Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 21 »»

Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 21

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.67 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.78 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luật Tứ Phần

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 |
Việt dịch: Thích Đỗng Minh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích
ĐiỀU 41[56]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chư Tăng cúng dường cơm vào ngày mai. Trong đêm sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng đến thọ thực.
Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo phồng má mà ăn,[57] cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ, ăn giống như con khỉ.»
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu Tăng tỳ-kheo như trên, cho đến:
«Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không phồng má mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.[58]
Trong đây, ăn phồng má tức là đưa thức ăn vào khiến cho hai má phồng lên, giống như tướng trạng của con khỉ. Nếu cố ý làm cho đầy miệng bằng thức ăn, khiến cho hai má phồng lên, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó; hoặc gần qua giữa ngày, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn nên phải ăn vội thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 42[59]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon bổ, vào sáng ngày mai. Trong đêm sửa soạn đủ tất cả, sáng sớm đến thỉnh chư Tăng đến thọ trai.
Các tỳ-kheo đắp y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn. Nhóm sáu tỳ-kheo nhai cơm có tiếng, cư sĩ cơ hiềm, nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Ăn giống như heo, chó, lạc đà, lừa, chim, quạ!»
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu [706a1] dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao nhai thức ăn có tiếng?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trước, cho đến câu «Từ nay về sau ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nhai thức ăn có tiếng,[60] thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo cố ý nhai thức ăn có tiếng, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố tâm làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Hoặc có chứng bệnh thế nào đó; hay ăn cơm khô, cơm cháy, mía, dưa, xoài, trái diêm-bặc, bồ đào, hồ đào, ty đào lê, phong lê… thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 43[61]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon. Trong đêm sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến thỉnh các tỳ-kheo đến thọ trai.
Các tỳ-kheo đắp y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn. Nhóm sáu tỳ-kheo lua húp cơm canh có tiếng.[62] Cư sĩ cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không có tàm quý… cho đến câu ăn như heo, chó, lạc đà, bò, lừa, chim, quạ!»
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này tập hợp đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-[708a1]kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trước, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nên húp thức ăn có tiếng mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni*.
Trong đây, húp thức ăn có nghĩa là trương miệng lớn từ xa húp thức ăn vào. Nếu tỳ-kheo cố ý húp thức ăn có tiếng phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc thời có mắc chứng bệnh thế nào đó; hay miệng bị đau, hoặc ăn canh, ăn lạc, lạc tương, tô-tỳ-la tương, hay rượu đắng; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 44[63]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon vào ngày mai. Trong đêm chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến thỉnh chư Tăng đến thọ trai.
Các tỳ-kheo mặc y, bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến các ngài. Nhóm sáu tỳ-kheo le lưỡi ra liếm thức ăn. Cư sĩ cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không có tàm quý… cho đến ăn như heo, chó, lạc đà, bò, lừa, chim, quạ!»
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo (…) rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trên, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nên lấy lưỡi liếm thức ăn,[64] thức-xoa-ca-la-ni*.
Lấy lưỡi liếm: tức là dùng lưỡi đưa ra để thu lấy thức ăn.
Nếu tỳ-kheo cố ý le lưỡi liếm thức ăn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc vì mắc bệnh như vậy, hoặc bị trói, hoặc tay bị bùn, hay đất nhớp, mồ hôi tay nên lấy lưỡi liếm thức ăn; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 45[65]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon vào ngày mai. Trong đêm sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng đến thọ trai.
Các tỳ-kheo mặc y, bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân sớt thức ăn đến các ngài. Khi ấy có vị trong nhóm sáu tỳ-kheo rảy tay[66] khi ăn. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không có hổ thẹn… cho đến ăn như nhà Vua, như Đại thần của Vua!»
Bấy giờ các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... cho đến câu «Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nên rảy tay khi ăn, thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo cố ý rảy tay phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có bệnh thế nào đó, hoặc trong thức ăn có cỏ, có trùng, hoặc trong tay có bất tịnh muốn rảy bỏ đi, hoặc lúc chưa ăn tay xúc chạm vật không sạch cần rảy; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 46
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon vào ngày mai. Trong đêm chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng đến thọ trai.
Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân sớt thức ăn đến các tỳ-kheo. Khi ấy có nhóm sáu tỳ-kheo lượm thức ăn rơi mà ăn. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không có tàm quý, … ăn như gà, như chim, quạ.»
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách (…) rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trước, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nên tay nhặt thức ăn rơi mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni*.
Cơm rơi: Là cơm đã rớt dưới đất.
Nếu tỳ-kheo cố ý lượm cơm rơi ăn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm, phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh như vậy, hoặc khi ăn có cỏ, có trùng, hoặc có vật gì bất tịnh, hoặc lúc chưa ăn có cái gì cần bỏ, không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 47[67]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon vào sáng ngày mai. Trong đêm chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng phó trai.
Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân sớt thức ăn đến các ngài. Khi ấy có nhóm sáu tỳ-kheo lấy tay không sạch bưng đồ đựng nước uống. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không có xấu hổ… cho đến dùng tay không sạch cầm đồ đựng nước uống, giống như Vua, Đại thần của Vua.»
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trên, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tay dơ không nên cầm đồ đựng nước uống, [709a1] thức-xoa-ca-la-ni*.
Trong đây, tay dơ có nghĩa là có cơm dính nơi tay.
Nếu tỳ-kheo cố ý dùng tay dơ cầm đồ đựng thức ăn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc là mắc phải chứng bệnh như vậy, hoặc nhận thức ăn trên cỏ, trên lá thì rửa tay nhận; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 48[68]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có nhóm sáu tỳ-kheo tại nhà cư sĩ ăn xong rửa bát, đổ nước rửa bát, có cả thức ăn dư, bừa bãi ra đất. Cư sĩ thấy vậy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không có xấu hổ… (cho đến) nhận nhiều thức ăn như kẻ đói khát, để rồi vất bỏ bừa bãi như Đại thần của Vua!»
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách (…) rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trên, cho đến câu «Từ nay về sau ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nên đổ nước rửa bát[69] trong nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.
Nước rửa bát: ở đây có nghĩa là nước có lẩn cơm và những thức ăn còn thừa.
Nếu tỳ-kheo cố ý đổ nước rửa bát trong nhà bạch y, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố y làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh thế nào đó, hoặc là rửa mâm, bàn, rồi hứng lấy nước ấy đem đổ ra ngoài; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 49[70]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đại tiểu tiện và khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không có hổ thẹn, bên ngoài tự xưng là ta biết chánh pháp. Như vậy có gì là Chánh pháp? Đại tiểu tiện và khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi, giống như heo, chó, lạc đà, bò, lừa.»
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trước, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vậy:
Không được đại tiểu tiện, khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi, thức-xoa-ca-la-ni*.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo bệnh, mệt nhọc không thể tránh chỗ rau cải và cỏ tươi được. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo bệnh, không phạm.»
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Không được đại tiểu tiện, khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi, trừ bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
Nếu tỳ-kheo không bệnh cố ý đại tiểu tiện và khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố tâm làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh thế nào đó, hoặc đại tiểu tiện nơi chỗ không có rau cải và cỏ tươi mà nước chảy đến nơi đó, hay gió thổi, chim ngậm rớt nơi có rau cải hay cỏ tươi; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 50[71]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đại tiểu tiện và khạc nhổ trong nước. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là Chánh pháp? Đại tiểu tiện trong nước giống như heo, chó, bò, lạc đà, lừa.»
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo (…) rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trên, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được đại tiểu tiện, khạc nhổ trong nước, thức-xoa-ca-la-ni.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc ấy có tỳ-kheo bệnh, nếu tránh chỗ có nước để đại tiểu tiện và khạc nhổ thì hơi khó nhọc. Đức Phật dạy:
«Người bệnh không phạm.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Không được đại tiểu tiện, khạc nhổ trong nước, trừ bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.
Nếu tỳ-kheo cố ý đại tiểu tiện, khạc nhổ trong nước, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý, phạm đột-kiệt-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh như vậy, hoặc là đại tiểu tiện trên bờ sông rồi rơi vào dòng nước, hoặc bị gió thổi, chim ngậm bay đi rơi rớt vào trong nước; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 51[72]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đứng đại tiểu tiện. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là Chánh pháp? Đại tiểu tiện mà đứng, giống như bò, ngựa, heo, dê, lạc đà.»
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo (…) rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được đứng đại tiểu tiện, thức-xoa-ca-la-ni*.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có tỳ-kheo bệnh, không thể ngồi để đại tiểu tiện vì mệt nhọc. Đức Phật dạy:
«Người bệnh thì không phạm.»
Từ nay trở về sau nên nói giới như vầy:
Không được đứng đại tiểu tiện, trừ bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
Nếu tỳ-kheo cố ý đứng đại tiểu tiện, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý, [710a1] phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh như vậy, hoặc bị trói buộc, hoặc nơi chỗ đứng bị nhớp, bùn nhơ; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 52[73]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có nhóm sáu tỳ-kheo nói pháp cho người vén ngược y không cung kính.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu «Từ nay về sau ta vì các Tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được nói pháp cho người vén ngược y không cung kính, thức-xoa-ca-la-ni*.
Bấy giờ các tỳ-kheo nghi không dám nói pháp cho người bệnh mà họ vén ngược y. Đức Phật dạy:
«Người bệnh thì không phạm.»
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Không được nói pháp cho người vén ngược y không cung kính, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo cố ý nói pháp cho người lật ngược y không cung kính, không bệnh, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc bị chứng bệnh thế nào đó, hoặc vì nhà Vua hay Đại thần của nhà Vua mà nói thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 53
Không được nói pháp cho người quấn y nơi cổ, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 54[74]
Không được nói pháp cho người trùm đầu,[75] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni *.
(như trên)
ĐiỀU 55[76]
Không được nói pháp cho người quấn đầu,[77] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 56[78]
Không được nói pháp cho người chống nạnh, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 57[79]
Không được nói pháp cho người mang dép da,[80] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 58[81]
Không được nói pháp cho người mang guốc gỗ,[82] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 59[83]
Không được nói pháp cho người cởi xe cộ,[84] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 60
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có nhóm sáu tỳ-kheo ngủ nghỉ trong tháp Phật.
Các tỳ-kheo thấy, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao ngủ nghỉ trong tháp Phật?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu «Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không đươc ngủ nghỉ trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy, có tỳ-kheo nghi, vì để giữ tháp vẫn không dám ngủ trong tháp Phật. Đức Phật dạy:
Vì bảo vệ tháp thì không phạm. Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Không được ngủ nghỉ trong tháp Phật, trừ vì canh giữ, thức-xoa-ca-la-ni*.
Nếu tỳ-kheo cố ý ngủ nghỉ trong tháp Phật, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la, Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc vì mắc chứng bệnh thế nào đó, hoặc vì bảo vệ mà ngủ nghỉ, hoặc vì sức mạnh bắt, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn nên phải ngủ nghỉ; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 61
Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có nhóm sáu tỳ-kheo cất dấu tài vật trong tháp Phật.
Các tỳ-kheo biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trên, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các Tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vậy:
Không được cất dấu tài vật của cải trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có tỳ-kheo nghi, vì để bền chắc vẫn không dám chứa cất của cải trong tháp Phật. Đức Phật dạy:
«Vì bảo đảm thì không phạm.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Không được chôn dấu tài vật trong tháp Phật, trừ để cho bền chắc , thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo cố ý đem của chôn dấu trong tháp Phật, trừ vì muốn chắc chắn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó, hay vì bảo đảm chắc chắn nên đem của cải chôn cất trong tháp Phật, hoặc vì cường lực bắt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 62
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo mang guốc dép vào trong tháp Phật.
Các tỳ-kheo thấy, trong đó có vị thiểu dưc tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao các thầy mang guốc dép vào trong tháp Phật?»
Các tỳ-kheo quở trách rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trên, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được mang dép da vào trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo cố ý mang dép da vào trong tháp Phật, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm [711a1] đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 63
Không được tay cầm giày dép da vào trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 64.
Không được mang giày dép da đi quanh tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 65.
Không được mang giày phú-la[85] vào trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 66.
Không được xách giày phú la vào trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 67.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo ngồi ăn dưới tháp, ăn xong lưu lại thức ăn thừa và cỏ rác, làm dơ đất, rồi bỏ đi.
Các tỳ-kheo thấy, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được ngồi ăn dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni*.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo làm tháp rồi thí thực, làm phòng rồi thí thực, hoặc thí ao giếng, nhiều người tập hợp, chỗ ngồi chật hẹp không dám ngồi dưới tháp ăn vì chưa được đức Phật cho phép, đến bạch. Phật dạy:
«Cho phép ngồi ăn, nhưng không được bỏ cỏ rác, và thức ăn dư làm dơ đất.»
Bấy giờ có một tỳ-kheo nhất tọa thực, hoặc tỳ-kheo tác pháp dư thực không ăn, hay có tỳ-kheo bệnh không dám lưu lại thức ăn dư và cỏ làm dơ đất, đức Phật cho phép dồn lại một bên chân rồi đem ra ngoài bỏ. Phật dạy:
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Không được ngồi ăn dưới tháp lưu lại cỏ và thức ăn dư làm dơ đất, thức-xoa-ca-la-ni*.
Nếu tỳ-kheo cố ý ngồi dưới tháp ăn, rồi bỏ lại đồ ăn dư làm dơ đất, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh thế nào đó, hoặc gom lại một chỗ rồi đem ra ngoài bỏ thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 68
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo khiêng tử thi đi qua dưới tháp làm cho thần bảo vệ tháp giận.
Các tỳ-kheo biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao các thầy khiêng tử thi đi qua dưới tháp Phật?»
Quở trách rồi, tỳ-kheo thiểu dục đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được khiêng tử thi đi qua dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni*.
Nếu tỳ-kheo cố tâm khiêng tử thi đi qua dưới tháp, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố tâm làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh thế nào đó, hoặc khi cần phải đi qua con đường này, hoặc bị cường lực dẫn đi thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 69.
Không được chôn tử thi dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 70
Không được thiêu tử thi dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 71
Không được đối diện tháp thiêu tử thi, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 72
Không được thiêu tử thi quanh bốn phía tháp, làm mùi hôi xông vào, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 73
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo mang áo và giường của người chết đi qua dưới tháp, làm cho vị thần nơi trú xứ đó giận.
Các tỳ-kheo biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách, rồi đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được mang áo và giường của tử thi đi qua dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni*.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo mặc y phấn tảo, nghi không dám mang loại y như vậy đi ngang qua dưới tháp. Tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy:
«Cho phép giặt, nhuộm, xông mùi hương rồi mang qua.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Không được mang áo và giường của người chết đi ngang qua dưới tháp, trừ khi đã giặt, nhuộm và xông hương, thức-xoa-ca-la-ni.
Nếu tỳ-kheo cố ý mang y phấn tảo của người chết, không giặt, không nhuộm, không xông hương, đi ngang qua dưới tháp, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố tâm làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc là có chứng bệnh thế nào đó, hoặc đã giặt nhuộm xong thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 74
Không được đại tiểu tiện dưới tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 75
Không được đại tiểu tiện trước tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 76
Không được đại tiểu tiện quanh bốn phía tháp Phật khiến mùi hôi xông vào, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 77
Không được đem tượng Phật đến chỗ đại tiểu tiện, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
Có 3 trường hợp sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó, hoặc trên đường phải [712a1] đi ngang qua đó, hay bị cường lực bắt đi; không phạm.
ĐiỀU 78
Không được nhăm nhành dương[86] dưới tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 79
Không được nhăm nhành dương dưới tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni.
(như trên)
ĐiỀU 80
Không được nhăm nhành dương xung quanh bốn phía tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 81
Không được khạc nhổ dưới tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 82
Không được khạc nhổ trước tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
ĐiỀU 83
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo khạc nhổ xung quanh bốn phía tháp Phật.
Các tỳ-kheo thấy, cơ hiềm: «Tại sao các thầy khạc nhổ xung quanh bốn phía tháp?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được khạc nhổ quanh bốn phía tháp, thức-xoa-ca-la-ni*.
Nếu tỳ-kheo cố ý khạc nhổ xung quanh bốn phía tháp, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó, hoặc do chim quạ ngậm đến bên tháp, hoặc là gió thổi đến thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 84
Một thời, đức Một thời đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo ngồi duỗi chân về phía tháp.
Các tỳ-kheo thấy, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách, liền đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được ngồi duỗi chân về phía tháp, thức-xoa-ca-la-ni*.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo nghi, cách xa tháp không dám ngồi duỗi chân, đức Phật dạy:
«Trung gian có khoảng cách thì cho phép.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Không được ngồi duỗi chân về phía tháp, trừ có khoảng cách, thức-xoa-ca-la-ni*.
Nếu tỳ-kheo cố ý ngồi duỗi chân về phía tháp, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó, hoặc trung gian có khoảng cách, hay bị cường lực bắt thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 85
Một thời, đức Phật ở nước Câu-tát-la, trên đường du hành đến thôn Đô tử bà-la-môn. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo an trí tháp Phật nơi phòng dưới, mình ở phòng trên.
Các tỳ-kheo biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được an trí tháp Phật nơi tầng dưới, mình ở tầng trên, thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo cố ý để tháp Phật nơi tầng dưới, mình ở tầng trên, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó. Hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn, thỉnh tháp Phật để nơi phòng dưới, mình ở nơi phòng trên thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 86[87]
Không được nói pháp cho người ngồi mình đứng, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)[88]
Có người nghi không dám vì người bệnh nói pháp. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau nên nói giới như vầy»:
Không được nói pháp cho người ngồi mà mình đứng, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo nào người ngồi mình đứng, cố ý vì họ nói pháp phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Hoặc mắc chứng bệnh thế nào đó, hoặc Vua, Đại thần của Vua bắt nói thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 87[89]
Không được nói pháp cho người nằm mà mình ngồi, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.
(như trên)
ĐiỀU 88
Không được nói pháp cho người ngồi chính giữa, còn mình ngồi một bên, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.
(như trên)
ĐiỀU 89[90]
Không được nói pháp cho người ngồi chỗ cao, còn mình ngồi chỗ thấp, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.
(như trên)
ĐiỀU 90[91]
Không được nói pháp cho người đi trước, còn mình đi phía sau, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.
(như trên)
ĐiỀU 91[92]
Không được nói pháp cho người ở chỗ kinh hành cao, còn mình ở chỗ kinh hành thấp, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.
(như trên)
ĐiỀU 92[93]
Không được nói pháp cho người ở giữa đường, còn mình ở bên đường, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.
(như trên)
ĐiỀU 93
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nắm tay nhau đi ngoài đường, hoặc ngăn chận những nam nữ khác. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp, mà đi ngoài lộ nắm tay nhau như nhà Vua, Đại thần của Vua, hào quý trưởng giả. Như vậy có gì là Chánh pháp?»
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nên nắm tay nhau khi đi đường, thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo cố ý làm, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di-ni, đột-kiết-la.
Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh thế nào đó, hoặc có vị tỳ-kheo mắt bị mờ, cần dìu để đi thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 94[94]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một tỳ-kheo nhập hạ an cư ở trên một cây đại thọ. Từ trên cây đại thọ đại tiểu tiện xuống, khiến vị thọ thần nổi giận, muốn đoạn mạng căn vị tỳ-kheo kia.
Các tỳ-kheo nghe, hiềm trách rồi đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách vị tỳ-kheo này:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao lại từ trên cây đại tiểu tiện xuống?»
Quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, không được an cư trên cây. Không được đại tiểu tiện xung quanh cây. Nếu chỗ đã có sẵn thì đại tiểu tiện không phạm.»
Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này đầu tiên. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được leo lên cây cao quá đầu người, thức-xoa-ca-la-ni.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có các tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la du hành, trên đường đi gặp phải ác thú khủng bố, leo cao lên cây ngang người với ý nghĩ: «Đức Thế tôn chế giới không được leo cây cao quá đầu người.» Do đó không dám leo lên, nên họ bị ác thú hại. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật, Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo vì mạng nạn, phạm hạnh nạn, được phép leo lên cây cao quá đầu người.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Không được leo lên cây cao quá đầu người, trừ khi có nhân duyên, thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo cố ý leo lên cây cao quá đầu người, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh như thế nào đó, hay vì mạng nạn, phạm hạnh nạn, leo lên cây cao quá đầu người thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 95
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà bỏ bình bát vào trong đãy, xỏ vào đầu gậy vác trên vai mà đi. Các Cư sĩ thấy, tưởng là người của nhà quan, đứng tránh bên đường, tìm chỗ vắng núp để xem. Thì ra, khi đến mới biết đó là Bạt-nan-đà. Các cư sĩ cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, tại sao bỏ bình bát vào đãy, xỏ vào gậy, vác trên vai mà đi giống như người của nhà quan khiến chúng ta phải tránh bên lề đường?»
Các tỳ-kheo nghe, quở trách rồi đến bạch lên đức Thế tôn, đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao ông bỏ bình bát vào trong đãy, xỏ vào đầu gậy, vác trên vai đi, khiến cho các cư sĩ phải tránh bên lề đường?»
Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được bỏ bình bát vào đãy, xỏ vào đầu gậy quẩy trên vai mà đi, thức-xoa-ca-la-ni*.
Nếu tỳ-kheo cố ý làm phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như thế nào đó, hoặc bị cường lực bắt ép hoặc bị trói, hay vì mạng nạn, phạm hạnh nạn thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 96[95]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có vị trong nhóm sáu tỳ-kheo vì người cầm gậy, không cung kính mà nói pháp.
Các tỳ-kheo biết, quở trách như trên rồi, đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn cũng quở trách… như trên, cho đến câu «Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được nói pháp cho người cầm gậy, thức-xoa-ca-la-ni*.
Có vị nghi, không dám vì người bệnh cầm gậy nói pháp, đức Phật dạy:
Vì người bệnh thì không phạm. Từ nay về sau ta vì các tỳ-kheo kiết giới:
Không được nói pháp cho ngươì cầm gậy, không cung kính, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo nào cố ý vì người cầm gậy mà nói pháp, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc bị chứng bệnh thế nào đó, hay vì nhà Vua, Đại thần của Vua nói thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐiỀU 97[96]
Không được nói pháp cho người cầm kiếm, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 98[97]
Không được nói pháp cho người cầm mâu,[98] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 99[99]
Không được nói pháp cho người cầm dao, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
ĐiỀU 100[100]
Không được nói pháp cho người cầm dù, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
CHƯƠNG VIII
BẢY DIỆT TRÁNH [1]

Bảy pháp hối quá như vậy nửa tháng, nửa tháng tụng một lần, chép ra từ trong giới kinh. Nếu có việc tranh cãi khởi lên, liền phải trừ diệt.
ĐiỀu 1.
Nên sử dụng pháp hiện tiền tỳ-ni thì sử dụng pháp hiện tiền tỳ-ni.
ĐIỀU 2.
Nên sử dụng pháp ức niệm tỳ-ni thì sử dụng pháp ức niệm tì-ni.
ĐIỀU 3.
Nên sử dụng pháp bất si tỳ-ni thì sử dụng pháp bất si tỳ-ni.
ĐIỀU 4.
Nên sử dụng pháp tự ngôn trị thì sử dụng pháp tư ngôn trị.
ĐIỀU 5.
Nên sử dụng pháp mích tội tướng thì sử dụng pháp đa mích tội tướng.
ĐIỀU 6.
Nên sử dụng pháp đa nhơn mích tội thì sử dụng pháp đa nhơn mích tội.
ĐIỀU 7.
Nên sử dụng pháp như thảo phú địa thì sử dụng pháp như thảo phú địa.[2]


Chú thích:
[56] Pali, Sikkhā 46; Ngũ phần, ĐiỀU 69; Tăng kỳ, ĐiỀU 27; Căn bản, ĐiỀU 56; Thập tụng, ĐiỀU 71.
[57] Thập tụng (T23n1435, tr.138b13): «Bỏ cơm đầy miệng rồi mới nuốt.»
[58] Trong bản Hán: thi-xoa-kế-lại-ni 尸叉罽賴尼. Các đoạn sau đều giống như vậy.
[59] Pali, Sikkā 50 (cf. 51); Ngũ phần, ĐiỀU 62; Tăng kỳ, ĐiỀU 37; Căn bản, ĐiỀU 51; Thập tụng, ĐiỀU 70.
[60] Pali, Sikkhā 50: capucapukārakaṃ, nhai có tiềng «cháp cháp.»
[61] Pali, Sikkhā 51, cf. 50.
[62] Hán: đại hấp phạn thực 大噏飯食. Pali, Sikkhā 51: surusurukārakaṃ khīraṃ pivanti, húp sữa thành tiếng «xu-ru-xu-ru.»
[63] Pali, Sikkhā 52; Ngũ phần ĐiỀU 63; Tăng kỳ, ĐiỀU 35; Căn bản, ĐiỀU 61; Thập tụng, ĐiỀU 74.
[64] Thập tụng: để thủ thực 舐手食, liếm tay mà ăn. Pali, Sikkhā 52: hatthanillehakaṃ, liếm tay. Cf. Sikkhā 49: jivhānicchārakaṃ, le lưỡi. Sikkhā 53: pattanillehakaṃ, liếm bát.
[65] Pali, Sikkhā 47; Ngũ phần, ĐiỀU 72; Tăng kỳ, ĐiỀU 41; Căn bản, ĐiỀU 62; Thập tụng, ĐiỀU 76.
[66] Chấn thủ 振手. Thập tụng (T23n1435, tr.138c02): thức ăn dính tay, rảy cho rơi.
[67] Pali, Sikkhā 55; Ngũ phần, ĐiỀU 60; Tăng kỳ, ĐiỀU 46; Căn bản, ĐiỀU 66; Thập tụng, ĐiỀU 78.
[68] Pali, Sikkhā 56; Ngũ phần, ĐiỀU 76; Tăng kỳ ĐiỀU 47; Căn bản, ĐiỀU 67; Thập tụng, ĐiỀU 84.
[69] Pali: nước rửa bát có lẩn hạt cơm. Thập tụng (T23n1435, tr.139a20): phải gia chủ chỗ đổ.
[70] Pali, Sikkhā 74; Ngũ phần, ĐiỀU 83; Tăng kỳ, ĐiỀU 64; Căn bản, ĐiỀU 96; Thập tụng, ĐiỀU 104.
[71] Pali, Sikkhā 75; Ngũ phần, ĐiỀU 82; Tăng kỳ, ĐiỀU 65; Căn bản, ĐiỀU 97; Thập tụng, ĐiỀU 105.
[72] Pali, Sikkhā 73; Ngũ phần, ĐiỀU 81; Tăng kỳ, ĐiỀU 66; Căn bản, ĐiỀU 95; Thập tụng, ĐiỀU 106.
[73] Ngũ phần, ĐiỀU 93; Căn bản, ĐiỀU 97; Thập tụng, ĐiỀU 95, 96, 97.
[74] Thập tụng, ĐiỀU 91. Tăng kỳ, ĐiỀU 53; Căn bản, ĐiỀU 78. Pali, Sikkhā 67.
[75] Hán: phú đầu 覆頭. Pali: oguṇṭhitasīso nāma sasīsaṃ pāruto vuccati, trùm đầu, nghĩa là lấy vạt áo trùm kín đầu.
[76] Pali, Sikkhā 66; Tăng kỳ, ĐiỀU 54; Căn bản, ĐiỀU 92; Thập tụng, ĐiỀU 92.
[77] Hán: lý đầu 裹頭. Pali: veṭhitasīso nāma kesantaṃ na dassapetvā veṭhito hoti, quấn đầu, nghĩa là quấn khăn không để cho thấy chân tóc.
[78] Thập tụng, ĐiỀU 94; Căn bản, ĐiỀU 81.
[79] Pali, Sikkhā 62; Ngũ phần, ĐiỀU 85; Tăng kỳ, ĐiỀU 51; Căn bản, ĐiỀU 88; Thập tụng, ĐiỀU 98.
[80] Hán: cách tỷ 革屣. Pali: upāhana, giày hay dép (thường làm bằng da).
[81] Pali, Sikkhā 61; Ngũ phần, ĐiỀU 84; Tăng kỳ, ĐiỀU 65; Căn bản, ĐiỀU 87; Thập tụng, ĐiỀU 99.
[82] Hán: mộc kịch 木屐. Thập tụng: kịch 屐. Pali: pādukā.
[83] Pali, Sikkhā 63; Ngũ phần, ĐiỀU 96; Tăng kỳ, ĐiỀU 62; Căn bản, ĐiỀU 84; Thập tụng, ĐiỀU 85.
[84] Hán: kỵ thừa (thặng) 騎乘. Pali: yānaṃ nāma vayhaṃ ratho sakaṭaṃ sandamānikā sivikā pāṭaṅkī, xe cộ: cộ (cáng), xe ngựa kéo, xe chở hàng, chiến xa, kiệu, ghế khiêng.
[85] Phú-la; Phiên phạm ngữ (T54n2130, tr.987b13): «Phú-la, dịch là mãn 滿 (dẫn Thập tụng 9, T23n1435, tr.65a15: dùng da thuộc khâu lại làm giày phú-la).»
[86] Tức đánh (xỉa) răng, súc miệng.
[87] Pali, Sikkhā 70; Ngũ phần, ĐiỀU 87; Tăng kỳ, ĐiỀU 48; Căn bản, ĐiỀU 73; Thập tụng, ĐiỀU 88.
[88] Từ ĐiỀU 86-92, xem các ĐiỀU 52-59 trên. Có sự sắp xếp lẫn lộn trong bản Hán.
[89] Pali, Sikkhā 64; Ngũ phần, ĐiỀU 89; Tăng kỳ, ĐiỀU 49; Căn bản, ĐiỀU 74; Thập tụng, ĐiỀU 90.
[90] Pali, Sikkhā 69; Ngũ phần, ĐiỀU 88; Tăng kỳ, ĐiỀU 50; Căn bản, ĐiỀU 75; Thập tụng, ĐiỀU 89.
[91] Pali, Sikkhā 71; Ngũ phần, ĐiỀU 90; Tăng kỳ, ĐiỀU 61; Căn bản, ĐiỀU 76; Thập tụng, ĐiỀU 86
[92] Thập tụng, ĐiỀU 89.
[93] Pali, Sikkhā 92; Ngũ phần, ĐiỀU 91; Tăng kỳ, ĐiỀU 63; Căn bản, ĐiỀU 77; Thập tụng, ĐiỀU 87.
[94] Ngũ phần, ĐiỀU 84; Căn bản, ĐiỀU 98; Thập tụng, ĐiỀU 107.
[95] Pali, Sikkhā 58; Ngũ phần, ĐiỀU 97; Tăng kỳ, ĐiỀU 59; Thập tụng, ĐiỀU 100.
[96] Thập tụng, ĐiỀU 102.
[97] Pali, Sikkhā 60; Ngũ phần, ĐiỀU 99; Tăng kỳ, ĐiỀU 64; Căn bản, ĐiỀU 96; Thập tụng, ĐiỀU 103.
[98] Pali: āvudhapāṇi, cầm vũ khí. Thập tụng: cầm thuẫn, cầm cung tên.
[99] Pali, Sikkhā 59; Ngũ phần, ĐiỀU 98; Tăng kỳ, ĐiỀU 57; Thập tụng, ĐiỀU 102.
[100] Pali, Sikkhā 57; Ngũ phần, ĐiỀU 95; Tăng kỳ, ĐiỀU 60; Căn bản, ĐiỀU 94; Thập tụng, ĐiỀU 101.
[1] Ngũ phần 10 (T22n1421, tr.77b06); Thập tụng 20 (T23n1435, tr.141b12); Căn bản 50 (T23n1442, tr.904b5). Pali: adhikaraṇasamathā, Vin. iv. 207.
[2] Bản Hán, hết quyển 21.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh nghiệm tu tập trong đời thường


Người chết đi về đâu


Tôi đọc Đại Tạng Kinh


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.76.135 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập