BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Phật và Thánh chúng
Thích Minh Tuệ
Sài Gòn, 1990


BÀI 2

THÁI TỬ TẤT ÐẠT ÐA

-ooOoo-

Với đa phần các tôn giáo vị giáo chủ có đầy đủ mọi quyền năng. Nhưng riêng đạo Phật, đức Phật là một đấng giác ngộ, bậc đạo sư, chỉ đường cho nhân loại, chúng sinh. Còn đến đích hay không tùy mỗi chúng ta. Vì Phật là con người thật, Phật nhìn rõ bối cảnh lịch sử xã hội Ấn Ðộ đương thời, cảnh sinh, già, bịnh, chết của chúng sinh và tìm ra phương pháp để chúng sanh thực hành, gần là đem lãi an lạc cho xã hội con người, cao hơn là giác ngộ và giải thoát. Bởi thế, khi còn ở đời Phật giống tất cả mọi người bình thường, có diều là tư chất, tư duy của Phật được trội hơn. Chúng ta có thể nói đó là một con người ưu việt, gương mẫu, không đắm say lạc thú trần gian.

I- PHẬT ÐẢN SANH.

Vào năm 624 trước Tây lịch tại nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) thuộc phía Bắc Trung Ấn, Thái Tử Tất Ðạ Ða (Siddhàttha) ra đời. Thái tử con vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng Hậu Ma Da (Maya).

Theo phong tục Ấn Ðộ, phụ nữ mang thai khi sắp sinh phải về nhà cha mẹ đợi ngày lâm bồn. Ðang chuẩn bị lên đường, vào một buổi sáng trời đẹp, chim hót, hoa cười. MaDa xin vua Tịnh Phạn ra vườn Thượng uyển thưởng cảnh.

Khi đến gốc cây Ưu Bát La, thuờng gọi là Vô ưu (Asoka) thấy màu sắc của hoa thật rực rỡ. MaDa vịn cành định hái hoa, một Thái tử ra đời. Bấy giờ là ngày trăng tròn tháng Veaka nhằm ngày rằm tháng tư âm lịch. Vườn ngự uyển có tên là Tâm Tỳ Ni (Lumbini) ở ngoài thành Ca Tỳ La. Hay tin Thái tử ra đời, Vua Tịnh Phạn rất vui mừng vì nhà Vua và Hoàng hậu tuổi đã cao mà chưa có con để kế thừa ngôi báu. Lúc hạ sanh Thái tử, Ma Da đã 45 tuổi.

Nhà vua đích thân xa giá vô cùng rầm rộ, đón Thái tử về Hoàng cung và đặt tên là Tất Ðạt Ða. Ngoài dân chúng tụ tập tung hô, dọc theo lộ trình, các Bà La Môn cũng đến Hoàng cung chúc tụng và được nhìn diện mạo Thái tử. Trong số đó có một Bà La Môn tên là A-Tu-Dà (Asita), bác học đa văn, khi thấy Thái tử diện mạo khôi ngô tuấn tú phi thường rất đổi ngạc nhiên và khóc. Thấy thế nhà Vua càng lo âu, chắc có điều xấu chăng! Vua hỏi: Tại sao đạo sĩ khóc. - Ðạo sĩ đáp: "Ðối với Hoàng cung, sự ra đời và tướng mạo của Thái tử là một quang vinh lớn lao, từ xưa đến nay chưa từng có. Còn tôi khóc là khóc cho tôi bạc phước không thể kéo dài mạng sống để được học hỏ đạo lý giác ngộ và giải thoát mà Thái tử sẽ tu chứng".

Sau khi bày tỏ tâm tình, A Tư Ðà xin được xem tướng Thái tử để biết tương lai của Ðông cung. Nhà Vua chấp thuận. Sau một hồi nhìn ngắm, A Tư Ðà khẳng định rằng: nếu Thái tử ở ngôi vua sẽ là một đại đế, thống nhiếp thiên hạ, đem lại an lành cho trăm họ. Còn nếu xuất gia, Thái tử sẽ thành bậc đại giác cao cả, trí tuệ tuyệt vời, có cái nhìn siêu tuyệt, phán nhận vũ trụ, nhân sinh một cách xác đáng. Từ đó là một đạo sĩ chỉ dẫn cho con người đường hướng xây dựng bản thân và gia đình xã hội hạnh phúc đẹp tươi, cao hơn là giác ngộ, giải thoát. Giác ngộ sự thật của muôn vật, giải thoát mọi ưu phiền của vô minh, tham ái chấp trước, sinh tử luân hồi.

Theo triết học, tất cả tâm tư và ước vọng của con người đều được biểu hiện trên nét mặt, nói cụ thể hơn, ở một khía cạnh, tâm lý học gọi con mắt là cửa ngõ của tâm hồn. Bởi thế, tư chất thông thái đủ các đức tính tốt gương mẫu, từ ái, hùng tráng... đã biểu hiện rõ nét trên con người Thái tử Tất Ðạt Ða.

Về năm sinh của Phật của nhiều thuyết, nhưng có 3 thuyết gần như nhau:

- Theo "Chúng thánh điển ký" Phật đản sinh năm 565 trước Tây lịch và Niết Bàn năm 483 trước Tây lịch.

- Theo các nhà khảo cổ Tây phương, Phật sinh năm 563 trước Tây lịch và Niết Bàn năm 483 trước Tây lịch.

- Theo Hội Phật giáo Thế giới, Phật đản sinh năm 624 trước Tây lịch và Niết Bàn năm 544 trước Tây lịch.

Phật lịch mà chúng ta đang sử dụng là theo sự phán quyết của Hội Phật giáo Thế giới. Sau khi đã tham khảo nhiều sự kiện đó là Phật lịch thống nhất của Phật giáo Thế giới ngày nay. Còn về nơi Phật đản sinh là, vườn Lâm Tỳ Ni. Năm 1986 nhà khảo cổ người Anh Cuningham, đã khai quật được một trụ đá trong số 4 trụ đá do Vua A Dục chôn để ghi lại nơi chốn đã gắn liền với lịch sử Ðức Phật, thường gọi là TỨ ÐỘNG TÂM. Trên trụ đá có khắc 5 dòng chữ:

1)- Năm Thiện ái Thiện Kiến thứ 25, A Dục đích thân đến đây chiêm bái.
2)- Ðức Phật Ðà, dòng họ Thích Ca đi xuất gia, Ðản sinh ở đây.
3)- Vua Sắc dựng thanh trụ để kỷ niệm nơi Ngài Ðản sinh.
4)- Thôn Lumbini, nơi Phật Ðản sinh được miễn thuế.
5)- Ðó là hồng ân Phật đối với nơi Ngài Ðản sinh.

Y cứ vào trụ đá được khai quật, Tây phương xóa bỏ được quan niệm cho Phật là một nhân vật thần thoại và học thuyết là một sáng tác do tập thể tô điểm cho Phật. Từ đó, Tây phương chấp nhận Phật là một nhân vật lịch sử, có thật đáng được tìm hiểu nghiên cứu. Vì theo Tây phương, trụ đá là: Bản khai sinh của Ðức Phật.

II- GIÁO DƯƠNG VÀ TÀI NĂNG CỦA TẤT ÐẠT ÐA.

Sau khi sinh Thái tử Tất Ðạt Ða được 7 ngày, Hoàng hậu MaDa lìa đời. Thái tử được Di Mẫu là Ma Ha Ba Xà Ba Ðề tiếp tục lo giáo dưỡng chu đáo. Ma Ha Ba Xà Ba Ðề (Maha-Prajapati) và Mada là hai chị em con Vua thành Thiên Tý nước Kosala. Mặc dù về sau hạ sinh Nanda (Nanda); bà vẫn chiều chuộng, thương yêu Thái tử hơn con đẻ.

Ðể hầu hạ Thái tử nhà Vua tuyển lựa 32 cung nữ chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm có 8 người: nhóm lo bồng ẵm, nhóm lo tắm rửa, nhóm lo bú mớm, nhóm lo bày trò chơi. Tuy được nuông chiều sống trong nhung lụa, không thiếu bất cứ một thứ gì, nhưng Thái tử luôn luôn tỏ ra không ham thích. Trên nét mặt thường lộ vẻ đăm chiêu như đang mơ đến một nơi xa xăm. Dù còn nhỏ, Thái tử vẫn tỏ ra hoạt bát, lanh lợi, thông minh và rất dễ thương, gương mẫu.

Từ năm lên 7 đến 13 tuổi Thái tử được theo học cả 2 ngành văn học và võ nghệ, các danh sư đều phục tài Thái tử. Lần đầu tiên Thái tử học với Tỳ Xa Bà Mạt Ða La (Nisvamita) bậc chuyên hay nghệ thuật tác văn cho Vương Tôn Công tử. Vì thầy mới kể qua 60 loại tự khác nhau, Thái tử liền hỏi rằng: Với các loại tự đó, thầy định dạy con học thứ chữ nào? - Vị thầy rất ngạc nhiên và thưa với Thái tử: "Ta không còn gì để dạy cho Thái tử nữa".

Với tứ thánh Vệ Ðà và ngũ minh, Thái tử nghe qua liền thuộc. Tứ Vệ Ðà là:

1)- Lê Cau Phệ Ðà (Rigveda) bằng kệ tụng, thánh Ca mang tính thần thoại dạy phép dưỡng sinh, bộ sách là căn bản cho các triết lý Ấn Ðộ về sau.
2)- Da Du Phệ đà (Yajur Veda) là các thứ binh pháp.
3)- Sama Phệ Ðà (Sama Veda) nghi thức tế tự bốn mùa.
4)- A Thác Ba Phệ Ðà (Atharva Veda) chú thuật.

Ngũ minh là:

1)- Thanh minh: Ngôn ngữ học và văn học.
2)- Nhân minh: Luân lý học.
3)- Công xão minh: Công kỹ nghệ học.
4)- Y phương minh: Y dược học.
5)- Nội minh: Ðạo lý học.

Năm lên 13 tuổi, Thái tử am tường hết các môn học. Bấy giờ Thái tử chuyên học võ nghệ. Với bản chất cường tráng, tất cả các môn võ và chiến thuật, chiến lược, Thái tử tỏ ra thông minh, thông suốt, thuần thục một cách lạ thường.

Sau thời gian học tập, để thay đổi không khí, một hôm Thái tử đi về làng quê, trên đường đi, vì trời nóng nực, Thái tử đến ngồi nghỉ mát ở một gốc cây. Từ đó Thái tử bắt đầu tư duy. Trong chốc lát Thái tử đã thu hút vào thế giới thiện dịnh. Bấy giờ có 5 tu sĩ đi qua cánh đồng, thấy Thái tử đang thiền định, với tư tưởng thần quyền sẵn có, họ hỏi nhau: Người đang nhập định kia là một thiên thần hay thần tài, thần tình ái? Thần sấm Indra hay thần mục đồng Krisma? Sau khi nghe các cận sự của Thái tử cho hay vị đang thiền định là Hoàng tử Tất Ðạt đa, giòng họ Thích Ca. Bấy giờ, 5 vị tu sĩ lên tiếng ca ngợi: "Ðúng thế, Thái tử đang thiền định dưới gốc cây có nhiều dấu hiệu vạn năng. Trong thương lai, chắc chắn Thái tử sẽ thành bậc chánh giác".

Qua tư duy trong thiền định lần thứ nhất, Thái tử thấy xã hội quá bất công. Giới Bà La Môn và Sát Ðế Lợi thường hưởng quá nhiều quyền uy, trong khi nông dân chịu nhiều cơ cực, suốt ngày đổ mồ hôi dưới ánh nắng gay gắt mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Thái tử trình với phụ vương những tư duy của mình lúc ngồi dưới gốc cây trên một cánh đồng ở miền quê.

Cũng tại nơi cánh đồng này, khi một con nhạn bị bắn rơi, Thái tử đã đi kiếm lá đắp lên vết thương và an ủi vỗ về nhạn. Thái tử cũng mang nhạn về chăm sóc, đến khi vết thương lành hẳn, Thái tử mới cho nhạn tung cánh giữa bầu trời cao rộng.

Thấy Thái tử tuổi đời còn bé bỏng, nhưng lòng từ ái lại bao la, tư duy đã sâu sắc, nhất là văn võ có thể rất cao cường. Vua Tịnh Phan tin tưởng tương lai vùng Ngũ Hà sẽ được qui về một mối, Kosala và Ma Kiệt Ðà không còn ở ngoài Ca Tỳ La Vệ. Ðể chuẩn bị cho mộng ước đó, Vua Tịnh Phạn ra lệnh cho giòng dõi Thích Ca phải luyện tập võ nghệ. Sau thời gian tập dượt, nhà Vua mở đại hội so tài, qua cởi ngựa và so tài bắn cung. Tại đấu trường, Nan Ðà em ruột của Thái tử đã ngồi trên yên ngựa bắn xuyên điểm đích của một trống đồng. Ðến Bà Ðạt Ða, em con chú của Thái tử cũng trên yên ngựa, bắn xuyên đích ba lớp trống đồng. Khán giả reo hò, vỗ tay, nhiệt liệt tán thưởng. Ðến phiên mình, Thái tử cho cung lên đang dùng nhẹ quá xin được sử dụng cung tên của Tiên Ðế trong võ khố, còn trống đồng xin được xếp nhiều lớp và để thật xa, chỉ nhìn thấy như một chấm đích. Chuẩn bị xong xuôi, Thái tử mang cung tên và lên yên ngựa một cách nhẹ nhàng, thúc ngựa phi để đến gần điểm giới hạn, Thái tử buông dây cung, mũi tên xuyên 7 lớp trống đồng, khán giả reo hò vang dội như long trời lỡ đất. Cả Hoàng thành mở hội liên hoan, cờ xí tung bay khắp mọi nẻo đường. Vua Tịnh Phạn vững tin vào tương lai huy hoàng của xứ sở.

III- THÁI TỬ KHÔNG ÐẮM SAY LẠC THÚ.

Tuy tài nghệ không ai sánh bằng, Thái tử không những không kiêu căng mà còn tỏ nét rất khiêm cung, hòa nhã, từ ái... Ðôi mắt vẫn luôn luôn đăm chiêu như nhìn về một nơi nào xa thẳm. Nhớ lời tiên đoán của A Tư Ðà, nhà Vua càng thêm lo lắng... Ðể làm sợi dây trói buộc Thái tử, nhà Vua tiến hành việc cưới vợ cho con. Năm 17 tuổi Thái tử kết hôn với công chúa Da Du đà La (Yasodhara) con Vua thiện Giác (Suprabuddha) thành Thiện Tý (Davadarsita). Trong cuộc hôn nhân này, Thái tử đã phải so tài mới cưới được Da Du Ðà La, một công chúa kiều diễm, thùy mị. Bởi Vua Thiện Giác, giòng họ Thích Ca chỉ gả con cho người có đầy đủ tài năng, sức lực, dũng cảm và khôn ngoan. Trong cuộc so tài, Thái tử đã thắng môn số học với Ac Du Na (Arjyna). Về võ nghệ, Thái tử đã bắn xuyên thủng một thân cây thật xa. Thái tử đã chinh phục được một con voi trắng khổng lồ mà Ðề Bà Ðạt Ða đã không thành công, vì tưởng rằng voi sẽ ngoan ngoãn theo những cú đấm vào thân voi của mình.

Khi Da Du Ðà La hạ sinh ra La Hầu La (Rahula) Vua Tịnh Phạn vô cùng an lạc, vì tưởng rằng Thái tử sẽ thượng vợ nhớ con, đời gọi là: "Thê thắng tử phược: mà trở về với thực tại, hết u buồn xa xăm".

Ngoài Da Du Ðà La, nhà Vua còn cưới thêm cho Thái tử hai kiều nữ và tuyển nhiều cung phi mỹ nữ hầu hạ Thái tử. Tình thương của nhà Vua đối với Thái tử thật không bờ bến, nhà Vua lo cho Thái tử không thiếu một thứ gì. Với xứ Ấn Ðộ, vào mùa hè sức nóng như thiêu đốt, về mua mưa, mưa xối xả dầm dề, về mùa đông trời rét căm căm. Bởi thế không muốn Thái tử sinh phiền, nhà Vua đã xây dựng ba cung điện nguy nga tráng lệ, có đủ mọi tiện nghi thích hợp v?i khí hậu từng mùa. Ðó là lâu đài cho mùa đông, lâu đài cho mùa hạ và lâu đài cho mùa mưa.

Nếu có dịp qua Ấn Ðộ, chúng ta thấy Ấn Ðộ có nhiều kiểu nhà không cao, mái lợp bằng đất, trên phủ tranh hoặc ngói,tường xây thật dày có khi hai lớp, giữa có một khoảng trống. Nhà kiểu này mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát.

Sống trên nhung lụa, đầy đủ tất cả lạc thú trần gian, thế nhưng Thái Tử vẫn không say đắm, luôn luôn trau dồi phẩm hạnh giữ tâm hồn trong sạch, tránh làm điều ác và làm mọi điều lành. Thái Tử thường phát phẩm vật cho những người có đức hạnh, nghèo túng, hòng tạo công bình cho mọi người. Ðối với những người mắc tội, Thái Tử không giận dữ đánh mắng, mà lại đem lời nhu hòa khuyên nhủ và cho họ được tự do. Ðó là bản chất Thánh nhân đã có sẵn trong tâm hồn Thái Tử. Ðặc biệt là Thái Tử không quên cảnh tượng mất bình đẳng của xã hội Ấn Ðộ lúc bấy giờ mà Thái Tử đã chứng kiến hồi còn nhỏ trong lần về đồng quê. Thuở đó, Thái Tử chứng kiến bác nông phu, phải chân lấm tay bùn, mồ hôi ướt đẫm, ánh nắng thiêu đốt mà cơm không đủ no, áo không đủ che thân. Ngược lại với người cầm quyền, giòng Bà La Môn và Sát Ðế Lợi lại ngồi mát ăn bát vàng. Ðúng là cuộc sống của người vương giả, đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, lộng tía tàng vàng, ngất ngưỡng trên xe ngựa. Ðó là chưa kể đến giai cấp cùng đinh suốt đời là nô lệ. Mặt khác cũng trên cánh đồng, Thái Tử còn chứng kiến những cảnh tượng đau lòng, con trâu thật vất vả để kéo lưỡi cày xới lên những luống đất như lật từng tảng đá. Tuy thế, con trâu vẫn chịu nhiều roi vọt, vì bác thợ cày muốn sớm hoàn tất việc canh tác đúng thời vụ. Trên luống đất cày chim chóc lại sà xuống bắt côn trùng. Chim quạ khi đà no nê, lên đậu cành cây lại bị chồn cáo rình bắt. Chồn cáo lại không tránh được lưới bủa của người thợ săn và bị đánh hơi của chó săn. Những cảnh tượng mạnh hiếp yếu, khôn lấn dại của chúng sanh đã đánh thức từ tâm và trí tuệ của Thái tử.

Cảnh tượng xã hội bất công, chúng sanh khốn khổ, đã in sâu vào tâm khảm của Thái tử từ thời thơ ấu không sao xóa mờ được, dù sống trên cao lương mỹ vị, gác tía lầu so, vợ con thăng phược. Từ đó mối buồn của Thái tử không bao giờ vơi. Quan cố vấn Ưu Ðà Di (Udàyin) không sao quyến rũ được Thái tử. Qua các cuộc vui với rượu ngon, sắc đẹp, tiếng hát, điệu vũ của cung tần mỹ nữ. Ðó cũng là nguyên nhân bước đầu để có đêm Thái tử quyết định, quyết tâm vượt thành xuất gia tìm đạo.

IV- NHẬN THỨC VÀ KẾT LUẬN.

Với các tôn giáo, đấng giáo chủ bao giờ cũng là bậc sáng thế toàn năng, tự hữu, được tạo tượng tôn thờ như một thần linh ban ân giáng phước cho trần thế, cho người cầu khấn. Khi chưa khai quật được trụ đá do Vua A Dục chôn, Tây phương không mấy tin có một giáo pháp được nói ra từ chính Ðức Phật. Mãi đến khi nhà khảo cổ Cu Ninh Ham khai quật được trụ đá, Tây phương mới cho trụ đá là một bản khai sinh của Phật. Từ đó, chúng ta nhận thấy rằng: Hình tượng Ðức Phật kể cả tượng sơ sinh được tôn trí trong Chùa là một biểu tượng cho chúng ta chiêm bái. Chúng ta niệm Phật, lễ Phật là cung kính cảm ơn Ðức Phật của Phật. Qua năm tháng, trong ngày Phật Ðản, chúng ta thường làm Vườn Lâm Tỳ Ni có tượng Phật đi trên 7 hoa sen và một tay chỉ lên một tay chỉ xuống, đó cũng là một biểu tượng về Ðức Phật và đạo Phật. Con số 7 là con số truyền thống của Ấn Ðộ có nghĩa là tốt lành (cát tường) giống như con số 9 của Trung Quốc. Theo Phật giáo, Phật Thích Ca là Ðức Phật thứ 7 trong số 7 Ðức Phật nối tiếp từ quá khứ đến hiện tại. Ðức Phật Ðản sinh ra trong xã hội Ấn Ðộ đầy bất công vữa nát... Nhưng Phật như một đóa sen không bị lạc thú trần gian làm ô nhiễm. Con người và giáo thuyết của Phật vượt hẳn các giáo thuyết, về cả không gian lẫn thời gian và được biểu thị qua câu: "Ta là bậc tối thượng, tối tôn, cao nhất ở trên đời". (Hòa thượng, Thích Thiện Siêu dịch, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tập 10 - trang 3) Câu nói đó cũng chỉ nhằm chỉ tính giác Phật tu tự kiến siêu việt và tâm đại bi đồng thể sẵn có trong mỗi chúng sanh. Dựa trên quan điểm Phật và chúng sinh đều có đủ đại trí và đại bi đó. Nhà nghệ sĩ Việt Nam đã tư duy để tạo thành một tượng Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay cho nhân dân chiêm ngưỡng. Có thời còn ưu việt hơn, tín đồ Phật giáo Việt Nam thờ Phật bằng hình vẽ một vòng tròn sáng trên tòa sen hay một lá bồ đề trên tòa sen thay vì một hình Phật ngồi trên tòa sen đã thật phổ biến. Tuy nhiên, với những hình tượng đó, người bình thường khó cảm nhận được, cho nên với biểu tượng lúc Phật còn ở đời, nhà nghệ sĩ tạo một cậu bé khôi ngô tuấn tú đi trên 7 hoa sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất. Còn phổ biến hơn là tôn thờ hình tượng Phật có nét mặt hiền từ, đôi mắt lim dim và đôi môi mỉm cười hoan hỉ.

* * *

CÂU HỎI THẢO LUẬN.

1)- Qua tướng mạo, đạo sĩ A Tư Ðà tiên đoán Thái tử Tất Ðạt Ða như thế nào? Sự tiên đoán qua tướng mạo mang tính gì?

2)- Hãy nêu những thuyết về thời gian Phật Ðản sinh và cho biết chúng ta đang theo thuyết nào? Tại sao?

3)- Tây phương dựa vào đâu mà tin Phật là một nhân vật lịch sử có thật?

4)- Hãy cho biết các tài năng của Thái tử Tất Ðạt Ða?

5)- Khi về đồng quê Thái Tử Tất Ðạt Ða đã thấy những gì và làm những gì?

-ooOoo-

Ðầu trang | 1.01 | 1.02 | 1.03 | 1.04 | 1.05 | 1.06 | 1.07 | 1.08 |
| 2.01 | 2.02 | 2.03 | 2.04 | 2.05 | 2.06 | 2.07 | 2.08 | 2.09 | 2.10 | 3 | Mục lục

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 07-2001)


[Trở về trang Thư Mục]