Những bài viết trong tập sách này chỉ là một cố gắng nhỏ bé nhằm trình
bày những đóng góp của Phật giáo vào nền văn hóa nhân loại. Hiện nay,
các nước châu Âu, châu Úc và châu Mỹ đều đang trong giai đoạn tìm hiểu
tư tưởng và sinh hoạt Phật giáo. Rất nhiều người đã tham dự vào các
chương trình tu tập cùng thưởng thức các nét đẹp của nền văn hóa Phật
giáo qua các sinh hoạt thiền quán, Hoa đạo, Trà đạo, vườn cảnh... cùng
các sinh hoạt khác mà những dân tộc châu Á đã mang theo đến xã hội
phương Tây.
Một trong các chân lý mà Đạo Phật nhấn mạnh là tính cách thường hằng
giữa mọi cái vô thường, cái không bao giờ thay đổi giữa những sự thay
đổi tiếp nối nhau đến vô cùng.
Cái không bao giờ thay đổi vốn bao la như vũ trụ, trong sáng tĩnh lặng
không có bắt đầu và tận cùng. Đó là chân tâm, là Phật tánh, là tâm chân
thật nơi mỗi chúng ta. Tâm này không có bắt đầu và không có tận cùng,
không có sinh ra rồi chết đi, bao la cùng khắp nên không đến từ đâu và
cũng không đi về đâu, vừa tĩnh lặng vô cùng mà vừa linh động kỳ diệu,
nên được gọi là tịch và chiếu.
Nơi loài vật và thiên nhiên, tánh rỗng lặng, trong sáng, tinh sạch, tỏa
chiếu ấy vẫn có, nên nói rằng Phật tánh có mặt ở mọi loài và mọi thứ.
Tánh chân thật tự nhiên ấy được gọi là Pháp giới tánh hay là tánh của
vạn pháp trong thế giới chân thật. Đó là thế giới của cái tuyệt đối, hay
thế giới của lý.
Mọi sự vật đều bị hạn chế trong không gian và thời gian và có tính vô
thường. Tánh thay đổi hay vô thường là một tiến trình tự nhiên, miên
viễn của mọi sự vật, của vạn pháp, trong thế giới hằng ngày và ở khắp
mọi nơi. Tất cả sự vật đều được sinh ra, có mặt, hư hoại rồi tan rã khi
duyên kết hợp giữa chúng không còn nữa. Các phần tan rã này rồi sẽ kết
hợp với nhau khi gặp những yếu tố thuận lợi mới, hay duyên mới, để rồi
lại xuất hiện trong một hình thái mới mà Đạo Phật gọi là duyên hợp hay
duyên khởi. Nếu nhìn mọi sự vật, hay vạn pháp, qua những chuỗi tác động
mãi mãi không cùng, trùng trùng điệp điệp, thì chúng ta thấy được tính
cách trùng trùng duyên khởi của vạn pháp. Đó là thế giới của mọi sự vật
trong không gian và thời gian tương đối, hay thế giới của sự.
Điều kỳ diệu của đời sống là cái tuyệt đối, hay lý, cũng không bao giờ
tách lìa cái tương đối, hay sự. Lý và sự, cái tuyệt đối và cái tương đối
cùng lúc có mặt với nhau, trong nhau, không hề tách rời, không hề ngăn
ngại, như nước và sóng trong biển cả. Đó là thế giới của lý sự viên
dung, là sự hòa hợp tròn đầy giữa tuyệt đối và tương đối. Và điều kỳ
diệu hơn nữa là trong thế giới hằng ngày có mặt mọi màu sắc, dáng vóc,
âm thanh, mùi, vị, cảm xúc cùng các ý tưởng, tâm tư... tất cả đều trong
sáng, rỗng lặng, yên ổn trong những thay đổi, tác động, chuyển biến
thuận nghịch vô cùng vô tận. Đó là thế giới của sự sự vô ngại, là cảnh
giới mà mọi thứ cùng có mặt bên nhau nhưng không ngăn ngại nhau. Đó là
cảnh giới của tâm giác ngộ hay trong trạng thái tự do tuyệt vời, siêu
việt lên mọi mâu thuẫn của những sự khác biệt.
Các nét đẹp của nền văn hóa Phật giáo sáng rực trong cái lý, trong cái
sự, trong lý sự viên dung và trong sự sự vô ngại pháp giới đó. Thật ra,
cái đẹp kỳ diệu ấy không giới hạn trong nền văn hóa của một dân tộc hay
nhiều chủng tộc, trong nền văn hóa của phương Đông hay phương Tây. Cái
kỳ diệu đẹp đẽ bao la ấy có mặt ở mọi nơi, mọi chốn.
Thấy được cái thiên thu vĩnh cửu nơi một chiếc lá ngô đồng rực rỡ vừa
rụng xuống trên bãi cỏ xanh; nhìn được cái lặng yên bất động nơi những
cánh bướm bay lượn chập chờn quanh những đóa hoa xuân tươi thắm vừa chớm
nở; bắt gặp được nét mặt an bình và nụ cười thầm lặng sâu thẳm nơi khuôn
mặt của một thanh niên đang hoạt động náo nhiệt giữa chốn phố phường,
cũng giống như nét mặt và nụ cười của một tượng Phật cổ trong ngôi chùa
tĩnh mịch, xa cách trần gian; nghe được cái tĩnh lặng vô cùng trong
những âm thanh vang dội; an ngự trong sự bình an tỏa chiếu giữa mọi sự
quay cuồng, náo nhiệt, chuyển biến, thương yêu hay ghét bỏ... Với đôi
bàn tay trần, cầm được đóa hoa tỏa đầy hương thơm cùng màu sắc rực rỡ
của thiên thu vĩnh cửu trong một phút giây ngắn ngủi.
Đó là sự tự do cao vút nhất và cũng là sâu thẳm nhất, đó là niềm hạnh
phúc bao gồm cả đất trời, mênh mông vô tận, không có bắt đầu và tận
cùng. Đó là sự chân thật diễn ra từng giây phút nơi đây và mọi chốn. So
với sự chân thật của cuộc đời ấy, những điều trình bày trong tập sách
nhỏ bé này chỉ là hạt bụi trong vũ trụ mênh mông.
Chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn các tác giả có ảnh được sử dụng trong sách
này. Đó là những bức ảnh Trà đạo và vườn thiền do Sở Thông tin Nhật Bản
phổ biến, bức ảnh tượng Phật ở bảo tàng viện Victoria và Albert, ảnh của
Zena Flax về một cộng đồng Phật giáo ở Anh, các bức cổ họa Trung Hoa và
Nhật Bản và các bức hình khác, cùng hình vẽ các vị Phật và hình đăng
trên những tạp chí Phật giáo không có ghi tên tác giả.
Phật Lịch 2537
Đệ tử THÍCH PHỤNG SƠN cẩn bái
Xuân Quý Dậu – 1993