“Ba định đi ngày 13, nhưng sợ các con chưa hiểu sâu nhân quả. Bởi đạo đức của ba còn kém cỏi mà đến ngày giỗ quảy cúng mặn tội nghiệp cho ba lắm! Mà cũng tội nghiệp cho các con nữa. Nên ba chọn ngày 14 ba về với Phật. Chớ để tới ngày rằm tụi bây kéo sang ngày 16 cúng mặn nữa à!”
Đó là là lời tiên đoán của người cha biết trước ngày giờ chết của mình!
Ông Nguyễn Văn Ánh tên thật là Phạm Duy Đức, sinh năm 1908, cư ngụ tại xã Vĩnh Thạnh Trung (Thạnh Mỹ Tây), huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Vì ông thứ Bảy nên có thêm biệt danh là “Bảy Cọp”. Song thân là cụ ông Phạm Văn Phúc và cụ bà Nguyễn Thị Tới. Ông Bảy là con trai Út trong gia đình.
Khi đến tuổi trưởng thành ông kết hôn với bà Phan Thị Tý, sinh được sáu trai một gái. Gia đình ông cũng là một trong những hộ nông dân tay lấm chân bùn của vùng đất Châu Phú.
Tánh ông hiền lành, chân thật, thường bố thí gạo cho những người nghèo và cúng gạo cho chùa trong làng hằng tháng.
Năm 1939 ông có đến Tổ Đình ở Phú Tân để nghe thuyết pháp và quy y Tam Bảo từ dạo đó. Một hôm nọ, ông rủ hai người bạn đồng trang lứa cùng nhau đi nghe pháp, và thỉnh kinh kệ về nhà xem. Khi gà vừa gáy hiệp đầu là ba vị đã lo cơm nước xong xuôi bèn khăn gói lên đường. Cuốc bộ tịch tang đến nơi, dự thuyết giảng hoàn tất thì trời cũng vừa xế chiều. Trước khi ra về, Thầy gọi:
- Ba ông ở xã Mỹ Thạnh Tây đâu? Lên đây!
Nghe Thầy gọi, vị nào cũng giật thót cả người, trời không phải mùa đông mà thịt cóng xương lạnh, nổi da gà tựa hồ như đang phát cơn sốt rét, ai cũng run run khúm núm chầm chậm đi lên. Thầy đưa tay chỉ ông Ba Ngọ, rồi nhờ đồng đạo trao cho phẩm “Ngồi Trên Đảnh Núi Liên Đài”, kế đó là phẩm “Giác Mê Tâm Kệ” cho ông Mười Tịch, sau cùng trao “Nguyện Văn Quy Y” cho ông. Cả ba đồng chắp tay thành kính xá dài, im lặng nhận lãnh quà xong bèn cáo từ lui gót, không một lời một câu ư a gì cả, có lẽ hai hàm răng lúc ấy đã bị keo dán sắt chế vào nên dính chặt lại tự bao giờ!
Số là trước khi khởi hành cả ba ông quỳ trước bàn Phật nguyện thỉnh Pháp Bảo mà mình ưa thích, đúng y như những thứ mà Thầy đã trao tặng cho từng người!
Qua sự kiện đó, tín tâm của ông với Tam Bảo gần như tuyệt đối, chỗ tựa vững chãi an ổn nhất trọn cả đời tu của ông khi đương đầu với bao khó khăn trở ngại, đôi khi cái chết cận kề trong gang tấc! Niềm tin quả thực là trọng yếu của sự hành đạo:
“Kẻ học Phật phải cần tìm hiểu,
Để tu cho biết nẻo mà về.
Đã tu mà không thoát cõi mê,
Thường vì bởi lối ra chẳng biết.
Thiếu tin tưởng sẽ không nên việc,
Thiếu lòng thành thì Phật khó trông.
Việc tu hành muốn được thành công,
Phải đầy đủ tấm lòng tin tưởng.
Thường bị cảnh chung quanh ảnh hưởng,
Vì thiếu lòng tin tưởng mà ra.
Nếu có lòng tin tưởng sâu xa,
Tất không bị người ta cám dỗ.
Tin tưởng có cõi vui Tịnh Độ,
Tin tưởng mình có thể sanh qua.
Tin tưởng xưa Phật cũng người ta,
Thì mình cũng sẽ là như Phật.
Lời Phật nói không hề sai thất,
Nếu làm y như Phật đã làm.
Tin tưởng sao làm vậy cho kham,
Không thể để ai làm thối chí.
Nhứt định sẽ vẹn tròn đạo lý,
Được thành công như ý đã nguyền.
Tin tưởng là sức mạnh vô biên,
Được thành Phật thành Tiên nhờ nó.
Tin tưởng ấy trong lòng được có,
Thì sự tu đâu bỏ nửa đường.
Khuyên nhủ trong bá tánh thập phương,
Tu phải có chủ trương mới được.
Tin làm phước thì là được phước,
Làm ác thì gặp ác không sai.
Tin rằng mình nghiệp dữ chẳng gây,
Nhứt định chẳng đầu thai cõi khổ.
Việc trần chẳng để lòng ham hố,
Chắc chắn không bị trở lại trần.
Lòng hằng mong cõi Phật được gần,
Thế nào cũng sanh lên cõi Phật.”
Vào thập niên 70, ông tham gia hoằng dương Phật Pháp, khi phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam đang phát triển rầm rộ, ông đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý tại xã nhà.
Vì muốn cho Phật Pháp được rải khắp, khiến nhân sanh được lợi lạc, nên ông đã hăng hái tổ chức thường xuyên các cuộc diễn giảng Phật Pháp do các thiện tri thức cư sĩ đảm trách, và phát thanh lời kinh tiếng kệ tại Hội quán vào những ngày 14, rằm và 29, 30. Ông rất quan tâm thương yêu giới trẻ, thường hay khích lệ khuyến tấn các em cháu chăm chỉ tu học và hành trì.
Những năm sau 1975, giáo sự đình chỉ, lúc này mặc dù tuổi già sức yếu ông vẫn thường đi đây đó để cầu nguyện siêu độ cho những người đã mất, mong mỏi họ sớm được vãng sanh về cõi an lành, vĩnh viễn chấm dứt khổ đau sanh tử. Đấy cũng là cơ hội truyền bá Phật pháp, kêu gọi mọi người thức tỉnh tu thân hành thiện.
Mặt khác ông còn hợp tác với vài anh em có tâm đạo đi khắp nơi tìm kinh giảng của ai hư rách đem về đóng bìa và dán lại lành lặn.
Đến năm 1977, ông và bà Bảy đồng phát tâm trường trai. Được khoảng bảy, tám năm, vì con cháu trong gia đình có một số không thông hiểu Phật pháp, cứ bo bo chấp chặt theo hiếu đạo thế gian, nên đã nài ép làm cho hai ông bà gián đoạn hết bốn, năm năm. Sau đó, có cơ duyên thuận tiện, ông bà mới dùng chay lạt trở lại cho đến lúc lìa đời.
Cách thức hành trì của ông chuyên về Tịnh Độ, sớm chiều lễ bái, niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Ông vừa nỗ lực tự thực hành và tha thiết giới thiệu, kêu gọi những ai hữu duyên nên y theo lời “Khuyến Thiện”:
“Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc.
Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật,
Dầu Tiên phàm ma quỷ súc sanh.
Cứ nhất tâm tín, nguyện, phụng hành,
Được cứu cánh về nơi An Dưỡng
Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.”
... ... ...
“Ao sen báu Tây Phương đua nở,
Chờ chúng sanh niệm Phật chí tâm.”
Vả lại, suốt mấy mươi năm kể từ khi mới bắt đầu nương tựa Tam Bảo, ông đã trải nghiệm thân chứng về công đức thù thắng của câu lục tự Vạn Đức Hồng Danh, nhờ thành tâm trì niệm mà ông nhiều lần tai qua nạn khỏi, thoát chết chỉ trong kẻ tóc đường tơ. Do vậy tín tâm của ông đối với Tịnh Tông dường như là tường đồng vách sắt, kiên cố vô song.
Lúc tuổi về chiều, nhất là những năm cuối đời, công phu của ông càng chuyên cần hơn, hết lễ bái cầu nguyện thì ngồi niệm Phật, hết ngồi niệm Phật thì lễ nguyện… cứ thay đổi liên tục suốt ngày, và từ ngày này sang tháng khác. Khi mệt thì nghỉ, nghỉ khỏe rồi thì tiếp tục. Bạn bè khách khứa hay em cháu tới thăm thì ông chỉ một mực khuyên lơn, khuyến khích về chuyện tinh tấn tu hành!
***
Đến năm 1995 - 1996, do phế quản yếu, ông thường hay bị mệt, khó thở nên các con thỉnh thoảng có vô nước biển cho ông. Dù vậy, công khóa hành trì ông vẫn luôn giữ đều đặn không hề lui sụt. Vào khoảng đầu tháng 8 năm 1996, có lần con trai Út đang tấn mùng cho ông, ông hỏi:
- Vinh ơi! Con rảnh chưa vậy?
Chú Út trả lời:
- Dạ con đang tấn mùng. Có gì không, thưa ba?
Ông nói:
- Con nhớ nghe con! Đúng 2 giờ chiều ngày 14 tháng 9, Phật rước ba. Bữa đó ba đi nghe con!
Chú về thuật lại cho vợ nghe, mà trong lòng thì nửa tin nửa ngờ.
Đến ngày mùng 8 tháng 9, vào buổi cơm sáng ông nói với người con trai thứ Tư:
- Hãy đưa ba về nhà cũ, đến ngày 14 là ba đi!
Vì hiện tại ông đang ở nhà chú Tư, còn nhà cũ là nhà của chú Út.
Các con của ông xúm lại bàn tán xôn xao. Cô con gái thứ Bảy nài nỉ:
- Rằm ba hãy đi, chớ ngày 14 xấu lắm!
Ông đáp:
- Không được đâu! Ba định đi ngày 13, nhưng sợ các con chưa hiểu sâu nhân quả. Bởi đạo của ba đức còn kém cỏi mà đến ngày giỗ quảy cúng mặn tội nghiệp cho ba lắm! Mà cũng tội nghiệp cho các con nữa. Nên ba chọn ngày 14 ba về Phật. Chớ nếu để tới ngày rằm tụi bây kéo sang ngày 16 cúng mặn nữa à!
Khi ông trở về nhà chú Út, đồng đạo và thân quyến hay tin tấp nập liên tục kéo tới thăm, ông vẫn đón tiếp trò chuyện bình thường. Thấy cha mình quyết tâm chọn ngày 14, bấy giờ con ông là chú Tư Hưởng và cô Bảy Lệ cũng là y sĩ, bèn đi mua thuốc hồi sinh về chích cho ông. Vì thuốc này có tác dụng kéo dài thêm sự sống hơn 24 tiếng đồng hồ nữa. Lúc các con đề nghị chích thuốc, ông vẫn để cho chích không phản đối mà còn vừa nói vừa cười:
- Mấy đứa chích thì chích, đến đúng ngày giờ ba đi thì ba đi!
Sáng ngày 14, cũng như thường lệ lúc công khóa lễ nguyện buổi sớm, chú Út giành đi cắm hương, ông không cho, nghiêm nghị nói:
- Ba còn cắm nhang được, để ba cắm!
Tới 12 giờ trưa hôm ấy ông hơi mệt, vì có chuẩn bị trước, mọi người đông nghẹt vây quanh. Đúng 2 giờ chiều, đang nằm im ông bỗng lớn tiếng niệm Phật, âm thanh từ từ nhỏ dần rồi ông nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, khi đó hai tay vẫn còn chắp ngay ngắn giữa ngực. Nhằm ngày 14 tháng 9 năm 1996. Ông hưởng thọ 88 tuổi.
(Thuật theo lời chú Út Vinh con của ông và đồng đạo Bảy Khen.)