Nhàm chán Ta Bà thống khổ, thề quyết thoát ra, bốn năm thiết tha tinh tu Tịnh Độ!
Mến ưa Cực Lạc yên lành, cầu về mãnh liệt, cảm Phật chơn thiệt tự tại vãng sanh!
Chú Lê Văn Sâu, sinh năm 1952, cư ngụ tại số 172, ấp Hòa Thạnh, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ ông Lê Văn Trình, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Thôn. Chú là thứ Út trong gia đình có năm anh em, sinh sống bằng nghề làm ruộng.
Năm 1968 cha của chú mất. Hai người anh và hai người chị đều lập gia thất, đồng ra riêng cất nhà xung quanh, còn chú thì chung sống với mẹ. Kế đó chú làm thêm nghề đưa đò dọc từ Châu Đốc qua Châu Giang.
Tính tình của chú rất có hiếu với mẹ và hòa thuận với các anh chị, nhiệt tình giúp đỡ những người xung quanh.
Đến năm 20 tuổi, một hôm nọ chú thưa với mẹ:
- Thưa mẹ! Con thấy cuộc đời quá giả tạm, mỏng manh, vui ít khổ nhiều, mà sống làm nghề đưa đò lại càng dễ chán. Hơn nữa, vì bạn bè của con đứa nào cũng vậy, mở miệng ra là chửi thề lỗ mãng hung tùng, nên con xin phép mẹ cho con nghỉ để ở nhà. Từ nay trở đi con lo ăn chay, cúng lạy, niệm Phật làm lành, cầu giải thoát cho mình và cứu độ Tổ tông!
Khi được mẹ chấp thuận, từ đó chú dốc hết tâm lực lo tu thân hành thiện. Bao nhiêu y phục chú đều đem đi cho hết, chỉ may hai bộ đồ: một bộ bà ba đen và một bộ vạt mẻ để thay đổi. Chú rất siêng năng tinh tấn hành đạo, mỗi ngày là bốn thời cứ nối tiếp liên tục, hết ngồi niệm Phật thì đi kinh hành hoặc ngồi xem kinh sách, hay chép kinh sách nên thời gian chú ngủ nghỉ rất ít. Thật là sự dụng công dõng mãnh, như đoạn khai thị sau:
“Liên Hoa người muốn được gần,
Phải tu nhanh chóng chớ chần chờ lâu.
Tu nếu nhận là cầu siêu thoát,
Rán tu đừng ngơ ngác trong tâm;
Nếu tin Thánh trước là phàm,
Thì mình cũng có thể làm Phật Tiên.
Kẻ thành đạo nhờ duyên trước lớn,
Hoặc nhờ tu tinh tấn hiện nay;
Không duyên mà cố tu hoài,
Phật hay Tiên cũng có ngày được nên.
Ai người muốn ngồi trên Sen báu,
Tu phải dùng tâm đạo làm nguồn;
Đạo tâm suông nghiệp đời suông,
Cõi phàm qua Thánh bắt nguồn từ đây.
Tâm là gốc tạo gây vạn sự,
Lành cũng tâm mà dữ cũng tâm;
Đường về tới chốn Lôi Âm,
Tâm tìm khóa mở, tâm tầm lối đi.
Người phải tự chỉ huy tâm ấy,
Khiến tâm đi trong cái quang minh;
Mình không làm chủ được mình,
Khác nào những đám lục bình trôi sông.”
Hàng năm mùa vụ thì chỉ có một đợt, mẹ chú ăn chay không nổi nên đến giờ cơm thì bà đi sang các nhà anh chị để dùng bữa. Hơn nữa chuyện ăn uống của chú lại rất đơn giản thanh đạm, vì vậy chú tận dụng thời gian hết để lo việc tu học, đồng thời chú thường xuyên đóng góp vào các công tác từ thiện xã hội ở địa phương nhà.
Thỉnh thoảng chú có đến chùa Bửu Hòa (cách nhà vài cây số) để gặp gỡ các bạn đạo trao đổi, luận bàn về Phật pháp. Vào thời điểm đó kinh sách rất khan hiếm, vậy mà chú cũng đã sưu tầm mang về nhà tương đối nhiều: những tác phẩm trong bộ Hiển Đạo, kinh Lăng Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ… rồi chú sao chép lại để ngày đêm đọc học tu hành. Sự nỗ lực của chú rất cần mẫn tinh chuyên.
Có những khi đến mùa nước nổi chú thường neo xuồng trước bến rồi ngồi niệm Phật, hoặc trèo lên nóc nhà để ngồi niệm Phật. Người đi qua, kẻ đi lại trông thấy, có người thì khen ngợi chú tu tinh tấn, cũng có kẻ lại nghĩ chú bị chạm dây thần kinh.
Thỉnh thoảng chú cũng thường khuyên mẹ và các anh chị niệm Phật, tu hành. Có lần chú nói với người chị dâu thứ Tư:
- Mình niệm Phật thì phải nhiếp tâm, chí thành mà niệm và cũng phải hồi hướng về Tây Phương. Cũng như cái cây nghiêng về bên nào sẽ ngã về bên ấy… chị niệm Phật nếu mà không hồi hướng thì biết về đâu?
- Cái thân này cũng như chiếc thuyền! Muốn qua sông mà hủy hoại nó thì không được, còn như dung dưỡng nó cũng không được!
Thời gian tu hành trải qua 4 năm. Đến ngày 17 tháng 11 năm 1976, chú đi ruộng trong kênh Đào để thăm lúa. Chiều tối hôm đó chú sang nhà người anh thứ Tư ngồi nói chuyện với nhau, giây lát sau chú nói:
- Anh Tư à! Năm nay làm lúa có lẽ là em không có làm. Anh làm đi!
- Sao mà mày không làm?
- Bây giờ em hỏi thiệt anh nghen? Như Phật cho biết trước ngày vãng sanh anh có dám đi không?
Chú Tư cười, chưa đáp thì chú nói tiếp:
- Chắc chắn là anh không dám đi rồi chứ gì!
Nói xong cả hai đều cười rộ lên… rồi chú trở về bên nhà.
Sáng lại, khoảng 4 giờ mẹ chú không nghe động tịnh gì như thường lệ, bà bật dậy, lên tiếng hỏi, không nghe chú trả lời. Đến gần xem thì phát hiện chú đã tắt hơi, bà liền la lên, con cháu xung quanh chạy qua, thì thấy chú nằm ngửa rất ngay ngắn, hai tay vẫn còn chắp ở giữa ngực.
Khi thắp sáng hương đèn trên các ngôi thờ, người nhà phát hiện một lá thư trên bàn thờ, chiếc đèn đè lên, và bên cạnh là chiếc đồng hồ. Mọi người cùng nhau mở ra xem, thì thấy chú viết:
“NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT.
Thưa má cùng anh chị, con được ơn trên cho biết là hôm nay con được vãng sanh, nhờ lòng chí thành niệm Phật, con không muốn nói trước vì sợ tình ái làm trở ngại sự siêu thoát của mình. Thành khẩn cầu xin má hiểu cõi đời là giả tạm, có hiệp tất có tan, đó là định luật xưa nay mấy ai tránh khỏi, như con được về Cực Lạc thì má cũng vui! Nên con tha thiết cầu mong má nhớ niệm Phật và làm phước nhiều, đó là mục đích cứu cánh để được thoát khỏi cuộc đời đau khổ này. Khi con chết bao nhiêu đồ đạc của con đều để lại hết, chỉ đem theo một bộ mặc trong mình mà thôi, còn cái đồng hồ xin má đưa cho anh Út Khự để làm kỷ niệm, em thiết tha cầu khẩn anh chị thương em, là thay em nuôi má cho được chu toàn, và luôn luôn xem Kinh Giảng để giải nghĩa cho má nghe mà tu. Anh chị nên biết:
Lợi danh vật chất có huờn không,
Thể xác rồi đây cũng hoại vong.
Luyến ái bụi trần thêm lao lý,
Vui, buồn, thương, ghét thảy hoài công.
Mộng tưởng dục trần theo hơi dứt,
Vợ, chồng, con, cháu cũng hết trông
Sự sản thế điền đều bỏ lại,
Cõi đời nào khác bọt dòng sông!
Đó là cái chân lý tuyệt đối, em mong rằng anh chị và mẹ xét cho kỹ, để lo tìm cái trường tồn, vĩnh viễn. Cũng may cho em, chứ không biết tu thì kinh hồn, kinh hồn!
Lê Văn Sâu, hẹn chung vui ở Tịnh Độ.
Mong anh Tư giúp em cho phần mộ có tấm bia giá rẻ nhất, trong bia ghi: ĐẠO LÀ TẤT CẢ, LÊ VĂN SÂU CHI MỘ. Hãy giữ giấy này mà nói chuyện với chánh quyền.”
Trong thời gian này chú không có bệnh hoạn gì cả. Nhằm ngày 18 tháng 11 năm 1976, chú hưởng dương 24 tuổi.
Khuya đêm ấy những người làm đồ tể gần đó thấy ánh sáng thật lớn ở trên nóc nhà của chú. Bà Hai Bộ cũng đồng thấy ánh sáng ấy, bà kể lại với các anh chị của chú rằng:
“Hồi tối tao thấy trên nóc nhà mày một quầng sáng chiếu tia tia, đẹp lắm!”
Cuộc an táng của chú được tiến hành trong ngày, khi nhập liệm gương mặt của chú như một người đang nằm ngủ, các khớp xương đều mềm mại.
Được chứng kiến sự ra đi an lành của chú, rất nhiều người trong thân quyến và lối xóm đã phát tâm ăn chay và tinh tấn niệm Phật tu hành.
(Thuật theo lời bà Nguyễn Thị Khôn, mẹ của chú và cô Lê Thị Hiền chị dâu thứ Tư của chú.)