Cách thành Xá Vệ không xa có một khu vườn hoa, tên là vườn Kỳ thọ Cấp Cô
Độc. Trong vườn cây cối sum sê, cỏ hoa ngào ngạt hương, có phòng ốc,
giảng đường đồ sộ. Đây chính là đạo tràng mà trưởng giả Cấp Cô Độc đã
hợp sức với thái tử Kỳ-đà dâng lên đức Phật, và Thế Tôn thường thuyết
pháp tại nơi này.
Cũng tại nơi này, không biết bao nhiêu chúng sinh cõi trời, cõi người đã
được cứu độ.
Có một hôm, một luồng ánh sáng cát tường huy hoàng bỗng chiếu thẳng tới
thiên cung. Thái tử Bích La tại thiên cung biết ngay đây là điềm báo đức
Phật sắp thuyết pháp nên không dám chần chờ, lập tức cưỡi luồng từ quang
ấy và trong chớp mắt đã đến vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc, lễ bái đức Phật và
yên lặng đứng sang một bên chờ đợi.
Pháp hội đã bắt đầu, thái tử Bích La đứng dậy, cung kính chắp tay thưa
với đức Phật rằng:
– Thế Tôn! Từ quang bi nguyện của Như Lai đã làm lợi lạc cho chúng sinh
cùng khắp, công đức vĩ đại ấy con tán thán không bao giờ cùng tận! Hôm
nay con có một câu hỏi, thỉnh cầu Thế Tôn giải đáp cho con.
Đức Phật nói:
– Tốt lắm, ông có điều chi cứ hỏi, ta sẵn sàng trả lời cho ông.
Thái tử Bích La mừng rỡ bạch rằng:
– Bạch Thế Tôn! Làm người trong khắp cả thiên hạ, ai cũng ôm ấp đầy
những mong muốn: muốn mình được khoẻ mạnh không ưu sầu, không bệnh hoạn,
muốn con cháu đầy nhà, quyền cao chức trọng, lại muốn ăn ngon mặc đẹp...
rồi ngồi đó mà chờ những thứ ấy rơi vào tay mình!
Kỳ thật, làm gì có chuyện không làm gì mà được tất cả? Một người không
chịu làm việc, vĩnh viễn không thu hoạch được gì hết! Cái mà họ gặt hái
được trái lại là khổ nhiều vui ít. Thế Tôn! Trong cõi thế giới tam thiên
đại thiên rộng lớn vô biên này, có bao nhiêu người đạt được những vui
thú hay sự bình an mà họ mong cầu? Phật là bậc Đại giác, thỉnh Ngài cho
con biết tại sao cuộc đời lại như thế?
Đức Phật khen ngợi mà trả lời rằng:
– Điều ông muốn nói là muốn cầu phúc báo thì có phương pháp để được phúc
báo, song nếu cầu không đúng cách thì dĩ nhiên không đạt được gì hết.
Ông nên biết, bất kỳ ở cõi trời hay cõi con người, điều tốt hay xấu mà
tự mình đã làm nên thì cũng sẽ do tự mình gánh vác lấy. Chờ khi nghiệp
báo tới lúc trổ quả thì trốn không thoát mà ai thay thế cho cũng không
được. Một ngươi tạo nghiệp lành thì sẽ được phúc báo, còn giả như một
người làm ác bằng đủ mọi cách, thì sẽ gặt hái toàn là tai họa. Đó là
nhân quả, không có ai do may mắn mà được quả phúc, cũng không có ai gặp
nguy nàn một cách vô cớ. Họa và phúc đều do nhân quả như cái bóng theo
ta bén gót, như âm thanh vừa phát ra thì tai ta liền có phản ứng.
– Thưa vâng, Thế Tôn! Con nghĩ tới một câu chuyện xưa, cũng đúng như
vậy, trong đời quá khứ, con nhớ lúc còn làm một vị vua trong loài người,
vì rõ biết nhờ đã có thực hành bố thí nên mới được hưởng phước báo, quốc
gia của con mới thịnh vượng, nhân dân mới an lạc như thế. Một hôm, con
lại nghĩ, đời người vốn ngắn ngủi, nên lợi dụng lúc còn thì giờ mà thực
hành bố thí và làm chút gì lợi ích cho chúng sinh, hầu gieo trồng hạt
giống phúc đức cho tương lai của chính mình.
Vì thế nên vào buổi lâm triều sớm, khi quần thần đã tụ tập đầy đủ, con
nói với họ rằng:
– Trẫm muốn bố thí sâu rộng trong quần chúng nên cần có một cái trống
lớn, mỗi khi gióng trống lên thì tiếng của nó phải vang xa tới một trăm
dặm để cho người ở xa có thể nghe thấy mà mau đến nhận bố thí. Ai tạo
cho trẫm được một cái trống như thế, trẫm sẽ trọng thưởng.
Quần thần ai nấy đều im lặng suy nghĩ, vì điều con đòi hỏi không giản dị
chút nào. Thật lâu sau, bỗng nhiên có một vị quan đứng dậy tâu:
– Để đáp hồng ân của bệ hạ từ bi cứu tế muôn dân, thần xin nguyện cố
gắng hết sức mình để đảm nhiệm việc này.
Đó là một vị đại thần tên là Khuông Thượng. Mọi người ai cũng kính phục
lòng trung tín cũng như tài năng của ông, nên họ đồng thanh tiến cử ông
lên cho con. Con cũng vui mừng tán thưởng:
– Thế thì hay quá!
Nhưng Khuông Thượng tiến lên tâu rằng:
– Tuy nhiên, có lẽ phải cần rất nhiều tiền mới làm nên chuyện.
Con ra lệnh cho mở ngân khố quốc gia, và nói:
– Điều đó không thành vấn đề, khanh cần bao nhiêu cứ tự tiện lấy mà chi
dùng.
Khuông Thượng bèn lấy trong kho nào tài sản, lương thực, tất cả những gì
cần thiết cho đời sống, rồi cho người lấy xe chở hết ra ngoài cung
thành, chia ra từng món phẩm vật khác nhau, xong lại phái người đi khắp
nơi truyền rao và dán cáo thị cho dân chúng biết: “Nhờ hồng ân của hoàng
thượng, những ai nghèo khó, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, đều có thể
đến đây nhận sự trợ giúp.”
Ngoài ra, ông phái sứ giả đức độ tài giỏi đem phẩm vật cần thiết hằng
năm cho các vị sa-môn và bà-la-môn, tùy tháng, tùy chỗ, tùy thời mà phân
phát.
Từ xa tới gần, một đồn mười, mười đồn trăm, dân chúng trong cả nước ai
ai cũng nghe tin ấy, và ai ai cũng không quản lặn lội đường xa nhắm
hướng kinh thành mà đi. Cho đến dân chúng trong những nước lân cận cũng
nhập theo đoàn người đi nhận vật trợ tế. Những nước nhỏ nghèo đói thì
cảm động trước sự từ bi đức độ của con, nên đua nhau đến xin quy phục.
Mỗi ngày, trước mặt cung thành, khung cảnh náo nhiệt như buổi họp chợ,
trẻ già lớn bé dìu dập liên tục tới nhận lãnh của bố thí, tay ôm tay
xách rất nhiều thứ, họ không ngừng hướng về vương cung lạy tạ, và cũng
không ngừng tán thán sự nhân đức của nước con:
– Hỡi quốc vương nhân từ! Ngài thương yêu bảo bọc chúng thần như cha mẹ,
chúng thần nguyện sẽ mãi mãi ủng hộ ngài, để mãi mãi được che chở dưới
sự cai trị nhân đức của ngài.
Qua một năm, con gặp lại Khuông Thượng, hỏi xem ông ta làm cái trống tới
đâu rồi, ông đáp:
– Tuân lệnh bệ hạ, thần đã làm xong từ lâu rồi!
Con sửng sốt hỏi lại:
– Thế sao ta không nghe tiếng trống bao giờ cả?
– Kính thỉnh bệ hạ lên xa giá ra ngoài thành khảo sát, chắc chắn ngài sẽ
nghe trống pháp của Phật vang xa. Không phải chỉ một trăm dặm mà thôi,
tới ngàn dặm cũng còn nghe được.
Khuông Thượng cúi đầu tâu lên.
Con bèn lên xa giá cùng thị vệ ra khỏi cung điện khảo sát. Thị trấn nào
cũng sầm uất tấp nập, nhân dân sống trong sung túc, người nào cũng có vẻ
rỡ ràng hạnh phúc, và ai ai cũng cảm tạ ân đức của con. Tự mắt mình
chứng kiến điều đó làm cho con rất ngạc nhiên, hỏi Khuông Thượng rằng:
– Nước chúng ta đông dân đến thế ư? Mà tại sao họ lại vui mừng đón tiếp
ta một cách nồng hậu như thế?
Khuông Thượng đáp:
– Năm ngoái thần tuân chỉ dụ của hoàng thượng đúc được cái trống to, với
mục đích loan truyền rộng rãi trong quần chúng ý muốn từ bi hành đại bố
thí của hoàng thượng. Nhưng thần tự nghĩ, làm sao một khúc gỗ khô cùng
một tấm da thú có thể nói lên được đức độ của hoàng thượng? Hoàng thượng
đã trao cho thần toàn quyền, thì thần tự làm theo ý mình, tức là đem của
cải tài sản từ ngân khố quốc gia, tuyển người hiền đức tài năng đúng
thời, đúng chỗ mà đem phân phát trong tăng đoàn, thay mặt hoàng thượng
cúng dường chư tăng không hề gián đoạn để duy trì Chính pháp. Muốn cho
quốc gia cường thịnh, nhân dân an lạc, thần nghĩ duy chỉ có một cách là
làm cho Phật pháp vĩnh viễn lưu truyền trong nhân gian, lấy Phật pháp
làm sáng đẹp nhân tâm thì thế gian tự nhiên biến thành tịnh độ. Một mặt
lại đem tài vật ra bố thí cho người nghèo khó bần cùng trong nước, từ xa
tới gần, cho đến cả những nước nhỏ lân cận nghe tin ấy cũng mau đến xin
bố thí, họ cảm động trước nhân đức của hoàng thượng nên đồng đến xin quy
phục. Có kẻ từ trăm dặm, từ ngàn dặm, mà cũng có kể đã từ vạn dặm đường
xa mà đến. Nay hoàng thượng có thể tự chứng kiến sự mừng vui của dân
chúng, đã tự tai nghe họ tán tụng ngài, đó là vì thần đã áp dụng nguyên
tắc của “trống pháp” mà đúc trống cho hoàng thượng.
Đức Phật nghe thiên cung thái tử Bích La kể xong, hoan hỷ nói:
– Ông và ta giống nhau, lúc trước trên đường hành đạo, ta gặp ma nạn
không ít mà gặp người hộ trì cũng nhiều. Ta có ân với người, người cũng
có ân với ta, muốn được mọi sự như ý thì phải thi ân thật nhiều cho
người khác!
Thái tử Bích La nghe thế cảm động khôn cùng, thì ra sinh nơi cõi trời
rồi mà vẫn còn phải thực hành bố thí sâu rộng.