Bà Ngô Thị Dòn sinh năm 1947, nguyên quán Phú Tân - An Giang. Thân phụ là cụ ông Ngô Văn Tiếu; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hai. Bà là chị Hai trong gia đình có bốn anh em.
Khi lên 18 tuổi bà kết hôn với ông Huỳnh Thanh Tuấn, quê ở Thốt Nốt - Cần Thơ. Vài năm sau hai vợ chồng ra riêng, về định cư tại chợ Vĩnh Trinh, mở tiệm buôn bán tạp hoá, thuộc ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Cần Thơ. Bà sinh được ba trai, bốn gái. Ngoài buôn bán ra gia đình còn có làm thêm nghề ruộng.
Tính tình bà vui vẻ, cởi mở, rộng lòng thương giúp mọi người; ăn mặc thì rất thanh đạm, bình dân.
Năm 1988, chồng của bà bị đột quỵ, vừa chuyển đến Bệnh Viện Đa Khoa Thốt Nốt thì ông qua đời, cô gái Út lúc ấy vừa mới lên năm. Đôi vai gầy phải gánh thêm trách nhiệm làm cha!
Năm 1995, bà phát tâm trường trai, cũng vào thời gian này bà có đến chùa Bửu Duyên ở An Giang để quy y, được pháp danh là Diệu Âm Bảo Ngọc.
***
Năm 2007, bà ngã bệnh, chạy chữa nhiều nơi. Sau đó đến Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ, bác sĩ ở đây chẩn đoán là “viêm gan siêu vi B”. Người nhà vẫn chưa an tâm nên đã đưa bà ra Bệnh Viện 115 ở Sài Gòn, thì phát hiện là gan có khối u, bác sĩ cho thuốc về và hẹn tháng sau quay lại tái khám. Về nhà, các con của bà bèn tiến hành đặt bàn hương án lễ Phật sám hối, niệm Phật, trì chú Đại Bi và phóng sanh. Hơn một tháng, bà trở lại bệnh viện, các bác sĩ đều ngỡ ngàng khi so sánh những chỉ số cận lâm sàng với đợt đầu, mọi người đều hỏi:
- Bà uống thuốc gì?... Bà dùng thuốc gì mà mau lành bệnh như thế nhỉ?
Rồi ai ai cũng chúc mừng cho bà!
Năm 2011, nhân một chuyến đi thăm người chị chồng đang tu tại đạo tràng Quan Âm Tịnh Thất ở Đức Trọng. Do đó, bà ham thích khung cảnh trang nghiêm khi cộng tu cùng đại chúng, vì vậy các con của bà mua một căn nhà đối diện với Quan Âm Tịnh Thất, hầu tạo điều kiện cho mẹ mình được thuận tiện tu tập hành trì.
Từ đó, hằng năm bà thường lui tới chung tu với đại chúng, ngõ hầu tìm niềm hạnh phúc đích thực của cuộc đời, đó là cõi lòng thanh tịnh và an lạc, mà bấy lâu mình tự vất bỏ không chút tiếc thương! Vả lại thời gian rất quý báu, một khi đã qua chẳng bao giờ quay trở lại, nếu ta cứ chần chừ e cho luống uổng một kiếp người, bởi vì:
“Một ngày đã qua,
Mạng sống giảm dần.
Như cá cạn nước,
Nào có vui gì!
...
Người trí khá suy,
Thế trần tạm giả.
Dòng đời hối hả,
Tất bật sớm trưa.
Đi nắng về mưa.
Mưu toan cuộc sống.
Hết trông tới ngóng,
Chạy đuổi tìm cầu.
Hạnh phúc nơi đâu?
Sao toàn nước mắt!
Ô hô! Nắng chiều chợt tắt,
Thế là kết liễu một đời.
...
Sớm tỉnh người ơi!
Gieo mầm Tịnh nghiệp.
Hồng trần mãn kiếp,
Thơm ngát hương sen!
Khắp mười phương chư Phật thảy ngợi khen,
Trong phút chốc biển trầm luân khô cạn!”
Vài năm sau phát hiện bà bị bệnh tiểu đường, chữa trị nhiều nơi nhưng chẳng khả quan, ngược lại ngày một nặng dần!
Đến tháng 7 năm 2014, sức khoẻ của bà bắt đầu suy sụp, nhiều cơn sốt nối tiếp theo nhau, sự ăn ngủ lần hồi sa sút trầm trọng. Sang tháng 8, bệnh nặng quá, thân quyến đưa bà vào phòng cấp cứu của Bệnh Viện Đa Khoa Cần Thơ. Nằm ở đây cả tuần lễ, trong suốt thời gian này truyền dịch để chờ kết quả của các xét nghiệm, bà thường chìm vào hôn mê, ít khi tỉnh táo, đôi lúc tiểu tiện không còn tự chủ được nữa, trên người thì rất nhiều dây sợi, chằng chịt lòng thòng.
Chiều hôm nọ, bác sĩ gọi cô Hai đến và cho biết bà đã bị ba bốn chứng bệnh một lượt, mà bệnh nào nghe nói tới là đã tá hỏa: “ung thư gan giai đoạn cuối”, “ung thư dạ dày giai đoạn cuối”, “tiểu đường”, “thiểu năng động mạch vành”… và một số bệnh khác. Khi nghe xong, cô mới hỏi bác sĩ:
- Mẹ tôi còn đủ sức để chuyển ra Đà Lạt được không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ trả lời:
- Chắc bà cụ không chịu nổi đâu!
Dù biết tình trạng sức khoẻ của mẹ mình nguy ngập như thế, nhưng các con bà đồng tâm nhất ý quyết định đưa mẹ mình vào “vãng sanh đường”!
Thế là các cô gấp rút lo làm thủ tục cho bà được xuất viện ngay trong đêm hôm đó, tranh thủ đưa vào phòng vãng sanh của Quan Âm Tịnh Thất. Cũng rất lạ, trong giờ phút đó bà tỉnh lại. Khi trình bày dự định như thế cho bà nghe, nghe xong bà khẽ gật đầu. Trước giờ lên xe liền rút hết tất cả các ống, kể cả ống tiếp hơi. Mạng sống của bà mong manh như sợi chỉ mành treo chuông. Thế mà, mọi chuyện vẫn êm xuôi trôi chảy, đâu vào đó! Sau mười mấy ngày đêm liên tục hộ niệm cho bà, bà dần dần khoẻ lại.
Khi đã trải qua cơn “thập tử nhất sanh” này, thầy trụ trì đã làm một cuộc phỏng vấn, cho ghi lại hình ảnh, ngõ hầu khích lệ và xây đắp tín tâm cho chư liên hữu xa gần, cần phải vững tâm tin tưởng tuyệt đối vào câu Hồng Danh Vạn Đức thì sẽ thu được lợi ích thật sự bất khả tư nghì!
Sau đó, mặc dù sức khoẻ của bà chưa hồi phục chi mấy, thế mà bà vẫn gắng gượng cộng tu với đại chúng thêm gần một tháng nữa. Vì nhớ nhà quá nên các con đành phải tuỳ thuận đưa bà trở về miền Tây.
***
Khi về nhà trải qua cũng thêm một tháng nữa thì thể trạng của bà suy sụp trầm trọng trở lại, hai tay và hai chân sưng nhẹ. Có lần, khi những cơn bệnh hoành hành dữ dội, chẳng thể kham nhẫn, bà thở than với các con về việc vãng sanh:
- Khó lắm con ơi! Vãng sanh không phải dễ đâu!
Các con của bà đồng xúm lại năn nỉ:
- Mẹ rán cố gắng lên! Mẹ nhất tâm niệm Phật thì sẽ được vãng sanh thôi! Biết bao nhiêu người nghiệp chướng còn nặng nề hơn mình rất nhiều... mà người ta cố gắng... người ta đã được vãng sanh. Mình nếu kiên định tín nguyện, thiết tha trì niệm thì... Đức Đại Từ Phụ A-di-đà sẽ không bỏ mình đâu, mẹ phải rán lên nghen!
Ao sen báu Tây Phương đua nở,
Chờ chúng sanh niệm Phật chí tâm!”
Các con hết lòng trình bày và nhiều lần giải thích, sau rốt bà gật đầu.
Những tháng ngày cuối đời, do bệnh tật hành hạ bà thấm thía về sự thật nỗi khổ của kiếp làm người. Tấm thân tứ đại do nghiệp báo trói cột này quả thật nó đã chứa nhóm biết bao nhiêu thứ dơ bẩn, bất tịnh, và vô lượng vô biên đau thương phiền luỵ. Chừng chết đến phải một mình ra đi, tất cả đều bỏ lại, chẳng mang theo được gì, chỉ mang tội với phước mà thôi! Mặt khác, nhờ nghe đĩa “Khuyên Người Niệm Phật” của cư sĩ Diệu Âm, và đoạn khai thị “Nhìn thấu là trí huệ chân thật” của Hòa thượng Tịnh Không, mà tâm luyến ái về con cháu của bà tan nhạt dần, mọi tình chấp đã tiêu mòn đáng kể. Lúc này tâm nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc nơi bà tương đối khẩn thiết và chân thật hơn. Bà thường căn dặn các con, chừng nào bà tắt hơi 24 tiếng đồng hồ sau mới điện thoại báo tin cho thân tộc hay, ngõ hầu tránh bớt những bất trắc xảy ra cho sự vãng sanh của mình!
Chương trình hộ niệm bắt đầu vào ngày mùng 5 - 10 - 2014, hơn một chục vị đồng tu từ Đức Trọng, Đà Lạt vào phối hợp với Ban Hộ Niệm của liên hữu Phước ở Tịnh Biên xuống.
Khi người thân hay lối xóm đến thăm, các con bà mời giữ lại ở phòng khách, có vào thì cùng niệm Phật với bà, không ai hỏi han, nói chuyện gì hết!
Thỉnh thoảng khi mọi người thay ca vào hộ niệm, bà vừa lấy tay chỉ đứa bé ngồi trên hoa sen của bức hình Tây Phương Tiếp Dẫn rất lớn bên vách, vừa nói:
- Kìa!… Bảo Ngọc ngồi trên hoa sen kìa!
Ai cũng đồng cười rộ lên, vì Bảo Ngọc chính là pháp danh của bà.
Những ngày gần mất, bà dặn dò các con và mấy cô dâu nên canh giữ mấy đứa cháu nội vì sợ nó làm cản trở trong giây phút bà ra đi, bà thường nói:
- Con ai nấy giữ, đừng cho con nít lại gần mẹ! Bây giờ mẹ buông xả hết rồi, mẹ quyết định về với Phật!
Đến ngày mùng 9 tháng 10, bà nhờ người gọi cô Út đến. Khi cô tới gần bên cạnh hỏi bà có chuyện gì, thì bà nói:
- Mẹ gặp…
- Mẹ gặp gì?
Bà mỉm cười nói:
- Thôi! Không nói đâu!
Từ đó trở đi gương mặt của bà luôn tràn đầy niềm vui lạ thường.
Qua hôm sau, vào lúc chiều tối bà gọi cô Hai đến, rồi nói:
- Mẹ gặp Phật A-di-đà!
Đến 9 giờ rưỡi tối ngày 11, hơi thở bà ngắn dần, mãi đến 5 giờ 30 phút sáng, bà nhẹ nhàng trút hơi thở sau cùng, khi ấy bà đang nằm ngửa mắt hướng về tượng Phật A-di-đà ở giữa phòng, rồi bà xoay người nghiêng bên phải nhìn tấm ảnh Tây Phương Tiếp Dẫn treo trên vách. Đặc biệt là bà nhích môi mỉm cười đồng thời nhép miệng niệm A-di-đà Phật rồi mới dứt hơi! Hôm ấy nhằm ngày 12 - 10 - 2014, bà hưởng thọ 67 tuổi.
***
Hộ niệm thêm hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau, toàn thân mềm mại như bông, gương mặt tươi vui, ai trông bà cũng giống như người đang nằm ngủ. Trên thân hoàn toàn sạch sẽ không có mùi hôi. Trước kia có nhiều bác sĩ cho các con của bà biết là bệnh của bà thường thì ra đi trong cơn hôn mê, và sau khi tắt hơi, máu sẽ tràn ra theo các đường miệng và hậu môn. Nhưng lúc này thì hoàn toàn không có những điều đó xảy ra!
* Khoảng 9 giờ, sư cô Hạnh Hòa bỗng thấy ánh sáng, chiếu sáng rực rỡ trên bàn Phật, nhưng chỉ một mình cô thấy, nên cô giữ im. Tối đến sư cô nằm chiêm bao cô thấy một ông già râu tóc bạc phơ đến nói với cô:
- Tôi cho cô thấy sự vãng sanh của hương linh Ngô Thị Dòn! Cô hãy xem cho kỹ nghen!
Đồng thời thấy hiện tượng ban sớm lập lại. Trong ánh quang minh xoáy tròn ấy xuất hiện hình ảnh của bà ngồi trên hoa sen.
* Đến tuần thất thứ năm, cô con gái Út của bà lên gác ngồi niệm Phật hơn một giờ sau bỗng nghe có mùi hương lạ, không giống với bất kì mùi hương nào, được chừng mười phút thì tan mất.
* Ngày 21-11- 2014, cô Năm sau khi đi dự khoá tu Tam Thời Hệ Niệm với chư liên hữu ở Tịnh Biên về đến nhà khoảng 3, 4 giờ sáng. Đang mệt mỏi, vừa ngả lưng chưa kịp ngủ, trong cơn nửa tỉnh nửa mê, bỗng nghe văng vẳng bên tai có âm thanh vang to, rõ ràng mồn một:
- Cô yên tâm đi! Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát nói là mẹ cô đã vãng sanh rồi!
(Thuật theo lời Huỳnh Thị Như Thúy, Huỳnh Thị Phụng Kiều, Huỳnh Thị Xuân Đào, các con của bà).