Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích CHƯƠNG V
BA-DẬT-ĐỀ
I. CỐ Ý VỌNG NGỮ[1]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, Phật ở Thích-súy-sấu,[2] trong vườn Ni-câu-loại, nước Ca-duy-la-vệ. Bấy giờ trong dòng họ Thích có người con trai nhà họ Thích tên là Tượng Lực[3] có tài đàm luận, thường cùng Phạm chí ngoại đạo luận bàn. Trường hợp bị thua, liền lật ngược lời nói trước. Giữa Tăng, khi hỏi đến việc ấy thì Tượng Lực cũng đảo ngược lời nói trước. Ở giữa chúng, biết nhưng ông vẫn nói dối. Các Phạm chí thường biếm nhẽ rằng:
«Sa-môn Thích tử không có tàm quý, thường nói lời vọng ngữ, mà tự xưng là ta phụng hành chánh pháp. Nhưng nay như vậy có gì là chánh pháp? Luận bàn không hơn, liền lật ngược lời nói trước. Khi ở trong chúng Tăng, được hỏi đến thì cũng lật ngược lời nói trước. Ở trong chúng, biết nhưng vẫn nói dối.»
Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý quở trách Thích tử Tượng Lực:
«Sao thầy cùng Phạm chí ngoại đạo luận bàn, trường hợp bị thua, liền lật ngược lời nói trước. Giữa Tăng, khi hỏi đến việc ấy thì cũng đảo ngược lời nói trước. Ở giữa chúng, biết nhưng vẫn nói dối?»
Khi ấy các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. ĐứcThế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Tượng Lực:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm.
Tỳ-kheo Tượng Lực, sao cùng Phạm chí ngoại đạo luận bàn, trường hợp bị thua, liền lật ngược lời nói trước? Giữa Tăng, khi hỏi đến việc ấy thì cũng đảo ngược lời nói trước. Ở giữa chúng, biết nhưng vẫn nói dối?»
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Tượng Lực rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết mà nói dối, ba-dật-đề.[4] B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Biết mà nói dối: không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không xúc giác nói xúc giác, không hay biết nói hay biết,[5] thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, xúc giác nói không xúc giác, hay biết nói không hay biết.
Thấy: thấy bởi thức con mắt.
Nghe: nghe bởi thức của tai.
Xúc: xúc giác bởi ba thức: mũi, lưỡi và thân.
Hay biết: hay biết bởi ý thức.
Không thấy: trừ nhãn thức ra, còn lại năm thức kia.
Không nghe: trừ nhĩ thức ra, còn lại năm thức kia.
Không xúc giác: trừ ba thức ra, còn lại mắt, tai và ý.
Không hay biết: trừ ý thức ra, còn lại năm thức kia.
Nếu người nào không thấy, không nghe, không xúc giác, không hay biết mà nói như vầy: «Tôi thấy, nghe, xúc giác, hay biết;» biết mà nói dối, ba-dật-đề.
Nếu người nào không thấy, không nghe, không xúc giác, không hay biết, mà trong đó có tưởng thấy, tưởng nghe, tưởng xúc, tưởng biết, mà lại nói, «Tôi không thấy, không nghe, không xúc, không biết;» biết mà nói dối, ba-dật-đề.
Nếu người nào không thấy, không nghe, không xúc, không biết, mà trong ý sanh nghi nhưng lại nói như vầy, «Tôi không có nghi,» rồi nói «Tôi thấy, tôi nghe, tôi xúc, tôi biết;» biết mà nói dối, ba-dật-đề.
Nếu người không thấy, không nghe, không xúc, không biết, mà trong ý có nghi nhưng lại nói «Trong đây tôi không nghi,» rồi nói «Tôi không thấy, không nghe, không xúc, không biết;» biết mà nói dối, ba-dật-đề.
Nếu người không thấy, không nghe, không xúc, không biết, mà trong ý lại không nghi, rồi nói, «Tôi có nghi ngờ rằng tôi thấy, tôi xúc, tôi biết;» biết mà nói dối, ba-dật-đề.
Trong ý không nghi ngờ rằng «Tôi không thấy, tôi không nghe, tôi không xúc, tôi không biết,» nhưng lại nói «Tôi có nghi ngờ rằng tôi không thấy, không nghe, không xúc, không biết;» biết mà nói dối, ba-dật-đề.
Điều này nên nói rộng: Trước đó khởi ý nghĩ, «Ta sẽ nói dối.» Khi nói dối, tự biết là nói dối; nói dối rồi, biết là nói dối: Cố ý nói dối, ba-dật-đề.
Trước đó khởi ý nghĩ, «Ta sẽ nói dối.» Khi nói dối, tự biết là nói dối; nói dối rồi, không tự nhớ là đã nói dối: Cố ý nói dối, phạm ba-dật-đề.
Trước đó không khởi ý nghĩ, «Ta sẽ nói dối.» Khi nói dối, biết là nói dối; nói dối rồi, biết là nói dối: Cố ý nói dối, ba-dật-đề.
Trước đó không khởi ý nghĩ nói dối. Khi nói dối, biết là nói dối; nói dối rồi, không nhớ là nói dối: Cố ý nói dối, ba-dật-đề.
Cái được thấy có khác, cái được nhìn nhận có khác, cái được ham muốn có khác, cái được xúc có khác, cái được tưởng có khác, cái được tâm tưởng có khác,[6] những việc như vậy đều là nói dối.
Giữa đại chúng, biết mà vẫn nói dối, ba-dật-đề. Nói rõ ràng thì phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng, phạm đột-kiết-la. Khi thuyết giới cho đến ba lần hỏi, nhớ nghĩ mình có tội mà không nói, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: không thấy nói không thấy; không nghe nói không nghe; không xúc nói không xúc, không hay biết nói không hay biết; thấy nói thấy; nghe nói nghe; xúc nói xúc, hay biết nói hay biết; ý tưởng có thấy, nói có thấy, thì không phạm.
Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. II. MẮNG NHIẾC
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo khi giải quyết việc tranh cãi, mạ nhục tỳ-kheo bằng giống loài.[7] Tỳ-kheo hổ thẹn, quên trước quên sau nên không nói được.
Trong các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
«Sao nhóm sáu tỳ-kheo giải quyết việc tranh cãi lại mạ nhục tỳ-kheo bằng giống loài, khiến cho tỳ-kheo hổ thẹn, quên trước, quên sau không nói được?»
Lúc bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao giải quyết việc tranh cãi lại mạ nhục tỳ-kheo bằng giống loài, khiến họ hổ thẹn quên trước quên sau không nói được?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Thuở xa xưa, tại nước Đắc-sát-thi-la,[8] có người bà-la-môn nuôi một con bò,[9] ngày đêm cho ăn, vuốt ve, chải chuốt. Lúc ấy, cũng tại nước Đắc-sát-thi-la, có ông trưởng giả[10] đi khắp hang cùng ngõ hẻm lớn tiếng rao rằng:
«Ai có con bò nào đủ sức mạnh, cùng con bò của tôi đấu sức kéo 100 xe, tôi sẽ cá 1.000 lượng vàng.[11]
«Con bò của người bà-la-môn nghe rao như vậy, tự nghĩ: ‹Người bà-la-môn này ngày đêm hết lòng nuôi nấng ta, vuốt ve, chải chuốt ta. Nay ta nên đem hết sức mình ra kéo để lấy 1.000 lượng vàng kia, [635a1] ngõ hầu trả ơn người này.›
«Con bò nghĩ xong liền nói với người bà-la-môn rằng:
«Ông chủ có biết chăng? Trong nước Đắc-sát-thi-la có ông trưởng giả rao rằng, ai có bò cùng với bò của ông đấu sức kéo 100 xe, ông chịu mất 1.000 lượng vàng. Ông chủ có thể đến nhà ông trưởng giả kia nói, ‹Tôi có con bò có thể cùng với bò của ông đấu sức kéo 100 xe, với số vàng cá là 1.000 lượng.›
«Người bà-la-môn nghe xong liền đến nhà ông trưởng giả nói, ‹Tôi có con bò với sức mạnh có thể cùng với con bò của ông đấu sức kéo 100 xe, số vàng cá là 1.000 lượng.› Ông trưởng giả trả lời, ‹Nay chính là lúc.› Người bà-la-môn liền dắt con bò của mình đem đến để cùng đấu sức với con bò của ông trưởng giả, kéo 100 xe để lấy 1.000 lượng vàng. Khi ấy có nhiều người đứng xem. Trước đám đông, người bà-la-môn dùng lời mạ nhục, gọi con bò bằng cách kêu:
«Một Sừng,[12] kéo đi!
«Con bò của người bà-la-môn nghe lời mạ nhục liền xấu hổ nên không ra sức kéo để cạnh tranh cùng đối thủ của mình. Do đó, con bò của ông trưởng giả thắng cuộc, con bò của người bà-la-môn bại trận. Người bà-la-môn phải mất 1.000 lượng vàng.
«Bấy giờ, người bà-la-môn nói với con bò của ông ta rằng:
«Ngày đêm ta nuôi nấng, vuốt ve, chải chuốt, với hy vọng ngươi sẽ vì ta đem hết sức lực để thắng con bò của ông trưởng giả. Nhưng tại sao sự việc hôm nay ngược lại, khiến ta phải mất 1.000 lượng vàng?
«Con bò liền nói với bà-la-môn rằng:
«Trước đám đông ông nhục mạ tôi, ông bảo tôi là ‹Một Sừng, kéo đi!› Tôi rất lấy làm xấu hổ đối với mọi người. Do đó, tôi không thể dùng hết sức để cùng cạnh tranh với con bò kia được. Nếu ông có thể thay đổi cách gọi, đừng đem tên gọi hình tướng, mà nhục mạ tôi, thì ông cứ đến nói với ông trưởng giả rằng, ‹Bò của tôi có thể cùng bò của ông đấu sức, kéo 100 xe với giá đấu gấp đôi là 2.000 lượng vàng.›»
«Người bà-la-môn nghe xong liền nói với con bò của ông rằng:
«Chớ để ta mất thêm 2.000 lượng vàng nữa.»
«Con bò trả lời với người ba-la-môn rằng:
«Trước đám đông ông đừng nhục mạ tôi, gọi tôi là ‹Một Sừng, kéo đi!› Mà trước đám đông ông nên khen ngợi tôi, bảo tôi kéo cho giỏi; ông gọi sừng tôi rất xinh đẹp.»
Bấy giờ, người bà-la-môn đến nhà ông trưởng giả nói rằng:
«Nay bò của ông có thể cùng bò của tôi đấu sức kéo 100 xe với số vàng đánh cá là 2.000 lượng, dưới sự chứng kiến của nhiều người.»
«Ông trưởng giả nói:
«Thật đúng lúc.»
«Khi ấy, người bà-la-môn trước đám đông khen ngợi con bò của ông rằng, ‹Kéo rất giỏi! Cặp sừng rất đẹp!›
«Con bò nghe lời khen như vậy liền đem hết sức mình để đấu với con bò kia, nên con bò của người bà-la-môn thắng cuộc, con bò của ông trưởng giả thua trận. Người bà-la-môn thu được 2.000 lượng vàng.»
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo rằng:
«Phàm người ta khi muốn nói phải nói lời khéo léo, không nên nói lời xấu ác. Nói lời khéo léo là thiện. Nói lời xấu ác là tự gây phiền não cho mình. Bởi vậy cho nên, các tỳ-kheo, súc sanh bị người mạ nhục, còn tự xấu hổ không thể dùng hết sức mình để kéo xe, huống là đối với người mà bị kẻ khác hủy nhục làm sao không hổ thẹn! Nhóm sáu tỳ-kheo này là những người si, khi giải quyết việc tranh cãi lại mạ nhục các tỳ-kheo bằng giống loài, khiến cho họ hổ thẹn, quên trước, quên sau không nói được.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:
«Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nhục mạ bằng giống loài, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Nhục mạ người bằng giống loài:[13] như nói, «Ngươi sanh trong gia đình dòng họ thấp hèn, hành nghề cũng thấp hèn, kỹ thuật công xảo cũng thấp hèn.» Hoặc nói, «Ngươi là người phạm tội; ngươi là người nhiều kiết sử; ngươi là người mù, ngươi là người trọc mù...»
- Thấp hèn : là dòng dõi chiên-đà-la, dòng dõi hốt rác, dòng dõi thợ đan,[14] dòng dõi thợ đóng xe.[15]
- Họ thấp hèn : chỉ những họ Câu-tấu, Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, A-đề-lị-dạ, Bà-la-đọa.[16] Hoặc chẳng phải họ thấp hèn mà tập làm theo kỹ thuật thấp hèn, tức thành họ thấp hèn.
- Nghề nghiệp thấp hèn: tức là mua bán heo, dê, giết bò, thả chim ưng, chim diêu, thợ săn, chài lưới, làm giặc, bắt giặc, thủ thành, coi ngục.
- Kỹ nghệ thấp hèn : như làm nghề thợ rèn, thợ mộc, thợ gốm, thợ da, thợ hớt tóc, thợ đan nia.[17]
- Phạm tội: phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết.
- Kết: từ sân nhuế cho đến 500 kết sử.
- Mù lòa:[18] mù lòa, gù, què quặt, câm điếc và các tật bệnh khác.
Hoặc tỳ-kheo mắng nhiếc các tỳ-kheo khác rằng, «Thầy sanh nơi nhà ti tiện; hành nghiệp thấp hèn, kỹ thuật thấp hèn. Thầy phạm tội, thầy bị kết sử, thầy là kẻ trọc đầu mù lòa...» Mạ nhục như vậy.
Hoặc mạ nhục ngay trước mặt, hoặc mượn lời dụ để mạ nhục, hoặc tự so sánh để mạ nhục.
- Mạ nhục ngay trước mặt: như nói, «Ngươi sanh trong nhà Chiên-đà-la, sanh trong nhà hốt rác, sanh trong dòng thợ đan, dòng thợ đóng xe, họ Câu-tấu, Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, Đề-lê-dạ, Bà-la-đọa.» Hoặc là vốn không phải dòng họ thấp hèn mà tập làm theo kỹ nghệ thấp hèn tức thành họ thấp hèn, như nói, «Ngươi là người mua bán, người giết bò, heo, dê. Ngươi là người làm nghề ăn trộm, bắt kẻ trộm. Ngươi là người giữ thành, giữ ngục, là người thợ rèn, làm đồ mộc, làm lò gốm, làm thợ giày, thợ hớt tóc. Ngươi là người phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết. Ngươi là người từ kết sử sân nhuế, cho đến là người 500 kiết sử. Ngươi là người trọc đầu mù lòa, què quặt, điếc câm và là người có các bệnh hoạn khác…»
- Mượn dụ để mạ nhục: như nói, «Ngươi tợ như Chiên-đà-la, tợ như dòng hốt phân, tợ như dòng thợ đan, tợ như dòng đóng xe. Ngươi tợ như dòng họ Câu-tấu, tợ như dòng họ Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, Đề-lê-dạ, Bà-la-đọa. Ngươi tợ như người mua bán heo, dê; tợ như người giết bò; tợ như người thả chim ưng, chim diêu; tợ như người lưới cá, thợ săn; tợ như kẻ trộm, như người bắt kẻ trộm, tợ như người giữ thành, giữ ngục; tợ như người làm đồ gốm, tợ như người làm giày dép, tợ như người thợ hớt tóc; tợ như người phạm ba-la-di, tợ như người phạm tăng-già-bà-thi-sa, tợ như người phạm ba-dật-đề, tợ như người phạm ba-la-đề-đề-xá-ni, tợ như người phạm thâu-lan-giá, tợ như người phạm đột-kiết-la, tợ như người phạm ác thuyết, tợ như người kiết sử, tợ như người mù lòa, tợ như người không có tóc, tợ như người què chân, tợ như người câm điếc...»
- Tự so sánh để mạ nhục: như nói, «Tôi không phải dòng Chiên-đà-la, tôi không phải dòng hốt phân, tôi không phải dòng thợ đan, tôi không phải dòng đóng xe. Tôi không phải dòng họ Câu-tấu, dòng họ Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, Đề-lê-dạ, Bà-la-đọa; cũng không phải người mua bán heo dê, giết bò, thả chim ưng, chim diêu, lưới cá, thợ săn, làm giặc, bắt giặc, giữ thành, giữ ngục, thợ rèn, thợ mộc, thợ đan, đóng xe, thợ lò gốm, thợ giày, thợ cạo...
Tôi không phải là người phạm ba-la-di, phạm tăng-già-bà-thi-sa, phạm ba-dật-đề, phạm ba-la-đề-đề-xá-ni, phạm thâu-lan-giá, phạm đột-kiết-la, phạm ác thuyết. Tôi chẳng phải bị kiết sử, tôi chẳng phải là người trọc đầu, mù lòa, què quặt, điếc câm…»
Nếu tỳ-kheo đem giống loài mà mạ nhục, nói như trên, phạm ba-dật-đề. Nếu đem giống loài để mạ nhục, nói rõ ràng phạm ba-dật-đề, không rõ ràng phạm đột-kiết-la.
Hoặc là nói thiện pháp để mạ nhục ngay trước mặt, hoặc mượn dụ để mạ nhục, hoặc tự so sánh để mạ nhục.
- Dùng thiện pháp để mạ nhục: như nói, «Ngươi là người a-lan-nhã, khất thực, mặc y vá, cho đến người ngồi thiền.»
- Dùng thiện pháp mạ nhục ngay trước mặt: như nói, «Ngươi là [636a1] người a-lan-nhã, khất thực, mặc y vá, cho đến người ngồi thiền.»
- Mượn dụ để mạ nhục: như nói, «Ngươi tợ như người a-lan-nhã, khất thực, mặc y vá, cho đến người ngồi thiền.»
- Tự so sánh để mạ nhục: như nói, «Tôi chẳng phải là người ở a-lan-nhã,… cho đến người ngồi thiền.»
Nếu tỳ-kheo dùng thiện pháp mạ nhục ngay trước mặt, mượn dụ để mạ nhục, tự so sánh để mạ nhục; nói mà rõ ràng phạm đột-kiết-la, không rõ ràng cũng phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: cùng có lợi cho nên nói, vì pháp cho nên nói, vì luật cho nên nói, vì giáo thọ cho nên nói, vì thân hậu cho nên nói, hoặc vì vui chơi mà nói, hoặc vì nói lỡ lời, hoặc nói một mình, hoặc nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này nhằm nói việc khác; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. III. NÓI LY GIÁN
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo truyền rao lời nói bên này bên kia; truyền lời nói kín đáo của người này đến nói người kia; truyền lời nói kín đáo của người kia đến nói người này.
Họ cứ làm như vậy mãi, đưa đến tình trạng trong chúng chưa có đấu tranh liền sanh ra sự đấu tranh nầy, và đã có sự đấu tranh rồi thì không thể chấm dứt được.
Các tỳ-kheo đều nghĩ: «Do nhơn duyên gì trong chúng Tăng vốn không có sự đấu tranh mà nay lại có sự đấu tranh này, và đã có sự đấu tranh rồi thì sao không chấm dứt được?»
Các tỳ-kheo tìm biết là do nhóm sáu tỳ-kheo này truyền rao lời nói bên này bên kia, nên đưa đến tình trạng trong chúng Tăng có sự đấu tranh, việc tranh cãi này vốn trước đây không có, nay lại có, và khi đã có sự đấu tranh rồi thì không thể chấm dứt được.
Khi ấy trong chúng có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
«Sao các thầy truyền rao lời nói bên này bên kia, đưa đến tình trạng trong Tăng có sự đấu tranh, việc tranh cãi này vốn trước đây không có nay lại có, và khi đã có sự đấu tranh rồi thì không chấm dứt được? »
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
«Sao các ông truyền rao lời nói bên này bên kia, đưa đến tình trạng trong chúng Tăng trước không có đấu tranh, nay lại sanh ra đấu tranh, và khi đã có đấu tranh thì không chấm dứt được?»
Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Các ông nên lắng nghe! Xưa kia, có hai con ác thú làm bạn với nhau, một con sư tử tên là Thiện Nha ,[19] con thứ hai là hổ tên Thiện Bác ,[20] ngày đêm cùng rình bắt các con nai.
«Khi ấy, có một con dã can thường đi sau hai con thú này, ăn thịt dư còn lại của chúng để sống. Bấy giờ, con dã can kia lén lút suy nghĩ: ‹Nay ta không thể cứ đi theo sau mãi thế này. Bằng phương tiện thế nào ta phải làm để hai con ác thú này cùng loạn đấu với nhau khiến cho chúng không còn đi với nhau nữa.› Nghĩ xong, dã can liền đến chỗ con sư tử Thiện Nha nói như vầy:
«Này Thiện Nha! Tôi nghe con cọp Thiện Bác nói rằng, ‹Chỗ sanh của ta hơn hết; dòng họ của ta hơn hết; hình sắc của ta hơn nó, thế lực của ta hơn nó. Tại sao vậy? Vì hàng ngày ta được thức ăn bổ, ngon. Sư tử Thiện Nha đi theo sau ta ăn thức ăn còn dư lại của ta để sống.› Dã can liền nói kệ:
Hình sắc và nơi sanh,
Sức mạnh cũng lại hơn;
Thiện Nha không sánh kịp.
Thiện Bác nói như vậy.
Thiện Nha nghe xong hỏi dã can rằng:
«Do đâu mà ngươi biết được? »
Dã can trả lời:
«Hai ông cùng tập hợp lại một chỗ, gặp nhau thì sẽ tự biết rõ điều này.
Lúc bấy giờ, con dã can lén lút nói với Thiện Nha xong, liền đến cọp Thiện Bác nói rằng:
«Ông biết chăng! Sư tử Thiện Nha đã nói như vầy, ‹Hiện tại chủng tánh và chỗ sanh của ta, tất cả đều hơn nó, thế lực cũng hơn. Tại sao vậy? Vì thường ta ăn thức ăn ngon; cọp Thiện Bác chỉ ăn thức ăn dư còn lại của ta để sống.» Dã can liền nói kệ:
Hình sắc và nơi sanh,
Sức mạnh cũng lại hơn;
Thiện Bác không sánh kịp.
Thiện Nha nói như vậy.
Thiện Bác nghe xong hỏi:
«Tại sao ngươi biết được việc ấy?»
Dã can trả lời:
«Hai ông cùng tập hợp lại một chỗ, gặp nhau thì sẽ tự biết rõ điều này.»
Sau đó, hai con thú cùng tập họp lại một chỗ, cùng nhìn nhau với cặp mắt sân hận. Sư tử Thiện Nha liền nghĩ, ‹Ta không thể không hỏi trước khi hạ thủ cọp.›
Bấy giờ, Sư tử Thiện Nha hướng đến cọp Thiện Bác nói kệ rằng:
Hình sắc và nơi sanh
Sức mạnh cũng lại hơn
Thiện Nha không bằng ta
Thiện Bác có nói không?
Thiện Bác tự nghĩ rằng, ‹Chắc là do dã can gây sự loạn đấu giữa chúng ta.› Cọp Thiện Bác nói kệ để trả lời cho Sư tử Thiện Nha rằng:
Thiện Bác không nói vậy:
Hình sắc và nơi sanh,
Sức mạnh cũng lại hơn;
Thiện Nha không thể sánh.
Nếu nhận lời vô ích,
Tin theo lời bỉ thử,
Tự phá hoại tình thâm,
Bèn thành kẻ oan gia.
Bằng lẽ thật để biết;
Phải diệt trừ sân não.
Đây là lời thành thật,
Khiến ta được lợi ích.
Nay nên khéo hàng phục,
Trừ diệt ác tri thức.
Cần giết dã can này,
Chính nó gây loạn đấu.
Sư tử Thiện Nha liền giết dã can.[21]
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Hai con thú này bị con dã can phá, nên khi họp nhau một chỗ, gặp nhau mà không vui, huống là đối với người, bị người khác phá rối, làm sao không bực lòng? Nhóm sáu tỳ-kheo, sao gây loạn đấu bên này bên kia, việc tranh cãi này trước đây không sanh ra nay lại sanh ra, và khi đã có việc tranh cãi rồi thì không thể chấm dứt?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy»:
Tỳ-kheo nào, nói hai lưỡi,[22] ba-dật đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Hai lưỡi:[23] gây chuyện cho tỳ-kheo loạn đấu với tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni ,ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Quốc vương, Đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn.
Tỳ-kheo-ni lại loạn đấu với tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Quốc vương, Đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo.
Thức-xoa-ma-na lại loạn đấu với thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Quốc vương, Đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni.
Sa-di loạn đấu với sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Quốc vương, Đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni.
Ưu-bà-tắc lại loạn đấu với ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Quốc vương, Đại thần, ngoại đạo, [637a1] dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc.
Ưu-bà-di lại loạn đấu với ưu-bà-di, Quốc vương, Đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc.
Quốc vương lại loạn đấu với Quốc vương, Đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di.
Đại thần lại loạn đấu với Đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương.
Tất cả ngoại đạo Sa-môn, Bà-la-môn lại loạn đấu với tất cả ngoại đạo Sa-môn, Bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Quốc vương, Đại thần.
- Loạn đấu: như người nào đó nói,[24] «Ông là dòng dõi Chiên-đà-la, dòng dõi hốt phân, dòng dõi thợ đan, dòng dõi đóng xe, họ Câu-tấu, Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, Đề-lê-dạ, Bà-la-đọa, mua bán heo dê, giết bò, thả chim ưng, lưới chim, thợ săn, làm giặc, bắt giặc, giữ thành, giữ ngục, thợ rèn, thợ giày, thợ cao; ông phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết.»
- Nói kết sử: từ sân nhuế cho đến 500 kết, trọc đầu, mù lòa, què quặt, điếc câm. Tỳ-kheo nào phá hoại đều là tỳ-kheo loạn đấu. Nói rõ ràng phạm ba-dật-đề, nói không rõ ràng phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.
Sự không phạm: vì phá ác tri thức, phá ác bạn đảng, phá phương tiện phá hoại Tăng, phá việc trợ giúp để phá hoại Tăng, phá hai người ba người tác yết-ma, phá tác yết-ma phi pháp, yết-ma phi luật; hoặc vì người phá Tăng, phá tháp, phá miếu, phá Hòa thượng, đồng Hòa thượng, phá A-xà-lê, đồng A-xà-lê, phá tri thức, phá thân hữu, phá những người nói nhiều mà vô nghĩa, vô lợi, muốn dùng phương tiện làm việc vô nghĩa; phá những người như vậy thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. IV. NGỦ CHUNG BUỒNG NGƯỜI NỮ[25]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật từ nước Xá-vệ đến nước Câu-tát-la, giữa đường, đến nơi thôn không có trú xứ của tỳ-kheo, hỏi thăm, «Có ai cho tôi chỗ trọ?» Được nghe nơi kia có nhà của dâm nữ thường cho khách tạm trú ban đêm tại nhà. Bấy giờ, ngài A-na-luật đến nhà dâm nữ, hỏi:
«Thưa đại tỷ, tôi muốn xin trọ lại một đêm, có được không?»
Dâm nữ nói:
«Được! Nhà rộng, Tôn giả cứ tùy ý nghỉ.»
Tôn giả A-na-luật bước vào nhà, trải tọa cụ bằng cỏ, xếp tréo chân ngồi, nhất tâm tư duy, buộc niệm trước mặt.
Hôm ấy, cũng có các trưởng giả ở nước Câu-tát-la có việc cần cũng đến nơi thôn đó tìm nơi nghỉ lại đêm. Cũng lại được nghe nhà dâm nữ kia thường tiếp khách tạm trú. Các trưởng giả đến nhà đó, hỏi:
«Chúng tôi cần nghỉ lại một đêm, cô có thể cho chúng tôi tá túc được không?»
Dâm nữ trả lời:
«Trước đây tôi đã hứa cho một sa-môn ở lại. Các ông hỏi vị sa-môn ấy, có thể được cùng nghỉ thì các ông cứ nghỉ.»
Các trưởng giả đến chỗ Tôn giả A-na-luật nói rằng:
«Chúng tôi đã xin người chủ nhà được ở lại một đêm và đã được sự chấp thuận. Vậy chúng ta cùng nghỉ, không có gì trở ngại?»
Tôn giả A-na-luật trả lời:
«Tôi đã trải nệm cỏ rồi. Nhà còn rộng, các ông cứ tùy ý nghỉ, chớ nghi ngại.»
Lúc ấy, các trưởng giả liền vào nhà. Vì bạn bè các trưởng giả nhiều nên ngồi quá chật. Bấy giờ, dâm nữ thấy vậy sanh lòng thương mến, trong lòng nghĩ rằng, «Vị A-na-luật này là con nhà hào quý, từ lâu quen sung sướng không thể chịu khổ được. Nay cùng với các trưởng giả chung nhà quá chật.» Nghĩ vậy, bèn đi đến chỗ A-na-luật, nói rằng, «Tôn giả từ lâu quen sung sướng không thể chịu khổ được. Nay cùng với các trưởng giả chung nhà quá chật. Tôn giả có thể vào trong buồng[26] tôi nghỉ được không?» Tôn giả trả lời đồng ý.
Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật vào trong buồng, nơi chỗ ngồi đó, xếp tréo chân ngồi, buộc niệm trước mặt. Lúc ấy trong nhà dâm nữ, đèn thắp suốt đêm không tắt.
Đầu đêm, dâm nữ đến chỗ Tôn giả A-na-luật nói rằng:
«Gần đây có các trưởng giả bà-la-môn có nhiều của cải quý báu, đến nói với tôi, ‹Cô có thể làm vợ tôi?› Tôi liền nói với các trưởng giả ấy rằng, ‹Các ông xấu xí lắm. Tôi không thể làm vợ các ông. Nếu là người xinh đẹp, tôi sẽ làm vợ họ.› Tôi xem Tôn giả tướng mạo xinh đẹp. Tôn giả có thể làm chồng tôi được không?»
Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật tuy nghe những lời nói ấy nhưng vẫn lặng thinh không trả lời và cũng không nhìn ngó. Tại sao vậy? Vì Tôn giả đã chứng đắc giải thoát vô thượng gồm cả hai phần[27]. Đến cuối đêm, lúc bình minh sắp xuất hiện, cô ta lại nói với A-na-luật rằng:
«Các trưởng giả dòng bà-la-môn có nhiều của cải quý báu nói với tôi: ‹Cô vì tôi làm vợ.› Tôi dứt khoát không hứa khả. Nhưng Tôn giả với nhan mạo đoan chánh, có thể vì tôi làm chồng được không?»
Tôn giả A-na-luật cũng lại im lặng, không trả lời và cũng không nhìn ngó cô ta. Tại sao vậy? Vì chính Tôn giả là người đã chứng đắc giải thoát vô thượng gồm cả hai phần.
Lúc bấy giờ, dâm nữ liền thoát y đến trước mặt và nắm Tôn giả. Tôn giả liền dùng sức thần túc vụt mình lên hư không. Dâm nữ thấy vậy hết sức xấu hổ, vì sự lõa hình của mình, bèn ngồi xổm xuống; rồi vội vàng lấy áo khoác lại. Xong xuôi, chắp tay ngửa mặt lên không trung, hướng về Tôn giả A-na-luật nói:
«Xin sám hối! Xin sám hối!» Nói như vậy ba lần. Rồi, thỉnh nguyện Tôn giả trở lại chỗ ngồi.
Tôn giả hạ mình, ngồi trở lại chỗ ngồi như cũ. Người dâm nữ này đảnh lễ dưới chân Tôn giả xong, lui ngồi qua một bên. Tôn giả vì cô mà nói các pháp vi diệu, như ý nghĩa về bố thí, về trì giới, về ý nghĩa sanh thiên. Tôn giả chê trách dục là bất tịnh, là thấp hèn, là hữu lậu, là kết phược.[28] Tôn giả khen ngợi sự an lạc của xuất ly,[29] ích lợi của giải thoát.
Lúc ấy, dâm nữ liền từ chỗ ngồi dứt hết trần cấu, được sự trong sạch của con mắt pháp. Khi dâm nữ thấy pháp, đắc pháp rồi, thỉnh nguyện, «Nguyện xin Tôn giả chấp thuận con được làm người ưu-bà-di, quy y Phật, Pháp, Tăng. Từ nay trở đi, suốt đời không sát sanh cho đến không uống rượu. Ngày hôm nay, xin Tôn giả nhận lời thỉnh cầu thọ thực của con.» Tôn giả mặc nhiên chấp thuận. Người dâm nữ kia biết Tôn giả đã mặc nhiên chấp nhận lời thỉnh cầu rồi, liền sửa soạn đồ ăn thức uống ngon bổ để cúng dường. Tôn giả thọ thực xong, cô lấy một chiếc ghế nhỏ đến ngồi trước Tôn giả A-na-luật. Tôn giả vì cô mà nói các pháp, dùng nhiều hình thức khuyến dụ, khiến cho lòng cô sanh hoan hỷ. Thuyết pháp xong, Tôn giả rời chồ ngồi ra về. Về đến Tăng già-lam, đem nhân duyên này nói với các tỳ-kheo một cách đầy đủ.
Khi ấy, trong chúng có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, cơ hiềm A-na-luật rằng:
«A-na-luật, sao thầy cùng với phụ nữ ngủ chung buồng?»[30]
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi A-na-luật:
«Thật sự ông có một mình cùng với người nữ ngủ chung buồng hay không?»
A-na-luật thưa:
«Thật vậy, bạch đức Thế tôn!»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện [638a1] quở trách A-na-luật rằng:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. A-na-luật sao lại cùng với phụ nữ ngủ chung buồng?»
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-na-luật rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng với phụ nữ ngủ một nhà, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Phụ nữ: người nữ có hiểu biết,[31] mạng căn chưa đoạn.
Nhà:[32] xung quanh có tường vách ngăn che, bên trên có lợp; hoặc trước trống, không có bức vách; hoặc có vách nhưng bên trên không che lợp; hoặc tuy có che nhưng không giáp hết; hoặc tuy có che khắp nhưng có chỗ trống. Đó gọi là nhà.
Hoặc tỳ-kheo đã ngủ trước, phụ nữ đến sau; hoặc phụ nữ đến trước, tỳ-kheo đến sau; hoặc hai người cùng đến. Nếu nghiêng mình mà nằm, hông dính chiếu, phạm ba-dật-đề. Mỗi lần trở mình là một ba-dật-đề.
Nếu cùng thiên nữ, a-tu-la nữ, long nữ, dạ-xoa nữ, ngạ quỷ nữ, chung nhà mà ngủ, đột-kiết-la. Trong loài súc sanh cái, có khả năng biến hóa hay không có khả năng biến hóa, ngủ chung buồng, đột-kiết-la. Nếu cùng với người huỳnh môn, hai căn, ngủ chung buồng, đột-kiết-la. Ban ngày, phụ nữ đứng, tỳ-kheo nằm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, Ba-dật-đề, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Nếu tỳ-kheo không biết trong nhà kia có phụ nữ mà ngủ, hoặc tỳ-kheo đến trước, phụ nữ đến sau, tỳ-kheo không biết; hoặc nhà có lợp mà chung quanh không có ngăn, hoặc lợp hết mà ngăn phân nữa, hoặc lợp hết mà ngăn một ít, hoặc ngăn hết mà không lợp, hoặc ngăn hết mà lợp một ít, hoặc nửa lợp, nửa ngăn, hoặc một ít lợp một ít ngăn, hoặc không lợp không ngăn, nơi đất trống thì không phạm. Ở trong nhà này, hoặc đi, hoặc ngồi cũng không phạm, hoặc đầu bị choáng váng té xuống đất, hoặc bị bệnh mà nằm thì không phạm; hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị người trói, hoặc mạng nạn, tịnh hạnh nạn cũng không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. V. NGỦ CHUNG BUỒNG VỚI NGƯỜI CHƯA THỌ CỤ TÚC[33]
A. DUYÊN KHỞI
1. SỰ KIỆN SÁU TỲ KHEO
Một thời, đức Thế tôn ở tại thành Khoáng dã.[34] Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cùng với các trưởng giả ngủ nơi nhà giảng.[35]
Lúc ấy, trong nhóm sáu, có một vị khi ngủ với tâm tán loạn không hề hay biết, lăn mình qua, hình thể loã lồ. Lúc ấy có tỳ-kheo lấy y tủ lại. Sau đó lại lăn mình nữa, lộ hình như trước. Một tỳ-kheo khác cũng lấy y tủ lại. Vị ấy giây lát lại lăn mãi, dựng hình lên. Các trưởng giả thấy liền sanh cơ hiềm, cười lớn, chế giễu.
Bấy giờ, vị tỳ-kheo ngủ thức dậy, ôm lòng hổ thẹn, sắc mặt bạc nhợt. Các tỳ-kheo cũng hổ thẹn. Trong số ấy có vị thiểu dục tri túc, biết tàm quý, sống đầu đà, ưa học giới, hiềm trách tỳ-kheo này rằng, «Sáu tỳ-kheo này sao lại cùng với các trưởng giả ngủ chung?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông cùng với các trưởng giả ngủ chung?» Lúc bấy, giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Sáu tỳ-kheo này là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy»:
Tỳ-kheo nào, cùng ngủ chung với người chưa thọ đại giới, ba-dật-đề. 2. SỰ KIỆN LA-HẦU-LA
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy.
Một thời, đức Phật ở nước Câu-thiệm-tỳ.[36] Các tỳ-kheo nói như vầy, «Đức Phật không cho phép chúng ta cùng ngủ chung với người chưa thọ đại giới. Vậy bảo La-vân[37] đi chỗ khác.»
Lúc ấy, La-vân không có nhà để ngủ, phải đến ngủ nơi nhà vệ sinh. Khi ấy đức Phật biết, liền đến nơi nhà vệ sinh, tằng hắng. La-vân cũng tằng hắng lại. Đức Thế tôn biết mà vẫn cố hỏi:
«Ai ở trong này?»
La-vân trả lời:
«Con là La-vân.»
Lại hỏi:
«Con làm gì ở đây?»
Đáp rằng:
«Các tỳ-kheo nói, không được cùng với người chưa thọ cụ túc giới ngủ chung, nên đuổi con ra.»
Đức Thế tôn liền nói:
«Các tỳ-kheo này sao lại ngu si, không có từ tâm, đuổi trẻ nít ra khỏi phòng? Đó là con của Phật, mà không thấu rõ được ý Ta hay sao? »
Đức Phật liền đưa ngón tay bảo La-vân nắm và dẫn vào phòng, cho ngủ đêm đó. Sáng sớm, tập hợp các tỳ-kheo, Ngài bảo rằng:
«Các ông không có từ tâm, nên mới đuổi con nít đi. Đây là con của Phật,[38] mà không thấu rõ được ý Ta hay sao?[39] Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo cùng người chưa thọ đại giới cùng ngủ hai đêm. Nếu đến đêm thứ ba khi dấu hiệu bình minh chưa xuất hiện nên thức dậy tránh đi. Nếu đến đêm thứ tư, hoặc tự mình đi, hay bảo người chưa thọ đại giới đi.[40]»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ngủ chung với người chưa thọ đại giới, quá hai đêm, đến đêm thứ ba,[41] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Người chưa thọ (đại) giới: trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ngoài ra đều là người chưa thọ đại giới.
Ngủ chung buồng: Như trước đã nói.[42]
Nếu tỳ-kheo đến trước, người chưa thọ đại giới đến sau; người chưa thọ giới đến trước, tỳ-kheo đến sau; hoặc cả hai đều đến một lượt, nếu hông chấm đất là phạm, nghiêng mình một chút phạm. Nếu nam cõi trời, nam a-tu-la, nam càn-thát-bà, nam dạ-xoa, nam ngạ quỷ và trong loài súc sanh có thể biến hóa hay không thể biến hóa, cùng ngủ quá hai đêm, ba đêm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Nếu tỳ-kheo trước không biết ở tại ấy, mà người chưa thọ giới đến sau; hoặc người chưa thọ giới đến trước, mà tỳ-kheo đến sau; hoặc nhà có lợp mà bốn phía không ngăn che; hoặc lợp hết mà ngăn che một nữa, hoặc ngăn che hết mà lợp một phần; hoặc ngăn phân nửa lợp phân nửa; hoặc ngăn một phần, lợp một phần; hoặc chỗ đất trống không; hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành; tất cả đều không phạm. Hoặc đầu bị choáng váng té xuống đất; hoặc bệnh nằm, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, tịnh hạnh nạn, thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. VI. ĐỌC KINH CHUNG[43]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Một thời đức Phật ở thành Khoáng dã. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cùng các trưởng giả tập hợp tại giảng đường tụng kinh Phật, cao tiếng lớn giọng như âm thanh bà-la-môn đọc sách không khác, làm loạn tâm các vị tọa thiền.
Trong số các tỳ-kheo đã nghe có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm nhóm sáu tỳ-kheo, «Sao lại cùng các trưởng giả tập hợp nơi giảng đường tụng kinh như âm thanh bà-la-môn đọc sách?»
Lúc ấy, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
«Sao các ông lại cùng với trưởng giả tập hợp nơi [639a1] giảng đường tụng kinh, âm thanh như bà-la-môn không khác?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:
«Đây là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, tụng đọc chung với người chưa thọ giới, ba-dật-đề.[44] B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Người chưa thọ đại giới: như giới trước (tức ngoài tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni ra).
Cú nghĩa, phi cú nghĩa, cú vị, phi cú vị; tự nghĩa, phi tự nghĩa.[45]
- Cú nghĩa: là cùng người đọc tụng, không trước, không sau, như tụng:
Chớ làm các việc ác,
Hãy làm các điều lành;
Tự lắng sạch tâm ý,
Chư Phật dạy như vậy.
- Phi cú nghĩa: như một người nói ‘Chớ làm các việc ác’ chưa xong, người thứ hai nói lại câu ‘Chớ làm các việc ác.’
- Cú vị: hai người cùng tụng, không trước không sau, như tụng, «Mắt vô thường. Tai vô thường. Cho đến, ý vô thường.»
- Phi cú vị: như một người chưa nói xong «Mắt vô thường...», người thứ hai lập lại lời nói trước, «Mắt vô thường...»
- Tự nghĩa: hai người cùng tụng, không trước không sau, như tụng, ‹A-la-ba-giá-na.›
- Phi tự nghĩa: như một người chưa nói xong âm «A…», người thứ hai lập lại âm «A…» trước đó.
- Cú pháp: lời Phật nói, Thinh văn nói, Tiên nhơn nói, Chư thiên nói.
Nếu tỳ-kheo cùng người chưa thọ đại giới đồng tụng một lời nói, hai lời nói, ba lời nói, hoặc truyền trao bằng miệng, hoặc truyền trao bằng chữ viết, tất cả nếu rõ ràng, phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng, phạm đột-kiết-la.
Cùng thiên tử, a-tu-la tử, dạ-xoa tử, long tử, càn-thát-bà tử, súc sanh có thể biến hóa, tụng một lời nói, hai lời nói, ba lời nói, dù nói rõ ràng hay không rõ ràng đều phạm đột-kiết-la. Nếu vị thầy không dạy rằng: «Để tôi nói xong ông sẽ nói,» thì thầy phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.
Sự không phạm: «Tôi nói xong rồi, ông mới nói.» Một người tụng rồi, một người chép. Hoặc hai người đồng nghiệp đồng tụng; hoặc nói giỡn chơi, hoặc nói vội vàng, hoặc nói một mình, hoặc nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này lại nói việc khác. Tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. VII. NÓI THÔ TỘI[46]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật. Bấy giờ, tại thành La-duyệt có tỳ-kheo đang hành ba-lợi-bà-sa, ma-na-đỏa, nên ngồi dưới hết. Nhóm sáu tỳ-kheo hỏi các bạch y rằng:
«Các người có biết tại sao người đó lại ngồi dưới chót không?»
Các bạch y thưa:
«Chúng con không biết.»
Nhóm sáu tỳ-kheo nói:
«Người ấy phạm tội như vậy. Do phạm tội như vậy nên chúng Tăng phạt khiến ngồi dưới hết.»
Vị tỳ-kheo có lỗi nghe, lấy làm hổ thẹn, và các tỳ-kheo khác khi nghe những lời này cũng hổ thẹn. Trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao lại đem việc tỳ-kheo phạm tội thô ác nói với người bạch y?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
«Sao các ông lại đem việc tỳ-kheo phạm tội thô ác nói với người bạch y?» Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Đây là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy[47]:
Tỳ-kheo nào, có tỳ-kheo phạm tội thô ác, đem nói với người chưa thọ đại giới, ba-dật-đề.
Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, bấy giờ có tỳ-kheo hoặc không biết thô ác, hay không thô ác, sau mới biết là thô ác; hoặc có người đã tác pháp sám hối ba-dật-đề, hoặc có người lo sợ. Đức Phật dạy: «Không biết thì không phạm.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo phạm tội thô ác, đem nói với người chưa thọ đại giới, ba-dật-đề.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất được Tăng sai đến giữa triều thần của Vua và trong nhân dân kể rõ tội lỗi của Điều-đạt,[48] rằng những gì Điều-đạt làm, đừng nói đó là Phật, Pháp, Tăng, nên biết đó là việc làm của Điều-đạt. Tôn giả Xá-lợi-phất nghe xong liền sanh lòng cẩn thận và lo sợ.[49] Các tỳ-kheo biết như vậy, nên đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn dạy:
«Chúng Tăng sai thì không phạm.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo khác có tội thô ác, đem nói với người chưa thọ đại giới, trừ tăng yết-ma, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Chưa thọ đại giới: (ngoài tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni ra) như giới trước.
Tội thô ác: ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa.
Tăng: đồng nhất yết-ma, đồng nhất thuyết giới.
Nếu tỳ-kheo biết vị khác có tội thô ác, đến nói với người chưa thọ đại giới, trừ Tăng yết-ma, ba-dật-đề. Nói rõ ràng, ba-dật-đề; không rõ ràng, đột-kiết-la.
Ngoài tội thô ác ra, đem các tội khác nói với người chưa thọ đại giới, đột-kiết-la.
Tự mình phạm tội thô ác đem nói với người chưa thọ đại giới, đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, đem tội thô ác của người khác nói với người chưa thọ đại giới, đột-kiết-la.
Tội thô ác tưởng là tội thô ác, ba-dật-đề. Tội thô ác mà nghi, đột-kiết-la. Chẳng phải tội thô ác mà tưởng là tội thô ác, đột-kiết-la. Chẳng phải tội thô ác mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu không biết, hoặc Tăng sai. Thô ác mà tưởng chẳng phải thô ác, hoặc bạch y trước đó đã biết tội thô ác này rồi, thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. VIII. NÓI PHÁP THƯỢNG NHÂN[50]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở tịnh xá Lầu các, bên bờ ao Di hầu, tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ tỳ-kheo nơi vườn Bà cầu, đối với người chưa thọ đại giới mà tự nói mình chứng ngộ pháp thượng nhơn. Vì nhơn duyên này Phật tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà cố hỏi tỳ-kheo nơi vườn Bà cầu:
«Có thật như vậy không?»
Thưa:
«Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.»
Đức Phật quở:
«Các ông là người si. Nếu là thật đi nữa còn không đem nói với người, huống chi là không thật.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo nơi vườn Bà Cầu, rồi bảo các tỳ-kheo:
«Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đối với người chưa thọ đại giới mà tự nói mình chứng ngộ pháp thượng nhơn, nói rằng, ‹Tôi thấy điều này, tôi biết điều này.› Nếu đây là sự thật, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Chưa thọ đại giới: như giới trước.
Pháp về con người:[51] giới của con người, ấm của con người, nhập của con người.[52]
Pháp thượng nhơn :[53] chỉ cho các pháp xuất yếu.
Tự mình nói: nói mình đắc thân niệm, thiện tư duy, có giới, có dục, có không phóng dật, có tinh tấn, có định, có chánh định, có đạo, có tu hành, có trí tuệ, có kiến, có đắc, có quả. Nếu vị ấy thật sự có điều này, mà đến người chưa thọ đại giới nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng đột-kiết-la.
Nếu dùng dấu tay, chữ viết, hoặc [640a1] ra hiệu khiến cho người biết rõ ràng, ba-dật-đề, không rõ ràng, đột-kiết-la.
Nếu hướng đến các trời, a-tu-la, dạ-xoa, càn-thát-bà, rồng, ngạ quỉ, súc sanh có thể biến hóa mà nói pháp thượng nhơn, dù rõ ràng hay không rõ ràng đều phạm đột-kiết-la.
Nếu thật sự đã đạt được pháp thượng nhơn, lại hướng đến người đã thọ đại giới, nhưng họ chẳng đồng ý mà nói thì phạm đột-kiết-la; hoặc tự xưng là «Tôi đã đạt được căn, lực, giác, đạo, thiền định, giải thoát, nhập tam muội;» hướng đến người mà nói thì phạm ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu là Tăng thượng mạn; hoặc tự nói là do nghiệp báo chứ không nói là do mình tu mà được; hoặc thật sự đã đạt được pháp thượng nhơn, đến tỳ-kheo đồng ý mà nói; hoặc nói căn, lực, giác, đạo, giải thoát, nhập tam muội, mà không nói với người là «Tôi chứng đắc;» hoặc nói đùa giỡn, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này lại nói việc khác. Tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. IX. THUYẾT PHÁP QUÁ NĂM LỜI[54]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Ca-lưu-đà-di, vào lúc thích hợp, khoác y, bưng bát, đến nhà một trưởng giả. Trước mặt bà mẹ chồng, ông ghé bên tai nói pháp cho con dâu. Bà mẹ chồng thấy vậy liền hỏi cô dâu:
«Vừa rồi tỳ-kheo nói gì vậy?»
Cô dâu trả lời:
«Tỳ-kheo nói pháp cho con nghe.»
Bà mẹ chồng nói với cô dâu rằng:
«Nếu nói pháp thì phải nói lớn cho chúng ta cùng nghe. Sao lại ghé bên tai nói cho một mình cô nghe thôi?»
Cô dâu nói:
«Vừa rồi tỳ-kheo nói như chuyện anh em không có gì khác. Đâu có điều gì là lỗi!»
Lúc ấy, tỳ-kheo khất thực nghe được, liền quở trách Ca-lưu-đà-di, «Sao Tôn giả lại ghé tai nói pháp cho cô dâu trước mặt bà mẹ chồng?»
Khi ấy, tỳ-kheo khất thực xong trở về trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này nói đầy đủ cho các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm Ca-lưu-đà-di: «Sao lại ghé tai nói pháp cho cô dâu trước mặt bà mẹ chồng?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà ngài cố ý hỏi Ca-lưu-đà-di:
«Thật sự ông có ghé tai nói pháp cho cô dâu trước mặt bà mẹ chồng?»
Thưa rằng:
«Có thật như vậy.»
Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại ghé tai nói pháp cho cô dâu trước mặt bà mẹ chồng?»
Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Ca-lưu-đà-di này là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nói pháp cho người nữ, ba-dật-đề.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy.
Bấy giờ, có người nữ thỉnh cầu các vị tỳ-kheo rằng:
«Cúi xin chư tôn vì chúng con nói pháp.»
Lúc ấy các tỳ-kheo đều có tâm dè dặt về việc Thế tôn chế giới, tỳ-kheo không được nói pháp cho người nữ.
Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn bảo:
«Từ nay trở đi, cho phép các tỳ-kheo nói pháp cho người nữ năm, sáu lời.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, nói pháp cho người nữ nghe quá năm, sáu lời, ba-dật-đề.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Tỳ-kheo lại có tâm dè dặt, vì không có mặt người nam có hiểu biết nên thôi, không nói pháp cho người nữ. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, nếu có mặt người nam có trí, cho phép nói pháp cho người nữ quá năm, sáu lời.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, nói pháp cho người nữ quá năm, sáu lời, trừ có mặt người nam có hiểu biết, ba-dật-đề.
Khi ấy có các người nữ thỉnh các tỳ-kheo rằng:
«Bạch đại đức, xin ngài trao năm giới cho con.»
Các tỳ-kheo có tâm dè dặt vì không có mặt người nam có hiểu biết, nên không trao năm giới cho người nữ. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép không có mặt người nam có hiểu biết vẫn được trao năm giới cho người nữ.»
Bấy giờ, có người nữ thỉnh các tỳ-kheo:
«Đại đức vì con nói pháp năm giới.»
Bấy giờ, không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp năm giới cho người nữ. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói pháp năm giới cho người nữ.»
Khi ấy, các người nữ muốn thọ pháp bát quan trai, các tỳ-kheo có tâm dè dặt, vì không có mặt người nam có hiểu biết, nên không dám cho thọ thực pháp. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo không có mặt người nam có hiểu biết, được trao pháp bát quan trai cho người nữ.»
Khi ấy, các người nữ thỉnh các tỳ-kheo:
«Đại đức vì con nói pháp bát quan trai.»
Khi ấy không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp bát quan trai. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói pháp bát quan trai cho người nữ.»
Lúc ấy các người nữ bạch các tỳ-kheo:
«Đại đức, chúng con nghe pháp bát thánh đạo.»
Khi ấy không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp bát thánh đạo. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói pháp bát thánh đạo cho người nữ.»
Khi ấy có các người nữ bạch với các tỳ-kheo:
«Đại đức, xin ngài vì con nói mười pháp bất thiện.»
Khi ấy không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp mười bất thiện. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói pháp mười bất thiện cho người nữ.»
Khi ấy có các người nữ bạch các tỳ-kheo:
«Đại đức, vì chúng con nói mười pháp thiện.»
Khi ấy không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói mười pháp thiện. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói mười pháp thiện cho người nữ.»
Khi ấy có những người nữ đến vấn nghĩa các tỳ-kheo. Tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp mười bất thiện. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, các tỳ-kheo được trả lời sự vấn nghĩa của người nữ. Nếu họ không hiểu nên vì họ nói rộng ra.»
Từ nay về sau, muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nói pháp cho người nữ quá năm, sáu lời, trừ có mặt người nam có hiểu biết, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Người nữ: nghĩa cũng như trên
Năm lời: sắc vô ngã; thọ, tưởng, hành, thức vô ngã.
Sáu lời: mắt vô thường; tai, mũi, lưỡi, thân, ý vô thường.
Người nam có hiểu biết: hiểu rõ việc thô ác hay không thô ác.
Tỳ-kheo nói pháp cho người nữ quá năm sáu lời, trừ có mặt người nam có trí, nói rõ ràng phạm ba-dật-đề, không rõ ràng phạm đột-kiết-la.
Đối với thiếu nữ, a-tu-la nữ, long nữ, dạ-xoa nữ, càn-thất-bà nữ, ngạ quỷ nữ, súc sanh cái có thể biến hóa, vì chúng nói pháp quá năm sáu lời, rõ ràng hay không đều phạm đột-kiết-la.
Trong loài súc [641a1] sanh, loài không thể biến hóa, vì chúng nó nói quá năm sáu lời đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa ma na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: chỉ nói năm sáu lời, nếu nói quá mà có mặt người nam có hiểu biết. Không có mặt người nam có hiểu biết mà trao năm giới cho ưu-bà-di, nói pháp năm giới, trao pháp bát quan trai, nói pháp bát quan trai, nói bát chánh đạo, nói pháp thập bất thiện, và người nữ vấn nghĩa, không có mặt người nam có hiểu biết vẫn được trả lời. Nếu họ không hiểu được, vì họ nói rộng ra. Hoặc nói đùa giỡn, nói vội vàng, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này lại nói việc khác. Tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. X. ĐÀO PHÁ ĐẤT[55]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở thành Khoáng dã. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo vì đức Phật sửa chữa giảng đường, đào đất xung quanh giảng đường.[56] Các cư sĩ thấy chê bai: «Sa-môn Thích tử không biết xấu hổ, đoạn mạng sống của kẻ khác; bên ngoài tự xưng là ta biết chánh pháp, cứ xem việc hôm nay, có gì là chánh pháp? Tự mình đào đất, đoạn mạng sống của các loài khác!»
Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, khiển trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao vì đức Phật sửa chữa giảng đường mà lại tự tay đào đất để các trưởng giả cơ hiềm?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại tự mình đào đất, khiến cho các trưởng giả cơ hiềm?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo, rồi bảo các tỳ-kheo rằng:
«Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, tự tay đào đất, ba-dật-đề.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy.
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo sửa chữa giảng đường, chỉ sai người đào đất, bảo rằng: «Đào chỗ này, bỏ chỗ này.» Các trưởng giả thấy rồi cơ hiềm: «Sao sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, bảo người đào đất đoạn mạng sống của loài khác, không có từ tâm. Bên ngoài tự xưng là ta biết chánh pháp, cứ xem việc hôm nay, có gì là chánh pháp? »
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, khiển trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Tại sao sửa chữa giảng đường của Phật, lại chỉ sai người đào đất, bảo rằng: ‹Đào chỗ này, bỏ chỗ này;› khiến cho các trưởng giả cơ hiềm?»
Quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, vị thiểu dục đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao sửa chữa giảng đường lại chỉ sai người đào đất, bảo rằng: ‹Đào chỗ này, bỏ chỗ này;› khiến cho các trưởng giả cơ hiềm?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo, rồi bảo các tỳ-kheo rằng:
«Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới»:
Tỳ-kheo nào, tự tay đào đất, hoặc sai người đào,[57] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Đất: đất đã đào hay đất chưa đào.[58] Nếu đất đào rồi trải qua bốn tháng mưa thấm trở lại như cũ, hoặc lấy bừa bừa, hoặc dùng xuổng đào, hoặc dùng vồ đập, hoặc dùng liềm, dao cắt; cho đến dùng móng tay bấm làm cho đất bị tổn thương, tất cả đều phạm ba-dật-đề. Lấy nọc đóng vào đất, ba-dật-đề. Đốt lửa trên đất, ba-dật-đề. Đất hay có ý tưởng là đất, ba-dật-đề. Nếu không dạy rằng: «Xem cái này, biết cái này!»[59] phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu có nói, «xem cái này, biết cái này!» Hoặc kéo cây, kéo tre, hoặc rào ngã đỡ lên; hoặc lật đá để lấy phân; hoặc bờ đất bị sập; hoặc lấy đất ổ chuột; hoặc dọn đất nơi chỗ đi kinh hành; hoặc dọn đất trong nhà; hoặc dọn chỗ tới lui kinh hành; hoặc quét đất; hoặc cây tích trượng chống xuống đất; hoặc không cố ý đào. Tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [60] Chú thích:
1] Cf. Ngũ phần 6 (T22n1421, tr.37b14); Tăng kỳ 12 (T22n1425, tr.324c07); Thập tụng 7 (T23n1435, tr.63b16); Căn bản 25 (T23n1442, tr.760b16). Pali, Pācittiya 1. Mūsavāda, Vin.iv. 2.
[2] Thích-súy-sấu 釋翅瘦 (Pl. Sakkesu), giữa những người họ Thích; không phải địa danh. Các Bộ khác đều nói Phật tại Xá-vệ; Pali cũng vậy.
[3] Tượng Lực 象力. Ngũ phần 6 (T22n1421, tr.37b15), tỳ-kheo pháp sư Sa-lan 法師比丘名沙蘭. Tăng kỳ 12 (T22n1425, tr.324c08): Trưởng lão Thi-lị-da-bà 長老尸利耶婆; Thập tụng 7 (T23n1435, tr.63b22): tỳ-kheo họ Thích Ha-đa 訶哆釋子比丘; Căn bản 25 (T23n1442, tr.760b17): duyên khởi từ Tôn giả La-hầu-la 具壽羅怙羅 (Cụ thọ La-hỗ-la), nhưng chưa chế giới; cho đến duyên khởi bởi tỳ-kheo Pháp Thủ 法手苾芻 mới chế giới. Pali: Hatthako Sakyaputto.
[4] Ba-dật-đề. Thập tụng 7 (T23n1435, tr.63c19): «Ba-dạ-đề 波夜提, tội danh; có nghĩa là thiêu đốt, ngăn bít. Nếu không sám hối, có thể chướng ngại đạo.» Pali: pācittiya.
[5] Thấy, nghe, xúc, giác, hay biết, Hán: kiến, văn, xúc, tri 見聞觸知. Bốn chức năng nhận thức, cũng thường nói là kiến, văn, giác, tri. Tăng-kỳ: kiến văn tri thức 見聞知識. Pali: diṭṭhaṃ, sutaṃ, mutaṃ, viññaṃ.
[6] Cf. Pali, Vin.iv. 2, nói dối với bảy hình thức về một trong bốn chức năng nhận thức: trước khi nói dối, trong khi nói dối, sau khi nói dối đều biết rõ mình sẽ, đang và đã nói dối; (cố ý) diễn tả sai lạc quan điểm, sự tán thành, sở thích và ý hướng; (…) vinidhāya diṭṭhiṃ, vinidhāya khantiṃ, vinidhāya ruciṃ, vinidhāya bhāvaṃ.
[7] Chủng loại mạ 種類罵. Xem giải thích nơi phần giới tướng.
[8] Đắc-sát-thi-la 得剎尸羅國. Pali: Takkasilā, thủ phủ của Gandhāra, nổi tiếng về giáo dục. Được đề cập rất nhiều trong các chuyện tiền thân.
[9] Pali, con bò tên là Nandivisāla.
[10] Pali, seṭṭhi, nhà phú hộ, hay đại thương gia.
[11] Pali, sahassena abbhutaṃ karoti, đánh cuộc một nghìn. Không nói «một nghìn» cái gì. Bản dịch Anh phỏng định: kahāpaṇa (tiền vàng). Ngũ phần 6 (T22n1421, tr.37c21), 50 tiền vàng. Căn bản 15 (T23n1442, tr.765a22), 500 tiền vàng.
[12] Hán: nhất giác 一角, tên gọi diễu cợt con bò. Pali: kūṭa, không sừng; bò cụt sừng.
[13] Hán: chủng loại huỷ tỷ ngữ 種類毀呰語. Tăng kỳ 12 (T22n1425, tr.325b28): chủng loại hình tướng ngữ 種類形相語; có 7 cách: chủng tánh, nghề nghiệp, tướng mạo, bệnh tật, tội, bệnh, kết sử (ô nhiễm). Pali (Vin.iv. 4): omasavāda. Có 10 cách mắng nhiếc: bằng gia đình (jātiyā), tên tuổi (nāmena), tộc họ (gottena), nghề nghiệp (kammena), công xảo (sippena), chứng (bệnh) tật (bādhena), dấu hiệu (liṅgena), phiền não (thói xấu) (kilesena), tội lỗi (āpattiyā), và sự hèn hạ (hīnena).
[14] Trúc sư chủng 竹師種: thợ làm đồ tre. Pali: veṇajāti.
[15] Xa sư chủng 車師種. Pali: rathakārajāti.
[16] Câu-tấu 拘湊, Câu-thi 拘尸, Bà-tô-trú 婆蘇晝, Ca-diếp 迦葉, A-đề-lị-dạ 阿提梨夜, Bà-la-đọa 婆羅墮. Pali, giòng họ có thấp và cao. Giòng họ thấp: Kosiya, Bhāradvāja; giòng họ cao: Gotama, Moggallāna, Kaccāyana, Vāsiṭṭha.
[17] Hán: bá ki 簸箕. Pali: naḷakāra, nghề đan/dệt cói.
[18] Manh hạt 盲瞎, chỉ chung các khuyết tật và các chứng bịnh.
[19] Thiện Nha 善牙. Thập tụng 9 (T23n1435, tr.66a27): Hảo Mao 好毛.
[20] Thiện Bác 善博. Ngũ phần 6 (T22n1421, tr.38b05): Thiện Trảo 善抓. Thập tụng 9 (T23n1435, tr.66a27): Hảo Nha 好牙.
[21] Tăng kỳ 12 (T22n1425, tr.326b19): truyện kể trong «Tam thú bản sanh kinh»; không nêu chi tiết.
[22] Ngũ phần, nt.: «Nói hai lưỡi khiến tỳ-kheo loạn đấu.» Pali: bhikkhupesuñña, lời nói ly gián tỳ-kheo.
[23] Pali, có hai hình thái ly gián ngữ (dvīhākārehi pesuññaṃ hoti): nói với mục đích gây cảm tình, nói với mục đích gây chia rẻ.
[24] Tức là, thuật lại lời của người này cho người kia. Pali, có 10 loại nói ly gián, như 10 loại nói ác khẩu mạ lỵ: từ chuyện bêu xấu dòng họ, cho đến mắng chưởi.
[25] Ngũ phần 8 (T22n1421, tr.59b09), ba-dật-đề 56; Tăng-kỳ 19 (T22n1425, tr.381c28), ba-dật-đề 69; Thập tụng (T23n1435, tr.112c22), ba-dật-đề 65; Căn bản 40 (T23n1442, tr.849b25), Ba-dật-đề 65. Pali, Vin.iv. 17, Pācittiya 6.
[26] Nguyên Hán: xá nội 舍內; chính xác, nên hiểu là buồng trong. Pali: mañcakaṃ abbhantaraṃ, giường ở buồng trong. Xem cht. 32 dưới.
[27] Hán: nhị câu giải thoát 二俱解脫. Tức với tâm giải thoát và huệ giải thoát. A-la-hán chứng đắc diệt tận định, gọi là có câu (phần) giải thoát. Xem Câu-xá (T22n1558, tr.131b26). Pali: ubhatobhāga-vimutta, cf. D.ii. 71; M.i. 477; S.i. 191.
[28] Hán: dục bất tịnh độ hữu lậu phược 欲不淨度有漏縛. Cf. Pali, Mahāvagga, Vin. i. 16: bhagavā… anupubbiṃ kathaṃ kathesi seyyathidaṃ dānakathaṃ sīlakathaṃ sagga-kathaṃ, kāmānaṃ ādīnavaṃ okāraṃ saṃkilesaṃ nekkhamme ānisaṃsaṃ, «… rồi Thế tôn tuần tự thuyết pháp, nói về bố thí, về trì giới, về sinh thiên, về sự nguy hiểm, sự thấp hèn, sự ô nhiễm của các dục, và sự ích lợi do thoát ly dục.
[29] Cf. A.i.80, dvemāni … sukhāni… kāmasukhanca nekkhammasukhañca, có hai sự khoái lạc: khoái lạc do dục vọng, và khoái lạc do thoát ly.
[30] Nguyên Hán: đồng thất 同室, chung nhà. Chính xác, chung buồng. Pali: sahaseyya. Xem cht. 32 dưới.
[31] Hán: hữu tri 有知. Cf. định nghĩa của Pali, Vin. iv. 20: (…) manussitthī na yakkhī na oetī na tiracchānagatā…, nữ thuộc loài người, không phải yakkha, không phải quỷ, không phải súc sanh.
[32] Hán: thất 室. Pali: seyya, buồng ngủ; định nghĩa: hoặc được che lợp kín; hoặc được bao che kín; hoặc che lợp một phần; hoặc bao quanh một phần. Các bản Hán đều dịch là thất.
[33] Ngũ phần 6, (T22n1421, tr.40a07), ba-dật-đề 7; Tăng kỳ 17, (T22n1425, tr.365b03), ba-dật-đề 42; Thập tụng 15, (T23n1435, tr.105b09), ba-dật-đề 54; Căn bản 39, (T23n1442, tr.838c07), ba-dật-đề 54. Pali: Pāc. 5. Sahaseyya, Vin. iv.15.
[34] Khoáng Dã 曠野城. Ngũ phần nt., A-trà-tì ấp 阿荼脾邑. Tăng kỳ nt., Khoáng Dã tinh xá 曠野精舍. Thập tụng nt., A-la-tì quốc 阿羅毘國. Căn bản nt., Phật tại Thất-la-phiệt 室羅伐城 (Xá-vệ). Pali, nt., āḷaviyaṃ viharati aggāḷave cetiye, trú tại Āḷavi, trong ngôi miếu lớn của Āḷavi.
[35] Pali, navakā bhikkhū … upāsakehi saddhiṃ…, các tân tỳ-kheo… cùng với các cư sĩ.
[36] Câu-thiệm-tỳ 拘睒毘國. Ngũ phần nt., tại nước Câu-xá-di, vườn Cù-sư-la 拘舍彌國瞿羅 園. Tăng kỳ nt., nhân duyên tại Ca-duy-la-vệ. Thập tụng nt., Phật tại Xá-vệ. Căn bản nt., Phật tại Kiều-thiểm-tì, trong vườn Diệu âm 憍閃毘妙音園. Pali: Kosambī.
[37] La-vân: La-hầu-la (Rāhula).
[38] Y nói, Sa-di đã xuất gia, không còn nhận cha mẹ ngoài đời, mà là con của Phật. Không chỉ riêng La-hầu-la là con Phật. Xem cht. dưới.
[39] Ngũ phần nt. (T22n1421, tr.40b17): «Sao bầy cáo lại đuổi sư tử?» Thập tụng nt. (T23n1435, tr.105c11): «Sa-di này không cha mẹ. Nếu các ngươi không thương tưởng che chở, làm sao sống nổi?» Căn bản nt. (T23n1442, tr.839c02): «Các cầu tịch (tức sa-di) không có cha mẹ. Duy chỉ các ngươi, những người đồng phạm hạnh, phải thương yêu che chở .»
[40] Tăng kỳ nt. (T22n1425, tr.365c11): «được phép ngủ chung buồng ba đêm; bốn đêm thì nên biệt trú.»
[41] Ngũ phần, Thập tụng, Căn bản, «quá hai đêm, ba-dật-đề.» Tăng kỳ: «quá ba đêm, ba-dật-đề.» Pali: uttaridirattatirattaṃ, «quá hai hoặc ba đêm»; được hiểu là «từ hai đến ba đêm». Giải thích ý nghĩa để chấp hành, Pali, Vin.iv. 17, nói: «Nếu đã trải qua hai đêm, thì đến đêm thứ ba nên ra đi trước khi có dấu hiệu bình minh.»
[42] Đồng thất túc 同室宿. Xem cht.30. ba-dật-đề 4 trên. Pali: sahaseyyaṃ kappeyya.
[43] Các bộ, ba-dật-đề 6. Pali, Pāc. 4 Padasodhammasikhā.
[44] Thập tụng 6, ‹Đem cú pháp dạy người chưa thọ cụ túc…›
[45] Ngũ phần 6, cú pháp: cú, vị và tự, tức mệnh đề, cụm từ, và âm tiết (vì tiếng Phạn đa âm tiết). Thập tụng 6, cú pháp: túc cú (mệnh đề trọn), bất túc cú (mệnh đề không trọn); túc tự (từ ngữ trọn, đa âm tiết), bất túc tự (từ ngữ không trọn), túc vị (âm tiết trọn), bất túc vị (âm tiết không trọn).
[46] Ngũ phần 6, ba-dật-đề 9; Tăng kỳ 14, ba-dật-đề 8; Thập tụng 10, ba-dật-đề 8. Căn bản 27, ba-dật-đề 7. Pali, Pāc. 9 Duṭṭhullārocana.
[47] Ngũ phần và Tứ phần, giới được kết ba lần. Thập tụng, kết một lần. Căn bản, kết hai lần. Pali, một lần.
[48] Xem Ch.ii, Tăng-già-bà-thi-sa x.
[49] Hán: uý thận 畏慎.
[50] Tăng kỳ 13, Thập tụng 10, ba-dật-đề 7; Ngũ phần 6, Căn bản 27, ba-dật-đề 8. Pali, Pāc.8 Bhūta-rocanasikhā. Tham chiếu Ch.i ba-la-di iv.
[51] Hán: nhân pháp, trong quá nhân pháp 過人法 (thượng nhân pháp) Pl. uttarimanussa-dhamma). Xem giải thích, Ch.i ba-la-di 4
[52] Giới 人界, ấm 人陰, nhập 人入, hay giới (Pl. dhātu), uẩn (khandha), xứ (āyatana): các tổ hợp cấu thành nhân cách.
[53] Nguyên Hán: quá nhân pháp 過人法.
[54] Ngũ phần 6, ba-dật-đề 4; Tăng kỳ 13, Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 5; Pali, Pāc. 7 Dhammadesanasikhā.
[55] Pali, Pāc. 10 Pathavīkhaṇana. Ngũ phần 8, ba-dật-đề 59; Tăng kỳ 19, ba-dật-đề 73; Thập tụng 16, Căn bản 41, ba-dật-đề 73.
[56] Ngũ phần, nt.: Phật từ Câu-tát-la đến ấp A-trà-tỳ. Các tỳ-kheo sửa chữa nhà cửa để đón Phật. Tăng kỳ, nt.: doanh sự tỳ-kheo.
[57] Ngũ phần 8 (T22n1425, tr.60c22): «sai người đào, hoặc bảo, đào chỗ này.» Tăng kỳ 19 (T22n1425, tr.384c): «Sai người đào, hoặc chỉ điểm chỗ đào.» Thập tụng: «Chỉ dạy người khác đào, bảo, ‹Ngươi hãy đào chỗ này.›»
[58] Tăng kỳ nt., hai loại đất: sanh 生, chỉ đất tự nhiên; tác 作: đất nền để canh tác. Thập tụng nt., hai loại đất: sinh địa 生地, đất sinh sản vào tháng 8 ở những nước có mưa nhiều; ở nước mưa ít, tháng 4 đất sinh sản. Bất sinh địa 不生地, ngoài sinh địa ra. Pali, Vin. iv. 33: jātā ca pathavī ajātā ca pathavī.
[59] Ngũ phần nt.: «Hãy biết cái này, hãy xem cái này. Tôi cần cái này. Cho tôi cái này.» Cf. Pali: imaṃ jāna, imaṃ dehi, imaṃ āhara, iminā attha, imaṃ kappaṃ karohi, «Hãy nhận rõ cái này; hãy cho đi cái này; hãy mang đi cái này; tôi cần cái này; hãy làm cho cái này hợp thức.»
[60] Bản Hán, hết quyển 11.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.62.99 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.