Giác ngộ đến chậm (tiệm) hay nhanh (đốn)? Có biết bao trường phái Phật
giáo khác nhau đã phát sinh vì vấn đề này. Nhưng theo tôi thì sự giác
ngộ vừa chậm mà cũng vừa nhanh, vì cả hai hoàn toàn không hề đối nghịch
nhau.
Giác ngộ bao giờ cũng xảy ra nhanh và đột ngột. Khi điều kiện đầy đủ,
nhân duyên thuận lợi, nó sẽ xảy ra. Nhưng con đường tu tập dẫn đến giây
phút ấy thì bao giờ cũng chậm chạp và đều đặn. Chúng ta thực hành, chúng
ta vun xới, bón phân cho thửa đất tâm, rồi một ngày bỗng nhiên tự nó sẽ
bừng mở. Và rồi sau giây phút đốn ngộ, một lần nữa ta lại tiếp tục con
đường tiệm tu để tam giác ngộ được thêm chín muồi.
Đức Phật đã nói rõ với chúng ta rằng, tự tính của tâm là thanh tịnh
nhưng vì mải mê chạy theo vọng cảnh bên ngoài mà nó trở thành nhơ uế.
Đức Phật dạy: “Tâm ta lúc nào cũng sáng chói, rực rỡ và toả chiếu, nhưng
nó bị vẩn đục vì những bợn nhơ đến từ bên ngoài. Nhờ dẹp sạch và bứng
nhổ hết gốc rễ của những bợn nhơ này mà tâm ta được giải thoát.”
Trong mọi truyền thống Phật giáo, phương pháp tu tập tuy có đổi thay,
nhưng cốt tủy giáo lý của Đức Phật - về tự tính của khổ đau và ý thức
giải thoát - thì bao giờ cũng chỉ có một. Bất cứ nơi nào Phật giáo
truyền đến, sẽ phát sinh vô số hình thức tu tập khác nhau: Ấn Độ, Miến
Điện, Thái Lan, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Tích Lan (Sri
Lanka), Kampuchia, Việt Nam... và nhiều nơi khác nữa. Ngài Munindra-ji
có lần bảo tôi rằng, chỉ riêng ở Tích Lan ngài đã biết được đến hơn năm
mươi phương pháp thiền quán khác nhau.
Thế nên ta đừng để bị kẹt vào quan niệm rằng chỉ có một con đường đúng
duy nhất, hay chỉ có một phương pháp để tu tập Phật pháp mà thôi. Sự
giải thoát và lòng từ bi phải luôn luôn là tiêu chuẩn cho mọi phương
pháp tu tập. Còn tất cả những điều khác chỉ là phương tiện được vận dụng
mà thôi. Trên con đường tu tập ta sẽ có biết bao nhiêu kinh nghiệm khác
nhau. Ngay khi ta dừng lại ở một giai đoạn nào và nghĩ rằng “chính là
nơi đây,” thì ta đã đánh mất đi sự nhiệm mầu của tính không rồi. Ta vô
tình tạo thêm một quan điểm tuy mới nhưng cũng đầy thành kiến như mọi
quan điểm khác.
Một vị thầy của tôi có nói một điều mà tôi thấy có thể áp dụng cho mọi
phương pháp tu tập và mọi quan điểm: “Trừ khi một phương pháp có thể làm
dịu mát đi ngọn lửa tham, sân, si, bằng không thì nó chỉ hoàn toàn vô
dụng.” Ta nên lấy đó làm khuôn vàng thước ngọc cho nhưng việc mình làm.
Một điều rất may mắn cho Phật pháp ở Tây phương là cơ hội để những người
tu theo mọi truyền thống khác nhau có thể gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau.
Mỗi truyền thống lớn - như là Theravada (Nam tông), Mahayana (Bắc tông)
và Vajrayana (Phật giáo Tây Tạng) - đều có biết bao điều hay đẹp để dâng
tặng chúng ta. Như Đức Phật đã nói: “Phật pháp chỉ có mỗi một mùi vị duy
nhất là mùi vị giải thoát mà thôi.”
Đối với tất cả chúng ta, sự thực hành luôn là chìa khóa của vấn đề. Có
một câu chuyện rất lý thú về ngài Milarepa, một đại sư Tây Tạng. Vào
cuối đời, ngài Milarepa chọn một người đệ tử thân tín nhất theo ngài đến
một sườn núi xa xôi để trao truyền giáo pháp bí mật. Với tất cả tấm lòng
chân thành và kính tin, người đệ tử cầu xin thầy truyền dạy pháp tu bí
mật ấy. Ngài Milarepa cúi xuống, vạch mông ra và chỉ vào vết chai như da
thuộc sau nhiều năm công phu ngoi thiền. Pháp tu bí mật của ngài chỉ có
thế!
Mỗi người chúng ta đều trải qua những giai đoạn tu tập khác nhau. Sẽ có
lúc ta cảm thấy tràn đầy năng lực, sẵn sàng tham dự những khóa tu thinh
lặng và triệt để, có khả năng giúp ta quân bình tâm ý và mở ra những mức
độ tâm linh mới. Rồi cũng có lúc ta cảm thấy như mất hết sinh lực, chán
chường, không còn hăng hái tham dự những khóa tu tích cực như xưa. Vòng
chu kỳ tròn khuyết, đầy vơi này có thể xảy ra sau một vài năm, hoặc vài
tháng, hay có khi chỉ sau chừng vài ngày tu tập tích cực. Chu kỳ ấy thay
đổi tùy theo trình độ tiến triển và hoàn cảnh riêng của mỗi người.
Tôi có biết một thiền sinh Tây phương sang Á châu tập thiền. Sau nhiều
tháng, sự tu tap của anh ta đạt đến một giai đoạn khá chín chắn, nhưng
không hiểu vì sao anh không thể tiến xa hơn nữa. Khi vị thầy hỏi thăm về
tình trạng gia đình anh, anh nói lên một ý muốn mãnh liệt, muốn về thăm
gia đình. Vị thầy khuyên anh nên thực hiện điều ấy. Sau khi gặp lại gia
đình, tâm anh không còn bị sự mong muốn làm ngăn ngại nữa. Cuối cùng anh
trở lại và hoàn tất khóa tu tập ấy.
Bạn hãy cẩn thận, đừng bao giờ có một quan niệm cứng ngắc nào về sự phát
triển tu tập. Sẽ có lúc ta thích được ngồi quán chiếu tâm mình trong một
hoàn cảnh thinh lặng yên tĩnh của môi trường tu học. Rồi cũng có lúc ta
sẽ không cảm thấy sự tịch liêu ấy là cần thiết cho tu tập. Hay theo nhịp
xoay của chu kỳ một cách thật tự nhiên và thư thả. Nếu vấn đề giải thoát
là một hoài bão, khát khao của bạn, thì những thời gian tu tập tích cực
sẽ rất là cần thiết và vô giá. Chúng có thể đem lại cho bạn năng lực,
sức mạnh và trí tuệ vô cùng tận. Nhưng cũng có lúc vòng xoay đưa ta trở
lại với cuộc sống hằng ngày. Vào giai đoạn này, ta sẽ có cơ hội để phát
triển và thực tập những đức tính như rộng lượng, chân thật và từ bi
nhiều hơn khi đang trong những khóa tu. Và những đức tính ấy sẽ trở lại
hỗ tương và giúp ích cho ta rất nhiều trong những giai đoạn tu thiền
tích cực.