Lúc đức Phật ở nước Ba La Nại thuộc Ấn Độ, có một vị tỳ-kheo bị chứng
bệnh lạ, đau bụng nằm lăn lộn trên giường mà rên rỉ, đã uống bao nhiêu
loại thuốc men rồi mà vẫn không thuyên giảm, ngày lại càng đau đớn hơn.
Có một vị ưu-bà-di
[3] tên là Tô Ti đến thăm, ở bên
giường bệnh ân cần hỏi:
– Thưa thầy đau ở chỗ nào, đã uống thuốc chưa?
– Đau bụng, uống thuốc rồi.
– Thầy có muốn điều chi không?
– Chẳng muốn gì hết, chỉ muốn ăn thịt.
[4]
– Để con về bảo người nhà mang thịt đến cho thầy dùng.
Nói xong Tô Ti lập tức trở về nhà sai gia nhân ra chợ mua thịt, nhưng vì
sát sinh là một điều quốc cấm ở nước Ba La Nại, nên gia nhân đi khắp cả
phố chợ cũng không kiếm ra một miếng thịt, đành tiu nghỉu trở về tay
không.
Tô Ti ngồi trong nhà suy nghĩ, nhớ lại lời hứa của mình với vị tỳ-kheo
bị bệnh, bà không muốn thất hứa mà còn nghĩ rằng nếu vị tỳ-kheo kia mà
không có thịt ăn thì có thể chết mất không chừng! Một vị tỳ-kheo trẻ
tuổi như thế mà chết yểu, há không đáng tiếc lắm sao?
Nghĩ đến đây, bà bèn lấy dao thật bén, cắn răng chịu đau cắt một miếng
thịt đùi của mình, đưa tỳ nữ nấu nướng cẩn thận rồi mới đem đến cho vị
tỳ-kheo bị bệnh dùng. Lạ thay, vị tỳ-kheo ăn miếng thịt đùi của Tô Ti
xong thì bệnh từ từ thuyên giảm.
Nhưng vết thương của Tô Ti thì càng lúc càng đau nhức kịch liệt, bà chỉ
còn có thể nằm trên giường mà rên xiết, không thể nào cử động được.
Khi chồng bà về đến nhà, nghe tin Tô Ti bị bệnh thình lình, vừa nghi ngờ
vừa lo sợ, vội vàng chạy vào phòng vợ để hỏi nguyên do. Tô Ti không dám
giấu giếm, đem sự thật nói hết cho chồng nghe. Người chồng nghe xong,
vừa vui vừa kính nể mà nói:
– Tô Ti! Ta vô cùng cảm phục lòng tôn kính sa-môn của phu nhân. Do phu
nhân có lòng tin vững chắc nên mới có được nhiều nghị lực như thế. Dám
bố thí thịt đùi của chính bản thân mình là một chuyện khó nhẫn mà phu
nhân nhẫn được, sức mạnh đó không phải do từ lòng tin kiên cố của phu
nhân mà ra sao? Ta tin chắc rằng bệnh của vị tỳ-kheo kia nay đã lành nhờ
công đức phát tâm của phu nhân.
Khuôn mặt của người chồng trầm ngâm trong giây lát, ông nói tiếp:
– Nhưng vết thương của phu nhân lại đau đớn như thế, điều này thật là
không ổn.
Tô Ti yếu ớt trả lời:
– Vâng, vết thương của thiếp càng lúc càng đau đớn, sợ rằng sẽ nguy tới
tính mệnh, nhưng thiếp đã không màng tới chuyện sinh tử. Đời người căn
bản là vô thường, có sinh tất nhiên phải có tử, không ai có thể trốn
thoát được cái chết. Tuy nhiên thiếp hy vọng trước khi nhắm mắt có dịp
chiêm ngưỡng thánh nhan của đức Phật, đem thức ăn quý giá nhất cúng
dường Ngài, nhờ công đức này kiếp sau thiếp sẽ sinh được về chỗ tốt đẹp.
Người chồng nghe xong nguyện ước của vợ liền sẵn sàng chấp thuận, một
mặt chuẩn bị cúng dường, một mặt sai người đi cung thỉnh đức Phật đến
nhà mình thọ cúng. Đức Phật hoan hỉ nhận lời.
Ngày hôm sau đức Phật và chư tỳ-kheo đắp y, ôm bình bát đến nhà Tô Ti
thọ cúng. Sau khi gia chủ dâng trà nước, đức Phật hỏi:
– Sao ta không thấy bà Tô Ti ra đây?
– Bà ấy đang nằm trên giường bệnh, không ngồi dậy ra bái kiến Thế Tôn
được, xin Thế Tôn từ bi xá tội.
Đức Phật trang nghiêm trầm tĩnh nói:
– Nhưng ta rất muốn gặp bà ấy.
– Vâng, thế thì để con đi gọi.
Người chồng tuy biết vợ mình không còn đủ sức để ngồi dậy được, nhưng
nhìn vẻ uy nghi từ mẫn của đức Phật, bất giác ông ngoan ngoãn vâng lời,
quay lưng chạy vào phòng Tô Ti hổn hển nói:
– Thế Tôn muốn gặp mặt phu nhân.
– A! Thế Tôn gọi tôi ra à?
Tô Ti nói xong, bỗng có một sức mạnh thần kỳ làm cho bà bỗng nhiên ngồi
bật dậy, sự đau đớn trong người bỗng tan biến trong khoảnh khắc, vết
thương tuy chưa lành nhưng bà đi đứng lại như thường, hai vợ chồng đều
hết sức kinh ngạc.
Tô Ti đến trước mặt Phật đảnh lễ, đức Phật nhìn Tô Ti một cách từ bi và
dạy rằng:
– Tô Ti! Bà muốn thực hiện cái đức tính tốt đẹp của giới không vọng ngữ
nên mới bố thí thịt đùi của mình, nhưng bà phát tâm một cách đơn giản
quá, làm như thế là không đúng! Phàm việc bố thí, học đạo hay tu hành
đều không được tự làm khổ, không được tự làm đau, không được làm khổ não
người khác. Có thế mới là làm theo chính đạo, mới thành tựu được.
Giáo huấn giản dị của đức Phật đi thẳng vào tâm bà, khiến Tô Ti giác ngộ
được rằng việc tu hành, việc làm công đức đều phải nương theo đạo lý của
Phật pháp mà làm, và không thể so sánh quả báo to lớn của việc thiện làm
theo pháp Phật với việc thiện làm theo pháp thế gian.
Đức Phật trở về, tập họp đại chúng tăng đoàn và hỏi vị tỳ-kheo có bệnh:
– Bà Tô Ti có đem thịt đến cho ông không?
– Thưa có.
– Ông có ăn miếng thịt ấy không?
– Thưa đã ăn rồi.
Trước vẻ tôn nghiêm của đức Phật, vị tỳ-kheo nọ không dám nói dối.
– Khi ăn thấy vị của nó như thế nào?
– Thưa rất ngon! Từ bé đến giờ con chưa bao giờ ăn một miếng thịt tươi
ngon như thế!
Vị tỳ-kheo này hoàn toàn không biết xuất xứ của miếng thịt nên trả lời
một cách chân thành vô tư, không chút tàm quý. Đức Phật nghiêm nghị nói:
– Thật là ngu si, ông đã ăn thịt người rồi đó!
Như sấm sét nổ ngang trời, vị tỳ-kheo không thốt được lời nào, ân hận
mãi không thôi.
Từ đó về sau, đức Phật liền chế định việc người xuất gia hoàn toàn không
được ăn thịt.
Ăn thịt là làm đứt đoạn mất giống đại bi, chúng sinh nào cũng có tính
Phật, người chân chính tu công đức vạn hạnh làm sao có thể nỡ lòng ăn
thịt chúng sinh?