Ở Ấn Độ có một ngôi chùa, bên cạnh chùa có một cây tùng thuộc giống tùng
Ông Uất Bà Sa, vì thế nên người ta lấy cây đặt tên cho chùa, gọi là chùa
Cây Tùng.
Trong chùa có hơn một trăm vị tăng cư ngụ, mỗi ngày tu tập pháp chỉ
quán. Chư tăng nơi đây tu hành rất tinh tiến dũng mãnh, vì thế mà thánh
nhân chứng quả trong chùa không phải là ít.
Cách chùa Cây Tùng khoảng hai, ba dặm đường, có một bà cư sĩ tu tại gia.
Bà thành tâm cung kính cúng dường các vị xuất gia đến mức cùng cực. Bà
phát nguyện mỗi ngày thỉnh một vị tỳ-kheo đến nhà cho bà được cúng
dường, vì thế chư tăng trong chùa Cây Tùng luân phiên nhau đến nhà bà
thọ cúng. Cúng dường xong, bà còn muốn được nghe chư tăng thuyết pháp
khai thị cho, nên các vị tỳ-kheo tuổi cao đức trọng tinh thông liễu giải
Phật Pháp thì hoan hỉ chấp nhận, nhưng vì bà cư sĩ này cũng có thông
hiểu đôi chút Phật pháp nên các vị tỳ-kheo sức tu học còn ít ỏi thiếu
sót thì rất ngại không muốn đến nhà bà.
Trong chùa Cây Tùng có một vị tỳ-kheo tên là Ma Ha Lô, cuối đời mới xuất
gia, tuy tuổi rất cao nhưng sự hiểu biết về Phật Pháp rất là ít ỏi. Chỗ
thâm sâu của Pháp thì cố nhiên là mù tịt, nhưng ngay cả chỗ cơ bản tối
thiểu ông cũng không biết.
Một hôm, đến phiên ông đi thọ cúng. Ông dĩ nhiên không hề muốn đi chút
nào vì tự biết mình không đủ sức thuyết pháp khai thị cho ai. Ông từ
chối, đẩy người khác đi thế, nhưng đẩy tới đẩy lui mà chẳng ai nhận lời
đi thế ông, ai cũng bảo rằng:
– Tới phiên ông thì ông hãy đi chứ, đẩy người khác đi thế nghĩa là thế
nào?
Cuối cùng ông thầm nghĩ rằng:
– Dù sao ta cũng là tăng sĩ, là phúc điền của chúng sinh, theo lẽ phải
nhận sự cúng dường của người ta, cho người ta được dịp vun bồi ruộng
phước và trưởng dưỡng gốc thiện. Tuy ta không biết thuyết pháp, nhưng
không ai chịu đi thì tốt nhất là chính ta đi vậy.
Vị tỳ-kheo già bèn chống gậy lần mò từng bước chầm chậm lên đường. Bà cư
sĩ ở nhà chờ thật lâu, lòng nóng như lửa đốt vì đã đúng ngọ rồi mà vẫn
chưa thấy ai tới. Khó khăn lắm lão tỳ-kheo mới lại tới, bà cư sĩ ngắm
ông lão từ xa dáng điệu đạo mạo nghiêm trang, da dẻ hồng hào, đầu tóc
bạc phơ, trong lòng cảm thấy vô cùng tôn kính, vội vàng lễ lạy nghênh
đón:
– Ngài là bậc trưởng lão tuổi cao đức trọng, được ngài quang lâm tệ xá,
đệ tử cảm thấy vô cùng vinh hạnh!
Bà một lòng nghĩ rằng vị lão tăng này nhất định phải là một vị trí huệ
thâm sâu, sẽ có thể bố thí cho bà những bài pháp vi diệu vô thượng, vì
thế bà hoan hỉ khôn kể xiết, vội vàng bày ra những món ăn tuyệt mỹ nhất
để cúng dường vị lão tỳ-kheo.
Cúng dường xong, bà thỉnh vị lão tỳ-kheo ngồi lên tòa cho bà đảnh lễ, và
quỳ dưới đất, bà thỉnh ngài thuyết pháp khai thị.
Vị tỳ-kheo đăng bảo tòa rồi, trong lòng xấu hổ muôn phần, thấy mình thật
là ngu si một cách đáng thương vì không hề biết gì về Phật pháp. Không
có cách nào khác, ông thở dài một tiếng rồi nói nhỏ:
– Sự ngu si của con người đúng là gốc rễ của muôn phiền não!
Nói xong, ông bước xuống bảo tòa bỏ đi. Bà cư sĩ đang quỳ dưới đất, cảm
thấy đây là bài pháp vô thượng vi diệu nhất mà bà từng được nghe từ
trước đến nay. Bà suy nghĩ phân tích kỹ lưỡng như sau:
“Ngu si có nghĩa là vô minh, mà vô minh là căn bổn của mười hai nhân
duyên; vì có cái căn bổn vô minh này nên con người ở mãi trong bể khổ,
sinh sinh tử tử triền miên không ngừng trong luân hồi, tất cả mọi khổ
não đều do đây mà phát khởi.”
Bà cứ mãi tinh tiến tư duy như thế không ngừng nên ngay lúc ấy chứng quả
A-la-hán.
Chứng được quả vị rồi, bà cư sĩ muôn phần hoan hỉ, vào kho lấy ra một
tấm thảm dạ lớn màu trắng để cúng dường vị lão tỳ-kheo, nhưng bà tìm
khắp nơi không thấy vị này. Sự thật là vị này xuống tòa xong đã bỏ về
chùa Cây Tùng ngay, nhưng bà cư sĩ vì mãi chú tâm suy nghĩ bài pháp của
ngài ban cho nên lúc đó không nhìn thấy ngài ra về. Tìm mãi không thấy,
nên bà đinh ninh là vị này có thần thông, vội vàng mang lễ vật lên chùa
cúng dường.
Lão tỳ-kheo về chùa rồi, có người vào báo có bà cư sĩ đến tìm, ông nghĩ
bà này lại muốn nghe pháp nữa nên không chịu ra tiếp. Bà cư sĩ cứ khăng
khăng muốn gặp, nên người vào thông báo lúc nãy rất lấy làm khó xử, hỏi
bà:
– Chẳng hay bà nhất định gặp vị ấy để làm gì vậy?
– Ngài ấy đã giúp tôi giải thoát căn bổn của khổ, vì thế tôi muốn cúng
dường cảm tạ.
Khi lão tỳ-kheo biết bà không đến để đòi nghe pháp mới chịu ra nhận cúng
dường.
Qua chuyện này mới biết, dù một pháp hay tất cả pháp, khi nhân duyên hội
tụ đầy đủ, chỉ cần một câu nói là người nghe liền có được lợi lạc lớn,
một đời thọ dụng cũng không hết. Nhân duyên chưa đầy đủ thì dẫu lời nói
như hoa sen tuôn khỏi miệng cũng chỉ phí công vô ích!