Ngày xưa có một ông vua rất cưng chiều con gái của mình, cứ quấn quít
lấy con chưa từng rời xa. Khi công chúa muốn điều chi, vua luôn luôn tìm
cách để chiều lòng cô.
Một hôm, vừa mới qua một trận mưa lớn, vườn ngự uyển khoác một lớp áo
mới mẻ, tươi mát, công chúa tản bộ đến bên hồ nước giữa vườn, ngắm nhìn
mặt nước trong vắt.
Đột nhiên cô nhìn thấy trên mặt nước bắn lên rất nhiều bọt bong bóng
lóng la lóng lánh như trân châu, thật là đẹp mắt. Công chúa thích quá,
bỗng khởi lên một ý tưởng hão huyền, xoay qua nói với vua cha rằng:
– Phụ vương! Cha hãy nhìn mặt nước hồ của vườn hoa nhà mình, mấy cái bọt
bong bóng đẹp quá là đẹp! Con nghĩ mình phải vớt lên để kết thành vòng
châu cài tóc cho con trang sức, cha thấy có được không?
– Được chứ! Được chứ! Con gái cưng của cha muốn gì mà lại không được?
Nói xong, nhà vua bỗng sa sầm mặt xuống:
– Nhưng bọt bong bóng trên mặt nước là một vật hư huyễn không thật,
không cầm nắm được, làm sao mà vớt lên làm vòng châu được?
Công chúa nũng nịu nói:
– Nhưng con muốn! Con muốn là phải được!
– Con gái cưng! Con ngốc vừa thôi chứ!
Công chúa không bằng lòng, giận dỗi trả lời:
– Cái gì mà ngốc? Trên mặt nước bong bóng rành rành ra đó, làm sao không
vớt lên được chứ?
Nhà vua dùng lời ngọt ngào giải thích:
– Nhưng chúng sinh ra và diệt đi trong chốc lát, không tồn tại lâu, làm
sao vớt được?
– Con không tin! Nếu không cho con vòng châu bằng bong bóng nước, con
không muốn sống nữa!
Công chúa được cưng chiều từ bé, muốn đòi gì là phải được ngay cái ấy.
Vua cha nghe vậy thì lo sợ, lập tức triệu tập những tay thợ vàng khéo
nhất trong vương quốc và phán rằng:
– Các ông xưa nay vốn được xưng là những tay thợ tuyệt khéo, không có gì
là không làm được. Nay ta có việc này muốn nhờ các ông.
– Đại vương có gì dạy bảo, chúng thần đương nhiên sẽ tuân theo!
Các vị thợ vàng đứng thẳng người đợi lệnh:
– Các ông hãy lập tức vớt lấy bong bóng nước trong hồ, kết thành vòng
châu cho công chúa.
Các vị thợ vàng nghe thế thì kinh hoàng thất sắc, tất cả đồng tâu rằng:
– Dẫu chúng thần có tài khéo tới đâu đi nữa cũng không có cách gì vớt
bong bóng nước làm vòng châu được!
Nhà vua lớn tiếng hạ lệnh:
– Nếu các ông không làm được, ta sẽ chém đầu các ông!
Các vị thợ vàng nghe vậy ai cũng run sợ, líu lưỡi, giương tròn đôi mắt
ra nhìn nhau. Vua nổi trận lôi đình, ai mà không sợ? Nhưng trong số có
một lão thợ già nghĩ ra một kế, liền tiến lên tâu vua rằng:
– Hạ thần có thể làm được.
– Tốt quá! Ông hãy làm ngay, ta sẽ thưởng công cho ông hậu hĩ!
Nhà vua vô cùng mãn nguyện, quay sang nói với con gái rằng:
– Con có thấy ta thương con không? Ta đã không chút nề hà, tìm ra được
một người có thể vớt bong bóng nước để kết thành vòng châu cho con cài
tóc rồi đó!
– Đa tạ phụ vương! Con cũng muốn đi xem.
– Thì con hãy đi theo ông thợ mà xem.
Được phụ vương cho phép, công chúa hân hoan đi theo ông thợ già ra bên
bờ hồ, cô muốn nhìn tận mắt ông thợ sẽ làm cách nào.
Đến ven hồ, ông thợ già cung kính, khẩn khoản nói với công chúa rằng:
– Tâu công nương! Tôi già nua, mắt mờ không còn thấy rõ, từ trước đến
nay cũng không biết phân biệt bong bóng nước đẹp, xấu. Xin công nương
vui lòng tự tay chọn lựa theo ý thích, sau đó tôi sẽ kết thành vòng châu
cho công nương.
Công chúa vui vẻ nói:
– Được! Để tôi chọn!
Công chúa lập tức xắn tay áo lên, nhúng tay vào nước và mở lòng bàn tay
ra để vớt lấy bong bóng. Nhưng tay cô vừa nhúng xuống nước thì bong bóng
đã vỡ, cô làm cách nào cũng không có kết quả. Cần cù thật lâu chẳng vớt
được một cái bong bóng nào. Cô mệt mỏi, chán nản, bèn bỏ ý muốn vớt bong
bóng nước làm vòng châu, quay trở về cung.
Lúc ấy công chúa dường như thức tỉnh, nói với vua cha:
– Bọt nước sinh diệt vô thường, là thứ mà ta không giữ lâu được, con
không muốn một vòng châu như thế nữa.
Nhà vua nghe thế vui mừng mỉm cười hỏi:
– Thế thì con muốn một vòng châu như thế nào?
– Con muốn một vòng châu bằng ngọc tím để cài lên tóc, ngày đêm gì cũng
không khô héo tàn tạ, như thế tốt hơn nhiều!
– Đúng! Đó mới là một vật chân thật, không hư huyễn, ta nhất định sẽ
tặng cho con!
Công chúa rất vui lòng, lễ phụ vương mà lui đi.
Đức Phật đã dạy: “Đời người mong manh, thế gian vô thường, của cải như
bọt nước, sinh diệt trong sát-na, không giữ lâu được, không thể nương
tựa được!”
[1] Thành Xá-vệ (Śrvastỵ) thuộc nước
Kiêu-tát-la nằm ở phương bắc. Vì thời ấy ở phương nam cũng có một nước
tên Kiêu-tát-la, nên về sau người ta thường gọi nước ở phương bắc là
nước Xá-vệ để dễ phân biệt.
[2] Năm vóc: chỉ đầu và tứ chi. Phủ phục
năm vóc nghĩa là khi lạy xuống thì đầu và hai tay, hai gối chân đều mọp
sát đất. Còn có cách lạy duỗi dài thân thể để cho tay chân và đầu đều
chạm sát đất, nhằm tỏ lòng tôn kính, nhưng ở Việt Nam không phổ biến
cách lễ lạy này.
[3] Ưu-bà-di: nữ đệ tử tại gia của Phật,
thường gọi là cư sĩ nữ.
[4] Trong thời gian đức Phật vừa lập giáo
ban đầu, do những điều kiện xã hội thời đó, Ngài chưa cấm hẳn việc ăn
thịt trong chúng tỳ-kheo.
[5] Ngũ nghịch: chỉ năm tội ác nặng nhất
là: giết cha, giết mẹ, giết vị A-la-hán, phá sự hòa hợp của tăng chúng
và làm thân Phật chảy máu (hoặc làm ô uế hình tượng chư Phật, Bồ Tát).
Trong năm tội này thì A-xà-thế đã phạm đến 2 tội, vì phu nhân Vi-đề-hy
cũng bị ông hại chết.
[6] Câu chuyện này được kể chi tiết hơn
trong kinh Đại Bát Niết-bàn, cùng với những lời dạy của Đức Phật đối với
vua A-xà-thế và đại chúng trong dịp này. Quý vị có thể tìm đọc bản Việt
dịch trọn bộ kinh này (gồm 7 tập) của Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh
Tiến, NXB Tôn giáo.
[7] Ba-la-đề-mộc-xoa: tức toàn bộ giới
luật do Phật chế định, về sau được kết tập thành Luật tạng.
[8] Trong giáo pháp gọi biện pháp đối trị
này là “mặc tẫn”, tức là không còn được tiếp xúc, chuyện trò hay sinh
hoạt chung với bất cứ ai trong đại chúng.
[9] Như thị ngã văn: nghĩa là “Tôi nghe
như thế này”. Điều này nhằm khẳng định những điều ghi chép trong kinh là
được nghe từ chính kim khẩu đức Thế Tôn, không phải do người đời sau tự
đặt ra.
[10] Ưu-bà-tắc, ưu-bà-di: tức hai chúng cư sĩ
nam và cư sĩ nữ, là hàng đệ tử tại gia của Phật.
[11] Sáu đường ô trược: chỉ sáu cảnh giới mà
tất cả chúng sinh do nghiệp lực phải trôi lăn trong đó, gồm cõi người,
cõi trời, cõi a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.
[12] Là một tên khác của vua A Dục.