BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Phật và Thánh chúng
Thích Minh Tuệ
Sài Gòn, 1990


BÀI 4

THÁI TỬ TẤT ÐẠT ÐA TU HÀNH VÀ THÀNH ÐẠO

-ooOoo-

Trong xã hội, con người là trung tâm. Trong muôn loài, con người là cao quí hơn hết. Từ đó Thái Tử Tất Ðạt Ða quyết tâm xuất gia để tìm cái gì ưu việt của con người. Trên con đường đó, Thái Tử Tất Ðạt Ða phải trải qua nhiều gian truân mới chứng kiến thành đạo quả.

I- TẤT ÐẠT ÐA HỌC ÐẠO VÀ TU KHỔ HẠNH.

Sau khi cởi bỏ hết trang sức của trần gian, trước hết Ðạo sĩ Thái Tử Tất Ðạt Ða đến Khổ Hạnh Lâm tìm hiểu phương pháp tu hành của nhóm Bạt Già. Quan niệm của nhóm này cho rằng cuộc đời con người có nhiều khổ não ràng buộc. Trừ hết khổ nhanh bao nhiêu thì chóng được giải thoát bấy nhiêu. Bởi thế con người cầu ép xác tu hành khổ bản thân càng nhiều càng chóng đạt kết quả. Từ đó, có người suốt ngày đứng một chân phơi mình giữa nắng như thiêu đốt hay giữa sương tuyết lạnh buốt. Có người tự lấy roi quất vào thân, có người nằm trên chông gai cho da thịt rướm máu. Có người ngồi bên đống lửa để xông ướp sức nóng. Có người lặn xuống dưới nước để mong ánh trăng hoặc tia nắng mặt tr?i xuyên vào cơ thể. Còn thức ăn, họ ăn rêu xanh hoặc vỏ cây, hoa quả. Lúc đi khất thực, họ đem thức ăn bố thí cho người khác hoặc cho chim muông, chỉ ăn các thứ bừa bãi, thừa thãi. Y phục toàn bằng vỏ cây, lá cây. Họ thực hành như thế để mong chóng lên cõi trời hưởng sung sướng đời đời. Qua tư duy, Thái Tử Tất Ðạt Ða thấy khổ hạnh chưa phải là cứu cánh, vì đã chịu nhiều cay đắng do xã hội do thiên nhiên đem lại, con người lại tự hành xác chỉ mang thêm thống khổ. Phải chăng đó là khổ khổ! Sau khi lên cõi trời hưởng phước báu hết, con người có còn đọa lại vào sanh ra tử luân hồi không!

Với những vấn đề đó, Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða hỏi, nhóm Bạt Già không sao giải đáp được. Thấy Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða thật thông thái xuất chúng, nhóm Bạt Già suy tôn Ðạo sĩ lên làm bậc thầy. Ðể giúp thỏa mãn trí thức của Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða, nhóm Bạt Già giới thiệu Ðạo sĩ Alalam (Arada Kalama) ở núi Tần Ðà nước Ma Kiệt với Ðạo sĩ. Do đó, sau một đêm ở lại rừng Khổ Hạnh, Tất Ðạt Ða lại lên đường đi qua núi Linh Thứu (Pháp gọi là Pei des Vautours) rồi vào thành Vương Xá để khất thực. Nghe tin Thái Tử Tất Ðạt Ða sắp đến thành, dân chúng Thành Vương Xá rất hân hoan chờ đón để được cúng dường. Ðặc biệt Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) cũng chuẩn bị đón tiếp. Trên đường đi, Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða gặp một đàn cừu chạy tung bụi mù, đằng sau là con cừu non, bước đi thất thiểu... lúc chạy quỵ chân. Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða hỏi người chăn cừu, lý do thúc hối đàn cừu phải chạy.

Qua sự trình bày của người chăn cừu, Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða biết Vua Tần BÀ Sa La sắp làm lễ tế thần. Vì thế cừu phải được giao nạp cho kịp ngày. Thấy tội nghiệp cho cừu non, Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða bế cừu non chạy theo đàn. Khi vào hoàng cung của Vua Tần Bà Sa La, Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða thấy người ta đang đổ rượu vào lửa cho cháy rực để thui cừu Tế Ðàn, Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða đem luật nhân quả giải thích cho Vua Tần Bà Sa La và mọi người nghe, Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða cũng giảng quy luật sinh tồn của xã hội do con người chủ động, không có sự ban ơn giáng họa của thần linh. Cảm phục lý luận của Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða, Vua Tần Bà Sa La mời Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða, ở lại Thành Vương Xá để cùng an bang trị thế. Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða không chấp nhận, nhà Vua lại xin nhường nửa sơn hà, Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða cũng không chịu.

Với ý nghĩ nước Ma Kiệt Ðà được Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða trị vì chắc còn thịnh vượng hơn nhà Vua xin hiến trọn đất nước và xin làm bề tôi lo việc cung phụng Tất Ðạt Ða. Vì ý nguyện tìm đạo giải thoát sinh tử luân hồi cho nhân thế, Tất Ðạt Ða từ chối tất cả. Không thể cầm chân người đạo sĩ, nhà Vua lo cúng dường vật thực rồi tiễn đưa Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða lên đường.

Giữa đường Tất Ðạt Ða gặp 2 đại thần sứ giả của Vua Tịnh Phạn. Hai sứ giả kể cho Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða nghe những âu sầu của Vua Cha, của Du Da Ðà La, của triều đình và của cả kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Với mục đích thuyết dụ Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða trở về. Thấy không thuyết phục được, hai đại thần xin lui về và hứa sẽ cử những người có ý xuất gia đi theo hầu hạ. Ðến núi Tân Ðà, đạo sĩ Tất Ðạt Ða gặp đạo sĩ Alalam, một Bà La Môn thuộc phái số luận. Theo học trong một thời gian ngắn, đạo sĩ Tất Ðạt Ða thông suốt lý thuyết nhị nguyên luận và thành tựu pháp thiền định từ phi thiền đến phi tưởng phi phi tưởng định. Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða hỏi kết quả phi tưởng phi phi tưởng định mà Alalam chứng đạt là hữu ngã hay vô ngã! Vì nếu vô ngã không tri giác con người ở đó có khác gì cây cỏ! Nếu có ngã có tri giác, con người sẽ còn phan duyên không dứt được tâm nhiễm trước, còn ô nhiễm là còn triền phược, con người đâu có thể đạt được cứu cách giải thoát.

Vì không thỏa mãn tri thức, đạo sĩ Tất Ðạt Ða đến một nhà số luận khác có kiến giải cao để học đạo, đó là đạo sĩ Uất Ðầu Lam Phất (Uhaca-Ramaputra). Nhưng cuối cùng đạo sĩ Tất Ðạt Ða vẫn chưa thấy được con đường đi đến chân lý qua các đạo sĩ đương thời của Ấn Ðộ. Trên nhiều hướng con người là trung tâm của tất cả, đạo sĩ Tất Ðạt Ða nghĩ: Con đường chân lý là tìm tự nơi ta, chứ không ở một nơi nào khác.

Giã từ Uất Ðầu Lam Phất, đạo sĩ Tất Ðạt Ða hướng về núi Tượng Ðầu, phía Bắc sông Hằng, nơi núi này nằm giữa sông Hằng và thành Ba La Nại, nước Ma Kiệt Ðà, rừng Ưu Lâu Tần Loa (Urivilva) rặng núi Già Da. Khu vườn thật yên tĩnh, rất hợp với người tu hành khi đạo sĩ Tất Ðạt Ða đi về phía rừng này, có 5 môn đệ của Uất Ðầu Lam Phất xin tháp tùng. Ðây là 5 anh em: Ông Kiều Trần như (Aj-nata Kaundinya) A Xá Bệ Thê (Asvajit) Ma Ha Bạt Ðề (Bhadrica), Thập Lực Ca Diếp (Ðasadaha-Casyaba) và Ma Ha Câu Ly (Mahanama-Kuluka). Tại rừng Ưu Lâu Tần Loa, đạo sĩ Tất Ðạt Ða tu khổ hạnh với 5 anh em Kiều Trần Như, trải qua thời gian 6 năm, càng ép xác đạo sĩ Tất Ðạt Ða càng tiều tụy. Bời hàng ngày chỉ ăn một hạt đậu hay một hạt mè, đâu có đủ chất bổ dưỡng để nuôi cơ thể.

Trong thiền định đạo sĩ Tất Ðạt Ða luyện pháp nín thở, càng nín thở càng hoa mắt, tai càng ù, đầu nhức như bị roi quất, trán đau như bị dao dâm vì đuối sức, nên một hôm đạo sĩ Tất Ðạt Ða ngã quỵ, tâm trí bàng hoàng. Lúc đó, đạo sĩ Tất Ðạt Ða cảm nhận lạc thú đưa lại cho con người nhiều tham ái, ngược lại khổ hạnh cũng chỉ đưa lại cho con người hao mòn cơ thể tinh thần. Con người phải tráng kiện mới có tinh thần minh mẫn. Hình ảnh một cây đàn có dây, dây đàn căng hay chùng hiện lên trong tư duy của đạo sĩ Tất Ðạt Ða, dựa theo cây đàn đạo sĩ Tất Ðạt Ða nghĩ rằng dây đàn căng tiếng đàn sẽ quá cao, ngược lại dây đàn chùng tiếng đàn sẽ không có, dây đàn vừa tiếng đàn sẽ êm ả. Rồi từ đó, đạo sĩ Tất Ðạt Ða quyết định bỏ lối tu khổ hạnh đi theo con đường trung đạo.

Tư tưởng đã dứt khoát, đạo sĩ Tất Ðạt Ða rời chỗ đứng dậy đi xuống sông Ni Liên Thiền. Tắm rửa xong, đạo sĩ Tất Ðạt Ða lên bờ nhưng quá kiệt sức, đi không nổi, dù đã nhiều lần gượng dậy. May mắn lúc đó có một cô gái chăn bò tên Su Dà Ta (Sajata) mang sữa đi qua, thấy tình cảnh thê thảm của một người không còn sức khỏe, nàng rót một bát sữa và đem dâng, đạo sĩ Tất Ðạt Ða lãnh thọ. Uống xong đạo sĩ Tất Ðạt Ða thấy khoan khoái, tinh thần trong sáng, khí lực trở lại bình thường. Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða trở về chỗ cũ, nhóm 5 anh em Kiều Trần Như cho là đạo sĩ Tất Ðạt Ða thối chí, uống sữa của nàng chăn bò là đã ô uế, kể cả tiếp xúc với dòng Thủ Ðà La càng mất phẩm giá của con nhà dòng dõi, cả 5 người tỏ thái độ không chấp nhận hành động của đạo sĩ Tất Ðạt Ða và bỏ chạy về thành Ba La Nại vì sợ lây ô uế. Thế là bước đường tìm học với đạo sĩ và tự thân tu khổ hạnh được chấm dứt. Một bước tiến mới của đạo sĩ Tất Ðạt Ða được mở ra.

II- ÐẠO SĨ TẤT ÐẠT ÐA HÀNH THIỀN, TRÍ QUÁN VÀ HÀNH ÐẠO.

Từ bỏ nhóm Kiều Trần Như và tu khổ hạnh, một mình một bóng đạo sĩ Tất Ðạt Ða thẳng tiến về núi Già Da, ở dưới gốc cây Tất Bát La trên một tảng đá như kim cang tọa, đạo sĩ Tất Ðạt Ða hốt một số cỏ trải lên trên đó làm một bồ đoàn. Chuẩn bị xong đạo sĩ Tất Ðạt Ða lên ngồi với lời thề rằng: Nếu không tìm được đạo ta quyết không rời chỗ này!

Tại nơi đó, Tất Ðạt Ða nhập định 49 ngày Khung cảnh nơi đây êm đềm thật, nhưng đêm xuống khí lạnh của núi rừng thật khắc nghiệt, tiếng gầm rú của ác thú vồ xé nhau ghê rợn hãi hùng, Ðêm này qua đêm khác, đạo sĩ Tất Ðạt Ða vẫn không hoảng sợ, kiên nhẫn trong thiền định, trong tư duy, trong quán chiếu. Nhưng ác liệt nhất là sự quấy phá của Ma Vương, quỷ sứ hiện thân của vô minh, tham ái, chấp trước, dục vọng... Chúng là bóng tối của đêm dài luôn luôn tranh chấp với ánh sáng chân lý. Bởi chúng nghĩ nếu đạo sĩ Tất Ðạt Ða giác ngộ chân lý chúng sẽ thua thiệt. Từ đó chúng sẽ xua đuổi đạo sĩ Tất Ðạt Ða đi khỏi gốc cây Tất Bát La. Mỗi khi nhắm mắt lại để tư duy đạo sĩ Tất Ðạt Ða thấy chúng khuyên người hãy trở về cung điện, thụ hưởng các lạc thú. Khi thấy không thể cám dỗ được, chúng rút lui nhường cho ma sân hận đến hò reo, chửi rủa thô bạo. Chúng là những con rắn độc trườn tới trước mặt đạo sĩ Tất Ðạt Ða rồi khè lưỡi phun nọc độc... Nhưng dáng hiền từ và kiên quyết của Tất Ðạt Ða chúng đành rút lui. Trong bóng đêm ma ngu muội hiện thân của bất công sợ hãi kéo đến bủa vây quanh cây Tất Bát La, chúng như những đàn dơi bay xào xạc như nhắc với Tất Ðạt Ða rằng: Ánh sáng trí tuệ của con người đâu có đủ sức phá tan được hắc ám của trần gian, chỉ có đấng tối cao toàn trí toàn năng mới đủ sức soi sáng trần gian ban bố cho nhân loại những ân huệ. Rồi tiếp đến ma kiêu căng, ma nghi ngờ nối nhau đến chinh phục. Cuối cùng là Ca Ma (Kama) chủ tể của dục tình, khoái lạc, lực lượng chúng vô cùng hùng hậu và đầy đủ. Nào là những thiếu nữ diễm kiều, nào là những vũ công ca hát, nào là những lực sĩ vai mang nhiều cung tên dao búa, đèn đuốc... Chúng làm đủ các trò trước mắt Tất Ðạt Ða; khi dịu hiền ẻo lả khêu gợi, khi ca múa đàn hát, thánh thót âm thanh, khi phùng mang trợn mắt dọa nạt đủ điều... Bao nhiêu hình ảnh liên tục diễn trò trong đêm tối, đều không khuất phục được Tất Ðạt Ða, bởi đạo sĩ Tất Ðạt Ða đã vững tâm quyết chí tin tưởng vào năng lực của mình của tự thân. Trong thiền định với trí quán chiếu đạo sĩ Tất Ðạt Ða biết đó là những loại ma đang tranh chấp trong đầu óc, trong tư duy của chính mình mà thôi. Ðạo sĩ Tất Ðạt Ða tự nghĩ từ thời gian tu khổ hạnh về trước, ta phải đấu tranh với ngoại ma để thoát "ngục vàng", thoát khỏi xã hội giai cấp, thoát khỏi phi lý, còn từ ngày khởi sự nhập định ở gốc cây này ta phải đương đầu với lũ ma ghê rợn mà ta đã nuôi dưỡng nó trong không gian vô tận, đây là trận chiến cuối cùng ta phải tự thắng.

Vào đêm cuối cùng, lúc canh 2 bầu trời trong suốt ánh sao lấp lánh, tỏa rạng hào quang, ma vương quỷ sứ như tan biến từ lúc nào, đạo sĩ Tất Ðạt Ða thấy lòng mình phẳng lặng như mặt nước hồ thu, trí tuệ bừng sáng như mặt trời khi đứng bóng, giữa lúc đó, Tất Ðạt Ða chứng "Túc mạng minh". Qua trí tuệ này, Tất Ðạt Ða thấy rõ tất cả các kiếp sống trong quá khứ của mình là một chuỗi dài vô tận, không lúc nào ngừng nghỉ. Có điều là đạo sĩ Tất Ðạt Ða bao nhiêu hành động của nhiều kiếp sống đã qua đều đóng góp cho sức mạnh đi lên trên con đường chí thiện, chí mỹ. Các trí tuệ quán chiếu mà đạo sĩ Tất Ðạt Ða vừa chứng được chính nhờ vào quá trình đó. Bấy giờ Tất Ðạt Ða thấy mình như người lữ hành ngồi trên đỉnh núi nhìn xuống chân đèo. Dọc theo con đường dốc đá cheo leo, nào hầm nào hố, nào sỏi, nào gai khe, nào suối... mà người lữ hành đã khổ công vượt qua không bị té ngã. Có được một trí tuệ quán chiếu chân chính về đời sống quá khứ là cả một quá trình diệt hết vô minh, trí tuệ khởi, giống như bóng đêm bị phá tan, ánh sáng tỏ rạng, tâm linh đạt chính tri kiến ngay trong cuộc sống ở thế gian.

Ðến nửa đêm, Tất Ðạt Ða chứng "thiên nhãn minh" thấy xuyên suốt bản thể của vũ trụ bao la. Trong khoảng không gian vô cùng vô tận, Tất Ðạt Ða thấy các tinh tú, lớn có, nhỏ có, nhấp nhánh nhưng riêng lẻ, nhưng liên hệ, chuyển động vận hành rất trật tự trong một hổ tương chằng chịt. Các hành tinh xuất hiện, lúc chiếu sáng, lúc lu mờ. Lúc có, lúc không, nhưng không thêm, không bớt. Thế giới thiên nhiên qua 4 giai đoạn: Thành, Trụ, hoại, không. Trí tuệ quán chiếu này không bị bất cứ một vật thể hữu hình nào làm chướng ngại Tất Ðạt Ða, thấy luôn cả sự vật đang chìm trong hố đen của khoảng không gian vô tận cũng nằm trong luật sinh tồn tương quan tương duyên.

Qua canh 4, khi sao mai vừa mọc, Tất Ðạt Ða chứng: "Lậu tận minh". Thấy nguồn gốc khổ đau sinh tử của chúng sanh là vô minh có nghĩa là từ đó không nhận chân được thực tại, "Như thật tri kiến" rồi do mê mờ, thân, khẩu ý của con người làm những việc không lương thiện tạo các nghiệp báo, đó là "Hạnh". Từ nghiệp, con người có phân biệt nhận có ta, có người, đó là "thực". Từ hiểu biết sai làm con người triển khai có tâm lý và vật lý, đó là "danh sắc". Tâm và cảnh sắc được thiết lập, cảnh được các giác quan tiếp nhận, đó là "lục nhập". Hình tướng và giác quan va chạm cọ xát nhau để cảm giác sinh khởi đó là "xúc" va chạm những gì ưu thích sẽ thọ nhận, đó là "thọ". Những gì đã thọ nhận thì gọi là yêu thương, say đắm đó là "ái". Ðã ưa thích một hiện tượng nào liền tìm cách cố giữ đó là "thủ". Những thứ đã có trong tay không bao giờ để cho mất mát, đó là "hữu". Vì muốn có nghiệp báo tồn tại, làm nhân tái sinh ở một kiếp khác, đó là "sinh". Vì có sinh ra tức là có một cuộc sống cho nên phải có bịnh, có già, có chết đó là "lão tử". Trong kiếp sống cứ thuận dòng theo cái vòng lẩn quẩn của 12 nhân duyên, con người mãi mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Trái lại, nếu đi ngược dòng diệt hết vô sinh, con người sẽ giác ngộ và giải thoát. Phương pháp đi ngược dòng trước hết con người phải biết phòng ngừa thân, khẩu, ý đừng tạo tác nghiệp báo là phải giữ "giới", có bỏ các nghiệp xấu tâm ý được trong sạch vắng lặng, thiền định phát sinh "định". Cõi lòng vắng lặng như nước mùa thu, trăng sao chắc chắn được hiển lộ. Trí tuệ được chiếu sáng "tuệ". Ánh sáng chói rực đêm tối sẽ tiêu tan, tam minh bùng chói, vô minh, tham ái, ngã chấp, dục vọng. Nói khác hơn là kiến tri hoặc, trần sa hoặc và vô minh hoặc sẽ tiêu tan như mây khói, như bóng đêm khi mặt trời tuệ giác hiển lộ.

Khi sao mai đã lên cao, ánh trăng rằm cũng đang tỏa rạng Tất Ðạt Ða hoát nhiên đại ngộ, thành Phật hiệu là: "THÍCH CA MÂU NI" và trở thành đáng Ðạo Sư của nhân thế.

Lúc bấy giờ Phật được 36 tuổi, cây Tất Bát La thành cây Bồ Ðề (cây giác ngộ) chỗ Phật ngồi gọi là Bồ Ðề tòa. Vùng đất xung quanh cây Bồ Ðề gọi là Bồ Ðề tràng, về sau được dựng tháp kỷ niệm gọi là Tháp Phật Bà-Già-Da (Buddha-Gaya).

III- NHẬN THỨC VÀ KẾT LUẬN.

Từ khi lên yên ngựa Kiền Trắc, vượt thành xuất gia, tìm thầy học đạo, tu khổ hạnh với 5 anh em Kiều Trần Nhu, cho đến lúc ngồi dưới gốc cây Bồ Ðề nhập định, tuệ quán và chứng thành đạo quả, Phật THÍCH CA đã phấn đấu không ngừng. Nếu không nhờ nghị lực kiên cường, có lúc - chắc Phật phải bỏ cuộc, nhất là khi ngồi ở tòa Bồ Ðề, nội ngoại ma đã đến cám dỗ hoặc quấy phá hung hăng không ngừng. Từ đó sự thành đạo của Phật quả là một ánh vàng xuất hiện, có một không hai trong trần thế.

Từ xưa đến nay có mấy ai từ chối lạc thú ở đời. Càng có vật chất, càng có địa vị, con người càng khởi niệm tham ái, đắm trước, mê mờ...

Cảm động biết bao, nếu chúng ta nhìn lại giai đoạn Phật tu khổ hạnh, da bọc xương, đi đứng không vững. Phải chăng vì thế, các Chùa ở Việt Nam đã tạc thờ tượng Phật tu khổ hạnh. Tượng này được gọi là tượng Tuyết Sương, có ở Chùa Bút Tháp, Hà Nội. Hình ảnh khổ hạnh này, Phật đã diễn tả lại trong kinh Saccaka:

Trong khi ta giảm thiểu tối đa sự ăn uống, ăn từng giọt một, như xúp đậu nành, xúp đậu đen, xúp đậu hột hay xúp đậu nhỏ, thân ta trở thành hết sức gầy yếu. Vì ta ăn quá ít, tay chân ta trở thành như những gọng cỏ hay những đốt cây khô héo. Vì ta ăn quá ít, bàn trôn của ta trở thành những móng chân con lạc đà. Vì ta ăn quá ít, xương sống ta phơi bày giống như cây cột của một sàn nhà hư nát. Vì ta ăn quá ít, con ngươi long lanh của ta nằm sâu thẳm, trong một giếng nước thâm sâu. Vì ta ăn quá ít, da đầu của ta trở thành nhăn nheo, khô cằn như trái bí đắng, cắt trước khi chín, bị cơn gió nắng làm cho khô cằn, nhăn nheo. (Trung bộ Kinh I trang 245, HT. Thích Minh Châu dịch).

Quá trình tu hành về giác ngộ, giải thoát là một quá trình do PHẬT THÍCH CA MÂU NI thực hiện. Trong phần kết luận của bài ý nghĩa Phật thành đạo, Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU đã viết:

1)- Quá trình giác ngộ, giải thoát của Ðức Phật là một quá trình tu tập về tâm lý, dựa trên những tâm lý của con người hiện tại, không có thần linh, không có bùa phép, không có cứu rổi...

2)- Pháp môn đưa đến giác ngộ, giải thoát là giới, định tuệ, nghĩa là phải sống mỹ, sống tốt lành trong sạch. Dựa trên nếp sống ấy, tập trung tâm tư vào những đối tượng có lựa chọn để phát triển nội lực tịnh tâm với xả và nhất tâm trong sáng của thiền thứ tư, bước vào thiền quán, nhìn cái nhìn như thật với trí tuệ, và lấy trí thức như thật ấy đoạn tận các hậu hoặc để được giác ngộ, giải thoát.

3)- Ðức Phật là một người như chúng ta, sinh ra là một người, sống như một người và từ giã cõi đời như mọi người.

Nhưng là vì một người vị sự đau khổ của chúng sinh mà xuất gia tu đạo, một con người đầy đủ nghị lực kiên trì, can đảm để chiến thắng mọi trở ngại, cuối cùng đã tìm ra được con đường diệt khổ cứu độ chúng sinh.

Ngày thành đạo của NGÀI đã nói lên sự thành công cao cả của con người đã biết nâng cao phẩm giá tuyệt vời của con người có khả năng giác ngộ đã thành tựu sự giác ngộ một cách trọn vẹn dưới gốc cây Bồ Ðề!

* * *

CÂU HỎI THẢO LUẬN.

1)- Nhóm Bạt Già tu như thế nào?

2)- Gặp con cừu non không chạy kịp đàn, Tất Ðạt Ða đã làm gì?

3)- Tại sao Vua Trần Bà Sa La cảm phục Tất Ðạt Ða?

4)- A La Lam và Uất Ðầu U Lam Phất chủ trương như thế nào Tại sao Tất Ðạt Ða không chấp nhận lý thuyết của họ?

5)- Tất Ðạt Ða tu khổ hạnh với ai? Ở đâu? Bao lâu và kết quả như thế nào?

6)- Tại sao Tất Ðạt Ða dùng sữa của Su Dà Ta, giai cấp Thủ Ðà La?

7)- Trong 49 ngày, dưới gốc cây Bồ Ðề, Tất Ðạt Ða đã chiến đấu với ai?

8)- Ðêm thứ 49, Phật thành đạt được gì?

9)- Hãy nhận định quá trình giác ngộ và giải thoát của Phật Thích Ca Mâu Ni.

-ooOoo-

Ðầu trang | 1.01 | 1.02 | 1.03 | 1.04 | 1.05 | 1.06 | 1.07 | 1.08 |
| 2.01 | 2.02 | 2.03 | 2.04 | 2.05 | 2.06 | 2.07 | 2.08 | 2.09 | 2.10 | 3 | Mục lục

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 07-2001)


[Trở về trang Thư Mục]