Làm sao để có thể đối phó hữu hiệu với mọi hình thức của tư tưởng - như
là ý kiến, phê phán và so sánh - là vấn đề chủ yếu và một thách đố rất
lớn trong sự tu tập. Và còn một thử thách khác, có lẽ lớn lao hơn nữa,
là học cách uyển chuyển khéo léo theo đời sống cảm xúc.
Trong mọi lãnh vực của kinh nghiệm, từ thiền tập cho đến cuộc sống hằng
ngày, cảm xúc bao giờ cũng là một phần rất khó hiểu và ta khó tránh khỏi
sự dính mắc vào chúng. Sự khó khăn này có hai nguyên nhân. Thứ nhất, cảm
xúc chỉ là một biểu hiện trong tâm, không có hình thể nào nhất định.
Chúng không có một biên giới rõ rệt, cũng không có một cam nhận nhất
định nào về sự bắt đầu và chấm dứt. Cảm xúc không xác thực như là cảm
giác, nó cũng không được định nghĩa rõ ràng như tư tưởng. Ngay trong
những khi chúng ta cảm nhận chúng thật mạnh mẽ, ta cũng không thể phân
biệt chúng một cách minh bạch.
Chướng ngại thứ hai là sự kiện chúng ta đã bị điều kiện hóa quá nặng nề
đến mức nhận chúng là mình. Khi bạn đang có những cảm xúc mạnh mẽ như là
yêu, giận, kích thích hay buồn chán... bạn hãy để ý đến ý tưởng kiên cố
về một cái “tôi” lúc nào cũng đi kèm. Nhìn thấy được tự tính vô thường
và rỗng tuếch của những cảm giác ở thân và ngay cả ở tư tưởng, việc ấy
tương đối còn dễ dàng hơn, vì chúng đen và đi rất nhanh; nhưng thấy được
tự tính vô ngã của cảm xúc, điều ấy mới thực sự là khó! Sự thật thì đối
với đa số chúng ta, ý niệm về một cảm xúc không có chủ nhân là một điều
điên rồ, ngu xuẩn, là một sự kiện hết sức mâu thuẫn. Vì cảm xúc bao giờ
cũng đã được xem như là một đặc tính cá nhân và rất riêng tư của mỗi
người chúng ta.
Như vậy thì có một phương cách nào khác để giúp ta hiểu được cái địa
hình phức tạp, cầu kỳ và biến thiên của thế giới cảm xúc này không? Tôi
nghĩ có ba bước có thể giúp ta làm được việc ấy.
Bước đầu tiên là làm sao nhận diện được chính xác mỗi cảm xúc khi nó vừa
khởi lên và thấy được những sự khác biệt tinh tế của chúng. Có một lúc,
trong khi tu tập tôi đã trải qua một giai đoạn cảm thấy buồn vô cùng.
Cảm xúc ấy kéo dài nhiều ngày. Tôi quan sát nó trong chánh niệm, ghi
nhận “buồn, buồn...” nhưng hình như vẫn có một sự gì đó trong kinh
nghiệm ấy cứ dính mãi với tôi.
Sau một thời gian, tôi bắt đầu theo dõi cảm xúc ấy kỹ lưỡng hơn, quan
sát nó cặn kẽ hơn. Sau cùng tôi khám phá ra rằng đó không phải là một
nỗi buồn nào hết, nó thật ra chỉ là một cảm thọ bất an. Đặc tính của hai
cảm thọ ấy bề ngoài có vẻ rất giống nhau, nhưng khi ta quan sát cho thật
chính xác, chúng lại hoàn toàn khác biệt. Vừa khi tôi nhận diện được
việc gì đang thực sự xảy ra, cơn sóng của nỗi buồn đó cũng bắt đầu lắng
dịu. Chúng ta sẽ không thể nào chấp nhận được một cảm xúc hoàn toàn, trừ
khi nào ta có thể nhìn thấy được nó một cách đúng thật, và cũng vì vậy
mà ta bị cách xa thực tại và rồi cuối cùng cảm thấy như mình bị mắc kẹt.
Cũng có đôi khi vì những cảm xúc quá khó chịu, quá đau đớn mà ta không
cho phép mình chấp nhận chúng. Ta tìm đủ mọi cách, ý thức hoặc vô ý
thức, để khỏi phải đối diện với chúng. Cái tập quán phủ nhận ấy có thể
xảy ra đối với những cảm xúc như là sợ hãi, hổ thẹn, lo lắng, cô đơn,
thịnh nộ, buồn chán, ngượng ngùng... và còn nhiều nữa. Chúng ta cố gắng
bằng đủ mọi cách, mọi phương pháp mình có thể nghĩ ra, để thay đổi hoàn
cảnh thay vì chỉ đơn giản là sống với cảm thọ ấy.
Chúng ta phải bận rộn làm bao nhiêu việc để khỏi cảm thấy sợ hãi hoặc
trống vắng, cô đơn trong cuộc sống này? Chỉ vì không biết mở rộng ra với
mọi phạm vi của cảm xúc, không thấy được rằng chúng tự sinh và tự diệt,
mà chúng ta bị thúc đẩy có những hành động không chắc gì sẽ đem đến hạnh
phúc, nhưng lại giam giữ ta trong cuộc trốn chạy khổ đau không ngừng ấy.
Biết bao nhiêu loại nghiện ngập nguy hại có thể được ngăn ngừa nếu ta
biết cách tiếp xúc với những cảm thọ khó chịu hoặc đau đớn của mình.
Nhận diện và chấp nhận những cảm xúc của mình khi chúng khởi lên, nhất
là nhưng khổ thọ, sẽ giúp ta mở rộng tâm mình ra để có thể kinh nghiệm
được điều mà các tu sĩ ngàn xưa thường gọi là vạn niềm vui và vạn nỗi
khổ.
Một vấn đề khác trong việc nhận diện cảm xúc là ta phải thấy được rằng,
nhiều khi chúng khởi lên thành nhóm giống như dải ngân hà vậy. Thường
thì chúng ta có thể ý thức được một cảm xúc nào đang nổi bật nhất, nhưng
lại bỏ sót những cảm xúc tinh tế khác tiềm tàng bên dưới. Và chính những
cảm xúc bị bỏ quên ấy lại nuôi dưỡng cái bên trên như một dòng nước
ngầm. Ví dụ, ta có thể cảm thấy rất giận dữ và có chánh niệm về cái giận
ấy, nhưng ta lại không thấy được cái cảm xúc nghĩ rằng mình đúng đang
tiềm tàng ở phía bên dưới. Ngày nào ta vẫn chưa ý thức được những trạng
thái đồng minh ấy, các cảm xúc thân hữu đi kèm theo nó, ta sẽ còn bị kẹt
vào những khổ thọ ấy lâu dài lắm.
Nhận diện rõ ràng và biết chấp nhận những cảm xúc khác nhau khi chúng
khởi lên sẽ dẫn ta đến bước thứ hai trong việc đối phó với những cảm xúc
mạnh. Văn hóa Tây phương vô tình thường xem nhẹ phương pháp thứ hai này,
mặc dù nó là một trong những nền tảng của hạnh phúc trong cuộc sống
chúng ta. Tôi muốn nói đến khả năng phân biệt sáng suốt giữa những cảm
xúc thiện và bất thiện. Phương thức phân biệt này rất đơn giản: Cảm xúc
hoặc trạng thái này của tâm sẽ gây nên khổ đau cho ta và người khác, hay
tạo nên hạnh phúc và an lạc?
Trong tâm ta có những trạng thái rất là hiển nhiên: thiện và bất thiện.
Chữ thiện trong Phật giáo chỉ về những việc nào dẫn ta đến hạnh phúc, tự
do; và bất thiện là những việc nào sẽ đưa ta đến khổ đau. Trong chúng ta
ai cũng đồng ý rằng tham, sân, si là những trạng thái không ai muốn, và
từ bi, bao dung, cảm thông là những đức tính quý báu. Đôi khi, sự khác
biệt của chúng rất tinh tế và khó phân biệt, nhất là khi những cảm xúc
hoặc trạng thái bất thiện của tâm lại trá hình dưới những hình thức
thiện. Chúng ta rất có thể nhận lầm một nỗi ưu sầu, thương tiếc hoặc
ngay cả sỉ nhục là cảm xúc từ bi. Hoặc ta có thể lẫn lộn cảm xúc lãnh
đạm, dửng dưng với một sự bình thản, tĩnh lặng. Chúng có vẻ giống nhau,
nhưng thật ra là có bản chất rất khác biệt và gây ra những hậu quả hoàn
toàn khác nhau.
Trong xã hội, chúng ta thường được khuyên là phải biết tôn trọng những
cảm xúc của mình. Điều ấy đúng về phương diện là ta phải biết nhận diện,
chấp nhận và cởi mở đối với chúng. Nhưng nếu chỉ có bấy nhiêu thôi thì
chưa đủ. Chúng ta cần phải tiến thêm một bước nữa, quán chiếu xem tâm
thức ấy là thiện hay bất thiện. Nó sẽ mang lại cho ta an lạc và tự do
hay chỉ gây thêm khổ đau? Chúng ta thực sự muốn nuôi dưỡng nó hay cần
buông bỏ nó? Bao giờ chúng ta cung có một sự chọn lựa, mặc dù rất nhiều
khi chúng ta vô tình bỏ qua cơ hội quý báu ấy.
Sự phân biệt sáng suốt đó sẽ đem lại cho ta một quyền lực vô song. Chúng
ta không ai có thể chọn lựa được loại cảm xúc nào sẽ khởi lên trong tâm.
Nhưng một khi chúng có mặt rồi, ta hoàn toàn tự do trong việc chọn mối
tương quan giữa ta với chúng. Nếu ta không ý thức được cảm xúc nào đang
có mặt, hoặc không biết rõ nó là thiện hay bất thiện, ta se tiếp tục
phản ứng theo tập quán cố hữu của mình. Và rồi ta sẽ cứ mãi vướng mắc
trong khổ đau mặc dù đang đi tìm hạnh phúc. Ý thức được những điều này,
chúng ta sẽ có thể tạo cho mình một cơ hội để chọn lựa sáng suốt và có
được một sự tự do trong nội tâm.
Bước thứ ba vừa khó khăn nhất mà cũng vừa có công năng giải thoát nhất.
Bước này là tập làm sao để ta vẫn có thể mở rộng với mọi cảm xúc mà
không bị chúng đồng hóa. Đồng hóa với cảm xúc - khi ta nhận nó là mình -
là một việc dư thừa. Hãy ghi nhận cảm giác thu nhỏ lại mỗi khi bạn tự
đồng hóa mình với một cảm xúc nào đó mà bạn đang kinh nghiệm: “Tôi
giận,” “Tôi buồn,” “Tôi vui,” “Tôi lo au.” Những giây phút bị đồng hóa
ấy là một tập quán cộng thêm vào, một ước lệ đã gây nên biết bao điều
khó xử, khổ đau trong cuộc sống của ta.
Dưới cái nhìn của một thiền sinh thì tất cả mọi trạng thái của tâm thức,
trong đó có cả cảm xúc, đều sinh lên và diệt đi mà không có một thực
chất nào cả. Chúng hoàn toàn rỗng tuếch. Chúng phát khởi khi nào có đầy
đủ điều kiện, đủ duyên, và tàn hoại khi những hợp duyên này tan rã.
Những cảm xúc ấy không tùy thuộc bất cứ một người nào hoặc xảy đến cho
bất cứ một ai.
Trong thực tế thì mỗi trạng thái của tâm thức, hoặc cảm xúc, tự nó biểu
lộ chính nó. Lòng tham dục là chủ thể tham dục, tâm sợ hãi là chủ thể sợ
hãi, tình yêu là chủ thể thương yêu... Nó không phải là bạn, cũng không
phải là tôi. Bạn có thấy được sự khác biệt giữa cái kinh nghiệm của “Tôi
giận” và kinh nghiệm của “Đây là sự giận dữ” không? Trong sự khác biệt
nhỏ bé ấy, cả một thế giới tự do bừng mở. Dĩ nhiên, điều quan trọng là
ta đừng bao giờ sử dụng ý niệm vô ngã như một phương tiện để chối bỏ. Vì
vô ngã phát xuất từ sự chấp nhận và thành thật với chính mình.
Cũng như trong kinh điển Phật giáo Tây Tạng có diễn tả, tâm thức hay cảm
xúc giống như mây bay qua bầu trời, chúng không có quê hương, không có
cội nguồn. Nhận một cảm xúc là mình thì cũng giống như trói buộc một áng
mây. Chúng ta có thể học cách giải thoát mọi cảm xúc, và để cho mọi hiện
tượng thanh thản tự nhiên trôi qua bầu trời mênh mông của tâm.