Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 31 »»

Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 31

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.74 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.91 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luật Tứ Phần

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 |
Việt dịch: Thích Đỗng Minh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích
PHẦN THỨ BA TĂNG SỰ
CHƯƠNG I.
THỌ GIỚI[1]
I. THÍCH THỊ THẾ PHỔ

[779a7] Tôi từng nghe chuyện được kể như vầy:
Từ xa xưa về trước, có vị Vua đầu tiên xuất hiện trong đời, tên là Đại Nhơn, được đại chúng suy cử.[2] Nhà Vua có thái tử tên là Thiện Vương. Thiện Vương có thái tử tên là Lâu-di. Vua Lâu-di có con tên là Trai.[3] Trai vương có con tên là Đảnh Sanh.[4] Vua Đảnh Sanh có con tên là Giá-la. Vua Giá-la có con tên là Bạt-giá-la. Vua Bạt-giá-la có con tên là Vi. Vua Vi có con tên là Vi-lân-đà-la. Vua Vi-lân-đà-la có con tên là Bề-hê-lê-tứ. Vua Bề-hê-lê-tứ có con tên là Xá-ca-đà. Vua Xá-ca-đà có con tên là Lâu-chi. Vua Lâu-chi có con tên là Tu-lâu-chi. Vua Tu-lâu-chi có con tên là Ba-la-na. Vua Ba-la-na có con tên là Ma-ha-ba-la-na. Vua Ma-ha- ba-la-na có con tên là Quý-xá. Vua Quý-xá có con tên là Ma-ha-quý-xá. Vua Ma-ha-quý-xá có con tên là Thiện Hiện. Vua Thiện Hiện có con tên là Đại Thiện Hiện. Vua Đại Thiện Hiện có con tên là Vô Ưu.[5] Vua Vô Ưu có con tên là Quang Minh. Vua Quang Minh có con tên là Lê-na. Vua Lê-na có con tên là Di-la. Vua Di-la có con tên là Mạt-la. Vua Mạt-la có con tên là Tinh Tấn Lực. Vua Tinh Tấn Lực có con tên là Lao-xa. Vua Lao-xa có con tên là Thập Xa. Vua Thập Xa có con tên là Bách Xa. Vua Bách Xa có con tên là Kiên Cung. Vua Kiên Cung có con tên là Thập Cung. Vua Thập Cung có con tên là Bách Cung. Vua Bách Cung có con tên là Năng Sư Tử. Vua Năng Sư Tử có con tên là Chơn-xà. Từ Vua Chơn-xà theo thứ tự về sau có mười chủng tộc Chuyển luân thánh vương: 1. Già-nâu-chi. 2. Đa-lâu-tỳ-đế. 3. A-thấp-tỳ. 4. Càn-đà-la. 5. Già-lăng-ca. 6. Chiêm-tỳ. 7. Câu-la-bà. 8. Bát-xà-la. 9. Di-tất-lê. 10. Ý-sư-ma.
Già-nâu-chi theo thứ tự tương thừa có năm Vua. Đa-lâu-tỳ-đế theo thứ tự có năm Vua. A-thấp-tỳ có bảy Vua. Càn-đà-la có tám Vua. Già-lăng-ca có chín Vua. Chiêm-tỳ có mười bốn Vua. Câu-la-bà có ba mươi mốt Vua. Bát-xà-la có ba mươi hai Vua. Di-tất-lê, theo thứ tự có 84.000 Vua. Vua Ý-sư-ma, theo thứ tự có 100 Vua. Từ Vua Ý-sư-ma về sau có nhà Vua tên là Đại Thiện Sanh. Vua Đại Thiện Sanh có con tên là Ý-sư-ma. Vua Ý-sư-ma có con tên là Ưu-la-đà. Ưu-la-đà có con tên là Cù-la. Cù-la có con tên là Ni-phù-la. Ni-phù-la có con tên là Sư Tử Giáp.[6] Sư Tử Giáp có con tên là Duyệt-đầu-đàn. Duyệt-đầu-đàn có con tên là Bồ-tát. Bồ-tát có con tên là La-hầu-la.
II. TRUYỆN ĐỨC THÍCH TÔN
1. Xuất gia và thành đạo
i. Vương tử họ Thích

Bồ-tát là con nhà họ Thích, bên cạnh Tuyết sơn, quốc giới phía bắc; thuộc dòng dõi hào quý, cha mẹ chơn chánh, các tướng đầy đủ. Khi vừa mới sanh, các thầy tướng bà-la-môn đều đến xem tướng. Họ luận đoán: «Đại vương, hài nhi đây có đầy đủ ba mươi hai tướng của đại nhơn. Người có tướng này sẽ hướng đến hai con đường, chắc chắn không sai. Một là, nếu không xuất gia, sẽ là Vua Sát-lợi Quán đảnh[7] Chuyển luân thánh vương, có khả năng chinh phục tất cả, làm chủ bốn thiên hạ, được gọi là Pháp vương,[8] vì chúng sanh mà làm vị Tự tại,[9] đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu là: 1. Luân bảo, 2. Tượng bảo, 3. Mã bảo, 4. Châu bảo, 5. Ngọc nữ bảo, 6. Chủ tàng thần bảo, 7. Điển binh bảo. Thái tử có đầy đủ một ngàn người con hùng mãnh, dũng kiện có khả năng đẩy lui tất cả quân địch trên lãnh thổ, không cần dùng đao trượng, tự xử dụng sức của mình, bằng chánh pháp cai trị giáo hóa, không hề có sự sợ hãi khi hành vương sự. Nhà Vua thi hành mọi việc một cách tự tại, không hề khiếp nhược. Hai là, nếu Thái tử xuất gia, sống không gia đình, thì sẽ thành bậc Vô thượng Chánh chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Ngài, ở giữa các chúng hội của Ma, của Phạm, của sa-môn, bà-la-môn, chúng hội chư thiên và loài người, đã tự thân chứng ngộ, tự thân an lạc, rồi vì chúng sanh nói pháp; pháp ấy, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều thiện xảo, có đủ nghĩa và vị, với phạm hạnh được hiển hiện.»
Bấy giờ, Vua nước Ma-kiệt là Bình-sa[10] lo ngại các nước ở biên giới; sai người thám sát khắp nơi. Nhà Vua nghe quân thám sát tâu rằng, dưới chân Tuyết sơn, quốc giới phía bắc, có một người con trai dòng họ Thích, dòng dõi hào quý, cha mẹ chơn chánh, có đủ ba mươi hai tướng đại nhơn. Các thầy xem tướng nói như trên.
Bấy giờ, quân thám sát đến tâu với Vua rằng:
«Đại vương nên biết, dưới chân Tuyết sơn, quốc giới phía bắc, có một người con trai dòng họ Thích, dòng dõi hào quý, cha mẹ chơn chánh, có đủ ba mươi hai tướng đại nhơn, như trên đã nói. Nay nhà Vua nên tìm cách trừ khử người kia đi. Nếu không, sợ sau này sẽ gây hại cho Vua. Việc mất nước, mất đất, sẽ do từ đây phát sinh.»
Vua nói:
«Làm thế nào mà trừ khử được! Nếu vị kia không xuất gia, sẽ là vua Sát-lợi quán đảnh, làm Chuyển luân thánh vương, có đủ bảy báu, thống lãnh bốn thiên hạ, là bậc Tự tại, không hề khiếp nhược. Ta sẽ là thần thuộc phục mệnh. Nếu vị ấy xuất gia học Đạo, chắc thành bậc Vô thượng Chí chơn, Đẳng chánh giác, nói pháp cho mọi người; pháp ấy, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối, đều thiện xảo. Ta sẽ làm đệ tử của vị ấy.»
Theo thời gian Bồ-tát khôn lớn, các căn đầy đủ. Từ chỗ nhàn tịnh, Ngài suy nghĩ: «Nay, Ta xét thấy thế gian này thật là khổ não. Có sanh, có già, có bệnh, có chết. Chết đây sanh kia. Do thân này mà biên tế của khổ không được chấm dứt. Làm thế nào để chấm dứt cái thân khổ này?»
ii. Xuất gia tầm đạo
Lúc bấy giờ, Bồ-tát vừa tuổi thanh xuân, đầu tóc đen mướt, tướng mạo thù đặc, đang thời thịnh tráng, mà tâm không ham muốn dục lạc. Cha mẹ sầu ưu khóc lóc, không muốn để Bồ-tát xuất gia học đạo.
Rồi thì, Bồ-tát cưỡng ý cha mẹ, tự mình cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, từ bỏ gia đình để sống không gia đình. Bồ-tát du hành, dần dà đi từ biên giới nước Ma-kiệt đến thành La-duyệt.[11] Nghỉ đêm tại núi kia.[12] Sáng sớm tinh sương, Ngài khoác ca-sa, bưng bát, vào thành La-duyệt khất thực. Tướng mạo cực kỳ đẹp đẽ. Co duỗi, cúi ngước, bước đi ung dung, nhìn thẳng trước mà đi tới, không liếc ngó hai bên. Khi ấy, Vua Ma-kiệt ở trên lầu cao, các đại thần vây quanh trước sau. Vua từ xa nhìn thấy Bồ-tát vào thành khất thực. Co duỗi, cúi ngước, bước đi ung dung, nhìn thẳng trước mà đi tới, không liếc ngó hai bên. Thấy vậy, nhà Vua nói bài kệ khen ngợi cho các đại thần nghe:
Các ngươi xem người kia,
Cử chỉ Thánh tuyệt vời.
Tướng hảo thật trang nghiêm;
Chẳng phải hàng hạ tiện.
Nhìn thẳng, không liếc ngó;
Trực chỉ tiến bước lên.
Vua liền sai người hỏi:
Tỳ-kheo muốn đi đâu?
[780a1]Người sứ được Vua sai
Theo sau chân tỳ-kheo;
Xem tỳ-kheo đến đâu,
Nghỉ đêm ở chỗ nào?
Xin xong khắp mọi nhà,
Các căn định, trầm tĩnh.
Bát cơm nhanh chóng đầy;
Ý chí thường vui tươi.
Sau khi khất thực xong,
Thánh liền ra khỏi thành.
Trên núi Ban-trà-bà,[13]
Sẽ tạm nghỉ nơi đây.
Biết chỗ tỳ-kheo nghỉ;
Một người ở lại đó,
Một người trở về tâu.
Để nhà Vua biết rõ
Tỳ-kheo hiện nghỉ đêm
Tại núi Ban-trà-bà.
Nằm ngồi như sư tử;
Như cọp tại rừng sâu.
Vua nghe sứ thần tâu,
Lệnh trang hoàng cỗ voi.
Cùng quân hầu tùy tùng,
Đồng đến lễ Bồ-tát.
Khi đến hỏi chào xong,
Rồi ngồi qua một bên.
Sau khi chào hỏi rồi,
Vua lại nói như sau:
«Xem Ngài đang tráng thịnh,
Các hành rất thanh tịnh;
Lẽ đáng ngự đại xa
Quần thần hầu giá nghiêm.
Tướng mạo rất đoan chánh,
Tất sanh dòng Sát-lợi?»
«Nay tôi trả lời ngài;
Xin nói quê hương mình.
Nay phía Bắc núi Tuyết,
Có nước Đại vương trị.
Nay ở Bắc tuyết sơn
Họ cha gọi là Nhật[14]
Sinh xứ là Thích-ca.
Tài bảo, kỹ thuật đủ,
Cha mẹ đều chơn chánh.
Bỏ nhà, tầm học đạo;
Không ưa chốn ngũ dục.
Xem dục nhiều khổ não.
Ly dục thường an ổn.
Tìm cầu chỗ diệt dục,
Là tâm ý của tôi.».
Bấy giờ, nhà Vua nói với Thái tử rằng:
«Nay ngài hãy ở lại đây. Tôi sẽ chia cho phân nửa nước.»
Bồ-tát trả lời:
«Tôi không thể nghe theo lời đó được.»
Nhà Vua lại nói:
«Ngài có thể làm Đại vương. Nay tôi cho ngài trọn nước và tất cả những sở hữu. Tôi dở luôn cả vương miện báu này tặng ngài. Ngài ở ngôi vương vị để trị vì. Tôi sẽ làm thần hạ.»
Bồ-tát trả lời:
«Tôi bỏ ngôi vị Chuyển luân vương để xuất gia học đạo, đâu có thể ham ngôi vị Vua nơi biên quốc mà sống ở thế tục. Này Vua nên biết, cũng như có người đã từng thấy nước trong đại hải, sau thấy nước trong vũng chân trâu, đâu có thể sanh tâm nhiễm trước. Việc này cũng như vậy. Tôi há lại bỏ ngôi Chuyển luân vương để nhận ngôi vị tiểu vương chư hầu.[15] Việc này không thành vậy!»
Bấy giờ, nhà Vua thưa rằng:
«Nếu người thành Vô thượng đạo, thì đến thành La-duyệt này trước, để tôi được thăm.»
Bồ-tát trả lời:
«Được.»
Nhà Vua liền từ chỗ ngồi đứng dậy kính lễ sát chân Bồ-tát, nhiễu ba vòng, rồi cáo lui.
Bấy giờ, có người tên là A-lam-ca-lam[16] là bậc thầy trong mọi người, dạy cho các đệ tử môn thiền định vô sở hữu xứ.[17] Bồ-tát đến chỗ của A-lam-ca-lam thưa hỏi:
«Ngài dạy các đệ tử bằng những pháp gì, khiến cho họ chứng đắc?»
A-lam-ca-lam trả lời:
«Này Cù-đàm, tôi nói cho các đệ tử về định vô sở hữu, khiến cho họ chứng đắc.»
Bấy giờ, Bồ-tát liền nghĩ: «Đâu phải chỉ có A-lam-ca-lam có lòng tin, mà nay Ta cũng có lòng tin. Đâu phải chỉ có A-lam-ca-lam có tinh tấn, mà Ta cũng có tinh tấn. Đâu phải chỉ có A-lam-ca-lam có trí tuệ, mà nay Ta cũng có trí tuệ. Nay, A-lam-ca-lam bằng pháp này mà chứng đắc, Ta há không tịnh tọa tư duy, bằng trí tuệ, mà chứng đắc. Nay, Ta cần siêng năng tinh tấn để chứng pháp này.» Bồ-tát liền nổ lực tinh tấn, không bao lâu, chứng đắc pháp này. Khi Bồ-tát chứng đắc rồi, đến chỗ A-lam-ca-lam nói:
«Ngài chỉ chứng pháp vô sở hữu định này và nói cho người phải không?»
A-lam-ca-lam trả lời:
«Tôi chỉ có pháp này. Ngoài ra không có pháp nào nữa.»
Bồ-tát nói:
«Tôi cũng đã chứng pháp vô sở hữu định này. Nhưng không nói cho người khác.»
A-lam-ca-lam hỏi:
«Cù-đàm, thật sự người đã chứng vô sở hữu định này nhưng không nói cho người chăng? Tôi cũng chứng vô sở hữu định này nhưng tôi mà nói cho người khác. Cù-đàm, những gì tôi biết thì người cũng biết. Những gì người biết thì tôi cũng biết. Người như tôi. Tôi như người. Này Cù-đàm, người có thể cùng tôi lo Tăng sự[18] chăng?»
Bấy giờ, A-lam-ca-lam sanh lòng hoan hỉ, cung kính thừa sự Bồ-tát, coi ngang hàng với mình.
Rồi thì, Bồ-tát lại nghĩ: «Loại thiền định vô sở hữu này không phải là pháp tịch diệt, không ly dục, chẳng phải là diệt tận, chẳng phải là tịch tĩnh, chẳng thể thành Đẳng chánh giác, chẳng phải là sa-môn, chẳng phải là nơi chứng đắc Niết-bàn. Ta không thích pháp này.» Bồ-tát bèn bỏ A-lam-ca-lam ra đi để cầu pháp cao siêu hơn.
Bấy giờ, có Uất-đầu-lam Tử[19] là bực thầy đứng đầu ở trong đại chúng. Vị này sau khi thầy mạng chung, dạy các đệ tử của thầy về loại thiền định phi tưởng phi phi tưởng xứ.[20] Bồ-tát đến chỗ Uất-đầu-lam Tử thưa hỏi:
«Thầy của Ngài dạy đệ tử bằng những pháp gì?»
Uất-đầu-lam Tử trả lời:
«Thầy của tôi dạy các đệ tử môn thiền định phi tưởng phi phi tưởng xứ.»
Bồ-tát nghĩ rằng: «Đâu phải chỉ Uất-đầu-lam Tử có lòng tin mà ta cũng có lòng tin. Đâu phải chỉ Uất-đầu-lam Tử có tinh tấn mà ta cũng có tinh tấn. Đâu phải chỉ Uất-đầu-lam Tử có trí tuệ mà ta cũng có trí tuệ. Đâu phải chỉ Uất-đầu-lam Tử chứng pháp này mà vì người nói. Ta há không thể chứng pháp này. Nay Ta có thể nổ lực tinh tấn để chứng pháp này.» Bồ-tát liền nổ lực tinh tấn, không bao lâu chứng được pháp này.
Bấy giờ, Bồ-tát đến chỗ Uất-đầu-lam Tử hỏi:
«Ngài chỉ có môn thiền định phi tưởng phi phi tưởng xứ này, hay còn có pháp nào nữa?»
Uất-đầu-lam Tử trả lời:
«Cù-đàm, tôi chỉ có pháp này. Ngoài ra không có pháp nào nữa.»
Bồ-tát hỏi:
«Nay, tôi cũng đã chứng định phi tưởng phi phi tưởng xứ này.»
Uất-đầu-lam Tử nói:
«Người thật sự có định phi tưởng phi phi tưởng nầy rồí chăng? Thầy của Uất-đầu-lam Tử tôi cũng đã chứng nghiệm định phi tưởng phi phi tưởng xứ này. Những gì Thầy của tôi biết thì nay người cũng biết. Những gì người biết thì Uất-đầu-lam Tử cũng biết. Người giống như Uất-đầu-lam Tử, Uất-đầu-lam Tử cũng giống như người. Nầy Cù-đàm, nay người hãy cùng tôi trông coi Tăng sự này.»
Bấy giờ, Uất-đầu-lam Tử phát tâm hoan hỷ, thừa sự Bồ-tát, tôn lên bậc Thầy để thờ kính. Bấy giờ, Bồ-tát lại nghĩ: «Ta quán sát định phi tưởng phi phi tưởng xứ này chẳng phải là pháp tịch diệt, không ly dục, chẳng phải là diệt tận, chẳng phải là tịch tĩnh, chẳng thể thành Đẳng chánh giác, chẳng phải là sa-môn, chẳng phải là nơi chứng đắc Niết-bàn. Ta không thích pháp này.»
Bồ-tát bỏ Uất-đầu-lam Tử ra đi để tìm cầu pháp cao siêu hơn.
Pháp thù thắng mà Bồ-tát tìm cầu, đó là pháp tịch tĩnh tối thượng.[21]
iii. Sáu năm khổ hạnh
Bồ-tát từ ranh giới Ma-kiệt du hóa về phương nam, đến núi Tượng đầu,[22][23] Nơi đó, có một vùng đất sạch sẽ, bằng phẳng, xinh đẹp, khả ái; cỏ xanh non mềm mại đều xoay về phía hữu; ao tắm trong mát mẻ, nước sạch sẽ; vườn rừng rậm rạp bao quanh; thôn xóm dân cư ở xung quanh đông đảo. Thấy vậy, Bồ-tát nghĩ: «Thiện nam tử nào muốn tìm cầu nơi đoạn trừ kết sử, đây là chỗ tốt. Nay ta tìm cầu nơi đoạn trừ kết sử, đây chính là chỗ ta muốn. Nay ta có thể ngồi nơi đây để đoạn kết sử.» Bấy giờ có năm người đi theo Bồ-tát tự nghĩ rằng: «Nếu Bồ-tát thành đạo thì sẽ nói pháp cho chúng ta.» trong thôn Đại tướng, ở Uất-tì-la.
Bấy giờ, Uất-bề-la có bốn người con gái: một tên là Bà-la, hai tên là Uất-bà-la, ba tên là Tôn-đà-la, bốn tên là Kim-bà-già-la đều [781a1] để ý vào Bồ-tát, tự nghĩ: «Nếu Bồ-tát xuất gia học đạo chúng ta sẽ làm đệ tử. Nếu Bồ-tát không xuất gia học đạo, ở tại gia theo thế tục thì chúng ta sẽ là thê thiếp.»
Ở đây, Bồ-tát khổ hạnh sáu năm, nhưng vẫn không chứng được pháp thù thắng của Thánh trí tăng thượng. Rồi Bồ-tát nhớ lại. Xưa kia, nơi bờ ruộng, chỗ phụ vương hạ điền, ngài ngồi dưới bóng cây Diêm-phù, với sự ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly,[24] ngài chứng nghiệm và an trú Sơ thiền.
Bồ-tát lại nghĩ: «Có con đường nào để từ đó đạt được dứt sạch nguồn gốc khổ?» Lại nghĩ tiếp, «Con đường này sẽ dẫn đến chỗ dứt sạch nguồn gốc khổ.» Rồi Bồ-tát liền nổ lực tinh tấn tu tập trí này; từ con đường này, sẽ dứt sạch được nguồn gốc khổ.
Bồ-tát lại nghĩ: «Có hay chăng, nhân bởi pháp bất thiện, ái dục, mà đạt được pháp an lạc?» Rồi lại nghĩ: «Không thể do bởi pháp bất thiện, ái dục, mà đạt được pháp an lạc.»
Ngài lại nghĩ, «Có phải chăng, do tập hành vô dục, xả pháp bất thiện, mà đạt được pháp an lạc? Nhưng Ta không do bởi sự tự hành khổ thân này mà đạt được pháp an lạc. Nay, Ta có nên ăn một ít cơm, bánh bột, để có được sức khoẻ trở lại chăng?»
Sau đó Bồ-tát bắt đầu ăn một ít cơm khô[25] để có được sức khỏe. Khi Bồ-tát ăn một ít thức ăn đó, năm người đi theo đều thất vọng và từ bỏ Bồ-tát ra đi, nói với nhau rằng: «Sa-môn Cù-đàm cuồng mê mất đạo. Đâu còn có đạo chơn thật nữa.»
iv. Thành Đẳng chánh giác
Bấy giờ, Bồ-tát đã phục hồi sức lực rồi, liền đến nơi dòng nước sông Ni-liên-thiền[26] tắm rửa thân thể. Sau đó, lên bờ, đến dưới bóng cây Bồ-đề. Khi ấy, cách gốc cây không xa có một người cắt cỏ tên là Cát An,[27] Bồ-tát đến trước người này nói:
«Tôi cần cỏ. Ông làm ơn cho tôi một ít.»
Cát An thưa:
«Được, tốt lắm!»
Không chút luyến tiếc, Cát An trao cỏ cho Bồ-tát.
Bồ-tát đem cỏ đến dưới bóng cây Cát tường,[28] trải cỏ ngồi thẳng người, chánh ý, buộc niệm trước mặt. Bồ-tát trừ dục ái, trừ pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc phát sanh do sự viễn ly,[29] chứng và an trú Sơ thiền. Đó gọi là Bồ-tát đạt được pháp thiện thù thắng đầu tiên. Tại sao vậy? Vì nhờ buộc ý chuyên niệm, không phóng dật.
Bấy giờ, Bồ-tát lại trừ bỏ giác, quán,[30] đạt được nội tín,[31] có hỷ lạc do định sanh,[32] với không giác quán, chứng và an trú Nhị thiền. Đó là Bồ-tát đạt được pháp thiện thù thắng thứ hai. Tại sao vậy? Vì buộc ý, chuyên niệm, không phóng dật.
Rồi Bồ-tát trừ bỏ hỷ,[33] an trú xả, chánh niệm chánh tri, thân cảm giác lạc, mà bậc Thánh nói là xả, niệm, an trụ lạc,[34] chứng và an trú Tam thiền. Đó là Bồ-tát đạt được thắng pháp thứ ba. Tại sao vậy? Vì nhờ buộc ý, chuyên niệm, không phóng dật.
Rồi Bồ-tát xả khổ lạc, dứt ưu hỷ đã cảm thọ từ trước, không khổ không lạc, với xả, niệm thanh tịnh,[35] chứng và an trú Tứ thiền. Đó gọi là Bồ-tát đạt được thắng pháp thứ tư này. Tại sao vậy? Vì nhờ buộc ý, chuyên niệm, không phóng dật.
Bấy giờ, với tâm định tĩnh như vậy,[36] Bồ-tát trừ sạch các kết sử, thanh tịnh không còn tỳ vết, được sử dụng một cách nhuần nhuyễn,[37] an trụ kiên cố, chứng trí túc mạng, nhớ biết một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai chục đời, ba chục đời, bốn chục đời, năm chục đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, vô số trăm đời, vô số ngàn đời, vô số trăm ngàn đời; kiếp thành, kiếp bại, vô số kiếp thành, vô số kiếp bại, vô số kiếp thành bại, «Ta đã từng sanh nơi kia, có tên như vậy, họ như vậy, sanh như vậy, thức ăn như vậy, thọ mạng như vậy, giới hạn thọ mạng như vậy, sống ở đời dài vắn như vậy, cảm thọ khổ lạc như vậy; từ nơi này chết, tái sinh nơi kia; từ nơi kia chết, tái sanh nơi này, với tướng mạo như vậy.» Ngài nhớ biết vô số việc của mạng sống đời trước.
Bấy giờ, Bồ-tát lúc đầu đêm đạt được minh ban đầu này, vô minh diệt và minh phát sanh, bóng tối hết ánh sáng xuất hiện. Đó gọi là sự chứng túc mạng thông. Tại sao vậy? Vì nhờ tinh tấn, không phóng dật.
Lại với tâm định tĩnh của tam-muội, thanh tịnh không tỳ vết, không kết sử, các cấu bẩn đã sạch, được sử dụng nhuần nhuyễn, an trụ kiên cố, Bồ-tát biết sự sống, sự chết của chúng sanh. Bằng thiên nhãn thanh tịnh, Ngài xem thấy sự sống sự chết của chúng sanh,[38] với hình sắc đẹp, hình sắc xấu, đường lành, đường dữ; hoặc sang hoặc hèn, tùy thuộc vào hành động của chúng sanh, tất cả đều biết rõ. Bồ-tát tự quán sát biết chúng sanh này, do thân hành ác, miệng hành ác, ý hành ác, tà kiến, hủy báng hiền thánh, tạo nghiệp báo tà kiến; thân hoại mạng chung đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Bồ-tát lại quán sát chúng sanh, do thân hành thiện, miệng hành thiện, ý hành thiện; chánh kiến, không hủy báng hiền thánh, tạo nghiệp báo chánh kiến; thân hoại mạng chung sanh trong thiên thượng, nhơn gian. Bằng thiên nhãn thanh tịnh như vậy, Ngài quán sát thấy sự sống, chết của chúng sanh tùy theo nghiệp mà chúng đã làm. Đó gọi là, vào lúc nửa đêm, Bồ-tát đạt được minh thứ hai này, vô minh hết, minh phát sanh, bóng tối hết, ánh sáng xuất hiện. Tức là trí thiên nhãn nhìn thấy chúng sanh. Tại sao vậy? Vì nhờ tinh tấn, không phóng dật.
Lại với tâm định tĩnh của tam-muội, thanh tịnh không tỳ vết, không kết sử, các cấu bẩn đã sạch, được sử dụng nhuần nhuyễn, an trụ kiên cố, Bồ-tát đạt được lậu tận trí hiện tiền. Với tâm duyên trí lậu tận, Ngài biết như thật rằng, «Đây là khổ», «Đây là tập», «Đây là khổ diệt», «Đây là con đường đưa đến khổ diệt.» Do Bồ-tát biết như vậy, quán như vậy, tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, tâm giải thoát khỏi vô minh lậu. Đã giải thoát, biết rõ là đã giải thoát, biết rằng, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc làm đã xong, không còn tái sanh nữa. Đó là, vào lúc cuối đêm, Bồ-tát đạt được minh thứ ba này, vô minh diệt, minh phát sanh, bóng tối hết, ánh sáng phát sanh. Đó là trí lậu tận. Tại sao? Vì nhờ Như lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác, phát khởi trí này, đạt được vô ngại giải thoát.
Bấy giờ, đức Thế Tôn ở chỗ này đoạn tận tất cả các lậu, trừ tất cả kết sử. Dưới bóng cây Bồ-đề, ngồi kết già bảy ngày, bất động, hưởng thọ an lạc của giải thoát.
v. Hai người khách thương
Qua bảy ngày, Thế Tôn xuất khỏi định tâm. Trong bảy ngày chưa ăn thứ gì. Bấy giờ, có hai anh em lái buôn, một người tên là Trảo, một người tên là Ưu-ba-ly,[39] điều khiển năm trăm chiếc xe chở tài bảo đi ngang qua cách cây Bồ-đề không xa. Bấy giờ có vị thần cây chí tín đối với đức Phật, là tri thức quen biết từ lâu đối với hai khách buôn này. Muốn khiến cho hai người khách buôn được Phật độ, ông đến chỗ hai người, nói:
«Các ông biết chăng? Đức Thích-ca Văn[40] Phật, Như Lai, Đẳng chánh giác, trong bảy ngày đã thành tựu tất cả các pháp. Trong bảy ngày ấy cũng chưa ăn thứ gì. Các ông có thể đem mật ong, cơm khô phụng hiến Như lai, để các ông được lợi ích, an ổn, khoái lạc lâu dài.»
Hai anh em người lái buôn nghe vị thần cây nói như vậy, hoan hỷ; liền đem mật ong và cơm khô[41] đến cây Bồ-đề để phụng hiến. Từ xa trông thấy đức Như Lai tướng mạo khác thường, các căn tịch định, với sự điều phục tối thượng, như con voi được điều phục thuần thục không còn hung hăng, như nước được lóng trong không có bụi nhơ. Thấy vậy, họ phát tâm hoan hỷ đối với đức Như Lai. Họ đến trước đức Như Lai, đảnh lễ rồi, đứng qua một bên, hai người lái buôn bạch đức Thế Tôn:
«Chúng con xin phụng hiến mật ong và cơm khô. Ngài thương xót thâu nhận cho.»
Đức Thế Tôn lại nghĩ như vầy: «Mật ong và cơm khô do hai người này dâng cúng; lấy thứ gì đựng đây?» Đức Thế Tôn lại nghĩ tiếp: «Quá khứ, [782a1] chư Phật Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác, dùng vật gì để đựng thức ăn? Chư Phật Thế Tôn không dùng tay để nhận thức ăn.» Bấy giờ, Tứ Thiên vương đứng hai bên, biết đức Phật nghĩ như vậy, liền đến bốn phương, mỗi vị lấy một bình bát bằng đá đem đến dâng lên đức Thế Tôn và bạch rằng:
«Cúi xin Ngài lấy bình bát này để nhận mật ong và cơm khô của người lái buôn.»
Bấy giờ, đức Thế Tôn với lòng từ mẫn, liền nhận bốn chiếc bát của Tứ Thiên vương, rồi hiệp lại thành một cái để nhận mật ong và cơm khô của người lái buôn. Nhận thức ăn bằng lương khô trộn với mật của người lái buôn rồi, nhơn cơ hội này đức Phật khai hóa họ bằng lời chú nguyện rằng:
Ai sở hành bố thí
Chắc chắn được lợi ích
Ai vì lạc bố thí,
Sau tất được an lạc.
«Này Thương khách, nay các người hãy quy y Phật, quy y Pháp.»
Hai người lái buôn liền nhận lời dạy của đức Phật thưa:
«Bạch đại đức! Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp.»
Đó là, trong những người Ưu-bà-tắc đầu tiên nhận lãnh hai quy y, chính là hai anh em người lái buôn này.
Bấy giờ, hai người lái buôn bạch với đức Phật rằng:
«Nay chúng con muốn về lại quê nhà. Nếu khi về đến nơi rồi, muốn làm phước thì làm thế nào? Muốn lễ kính cúng dường thì lễ kính cái gì?»
Đức Thế Tôn biết ý muốn của họ, Ngài liền đem móng tay và tóc cho và nói rằng:
«Các ngươi đem vật này về đó, làm phước, lễ bái, cung kính cúng dường.»
Bấy giờ, hai người lái buôn tuy nhận tóc và móng tay, nhưng không thể chí tâm cúng dường vì nghĩ rằng: «Tóc và móng tay là những vật mà người đời coi rẻ, vất bỏ. Sao đức Thế Tôn lại bảo chúng ta cúng dường!»
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết trong tâm của người lái buôn nghĩ như vậy, nên Ngài liền nói với hai người lái buôn:
«Các ngươi chớ nên có tâm niệm coi thường tóc và móng tay của Như Lai như thế, cũng đừng nói, tại sao vật người đời vất bỏ mà Như Lai bảo chúng ta cúng dường. Các người nên biết, khắp cả thế giới bao gồm cả Ma chúng, Phạm chúng, sa-môn, bà-la-môn chúng, trời và người, đối với tóc cũng như móng tay của Như Lai đều cung kính cúng dường, khiến cho tất cả bao gồm cả Ma chúng, Phạm chúng, sa-môn, bà-la-môn chúng, đều được công đức không thể kể xiết.»
Người lái buôn bạch Phật:
«Sự cúng dường tóc và móng tay này có những chứng nghiệm gì?» Đức Phật dạy người lái buôn:
vi. Nhân duyên quá khứ
«Này khách thương, thuở quá khứ xa xưa, có một nhà Vua tên là Thắng Oán, thống lãnh cõi Diêm-phù-đề. Lúc bấy giờ, trong cõi Diêm-phù-đề, lúa gạo đầy đủ, nhơn dân hưng thạnh, cuộc sống rất là vui sướng. Cõi nước có tám mươi bốn ngàn thành quách, năm mươi lăm ức thôn xóm, sáu vạn quốc thổ nhỏ. Cung thành Vua Thắng Oán ở tên là Liên hoa, từ đông sang tây mười hai do-tuần, từ nam qua bắc bảy do-tuần. Đất đai phì nhiêu, lúa gạo đầy đủ, nhơn dân hưng thạnh, cõi nước an lạc, vườn rừng sum sê, thành quách kiên cố, ao nước mát mẻ, mọi thứ đầy đủ, đường sá hanh thông.
«Khách thương, các ngươi nên biết, bấy giờ Vua Thắng Oán có người bà-la-môn làm đại thần tên là Sư[42]-diêm-phù-bà-đề. Người này, lúc Vua còn bé nhỏ, cùng nhau vui đùa rất thân hậu. Sau khi làm đại thần, nhà Vua chia cho phân nửa nước. Vị đại thần nhận được phân nửa nước rồi, liền xây dựng thành quách cho quốc gia mình từ đông sang tây dài mười hai do tuần, từ nam đến bắc rộng bảy do tuần, lúa gạo dư dật, nhơn dân hưng thạnh, quốc độ an lạc, vườn rừng sum sê, thành quách kiên cố, nước ao mát mẻ, mọi thứ đầy đủ, đường sá hanh thông. Đô thành tên là Đề-bà-bạt-đề, đẹp đẽ hơn đô thành Liên hoa.
«Khách thương nên biết, Vua không có người kế thừa, nên đi đến các miếu thờ thần, các thần suối, thần sông, thần núi, thần hà thủy, thần ao hồ, mãn thiện thần, bảo thiện thần, mặt trời, mặt trăng, Đế Thích, Phạm thiên, hỏa thần, phong thần, thủy thần, Ma-hê-thủ-la thần, thần vườn, thần rừng, thần chợ, thần ngả tư, thần thành, quỉ tử mẫu, miểu thờ Trời, miểu thờ phước thần, đều cầu khẩu, cho được sanh con trai. Sau đó, đệ nhất phu nhân có thai. Người phụ nữ có ba thứ trí tuệ như thật không hư dối: một là biết mình có thai, hai là biết từ đâu có thai, ba là biết đàn ông có ái dục đối với mình. Bấy giờ phu nhân đến thưa với nhà Vua rằng: ‹Thưa đại vương, tôi vừa có thai.› Nhà Vua nói: ‹Tốt lắm, tốt lắm!› Vua liền ra lệnh cho các quan tả hữu cung cấp cung phụng nhiều thức ăn, y phục, ngọa cụ, tất cả những nhu cầu cho phu nhơn đều là những thứ tốt nhất. Mười tháng trôi qua, phu nhơn hạ sanh một hài nhi nam, xinh đẹp cực kỳ, hy hữu trong đời. Vừa mới sanh, không ai đỡ mà hài nhi tự mình đứng dậy, đi bảy bước và nói: ‹Trong thiên thượng thế gian, tôi là bậc tối tôn tối thắng. Tôi sẽ độ tất cả chúng sanh khỏi khổ sanh-lão-bệnh-tử.› Tức thì được hiệu là Định Quang Bồ-tát.
«Khách thương nên biết, bấy giờ quốc vương liền đòi các thầy tướng giỏi trong dòng bà-la-môn đến nói: ‹Các người nên biết, phu nhân của ta vừa sanh ra, sanh một nam hài nhi, tướng mạo xinh đẹp, hiếm có trên đời. Vừa mới sinh không ai đỡ mà tự mình đứng dậy đi bảy bước và nói: ‹Trong thiên thượng thế gian, tôi là bậc tối tôn tối thắng. Tôi sẽ độ tất cả chúng sanh khỏi khổ sanh-lão-bệnh-tử.› Các người rành nghề tướng số, xem tướng hài nhi cho ta.› Các thầy tướng tâu nhà Vua rằng: ‹Xin Đại vương cho bồng hài nhi ra để chúng tôi xem.› Nhà Vua liền đích thân vào cung bồng hài nhi ra để cho các thầy tướng xem. Các thầy tướng xem xong, tâu với Vua: ‹Đại vương sanh hài nhi này, có đại thần lực, có đại phước công đức, sở nguyện đều đầy đủ. Nếu Vương tử này ở tại gia sẽ là vua Sát-lợi quán đảnh, làm vị Chuyển luân vương bảy báu đầy đủ, thống lãnh bốn thiên hạ, có ngàn người con, dũng kiện, hùng mãnh, có thể đánh bại các địch thủ, dùng pháp trị mà không cần đến đao trượng. Nếu xuất gia, thì sẽ thành Như lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, bậc Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Ở giữa các chúng hội của chư thiên và loài người, giữa các chúng Ma thiên, Phạm thiên, bà-la-môn, Ngài tự thân tác chứng, tự thành tựu rồi nói pháp; pháp ấy thượng-trung-hạ đều thiện, có nghĩa có vị, với phạm hạnh được hiển hiện.›
«Khách thương nên biết, bấy giờ Vua khen thưởng cho bà-la-môn rồi, sai bốn bà vú nuôi, bồng ẵm, chăm sóc Bồ-tát Định Quang. Bà thứ nhất bồng ẵm, bà thứ hai tắm rửa, bà thứ ba cho bú, bà thứ tư dẫn đi chơi. Bà vú bồng ẵm có phận sự bồng ẵm, xoa bóp, khiến cho tất cả bộ phận trong cơ thể đều được ngay thẳng. Bà vú tắm rửa có phận sự tắm rửa, giặt giũ áo quần. Bà vú cho bú có phận sự tùy thời cho bú. Bà vú dẫn đi chơi có bổn phận cùng các công tử tập cỡi voi, cỡi ngựa, cỡi xe, đi kiệu và các thứ tạp bảo, nhạc khí, các loại máy móc. Với tất cả các thứ đầy đủ như vậy để phục vụ cho Bồ-tát Định Quang vui chơi. Mỗi khi đi, có người cầm lọng báu hình con công đi theo.
«Khách thương nên biết, Bồ-tát Định Quang khi vừa tám tuổi, mười tuổi, được dạy các thứ kỹ thuật, kinh sách, toán số, ấn, họa, ca vũ, trống, đàn, cách cỡi ngựa, cỡi voi, cỡi xe, bắn cung, giác đấu. Tất cả các kỹ thuật, không một thứ nào Bồ-tát không tinh luyện.
«Khách thương nên biết, khi Định Quang tuổi được mười lăm, mười sáu, Vua liền cho xây cất ba cung điện mùa, cho đông, hạ và xuân; cấp hai vạn thế nữ để vui chơi. Tạo vườn ao dọc ngang mười hai do tuần. Tất cả loại cây hoa, cây ăn trái, cây tỏa hương, tất cả cây kì lạ toàn cõi Diêm-phù-đề đều đem về trồng nơi vườn đó.
«Khách thương nên biết, vị trời Thủ-đà-hội[43] hằng ngày đến hầu hạ, hộ vệ. Vị trời ấy nghĩ: ‹Nay Bồ-tát ở tại gia đã lâu rồi, ta nên làm cho Bồ-tát sinh yếm [783a1] ly. Bồ tát sau khi đã yếm ly, sẽ sớm xuất gia, cạo bỏ râu tóc khoác áo ca-sa, tu đạo vô thượng.› Chờ khi Bồ-tát vào phía sau vườn, vị trời liền hóa thành bốn người, một người già, một người bệnh, một người chết và một người sa-môn xuất gia. Bồ-tát thấy bốn người như vậy rồi, lòng sanh ưu sầu, nhàm chán sự khổ của cuộc đời: ‹Xem đời như vậy rồi, có gì để tham luyến?›
«Khách thương nên biết, Bồ-tát nhàm chán rồi, ngay ngày ấy xuất gia, nội nhật thành đạo vô thượng.
«Khách thương nên biết, Đức Như Lai Định Quang, Chí nhơn, Chánh đẳng chánh giác, quan sát khắp tất cả chưa có người nào thích hợp, để vì họ chuyển Pháp luân vô thượng hóa độ. Bấy giờ, cách thành Đề-bà-bạt-đề không xa, Định Quang Như Lai hóa làm một thành lớn, cao rộng, tốt đẹp, treo tràng phan bảo cái, khắp nơi chạm trổ hình tượng các loài chim hay các loài thú; ao hồ; vườn cây trái; trong sạch nhiệm màu hơn hẳn thành Đề-bà-bạt-đề. Như Lai hóa làm dân, tướng mạo hình sắc cũng hơn nhơn dân của nước kia, khiến nhơn dân của nước mình cùng nhau tới lui giao tiếp thân hữu.
«Khách thương nên biết, Đức Định Quang Như Lai quán sát nhơn dân trong thành Đề-bà-bạt-đề, thấy các căn đã thuần thục, liền khiến cái thành hóa bỗng nhiên phát hỏa. Nhân dân trong thành Đề-bà-bạt-đề thấy sự việc như vậy lòng ôm sầu ưu, sanh tâm yểm ly. Đức Như Lai Định Quang trong bảy ngày độ sáu mươi sáu na-do tha người, năm mươi lăm ức Thanh văn.
«Khách thương nên biết, bấy giờ đức Như Lai Định Quang nổi tiếng vang lừng, giáp khắp mười phương, mọi người đều nghe biết. Tất cả đều xưng tụng rằng, ‹Định Quang Như Lai, là bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Ngài, ở giữa tất cả thế giới, bao gồm Ma, hoặc Ma thiên, Phạm chúng, sa-môn, bà-la-môn, trời và người, đã tự thân tác chứng, và an trú, rồi thuyết pháp cho người; pháp ấy, khoảng đầu, chặng giữa và đoạn sau thảy đều thiện, có nghĩa có vị, với phạm hạnh được hiển hiện.›
«Khách thương nên biết, Đức Định Quang Như Lai, bình thường, từ thân phát ra ánh sáng chiếu trăm do-tuần. Theo thường pháp của chư Phật Thế Tôn, ánh sáng chiếu vô lượng, khi nhiếp thu ánh sáng lại thì ánh sáng còn bảy thước.
«Khách thương nên biết, khi Vua Thắng Oán nghe trong cung của Vua Đề-diêm-bà-đề sanh một Thái tử, phước đức oai thần, các tướng đầy đủ, ngay trong ngày xuất gia liền thành bậc Vô thượng Chánh chơn, Đẳng chánh giác, tiếng đồn vang khắp, mọi người đều xưng tụng, ‹Đức Như Lai Định Quang là bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác... cho đến phạm hạnh được hiển hiện.› Vua Thắng Oán liền sai sứ đến nơi Vua Đề-diêm-bà-đề nói: ‹Ta biết khanh sanh Thái tử phước đức oai thần, đầy đủ các tướng, ngay trong ngày xuất gia liền thành đạo quả... cho đến phạm hạnh hiển hiện, danh xưng vang lừng, đồn khắp mười phương. Nay ta muốn được xem Thái tử. Nếu khanh không cho Thái tử đến thì ta sẽ tự thân đến đó.› Bấy giờ, vua Đề-diêm-bà-đề nghe như vậy, ôm lòng sầu ưu, tập trung quần thần bàn thảo: ‹Các ngươi hãy suy nghĩ, chúng ta nên trả lời như thế nào? Và làm thế nào để vừa ý Vua kia?› Quần thần đề nghị: ‹Nên đến hỏi Như Lai Định Quang. Tùy theo lời Phật dạy thế nào thì chúng ta làm thế ấy.›
«Bấy giờ Vua Đề-diêm-bà-đề cùng các quần thần đến chỗ Phật Định Quang, đảnh lễ sát chân, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo Vua: ‹Vua thôi chớ sầu ưu. Ta sẽ tự thân đến đó.›
«Khách thương nên biết, bấy giờ, Vua Đề-diêm-bà-đề tại quốc nội suốt bảy ngày cúng dường y phục, ẩm thực, giường nằm, ngọa cụ, thuốc chữa bệnh cho đức Như Lai Định Quang và Tăng tỳ-kheo, không thiếu một thứ gì.
«Khách thương nên biết, Đức Như Lai Định Quang sau bảy ngày cùng các tỳ-kheo du hành trong nhơn gian, đến bên ao của Long vương Dược Sơn.
«Khách thương nên biết, cung của Long vương này, dọc ngang năm trăm do tuần. Định Quang Như Lai và Tăng tỳ-kheo trụ nơi núi kia. Bấy giờ, Định Quang Như Lai phóng đại quang minh khắp soi ba ngàn đại thiên cõi nước, sáng chói không phân biệt ngày đêm. Khi các loại hoa, như hoa ưu-bát, bát-đẩu-ma, cưu-vật-đẩu, phân-đà-lợi, đều búp lại; và khi các loài chim không hót, thì biết đó là đêm. Khi các loài hoa như hoa ưu-bát v.v... nở và các loài chim hót, biết đó là ngày. Như vậy trải qua mười hai năm, không phân biệt được ban ngày ban đêm. Bấy giờ, Vua Thắng Oán liền tập hợp các đại thần nói: ‹Ta nhớ xưa kia có ngày có đêm. Sao nay không có ngày, không có đêm. Khi các loài hoa ưu-bát nở, và các loài chim hót thì biết là ngày. Nếu hoa búp, chim không kêu, biết là đêm. Vì ta có làm điều gì lầm lỗi hay trong thế gian này có điều phi pháp, hoặc là các khanh có điều gì tội lỗi chăng? Các người cứ thành thật cho ta biết.› Chư thần tâu: ‹Vua cũng không có điều gì lầm lỗi. Nước cũng không có điều chi phi pháp. Chúng tôi cũng không có điều chi tội lỗi. Mà hiện nay Định Quang Như Lai ở trên núi Ha-lê-đà, bên cung Long vương, phóng đại hào quang, khắp soi ba ngàn đại thiên cõi nước. Do oai thần đó, khiến ngày đêm không phân biệt được. Muốn biết ngày đêm phải dựa vào hoa búp, chim không kêu là đêm; hoa nở, chim kêu là ngày. Vua không có lầm lỗi. Nước không có phi pháp. Chúng tôi cũng không có tội lỗi gì. Đây là oai thần của Định Quang Như Lai. Chúng ta không nên lo sợ.› Vua hỏi chư thần tả hữu:
“- Cung Long vương, núi Ha-lê-đà, cách đây xa gần?
Chư thần tâu:
“- Cách đây không xa, độ chừng ba mươi lí thôi.
«Vua truyền lệnh cho các quan tả hữu nghiêm chỉnh cỗ xe có gắn lông chim, nói:
“- Nay ta muốn đến đó để lễ bái Định Quang Như Lai.
«Các quan tả hữu tuân lệnh, liền nghiêm chỉnh cỗ xe có gắn lông chim, rồi đến tâu với nhà Vua:
“- Xa giá đã chuẩn bị xong. Tâu đại vương biết cho.
«Khách thương nên biết, Vua liền lên xe. Quần thần thị tùng, cùng đến cung Long vương trên núi Ha-lê-đà. Đoàn xe đi đến chỗ xe không đi được, Vua và đoàn tùy tùng xuống đi bộ đến cung Long vương.
«Khách thương nên biết, bấy giờ, Vua từ xa trông thấy Định Quang Như Lai tướng mạo đoan chánh, các căn tịch định. Thấy vậy Vua phát tâm hoan hỷ, liền đến trước đức Phật Định Quang, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn tuần tự vì nhà Vua nói pháp vi diệu khuyến hóa, khiến hoan hỷ. Nhà Vua nghe Phật nói diệu pháp khuyến hóa hoan hỷ rồi, bạch Phật:
“- Nay đã đúng lúc, cung thỉnh đức Như Lai vào thành Liên Hoa.
«Định Quang Như Lai im lặng nhận lời Vua cung thỉnh. Vua Thắng Oán biết đức Phật nhận lời mời bằng cách im lặng rồi, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật và cáo lui.
«Trở về lại quốc nội, ra lệnh cho nhân dân:
“- Các ngươi, đào đất đắp đường thật kiên cố, từ thành Liên hoa đến Dược sơn, hãy đào đất ngập đầu gối, rồi lấy chày nện cho chặt cứng. Dùng nước thơm rưới trên đất. Hai bên đường, trồng các loại cây hoa. Lề đường làm lan can. Đốt đèn dầu tốt để lên trên. Làm lò hương bằng bốn món báu, là kim, ngân, lưu ly, pha lê.
«Nhân dân nhận lệnh của Vua như trên. Rồi Vua liền tập hợp các đại thần bảo:
“- Các khanh phải trang hoàng đại thành Liên hoa này. Dọn dẹp tất cả các rác rưới, đất cát, sỏi đá bẩn nhớp. Dùng bùn đất tốt mịn trét lên trên mặt đất. Treo tràng phan, bảo cái. Xông các loại hương đặc biệt. Dùng các loại nệm dệt bằng lông để trải. Dùng các loại hoa tốt rải trên mặt đất.
«Quần thần vâng lệnh Vua mà trang trí. Vua Thắng Oán lại bảo các đại thần:
«Nhân dân trong quốc độ, cấm không cho người bán hương hoa. Nếu có người nào bán thì không được mua. Ai mua bán [784a1] sẽ bị trừng phạt. Tại sao vậy? Vì Trẫm muốn cúng dường Định Quang Như lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác.
«Bấy giờ, có vị đại thần bà-la-môn tên là Tự Thí, có nhiều tài bảo chơn châu, hổ phách, xa cừ, mã não, thủy tinh, kim, ngân, lưu ly, trân kỳ dị bảo, không thể kể xiết. Bà-la-môn kia trong mười hai năm tế tự, cầu rằng, ‹Trong nhơn gian, nếu có người nào có nhiều trí tuệ đệ nhất, ta sẽ đem cho bình bát bằng vàng đựng đầy thóc lúa bằng bạc; hoặc bát bằng bạc đựng đầy thóc lúa bằng vàng; và cả cái âu rửa cũng bằng vàng; bảo cái, guốc dép tốt đẹp lạ thường; còn hai tấm thảm đẹp, các loại tạp bảo làm song giường, luôn cả một cô gái trang nghiêm xinh đẹp tên là Tô-la-bà-đề; tất cả để biếu tặng cho vị ấy.›
«Lúc ấy, trong chúng hội tế tự, có một đại bà-la-môn đệ nhất thượng tọa, là đại thần của nhà Vua, có mười hai tướng xấu xí: chột, gù, gầy, bướu cổ, da vàng đầu vàng, mắt xanh, răng lưỡi cưa, răng đen, tay chân khèo, thân cong, lùn, lòi xương đầu gối.
«Khách thương nên biết, bà-la-môn Tự Thí kia nghĩ rằng: ‹Nay, trên chỗ ngồi cao nhất này, người ngồi có mười hai cái xấu, là đại thần của Vua, làm thế nào dùng những vật quý báu và người nữ của ta trao cho người ấy được? Ta hãy kéo dài ngày tế tự để thật sự có người bà-la-môn thông minh trí tuệ, dung mạo đẹp đẽ, ta sẽ dâng cho.›
«Khách thương nên biết, phía nam Tuyết sơn có một Tiên nhơn, tên là Trân Bảo, thiểu dục, ưa nhàn tịnh, không có lòng tham, tu tập thiền định, đặng năm thần thông, dạy năm trăm phạm chí khiến cho tụng tập. Tiên nhơn năm thần thông có một người đệ tử, tên là Di Khước, cha mẹ chơn chánh, bảy đời thanh tịnh, cũng lại dạy cho năm trăm đệ tử.
«Khách thương nên biết, bấy giờ, đệ tử Di Khước đến chỗ Trân Bảo Tiên nhơn thưa: ‹Nay học vấn của con đã xong. Nên học thêm thứ gì?› Trân Bảo Tiên nhơn liền trước tác kinh thơ, mà tất cả bà-la-môn không có. Trước tác xong, bảo đệ tử rằng: ‹Người có thể học tập tụng đọc sách này. Sách này, các bà-la-môn không có. Học tập đọc tụng xong, đối với các bà-la-môn, ngươi có thể là đệ nhất tối thắng.›
«Khách thương nên biết, bấy giờ người đệ tử kia liền học tập sách ấy một cách thông suốt. Học xong, đến chỗ Trân Bảo Tiên nhơn thưa: ‹Con học xong sách này rồi. Còn học thứ gì nữa?› Vị thầy nói:
“- Nếu, ngươi học xong sách ấy rồi, thì phàm người đệ tử nên trả ơn thầy. Nay, con nên trả ơn!
«Người đệ tử thưa:
“- Con phải trả ơn thầy bằng cách nào?
«Vị thầy nói:
“- Cần có năm trăm đồng tiền vàng.
«Di Khước nghe thầy nói rồi, liền dẫn năm trăm đệ tử đến phía nam Tuyết sơn, du hành trong nhân gian. Từ nước này đến nước kia; từ thôn kia đến thôn nọ; lần hồi, đến thành Liên hoa. Nghe mọi người nói: ‹Bà-la-môn Da-nhã-đạt,[44] trong mười hai năm tế tự thiên thần, khấn rằng, nếu có người thông minh đệ nhất, sẽ dùng bình bát bằng vàng đựng thóc lúa bằng bạc, bát bằng bạc đựng thóc lúa bằng vàng, bình rửa bằng vàng, bảo cái tốt, nệm rất tốt, các đồ dùng bằng bảy báu trang nghiêm và Tô-la-bà-đề người nữ đoan chánh đẹp đẽ để hiến dâng.› Bèn nghĩ, ‹Nay ta hãy vào trong chúng kia, hoặc giả có thể được năm trăm đồng tiền vàng.›
«Khách thương nên biết, Di Khước liền vào trong tế đàn. Ngay khi vừa mới vào, có đại oai thần, sáng chói. Bấy giờ, bà-la-môn Da-nhã-đạt nghĩ rằng: ‹Người này vào tế đàn, mà có đại oai thần, chói sáng. Nay, ta nên dời vị Thượng tọa kia đi, để lấy chỗ cho Ma-nạp này ngồi. Nếu, Ma-nạp này ngồi nơi chỗ Thượng tọa rồi, các người sẽ cùng ta cao giọng xưng hô: Lành thay! rồi trổi nhạc, rải hoa, đốt hương, cung kính lễ bái.› Bấy giờ, mọi người đều vâng lời, nói:
“- Nên như vậy. Chúng tôi sẽ theo lờ dạy mà làm.
«Bấy giờ, khi Ma-nạp Di Khước vào trong chúng kia rồi, bèn đứng dưới mà hỏi bên trên:
“- Các ông tụng những thứ kinh gì? Tụng được bao nhiêu thứ? Tụng nhiều ít?
«Trả lời:
“- Tôi tụng được những kinh như vậy; chừng ấy.
«So sánh, những kinh Ma-nạp tụng được nhiều gấp trăm vạn ức lần, không thể so sánh được. Ma-nạp lại hỏi hai, ba người cho đến trăm ngàn người: ‹Các ông tụng những thứ kinh gì? Tụng được bao nhiêu thứ? Tụng nhiều ít?› Họ trả lời: ‹Chúng tôi tụng được những thứ kinh đó; chừng ấy.› So sánh, những kinh Ma-nạp tụng được nhiều gấp trăm vạn ức lần, không thể so sánh được. Kế đến hỏi vị thượng tọa đệ nhất: ‹Ngài biết được những thứ kinh gì? Tụng được những thứ kinh gì?› Vị ấy trả lời, ‹Tôi tụng đọc như vậy; chừng ấy.› Ma-nạp Di Khước lại cũng vượt hơn vị này.
«Bấy giờ, Ma-nạp Di Khước nói:
“- Những thứ kinh mà tôi tụng được nhiều hơn ngài!
Ma-nạp nói tiếp,
“- Ngài nên nhường tòa cho tôi ngồi!
«Vị Thượng tọa nói:
“- Nếu ngài không bảo tôi dời chỗ, thì những vật cúng dường và kim bảo tôi thu được ở đây sẽ chia cho ngài.
«Ma-nạp Di Khước trả lời:
“- Dù cho tôi bảy báu đầy cõi Diêm-phù-đề, tôi cũng không nhận. Chỉ có việc là ông dời đi chỗ khác. Tại sao vậy? Vì tôi có pháp này, phải ngồi vào chỗ ngồi này.
«Khách thương nên biết, bấy giờ Ma-nạp Di Khước dời vị Thượng tọa ấy đi, rồi ngồi lên chỗ đó. Khi Ma-nạp Di Khước ngồi lên tòa, tức thì đất rung động sáu cách, liền có tiếng xưng hô lớn: Lành thay! và âm nhạc trổi, hương hoa cúng dường.
«Khách thương nên biết, Da-nhã-đạt rất hoan hỷ, vui mừng vô lượng; dùng bát bằng vàng, đựng thóc lúa bằng bạc; bát bằng bạc đựng thóc lúa bằng vàng, bảo cái bằng vàng bảy báu trang nghiêm; âu rửa cũng bằng vàng bạc rất là đẹp đẽ; nệm bằng lông tốt kỳ lạ để trang trí và dẫn người nữ trang nghiêm xinh đẹp đến trước Ma-nạp Di Khước thưa:
“- Cúi xin ngài thọ nhận các bảo vật này và, người nữ trang nghiêm xinh đẹp này.
«Di Khước trả lời:
“- Tôi không cần những thứ đó.
«Da-nhã-đạt liền hỏi:
“- Vậy, ngài cần thứ gì?
«Trả lời:
“- Tôi cần năm trăm đồng tiền vàng.
«Da-nhã-đạt liền đem năm trăm đồng tiền vàng đến trao.
«Khách thương nên biết, bấy giờ, Ma-nạp Di Khước nhận năm trăm đồng tiền vàng rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy cáo lui. Bấy giờ, người nữ Tô-la-bà-đề cũng đi theo. Ma-nạp Di khước quay lại nói:
“- Tại sao cô đi theo tôi?
«Người nữ trả lời:
“- Cha mẹ em bảo em đi theo anh để làm vợ.
«Ma-nạp Di Khước dứt khóat nói:
“- Tôi tu phạm hạnh đâu cần đến cô. Ai có ái dục thì mới cần đến cô. Người nữ kia đành phải trở về, vào trong vườn của cha. Trong vườn có cái ao tắm trong sạch. Trong ao có bảy cành bông sen. Năm bông cùng với một cành, mùi thơm ngào ngạt màu sắc đặc biệt. Lại có hai bông cùng với một cành, hương sắc thù diệu. Thấy vậy người nữ nghĩ, ‹Ta thấy hoa sen này thật là vi diệu tuyệt hảo. Nay ta nên hái hoa này để tặng cho Ma-nạp Di Khước, khiến cho người được vui thích.› Nghĩ xong liền hái hoa, cắm vào trong bình nước, ra khỏi vườn, đi khắp nơi tìm Ma-nạp Di Khước.
«Bấy giờ, Ma-nạp Di Khước trở lại đại quốc Bát-ma,[45] thấy nhân dân trong nước quét dọn đường sá, trừ bỏ tất cả các thứ dơ bẩn, tu bổ sửa chữa bằng phẳng, dùng hoa trải trên đất, rưới nước hương, treo tràng phang bảo cái, trải đệm dệt bằng lông... Thấy vậy, Di Khước liền hỏi người trong thành:
“- Nay, trong thành tu bổ trang trí đẹp đẽ như thế này là để phục vụ cho ngày tiết hội hay là dùng vào ngày tinh tú tốt?
«Người trong thành trả lời:
“- Phật Định Quang sẽ đến thành này, cho nên mới trang trí đẹp đẽ như thế...
«Ma-nạp Di Khước tâm niệm: ‹Nay ta nên dùng năm trăm đồng tiền vàng này để mua tràng hoa tốt đẹp, hương thơm, kỹ nhạc đặc biệt tràng phan bảo cái quý báu, trước là để cúng dường Định Quang Như Lai, sau sẽ vì thầy cầu tài.› Di Khước liền đi khắp nước Bát-ma [785a1] để mua mà không có. Tại sao vậy? Vì Vua Thắng Oán đã ra lịnh cấm việc mua bán.
«Bấy giờ, người nữ Tô-la-bà-đề, từ xa thấy Ma-nạp Di Khước đến liền hỏi:
“- Này người Niên thiếu,[46] vì sao bước đi vội vã như thế? Anh cần gì? Ma-nạp Di Khước trả lời:
“- Tôi cần hoa tốt. Người nữ hỏi:
“- Anh dùng hoa làm gì? Đáp rằng:
“- Tôi muốn cắm rễ vô thượng để làm hạt giống Phật.
«Người nữ hỏi:
“- Hoa này đã khô héo rồi, màu sắc đã biến đổi, không thể trồng lại được, làm sao có thể dùng nó để cắm rễ vô thượng làm hạt giống Phật?
«Ma-nạp nói với người nữ:
“- Ruộng này rất tốt phì nhiêu. Dù cho hoa này đã khô héo, biến sắc, hạt giống bị hư nát, vẵn có thể sống lại.
«Người nữ liền nói:
“- Vậy ông có thể lấy hoa này để cắm rễ vô thượng để làm hạt giống Phật đi!
«Ma-nạp hỏi:
“- Cô bán với giá bao nhiêu, tôi sẽ lấy cho?
«Người nữ liền nói:
“- Tiếc gì tài vật của tôi? Cha tôi tên là Da-nhã-đạt, tài bảo rất nhiều. Ma-nạp muốn mua hoa này chỉ cần cùng tôi thề ước, là bất cứ sanh ở nơi đâu, luôn luôn làm chồng tôi. Ma-nạp đáp rằng:
“- Tôi thật hành đạo Bồ-tát; tất cả không có gì thương tiếc cả. Nếu có người xin, kể cả xương thịt, tôi cũng không luyến tiếc. Chỉ trừ cha, mẹ. Nhưng chỉ sợ rằng cô làm trở ngại cho tôi.
«Người nữ nói.
“- Chỗ nào Ông sinh ra, nơi đó tất có đại oai thần, tôi cũng theo đó mà có oai thần. Muốn đem tôi để bố thí thì tùy ý ông cứ bố thí.
«Bấy giờ, Ma-nạp dùng năm trăm đồng tiền vàng mua năm cành hoa, hai cành còn lại, người nữ trao cho Ma-nạp Di Khước và nói:
“- Đây là hoa của tôi gởi cho ông, để dâng cúng Định Quang Như Lai. Tại sao vậy? Tôi nguyện cùng ông sanh bất cứ nơi nào, thường không xa nhau.
«Khách thương nên biết, bấy giờ Ma-nạp Di Khước được bảy cành hoa sen này rồi, hết sức vui mừng, không thể kể xiết, liền đến cửa đông thành. Vào lúc đó, số người nhiều không tính hết, tất cả đều cầm hương hoa, tràng phan bảo cái, trổi nhạc đợi rước Định Quang Như Lai. Ma- nạp Di Khước muốn đến trước để rải hoa, mà không đến được, liền trở lại hỏi Vua Thắng Oán rằng:
“- Vì lý do nào mà Ngài tu sửa thành nội khang trang thế này? Ngày tiết hội hay ngày tinh tú tốt?
«Nhà Vua trả lời:
“- Nay có Định Quang Như Lai đến nơi thành nầy nên mới trang hoàng đẹp đẽ như vậy.
«Ma-nạp hỏi Vua:
“- Làm sao biết được ba mươi hai tướng của Như Lai?
«Nhà Vua nói:
“- Các sách sấm ký của bà-la-môn cho biết.
«Ma-nạp thưa:
“- Nếu thật như vậy thì tôi có tụng sách này sẽ chứng biết được việc ấy.
«Nhà Vua nói:
“- Nếu ông có khả năng biết điều đó, thì ông đến trước để xem có ba mươi hai tướng không, sau đó, tôi sẽ đến diện kiến.
«Khách thương nên biết, bấy giờ, Ma-nạp nghe Vua nói rồi, vui mừng không xiết kể, liền đến bên ngoài cửa thành phía đông.
«Bấy giờ, dân chúng thấy Ma-nạp đến thì vui mừng, đều tự tránh đường cho Ma-nạp đi. Tại sao vậy? Vì vâng theo lệnh của Vua.
«Khách thương nên biết, Ma-nạp từ xa thấy đức Như Lai, trong tâm hoan hỷ, liền dùng bảy cành hoa rải trên đức Phật Định Quang Như Lai. Do oai thần của Phật, từ trên hư không hoa kia biến thành bảo cái bằng hoa, rộng mười hai do tuần, cành bông ở phía trên, lá ở phía dưới, mùi thơm ngào ngạt, che khắp nước kia, không chỗ nào không được che, nhìn không biết chán. Đức Phật đi đến đâu bảo cái bằng hoa che đến đó. Nhân dân nam nữ trong thành đều cởi áo mới của mình, dùng để trải dưới đất.
«Bấy giờ, Ma-nạp mặc hai chiếc áo bằng da nai, liền cởi một cái trải dưới đất. Nhân dân trong thành lấy chiếc áo ấy quăng đi. Ma-nạp tự nghĩ: ‹Định Quang Như Lai không thương tưởng.› Định Quang Như Lai biết ý nghĩ ông kia, liền hóa đất thành bùn, khiến cho không một người nào trải áo lên trên được.
«Khách thương nên biết, Ma-nạp lại nghĩ: Người trong thành ngu si, không có sự phân biệt, chỗ nên trải lại không trải. Ma-nạp liền lấy chiếc áo da nai trải vào chỗ bùn. Song không che hết bùn.
«Khách thương nên biết, tóc của Ma-nạp năm trăm năm thường búi lại, chưa từng mở ra. Ma-nạp liền thưa hỏi đức Như Lai, xem Thế Tôn có thể bước qua trên tóc của mình đi qua được không? Được đức Thế Tôn thuận ý. Ma-nạp liền xổ đầu tóc ra, trải lên trên chỗ bùn, tâm phát nguyện: Nếu Định Quang Như Lai không thọ ký riêng, thì ta ở chỗ bùn này dù hình khô mạng chung, quyết không đứng dậy. Định Quang Như Lai biết được lòng chí thành của Ma-nạp, đời trước có trồng căn lành, các đức đầy đủ, nên Ngài dùng chân bên tả bước qua trên tóc và nói:
“- Ma-nạp, đứng dậy! Đời vị lai, vô số a-tăng-kỳ kiếp, ngươi sẽ thành Phật, hiệu là Thích-ca Văn Như Lai, Chí nhơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư , Phật, Thế Tôn.
«Nghe lời biệt ký rồi, Ma-nạp liền vụt bay lên không trung, cách mặt đất bảy cây đa-la mà tóc vẫn còn trải nơi đất cũ.
«Khách thương nên biết, bấy giờ, Định Quang Như Lai, Chí nhơn, Đẳng chánh giác, xoay qua bên hữu, như con đại tượng vương, bảo các tỳ-kheo: ‹Các ông chớ nên bước lên trên tóc của Ma-nạp. Tại sao vậy? Đây là tóc của Bồ-tát. Tất cả Thanh văn, Bích chi Phật đều không được bước lên trên.›
«Bấy giờ, trăm ngàn vạn ức người, đều rải hoa đốt hương cúng dường tóc kia. Người lái buôn nên biết, bấy giờ, vị đại thần của Vua Thắng Oán, có mười hai tật xấu ấy, nghe Định Quang Như Lai thọ ký cho Ma-nạp liền đến nơi Vua Thắng Oán tâu: ‹Tôi có khả năng trong vòng hai vạn năm cúng dường Định Quang Như Lai và chúng Tăng y phục, ẩm thực, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc chữa bệnh.› Vua nói với bà-la-môn rằng: ‹Ý ông rất hay. Ông hãy biết thời.› Bà-la-môn này, trong vòng hai vạn năm cúng dường Định Quang Như Lai và chúng Tăng y phục, ẩm thực, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc chữa bệnh rồi phát nguyện: ‹Trong vòng hai vạn năm tôi cúng dường Định Quang Như Lai và chúng Tăng y phục, ẩm thực, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc chữa bệnh. Song, đối với Ma-nạp, người đã dời chỗ ngồi của tôi, đoạt sự cúng dường của tôi, hủy báng danh dự của tôi; duyên vào phước báo nhân duyên này, người này bất cứ sanh chỗ nào, tôi luôn luôn hủy nhục kẻ ấy, cho đến khi y thành đạo, cũng không xả ly.›
«Khách thương nên biết, Bà-la-môn Da-nhã-đạt thuở ấy, đâu phải ai khác, mà nay là Chấp Trượng Thích chủng.[47] Người nữ Tô-ma-bà-đề, nay chính là Thích nữ Cù-di.[48] Đại thần của Vua Thắng Oán, có mười hai tật xấu, Bà-la-môn ấy, nay chính là thân của Đề-bà-đạt. Trân Bảo Tiên nhơn, đâu phải ai khác mà là Bồ-tát Di-lặc. Ma-nạp Di Khước chính là Ta vậy.
«Khách thương nên biết, học đạo Bồ-tát, người có thể cúng dường móng tay và tóc, chắc chắn thành vô thượng đạo. Bằng con mắt của Phật mà nhìn trong thiên hạ không một ai không vào Vô dư Niết-bàn giới để Bát-niết-bàn. Huống chi là người không dục, không sân, không nhuế, không si. Bố thí cho vị ấy là bậc nhất trong các bố thí, là phước tối tôn. Bậc nhất trong các người thọ nhận, lại không báo ứng sao?»
Bấy giờ, hai anh em người lái buôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
Đức Thế Tôn ăn cơm khô trộn với mật của người lái buôn rồi, liền ngồi kết già bảy ngày bất động dưới bóng gốc cây Bồ-đề, an trú tam-muội giải thoát mà tự thọ dụng an lạc.
vii. Hai quy y
[786a1] Qua bảy ngày, Ngài từ tam-muội xuất. Do ăn cơm khô trộn với mật nên gió trong thân di động. Sở dĩ gọi là đất Diêm-phù-đề vì có cây là Diêm-phù.[49] Cách đó không xa có cây Ha-lê-lặc.[50] Vị Thọ thần của cây ấy có lòng tin sâu đậm đối với Phật, liền hái trái ha-lê-lặc đến dâng cúng dường đức Thế Tôn. Vị Thọ thần đảnh lễ rồi, đứng qua một bên bạch Phật:
«Kính bạch đức Thế Tôn, do ăn cơm khô trộn với mật nên gió trong thân Ngài di động. Nay xin Ngài dùng trái cây này để làm vị thuốc trừ bệnh nội phong.
Đức Thế Tôn từ mẫn nên thọ nhận liền và bảo:
«Nay ông nên quy y Phật, quy y Pháp.»
Vị thần ấy liền quy y Phật, quy y Pháp. Các vị thần quy y Phật, Pháp trước nhất là thọ thần Ha-lê-lặc.
Đức Thế Tôn ăn trái ha-lê-lặc rồi, ngồi kết già dưới gốc cây bảy ngày, tư duy bất động, an trú giải thoát tam-muội mà tự thọ dụng an lạc. Sau bảy ngày, từ tam-muội dậy, đến giờ, khoác y, bưng bát, vào thôn Uất-bề-la khất thực.
Ngài đi lần đến nhà bà-la-môn thôn Uất-bề-la, đứng lặng im trước sân. Bà-la-môn thấy đức Thế Tôn im lặng đứng trước sân, phát tâm hoan hỷ, liền đem thức ăn ra cúng đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn từ mẫn thọ nhận thức ăn và nói:
«Nay ông nên quy y Phật, quy y Pháp.»
Bà-la-môn liền thưa:
«Nay con quy y Phật, quy y Pháp.»
Đức Thế Tôn nhận thức ăn của bà-la-môn nầy, ăn xong, liền đến dưới gốc cây ly-bà-na,[51] ngồi kết già bảy ngày, tư duy bất động, an trú giải thoát tam-muội mà tự thọ dụng an lạc. Sau bảy ngày đức Thế Tôn từ tam-muội đứng dậy, đến giờ, khoác y bưng bát vào thôn Uất-bề-la khất thực, theo thứ tự đến nhà bà-la-môn, im lặng đứng trước sân, vợ của người bà-la-môn kia là con gái của đại tướng tên Tô-xà-la,[52] thấy đức Như Lai im lặng đứng trước sân, liền phát tâm hoan hỷ đem thức ăn ra cúng dường đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn từ mẫn đối với thí chủ nên nhận thức ăn, ăn rồi và bảo:
«Nay, người nên quy y Phật, quy y Pháp.»
Vợ bà-la-môn liền thưa:
«Nay con quy y Phật, quy y Pháp.»
Như vậy trong chúng Ưu-bà-di quy y Phật, quy y pháp, thì Tô-xà-la con gái của đại tướng, vợ của Uất-bề-la là Ưu-bà-di đầu tiên.
Bấy giờ đức Thế Tôn ăn thức ăn ấy, liền trở lại cây ly-bà-na, ngồi kết già dưới gốc cây bảy ngày, tư duy bất động, an trú giải thoát tam-muội mà tự thọ dụng an lạc.
Sau bảy ngày, đến giờ khất thực, đức Thế Tôn khoác y bưng bát vào thôn Uất-bề-la khất thực, theo thứ tự đến trong sân nhà bà-la-môn Uất-bề-la, đứng im lặng. Bấy giờ con trai, con gái của bà-la-môn Uất-bề-la thấy đức Như Lai rồi, phát tâm hoan hỷ, liền đem thức ăn ra dâng cúng dường Như Lai. Đức Như Lai dũ lòng thương đối với họ, nhận thức ăn, ăn rồi bảo rằng:
«Nay, các con nên quy y Phật, quy y Pháp.»
Các nam nữ con của bà-la-môn thưa:
«Nay, chúng con xin quy y Phật, quy y Pháp.»
viii. Long vương mục-chân-lân-đà
Đức Thế Tôn ăn xong, liền đến cây Văn-lân,[53] bên bờ sông Văn-lân,[54] cung điện của Long vương Văn-lân. Khi đến nơi, ngồi kết già suốt bảy ngày tư duy bất động, an trú giải thoát tam-muội mà tự thọ dụng an lạc. Vào lúc ấy, trời mưa to gió rất lạnh, suốt bảy ngày Long vương tự ra khỏi cung đến chỗ Phật ngồi, dùng thân hình của mình quấn xung quanh đức Phật, đầu che trên đỉnh đức Phật, bạch Phật rằng:
«Ngài không bị lạnh, không bị nóng, không bị gió, không bị nắng, không bị muỗi mòng gây bất an chăng?»
Sau bảy ngày, cơn mưa to gió lớn chấm dứt, bầu trời quang đãng, Long vương tự tháo mình ra, không quấn xung quanh đức Phật nữa, và biến hóa làm một thiếu niên bà-la-môn, đến trước đức Như Lai, chấp tay, quỳ gối, kính lễ sát chân Như Lai. Sau bảy ngày đức Thế Tôn từ tam-muội dứng dậy, liền dùng bài kệ này tán thán:
Ly dục, có hỷ lạc,
Quan sát pháp, cũng lạc;
Trong đời, không sân, lạc,
Không nhiễu hại chúng sanh.
Đời vô dục, là lạc,
Vượt khỏi cõi dục giới;
Chế phục tánh ngã mạn,
Đấy là đệ nhất lạc.[55]
Lúc bấy giờ, Long vương Văn-lân đến trước đức Phật thưa:
«Sở dĩ con dùng thân hình con quấn quanh đức Như Lai, đầu che trên đỉnh đức Như Lai, vì không muốn đức Như Lai bị quấy rầy bởi lạnh nóng gió mưa, muỗi mòng, cho nên con mới làm như vậy.»
Đức Phật bảo Long vương:
«Nay ngươi nên quy y Phật, quy y Pháp.»
Long vương nói:
«Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp.»
Như vậy trong hàng súc sanh, nhận hai quy y, Long vương là đầu tiên.
ix. Phạm thiên khuyến thỉnh
Bấy giờ, Đức Thế Tôn sau thời gian an trú dưới gốc cây Văn-lân Long vương, liền đến dưới gốc cây A-du-ba-la ni-câu-luật,[56] trải tọa cụ, ngồi kết già và nghĩ rằng:
«Nay Ta đã đặng pháp này, này rất sâu kín, rất khó hiểu, rất khó biết, vĩnh viễn tịch tĩnh, an chỉ, vi diệu, tối thượng, chỉ người trí mới có thể biết, chẳng phải điều mà kẻ ngu có thể thân cận. Chúng sanh có kiến chấp khác nhau, tín nhẫn khác nhau, xu hướng khác nhau, mạng khác nhau. Y trên những kiến chấp dị biệt này mà yêu thích hang ổ.[57] Do vì chúng sanh yêu thích hang ổ, cho nên đối với pháp duyên sanh sâu thẳm này, khó có thể hiểu. Lại còn có cái sâu thẳm khó hiểu hơn nữa, đó là Niết-bàn với sự dập tắt các dục, diệt tận khát ái. Đây cũng là chỗ khó hiểu. Nay, Ta muốn nói Pháp mà mọi người không biết, không hiểu, thì đối với ta có nhọc công vô ích chăng?»
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói hai bài kệ, mà trước đây chưa ai được nghe, cũng chưa từng nói:
Đạo Ta chứng, khó hiểu;
Nói cho kẻ trong hang.
Người tham, nhuế, ngu si,
Không thể vào pháp này.
Lội ngược dòng sanh tử,
Sâu kín, rất khó hiểu.
Tham dục không thấy được,
Vì ngu tối che lấp.[58]*


Chú thích:
[1] Trong bản Hán, Chương V của phần II.
[2] Trường A-hàm 6, kinh số 5 «Tiểu duyên» (T01n01 tr.38b21): «Bấy giờ đại chúng suy cử một người, để giải quyết những tranh chấp; gọi là Bình đẳng chủ 平等主.» Cf. Trung A-hàm 39, kinh 154 «Bà-la-bà-đường». Pāli, D. 27. Aggañña (D.iii.92): nhân dân suy cử một người phân xử, gọi là Mahāsammato. Họ gọi người này là rājā (vua). Đó là vị Vua tối sơ xuất hiện trong thế gian.
[3] Các bản đều đọc là Tề 齊. Nhưng nguyên tên tiếng Phạn là Upoṣadha, nên phải đọc là Trai 齋.
[4] Danh sách các vị Vua đầu, kể theo Mahāvastu (tr.289): Vua Mahāsammata (Đại Nhân 大人), Kalyāṇa (Thiện 善), Upoṣadha (Trai 齋), Māndhātṛ (Đảnh Sanh 頂生). Kể xuống xa nữa, Vua Ikśvāku (Ý-sư-ma 懿師摩). Ikśvāku (Pali: Okkāka) là ông tổ của giòng họ Thích. Xuống nữa, là Siṃhahanu (Sư Tử Giáp 師子頰). Ông này có bốn người con trai. Cả là Śuddhodana (Duyệt-đầu-đàn 悅頭檀) sinh Bồ-tát sau thành Phật.
[5] Vương thống từ Vua Đảnh Sanh trở xuống, kể theo tư liệu Pāli (Mhv. ii ): Mandhātā, Caraka, Upacara, Cetīya, Mucala, Mahāmucala, Mucalinda, Sāgara, Sāgaradeva, Bharata, Aṅgīrasa, Ruci, Suruci, Patāpa, Mahāpatāpa, Panāda, Mahāpanāda, Sudassana, Neru.
[6] Pali: Sīhahanu; Mhv. ii. 15, Dpv. ii. 44, con trai của Jayasena.
[7] Nguyên Hán: Sát-lợi thuỷ nghiêu đảnh 剎利水澆頂, vua dòng Sát-lợi được truyền ngôi. Sau đó, nếu bảy báu xuất hiện và chinh phục được cả bốn châu thiên hạ, bấy giờ thành Chuyển luân vương. Xem Trường A-hàm 7, kinh 6 «Chuyển luân vương tu hành»; Trung A-hàm 15, kinh 70 «Chuyển luân vương»; Pāli, D. 26. Cakkavatti.
5 Pháp Vương 法王, vì «Sau khi chinh phục, Vua cai trị bằng Pháp, không bằng đao kiếm» (adaṇḍena asatthena dhammena abhivijiya ajjhāvasi; D. 26, iii. 59).
[9] Tự Tại 自在. Pāli: Issara (Skt. Īśvara), ông chủ, hay vị Chúa tể. Thường dùng để gọi Thượng đế, tức Thiên Chúa.
[10] Ma-kiệt vương Bình-sa 摩竭王洴沙; Pāli: rājā Māgadho Seniyo Bimbisāro.
[11] La-duyệt thành 羅閱城, thủ phủ nước Ma-kiệt-đà.
[12] Bản Cao ly: chỉ túc 止宿. Tống-Nguyên-Minh: sơn túc 山宿.
[13] Ban-trà-bà 班荼婆. Pāli: Paṇḍava, ngọn đồi gần thành Rājagaha (Vương-xá hay La-duyệt).
[14] Nhật 日. Pāli: Ādicca. Tên chỉ họ của bộ tộc Thích ca. Do đó, Phật cũng được gọi là đấng Nhật Tôn, hay Nhật Thân, bà con của Mặt Trời (Pāli: Ādiccabanhddhu).
[15] Túc tán tiểu vương 粟散小王 (vua rải thóc), chỉ vua nhỏ, chư hầu.
[16] A-lam-ca-lam 阿藍迦藍. Pāli: Āḷāra-Kālāma.
[17] Nguyên trong bản: bất dụng xứ định 不用處定. Bậc thứ ba trong bốn Vô sắc định. Xem, Trung A-hàm 56, kinh 204 «La-ma» (T01n26 tr.776b08). (Pāli: ākiñcaññāyatanaṃ) Cf. Pāli, M. 64. Ariyapariyesana (i. 160).
[18] Tăng, đây chỉ chúng đệ tử của A-lam-ca-lam.
[19] Uất-đầu-lam Tử 鬱頭藍子. Xem Trung A-hàm 56, ibd. T01n26 tr.776c06. Pāli: Udako Rāmaputto, M. 26, ibid.
[20] Trong bản: hữu tưởng vô tưởng định 有想無想定. Bậc thứ tư trong bốn Vô sắc định. Pali: Nevasaññānāsaññāyatanaṃ.
[21] Hán: vô thượng hưu tức pháp 無上休息法. Xem, Trung A-hàm 56, đã dẫn: vô thượng an ổn Niết-bàn 無上安隱涅槃. Pāli: anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesamāno.
[22] Tượng đầu sơn 象頭山. Pāli: Gayāsīsa, núi đầu voi, ngọn đồi gần thị trấn Gayā.
[23] Uất-tì-la Đại tướng thôn 鬱毘羅大將村. Trung A-hàm 56 (T01n26, tr.777a6): thôn Tư-na 斯那. Đoạn sau, phiên âm là Uất-bề-la 鬱鞞羅. Pāli: Uruvelā, Senā-nigama.
[24] Nguyên Hán: hỉ lạc nhất tâm 喜樂一心. Hán dịch không chính xác. Cần sửa lại theo định cú về Sơ thiền.
[25] Phạn khứu 飯糗.
[26] Ni-liên-thiền 尼連禪. Pāli: Nerañjarā.
[27] Cát An 吉安. Pāli: Sotthiya.
[28] Cát tường thọ 吉祥樹. Có lẽ, Pāli, cây assattha, về sau được gọi là cây Bồ-đề.
[29] Xem cht. 25 trên. Do đó, Sơ thiền cũng được gọi là «Ly sinh hỷ lạc địa» (trạng thái hỷ và lạc phát sinh do sự viễn ly).
[30] Giác và quán, hay cũng gọi là tầm và tứ, là hai yếu tố quan trọng khi chứng Sơ thiền. Sang Nhị thiền, hai yếu tố này bị vượt qua, gọi là trạng thái «vô tầm vô tứ.» (không giác, không quán).
[31] Nội tín 內信; Huyền Trang dịch là nội đẳng tịnh 內等淨: trạng thái trong suốt quân bình của nội tâm khi chứng Nhị thiền.
[32] Do đó, Nhị thiền cũng được gọi là «định sanh hỷ lạc địa» (trạng thái hỷ và lạc phát sanh do định hay nhất tâm.
[33] Hỷ, yếu tố chính trong Nhị thiền; khi nhập Tam thiền, nó bị vượt qua. Do đó, Tam thiền cũng được gọi là «Ly hỷ diệu lạc địa» (trạng thái lạc vi diệu do không còn hỷ).
[34] Nguyên Hán: Thánh trí sở kiến hộ niệm lạc 聖智所見護念樂. Bản Hán hiểu Pāli upekkha (Skt. upekṣa: xả) là hộ. Pháp uẩn túc luận 6 (T26n1537 tr.482b05): Thánh thuyết ưng xả. Pali: yaṃ taṃ ariyā ācikkhanti uppekkhako satimā sukkhavihārī, «điều mà Thánh giả nói là xả, an trú lạc với chánh niệm.»
[35] Nguyên Hán: hộ niệm thanh tịnh 護念清淨. Xem cht. 33 trên. Xem giải thích, Pháp uẩn 7 (T26n1537 tr.485a09): «Bấy giờ, xả và niệm thảy đều thanh tịnh.» Pāli: upekkhā sati pārisuddhaṃ.
[36] Hán: định ý 定意. Pāli: samāhite citte.
32 Trong bản: sở hành nhu nhuyến 所行柔軟. Pāli: mudubhūte kammaniye.
[38] Ngài hướng tâm đến «sanh tử trí» (Pāli: cūtapapāta-ñāṇā).
[39] Trảo 瓜 (Nakha?); Ưu-ba-li 優波離 (Upāli?). Pāli: hai anh em thương khách: Tapussa và Bhallika.
[40] Văn 文; phiên âm từ Muni.
[41] Mật khứu 蜜糗. Pāli: manthañca madhupiṇḍikañca, cháo lúa mạch và mật ong.
[42] Để bản: đề 提. Tống-Nguyên-Minh: sư 師.
[43] Thủ-đà-hội 首陀會天. Pali: Suddhāvāsa. Tức trời Tịnh cư, cao nhất trong trời Vô sắc giới, Tứ thiền; chỗ các Thánh A-na-hàm nhập Niết-bàn.
[44] Da-nhã-đạt 耶若達; phiên âm từ Skt. Yajñadatta, trên kia dịch là Tự Thí.
[45] Bát-ma 缽摩; phiên âm từ Skt. Padma (Pali: Paduma), trên kia đã dịch là Liên hoa.
[46] Niên thiếu, dịch nghĩa của từ Ma-nạp (Skt., Pl: mānava) trên.
[47] Chấp Trượng Thích chủng 執杖釋種. Pali: Daṇḍapāṇī. Tài liệu Pali (Mhv.ii. 18,19) nói ông là anh của Māyā và Pajāpatī. Truyền thuyết phương Bắc nói ông là bố vợ của Thái tử Siddhārtha.
[48] Cù-di 瞿夷. Pali: Gotamī; thường để gọi Di mẫu của Phật. Nhưng đây chỉ Da-du-đà-la.
[49] Trong bản: diêm-phù-đề 閻浮提. Có thể người chép, chép dư chữ đề. Phiêm âm từ jambu-dvipa, hòn đảo của những rừng cây jambu. Đề là phiên âm tắt của dvipa.
[50] Ha-lê-lặc 呵梨勒. Pali: harīṭaka.
[51] Ly-bà-na 離婆那; không rõ.
[52] Tô-xà-la 蘇闍羅. Pali: Sujāta, con gái của Senānī (Tướng quân) ở thị trấn Senānigâm.
[53] Văn lân thọ 文驎樹. Tên cây, Pali: Mucalinda (âm khác: Mục-chân-lân-đà), gần cây bàng Ajapāla-nigrodha ở Uruvelā. Chính cây này là cung điện của Long vương Mucalinda.
[54] Trong bản: Văn-lân thuỷ 文驎水; có lẽ chỉ hồ Mucalinda (Pali), Nhưng hồ này ở trên núi Himavā.
[55] Bài kệ tương đương Pali, xem Mahāvagga, Vin. i. 3.
[56] A-du-ba-la ni-câu-luật 阿踰波羅尼拘律樹. Pali: Ajapāla-nỉgodha, một loại cây bàng.
[57] Hán: sào quật 樔窟. Pali (Skt.) ālaya, chỉ vật được yêu thích, được cất giữ; chỉ tất cả sở y và đối tượng của ái dục; cũng chỉ vật mà sinh vật tựa vào làm chỗ che chở an toàn cho đời sông, như nhà cửa các thứ. Hán dịch ở đây theo nghĩa thứ hai. Từ Phạn này, trong Duy thức dịch âm là A-lại-da. Đoạn tương đương, dẫn trong Nhiếp Đại thừa luận thích (T31, tr.385c19), Huyền Trang dịch: «Thế gian chúng sanh ái a-lại-da, lạc a-lại-da, hân a-lại-da, hỷ a-lại-da.» Pali tương đương (M. i. 167): ālayarāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratā ālayasammuditā.
[58] Bài kệ tương đương Pali, xem Mahāvagga, Vin.i. 5; M.i. 168, D. ii. 38, S. i. 136.
* Hết quyển 31.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sống đẹp giữa dòng đời


Đừng bận tâm chuyện vặt


Vì sao tôi khổ


Cẩm nang phóng sinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.91.152 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập