Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 14 »»

Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 14

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.6 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.74 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luật Tứ Phần

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 |
Việt dịch: Thích Đỗng Minh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích
XXXIII. BIỆT CHÚNG THỰC[184]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại La-duyệt-kỳ. Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa đã sai người hại Phật, lại xúi giục A-xà-thế giết cha, tiếng ác lan truyền, nên lợi dưỡng bị cắt đứt.[185]
Lúc ấy, Đề-bà-đạt-đa cùng với năm tỳ-kheo đi khất thực từng nhà. Năm tỳ-kheo này tên là: Tam-văn-đà-la-đạt, Khiên-đà-la-đạt-bà, Cù-bà-ly, Ca-lưu-la-đề-xá…[186]
Các tỳ-kheo nghe Đề-bà-đạt-đa sai người hại Phật, xúi giục A-xà-thế giết cha, tiếng ác lan truyền, nên lợi dưỡng bị đoạn tuyệt, đã cùng với năm tỳ-kheo đi khất thực từng nhà một.[187]
Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi Đề-bà-đạt-đa:
«Có thật ông cùng với năm tỳ-kheo đến từng nhà khất thực hay không?»
Đề-bà đáp lời:
«Có thật như vậy.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà-đạt-đa:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Đề-bà-đạt-đa, sao ông cùng với năm tỳ-kheo đi đến từng nhà khất thực?»
Bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà đạt-đa rồi bảo các tỳ-kheo:
«Đề-bà-đạt-đa ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào ăn chúng riêng,[188] ba-dật-đề.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo bệnh có nơi thỉnh thọ thực không có những thức ăn và món thuốc theo chứng bệnh, và có nơi có các thức ăn tốt cùng các loại thuốc theo chứng bệnh, nhưng họ e sợ không dám thọ nhận vì sợ phạm điều ăn theo chúng riêng. Đức Thế tôn biết nên bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo bệnh được ăn chúng riêng.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào ăn chúng riêng, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt, là khi bệnh.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo đã tự tứ; trong tháng Ca-đề,[189] là thời gian may y. Các ưu-bà-tắc khởi ý nghĩ, ‹Các tỳ-kheo này tự tứ rồi, đang may y trong tháng Ca-đề. Ta nên làm thức ăn cúng dường chúng Tăng. Tại sao vậy? Vì sợ các tỳ-kheo này may y vất vả nên không thể ăn được.› Các vị ưu-bà-tắc ấy đến trong Tăng-già-lam, bạch với các tỳ-kheo:
«Sáng mai, chúng con cúng dường cơm. Xin chư tôn nhận lời cho.»
Các tỳ-kheo trả lời:
«Chỉ mời được ba vị[190] ăn chứ chúng tôi không được phép ăn thành chúng riêng.»
Các ưu-bà-tắc thưa với các tỳ-kheo rằng:
«Bọn chúng tôi đều có ý nghĩ rằng, chư tôn tự tứ rồi, đang may y trong tháng Ca-đề. Sợ các tỳ-kheo vất vả không thể ăn được cho nên mời chư tôn thọ thực. Các tỳ-kheo lại nói, chỉ mời được ba vị, vì không được phép ăn chúng riêng.»
Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo:
«Từ nay về sau, cho phép khi may y được ăn chúng riêng.»
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y. Đó là các trường hợp khác.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có các cư sĩ muốn cúng thức ăn và y, lại đến trong Tăng-già-lam, bạch với các tỳ-kheo:
«Sáng mai tôi muốn cúng đồ ăn. Xin chúng Tăng nhận lời.»
Các tỳ-kheo trả lời:
«Chỉ mời được ba vị ăn chứ chúng tôi không được phép ăn thành chúng riêng.»
Cư sĩ thưa:
«Đại đức, tôi muốn cúng thức ăn và y. Xin quý ngài nhận [658a1] lời mời cho.»
Nhưng vị tỳ-kheo kia nói, «Chỉ mời được ba vị ăn vì không được phép ăn thành chúng riêng.»
Bấy giờ các tỳ-kheo đến bạch với đức Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo khi thọ sự dâng y được ăn riêng chúng.»
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y. Đó là các trường hợp khác.
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo và các cư sĩ đi cùng đường đến nước Câu-tát-la. Giờ khất thực đến, các tỳ-kheo nói với cư sĩ:
«Chúng tôi muốn vào xóm khất thực. Xin chờ một chút, chúng tôi sẽ trở lại, rồi cùng nhau đi.»
Các cư sĩ trả lời:
«Hãy đi theo chúng tôi. Chúng tôi sễ cung cấp đồ ăn thức uống.»
Các tỳ-kheo nói:
«Chỉ được trao thức ăn cho ba vị thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.»
Các cư sĩ thưa:
«Đại đức, đường này nguy hiểm có sự nghi ngờ khủng bố. Hãy đến đây! Chúng tôi sẽ cung cấp đồ ăn thức uống cho. Chớ nên đi sau vì quý thầy ít người quá.»
Các Tỳ-kheo nói:
«Chỉ được trao thức ăn cho ba vị thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.»
Rồi các tỳ-kheo liền vào trong thôn khất thực. Các cư sĩ đi trước; tỳ-kheo đi sau, theo không kịp, bị giặc cướp đoạt y phục. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau trên đường có nguy hiểm, cho phép tỳ-kheo được ăn chúng riêng.»
Từ nay trở đi, nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường. Đó là các trường hợp khác.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo cùng các cư sĩ đi trên thuyền xuôi theo dòng nước. Giờ khất thực đến, nói với các cư sĩ rằng:
«Cho thuyền dừng lại thời gian ngắn. Chúng tôi cần vào trong thôn khất thực, và sẽ trở lại cùng đi.»
Các cư sĩ nói:
«Chớ đi! Chúng tôi sẽ cung cấp đồ ăn thức uống cho.»
Tỳ-kheo nói rằng:
«Chỉ được cung cấp ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.»
Các cư sĩ nói rằng:
«Nơi khoảng bờ sông này có nhiều giặc cướp, nơi có nghi ngờ khủng bố. Các thầy ít người, không nên đi sau, sẽ bị giặc cướp đoạt. Các thầy chớ đi! Chúng tôi sẽ cung cấp đồ ăn thức uống cho.»
Các tỳ-kheo nói rằng:
«Chỉ được cung cấp ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.»
Rồi các tỳ-kheo vẫn lên bờ để khất thực. Bạn đồng thuyền đi trước; các tỳ-kheo đi sau, bị giặc cướp đoạt y phục. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật bảo các tỳ-kheo rằng:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo khi đi thuyền được ăn chúng riêng.»
Từ đây trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường, khi đi thuyền. Đó là các trường hợp khác.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la du hành đến một thôn nhỏ. Các cư sĩ nghĩ rằng, «Chúng Tăng thì lại nhiều mà thôn xóm thì lại nhỏ. Chúng ta hãy làm thức ăn cho chúng Tăng dùng, đừng để cho chúng Tăng vất vả, khổ cực.»[191] Họ liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng:
«Bạch chư Đại đức, ngày mai xin nhận thức ăn của chúng tôi.»
Các tỳ-kheo nói rằng:
«Chỉ được mời ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.» Các cư sĩ nói:
«Chúng tôi nghĩ rằng chúng Tăng thì nhiều mà thôn xóm lại nhỏ. Chỉ sợ không đủ thức ăn khiến chúng Tăng phải vất vả thôi.»
Tỳ-kheo lại nói rằng:
«Chỉ được mời ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.»
Bấy giời các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo rằng:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, khi đại chúng tập hợp đông, được ăn chúng riêng.»
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập hợp. Đó là các trường hợp khác.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có người con của chị Vua Bình-sa[192] tên là Ca-la[193] dâng thức ăn cho các sa-môn, trước khi xuất gia trong phái dị học ngoại đạo, đến chỗ Vua Bình-sa thưa:
«Tôi đã vì các sa-môn thiết trai cúng dường rồi. Nay muốn xuất gia.»
Vua Bình-sa hỏi rằng:
«Muốn xuất gia nơi nào?»
Đáp rằng:
«Muốn xuất gia trong phái Ni-kiền Tử.»
Nhà Vua lại hỏi:
«Có làm thức ăn cúng dường sa-môn của ta không?»
Ca-la bảo:
«Tâu Đại vương, đó là hạng sa-môn nào?»
Nhà Vua bảo:
«Đó chính là sa-môn họ Thích.»
Ca-la nói:
«Tôi chưa làm thức ăn cúng dường các vị đó.»
Nhà Vua nói rằng:
«Ngươi nay nên dọn đồ ăn cúng dường sa-môn Thích tử.»
Ca-la liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng:
«Nay tôi muốn làm đồ ăn cúng dường Tăng tỳ-kheo. Xin quý ngài nhận lời mời của tôi.»
Các tỳ-kheo nói rằng:
«Chỉ được cúng cho ba vị. Chúng tôi không được ăn chúng riêng.»
Bấy giờ, Ca-la nói với các tỳ-kheo:
«Tôi làm đồ cúng dường các sa-môn trước khi xuất gia trong phái ngoại đạo. Rồi tôi đến chỗ Vua Bình-sa thưa, ‹Tôi đã làm đồ cúng dường các sa-môn. Nay tôi muốn xuất gia.› Vua hỏi tôi, ‹Muốn xuất gia nơi nào?› Tôi trả lời, ‹Muốn xuất gia trong phái Ni-kiền Tử.› Nhà Vua lại hỏi tôi, ‹Đã làm đồ ăn cúng dường sa-môn của ta chưa?› Bấy giờ tôi hỏi, ‹Đó là hạng sa-môn nào?› Vua nói với tôi, ‹Đó chính là sa-môn Thích tử.› Vua bảo tôi, ‹Ngươi hãy đến đó làm đồ ăn cúng dường sa-môn Thích tử, sau đó mới xuất gia.› Vì lý do ấy cho nên tôi dến trong Tăng-già-lam mời các Đại đức. Cúi mong các vị nhận thỉnh lời mời của tôi.»
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe kể như vậy liền đến bạch đức Thế tôn. Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo khi có sa-môn thí thực[194] thì được phép ăn chúng riêng.»
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập hợp, khi sa-môn thí thực. Đó là các trường hợp khác.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Ăn chúng riêng: hoặc bốn người hay hơn bốn người.
Thức ăn: chỉ cho cơm, lương khô, cơm khô, cá và thịt.[195].
Bệnh: cho đến cái gót chân bị trẹo.
Thời may y: sau khi tự tứ rồi, nếu không thọ y Ca-thi-na thì khoảng một tháng; nếu có thọ y Ca-thi-na thì khoảng năm tháng, cho đến trên y chỉ may một đường như răng con ngựa.
Thời thí y: sau khi tự tứ rồi, nếu không thọ y Ca-thi-na thì khoảng một tháng; nếu có thọ y Ca-thi-na thì khoảng năm tháng; và các trường hợp thí thực và y khác.
Khi đi đường: cho đến chỉ đi trong nửa do tuần gồm cả đi tới và đi lui.
Khi đi thuyền: cho đến nương trên thuyền xuôi hay ngược dòng nước trong vòng nửa do tuần.
Khi đại chúng tập hợp:[196] thức ăn đủ cho bốn người mà dư một người là có sự khốn đốn. Năm người, mười người, cho đến trăm người mà dư một người là khốn đốn.
Sa-môn thí thực:[197] đây chỉ cho những người xuất gia theo ngoại đạo bên ngoài sa-môn Thích tử.
Nếu tỳ-kheo không có lý do ăn chúng riêng, tỳ-kheo ấy nên đứng dậy thưa: «Tôi không có nhân duyên gì trong bữa ăn chúng riêng này. Tôi muốn ra khỏi chúng.»
Đức phật nói:
«Cho phép ra.»
Nếu những người nào không có lý do cũng được phép cho ra khỏi chúng. Nếu hai người, ba người, thì tùy ý thọ thực. Nếu bốn người hay hơn bốn người thì nên chia ra làm hai bộ, thay nhau vào ăn.
Nếu tỳ-kheo có nhân duyên để ăn theo chúng riêng mà muốn vào, thì hãy đứng dậy thưa: «Tôi có nhân duyên ăn riêng chúng. Tôi muốn vào.»
Đức Phật dạy:
«Nên chấp thuận. Tùy theo thứ tự Thượng tọa mà ngồi vào.»
Nếu tỳ-kheo nào ăn riêng chúng, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. Nếu có lý do mà không nói, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: khi bệnh, thời gian may y, thời gian thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập họp, khi sa-môn thí, hoặc ba người, bốn người đổi nhau ăn, hoặc đi có nhân duyên; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XXXIV. NHẬN QUÁ BA BÁT[198]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một người nữ tên Già-nhã-na,[199] trước đó ở nơi đại thôn, sau lấy chồng người nước Uất-thiền. Qua vài tháng thì có mang, nên trở về nhà cha mẹ ở. Lúc ấy có các tỳ-kheo đến nhà đó khất thực; cô đích thân dâng thức ăn, trái cây cho các tỳ-kheo.
Sau đó một thời gian, người chồng sai người đến kêu về. Cô nói với sứ giả rằng:
«Hãy ở lại đây chờ một chút! Để tôi sửa soạn đầy đủ đồ ăn thức uống và trang điểm y phục rồi sau đó cùng đi.»
Lúc ấy có các tỳ-kheo đến nhà này khất thực, người nữ thấy, nên đem đồ ăn thức uống vừa sửa soạn, cúng hết cho các tỳ-kheo và thưa:
«Đại đức có thể nhận thức ăn này.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo nhận hết thức ăn, không để lại chút nào. Sau đó, cô phải sửa soạn và trang điểm trở lại xong mới ra đi.[200]
Trong khi cô chưa kịp trở lại đó, thì chồng cô đã lấy vợ khác và sai sứ giả nói với cô rằng, «Nay tôi đã lấy vợ khác rồi, về hay không về tùy ý.»
Cha của Già-nhã-na nghe như vậy, đến trong Tăng-già-lam. Các tỳ-kheo thấy liền nói:
«Già-nhã-na, con gái của ông có tín tâm bền chặt và ưa bố thí.»
Cha của cô nói:
«Như tôn giả nói, con của tôi thật có tín tâm bền chặt. Nhưng cũng vì thế mà ngày nay nó gặp phải điều mà phụ nữ không vui.»
Các tỳ-kheo hỏi:
«Gặp chuyện gì?»
Cha của Già-nhã-na nói:
«Chồng của nó đã lấy vợ khác rồi.»
Khi ấy, ngoài cửa thành Ba-la-nại có nhiều đoàn khách thương đang nghỉ đêm cùng với xe cộ. Hôm đó có một tỳ-kheo khất thực, đến giờ mặc y bưng bát vào trong doanh trại của đoàn thương khách này khất thực.
Tỳ-kheo kia theo thứ tự đi xin, và đến đứng im lặng trước mặt thương chủ có lòng tin sâu đậm. Thương chủ thấy vậy, hỏi:
«Ngài đứng nơi đây có việc gì?»
Tỳ-kheo trả lời:
«Tôi khất thực.»
Thương chủ liền nói:
«Ngài đưa bình bát đây.»
Tỳ-kheo trao bình bát cho. Thương chủ lấy thức ăn ngon cho vào đầy cả bình bát. Tỳ-kheo khất thực mang thức ăn ra khỏi trại. Cách đó không xa, lại có một tỳ-kheo khất thực cũng muốn vào trong doanh trại khất thực, nên hỏi vị tỳ-kheo vừa nhận được thức ăn:
«Xin thức ăn được không?»
Đáp rằng:
«Được.»
Lại hỏi:
«Nhận được từ người nào?»
Đáp rằng:
«Nhận được từ thương chủ nọ.»
Bấy giờ, vị tỳ-kheo khất thực liền đến đứng yên lặng trước thương chủ nọ. Thương khách hỏi:
«Ngài đứng đây làm gì?»
Tỳ-kheo đáp rằng?
«Tôi khất thực.»
Thương khách nói:
«Đưa bình bát của ngài đây.»
Tỳ-kheo liền trao bát cho. Thương chủ lấy thức ăn ngon cho vào đầy cả bát rồi trao lại cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo nhận được thức ăn vừa mang ra khỏi trại. Đi khỏi trại không xa, lại gặp một tỳ-kheo cũng muốn vào nơi doanh trại khất thực, nên hỏi:
«Xin thức ăn được không?»
Đáp rằng:
«Được.»
Lại hỏi:
«Nhận được từ người nào?»
Đáp rằng:
«Nhận được từ thương chủ nọ.»
Các tỳ-kheo khất thực thông tin cho nhau như vậy, đã khiến cho thương chủ hết cả lương thực đi đường.
Bấy giờ, thương chủ phải vào trong thành Ba-la-nại sắm lại lương thực. Trong khi đó các đồng bạn đã đi. Thương chủ phải đi sau, nên không theo kịp, dọc đường bị giặc cướp.
Các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo rằng: «Sao tỳ-kheo lại ăn hết thức ăn của người đàn bà đem về nhà chồng và lương thực đi đường của thương khách?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo đó:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao tỳ-kheo lại ăn hết thức ăn của người đàn bà đem về nhà chồng và lương thực đi đường của khách buôn?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo ấy rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đến nhà bạch y được mời cúng thức ăn như bánh, hoặc lương khô,[201] nếu cần tỳ-kheo nên nhận hai, ba bát; nhận hai, ba bát rồi về trong Tăng-già-lam nên phân cho các tỳ-kheo khác dùng; nếu nhận quá hai, ba bát về đến trong Tăng-già-lam không chia cho các tỳ-kheo khác dùng, ba-dật-đề.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ có các tỳ-kheo bệnh, e sợ không dám nhận thức ăn quá mức, đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép các Tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn quá mức đã ấn định.»
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, đến nhà bạch y được mời cúng thức ăn như bánh, hoặc lương khô, nếu cần tỳ-kheo nên nhận hai, ba bát; nhận hai, ba bát rồi về trong Tăng-già-lam nên phân cho các tỳ-kheo khác dùng; nếu tỳ-kheo không bệnh nhận quá hai, ba bát về đến trong Tăng-già-lam không chia cho các tỳ-kheo khác dùng, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Nhà bạch y: nhà có nam, có nữ.
Bệnh: không thể ăn một bữa mà no đủ.
Nếu tỳ-kheo đến nhà bạch y, được mời cúng thức ăn như bánh, hoặc lương khô, nên hỏi người chủ rằng, «Có phải là thức ăn người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn?» Nếu họ nói là thức ăn người phụ nữ đem về nhà chồng và lương thực đi đường của khách buôn, thì nên ăn xong rồi ra về. Về lại trong Tăng-già-lam, bạch với các tỳ-kheo, «Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu muốn ăn, hãy ăn xong rồi ra về. Nếu muốn mang thức ăn về, thì mang hai, ba bát.[202] Còn tôi hiện giờ không mang thức ăn về.»
Nếu muốn mang về một bát ăn, khi về đến trong Tăng-già-lam phải phân chia cho các tỳ-kheo cùng ăn. Nên nói với tỳ-kheo khác rằng, «Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu có ai muốn đến đó, ăn tại đó. Nếu muốn mang thức ăn về, thì mang hai bát.[203] Còn tôi hiện giờ mang về một bát.»
Nếu mang hai bát thức ăn về trong Tăng-già-lam, phải phân chia cho các tỳ-kheo cùng ăn. Rồi lại nói với các tỳ-kheo khác rằng, «Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu có ai muốn đến đó, ăn tại đó. Nếu muốn mang thức ăn về, thì mang một bát.[204] Còn tôi hiện giờ mang về hai bát.»
Nếu mang hết ba bát về phân chia cho các tỳ-kheo khác dùng thì nói với các tỳ-kheo khác rằng, «Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu có ai muốn đến đó, ăn tại đó. Nếu muốn mang thức ăn về, thì cẩn thận chớ mang về.[205] Vì tôi hiện giờ mang về đủ ba bát rồi.»
Nếu tỳ-kheo không có bệnh, nhận thức ăn quá hai ba bát nơi nhà đó mang về, ra khỏi cửa phạm ba-dật-đề. [660a1] Một chân trong cửa, một chân ngoài cửa, phương tiện muốn đi mà đứng lại, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu mang về trong Tăng-già-lam không chia cho các tỳ-kheo khác dùng mà ăn một mình, phạm đột-kiết-la. Nếu không nói với các tỳ-kheo khác, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: nhận hai, ba bát; vì bệnh mà nhận quá; có hỏi để biết là thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng hay lương thực đi đường của khách buôn; mang về trong Tăng-già-lam chia cho các tỳ-kheo khác dùng; bạch với các tỳ-kheo khác biết nơi chốn như vậy. Hoặc tự họ đưa đến trong Tăng-già-lam thì được phép nhận. Hoặc họ đưa đến trong chùa của tỳ-kheo-ni, nhận thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XXXV. DƯ THỰC PHÁP[206]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế tôn vì các tỳ-kheo dạy về pháp ăn một lần,[207] khen ngợi pháp ăn một lần.
Khi các tỳ-kheo nghe đức Thế tôn dạy về pháp ăn một lần, khen ngợi pháp ăn một lần, nên các tỳ-kheo ăn thức ăn khư-xà-ni,[208] hoặc ăn năm loại chánh thực,[209] hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn uống một lần không dám ăn lại, khiến cho hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.
Bấy giờ đức Thế tôn biết mà vẫn cố hỏi A-nan:
«Các tỳ-kheo này tại sao hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy?»
Tôn giả A-nan bạch Phật:
«Đức Thế tôn đã dùng vô số phương tiện vì các tỳ-kheo dạy về pháp ăn một bữa, khen ngợi pháp ăn một bữa. Các tỳ-kheo nghe rồi, tại một chỗ ngồi ăn thức ăn khư-xà-ni, hoặc ăn năm loại thức ăn, hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn một lần, rồi không dám ăn lại nữa. Do vậy hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.»
Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo tại một chỗ ngồi ăn cho thật no.»
Các tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép tại một chỗ ngồi cứ ăn cho đến khi nào thật no. Khi ấy các tỳ-kheo hoặc ăn thức ăn khư-xà-ni, hoặc ăn năm loại thức ăn, hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn một lần, rồi không dám ăn lại nữa. Do vậy hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy. Bấy giờ đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan:
«Các tỳ-kheo này tại sao hình thể khô héo, nhan sắc tiều tụy?»
Tôn giả A-nan bạch Phật:
«Các tỳ-kheo nghe đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo tại một chỗ ngồi cứ ăn cho đến khi nào đầy đủ; hoặc ăn thức ăn khư-xà-ni, hoặc ăn năm loại thức ăn, hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn một lần, rồi không dám ăn lại nữa. Do vậy hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.»
Đức Thế tôn bảo tôn giả A-nan:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo ăn năm loại thức ăn hoặc cơm, hoặc bánh in, hoặc cơm khô, cá và thịt, khiến cho thật no. Đối với trong năm món ăn này, sẽ tùy thuộc vào thứ nào đã nhận được theo đó ăn cho thật no.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo bệnh, tuy đã nhận được thức ăn ngon như, cơm, bánh bột, cơm khô, cá và thịt, mà không đủ sức khỏe để ngồi ăn luôn một lần cho nên hình thể bị gầy còm, nhan sắc tiều tụy. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan:
«Tại sao các tỳ-kheo bệnh hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy?»
Tôn giả A-nan bạch Phật rằng:
«Tỳ-kheo bệnh này tuy nhận được năm món ăn ngon, nhưng không đủ sức khỏe ngồi ăn một lần cho đủ no nên hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.»
Đức Phật bảo A-nan:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo bệnh ăn nhiều lần.[210] Người bệnh không cần có phép túc thực .[211]»
Lúc ấy các tỳ-kheo bệnh nhận được thức ăn ngon bổ không thể ăn hết, cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh ăn đủ rồi không dám ăn bèn đem bỏ. Các loài chim tranh nhau đến, giành ăn kêu la inh ỏi. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan rằng:
«Tại sao các loài chim kêu la inh ỏi thế?»
Tôn giả A-nan bạch Phật:
«Các tỳ-kheo bệnh này nhận được thức ăn ngon bổ ăn không hết, còn dư đem cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh ăn đủ rồi không dám ăn, đem bỏ. Cho nên các loài chim giành nhau ăn kêu la inh ỏi như thế.»
Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
«Từ nay về sau cho phép người nuôi bệnh được ăn thức ăn dư của người bệnh, khỏi phải làm pháp dư thực .»
Lúc bấy giờ các tỳ-kheo sáng sớm nhận được thức ăn, đem cất; rồi vào thôn khất thực. Ăn xong, trở về lấy thức ăn cất cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi, không dám ăn nữa, đem bỏ các loài chim tranh nhau ăn kêu la. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan:
«Tại sao các loài chim kêu la như thế?»
Tôn giả A-nan bạch Phật:
«Các tỳ-kheo sáng sớm nhận được thức ăn, đem cất; rồi vào thôn khất thực. Ăn xong, trở về lấy thức ăn cất cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi không dám ăn nữa, đem bỏ cho nên các loài chim tranh nhau ăn kêu la như vậy.»
Đức Phật bảo A-nan:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo lấy thức ăn nhận được làm pháp dư thực rồi ăn. Tác pháp dư thực bằng cách đem thức ăn ấy đến trước một Đại đức ăn chưa xong nói, ‹Thưa đại đức, tôi đã ăn đủ rồi, biết cho, xem cho.› Đây là tác pháp dư thực. Vị tỳ-kheo kia nên lấy một ít để ăn, rồi nói với vị tác pháp rằng, ‹Thầy tùy ý lấy ăn.› Nên tác pháp dư thực như vậy rồi mới ăn.»
Về sau, có một trưởng lão, vốn là tỳ-kheo được nhiều người biết, vào trong thôn khất thực, được nhiều thức ăn, tập trung lại một chỗ cùng ăn. Ăn xong, đem thức ăn dư về trong Tăng-già-lam cho các vị tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi không dám ăn, đem bỏ. Các loài chim tranh nhau ăn, kêu la inh ỏi. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi A-nan:
«Tại sao các loài chim kêu la như thế?»
Tôn giả A-nan bạch:
Có một trưởng lão, vốn là tỳ-kheo được nhiều người biết, vào trong thôn khất thực, được nhiều thức ăn, tập trung lại một chỗ cùng ăn. Ăn xong, đem thức ăn dư về trong Tăng-già-lam cho các vị tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi không dám ăn, đem bỏ. Các loài chim tranh nhau ăn, kêu la như vậy.»
Đức Phật bảo A-nan:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo, thức ăn từ nơi khác đem về nên làm pháp dư thực để ăn. Tác pháp dư thực bằng cách đem thức ăn ấy đến trước một Đại đức ăn chưa xong nói, ‹Thưa đại đức, tôi đã ăn đủ rồi, biết cho, xem cho.› Đây là tác pháp dư thực. Vị tỳ-kheo kia nên lấy một ít để ăn, rồi nói với vị tác pháp rằng, ‹Thầy tùy ý lấy ăn.› Vị tỳ-kheo kia nên tác pháp dư thực như vậy rồi mới ăn.»
Khi ấy trong nước Xá-vệ có một tỳ-kheo tham ăn, không biết ăn đủ là thế nào, ăn không đủ là thế nào; không biết pháp dư thực, hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo kia, ‹Sao lại tham ăn, không biết thế nào là ăn đủ, thế nào là không ăn đủ, không biết dư thực, hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn?›
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi tỳ-kheo kia rằng:
«Thật sự ông có tham ăn, không biết thế nào là ăn đủ, thế nào là không ăn đủ; không biết dư thực, hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn?»
Tỳ-kheo kia thưa rằng:
«Bạch đức Thế tôn, thật vậy.»
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo, sao lại tham ăn như vậy?»
Đức Thế tôn quở trách xong, bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo [661a1] kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn đã đủ, hoặc khi thọ thỉnh,[212] không làm pháp dư thực[213] mà ăn nữa, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Thức ăn : gồm năm thứ: cơm, bánh bột, cơm khô, cá và thịt. Đối với trong năm thức ăn này, bất cứ ăn một thứ nào, hoặc cơm, hoặc bánh bột, hoặc cơm khô, hoặc cá và thịt khiến cho no đủ. Có năm loại ăn đủ:[214] biết là cơm, biết được đem đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Ăn đủ rồi, đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực mà nhận được và ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
Lúc bấy giờ, tôn giả Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, quỳ gối chấm đất, chắp tay bạch Phật:
«Tỳ-kheo đang đi, có bao nhiêu chỗ được xem là túc thực?»
Đức Phật bảo Ưu-ba-ly:
«Có năm chỗ được xem túc thực. Thế nào là năm? Ưu-ba-ly, Tỳ-kheo biết mình đang đi, biết thức ăn là cơm, biết đã được đem đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Biết túc thực rồi, đã xả oai nghi ,[215] không tác pháp tàn thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó,[216] Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết mình đang đi, biết bánh bột, biết cơm khô, cá và thịt, biết sự mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi, đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, trong khi ấy, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là bánh bột, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, trong khi ấy, tỳ-kheo biết khi đi, biết cơm khô, biết cá và thịt, cơm, bánh bột, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là cơm khô, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết cá và thịt, cơm, bánh bột, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là cá, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thịt, cơm, bánh bột, cơm khô, biết người đem đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là thịt, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết cơm, bánh bột, cơm khô, cá và thịt biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
«Ưu-ba-ly, như vậy gọi là năm chỗ túc thực của tỳ-kheo trong khi đang đi. Đứng, ngồi, nằm cũng như vậy.»
Thức ăn khư-xà-ni,[217] gồm có thức ăn khư-xà-ni củ, thức ăn nhánh, lá, hoa, trái khư-xà-ni, thức ăn dầu, mè, đường mía, (thức ăn) nghiền nát.[218] Tỳ-kheo nào túc thực rồi, không tác pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng phạm một ba-dật-đề.
Nếu túc thực rồi vì người khác làm pháp dư thực mà không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu biết người khác túc thực rồi, tác pháp dư thực mà không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu tỳ-kheo tự tay cầm thức ăn, tác pháp dư thực mà không thành pháp dư thực, đột-kiết-la.
Nếu cầm thức ăn để dưới đất, tác pháp dư thực không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu tỳ-kheo khiến tịnh nhơn cầm thức ăn, tác pháp dư thực không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu tỳ-kheo tác pháp dư thực trước tịnh nhơn, phạm đột-kiết-la. Lấy thức ăn không ngon phủ lên trên thức ăn ngon, tác pháp dư thực không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu tỳ-kheo nhận pháp dư thực của người khác đem hết đi, không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu túc thực tưởng là túc thực, ba-dật-đề. Nếu túc thực mà nghi, đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo không túc thực tưởng là túc thực, phạm đột-kiết-la. Không túc thực mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: thức ăn mà tưởng chẳng phải thức ăn, không nhận tác pháp dư thực; chẳng phải thức ăn, không tác pháp dư thực; tự tay giữ lấy, làm pháp dư thực; không để dưới đất tác pháp dư thực; cho đến tay rờ đụng đồ đựng thức ăn; hoặc vì người, người vì mình, tác pháp dư thực; hoặc bị bệnh không tác pháp dư thực; thức ăn dư của người bệnh, không tác pháp dư thực; hoặc đã tác pháp dư thực. Tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XXXVI. MỜI NGƯỜI TÚC THỰC[219]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ trong nước Xá-vệ có hai anh em đều làm tỳ-kheo. Một người ham thích ăn uống, không biết túc thực hay không túc thực; dư thực hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn. Có vị tỳ-kheo khác nói rằng: «Chưa từng có một người nào như thầy, ham thích ăn uống, không biết túc thực, không túc thực; dư thực, không dư thực; nhận được thức ăn là ăn liền.»
Tỳ-kheo kia nghe câu nói như vậy, ôm lòng thù hận. Sau đó, một thời gian, thấy vị tỳ-kheo này ăn rồi không làm pháp dư thực liền ân cần mời ăn. Tỳ-kheo này ăn. Tỳ-kheo tham ăn kia nói rằng:
«Chưa từng thấy có thầy nào ham thích thức ăn như thầy, không biết túc thực hay không túc thực; không biết dư thực hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn, không biết nhàm chán, không biết đủ.»
Tỳ-kheo này nói:
«Tuy tôi đã ăn nhưng chưa đủ.»
Tỳ-kheo kia nói:
«Thầy trước đó đã ăn no đủ rồi.»
Tỳ-kheo này nói:
«Thầy đã biết tôi ăn đủ rồi phải không?»
Đáp rằng:
«Vâng, tôi biết.»
Tỳ-kheo này hỏi rằng:
«Thầy biết tôi như vậy mà cố mời tôi ăn phải không?»
Đáp rằng:
«Vâng, tôi biết.»
Khi ấy tỳ-kheo này hiềm trách tỳ-kheo kia rằng:
«Tại sao biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ rồi mà ân cần mời ăn, muốn cho người khác phạm giới?»
Bấy giờ các tỳ-kheo nghe việc này, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo kia: «Tại sao biết người khác đã ăn đủ rồi mà ân cần mời ăn, muốn khiến cho họ phạm tội?»
Lúc bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà Phật vẫn hỏi tỳ-kheo kia rằng:
«Có thật ông biết người kia đã ăn đủ rồi mà ân cần mời ăn, muốn cho người kia phạm giới hay không?»
Vị tỳ-kheo kia thưa:
«Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách vị tỳ-kheo kia:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao biết người khác đã ăn đủ rồi lại ân cần mời ăn, muốn cho họ phạm giới?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia rồi bảo các tỳ-kheo:
«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ, ân cần mời ăn, nói rằng, ‹Trưởng lão hãy dùng món ăn này!› chỉ vì mục đích muốn cho người khác phạm giới chứ không gì khác, ba-dật đề.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc ấy các tỳ-kheo chưa biết đã ăn hay chưa ăn, không biết đã ăn đủ hay chưa ăn đủ, sau đó mới biết là đã ăn đủ, hoặc tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị e sợ. Đức Phật bảo:
«Không biết thì không phạm.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ, hoặc thọ thỉnh,[220] mà ân cần mời ăn, nói rằng, ‹Trưởng lão hãy dùng món ăn này!› chỉ vì mục đích muốn cho người khác phạm giới chứ không gì khác, ba-dật đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Thức ăn: có năm thứ như trước đã giải.
Mời: cũng có năm cách như đã nói trên.[221]
Tỳ-kheo kia biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ, không làm pháp dư thực, mà ân cần mời ăn, nói rằng, «Trưởng lão, hãy dùng món ăn này.» Vị kia nhận ăn, mỗi miếng, cả hai đều phạm ba-dật-đề. Nếu mời ăn, tỳ-kheo được mời không ăn, đem bỏ, thì người mời phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo mời ăn, người kia nhận mà không ăn, đem cất thì kẻ mời phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo mời, người kia nhận rồi chuyển cho người khác, thì người mời phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo không tác pháp dư thực, đem cho người. Người ấy tác pháp dư thực rồi ăn. Người cho phạm đột-kiết-la. Nếu đem thức ăn người bệnh cho, muốn người khác phạm. Người cho phạm đột-kiết-la. Đem thức ăn dư của người bệnh cho người khác, muốn người khác phạm thì người cho phạm đột-kiết-la. Nếu tác pháp dư thực rồi, đem cho người khác muốn cho người khác phạm, thì người cho phạm đột-kiết-la.
Ăn đủ tưởng là ăn đủ, ba-dật-đề. Đủ mà nghi, đột-kiết-la. Không ăn đủ tưởng là ăn đủ, đột-kiết-la. Không ăn đủ mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: nếu trước không biết; hoặc ăn đủ tưởng là không ăn đủ; hoặc cho để bỏ mà ăn; hoặc cho để cất mà ăn; hoặc bảo đem cho người mà lấy ăn; hoặc chưa làm pháp dư thực mà cho; bảo làm pháp dư thực mà ăn; người kia không làm pháp dư thực mà ăn; hoặc đem thức ăn dư của người bệnh mà cho, không khiến cho người khác phạm; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XXXVII. PHI THỜI THỰC[222]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt. Bấy giờ nhân dân trong thành La-duyệt làm lễ tiết hội, tổ chức kỹ nhạc.
Khi ấy, hai Thích tử Nan-đà, Bạt-nan-đà đến xem kỹ nhạc. Thích tử Nan-đà, Bạt-nan-đà vì tướng mạo đoan chánh nên mọi người đều muốn ngắm nhìn. Khi ấy có một người trong đám đông nói:
«Quý vị chỉ ngắm suông Sa-môn Thích tử. Sao không cung cấp thức ăn? Phải cúng dường, sau đó mới ngắm!»
Lúc ấy, mọi người đều cho thức ăn. Hai Thích tử Nan-đà, Bạt-nan-đà ăn xong, tiếp tục coi ca nhạc mãi cho đến chiều tối mới về đến núi Kỳ-xà-quật. Các tỳ-kheo thấy, hỏi:
«Các thầy sao lại đi vào lúc tối mịt thế?»
Nan-đà, Bạt-nan-đà đem nhân duyên ấy thuật lại các tỳ-kheo.
Cũng trong khi sẩm tối ấy, Ca-lưu-đà-di[223] khoác y, bưng bát vào thành La-duyệt khất thực. Trong lúc trời đang nhá nhem tối, Ca-lưu-đà-di lại đến khất thực nhằm nhà người đàn bà đang mang thai. Người đàn bà ấy mang thức ăn ra cửa ngõ, gặp lúc trời chớp, chợt thấy sắc diện của Ca-lưu-đà-di,[224] hoảng sợ hét to: ‹Quỷ! quỷ!› Do đó trụy thai. Ca-lưu-đà-di nói rằng:
«Đại muội, tôi chẳng phải là quỷ mà là Sa-môn Thích tử.»
Người đàn bà nổi giận nói:
«Sa-môn Thích tử, hãy lòi ruột ra đi, chứ đừng đi khất thực ban đêm!»
Ca-lưu-đà-di nghe câu nói ấy, trở về đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này kể lại cho các tỳ-kheo nghe.
Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách việc làm Nan-đà, Bạt-nan-đà thích tử, cùng Ca-lưu-đà-di: «Này Nan-đà, Bạt-nan-đà và Ca-lưu-đà-di, sao các thầy lại đi khất thực vào lúc phi thời cùng xem ca nhạc?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Nan-đà, Bạt-nan-đà Thích tử, cùng Ca-lưu-đà-di:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nan-đà, Bạt Nan-đà, Ca-lưu-đà-di, sao các ông lại khất thực lúc phi thời, cùng xem ca nhạc?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Nan-đà, Bạt-nan-đà Thích tử, cùng Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, không được xem kỹ nhạc. Xem kỹ nhạc phạm đột-kiết-la.
«Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nhận thức ăn[225] phi thời và ăn, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Thời : từ khi sáng xuất hiện cho đến giữa ngày. Đây là thời giờ đúng pháp để ăn. Bốn châu thiên hạ cũng ăn như vậy.
Phi thời: từ giữa ngày cho đến khi bình minh chưa xuất hiện.
Thức ăn : có hai loại: khư-xà-ni và bồ-xà-ni,[226] mỗi thứ có năm loại như trên.
Nếu tỳ-kheo nào nhận được thức ăn phi thời và ăn, mỗi miếng phạm một ba-dật-đề. Nếu phi thời, quá phi thời, ba-dật-đề. Bảy ngày,[227] mà để quá bảy ngày, ba-dật-đề. Thuốc trọn đời,[228] không nhơn duyên mà dùng, đột-kiết-la. Phi thời tưởng là phi thời, ba-dật-đề. Phi thời mà nghi, đột-kiết-la. Phi thời tưởng là thời đột-kiết-la. Thời tưởng là phi thời đột-kiết-la. Thời mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: Bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực thấy người ta làm đường đen,[229] trong đó có chất kế-ni,[230] vì e sợ nên cẩn thận không dám dùng phi thời. Đức Phật dạy, «Cho phép dùng, không phạm. Phương pháp chế biến phải như vậy.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh uống thuốc xổ. Tỳ-kheo nấu cháo. Thời gian chờ cháo chín quá giờ. Nên nấu lúa mạch, đừng cho nó bể vỏ, lọc lấy nước mà dùng thì không phạm. Thức ăn trong cổ ói ra, mà nuốt vào không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XXXVIII. THỨC ĂN CÁCH ĐÊM[231]
A. DUYÊN KHỞI

Một thời đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, tôn giả Ca-la[232] cũng đang tọa thiền tư duy ở trong đó. Hằng ngày, đến giờ Tôn giả khoác y, bưng bát, vào thành La-duyệt, khất thực.
Bấy giờ, trong thành La-duyệt khất thực dễ dàng, nên Ca-la khởi ý nghĩ: «Phiền gì hằng ngày ta phải vào thành khất thực cho vất vả. Ta hãy ăn những thức ăn được trước; [663a1] thức ăn đang được thì mang về.» Sau đó, làm theo như điều suy nghĩ.[233] Tôn giả liền thực hiện theo ý nghĩ ấy.
Bấy giờ các tỳ-kheo không thấy Ca-la vào giờ tiểu thực, và đại thực, nên các cùng nhau bàn tán, «Chúng ta không thấy Ca-la vào tiểu thực, và đại thực. Phải chăng thầy ấy đã qua đời, hay đi xa, hoặc thôi tu, hay bị giặc giết, bị ác thú hại, cũng có thể bị nước cuốn trôi lắm!»
Sau đó một thời gian lại thấy Ca-la xuất hiện. Các tỳ-kheo hỏi:
«Mấy hôm nay thầy đi đâu mà vào giờ tiểu thực, và đại thực không thấy thầy? Chúng tôi tưởng thầy đã qua đời hay đi xa, hoặc bị ác thú hại, hay là thôi tu, hoặc bị ác thú hại.»
Bấy giờ, Ca-la đem sự việc trên kể lại cho các tỳ-kheo nghe. Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-la: «Sao lại chứa cất thức ăn cách đêm mà ăn?»
Lúc bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà ngài vẫn hỏi Ca-la:
«Thật sự ông có cất thức ăn cách đêm để ăn hay chăng?»
Ca-la thưa:
«Thật như vậy.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-la:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Ca-la, sao ông lại cất đồ ăn cách đêm mà ăn? Ý nghĩ của ông tuy là thiểu dục tri túc, nhưng chúng sanh đời sau sẽ bắt chước làm theo.»
Đức Thế tôn quở trách Ca-la rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn thức ăn cách đêm,[234] ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Thức ăn cách đêm :[235] nhận được hôm nay để đến ngày mai. Tất cả sa-môn Thích tử, đã thọ đại giới, mà ăn thức ăn như vậy, đều không thanh tịnh.
Thức ăn có hai loại: Thức ăn chánh và thức ăn phi chánh.[236] Thức ăn phi chánh là thức ăn bằng củ, cho đến thức ăn được nghiền vụn.[237] Thức ăn chính là thịt, cá, cơm khô, lương khô và cơm.
Tỳ-kheo ăn thức ăn cách đêm, mỗi miếng phạm một ba-dật-đề. Thức ăn phi thời, quá phi thời ăn, ba-dật-đề. Nhận thuốc bảy ngày, quá bảy ngày dùng, ba-dật-đề. Thuốc dùng suốt đời, không có lý do bệnh mà dùng, đột-kiết-la.
Cách đêm khởi ý tưởng cách đêm, ba-dật-đề. Cách đêm mà nghi, đột-kiết-la. Chẳng phải cách đêm mà tưởng là cách đêm, đột-kiết-la. Chẳng phải cách đêm mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: thức ăn nhận được dư cách đêm, còn dư đem cho cha mẹ. Hay cho người làm tháp, người làm phòng xá, tính giá công bằng thức ăn; sau đó, tỳ-kheo khất thực nơi người làm ấy mà được lại thức ăn. Nơi bát có lỗ nứt, thức ăn nhét vào, khi rửa cạy sợ bể thì nên cẩn thận như pháp mà rửa, nếu nó không ra thì không phạm. Nếu ban đêm nhận sữa, dầu, bơ, mỡ dùng để nhểu vào lỗ mũi; nếu khi nhểu vào sữa dầu chảy ra lại nên bỏ. Tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. [238]


Chú thích:
[184] Ngũ phần 7, ba-dật-đề 32; Tăng kỳ, ba-dật-đề 40, lời chú (T22n1425, tr.362b24) nói: bản Phạn lưu trong tinh xá Kỳ-hoàn bị mọt ăn mất điều 40 biệt chúng thực; Thập tụng, ba dật-đề 36; Căn bản, ba-dật-đề 36. Pali, Pāc. 32 Gaṇabhojana.
[185] Xem Ch. ii. tăng-già-bà-thi-sa 10.
[186] Đề-bà-đạt 提婆達, Tam-văn-đà-la-đạt 三聞陀羅達, Khiên-đà-la-đạt-bà 騫駄羅達婆, Cù-bà-ly 瞿婆離, Ca-lưu-la-đề-xá 迦留羅提舍. Xem Ch.ii. tăng-già-bà-thi-sa x & cht.123, Đề-bà-đạt-đa và đồng bọn.
[187] Bốn tỳ-kheo trở lên, khi chưa đủ yếu tố để thành Tăng (Pl. Saṅgha), thì gọi là biệt chúng (gana).
[188] Biệt chúng thực 別眾食. Xem giải thích đoạn sau. Ngũ phần 7 (T22n1421, tr.50c24): biệt thỉnh chúng thực 別請眾食.
[189] Ca-đề nguyệt 迦提月; Xem cht.177, Ch.iv, ni-tát-kỳ 29.
[190] Xem cht.187 trên.
[191] Tăng chia làm nhiều chúng riêng. Mỗi chúng thọ thực tại mỗi nơi khác nhau.
[192] Bình-sa vương 瓶沙王. Xem cht. 113, Ch.i ba-la-di 2; cht. 98, Ch.ii tăng-già-bà-thi-sa 10.
[193] Ca-la 迦羅. Ngũ phần 7 (T22n1421, tr.50c27): em trai của Vua tên là Ca-lưu 迦留. Thập tụng 13 (T23n1435, tr.94c25), Căn bản 36 (T23n1442, tr.824a01): cậu của Vua. Pali, Vin.iv.747, một người thân tộc của Vua Seniya Bimbisāra xuất gia theo nhóm lõa hình tà mạng (Ājīvaka); không nói tên.
[194] Tức chúng tỳ-kheo được tu sĩ đạo khác mời ăn.
[195] Năm loại thức ăn, xem cht.182, ba-dật-đề 32 trên.
[196] Pali: mahāsamayo, bản Anh hiểu là sự khan hiếm cực kỳ, do Pali samaya có nghĩa: thời tiết, cơ hội. Trong Skt., samaya còn có nghĩa «tập hội.»
[197] Pali: samaṇabhattasamayo, được giải thích: «bữa ăn của sa-môn, nghĩa là bữa ăn được làm bởi sa-môn.» (Vi. iv. 475).
[198] Tăng kỳ, ba-dật-đề 38; Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 33. Pali, Pāc. 34.
[199] Già-nhã-na 伽若那. Tăng kỳ: Hạt Nhãn 瞎眼. Thập tụng: Lai Nhãn 睞眼; vì mắt lé. Pali: Kāṇamātā.
[200] Pali: ba lần cô chuẩn bị lương thực đi đường đều lần lượt bố thí hết cho ba tỳ-kheo, nên trễ chuyện về nhà chồng. Các bộ khác cũng vậy.
[201] Hán: bính, khứu 餅糗. Pali: pūvehi vā manthehi, giải thích, pūva, bánh để làm quà; mantha, lương khô để đi đường.
[202] Tỳ-kheo này không mang về bát nào, nhắc tỳ-kheo khác biết có thể mang về hai hoặc ba bát.
[203] Tỳ-kheo này đã mang về một bát, nhắc tỳ-kheo kế tiếp biết chỉ được mang về tối đa hai bát.
[204] Tỳ-kheo này đã mang về hai bát, nhắc tỳ-kheo kế tiếp biết chỉ được mang về một bát nữa thôi.
[205] Xem các cht. trên.
[206] Ngũ phần, ba-dật-đề 35; Tăng kỳ, ba-dật-đề 33; Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 34. Pali, Pāc. 35.
[207] Nhất thực pháp 一食法 hay nhất tọa thực, ngày ăn một bữa. Pali: ekāsana/ ekabhatta. Bản Hán đọc là eka-asana: một lần ăn, nhất thực. Các bản khác đọc eka-āsana, một chỗ ngồi, nhất tọa (thực). Cf. M.i. 437.
[208] Khư-xà-ni 佉闍尼. Pali: khādanīya, thức ăn loại cứng (cần phải cắn). Xem giải thích đoạn giới tướng, và cht.182.
[209] Chánh thực 正食. Pali: bhojanīya, thức ăn loại mềm. Xem cht.182, ba-dật-đề 32.
[210] Sác sác thực 數數食.
[211] Túc thực pháp 足食法. Xem cht.184 đoạn sau.
[212] Tăng kỳ: «… ăn đã đủ, đã rời chỗ ngồi…» Pali: bhuttāvī pavārito, ăn đã xong, và đã no. Bản Hán hiểu pavārito là «được yêu cầu.»
[213] Dư thực pháp 餘食法. Ngũ phần, và các bộ khác: tàn thực pháp 殘食法.
[214] Cf. Ngũ phần 7 (T22n1421, tr.52c13), mỗi loại thưc ăn có 5 sự được nói là túc thực: có thức ăn, đã trao cho, đã nhận và đã nhai và nuốt, ăn đã xong, đã rời khỏi chỗ ngồi, gọi là túc thực (ăn đã đủ). Pali, Vin. iv. 82, 5 yếu tố để thành túc thực: 1. được biết là đang ăn (asanaṃ paññāyati), 2. được biết là có thức ăn (bhojanaṃ paññāyati), 3. đứng gần trong tầm tay (hatthapāse ṭhito), 4. mang đến cho (abhiharati), 5. được biết là đã từ chối, vì đã ăn no (paṭikkhepo paññāyati).
[215] Nghĩa là, không còn «đang đi» nữa.
[216] Nội dung các đoạn lặp chỉ khác nhau về thức ăn.
[217] Pali: khādanīya, thức ăn loại cứng (cần phải cắn), được giải thích (Vin. iv. 83): trừ 5 loại thức ăn chính (bhojanīya, loại mềm), trừ thực phẩm loại để qua đêm, 7 ngày, và suốt đời, còn lại đều là thức ăn loại cứng. Thập tụng (T23n1435, tr.91b11), 5 loại khư-đà-ni 佉陀尼: rễ, cọng, lá, mài, quả 根莖葉磨果. Căn bản (T23n1442, tr.821b22): rễ, cọng, lá, hoa, quả 根莖葉花果. Ngũ phần 7 (T22n1421, tr.52c12): phạn (cơm), can phạn (cơm khô), bính xiếu (bánh bột), ngư (cá), nhục (thịt) 飯乾飯餅糗魚肉
[218] Ma tế mạt 磨細末. Đoạn sau, nói là tế mạt thực 細末食.
[219] Ngũ phần, ba-dật-đề 36; Tăng kỳ, ba-dật-đề 34; Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 35. Pali, Pāc, 36.
[220] Xem cht.212, ba-dật-đề 35.
[221] Thỉnh 請. Các bản khác: thuyết thỉnh. Giải thích từ «thọ thỉnh» trong giới văn, nhưng đoạn trên không có giải thích. Chính xác, đây giải ý nghĩa «túc thực» (Pali: pavārita) mà bản Hán hiểu là «thọ thỉnh (được yêu cầu).» Xem cht.212, ba-dật-đề 35 trên.
[222] Ngũ phần, ba-dật-đề 38; Tăng kỳ, ba-dật-đề 36; Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 37. Pali, Pāc. 37.
[223] Ca-lưu-đà-di 迦留陀夷. Cf. M.i. 437 (Bhaddālisutta): chuyện tôn giả Bhaddāli. Xem Trung A-hàm 51, kinh 194 Bạt-đà-hòa-lợi, T1, tr.746.
[224] Pali, Kāḷudāyi (Skt. Kālodāyin): Kāḷa + Udāyī, nghĩa là, Udāyi đen, vì nước da ông ngăm đen.
[225] Pali: thức ăn loại cứng (khādānīya) và loại mềm (bhojanīya).
[226] Xem các đoạn trên, và cht. liên hệ.
[227] Loại thức ăn (xem là thuốc) được phép để dùng trong thời hạn bảy ngày.
[228] Thuốc (thức ăn) cất dùng không kể thời hạn.
[229] Hắc thạch mật 黑石蜜, loại đường cát chưa tinh luyện.
[230] Pali: kiṇṇa, chất gây men.
[231] Ngũ phần, ba-dật-đề 39; Tăng kỳ, ba-dật-đề 37; Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 38.
[232] Ca-la 迦羅. Thập tụng 13, tỳ-kheo Thượng Thắng 上勝. Căn bản 36, Cụ thọ Ca-la 具壽哥羅. Pali: Belaṭṭhasīsa, Hoà thượng của A-nan (ānandassa upajjhāyo).
[233] Văn Hán đoạn này hơi tối. Cf. Căn bản 36 (T23n1442, tr.824c24): Nếu khất thực được thức ăn ướt, lấy bát mà nhận rồi ăn ngay. Nếu là thức ăn khô, lấy khăn gói lại mang về cất. Hôm nào trời mưa không đi khất thực được, lấy ra ăn. Cf. Pali, Vin. iv. 86: Belaṭṭha để dành cơm, phơi khô. Khi cần ăn, mang ra rưới nước vào rồi ăn.
[234] Tàn túc thực 殘宿食. Căn bản 36: tăng xúc thực 曾觸食. Pali: sannidhikāraṃ khādānīyaṃ vā bhojanīyaṃ vā khādeyya vā bhuñjeyya vā, ăn các thức ăn được tích trữ.
[235] Hán: túc thực 宿食, trong giới văn: tàn túc thực 殘宿食. Pali: sannidhikarānaṃ khādanīyaṃ vā bhojanīyaṃ vā, tích trữ các loại thức ăn cứng và mềm.
[236] Chánh thực và phi chánh thực 正食非正食; tức bồ-xà-ni (loại mềm) và khư-đà-ni (loại cứng). Xem giải thích các đoạn trên.
[237] Xem cht.218 trên.
[238] Hết quyển 14.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Truyện tích Vu Lan Phật Giáo


Phật Giáo Yếu Lược


Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


Những tâm tình cô đơn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.1.23 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập