Bạn có thể hỏi rằng: “Vâng, tôi thấy được giá trị của việc không đồng
hóa với cảm xúc, không nhận chúng là ‘tôi’, nhưng làm sao tôi có thể
thực hiện được việc ấy?”
Tôi đồng ý với bạn, thực hiện việc ấy không phải dễ. Vì ta rất dễ bị
dính mắc vào những cảm xúc, bị lôi cuốn bởi năng lượng của chúng, lạc
trong sự suy nghĩ về chúng. Và trong sự dính mắc ấy, ta lại tạo nên một
ý thức kiên cố về một “cái tôi”: “Tôi giận quá!”, “Tôi buồn quá!”...
hoặc gì gì đó.
Sự tu tập của ta là để lúc nào cũng có thể cởi mở với mọi cảm xúc mà
không hề cộng thêm vào đó một ý niệm nào về “tôi”, về “của tôi”. Đó là
một thách thức rất lớn. Có một phương pháp giúp ta được vững vàng trong
cơn bão tố của cảm xúc. Đó là nhìn thấy được ba thành phần của nó.
Ví dụ, khi chúng ta nổi giận, thứ nhất là phải có một hoàn cảnh nào bên
ngoài kích thích làm cho cơn giận khởi lên. Có người nào đó làm hoặc nói
một điều gì mà ta không thích, hoặc ta cảm thấy nguy hại cho mình hay
người khác. Thứ hai là phản ứng của ta đối với hoàn cảnh đó, hay nói
cách khác là ta có một cơn giận. Và thứ ba là mối tương quan giữa ta với
cơn giận ấy.
Thường thì ta bị mắc kẹt nhiều nhất vào hai phần đầu: ngoại cảnh và phản
ứng của ta đối với nó. Có một việc gì xảy ra, và ta nổi giận. Khi ta
giận, ta bắt đầu suy nghĩ về chuyện đã xảy ra. Những tư tưởng ấy sẽ làm
ta giận hơn, và khiến ta suy nghĩ về nó nhiều hơn nữa... Thường thì bao
giờ cũng là những ý nghĩ trách cứ, tự bào chữa, và khổ đau. Vì vậy mà ta
cứ lẩn quẩn trong một vòng tròn khổ đau không thoát ra được.
Nếu ta muốn tìm một lối thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn ấy, thì thay vì
chú ý đến hoàn cảnh và phản ứng của mình, ta hãy chú tâm đến phần thứ
ba, tức mối tương quan giữa ta với cảm xúc, có thể là một cơn giận, hay
sự sợ hãi, hay bất cứ một cảm xúc nào khác... Ví dụ, giữa cơn lốc xoáy
của một cơn giận bạn có thể tự hỏi: “Tôi đang bị mắc kẹt vào cơn giận
này như thế nào? Tôi bị nó sai sử ra sao? Tôi đã đồng hóa với nó như thế
nào?”
Khi đặt những câu hỏi như vậy , kết quả sẽ hoàn toàn khác hẳn với khi ta
cố tìm hiểu nguyên nhân bên ngoài của nó. Vì lúc ấy chúng ta không còn
tạo nên những sợi dây trách móc để tự trói buộc mình với ngoại cảnh, với
phản ứng của ta, với cảm xúc ấy. Và vì không còn suy nghĩ về nguyên nhân
của cơn giận, nên ta không còn nuôi dưỡng nó thêm nữa.
Nhưng bạn nên nhớ rằng không phải ta đặt câu hỏi để mong tìm một câu trả
lời hay một sự giải đáp nào về mặt tri thức. Muc đích chỉ là giúp ta
thay đổi cái nhìn của mình, biết chịu trách nhiệm về những gì đang xảy
ra trong tâm. Khi ta đặt câu hỏi “Tôi bị mắc kẹt vào nó như thế nào?” là
ta đã bước ra ngoài cơn giận và nhìn lại mối tương quan giưa ta với nó.
Ngay giây phút đó, rất có thể khối giận ấy sẽ tan rã, không cần ta phải
chối bỏ, đè nén hoặc xua đuổi nó.
Có một lần tại trung tâm thiền ở Barre, Massachusetts, tôi nổi giận với
một người vì anh ta đã làm một việc mà tôi cho rằng rất là nguy hại. Cơn
giận ấy rất là mãnh liệt, và tôi niệm thầm trong tâm: “Giận, giận,
giận...” Toàn thân tôi bị chấn động mạnh. Việc ấy diễn ra trong suốt mấy
tiếng đồng hồ. Mỗi khi tôi nghĩ về chuyện ấy, cơn giận lại trở nên dữ
dội hơn.
Tôi đi ngủ với cơn giận ấy. Và năng lượng cùng với ảnh hưởng của nó trên
thân thể đã đánh thức tôi dậy thật sớm. Tôi giật mình khi thấy rằng, tôi
thức dậy với một cơn giận có cùng một cường độ như hôm trước. Tôi bắt
đầu tự hỏi: “Chuyện gì đây? Tại sao tôi lại bị mắc kẹt vào cảm xúc này
đến như vậy?” Ngay lúc đó, tôi không đặt câu hỏi một cách máy móc. Tôi
thực sự muốn biết việc gì xảy ra, tại sao tâm tôi lại bị dính mắc và
đồng hóa với cơn giận đến thế!
Ngay vừa lúc tôi đặt những câu hỏi ấy, chuyển hướng cái nhìn của mình,
toàn thân tôi bỗng trở nên nhẹ nhàng, và cơn giận biến mất. Thật như là
một phép lạ! Ngày hôm đó tôi lại nói chuyện với người đã làm tôi nổi
giận. Chúng tôi đã có thể nói thẳng đến vấn đề một cách dễ dàng và hữu
ích, vì cơn giận và sự trách móc không còn có mặt.
Thế nên, không phải ta trốn tránh việc đối diện với hoàn cảnh bên ngoài,
nhưng nếu ta có thể làm cho tâm mình được thông suốt trước thì giải pháp
cũng sẽ đến một cách tự nhiên.
Có lẽ lần đầu tiên khi bạn áp dụng phương pháp đơn giản này, không để bị
đồng hóa với cảm xúc của mình, sẽ không được hoàn hảo lắm. Nhưng cũng
như mọi sự tập luyện khác, chúng ta cần phải kiên tâm và có một sự ham
muốn. Mỗi khi chúng ta chặt đứt được sợi dây xiềng xích của cảm xúc, ta
sẽ kinh nghiệm được một sự tự do vô cùng, tâm ta sẽ trở lại thênh thang
và biết chấp nhận như xưa.
Lần sau, nếu bạn có bị vướng mắc trong một cảm xúc mạnh mẽ, hoặc đau
đớn, bạn hãy tự hỏi mình ba điều: “Hoàn cảnh bên ngoài là gì?”, “Tôi
phản ứng ra sao, tôi cảm thấy như thế nào?”, và “Mối tương quan của tôi
với cảm xúc này như thế nào? Tôi bị mắc kẹt ra sao?”
Từng bước một, qua từng trường hợp một, chắc chắn rồi một ngày chúng ta
sẽ biết được thế nào là thực sự được tự do.