BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Phật và
Thánh chúng
Thích Minh Tuệ
Sài Gòn, 1990
PHẦN MỘT LƯỢC SỬ ÐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI-ooOoo- LỜI MỞ ÐẦU Khi nghiên cứu tìm hiểu một học thuyết, một đạo giáo hay một tác phẩm văn học nào, theo thông lệ, trước hết người nghiên cứu phải lược duyệt cuộc đời và sự nghiệp vị giáo chủ hoặc tác giả của tác phẩm. Cũng thế, khi tìm học giáo pháp của Phật giáo, trước hết và cơ bản chúng ta cần hiểu lược sử của Phật THÍCH CA MÂU NI. Bối cảnh xã hội, tư tưởng tôn giáo Ấn Ðộ trước Tây lịch khoảng 700 năm thật vữa nát. Bấy giờ dân Ấn Ðộ đòi hỏi phải có một vĩ nhân để thổi cho xã hội và tư tưởng tôn giáo, một luồng gió mới. Ðức Phật THÍCH CA MÂU NI ra đời đúng vào thời đại đó. Ở thời thơ ấu, Phật tên là TẤT ÐẠT ÐA, con vua TỊNH PHẠN nước Ca Tỳ La Vệ. Tuy sống trong phú quí vinh hoa, Thái tử vẫn không thỏa mãn, vì xã hội có giai cấp, tư tưởng tôn giáo mang tính thần quyền. Do đó, Thái Tử đã xuất gia. Với con đường trung đạo, tại gốc Bồ Ðề, sau 49 ngày đêm nhập định, Thái Tử đã giác ngộ, thành Phật hiệu là THÍCH CA MÂU NI. Sau khi thành đạo, suốt 45 năm, Phật đã đi khắp đó đây để truyền đạo từ bi và trí tuệ một cách tận tình và rộng rãi. Năm 80 tuổi khi công hạnh đã viên mãn, dưới ánh trăng tỏa rạng, tại rừng Sa La, giữa hai cây song thọ, Phật vào Niết Bàn. Qua lược sử Ðức Phật, trong tập tài liệu sử học cơ bản này chúng tôi chia thành 8 bài:
Khi lược kể cuộc đời Ðức Phật, chúng tôi đặt nặng vấn đề nhận thức. Do đó, ở cuối mỗi bài đều có nêu một số nhận thức của cá nhân chúng tôi. Với những nhận thức có tính chủ quan đó có thể có nhiều sai sót, chúng tôi kính mong các bậc cao minh chỉ giáo. Thành kính tri ân quí vị đã giúp chúng tôi hình thành phần LƯỢC SỬ PHẬT THÍCH CA MÂU NI này, qua mọi phương diện. THÍCH MINH TUỆ BÀI 1 BỐI CẢNH THỜI ÐẠI VÀ DANH HIỆU CỦA ÐỨC PHẬT.-ooOo- V ào cuối thế kỷ 20 văn minh của nhân loại đang độ tiến lên cao điểm. Khoa học đã bay theo hỏa tiễn chinh phục vũ trụ. Với đà tiến của khoa học hiện đại, trong tương lai gần, con người có thể vượt không gian đến sinh sống ở nhiều tinh cầu ngoài trái đất. Viễn ảnh càng đẹp bao nhiêu thì thực tại con người càng còn nhiều lo âu bấy nhiêu. Bởi vũ khí hạt nhân, hóa học, chiến tranh tinh cầu cũng dễ dàng hủy diệt mọi văn minh tiến bộ khoa học, kể cả sinh mệnh nhân loại. Con người càng kêu gọi hủy bỏ vũ khí hạt nhân để đem lại hòa bình thì chính con người cũng đang chuẩn bị chiến tranh. Thực tế mâu thuẫn đó, chủ yếu là do con người chạy đua theo các cuộc chiến thắng ngoại tại mà quên chiến thắng nội tại. Theo Ðạo Phật, tự nội, con người biết thắng tham sân si... các tai họa chiến tranh hạt nhân, tinh cầu sẽ hết đe dọa, hòa bình lâu dài sẽ có mãi trên địa cầu này. Cách đây hơn 2.500 năm, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khám phá ra chân lý đó. Bởi thế, cuộc đời của Ðức Phật quả thật đáng cho chúng ta tìm hiểu, noi theo...Trong chiều hướng tìm hiểu Ðức Phật, trước hết chúng ta hãy nhìn lại bối cảnh thời đại và danh hiệu của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, để có một thái độ sống có ích cho bản thân và gia đình xã hội. I- BỐI CẢNH THỜI ÐẠI ÐỨC PHẬT. 1)- Tổ chức chính trị, xã hội và kinh tế thời Ðức Phật. Từ nguyên thủy, thời cổ đại, khoảng 3.000 năm trước Tây lịch, dân địa phương của Ấn Ðộ có 3 thành phần là nông dân, du mục và doanh thương hàng hải. Người dân sống theo chế độ mẫu hệ, như giống Mun da ở Bắc Ấn, Dravida ở bình nguyên điền dã Sắc dân quy tụ thành thôn, xóm, gia tộc, tiến lên bộ tộc theo chế độ cộng hòa. Ðến thời giống người Aryan đến chiếm lĩnh, dân tiền trú trở thành nô lệ. Giống dân Aryan da trắng, thông minh, cường tráng. Họ sống theo chế độ phụ hệ. Kể từ đó, Ấn Ðộ khởi đầu tổ chức thành các tiểu bang. Khi đã định cư, người Aryan bỏ cuộc sống du mục. Nông nghiệp và thương nghiệp được bành trướng ở vùng ngũ hà (Panjab). Ðể củng cố thế lực, họ soạn Luật Manu chia xã hội thành 4 giai cấp: Bà La Môn, Sát Ðế Lợi, Phệ Xá và Thủ Ðà La. - Bà La Môn là hàng giáo sĩ giữ việc cúng tế, chiếm địa vị tối cao, cha truyền con nối. Họ tự cho là hàng Bà La Môn sinh ở đầu Thượng Ðế, Sát Ðế Lợi ở bụng, Phệ Xá sinh ở tay chân, còn Thủ Ðà La sinh ở dưới bàn chân Thượng Ðế. Ðế thánh hóa hàng tăng lữ, hầu dễ bề ngự trị xã hội, họ quy định cuộc đời của một Bà La Môn có 4 thời kỳ:
Giai cấp Sát Ðế Lợi: Những con người thiện xạ, cai trị mọi người, cha truyền con nối, ăn trên ngồi trước, xem đất nước là của riêng. -Giai cấp Phệ Xá: Gồm cả nông, công, thương, sống phải làm việc, có bổn phận cung phụng hai giai cấp trên. Họ bị bóc lột thậm tệ. -Giai cấp Thủ Ðà La: Kẻ cùng đinh gồm các giống người tiền trú. Vì là kẻ khốn cùng trong xã hội, họ phải làm nô lệ cho giai cấp trên. Ra đường gặp 1 Bà La Môn hay Sát Ðế Lợi, họ phải chạy trốn, nếu bị thấy liền được ăn đòn. Luật MANU còn quy định, nếu kêu tên Bà La Môn phải bị cắt lưỡi, không tuân lịnh lớp người cai trị sẽ bị đổ dầu sôi vào lỗ tai. 2)- Tư tưởng và tôn giáo. Trước và trong thời kỳ Ðức Phật ra đời, Ấn Ðộ có đến những 96 đạo giáo. Từ đó, tư tưởng cũng rất đa dạng. Họ có 4 bộ Thánh điển vêda: Lê Câu Phệ Ðà (RigVeda) Dạ Du Phệ Ðà (Yayyr Veda) Sa Ma Phệ Ðà (Sama Veda) A Thát Bà Phệ Ðà (Athara Veda). Nội dung kinh Veda mang tính thần học, Phạm Thiên (Brahma) là bậc chí tôn, tạo lập vũ trụ, cai quản sinh linh. Con người từ đại ngã Brahmana sinh ra. Về sau, nếu biết tôn thờ Thượng đế, gắng sức tu khổ hạnh, con người sẽ trở về với tự ngã Atman để thể nhập với đại ngã Brahmana. Atman và Brahmana đều cùng chung một thể. Về sau còn có Áo Nghĩa Thư (Upanishad) văn cú trường mật nghĩa lý uyên bác hơn. Vào thời Ðức Phật khoảng 600 năm trước Tây lịch, tư tưởng triết học Bà La Môn không còn chiếm địa vị độc tôn. Lúc bấy giờ, những dòng tư tưởng và đạo giáo có thế lực là lục sử ngoại đạo, 6 phái triết học, Kỳ Na giáo, rồi Phật giáo. a)- Lục sư ngoại đạo. 1)- Phái Ngẫu Nhiên - Phú Ða Ca Diếp (Purana Kassapà) sáng lập, không tin nhân quả, khổ vui, phúc họa đều là ngẫu nhiên. Phật giáo gọi là phái vô nhân quả. Giáo chủ phái này vốn là nô lệ sinh ở chuồng bò, sống với bò cho đến lớn. Sau bỏ qua Ðông Ấn, chủ Bà La Môn cho người đuổi bắt, lột hết quần áo. Từ đó ông mãi trần truồng, phủ nhận hết điều thiện, không ân cũng chẳng oán. 2)- Phái Tự Nhiên: Mạt già Lê Câu Xá Lợi (Makphali Nosala) sáng lập, cho khổ vui, họa phước đều là tự nhiên mà có, không do nguyên nhân nào khác. Phật giáo gọi là Tà Mệnh ngoại đạo. Giáo chủ này nhân đi hành hương, gặp trời mưa vào núp ở chuồng bò, bà vợ sanh Nosala thì trời hết mưa, quang đãng. Vì thế khi trở thành giáo chủ, Nosala tuân hành qui luật an bài tự nhiên, con người phải phụng hành. Theo phái này sinh vật do 12 yếu tố vừa vô hình vừa hữu hình tạo nên. Ðó là linh hồn, đất, nước, gió, lửa, hư không, điều được, điều mất, điều khổ, điều vui, luật sinh và luật tử. 12 nhân duyên như cuộn chỉ. Nếu cuộn chỉ bung ra là hết tội. Việc ném cuộn chỉ, sợi chỉ rối, đứt là mệnh con người được giải thoát. 3)- Phái Duy Vật Khoái Lạc: A-di-ta Thúy Xá khâm Bà La (Ajitakesa Kambali) sáng lập. Chủ trương: Con người do địa, thủy, hỏa, phong hợp thành. Chết là hết. Bởi thế con người tự do hưởng lạc, đối lập với phái khổ hạnh, dùng vải có thêu bằng tóc làm cà sa. Phật giáo gọi phái này là Thuận Thế Ngoại Ðạo. 4)- Phái Sinh Mệnh và Vật Chất Thường Còn: Bà Phù Ðà Ca Chiến Diên (Pakudha Katy ayana) sáng lập, cho vạn vật do 7 yếu tố hợp thành. Ðó là: Ðất, nước, gió, lửa, khổ, vui và sinh mệnh. Sinh tử luân hồi điều do 7 yếu tố này tụ hay tán mà thành. Nhưng 7 yếu tố lại thường còn bất diệt. 5)- Phái Hoài Nghi - Tán Nha Gia Tỳ Lệ Tử (Sanjava Bahatthpiutta) lập, cho chân lý có thể biến đổi, tu đạo là vô ích, cần chuyên tu thiền định là được. Ðây là bất khả tư nghị luận. Lời giáo chủ nói: Kìa như con bướm sờ sờ ra đó, nắm được nó, rồi nó cũng chuồn đi mất, huống những điều nắm không được, nhìn không thấy thì căn cứ vào đâu mà quyết đoán. 6)- Phái Khổ Hạnh: Ni Kiền Ðà Nhã Ðế Tử (Nlgantha-Nàtadatta) lập, cho khổ, vui, họa, phúc đều do nghiệp tiền định. Con người cần ép xác, khổ hạnh mới mong giải thoát được tiền nghiệp. b)- Sáu phái triết học.
c)- Kỳ Na Giáo (Jai na):
d)- Ðạo Phật, một tôn giáo cách mạng xã hội tư tưởng:
Kết quả sinh ra hai xu hướng: Trốn đời khổ hạnh và thuận đời hưởng lạc thú vật chất. Giữa lúc gần như hỗn mang có một vị cứu tinh xuất hiện, đó là Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật đánh đổ chế độ giai cấp, biểu thị là trong Tăng đoàn của Ngài mọi người đ?u bình đẳng. Phật nói: Bốn giai cấp gia đồng qui họ THÍCH (tứ tính xuất gia, đồng qui thích thị). Với vũ trụ vạn hữu Phật xướng minh thuyết duyên sanh, với nhân sanh, Phật khuyên tu theo con đường trung đạo. II- DANH HIỆU VÀ DÒNG HỌ ÐỨC PHẬT. Danh hiệu của Phật là THÍCH CA MÂU NI (Sakya Muni), tên là TẤT ÐẠT ÐA (Siddhatta), họ GOTAMA. Tiếng Phạn là Thích Ca Mâu Ni, Trung Quốc dịch là Năng Nhơn (Thích Ca, Sakya) và Tịnh Mặc (Mâu Ni, Muni), có nghĩa là dòng họ hay làm việc nhân từ và ưa vắng lặng. Danh hiệu Phật biểu thị từ bi và tri giác. Phật là một con người đầy đủ nghị lực, dũng mãnh chiến thắng cả nội lẫn ngoại ma, bước lên địa vị giải thoát sinh tử luân hồi, gọi đó là năng. Phật còn có lòng thương không bờ bến, gọi đó là nhân. Phật cũng không bao giờ bị mù quáng trước những cám dỗ của cuộc đời, thể nhập với bản thể thanh tịnh, vắng lặng, gọi đó là tịch mặc. Phạm trù triết học gọi là ý chí, tình cảm và lý trí. Phật thuộc dòng họ Cù Ðàm (Gotama) nên Phật có tên đời là TẤT ÐẠT ÐA, Trung Quốc dịch là Nhất Thiết Nghĩa Thành (mọi sở nguyện đều thành tựu). Dòng họ GOTAMA từ viễn tổ Chung Sử Hứa đến Tất Ðạt Ða có 7 đời, kế thừa như sau: Ðại Thiên Sanh Vương, Sư Ma Ý, Ưu Ðà La, Cồ La, Sư Tử Giáp, Tịnh Phạn Vương, Tất Ðạt Ða. III- NHẬN THỨC VÀ THÁI ÐỘ SỐNG. Chưa tìm hiểu sâu vào cuộc đời của Ðức Phật, chỉ lướt qua bối cảnh thời đại và xã hội, tư tưởng tôn giáo Ấn Ðộ và danh hiệu của Phật, chúng ta thấy Phật là một biểu tượng chói sáng đức tính từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, bình đẳng, giải thoát... Phật đã từ bỏ giai cấp quyền quí đã thực hiện cuộc cách mạng xã hội. Phật không chấp nhận xã hội có phân chia giai cấp, vì Phật và chúng sanh đều bình đẳng. (Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành). Từ đó về sau, khi thành lập Giáo Hội, chúng đệ tử không bị phân biệt là giai cấp quyền quí hay thứ dân cùng đinh. Phật là một nhà tư tưởng hướng về thực tế xã hội, nhằm cải thiện con người là trên hết. Bởi thế, Pfleiderer trong cuốn Primitive Christisnity đã viết: "Trong khoảng nửa thiên niên thứ nhất trước Tây lịch trên Thế giới đã thấy xuất hiện nhiều tư tưởng gia có ảnh hưởng sâu xa trong quần chúng. Trung Hoa sản sinh Khổng Tử, Trang Tử, Ba Tư có Zoroastre, Hy Lạp có: Pythagore, Socrate, Platon, Ấn Ðộ Phật là một nhà cải cách hữu danh về phương diện đạo đức và tôn giáo. Trong số các vĩ nhân này, Phật là người đã gây ra một trào lưu tư tưởng thấm nhuần một khối nhân loại lớn lao nhất. Phật không những có hàng triệu tín đồ mà hoạt động của Phật còn lan tràn sang cả Châu Âu nữa. Ðã có một thời kỳ đạo thiên chúa bị đe d?a, lâm vào vòng phụ thuộc Phật giáo". Phật được ca tụng như thế, bởi theo Phật, con người cần nhìn nhau qua phẩm hạnh đạo đức, trí tuệ, hơn là ăn thua đủ với nhau qua mưu kế. Mưu sâu thì họa cũng sâu. Chúng ta hãy noi theo đức tính từ bi của Phật để trải tình thương cho mọi người, hy sinh bản ngã cá nhân để phục vụ tha nhân, mình vì mọi người. Noi theo trí tuệ để tự soi sáng, soi sáng cho người để có cái nhìn khách quan nhìn sự việc như thật của nó, gọi theo phạm trù triết học Phật giáo là "Như thị tri kiến". Noi theo các đức dũng để có sức mạnh, để tự thắng mình. Nói khác hơn, căn bản và quan trọng là tự đấu tranh để diệt tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, dục, ố... hầu tự thăng hoa và vượt khó khăn trong sự thực hành từ bi và trí tuệ. Noi theo đức tính bình đẳng, để sống lục hòa, san bằng những gì không công bằng trong xã hội, tạo dựng một cuộc đời không có cảnh người bóc lột người, kẻ ở nhà cao cửa lớn, xe cộ bóng loáng, có người phục vụ, kẻ ở đầu đình, xó chợ, vĩa hè, gầm cầu... Có noi theo gương đức Phật cải thiện bản thân, con người xã hội mới tốt đẹp được, vì con người là trung tâm của xã hội. Xã hội nên hư, tốt xấu, chinh chiến hay hòa bình, trung tâm vẫn do con người chủ động. Ngày nay, với con đường tư duy mới, không có con đường nào hơn, quan điểm chính trị đang phải quay hướng về con người. Tuần báo New Times của Xô Viết số tháng giêng 1988, phần kết luận của bài xã luận nhan đề là Man and politics đã viết: "Chính trị đang quay hướng về con người và những quan tâm hàng ngày của con người về đời sống an toàn xứng đáng và đang trở nên đầy nhân tính và văn minh hơn một cách chậm chạp nhưng chắc chắn. Con đường tư duy mới về chính trị này, hướng về con người là cơ hội duy nhất cho hòa bình". Từ tư duy mới rất cơ bản đó, chúng ta thử hỏi: Khi con người được cải thiện, có nhiều đức tính tốt theo gương Ðức Phật, có thể nào xã hội không tốt đẹp hạnh phúc hòa bình tươi sáng? * * * CÂU HỎI THẢO LUẬN
-ooOoo- Ðầu
trang | 1.01
| 1.02 | 1.03 | 1.04
| 1.05 | 1.06 | 1.07
| 1.08 | |
Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 07-2001)