Cái ngã, cái tôi lành mạnh thấy biết rõ ràng mọi thứ, không cần phải
dùng những sự biện minh để hợp lý hóa những ý nghĩ hay việc làm của
mình. Một người có tâm trí lành mạnh luôn luôn có sự hiểu biết đúng,
biết rõ mình muốn gì và những gì mình có thể làm được, những gì không
làm được. Người ấy biết quan sát, suy xét và quyết định hợp lý để không
làm tổn thương đời sống của mình cũng như người khác. Ngược lại, một
người bệnh tâm thần thường không có cái tôi lành mạnh như thế, như trong
trường hợp người bị bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia) không còn
khả năng biết được sự thật những gì đang xảy ra, có kẻ nhẹ hơn thì cơ
chế tự vệ luôn hoạt động để bảo vệ họ khỏi bị những lo âu xao xuyến nhất
thời, tạo nên sự nhận biết sai lạc về những gì đang xảy ra bên trong tâm
mình cũng như bên ngoài cuộc đời.
Tâm lý trị liệu như thế có mục đích làm cho cái ngã được lành mạnh. Cái
ngã xuất hiện là do sự xung đột giữa bản năng và siêu ngã để làm cho đời
sống chúng ta được quân bình. Do đó, một cái ngã lành mạnh là một cái
ngã uyển chuyển, biết thích nghi với những đổi thay trong cuộc sống để
giải trừ các mối bất an.
Nếu tìm hiểu sâu hơn nữa thì chúng ta thấy khái niệm về ngã trong khoa
tâm lý trị liệu và đạo Phật có sự khác nhau. Trong đạo Phật, khi nói về
ngã thì chúng ta nói về tính chấp chặt, bám víu vào những ý tưởng, những
cảm giác, những ham muốn, những tâm tư vui buồn thương ghét, những hình
ảnh, âm thanh, màu sắc, hương thơm, mùi vị, xúc chạm để tìm niềm vui
trong cuộc sống. Như thế, chữ ngã (trong trạng thái mê mờ) trong đạo
Phật bao gồm cả ba phần: xung động bản năng (id), ngã (ego) và siêu ngã
(superego) hay là lương tâm trong ngành tâm lý trị liệu.
Khi đạo Phật nhấn mạnh đến cái vô ngã hay là chân ngã, tánh rỗng lặng,
rộng lớn, tinh sạch, không chút dính mắc, uyển chuyển, linh động vô
cùng, thì đó chính là cái ngã ở trong trạng thái lành mạnh nhất mà ngành
tâm lý trị liệu đã nói đến một cái ngã lý tưởng. Chân ngã cũng còn được
gọi là chân tâm hay tâm giác ngộ.
Như thế, vô ngã hay chân ngã là sự hiện hữu tròn đầy và trong sáng nhất
của mỗi chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Sống vô ngã không phải là
một lối biện minh cho những kẻ muốn trốn chạy sự thật. Nhiều người có
thể đã dùng ý niệm không và vô ngã như một lối bào chữa cho những hành
vi sai lầm của họ. Đạo Phật không phải là một kiểu cơ chế tự vệ giúp ta
trốn tránh sự thật, giúp ta biện minh cho những hành vi sai lầm. Đạo
Phật giúp chúng ta thấy rõ sai lầm là sai lầm, đúng đắn là đúng đắn, hay
nói cách khác là nhận biết mọi sự vật hoàn toàn đúng thật như bản chất
của chúng.
Thiền là cách thực hành rốt ráo sự thấy biết chân thật nói trên từ giây
phút này qua giây phút khác. Do đó, người tu thiền thường được khuyến
khích thọ Tam quy y (nương tựa vào Phật, Pháp và Tăng) và Ngũ giới
(nguyện không giết người, không trộm cắp, không làm điều tà dâm, không
nói dối, và không sử dụng các chất độc hại). Nếu thực hành đúng đắn
những điều trên thì chúng ta sẽ dần dần nhận biết rõ ràng mọi sự việc,
cái ngã sẽ trở nên lành mạnh hơn. Trước đây chúng ta có quá nhiều ham
muốn và dùng đủ cách để che đậy hay biện minh cho những cái xấu. Giờ đây
ta biết mình rõ hơn, không còn che đậy mình như trước kia nữa. Ngay cả
những sự khôn lanh mà ta tự hào có nhiều hơn người khác, giờ đây tự
chúng cũng tan biến dần đi.
Như thế, một người muốn tu thiền trước hết phải có một nếp sống lành
mạnh. Nếu không, họ có thể dùng thiền như một cách trốn chạy đời sống.
Nhiều tà phái hiện nay ở Hoa Kỳ đang khai thác những điều này và biến
những người muốn trốn chạy khổ đau thành những kẻ nô lệ tinh thần cho tổ
chức tôn giáo trá hình hay cá nhân họ.
Nếu phân tích đời sống của ngài Huệ Năng, vị tổ thứ sáu của Thiền tông
Trung Hoa, chúng ta sẽ thấy trước khi tìm thầy học đạo, ngài đã có một
cái ngã rất lành mạnh: thương mẹ già, sống chân thật, chất phát, làm
việc (đốn củi) có hiệu quả, đối xử với người rất lễ độ và thành thật nên
dễ tạo sự cảm mến nơi người khác.
Các vị thiền sư danh tiếng ở Việt Nam như vua Trần Nhân Tông, Tuệ Trung
Thượng Sĩ, thiền sư Hương Hải.v.v... cũng đều có cái ngã lành mạnh đó.
Trần Nhân Tông là vị vua học rộng hiểu nhiều, đầy lòng nhân từ nhưng
cũng rất dũng cảm. Tuệ Trung Thượng Sĩ là một người thuộc hoàng tộc nhà
Trần cũng đầy thao lược và võ dũng. Thiền sư Hương Hải vốn đạo hạnh và
học rộng biết nhiều. Khi có được cái ngã lành mạnh, nói theo cách thông
thường một người có hiểu biết, có nhân nghĩa, biết phải trái, có đạo
đức, thì sự tu tập để biết được tánh không của ngã hay vô ngã tương đối
dễ dàng.
Một người có cái ngã bệnh hoạn như tham lam quá độ về danh vọng, tiền
tài, tình dục, ăn uống, hay rượu chè... thì thật khó cho họ biết rõ thật
sự điều gọi là vô ngã. Họ sẽ dùng thiền, dùng đạo Phật hay bất cứ một
đạo gì họ đang thực hành để biện minh cho lòng ham muốn của mình. Thảm
kịch của đời họ sẽ biến thành thảm kịch của tôn giáo và xã hội họ nếu họ
nắm được quyền uy. Thay vì thể hiện sự vô ngã, họ thổi phồng cái ngã
mình lên cực độ và đồng hóa nó với chân lý tôn giáo. Đó là thảm kịch của
nhiều tôn giáo trong lịch sử.
Khi ngài Triệu Châu dạy: “Tâm bình thường là đạo” thì điều ấy mang một ý
nghĩa sâu xa về cả hai mặt đời và đạo. Về mặt đời thì tâm bình thường là
sự hiểu biết những cái đúng, sai, hay, dở, tốt xấu trong cuộc sống để
luôn hành động cho phù hợp với lẽ phải, với luân lý đạo đức. Về mặt đạo
thì thấy rõ, biết rõ làm đúng nhưng lòng thong dong tự tại một cách tự
nhiên, vì tâm giác ngộ tự nó là trong sạch, tự nó là an vui, tự nó là
tình thương yêu trong sáng, tự nó là niềm hạnh phúc và là sự thanh thản
bao la.