Trưởng giả Tu-đạt tại thành Xá Vệ nước Ấn Độ là một vị “đại thí giả”, hễ
có người nghèo khổ bần cùng đến cầu xin ông cứu giúp, ông liền làm cho
người ấy được toại ý. Nhất là đối với Tam bảo thì ông lại càng cung kính
tôn thờ, thường cúng dường đức Phật và chư tăng.
Trong nhà ông trưởng giả Tu-đạt có một bà lão bộc làm công, rất trung
thành với chủ và làm việc rất siêng năng nên được trưởng giả một lòng
tín nhiệm. Chìa khóa nhà kho, vựa lúa đều do một tay bà nắm giữ.
Bà lão bộc này tính nết rất keo kiết, mỗi khi thấy chủ nhân lấy từ kho
ra bao nhiêu là tiền bạc của cải để bố thí cho người là trong lòng bà
không khỏi cảm thấy tiếc rẻ.
Nhưng điều làm cho bà bất mãn hơn cả là lúc bà thấy đức Phật và chư vị
đệ tử đến nhà trưởng lão thọ cúng dường. Bà thấy lúc đó trưởng giả vô
cùng nhiệt thành, hoan hỉ nghênh tiếp và cúng dường đức Phật. Tâm ganh
tị như thiêu như đốt khiến bà ghét đức Phật thậm tệ. Có một hôm bà còn
lập ác nguyện rằng:
– Tôi vĩnh viễn không muốn thấy mặt Phật, không muốn nghe ông ta thuyết
pháp, cũng không muốn thấy mặt mấy ông tỳ-kheo.
Thật là chuyện tốt không ai hay, mà chuyện xấu thì ai cũng biết, nên tin
bà lão bộc phát ác nguyện chẳng mấy chốc lan truyền khắp mọi nơi.
Lúc ấy, hoàng hậu Mạt Lợi nghe kể lại, rất lấy làm phật ý. Hoàng hậu
biết trưởng giả Tu-đạt là một vị Phật tử thuần thành, thì làm sao lại
dung dưỡng trong nhà một bà nô bộc bất kính Tam bảo như thế? Do đó,
hoàng hậu hạ lệnh bắt trưởng giả phải cho bà mượn bà lão bộc đến hoàng
cung giúp việc nhân dịp bà lập đàn trai cúng dường đức Phật.
Dĩ nhiên là trưởng giả Tu-đạt không dám trái lệnh hoàng hậu, hơn nữa mục
đích lại là giúp cho việc cúng dường đức Phật thì ông lại càng vui lòng
hơn nữa. Trưởng giả lập tức dùng mâm vàng đựng đầy trân châu, sai bà lão
bộc đem đến hoàng cung để cúng dường đức Phật.
Hoàng hậu ra ý, chủ nhân truyền lệnh, bà lão bộc đâu dám không tuân! Khi
phu nhân Mạt Lợi thấy bà lão bộc này, bà nghĩ phải thỉnh đức Phật dạy dỗ
con người tà kiến như thế mới được!
Bà lão bộc đem trân châu đến dâng lên hoàng hậu rồi, vừa mới quay người
tính lui đi thì đức Phật từ cửa chính bước vào, theo sau là các vị đệ tử
của Ngài. Thấy đức Phật bước vào bà lão đâm ra bối rối, cất bước lên
tính trốn bằng cửa sau, thì quái lạ thay, đức Phật cũng lại từ cửa sau
bước vào. Lần này bà cuống cuồng lên, tính chạy bằng cửa bên hông nhà,
nhưng cũng lại thấy đức Phật đứng ngay ở ngưỡng cửa bên hông. Bà lão bộc
thấy bốn phương tám hướng đâu đâu cũng có đức Phật và chư vị đệ tử đứng,
bà tiến hay lùi gì cũng không được nữa, đành phủ phục xuống đất. Nhưng
ngay trên mặt đất bà cũng vẫn thấy tôn tượng của Thế Tôn.
Bà vội vàng dùng hai bay bịt kín lấy mắt, để mắt mình không gặp hình ảnh
của đức Phật nữa. Nhưng trong khoảnh khắc, mười ngón tay của bà đều hiện
lên hình Phật. Bà không cần biết hậu quả ra sao, ba chân bốn cẳng chạy
về, trốn vào một căn nhà nhỏ, những tưởng là sẽ không còn thấy đức Phật
nữa. Nhưng vẫn như trước, trong gian phòng đen tối ấy, đâu đâu cũng có
đức Phật nên bà lão bộc rất lấy làm đau khổ.
Lại nói đến đức Phật Thích-ca Mâu-ni ở hoàng cung, Ngài không nói gì về
thái độ vô lễ của bà lão bộc, chờ thọ cúng xong mới nói với La-hầu-la:
– Bây giờ con có thể đi hóa độ cho bà lão ban nãy. Bà ấy với con có nhân
duyên lớn, bà ấy sẽ tiếp đón con nồng hậu và sẽ chấp nhận sự giáo hóa
của con.
Tôn giả La-hầu-la vâng lời đức Phật đi ngay, đến nhà bà lão bộc nọ rồi
đứng trước nhà kêu cửa.
Bà lão đang trốn trong nhà, chợt nghe một giọng nói hòa nhã thân thiết
bèn vội vàng chạy ra mở cửa nhìn xem là ai. Có lẽ trong lòng còn hoảng
hốt, lại hoa mắt nên thấy ngài La-hầu-la bà ngỡ là người từ cõi trời
xuống.
Bà lễ lạy và đối xử với La-hầu-la như thần thánh. Tôn giả bèn dùng thái
độ trang nghiêm thuyết cho bà lão nghe pháp Thập thiện.
Bà lão nghe rồi, hối hận những lỗi lầm đã tạo trong quá khứ, và nói:
– Ngài là chúa tể cõi trời, ngài quả là cao cả, vì thế nhân chúng con mà
thuyết Thiện pháp vi diệu để lợi lạc chúng sinh, ngài thật là phi thường
hơn mấy ông tỳ-kheo kia nhiều!
Lúc ấy, ngài La-hầu-la biết bà đã bớt tâm ngã mạn, mới trả lời:
– Pháp của Phật mới là thanh tịnh, mới là từ bi quảng đại. Pháp mà tôi
mới nói ban nãy là do thầy tôi dạy. Phận tôi nhỏ nhoi không đáng kể, làm
sao so sánh với bậc đại thánh Như Lai được?
Lão bà nghe những lời ấy, định thần nhìn kỹ lại ngài La-hầu-la, lúc đó
mới tàm quý hổ thẹn không biết làm sao để chui xuống đất. Bà hối hận, bà
tự trách, rồi bà khẩn cầu ngài La-hầu-la giúp bà sám hối với đức Phật và
can thiệp cho bà được xuất gia.
Phật pháp vốn bình đẳng, giữa người cao sang như vua chúa hay người bần
tiện như nô tỳ không hề có sự sai khác.
Bà lão bộc nọ, sau khi đến trước mặt Phật sám hối rồi, bèn xuống tóc
xuất gia làm tỳ-kheo ni.
Bà chuyên tâm tu học nên chứng được quả vị rất mau lẹ. Có người thấy
thế, bèn đến xin đức Phật thuyết giảng về nhân duyên quá khứ của bà lão
bộc này. Phật dạy:
– Vào thuở xa xưa, thời Phật Bảo Cái Đăng Vương có một vị thái tử xuất
gia học đạo với Như Lai. Thật ra, vị hoàng tử này tu hành trì giới rất
tinh chuyên, nhưng lại lầm lạc theo đường tà. Về sau hoàng tử gặp một vị
tỳ-kheo, vị tỳ-kheo này thuyết pháp dẫn đạo rất hay, nhưng hoàng tử
không những không tán thán còn đem lời phỉ báng, bởi vì tuy trì giới
nhưng lại rất ngã mạn tà kiến. Do đó chết rồi đọa ác đạo, chịu đủ hết
mọi sự thống khổ trong địa ngục, nay tuy sinh thân người nhưng lại chịu
phận nô bộc.
Vị hoàng tử thời nọ chính là bà lão bộc trong kiếp này và vị tỳ-kheo bị
hủy báng kia chính là ta trong quá khứ.
Các vị đệ tử của đức Phật nghe xong, họ thấy rõ ràng là không thể tạo
khẩu nghiệp, nhất là hủy báng người khác, vì quả báo xấu xa của tội này,
dẫu có tu hành trì giới cũng không ngăn chận được.