Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích XXII. GIÁO THỌ NI SAU MẶT TRỜI LẶN
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà được chúng Tăng sai giáo thọ tỳ-kheo-ni. Giáo thọ tỳ-kheo-ni xong, Tôn giả ngồi im lặng.
Bấy giờ Đại Ái Đạo thưa:
«Tôn giả Nan-đà, chúng con muốn được nghe pháp. Xin Tôn giả vì chúng con mà nói thêm nữa.»
Tôn giả Nan-đà nói pháp cho họ xong, cũng ngồi im lặng.
Đại Ái Đạo lại thưa thỉnh lần nữa:
«Chúng con muốn được nghe pháp. Xin Tôn giả vì chúng con mà nói.»
Tôn giả Nan-đà thuyết pháp cho họ với âm thanh tốt nên thính giả thích nghe. Vì vậy mãi đến mặt trời lặn mới thôi.
Khi tỳ-kheo-ni ra khỏi tịnh xá Kỳ-hoàn để về thành Xá-vệ thì cửa thành đã đóng, không vào được, phải dựa vào hào ở ngoài cửa thành mà nghỉ đêm. Sáng sớm, cửa thành vừa mở thì các cô ni vào trước. Các trưởng giả thấy thế, đều nói, «Sa-môn Thích tử không có tàm quý, không có hạnh thanh tịnh. Tự xưng rằng ta tu chánh pháp. Như vậy thì có gì là chánh pháp? Các ông xem những tỳ-kheo-ni này, suốt đêm cùng ngủ với tỳ-kheo, sáng ngày họ mới cho ra về.»
Các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Nan-đà rằng, «Sao thầy thuyết pháp cho tỳ-kheo-ni mãi cho đến măt trời lặn, khiến cho các trưởng giả chê trách?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn [650a1] hỏi Tôn giả Nan-đà:
«Thật sự ông có giáo giới cho tỳ-kheo-ni đến mặt trời lặn hay không?»
Tôn giả thưa:
«Bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Tôn giả Nan-đà:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Nan-đà, sao ông thuyết pháp giáo giới cho tỳ-kheo-ni mãi đến mặt trời lặn?»
Quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
«Nan-đà kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, tuy được Tăng sai, nhưng giáo thọ tỳ-kheo-ni cho đến mặt trời lặn,[124] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Tăng: như giới trước.
Giáo thọ: Trong chúng tăng, được sai bằng pháp bạch nhị yết-ma.
Vị tỳ-kheo được Tăng sai giáo thọ tỳ-kheo-ni nên trở về trước khi mặt trời lặn. Nếu tỳ-kheo nào giáo thọ tỳ-kheo-ni cho đến mặt trời lặn, ba-dật-đề. Trừ giáo thọ ra, nếu dạy kinh, tụng kinh hoặc tham vấn bao nhiêu việc khác cho đến mặt trời, đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo-ni ra, nếu vì các phụ nữ khác tụng kinh, dạy kinh, tham vấn việc khác đến mặt trời lặn, đột-kiết-la.
Sáng lặn tưởng là sáng lặn, ba-dật-đề. Nghi là mặt trời lặn, đột-kiết-la. Mặt trời lặn tưởng là mặt trời chưa lặn, đột-kiết-la. Mặt trời chưa lặn tưởng là mặt trời lặn, đột-kiết-la. Nghi là mặt trời chưa lặn, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: giáo thọ tỳ-kheo-ni, mặt trời chưa lặn liền dừng. Trừ phụ nữ ra, nếu vì người khác dạy tụng kinh, thọ kinh, hoặc tham vấn việc khác, không phạm.
Nếu nói pháp trên thuyền đò, tỳ-kheo-ni nghe cùng với khách lái buôn đồng hành ban đêm; hoặc đến trong chùa tỳ-kheo-ni nói pháp; hoặc đến ngày thuyết giới, ni đến trong Tăng thỉnh vị giáo thọ, gặp khi nói pháp ni liền nghe; tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXIII. GIÁO THỌ NI VÌ LỢI DƯỠNG[125]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo-ni nghe vị giáo thọ sư đến, nghinh đón cách nửa do tuần, sắp đặt phòng xá, chuẩn bị cơm, cháo, đồ ăn, thức uống, giường, tọa cụ, nơi tắm rửa.
Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghĩ rằng, «Các tỳ-kheo kia không sai chúng ta đi giáo thọ tỳ-kheo-ni.» Rồi sanh tâm ganh ghét, nói rằng, «Các tỳ-kheo kia giáo thọ tỳ-kheo-ni không phải với tâm chơn thật, mà chỉ vì đồ ăn, thức uống, nên giáo thọ tỳ-kheo-ni tụng kinh, thọ kinh tham vấn.»
Bấy giờ, trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, «Sao lại nói như vậy, rằng, ‹Các Tỳ-kheo kia không sai chúng ta đi giáo thọ tỳ-kheo-ni.› Rồi sanh tâm ganh ghét, nói rằng, ‹Các tỳ-kheo kia giáo thọ tỳ-kheo-ni không phải với tâm chơn thật. Mà chỉ vì đồ ăn, thức uống, nên giáo thọ tỳ-kheo-ni tụng kinh, thọ kinh tham vấn.›?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông lại nói rằng, ‹Các tỳ-kheo kia không sai chúng ta đi giáo thọ tỳ-kheo-ni.› Rồi sanh tâm ganh ghét, nói rằng, ‹Các tỳ-kheo kia giáo thọ tỳ-kheo-ni không phải với tâm chơn thật. Mà chỉ vì đồ ăn, thức uống, nên giáo thọ tỳ-kheo-ni tụng kinh, thọ kinh tham vấn.›?»
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nói với các tỳ-kheo như vầy: ‹tỳ-kheo vì sự ăn uống[126] mà giáo thọ tỳ-kheo-ni,› ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tỳ-kheo kia nói như vầy: «Các tỳ-kheo vì sự ăn uống nên giáo thọ tỳ-kheo-ni. Vì sự ăn uống nên dạy tụng kinh, tham vấn.» Nói rõ ràng phạm ba-dật-đề; không rõ ràng phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: việc kia sự thật là như vậy, vì sự ăn uống nên giáo thọ tỳ-kheo-ni, vì sự cúng dường ăn uống nên dạy tụng kinh, thọ kinh, tham vấn. Hoặc nói đùa giỡn, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này nhầm nói việc khác; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXIV. CHO Y CHO TỲ-KHEO-NI[127]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có một tỳ-kheo khất thực, oai nghi đầy đủ. Lúc ấy, có một tỳ-kheo-ni gặp ông, liền sanh thiện tâm, nhiều lần thỉnh vị tỳ-kheo kia, nhưng vị tỳ-kheo kia không nhận lời.
Một thời gian sau, chúng Tăng Kỳ-hoàn chia y vật. Tỳ-kheo kia đem phần y của mình ra khỏi cửa ngõ Kỳ-hoàn thì lại gặp tỳ-kheo-ni này vừa mới đến. Tỳ-kheo kia nghĩ rằng: «Tỳ-kheo-ni này nhiều lần mời ta mà ta không nhận lời. Nay ta nên đem phần y này trả lễ sự mời thỉnh kia. Nhưng chắc cô không nhận. Việc này cũng đủ đáp trả nhau.» Nghĩ xong, tỳ-kheo kia nói với tỳ-kheo-ni rằng:
«Đại muội, đây là phần y của tôi. Đại muội cần thì có thể lấy dùng.»
Tỳ-kheo-ni liền nhận. Tỳ-kheo kia hiềm trách tỳ-kheo-ni này rằng, «Ta đã nhiều lần nói với người khác rằng, ‹Tỳ-kheo-ni này nhiều lần thỉnh tôi. Đem phần ăn của cô để dành cho tôi, tôi không nhận. Do đó tôi nghĩ rằng, tỳ-kheo-ni này nhiều lần thỉnh tôi. Đem phần ăn của cô để dành cho tôi, tôi không nhận; nay tôi đem phần y này biếu cho tỳ-kheo-ni này với ý nghĩ rằng, cô cũng không nhận, đủ để đáp trả nhau. Nhưng cô lại nhận.›»
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo kia rằng: «Sao tỳ-kheo đem y cho tỳ-kheo-ni mà tâm không xả, lại đi nói với người khác?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao tỳ-kheo cho y đến tỳ-kheo-ni mà tâm không xả, lại đi nói với người khác?»
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, cho y đến tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Trong số tỳ-kheo có vị dè dặt, không dám cho y đến tỳ-kheo-ni thân lý, bạch Phật. Phật dạy:
«Từ nay về sau [651a1] được phép cho y tỳ-kheo-ni thân lý, nếu cho y tỳ-kheo-ni không thân lý, ba-dật-đề.»
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ trong Kỳ-hoàn, hai bộ Tăng cùng phân chia y vật, phần y của tỳ-kheo thì tỳ-kheo-ni nhận được; phần y của tỳ-kheo-ni thì tỳ-kheo nhận được.
Lúc tỳ-kheo-ni nhận lộn phần y đó bèn mang đến trong Tăng-già-lam bạch các tỳ-kheo:
«Đại đức, đem y này trao đổi được không?»
Tỳ-kheo trả lời:
«Này các cô, chúng tôi không được phép cho y đến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến.»
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Từ nay về sau, nếu là trao đổi, cho phép cho y đến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến.»
Từ nay về sau nên nói giới này như vầy:
Tỳ-kheo nào, cho y đến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, trừ trao đổi, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Thân quyến, chẳng phải thân quyến: như đã giải trước.[128]
Y: có mười loại như trước đã nói.[129]
Trao đổi: đem y đổi y, đem y đổi phi y, đem phi y đổi y, đem kim đổi dao hoặc chỉ may, cho đến một ngọn cỏ thuốc.
Nếu tỳ-kheo cho y cho tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, trừ trao đổi, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: cho y cho thân quyến, cùng nhau trao đổi, hoặc cho tháp, cho Phật, cho Tăng; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXV. MAY Y CHO TỲ-KHEO-NI[130]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni[131] muốn may tăng-già-lê; vì cần may y nên đến trong Tăng-già-lam, thưa với Tôn giả Ca-lưu-đà-di:[132]
«Thưa Đại đức, con đem vải may y[133] này đến, muốn may tăng-già-lê. Xin Tôn giả may cho con.»
Ca-lưu-đà-di nói:
«Tôi không thể may được.»
Cô ni hỏi:
«Tại sao Đại đức không may cho con?»
Ca-lưu-đà-di nói:
«Các cô ưa đến hối thúc nên tôi không may.»
Tỳ-kheo-ni thưa:
«Con không đến hối. Khi nào Đại đức may xong cũng được.»
Ca-lưu-đà-di trả lời:
«Được.»
Tỳ-kheo-ni trao vải y cho Ca-lưu-đà-di rồi về.
Ca-lưu-đà-di có tay nghề cao về pháp may y, liền cắt may. Ca-lưu-đà-di vẽ hình nam nữ giao hợp may vào y. Khi cô ni đến trong Tăng-già-lam, hỏi Ca-lưu-đà-di rằng:
«Thưa Đại đức, pháp y của con may xong chưa?»
Ca-lưu nói:
«Xong rồi.»
Tỳ-kheo-ni thưa:
«Nếu xong, cho con nhận.»
Ca-lưu-đà-di xếp y lại cho cô ni, và dặn rằng:
«Này cô, y này không được tự tiện mở ra xem; cũng không được đưa cho người xem. Khi được báo giờ[134] mới đem ra mặc, và khi đi phải đi sau tỳ-kheo-ni Tăng.
Tỳ-kheo-ni y theo lời dặn, không mở ra xem, cũng không nói cho ai biết. Một thời gian sau, khi đi nghe giáo giới, cô ni liền mặc y này và đi sau Tăng tỳ-kheo-ni. Các cư sĩ thấy tất cả đều cơ hiềm, cười chê, hoặc vỗ tay chỉ trỏ, hoặc gõ cây, hoặc huýt gió, hoặc lớn tiếng cười to, nói:
«Mọi người hãy xem y mà tỳ-kheo-ni này khoác! Mọi người hãy xem y mà Tỳ-kheo-ni này khoác!»
Khi ấy, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề[135] thấy vậy rồi, liền bảo tỳ-kheo-ni này rằng:
«Hãy cởi chiếc y ấy và xếp lại gấp!»
Cô ni liền cởi và xếp, vắt trên vai mà đi, sau khi thọ thực xong, về lại trong Tăng-già-lam, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề bảo tỳ-kheo-ni này rằng:
«Lấy chiếc y mà cô vừa mặc khi nãy đem cho tôi xem!»
Cô ni kia liền đem chiếc y ấy ra trình. Bà hỏi:
«Ai may y này cho cô?»
«Thưa, ngài Ca-lưu-đà-di may.»
«Sao cô không mở ra xem hay đưa cho đồng bạn coi thử may có tốt, có bền chắc hay không?»
Lúc ấy tỳ-kheo-ni mới đem lời dặn của Ca-lưu-đà-di thưa lại đầy đủ.
Khi ấy, trong chúng tỳ-kheo-ni có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di: «Tại sao may y cho tỳ-kheo-ni lại may như vậy?»
Lúc bấy giờ, tỳ-kheo-ni bạch lại các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo liền đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Phật vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di rằng:
«Thật sự ông có may y cho tỳ-kheo-ni như vậy không?»
Ca-lưu-đà-di thưa:
«Kính bạch đức Thế tôn, thật như vậy.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao may y cho tỳ-kheo-ni lại may như vậy?»
Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, may y cho tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề.
Thế tôn đã vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo dè dặt không dám may y cho tỳ-kheo-ni thân quyến, đến bạch Phật. Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo may y cho tỳ-kheo-ni thân quyến.»
Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, may y[136] cho tỳ-kheo-ni không phải thân quyến, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Chẳng phải thân quyến, thân quyến: như trên đã nói.
Y: Có mười loại như đã giải ở trước.
Nếu tỳ-kheo kia may y cho tỳ-kheo-ni không phải thân quyến, tùy theo dao cắt rọc nhiều hay ít, phạm ba-dật-đề. Cứ một lần may, mỗi mũi kim là một phạm ba-dật-đề.
Hoặc mặc thử để xem, hoặc kéo ra ủi cho thẳng, hoặc dùng tay vuốt, hoặc kéo góc cho ngay, hoặc kết, hoặc viền, hoặc cột chỉ, hoặc nối chỉ; tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: may y cho tỳ-kheo-ni thân quyến; may cho Tăng, may cho tháp; hoặc mượn mặc rồi giặt, nhuộm trả lại cho chủ, thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXVI. NGỒI VỚI TỲ-KHEO-NI
Ở CHỖ KHUẤT[137]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tôn giả Ca-lưu-đà-di tướng mạo đoan chánh và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà cũng có dung nhan xinh đẹp khác người. Cả Ca-lưu-đà-di và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà đều có dục ý với nhau.
Một buổi sáng nọ, Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến chỗ Thâu-la-nan-đà. Cả hai người cùng ngồi một chỗ ở ngoài cửa. Các cư sĩ thấy thế, cùng nhau cơ hiềm, nói với nhau rằng: «Mọi người xem. Hai người này cùng ngồi với nhau giống như đôi vợ chồng; cũng như cặp uyên ương.»
Lúc bấy giờ các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Ca-lưu-đà-di: «Sao lại cùng với tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà ngồi chung một chỗ ở bên ngoài cửa?»
Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Phật biết mà vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di:
«Thật sự ông có cùng với tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà ngồi chung một chỗ ở bên ngoài cửa hay không?»
Ca-lưu-đà-di thưa:
«Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di:
[652a1] «Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại cùng với tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà ngồi chung một chỗ ở bên ngoài cửa?»
Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, một mình cùng với một tỳ-kheo-ni ngồi chỗ khuất kín, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Một chỗ:[138] chỗ chỉ có một tỳ-kheo và một tỳ-kheo-ni.
Chỗ khuất kín[139]: chướng ngại khuất kín đối với sự thấy, khuất kín đối với sự nghe.
Khuất kín đối với sự thấy là bị bụi, bị sương, hoặc khói, mây hay bóng tối làm không thấy.
Khuất kín đối với sự nghe là chỗ cho đến cả tiếng nói với giọng bình thường vẫn không nghe được.
Ngăn che:[140] hoặc do cây, do tường, do bờ rào, màn vải hay do các vật khác làm chướng ngại không thấy được.
Nếu tỳ-kheo một mình ở chỗ khuất kín, cùng ngồi với một tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Hoặc mù mà không điếc, điếc mà không mù, phạm đột-kiết-la. Cùng đứng, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu khi ấy tỳ-kheo có bạn, hoặc có người trí, phải có cả hai điều này: không mù, không điếc, hay không điếc không mù; hoặc trên lộ trình đi qua mà bị xỉu té, hoặc bị bệnh ngã xuống, hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hay mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXVII. HẸN ĐI CHUNG ĐƯỜNG VỚI TỲ-KHEO-NI[141]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cùng với nhóm sáu tỳ-kheo-ni ở tại Câu-tát-la du hành trong nhơn gian.[142] Các cư sĩ thấy cùng nhau cơ hiềm, «Sa-môn Thích tử không có tàm quý, không tu phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng, ‹Ta tu theo Chánh pháp.› Như vậy có gì là chánh pháp? Trong khi cùng với tỳ-kheo-ni du hành trong nhơn gian, nếu khi ham muốn nổi lên, thì xuống ngay bên đường chứ gì?»
Các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao lại cùng du hành trong nhơn gian với nhóm sáu tỳ-kheo-ni?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách khách nhóm sáu tỳ-kheo:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại cùng du hành trong nhơn gian với nhóm sáu tỳ-kheo-ni?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng đi với tỳ-kheo-ni khoảng cách từ một thôn đến một thôn, ba-dầt-đề.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo không cùng hẹn trước với tỳ-kheo-ni, mà tình cờ gặp giữa đường, vì e sợ, không dám cùng đi.
Đức Phật dạy:
«Không hẹn trước thì không phạm.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và cùng đi với tỳ-kheo-ni khoảng cách từ một thôn đến một thôn, ba-dật-đề.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo ở nước Xá-vệ muốn đến Tỳ-xá-ly. Trong lúc đó cũng có số đông tỳ-kheo-ni ở nước Xá-vệ cũng muốn đến Tỳ-xá-ly, nên các tỳ-kheo-ni thưa hỏi các tỳ-kheo rằng:
«Đại đức muốn đi đâu?»
Các tỳ-kheo nói:
«Chúng tôi muốn đến Tỳ-xá-ly.»
Tỳ-kheo-ni thưa:
«Chúng con cũng muốn đến đó.»
Các tỳ-kheo bảo:
«Này các cô, nếu các cô muốn đến đó thì, một là các cô đi trước, chúng tôi đi sau; hai là các cô đi sau, chúng tôi đi trước. Tại sao vậy? Vì đức Thế tôn đã chế giới, chúng tôi không được cùng đi một đường với tỳ-kheo-ni.»
Các tỳ-kheo-ni liền thưa:
«Như vậy chư Đại đức là bậc tôn kính đối với chúng con. Xin các Ngài đi trước, chúng con sẽ đi sau.»
Các tỳ-kheo-ni đi sau, bị giặc cướp đoạt hết y bát. Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dạy:
«Từ nay về sau, hoặc cùng đi với khách buôn, hoặc nếu nơi nghi ngờ có sợ hãi, cùng đi không phạm.»
Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và cùng đi chung đường với tỳ-kheo-ni từ một thôn đến một thôn, trừ trường hợp khác, ba-dật-đề. Trường hợp khác là, cùng đi với khách buôn; hoặc khi có nghi ngờ, có sợ hãi. Đó gọi là trường hợp khác. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Hẹn: cùng bảo nhau đi đến thôn đó, thành đó, quốc độ có.
Chỗ có nghi ngờ:[143] nghi có giặc cướp.
Sợ hãi: là chỗ có giặc cướp.
Đường: là khoảng cách giữa hai thôn có ranh giới cho lối đi.[144]
Nếu tỳ-kheo hẹn và cùng đi một đường với tỳ-kheo-ni cho đến ranh giới giữa hai thôn, tùy theo số chúng nhiều và phân giới nhiều hay ít, mỗi mỗi đều phạm ba-dật-đề. Chẳng phải thôn mà đi chỗ đồng không, cho đến mười dặm, phạm ba-dật-đề.[145] Chưa đến một thôn hay ít hơn mười dặm, phạm đột-kiết-la. Nếu đi trong phạm vi một phân giới chung cho nhiều thôn, phạm đột-kiết-la. Phương tiện muốn đi, cùng hẹn chuẩn bị hành lý, tất cả phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: không cùng hẹn; có nhiều bạn cùng đi; chỗ có sợ hãi, có nghi ngờ; hoặc đến nơi đó được an ổn; hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXVIII. ĐI CHUNG THUYỀN VỚI TỲ-KHEO-NI[146]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo và nhóm sáu tỳ-kheo-ni[147] đi chung trên một thuyền xuôi ngược dòng nước.
Các cư sĩ thấy cơ hiềm, cùng nhau họ bàn tán: «Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, không tu phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng, ta tu chánh pháp, như vậy có gì là chánh pháp? Trong khi cùng tỳ-kheo-ni đi chung trên một thuyền xuôi ngược dòng nước, nếu khi ham muốn nổi lên thì dừng thuyền bên cạnh bờ sông mà tuỳ ý chứ gì?»
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao lại cùng với nhóm sáu tỳ-kheo-ni đi chung trên một thuyền xuôi ngược dòng nước?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại cùng với nhóm sáu tỳ-kheo-ni đi chung trên một thuyền xuôi ngược dòng nước?»
Đức Thế tôn quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đi chung thuyền với tỳ-kheo-ni, ngược dòng nước hay xuôi dòng nước, ba-dật-đề.
Thế tôn [653a1] vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo vì không hẹn mà gặp, nên e sợ. Đức Phật dạy:
«Không hẹn thì không phạm.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và cùng đi chung thuyền với tỳ-kheo-ni, ngược dòng nước hay xuôi dòng nước, ba-dật-đề.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc ấy có số đông tỳ-kheo muốn từ bờ bên này vượt qua bờ bên kia sông hằng. Vào thời điểm ấy, có số đông tỳ-kheo-ni cũng muốn từ bờ bên này vượt qua bờ bên kia sông hằng, nên các tỳ-kheo-ni đến thưa:
«Chư Đại đức muốn đi đâu?»
Tỳ-kheo nói:
«Chúng tôi muốn qua sông Hằng.»
Tỳ-kheo-ni thưa hỏi:
«Chúng con có thể cùng qua được không?»
Các tỳ-kheo nói:
«Các cô qua trước, chúng tôi qua sau. Nếu không thì các cô qua sau, chúng tôi qua trước. Tại sao vậy? Vì đức Thế tôn chế giới, không được đi chung một thuyền với tỳ-kheo-ni qua sông. Cho nên không được.»
Tỳ-kheo-ni thưa:
«Chư Đại đức là bậc tôn kính của chúng con. Thỉnh các ngài qua trước, chúng con sẽ qua sau.»
Lúc ấy, vào mùa hạ, mưa lớn, nước lớn, thuyền đến bờ bên kia, trong khi chưa trở lại thì trời đã sẫm tối. Các tỳ-kheo-ni phải ngủ lại bờ bên này, đêm ấy gặp phải giặc cướp. Các tỳ-kheo đến bạch với đức Phật, Phật dạy:
«Cùng qua ngang thì không phạm.»
Từ nay về sau ta sẽ kiết giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và cùng đi chung thuyền với tỳ-kheo-ni, ngược dòng nước hay xuôi dòng nước,[148] trừ sang ngang, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Cùng hẹn: cũng như trên.
Thuyền: như trước đã giải trên.[149]
Nếu tỳ-kheo nào hẹn và đi chung thuyền với tỳ-kheo-ni, đi ngược dòng hay xuôi dòng nước, trừ qua ngang, nếu vào trong thuyền, ba-dật-đề. Một chân trong thuyền, một chân ngoài đất, hoặc phương tiện muốn vào mà không vào, hoặc cùng hẹn chuẩn bị hành trang, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.
Sự không phạm: không hẹn, hoặc ngang qua đến bờ bên kia (đò ngang); hoặc vào trong thuyền, thuyền sư lạc hướng phải đi ngược dòng hay đi xuôi dòng nước; hoặc đến bờ bên kia được an ổn; hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói, mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXIX. THỨC ĂN DO TỲ-KHEO-NI KHUYẾN HOÁ[150]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một cư sĩ thỉnh ngài Xá-lợi-phất và Mục-liên thọ thực.
Đêm ấy, cư sĩ chuẩn bị đầy đủ các thức ăn ngon, sáng ngày trải tọa cụ tốt, sửa soạn chỗ ngồi, cho đến lúc đi báo giờ.[151]
Lúc bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà trước đó có thân quen với nhà cư sĩ. Sáng hôm đó, Thâu-la-nan-đà khoác y, bưng bát, đến nhà cư sĩ kia; thấy cư sĩ đã trải nhiều tọa cụ tốt nơi đất trống rồi, liền hỏi cư sĩ rằng:
«Trải nhiều tọa cụ như thế này là muốn thỉnh các tỳ-kheo phải không?»
Cư sĩ trả lời:
«Đúng như vậy.»
Cô hỏi:
«Thỉnh những tỳ-kheo nào?»
«Thưa, tôi thỉnh ngài Xá-lợi-phất và Mục-liên.»
Tỳ-kheo-ni nói rằng:
«Những vị được thỉnh đó đều là những người hèn mọn. Trước kia, nếu hỏi tôi thì tôi sẽ vì cư sĩ thỉnh những vị rồng trong loài rồng.»
Cư sĩ hỏi rằng:
«Rồng trong loài rồng là những vị nào?»
Tỳ-kheo-ni trả lời rằng:
«Như Tôn giả Đề-bà-đạt, Tam-văn-đà-la-đạt, Khiên-đà-la-đạt-bà, Cù-bà-ly, Ca-lưu-la-đề-xá…»[152]
Trong khi cô đang nói thì ngài Xá-lợi-phất và Mục-liên vừa đến nơi. Tỳ-kheo-ni vừa thấy liền trở lời, nói với cư sĩ rằng:
«Rồng trong loài rồng đã đến.»
Cư sĩ liền hỏi tỳ-kheo-ni rằng:
«Vừa rồi cô nói là hạng người hèn mọn, sao bây giờ cô lại nói là rồng trong loài rồng? Từ nay về sau cô đừng đến nhà tôi nữa.»
Lúc bấy giờ cư sĩ thỉnh hai ngài ngồi. Hai ngài đến chỗ ngồi an tọa. Cư sĩ đem những đồ ăn, thức uống ngon ngọt, bổ dưỡng cúng dường. Hai ngài thọ thực xong, thu dọn chén bát rồi, thí chủ đảnh lễ dưới chân, lấy cái ghế nhỏ ngồi qua một bên, bạch rằng:
«Con muốn được nghe pháp.»
Hai ngài vì gia chủ nói các pháp vi diệu, khuyến khích khiến cho họ hoan hỷ. Vì thí chủ nói pháp rồi, hai ngài từ tòa cáo lui, về lại trong Tăng-già-lam. Đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên:
«Hôm nay hai Thầy thọ thực có được đầy đủ không?»
Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên bạch Phật rằng:
«Thức ăn tuy đầy đủ nhưng khi chúng con ở nhà cư sĩ thì vừa là hạng người hèn mọn, vừa là rồng trong loài rồng.»
Đức Phật hỏi rằng:
«Vì sao có việc như vậy?»
Hai Tôn giả đem nhơn duyên trên bạch đầy đủ lên đức Phật rằng:
«Đó là Đề-bà-đạt khiến tỳ-kheo-ni bè đảng khuyến hóa sự cúng dường để được nhận ẩm thực.»
ĐứcThế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Ngài vẫn hỏi tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt:
«Thật sự các ông có sai tỳ-kheo-ni đến nhà đàn-việt khen ngợi các ông để khuyến hóa thức ăn hay không?»
Các tỳ-kheo bè đảng thưa:
«Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo bè đảng Đề-bà-đạt rằng:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông sai tỳ-kheo-ni khuyến hóa đàn-việt để nhận thức ăn của họ?»
Quở trách tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt-đa rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, sai tỳ-kheo-ni khuyến hóa, nhận được thức ăn, ba-dật-đề.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo không biết có khuyến hóa hay không khuyến hóa, sau đó mới biết nên hoặc có vị tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị nghi ngờ. Đức Phật dạy:
«Trước đó không biết thì không phạm.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, đã biết tỳ-kheo-ni giáo hóa,[153] nhận được thức ăn, ba-dật-đề.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, trong thành La-duyệt có đại trưởng giả là thân hữu tri thức của Lê-sư-đạt,[154] nói rằng:
«Nếu Đại đức Lê-sư-đạt đến thành La-duyệt thì chúng ta sẽ vì việc mới đến của Lê-sư-đạt mà cúng dường chúng Tăng.»
Tỳ-kheo-ni, người trong nhà của trưởng giả nghe lời nói ấy, im lặng để bụng.
Sau đó, khi Tôn giả Lê-sư-đạt đến thành La-duyệt. Tỳ-kheo-ni nghe Tôn giả Lê-sư-đạt đến, liền đến nói với trưởng giả rằng: «Trưởng giả muốn biết không? Lê-sư-đạt đã đến thành La-duyệt.» Ông trưởng giả liền sai người tin cậy đến trong Tăng-già-lam thỉnh Tôn giả và chúng Tăng nhận bữa cơm cúng dường sáng ngày mai.
Trong đêm đó trưởng giả sửa soạn đầy đủ các thứ đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng, sáng sớm, khi đến giờ, mời các ngài thọ thực.
Lúc ấy, các tỳ-kheo khoác y, bưng bát, đến nhà ông trưởng giả an tọa nơi chỗ ngồi. Ông trưởng giả đến chỗ Lê-sư-đạt nói rằng:
«Chính vì Tôn giả nên tôi cúng dường chúng Tăng bữa trai hôm nay.»
Lê-sư-đạt hỏi ông trưởng giả:
«Tại sao biết tôi đến đây?»
Ông trưởng giả trả lời:
«Tỳ-kheo-ni được gia đình tôi cúng dường báo cho biết.»
Lê-sư-đạt nói với ông trưởng giả rằng:
«Nếu [654a1] thật như vậy thì tôi không thể ăn thức ăn này.»
Ông trưởng giả thưa:
«Không phải do cô tỳ-kheo-ni này nói nên tôi thiết lập bữa ăn hôm nay, mà chính trước đây tôi có thệ nguyện, nếu Tôn giả đến thì tôi thiết trai cúng dường cho chúng Tăng.»
Lê-sư-đạt nói với ông trưởng giả:
«Tuy ông có nguyện như vậy nhưng tôi cũng không thể nhận ăn bữa ăn hôm nay được.»
Lê-sư-đạt liền thôi không ăn.
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật một cách đầy đủ, đức Phật bảo:
«Nếu trước đó đàn-việt đã có ý thì không phạm. Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn thức ăn được biết là do tỳ-kheo-ni khen ngợi giáo hóa, trừ đàn-việt có chủ ý trước,[155] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Giáo hóa:[156] như nói, «Vị này sống a-luyện-nhã, sống với hạnh khất thực, mặc y phấn tảo, tác pháp dư thực[157] rồi không ăn, nhất tọa thực,[158] nhất đoàn thực,[159] ở nơi gò mã, ngồi nơi đất trống, ngồi dưới gốc cây, thường ngồi không nằm,[160] trì ba y, tán thán kệ, đa văn pháp sư, trì luật, tọa thiền…
Thức ăn: đồ ăn nhận được khoảng từ sáng đến trưa.
Tỳ-kheo kia ăn thức ăn được biết là do tỳ-kheo-ni giáo hóa, mỗi miếng nuốt là phạm một ba-dật-đề. Trừ thức ăn bằng cơm ra, các thứ khác được biết do khuyến hoá mà được, như áo lót, đèn dầu, dầu thoa chân, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Biết là giáo hóa, tưởng giáo hóa, ba-dật-đề. Giáo hóa mà nghi, đột-kiết-la. Không giáo hóa tưởng giáo hóa, đột-kiết-la. Không giáo hóa mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc không biết, hoặc đàn-việt có ý trước; hoặc giáo hóa mà tưởng là không giáo hóa; hoặc tỳ-kheo-ni tự làm, đàn-việt khiến tỳ-kheo-ni phụ trách, không cố ý giáo hóa mà khất thực được; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXX. ĐI CHUNG ĐƯỜNG VỚI NGƯỜI NỮ[161]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có người Tỳ-xá-ly gả con gái cho người nước Xá-vệ. Sau đó, nàng dâu cùng mẹ chồng cãi lộn, nên cô trở về bổn quốc.
Ngay lúc ấy, Tôn giả A-na-luật cũng từ nước Xá-vệ muốn đến nước Tỳ-xá-ly. Lúc ấy, người phụ nữ kia hỏi tôn giả A-na-luật rằng:
«Tôn giả muốn đến đâu?»
Tôn giả trả lời:
«Tôi muốn đến Tỳ-xá-ly.»
Người phụ nữ liền thưa:
«Cho con đi theo được không?»
Tôn giả chấp thuận.
Lúc bấy giờ, Tôn giả A-na-luật cùng người phụ nữ này đi chung một đường.
Lúc người phụ nữ ra đi thì trước đó phu chủ của cô đã không có ở nhà. Ngày hôm sau trở về nhà, không thấy vợ mình đâu, liền hỏi bà mẹ rằng:
«Vợ của con làm gì? ở đâu?»
Bà mẹ ông trả lời ?
«Nó cãi lộn với ta, bỏ nhà trốn đi rồi. Không biết hiện ở đâu!»
Bấy giờ người phu chủ vội vã đuổi theo. Trên đường đi bắt gặp được vợ. Ông chồng đến hỏi Tôn giả A-na-luật rằng:
«Tại sao ông dẫn vợ của tôi chạy trốn?»
Lúc ấy A-na-luật liền nói:
«Thôi! Thôi! Đừng nói vậy. Chúng tôi không có vậy đâu!»
Ông trưởng giả nói rằng:
«Tại sao nói không như vậy? Hiện tại ông cùng đi chung với vợ tôi!»
Vợ ông nói với chồng rằng:
«Em cùng Tôn giả này đi, cũng như anh em cùng đi. Không có gì là tội lỗi.»
Người chồng nói rằng:
«Hôm nay người này dẫn mày chạy trốn cho nên mới nói như vậy.»
Người đàn ông ấy vừa nói xong liền đánh Tôn giả A-na-luật gần chết.
Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật liền bước xuống đường, vào nơi chỗ vắng vẻ, kiết già phu tọa, thẳng mình chánh ý, buộc niệm trước mặt, nhập hỏa quang tam-muội. Lúc ấy trưởng giả thấy vậy liền khởi thiện tâm, ông nghĩ rằng: «Nếu Tôn giả A-na-luật này từ nơi tam-muội xuất, thì tôi sẽ lễ bái sám hối.»
Khi ấy Tôn giả A-na-luật từ tam-muội xuất, ông trưởng giả bèn thưa để sám hối:
«Cúi xin Đại đức nhận sự sám hối của con.»
Tôn giả A-na-luật chấp nhận sự sám hối của ông. Lúc ấy trưởng giả kính lễ dưới chân Tôn giả xong, ngồi qua một bên. Tôn giả vì trưởng giả nói các pháp vi diệu khiến ông ta phát tâm hoan hỷ. Nói pháp xong, Tôn giã từ chỗ ngồi đứng dậy đi.
Lúc bấy giờ, Tôn giả A-na-luật thọ thực xong, đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này kể đầy đủ lại cho các tỳ-kheo.
Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách A-na-luật: «Sao ngài A-na-luật lại một mình đi chung một đường cùng với người phụ nữ?»
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Ngài vẫn hỏi A-na-luật:
«Thật sự ông có đi chung một đường với người phụ nữ hay không?»
Tôn giả thưa:
«Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy. »
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-na-luật rằng:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao ông đi chung một đường cùng với người nữ? »
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-na-luật rồi, bảo các tỳ-kheo:
«A-na-luật này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới ban đầu. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đi chung đường với người nữ, nhẫn đến trong khoảng giữa hai thôn, ba-dật-đề.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc ấy có các tỳ-kheo không hẹn nhưng giữa đường tình cờ gặp, vì e sợ, không dám đi chung.
Đức Phật dạy: «Không hẹn thì không phạm.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và đi chung đường với người nữ, nhẫn đến trong khoảng giữa hai thôn,[162] ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Người nữ: như trên đã nói.
Cùng hẹn: cũng như đã nói trên.[163]
Đường: như trước đã giải.[164]
Nếu tỳ-kheo hẹn và đi chung đường với người phụ nữ, nhẫn đến khoảng giữa hai thôn, tùy theo giới vức hoặc nhiều hay ít, mỗi mỗi đều phạm ba-dật-đề. Nếu trong khoảng đồng trống không có thôn mà đi khoảng mười dặm, phạm ba-dật-đề. Nếu đi chưa tới một thôn, hay chưa tới mười dặm, phạm đột-kiết-la. Nếu đi chung trong phần giới của thôn, phạm đột-kiết-la. Nếu phương tiện muốn đi mà không đi, hoặc hẹn chuẩn bị mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột kiết la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc trước đó không cùng hẹn; hoặc việc cần đến đó được an ổn, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XXXI. LỮ QUÁN MỘT BỮA ĂN[165]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ nước Câu-tát-la có thôn không có trú xứ,[166] nên có cư sĩ xây cất trú xứ[167] cho tỳ-kheo, thường cung cấp đồ ăn, thức uống. Nếu trụ nơi trú xứ này sẽ được nhận sự cúng dường một bữa ăn.
Lúc bấy giờ có nhóm sáu tỳ-kheo muốn đến thôn không có trú xứ nước Câu-tát-la. Khi đến trú xứ kia trải qua một đêm. Nhóm sáu tỳ-kheo nhận được đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng. Lại qua đêm thứ hai cũng nhận được đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng, nên nhóm sáu tỳ-kheo khởi ý nghĩ rằng: «Sỡ dĩ chúng ta du hành là vì thức ăn. Nay thì đã được.» Rồi họ thường xuyên ăn ở trú xứ này.
Bấy giờ, các cư sĩ đều cùng cơ hiềm, «Sa-môn Thích tử này không biết chán, không biết đủ, không biết tàm quý. Bên ngoài [655a1] tự xưng ta biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Họ thường xuyên đến nhận thức ăn ở nơi trú xứ này. Làm như chúng ta phải thường xuyên cung cấp thức ăn cho sa-môn Thích tử này. Bản nguyện của chúng ta là cung cấp cho những vị tạm trú một đêm mà thôi.»
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe được; trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các Thầy cứ ở nơi trú xứ này để nhận thức ăn hoài vậy?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông cứ ở nơi trú xứ này để nhận thức ăn hoài vậy?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nơi trú xứ cúng một bữa, chỉ nên nhận một bữa; nếu nhận quá một bữa, ba-dật-đề.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất ở nước Câu-tát-la du hành cũng đến nơi thôn không có trú xứ ấy, trụ lại một đêm, sáng ngày nhận được thức ăn ngon.
Hôm ấy, Tôn giả lâm bệnh nhưng nghĩ, đức Thế tôn đã chế giới, tỳ-kheo nơi ngủ trọ một đêm chỉ nhận một bữa ăn, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Vì vậy, dù bị bệnh, Tôn giả vẫn dời đi chỗ khác. Do vậy bệnh tình càng nguy kịch. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo bệnh nhận quá một bữa ăn.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, nơi trú xứ cúng một bữa, tỳ-kheo không bệnh chỉ nên nhận một bữa; nếu nhận quá một bữa, ba-dật-đề. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Trú xứ: nơi đó được ở một đêm.
Bữa ăn: nhẫn đến bữa ăn đúng thời.
Bệnh: rời khỏi thôn đó thì bệnh bị tăng.
Nếu tỳ-kheo không bệnh, đối với nơi nghỉ tạm một đêm đó, mà nhận quá bữa ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. Ngoài thức ăn ra, nhận các thứ áo lót, dầu thắp đèn, dầu thoa chân, tất cả phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Nghỉ một đêm nhận một bữa ăn; bệnh thì được nhận hơn một bữa ăn. Nếu cư sĩ mời: «Mời Đại đức ở lại. Con sẽ cúng thức ăn. Chúng con vì sa-môn Thích tử cho nên thiết lập nơi nghỉ đêm này và cung cấp đồ ăn thức uống. Nếu không có sa-môn Thích tử thì cũng sẽ cúng cho người khác vậy.»
Hoặc đàn-việt theo thứ tự mời thọ thực, hoặc các cậu, các cô, các chị, các bà theo thứ tự mời thọ thực thì không phạm. Hoặc hôm nay thọ của người này, ngày mai thọ của người khác. Hoặc bị nước lụt, đạo lộ gặp nguy hiểm; hoặc có giặc cướp, hổ lang sư tử, hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, nhận quá bữa ăn không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. XXXII. TRIỂN CHUYỂN THỰC[168]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Trúc khu Ca-lan-đà, thành La-duyệt-kỳ. Từ thành La-duyệt đức Thế tôn cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị du hành trong nhơn gian.
Vào lúc đó, trong nước mùa màng không thu hoạch được, giá lúa gạo tăng cao, khất thực khó được, Người người có sắc diện đói.
Bấy giờ, có năm trăm hành khất đi theo sau đức Thế tôn. Lúc ấy, có người bà-la-môn tên là Sa-nậu [169] vận chuyển năm trăm cỗ xe chở đầy đồ ăn thức uống đi theo sau đức Thế tôn, hết mùa đông đến mùa hạ, chờ ngày nào không có ai cúng thì thiết trai cúng dường Phật và Tăng.
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn, từ nước Ma-kiệt-đà, tuần tự giáo hóa đến quốc giới của A-na-tần-đầu.[170] Nhân dân trong nước kia tranh nhau cúng dường thức ăn cho Phật và Tăng tỳ-kheo, không có ngày nào thiếu vắng. Người bà-la-môn chờ mãi không có ngày trống nào để thiết trai cúng dường, liền đến chỗ Tôn giả A-nan thưa với Tôn giả rằng:
«Tôi là Sa-nậu có chở đầy đồ ăn thức uống trong năm trăm cỗ xe. Đã trải qua cả mùa đông sang mùa hạ, theo sau đức Thế tôn, chờ ngày nào không có người cúng thì thiết trai cúng dường. Song đến nay tôi vẫn không được cúng dường, vì không có ngày nào mà không có người cúng. Chúng tôi là người thế tục, có nhiều việc khó khăn; hoặc phải phục dịch theo lệnh nhà quan, cho đến đối với ngày đoán sự phải có mặt, lại phải lo liệu lý về gia nghiệp, và phải cung cấp của cải gạo thóc cho nhà quan. Mãi chạy theo những công việc công có tư có nên không hề có thời gian dừng nghỉ. Cúi xin Tôn giả vì tôi bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy thế nào chúng tôi sẽ phụng hành thế đó. Nếu đức Phật và Tăng không thể nhận phẩm vật cúng dường của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ dùng thức ăn hiện ở trên năm trăm chiếc xe này, trải trên đường đi. Cầu Phật và Tăng bước lên trên mà đi qua, tức là nhận sự cúng dường của chúng tôi rồi vậy.»
Tôn giả A-nan bảo:
«Chờ một chút. Tôi vào bạch đức Thế tôn ngay bây giờ.»
Bấy giờ Tôn giả đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế tôn:
«Kính bạch đức Thế tôn, có bà-la-môn Sa-nậu vừa đến chỗ con thưa như vầy, ‹Tôi có chở đầy đồ ăn thức uống trong năm trăm cỗ xe. Đã trải qua cả mùa đông sang mùa hạ, theo sau đức Thế tôn, chờ ngày nào không có người cúng thì thiết trai cúng dường. Song đến nay tôi vẫn không được cúng dường, vì không có ngày nào mà không có người cúng. Chúng tôi là người thế tục, có nhiều việc khó khăn; hoặc phải phục dịch theo lệnh nhà quan, cho đến đối với ngày đoán sự phải có mặt, lại phải lo liệu lý về gia nghiệp, và phải cung cấp của cải gạo thóc cho nhà quan. Mãi chạy theo những công việc công có tư có nên không hề có thời gian dừng nghỉ. Cúi xin Tôn giả vì tôi bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy thế nào chúng tôi sẽ phụng hành thế đó. Nếu đức Phật và Tăng không thể nhận phẩm vật cúng dường của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ dùng thức ăn hiện ở trên năm trăm chiếc xe này, trải trên đường đi. Cầu Phật và Tăng bước lên trên mà đi qua, tức là nhận sự cúng dường của chúng tôi rồi vậy.› Con có nói với người bà-la-môn Sa-nậu rằng, ‹Chờ tôi một chút. Tôi vào bạch đức Phật.› Cho nên con đến thưa, xin tôn ý đức Thế tôn.»
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
«Ông có thể đến nói với người bà-la-môn, sáng mai đem đồ ăn ẩm thực đó nấu thành cháo cúng các tỳ-kheo ăn trước khi thọ bữa ăn chính.»
Bấy giờ, Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, liền đến chỗ người bà-la-môn nói rằng:
«Ông có thể dùng những thức ăn ấy nấu cháo cúng các tỳ-kheo ăn trước khi thọ bữa ăn chính.»
Bấy giờ người bà-la-môn quan sát thấy trong những thứ đã được cúng dường không hề có bánh, nên trong đêm ấy sửa soạn các loại mỹ vị như: dầu bơ, hạt vừng, sữa tươi, nước sạch, gừng, tiêu, tất bát[171] để nấu các loại cháo và làm các thứ bánh.[172] Đêm đã qua, Sa-nậu đem cháo cúng dường Phật và Tăng tỳ-kheo. Song các tỳ-kheo không dám thọ nhận, và nói với bà-la-môn rằng: «Đức Thế tôn chưa cho phép tỳ-kheo nhận bơ dầu cho đến ba món thuốc[173] mà nấu thành cháo.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo nhận dầu bơ cho đến ba món thuốc nấu thành cháo để ăn. Ăn cháo có năm điều lành: Trừ đói, trừ khát, làm tiêu thức ăn qua đêm, điều hòa tiểu tiện và trừ bệnh phong. Ăn cháo có năm việc hay như vậy.»
Bấy giờ, người bà-la-môn đem bánh[174] dâng. Các tỳ-kheo không dám nhận và bảo người bà-la-môn rằng:
«Đức Thế tôn chưa cho phép tỳ-kheo nhận bánh.»
Các tỳ-kheo liền đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay cho phép các tỳ-kheo nhận bánh để ăn.»
Bấy giờ, [656a1] các cư sĩ ở nước A-na-tân-đầu nghe đức Thế tôn cho phép nhận bánh và cháo để ăn, đều hết sức vui mừng, họ nói với nhau:
«Chúng ta có cơ hội được làm phước cúng dường.»
Họ cúng dường xong lại có một vị Đại thần mà tín tâm nông cạn, thấy đức Phật và chư Tăng nhận được nhiều phẩm vật cúng dường, bèn nói như vầy:
«Đây không phải là thửa ruộng ít phước. Trong lúc gạo khan hiếm mà đức Phật và Tăng tỳ-kheo nhận được phẩm vật cúng dường nhiều đến mức như thế này. Nay ta nên sắm sửa các loại đồ ăn thức uống ngon bổ cúng dường mỗi vị một tô thịt.»
Bấy giờ, vị Đại thần liền sai người đến trong Tăng-già-lam thưa:
«Bạch đại đức Tăng! Cúi xin quý ngài ngày mai nhận lãnh bữa cúng dường của tôi.»
Đêm ấy Đại thần cho sửa soạn các loại đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng và sáng ngày đi báo đã đến giờ.
Hôm đó, đức Thế tôn ở lại Tăng-già-lam; sai người nhận phần ăn.[175]
Bấy giờ, có các cư sĩ nơi nước A-na-tân-đầu trước đó đã nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo ăn cháo, nên trong đêm đó cũng sửa soạn các thứ cháo như trên đầy đủ, sáng sớm đem đến trong Tăng-già-lam dâng cúng các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo trước đó cũng đã nhận sự mời ăn của người khác, và lại ăn loại cháo đặc này, sau mới đến nhà vị Đại thần. Khi ấy vị Đại thần tín tâm mỏng ấy dâng các loại đồ ăn thức uống lên các tỳ-kheo, các tỳ-kheo nói:
«Thôi, thôi, sớt một ít thôi!»
Vị Đại thần thưa các tỳ-kheo:
«Tôi vì các tỳ-kheo nên sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ dâng cúng, mỗi vị một tô thịt. Các Đại đức chớ nên nghĩ rằng lòng tin mỏng mà không dùng cho no. Quý ngài cứ ăn. Tôi cũng có tín tâm vậy.»
Các tỳ-kheo bảo:
«Không phải vì vậy mà chúng tôi dùng ít đâu. Vì nhân dân trong thành nghe tin đức Phật cho phép các tỳ-kheo ăn cháo và bánh, nên đêm vừa rồi họ đã sắm sửa đầy đủ các thứ dầu bơ, hạt vừng, sữa tươi, nước sạch, gừng, tiêu, tất bát để nấu cháo. Sáng ngày đã đem đến trong Tăng-già-lam dâng cúng các tỳ-kheo. Chúng tôi đã ăn cháo trước rồi nên bây giờ không thể ăn nhiều được. Đại thần chớ nên ngại như vậy.»
Bấy giờ, vị Đại thần tín tâm nông cạn liền cơ hiềm rằng:
«Tôi cố tâm vì chúng Tăng làm các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ cúng dường mỗi vị một tô thịt với ý nghĩ, mong muốn chúng Tăng dùng hết. Sao chư Tăng lại ăn cháo đặc trước khi đến thọ thực chúng tôi?»
Bấy giờ, vị Đại thần sân hận, liền cất đi các thứ bánh thịt, những thứ mỹ vị; chỉ bố thí cơm canh mà thôi. Rồi vị Đại thần liền đi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:
«Vừa rồi con thiết trai cúng dường; được phước nhiều hay tội nhiều?»
Đức Phật bảo vị Đại thần:
«Sự cúng dường mà ông sửa soạn mang lại phước rất nhiều. Chính đó là nhân lành để sanh thiên. Các tỳ-kheo dù chỉ nhận một vắt cơm của ông đi nữa, nhưng phước đức ấy cũng vô lượng.»
Rồi đức Thế tôn tuần tự nói các pháp bố thí, trì giới, sanh thiên. Ngài quở trách dục là tai hại, là ô uế;[176] khen ngợi ích lợi thiết thực của sự xuất ly, và giải thoát. Đức Phật vì Đại thần nói các pháp này rồi, ngay nơi chỗ ngồi, vị Đại thần đoạn trừ các trần cấu, đặng sự trong sạch của con mắt pháp, thấy pháp, đắc pháp, ở trong chánh pháp mà được tăng thượng quả .[177] Ông bạch Phật rằng:
«Từ nay về sau con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Xin nhận con làm người ưu-bà-tắc; trọn đời không sát sinh, cho đến không uống rượu. »
Sau bữa ăn, đức Phật vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo. Phật biết mà vẫn hỏi các tỳ-kheo:
«Sáng sớm hôm nay các ông ăn cháo đặc của người khác rồi, sau đó mới thọ thực do vị Đại thần dâng cúng phải không?»
Đáp:
«Kính bạch đức Thế tôn, thật như vậy.»
Bấy giờ, đức Thế tôn mới dùng vô số phương tiện, quở trách các tỳ-kheo rằng:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các ngươi ngu si, sao lại ăn cháo đặc trước rồi mới nhận sự cúng dường? Không được, đã nhận lời thỉnh trước mà còn ăn cháo đặc.[178] Cháo đặc là cháo lấy cọng cỏ kẻ ngang qua mà nó không hiệp lại. Cháo như vậy không được ăn, nếu ăn thì trị như pháp.»
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn từ nước A-na-tần-đầu du hành trong nhân gian cùng với chúng tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Bấy giờ trong nước gặp lúc lúa thóc khan hiếm, khất thực khó được. Người người có sắc diện đói. Nhưng lại có năm trăm hành khất thường đi sau đức Thế tôn.
Bấy giờ, đức Thế tôn tuần tự du hành trong nước Ma-kiệt-đà, trở về thành La-duyệt. Trên đường đi đức Phật và chúng Tăng nhận được nhiều sự cúng dường. Trong thành La-duyệt có một vị nhạc sư tín tâm nông cạn, thấy đức Phật và Tăng tỳ-kheo nhận được nhiều sự cúng dường liền nghĩ rằng: «Đây không phải là thửa ruộng ít phước. Trong khi lúa gạo khan hiếm thế này mà Phật và Tăng tỳ-kheo nhận được quá nhiều phẩm vật cúng dường. Hôm nay ta hãy dùng vật sở hữu trong một năm, sắm sửa các đồ ăn thức uống béo bổ để cúng dường Phật và Tăng tỳ-kheo, riêng mỗi vị một tô thịt.» Nghĩ xong liền đến trong Tăng-già-lam bạch với các tỳ-kheo rằng:
«Sáng mai tôi xin được cúng dường một bữa ăn.»
Rồi trong đêm đó, ông sắm sửa mọi thức ăn ngon bổ xong, sáng ngày nhạc sư đến báo các ngài đã đúng giờ ăn. Bấy giờ, trong thành La-duyệt nhằm ngày tiết hội, các cư sĩ tranh nhau đem cơm, bánh bột,[179] cơm khô, cá và thịt đến trong Tăng-già-lam để dâng cúng các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo nhận được thức ăn và ăn, xong sau đó mới đến thọ thỉnh nơi nhà nhạc sư. Bấy giờ nhạc sư đích thân tiếp các đồ ăn thức uống để cúng dường. Các tỳ-kheo nói:
«Thôi, thôi, cư sĩ đừng sớt nhiều thức ăn quá! »
Vị nhạc sư nói:
«Tôi tích lũy vật sở hữu một năm, cố tâm vì Tăng tỳ-kheo sắm sửa những thức ăn ngon bổ để dâng cúng mỗi vị một tô thịt. Xin quý vị đừng nghĩ rằng tín tâm của tôi mỏng, sợ sanh lòng bất tín mà không ăn nhiều. Xin các ngài cứ thật tình thọ dụng. Tôi có lòng tin ưa thật sự.»
Các tỳ-kheo trả lời vị nhạc sự rằng:
«Chúng tôi không phải nghĩ như vậy nên không ăn nhiều. Mà vì vừa rồi chúng tôi đã nhận thức ăn của các người trong thành Vương-xá, cho nên bây giờ chỉ ăn ít thôi. Ngoài ra không có ý gì. Ông chớ nghi ngại như vậy.» Khi vị nhạc sự tín tâm mỏng nghe những lời như vậy, liền sanh cơ hiềm: ‹Sao, tôi dùng tất cả những vật sở hữu trong một năm, một lòng vì chúng Tăng sắm sửa các thức ăn ngon bổ cúng dường mỗi vị một tô thịt, mà các tỳ-kheo lại đi nhận cơm, bánh bột, cơm khô, thịt và cá của người khác trước khi đến thọ thức ăn của tôi?› Vì vậy vị nhạc sư hờn giận, liền dọn cất hết các thức ăn béo bổ, chỉ để lại cơm canh mà thôi.»
Sau đó, vị nhạc sư đi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Sau khi ngồi xong, liền thưa hỏi đức Phật:
«Vừa rồi con thiết trai cúng dường, phước nhiều hay tội nhiều?»
Đức Phật bảo:
«Sự dâng cúng của ông vừa rồi là nhân lành sẽ được sanh thiên. Các tỳ-kheo dù chỉ nhận một vắt cơm đi nữa, thì phước đức cũng đã là vô lượng, huống là ông dâng cúng như vậy, phước này không thể lường được.»
Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhạc sư nói diệu pháp: Bố thí, trì giới, sanh thiên. Đức Phật chỉ trích dục là tai hại, là ô uế. Nhạc sư nghe Phật nói pháp rồi liền từ chỗ ngồi các trần cấu đều hết sạch, đặng sự trong sạch của con mắt pháp, thấy pháp, đắc pháp, ở trong chánh pháp đặng quả tăng thượng, liền bạch đức Phật:
«Từ nay về sau con nguyện được làm người ưu-bà-tắc, trọn đời không sát sinh cho đến không uống rượu.»
Bấy giờ, đức Phật vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo. Đức Phật biết mà vẫn hỏi các tỳ-kheo:
«Có thật các ông nhận và ăn năm loại thức ăn[180] của người khác rồi sau mới thọ sự thỉnh mời của người đã thỉnh trước hay không?»
Các tỳ-kheo thưa:
«Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các ngươi ngu si, sao lại thọ năm loại thức ăn của người khác rồi sau mới đến thọ thỉnh của người đã thỉnh trước?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Không nên nhận năm loại ăn của người khác mà ăn, rồi sau mới đến nhận lời mời của người thỉnh trước. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn nhiều lần, ba-dật-đề.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, nơi mời thọ thực không có thức ăn cho người bệnh, không có thuốc cho căn bệnh. Hoặc có thức ăn thích hợp đối với bệnh, có thứ thuốc đúng căn bệnh, nhưng các tỳ-kheo e sợ không dám dùng, sợ phạm tội ăn nhiều lần. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch lên Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép các Tỳ-kheo bệnh ăn nhiều lần.»
Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn nhiều lần, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là khi bị bệnh.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có một cư sĩ thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo thọ thực. Lại cũng có một cư sĩ khác cũng thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo thiết trai cúng dường, và dâng y. Cư sĩ ấy đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng:
«Tôi muốn thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo cúng dường thức ăn.»
Tỳ-kheo trả lời:
«Chúng tôi đã nhận lời mời của cư sĩ khác rồi!»
Cư sĩ thưa:
«Bạch Đại đức, tôi muốn dâng cúng thức ăn và y. Cúi xin chúng Tăng nhận sự mời thỉnh của tôi.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo e sợ, liền đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dạy:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, trường hợp có người dâng cúng y thì được phép lần lượt ăn.»
Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn nhiều lần, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là khi bị bệnh, khi thí y. Đó gọi là trường hợp đặc biệt. B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Ăn nhiều lần:[181] được mời ăn. Mời có hai cách: thỉnh theo thứ tự của Tăng, và thỉnh riêng.
Thức ăn: cơm, lương khô, cơm khô, cá và thịt.[182]
Bệnh: không thể ngày ăn một bữa mà đủ no được.
Thí y: Tự tứ rồi, không thọ y Ca-thi-na là một tháng, có thọ y Ca-thi-na thì năm tháng.
Nếu có nhiều chỗ mời thọ thực và dâng y, như hôm nay nhận được nhiều chỗ thỉnh, thì mình nên nhận một chỗ, còn các chỗ kia mình nhường lại cho các vị khác. Nói như thế này để nhường: «Thưa trưởng lão, lẽ ra tôi phải đến đó nhưng xin cúng dường cho ngài.»
Nếu tỳ-kheo không xả chỗ mời trước mà nhận chỗ mời sau thì mỗi một miếng ăn phạm một ba-dật-đề. Không xả chỗ mời sau mà nhận chỗ thỉnh trước thì mỗi một miếng ăn phạm một đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, Sa-di ni cũng đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: khi bệnh, khi thí y. Nếu trong một ngày mà có nhiều chỗ thỉnh, mình chỉ nhận một chỗ, còn các nơi khác nhường lại cho các vị khác; hoặc thỉnh chẳng phải dùng thức ăn, hoặc ăn không đủ, hoặc không thỉnh ăn, hoặc ăn xong lại nhận được thức ăn, hoặc một chỗ gồm cả bữa ăn trước và bữa ăn sau thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [183] Chú thích:
[124] Tăng kỳ 15: «… từ sau mặt trời lặn cho đến trước khi bình minh xuất hiện…»
[125] Ngũ phần, Tăng kỳ: ba-dật-đề 24; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 23. Pali, Pāc. 24 Āmisa.
[126] Ngũ phần: «vì lợi dưỡng.» Thập tụng: «vì tài lợi.» Pali: āmisahetu, «vì lợi lộc vật chất.»
[127] Ngũ phần, Thập tụng: ba-dật-đề 26; Tăng kỳ: ba-dật-đề 28; Căn bản: ba-dật-đề 24. Pali, Pāc. 25. cīvaradāna.
[128] Xem Ch.iv. Ni-tát-kỳ iv, cht. 41.
[129] Xem Ch.iv. Ni-tát-kỳ i.
[130] Ngũ phần, Thập tụng: ba-dật-đề 27. Tăng kỳ: ba-dật-đề 29. Căn bản: ba-dật-đề 25. Pali, Pāc. 6 cīvarasibbana.
[131] Tăng kỳ: tỳ-kheo-ni Thiện Sinh 善生比丘尼, vợ cũ của Ưu-đà-di. Thập tụng: Quật-đa tỳ-kheo-ni 掘多比丘尼, quen biết cũ với Ca-lưu-đà-di. Căn bản: Cấp-đa bí-xô-ni 笈多苾芻尼.
[132] Ngũ phần: Ưu-đà-di 優陀夷. Pali: Udāyin, khéo may y.
[133] Y tài, bản Cao-li: 衣財; Tông-Nguyên-Minh: 衣裁.
[134] Hán: bạch thời đáo 白時到. Được báo đã đến giờ đi thọ thực. Pali: yadā bhikkhuni-saṅgho ovādaṃ āgacchati, khi nào chúng tỳ-kheo-ni đi nghe giáo giới. Có lẽ, ovāda (giáo giới), bản Hán hiểu là sự công bố (giờ thọ thực )?
[135] Ma-ha Ba-xà-ba-đề 摩訶波闍波提; trên kia nói là Đại Ái Đạo 大愛道.
[136] Pali: sibbeyya vā sibbāpeya vā, may và khiến (người khác) may.
[137] Ngũ phần, Tăng kỳ: ba-dật-đề 25; Thập tụng: ba-dật-đề 28; Căn bản: ba-dật-đề 29. Pali, Pāc. 30. rahonisajja.
[138] Nhất xứ 一處; không có trong giới văn. Pali: eko ekāya, một người với một người.
[139] Bình chướng xứ 屏障處, trong giới văn: bình xứ 屏處.
[140] Chướng 障; từ được giải không có trong giới văn.
[141] Ngũ phần, ba-dật-đề 28; Tăng kỳ, ba-dật-đề 26; Thâp tụng, ba-dật-đề 24; Căn bản, ba-dật-đề 26. Pali, Pāc. 27 saṃvidhāna.
[142] Ngũ phần 7 (T22n1421, tr.48b24) các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni ở Ma-kiệt-đà.
[143] Hán: hữu nghi xứ 有疑處. Cụm từ không có trong giới văn. Giới văn nói: nhược nghi 若疑. Pali: sāsaṅkasammato.
[144] Tăng kỳ 15 (T22n1425, tr.348c7): đường, tính từ 1 câu-lô-xá đến 3 do-diên (do tuần).
[145] Tăng kỳ nt, Thập tụng 11: đoạn đường không có thôn xóm, đi hết 1 câu-lô-xá là 1 ba-dật-đề.
[146] Thập tụng 12, ba-dật-đề 25; Căn bản 23, ba-dật-đề 27.
[147] Thập tụng 12: các tỳ-kheo-ni đồng bọn của Đề-bà-đạt-đa.
[148] Căn bản: hoặc duyên ba 沿波, hoặc tố lưu 泝流. Giải thích: duyên ba, đi xuôi dòng; tố lưu, đi ngược dòng.
[149] Các đoạn trên, không thấy định nghĩa liên hệ.
[150] Các bộ, ba-dật-đề 30.
[151] Bạch thời đáo 白時到. Pali: kālaṃ āroceti.
[152] Đề-bà-đạt 提婆達, Tam-văn-đà-la-đạt 三聞陀羅達, Khiên-đà-la-đạt-bà 騫駄羅達婆, Cù-bà-ly 瞿婆離, Ca-lưu-la-đề-xá 迦留羅提舍. Xem Ch.ii. Tăng-già-bà-thi-sa x & cht.123, Đề-bà-đạt-đa và đồng bọn.
[153] Giáo hoá 教化, trên kia nói là khuyến hoá 勸化.
[154] Lê-sư-đạt 梨師達.
[155] Tăng kỳ: trừ cựu đàn-việt 除舊檀越.
[156] Trong giới văn, tán thán giáo hoá 讚歎教化; các bộ: tán thán 讚歎 Pali: bhikkhunī-paripācita, gây ảnh hưởng bởi tỳ-kheo-ni.
[157] Dư thực pháp 餘食法; xem ba-dật-đề 36.
[158] Nhất tọa thực, ăn chỉ một lần ngồi, tức ăn một bữa. Cf. Trung A-hàm 50 (T1, tr.744b11); cf. ba-dật-đề 37. Pali, ekāsana-bhojana, M.i.124.
[159] Nhất đoàn thực 一摶食, mỗi lần ăn một vắt cơm.
[160] Thường tọa tùy tọa 常坐隨坐.
[161] Ngũ phần, ba-dật-đề 67, Tăng kỳ, ba-dật-đề 68; Thập tụng, ba-dật-đề 70; Căn bản, ba-dật-đề 70; Pali. Pāc. 67.
[162] Hán: nãi chí thôn gian 乃至村間. Pali: antamaso gāmantarampi.
[163] Xem ba-dật-đề 27.
[164] ibid.
[165] Ngũ phần, ba-dật-đề 33; Tăng kỳ, ba-dật-đề 31; Thập tụng, ba-dật-đề 32; Căn bản, ba-dật-đề 32. Pali Pāc. 31 āvasathapiṇḍa.
[166] Tức không có tinh xá của Tăng.
[167] Thập tụng 12: phước đức xá 福德舍 (nhà từ thiện), với phụ chú (T23n1435, tr.89c25): «Chính xác, gọi là nhất túc xứ 一宿處 (chỗ ngủ trọ một đêm).». Pali: āvasaṭhapiṇḍa, lữ xá có bố thí thức ăn.
[168] Ăn nhiều lần. Ngũ phần, Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 31; Tăng kỳ, ba-dật-đề 32; Pali, Pāc. 31 paramparabhojana, ăn từ chỗ này đến chỗ khác.
[169] Sa-nậu 沙菟. Ngũ phần 7: nhân duyên từ một người làm mướn nghèo khó. Thập tụng 12: một tiểu nhi mồ côi làm thuê. Pali (Vin.iv. 75): aññatarassa daliddassa kammakārassa.
[170] A-na-tần-đầu 阿那頻頭. Cf. Mahāvagga 6, Vin.i. 220: Andhakavindha, một thị trấn trong Vương quốc Magadha.
[171] Tất bạt 蓽苃, loại cỏ có bông trắng trổ vào mùa xuân, dùng làm thuốc. Không rõ Pali.
[172] Pali, nt., yāguñca madhugoḷakañca, cháo (sữa cháo) và kẹo mật (mật viên).
[173] Tức gừng, tiêu và cỏ tất bát.
[174] Không rõ loại bánh gì. Pali, nt. madhugoḷaka, mật hoàn.
[175] Thỉnh thực 請食.
[176] Hán: thượng hữu lậu 上有漏. Cf. Pali: kāmānaṃ ādīnavaṃ okāraṃ saṃkilesaṃ, sự tai hại, tháp hèn và ô nhiễm của các dục.
[177] Tăng thượng quả 增上果; chỉ quả Thánh. Đây chỉ quả Tu-đà-hoàn. Chính xác, nên hiểu: ở trong Chánh pháp mà đạt được sự vô uý.
[178] Trù chúc 稠粥; trên nói là nùng chúc 濃粥.
[179] Hán: xiếu 麨, mạch yến mài nát vụn (Khang hy). Hoặc đọc là khứu 糗, lương khô (Thiều Chữu).
[180] Năm loại thức ăn: xem định nghĩa đoạn sau; xem cht.182; cf. xem ba-dật-đề 35.
[181] Triển chuyển thực 展轉食: ăn luân phiên. Ngũ phần, Thập tụng: sác sác thực 數數食. Tăng kỳ: xứ xứ thực 處處食; ăn nhiều chỗ. Pali: paraṃparabhojana.
[182] Năm loại thức ăn, Hán: phạn, khứu, can phạn, ngư, cập nhục 飯糗乾飯魚及肉. Pali: odana (cơm chín), kummāsa (bánh bột, hay cháo chua), sattu (bánh khô), maccha (cá), maṃsa (thịt). Cf. Căn bản (T23n1442, tr.821b24), 5 loại thực phẩm bồ-thiện-ni thực 蒲繕尼食: cơm, đậu mạch, lương khô, thịt, bánh 飯麥豆飯糗肉餅.
[183] Hết quyển 13.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.75.53 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.