền bá đạo lý giác ngộ và giải thoát. Ta đóng chuông chính giác, thức tỉnh nhân loại. Tiếng chuông vang rền sẽ khai thông cho những người tai điếc. Ta đốt đèn trí tuệ để xua đuổi bóng đêm trường bao phủ thế gian, đưa đón người vào cơn ác mộng. Ðèn tuệ rạng soi sẽ mở mắt cho những người bị mù tối. Khi đèn trí tuệ chiếu sáng, bóng tối ngu si của nhân loại, chúng sinh nhất định sẽ tan biến. Này U Ba Ca! Với sứ mạng của đấng đại trượng phu, đấng đại Y vương và đấng đạo sư của nhân thế, ta phải thực hiện cho bằng được lý tưởng cứu độ chúng sinh. Ðào đất thì có nước, không khí chuyển động thì phát gió, cưa cây thì có lửa, bởi thế ta rất tin tưởng vào năng lực của ta, trên con đường trở lại thành Ca-thi, xứ Ba La Nại. Nghe Phật thuyết giảng, U Ba Ca càng thán phục đạo lý cứu khổ nạn cho nhân thế của Ðức Phật. Trước khi chia tay, U Ba Ca phát nguyện trong tương lai gần đây sẽ trở lại bái yết Phật và xin quy y làm đệ tử. 2)- Giáo đoàn đầu tiên. Khi vào thành Ba La Nại, Phật đi thẳng đến vườn Lộc Uyển để gặp 5 anh em ông Kiều Trần Như, người cùng tu khổ hạnh với Phật ngày trước. Thấy Phật từ xa đi lại, 5 anh em ông Kiều Trần Như tưởng là đạo sĩ Tất Ðạt Ða đã ăn năn hối hận và trở lại xin tiếp tục hành đạo. Bởi thế 5 ông bàn với nhau là không đón chào tiếp rước, ôm y bát, nhường chỗ ngồi, cho ăn uống... phải nhắm mắt tảng lờ như không nhìn thấy. Nhưng Phật mỗi lúc một đi đến gần. Với hình ảnh, tướng mạo, tư chất, phong cách khác hẳn các đạo sĩ bình thường, tâm tư 5 anh em Kiều Trần Như thấy nao nao cảm phục. Với những ý định đã bàn bạc, với những thái độ căm ghét ban đầu họ cảm thấy như tan biến theo từng bước chân của Phật, không ai bảo ai, khi Phật đến gần, tất cả đều đứng dậy vái chào niềm nở. Người thì lễ bái, người thì giành ôm y bát, người thì sửa soạn bồ đoàn, người thì múc nước rửa chân Phật và đồng thanh chào mừng. - "Xin hân hạnh chào bạn, mời bạn ngồi giữa 5 anh em chúng tôi". - Này Kiều Trần Như! Các người đã giao ước không đón chào ta sao lại tỏ nhiều cử chỉ trái ngược? Phật hỏi. - Thưa bạn, đó là một sự hiểu lầm ban đầu. Với phước hưởng của bạn chúng tôi đâu dám thất lễ. - Này các đạo sĩ! Không nên gọi ta là bằng bạn, bằng tên thế tục. Qua thời gian nhập định, tư duy dưới gốc trí giác, ta đã thành bậc chính đẳng, chính giác. Ta là đấng đạo sư, đấng đại y vương. Hãy gọi ta là Phật, bậc có trí tuệ, nhìn xuyên suốt nguồn gốc vũ trụ, nhân sinh. Các đạo sĩ hãy lắng nghe, ta đến đây có mục đích khai thị cho các đạo sĩ con đường dẫn đến quả giác ngộ và giải thoát mà ta đã thành đạt. - Này các đạo sĩ! Trước đây các đạo sĩ nghĩ ta đã sống buông lung, phóng dật nên đã ruồng bỏ ta. Thực sự, ta không như thế. Khi còn ở cung đình đủ các loại lạc thú, nhưng ta đã không đắm say thích hưởng lạc thú, nếu đắm nhiễm thì ái dục càng tăng, thân tâm ô nhiễm không dứt trừ được già, bịnh, chết, vòng xích nhân quả luân hồi. Ta đã bỏ lại đằng sau để vào rừng cùng với các bạn tu khổ hạnh. Nhưng qua 6 năm ép xác, chỉ làm cho cơ thể hao mòn, sức lực kiệt quệ, đi đứng không nổi. Nhục thể chịu khổ bao nhiêu thì tâm thần càng thêm rối loạn bấy nhiêu, trên đường đạo hạnh, cần tránh hai thái cực. Chỉ có phương pháp tu hành trung đạo mới đi đến cứu cách giác ngộ, thành Phật. - Này các đạo sĩ! Con đường trung đạo chân chính có 8 nhánh, gọi là 8 chính đạo. Một là hiểu biết chân chính (chính kiến) hai là suy nghĩ thuần chơn (chính tư duy) ba là lời nói hiền hòa trung trực (chính ngữ) bốn là việc làm chính đáng (chính nghiệp) năm là sinh kế hợp lý (chính mạng), sáu là siêng năng theo lẽ phải (chính tinh tấn), bảy là nhớ nghĩ chân lý (chính niệm), tám là giữ tâm linh vắng lặng theo chính đạo (chính định). Ðó là con đường trung đạo mà ta đã khám phá được. Con đường hướng đến giải thoát phiền não khổ đau, được giác ngộ, tịch tịch Niết Bàn. Phật dừng lại giây lát rồi tiếp: - Này các đạo sĩ! Trên thế gian này, chúng sinh luôn luôn gánh chịu nhiều khổ đau: sinh, già, bịnh, chết gây khổ cho con người. Ngoài ra, còn nhiều tai ương khác nữa, như phải chia lìa người thân thương, gặp gỡ kẻ oán thù, điều mơ ước không đã được, năm uẩn phát triển không đồng đều trong cơ thể. Ðó là chưa kể đến những tai ương do thiên nhiên gây nên, như tai nạn về nước, tai nạn về lửa, tai nạn về gió bão v.v... Tất cả những khổ đau đâu phải tự nhiên hay ngẫu nhiên mà có hay do Thượng đế an bài. Nguyên nhân của nó là do con người chất chứa vô minh, tham ái, ngã chấp... rồi phát sinh phiền não; tham, sân, si... những nguyên nhân đau khổ, con người tích lũy lâu ngày thành tập. Muốn giải thoát, an vui, tịch tịnh, con người phải quyết tâm diệt sạch phiền não: tham, sân, si... Ðó là diệt. Phương pháp để giác ngộ và giải thoát, đạt cảnh giới tịch diệt Niết Bàn là 8 chánh đạo, đó là Ðạo. - Này các đạo sĩ! Với thực tại cuộc đời, ta khai thị cho các ông biết:
- Này các đạo sĩ! - Ta khuyên các ông hãy tích cực:
- Này các đạo sĩ! - Hãy noi theo ta để biết rõ:
- Này các đạo sĩ! Trong thực tại khổ, tập, diệt, đạo là 4 chân lý chắc thật nhiệm mầu, vì thế được gọi là Tứ diệu đế, chỉ có thánh trí mới thấu rõ được nên còn gọi là Tứ Thánh Ðế. Con người cần thấu hiểu 4 chân lý này và tu theo đường trung đạo mới mong thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Thuyết giảng 4 diệu đế xong, Phật lại hỏi các đạo sĩ: "Con người có già, bịnh, chết vì thân 5 uẩn". Vậy với thân 5 uẩn này các ông còn bảo tồn là thường hay không thường! Là khổ hay không khổ? Là có ngã hay không ngã? Các đạo sĩ thưa: "Bạch phật! Năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành và thức là vô thường, là khổ và là vô ngã!" Hay lắm thay! Ta thật không uổng công trong lần chuyển pháp luân đầu tiên này. Vì các đạo sĩ đã tiếp thu được giáo pháp nhiệm mầu của ta truyền đạt. Phật thuyết giảng xong, 5 đạo sĩ cùng tu khổ hạnh với Phật lúc trước hoan hỷ tín nhận, lễ bái tôn vinh Phật, phát nguyện xin xuất gia làm đệ tử. Ðó là 5 đệ từ đầu tiên của Phật. Bây giờ, ngôi Tam bảo được hình thành. Ðức Thích Ca Mâu Ni là Phật bảo, 4 Thánh Ðế là pháp bảo và 5 anh em Kiều Trần Như là Tăng bảo. III- NHẬN THỨC VÀ KẾT LUẬN. Trong 45 năm thuyết pháp của Ðức Phật, bài pháp 4 Thánh Ðế là quan trọng hơn cả. Các tư tưởng gia Ðông - Tây đều có bài đó là tinh túy của Phật giáo là đóa hoa thơm của nhân loại. Vì 4 Thánh Ðế này làm căn bản cho toàn bộ hệ thống triết lý tư tưởng Phật giáo. Tất cả tư tưởng khác đều bắt nguồn, đâm rễ, nẩy mầm, đâm chồi, kết trái từ 4 Thánh Ðế. Bài giảng 4 Thánh Ðế đầu tiên này của Ðức Phật được gọi là sơ chuyển Pháp luân. Với 5 anh em Kiều Trần Như, Ðức Phật không những chỉ khai thị tức là nói rõ, mà còn khuyến cáo hãy tích cực tìm hiểu cái khổ, trừ cái tập, chứng cái diệt, tu trung đạo và chứng minh bằng tự thân Phật đã thực hành, đã chứng đạt. Với 3 phạm trù này, giáo điển Phật giáo gọi là Tam chuyển Pháp luân. Ðó tức là thị chuyển, khuyến chuyển và chứng chuyển. Với 4 Thánh Ðế, Phật dựa trên luật nhân quả, để trình bày. Với thực tế tâm lý, chúng sinh sợ quả. Bồ Tát sợ nhân, vì thế Phật nói quả trước, nhân sau. Khổ và tập là nhân quả thế gian. Diệt và đạo là nhân quả xuất thế gian. Với cuộc đời, ngoài những tai nạn do thiên nhiên đem lại, như thủy tai, hỏa tai, phong tai v.v... tự thân con người bị chồng chất không biết bao cái khổ. Tóm thâu có tám khổ hoặc gọn hơn cả 3. Ðó là khổ khổ, hoặc khổ và hành khổ. Phật nói thực trạng của đời có nhiều nỗi khổ với mục đích để con người hãy tìm ra nguyên nhân và dựa theo phương pháp tu hành, diệt trừ tận nguồn gốc của khổ, hầu tạo cho xã hội, cho đời, cho nhân loại, chúng sinh có một cuộc sống an vui miên trường. Do đó, chúng ta không thể cho đạo Phật nói đời có nhiều khổ, khiến cho người bi quan, yếm thế. Hơn nữa, đạo Phật cũng không phủ nhận những nguồn vui mà con người có thể tìm thấy trong đời. Có điều là, đạo Phật khuyến hóa con người đừng quá đắm say lạc thú trần gian mà quên mất cái khổ già, bịnh, chết luôn luôn rình rập con người. Con người cần tu đạo để thoát ly sinh tử luân hồi tiến đến chân trời chân, thiện, mỹ trường cữu hơn. Ðó là giác ngộ, giải thoát, tịch tịnh, Niết Bàn. Cái cứu cánh này cũng không ngoài thế giới mà chúng ta đang sống. Kinh Phật nói: Sinh tử tức Niết Bàn, phiền não tức Bồ Ðề. Rồi thế gian để cầu giác ngộ, chẳng khác nào tìm lông rùa, sừng thỏ... (Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác. Ly thế tức Bồ Ðề, do nhu cầu thố giác). Nói khác hơn, tâm tịnh tức độ tịnh, ngược lại độ tịnh tức tâm tịnh. Trúc Lâm quốc sư Việt Nam nói với Trần Thái Tôn:"Trong núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm ta..." Triết lý đó cũng được hàm chứa trong bài "Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tôn. Lúc th? tịch, Trần Nhân Tôn còn khuyên chúng tăng qua bài kệ: nhất thiết pháp bất sinh, nhất thiết pháp bất diệt. Nhược năng như thị giải, chư Phật thường hiện tiền, hà khứ lai chi hữu (các pháp vốn không sinh, cho nên cũng không diệt. Nếu rõ được như thế, chư Phật hiện trước mắt, đâu còn chuyện đi lại). Qua một vấn đề khác, đó là trong thời gian Ðức Phật nhập định 21 ngày ở gốc cây Bồ Ðề, nhà nghệ sĩ có vẽ một bức tranh Phật ngồi tĩnh tọa với 7 con mãng xà che gió mưa cho Phật. Một số chùa ở Việt Nam, dựa theo sử liệu, tạc thờ tượng Phật với hình tượng 7 con mãng xà quấn thân Phật bảy vòng và 7 cái đầu làm tán che Phật. Ðây là một hình tượng có thể xảy ra khi Phật nhập định ở gốc Bồ Ðề. Lúc đang định ở mức cao độ, hành giả quên hết các sự kiện chung quanh. Ví như lúc đi đường, chúng ta chăm chú tránh xe cộ nên có người đi ngược chiều chào hỏi chúng ta mà chúng ta vẫn không hay biết. Lúc học bài, lúc ngủ say, chúng ta không thấy hình bóng, không nghe tiếng động chung quanh. Ở Ấn Ðộ là một xứ có nhiều rắn, vì còn nhiều hoang vu, nhất là núi rừng. Do đó rắn là một trong số các biểu tượng của Ấn Ðộ thường được đưa vào phim ảnh hoặc được viết trong các tác phẩm văn chương, nhất là các truyện cổ. Giữa người và vật vẫn có nhiều cảm thông nhau, nếu tôn trọng nhau. Hiện nay ở Úc, con người triệt để bảo vệ súc vật. Do đó chim chốc và người rất gần gũi nhau. Trên các bãi cỏ đầy người phơi nắng, ngồi hưởng không khí an lành, trong lúc chim bay lượn tự nhiên. Trên các bãi biển, dân chài kéo lưới vào, lo bắt cá lớn trong khi chim xà xuống thu lượm cá bé, xem như chỗ không người. Từ đó hình tượng Phật nhập định tư duy ở gốc Bồ Ðề với 7 con mãng xà che gió mưa có thể là một sự thực, không đến nổi quá tưởng tượng siêu hình. Hơn nữa, hình tượng đó cũng là một biểu tượng để nói lên đức từ bi của Phật đã cảm hóa được cả rắn mãng xà. Ngược lại rắn mãng xà cũng vẫn có đức đại bi đồng thể nên đã đến che gió mưa cho Phật, tại xứ Ấn Ðộ nắng cháy người, mưa bạo tàn. Sau hết, với đức từ bi bao la, với trí tuệ siêu việt, sau khi thành đạo, Phật không nhập Niết Bàn, để trọn an hưởng thường lạc, ngã, tịnh. Khi suy nghĩ chính chắn, có phương thực hóa đạo tùy cơ, Phật đi về thành Ba La Nại để chuyển pháp luân, lập nên giáo đoàn đầu tiên cho lịch sử Phật giáo. Với bước đường hành hóa đức Phật muốn nói lên tinh thần đạo giáo của Ngài là đạo tích cực chứ không tiêu cực. Vì mục đích giải phóng chế độ giai cấp, tư tưởng tôn giáo thần quyền và nỗi khổe già, bịnh, chết của con người, Ðức Phật đã ra đi tìm đạo. Khi chúng thành chính giác, Phật lại quay về rao giảng đạo lý đã tìm được, để con người thấy rõ mà tự xây dựng bản thân, góp phần kiến tạo xã hội hiền lương và cao hơn là thoát ly sinh tử luân hồi. Như thế, hình ảnh Ðức Phật là một hình ảnh tích cực, vô ngã. Từ đó, chúng ta đâu có thể bảo đạo Phật là đạo tiêu cực yếm thế? * * * CÂU HỎI THẢO LUẬN.
-ooOoo- Ðầu
trang | 1.01
| 1.02 | 1.03 | 1.04
| 1.05 | 1.06 | 1.07
| 1.08 | |
Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 07-2001)